Khủng bố : Tổng thống Nga Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraine
Anh Vũ, RFI, 26/03/2024
Ngày 25/03/2024, ba ngày sau vụ khủng bố gần Moskva làm ít nhất 140 người chết và 182 người bị thương, mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) nhận trách nhiệm, tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ 2 lên tiếng về sự kiện này. Trong một cuộc họp chính phủ, ông thừa nhận thủ phạm là các phần tử "Hồi giáo cực đoan", nhưng nguyên thủ Nga tiếp tục hàm ý cho rằng có mối liên hệ giữa Ukraine và nhóm khủng bố.
Trong ngày quốc tang 24/03/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố nhắm vào rạp hát Crocus City Hall, ngoại ô Moskva. AP - Mikhail Metzel
Thông tín viên RFI, Anissa El Jabri, tại Moskva tường trình :
"Quả thực ông Vladimir Putin vẫn giữ nguyên ý định đầu tiên như trong bài diễn văn dài 5 phút hôm thứ Bảy vừa rồi khi nhắc đến "dấu vết Ukraine". Theo ông, có những kẻ hành quyết và có cả những kẻ chỉ đạo.
Rõ ràng là 3 ngày sau vụ khủng bố và 2 ngày sau khi Daesh nhận trách nhiệm, lần đầu tiên tên của nhóm khủng bố này mới được chính quyền Nga nói đến. Phải chăng lãnh đạo Nga đã mất rất nhiều thời gian để cân nhắc về thủ phạm vụ tấn công ?
Đó là bởi vì đối với ông Putin, chẳng có gì khác. Mối đe dọa hàng đầu đối với nước Nga vẫn là phương Tây. Trong khi đó, ông cũng như các cơ quan an ninh hay truyền thông chính thức đều không đưa ra bằng chứng làm cơ sở cho phát ngôn đó.
Nhưng Vladimir Putin vẫn và sẽ còn nhắc đến những kẻ tình nghi trốn sang Ukraine, và coi vụ tấn công khủng bố hôm thứ Sáu là "một mắt xích khủng khiếp, nhưng đó là một mắt xích trong cuộc đối đầu lâu dài với những kẻ chiến đấu chống lại đất nước chúng ta, qua bàn tay của chế độ quốc xã Kiev".
Sáng nay, hệ thống tuyên truyền đã khởi động. Khi tìm kiếm, người ta có thể tìm thấy một bài trên trang báo chính thức Komsomol Skaïa Pravda. Vẫn không có bằng chứng nhưng bài báo vẫn cứ chạy tựa : "Những gì chúng ta biết về các mối liên quan của Kiev với Daesh".
Anh Vũ
***********************
Nga hướng dư luận về khả năng thánh chiến Hồi giáo có "cơ sở" tại Ukraine
Trọng Thành, RFI, 25/03/2024
Bất chấp việc tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (Daesh) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva, khiến ít nhất 130 người chết, tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn không nhắc đến vai trò của Daesh. Ngược lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga hôm nay, 25/03/2024, đã công khai tỏ ý nghi ngờ về việc Daesh đứng sau vụ khủng bố, đồng thời hướng dư luận về khả năng thánh chiến Hồi giáo "có cơ sở" tại Ukraine.
Người dân đến đặt hoa tại bia đá "nước Nga" để tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố trong nhà hát ở Crocus, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 23/03/2024. Reuters - Alexander Ermoshenko
Reuters cho hay, trong bài trả lời báo Komsomolskaya Pravda, bà Maria Zakharova đã chất vấn chính quyền Mỹ : "Các vị có chắc chắn vụ này là do Daesh hay không ? Các vị có thể xem xét lại điều này hay không ?". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định mục tiêu của Washington, khi phổ biến quan điểm về việc tổ chức Nhà Nước Hồi giáo là thủ phạm, là nhằm che đậy các "căn cứ" của thánh chiến Hồi giáo ở Kiev, đồng thời nhắc lại rằng Washington đã từng ủng hộ các lực lượng thánh chiến Hồi giáo (mujahideen) trong cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô tại Afghanistan thập niên 1980.
Chế độ Putin không phủ nhận vai trò của Daesh, tuy nhiên cả tổng thống Putin và Bộ Ngoại giao Nga đều muốn hướng mối nghi ngờ về phía Ukraine. Trong phát biểu hôm qua, tổng thống Nga nhấn mạnh đến việc 4 nghi phạm khủng bố đã bị bắt giữ tại vùng Bryansk, cách Moskva khoảng 340 km về phía tây nam, trên đường chuẩn bị vượt biên sang Ukraine.
Bà Emilia Koustova, một chuyên gia về lịch sử Nga và Liên Xô tại Đại học Strasbourg (Pháp), trên đài Franceinfo hôm qua, 24/03/2024, ghi nhận, các phương tiện truyền thông thân cận với điện Kremlin trong hai ngày cuối tuần qua, "đã cố gắng kết nối hai chuyện vốn rất khác biệt". Thứ nhất là việc Daesh đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố và việc các thủ phạm đến từ Trung Á và thứ hai là việc chính quyền Nga tìm cách quy kết cho Ukraine là "bên đứng sau và tạo điều kiện" cho vụ khủng bố diễn ra.
Chuyên gia Emilia Koustova nhấn mạnh cho dù truyền thông thân cận với điện Kremlin có thể không hoàn toàn áp đặt được quan điểm coi Ukraine có vai trò trong vụ khủng bố, thì ít nhất họ cũng gieo rắc được một không khí "bán tín bán nghi" trong xã hội Nga. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy, điều này cũng đã có lợi cho chế độ Putin. Bởi một khi không có thông tin rõ ràng về sự thực, dân chúng sẽ sẵn sàng "khoán trắng" cho chính quyền trách nhiệm phân định đúng sai, đây là điều mà "đông đảo người Nga đã lựa chọn". Vị chuyên gia Đại học Strasbourg cảnh báo là vụ khủng bố này có thể dùng để biện minh cho các cuộc tấn công "tàn bạo hơn, ồ ạt và nguy hiểm hơn chống lại Ukraine và người dân nước này" sắp tới.
Trọng Thành
*************************
Số người chết trong vụ xả súng tại nhà hát ở Nga tăng lên 137
Reuters, VOA, 24/03/2024
Chính quyền Nga đưa ra con số người chết trong vụ xả súng hàng loạt hôm 22/3 tại một nhà hát ở ngoại ô Moscow là 137 người, trong đó có 3 trẻ em, tăng so với ước tính trước đó là 133, Ủy ban Điều tra cho biết hôm 24/3.
Một người phụ nữ ở Simferopol, Crimea, đặt hoa tại nơi tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng hôm 24/3.
Ủy ban này cũng cho biết rằng 62 thi thể đã được nhận dạng.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ xả súng hôm 22/3, nhưng có dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách gắn vụ này với Ukraine bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ từ các quan chức Ukraine rằng Kyiv không có liên quan gì đến việc này.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ngày quốc tang sau khi cam kết truy lùng và trừng phạt tất cả những kẻ đứng sau vụ tấn công.
"Tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc, chân thành tới tất cả những người đã mất người thân", ông Putin nói trong bài phát biểu trước quốc dân hôm 23/3, bình luận công khai đầu tiên của ông về vụ tấn công. "Cả nước và toàn thể nhân dân chia sẻ nỗi đau với các bạn".
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 22/3, nhưng ông Putin chưa công khai đề cập đến nhóm phiến quân Hồi giáo này có liên quan đến những kẻ tấn công mà ông cho rằng đã cố gắng trốn sang Ukraine. Ông khẳng định rằng một số người ở "phía Ukraine" đã chuẩn bị đưa họ qua biên giới.
Ukraine đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ tấn công, mà ông Putin cũng đổ lỗi cho "khủng bố quốc tế".
Nga đã để cờ rủ hôm 24/3 để tưởng nhớ nhiều người bị bắn chết bằng vũ khí tự động tại một buổi hòa nhạc rock ở ngoại ô Moscow trong vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong hai thập kỷ.
Mọi người đặt hoa tại Crocus City Hall, nhà hát 6.200 chỗ ngồi ở ngoại ô Moscow, nơi bốn người đàn ông có vũ trang xông vào hôm 22/3 ngay trước khi nhóm nhạc rock thời Liên Xô tên là Picnic biểu diễn bản hit "Afraid of Nothing".
Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất vào lãnh thổ Nga kể từ cuộc bao vây trường học Beslan năm 2004, khi phiến quân Hồi giáo bắt hơn 1.000 người, trong đó có hàng trăm trẻ em, làm con tin.
Nguồn : VOA, 24/03/2024
Thời sự trong nước là chủ đề chính của nhiều nhật báo hôm 15/10/2021, với hội nghị toàn quốc về luật pháp khai mạc thứ Hai tới, chuyến đi của tổng thống đến Marseille - một tháng sau kế hoạch chấn hưng thành phố lớn thứ hai nước Pháp, hay hệ thống "cửa hàng gần nhà" lên ngôi tại Pháp nhờ đại dịch Covid... Về thời sự quốc tế, Le Monde đặc biệt chú ý đến việc Đài Loan trở thành tâm điểm của thế giới trong bối cảnh căng thẳng về "chíp bán dẫn".
Trang nhất báo Pháp (ngày 15/10/2021) : một năm sau ngày thầy Samuel Paty bị sát hại. © Fotomontagem RFI/Adriana de Freitas
Chủ đề thời sự trong nước nổi bật được nhiều báo đề cập hôm nay là ngành giáo dục với sứ mạng truyền bá các giá trị của chế độ Cộng hòa Pháp, một năm sau thảm kịch một giáo viên môn sử - địa bị khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Samuel Paty : Nước Pháp vẫn còn trong cơn sốc", với ghi nhận : "An ninh, thể chế thế tục, tự do ngôn luận : một năm sau vụ người giáo viên bị một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu ngay trên đường phố tiếp tục gây lo sợ". Dòng tựa trên nền bức ảnh ông Samuel Paty giảng bài với gam màu đen tang tóc.
Le Figaro có bài xã luận "Một năm sau…". Cách nay một năm, nước Pháp "khóc thương trong nỗi xót xa căm giận" về cái chết của thầy Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố chặt đầu ngay trước cửa trường học, vì đã đưa hình biếm họa nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi vào bài giảng, và khẳng định : "Không bao giờ được để cho điều này tái diễn !". Nhưng xã luận của Le Figaro lưu ý : "tưởng niệm không đủ mà chúng ta cần phải hành động, phải thay đổi cách nghĩ. cần phải có biện pháp trừng trị những kẻ "nhổ nước bọt" vào lịch sử Pháp, và vào luật pháp của đất nước này".
Le Figaro đặt câu hỏi : "một năm sau, bài học nào được rút ra từ vụ thảm sát của Samuel Paty ?". Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc nhiều giáo viên hiện nay vẫn ôm nỗi sợ hãi và im lặng, hơn là bảo vệ quyền tự do ngôn luận.Le Figaro đặc biệt chỉ trích chính quyền, vừa ban hành một văn bản yêu cầu tôn trọng các nguyên tắc của chế độ Cộng hòa nhưng "đã cố tình tránh né từ "Hồi giáo cực đoan" ! Theo tờ báo, "chừng nào chúng ta còn lắp bắp với những điều luật rụt rè như vậy, thì chúng ta sẽ còn bị rơi vào bẫy của kẻ thù".
Một năm sau ngày người giáo viên sử - địa bị khủng bố hạ sát cũng là chủ đề chính của Libération. Cũng một màu đen tang tóc, riêng có dòng tựa với tên của người giáo viên là màu đỏ : "Samuel Paty. Tiếp tục". Libération cho biết ngay trên trang nhất : các trường học trên toàn quốc dành một phút tưởng niệm và thời gian cho các trao đổi trước ngày tưởng niệm chính thức vào ngày mai.
Vì sao là "Tiếp tục" ? Bởi các giáo viên nước Pháp, giống như người quá cố trước đây, hiện "đang tiếp tục đối diện với các vấn đề của việc giảng dạy về thể chế thế tục trong lớp học".
Libération có bài xã luận nhan đề "Vũ khí tuyệt vời nhất", theo đó phương tiện chống cuồng tín khủng bố trước hết không phải bằng súng đạn hay nhà tù, mà chính là giáo dục. Giống như Le Figaro, xã luận Libération cũng ghi nhận không khí đau buồn, thê lương ngự trị một năm sau ngày xảy ra vụ giết người man rợ. Nỗi đau buồn khiến những người trong cuộc khó có thể "suy nghĩ được một cách bình tĩnh", bởi việc một người giáo viên phải chết chỉ vì hoạt động dạy học của mình đã "khiến chúng ta ngã gục", bởi việc một người giáo viên bị chặt đầu, vì giới thiệu những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri đạo Hồi Mohamed trong lớp, "khiến chúng ta ớn lạnh". Những lời kể về Samuel Paty của các đồng nghiệp (trong bài báo cùng số) "khiến trái tim chúng ta tan nát".
Bất chấp thảm kịch đó, từ một năm nay, các đồng nghiệp của Samuel Paty tại trường Conflans, đã cố gắng để đứng dậy, cho dù nhiều lần thất bại, nhưng họ vẫn tiếp tục cố gắng, tiếp tục sứ mạng của mình. Libération lưu ý là chính các đồng nghiệp của người quá cố đã chuyển tới các phóng viên của tờ báo "một thông điệp căn bản", đó là "các học sinh đã giúp cho họ hồi phục".
Nhật báo thiên tả nhấn mạnh : những kẻ khủng bố "đã tìm cách cắt đứt mối liên hệ mật thiết giữa người thầy giáo với học sinh". "Mối liên hệ" cho phép người giáo viên giúp học sinh nâng bổng tâm hồn, và đến lượt mình học sinh "tiếp sức" cho thầy giáo, để người thầy giáo "tiếp tục" sứ mạng dẫn dắt khát vọng hướng thượng ở học trò. Đó chính là "vũ khí tuyệt vời nhất chống lại chính sách ngu dân Hồi giáo cực đoan của kẻ khủng bố ở Conflans và những người xúi giục".
