Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2018

Từ sự kiện Chu Hảo : Marx ở Việt Nam là gì ?

Ánh Liên

Nhân câu chuyện báo QDND và VTV đang lên án ông Chu Hảo vì đã ‘phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lenin’, bài viết đặt vấn đề : Marx ở Việt Nam thực chất là gì ?

mac0

Ảnh minh họa : McMarx's trên áo thung

Nhà nước Việt Nam đã và đang gắn chặt Chủ nghĩa Marx vào trong mọi khía cạnh đời sống, đến mức, ông Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng tìm cách gắn Marx-Lenin vào trong cuộc cách mạng 4.0, mà theo ông là, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Marx. Điều này dẫn đến một lý luận gượng ép rằng, 4.0 không còn thuộc về giai cấp, nhưng nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của của vật chất chủ yếu cho xã hội.

Vậy nếu đặt câu hỏi, làm thế nào để soi sang cuộc cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của một người ở thời kỳ sản xuất công nghiệp kỳ đầu (cách mạng 1.0) hay nếu công nhân là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội trong thời kỳ 4.0, vậy thì nền kinh tế tri thức mà Nghị quyết Đảng cộng sản Việt Nam thường dẫn chú là một nền kinh tế có phải là sự lai tạp ?

Rõ ràng, lý luận suông hoặc khập khễnh như trên vô tình gieo rắc thuộc tính xấu cho chính Marx, nó áp đặt một khuôn mẫu mà Marx chưa bao giờ nghĩ ra, hoặc sử dụng những yếu tố mà Marx hiện thực trong hệ thống xã hội cũ để đặt vào một cái khuôn 4.0 quá rộng.

Khi cái gọi là chính quyền Marx của Đông Âu sụp đổ vào năm 1989 và 1990, nhiều người tuyên bố rằng Marx đã kết thúc. Chưa đầy 20 năm sau, một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự quan tâm đến Marx đã tăng khá đáng kể, cứ thể như Marx đang nói : đó là điều đã được dự đoàn trước trong Tư bản luận.

Thực tế là Marx hiểu được sự bất ổn của chủ nghĩa tư bản, không giống như hầu hết các nhà kinh tế trong thời của ông. Nhưng ông không nói nhiều về giải pháp thay thế.

Vấn đề là tại sao lại phải làm như thế ?

Không phải Việt Nam, mà cả Trung Quốc cũng theo con đường ‘cưỡng bức chủ nghĩa Marx’ theo hình thái kinh tế - chính trị - xã hội mà đảng cầm quyền ‘sáng tạo ra’. Chính vì thế mà gần đây, nếu ở Trung Quốc có sự kiện Nhà nước Bắc Kinh ra tay trừng phạt một Hội sinh viên nghiên cứu Chủ nghĩa Marx vì dám đòi lợi quyền cho công nhân, hướng dẫn họ thành lập công đoàn theo ý tưởng của Marx. Trong khi đó, tại Việt Nam, câu chuyện ‘công đoàn độc lập’ – một tổ chức đàm phán, thương lượng tập thể của giới công nhân lại chật vật xuất hiện trong đời sống xã hội, nhưng nó không đến từ dụng ý tích cực của Hà Nội, mà ngược lại là một điều khoản ép buộc về nhân quyền để đổi lấy thương mại.

Nhưng Marx là hiện diện xương sống của những chế độ mang danh cộng sản còn lại. Cụ thể, chủ nghĩa Marx cung cấp cho nhà nước Trung Quốc hay Việt Nam một cơ sở lý thuyết để duy trì sự cai trì, và ‘bạo lực vũ trang’ là Lenin trở thành cơ sở để trấn áp. Chủ nghĩa Marx cũng là một yếu tố để Hà Nội duy trì một sự thống nhất hệ thống đảng từ trên xuống dưới, và nó là tư tưởng duy nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam có. Tương tự, bên Trung Quốc, theo Timothy Cheek và David Ownby trong một bài viết gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng Marx như là cơ sở để thống nhất tư tưởng một quốc gia tỷ dân với nhiều sắc tộc. Và tất nhiên, cả hai đảng, hai nhà nước luôn né tránh ‘cảm hứng đấu tranh giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động’ từ Marx.

Marx trở thành bình phong hữu hiệu để sự thống khổ có đích nhắm, và dường như, nó là cơ sở chuyển tiếp trước khi đi đến một tư tưởng độc tài hóa thực sự.

22222222222222

Một bữa cơm của giới công nhân Việt Nam vừa được chia sẻ trên Facebook gần đây

Với Hà Nội, Marx là cơ sở để trấn áp và duy trì tính giai cấp thống trị trong bộ máy nhà nước, tầng lớp công nhân được đếm xỉa đến trong các bài diễn văn liên quan đến giải quyết công ăn việc làm của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các cụm công nghiệp. Và luôn có câu ‘đảng chăm lo đời sống công nhân mật thiết’, nhưng thực tế không phải như vậy. Công nhân vẫn thống khổ, có lẽ, gần giống như thời kỳ Marx, hoặc thậm chí có lúc tồi tệ hơn, khi bị vắt kiệt bởi tư bản với sự bảo trợ của ‘đảng tiền phong của giai cấp công nhân’.

