Trung Quốc huy động số lượng kỷ lục chiến đấu cơ tập trận quanh Đài Loan
Trọng Nghĩa, RFI, 26/12/2022
Chính quyền Đài Bắc ngày 26/12/2022 báo động : Trung Quốc hôm qua đã triển khai đến 71 chiến đấu cơ tham gia một cuộc tập trận quanh Đài Loan. Theo bộ quốc phòng Đài Loan, đây là một trong những đợt xâm nhập rầm rộ nhất từ trước đến nay của chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.
Ảnh tư liệu do Tân Hoa Xã phổ biến : Các chiến đấu cơ Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan hôm 07/08/2022. AP - Gong Yulong
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông báo ngắn gọn, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã tiến hành các cuộc tuần tra sẵn sàng phối hợp tác chiến và diễn tập dùng hỏa lực tấn công chung xung quanh Đài Loan, nhưng không nêu rõ địa điểm chính xác.
Thông báo giải thích : "Đây là một phản ứng kiên quyết chống lại việc Hoa Kỳ và Đài Loan đang leo thang thông đồng và khiêu khích… Các lực lượng của Chiến Khu sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Trung Quốc không nêu rõ số lượng máy bay được huy động cho cuộc tập trận hôm Chủ Nhật, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, dữ liệu từ bộ quốc phòng Đài Loan cho thấy đó là một trong những cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi họ bắt đầu công bố số liệu thống kê hàng ngày.
Trên mạng Twitter, Đài Loan cho biết đã có 60 máy bay chiến đấu Trung Quốc tham gia cuộc tập trận, trong đó có 6 chiến đấu cơ Su-30 thuộc loại hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay.
Ngoài ra, theo cơ sở dữ liệu mà AFP có trong tay, 47 trong số các phi cơ đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, vụ xâm nhập hàng ngày cao thứ ba được ghi nhận.
Còn theo Reuters, cũng có 43 chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến phân định ranh giới giữa hai bên eo biển Đài Loan. Đây là đợt áp sát đảo Đài Loan với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của phi đội Trung Quốc.
Theo ghi nhận của AFP, Đài Loan sống dưới mối đe dọa xâm lược thường xuyên của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã tăng cường áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan từ khi mối quan hệ trở nên xấu đi. Một trong những chiến thuật gây áp lực mà Trung Quốc ngày càng sử dụng là cho chiến đấu cơ tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Riêng trong năm 2022, đã có hơn 1.700 vụ xâm nhập như vậy so với 969 vụ vào năm 2021 và 146 vụ vào năm 2020.
Hãng tin Pháp cũng gắn liền hành động thị uy của Trung Quốc đối với Đài Loan với sự kiện Hoa Kỳ vừa tăng cường hỗ trợ Đài Loan, với một dự luật mới cho phép viện trợ quân sự 10 tỷ đô la cho hòn đảo, một động thái mà Bắc Kinh đã "cực lực phản đối".
Trọng Nghĩa
***********************
Trung Quốc giận dữ sau khi Mỹ thông qua đạo luật tăng cường hỗ trợ quân sự Đài Loan
Trọng Thành, RFI, 25/12/2022
Hôm 24/12/2022, tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành một đạo luật tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, với tổng trị giá 10 tỉ đô la (từ 2023 đến 2027), để đối phó với các đe dọa từ Trung Quốc. Ngay lập tức Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Cờ Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ - Ảnh minh họa. © Network Diagram
Luật tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan (có tên gọi chính thức là Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi của Đài Loan - Taiwan Enhanced Resilience Act) thuộc Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense Authorization Act, NDAA). Hãng tin Reuters, dẫn thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh "hết sức bất bình và kiên quyết phản đối" về nhiều điều khoản liên quan đến Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ, có thể "gây thiệt hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".
