Bộ Quốc phòng ‘ám hại’ Tổng bí thư và Bộ Chính trị
Trân Văn, VOA, 14/02/2020
Xét về bản chất, tuyên bố của Bộ Quốc phòng : Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng (1) – chính là một kiểu hãm hại Tổng bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, hủy diệt "sinh mạng chính trị" của Tổng bí thư, uy tín của đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Quân chính toàn quân, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
***
Bộ Quốc phòng vừa đưa ra tuyên bố vừa kể sau khi cử tri thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đại biểu của họ tại Quốc hội thay mặt họ chất vấn Bộ Quốc phòng, đòi cơ quan này xác định Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng phải chịu trách nhiệm như thế nào khi có hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh của quân đội vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Quốc phòng, các sĩ quan cao cấp của quân đội vi phạm pháp luật và đã bị kỷ luật chỉ là vì "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" và những vi phạm ấy "tập trung chủ yếu ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015".
Có bao nhiêu người tin rằng việc các ông tướng là chỉ huy đủ mọi quân chủng (lục quân, hải quân, không quân), quân khu, quân đoàn,… thi nhau bán công thổ dành cho quốc phòng với giá rẻ như cho, khiến công quỹ mất hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác đều chỉ là "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm" đối với "đất quốc phòng" ?
Tại sao quân đội "xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, thấu đáo, có lý, có tình, đúng người, đúng khuyết điểm và không có ‘vùng cấm’, không có ‘ngoại lệ’ rõ đến đâu xử lý đến đó" mà "số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít" và "chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp" ?
***
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng về trách nhiệm của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, cũng như nỗ lực "xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn - đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ" của Bộ Quốc phòng, khuyến khích thắc mắc :
- Nếu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không từ chối đề nghị công bố bản kê khai tài sản của các ông tướng nói riêng và những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung để toàn dân giám sát như trước nay thiên hạ vẫn làm, không xem chuyện công bố bản kê khai tài sản của những viên chức này là "rất khó, rất nhạy cảm" (2)… thì có ông tướng nào "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" thoát khỏi các cuộc điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự không ?
- Nếu Bộ Chính trị đừng lắc đầu khi Quốc hội thỉnh thị ý kiến về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt (truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu sung công những tài sản không thể giải trình về nguồn gốc,…) những viên chức "giàu có bất minh" và không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản cá nhân, gia đình như tinh thần Công ước Chống tham nhũng (3), thành ra sau một thời gian dài nâng lên, đặt xuống, Quốc hội loại bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt "làm giàu bất chính" ra khỏi cả Luật Hình sự, lẫn Luật Phòng – chống tham nhũng thì làm gì có chuyện, rất ít "cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp" bị Bộ Quốc phòng xử lý vì tham nhũng !
***
Việc Bộ Quốc phòng đã khẳng định : Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng mà còn khẳng định thêm rằng, việc xem xét, kỷ luật các ông tướng bán rẻ công thổ, mang quyền sử dụng công thổ đặt vào tay nhiều cá nhân, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoại quốc, góp phần… "củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với quân đội", chứng tỏ trí lực, tư cách của các ông tướng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam đặc biệt… khác thường.
Cho dù có hàng chục ông tướng là chỉ huy đủ mọi quân chủng (lục quân, hải quân, không quân), quân khu, quân đoàn,… "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" nhưng theo Bộ Quốc phòng, quân đội vẫn "hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng" chính là một trong những bằng chứng cho thấy yếu tố đặc biệt… khác thường về trí lực, tư cách của các ông tướng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam
Không chỉ có thế, thông qua văn bản trả lời cử tri thành phố Đà Nẵng, các ông tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn tỏ ra hết sức… dũng cảm khi chỉ cho cử tri Đà Nẵng nói riêng và cử tri Việt Nam nói chung, cùng thấy thực chất của công cuộc chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm,… mà Tổng bí thư và Bộ Chính trị đã khởi xướng cũng như đang triển khai, giám sát. Nên ghi công hay lên án Bộ Quốc phòng, xem văn bản vừa kể là một âm mưu thâm độc chống lại "đảng ta" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/02/2020
Chú thích :
*******************
Có đúng các tướng quân đội bị kỷ luật không phải do tham nhũng ?
