Loài người có nhiều cách truyền thông mà không cần nói. Khi gặp những người không nói cùng thứ tiếng với mình chúng ta có thể dùng tay ra dấu, dùng mắt nháy, mở miệng cười toe hay mếu máo, họ hiểu được ngay. Những thứ ngôn ngữ không lời này đã phát triển hàng triệu năm trước khi loài người sáng tạo ra tiếng nói.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương. (Hình : Facebook Trương Châu Hữu Danh)
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương muốn nói chuyện phải trái với các quan chức Thành Hồ. Nhưng rõ ràng là họ không nói cùng ngôn ngữ với người dân Thủ Thiêm. Hoặc họ biết tiếng Việt nhưng tai điếc đặc, nói với họ như nước đổ đầu vịt. Bà có viết thì cũng không báo, đài nào dám cho đăng. Cho nên bà đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình bằng chiếc giày !
Bà Thùy Dương không phải là người Việt đầu tiên tháo giày ra để phát biểu ý kiến. Năm 2017 dân Hà Nội đã ném giày tới tấp về phía ông Trần Văn Tuân, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao.
Trên thế giới, vụ ném giày nổi tiếng nhất gần đây diễn ra tại Iraq ngày 14 tháng Mười Hai, 2008, năm năm sau khi quân Mỹ đến xứ này. Ông tổng thống Mỹ tới Iraq, đang họp báo thì bị một người ném giày về phía ông ta. Muntadhar al-Zaidi làm nghề viết báo nhưng lại không "lên tiếng" bằng ngòi bút (hay phím máy vi tính) mà lại dùng đôi giày ! Bởi vì trong phong tục người Á Rập những thứ giày, dép được coi là nhơ bẩn hạng nhất – giống như người Việt mình nói đến những chiếc vớ đã dùng, cái váy hay đồ lót đã mặc vậy.
Năm 2008, al-Zaidi được cả thế giới Á Rập và Hồi Giáo hoan hô như một anh hùng, sau khi ném giày vào ông tổng thống Mỹ mà không trúng. Người ta dựng một bức tượng đồng cao ba mét hình chiếc giày ở thành phố Tikrit, Iraq, khắc một bài thơ. Nhưng chẳng bao lâu chính quyền Iraq đã phá bỏ đài kỷ niệm này, để giữ mối giao hảo với chính phủ Mỹ ! Nhiều người Việt Nam cũng đang hoan hô bà Thùy Dương như một anh thư đất Việt.
Muntadhar al-Zaidi đã ném cả đôi giày nhưng không trúng. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương chỉ dùng một chiếc giày để phát biểu ý kiến. Bắn một viên đạn còn khó trúng mục tiêu hơn là bắn hai viên, cho nên bà Thùy Dương cũng ném trượt.
Bây giờ bà Thùy Dương nên gửi chiếc giày thứ hai của mình tặng đảng ủy Thành Hồ. Cho đỡ phí của giời. Vì đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới tịch thâu được một chiếc giày của bà. Giày không đủ đôi thì không ai dùng được, đem bỏ xó thật là phí phạm.
Thánh Gandhi hồi trẻ có lần đánh rớt một chiếc giày khi nhảy lên xe lửa trong lúc đoàn tàu chuyển bánh. Không thể nhảy xuống lượm giày được, chàng thanh niên Gandhi nhanh trí tháo chiếc giày thứ hai ném xuống theo. Ông giải thích : Ai lượm được chiếc thứ nhất họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai mà dùng. Mất giày mà không than thở, không lo tiếc của, lại nghĩ ngay đến người khác, một người xa lạ nào đó mình chưa bao giờ gặp. Đúng là tâm bồ tát. Bà Thùy Dương nên học tập Gandhi, bởi vì bà có thể còn phải phát biểu ý kiến nhiều lần nữa.
Tại sao phải bày tỏ ý kiến bằng chiếc giày ? Bởi vì người ta không có phương tiện nào khác để nói rõ và đầy đủ nỗi kinh tởm, "lợm giọng" trước những thứ hôi thối trâng tráo phơi bày giữa công chúng. Báo, đài bị đảng Cộng sản nắm chặt trong tay, làm sao góp ý kiến được ? Có đứng giữa phòng hô lớn lên mấy tiếng trước khi bị bịt miệng thì người tự trọng, không muốn nói năng thô tục, cũng không thể dùng các từ ngữ thấp đúng mức để diễn tả nỗi phẫn uất và khinh bỉ của mình.
Có người sợ tự chiếc giày không nói lên đủ nên còn viết thêm một thông điệp. Mới đây, ngày 28 tháng Sáu, 2018, một người dân Đài Loan mới ném giày vào ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je, 柯文哲), thị trưởng Đài Bắc. Trong chiếc giày có mảnh giấy viết thông điệp : Giày hôi ném Kha hôi (臭鞋丟臭柯, xú hài đâu xú Kha).
Chiếc giày, mà người miền Bắc có khi phát âm là "dầy," là thứ ngôn ngữ thích dụng nhất để nói cho bọn "mặt dầy" chúng nó hiểu. Ném giày giữa thanh thiên bạch nhật có tác dụng mạnh hơn là gửi một chiếc váy nhơ nhớp cho một ông quan cán bộ, có phụ nữ đã làm. Cho nên dư luận dân Việt đang tán thưởng nhiệt liệt, nhưng vẫn tiếc bà Thùy Dương không ném trúng mục tiêu.
