Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2018

"Tình huống" nào đẩy đưa Tổng bí thư thành Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ?

Nguyễn Quang Duy

Nhiều người cho rằng Hồ chí Minh đã từng vừa là chủ tịch nước vừa là chủ tịch đảng nên việc ông Nguyễn Phú Trọng nắm thêm chức chủ tịch nước là chuyện đã từng xảy ra trong lịch sử Đảng cộng sản và như thế là sẽ tốt cho Việt Nam.

chutich1

Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết trong "tình huống" hiện nay ông phải kiêm luôn chức vụ Chủ tịch nhà nước, cùng lúc với 7 chức vụ khác.

Nhiều người khác lại cho rằng "nhất thể hóa" là phải rồi Trung Quốc và các quốc gia cộng sản khác đều thế cả.

Nhưng chính ông Nguyễn Phú Trọng phủ nhận và cho biết trong "tình huống" hiện nay ông phải kiêm luôn chức vụ Chủ tịch nhà nước, cùng lúc với 7 chức vụ khác.

Chuyện xưa Chủ tịch Hồ chí Minh như thế nào ? Có liên quan gì đến chuyện ngày nay mà Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng phải đặt mình trong "tình huống" không thể từ chối được? Và làm sao thoát khỏi "tình huống" đẩy đưa ?

Tạo thế chính danh…

Tháng 8/1945, khi Việt Minh vừa cướp được chính quyền, so với các lực lượng quốc gia như Hòa Hảo, Cao Đài, Việt Quốc, Đại Việt… có rất ít người Việt biết đến Việt Minh và Hồ Chí Minh.

Theo con số chính thức khi ấy Đảng cộng sản chỉ có 5.000 đảng viên trong khi hai lực lượng tôn giáo yêu nước chống Pháp là Hòa Hảo và Cao Đài đã có trên triệu tín đồ.

Để tạo thế chính danh ông Hồ phải nắm chắc chức vụ chủ tịch nước bằng cách tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và soạn ra Hiến pháp 1946.

Ngoài chức Chủ tịch, ông Hồ còn giữ luôn chức Thủ tướng và có lúc giữ cả vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đều là các chức vụ nhà nước.

Mặc dù nắm chức Chủ tịch Đảng cộng sản Đông Dương, ông chia quyền cho Trường Trinh làm Tổng bí thư và lo việc đảng cộng sản.

Ông đặt trọng tâm vào việc xây dựng nhà nước vì thế ngày 11/11/1945 mới có Thông báo Đảng cộng sản Đông Dương tự ý giải tán.

Đúng ra là Đảng cộng sản chui vào bóng tối. Ông Hồ không còn công khai chức vụ chủ tịch đảng và ông Trường Chinh chỉ còn giữ chức vụ khá khiêm tốn Hội trưởng Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Khi Hồng quân Trung Hoa chiếm được lục địa, Stalin và Mao Trạch Đông buộc ông Hồ phải cho công khai Đảng cộng sản và phải tiến hành cuộc cải cách ruộng đất thì mới trợ giúp về kinh tế và quân sự cho Việt Minh đánh Pháp.

Khi Đảng cộng sản tiếp thu miền Bắc, để xây dựng chính quyền, ông Hồ phải nhường chức thủ tướng cho ông Phạm văn Đồng.

Nhà nước trước đó điều hành chủ yếu bởi sắc lệnh do Hồ chi Minh ký. Còn hai Chủ tịch quốc hội đầu tiên là ông Nguyễn Văn Tố và và Bùi Bằng Đoàn không là đảng viên nên không có chút quyền nào.

Đến năm 1955 ông Tôn Đức Thắng lên thay làm Chủ tịch Quốc hội. Mặc dù Quốc hội chỉ là hình thức nhưng quyền lực ông Hồ cũng bị rút bớt phần nào.

Lúc ấy huyền thoại về Chủ tịch Hồ chí Minh đã lên rất cao nhưng quyền lực đã bị chia sẻ khá nhiều.

Tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa…

Cuộc Cải cách ruộng đất gây tang thương cho miền Bắc, Trường Chinh bị đưa ra làm dê tế thần, mất chức Tổng bí thư, Lê Duẩn từ miền Nam ra Bắc lên thay.

Tổng bí thư Lê Duẩn thâu tóm quyền lực đẩy Chủ tịch Hồ chí Minh thành biểu tượng không còn quyền lực trong tay.

Lê Duẩn cần quyền lực mà không cần nhà nước chính danh nên âm thầm cho đổi Hiến pháp 1959 không qua trưng cầu dân ý, rồi bầu một Quốc hội mới cho có hình thức.

Chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội có đó nhưng mọi quyết định quan trọng đều từ Lê Duẩn và bè cánh mà ra.

Lê Duẩn đưa ra hai chủ trương miền Bắc tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa và mang quân xâm nhập miền Nam.

Ở miền Bắc, Lê Duẩn áp dụng mô hình toàn trị kế hoạch hóa kiểu Liên Xô và xây dựng một hệ thống công an trị kiểm soát chặt chẽ toàn xã hội. Mô hình này được mang vào miền Nam sau 30/4/1975.

Nói tóm lại quyền lực của Chủ tịch Hồ chí Minh tập trung vào việc nước nhưng càng ngày càng chuyển sang cho Đảng qua hai Tổng bí thư Trường Chinh và Lê Duẩn rồi cuối cùng chỉ còn là biểu tượng.

Nên việc so sánh trường hợp ông Hồ khi xưa và ông Trọng ngày nay là không hợp lý.

Đổi mới kinh tế…

Năm 1986, Lê Duẩn bệnh rồi mất. Trường Chinh lên làm Tổng bí thư triệu tập Đại hội 6 bầu Nguyễn văn Linh làm Tổng bí thư.

Khi ấy, nền kinh tế kế hoạch hóa hoàn toàn phá sản, chiến tranh lại đang diễn ra tại Campuchia và biên giới phía Bắc buộc Đảng cộng sản phải phụ thuộc vào viện trợ của Liên Xô và các quốc gia Đông Âu.

Liên Xô và các quốc gia Đông Âu khi ấy cũng đang trong thời kỳ khủng hoảng nên viện trợ cho Việt Nam bị cắt dần buộc Đại hội 6 phải đổi mới kinh tế bằng cách cho tư nhân làm ăn buôn bán và mở cửa thương mãi và nhận đầu tư với các nước không cộng sản.

Sau Đại hội 6, Liên Xô và Đông Âu lần lượt tan rã, Bộ Chính trị giao cho ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nghiên cứu về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Ông Bách trả lời nguyên văn như sau :

"Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân".

Ông Bách kết luận :

"Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường. Kế hoạch phải nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân. Đảng phải nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội".

Các nghiên cứu trên ngày nay xét ra đều đúng cả. Nhưng chính vì những kết quả nghiên cứu này mà ông Bách bị kỷ luật và cách chức.

Đồng thời Đảng cộng sản nối lại bang giao với Trung Quốc và áp dụng mô hình thay đổi kinh tế nhưng giữ nguyên hệ thống chính trị do Đặng Tiểu Bình đề xướng nên mới tạo ra "tình huống" ông Trọng phải nhận vai trò chủ tịch và 7 vai trò khác.

Đảng và Nhà nước

Theo mô hình Đặng Tiểu Bình, Nhà nước lo về kinh tế còn Đảng lo về chính trị. Nên quyền lực Đảng cộng sản từng bước chuyển giao sang cho Nhà nước.

Nhà nước thì đều do các đảng viên nắm giữ nhưng tình trạng lạm quyền, tham nhũng, trục lợi, lãng phí… thiếu sự kiểm soát Đảng cộng sản càng ngày càng trở nên khủng khiếp.

Nhưng trong vai trò Tổng bí thư, ông Trọng lại không còn đủ quyền lực để trừng trị các đảng viên cao cấp làm gương.

Tình trạng này cũng đang xảy ra ở Trung Quốc và để giải quyết, ông Tập Cận Bình phải ôm tất cả vừa là Tổng bí thư, vừa là Chủ tịch nước, vừa là Chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương Đảng, vừa là Chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương Nhà nước, vừa là Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia trung ương, lại vừa là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc.

Một mình Tập Cận Bình hiện đang phải ôm 6 chức vụ chính còn các chức vụ phụ khác thì tùy giai đoạn.

Bởi thế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải ôm đồm cả là Bí thư Quân ủy trung ương, Ủy viên Thường vụ đảng ủy Công an trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại biểu quốc hội thuộc đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội.

Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi quyết định mở ra 5 tiểu ban sửa soạn cho Đại hội thứ 13, ông Trọng phải nắm hai tiểu ban là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự.

Bây giờ ông Trọng phải nắm luôn vai trò cả Chủ tịch nước nói chung là do "tình huống" đẩy đưa khi phải theo mô hình Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình.

