"Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh" sẽ chế tạo ra sản phẩm "mật", người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến.
- Nhac NGUYEN / AFP
_______________________
Bộ Quốc phòng vừa có đề xuất xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý.
Theo đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì quỹ này được lặp ra nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao.
Ông Giang cho rằng việc chế tạo các sản phẩm công nghiệp quốc phòng có tính rủi ro cao nhưng kết quả "nhiều cái không như mong đợi". Ngoài ra, trong công nghiệp quốc phòng, an ninh nếu sử dụng ngân sách theo quy trình thì có trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng như "độ mật" (1).
Như vậy, việc lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là để đảm bảo tính bảo mật đồng thời cũng là nguồn quỹ để chế tạo các sản phẩm có tính rủi ro cao, kết quả không như mong đợi. Đây là một lập luận mâu thuẫn khi phải lập quỹ riêng để chế tạo những "sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin".
Mặc dù theo Bộ Quốc phòng đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý, nhưng cần phải hiểu rõ luật về quỹ ngoài ngân sách. Căn cứ theo quy định tại khoản 19, điều 4, Luật Ngân sách nhà nước 2015 (được hướng dẫn bởi điều 12, Nghị định 163/2016/NĐ-CP), thì "Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật" (2).
Nên nhớ rằng, mặc dù là quỹ tài chính ngoài ngân sách, loại quỹ này vẫn được hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước. Theo quy định tại khoản 11, điều 8, Luật ngân sách nhà nước 2015 : Căn cứ khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đủ các điều kiện :
a) Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật ;
b) Có khả năng tài chính độc lập ;
c) Có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Tức là về nguyên tắc, những quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nhưng, tùy vào khả năng của ngân sách nhà nước, tuỳ vào các trường hợp và hoàn cảnh mà cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Việc xem xét hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Không chỉ ngân sách nhà nước, "Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh" có thể sẽ kêu gọi đóng góp từ các nguồn giống như "Quỹ quốc phòng an ninh" trước đây. Đó là Bộ Quốc phòng sẽ kêu gọi người dân, cơ quan tổ chức tại các địa phương "tự nguyện đóng góp".
Cần nắm rõ khái niệm "tự nguyện một cách bắt buộc" trong từ điển cộng sản thì mới hiểu thế nào là tự nguyện đóng góp. Vì nếu cơ quan doanh nghiệp, hộ gia đình nào "bị" cán bộ tới "tiếp xúc" gây quỹ mà "không tự nguyện ủng hộ" thì sẽ khó sống và hoạt động tại địa phương. Nói trắng ra, các "quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách" hầu như đều vận động đóng góp theo kiểu trấn lột.
Bởi vậy, người dân sẽ bị thiệt hại hai lần khi Nhà nước lập ra các quỹ này. Một là phải "tự nguyện" nộp tiền cho cán bộ gây quỹ, hai là đóng thuế cho nhà nước để nhà nước chi ngân sách hỗ trợ khi quỹ bị thiếu tiền.
Như vậy, trên danh nghĩa là phía quân đội muốn lập quỹ ngoài ngân sách để thực hiện các dự án cấp bách, dự án "mật". Nhưng đây chỉ là hình thức đánh lận con đen. Người dân mù mờ không nhìn thấy được nội hàm bên trong, cứ tưởng là quỹ ngoài ngân sách thì không ảnh hưởng tới tiền thuế của dân. Nhưng thực tế lập quỹ ngoài ngân sách là hình thức lách luật bòn rút ngân sách lâu dài, có tính toán của phía quân đội.
Sản phẩm "mật" có tính rủi ro cao, chẳng khác nào là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin". Nghĩa là quỹ này sẽ chế tạo ra sản phẩm "mật", người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến.
Việc quân đội lợi dụng chức vụ quyền hạn để bòn rút ngân sách đã diễn ra từ lâu chứ không phải tới khi lập quỹ này. Tuy nhiên không dễ để phát hiện vì quân đội là một hệ thống độc lập với các cơ quan nhà nước khác. Quân đội có toà án quân sự, kiểm soát quân sự riêng biệt so với toà án nhân dân, cảnh sát nhân dân.
Cho nên khi điều tra bên phía quân đội thì công an, toà án, viện kiểm soát không nhúng tay vào được. Chính vì vậy những vấn đề tham nhũng, sai phạm của quân đội thường khó bị phát hiện hơn. Đặc biệt là khi những sai phạm đó có sự chỉ đạo từ các cấp cao nhất trong quân đội.
Trừ khi có những đại án siêu lớn, có liên quan tới quân đội và nhiều bên, nhiều ngành khác thì người dân mới biết được một số thông tin. Ví dụ vụ án điển hình có liên quan tới các tướng lãnh quân đội lạm dụng chức vụ quyền hạn từng được nhắc tới nhiều nhất là đại án Việt Á. Trong đó, các cán bộ lãnh đạo Học Viện Quân Y (thuộc Bộ Quốc phòng) đã thông đồng với Phan Quốc Việt để làm công văn xin nghiên cứu, sản xuất kit test Việt Á. Hậu quả là đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách và sức khoẻ người dân.
Từ đại án Việt Á và những sự lập lờ, lấp liếm, đánh lận con đen của bộ Quốc phòng, có thể thấy một tương lai tăm tối cho Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Khi một nhóm tướng lãnh tham nhũng lại muốn lập quỹ riêng để chế tạo những "sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin". Ngay trong phần giải trình đã thấy âm mưu chiếm đoạt tài sản người dân và ngân sách quốc gia.
Trần Anh Quân
Nguồn : RFA, 04/06/2024
Tham khảo :
Bộ Quốc phòng, vùng tranh chấp ảnh hưởng của ông Tổng và ông Thủ tướng. Ai lép vế ?
Cho đến nay, báo chí trong nước vẫn im lặng về sự liên hệ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với các hợp đồng mua bán vũ khí với Israel. Được biết, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thuộc phe ông Thủ tướng Phạm Minh Chính. Từ Tổng cục 2 đến Bộ Tổng tham mưu đều có phần trong những gói mua bán vũ khí tỷ đô này. Đặc biệt là gần đây, hồi năm 2015, Việt Nam đã mua hệ thống tên lửa phòng không Spyder của Rafael, một công ty quốc phòng khác của Israel.
