Ông Lê Xuân Nhuận, một người chuyên đả kích Công giáo và chính phủ Ngô Đình Diệm, cho phổ biến cuốn "Những ngày bên Ngô Đình Diệm" của Văn Bia trên diễn đàn của Phật Giáo (Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.), tôi đoán ngay anh này lại định chơi trò ném đá giấu tay nữa rồi, mượn Văn Bia để đánh phá. Quả đúng như vậy. Anh ta đã trích toàn những đoạn xuyên tạc lịch sử để bêu xấu ông Diệm và Công giáo. Đây là những chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Sách "Những ngày bên Ngô Đình Diệm" của Lê Văn Bia
Những chuyện Văn Bia viết trong phần "IIa. Giai đoạn 1947…", như sau :
1. Chuyện ông Diệm ở Dòng Chúa Cứu Thế Huế
Văn Bia viết :
"Riêng ở Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm đã nương thân trong nhà dòng Chúa Cứu Thế tại Huế trước khi tá túc trong nhà dòng ở Sài Gòn, và lần ở ngoài đó ổng đã lâm cảnh khốn đốn đến nỗi phải đội lốt ông già gánh cháo heo để thoát thân. Lần nào cũng vào lúc tôi có mặt tại chỗ mà không để ý" (trang 31)...
"Sau đó không bao lâu, cha Yến đưa tôi tới ông Diệm, nói là cụ Diệm muốn gặp tôi và cha khuyên tôi nên làm việc giúp cụ. Cuộc diện kiến diễn ra tại phòng ông Diệm trọ trong nhà dòng....
"Và càng ngạc nhiên hơn, là sau đó ông Diệm lại thâu dùng tôi, thường chuyện vãn với nhau thân mật. Nhiều lần ông còn nói với tôi :
- Anh làm thư ký cho tôi hỉ ?...".
Láo :
Ở Huế ông Diệm luôn ở nhà ông Ngô Đình Khả ở Phủ Cam chứ không bao giờ ở Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Gia đình ông Diệm thuộc loại giàu có ở Huế, có ruộng vườn làm nguồn lợi. Từ ngày ông thôi chức Thượng thư, đi đâu cũng đi bằng xe kéo có vài người đi theo. Ông Võ Văn Hải và ông Võ Như Nguyện thường được ông Diệm sai đi chuyện nọ chuyện kia. Ông Hải theo ông Diệm từ hồi còn làm Tuẫn Vũ, qua Pháp học đậu về Science Politique, trở về vẫn theo ông Diệm. Ông Võ Như Nguyện là giáo sư, từng giữ chức Giám Đốc Công An Trung Phần.
Ông Diệm chẳng bao giờ "lâm cảnh khốn đốn đến nỗi phải đội lốt ông già gánh cháo heo để thoát thân" như Văn Bia bịa đặt.
2. Chuyện ông Diệm ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
Văn Bia viết :
"Nhà dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng Sài Gòn là nơi tôi gặp ông Ngô Đình Diệm lần đầu tiên vào khoảng năm 1947, trong một căn phòng nhỏ mà trước đó vài năm, chính tôi cũng đã có tạm trú đôi ngày, để chờ chuyến xe lửa ra Huế, đi học tu trở lại lần thứ hai…
"Ông Diệm ở ẩn trong một căn phòng, sống đời yên lặng của một tu sĩ, cũng luôn luôn mặc áo dài thâm quần trắng. Có ai tình cờ gặp chắc cũng tưởng đây là một người trong nhà dòng…
"Tôi hình dung cách ông được tiếp đãi ở đó giống như trước kia tôi đã hưởng qua trong mấy ngày, như vào giờ cơm được một thầy giúp việc mang ẩm thực đến, có chuông bấm gọi mỗi khi cần việc gì, v.v…
"Nhưng tôi nào biết nhà dòng cũng đang có cho ông Diệm nương náu, và cũng không rõ ông đã đến ẩn náu trong nhà dòng trước hay sau tôi… (các trang 21-22).
Láo :
Ngày 15/07/1944 mật thám Pháp bắt đầu đến vây nhà ông Khả ở Phủ Cam, Huế, để bắt ông Diệm, thấy chiếc xe kéo còn trước sân nên tin rằng ông Diệm vẫn còn trong nhà. Biết đang bị Pháp vây, trong nhà cho ông Trưng ra đứng bên xe giả như đang đợi đưa ông Diệm ra đi, rồi ông Diệm mặc bộ áo bà ba lụa cùng với ông Hoàng Văn Phẩm đi ra cửa sau phía đường Phan Châu Trinh và qua cầu Phủ Cam. Mật thám Pháp gác hai bên cầu, nhưng không nhận ra ông Diệm vì họ không ngờ ông đi bộ. Cả hai giả nói chuyện về làm vườn và đi đến phía nhà ông Lãnh sự Nhật gần Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Ông Phẩm cho biết ông Diệm đã vào nhà ông lãnh sự Nhật và ở đó ba ngày, rồi ngày 17/07/1944 Trung úy Kuga của Nhật đưa ông Diệm vào Đà Nẵng và lấy máy bay đưa ông Diệm đi Sài Gòn, rồi đưa ông đến ở trong trường Petrus Ký với vài nhà cách mạng khác, nơi đây đang bị Nhật chiếm làm căn cứ quân sự... Ít lâu sau, ông Diệm đi về Vĩnh Long ở với Giám mục Ngô Đình Thục, chớ không ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Chính Giám mục Thục đã tìm cách giúp ông Diệm liên lạc với các nhà cách mạng để thành lập các tổ chức chống Pháp.