Trong luật về quốc phòng mà tổng thống Mỹ vừa ban bố, có một sửa đổi hạn chế việc chính phủ Hoa Kỳ mua các sản phẩm có sử dụng chip máy tính, do một số công ty Trung Quốc sản xuất. Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định chính quyền Mỹ "đã phớt lờ sự thật khi thổi phồng ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’, can thiệp vô cớ vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời công kích và bôi nhọ Đảng cộng sản Trung Quốc - đây là những hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng đối với Trung Quốc".
Về phần mình, bộ quốc phòng Đài Loan đã bày tỏ sự cảm ơn đối với chính quyền Mỹ, và khẳng định việc ban hành đạo luật nói trên cho thấy tầm quan trọng mà nước Mỹ dành cho mối quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ. Đài Bắc cho biết sẽ thảo luận với Washington về tiến trình thực thi đạo luật nói trên.
Theo Reuters, Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, cho dù hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là một vấn đề thường xuyên gây khó chịu cho Bắc Kinh. Quân đội Đài Loan yếu hơn nhiều so với quân đội của nước láng giềng khổng lồ. Đặc biệt, lực lượng không quân của nước này thường xuyên bị đặt trong tình trạng căng thẳng, do phải liên tục nỗ lực ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực gần hòn đảo, từ 3 năm nay.
Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi của Đài Loan cũng khuyến khích các lực lượng Đài Loan tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Rimpac, do Hoa Kỳ lãnh đạo, vào năm 2024. Chuyên gia quân sự Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết các khoản tài trợ và cho vay nói trên của Mỹ có thể giúp Đài Loan nhận được nhiều vũ khí tối tân hơn từ Mỹ, đặc biệt là tàu chiến, vốn rất cần thiết cho việc tự vệ của Đài Loan.
Trọng Thành
Mỹ cần chứng tỏ quyết bảo vệ Đài Loan
Ngô Nhân Dụng, VOA, 19/10/2020
Ông Tập Cận Bình xuống Quảng Đông dự lễ kỷ niệm 40 năm Thẩm Quyến "đổi mới kinh tế" ; ông ca ngợi quá trình "tư bản hóa" đã biến một ngôi làng nghèo nàn thành một đầu tầu cho kinh tế Trung Quốc.
Nhưng ông Chủ tịch Trung Quốc cũng nhân chuyến đi này lên tiếng đe dọa Đài Loan, với ngầm ý dọa cả Mỹ. Khi tới thăm lữ đoàn Thủy quân Lục chiến đóng tài thành phố Triều Châu, Quảng Đông, Tập Cận Bình hiệu lệnh cho binh sĩ phải "dồn tâm trí và nỗ lực sẵn sàng tham chiến !"
Tập không nói "giải phóng quân" sẽ tham dự cuộc chiến tranh nào. Nhưng ông hé lộ cho mọi người thấy một ẩn ý khi nhấn mạnh đến hành động tiến chiếm bờ biển địch quân. Tập nói rằng các các toán quân "đổ bộ" có trách nhiệm trọng đại để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền hải hành của quốc gia, và "các quyền lợi ở hải ngoại".
Những lời hiệu triệu Tập Cận Bình thốt ra có thể là lời lẽ bình thường của bất cứ người nào đóng vai tổng tư lệnh quân đội một quốc gia. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Vì ba ngày trước đó, một lữ đoàn tên lửa thuộc Quân khu Miền Bắc của Trung Quốc đã thao diễn trong vùng Vịnh Bột Hải. Đây là lần đầu tiên quân Trung Quốc bắn loại hỏa tiễn HJ-10, đặt trên xe di động, và họ dùng vũ khí thật chứ không phải đồ giả để tập trận. Hồng Tiễn – 10 là loại hỏa tiễn có thể điều khiển trong lúc bay, và có thể chống lại những thiết giáp M1A2 Abrams của Mỹ. Cuộc tập trận này diễn ra đúng ngày 10 tháng 10, trong lúc Đài Loan đang cử hành ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc, và sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ bán thêm 100 chiếc xe tăng M1A2 Abrams cho Đài Loan.