Để tiếp tục sứ mạng giảng dạy về thể chế thế tục của nước Pháp trong bối cảnh áp lực khủng bố, các giáo viên cần đến sự hỗ trợ. Cũng trong số báo này, Libération có bài giới thiệu về một buổi đào tạo hệ thống luật pháp thế tục của nước Pháp (laïcité) dành cho giáo viên tại sở giáo dục vùng Aix-Marseille. Tham gia buổi đào tạo 2 giờ được tổ chức hôm nay, dĩ nhiên là có các giáo viên sử - địa, nhưng cũng có cả các giáo viên môn tiếng Anh, toán, hay thể thao, tất cả đều tham gia tình nguyện. Giảng viên là một cựu hiệu trưởng, bà Marine Guyedan, 41 tuổi.
Tất cả các sở giáo dục tại Pháp, kể từ năm 2017, đều thành lập các ê-kíp đào tạo về "Các Giá trị của nền Cộng hòa". Tại sở giáo dục vùng Aix-Marseille, từ bốn năm nay, bà Marine Guyedan trợ giúp các nhân viên nhà trường, học sinh cũng như cha mẹ học sinh "là nhân chứng, nạn nhân hay tác giả" của những hành động xâm phạm đến "Thể chế thế tục" (Laïcité).
Những vấn đề rất cụ thể được đặt ra như : Hành động như thế nào khi một học sinh mang cuốn kinh Cựu Ước vào lớp ? Xử lý như thế nào về các chế độ ăn uống kiêng khem theo tôn giáo tại căng-tin nhà trường ?... Chuyên gia về Thể chế thế tục tại sở giáo dục có trách nhiệm giải đáp các câu hỏi, đưa ra những lời khuyên. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp không phân biệt tôn giáo, người giáo viên giữ quan điểm "trung lập" về tôn giáo, là một số nguyên tắc căn bản.
Thể chế thế tục là một trong các nền móng của chế độ Cộng hòa Pháp. Giảng dạy về Thể chế thế tục gói gọn trong tiết học hai giờ là một thách thức lớn. Đầu năm 2018, chính quyền Pháp thành lập Hội đồng các Cố vấn về Thể chế thế tục. Hội đồng ấn hành một cẩm nang về Thể chế thế tục để hỗ trợ giáo viên trong lĩnh vực này.
Cũng về các nỗ lực nói trên, nhật báo công giáo La Croix có bài viết "Tại nhà trường, các phản ứng cứng rắn hơn chống lại các xâm phạm Thể chế thế tục", ghi nhận những thay đổi đáng kể, kể từ vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty. Theo giám đốc sở giáo dục vùng Amiens, Raphael Muller, "thảm kịch này đã dẫn đến một ý thức thực sự". Kể từ đó, trong vòng nhiều tháng, đã liên tục có các báo động về những hành động xâm phạm Thể chể thế tục. Nhìn chung, giáo viên không còn bỏ qua các vụ việc này như trước đây. Ê-kíp "Các giá trị của nền Cộng hòa" thường có mặt tại các trường học nơi xảy ra sự cố, để hỗ trợ giải quyết vấn đề, cung cấp các thông tin, tri thức cần thiết.
Hồ sơ lớn trang nhất của Le Monde là ngành sản xuất vật liệu bán dẫn Đài Loan nằm ở tâm điểm thời sự quốc tế, trong bối cảnh khan hiếm chíp điện tử toàn cầu. Bài "TSMC, lược sử về toàn cầu hóa… và những giới hạn của nó" của Le Monde nhận xét : ngành sản xuất xe hơi, lĩnh vực công nghiệp hàng đầu của kinh tế thế giới "rơi vào khủng hoảng". Hàng loạt hãng xe hơi lớn phải giảm mạnh số lượng xe sản xuất. Nguyên do không phải là "đại dịch hay sóng thần", mà là do một "mẩu kính nhỏ 1 centimet vuông, chứa hàng triệu đường nét mảnh nhỏ, mảnh hơn 10 triệu lần một sợi tóc người".Những mẩu "kính siêu nhỏ" mà chúng ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, trong nhà bếp, trong điện thoại, đồng hồ hay xe hơi. Chính vi mạch này lại đang "nắm giữ (vận mạng) một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu". Các chíp điện tử đời mới nhất gần như đều do công ty TSMC sản xuất. Ngay cả đến với tập đoàn Mỹ Apple, tất cả bộ vi xử lý của điện thoại iphone đều được sản xuất bởi TSMC. Doanh nghiệp này đã cho xây dựng nguyên một nhà máy "chỉ dành để cung ứng sản phẩm cho Apple".
Về Trung Quốc, khủng hoảng Mỹ-Trung đã khiến Washington "cấm TSMC bán chíp điện tử cho Trung quốc". Le Monde nhấn rằng nếu không có bộ vi xử lý được thiết kế từ Mỹ, và sản xuất ở Đài Loan, "cả (hai tập đoàn Trung Quốc) Alibaba và Huawei sẽ không bao giờ trở thành những ông lớn trong ngành điện tử". Trung Quốc dù có sản xuất 36% các sản phẩm điện tử toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cung cấp được 7,6% chất bán dẫn, chất cần thiết để sản xuất "bộ vi xử lý".
Theo Le Monde, trong lúc này Mỹ "hoan hỉ" mong Trung Quốc "tiếp tục tụt hậu 10 đến 15 năm so với các nước lớn khác trong ngành sản xuất chất bán dẫn". Lượng chíp điện tử mà Trung Quốc nhập khẩu trị giá lên tới 370 tỷ đô la mỗi năm, "giá trị còn lớn hơn cả chi phí nhập khẩu dầu khí của nước này" (trên thực tế, bất chấp các khẩu chiến dữ dội hai bên bờ Thái Bình Dương, Le Monde cũng lưu ý,Mỹ-Trung vẫn duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án hợp tác phát triển về công nghệ).
Về phía Bắc Kinh, "tiền không phải là vấn đề", Le Monde nhấn mạnh vấn đề nằm ở "nhân lực". Tờ báo đưa ra con số "300.000 kỹ sư" mà Trung Quốc đang thiếu để phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. Con số này "khó có thể giải quyết được ở một đất nước dân số đang trên đà suy giảm, nhất là khi những người trẻ có năng lực lại bị thu hút bởi hai hãng Xiaomi và Tencent hơn SMIC (công ty Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn)".
Trong bài "Bắc Kinh muốn giảm phụ thuộc vào chíp điện tử nước ngoài bằng mọi giá", Le Monde đặt ra câu hỏi : Liệu Trung Quốc có sẵn sàng xâm lược Đài Loan để chiếm lấy TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn và bộ vi xử lý (CPU) mạnh nhất thế giới ? Câu trả lời là điều này khó có thể xảy ra, "vì không ai có thể nói trước được hậu quả, tổn thất của xung đột vũ trang với Đài Loan".
Tại Pháp, đại dịch Covid làm gia tăng đà suy yếu của các siêu thị ở vùng ngoại vi các đô thị, khiến các cơ sở bán hàng gần nhà nở rộ là hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Theo Les Echos, Covid-19 đã làm thay đổi các thói quen mua và bán hàng. Đông đảo người tiêu dùng trở lại với các cửa hàng ở trung tâm thành phố. Các dịch vụ cung cấp hàng nhanh phát triển mạnh. Cùng lúc đó là việc nhiều cửa hàng thuốc lá kiêm luôn địa điểm cung cấp thực phẩm.
