Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2018

Tổng thống Trump khó ép Chủ tịch Jay Powell

Ngô Nhân Dụng

Đầu tháng Mười, 2018, Tổng thống Donald Trump chỉ trích quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương là "khùng" (crazy) và "bất trị" (out of control). Tuần này, ông Trump lại than rằng, "Cứ mỗi lần chúng tôi thành công lớn (trong nền kinh tế) là ông ta lại tăng lãi suất !"

ep1

Ông Jerome (Jay) Powell (trái), chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ, và Tổng thống Donald Trump. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Ông ta, ở đây là Jerome (Jay) Powell, chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ, chính thức gọi là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, Federal Reserve System, viết tắt Fed.

Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin giải thích : "Đáng lẽ ông ta phải là người thích lãi suất thấp ! Té ra không phải !". Hồi đó, ông Mnuchin đã khuyên ông Trump hãy chọn ông Powell làm chủ tịch Fed vì ông ta chủ trương lãi suất thấp (a low-interest-rate guy).

Ông Donald Trump xuất thân trong nghề địa ốc. Ai đã làm nghề này đều thích lãi suất thấp. Khi suất lời thấp, mình có thể dễ dàng vay tiền xây cất cao ốc, khách sạn, sòng bài, sẽ kiếm lời cao gấp bội số tiền lãi phải trả. Lãi suất thấp giúp thị trường địa ốc dễ bán nhà hơn. Ai làm nghề địa ốc cũng có cảm tưởng việc tăng lãi suất liên tiếp ba bốn lần trong một năm là "crazy !"

Ông Jay Powell đã công bố quyết định tăng lãi suất ba lần trong năm nay và sẽ tăng lần nữa trước cuối năm. Chủ tịch Fed không có toàn quyền quyết định, mà thường dựa trên ý kiến của Hội Đồng Chính Sách Tiền Tệ (mang tên Hội Đồng Thị Trường, Open Market Committee) của Ngân hàng trung ương ; nhưng vẫn là người chịu trách nhiệm khi tăng hay giảm lãi suất.

Sau khi ông tổng thống than phiền về Fed lần thứ nhì trong một tháng, Cố Vấn Kinh Tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow vội xác định ngay : Tổng thống Trump chỉ bày tỏ ý kiến về Fed, ông không ban lệnh cho ông Powell.

Nhưng ra lệnh rất khó. Nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo thiên Cộng Hòa, nhận định, "Sự thực là không một vị chủ tịch Ngân hàng trung ương nào lại để mọi người nghĩ rằng mình nhận lệnh từ Tòa Bạch Ốc" khi quyết định tăng hay giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương phải hoàn toàn độc lập với chính trị, đó là một quy tắc thiêng liêng trong giới kinh doanh Mỹ.

Nhưng Tổng thống Trump có lý do muốn Ngân hàng trung ương đừng tăng lãi suất. Lãi suất lên thì phát triển kinh tế sẽ giảm tốc độ. Hiện đã có những dấu hiệu. Theo Wall Street Journal, trong tháng Chín số nhà bán đã giảm bớt 5.5% so với tháng trước, và giảm 13,2% so với cùng tháng năm ngoái.

Nếu lãi suất lên nữa thì sang năm hoặc qua năm 2020 kinh tế sẽ suy thoái, đúng vào lúc ông Trump sắp tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng ông Trump cũng biết một tổng thống không thể ra lệnh cho Fed. Nếu trong hai năm tới ông tiếp tục lên tiếng chỉ trích Fed thì ông chỉ cốt thanh minh : Lỗi tại Fed làm kinh tế xuống, không phải tôi !

Mới được thành hơn một thế kỷ, Federal Reserve System có trách nhiệm chính là "giữ giá trị đồng đô la ổn định", tức là ngăn ngừa lạm phát. Jay Powell và Fed tăng lãi suất ba, bốn lần trong năm 2018 vì lo lạm phát. Lạm phát tức là giá sinh hoạt tăng lên, đồng tiền xuống giá. Hiện nay rất nhiều dấu hiệu báo trước lạm phát đang lên và sẽ còn lên trong năm tới.