Ông Trọng muốn cho tất cả được biết, ông là trung tâm quyền lực của Đảng lẫn Quân đội
Ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định 998/QĐ-TTg bổ nhiệm Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nghĩa là ông Thủ tướng củng cố Bộ Tổng tham mưu nằm chắc trong tay của ông.
Cũng trong quân đội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nắm chặt Tổng cục chính trị. Bởi ngành tuyên truyền chính trị là ngành mà ông Nguyễn Phú Trọng có thế mạnh. Việc ông Thủ tướng nắm Bộ Tổng tham mưu thực sự sẽ là ưu thế lớn, vì các gói thầu mua khí tài quân sự được phe này thực hiện. Dó đó sức ảnh hưởng của ông Phạm Minh Chính trong Bộ Quốc phòng có phần trội hơn ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù ông Trọng là Bí thư Quân ủy Trung ương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Ngày 16/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng cho họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tại cuộc họp có đủ bá quan văn võ như : ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước ; ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng ; ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội ; ông Võ Văn Thưởng – Thường trực ban bí thư.
Ngoài ra còn có các quan chức cộm cán trong Bộ Quốc phòng như ông Phan Văn Giang – Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ; ông Võ Minh Lương – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài ra còn có các nhân vật khác trong Bộ Quốc phòng như : ông Vũ Hải Sản – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ; ông Phạm Hoài Nam – Thượng tướng ; ông Huỳnh Chiến Thắng – Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng ; ông Trịnh Văn Quyết – Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ; ông Nguyễn Văn Gấu – Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ; ông Đỗ Căn – Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ; ông Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng ; Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa.
Nội dung của Hội nghị là triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Vấn đề triển khai này, chỉ cần ông Phan Văn Giang chỉ đạo là được, tuy nhiên, lần này ông Trọng lại triệu tập hết tất cả để ông chỉ đạo trực tiếp. Đáng nói là tham dự có ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng, người đang cạnh tranh ảnh hưởng với ông Tổng bí thư ở Bộ Quốc phòng.
Lần Hội nghị này có vẻ như ông Thủ tướng lép vế, vì ông Nguyễn Phú Trọng đã chiếm diễn đàn và là nhân vật chính phát biểu chỉ đạo. Thực tế, ông Nguyễn Phú Trọng mới là người có quyền lực nhất trong Bộ Quốc phòng chứ không phải ai khác. Tuy nhiên, quyền lực lớn nhất mà ảnh hưởng yếu hơn ông Thủ tướng thì đấy là vấn đề đáng nói.
Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình là người vừa có quyền lực lớn nhất ở Công an và quốc phòng và là người ảnh hưởng mạnh nhất trong hai lĩnh vực này. Vì thế mà ông Tập mới có trong tay quyền lực tuyệt đối. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang muốn có sức ảnh hưởng như thế nhưng rõ ràng sức ảnh hưởng của ông Trọng trong Bộ Quốc phòng đang bị cạnh tranh gay gắt.
Không biết trong thời gian tới, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giành lại sự ảnh hưởng của ông ở Bộ Quốc phòng như thế nào. Việc truy bắt cho bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án được xem là cách ông Trọng triệt sự ảnh hưởng của ông Thủ tướng ở Bộ Quốc phòng. Không biết, ông Tổng có thành công hay không ? Chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Lưu Ly (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 19/11/2022
Bộ Quốc phòng ‘ám hại’ Tổng bí thư và Bộ Chính trị
Trân Văn, VOA, 14/02/2020
Xét về bản chất, tuyên bố của Bộ Quốc phòng : Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng (1) – chính là một kiểu hãm hại Tổng bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, hủy diệt "sinh mạng chính trị" của Tổng bí thư, uy tín của đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Quân chính toàn quân, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
***
Bộ Quốc phòng vừa đưa ra tuyên bố vừa kể sau khi cử tri thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đại biểu của họ tại Quốc hội thay mặt họ chất vấn Bộ Quốc phòng, đòi cơ quan này xác định Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng phải chịu trách nhiệm như thế nào khi có hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh của quân đội vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Quốc phòng, các sĩ quan cao cấp của quân đội vi phạm pháp luật và đã bị kỷ luật chỉ là vì "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" và những vi phạm ấy "tập trung chủ yếu ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015".
Có bao nhiêu người tin rằng việc các ông tướng là chỉ huy đủ mọi quân chủng (lục quân, hải quân, không quân), quân khu, quân đoàn,… thi nhau bán công thổ dành cho quốc phòng với giá rẻ như cho, khiến công quỹ mất hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác đều chỉ là "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm" đối với "đất quốc phòng" ?
Tại sao quân đội "xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, thấu đáo, có lý, có tình, đúng người, đúng khuyết điểm và không có ‘vùng cấm’, không có ‘ngoại lệ’ rõ đến đâu xử lý đến đó" mà "số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít" và "chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp" ?
***
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng về trách nhiệm của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, cũng như nỗ lực "xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn - đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ" của Bộ Quốc phòng, khuyến khích thắc mắc :
- Nếu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không từ chối đề nghị công bố bản kê khai tài sản của các ông tướng nói riêng và những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung để toàn dân giám sát như trước nay thiên hạ vẫn làm, không xem chuyện công bố bản kê khai tài sản của những viên chức này là "rất khó, rất nhạy cảm" (2)… thì có ông tướng nào "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" thoát khỏi các cuộc điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự không ?
- Nếu Bộ Chính trị đừng lắc đầu khi Quốc hội thỉnh thị ý kiến về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt (truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu sung công những tài sản không thể giải trình về nguồn gốc,…) những viên chức "giàu có bất minh" và không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản cá nhân, gia đình như tinh thần Công ước Chống tham nhũng (3), thành ra sau một thời gian dài nâng lên, đặt xuống, Quốc hội loại bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt "làm giàu bất chính" ra khỏi cả Luật Hình sự, lẫn Luật Phòng – chống tham nhũng thì làm gì có chuyện, rất ít "cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp" bị Bộ Quốc phòng xử lý vì tham nhũng !