Những chiếc xe tăng Abrams này nằm trong dự án của chính phủ Mỹ sẽ bán ba loại vũ khí mới nhất cho Đài Loan, gồm hệ thống Hỏa tiễn Di động nhanh (HIMARS), thêm loại hỏa tiễn mới cho mặt trận trên bộ (SLAM-ER), và loại máy thám báo mới gắn thêm vào máy bay chiến đấu F-16. Khi dự án này được Tòa Bạch Ốc thông báo cho Quốc hội để xin được chuẩn y, phát ngôn viên của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã lên tiếng yêu cầu Washington phải chấm dứt ngay việc mua bán này, và ngưng mọi quan hệ quân sự với Trung Hoa Dân Quốc.
Trước đó, Bắc Kinh cũng phản đối ồn ào khi ông Alex Azar, bộ trưởng Y tế Mỹ qua Đài Loan, lấy lý do để tham khảo kế hoạch chống Covid-19 thành công của bà Tổng thống Thái Anh Văn. Đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm mới có một nhân viên chính phủ Mỹ ở cấp bộ trưởng đến Đài Bắc.
Trong những này 18 và 19 tháng Chín vừa qua, Trung Quốc đã cho 40 máy bay chiến đấu bay qua đường ranh giới giữa lục địa và Đài Loan nhiều lần, khiến Tổng thống Thái Anh Văn phải cảnh cáo là một "đe dọa vũ lực". Trung Quốc đã tổ chức thao diễn quân sự ngoài khơi Đài Loan, trước những ngày dân Đài Loan đi bỏ phiếu. Bắc Kinh muốn ủng hộ các ứng cử viên Quốc Dân Đảng gồm những người mà gia đình đã từ lục địa chạy qua Đài Loan năm 1949 sau khi thua quân cộng sản. Quốc Dân Đảng vẫn giữ chủ trương Đài Loan là một phần của nước Trung Hoa. Bắc Kinh muốn đe dọa những người dân Đài Loan chính gốc, đa số theo đảng Dân Tiến với khuynh hướng muốn Đài Loan tách ra, trở thành một quốc gia độc lập.
Trung Quốc càng muốn dương oai diễu võ đe dọa Đài Loan vì hòn đảo này cho thấy một chính quyền tự do dân chủ có thể ngăn chặn bệnh dịch Covid 19 một cách hữu hiệu và được cả thế giới khen ngợi ; trong khi Trung Quốc bị các nước khác nghi ngờ vì chế độ độc tài chỉ lo che đậy mối nguy hiểm do loài vi khuẩn corona gây ra. Đài Loan còn chọc giận Bắc Kinh khi tuyên bố sẽ thu nhận những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông qua tị nạn nếu họ cần tị nạn.
Sau khi Tập Cận Bình tròng lên đầu dân Hồng Kông đạo luật an ninh, khuynh hướng độc lập của đảng Dân Tiến càng mạnh hơn. Vì trước đây, Bắc Kinh vẫn dùng mô hình "một quốc gia hai chế độ" ở Hồng Kông để nhử mồi dân Đài Loan ; với viễn tượng thống nhất với lục địa nhưng vẫn giữ chế độ dân chủ tự do. Bây giờ thì 24 triệu dân hòn đảo này thấy rõ "nhất quốc lưỡng chế" là một ảo tưởng, phải chọn con đường đứng độc lập.
Vì vậy, Tập Cận Bình đã phải dùng miếng võ đe dọa để cảnh cáo dân chúng Đài Loan : Nếu không chấp nhận vẫn nằm trong lãnh thổ nước Tàu thì Trung Quốc sẽ dùng vũ lực.
Liệu Trung Quốc có muốn đánh chiếm Đài Loan thực sự hay không ?
