Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/10/2018

Ý nguyện dân chúng và quyền lực của đảng

Lê Trung Tĩnh

Mâu thuẫn Nguyễn Phú Trọng : Ý nguyện dân chúng và quyền lực của đảng

So với các lãnh đạo cộng sản khác ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã mang đến, hay ít nhất đã khéo léo tạo cho người ta thấy, các tố chất quan trọng của những người làm chính trị đích thực. Đó là phải có lý tưởng và đi đến cùng trong việc thực hiện lý tưởng của mình. Với cách thức loại bỏ các đối thủ chính trị bằng hình thức đấu tranh chống tham nhũng, ông Trọng đã phần nào nâng tầm cuộc tranh đoạt ngôi vị bằng tiền thành một cuộc chạy đua lý tưởng và quan điểm chính trị. Mặc dầu đằng sau các lý tưởng chính trị cũng là các thế lực kim tiền, cuộc chạy đua lý tưởng bản thân nó cũng hướng thượng và tích cực hơn.

ydan1

Với cách thức loại bỏ các đối thủ chính trị bằng hình thức đấu tranh chống tham nhũng, ông Trọng đã phần nào nâng tầm cuộc tranh đoạt ngôi vị bằng tiền thành một cuộc chạy đua lý tưởng và quan điểm chính trị.

Một bài học chính trị từ trường hợp của ông Trọng mà có lẽ những người quan tâm hay thực hành chính trị cần phải quan tâm, đó là tập trung xây dựng đảng của mình. Đáng tiếc trong một chế độ độc đảng, điều này đi cùng với việc tận diệt các tiếng nói chính trị khác. Ông Trọng dành nhiều thời gian và phát biểu cho việc củng cố tổ chức, xây dựng hệ thống thân cận và đảng của ông vững mạnh. Để lãnh đạo và dẫn lối chính trị cần có nhiều đóng góp và dấu ấn cá nhân. Nhưng để tiến hành và thực thi các công việc chính trị về lâu dài cần phải có một hệ thống và đảng phái mạnh mẽ và thông suốt. Các cuộc họp cán bộ hưu trí, của đoàn viên thời gian qua mà ông phát biểu về việc chán đảng khô đoàn cho thấy ông Trọng nắm rõ tầm quan trọng của tổ chức hệ thống.

Chiến dịch chống tham nhũng dầu giúp ông Trọng thành công trong việc tăng cường quyền lực, tác dụng thực chất của nó cho đất nước lại là một chuyện khác. Dầu kêu gọi chống tham nhũng, ông Trọng và hệ thống của ông tiếp tục hạn chế các quyền tự do của người dân, tăng cường trấn áp bằng bộ máy công an và an ninh đồ sộ, giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp, và bịt miệng báo chi, vốn là những công cụ và cách thức đắc lực nhất để chống tham nhũng.

Là người làm chính trị, thực hành quyền lực, hơn ai hết ông Trọng biết rằng trong một chế độ độc đảng, tham nhũng là hình thức chia của cải và lợi ích hiệu quả cho những thành viên, những nhóm trung thành và đắc lực trong việc bảo vệ chế độ. Ở Việt Nam đó là những người nắm vũ khí, phương tiện trấn áp người dân, và truyền thông, phương tiện triệt tiêu tiếng nói khác biệt. Nếu không có tham nhũng, lấy gì bảo vệ chế độ này ?

Chỉ cần để ý một chút sẽ thấy khẩu hiệu chống tham nhũng của ông Tổng bí thư không đi kèm với những thay đổi căn cơ trong lực lượng thanh gươm lá chắn cũng như trong các bài của tuyên giáo. Công an vẫn ăn hối lộ đến tận cùng và trong những tổ hưu trí người ta vẫn bày nhau từ trên xuống dưới những "lập luận" để lý giải cho chuyện đó. Ví dụ như câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh kinh vẫn phải hối lộ, hay không ăn hối lộ thì anh cảnh sát giao thông cực khổ ngoài đường cả ngày sẽ sống không đủ với đồng lương. Thỏa hiệp với sự vô đạo đức thậm chí còn được các lãnh đạo cộng sản nâng lên tầm văn hoá dân tộc : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Thanh tra Chính phủ mà đi kiện các ông Bộ trưởng có tài sản bất minh là "không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam" (!).