***
Việc Bộ Quốc phòng đã khẳng định : Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng mà còn khẳng định thêm rằng, việc xem xét, kỷ luật các ông tướng bán rẻ công thổ, mang quyền sử dụng công thổ đặt vào tay nhiều cá nhân, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoại quốc, góp phần… "củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với quân đội", chứng tỏ trí lực, tư cách của các ông tướng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam đặc biệt… khác thường.
Cho dù có hàng chục ông tướng là chỉ huy đủ mọi quân chủng (lục quân, hải quân, không quân), quân khu, quân đoàn,… "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" nhưng theo Bộ Quốc phòng, quân đội vẫn "hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng" chính là một trong những bằng chứng cho thấy yếu tố đặc biệt… khác thường về trí lực, tư cách của các ông tướng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam
Không chỉ có thế, thông qua văn bản trả lời cử tri thành phố Đà Nẵng, các ông tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn tỏ ra hết sức… dũng cảm khi chỉ cho cử tri Đà Nẵng nói riêng và cử tri Việt Nam nói chung, cùng thấy thực chất của công cuộc chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm,… mà Tổng bí thư và Bộ Chính trị đã khởi xướng cũng như đang triển khai, giám sát. Nên ghi công hay lên án Bộ Quốc phòng, xem văn bản vừa kể là một âm mưu thâm độc chống lại "đảng ta" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/02/2020
Chú thích :
*******************
Có đúng các tướng quân đội bị kỷ luật không phải do tham nhũng ?
RFA, 13/02/2020
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời ngày 12 tháng 2 rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
Ảnh minh họa : Các vị tướng, tá quân đội nhân dân Việt Nam trong một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. AFP
Thật sự có phải như lời Bộ Quốc phòng ?
Trao đổi với RFA hôm 13/2, Nhà văn Phạm Đình Trọng, từng công tác nhiều năm trong lực lượng quân đội, nhận xét :
"Theo tôi, việc đấy là họ nói tránh đi để họ bảo vệ danh dự của họ thôi, chứ nhân dân ai cũng biết, các tướng tá đó đều tham nhũng đất đai, chứ không phải là không có tham nhũng".
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam thì vi phạm của những quân nhân cấp tướng quân đội Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước, của Quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Việt Nam còn nhấn mạnh những sai phạm của các vị tướng quân đội tập trung vào thời điểm các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 đến 2015.
Đại úy Võ Minh Đức, người từng phục vụ quân đội hơn 10 năm, trong trả lời RFA hôm 13/2, nói :
"Về việc quản lý đất đai, tưởng mấy ông đó lên tới cấp tướng mà không biết gì… nó tất tần tật là vì tiền… chung chi, đút lót, để nó cho người này được dự án, người kia được dự án, rồi lấy đất quốc phòng đổi chác, bán tùm lum… Không chỉ cấp tướng, cỡ đồng trang lứa như tôi, là cấp thượng tá, không ai mà nhà tranh vách lá, toàn là ít nhất 3 tầng, 4 bánh hay có người là biệt phủ. Toàn nhà cao cửa rộng, tiền ở đâu ra, lương quân đội so với ngành khác là cao ngất ngưỡng rồi đó, nhưng chưa đủ để có cơ ngơi như thế".
Theo Đại úy Võ Minh Đức, đó là bề nổi, chưa kể bề chìm là đưa con đi học nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài thì tiền ở đâu ra ? Đó chính là tiền bổng lộc chức quyền đem lại trong quản lý đất đai và các mảng khác.
Còn theo Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng, có thể nhìn rõ các tướng tá trong quân đội có tham nhũng hay không qua những tài sản mà họ có. Ông nói với RFA hôm 13/2 :
"Tôi từng ở trong quân đội, với mức lương được cấp phát, để đủ sống ở thành phố đã khó, chưa nói đến chuyện mua sắm xe cộ nhà cửa. Thế nhưng tôi thấy xung quanh tôi, không đến cấp tướng đâu, mà đến cấp tá thôi, cũng nhiều người giàu có rất là bất thường. Tôi nghĩ rằng với vị trí công tác như vậy, tính chất công việc, thời gian như vậy, không thể có cách kiếm tiền nào khác ngoài tham nhũng".
Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào ngày 22 tháng 10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Biện pháp khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229 ; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Trung tá Vũ Minh Trí, nói tiếp :
"Ở Việt Nam có câu thành ngữ ‘Nó lú có Chú nó khôn’, tức là bản thân ông tư lệnh hải quân, ở dưới có rất nhiều cơ quan hay cá nhân tham mưu giúp việc, nếu bản thân ông ta có nhầm lẫn hay sai sót, sẽ có một hệ thống cảnh báo, ngăn chặn… kể cả cấp trên. Thế nhưng để ra sai phạm lớn như vậy, tôi nghĩ họ không lầm đâu mà họ biết làm vậy là sai phạm… nhưng họ cố tình làm sai, vì liên quan hàng ngàn tỷ đồng thì ai cũng có thể thấy. Ví dụ ra chợ, mớ rau 5 ngàn 3 ngàn còn phải mặc cả, đằng này đây, những khối tài sản cực kỳ lớn, rõ ràng họ phải biết, nếu chênh lệch thì cũng chỉ có thể chút ít thôi chứ không phải như vậy".
Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi trả lời báo chí trong nước trước đây từng thừa nhận, vẫn có một số đơn vị trong quân đội không quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, khi cho rằng đơn vị mình không có tham nhũng. Đến khi phát hiện có tham nhũng thì xử lý lúng túng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Điển hình như trường hợp của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Ngoài ra, trong danh sách tướng, tá quân đội bị kỷ luật vì đất đai còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Đại tá Trương Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Hải Châu, Đại tá Phạm Ngọc Dũng.v.v…
Máy bay Sukhoi Su-30MK2 của không quân Việt Nam tại sân bay quân sự Biên Hòa, Đồng Nai hôm 21/10/2015. AFP
Ngoài tham nhũng trong đất đai, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí cho Bộ quốc phòng cũng được nêu lên nhiều dấu hỏi về những khoảng ‘lại quả’ ‘hoa hồng’…
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới. Cụ thể trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số vũ khí bán ra trên toàn cầu. Chỉ trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020.
