Cam Bốt bác bỏ tin Trung Quốc lập căn cứ hải quân (RFI, 22/07/2019)
Chính quyền Phnom Penh hôm nay, 22/07/2019 ,đã lên tiếng bác bỏ thông tin được nhật báo Mỹ The Wall Street Journal tiết lộ ngày hôm qua, theo đó Cam Bốt đã bí mật thỏa thuận cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình.
Căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt ở đông nam Sihanoukville. Dmitry Makeev/Wikipedia
Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời trang thông tin Fresh News thân chính phủ, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã khẳng định rằng : "Đó là một cái tin bịa đặt tồi tệ nhất từ trước đến nay nhằm chống lại Cam Bốt". Theo ông Hun Sen : "Một điều như vậy hoàn toàn không thể xảy ra vì cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự (trên lãnh thổ Cam Bốt) là trái với Hiến Pháp Cam Bốt".
Cùng một lời lẽ như thủ tướng Hun Sen, ông Chhum Socheat, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt, cũng cho hãng Reuters biết là bản tin của tờ báo Mỹ hoàn toàn "bịa đặt và vô căn cứ".
Theo tờ The Wall Street Journal, trích dẫn một số quan chức Mỹ và đồng minh biết rõ hồ sơ, Phnom Penh và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận nói trên vào mùa xuân vừa qua, nhưng đã giữ bí mật, không công bố. Thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ Hải Quân Ream của Cam Bốt nhìn ra Vịnh Thái Lan.
Một thỏa thuân như vậy sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng áp đặt các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế của họ tại vùng Biển Đông, đồng thời thách thức các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
The Wall Street Journal cũng cho biết là các quan chức Trung Quốc và Cam Bốt đều phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận nói trên.
Bắc Kinh không xác nhận và cũng không bác bỏ
Tuy nhiên, theo Reuters, tại Bắc Kinh vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận mà cũng không bác bỏ thông tin của Wall Street Journal.
Trả lời báo chí, ông Cảnh Sảng chỉ nói : "Theo tôi hiểu thì phía Cam Bốt đã phủ nhận điều này". Bị chất vấn nhiều lần là liệu Trung Quốc có phủ nhận hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời trực tiếp, chỉ nói chung chung rằng Trung Quốc và Cam Bốt là "láng giềng thân thiện theo truyền thống", đã hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực một cách "công khai, minh bạch, bình đẳng và hai bên cùng có lợi", do đó các bên liên quan "không nên diễn giải quá mức."
Theo Reuters, trong thời gian qua, Trung Quốc, đồng minh khu vực mạnh nhất của thủ tướng Hun Sen, đã rót hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ phát triển và tín dụng vào Cam Bốt thông qua các hiệp định song phương và trong khuôn khổ sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ quan ngại
Từ đầu tháng Bảy này, bộ Quốc Phòng Mỹ đã hàm ý lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng giành được chỗ đóng quân trên lãnh thổ Cam Bốt. Bộ Ngoại Giao Mỹ thì kêu gọi Phnom Penh từ chối một thỏa thuận như trên, cho rằng theo Hiến Pháp Cam Bốt, chính quyền có nhiệm vụ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định : "Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Cam Bốt nhằm mời nước ngoài hiện diện quân sự trên lãnh thổ đều đe dọa sự gắn kết và tính trung tâm của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc điều phối sự phát triển khu vực, và làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Theo Reuters, vào tháng 11/2018, Cam Bốt đã từng bác bỏ các thông tin cho rằng Bắc Kinh đã vận động hành lang kể từ năm 2017 để Phnom Penh cho Trung Quốc lập tại Cam Bốt một căn cứ hải quân có thể tiếp nhận các hộ tống hạm, khu trục hạm và các loại tàu khác của Hải Quân Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
****************
Campuchia bác bỏ tin cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân (RFA, 22/07/2019)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Phnompenh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc đồn trú tại căn cứ hải quân Ream bên bờ vịnh Thái Lan.
Lính hải quân Hoàng gia Campuchia trên những tàu tuần tra hải quân của Trung Quốc trong lễ bàn giao tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville hôm 7/11/2007 - Hình minh họa (Reuters)
Trước đó, vào ngày 21/7, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ trích các nguồn tin từ các giới chức Hoa Kỳ và đồng minh cho biết Trung Quốc và Campuchia đã ký thỏa thuận ngầm cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen nói "Đây là thông tin bịa đặt tồi tệ nhất chống lại Campuchia", và nói việc cho phép quân đội nước ngoài đồn trú tại Campuchia là đi ngược lại hiến pháp của nước này.
Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chlum Socheat nói rằng thông tin của WSJ là "bịa đặt và không có cơ sở".
Theo WSJ, thỏa thuận mới giữa Phnompenh và Bắc Kinh sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân trong vòng 30 năm và sẽ được tự động gia hạn cứ mỗi 10 năm. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ được phép đóng quân, đặt thiết bị quân sự và đỗ tàu chiến tại căn cứ.
WSJ nhận định, hoạt động từ căn cứ quân sự này bao gồm cả sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng gần đó sẽ làm tăng khả năng của Bắc Kinh trong những hoạt động đòi hỏi chủ quyền và lợi ích về kinh tế ở Biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra tới tận vịnh Malacca.
WSJ cho biết Hoa Kỳ và các đối tác đang cố gắng thuyết phục Campuchia không cho Trung Quốc sử dụng sân bay lớn đang được xây dựng ở Dara Sakor, cách Ream khoảng 40 mile (tương đương khoảng 64 km) về phía tây bắc. Đây là sân bay được một công ty tư nhân Trung Quốc xây dựng với hợp đồng cho thuê 99 năm.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay được xây dựng có đường băng dài 2 mile, đủ lớn để đậu Boeing 747, Airbus 380 và cả những máy bay ném bom tầm xa hay vận tải quân sự của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Reuters loan tin cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lo ngại Campuchia đang có kế hoạch cho Trung Quốc thuê căn cứ Ream sau khi nước này từ chối đề nghị giúp đỡ sửa căn cứ của Mỹ.
Trung Quốc những năm qua đã đổ hàng tỷ đô la vốn vay phát triển giúp Campuchia, đặc biệt là qua sáng kiến Vành Đai Con Đường được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2013.
Kể từ năm 2017, Campuchia đã đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng đã bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc từ năm 2016.
Hồi tháng 3 năm nay, Campuchia và Trung Quốc cũng đã thực hiện cuộc tập trận lần thứ 3 có tên Rồng Vàng.
Campuchia ngã theo Trung Quốc
Và điều đó có ý nghĩa gì cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ?
Khi thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 29/7 của nước này, đa số các quan sát viên quốc tế đều nhanh chóng tố cáo kết quả đó là gian lận. Với cuộc bầu cử giúp củng cố việc nắm giữ quyền hành kéo dài đã 33 năm và ngày càng chuyên chế của Hun Sen, lời tố cáo đó gây lo lắng. Nhưng còn đáng lo hơn nữa có lẽ là chuyện Hun Sen gần đây đã ngã theo Trung Quốc, cùng những lợi ích địa phương và khu vực ngày càng tăng mà Bắc Kinh nhận được từ mối quan hệ với Campuchia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tươi cười bên cạnh Thủ tướng Campuchia Hun Sen (lưng) tại Phnom Penh, tháng 10/2016. Samrang Spring/Reuters
Vì vô số lý do, từ lâu Washington đã coi Campuchia như một mục tiêu chiến lược đã mất. Nhưng việc quốc gia này quay sang Trung Quốc có thể là lời cảnh báo về sự hiện diện kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là ở các quốc gia chuyên chế, có ý nghĩa như thế nào đối với vùng Đông Nam Á, và rộng hơn là với khu vực Á-Âu. Để ứng phó một cách hiệu quả, Hoa Kỳ và các đồng minh cần nhìn Campuchia bằng cách nhìn mới, coi đây vừa như một thách thức về an ninh quốc gia vừa như một cơ hội. Mặc dù Hun Sen đã siết chặt quyền kiểm soát đất nước này và đẩy nó tới gần Bắc Kinh hơn, thực sự vẫn có một nỗi căm giận ngày càng rộng lớn, có thể là thầm lặng, trong dân chúng bình thường trước sự thần phục Trung Quốc của chính phủ.
Những mối quan hệ ràng buộc
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc ra sức vun đắp mối quan hệ với nhà độc tài Campuchia. Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Hun Sen khi ông này giải tán đảng đối lập chính của Campuchia, đẩy lãnh tụ của nó vào tù, lũng đoạn mạng xã hội để tăng sự ủng hộ bề nổi của ông ta và chủ trì cuộc trấn áp hai tờ báo độc lập lớn nhất đất nước. Khi cuộc đàn áp đối lập chính trị bắt đầu hồi giữa tháng Mười Một, Trung Quốc đã đứng ra bảo vệ chính phủ [Campuchia]. Sau cuộc gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hồi cuối tháng Ba, Hun Sen viết trên trang Facebook cá nhân : "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ủng hộ và mong muốn Samdech Techo [Hun Sen] chiến thắng cuộc bầu cử và dẫn dắt vận mệnh của Campuchia, làm cho nó phát triển hơn trong tương lai". Và trước cuộc bầu cử tháng Bảy, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia đã tham gia cuộc tuần hành vận động bầu cử của đảng cầm quyền tại Phnom Penh.