Thất thập cổ lai hy…

Trong di chúc để lại, Hồ chí Minh có trích một câu thơ của Đỗ Phủ : "Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường có câu rằng 'nhân sinh thất thập cổ lai hy', nghĩa là "người thọ 70, xưa nay hiếm".

Năm nay ông Trọng đã 74 tuổi chỉ cần nghĩ đến các cuộc họp cho 8 chức vụ đã thấy ớn rồi. Rồi ông phải đọc công văn, thu xếp nhân sự, tiếp đón ngoại giao ôi trăm ngàn thứ việc…

Mặc dù là lý thuyết gia số một về xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam ông Trọng còn bâng khuâng "đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Nhưng tình trạng thê thảm trong nội bộ đảng cộng sản thì ông Trọng biết rất rõ nên từng tuyên bố hiện trạng : "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt Chính trị", "trên nóng, dưới lạnh", tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau...

Tình trạng đất nước thì ngập nợ, dân oan ngày càng đông, học sinh bị mang làm thí điểm, giáo dục thì khủng hoảng, môi trường ô nhiễm, nói chung mạnh ai nấy sống… trăm việc đầy trách nhiệm đều đổ cả lên đầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thiết nghĩ ông Trọng biết rất rõ theo đường "Bác đi" bi đát đến chừng nào nhưng chưa tìm được lối ra.

Chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung…

Để được nước Mỹ công nhận, trong hai năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã phải viết 8 thư và điện tín gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, với 3 thư và điện tín gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.

Nhưng người Mỹ vì biết rõ ông Hồ theo cộng sản nên không hề hồi âm.

Trong "tình huống" bị người Mỹ từ chối ông Hồ mới phải hoàn toàn lệ thuộc vào tư tưởng, kinh tế và quân sự của Liên Xô và Trung Quốc.

Ngày nay người Mỹ đã chính thức công nhận Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng được Tổng thống Obama mời thăm nước Mỹ và tiếp như một quốc khách của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump một người công khai chống chủ nghĩa xã hội nhưng đã ghé thăm Việt Nam và đã chính thức thăm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.

Đại sứ Daniel Kritenbrink Hoa Kỳ thay mặt ngoại giao Mỹ gởi thư chúc mừng đã nhấn mạnh :

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc chặt chẽ với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhằm củng cố và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".

Trong tình huống hiện nay chiến tranh thương mãi Trung-Mỹ ngày một gia tăng, chiến tranh gián điệp, tiền tệ, chứng khoán và có thể cả chiến tranh quân sự sẽ xảy ra.

Tổng thống Trump chỉ nhắc khéo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mà điều chỉnh cán cân thương mãi Việt Mỹ thặng dư và Mỹ không công nhận Việt Nam là quốc gia có thị trường tự do.

Chưa rõ việc gì sẽ xảy ra nhưng nếu ông Trọng tiếp tục để "tình huống" đưa đẩy theo Trung Quốc trong cuộc chiến thương mãi Mỹ - Trung thì kết quả cuối cùng là Đảng cộng sản Việt Nam khó mà tồn tại và đất nước cũng nát tan.

Cộng hòa Tự do và Dân chủ

Tôi là một người Việt Nam Cộng Hòa. Với chúng tôi, hôm nay là một ngày vô cùng ý nghĩa vì 62 năm về trước, ngày 26/10/1956 bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ban hành và nền cộng hòa được thiết lập tại Miền Nam Việt Nam.

Nếu tôi được đặt vào vị trí của ông Trọn,g tôi sẽ chủ động thoát khỏi tình huống bằng cách tuyên bố đổi tên và cương lĩnh của Đảng cộng sản.

Sau đó tôi sẽ thay đổi thể chế bằng cách tuyên bố tự do lập đảng chính trị, tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến, gồm cả người trong và ngoài nước thuộc mọi khuynh hướng với sự giám sát quốc tế, soạn ra một hiến pháp mới, một thể chế cộng hòa tự do dân chủ cho Việt Nam.

Làm được điều này tôi tin rằng những người cộng sản có rất nhiều cơ hội để được dân bầu lại tiếp tục nắm quyền, nhưng dân Việt thoát khỏi cộng sản và chiến tranh.

Nhưng vì không phải là ông Trọng nên tôi không rõ "tình huống" sẽ đẩy đưa ông Trọng và Đảng cộng sản về đâu trong khi khuynh hướng của thế giới đang càng ngày càng tẩy chay Trung Quốc và chọn con đường tự do cả kinh tế lẫn chính trị.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 26/10/2018

Nguyễn Quang Duy

Quay lại trang chủ
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)