Liên quan vấn đề này, Trung tá Vũ Minh Trí cho biết ý kiến của mình :
"Tôi không có thông tin thật cụ thể nhưng nghe nói nhiều, nhưng tôi có thể suy ra từ những việc nhỏ, ví dụ như mua giấy văn phòng, xe công, hay quà cáp… thì đề có tình trạng ăn hoa hồng hay kê giá cao lên. Nên tôi nghĩ việc mua vũ khí thì rất khó tránh khỏi tham ô. Đặc biệt khi không có giám sát của cơ quan chức năng, với lý do bảo mật, an ninh quốc phòng…".
Nhận xét về việc đòi hoa hồng trong mua sắm thiết bị quốc phòng, ông Phạm Đình Trọng nói :
"Cái đó thì gần như là đương nhiên ở cái lệ mua bán ở Việt Nam, không cần phải nói thì ai cũng biết là họ có đi đêm. Ví dụ mua vũ khí của Mỹ thì họ đòi đến 25% chẳn hạn, chính vì thế không mua được vũ khí của Mỹ mà phải mua của những nước tham nhũng như Nga, Ấn Độ… vì Mỹ quy định chặt chẽ, quan chức khó tham nhũng được".
Vào năm 2017, trang tin Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp ở Hà Nội, rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được "lại quả" 1/4 của tổng giá trị. Sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó, cuộc họp đã "đột ngột dừng lại".
Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên nhân của vấn nạn này ai cũng biết, đó là do một chế độ tham nhũng, đối với một chế độ cộng sản thì không thể hạn chế tham nhũng được. Vì người dân không có quyền kiểm soát nhà nước thì làm sao hạn chế được.
******************
Bộ Quốc phòng Việt Nam nói các tướng bị kỷ luật không phải do tham nhũng
RFA, 12/02/2020
Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
Hình minh họa. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Courtesy : Ảnh internet
Khẳng định vừa nêu được mạng báo Thanh Niên loan đi ngày 12/02 dẫn văn bản của Bộ Quốc phòng Việt Nam trả lời cho kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng trong công tác phòng chống tham nhũng, khi mà vừa qua rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh của ngành quân đội vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam thì vi phạm của những quân nhân cấp tướng quân đội Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước, của Quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Việt Nam còn nhấn mạnh những sai phạm của các vị tướng quân đội tập trung vào thời điểm các nhiệm kỳ 2005/2010 và 2010 đến 2015.
Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Ông Nguyễn Văn Hiến vào tháng 6 năm ngoái bị Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng biện pháp cách hết các chức vụ.
Đến ngày 3 tháng 9, ông Nguyễn Văn Hiến bị Thủ tướng Chính phủ Hà Nội kỷ luật với hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào ngày 22 tháng 10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Biện pháp khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229 ; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Tuần trước, vào những ngày cuối cùng của năm 2018, tại một cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng tổ chức, đại tá Nguyễn Văn Tấn, Cục phó Cục Quân lực của Bộ Tổng Tham mưu, loan báo "giải thể 14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm : 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An".
Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Cục phó Cục Quân lực của Bộ Tổng Tham mưu, loan báo "giải thể 14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm : 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An".
Theo đại tá Tấn, quyết định giải thể vừa kể nhằm thực hiện một nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để "đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả" (1). Tuy nhiên, giải thể… dễ dàng, nhẹ nhàng như thế, rõ ràng là thiếu sòng phẳng.
Có lẽ nên liếc qua một số trong số rất nhiều chuyện liên quan đến "14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty 36, 319, Đông Bắc, Thái Sơn, Lũng Lô, Trường Sơn, Thành An" để xét xem có nên đồng tình với việc Bộ Quốc phòng nhẹ nhàng phủi tay, dễ dàng buông bỏ những đứa con được khai sinh nhằm kết hợp giữa quốc phòng với làm kinh tế như thế hay không :
- Tổng Công ty 36, con lai giữa quốc phòng với làm kinh tế, có đủ mọi thứ danh hiệu, từ "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới" đến huân chương lao động các hạng từ ba tới nhất, được ví von là " bách chiến, bách thắng trong… đấu thầu", hiện vẫn dẫn đầu khối doanh nghiệp xây dựng về các vụ kiện liên quan tới thực hiện hợp đồng (2). Giữa năm ngoái, nợ của Tổng Công ty 36 đã gấp năm lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới hơn 80% tổng vốn (3) và chưa rõ đến lúc nào phá sản.
- Tổng Công ty 319 thoát thai từ sư đoàn 319 của quân khu 3 sau cuộc lai ghép giữa quốc phòng với làm kinh tế trở thành "chủ trương lớn". Giống như Tổng công ty 36, Tổng Công ty 319 cũng có đủ thứ danh hiệu, huân chương kể cả… Huân chương Quân công nhưng nổi tiếng vì nợ đầm đìa, quịt nợ (4), thiếu thuế, gian lận về tài chính trong các dự án hạ tầng, đặc biệt là mượn đầu heo nấu cháo (lẽ ra phải dùng vốn tự có để đầu tư hạ tầng và được hoán đổi bằng đất thì lại dùng ngân sách) (5).
- Tổng Công ty Đông Bắc thì nhiều năm nay tuy dẫn đầu về việc phá rừng khai thác than ở Quảng Ninh (6) nhưng vẫn được tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới", được tặng đủ các loại huân chương lao động và tới giữa năm ngoái vẫn tiếp tục là doanh nghiệp đi đầu cả trong khai thác than trái phép lẫn tận dụng danh nghĩa quân đội để thuê đất rồi cho các doanh nghiệp khác thuê lại, tổ chức khai thác than trước, xin hợp thức hóa sau ở Quảng Ninh (7).