Kể về sức mạnh quân sự thì Trung Quốc thừa sức, vì quân số và vũ khí mạnh hơn Đài Loan gấp bội. Quân đội Đài Loan có thể kháng cự một thời gian dài, nhưng cuối cùng sẽ không thoát khỏi làn sóng "biển người" của quân cộng sản.
Trừ khi nước Mỹ can thiệp để ngăn cản, không cho chế độ cộng sản làm thịt Đài Loan ! Đó là mạng phòng thủ an toàn duy nhất có thể bảo vệ chế độ tự do dân chủ trên hòn đảo này.
Nếu Tập Cận Bình nghĩ rằng dân chúng Mỹ và chính phủ Mỹ hoàn toàn không muốn đem quân can thiệp vào một cuộc chiến tranh ở nước ngoài, thì ông ta sẽ không ngần ngại dùng vũ lực chiếm Đài Loan, thống nhất đất nước, để lại danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử na Tàu.
Các vị Hoàng đế Đỏ ở Bắc Kinh luôn luôn quan tâm đến lịch sử. Mao Trạch Đông đã từng so sánh mình với Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế, một người có thành tích thống nhất Trung Quốc và người kia bành trướng lãnh thổ đế quốc lên gấp ba lần. Mao tự cho là mình còn vĩ đại hơn hai vị hoàng đế Tần, Hán.
Tập Cận Bình vẫn tỏ ý muốn vĩ đại hơn cả Mao Trạch Đông, vì sẽ bành trướng thế lực của công nhân Tàu rộng ra khắp năm Châu. Nếu chiếm được Đài Loan đả thống nhất quốc gia, chắc chắn lịch sử sẽ ghi nhận ông đã thành công trong một việc mà chính Mao Trạch Đông không làm được.
Đánh chiếm Đài Loan là một cơ hội cho Tập Cận Bình ghi danh vẻ vang trong lịch sử !
Muốn làm cho Tập Cận Bình nản chí, chỉ có một cách là chính phủ Mỹ phải chứng tỏ vẫn giữ lời cam kế bảo vệ Đài Loan. Cam kết này được xác định trong đạo Luật Bang giao với Đài Loan của Quốc hội Mỹ công bố năm 1979. Đó chỉ là một lời hứa hẹn. Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc không có một hiệp ước an ninh hỗ tương nào cả.
Đạo luật năm 1979 chỉ nói rằng "những ý đồ quyết định tương lai của Đài Loan không theo phương cách hòa bình" sẽ phải được coi là một mối đe dọa "nghiêm trọng đối với nước Mỹ". Những câu "phương cách hòa bình" và "đe dọa nghiêm trọng" có ý nghĩa như thế nào ? Từ năm 1979 đến nay không ai tìm cách làm cho ý nghĩa rõ ràng hơn !
Nhưng hiện nay Trung Quốc đang đe dọa dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan như chưa bao giờ thấy. Nếu chính phủ Mỹ chỉ phản ứng với những hành động có tính cách tượng trưng như trong quá khứ, thì rất nguy hiểm. Tập Cận Bình có thể nghĩ rằng nước Mỹ đang yếu, vì bệnh dịch ảnh hưởng trên nền kinh tế ; cho nên Mỹ sợ chiến tranh. Ông ta có thể suy luận rằng chính phủ Mỹ chỉ đang muốn giảm bớt trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, muốn rút hết quân về nước, muốn xóa bỏ các liên minh quân sự tốn tiền. Nghĩ như vậy, thì Tập Cận Bình có thể đánh nước bài liều lĩnh, tin rằng mình sẽ thắng.
Cho nên chính phủ Mỹ cần phải chứng tỏ cho ông Tập Cận Bình thấy không nên suy nghĩ như vậy. Đưa các chiến hạm Mỹ vào eo biển Đài Loan chỉ là một biện pháp tượng trưng, đã thi thố nhiều lần trong quá khứ. Bán các vũ khí mới cho Đài Loan cũng chưa đủ, nhất là đó chưa phải là những vũ khí tối tân nhất, như Mỹ sẽ bán cho mấy vương quốc Á Rập, khiến Israel cũng lo ngại.
