Thông tin về sự cố dây điện trung thế bị đứt rơi xuống trước cổng trường Trung học cơ sở An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An làm 2 học sinh tử vong, 4 học sinh bị thương vào cuối tuần trước hiện vẫn đang là đề tài bàn tán của nhiều người. Người ta thương cho những em học sinh gặp nạn, người ta bất bình bởi kiểu trả lời "lỗi do ông trời" của giám đốc Điện lực huyện Châu Thành, ông Nguyễn Tuấn Anh khi ông này phát ngôn : "… xác định nguyên nhân là do sét đánh đứt dây điện trong cơn mưa lớn vào chiều 13/10…". Câu chuyện này một lần nữa phơi bày thân phận của học sinh Việt Nam hiện tại.
…nguyên nhân là do sét đánh đứt dây điện trong cơn mưa lớn vào chiều 13/10…
Tại sao lại nói đến thân phận học sinh ? Xin thưa, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, các em học sinh buộc lòng phải biết chữ trước khi vào lớp 1 nếu không sẽ thua xa bạn bè. Ở mái trường xã hội chủ nghĩa, các em buộc lòng học một ngày hai buổi (ngoại trừ một số trường bán trú), người thân phải đánh thức các em vào sáng sớm và các em phải ăn víu vắm một thứ gì đó lót bụng rồi tha nguyên một cặp sách tới trường, từ sách giáo khoa cho đến sách tham khảo, sách học dành cho các vùng miền theo quy định (mà nhiều khi là trường buộc học để lấy hoa hồng từ nhà xuất bản sách địa phương), 7 giờ 15 vào lớp, 10g30 các em ra về, 14 giờ chiều lại vào lớp, 16g30 lại về. Thử hỏi, với thời gian như vậy, nếu không có ông bà đón giùm hoặc một người trong gia đình phải ở nhà, thu xếp công việc đưa đón trẻ tới trường thì làm sao đảm bảo các em có mặt ở trường đúng giờ, đón đúng bữa ?!
Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính buộc các em học tiểu học và trung học cơ sở ở Việt Nam, nhất là các vùng quê phải tự đi bộ hoặc xe đạp đến trường. Nếu như đường đi học ở các nước tiên tiến là quảng đường an toàn để các em tới lớp thì ở Việt Nam, không mấy bậc cha mẹ dám để con ra đường (trước tình trạng ý thức giao thông kém, nạn bắt cóc trẻ em…) nếu họ không còn giải pháp nào khác.
Từ nhỏ, không hiếm trẻ em Việt Nam đã có thể tự lo mọi việc trước khi tới trường nhưng không phải các em được rèn luyện tính tự lập (như trẻ con Nhật Bản chẳng hạn !) mà đó lại là sự thích nghi tồn tại. Cha mẹ bận bịu kiếm cơm, ông bà già còn phải lo mảnh vườn, nuôi con gà, con heo hay thậm chí đi lượm ve chai, đi phụ bán quán cơm, rửa chén, làm thuê cho người ta để kiếm thêm chút tiền trang trải giúp con cháu mua gói xôi ăn sáng, mua cuốn tập... Các em buộc phải tự lập, tự lo cơm ăn, nước uống, đến trường và tự chống chọi với một mớ hỗn độn sách vở cũng như một mớ bòng bòng kiến thức hằng ngày (mà không phải ai cũng may mắn được cha mẹ giúp đỡ) mà chưa chắc đã ứng dụng được gì sau này.
Các em trơ cứng, biết ứng phó với kiểu đói ăn khát uống nhưng không được bày những kỹ năng mềm trong cuộc sống, không được dạy phải ứng phó thế nào lúc có thiên tai. Và phải chăng thân phận các em lộ rõ ra dần từ đây ?