- Tương tự, ngoài nổi tiếng vì nợ nần, thiếu thuế (8), Tổng Công ty Lũng Lô còn nổi tiếng vì coi Trời bằng vung, xây dựng không cần giấy phép (9), không cần tuân thủ bất kỳ qui chuẩn nào, kể cả phòng cháy – chữa cháy, kinh doanh gian lận, kể cả rà – phá bom mìn cho những dự án quan trọng trị giá hàng trăm ngàn tỉ, liên quan tới sinh mạng của hàng trăm ngàn người như Dự án đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội (10).
- Giống như Tổng Công ty Lũng Lô, Tổng Công ty Thái Sơn – vẫn còn đang dẫn đầu dư luận vì là bệ phóng cho Đinh Ngọc Hệ, thành "Út… Bộ trưởng" – nằm trong nhóm dẫn đầu các doanh nghiệp nhà nước tạo ra khối nợ 1,5 triệu… tỉ đồng. Theo một thống kê được công bố hồi tháng 10 năm ngoái, nợ của Tổng Công ty Thái Sơn gấp 9,2 lần vốn, nợ của Tổng Công ty Lũng Lô gấp gần năm lần vốn. Nợ của Viettel - doanh nghiệp vẫn được xem là tiêu biểu cho sự thành công của chủ trương kết hợp giữa quốc phòng với làm kinh tế - hiện vào khoảng 43.000 tỉ đồng (11).
- Các Tổng Công ty Trường Sơn, Thành An cũng chẳng hơn gì. Cả hai tổng công ty này cùng với Tổng Công ty 789 – cũng thuộc Bộ Quốc phòng là ba trong số năm nhà thầu tham gia thi công đoạn quốc lộ chạy ngang hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Dẫu chiều dài đoạn đó của quốc lộ 1 chỉ chừng 140 cây số nhưng ngốn gần 8.000 tỉ đồng và dù đang trong thời hạn bảo hành, dù trên mặt đường có 5.300 hố, ổ, gây ra đủ thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại nhân mạng nhưng không nhà thầu nào thèm sửa chữa (12).
***
Thông báo giải thể "14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm : 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An" của Bộ Quốc phòng hết sức ngắn gọn. Nếu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không phải là sáo ngữ để lòe, bịp đồng bào, tại sao Bộ Quốc phòng chưa bao giờ giải thích vì sao lại "động viên" 14 lữ đoàn công binh vốn là lực lượng "dự bị" để tạo ra bảy tổng công ty ? Từ lúc "động viên" 14 lữ đoàn vốn thuộc lực lượng "dự bị" này, Bộ Quốc phòng đã rót bao nhiêu tiền do công quỹ cấp cho bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ đồng bào vào 14 lữ đoàn ấy để bảy tổng công ty tương ứng vận hành ?
Lập lờ trong việc sử dụng ngân sách lẽ ra dành cho quốc phòng, lấy gì làm cơ sở để giám sát, bảo đảm việc giải thể - cổ phần hóa bảy tổng công ty sẽ không… chuyển hóa nguồn gốc khoản tiền khổng lồ này từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của một số cá nhân ? Dẫu thông tin liên quan tới 14 "lữ đoàn công binh dự bị" được "động viên" thành bảy tổng công ty (36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An) không nhiều nhưng cũng đủ để thấy rằng, cả bảy tổng công ty này đã nát bấy, những ai phải chịu trách nhiệm vì đã phung phí nguồn vốn lẽ ra phải dành cho quốc phòng ? Ai chịu trách nhiệm trả những khoản nợ mà bảy tổng công ty này đang thiếu, chẳng lẽ lại tiếp tục lấy ngân sách lẽ ra phải dành cho quốc phòng để trang trải ? Rồi ai chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả kinh tế - xã hội khác mà những tổng công ty này tạo ra, ví dụ như sửa chữa đoạn quốc lộ 1 chạy ngang hai tỉnh Phú Yên – Bình Định ?
Không phải tự nhiên mà rất nhiều người, thuộc nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, khuyến cáo nên loại bỏ chủ trương "quân đội làm kinh tế". Sở dĩ thiên hạ khẳng định sự phối kết giữa quốc phòng với làm kinh tế chỉ tạo ra quái thai vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn : Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có "nứt đố, đổ vách", ăn chơi phè phỡn. Chưa kể "quân đội làm kinh tế" sẽ khiến lãnh đạo quân đội chao đảo, bị khuynh đảo vì lợi…
Tuy nhiên cả giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn khăng khăng, khẳng định "quân đội làm kinh tế" là "đúng đắn", là "đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam".
Tháng 6 năm 2017, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn "đất quốc phòng", tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh "sự nghiệp quốc phòng", Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), trước sự phẫn nộ của dư luận, ông Lê Chiêm, một Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc cam kết : Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (13).
Chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là Nguyễn Chí Vịnh "đăng đàn", phủ nhận cam kết của đồng liêu. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội (?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm "cũng đúng nhưng không đầy đủ". Tướng Vịnh thay mặt quân đội "nói lại cho rõ" là : "Quân đội sẽ tiếp tục làm "kinh tế quốc phòng", thậm chí "sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (14)" ! Ngay sau đó, không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục "tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế" vì đó là "chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội", Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người khuyên quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là "chúng", là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch.
Ông tướng Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh : "Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội" cho nên "trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh" để "chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" (15). Đến giờ này, tuy giải thể "14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm : 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An" nhưng Bộ Quốc phòng vẫn chưa buông bỏ mục tiêu "làm kinh tế". Theo ông Cục phó Cục Quân lực thì Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục "sắp xếp và cổ phần hóa giảm từ 109 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17, điều chuyển nhiệm vụ quân sự của các doanh nghiệp quân đội".