Lạm phát là một hiện tượng tự nhiên đi với chu kỳ của nền kinh tế. Khi kinh tế trì trệ hoặc suy thoái thì lạm phát rất thấp, có thể xuống số không ; vì số người có tiền đi mua hàng hóa và dịch vụ giảm bớt. Khi kinh tế tăng trưởng, lạm phát sẽ cao ; vì khi nhiều người đi mua hơn thì giá phải tăng. Từ năm ngoái, tình trạng tăng trưởng đã báo động lạm phát đang lên.

Khi lạm phát xuống sát số không (có khi thành số âm) ; thì Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để người ta vay tiền dễ dàng hơn, chi tiêu hoặc đầu tư nhiều hơn, kích thích kinh tế lên. Ngược lại, khi kinh tế tăng mạnh thì Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để ngăn lạm phát.

Các người học kinh tế đều biết rằng kinh tế lên hay xuống là do tác động của nhiều triệu cá nhân quyết định mua, bán, đầu tư. Nhà nước hay Ngân hàng trung ương không thể hô một tiếng là kinh tế lên. Họ cũng không thể chỉ bước sai một bước là kinh tế xuống liền. Những quyết định như tăng hay giảm lãi suất, phải chờ 12 đến 18 tháng mới tác động vào sinh hoạt kinh tế. Cho nên ông Jay Powell không thể chờ tới lúc thấy lạm phát lên thật cao mới tăng lãi suất để ngăn lại.

Kinh tế Mỹ hiện đang "chạy hết tốc lực", như một chiếc xe Toyota Corolla được gắn thêm tám máy ! Cho nên mối đe dọa lạm phát không tránh được. Khi tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn 3,7% thì các công ty phải chạy đua khi tuyển công nhân và nhân viên. Họ phải tăng lương, và sẽ phải tăng giá bán để bù lại cho chi phí cao. Nhiều người có việc làm, với lương bổng cao hơn, sẽ chi tiêu nhiều hơn. Cả hai điều này đẩy lạm phát lên.

Chiến tranh mậu dịch sẽ đẩy giá cả cao hơn. Nếu các thứ thuế quan mới được áp dụng trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc, một nửa cố hàng hóa đó sẽ lên giá khoảng 10%, và lên 25% trong năm tới.

Hiệp ước mậu dịch mới giữa Mỹ, Mexico và Canada sẽ khiến nhiều món hàng tăng giá. Thí dụ, từ nay các xe hơi Mỹ ráp ở Mexico sẽ phải dùng nhiều bộ phận làm ở Mỹ hay Canada hơn thay vì mua từ nước khác. Do đó, giá chiếc xe sẽ cao hon. Các công ty Mỹ ráp xe ở Mexico phải trả lương công nhân ngang ngửa với công nhân Canada hay Mỹ. Thêm một lý do khiến giá thành tăng lên.

Hai nguyên do, chiến tranh mậu dịch và lương bổng tăng, sẽ đẩy cho lạm phát lên cao, trong năm 2019 có thể lên 3% tới 3,5%. Ngân hàng trung ương Mỹ phải ra tay ngăn chặn ngay từ bây giờ. Có bị chê là "điên" hoặc "ham tăng lãi suất" họ cũng không thể ngừng tay không tăng lãi suất lần nữa vào tháng Mười Hai này.

Lãi suất lên sẽ giảm bớt tốc độ kinh tế tăng trưởng. Kinh tế thị trường luôn luôn phải lựa chọn : Tăng trưởng nhanh thì lạm phát lên cao, cần giảm tốc để kìm hãm lạm phát. Nhưng kinh tế không thể tăng tốc mãi được, sẽ tới lúc phải xuống. Mối lo của Tổng thống Trump bây giờ là cơn suy thoái sắp tới sẽ xảy ra đúng lúc ông sắp tái tranh cử. Một mối lo khác là kinh tế toàn thế giới cũng đến lúc giảm tốc gây, ảnh hưởng trên nước Mỹ.