Tập Cận Bình thăm lữ đoàn Thủy quân Lục chiến đóng tài thành phố Triều Châu, Quảng Đông ngày 12/10/2020
Ngày 16 tháng Chín vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới tuyên bố rằng, mặc dù Nga và Trung Quốc muốn giành thế lực trên thế giới nhưng "hải quân Trung Quốc không thể đọ sức với hải quân Mỹ". So sánh như vậy có thể khiến Tập Cận Bình lo sợ, không dám khiêu chiến với Mỹ. Nhưng nếu ông ta tin rằng chính phủ Mỹ sẽ không thấy có lợi gì khi tham chiến để bảo vệ Đài Loan hay các nước Đông Nam Á, thì họ Tập sẽ không lo Mỹ sẽ can thiệp !
Chính phủ Mỹ phải chứng tỏ quyết tâm bảo vệ Đài Loan bằng cách tổ chức các cuộc thao diễn quân sự, với quân đội Trung Hoa Dân Quốc, quân đội Nhật Bản, Nam Hàn, vân vân. Mục tiêu nói rõ ràng : Tập trận để bảo vệ hòn đảo Đài Loan nếu bị tấn công !
Một hành động quyết liệt và minh bạch như vậy sẽ giúp cả thế giới thoát khỏi một cuộc chiến tranh, có thể xẩy ra nếu ông Tập Cận Bình "tưởng bở" làm liều. Không những thế, cuộc tập trận như vậy sẽ giúp các nước trong vùng Đông Nam Á tin tưởng hơn vào chính sách liên minh với Mỹ, chiều theo các đòi hỏi của Bắc Kinh !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 19/10/2020
*************************
Eo biển Đài Loan : Trung Quốc chuẩn bị lực lượng tấn công
Tú Anh, RFI, 18/10/2020
Trung Quốc tăng cường lực lượng dọc theo bờ biển đông-nam như chuẩn bị tấn công Đài Loan. Các căn cứ tên lửa được trang bị hỏa tiễn siêu thanh Đông Phong 17, loại tối tân nhất và chính xác nhất của Hoa Lục. Sự kiện "nhạy cảm" này được một nguồn tin quân sự Trung Quốc xác nhận với báo chí Hồng Kông ngày chủ nhật.
Trong bối cảnh từ nhiều tháng nay, Trung Quốc liên tục xâm nhập không phận Đài Loan và phủ nhận đường trung tuyến trên biển, thông tin trên không khỏi gây lo ngại. Cách nay hai hôm, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ kêu gọi Đài Loan "củng cố phỏng thủ" tuy cho rằng Trung Quốc chưa đủ sức đổ bộ trước 10 năm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Cách nay một năm tại Bắc Kinh, tên lửa Đông Phong-17 hay DF-17, đã được máy quay phim và máy hình bấm như mưa khi được trưng bày lần đầu tiên trong buổi lễ diễn hành ghi dấu 70 năm thành lập quân đội Trung Quốc.
Hôm nay, loại hỏa tiển đạn đạo với mũi trắng nhọn dường như xuất hiện ở bờ biển đông- nam Hoa lục.
Theo nguồn tin của South China Morning Post, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu đặc, đang được bố trí để dần dần thay thế vũ khí cũ từ nhiều chục năm nay đối đầu với Đài Loan.
Theo nhận định của các chuyên gia, hành động này của Bắc Kinh không giới hạn trong khuôn khổ thay vũ khí. Khi gia tăng số căn cứ hỏa tiễn trong vùng mặt trận phía đông và phía nam, Giải phóng quân Trung Quốc không chỉ phô trương cơ bắp.
Họ được cho là đang sửa soạn một cuộc tấn công trong trường hợp phải đánh chiếm nơi mà Bắc Kinh gọi là "một tỉnh phiến loạn".
