Theo Reuters ngày 2/10, trong một cuộc trao đổi, chính phủ Bangladesh hối Myanmar đem người tị nạn Rohingya trở về Myanmar để chấm dứt cuộc khủng hoảng tị nạn.
Lính biên phòng Bangladesh đuổi người tị nạn về trại dã chiến-Ảnh : Toronto Star
Một quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết : Bangladesh sẽ chú ý 5 đề nghị trong cuộc nói chuyện hôm 2/10 tại thủ đô Dhaka của nước này, đặc biệt về khả năng người tị nạn trở về Myanmar bền vững. Ông còn cho biết : "Chúng tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết qua chỉ một cuộc họp".
Quan chức này giấu tên vì không được phép nói chuyện với báo chí về cuộc gặp đại diện chính phủ Myanmar là ông Kyaw Tint Swe.
Liên Hiệp Quốc đã gọi cuộc chạy giặc của 507.000 người tộc Rohingya theo đạo Hồi từ ngày 25/8 là "vụ tị nạn khẩn cấp tiến triển nhanh nhất thế giới", và cáo buộc Myanmar với đa số dân theo đạo Phật đang tiến hành "thanh trừng sắc tộc" chống lại cộng đồng Rohingya thiểu số.
Trước cuộc chạy giặc, đã có 300.000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh.
Myanmar phủ nhận cáo buộc. Quân đội nước này đã mở cuộc tấn công ở phía bắc bang Rakhine để trả đũa những cuộc tấn công có điều phối của lực lượng nổi dậy Đội quân cứu tế Arakan Rohingya (ARSA). Lực lượng này đã tấn công vào 30 đồn cảnh sát và 1 căn cứ quân đội ngày 25/8.
Chính phủ Myanmar qui trách nhiệm cho ARSA tấn công dân thường, đốt cháy rụi hơn một nửa trong 400 làng của người Rohingya ở phía bắc bang Rakhine. Myanmar nói hơn 500 người thiệt mạng trong vụ bạo lực gần đây nhất, đa số là các tay súng ARSA. Lực lượng này phủ nhận mọi cáo buộc.
Từ hàng chục năm qua, đã có sự căng thẳng giữa tín đồ Phật giáo với tộc người Rohingya. Tộc này không được công nhận là công dân Myanmar, bị xếp là di dân trái phép dù tộc này tuyên bố có nguồn cội ở bang Rakhine từ nhiều thế kỷ trước.
Tuần trước, Mỹ kịch liệt chỉ trích chính quyền Myanmar về cuộc khủng hoảng tị nạn, kêu gọi các nước không cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar nhưng Mỹ không dọa sẽ tái áp đặt lệnh cấm vận (đã được tạm ngưng áp dụng dưới thời Tổng thống Barack Obama).
Ngày 2/10, dự kiến có cuộc biểu tình chống phương Tây gây sức ép ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar.
Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh, lập các vùng an toàn ở Myanmar để người tị nạn có thể quay về. Bà cũng kêu gọi Ủy ban tìm kiếm sự thật Liên Hiệp Quốc đến Myanmar và kêu gọi Myanmar tuân thủ các yêu cầu giải quyết những vấn nạn ở bang Rakhine. Các yêu cầu này do một nhóm chuyên viên lập. Đứng đầu là cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.
Myanmar không chấp nhận đón đoàn tìm hiểu sự thật Liên Hiệp Quốc nhưng năm ngoái bà Suu Kyi chọn ông Annan dẫn đầu nhóm cố vấn và đưa ra những giải pháp.
Ủy ban này đã có tài liệu trình những kiến nghị ngày 24/8 gồm xem xét lại một bộ luật kết nối quyền công dân với sắc tộc đã khiến nhiều người Rohingya bị xếp vào diện không có tổ quốc.
Ủy ban cũng đề nghị chính phủ Myanmar qui trách nhiệm với những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bảo đảm quyền tự do di chuyển cho toàn bộ công dân bang Rakhine và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như điện đường, nguồn nước sinh hoạt và tạo quyền tiếp cận internet để giúp dân bang này thoát nghèo.
Trong bài diễn văn toàn quốc hồi tháng 8, bà Suu Kyi nói sẽ thực hiện những đề nghị này.
Bích Ngọc (theo Reuters)
Khủng hoảng Rakhine : Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế (BBC, 20/09/2017)
Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý bạo lực tại bang Rakhine và khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề vì không có phản ứng gì trước cuộc khủng hoảng Rohingya
Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba, bà lên án những vụ lạm quyền nhưng không đổ lỗi cho quân đội hoặc giải quyết những cáo buộc thanh lọc sắc tộc.
Các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao từ một số quốc gia đã bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ với lập trường của bà.
Hơn 400.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh từ cuối tháng Tám.
Tình trạng bất ổn mới nhất ở Rakhine xảy ra do các vụ tấn công chết người tại các đồn cảnh sát trên khắp bang Rakhine vào tháng trước.
Nhiều người bị giết trong một cuộc đàn áp quân sự sau đó và có những cáo buộc về việc các ngôi làng bị đốt cháy và người Rohingya bị đuổi đi.
Trong bài diễn toàn quốc đầu tiên về cuộc khủng hoảng gần đây, bà Suu Kyi nói :
- Không có xung đột hoặc hoạt động đuổi người ở miền bắc kể từ ngày 5 tháng Chín
- Hầu hết người Hồi giáo đã quyết định ở lại và điều này cho thấy tình hình không nghiêm trọng
- Chính phủ đã có những nỗ lực trong những năm gần đây để cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người ở Rakhine bao gồm cả người Hồi giáo
- Tất cả người tị nạn sẽ được phép trở lại sau một quá trình xác minh.
Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước nói rằng bà không sợ "sự giám sát của quốc tế" về cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng.
Bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bìn, hôm 19/9 nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
***********************
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 19 tháng 9 đưa ra lời kêu gọi đòi chính phủ Myanmar phải nhận lại khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh vì chiến sự ở bang Rakhine, Myanmar.
Những người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar đang chờ đợi sự trợ giúp tại thị trấn Teknaf của Bangladesh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017. AFP
Nói với những nhà hoạt động người Bangladesh tại New York nơi bà Hasina đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Hasina cho biết chính phủ Bangladesh đã đưa ra yêu cầu này với Myanmar, đòi hỏi Myanmar phải đảm bảo an toàn cho những người tị nạn Hồi giáo đồng thời không được tra tấn, đàn áp họ. Bà Hasina cho biết hiện Bangladesh đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Myanmar làm điều này.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Bangladesh, cho đến lúc này chính phủ Myanmar vẫn không đáp trả lại những lời kêu gọi của Bangladesh, thay vào đó Myanmar còn cho rải mìn dọc theo biên giới nhằm ngăn không cho những người Rohingya quay trở lại.
Trước đó, lãnh tụ Myanmar bà Aung San Suu Kyi có bài phát biểu công khai trên truyền hình nói rằng Myanmar sẽ chỉ nhận lại những người Hồi giáo Rohingya đã được đăng ký với chính phủ Myanmar.
Từ trước đến nay, chính phủ Myanmar vẫn luôn coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và không cho họ nhập quốc tịch.
Trong khi đó, tại Bangladesh, quân đội nước này đang gia tăng nỗ lực giúp đỡ những người tị nạn Rohingya vào lúc mùa mưa đang đến.
Ông Obaidul Quader, một Bộ trưởng thuộc đảng Awami League đang nắm quyền ở Bangladesh cho báo chí biết quân đội sẽ được triển khai ngay lập tức đến Cox’s Bazar nơi có hơn 400.000 người tị nạn Rohingya. Quân đội sẽ giúp xây các nơi trú ẩn, nhà vệ sinh cho người tị nạn hiện còn đang phải ngủ ngoài trời dưới mưa.
Ngoài ra quân đội Bangladesh cũng có nhiệm vụ đảm bảo trật tự và giúp đỡ trong các hoạt động cứu trợ tránh những tình trạng náo loạn, dẫm đạp lên nhau khi thực phẩm và đồ cứu trợ được đưa xuống từ các xe tải.
Mới đây chính phủ Bangladesh cũng cho biết nước này sẽ lập thêm một khu vực mới có thể chứa tới 400.000 người tị nạn trong vòng 10 ngày.
Cũng tại Bangladesh, hàng trăm tín đồ Ấn Giáo đang hướng đến Ấn Độ, nước láng giềng với Bangladesh, với hy vọng tìm được nơi trú ngụ mới.
Hiện có khoảng gần 500 tín đồ Ấn Giáo đang ở trong một trang trại gà đã dọn tại một làng của người theo Ấn giáo ở vùng đông nam Bangladesh, chỉ cách nơi những người tị nạn Rohingya đang trú khoảng hơn 3 cây số.
Những người tị nạn Ấn Giáo cũng chạy từ Myanmar sang Bangladesh để tránh chiến sự và bây giờ họ nói họ không muốn quay trở lại Myanmar vì lo sợ. Nhưng họ cũng không muốn ở lại trên đất Bangladesh nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Hiện chính phủ Ấn Độ không gây khó dễ cho việc xin quốc tịch đối với những cộng đồng thiểu số đến từ Bangladesh hay Pakistan, dù đó là tín đồ Ấn Giáo, Phật giáo hay Thiên chúa giáo.
Tuy nhiên chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa có bình luận gì về mong muốn của những người tị nạn Ấn Giáo trên đất Bangladesh. Hiện chính phủ Ấn vẫn còn đợi phán quyết của tòa Tối cao liên quan đến một khiếu nại về kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Rohingya khỏi nước này.
Bạo lực tại bang Rakhine của Mynamar những tuần qua cũng khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại và kêu gọi chính phủ Myanmar phải có nỗ lực đảm bảo ổn định.
Tân Hoa Xã hôm 20 tháng 9 trích lời của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi ở New York rằng nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là giảm căng thẳng càng sớm càng tốt, tránh gây nguy hiểm đến người dân vô tội, ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nhân đạo, kêu gọi và giúp đỡ chính phủ Myanmar và Bangladesh tìm kiếm giải pháp cơ bản qua đối thoại và tham vấn. Ông cho rằng vấn đề người Rohingya tại Myanmar đã có từ rất lâu và đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng với cộng đồng quốc tế trong khủng hoảng tại Myanmar.
***********************
Thủ lĩnh đánh bom tại Indonesia bị tù 11 năm (RFA, 20/09/2017)
Một phiến quân người Indonesia có liên can với nhóm Hồi giáo IS bị một tòa án tại nước này vào ngày 20 tháng 9 tuyên án 11 năm tù với cáo buộc âm mưu tấn công vào một buổi đổi gác ở dinh tổng thống tại Jakarta.
Chiến binh Indonesia Muhammad Nur Solikin bị kết án 11 năm tù ở tòa án Jakarta vào ngày 20 tháng 9 năm 2017 - AFP
Bị cáo thứ hai bị tuyên sáu năm tù giam. Hãng thông tấn AP đưa tin Muhammad Nur Solihin, và Agus Supriyadi đã bị bắt cùng với hai phiến quân khác bao gồm cả vợ của Solihin vào tháng 12 năm ngoái, chỉ một ngày trước khi âm mưu tấn công được thực hiện.
Bồi thẩm đoàn gồm ba thành viên tại phiên xử cho rằng hành động của các bị cáo không thể chấp nhận là việc làm của con người và vi phạm luật chống khủng bố của Indonesia.