Rõ ràng, Marx có giá trị hiện hữu với Hà Nội và Bắc Kinh trong duy trì tính cai trị, đồng thời tìm ra phương pháp ‘trẻ hóa’ chủ nghĩa này ở dạng thức khác. Bắc Kinh đang làm, với ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ nhằm hiện thực giấc mơ Trung Quốc, hình thành một xã hội chấm điểm tín dụng như được miêu tả trong tác phẩm 1984. Hà Nội cũng vậy, nhưng Hà Nội lại chật vật hơn, Hà Nội không có Đặng Tiểu Bình, có Giang Trạch Dân,… không có gì cả, ngoại trừ những lãnh đạo hấp thu những ‘bài học kinh nghiệm’ từ Trung Quốc, học và chép lại.

Gần đây, Hà Nội có một sự chuyển biến, khi một người quyền lực lớn nhất sau 1975 xuất hiện – ông Nguyễn Phú Trọng, người đưa Đảng cộng sản Việt Nam vào sâu trong nhà nước về cả mặt ngoại giao. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam và kể cả ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ có một tư tưởng nào cả, và vì vậy, Marx vẫn là cơ sở để vịn vào, không gì cả ngoài việc củng cố quyền lực nhà nước. Quyền lực đó được củng cố lớn đến mức, trong một bài phát biểu 27/10, một vị Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết ca ngợi quyền lực ông Trọng là 'mệnh trời giao phó'.

Nhà nước Việt Nam vẫn giữ gìn Marx theo ‘sáng tạo’ của mình, không đa nguyên, không đa đảng, không tam quyền phân lập, và cả không xã hội dân sự… Dù rằng, ở một khía cạnh lý luận nào đó, Marx đã từng nhắc gián tiếp đến tam quyền phân lập, kiểm soát quyền lực, và một xã hội công dân.

Nhà nước Việt Nam cũng chưa bao giờ xác định đầy đủ về Marx, ít nhất ông không phải là một nhà kinh tế đích thực, ông chỉ là người tìm ra phương thức để chống mọi hình thức áp bức, và kháng cự với nhà nước để giải phóng lao động. Chế độ cộng sản nửa mùa như Việt Nam, Trung Quốc đang hiện hữu các nhà máy tư bản, nơi vắt kiệt đời sống công nhân bằng các bữa ăn không nhiều thịt, còn chế độ cộng sản hoàn toàn như Triều Tiên, Cuba, thì dân chết đói và Đảng cộng sản luôn đổ lỗi cho ‘Mỹ’ về sự nghèo phát triển.

Hiện trạng nêu trên không khác lắm so với trong quá khứ : một nạn đói ở Liên bang Xô viết năm 1933 - khiến 6 đến 8 triệu người Liên Xô chết, hơn một nửa trong số đó là nông dân Ukraine bị Chính phủ của chính họ cố tình bỏ đói hay 55 triệu người thiệt mạng trong Đại nhảy vọt của Chủ tịch Mao. Và Bắc Triều Tiên có thể tự sưởi ấm trên đống tro tàn.

Marx - như đã đề cập, với tư cách là một nhà triết học vĩ đại, ông có ý tưởng tốt đẹp theo cách nào đó, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đúng cách. Nhưng Marx lại trợ giúp những chế độ độc tài ở điểm, nhờ Tuyên ngôn của ông, các nhà độc tài sẽ không cần thiết phải nghĩ quá nhiều về sự biện minh cần thiết nào cho việc tịch thu tài sản, đất đai, công nghiệp, lao động hay thực phẩm. Điều kỳ lạ là, Marx chỉ sống 'vĩ đại' ở những nước nửa mùa như Việt Nam, Trung Quốc hoặc Lào, còn tại Triều Tiên - lãnh đạo xứ này dựa hoàn toàn vào lý tưởng và phương châm của Kim Nhật Thành, coi Marx như một mớ hỗn độn. 

Đảng cộng sản tinh khôn khi giữ sự ‘độc quyền’ mà bỏ qua ‘xã hội công dân’, với sự bảo trợ của tính ‘độc đảng, công hữu, bạo lực’ từ Marx pha thêm Leninist. Phản bác chủ nghĩa Marx, tức là phản bác sự độc tôn tinh khôn đó, và vì thế cần phải bị loại trừ như cách mà ông Chu Hảo bị trong tuần vừa qua. Nhưng sự loại trừ những trí thức như ông Chu Hảo, lại vô tình gây thiệt hại nặng nề đến nguyên khí của quốc gia, vốn còn lớn hơn cả nạn đói do những chính thể nhân danh Marx thực hiện nên.

Marx suy cho cùng, cũng chỉ là một nạn nhân của sự độc tài, toàn trị.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 31/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)