Về đại dịch Covid, Le Monde có bài phỏng vấn bác sĩ Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học về Covid của chính phủ Pháp, đưa ra một dự báo lạc quan là Covid có thể trở thành bệnh thông thường trong tương lai, như dịch cúm mùa.
Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu cuộc triển lãm đặc biệt tại bảo tàng Louvre, vừa khai trương về 200 năm quan hệ lịch sử Pháp – Hy Lạp, trở về với cội nguồn của sự ra đời của phong trào những người yêu mến văn minh Hy Lạp cổ đại tại Châu Âu. Phong trào có sự tham gia của những đại thụ như văn hào Victor Hugo, thi sĩ Anh Byron, hay họa sĩ Pháp Delacroix. Triển lãm mang tên "Paris – Athens, sự ra đời của Hy Lạp hiện đại 1675 – 1919" sẽ kéo dài đến đầu tháng 2 năm tới.
Trọng Thành
Syria : Chiến sự ác liệt, thường dân chết hàng loạt (RFI, 18/08/2019)
Theo tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria, khoảng 20 thường dân Syria, trong số này có một bà mẹ và 6 đứa con, tử thương trong các cuộc oanh kích của máy bay Nga trong hai ngày qua ở Idlib. Damascus và đồng minh Nga cố gắng đánh chiếm Khan Cheikhun nhưng đụng phải sự kháng cự mãnh liệt của lực lượng nổi dậy và thánh chiến.
Thành phố Khan Cheikhun sau cuộc oanh kích của quân đội Syria, ngày 5/08/2019. Omar HAJ KADOUR / AFP
Sau vụ một trại tạm cư bị trúng bom Nga, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc tại Amman "chia sẻ lo âu" với AFP. Bộ ngoại giao Pháp lên án các vụ oanh kích không phân biệt của "Damascus và đồng minh". Chiến thuật của lực lượng chính phủ Syria là làm cho dân chúng hoảng sợ phải bỏ Idlid, cô lập chiến binh chống Damascus.
Thông tín viên trong khu vực, Paul Khalifeh tường thuật :
Chiến sự vẫn sôi động ở phía nam tỉnh Idleb nơi mà chi nhánh Al Qaeda tại Syria kiểm soát phần lớn lãnh địa. Lực lượng chính phủ Syria duy trì áp lực mạnh tại các mặt trận xung quanh thành phố Khan Cheikhun, một trong những căn cứ địa của thánh chiến.
Ngày thứ bảy, máy bay Nga và Syria tiến hành 150 phi vụ oanh kích, hàng chục trực thăng võ trang thay phiên nhau ném các thùng bom xăng xuống tuyến phòng thủ của đối phương và ở những vùng dân cư xa chiến trường.
Tuy nhiên, dù được hỏa lực phi pháo yểm trợ tối đa, lực lượng chính phủ Syria, còn cách Khan Cheikhun 3 cây số, không tiến được một bước nào trong 24 giờ qua. Phe thánh chiến chống cự mãnh liệt và đã mở nhiều cuộc phản công chận đà tiến quân của quân đội Syria. Các nguồn tin thân cận của Damascus bảo đảm là quân đội chính phủ đang ở thế chủ động : chiếm được mục tiêu chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi chờ đợi, hai bên tiếp tục chuyển quân tăng viện khắp các mặt trận ở Idleb nơi mà chiến sự khởi đi từ ngày 30/4 đến nay đã làm cho 3.500 người chết, trong số này có 940 thường dân.
Tú Anh
*********************
Afghanistan : Khủng bố ở lễ cưới, 63 người chết, Daesh nhận là tác giả (RFI, 18/08/2019)
Một vụ tấn công khủng bố vào một đám cưới ở phía tây Kabul vào tối hôm qua 17/08/2019, đã khiến 63 người chết và 182 người bị thương. Vào trưa nay, trong một thông cáo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh đã thừa nhận là thủ phạm. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Afghanistan từ đầu năm đến nay.
Afghanistan : Cảnh phòng cưới ở Kabul sau vụ khủng bố làm 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương, tối 17/08/2019. Reuters/Mohammad Ismail
Thông tín viên RFI, Sonia Ghezali, tường thuật từ Kabul :
Vào lúc hơn 22g30, một tiếng nổ kinh hồn đã vang lên ở phía tây thủ đô Kabul, tại khu vực có đa số dân cư thuộc cộng đồng Hazara, tức người theo hệ phái hồi giáo Shia. Người ta được biết rất nhanh chóng là vụ nổ xẩy ra ở một lễ cưới tại trung tâm Shar Dubai. Hàng trăm người đang có mặt, không khí từng bừng, tiệc đang dọn ra.
Những lời chứng đầu tiên cho biết là vụ nổ xảy ra ở khu vực dành cho nam giới.
Băng video và hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy cảnh tượng ghê rợn : bàn, ghế, cột gỗ, ngả nghiêng trong các vũng máu, thi thể người ngổn ngang trên sàn. Người sống sót thì quần áo đầy máu me, vẻ thất thần, bám lấy điện thoại, kêu gọi người thân còn kẹt ở bên trong.
Phe Taliban đã phủ nhận mọi vai trò trong vụ khủng bố này. Cộng đồng thiểu số Hazara thường bị nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhắm vào.
Vụ khủng bố nổ ra trong lúc mà đàm phán hòa bình giữa Taliban và Mỹ có vẻ gần đạt được một thỏa thuận.
Theo một số nguồn tin của chính quyền Kabul, thỏa thuận có thể được thông báo trong những ngày sắp tới đây.
Mỹ và Taliban sắp đạt thỏa thuận ?
Dân chúng Afghanistan trong mấy qua rất hy vọng Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận mở đường cho đàm phán hòa bình giữa chính quyền Kabul và nhóm nổi dậy.
Theo nhiều nguồn tin phía Mỹ, đặc sứ Zalmay Khalilzad, trưởng đoàn đàm phán Mỹ sẽ đến khu vực trong những ngày tới để tiếp tục, và có thể là hoàn tất cuộc thương lượng, theo đó Mỹ sẽ rút dần số 14.000 quân đóng ở Afghanistan, đánh đổi lại thì Taliban không để Afghanistan trở lại thành nơi ẩn náu của quân thánh chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tỏ ý muốn rút lính Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Giới quân sự Mỹ cũng như các nghị sĩ rất lo ngại việc rút quân sẽ đẩy Afghanistan trở lại tình trạng nội chiến, và dưới sự thống trị của Taliban. Afghanistan như vậy sẽ là hậu cứ để mọi lực lượng ‘thù nghịch’ như Al Quaeda và các nhóm thánh chiến khác tấn công vào Mỹ và các đồng minh.