Giờ đây với quyền lực rất lớn trong tay, ông Trọng sẽ có nhiều quyền quyết định hơn nhưng cũng sẽ đối mặt với trách nhiệm cá nhân hơn. Một trong những vấn đề đầu tiên đối với ông Trọng sẽ là luật đặc khu. Các cuộc biểu tình của người dân vào tháng sau và cuộc nổi dậy ở Bình Thuận là chỉ dấu rất rõ ràng của lòng dân về dự luật này. Ông Trọng sẽ đứng trước lựa chọn quan trọng : lắng nghe ý kiến người dân hay thông qua việc hình thành đặc khu để có tiền nuôi dưỡng các lực lượng bảo vệ chế độ và đàn áp.

Ông Trọng cũng sẽ đối diện trực tiếp với mâu thuẫn giữa ý nguyện của dân chúng và của đảng cộng sản đang cầm quyền. Cuộc "Bầu cử lãnh đạo nước Việt Nam dân chủ" trên mạng (baucudanchulink.wordpress.com/) dầu với quy mô chưa lớn, cũng thể hiện so với các ứng cử viên khác ngoài đảng cộng sản, số phiếu ủng hộ ông Trọng không cao, cho thấy có rất nhiều khoảng cách giữa lòng dân và ý đảng. Dầu vẫn là lãnh đạo của một nước độc đảng, vị trí Chủ tịch nước đặt ông Trọng rõ ràng hơn trước trách nhiệm đối với gần 100 triệu dân, chứ không chỉ trên 4 triệu đảng viên.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy mối quan tâm đặc biệt đến mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội của nhiều thập kỷ trước, của Cách mạng tháng 10 Nga trong nhiều phát biểu và bài viết, thậm chí sách. Ông nhấn mạnh vai trò kinh tế nhà nước, tăng cường hệ thống lãnh đạo tập trung, của một đảng. Sẽ khó có chuyện quay lại thời kinh tế tập trung, bao cấp nhưng kinh tế nhà nước sẽ có khuynh hướng chủ đạo hơn. Về chính trị sẽ có nhiều hạn chế tự do cá nhân và phát biểu, luật biểu tình sẽ không còn được nhắc đến. Luật an ninh mạng, xây dựng mạng xã hội của riêng Việt Nam do nhà nước quản lý sẽ là những việc được thúc đẩy nhiều hơn.

Và đó thực sự là một điều không tốt khi các xu hướng kinh tế như mạng xã hội, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo cần một sự linh động, sáng tạo và tự do phát kiến, kinh doanh của từng người dân, chứ không phải của các tập đoàn nhà nước... Giấc mơ để tạo những sản phẩm mang màu sắc nhà nước hay nội địa như vậy ở Việt Nam là một sự hoang tưởng, và nếu có thành công (theo nghĩa thiết lập được) thì là một sự cô lập khỏi thế giới về văn hóa, kinh tế. Làm như vậy chúng ta vừa tách ly với thế giới như người thụ hưởng, vừa ra khỏi các chuỗi cung ứng các dịch vụ trên, và do đó mất một nguồn lợi kinh tế và tri thức khổng lồ.

Vấn đề quan hệ với Trung Quốc cũng là một thử thách đối với ông Trọng. Là người nắm cả hai vị trí đứng đầu đất nước và đảng hiện đang lãnh đạo đất nước, các quyết định liên quan đến Trung Quốc của lãnh đạo Việt Nam sẽ khó có thể được giải thích là một quyết định tập thể như trước. Quyết định của ông Trọng sẽ là cuối cùng và ý nghĩa của quyết định đó sẽ gắn liền với tên tuổi ông. Vốn đã được cho là người thân Trung Quốc, các quyết định liên quan đến Trung Quốc của ông Trọng, ví dụ như rút hay không rút mũi khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc hay việc chọn lập trường thế nào trong các căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi Mỹ tăng cường đảm bảo tự do hàng hải, sẽ cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều. Nếu không, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được lưu vào sử sách với những tên tuổi mà không ai muốn nhắc đến.

Lê Trung Tĩnh

Nguồn : VNTB, 09/10/2018

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, nhà sáng lập mạng xã hội Livenguide (https://www.livenguide.com). Hiện đang sống và làm việc tại Anh.

Quay lại trang chủ
Read 904 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)