Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/10/2018

Vấn đề Thủ Thiêm : cần phải cải tố hệ thống chính trị ?

Thảo Vy

"Tôi phải nói để lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không lặp lại với thế hệ sau". Phát biểu của bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi, cử tri phường An Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã được báo Thanh Niên chọn làm tựa bài viết tường thuật buổi tiếp xúc cử tri quận 2 hôm 20/10 của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (1).

thuthiem0

"Lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không lặp lại với thế hệ sau" (lời bà Trần Thị Mỹ, phát biểu ngày 20/10/2018)

"Bí thư Nhân cho biết trong tháng 11 sẽ làm kiểm điểm những cán bộ sai phạm đến vi phạm đất đai ở Thủ Thiêm. Sau khi kiểm điểm thì cán bộ vi phạm mức độ tới đâu sẽ xử lý tới đó. Quá trình kiểm điểm có cả Thanh tra Chính phủ, Trung ương cùng làm. "Chúng tôi cam kết những người vi phạm phải bị kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bí thư Nhân nói". Báo điện tử Zing cho biết ông Nguyễn Thiện Nhân đã cam kết như vậy (2).

Đồng hội, đồng thuyền ?

Lý lịch chính trị đăng trên trang điện tử Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ông Nguyễn Thiện Nhân từ năm 1999 – 2009 là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa VI, Khóa VII, phó Chủ tịch, phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2001 (3).

Chi tiết hơn, từ tháng 5/2001 đến tháng 6-2006, ông Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Như vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân có 2 năm giữ chức phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, và 5 năm liền đảm nhiệm vị trí phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ 2001-2006. Với 7 năm ở cương vị phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm đó liệu ông Nguyễn Thiện Nhân có đúng là chưa bao giờ được nghe nói đến những vụ thưa kiện liên quan quy hoạch của người dân ở bán đảo Thủ Thiêm ?

Trong suốt 7 năm với 2 năm đầu là phó Chủ tịch, 5 năm tiếp theo là phó Chủ tịch thường trực, là cánh tay mặt của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, khó thể tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân không hay biết gì về vấn đề quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm [4].

Thời điểm đó, tư liệu còn lưu cho biết lịch tiếp dân của Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh như sau : Chủ tịch UBND Thành phố Lê Thanh Hải tiếp công dân vào ngày thứ sáu của tuần lễ cuối tháng ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Thiện Nhân tiếp công dân vào ngày thứ sáu của tuần lễ đầu trong tháng ; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hùng Việt tiếp công dân vào ngày thứ sáu của tuần lễ thứ hai trong tháng ; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Mai Quốc Bình tiếp công dân vào ngày thứ sáu của tuần lễ thứ ba trong tháng ; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Thị Nhân tiếp công dân vào ngày thứ tư của tuần lễ thứ hai trong tháng ; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Tài tiếp công dân vào ngày thứ tư của tuần lễ thứ ba trong tháng.

Các nội dung tiếp dân đều được tập họp trong báo cáo tuần để gửi đến các văn phòng của toàn bộ thành viên Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong dàn nhân sự cấp cao của chính quyền : Lê Thanh Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Hùng Việt, Mai Quốc Bình, Huỳnh Thị Nhân, Nguyễn Thành Tài, dường như không có bất kỳ một ai đã thực tâm lắng nghe lời than oán của người dân Thủ Thiêm.

Bởi nếu có, dù chỉ một đôi người lãnh đạo, thì có lẽ bà Nguyễn Thị Kim Phượng, khu phố 1, phường Bình An, không phải phẫn uất tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 20/10/2018, rằng "Chúng tôi là nạn nhân, từ một gia đình ấm cúng, giờ mất hết, sống dở chết dở. Ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm nước mắt đổ quá nhiều. Những người sống cứ phải vào Nam ra Bắc, tiêu tốn tiền bạc, thời gian đi kêu cứu, cứ như vậy mấy chục năm trời, hết cả tuổi xuân. Xin hãy trả tài sản bị cưỡng chế, đền bù tiền bạc, tinh thần bị mất mấy chục năm qua. Hy vọng vào cuộc họp tiếp theo, chúng tôi không cần đứng đây đòi nhà, đòi quyền lợi nữa".

Người dân Thủ Thiêm là nạn nhân của thể chế ?

Trong cuộc gặp gỡ ngày 20/10 với cử tri Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong 5 tháng qua thành phố đã làm rất nhiều việc cho vụ Thủ Thiêm, riêng Thường vụ Thành ủy họp 6 lần chỉ để bàn việc giải quyết vấn đề này.