RFI tiếng Việt
Syria : Liên quân Ả Rập Kurdistan bàn về số phận quân thánh chiến nước ngoài (RFI, 20/10/2017)
Ba ngày sau khi thành phố Raqqa được giải phóng, số phận của những chiến binh thánh chiến người nước ngoài vẫn chưa rõ ràng. Hôm qua 19/10/2017, ông Talal Sello, phát ngôn viên của Lực lượng dân chủ Syria, đã tuyên bố rằng những chiến binh khủng bố nước ngoài này đã bị bắt sống, và sẽ được đưa ra xét xử. Song quan chức quân sự này bỏ ngỏ khả năng liệu họ có được trao trả về quê hương hay không.
Thành phố Raqqa, Syria sau khi chiếm lại từ tay quân thánh chiến. Ảnh ngày 18/10/2017. Reuters/Erik De Castro
Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
Liên quân Ả Rập Kurdistan, với sự hỗ trợ của không lực liên quân quốc tế gồm Mỹ, Pháp và Anh, đã chiếm được thành phố Raqqa và bắt sống hơn 120 chiến binh thánh chiến thuộc khoảng một chục quốc tịch khác nhau.
Các nguồn tin Syria thân chính quyền cũng như thân phe đối lập khẳng định rằng một số chiến binh thánh chiến người nước ngoài đã được trao trả cho cơ quan tình báo của các nước đó ; các cơ quan tình báo này đang hoạt động trong vùng được kiểm soát bởi người Kurdistan. Giám đốc Đài quan sát nhân quyền ở Syria, ông Rami Abdel Rahman cho rằng đó là trường hợp của các chiến binh người Pháp thuộc Nhà nước Hồi giáo IS. Quan chức này tuyên bố rằng trong số các chiến binh nói trên có thể có những kẻ đã tham gia vào việc lên kế hoạch các vụ khủng bố ở Paris và Bruxelles.
Theo nhật báo An-Nahar của Liban, bộ trưởng Saudi Arabia Al Sabhane đã tới Raqqa vào đầu tuần này để bàn bạc với ông Brett MacGurk, đại diện người Mỹ của liên quân quốc tế, về việc tái thiết thành phố. Tờ báo này cũng cho biết thêm, vị bộ trưởng này đã về nước, áp tải một số kẻ là người Saudi Arabia thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Về phần mình, kênh truyền hình liên Ả Rập Al Alam của Iran, đưa tin là một quan chức cao cấp người Chetchenia đã tới sân bay Qamichii hôm 18/10, trong vùng người Kurdistan ở phía đông bắc Syria. Đài này khẳng định rằng quan chức Chetchenia nói trên đã thảo luận với giới chức Kurdistan về số phận của những công dân Chetchenia đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Duy Anh
**************
Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại tại cứ địa Raqqa (VOA, 17/10/2017)
Các lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết họ đã chiếm được các khu vực cuối cùng còn lại của thành phố Raqqa của Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo – IS.
Các lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) ở thành phố Raqqa, Syria, ngày 17/10/2017.
Nói chuyện với báo chí, một phát ngôn viên của lực lượng SDF, một lưc lượng gồm các dân quân người Kurd và người Ả Rập, cho hay các cuộc giao tranh ở thành phố Raqqa đã kết thúc. Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cũng loan báo thành phố Raqqa đã được giải phóng.
Các chiến binh của lực lượng SDF xông vào một sân vận động, nơi từng là căn cứ cuối cùng của IS trong thành phố. Trước đó SDF đã chiếm được một bệnh viện, được IS dùng làm trung tâm chỉ huy.
Cuộc tấn công nhằm đẩy bật phiến quân Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Raqqa đã bắt đầu hồi tháng 6, chiến dịch này được sự yểm trợ của máy bay không kích và các lực lượng khác của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hỗ trợ.
Phát ngôn viên của lực lượng liên minh, Đại uý Ryan Dillon, nói trên trang Twitter rằng 90% thành phố Raqqa đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng SDF.
Raqqa được coi như thủ đô trên thực tế của IS, nơi lên kế hoạch để thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài, đây cũng là nơi quân IS ăn mừng chiến thắng đạt được ở Iraq và Syria, và cũng là à nơi họ thực hiện các vụ hành quyết.
Nhà nước Hồi giáo vẫn kiểm soát các khu vực quanh thành phố Deir el-Zour và ở phía nam thung lũng sông Euphrates.
****************
Syria : Raqqa được hoàn toàn giải phóng khỏi quân thánh chiến (RFI, 17/10/2017)
Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) hôm nay 17/10/2017 đã tái chiếm toàn bộ thành phố Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS) tại Syria, theo loan báo của Cơ quan quan sát nhân quyền Syria (OSDH) và phát ngôn viên FDS.
Lực lượng FDS sau khi chiếm đước Raqqa. Ảnh ngày 17/10/2017. Reuters/Rodi Said
OSDH khẳng định lực lượng thánh chiến đã hoàn toàn bị quét sạch tại Raqqa, thành phố miền đông Syria. Một thủ lãnh quân sự tại chỗ xác nhận với Reuters không còn một quân thánh chiến nào tại khu vực bệnh viện lẫn sân vận động, hai vị trí cuối cùng của Daech.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Talal Sello, phát ngôn viên của FDS, lực lượng liên minh Kurdistan và Ả Rập được Mỹ hỗ trợ, cho biết đã hoàn toàn kiểm soát được thành phố, và hiện đang truy quét tàn quân.
Việc Raqqa - nơi cách đây ba năm Daech đã nghênh ngang phô trương lực lượng - bị thất thủ, là thất bại nặng nề cho tổ chức khủng bố theo hệ phái Sunni, sau khi Mosul ở Iraq được tái chiếm.
Raqqa đã trở thành biểu tượng cho những hành động tàn bạo của Daech, nơi lập kế hoạch các vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều nước, đặc biệt là Châu Âu. Tối qua FDS đã chiếm được địa điểm nổi tiếng là vòng xoay Al Naim, nơi Daech thường tiến hành các vụ hành quyết.
FDS chiến đấu với quân thánh chiến tại Raqqa từ tháng Sáu, và trận đánh quyết định cuối cùng bắt đầu từ hôm Chủ nhật 15/10, với sự yểm trợ trên không và trên bộ của liên minh chống thánh chiến do Mỹ lãnh đạo. Trước đó khoảng 275 quân thánh chiến người Syria và gia đình đã được phép rời khỏi thành phố. Tổng cộng có ít nhất 3.250 người thiệt mạng trong trận Raqqa, trong đó có 1.130 thường dân.
Thụy My
*********************
Philippines : Marawi được "giải phóng", nhưng chiến trận tiếp diễn (RFI, 17/10/2017)
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte hôm nay 17/10/2017 tuyên bố thành phố Marawi đã được "giải phóng khỏi ảnh hưởng của bọn khủng bố". Tuy nhiên, các trận đánh chống quân thánh chiến vẫn tiếp tục.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố ngày 17/10/2017 là thành phố Marawi đã được "giải phóng khỏi ảnh hưởng của khủng bố". Reuters/Romeo Ranoco
Ông Duterte đến thăm binh sĩ tại thành phố lớn miền nam để mừng việc thủ lãnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) tại Đông Nam Á, Isnilon Hapilon đã bị tiêu diệt hôm qua. Hapilon nằm trong danh sách những tên khủng bố hàng đầu bị Mỹ truy lùng, được cho là "giáo chủ" ở khu vực, trong lúc Daech đang gặp phải nhiều thất bại tại Iraq và Syria.
