Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2018

Nợ công Việt Nam có thực giảm như báo cáo của Thủ tướng Phúc ?

Thường Sơn

Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, vừa khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP - trước kỳ họp quốc hội mà nhìn vào góc xó nào cũng thấy ‘gật’.

no1

Khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nổ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng

Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ : "Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần".

Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém : ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.

Nhưng có thực nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP không ?

Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng "ấn định" chỉ vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 - lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%.

Còn từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).

Có nghĩa là cho đến nay, nợ công quốc gia vẫn còn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.

Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.

Vào cuối năm 2017, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, với nội dung đáng chú ý nhất của nó là đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.

Về thực chất, Luật về nợ công của Việt Nam đã cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp "vỡ" và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.

Nhưng bất chấp hàng loạt thành tích tô hồng về GDP liên tục tăng trưởng, nợ công được kéo xuống… của Nguyễn Xuân Phúc, đường đi lên của ông ta đã bị án ngữ hoàn toàn bởi một chủ tịch nước rất có thể sẽ ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 27/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)