Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/09/2017

Người Rohingya : giải pháp và lo âu

Tổng hợp

Khủng hoảng Rakhine : Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế (BBC, 20/09/2017)

Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý bạo lực tại bang Rakhine và khủng hoảng người tị nạn Rohingya.

rakhine1

Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề vì không có phản ứng gì trước cuộc khủng hoảng Rohingya

Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba, bà lên án những vụ lạm quyền nhưng không đổ lỗi cho quân đội hoặc giải quyết những cáo buộc thanh lọc sắc tộc.

Các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao từ một số quốc gia đã bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ với lập trường của bà.

Hơn 400.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh từ cuối tháng Tám.

Tình trạng bất ổn mới nhất ở Rakhine xảy ra do các vụ tấn công chết người tại các đồn cảnh sát trên khắp bang Rakhine vào tháng trước.

Nhiều người bị giết trong một cuộc đàn áp quân sự sau đó và có những cáo buộc về việc các ngôi làng bị đốt cháy và người Rohingya bị đuổi đi.

Trong bài diễn toàn quốc đầu tiên về cuộc khủng hoảng gần đây, bà Suu Kyi nói :

- Không có xung đột hoặc hoạt động đuổi người ở miền bắc kể từ ngày 5 tháng Chín

- Hầu hết người Hồi giáo đã quyết định ở lại và điều này cho thấy tình hình không nghiêm trọng

- Chính phủ đã có những nỗ lực trong những năm gần đây để cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người ở Rakhine bao gồm cả người Hồi giáo

- Tất cả người tị nạn sẽ được phép trở lại sau một quá trình xác minh.

Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước nói rằng bà không sợ "sự giám sát của quốc tế" về cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng.

Bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bìn, hôm 19/9 nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.

Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.

Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.

Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.

Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.

Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.

Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.

***********************

Bangladesh đề nghị Myanmar nhận lại người Rohingya (RFA, 20/09/2017)

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 19 tháng 9 đưa ra lời kêu gọi đòi chính phủ Myanmar phải nhận lại khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh vì chiến sự ở bang Rakhine, Myanmar.

rakhine2

Những người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar đang chờ đợi sự trợ giúp tại thị trấn Teknaf của Bangladesh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017. AFP

Nói với những nhà hoạt động người Bangladesh tại New York nơi bà Hasina đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Hasina cho biết chính phủ Bangladesh đã đưa ra yêu cầu này với Myanmar, đòi hỏi Myanmar phải đảm bảo an toàn cho những người tị nạn Hồi giáo đồng thời không được tra tấn, đàn áp họ. Bà Hasina cho biết hiện Bangladesh đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Myanmar làm điều này.

Tuy nhiên theo Thủ tướng Bangladesh, cho đến lúc này chính phủ Myanmar vẫn không đáp trả lại những lời kêu gọi của Bangladesh, thay vào đó Myanmar còn cho rải mìn dọc theo biên giới nhằm ngăn không cho những người Rohingya quay trở lại.

Trước đó, lãnh tụ Myanmar bà Aung San Suu Kyi có bài phát biểu công khai trên truyền hình nói rằng Myanmar sẽ chỉ nhận lại những người Hồi giáo Rohingya đã được đăng ký với chính phủ Myanmar.

Từ trước đến nay, chính phủ Myanmar vẫn luôn coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và không cho họ nhập quốc tịch.

Quân đội Bangladesh giúp người Rohingya khi mùa mưa đến

Trong khi đó, tại Bangladesh, quân đội nước này đang gia tăng nỗ lực giúp đỡ những người tị nạn Rohingya vào lúc mùa mưa đang đến.

Ông Obaidul Quader, một Bộ trưởng thuộc đảng Awami League đang nắm quyền ở Bangladesh cho báo chí biết quân đội sẽ được triển khai ngay lập tức đến Cox’s Bazar nơi có hơn 400.000 người tị nạn Rohingya. Quân đội sẽ giúp xây các nơi trú ẩn, nhà vệ sinh cho người tị nạn hiện còn đang phải ngủ ngoài trời dưới mưa.

Ngoài ra quân đội Bangladesh cũng có nhiệm vụ đảm bảo trật tự và giúp đỡ trong các hoạt động cứu trợ tránh những tình trạng náo loạn, dẫm đạp lên nhau khi thực phẩm và đồ cứu trợ được đưa xuống từ các xe tải.