Vào tháng trước vợ của Solihin, tên Dian Yulia Novi, dự tính đánh bom tự sát, bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam. Một phụ nữ khác, Tutin, bị tuyên 3 năm rưỡi vì tội khuyến khích Novi thực hiện hành động đánh bom tự sát. Indonesia là đất nước có số tín đồ Hồi Giáo đông nhất thế giới và chính quyền Jakarta cho tiến hành biện pháp cấm đối với hoạt động thánh chiến kể từ vụ đánh bom ở Bali vào năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Sắc dân thiểu số Rohingya vẫn ồ ạt chạy khỏi Miến Điện để tránh bị quân đội nước này truy sát. Theo Liên Hiệp Quốc, từ hơn một chục ngày qua, hơn 165.000 người đã vượt biên giới để sang Bangladesh, cho dù tại đây, họ phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Tuy bị quá tải, nhưng các tổ chức phi chính phủ vẫn cố gắng cứu giúp những người tị nạn.
Người tị nạn Rohingya vượt qua sông Naf, phân ranh Miến Điện và Bangladesh. Ảnh ngày 07/09/2017 - Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Từ Bangladesh, đặc phái viên RFI Sebastien Farcis gửi về bài tường trình :
"Từ những năm 1990, Bangladesh đã đón nhận hàng chục ngàn người Rohingya và từ đó, tình hình tương đối lắng dịu. Thế nhưng vào tháng 10 năm ngoái, sau đợt đàn áp đầu tiên của quân đội Miến Điện, khoảng 80 ngàn người Rohingya đã vượt qua con sông ngăn cách hai nước để chạy sang Bangladesh. Giờ đây, Bangladesh đang phải đối mặt với làn sóng tị nạn chưa từng thấy, khoảng 165 ngàn người trong vòng 10 ngày. Và tình trạng nhân đạo này rất khó kiểm soát.
Do vậy, tổ chức phi chính phủ Bác Sĩ Không Biên Giới đã phải mở thêm một phòng mổ thứ hai và huy động thêm hai trạm y tế di động để giúp đỡ người tị nạn. Ông Pavlo Kolovos, phụ trách tổ chức này tại Bangladesh cho biết :
Theo tôi nhớ thì chưa bao giờ có nhiều người đến và rất nhanh như vậy. Như cầu của họ rất lớn. Rõ ràng là họ đã tuyệt vọng và rất hoảng sợ khi chạy lánh nạn. Trước đó, khả năng đón tiếp của chúng tôi đã rất căng thẳng và giờ đây thì tình hình còn tồi tệ hơn. Đây là một cuộc khủng hoảng và chúng tôi phải hành động : ít ra là phải giúp đỡ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người tị nạn, cho dù họ đáng phải được giúp đỡ nhiều hơn thế.
Tổng cộng có tới 300 ngàn người Rohingya sống chen chúc trên một dải đất ở Bangladesh và trong số này chỉ có gần 10% được hưởng quy chế tị nạn. Trong khi đó, để tránh bị quân đội Miến Điện đàn áp, dòng người chạy lánh nạn dường như không giảm".
Tổ chức Lưỡi Liềm Đỏ của Iran hôm qua cho biết đã sẵn sàng để chuyển bằng máy bay hàng cứu trợ sang cho người Rohingya. Lượng hàng cứu trợ gồm thực thẩm, đồ dùng thiết yếu lên tới 40 tấn, với tổng trị giá khoảng 4 tỉ đô la.
Còn lãnh đạo lực lượng tuần duyên Malaysia hôm nay tuyên bố sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm cho người Rohingya trên đường họ đi tị nạn, hoặc cấp chỗ ở tạm thời cho họ trước khi họ tiếp tục lộ trình đã định. Hiện Malaysia vẫn chưa ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nên vẫn coi người tị nạn là người nhập cư bất hợp pháp.
Trong bối cảnh bị quốc tế chỉ trích, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi hôm qua tuyên bố chính phủ nước này đã cố gắng hết sức để bảo vệ "tất cả mọi người" kể từ khi vụ bạo lực bùng phát vào ngày 25/08 làm rung chuyển bang Rakhine.
RFI tiếng Việt
*************************
Liên Hiệp Quốc : Sẽ phải cứu trợ cho 300.000 người tị nạn Rohingya (RFI, 07/09/2017)
Người Rohingya Miến Điện tiếp tục ồ ạt chạy sang Bangladesh tị nạn kể từ khi bạo lực bùng phát tại bang Rakhine cách nay hai tuần. Theo một chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ cho 300.000 người tị nạn, theo kịch bản tồi tệ nhất.
Một người tị nạn Rohingya sau khi vượt biên sang Bangladesh ngày 05/09/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Reuters dẫn lời người phát ngôn của Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) tại Bangladesh, ông Dipayn Bhattacharyya, theo đó tại Bangladesh, tổng số dân tị nạn ước tính từ 120.000 đến 300.000. Theo đại diện Chương Trình Lương Thực Thế Giới, "những người tị nạn đến nơi trong tình trạng suy kiệt,… họ không những hết sức đói mà còn rất hoảng sợ". Làn sóng người tị nạn, trong đó có nhiều người bị thương, bị bệnh, đòi hỏi rất nhiều hỗ trợ, trước hết về nơi ở, thực phẩm, nước sạch và các phương tiện vệ sinh, đặc biệt cần thiết bởi khu vực này đang giữa mùa mưa.
Đại diện của WFP kêu gọi các nhà tài trợ khẩn cấp đóng góp phương tiện. Chương Trình Lương Thực Thế Giới ước tính, để bảo đảm đời sống tối thiểu cho 300.000 người tị nạn, tổ chức này cần huy động thêm ít nhất 13,3 triệu đô la, để lương thực đủ dùng cho bốn tháng. Ông cảnh báo, nếu thiếu lương thực thì việc tranh giành sẽ xẩy ra, bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, chắc chắn sẽ gia tăng.
