Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2018

Huy Đức lại vận động ghế cho Nguyễn Phú Trọng ?

Thường Sơn - Huy Đức

Gần 4 năm sau Đại hội 12, có thể cho rằng đây là lần thứ hai Huy Đức tung ra một bài viết có trọng lượng với quan điểm vận động sự ủng hộ cho ‘người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam’.

huyduc1

Blogger Huy Đức

Ngày 30/9 năm 2018 và trùng với một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước, Huy Đức đã đưa lên facebook của blogger này bài ‘Nhất thể hóa’, với lời mào đầu :

"Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ "cấu thành hình thức" này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hòa bán tổng thống". 

Đáng chú ý, bài PR ‘nhất thể hóa’ hiện ra cùng lúc với một tin tức ngoài lề cho biết kết quả ‘tôi không bất ngờ’ dành cho Nguyễn Phú Trọng, còn vai trò ‘quyền chủ tịch nước’ của ủy viên trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh có lẽ chỉ có được tuổi thọ vỏn vẹn một tháng.

Buổi sáng 28/9, trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra vào tuần tới’, cái cách thông báo của quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - về "Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ" (phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước) chắc chắn là ẩn số đáng mổ xẻ nhất trong phương trình mang tên ‘Ai sẽ làm chủ tịch nước’.

Trong khi đó, lại có thông tin cho biết kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ đang chiếm ưu thế. Thậm chí thông tin này còn dự đoán chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ chẳng phải ai khác, sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước.

Tại Hội nghị trung ương 8, nếu xuất hiện hiện tượng một số cựu thần, quan chức và ‘quần chúng nhân dân’ đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản tổ chức một chiến dịch PR cho ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"…

Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm. Vào giữa năm 2017, chỉ một dòng status lấp lửng của cây bút quá thâm này về số phận đại gia Trần Bắc Hà đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam suýt rơi vào hoảng loạn và lao dốc khiến mất đi 2 tỷ USD vốn hóa.

Gần 4 năm sau Đại hội 12, có thể cho rằng đây là lần thứ hai Huy Đức tung ra một bài viết có trọng lượng với quan điểm vận động sự ủng hộ cho ‘người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam’, dù trong bài viết này không hề nhắc đến cái tên Tổng bí thư Trọng - người đã chiếm thế thượng phong sau khi tái cử tổng bí thư tại đại hội 12, được tụng ca thành ‘Người đốt lò vĩ đại’ và ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, và trong thực tế đã mất sạch đối thủ chia sẻ trách nhiệm ‘thống lĩnh các lực lượng vũ trang’ sau cái chết của Trần Đại Quang.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 01/10/2018

********************

Nhất thể hóa

Huy Đức, 30/09/2018

Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất "biên chế" sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.

Newly re-elected Vietnam Communist Party Secretary General Nguyen Phu Trong (C) claps with Politburo members Tran Dai Quang (2nd L), Nguyen Xuan Phuc (2nd R), Nguyen Thi Kim Ngan (R) and Dinh The Huynh (L) as they pose with the VCP's new 200-member centra

Bộ Tứ trước kia. Ảnh minh họa

Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ "cấu thành hình thức" này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hòa bán tổng thống.

Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.

huyduc3

Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng đang chuẩn bị cái gì đây ? Ảnh : VOV

Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.

Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với "nội các".

Tháng 9/1997, khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Võ Văn Kiệt nói về người kế nhiệm, "Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước". Trong khi ông Phan Văn Khải thừa nhận, "Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt".

Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng "Tam Nhân", ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu "nội các kinh tế". Ông Khải là một nhà kỹ trị. Chính phủ của ông rất khác với Chính phủ Võ Văn Kiệt và càng rất khác với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và, cho dù dưới thời một Tổng bí thư như Tướng Lê Khả Phiêu hay như Nông Đức Mạnh, ông Khải vẫn điều hành "nội các kinh tế" (phần mà ông có thực quyền) một cách mực thước và để lại các di sản rất là quan trọng.

Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một "vua". Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất "quần ngư tranh thực" ; thị trường chỉ là chợ đen ; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.

Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.

Huy Đức

Nguồn : FB Huy Đức, 30/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 897 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)