Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/10/2018

Việt Nam nói về nhân quyền trước Quốc hội Châu Âu

Phương Thảo - Minh Quân

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ : nhân quyền ở Việt Nam đâu phải là tệ nhất !

Phương Thảo, VNTB, 11/10/2018 

Ngày 10/10/2018 Quốc hội Châu Âu đã có buổi điều trần công khai tại Brussels về Hiệp Định Thương mại Tự Do Liên Âu – Việt Nam – EVFTA. 

bi1

Toàn cảnh phòng họp Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ

Buổi điều trần bắt đầu từ 16g30. Đại diện phía chính phủ Việt nam có ông Trần Quốc Khanh, Thứ trưởng Bộ Công thương. 

Trong bản báo cáo trong 10 phút dài ba trang giấy, ông Khánh đề cập đến hơn chục hiệp định thương mại cái loại mà Việt Nam đã kỹ kết với nhiều nước trên thế giới cũng như thành quả kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua như là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực ASEAN. 

Ông Khánh còn liệt kê những điểm lợi mà doanh nghiệp Châu Âu sẽ có được một khi EVFTA được thông qua. 

Tuy nhiên trong phần đặt câu hỏi cho Uỷ ban Châu Âu và phía Việt nam của các nghị sĩ tham dự, tất cả đều xoáy vô hai vấn đề cốt yếu mà Việt Nam lâu nay vẫn cố tình lờ đi hay trì hoãn : nhân quyền và 3 công ước còn lại của ILO. 

Các ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên ngày càng xấu đi trong ba năm qua khi có nhiều nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bắt giam và lãnh án tù nặng chiếu theo những điều luật 79 và 78 của bộ luật hình sự. Mẹ Nấm là trường hợp được nêu đích danh trong số các tù nhân lương tâm/ môi trường/ chính trị cần được trả tự do ngay lập tức.

Các nghĩ sĩ yêu cầu Việt Nam sớm thông qua 3 điều còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt nam một khi có công đoàn độc lập. 

Điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền ; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì ; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 điều còn lại của ILO cần phải được Việt Nam thông qua trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận. 

Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể. 

Bên cạnh đó vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp cũng được đặt câu hỏi và yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng hơn trong việc kiểm soát khai thác gỗ lậu trước khi Châu Âu trở nên quá mệt mỏi trước những lời hứa từ phía Việt Nam. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A sau những vất vả từ công an xuất nhập cảnh ở Nội bài cuối cùng đã đặt chân đến Brussels để trình bày ý kiến về EVFTA. Ông Quang A xác nhận tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu đi và một khi EVFTA đòi hỏi Việt Nam phê chuẩn 3 điều khoản ILO còn lại sẽ góp phần cải thiện nhân quyền trong nước. Ông cũng đã nêu tên tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vốn là người ủng hộ EVFTA và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam nên trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. 

Đáp lại các câu hỏi của các nghị sĩ EU, ông Khánh cho biết Việt nam đã thông qua 5 trong số 8 điều ILO và đó là dấu hiệu của nỗ lực từ Hà Nội, tuy nhiên ông Khánh không đưa ra câu trả lời chắc chắn khi nào thì 3 điều khoản cốt yếu còn lại sẽ được thông qua. Ông thứ trưởng cũng cho rằng Việt Nam đã tham gia vào hiệp định biến đổi khí hậu Paris như là một chỉ dấu cho cam kết cải thiện môi trường và phát trỉển bền vững, nếu tham gia vào EVFTA thì Việt Nam sẽ còn làm nhiều hơn thế nữa trong lĩnh vực này. 

Ông Khánh đã hoàn toàn né tránh vấn đề nhân quyền khi thừa nhận ông "chỉ là một nhà đàm phán thương mại" và nhân quyền không phải là " lãnh vực chuyên môn" của ông. 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) Vũ Quang Anh đã xin phép chủ toạ Benard Lange năm phút thay vì một phút cuối cùng của buổi điều trần để trình bày về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông Vũ Quang Anh tuyên bố rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không hoàn hảo như các quốc gia Châu Âu, vì vậy cần phải xem xét Việt Nam đã làm được những gì. Ông còn cho biết thêm rằng Việt Nam không phải là một trong các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tệ hại nhất trên thế giới theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc.

