Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2018

Sao lại lên giọng ‘dạy dỗ’ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ?

Thảo Vy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73. Góc nhìn là một thư ký từng soạn diễn văn cho quan chức cấp hàm thứ trưởng, ông N.C.K nói rằng người chấp bút bài phát biểu cho ông thủ tướng tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, dường như đã quá sơ sảy khi quen dùng giọng điệu tuyên giáo để huấn thị…

lhq0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh : VGP

Tầm nhìn đến đâu ?

Ông N.C.K có trong tay bài diễn văn tiếng Việt của ông Nguyễn Xuân Phúc dùng để cho người phiên dịch chuyển ngữ (1).

Trong bài diễn văn này, cách diễn đạt của ông thủ tướng Việt Nam dễ làm quan khách nước ngoài bật cười, khi ông sử dụng kiểu câu mệnh lệnh : "Tôi đề nghị vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu". "Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu Vì một thế giới hòa bình, công bằng, và phát triển bền vững".

Bật cười vì những ‘đề nghị’ đó của ông Thủ tướng giống như thành ngữ ví von của người Việt : "Chân mình thì lấm mê mê…".

"Nhiều sáo ngữ mang tính xu nịnh và không tôn trọng lịch sử". Ông N.C.K nhận xét. Đây là điểu tối kỵ của thư ký soạn diễn văn dành cho chính khách đọc trên các diễn đàn quốc tế, vì nó sẽ gây tranh cãi và tạo phản cảm tức thì đối với người nghe.

Trong bài diễn văn có những đoạn không đúng sự thật lịch sử như sau : "Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc trong hơn 70 năm qua" ; "Như phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Phiên khai mạc đã nhắc lại phát biểu của cố Tổng Thư ký Kofi Annan kính mến : "Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có Liên hợp quốc". Đó cũng là lý do vì sao, sau khi tuyên ngôn thành lập nước ngày 2/9/1945, tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc".

Vào ngày 20/9/1977, tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Khi ấy, tham dự kỳ họp của đoàn đại biểu Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, và lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ ‘đồng hành’ với Liên Hiệp Quốc mới có 41 năm.

Thông tin chi tiết hơn, thì vào năm 1957, Việt Nam Cộng Hòa đứng đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển lên Hội đồng Bảo an quyết định. Liên Xô muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng gia nhập, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối việc này với lý do đất nước Việt Nam là thống nhất, và chỉ có thể có một chính phủ đại diện ở Liên Hiệp quốc. Vì vậy, đề nghị này bị Liên Xô phủ quyết. Cho đến khi chấm dứt tồn tại (năm 1975), Việt Nam Cộng hòa vẫn không phải là thành viên của Liên Hiệp quốc (2).

"Tôi nghĩ rằng ngoài tình tiết số liệu thiếu tôn trọng lịch sử, thì khó phù hợp ngữ cảnh khi chuyển ngữ cụm mỹ từ ‘… kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc’. Phát biểu này khiến người ta được quyền nghi ngờ về tính xác thật của những lời mà ngài thủ tướng Việt Nam đã đọc trước diễn đàn".

Xỏ lá…

"Tôi nghĩ rằng nếu chụp mũ chính trị, thì thư ký soạn diễn văn này cho ngài thủ tướng phải chịu án hình sự về tội tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng". Ông N.C.K nhận xét.

"Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững ; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế ; bảo vệ tốt môi trường ; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Việt Nam cũng đã nỗ lực bảo vệ tốt các di sản văn hóa và thiên nhiên, gìn giữ bản sắc dân tộc" – trích diễn văn của ông Nguyễn Xuân Phúc đọc tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73.

Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang đầu tư rải khắp Việt Nam, Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee & Man tại Hậu Giang… là những dẫn chứng dễ thấy nhất cho sự thật của phát biểu "hỗ trợ các nhóm yếu thế, bảo vệ tốt môi trường" của ngài thủ tướng Việt Nam.

Theo nghiên cứu công bố hồi cuối quý 1/2018 của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế), đã có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi ; trong đó có 40 nhà hoạt động xã hội và môi trường, 57 tín đồ các tôn giáo. Về độ tuổi, có hai người dưới 25 tuổi, và 18 người trên 65 tuổi, số còn lại từ 25 đến 64 tuổi.

Thế nhưng ngài thủ tướng lại đọc diễn văn rằng Việt Nam "bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người".

"Xỏ lá nữa còn là chuyện thư ký soạn đoạn Việt Nam tham gia vào Liên Hiệp Quốc mà ngài thủ tướng đã tỉnh bơ đọc, mà không biết rằng mình đang bị chơi đòn đau về kiến thức". Ông N.C.K nói thêm.

Số là ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị thay thế bởi chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị thế một nhà nước độc lập đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) tại miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai lá đơn xin tham gia Liên Hiệp Quốc riêng biệt của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Bắc Việt và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – Nam Việt vào năm 1975. Đến ngày 8/8/1975, Hội đồng Bảo an đã đồng thuận chấp nhận và đề cử với Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cho cả hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Bắc Việt lẫn Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – Nam Việt được tham gia vào Liên Hiệp Quốc.

Sau khi hai nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào ngày 2/7/1976, thì Việt Nam mới trở thành một quốc gia với một chính phủ duy nhất. Sau đó, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 1977 như đã nói ở phần trên của bài viết.

Bản lãnh chính trị của một chính khách còn thể hiện qua những gì họ đăng đàn. Phải chăng ở đây ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ Chính trị cho sắm vai vượt quá tầm ?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 01/10/2018

(1)  http://bit.ly/2ImOURp

(2) http://bit.ly/2zBh6gF

Quay lại trang chủ
Read 681 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)