Về phía các trại tị nạn ở bang Rakhine, kể từ cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya (lực lượng ARSA) vào các trạm biên phòng Miến Điện, các tổ chức quốc tế, như Chương Trình Lương Thực Thế Giới, không còn phân phát được thực phẩm cho dân cư trong các trại tị nạn, đa số là người Rohingya, nơi có khoảng 80.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Quân đội Miến Điện tiếp tục chiến dịch truy quét rộng lớn tại khu vực này. Theo con số do quân đội nước này đưa ra hôm nay, trong hơn 430 người chết kể từ đầu khủng hoảng, chủ yếu đó là "quân khủng bố" Rohingya. Hiện tại, khu vực bang Rakhine hoàn toàn bị phong tỏa, không có phóng viên độc lập nào được phép tác nghiệp.
Phong trào đòi tước giải Nobel của Aung San Suu Kyi
Thảm cảnh của người Hồi giáo Rohingya Miến Điện khiến nhiều người nổi giận chống lại bà Aung San Suu Kyi, được coi là người đứng đầu chính phủ Miến Điện "trên thực tế". Ngày hôm qua, trên đường phố Karachi, thủ đô Pakistan, người biểu tình đốt hàng loạt tấm hình nhà lãnh đạo Miến Điện.
Theo AFP, một kiến nghị trên mạng đòi tước giải Nobel Hòa Bình của Aung San Suu Kyi đã huy động được hơn 364.000 chữ ký, tính đến sáng nay. Theo người chủ xướng bản kiến nghị, một công dân Indonesia, cho đến nay, nhà lãnh đạo Miến Điện đã "không làm gì để ngăn chặn tội ác chống nhân loại này, xảy ra trên đất nước mình". Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee, bày tỏ hy vọng bà Aung San Suu Kyi thể hiện "nhiều tình thương hơn… trong thời điểm hệ trọng này của lịch sử Miến Điện", như những gì bà từng tuyên bố.
Về khả năng tước giải Nobel, thư ký của Ủy Ban cho AFP hay, vấn đề này sẽ hoàn toàn không được đặt ra, bởi không có trong di chúc của người sáng lập, cũng như quy chế của Quỹ. Giải thưởng chỉ căn cứ trên nỗ lực của người được trao giải, cho đến thời điểm đó.
Về vai trò thực sự của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều nhà quan sát cho rằng nhìn chung, giải Nobel Hòa Bình bất lực trước làn sóng Phật giáo cực đoan và trước một tập đoàn quân đội còn rất mạnh, kể cả về mặt chính trị, sau gần nửa thế kỷ độc tài quân phiệt. Hiện giới quân sự nắm ba bộ lớn trong chính quyền, kiểm soát quân đội, cảnh sát và biên phòng, cùng với một phần tư ghế trong Quốc hội, đủ thẩm quyền để ngăn chặn mọi cải cách Hiến pháp.
Miến Điện là một quốc gia hơn 130 sắc tộc, với hơn 90% theo Phật giáo, người theo đạo Hồi ít hơn 5%. Các thành phần Phật giáo cực đoan, có quan điểm chống Hồi giáo, rất có ảnh hưởng. Đa số dân chúng lại tin rằng dân Rohingya là người nước ngoài, đến từ nước láng giềng Bangladesh, nhiều người cho rằng đây là một "vấn đề an ninh quốc gia".
Trọng Thành
********************
Myanmar : người Rohingya chạy sang Bangladesh tránh bạo lực (VOA, 09/09/2017)
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho hay trong hai tuần qua, khoảng 270.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh để tìm nơi nương thân, trốn bạo lực và đàn áp ở Myanmar. Các bản tin chưa được kiểm chứng nói hơn 1.000 người đã bị quân đội Miến Điện giết chết từ ngày 25/8 khi xảy ra bạo lực ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar.
Người tị nạn Rohingya chờ tàu đưa qua kênh sau khi vượt biên giới qua sông Naf ở Teknaf, Bangladesh, ngày 7/9/2017. Ảnh Reuters/Mohammad Ponir Hossain.
Các cơ quan cứu trợ đang tăng cường công tác cứu trợ khẩn cấp cho người Hồi giáo Rohingya ở Bangladesh để đáp ứng nhu cầu của số người tị nạn đang gia tăng. Họ nói khả năng cung cấp nơi tạm trú vốn đã eo hẹp, giờ đã được tận dụng hết mức, và người tị nạn đang được đưa tới các địa điểm dung thân tạm thời đã nở rộ dọc theo con đường. người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, ông Duniya Aslam Khan, nói rằng các trại tị nạn đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người nào khác. Ông nói :
"Hai trại tị nạn ở Bangladesh, Kutupalong và Nayapara, trước làn sóng tị nạn này là nơi chứa chấp 34.000 người tị nạn Rohingya, giờ đây đã chật cứng. Trong vòng hai tuần số người tị nạn trong trại đã tăng hơn gấp đôi, tổng cộng hơn 70.000 người. Đang có nhu cầu khẩn cấp phải có thêm đất đai và nơi tạm trú".
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đang dành riêng 1 triệu đô la trích ra từ quỹ khẩn cấp để cung cấp nơi trú ẩn, nước uống, thực phẩm và các dịch vụ y tế cho người tị nạn. Người phát ngôn của IOM, ông Leonard Doyle, nói với VOA rằng những người tị nạn không có nguồn lực và đang cấp thiết cần các dịch vụ hỗ trợ để cứu mạng.
Ông nói thêm :
"Họ đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, một tình huống nhân đạo hoàn toàn tuyệt vọng, không có đủ lương thực mà ăn... Họ nói họ đang sống ngoài trời, không có nơi trú ẩn để tránh cái nóng của mặt trời ở vùng nhiệt đới, không có nơi để trú mưa, trong khi con cái của họ không gì để ăn".