Sự ủng hộ này còn có nhiều hình thức cụ thể. tháng Mười Hai năm ngoái, Trung Quốc cam kết cho Chiến dịch Bầu cử Quốc gia của Campuchia 20 triệu đô la Mỹ để dựng phòng bỏ phiếu, máy vi tính và các thiết bị khác. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng Sáu, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc công bố một gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu đô la và tuyên bố rằng Campuchia là một "người bạn trung thành". Bắc Kinh cũng làm việc cật lực để vun đắp lòng trung thành đó ở quốc gia láng giềng phương nam của mình. Để giúp Hun Sen bù đắp sự phê phán ở trong nước và quốc tế về bước ngoặt ngày càng chuyên chế của ông ta, Trung Quốc đã gia tăng viện trợ và đầu tư, công bố các món cho vay ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đô la, hỗ trợ các dự án hạ tầng cơ sở và nâng số du khách Trung Quốc thăm viếng Campuchia trong năm ngoái thêm hơn 40 phần trăm. Hiện nay Trung Quốc là nước viện trợ lớn nhất của Campuchia.
Đáp lại sự ủng hộ tận tình của Bắc Kinh, Campuchia dưới quyền Hun Sen ngày càng trở thành nước chư hầu của Trung Quốc, giúp mở rộng các tham vọng địa phương và khu vực của Bắc Kinh. Chính phủ Campuchia đã giải tỏa hàng chục ngàn hộ gia đình người Campuchia cho các dự án mà Trung Quốc tài trợ. Quá đáng nhất là trong một thỏa thuận vi phạm luật pháp quốc gia Campuchia, chính phủ đã bí mật nhượng cho một công ty Trung Quốc hơn 20 phần trăm dải bờ biển của Campuchia. Hun Sen đã tận tụy đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ đầu tư của Trung Quốc, phải tấn công những kẻ nào đặt nghi vấn về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng nặng của Campuchia vào nước láng giềng phương bắc. Ông ta cũng bảo vệ các dự án phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài, gạt sang một bên những lời phê phán rằng những dự án như vậy đặt gánh nặng không chịu đựng nổi lên các quốc gia tiếp nhận, gây ra những thiệt hại môi sinh về lâu dài và khiến người lao động địa phương phải rời bỏ quê hương.
Đối với những tham vọng khu vực của Trung Quốc, mối quan hệ với Campuchia mang lại những khoản lợi lộc liên tục. Mặc dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, Campuchia đã kiên trì ủng hộ hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở đó. Campuchia đã che chắn Bắc Kinh khỏi sự phê phán của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bằng cách nhiều lần ngăn chặn các biện pháp buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho hành vi xâm lấn của mình. Ngoài ra, việc Trung Quốc thâu tóm nhiều khu đất rộng lớn trên dải bờ biển của Campuchia và xây dựng các cơ sở cảng biển ở thành phố duyên hải Sihanoukville hé lộ những vị trí tiềm tàng cho các căn cứ hải quân Trung Quốc trong tương lai, cho phép Bắc Kinh có khả năng phóng chiếu sức mạnh ra toàn khu vực và xa hơn nữa. Và năm ngoái, Campuchia đã bãi bỏ một chương trình viện trợ quân sự kéo dài đã lâu của Hoa Kỳ đồng thời nâng cấp hoạt động phối hợp và huấn luyện với quân đội Trung Quốc.
Có lẽ điều quan trọng nhất với một chế độ Trung Quốc mà hình ảnh bị hoen ố ở nước ngoài là Campuchia đã phục vụ như một tiếng nói trung thành, cung cấp sự tuyên truyền tích cực cho Bắc Kinh. Đứng bên cạnh một quan chức cao cấp từ ban tuyên giáo của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Tư vừa qua, Hun Sen đã chủ trì việc phát hành cuốn sách về tư tưởng Tập Cận Bình bản dịch tiếng Khmer và khuyến khích "các quan chức, giáo sư, sinh viên Campuchia đọc cuốn sách ấy". Khi truyền thông độc lập bị bịt miệng ở Campuchia, các cơ quan báo chí do nhà nước điều hành của Trung Quốc như báo China Daily, Thời báo Hoàn Cầu (the Global Times) và Tân hoa xã (Xinhua) lập tức vào lấp chỗ trống, đăng đầy các trang bình luận của báo chí Campuchia và biến chúng thành cái loa tuyên truyền cho Trung Quốc. Về phương diện này, Campuchia là một ví dụ đáng lo ngại về một nhà nước hoạt động nhịp nhàng với bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của Bắc Kinh.
Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc gây nguy hiểm tiềm tàng cho độc lập và chủ quyền của Campuchia mà chỉ mang lại rất ít lợi lộc cho người dân thường. Mặc dù vốn đầu tư của Trung Quốc mở ra nhiều dự án xây dựng trên khắp Campuchia, các nhà quan sát đã bày tỏ mối lo rằng "các dự án bạch tượng, các thành phố ma và các ngôi làng Potemkin" (**) không làm được gì cho sự phát triển tương lai của đất nước. Theo đúng cung cách làm ăn mà họ thực hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới, các công ty quốc doanh Trung Quốc mang theo lao động Trung Quốc để làm đường sá, đập nước, cầu cống mà không thuê mướn lao động địa phương hoặc chuyển giao kiến thức, chuyên môn cho các cộng đồng địa phương. Tiêu biểu cho cách làm này là đầu tư của Trung Quốc ở thành phố duyên hải Sihanoukville, nơi các sòng bài và du khách Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào. Như phóng viên Anna Fifield tường thuật trên báo The Washington Post, một nỗi căm ghét đang dâng trào trong những người dân thường Campuchia. "Tất cả công cuộc xây dựng mà họ đang làm chỉ có lợi cho người Trung Quốc. Nó tốt cho bọn chủ đất chứ không phải cho dân thường", một người đàn ông ở Sihanoukville nói. "Trong rất nhiều trường hợp, lợi ích là rất bé nhỏ hoặc chỉ có thiệt hại", ông Sebastian Strangio, tác giả sách Hun Sen’s Cambodia (Nước Campuchia của Hun Sen), nhận xét. Vốn đầu tư của Bắc Kinh cũng dẫn tới sự suy thoái về môi trường sinh thái ở một đất nước đã phải vật lộn với hàng loạt vấn đề môi sinh.
Một lĩnh vực đáng quan tâm khác là khía cạnh ngoại giao bẫy nợ của viện trợ của Trung Quốc. Trung Quốc đã sắm một vai trò quá lớn trong sự phát triển của Campuchia, đóng góp khoảng 44 phần trăm tổng số vốn đầu tư nước ngoài mà Campuchia nhận được từ năm 1994 đến 2014. Ước tính có khoảng 70 phần trăm số đường sá và cầu cống ở nước này được Trung Quốc hỗ trợ tài chính qua khoản cho vay gần hai tỉ đô la, tương đương với một phần mười tổng sản lượng GDP của Campuchia. Dòng tiền Trung Quốc đổ vào đã đẩy Campuchia vào một mối quan hệ bấp bênh, thậm chí lệ thuộc vào Bắc Kinh. Campuchia hiện mắc nợ Trung Quốc hơn 4 tỉ đô la, bằng bốn mươi phần trăm tổng số nợ công chưa trả của quốc gia, theo một số dự tính.
Washington sẽ bước vào ?
Sự kiện Campuchia ngã theo Trung Quốc đã xảy ra trong sự thiếu vắng một mối quan hệ gắn bó bền vững với Hoa Kỳ và phương Tây. Đây là chuyện không may bởi vì cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Campuchia là mô hình thu nhỏ của một cuộc chiến rộng lớn hơn nhiều nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Trong Chiến lược An ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2017, Washington thừa nhận rằng "cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự do và tầm nhìn áp bức về trật tự thế giới… đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Nếu Hoa Kỳ muốn ủng hộ các xã hội tự do và cởi mở thì Washington phải làm sao để nêu bật chuyện các chế độ chuyên chế như Campuchia đã không phục vụ nhân dân mình như thế nào.
Các nhà hoạch định chính sách ở Washington thường lãng quên Campuchia trong những cuộc thảo luận rộng rãi hơn về những vấn đề này vì một số lý do. Đây là một nước nhỏ đang phát triển, không có lãnh thổ hoặc biên giới mang tính chiến lược ; nó đã bị Hun Sen cai trị hơn ba mươi năm rồi và nói chung nó được coi là một nước hầu như đã nằm trong túi áo của Trung Quốc. Vì vậy, từ quan điểm kinh tế, dân chủ, chính trị và chiến lược, Campuchia bị coi là vùng lãnh thổ cằn cỗi, đáng được công nhận nhưng không đáng chú ý hoặc giúp đỡ.