***
Giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn mặn mà với chuyện "quân đội làm kinh tế" vì không bị ai giám sát, cũng chẳng phải trả lời chất vấn của bất kỳ ai về chuyện sử dụng ngân sách cấp cho phòng vệ quốc gia ra sao, hiệu quả thế nào. Những ông tướng như Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Chí Vịnh xem công chúng như rác, không ngại thách thức dư luận vừa vì tin chắc họ chỉ cần "trung với đảng" thì chẳng bao giờ bị truy cứu trách nhiệm, vừa vì cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam luôn sẵn sàng trừng trị thẳng tay bất kỳ "thằng" nào, "con" nào dám thắc mắc. Luật An ninh mạng chính là ví dụ mới nhất ! Liệu hồn !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/01/2019
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/bo-quoc-phong-giai-the-hang-loat-don-vi-3860230.html
(4) https://doanhnhan.vn/tong-cong-ty-319-bi-to-co-tinh-chay-i-thieu-no-tien-ty-d5012.html
(5) https://vietnammoi.vn/hang-loat-du-an-bt-cua-nhieu-ong-lon-bi-diem-mat-sai-pham-104136.html
(6) http://vietq.vn/vu-pha-rung-lay-than-sai-pham-dong-troi-tai-tong-cong-ty-dong-bac-d89491.html
(7) https://laodong.vn/xa-hoi/tong-cong-ty-dong-bac-khai-thac-vuot-rao-hang-chuc-hecta-dat-595398.ldo
(11) https://nguoidothi.net.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-om-no-1-5-trieu-ti-dong-15937.html
(13) http://dantri.com.vn/blog/mung-vi-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-20170626040806638.htm
Liên hoàn với vụ Vũ "nhôm", một ít tin tức không mấy bình thường về vụ Út "trọc" được "bắn ý" vào cuối tháng Ba năm 2018 đã phác ra một khả năng không quá nhỏ : hai vụ "Vũ "nhôm" và Út "trọc" có thể sẽ là những nước cờ chiến thuật nhắm tới số phận của một quan chức cao cấp, cũng là dẫn đến khả năng đảo lộn nhân sự cấp cao mang tính chiến lược tại Hội nghị trung ương 7 - có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018, thay vì vào tháng Năm như dự kiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch
Những ai quê Ninh Bình ?
Sau một khoảng thời gian hơn 3 tháng chìm lắng mà những tưởng rơi vào quên lãng, giới quan chức Bộ Quốc phòng chợt hé lộ vài thông tin về số phận của Đinh Ngọc Hệ - tức Út "trọc" - vào ngày 29/3/2018.
Cuộc họp báo quý I năm 2018 của Bộ Quốc phòng hóa ra không còn nhàm tẻ như những cuộc họp báo trước, khi Đại tá Nguyễn Văn Đức - phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng - cho biết Thượng tá Đinh Ngọc Hệ, biệt danh "Út trọc", đang bị khởi tố điều tra, và Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra vụ án kinh tế này.
Vụ bắt giữ ông Hệ có thể xảy ra vào đầu tháng 12/2017, tức khoảng ba tuần trước vụ Bộ công an phát lệnh truy bắt Vũ "nhôm".
Nhiều thông tin cho biết ông Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - một thành viên của Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng.
Tai tiếng lớn nhất của Tổng công ty Thái Sơn thời Đinh Ngọc Hệ là các dự án liên quan đến BOT, BT và cả PPP, với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng tiềm ẩn rất nhiều khuất tất về tính chính danh trong liên danh thực hiện dự án.
Tuy đề cập về "án", nhưng cho đến nay Cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng vẫn chưa trưng ra bất kỳ lệnh bắt, khởi tố hay lệnh khám xét nào đối với ông Đinh Ngọc Hệ.
Cũng như vụ Vũ "nhôm", vụ Út "trọc" rất có thể không đơn thuần là án kinh tế.
Nếu Vũ "nhôm" là "người trong ngành" và đương nhiên dắt dây với hàng loạt quan chức trung cấp và cả cao cấp của Bộ công an, Út "trọc" cũng có thể không kém thua Vũ "nhôm".
Tuy vậy, dấu hỏi đặt ra là có sự khác biệt cơ bản nào giữa vụ Út "trọc" với vụ Vũ "nhôm" ? Vụ Út "trọc" có liên đới giới sỹ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng, hay còn có mối liên hệ "đa phương" nào khác ?
Trong những tin tức ít ỏi về vụ Út "trọc", một số tờ báo nhà nước đã đề cập mối quan hệ "sâu sắc" của Út "trọc" với bà Vũ Thị Hoan, sinh năm 1985, một đại gia BOT mới nổi, thâu tóm hàng loạt dự án BOT khắp nước.
"Điểm đồng dạng" giữa Út "trọc" và Vũ Thị Hoan là cả hai đều có quê quán ở Ninh Bình.
Ninh Bình lại được xem là "cái nôi cách mạng" của một số quan chức trung cấp và cao cấp.
Sau tiền, "địa phương tính" là một đặc thù quan trọng trong các mối "quan hệ" ở Việt Nam, đặc biệt là quan hệ chính trị.
Út "trọc" là người của ai ?
Động thái Bộ Quốc phòng có vẻ chủ động thông tin về "Út trọc" vào cuối tháng Ba năm 2018 diễn ra đồng thời với vài thông tin công khai về việc Thành ủy Đà Nẵng và Bộ công an đang xử lý tài sản của Vũ "nhôm", cùng những tin tức ngoài lề về khả năng vụ điều tra Phan Văn Anh Vũ đang nhanh chóng trở thành án và "dắt dây" tới hàng loạt quan chức Bộ công an, kể cả quan chức cao cấp trong bộ này.
Thậm chí còn "cao hơn nữa".
"Về quan điểm, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyêt nhất, chứ không có du di" - Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức trả lời báo chí một cách mạnh bạo và rất tự tin. Biểu cảm trả lời như vậy là khác hẳn cách nói đều đều buồn ngủ và cực kỳ dè dặt của Đại tá Đức trong các cuộc họp báo trước đó.
Từ logic đảng cho "minh bạch thông tin" của vụ Vũ "nhôm" trước đó, phát ngôn của Đại tá Đức cho thấy Bộ Quốc phòng có thể sắp công bố tin tức chính thức về vụ "Út trọc" trong tháng Tư năm 2018. Thậm chí còn có thể công bố thông tin về vài ba vụ bắt bớ khác liên quan đến vụ "Út trọc".