Tổng thống Philippines tuyên bố "Marawi đã được giải phóng khỏi ảnh hưởng bọn khủng bố, đánh dấu khởi đầu cho sự phục hồi". AFP cho biết trong lúc ông Duterte phát biểu, người ta vẫn nghe thấy những tiếng nổ và tiếng súng trong thành phố. Ngay sau bài diễn văn của tổng thống, quân đội cho biết khoảng 20 đến 30 quân thánh chiến đang giữ chừng 20 con tin tại Marawi, và các trận đánh vẫn tiếp tục để tiễu trừ.
Được hỏi có nên coi phát biểu của ông Duterte chỉ mang tính biểu tượng hay không, đại tá Romeo Brawner, phó chỉ huy lực lượng tại Marawi xác nhận, thành phố chưa quét sạch được 100% quân thánh chiến. Quân đội đang truy bắt Mahmoud Ahmad, một người Malaysia được cho là kế vị của Hapilon, là một trong số từ 6 đến 8 quân thánh chiến nước ngoài còn lại trong thành phố.
Cuộc chiến bắt đầu tại Marawi hôm 23/05, sau khi tung ra chiến dịch truy bắt Hapilon - ban đầu với tư cách thủ lãnh Abou Sayyaf, sau đó mới được coi là thủ lãnh Daech ở khu vực. Tuy nhiên, quân đội bị bất ngờ khi quân thánh chiến chiếm được nhiều vị trí quan trọng và bắt con tin, chống chọi được trước các trận không kích có sự yểm trợ của Mỹ. Tổng cộng có trên 1.000 người chết.
Thụy My
Syria : Thành phần thánh chiến ngoại quốc tại Raqqa phải đầu hàng (RFI, 16/10/2017)
Phát ngôn viên của liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đã xóa tan sự mập mờ xoay quanh số phận của những chiến binh ngoại quốc tại Raqqa. Ngày 15/10/2017, đại tá Ryan Dillon tuyên bố, "hoặc là họ phải đầu hàng, hoặc là tiếp tục chiến đấu".
Thường dân trên đường chạy khỏi Raqqa, Syria, ngày 16/10/2017. Reuters/Rodi Said
Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
"Khoảng 200 đến 300 chiến binh ngoại quốc cùng các thành viên gia đình của họ cố thủ trong một vùng chiếm đóng rộng 2km vuông, đầy hầm trú ẩn và địa đạo. Cuộc tấn công của Lực Lượng Dân Chủ Syria với sự hậu thuẫn của Washington nhắm vào khu vực này bắt đầu bằng một cuộc nã pháo dữ dội.
Các trang web thân phe đối lập cũng như những nguồn tin của chính phủ Syria tường trình những cuộc tấn công quyết liệt vào những ngôi nhà đổ nát và những con phố phủ đầy gạch vụn.
Khoảng 3.000 thường dân đã rời thành phố trong đêm thứ Bẩy (14/10/2017) theo một thỏa thuận do các tộc trưởng thương lượng và đã tới được vùng do lực lượng FDS kiểm soát. Theo thỏa thuận này, 275 chiến binh người Syria thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và gia đình của họ đã đầu hàng liên minh Ả Rập-Kurdistan.
Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền và các nguồn tin độc lập ở Syria khẳng định rằng Hoa Kỳ và đặc biệt là Pháp đã phản đối quyết liệt việc sơ tán các chiến binh thánh chiến ngoại quốc. Trong số này có Abdelilah Himich, bí danh "Abdel lính lê dương", còn gọi là Abou Suleiman al-Faransi, người bị cho là đầu não các vụ khủng bố ở Paris và Bruxelles".
Duy Anh
*******************
Philippines : Hai thủ lĩnh thánh chiến Hồi Giáo tại Marawi đã bị hạ sát (RFI, 16/01/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana, ngày 16/10/2017 thông báo : Quân đội đã hạ sát hai thủ lĩnh của phong trào thánh chiến Hồi Giáo Philippines trung thành với Daesh : Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute, đứng đầu phong trào nổi dậy chiếm đóng thành phố Marawi, miền Nam Philippines, từ tháng 05/2017. Chiến dịch tái chiếm Marawi làm hơn 1.000 người chết, 400.000 người phải di tản.
Lực lượng quân chính phủ Philippines truy tìm quân thánh chiến Maute, tại thành phố Marawi, miền nam Philippines, ngày 30/08/2017. Reuters/Froilan Gallardo
Marawi là thành phố có đông dân cư Hồi Giáo nhất tại Philippines. Mỹ đặt Hapilon, 51 tuổi, trong danh sách những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất và treo giải thưởng 5 triệu đô la cho những ai cung cấp thông tin về nhân vật này.
Thông tín viên RFI Marianne Dardard tường trình từ thủ đô Manila :
"Thủ lĩnh nhóm được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo phong là đại diện cho Daesh tại Philippines, Isnilon Hapilon, cùng với Omarkhayam Maute, một trong hai người đã sáng lập tổ chức khủng bố Maute, đều đã bị triệt hạ trong khuôn khổ một chiến dịch quân sự. Nhiều hình ảnh hai thi thể đầy máu, được xác định là do quân đội cung cấp, đã được phổ biến rộng rãi trên các mạng xã hội. Trong một vài ngày sắp tới, Philippines sẽ thông báo thành phố Marawi được giải phóng hoàn toàn.
Isnilon Hapilon là một trong những kẻ khủng bố đang bị Hoa Kỳ ráo riết truy lùng. Hapilon còn là một trong những thủ lĩnh của tổ chức Hồi Giáo cực đoan Abou Sayyaf chuyên bắt cóc người đòi tiền chuộc. Nhóm này hoành hành tại miền nam Philippines và là tổ chức đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố trung thành với Daesh.
Ngày 23/05/2017, quân đội Philippines đã có kế hoạch bắt Isnilon Hapilon, chiến dịch này đã khiến các đồng minh của Isnilon Hapilon, như là tổ chức Maute, phong tỏa thành phố".
Thanh Hà
***********************
Thủ lĩnh IS tại Philippines bị tiêu diệt (RFA, 16/10/2017)
Thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute ở miền Nam Philippines và nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã đặc biệt của Mỹ là Isnilon Hapilon vừa bị tiêu diệt hôm ngày 16/10 trong một trận chiến của quân đội Philippines nhằm chiếm lại thành phố Marawi từ tay phiến quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (phải) và Tướng Eduardo Ano cho phóng viên xem hình chụp xác Isnilon Hapilon và Omar Maute, thủ lĩnh nhóm Maute trong cuộc họp báo ở đại bản doanh của quân đội tại thành phố Marawi, Philippines hôm 16/10/2017 - Reuters
Cuộc tấn công cũng diệt được một thủ lĩnh khác của nhóm Maute là Omar Maute.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các nhà phân tích an ninh cho biết Hapilon là nhân vật quan trọng của nhóm phiến quân Hồi giáo đòi thành lập nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á trong khi chúng đang phải chịu những thất bại trên chiến trường tại Iraq và Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho báo giới biết việc tiêu diệt được Hapilon có ý nghĩa quan trọng đối với quân chính phủ, và cái chết của Hapilon giống như một cú đánh có tính biểu tượng đối với sức chiến đấu của phiến quân trong khu vực vì Hapilon được coi như là người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Trước đó chính phủ Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu đô la cho những thông tin dẫn đến việc bắt Hapilon.
