Tuần trước, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thế giới được một trận cười. Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên tiếng khoe khoang về những thành quả của ông, ông đã được đón nhận bằng những tiếng cười giễu cợt.
"Khi AI biết đủ về chúng ta, nó sẽ có thể làm những quyết định thay cho chúng ta mà không bị mắc vào những thiên kiến vô lý của con người". (Hình minh họa : seti.org)
Thế nhưng thay vì cười chê ông Trump có lẽ ta nên bỏ thời giờ tìm hiểu ông vì ông Trump có thể là một trong những lãnh tụ đầu tiên nắm được căn bản của một phạm trù chính trị mới : chính trị lượng tử.
Từ ngữ đặc biệt này được một vị tổng thống khác đặt ra, ông Armen Sarkissian, để giải thích chính trị hiện đại hoạt động ra sao. Ông Sarkissian là người đã khảo cứu môn học này cả trong thực tế và lý thuyết. Kể từ khi được bầu lên làm tổng thống tiểu quốc bé nhỏ trong vùng Caucasus vào Tháng Ba năm nay, ông Sarkissian đã tìm cách làm dịu tình hình xáo trộn tại Armenia.
Ông có lẽ cũng là vị tổng thống độc nhất trên thế giới là một nhà vật lý lý thuyết. Và không phải là một nhà vật lý tầm thường. Vị tổng thống 65 tuổi này đã nhận được giải thưởng Lenin khi Armenia còn nằm trong Liên Bang Xô Viết. Giải Lenin có thể được coi là tương đương với giải Nobel trong thế giới cộng sản Liên Xô. Ông cũng là cựu giáo sư vật lý tại Đại học Cambridge tại Anh. Và ông cũng là một trong những người đồng sáng tạo ra trò chơi nổi tiếng Tetris trên máy điện toán.
Theo ông, sự hiểu biết của chúng ta về chính trị truyền thống hoạt động ra sao cần phải được thay đổi giống như là ngành vật lý đã bị thay đổi vào đầu thế kỷ thứ 20. Thế giới truyền thống của vật lý cổ điển Newton là có tính tuyến tính, có một quan hệ nhân quả xác định. Nhưng nó đã bị đảo ngược lại khi ngành vật lý lượng tử xuất hiện vốn hoàn toàn bất trắc, mọi chuyện đều có liên hệ với nhau và có thể thay đổi tùy theo vị trí và hành động của người quan sát. Như ông giải thích : "Rất nhiều chuyện xảy ra trong đời chúng ta có cung cách lượng tử. Chúng ta đang sống trong một tiến trình động lực thay đổi. Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn vào thế giới một cách hoàn toàn khác".
Ông Sarkissian giải thích cung cách mà dịch cúm lan truyền trên thế giới với một trường hợp đầu tiên xảy ra tại Hồng Kông rồi một trường hợp thứ hai xảy ra tại Argentina cho thấy tính chất lượng tử của nó. Tương tự như vậy đối với một cuộc khủng bố đầu tiên kích động một lọat những hậu quả không tính trước trên toàn thế giới. Ngay cả cung cách chúng ta hiểu chính trị cũng tùy thuộc vào việc ai nhìn vào việc gì và vào lúc nào : trên Facebook mỗi người nhận được những bản tin viết riêng cho mình dẫn đến những cách diễn tả khác nhau về các sự việc xảy ra. Chính cái hành động quan sát đã làm thay đổi hiện thực.
Ông Trump chắc hẳn không hiểu rõ lý thuyết của chính trị lượng tử bằng ông Sarkissian, nhưng ông tổng thống Mỹ có vẻ đã có một trực giác về những hàm ý của phạm trù mới này.
Trong cái thế giới của chính trị lượng tử, các đảng chính trị, các định chế và những tiến trình dựa trên lý trí suy luận không quan trọng bằng những phong trào dân túy, niềm tin, và cảm tính truyền bá đi như những làn sóng của các phương tiện truyền thông xã hội. Thành ra trước và sau khi lên làm tổng thống, ông Trump phần lớn thời gian qua mặt các định chế chính thức mà hoạt động qua Twitter, truyền bá quan điểm của ông về hiện thực cho số 54,7 triệu ủng hộ viên của ông trên đất Mỹ.
Mặc dầu ông Sakissian có một lý thuyết để giải thích các động thái chính trị hiện tại, nhưng ông còn chưa kiếm ra được một giải đáp cho câu hỏi làm sao lèo lái nó. Tuy nhiên với tư cách là một nhà khoa học, ông Sarkissian tin tưởng rằng lý trí và sự thật cuối cùng cũng sẽ chiến thắng.
Nói đến chuyện đem những khái niệm của khoa học mới để giải thích chính trị, khái niệm chính trị lượng tử quả là có những hấp dẫn. Nhưng không phải là nhà khoa học nào cũng cho rằng việc so sánh vật lý lượng tử với chính trị hiện đại là đúng.
Jim al-Khalili, giáo sư vật lý tại Đại học Surrey tại Anh, là một trong những người hoài nghi về sự tương tự giữa vật lý lượng tử và chính trị hiện đại. Nhưng ông Al-Khalili cũng đồng ý với ông Sarkissian rằng thế giới hiện nay của chúng ta càng ngày càng trở nên quá phức tạp khiến cho nó càng ngày càng khó có thể thấu hiểu.
Thay vì dùng vật lý lượng tử, ông Khalili đề nghị dùng lý thuyết hỗn loạn (chaos theory) một lý thuyết dùng để tìm ra những quy luật từ những hiện tượng thoạt trông có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên tỷ như hệ thống khí hậu, thời tiết hoặc là giá cả trên thị trường chứng khoán. Ông nói : "Đó là cái mà chúng ta thấy ở trong cái thế giới rối bời này. Sự phức tạp và rối loạn của cái thế giới mới này khiến chúng ta khó có thể nhận thức và diễn dịch dẫn đến một cảm giác lạc lõng mất phương hướng".
Và một trong những cách để giải quyết tình trạng này là dùng Thông Minh Nhân Tạo (Artificial Intelligence – AI). Ông Al Khalili nói : "Chúng ta chẳng có cái gì thần hiệu cả. Tối hậu khi AI biết đủ về chúng ta nó sẽ có thể làm những quyết định thay cho chúng ta mà không bị mắc vào những thiên kiến vô lý của con người".
Một tổng thống robot có thể là một giải pháp, thế những chắc chắn là sẽ không tạo ra cho chúng ta những tấn kịch như là tuần trước tại Liên Hiệp Quốc.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 10/10/2018