Tháng 8 năm 1945, khi Việt Minh cướp chính quyền ở Huế, các nhà cách mạng nhờ ông Diệm đi về Huế xem tình hình ra sao. Ông Diệm đi với ông Võ Văn Hãi đến Tuy Hòa thì vào cư ngụ tạm tại nhà Linh mục Đại. Việt Minh biết được đã đến bắt ông Diệm đưa ra Hà Nội. Võ Nguyên Giáp định đưa ông Diệm đi giam ở Tuyên Quang. Giám mục Lê Hữu Từ được tin đã đến can thiệp với Hồ Chí Minh. Ông Diệm được thả ra, đã lén về lại Vĩnh Long và tiếp tục hoạt động.
Giữa năm 1947, ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn Tôn Hoàn thành lập Việt Nam Quốc gia Liên hiệp và ông Diệm thường về Sài Gòn họp. Mỗi lần lên Sài Gòn ông thường tạm trú tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Phải chăng đây là chuyện Văn Bia đã dựa vào đó để bịa đặt thêm ?
3. Chuyện ông Ngô Đình Diệm ở Mỹ
Văn Bia viết :
"Trong thời gian lưu vong ở Hoa Kỳ (1950-53), ông lặng lẽ sống suốt mấy năm nữa trong một nhà dòng khác, cũng làm người giúp việc khiêm nhường, hằng ngày lau quét dọn dẹp. Trong khi đó, ông vua cũ của ông là Bảo Đại lưu vong ở Hương Cảng rồi Pháp, sống đời trụy lạc".
Láo :
Để tránh sự theo dõi của Pháp, nhân dịp Năm Thánh năm 1950, ông Diệm và Dức Giám mục Ngô Đình Thục đã xin đi Roma dự Năm Thánh, nhưng khi đi lại đi vòng qua Nhật và Mỹ. Hai anh em ông Diệm đã đến Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1950, mang theo một giấy giới thiệu với Tổng Giám mục Paul Yu Pin, Viện Trưởng Học Viện Văn Hóa Trung Hoa ở Hoa Kỳ. Khi mới đến Hoa Kỳ, ông Diệm và Giám mục Thục đã cư ngụ tại Học viện Văn hóa Trung Hoa vài tháng và đi thăm nhiều nơi tại Hoa Kỳ.
Sau khi qua Roma dự Năm Thánh, ông Diệm đã đi một vòng viếng thăm Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ rồi trở lại Pháp, còn Giám mục Ngô Đình Thục trở về Việt Nam. Khi đó, ông Diệm đến cư ngụ tại nhà ông Tôn Thất Cẩn ở 28 Rue Kleynoff, 94250 Gentilly, Paris, phía sau khu Học Xá Đại Học Paris.
Vì ông liên lạc quá nhiều với các nhà cách mạng VN ở Pháp nên Pháp không muốn cho ông ở Pháp.
Không biết ai đã báo tin đó cho tu viện Mary Knoll ở New Jersey hay do một sự tình cờ, tu viện này đã viết thư mời ông Diệm trở lại Mỹ làm nhân viên giảng dạy đặc biệt cho tu viện, nên đầu năm 1951 ông Diệm trở lại Hoa Kỳ và lưu trú trong tu viện Mary Knoll ở Lakewood thuộc tiểu bang New Jersey hay ở Ossining thuộc tiểu bang New York. Như vậy không thể có chuyện ông Diệm "cũng làm người giúp việc khiêm nhường, hằng ngày lau quét dọn dẹp" cho nhà dòng như Văn Bia bôi bác.
Kết luận
Cuốn "Những ngày bên Ngô Đình Diệm" của Văn Bia cũng như cuốn "Trong lòng địch"của Trần Trung Quân hay cuốn "Giặc thầy chùa" của Đặng Văn Nhâm trước đó, chỉ là những tiểu luận được viết theo cảm tính (emotion), tức viết theo điều họ nghĩ ra hay "nghe nói" (hearsay)... chứ không căn cứ vào sử liệu. Luật học cũng như sử học không chấp nhận "nghe nói" như là bằng chứng (hearsay evidence is inadmissible). Nói cách khác, đây không phải là sách viết về lịch sử mà chỉ là sách viết về huyền thoại nhằm bôi bác và xuyên tạc lịch sử. Nhìn chung, cuốn sách này có giá trị thấp về cả hình thức lẫn nội dung.
Những câu chuyện nói về cuộc đời của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và các nhà cách mạng khác của Việt Nam trước 1975 đã được nhiều người viết và chúng tôi cũng đã ghi lại đầy đủ trong cuốn "Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam". Chúng ta không thể chấp nhận những chuyện bôi bác và xuyên tạc lịch sử như thế này được.
Ngày 10/10/2018
Lữ Giang