Cần nhắc lại, tại cuộc gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng vào ngày 21/12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết : "Ở đây có Vũ "nhôm" mà mọi người đang nói thì ở ngoài Bắc, trong quân đội có nói về Út "trọc", cũng thượng tá cả", đồng thời khẳng định : "Quân đội vừa xử lý, bắt Út "trọc" rồi".
Chỉ ít ngày sau lời khẳng định mang tính "điềm báo" của người được cho là "rất thân" với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ công an đã tiến hành bắt Vũ "nhôm". Tuy nhiên không biết có phải được mật báo hay không, Vũ "nhôm" đã biến mất ngay trước mũi đội trinh sát của Công an Đà Nẵng. Phải mất đến một tuần sau, các cơ quan đặc biệt của Việt Nam mới phát hiện bóng dáng Vũ "nhôm" ở… Singapore.
Còn bây giờ, vì sao Bộ Quốc phòng muốn tự tin bày tỏ muốn trở thành "cơ quan đi đầu" trong vụ Út "trọc", trong khi "truyền thống" của chính thể Việt Nam và đặc biệt là các bộ "thanh kiếm và lá chắn của đảng" như Bộ Quốc phòng, Bộ công an là "tốt khoe xấu che" ?
Một giả thiết được tiếp nối : phải chăng Út "trọc" - tuy mang hàm thượng tá quân đội - nhưng có thể là người "ngoài quân đội", là "sân sau" của một quan chức cao cấp không thuộc quân đội ?
Một luồng dư luận cho biết "Vũ"nhôm", Út "trọc" và một đại gia nữa là Khoa "Keangnam" là ba đệ tử và cũng là ba "sân sau" của một quan chức cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng Khoa "Keangnam" đã tạm thoát, hoặc đã thoát hẳn nhờ "biết điều".
Thời của Tổng cục II ?
Ở một góc nhìn khác, "cơ quan đi đầu" theo phát ngôn của Đại tá Đức lại như một cách khẳng định gián tiếp về vai trò "số một" của Bộ Quốc phòng so với các bộ ngành khác.
Trong số các bộ ngành còn lại, vai trò của Bộ công an đã bị lu mờ trong thời gian gần đây bởi nhiều vụ bê bối như Phan Văn Anh Vũ mà ít nhất liên quan đến Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) thuộc bộ này, vụ "đánh bạc công nghệ cao" liên quan ít nhất Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao…
Hiểu rộng hơn, phát ngôn của Đại tá Đức cũng phù hợp với xu thế "nước lên thuyền lên" của Tổng cục II (Tổng cục Tình báo) thuộc Bộ Quốc phòng. Sau vụ Phan Văn Anh Vũ khiến Tổng cục Tình báo thuộc Bộ công an rơi vào tình thế "tang gia bối rối", Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng đang tràn trề cơ hội lấy lại thế lấn lướt và giành chiếm sân chơi bên cạnh tổng bí thư, kể từ giai đoạn những năm 2002 - 2003 khi Tổng cục II bị thất sủng bởi những vụ bê bối như A10 và T4, thậm chí còn bị cho là "công an bắt quân đội" vào lúc đó.
Trong vụ phát hiện và truy bắt Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ - kéo dài từ khoảng đầu năm 2017 đến đầu năm 2018, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Tổng cục II quân đội.
Có vẻ đã đến thời phục hồi và "phục hận" của Tổng cục II.
Sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư đảng tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, trong hai năm sau đó có những dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng dành mối quan tâm đặc biệt đến cơ quan đặc biệt của bộ Quốc phòng là Tổng cục II.
Trước đó trong suốt 8 năm cầm quyền, người tiền nhiệm của ông Trọng là Nông Đức Mạnh đã chỉ biết đi các địa phương hô hào "trồng cây gì, nuôi con gì" mà không có biểu hiện nào cho thấy ông ta "nắm" được cơ quan tình báo quân đội quan trọng nhất quốc gia.
Trong thực tế, cùng với Tổng cục An ninh của Bộ công an, Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng là cơ quan có khả năng lần mò và nắm giữ nhiều hồ sơ nhất về lĩnh vực chính trị nội bộ và nạn tham nhũng quan chức, có thể phục vụ đắc lực cho chiến dịch được xem là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng.
Những cuộc làm việc chính thức và có thể cả không chính thức của ông Trọng với Tổng cục Chính trị và Tổng cục Tình báo quân độ trong hai năm 2016 và 2017, không biết vô tình hay hữu ý, đã làm nổi bật vai trò của Quân ủy trung ương nói chung và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói riêng so với thế lao dốc về uy tín của Bộ công an cùng Bộ trưởng Tô Lâm.
2018 và có thể cả 2019 lại là những năm mà ngành công an rất có thể phải đối mặt với một chiến dịch "thay máu" của Tổng bí thư.
Vào đầu tháng Tư năm 2018, dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an trung ương, Bộ chính trị đảng đã ban hành một nghị quyết mang tính chung quyết về "sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ công an" : tin xấu dành cho khoảng bốn chục tướng lĩnh cấp tổng cục trưởng và tổng cục phó là bộ máy mới sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Thậm chí bản nghị quyết của Bộ chính trị còn không chấp nhận dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh. Đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7.
Nhưng trong lúc Bộ công an bị rơi vào cảnh xáo trộn như thể "khủng hoảng", bộ máy làm việc của Bộ Quốc phòng vẫn bình chân như vại.
Trong khi Bộ công an mất toàn bộ cấp tổng cục thì Bộ Quốc phòng vẫn được giữ nguyên 5 tổng cục là Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 03/04/2018
2018 quả là một năm "thay máu" đối với ngành công an đang nổ ra nhiều vụ bê bối và phải chịu quá nhiều tai tiếng.
Trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về "cải tổ" ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ quốc phòng. Ảnh : QĐND
Nghị quyết trên dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an trung ương. Như vậy, đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7 - có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018 thay vì vào tháng Năm như dự kiến.
Cấp tổng cục ở Bộ công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến tám tổng cục năm 2009, Bộ công an thu gọn còn sáu tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra còn có hai bộ tư lệnh riêng cho cảnh sát cơ động và cảnh vệ - cũng tương đương tổng cục. Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.