Ông Hưng muốn nói thêm nữa nhưng cử toạ không cho phép vì cuộc họp cần phải kết thúc đúng thời gian quy định. Phần trình bày bằng vốn tiếng Anh nghèo nàn của ông Hưng rất vất vả cho người theo dõi vì không ai kể cả phiên dịch cabin chuyên nghiệp có thể nắm bắt được ý của ông trọn vẹn là gì.

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 11/10/2018

*****************

‘Nhân quyền nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của tôi’ (!?)

Minh Quân, VNTB, 11/10/2018

Ngay vào lúc này, đã có thể hình dung số phận EVFTA vẫn còn nguyên thế mành chỉ treo chuông. Xác suất ký EVFTA vào tháng Mười hay Mười Một năm 2018 là rất thấp. 



"Vị thứ trưởng khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của ông, và nói thêm ông tin rằng các quan chức Việt Nam và EU sẽ kể được "những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác thông qua các hiệp định đối tác, hợp tác của chúng ta và các diễn đàn khác". Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết" - đài VOA đưa tin và bình luận về phát ngôn và thái độ của quan chức Trần Quốc Khánh.

bi2

Thứ trưởng Công thương Việt Nam Trần Quốc Khánh tại buổi điều trần của INTA hôm 10/10. Ảnh: VOA

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh là đại diện chính thức của Việt Nam trong đoàn đàm phán EVFTA tham dự cuộc họp ngày 10/10/2018 ở Bỉ do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức. Cuộc họp này là cực kỳ quan trọng vì sẽ quyết định EU có ký EVFTA với Việt Nam ngay vào lúc này, hay sẽ bị lùi lại hoặc… không bao giờ.  

Cuộc họp trên còn lần đầu tiên có mặt một khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu : Tiến sĩ Nguyễn Quang A - một nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên Ủy ban thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên để điều trần EVFTA - nhân quyền.

Trước đó vào cuối tháng Chín, EU đã phải chứng kiến khách mời Nguyễn Quang A của họ bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam cấm đoán thô bạo không cho xuất cảnh sang Bỉ. Đó chính là một bằng chứng không thể sống động hơn về lời cam kết lẫn tuyên rao ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’.

Việc tổ chức một cuộc điều trần tay ba về nhân quyền tại Brussells là một hành động chưa từng có và được xem là dũng cảm hơn hẳn của EU so với thái độ liên tiếp nhân nhượng chính quyền Việt Nam trước đây của họ. Hãy thử tưởng tượng một phòng họp mà ngoài các quan chức của EU, sẽ là vài nhà hoạt động nhân quyền như Tiến sĩ Nguyễn Quang A ngồi đối diện và đối mặt với các quan chức chính quền Việt Nam. Một điều hiển nhiên, đó chính là hành động mang tính thách thức quyền lực cùng ‘thể diện và uy tín’ của chính quyền công an trị Việt Nam.

Cách ngăn chặn người hoạt động nhân quyền đã xảy ra như thế nào thì sự hiện diện của đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam tại Bỉ cũng chẳng khác gì.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đã không thể trưng ra bất kỳ minh chứng nào về việc chính thể độc đảng ở Việt Nam chấp nhận ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức. 

Trần Quốc Khánh chỉ trả lời rất chung chung rằng chính phủ Việt Nam "đã trình quốc hội sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2019".

Về thực chất, ‘sẽ sửa đổi Luật Lao động’ mà Thứ trưởng công thương Trần Quốc Khánh nêu ra vẫn chỉ là một cách nói đầu môi chót lưỡi vào mỗi khi Việt Nam ‘đánh hơi’ một hiệp định thương mại quốc tế có lợi cho chế độ có khả năng được thông qua, để cho tới nay Luật Lao động vẫn giữ nguyên quyền độc trị của Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức thuần túy nhà nước, giữ vai trò như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% thu nhập của các doanh nghiệp và công nhân nhưng lại chưa từng đứng ra tổ chức hay cho phép công nhân tổ chức bất kỳ cuộc đình công hợp lý nào, nếu không muốn nói ngược lại - tức liên đoàn này còn cấu kết chặt chẽ với lực lượng công an trị để theo dõi, truy bức và bắt bớ những người đứng đầu tổ chức đình công trong công nhân.

Không có bất kỳ điều kiện cải thiện nhân quyền nào của EU được Việt Nam đáp ứng. Ngay vào lúc này, đã có thể hình dung số phận EVFTA vẫn còn nguyên thế mành chỉ treo chuông. Xác suất ký EVFTA vào tháng Mười hay Mười Một năm 2018 là rất thấp.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 11/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)