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang giải ngân 7 triệu đô-la từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương LHQ để giúp hàng ngàn người trong cảnh cùng quẫn, đang tiếp tục tràn vào Bangladesh.
Lisa Schlein
Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện
Trong mấy ngày gần đây, cuộc khủng hoảng người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Miến Điện Điện thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí Pháp. "Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện" là tựa đề một bài viết trên Le Monde.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi bị Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích là "vô trách nhiệm" với người Rohingya. Reuters/Soe Zeya Tun
Dòng người Hồi giáo thiểu số Rohingya rời bang Rakhine, miền Tây Miến Điện, để tránh chiến dịch truy quét trên quy mô lớn của các lực lượng an ninh Miến Điện, sau khi các phiến quân Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát ở Arakan vào ngày 25/08, vẫn không ngừng tăng.
Theo số liệu mà Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công bố ngày 05/08/2017, chỉ trong hai tuần qua, đã có tới 123.000 người Rohingya sang tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết phần lớn số người Rohingya nói trên phải đi bộ nhiều ngày, vượt sông, leo núi, trốn tránh trong rừng rậm. Họ đói khát, yếu ớt và lâm bệnh.
Le Monde cho biết nhiều tổ chức phi chính phủ và cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại các khu vực khủng hoảng đã bị buộc phải rời đi. Một lãnh đạo các cơ quan trên cho rằng chính quyền Miến Điện không muốn để các tổ chức nhân quyền chứng kiến quân đội thực hiện chính sách đốt phá làng mạc như thế nào. Ngoài ra, quân đội chỉ giúp đỡ các tín đồ Phật giáo ở bang Rakhine thay vì giúp đỡ người Rohongya. Các lực lượng an ninh dường như cũng không phân biệt dân thường và phiến quân.
Việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Rohingya đã khiến chính quyền các nước Hồi giáo và thế giới nói chung phẫn nộ. Hôm thứ Hai 04/09, tổng thống Indonésia, Joko Widodo, đã cử ngoại trưởng sang gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi và tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Trong khi đó, ở Djakarta, hàng ngàn người biểu tình trước cửa đại sứ quán Miến Điện.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, gọi vụ trấn áp là "nạn diệt chủng". Hôm thứ Tư, ông Erdogan cũng đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi. Còn Pakistan, Iran và Ả Rập Xê Út đều tỏ thái độ quan ngại. Lãnh đạo Aung San Suu Kyi hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì thái độ yên lặng của bà.
Phương Tây cũng không khoanh tay đứng nhìn cuộc khủng hoảng Miến Điện mà họ gọi là một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu thiết lập trở lại hoạt động cứu trợ nhân đạo và nhấn mạnh tới nỗi thống khổ hiện tại của người Rohingya. Châu Âu tố cáo quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, nhưng lại rất thận trọng khi nói về chính phủ dân sự.
Còn theo nhà nghiên cứu Renaud Egreteau, chuyên gia về Miến Điện, "có một thỏa thuận ngầm trong dân chúng về việc vấn đề người Rohingya sẽ chỉ được giải quyết bằng cách trục xuất cộng đồng này hoặc cách ly họ, đẩy họ ra ngoài lề xã hội. Một số đông trong chính giới, cả những người thuộc đảng dân chủ, cũng đồng ý về điểm trên. Chính vì thế, rất khó đi ngược lại xu hướng đó. Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi biết rõ điều này".
Phương Tây nhấn mạnh rằng bà Aung San Suu Kyi không có quyền hành về các vấn đề an ninh và bà cũng đã cố gắng trong bối cảnh bị kẹt giữa một bên là quân đội nắm quyền thực tế, và bên kia là dân chúng, vẫn chống thiểu số người Hồi giáo Rohingya mà họ coi là người nước ngoài. Theo chuyên gia Renaud Egreteau, đó chính là lý do mà Châu Âu thấy cần ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, cho dù hiện tổ chức nhân quyền Human Rights Watch không ngần ngại nhấn mạnh chính bà Aung San Suu Kyi "có vấn đề", còn Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad al-Hussein cho là bà Aung San Suu Kyi " rất vô trách nhiệm".
Brexit : Anh Quốc muốn ưu tiên việc làm cho người bản xứ
Chuyển sang thời sự Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết "Luân Đôn muốn ưu tiên cho lao động người Anh hơn là người lao động tới từ Châu Âu".
Theo một văn bản của bộ nội vụ về chính sách nhập cư sau Brexit được báo The Guardian đăng tải ngày 06/09, một báo cáo mật và nhạy cảm, Luân Đôn muốn ngưng những chính sách ưu đãi đối với các công dân Châu Âu nhập cư vào Anh. Thay vào đó là các quy định vô cùng chặt chẽ : visa có thời hạn tối đa 2 năm cho lao động Châu Âu trình độ thấp, 3-5 năm cho lao động Châu Âu có trình độ cao, kèm theo các điều kiện về thu nhập, hạn chế nhập cư theo kiểu đoàn tụ gia đình, không cho người Châu Âu nhập cư vào Anh nếu họ không xin được việc làm… Mục đích là kiểm soát nhập cư và tạo thêm cơ hội việc làm cho người bản xứ.
Một số dân biểu đã chỉ trích, gọi đó là các biện pháp "tàn nhẫn và vô liêm sỉ". Thị trưởng Luân Đôn, ông Sadiq Khan, viết trên mạng xã hội Twitter là ông có cảm giác đang đọc "một bản kế hoạch để bóp nghẹt kinh tế Luân Đôn". Liên đoàn Lao động Anh Quốc nhắc lại là việc mở cửa thị trường lao động mang tính sống còn đối với nền kinh tế Anh và nhấn mạnh tỉ lệ thất nghiệp tại Anh hiện đang ở mức thấp nhất từ 40 năm qua.