Chi tiết đáng chú ý là bản nghị quyết của Bộ chính trị đã không chấp nhận dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, mà là "bỏ hết" 6 tổng cục hiện thời, không những thế còn hạ cấp hai bộ tư lệnh. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.
Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.
Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án "cải tổ Bộ công an" càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7, để hội nghị này sẽ "chốt" kế hoạch sắp xếp lại Bộ công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ công an.
Vào đầu năm 2018, hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ công an - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa - cho thấy đòn "chống tham nhũng" của Tổng Bí thư Trọng đã giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.
Bộ công an - một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực - nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng Bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách "vạch áo cho người xem lưng", rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành "thay máu" trong thời gian tới.
Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ công an sẽ phải "ra đi" trước hay trong Hội nghị trung ương 7. Cơ sở của tin tức này trở nên có chân đứng hơn khi đồng thời xảy ra ba vụ Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa và AVG mà ít nhất sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ và ký tá của lãnh đạo Bộ công an.
Dù vẫn còn giữ vai trò "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng", nhưng Bộ công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền "bất khả xâm phạm", nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ quốc phòng và Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo).
Trong khi đó, Bộ quốc phòng của tướng Ngô Xuân Lịch có vẻ ít được "nhắc nhở" hơn.
Một vấn đề đáng chú ý và mổ xẻ là trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về "cải tổ" ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ quốc phòng.
Do đó trong tương lai gần có thể xảy ra một sự bất xứng rất lớn giữa hai bộ máy "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng" trên : trong khi Bộ công an mất toàn bộ cấp tổng cục thì Bộ quốc phòng vẫn được giữ nguyên Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Vào cuối tháng Ba năm 2018, Bộ quốc phòng bất ngờ chủ động thông tin về "Út trọc" - một sỹ quan cấp thượng tá quân đội và cũng được xem là một đại gia như Vũ "Nhôm".
"Về quan điểm, Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, chứ không có du di" - Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức trả lời báo chí một cách mạnh bạo và rất tự tin. Biểu cảm trả lời như vậy là khác hẳn cách nói đều đều buồn ngủ và cực kỳ dè dặt của Đại tá Đức trong các cuộc họp báo trước đó.
Ý chí "Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu" trên đã thêm một lần nữa phác ra bức tranh vai trò của Bộ quốc phòng bên cạnh tổng bí thư đang được nâng lên đáng kể, ngược chiều với cảnh tượng sa sút và bị thất sủng của Bộ công an.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 02/04/2018
***********************
Bộ công an cải tổ đột phá, giải thể nhiều tổng cục (VOA, 02/04/2018)
Bộ công an Việt Nam tới đây giải thể toàn bộ 6 tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh trong khuôn khổ một cuộc cải tổ vừa được Bộ chính trị Đảng cộng sản phê duyệt, theo các báo trong nước hôm 2/4.
Bộ chính trị đảng cộng sản mới phê chuẩn đề án cải tổ Bộ công an Việt Nam
Tường thuật của các báo cho hay Bộ chính trị mới ban hành nghị quyết chuẩn thuận đề án của Bộ công an về sắp xếp lại và làm tinh gọn các lực lượng của bộ. Theo đề án, bộ sẽ "giảm triệt để tầng nấc trung gian", trong đó, bước đi được chính người trong ngành công an xem là đột phá, theo các báo, là việc "bỏ hẳn cấp tổng cục".
Đề án cải tổ đã được ngành công an xây dựng trong suốt 2 năm qua, kể từ sau đại hôi đảng lần thứ 12. Mục tiêu của việc cải tổ là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng công an trong "công tác phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm", theo các báo.
Nhà nước Việt Nam thường dùng khái niệm "thế lực thù địch" để chỉ một diện rộng những người hoặc tổ chức lên tiếng chỉ trích hoặc có hành động chống lại đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam.
Sáu tổng cục của Bộ công an hiện quản lý các lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo, tuyên truyền, hậu cần và kỹ thuật. Hai bộ tư lệnh được nhắc đến nắm cảnh sát cơ động và cảnh vệ.
Các báo nói việc xóa bỏ các tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh sẽ kéo theo việc giải thể hàng chục đơn vị cấp thấp hơn như các cục tham mưu, hậu cần, và chính trị, v.v… Các nguồn tin Bộ công an cho các báo hay số lượng đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giảm hơn một nửa, còn khoảng 60 từ mức 126 hiện nay, sau quá trình giải thể, sáp nhập.
VOA cố gắng liên lạc với Thiếu tướng Lương Tam Quang, phát ngôn viên của Bộ công an, để tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhưng ông không hồi đáp.
Một viên tướng công an đã về hưu không muốn nêu tên nói với VOA rằng cuộc cải cách sắp được thực hiện sẽ "tăng sức mạnh cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp và các đơn vị nghiệp vụ". Vị tướng cũng bình luận thêm rằng cuộc cải cách này "có tính lịch sử" và "có tác động sâu, rộng".
Báo chí trong nước dẫn các nguồn tin ẩn danh tại Bộ công an cho hay đối với lượng người "dôi dư" sau quá trình làm tinh gọn bộ máy, bộ có hướng xử lý là sẽ "điều chuyển nhiều cán bộ ở trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển từ huyện xuống xã".
Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình với mốc quan trọng là năm 2021, theo các báo, tuy nhiên họ không nói cụ thể liệu đó có phải là mốc kết thúc việc cải tổ hay không.
Cũng không có số liệu cho biết Bộ công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.
Thông tin trên báo chí trong nước cho thấy bộ máy công an đã "phình to" trong giai đoạn từ khoảng năm 2009 đến 2014, thời ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất theo cơ cấu chính trị Việt Nam, tại các hội nghị khác nhau của đảng đã nhiều lần khẳng định ông cũng ưu tiên làm tinh gọn bộ máy nhà nước không kém gì việc chống tham nhũng.
Các báo cho rằng việc giải thể, sắp xếp lại một diện rộng các đơn vị trong Bộ công an sẽ "tác động trực tiếp" tới hàng chục sĩ quan cấp tướng giữ vị trí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như rất nhiều sĩ quan cấp tá tại các cục và các phòng.