"Trong tháng 11 này, các cán bộ liên quan phải làm kiểm điểm, mức độ đến đâu xử lý đến đó. Tuy nhiên, việc này cũng phải bàn kỹ vì có sự tham gia của rất nhiều người. Phải thống nhất để lập danh sách, ai trước, ai sau", ông Nhân nói. Sự dè dặt này của ông Bí thư Thành ủy còn có nguyên cớ là phó Bí thư Thành ủy, đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, từng giữ chức vụ Bí thư Quận ủy quận 2 từ tháng 1/2007 đến tháng 1/2009. Trong 2 năm đó, tin chắc Bí thư Nguyễn Thành Phong đã tiếp nhận rất nhiều hồ sơ kêu gọi công lý của người dân Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Thành Phong đã chọn sự im lặng.

Điều đó cho thấy dường như cho đến thời điểm hiện nay, chủ trương của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là kiểu ‘anh em trong nhà đóng cửa để dạy nhau’, thay vì việc phân xử sai quấy thuộc cơ quan tư pháp như công an, công tố viên, thẩm phán.

Trong học thuyết tam quyền phân lập, nhà nước có ba quyền : lập pháp (làm pháp luật), hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp, thì chữ tư pháp này được dùng để chỉ một nhánh quyền lực nhà nước phụ trách công việc xét xử và bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên trong ‘Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, thì không có tam quyền phân lập.

Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc gọi là tập quyền xã hội chủ nghĩa, dựa trên chế độ chính trị nhất nguyên, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nôm na, câu nói "Thường vụ Thành ủy họp 6 lần chỉ để bàn việc giải quyết vấn đề này", có nghĩa Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cả 6 lần họp đó với tư cách vừa là ‘thủ trưởng cơ quan điều tra’, vừa là ‘viện trưởng viện kiểm sát’, và cũng đồng thời là ‘thẩm phán chánh án’.

Với chức trách ‘3 trong 1’ đó, cùng với chuyện ông Nguyễn Thiện Nhân được xem là ‘đối tượng có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan’ như phân tích ở trên trong vụ sai trái ở khu đô thị Thủ Thiêm, cho thấy có lẽ công lý thật sự cho người dân Thủ Thiêm vẫn còn xa vời lắm.

Bởi vì nếu xét cho cùng, lỗi lớn nhất ở đây trong dung dưỡng sai trái của các cá nhân đứng đầu tỉnh, thành phố đều thuộc về Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường gọi tắt là Bộ Chính trị. Các phiên họp của Bộ Chính trị đều là họp kín – bao gồm cả việc lựa chọn nhân sự bổ nhiệm về các địa phương để làm lãnh đạo. Biểu quyết của nội bộ Đảng sẽ được ban hành thành Nghị quyết, và pháp luật sẽ được điều chỉnh thích hợp với Nghị Quyết Đảng trong vận hành quản trị quốc gia.

Tuy nhiên trường hợp nhân sự mà Bộ Chính trị bổ nhiệm gây sai trái, thì việc đền bù, khắc phục hậu quả lại hoàn toàn thuộc về… Chính phủ. Như với trường hợp của Thủ Thiêm, hầu hết những người có trách nhiệm mà Bộ Chính trị đã bổ nhiệm họ ngồi vào ghế quyền uy nhất Thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu. Họ, trên lý thuyết, không có thu nhập nào khác ngoài mức lương hưu trí hàng tháng mà có lẽ sẽ phải tính đến vài trăm năm mới đền bù được thiệt hại gây ra. Những dân oan, tất nhiên, không thể chờ mấy thế kỷ để nhận được bồi thường về vật chất. Khả năng Nhà nước sẽ buộc phải mở hầu bao là hoàn toàn có thể. Hầu bao đó lại có từ tiền thuế của dân chúng.

"Để lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không lặp lại với thế hệ sau", để không có chuyện Đảng làm sai, ‘Chính quyền nhân dân’ phải gánh chịu, có lẽ cần phải cải tố hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam !?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 22/10/2018

Chú thích :

(1) http://bit.ly/2Jc6bxm

(2) http://bit.ly/2R5n4wk

(3) http://bit.ly/2J7fyhv

(4) Ông Nguyễn Thiện Nhân từng là phó Chủ tịch dưới thời Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh. Trong một cam kết với người dân Thủ Thiêm thời điểm trước năm 2001, ông Thanh có hứa nếu không giải quyết được các khiếu nại về đất đai Thủ Thiêm, ông sẽ từ nhiệm. Tháng 5/2001, ông Võ Viết Thanh từ nhiệm, và phó Chủ tịch Lê Thanh Hải đã ngồi vào ghế Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh kể từ đó, khi nhiệm kỳ của ông Võ Viết Thanh vẫn còn.

Quay lại trang chủ
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)