Cuộc chiến tranh mậu dịch ông Trump bắt đầu, với Trung Quốc và một phần với Châu Âu sẽ ảnh hưởng trên nền kinh tế. Nhưng khi các nước khác trả đũa tăng thuế nhập cảng trên hàng Mỹ, số bán giảm xuống cũng không quan trọng lắm. Vì hàng xuất cảng chỉ chiếm 8% trong Tổng sản lượng nội địa (GDP) nước Mỹ, khoảng 20.000 tỷ USD ; khác với Trung Quốc hoặc Canada sống nhờ xuất cảng. Nếu chiến tranh mậu dịch trầm trọng, GDP nước Mỹ cũng chỉ bị giảm khoảng một nửa của một phần trăm (0,5%), không thể gây nên suy thoái kinh tế. Nhưng chiến tranh mậu dịch sẽ khiến kinh tế toàn thế giới chậm lại ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Kinh tế thế giới có thể trì trệ hơn khi các nước "đánh nhau" bằng thương mại. Cuộc chiến sẽ tạo thêm bất trắc đáng lo ngại cho các xí nghiệp ở Mỹ ; khiến họ ngần ngại, có thể giảm bớt đầu tư vì không rõ tương lai sẽ ra sao. Tổng thống Trump hô hào đánh vào hàng nhập cảng để bảo vệ các xí nghiệp sản xuất ở Mỹ ; nhưng vẫn tới nay vẫn chưa thấy kết quả. Giá cổ phiếu các công ty sản xuất công nghiệp vẫn còn trì trệ ; thị trường chứng khoán lên cao phần lớn nhờ vào các công ty kỹ thuật tin học và Internet. Ngày Thứ Tư, 24 tháng Mười vừa rồi, thị trường rớt mạnh vì giá các công ty tin học lớn rớt xuống.

Tình trạng ngân sách chính phủ khiếm hụt đang tăng lên tới mức kỷ lục vì cắt thuế và tăng chi phí quốc phòng sẽ ảnh hưởng tới lãi suất. Vì khi bị khiếm hụt chính phủ phải vay nợ thêm, lãi suất sẽ tăng lên, các xí nghiệp đi vay khó khăn hơn, dù Ngân hàng trung ương không làm gì.

Nhật báo Wall Street Journal đặt câu hỏi có phải Tổng thống Trump nói đúng khi ông than phiền Fed tăng lãi suất nhanh quá đáng. Và họ tự trả lời rằng chính sách của Fed là vừa phải, vì lãi suất giờ này vẫn thấp hơn tỷ lệ lạm phát.

Lãi suất căn bản do Ngân hàng trung ương quy định hiện nay là 2,25%, phản ảnh tỷ lệ lạm phát đang nằm trong khoảng 2% đến 2,2%. Nếu kinh tế tiếp tục tăng thêm 4% một năm và lạm phát đe dọa sẽ lên tới 3,5% vì áp lực quốc nội và quốc tế, chắc chắn Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang phải ngăn chặn lạm phát ngay từ bây giờ, bằng cách tăng lãi suất.

Tổng thống Trump bất bình với ông chủ tịch Ngân hàng trung ương do chính ông bổ nhiệm. Nhưng ông Jay Powell sẽ phải làm theo trách nhiệm của mình, phải ngăn ngừa lạm phát. Khi ông Trump than vãn về quyết định tăng lãi suất của Fed, ông làm cho công việc của ông Powell khó khăn hơn và có thể gây phản ứng ngược lại với điều ông tổng thống mong muốn. Nếu Fed không tăng lãi suất trong tháng Mười Hai tới, ông Powell có thể bị chỉ trích là chùn bước trước áp lực chính trị !

Tổng thống Donald Trump có thể đã chỉ trích Ngân hàng trung ương chỉ để trút trách nhiệm cho họ khi kinh tế suy yếu. Nhưng ông tổng thống càng than vãn nhiều thì càng khiến ông Powell và các vị thống đốc và chủ tịch các ngân hàng địa phương trong Ủy Ban Tiền Tệ khó làm theo ý ông muốn.

Tính độc lập của Ngân hàng trung ương, không để cho chính trị can thiệp vào quyết định tiền tệ vẫn được bảo vệ như một tín điều trong kinh tế Mỹ. Ông Jay Powell sẽ không chịu thua kém các người tiền nhiệm khi bảo vệ vai trò độc lập của mình.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)