Sau cái chết của Hapilon, các chuyên gia và giới chức tình báo Philippines cho rằng có nhiều khả năng một kẻ khủng bố khác có tên Mahmud Ahmad người Malaysia và đã từng được đào tạo bởi Al-Qaeda sẽ trở thành lãnh đạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Các giới chức tình báo cho biết Mahmud Ahmad là một người tìm nguồn tài trợ và tuyển mộ người cho khủng bố. Người này cũng giúp tạo dựng mối liên minh giữa các chiến binh ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tiến đánh thành phố Marawi vào tháng 5 vừa qua.
Giới chức Philippines cho biết họ vẫn đang truy tìm Mahmud.
Tướng Eduardo Ano của Philippines hôm 16 tháng 10 cho báo chí biết dựa theo các thông tin mà quân đội Philippines có được, Mahmud hiện vẫn ở trong khu vực chiến trường cùng với một số người Indonesia và Malaysia khác. Tuy nhiên, ông cho biết, thái độ của những người này giờ đây không còn hung hăng như trước.
Tướng Ano thúc giục 30 chiến binh Hồi giáo vẫn còn sót lại ở chiến trường đang thu nhỏ đầu hàng và thả các con tin trong khi quân chính phủ đang gia tăng tấn công.
Trong khi đó, các giới chức tình báo của Malasia cho biết Mahmud đã rời Marawi an toàn vài tháng trước.
Mahmud Ahmad năm nay 39 tuổi là người có bằng tiến sĩ về tôn giáo và là một giảng viên tại một trường đại học ở Kuala Lumpur. Theo báo cáo của Viện Phân tích chính sách và xung đột ở Indonesia hồi tháng 7 vừa qua, Mahmud là người đứng thứ hai sau Hapilon trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Chính phủ Myanmar sẽ quản lý các ngôi làng bị đốt phá (RFA, 27/09/2017)
Chính phủ Myanmar sẽ đảm nhận việc tái thiết các ngôi làng bị thiêu rụi trong đợt giao tranh giữa phiến quân Hồi giáo Rohingya và quân đội chính phủ.
Một ngôi làng của người Rohingya bị đốt ngày 31/8/2017. AFP
Tờ Global New Light of Myanmar dẫn lời ông Win Myat Aye, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar nói rằng theo luật của quốc gia này thì những khu vực bị thiêu rụi sẽ thuộc phạm vi quản lý của chính phủ. Ông cũng cho biết quá trình tái thiết sẽ diễn ra một cách hiệu quả vì theo luật thì chính phủ sẽ trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng lại các khu vực xảy ra thảm họa hay giao tranh.
Biện pháp tái thiết được nói có thể sẽ khiến hơn 480 ngàn người Rohingya đang lánh nạn trở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, ông Aye nói rằng chính phủ chưa có kế hoạch hay phương thức cụ thể nào để đưa những người này trở về.
Ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 400 ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị đốt cháy trong các vụ xung đột.
***********************
Khai quật những mộ tập thể Ấn Giáo ở bang Rakhine (RFA, 27/09/2017)
Quân đội Myanmar vào ngày 27 tháng 9 tổ chức chuyến đầu tiên cho báo chí đến tại khu vực nơi có những mộ tập thể tín đồ Ấn Giáo được khai quật hồi đầu tuần này.
Thân nhân của 23 nạn nhân bị sát hại trong vụ quân ARSA tấn công làng Ấn Giáo hôm 25/8. AFP
Trong khi đó công tác tìm kiếm 50 tín đồ Ấn Giáo bị sát hại được tiếp tục được tiến hành. Những người chứng kiến vụ việc cho hãng tin AFP biết cuộc đổ máu xảy ra bên ngoài làng Ấn Giáo ở Kha Maung Seik miền bắc bang Rakhine. Số này được nói bị sát hại trong cuộc tấn công của Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya ngày 25 tháng 8 vừa qua.
Một người địa phương tên Fwaira Bazar kể lại rằng ngày xảy ra cuộc tấn công, một nhóm người đeo mặt nạ đã ập tới khu vực người Ấn giáo sinh sống, đánh đập và bịt mắt người dân rồi chở họ vào rừng. Theo lời những người địa phương thì bọn khủng bố đã giết hại hơn 100 người, rồi đào hố chôn thi thể họ.
Chiến dịch đáp trả của quân đội Myanmar đối với đợt tấn công của phiến quân Rohingya được nói khiến hằng trăm người thiệt mạng và gần nửa triệu người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Liên Hiệp Quốc cho rằng chiến dịch của quân đội Myanmar là tảo thanh sắc tộc. Tuy nhiên phía Myanmar bác bỏ cho rằng họ chỉ ra tay trấn dẹp những phần tử khủng bố quá khích Rohingya.
***************
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo Myanmar phạm tội ác chống nhân loại (RFA, 26/09/2017)
Myanmar đang phạm tội ác chống lại nhân loại qua các chiến dịch tảo thanh đối với phiến quân nổi dậy Hồi giáo tại bang Rakhine.
Những người tị nạn Hồi giáo Rohingya chờ được phát thức ăn bởi quân đội Bangladesh tại trại tị nạn Balukhali gần Gumdhum vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. AFP
Đây là nội dung trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch công bố vào ngày 26 tháng 9. Đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp chế tài cùng lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar.
Phát ngôn nhân Chính phủ Miến Điện phản đối cáo buộc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, nói rằng không có một bằng chứng nào cho việc cáo buộc này và Chính phủ Myanmar luôn cam kết bảo vệ nhân quyền.
Miến Điện cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của Chính phủ tham gia vào việc tảo thanh sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya nhằm đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy người Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hồi ngày 25 tháng 8 vừa qua.
Giám đốc Chính sách Pháp lý của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, James Ross, nói rằng quân đội Miến đang trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine một cách dã man. Các vụ đốt phá và thảm sát dân làng hàng loạt đã đẩy người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn là tất cả tội ác chống lại loài người.
Hiện đã có gần 440 ngàn người chạy sang Bangladesh tị nạn, phần lớn là người Rohingya. Những người này cáo buộc các lực lượng an ninh truy đuổi người Rohingya ra khỏi quốc gia đa số người theo Phật giáo ở Myanmar.
Khủng hoảng Rakhine : Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế (BBC, 20/09/2017)
Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý bạo lực tại bang Rakhine và khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề vì không có phản ứng gì trước cuộc khủng hoảng Rohingya
Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba, bà lên án những vụ lạm quyền nhưng không đổ lỗi cho quân đội hoặc giải quyết những cáo buộc thanh lọc sắc tộc.
Các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao từ một số quốc gia đã bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ với lập trường của bà.
Hơn 400.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh từ cuối tháng Tám.
Tình trạng bất ổn mới nhất ở Rakhine xảy ra do các vụ tấn công chết người tại các đồn cảnh sát trên khắp bang Rakhine vào tháng trước.