Cô Phạm Đoan Trang dẫn lại lời bình luận trên Facebook : "Chị Tâm mình (Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Hồ Nguyễn Thị Quyết Tâm) hôm nay ăn giày ăn cả tất. Chị đang hăng hái phát biểu thì bị một quần chúng bức xúc tương cho cái guốc, từ cự ly mươi mét. Không biết quần chúng nào mà láo thế, mà láo nhất là ném lại trượt. Thế mới chán chứ. Thôi cũng thông cảm, phụ nữ tay yếu mà ném lần đầu, không ném xa được, lần sau cố gắng phát huy là được rồi."
Ông Nguyễn, một độc giả Người Việt cũng giải thích : "…khi người dân lên tiếng mà không có trả lời tương xứng, thì guốc dép sẽ lên tiếng !… khi guốc dép đã lên tiếng rồi mà vẫn chưa được đáp ứng cho đẹp lòng người dân, thì gạch đá sẽ là vật kế tiếp lên tiếng !".
Nhưng ném đá có thể gây thương tích, ném giày ném dép vẫn là phản kháng bất bạo động. Đó là hành động thích hợp nhất cho đám dân đen. Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc nhận xét : "Hành động ném chiếc giày của cô Thùy Dương có thể hiểu như là một sự phản đối trong vô vọng của những người ‘thấp cổ bé họng’ đã, đang, và sẽ mất đất vì những chính sách bất công."
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương là một người dân thấp cổ bé miệng trở thành "dũng sĩ ném giày" mới nhất trong lịch sử. Mà lịch sử ném giày đã có từ gần hai ngàn năm trước. Sử sách còn ghi vụ ném giày xưa nhất vào năm 359, khi Hoàng Đế Constantius II đang kêu gọi dân chúng trung thành, một người dân đã ném một chiếc giày và đả đảo ông vua.
Vừa ném giày vừa hô đã thành một truyền thống. tháng Hai, 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo qua nước Anh. Ông ta đang đọc diễn văn tại Đại Học Cambridge thì một người lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao đại học danh tiếng này lại cho một tên độc tài tới nói láo như vậy ? Rồi anh ta ném chiếc giày về phía Quan Ôn, không trúng. Tên anh này là Martin Jahnke, một người Đức.
Hành động ném giày có khi được tổ chức tập thể. Năm 2013, dân Đài Loan chống chính phủ đã bảo nhau quyên góp giày. Ngày 8 tháng Chín, nhiều người cùng nhau ném giày vào Tổng Thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) ngay trước dinh tổng thống. Không chiếc nào trúng đích.
Sau khi ném giày và bị phạt 750.000 đồng (hơn $32), bà Nguyễn thị Thùy Dương kể cho mọi người biết thêm : "Sáng nay tôi bị giáo huấn sớm. Anh công an cố giảng giải cho tôi biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân." Anh công an muốn nói bà Thùy Dương đã "đánh oan" bà Tâm.
Bà Tâm chủ tịch thành Hồ không phải là người đã đứng ra cướp đất của dân Thủ Thiêm, vì lúc đó bà chưa đủ lớn. Nhưng bà Thùy Dương không có thù oán riêng với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng như ông chủ của bà là Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân. Bà Thùy Dương ném giày là nhắm ném vào mặt cả chế độ ăn cướp.
Cũng như năm ngoái dân Hà Nội ném giày vào ông Trần Văn Tuân. Ông Tuân đang đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long, một người bị tòa án Cộng sản kết án tử hình, đã ngồi tù 11 năm mới được minh oan. Ông Trần Văn Tuân không cần phải là người đã xử oan ông Long ; nhưng ông là một quan phó chánh án, đại diện cho cả hệ thống tư pháp của chế độ. Cho nên dân đã ném giày dép vào hệ thống tư pháp Cộng sản chứ không nhắm vào cá nhân ông Tuân !
Anh công an còn hỏi tới động cơ chính trị của bà Thùy Dương và hỏi bà có bị ai lôi kéo xúi giục không. Bà Thùy Dương tự giới thiệu chỉ là một bà nội trợ bình thường, nhân tiện còn hỏi luôn, "…sẵn đây cho tôi hỏi động cơ chính trị nào khiến mấy cô chú xịt nước, đập nhà, đổ đất vào đầu dân vậy ? Các cô chú là chủ tịch, là ông là bà. Dân là súc vật à ?".
Khi một đảng cầm quyền coi dân như súc vật thì sẽ còn nhiều người ném giày. Bà Thùy Dương tiên đoán vụ Thủ Thiêm không thể yên. Vì "Lòng dân như sóng thần !" Khi nào còn đàn áp, bất công ; khi quyền tự do phát biểu của người dân Việt Nam còn bị cướp đọat, thì nghề làm giày còn phát tài.
Người dân Việt Nam đã thêm một phương pháp bày tỏ ý kiến mới. Không được nói, không được viết, chúng ta chỉ còn cách "làm dấu" hay "ra hiệu" bằng cử chỉ. Nhưng ném cả chiếc giày đi cũng hơi phí của.
Lần tới, khi tiếp đón ông tân chủ tịch nhà nước hay ông Tập Cận Bình, bà con có thể chỉ cần mỗi người tháo một chiếc giày ra, cầm trong tay, không cần phải ném cũng được. Một chiếc giày có giá trị bằng vạn lời nói, hàng vạn chữ viết.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 23/10/2018