Các loại tên lửa cũ, DF-11 và DF-15 không có khả năng vượt núi để tấn công vào các cơ sở quân sự của Đài Loan ở Đài Trung và Hoa Liên, còn DF-17 có tầm hoạt động xa đến 2.500 km, theo phân tích của một chuyên gia quân sự trên South China Morning Post.
Thông tin Trung Quốc tăng cường hỏa lực ở Phúc Kiến, Quảng Đông được tiết lộ trong bối cảnh tình hình căng thẳng trong các tuần gần đây, sau khi chính phủ Thái Anh Văn ký một loạt hợp đồng với Hoa Kỳ, mua một loạt vũ khí trong đó có hệ thống tên lửa chống tên lửa Patriot.
Thông tin này cũng được rò rỉ năm ngày sau khi Tập Cận Bình đến thăm một căn cứ lính thủy đánh bộ ở đông-nam Trung Quốc. Tại đây, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi binh sĩ "đề cao cảnh giác và chuẩn bị chiến tranh".
Một cuộc chiến mà theo Robert O’Bien, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ Donald Trump, khó có thể xảy ra trước 10 hay 15 năm.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 18/10/2020
*********************
Bắc Kinh còn có cách thứ ba để thống nhất Đài Loan
An An, Soha, 21/10/2020
Tên lửa Donfeng-17 của Trung Quốc. Ảnh: AP
Bắc Kinh gần đây đã tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, khiến thế giới lo lắng về việc liệu nước này có tấn công Đài Loan hay không. Ví dụ, máy bay quân sự của không quân Trung Quốc bay qua eo biển và đi vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.
Ngoài ra, Thủy quân lục chiến Trung Quốc thường xuyên tiến hành huấn luyện tác chiến liên hợp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu lực lượng này dành toàn bộ tâm trí và sức lực để chuẩn bị cho chiến tranh và duy trì mức độ cảnh giác cao khi ông thị sát căn cứ quân sự ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Nhiều kênh truyền thông cho rằng, ông Tập đang yêu cầu quân đội Trung Quốc (PLA) chuẩn bị xung trận.
Đặc biệt, việc PLA triển khai tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 tiên tiến nhất ở khu vực ven biển phía đông nam đã làm gia tăng đáng kể suy đoán của giới truyền thông rằng Bắc Kinh sẽ phát động chiến tranh với Đài Loan.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) ngày 18/10, động thái quân sự Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan không đồng nghĩa họ sẽ tấn công Đài Loan, mà chỉ là phát đi tín hiệu đe dọa.
"Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến lược mới, thận trọng tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan nhưng không đến mức kích động một cuộc chiến thực sự", SCMP nhận định. "Sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh diễn ra khi Đài Loan và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn, bao gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới hòn đảo vào tháng 8. Ông là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong khoảng 40 năm, và Bắc Kinh cho rằng đây là hành động vi phạm lợi ích cốt lõi của nước này".
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Rand, chỉ ra rằng các hành động quân sự của Trung Quốc phần lớn nhằm mục đích khiến chính quyền Đài Loan mất phương hướng, dẫn đến việc đưa ra chính sách hoặc phản ứng sai lầm. Ví dụ : máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khiến hòn đảo rất khó xác định liệu các hành động quân sự cụ thể của Trung Quốc có thực sự gây ra chiến tranh hay không.
Ông cũng nói rằng các hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan mang tính đe dọa nhiều hơn, mục đích dần dần khiến Đài Loan phải "khuất phục".
Timothy R. Heath, một nhà phân tích cấp cao khác tại Viện Rand, cũng tin rằng Bắc Kinh hy vọng có thể dùng hình thức đe dọa hòa bình và an ninh, buộc hòn đảo chấp nhận thống nhất, như vậy nguy cơ chiến tranh sẽ giảm tới mức thấp nhất.