Trở lại vụ việc trên, cơ quan điện lực sở tại sau đó đã "hỗ trợ" gia đình mỗi trẻ tử vong 50 triệu đồng, 4 trẻ đang nằm viện điều trị tổng số tiền 50 triệu đồng, tin tức được đưa lên báo chí trong nước và nhận không ít sự phản hồi bất bình từ nhiều người. Người ta cho rằng vụ việc phải được khởi tố để làm rõ trách nhiệm của điện lực, và không thể gọi số tiền trên là "hỗ trợ" mà phải gọi là "bồi thường". Nhưng, bồi thường hay hỗ trợ thì các em cũng không còn nữa, trẻ bị thương thì khó thoát khỏi nỗi ám ảnh trong những ngày sắp tới. Nhưng lỗi đâu phải của các em ?
Nhiều kỹ sư điện hoặc các thợ điện lành nghề cho biết, ở các trạm biến điện, đường dây trung, cao thế đều được lắp đặt hệ thống rơ-le tự động để ngắt điện khi dòng điện bị đoản mạch, chạm chập do sự cố. Vì vậy, khi sét đánh trúng đường dây, dòng điện bị đoản mạch, chập điện thì rơ-le sẽ tự động bật để ngắt nguồn điện.
Vì vậy, vấn đề ở đây là cần làm rõ đường dây trung thế chạy qua trước cổng Trường Trung học cơ sở An Lục Long được sửa chữa bảo trì lần gần nhất là khi nào, việc lắp đặt hệ thống rơ-le tự động có đúng quy trình kỹ thuật hay không, và hệ thống này còn hoạt động hay đã hư hỏng ?
Một vấn đề mới được đưa ra, rõ ràng tai nạn các em gặp phải là nhân tai chứ không phải thiên tai. Thân phận các em quá nhỏ bé đễn nỗi giới hữu trách liên quan không biết vô tình hay cố ý không nhìn thấy sự việc, không đưa sự việc ra ánh sáng, một hệ thống từ trên xuống dưới không thấy sự công bằng.
Và thân phận bé nhỏ ấy cũng không thấy được an ủi khi ngay cả trường học, nơi giáo dục các em hằng ngày đến nay vẫn chưa đưa ra lời lên án nào về phía điện lực, ví dụ như bắt đường dây chạy ngay trước cổng trường hay nói rõ hơn về trách nhiệm, đốc thúc truy cứu trách nhiệm ?
Nhưng hẳn cũng chẳng có gì ngạc nhiên với hệ thống giáo dục hiện tại. Chưa kể đến giáo trình, học phí, cách dạy… chỉ kể đến việc ứng xử của các trường trước việc đưa đón học sinh đi học đã có cái đáng bàn. Người ta để sân trường trống trơn và đề biển : "Phụ huynh đón con em đứng xa cổng trường…", thử hỏi cổng trường ngay đường đi, phụ huynh đứng xa cổng trường là đứng ở đâu. Thường thì nhiều phụ huynh đứng ngay trước cổng trường rồi tràn ra đường làm giao thông loạn xà ngầu, trẻ em tự đi xe ra thì không có đường đi, người lớn loay hoay không biết con mình ở đâu rồi khi đón được con rồi thì không có đường cua xe, thử hỏi nếu lỡ có bắt cóc hoặc tai nạn gì đó làm sao xử lý. Sao người ta không mở cổng trường, cắm các mốc cột lớp và phụ huynh cứ theo đến đó mà đón con mình về, âu đó cũng là một cách khả dĩ ! (Cũng may là hôm sét đánh ở cổng trường Trung học cơ sở An Lục Long không có phụ huynh nào đứng chờ con, bởi nếu có, e rằng lại có thêm một mạng sống bị cướp !).
Trẻ em bị bảo mẫu bạo hành, trẻ em bị thầy cô bắt tát nhau, trẻ em bị uống nước giặt giẻ lau bảng, trẻ em bị điện giật tại trường hay trẻ em bị dây điện trung thế rơi giật tử vong… Tất cả như những gam màu tối thêm vào trong bức tranh thân phận của trẻ em Việt Nam hiện nay.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 16/10/2018 (VietTuSaiGon's blog)