Nhiều người bị giết trong một cuộc đàn áp quân sự sau đó và có những cáo buộc về việc các ngôi làng bị đốt cháy và người Rohingya bị đuổi đi.
Trong bài diễn toàn quốc đầu tiên về cuộc khủng hoảng gần đây, bà Suu Kyi nói :
- Không có xung đột hoặc hoạt động đuổi người ở miền bắc kể từ ngày 5 tháng Chín
- Hầu hết người Hồi giáo đã quyết định ở lại và điều này cho thấy tình hình không nghiêm trọng
- Chính phủ đã có những nỗ lực trong những năm gần đây để cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người ở Rakhine bao gồm cả người Hồi giáo
- Tất cả người tị nạn sẽ được phép trở lại sau một quá trình xác minh.
Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước nói rằng bà không sợ "sự giám sát của quốc tế" về cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng.
Bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bìn, hôm 19/9 nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
***********************
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 19 tháng 9 đưa ra lời kêu gọi đòi chính phủ Myanmar phải nhận lại khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh vì chiến sự ở bang Rakhine, Myanmar.
Những người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar đang chờ đợi sự trợ giúp tại thị trấn Teknaf của Bangladesh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017. AFP
Nói với những nhà hoạt động người Bangladesh tại New York nơi bà Hasina đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Hasina cho biết chính phủ Bangladesh đã đưa ra yêu cầu này với Myanmar, đòi hỏi Myanmar phải đảm bảo an toàn cho những người tị nạn Hồi giáo đồng thời không được tra tấn, đàn áp họ. Bà Hasina cho biết hiện Bangladesh đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Myanmar làm điều này.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Bangladesh, cho đến lúc này chính phủ Myanmar vẫn không đáp trả lại những lời kêu gọi của Bangladesh, thay vào đó Myanmar còn cho rải mìn dọc theo biên giới nhằm ngăn không cho những người Rohingya quay trở lại.
Trước đó, lãnh tụ Myanmar bà Aung San Suu Kyi có bài phát biểu công khai trên truyền hình nói rằng Myanmar sẽ chỉ nhận lại những người Hồi giáo Rohingya đã được đăng ký với chính phủ Myanmar.
Từ trước đến nay, chính phủ Myanmar vẫn luôn coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và không cho họ nhập quốc tịch.
Trong khi đó, tại Bangladesh, quân đội nước này đang gia tăng nỗ lực giúp đỡ những người tị nạn Rohingya vào lúc mùa mưa đang đến.
Ông Obaidul Quader, một Bộ trưởng thuộc đảng Awami League đang nắm quyền ở Bangladesh cho báo chí biết quân đội sẽ được triển khai ngay lập tức đến Cox’s Bazar nơi có hơn 400.000 người tị nạn Rohingya. Quân đội sẽ giúp xây các nơi trú ẩn, nhà vệ sinh cho người tị nạn hiện còn đang phải ngủ ngoài trời dưới mưa.
Ngoài ra quân đội Bangladesh cũng có nhiệm vụ đảm bảo trật tự và giúp đỡ trong các hoạt động cứu trợ tránh những tình trạng náo loạn, dẫm đạp lên nhau khi thực phẩm và đồ cứu trợ được đưa xuống từ các xe tải.
Mới đây chính phủ Bangladesh cũng cho biết nước này sẽ lập thêm một khu vực mới có thể chứa tới 400.000 người tị nạn trong vòng 10 ngày.
Cũng tại Bangladesh, hàng trăm tín đồ Ấn Giáo đang hướng đến Ấn Độ, nước láng giềng với Bangladesh, với hy vọng tìm được nơi trú ngụ mới.
Hiện có khoảng gần 500 tín đồ Ấn Giáo đang ở trong một trang trại gà đã dọn tại một làng của người theo Ấn giáo ở vùng đông nam Bangladesh, chỉ cách nơi những người tị nạn Rohingya đang trú khoảng hơn 3 cây số.
Những người tị nạn Ấn Giáo cũng chạy từ Myanmar sang Bangladesh để tránh chiến sự và bây giờ họ nói họ không muốn quay trở lại Myanmar vì lo sợ. Nhưng họ cũng không muốn ở lại trên đất Bangladesh nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Hiện chính phủ Ấn Độ không gây khó dễ cho việc xin quốc tịch đối với những cộng đồng thiểu số đến từ Bangladesh hay Pakistan, dù đó là tín đồ Ấn Giáo, Phật giáo hay Thiên chúa giáo.
Tuy nhiên chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa có bình luận gì về mong muốn của những người tị nạn Ấn Giáo trên đất Bangladesh. Hiện chính phủ Ấn vẫn còn đợi phán quyết của tòa Tối cao liên quan đến một khiếu nại về kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Rohingya khỏi nước này.
Bạo lực tại bang Rakhine của Mynamar những tuần qua cũng khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại và kêu gọi chính phủ Myanmar phải có nỗ lực đảm bảo ổn định.
Tân Hoa Xã hôm 20 tháng 9 trích lời của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi ở New York rằng nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là giảm căng thẳng càng sớm càng tốt, tránh gây nguy hiểm đến người dân vô tội, ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nhân đạo, kêu gọi và giúp đỡ chính phủ Myanmar và Bangladesh tìm kiếm giải pháp cơ bản qua đối thoại và tham vấn. Ông cho rằng vấn đề người Rohingya tại Myanmar đã có từ rất lâu và đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng với cộng đồng quốc tế trong khủng hoảng tại Myanmar.
***********************
Thủ lĩnh đánh bom tại Indonesia bị tù 11 năm (RFA, 20/09/2017)
Một phiến quân người Indonesia có liên can với nhóm Hồi giáo IS bị một tòa án tại nước này vào ngày 20 tháng 9 tuyên án 11 năm tù với cáo buộc âm mưu tấn công vào một buổi đổi gác ở dinh tổng thống tại Jakarta.
Chiến binh Indonesia Muhammad Nur Solikin bị kết án 11 năm tù ở tòa án Jakarta vào ngày 20 tháng 9 năm 2017 - AFP
Bị cáo thứ hai bị tuyên sáu năm tù giam. Hãng thông tấn AP đưa tin Muhammad Nur Solihin, và Agus Supriyadi đã bị bắt cùng với hai phiến quân khác bao gồm cả vợ của Solihin vào tháng 12 năm ngoái, chỉ một ngày trước khi âm mưu tấn công được thực hiện.
Bồi thẩm đoàn gồm ba thành viên tại phiên xử cho rằng hành động của các bị cáo không thể chấp nhận là việc làm của con người và vi phạm luật chống khủng bố của Indonesia.
Vào tháng trước vợ của Solihin, tên Dian Yulia Novi, dự tính đánh bom tự sát, bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam. Một phụ nữ khác, Tutin, bị tuyên 3 năm rưỡi vì tội khuyến khích Novi thực hiện hành động đánh bom tự sát. Indonesia là đất nước có số tín đồ Hồi Giáo đông nhất thế giới và chính quyền Jakarta cho tiến hành biện pháp cấm đối với hoạt động thánh chiến kể từ vụ đánh bom ở Bali vào năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.