Tuy nhiên, theo ông Heath, Bắc Kinh không có động cơ để phát động một cuộc chiến tranh thống nhất Đài Loan do các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước - một phần là do họ đang xử lý đại dịch Ciovid-19.
Ông nói : "Mặc dù Bắc Kinh có thể sẵn sàng phát động một cuộc khủng hoảng quân sự, nhưng điều đó hoàn toàn tách biệt với việc sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc chiến tranh lớn".
Theo ông, đối với Trung Quốc, vấn đề kinh tế và chính trị trong nước quan trọng hơn nhiều nên chiến tranh sẽ chỉ làm cho tất cả các vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà quan sát Trung Quốc đại lục cho rằng, việc tăng cường áp lực quân sự có thể giúp Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo, đe dọa hòn đảo và đáp lại tình cảm dân tộc trong nước.
"Tình hình của Đài Loan về cơ bản đã thay đổi, và khả năng thống nhất hòa bình ngày càng nhỏ… Nhưng giữa hòa bình và chiến tranh, có một cách thứ ba - dùng đe dọa vũ lực để buộc Đài Loan khuất phục. Điều này có thể làm giảm thương vong ở mức độ lớn và giảm thiểu chi phí quân sự", Thiếu tướng Vương Tại Hy, hiện là Hội phó Hội nghiên cứu Đài Loan toàn quốc Trung Quốc nói.
An An
Nguồn : Soha, 21/10/2020
Cuộc bầu cử tại Đài Loan kỳ này, theo Wu Jieh-min, nhà xã hội học tại Academia Sinica ở Đài Bắc, thì nó là cuộc bầu cử chủ yếu về Trung Quốc. Viết trên The New York Times ngày 10 tháng 1, trước ngày bầu cử, những phân tích của ông Wu dựa trên các khảo cứu khá xác thực. Cùng với nhà kinh tế học Liao Mei, ông Wu phân tích các dữ kiện thu thập từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2019. Theo dữ kiện có được, 73 phần trăm người tham gia cuộc khảo cứu cho rằng họ không muốn Đài Loan "thống nhất với Trung Quốc đại lục ngay cả khi nước này đạt cùng trình độ phát triển kinh tế và chính trị như Đài Loan". Trong số tuổi 20 đến 34, tỷ lệ này cao đến 93 phần trăm. Và khi được hỏi quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia cái nào quan trọng hơn đối với quan hệ với bên đại lục, 62 phần trăm chọn an ninh quốc gia, 32 chọn quyền lợi kinh tế, còn lại chọn cả hai.
Người ủng hộ bà Thái Anh Văn vui mừng trước chiến thắng trong bầu cử hôm 11 tháng Giêng, 2020.
Ngày hôm sau 11 tháng 1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử với chiến thắng áp đảo, đánh bại đối thủ của bà Hàn Quốc Du với hơn 2,6 triệu lá phiếu. Nó cho thấy rõ lập trường của đại đa số người dân Đài Loan về Bắc Kinh hiện nay. Trước đó, bà Thái đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về chủ trương thống nhất và chấp nhận "một quốc gia, hai thể chế". Ngoại trừ nền kinh tế mạnh giúp bà Thái chiến thắng, chính lập trường mạnh mẽ của bà Thái đối với Bắc Kinh đã được các cử tri Đài Loan tin tưởng mạnh mẽ rằng bà có khả năng lãnh đạo quốc gia này trước mối đe dọa bởi chế độ cường quyền Trung Quốc.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây, là Bắc Kinh đã thất bại nặng nề mặc dầu họ đã dồn nhiều nỗ lực và nguồn lực tuyên truyền để tung hỏa mù, để phao các thông tin thất thiệt, mà chủ yếu là gây thiệt hại cho phía bà Thái Văn Anh trong thời gian qua.