Các doanh nghiệp Anh Quốc, vốn đang sử dụng rất nhiều nhân công tới từ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cũng ngay lập tức phản đối, lo ngại thiếu hụt nhân công tay nghề cao. Đáp lại, bộ trưởng quốc phòng Anh, trả lời phỏng vấn hôm qua, phát biểu là các công ty của Anh sẽ phải đào tạo cho người lao động Anh.
Mặc dù văn bản 82 trang của bộ nội vụ Anh còn phải được trình lên chính phủ và Ủy ban Châu Âu cũng chưa có phản ứng chính thức, nhưng La Croix nhận định dự luật trên chắc chắn sẽ khiến đàm phán về Brexit giữa chính phủ của thủ tướng Theresa May và Liên Hiệp Châu Âu trở nên khó khăn hơn nữa.
Châu Âu và vấn đề di dân
Về cuộc khủng hoảng di dân ở Châu Âu, hôm qua, tòa án công lý của Liên Hiệp Châu Âu đã khẳng định lại nguyên tắc đoàn kết để đón nhận di dân. Tòa án công lý bác bỏ đơn kháng án của Hungary và Slovakia về việc ủy ban Châu Âu phân chia di dân tới Ý và Hy Lạp sang các nước thành viên Châu Âu để giảm gánh nặng di dân cho hai quốc gia trên. Le Monde nhận định được mong chờ từ nhiều tháng nay, quyết định của tòa án công lý Châu Âu có thể đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Tây Âu và Đông Âu về hồ sơ di dân. Budapest và Bratislava đã gọi quyết định phân bổ di dân mà ủy ban Châu Âu đưa ra năm 2015 là một quyết định sai lầm, vì giải pháp này không thể giúp giải quyết khủng hoảng di dân.
Đối với Bruxelles, quyết định lần này của Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu là một thắng lợi cho Ủy ban Châu Âu. Cho tới nay, nhóm các nước Visegrad (Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Slovakia) vẫn phản đối gay gắt "quota" di dân mà Ủy ban Châu Âu đã áp đặt cho họ, bất chấp nguy cơ mỗi nước phải nộp phạt 250.000 euro/1 di dân bị từ chối tiếp nhận. Liệu quyết định của Tòa án Công lý Châu Âu có thể buộc chính quyền các nước Visegrad chấp nhận quy định về đoàn kết về tiếp đón di dân ? Theo Le Monde, tại Bruxelles, không ai quá ảo tưởng vào điều đó.
Pháp : Đau đầu vì con của chiến binh Daesh trở về từ Syria
Liên quan tới nước Pháp, nhật báo công giáo La Croix nói về bài toán khó chưa từng có của nước Pháp khi con cái của những người Pháp cực đoan hóa bỏ trốn sang Syria, giờ quay trở về nước. Trong thời gian qua, có khoảng 50 em nhỏ, từ vài tháng tuổi trở lên, được sinh ra hoặc đã từng sống ở Syria, quay về Pháp. Chính quyền ước tính còn khoảng 400 trẻ vị thành niên Pháp tại Syria.
Bố mẹ các em nhỏ này khi về Pháp sẽ bị bắt giam. Chính quyền sẽ phải làm thế nào với các em đó ? Trước tiên, các em là nạn nhân, nhưng khi sống tại Syria, các em chịu ảnh hưởng về tư tưởng, bạo lực, thậm chí được đào tạo để chiến đấu. Vì thế, nhiều em có thể trở thành mối nguy cho đất nước. Một loạt câu hỏi về pháp lý và đạo đức đang được đặt ra cho nhà chức trách.
Thiên tai : Chi phí khắc phục hậu quả tăng mạnh
Trong lĩnh vực khí hậu nhật báo Le Figaro cho biết : "Chi phí khắc phục hậu quả thiên tai tăng mạnh". Theo dự báo, cuồng phong Irma sẽ đổ bộ vào Florida vào ngày chủ nhật hoặc thứ Hai tới đây. Theo kịch bản tồi tệ nhất, thiệt hại cho bang Florida ước tính có thể lên tới 130 tỉ đô la, trong khi theo ước tính của một số chuyên gia, cơn bão Harvey ở Houston đã gây thiệt hại khoảng 70-108 tỉ đô la.
Tính tổng cộng trên toàn thế giới, thiên tai năm 2017 gây thiệt hại đặc biệt cao, có thể sẽ nhiều hơn tới 175 tỉ đô la so với tổng thiệt hại do các thảm họa tự nhiên, kỹ thuật và các tai nạn công nghiệp năm 2016. Theo dự báo, chi phí khắc phục thiên tai trong tương lai sẽ không ngừng tăng, không hẳn là do con số các thiên tai tăng, mà do cường độ ngày càng mạnh và gây ra nhiều thiệt hại hơn, đặc biệt ở các nước giàu có.
Tại Pháp, từ nay tới năm 2040, số tiền khắc phục hậu quả các cơn bão, lũ lụt, đặc biệt là hạn hán, sẽ tăng 90% so với giai đoạn 1988-2013.
Guam bị chia rẽ trước mối đe dọa hạt nhân của Kim Jong-un
Liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde giới thiệu bài phóng sự về Guam, hòn đảo mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng đảo Guam nằm gần Philippines hơn là Châu Mỹ. Guam cách Tokyo chỉ 3000 km, trong khi cách California tới 11.000 km. Guam đã từng bị Nhật Bản chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến, sau trận Trân Châu Cảng. Sau khi Mỹ chiếm lại được Guam, chính từ căn cứ quân sự trên hòn đảo tại Thái Bình Dương này, máy bay Mỹ đã cất cánh để ném bom nguyên tử xuống Hiroshima của Nhật.