Mới đây chính phủ Bangladesh cũng cho biết nước này sẽ lập thêm một khu vực mới có thể chứa tới 400.000 người tị nạn trong vòng 10 ngày.

Tín đồ Ấn Giáo tại Bangladesh hy vọng được Ấn Độ nhận

Cũng tại Bangladesh, hàng trăm tín đồ Ấn Giáo đang hướng đến Ấn Độ, nước láng giềng với Bangladesh, với hy vọng tìm được nơi trú ngụ mới.

Hiện có khoảng gần 500 tín đồ Ấn Giáo đang ở trong một trang trại gà đã dọn tại một làng của người theo Ấn giáo ở vùng đông nam Bangladesh, chỉ cách nơi những người tị nạn Rohingya đang trú khoảng hơn 3 cây số.

Những người tị nạn Ấn Giáo cũng chạy từ Myanmar sang Bangladesh để tránh chiến sự và bây giờ họ nói họ không muốn quay trở lại Myanmar vì lo sợ. Nhưng họ cũng không muốn ở lại trên đất Bangladesh nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

Hiện chính phủ Ấn Độ không gây khó dễ cho việc xin quốc tịch đối với những cộng đồng thiểu số đến từ Bangladesh hay Pakistan, dù đó là tín đồ Ấn Giáo, Phật giáo hay Thiên chúa giáo.

Tuy nhiên chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa có bình luận gì về mong muốn của những người tị nạn Ấn Giáo trên đất Bangladesh. Hiện chính phủ Ấn vẫn còn đợi phán quyết của tòa Tối cao liên quan đến một khiếu nại về kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Rohingya khỏi nước này.

Trung Quốc lên tiếng kêu gọi ổn định ở Myanmar

Bạo lực tại bang Rakhine của Mynamar những tuần qua cũng khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại và kêu gọi chính phủ Myanmar phải có nỗ lực đảm bảo ổn định.

Tân Hoa Xã hôm 20 tháng 9 trích lời của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi ở New York rằng nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là giảm căng thẳng càng sớm càng tốt, tránh gây nguy hiểm đến người dân vô tội, ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nhân đạo, kêu gọi và giúp đỡ chính phủ Myanmar và Bangladesh tìm kiếm giải pháp cơ bản qua đối thoại và tham vấn. Ông cho rằng vấn đề người Rohingya tại Myanmar đã có từ rất lâu và đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Ông Vương Nghị nói Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng với cộng đồng quốc tế trong khủng hoảng tại Myanmar.

***********************

Thủ lĩnh đánh bom tại Indonesia bị tù 11 năm (RFA, 20/09/2017)

Một phiến quân người Indonesia có liên can với nhóm Hồi giáo IS bị một tòa án tại nước này vào ngày 20 tháng 9 tuyên án 11 năm tù với cáo buộc âm mưu tấn công vào một buổi đổi gác ở dinh tổng thống tại Jakarta.

rakhine3

Chiến binh Indonesia Muhammad Nur Solikin bị kết án 11 năm tù ở tòa án Jakarta vào ngày 20 tháng 9 năm 2017 - AFP

Bị cáo thứ hai bị tuyên sáu năm tù giam. Hãng thông tấn AP đưa tin Muhammad Nur Solihin, và Agus Supriyadi đã bị bắt cùng với hai phiến quân khác bao gồm cả vợ của Solihin vào tháng 12 năm ngoái, chỉ một ngày trước khi âm mưu tấn công được thực hiện.

Bồi thẩm đoàn gồm ba thành viên tại phiên xử cho rằng hành động của các bị cáo không thể chấp nhận là việc làm của con người và vi phạm luật chống khủng bố của Indonesia.

Vào tháng trước vợ của Solihin, tên Dian Yulia Novi, dự tính đánh bom tự sát, bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam. Một phụ nữ khác, Tutin, bị tuyên 3 năm rưỡi vì tội khuyến khích Novi thực hiện hành động đánh bom tự sát. Indonesia là đất nước có số tín đồ Hồi Giáo đông nhất thế giới và chính quyền Jakarta cho tiến hành biện pháp cấm đối với hoạt động thánh chiến kể từ vụ đánh bom ở Bali vào năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)