Theo Rush Doshi, Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings, với bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 9 tháng 1 vừa qua, thì cuộc vận động của Trung Quốc nhiều hơn việc đơn thuần truyền bá tin giả. Nó nên được hiểu là hoạt động ảnh hưởng bằng thông tin, một nỗ lực toàn diện để kiểm soát từng bước đi của các chuỗi cung cấp thông tin. Đối tượng là từ những người làm ra nội dung (nhà báo hay nghiên cứu) đến các định chế phát hành và thẩm định nó (cơ quan truyền hình và dịch vụ bằng dây/wire service), và cuối cùng đến các phương tiện mà thường cung cấp mối liên kết sau cùng tới người tiêu dùng (các trang truyền thông xã hội và cơ sở hạ tầng truyền hình kỹ thuật số). Trong thế kỷ qua, Trung Quốc đã xác định tư thế vào từng điểm trong chuỗi cung ứng thông tin này.
Doshi cũng biện luận : "Các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc quá rõ ràng : thông tin là một chiến trường vì quyền lực, không phải là phương tiện cho sự thật, tính trung lập hay tính khách quan. Bài viết của các nhân vật hàng đầu trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản tiết lộ một niềm tin rằng ‘cuộc cạnh tranh về tin tức và dư luận là. . . một cuộc tranh đấu về sức mạnh diễn ngôn’, hoặc khả năng để định hình dư luận từ trên xuống cho mục đích chính trị. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang tìm cách làm ở Đài Loan."
Doshi liệt kê ra bao nhiêu nỗ lực mà Bắc Kinh muốn ảnh hưởng lên cuộc bầu cử vừa qua, và cảnh cáo các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, về những mối rủi ro to lớn đối với trách nhiệm giải trình của các nền dân chủ trên thế giới.
Vào tháng Ba năm 2019, chính Ngoại trưởng Đài Loan ông Jospeh Wu đã nói với một cử tọa tại Hội đồng Vấn đề Thế giới tại Los Angeles rằng : "Chúng tôi cảm thấy gánh nặng của chiến dịch tăng cường của Trung Quốc nhằm lật đổ nền dân chủ Đài Loan hàng ngày, thông qua đe dọa quân sự, ép buộc kinh tế, tấn công ngoại giao, thông tin xuyên tạc, và lật đổ chính trị, tìm cách phá hoại chính phủ được bầu của chúng tôi và can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi." Những gì ông Wu nói không sai sự thật bao nhiêu.
Một báo cáo từĐại học Gothenburg của Thụy Điển cho biết : Đài Loan phải chịu nhiều thông tin từ Bắc Kinh và các chính phủ khác hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các chiến dịch này sử dụng các câu chuyện dùng tin tức giả, dùng máy/bots và các tài khoản truyền thông xã hội giả mạo, và tuyên truyền, trong số các chiến thuật khác, để thao túng và lừa dối người nhận thông tin.
Chủ trương truyên truyền và đưa thông tin sai lệch nhằm gây hại cho đối phương mọi nơi là sở trường của các chế độ chế độ cường quyền. Được biết Trung Quốc đã tung ra hàng chục triệu cuộc tấn công mạng mỗi tháng tại Đài Loan. Nhưng trong cuộc bầu cử Đài Loan kỳ này, Bắc Kinh thất bại hoàn toàn. Một phần nào đó, các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hồng Kông hơn 7 tháng qua đã làm tổn thương hình ảnh của Bắc Kinh tại Đài Loan. Hơn nữa, hàng trăm ngàn người Đài Loan đã từng phản đối sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các cơ quan truyền thông tại Đài Loan.
Tóm lại, những người dân sống trong các xã hội dân chủ và rộng mở, và được tiếp cận với thông tin đa chiều, sẽ khó bị lường gạt bởi thông tin không thật hay xuyên tạc, nhất là khi người ta bây giờ biết rằng nó đến từ Bắc Kinh hay tay chân của chúng ở khắp nơi.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/01/2020