Nay thì người dân bản địa trên đảo lại bị chia rẽ về sự hiện diện quân sự Mỹ khắp nơi, cũng như về các biện pháp tăng cường phòng thủ mà tổng thống Donald Trump thông báo để đối phó trước khả năng Guam bị Bắc Triều Tiên tấn công. Một số người dân cho rằng các căn cứ quân sự của Mỹ sẽ cho phép bảo vệ hòn đảo. Nhưng nhiều người lại cho rằng Guam chỉ là vùng đệm của Mỹ, họ không muốn Mỹ đặt căn cứ trên đảo, vì nếu không có các căn cứ quân sự của Mỹ, Guam sẽ không bị tấn công.
Thùy Dương
87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh (RFI, 04/09/2017)
Sau 10 ngày bạo động tại miền tây Miến Điện, số lượng người Hồi Giáo Rohingya sang Bangladesh tiếp tục tăng nhanh. Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox's Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Naypyidaw và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyu.
Hàng chục ngàn người Rohingya chạy sang Bangladesh, để tránh bị tàn sát, ngày 03/09/2017. Ảnh : Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, bạo động bùng lên tại bang Rakhin, miền tây Miến Điện từ hôm 25/08/2017, khoảng 30 đồn cảnh sát bị lực lượng nổi dậy ARSA tấn công nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Lực lượng quân đội Miến Điện trả đũa : 400 người thiệt mạng, hầu hết là người Rohingya ; hàng chục ngàn người phải sơ tán. Theo thẩm định Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 20.000 người kẹt tại biên giới giữa Miến Điện – Bangladesh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bạo động nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện dẫn tới một "cuộc khủng hoảng nhân đạo".
Vào hôm nay, người trên thực tế đang nắm quyền tại Miến Điện là bà Aung San Suu Kyu, cùng với tướng Mun Aung Hlang, lãnh đạo quân đội Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi để tìm một ngõ thoát trên hồ sơ nhậy cảm này.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 người Pakistan, Malala Yousafzai, qua mạng Twitter chỉ trích khôi nguyên Hòa Bình Miến Điện năm 1991, Aung San Suu Kyu, làm ngơ trước thảm cảnh của người Rohingya trên xứ bà.
Thanh Hà
********************
Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt (VOA, 02/09/2017)
Khoảng 400 người đã chết vì bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar trong tuần qua, các quan chức quân đội cho biết, nói rằng phần lớn đều là người Hồi giáo nổi dậy.
Một nhóm người tị nạn Rohingya chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh ở Teknaf, Bangladesh, ngày 1 tháng 9, 2017.
Một trang Facebook của quân đội báo cáo con số này, nói rằng 370 người là những phần tử nổi dậy, và 29 người thiệt mạng là cảnh sát hoặc dân thường.
Tuy nhiên những người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã báo cáo những vụ tấn công vào làng mạc của họ làm một số người chết và buộc hàng ngàn người tháo chạy.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Bảy cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Năm ở làng Chein Khar Li thuộc thị xã Rathedaung cho thấy 700 căn nhà bị phá hủy. Tổ chức nhân quyền này nói 99 phần trăm ngôi làng bị phá hủy và những dấu hiệu thiệt hại trông giống như là hỏa hoạn, chẳng hạn như những vệt cháy lớn. "Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy", Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói.
Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 38.000 người đã tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh, phần lớn là người Rohingya. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bangladesh nói với VOA rằng một số người Hindu, cũng là sắc dân thiểu số ở Myanmar, đã vượt qua biên giới.
Ông Robertson cho biết Phái bộ Tìm hiểu Thực tế của Liên Hiệp Quốc cần phải có "sự hợp tác đầy đủ" của chính phủ Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ của mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền ở Bang Rakhine và tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công cũng như đảm bảo sự giải trình trách nhiệm.
HRW cho biết những người Rohingya tị nạn gần đây tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh nói với tổ chức này rằng quân đội và cảnh sát Myanmar đã đốt nhà của họ và thực hiện những vụ tấn công vũ trang nhắm vào dân làng. Tổ chức này nói nhiều người tị nạn Rohingya có "những vết thương do đạn và mảnh bom".
Các nguồn tin ở Bangladesh nói với Ban Tiếng Bangla của VOA rằng tới 60.000 người đã vượt qua biên giới trong những ngày gần đây.
Myanmar xem người Rohingya là di dân từ Bangladesh, và không phải là một trong nhiều nhóm sắc dân thiểu số của đất nước. Người Rohingya bị từ chối quốc tịch, ngay cả khi họ có thể chứng minh rằng gia đình họ đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.
Bạo lực giáo phái giữa người Phật giáo và Hồi giáo thường xuyên bùng lên suốt hơn một thập kỷ qua. Cho tới những vụ tấn công vào tháng trước, tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi những phần tử nổi dậy tấn công một số đồn cảnh sát, đưa tới một cuộc đàn áp quân sự, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Bangladesh.
Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Rohingya và hạn chế cho nhà báo và những người nước ngoài khác tiếp cận Rakhine ; nhưng đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính phủ dự định thực thi các khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Quốc để cải thiện tình hình và chấm dứt bạo lực.
************************
Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới (BBC, 02/09/2017)
Cảnh sát Bangladesh phớt lờ lệnh của chính phủ nước này bắt họ phải ngăn không cho người tỵ nạn từ nước láng giềng Myanmar vượt qua biên giới.
Người tỵ nạn Rohingya tại biên giới Bangladesh-Myanmar
Phóng viên BBC tại Bangladesh nói các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya đang tràn qua các cửa khẩu mà không bị ai ngăn cản.
Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có 58.000 người tỵ nạn đã vượt qua biên giới Myanmar-Bangladesh.
Các vụ bạo lực nổ ra tại tỉnh Rakhine của Myanmar cách đây hơn một tuần.
Người tỵ nạn Rohingya cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar và những đám đông người Phật giáo đã đốt làng của họ.