RFA, 13/02/2020
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời ngày 12 tháng 2 rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
Ảnh minh họa : Các vị tướng, tá quân đội nhân dân Việt Nam trong một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. AFP
Thật sự có phải như lời Bộ Quốc phòng ?
Trao đổi với RFA hôm 13/2, Nhà văn Phạm Đình Trọng, từng công tác nhiều năm trong lực lượng quân đội, nhận xét :
"Theo tôi, việc đấy là họ nói tránh đi để họ bảo vệ danh dự của họ thôi, chứ nhân dân ai cũng biết, các tướng tá đó đều tham nhũng đất đai, chứ không phải là không có tham nhũng".
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam thì vi phạm của những quân nhân cấp tướng quân đội Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước, của Quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Việt Nam còn nhấn mạnh những sai phạm của các vị tướng quân đội tập trung vào thời điểm các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 đến 2015.
Đại úy Võ Minh Đức, người từng phục vụ quân đội hơn 10 năm, trong trả lời RFA hôm 13/2, nói :
"Về việc quản lý đất đai, tưởng mấy ông đó lên tới cấp tướng mà không biết gì… nó tất tần tật là vì tiền… chung chi, đút lót, để nó cho người này được dự án, người kia được dự án, rồi lấy đất quốc phòng đổi chác, bán tùm lum… Không chỉ cấp tướng, cỡ đồng trang lứa như tôi, là cấp thượng tá, không ai mà nhà tranh vách lá, toàn là ít nhất 3 tầng, 4 bánh hay có người là biệt phủ. Toàn nhà cao cửa rộng, tiền ở đâu ra, lương quân đội so với ngành khác là cao ngất ngưỡng rồi đó, nhưng chưa đủ để có cơ ngơi như thế".
Theo Đại úy Võ Minh Đức, đó là bề nổi, chưa kể bề chìm là đưa con đi học nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài thì tiền ở đâu ra ? Đó chính là tiền bổng lộc chức quyền đem lại trong quản lý đất đai và các mảng khác.
Còn theo Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng, có thể nhìn rõ các tướng tá trong quân đội có tham nhũng hay không qua những tài sản mà họ có. Ông nói với RFA hôm 13/2 :
"Tôi từng ở trong quân đội, với mức lương được cấp phát, để đủ sống ở thành phố đã khó, chưa nói đến chuyện mua sắm xe cộ nhà cửa. Thế nhưng tôi thấy xung quanh tôi, không đến cấp tướng đâu, mà đến cấp tá thôi, cũng nhiều người giàu có rất là bất thường. Tôi nghĩ rằng với vị trí công tác như vậy, tính chất công việc, thời gian như vậy, không thể có cách kiếm tiền nào khác ngoài tham nhũng".
Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào ngày 22 tháng 10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Biện pháp khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229 ; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Trung tá Vũ Minh Trí, nói tiếp :
"Ở Việt Nam có câu thành ngữ ‘Nó lú có Chú nó khôn’, tức là bản thân ông tư lệnh hải quân, ở dưới có rất nhiều cơ quan hay cá nhân tham mưu giúp việc, nếu bản thân ông ta có nhầm lẫn hay sai sót, sẽ có một hệ thống cảnh báo, ngăn chặn… kể cả cấp trên. Thế nhưng để ra sai phạm lớn như vậy, tôi nghĩ họ không lầm đâu mà họ biết làm vậy là sai phạm… nhưng họ cố tình làm sai, vì liên quan hàng ngàn tỷ đồng thì ai cũng có thể thấy. Ví dụ ra chợ, mớ rau 5 ngàn 3 ngàn còn phải mặc cả, đằng này đây, những khối tài sản cực kỳ lớn, rõ ràng họ phải biết, nếu chênh lệch thì cũng chỉ có thể chút ít thôi chứ không phải như vậy".
Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi trả lời báo chí trong nước trước đây từng thừa nhận, vẫn có một số đơn vị trong quân đội không quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, khi cho rằng đơn vị mình không có tham nhũng. Đến khi phát hiện có tham nhũng thì xử lý lúng túng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Điển hình như trường hợp của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Ngoài ra, trong danh sách tướng, tá quân đội bị kỷ luật vì đất đai còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Đại tá Trương Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Hải Châu, Đại tá Phạm Ngọc Dũng.v.v…
Máy bay Sukhoi Su-30MK2 của không quân Việt Nam tại sân bay quân sự Biên Hòa, Đồng Nai hôm 21/10/2015. AFP
Ngoài tham nhũng trong đất đai, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí cho Bộ quốc phòng cũng được nêu lên nhiều dấu hỏi về những khoảng ‘lại quả’ ‘hoa hồng’…
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới. Cụ thể trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số vũ khí bán ra trên toàn cầu. Chỉ trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020.
Liên quan vấn đề này, Trung tá Vũ Minh Trí cho biết ý kiến của mình :
"Tôi không có thông tin thật cụ thể nhưng nghe nói nhiều, nhưng tôi có thể suy ra từ những việc nhỏ, ví dụ như mua giấy văn phòng, xe công, hay quà cáp… thì đề có tình trạng ăn hoa hồng hay kê giá cao lên. Nên tôi nghĩ việc mua vũ khí thì rất khó tránh khỏi tham ô. Đặc biệt khi không có giám sát của cơ quan chức năng, với lý do bảo mật, an ninh quốc phòng…".
Nhận xét về việc đòi hoa hồng trong mua sắm thiết bị quốc phòng, ông Phạm Đình Trọng nói :
"Cái đó thì gần như là đương nhiên ở cái lệ mua bán ở Việt Nam, không cần phải nói thì ai cũng biết là họ có đi đêm. Ví dụ mua vũ khí của Mỹ thì họ đòi đến 25% chẳn hạn, chính vì thế không mua được vũ khí của Mỹ mà phải mua của những nước tham nhũng như Nga, Ấn Độ… vì Mỹ quy định chặt chẽ, quan chức khó tham nhũng được".
Vào năm 2017, trang tin Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp ở Hà Nội, rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được "lại quả" 1/4 của tổng giá trị. Sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó, cuộc họp đã "đột ngột dừng lại".
Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên nhân của vấn nạn này ai cũng biết, đó là do một chế độ tham nhũng, đối với một chế độ cộng sản thì không thể hạn chế tham nhũng được. Vì người dân không có quyền kiểm soát nhà nước thì làm sao hạn chế được.
******************
Bộ Quốc phòng Việt Nam nói các tướng bị kỷ luật không phải do tham nhũng
RFA, 12/02/2020
Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
Hình minh họa. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Courtesy : Ảnh internet
Khẳng định vừa nêu được mạng báo Thanh Niên loan đi ngày 12/02 dẫn văn bản của Bộ Quốc phòng Việt Nam trả lời cho kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng trong công tác phòng chống tham nhũng, khi mà vừa qua rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh của ngành quân đội vi phạm pháp luật.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam thì vi phạm của những quân nhân cấp tướng quân đội Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước, của Quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Việt Nam còn nhấn mạnh những sai phạm của các vị tướng quân đội tập trung vào thời điểm các nhiệm kỳ 2005/2010 và 2010 đến 2015.
Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Ông Nguyễn Văn Hiến vào tháng 6 năm ngoái bị Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng biện pháp cách hết các chức vụ.
Đến ngày 3 tháng 9, ông Nguyễn Văn Hiến bị Thủ tướng Chính phủ Hà Nội kỷ luật với hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào ngày 22 tháng 10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Biện pháp khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229 ; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.