Chính phủ Myanmar nói các lực lượng an ninh đang đáp trả cuộc tấn công của phiến quân người Rohingya vào 20 đồn biên phòng của cảnh sát hồi tháng trước.
Những vụ đụng độ tiếp theo đó khiến người dân từ nhiều cộng đồng phải ra đi.
Hơn 20.000 người Rohingya khác được cho là đang bị kẹt dọc bờ sông Naf, con sông phân ranh giới giữa Bangladesh và Myanmar.
Các tổ chức cứu trợ nói những người này đang phải đối mặt với nguy cơ chết đuối, bệnh tật và bị rắn độc cắn.
Rakhine, tỉnh nghèo nhất của Myanmar, là quê hương của hơn một triệu người Rohingya. Họ bị ngược đãi hàng chục năm nay ở đất nước mà phần lớn dân chúng theo Phật giáo, nơi họ không được coi là công dân.
Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều đợt bạo lực gây chết người. Các vụ bạo lực hiện nay là lớn nhất kể từ tháng 10/2016, khi mà chín cảnh sát thiệt mạng trong những đợt người Rohingya tấn công vào đồn biên phòng.
Cho đến thời điểm đó, không có chỉ dấu nào rằng đã có phe nổi dậy có vũ trang của người Rohingya, mặc dù căng thẳng sắc tộc vẫn luôn hiện hữu.
Người Hồi giáo Rohingya tập trung cầu nguyện dịp lễ Eid tại một trại tỵ nạn gần biên giới Myanmar - Bangladesh
Cả hai vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái và hôm 25/8 mới đây đều do một nhóm có tên gọi Quân giải phóng Arakan Rohingya thực hiện.
Nhóm này nói mục tiêu của họ là bảo vệ người Hồi giáo Rohingya khỏi sự đàn áp của nhà nước Myanmar. Chính phủ Myanmar thì nói họ là một nhóm khủng bố.
Quân đội Myanmar cũng đã tiến hành một đợt đàn áp sau vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái. Sau đó, có rât nhiều cáo buộc về tình trạng hãm hiếp, giết người và tra tấn do quân đội gây ra. Hàng chục ngàn người Rohingya khi đó đã chạy sang Bangladesh.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Tuy nhiên quân đội Myanmar phủ nhận đã có hành động sai trái.
**********************
Miến Điện : Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo (RFI, 02/09/2017)
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 01/09/2017 kêu gọi chính quyền Miến Điện và nhóm nổi dậy người Hồi giáo Rohingya ở miền tây bắc nước này kiềm chế xung đột, tránh gây ra một thảm họa nhân đạo. Bạo lực tuần qua đã khiến gần 400 người thiệt mạng và vài chục ngàn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Người Rohingya Miến Điện tìm đường sang Bangladesh. Ảnh ngày 01/09/2017. Reuters
Theo lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Guterres hiện rất lo ngại về sự thái quá trong chiến dịch trấn áp người Rohingya mà các lực lượng an ninh Miến Điện tiến hành. Ông kêu gọi chính quyền Miến Điện bình tĩnh và kềm chế trong cuộc chiến chống người Rohingya, trước nguy cơ xảy ra thảm kịch nhân đạo.
Trong khi đó, Pierre Peron, phát ngôn viên văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc giải thích với AFP là các hoạt động cứu trợ lương thực trong khuôn khổ Chương trình lương thực thế giới (PAM) đã phải tạm ngưng ở miền tây bắc Miến Điện kể từ khi bạo lực bùng phát cách đây 1 tuần. Ít nhất 250.000 người bị ảnh hưởng
Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện thông báo hơn 2.600 ngôi nhà đã bị phóng hỏa ở nhiều nơi tại miền tây bắc nước này, nơi đa phần dân số là người Rohingya. Nhà chức trách Miến Điện quy trách nhiệm cho lực lượng nổi dậy người Rohingya ARSA. Nhưng những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh kể lại rằng chính quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc, buộc họ phải trốn chạy.
Tổ chức nhân đạo Human Rights Watch, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh và lời kể của nhiều nhân chứng, cũng tố cáo chính lực lượng an ninh Miến Điện chủ động đốt phá các ngôi nhà.
Tại Istanbul, trong bài phát biểu chào mừng lễ Hiến Sinh Aid al-Adha của người Hồi giáo 01/09/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan coi bạo lực nhắm vào người Hồi giáo Rohingya tại Miến Điện là một vụ "diệt chủng".
Thùy Dương
Những người Hồi giáo Rohingya đang tạm trú ở Bangladesh bày tỏ âu lo trước tin họ có thể sẽ bị đưa ra một hòn đảo thường xuyên bị ngập nước mỗi khi thủy triều dâng.
Những người Rohingya theo đạo Hồi từ Myanmar vượt biên sang Bangladesh hôm 25/12/2016. AFP photo
Âu lo được nói tới sau khi chính phủ Bangladesh cho phổ biến trên trang mạng tin đang sửa soạn lập danh sách những người Rohingya từ Miến Điện chạy sang xin tạm cư, và đưa họ ra đảo Thengar Char. Hòn đảo này mới trồi khỏi mặt biển cách đây 8 năm, thường xuyên bị ngập nước, chưa thể là nơi con người có thể cư ngụ.
Bản tin của chính phủ Bangladesh không nói gì đến những điều chính phủ sẽ làm trước khi đưa người Rohingya ra đảo tạm trú.
Từ tháng Mười năm ngoái tới giờ, có hơn 66.000 người Rohingya từ Miến chạy sang Bangladesh tá túc, trong đó có 33.000 người đang số trong 2 trại tạm cư do chính phủ dựng lên. Có tin nói đây là những người nằm trong dánh sách sẽ bị di dời ra đảo Thengar Char.
Những người Hồi giáo Rohingya từ Miến chạy sang cho hay họ phải lánh nạn vì bị quân đội và an ninh Miến Điện đàn áp.