Đây là một sai lầm. Campuchia có lẽ là kẻ báo hiệu cho những gì có thể xảy ra trong chính trị và chính sách của một quốc gia có chủ quyền khi chính phủ của nó chuyển hoàn toàn sang phe Bắc Kinh ; nhưng điều đó không biến nó thành một trường hợp vô vọng. Hoa Kỳ có thể và nên chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc như là một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Và làm như vậy ở một đất nước như Campuchia cũng sẽ cho thấy cam kết của Hoa Kỳ với toàn bộ khu vực chứ không chỉ ở những nơi thuận lợi mà thôi.
Nếu Washington và các đồng minh xem xét lại cách suy nghĩ về Campuchia, sẽ có nhiều việc họ có thể làm – cả trong phạm vi nước này và rộng hơn ở khắp Đông Nam Á. Tính cấp bách của việc cạnh tranh với một nước Trung Quốc ngày càng phi tự do ở Đông Nam Á đang tăng lên, nhưng các nguồn lực của Hoa Kỳ đã không tăng lên tương ứng. Tăng cạnh tranh mà không tăng nguồn lực không phải là công thức để thành công. Để cạnh tranh hiệu quả, Washington cần cam kết thêm nhiều ngân quỹ để thúc đẩy hoạt động ngoại giao công cộng và giao lưu nhân dân với Campuchia. Hai là, cần phải làm nhiều hơn để chống lại các chiến dịch tung tin giả. Trong vòng một năm rưỡi qua, Campuchia đã từ một môi trường truyền thông tương đối cởi mở chuyển sang một môi trường càng lúc càng bị chế ngự bởi tuyên truyền và thông tin méo mó. Hãy suy nghĩ một cách sáng tạo về cách giúp người dân Campuchia tiếp cận thông tin nhiều hơn – hoặc dùng công nghệ để phiên dịch truyền thông nước ngoài sang tiếng Khmer hoặc gia tăng nguồn lực cho đài Voice of America và Radio Free Asia – tạo ra bên trong Campuchia một cuộc thảo luận cởi mở hơn về phương hướng tương lai của đất nước và hoạt động của Trung Quốc trong phương hướng đó. Ngoài ra, mở rộng danh sách các cuộc cấm vận có mục tiêu vào những cá nhân đã tiến hành cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến có thể sẽ làm gia tăng áp lực bên trong chế độ, buộc họ phải suy nghĩ lại về sự trung thành vô điều kiện với Hun Sen.
Washington có thể nỗ lực gấp đôi về hỗ trợ và đầu tư nhằm giúp người dân Campuchia, kể cả thông qua viện trợ nhân đạo và ủng hộ các nỗ lực rà phá bom mìn. Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mới đây có thể cung cấp một bệ phóng để khích lệ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào Campuchia, vừa nhắm thúc đẩy tăng trưởng tương lai của Campuchia vừa không chỉ khai thác tài nguyên của nước này. Nhiều người Campuchia cảm thấy rằng Trung Quốc chẳng quan tâm gì tới bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, huấn luyện nhân viên hoặc tính minh bạch. Đây là lãnh địa có tiềm năng thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, vốn bền vững, do thị trường dẫn dắt, đáp ứng những tiêu chuẩn cao về an toàn và có ý định góp phần thúc đẩy tăng trưởng hơn là lôi kéo quốc gia ấy xuống bằng những món nợ không cáng đáng nổi.
Tuy nhiên, để những ý tưởng trên vận hành được, Hoa Kỳ và các đối tác cần thực hiện một nỗ lực nhịp nhàng để cung cấp một mô hình thay thế khả thi về phát triển bền vững. Tính gộp lại, nguồn lực của Hoa Kỳ, Úc, Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn là rất to lớn. Tất cả các quốc gia này đều chính thức ghi nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á trong sự phát triển tương lai của mình – và đang tiến hành một nỗ lực bền bĩ để cung cấp một hình mẫu thay thế có tác động mạnh mẽ. Làm được như vậy ít ra cũng cung cấp cho các quốc gia như Campuchia một sự lựa chọn thật sự. Gia tăng áp lực lên Hun Sen - hoặc bằng cách nêu bật hơn nữa mối liên kết cá nhân gần gũi của ông ta với Bắc Kinh hoặc tiến hành những cuộc cấm vận có phối hợp nhằm vào những kẻ chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền trong chế độ của ông ta – không phải là một mục đích tự thân. Thay vì vậy, những công cụ chính sách này nhằm chống lại sự lan tràn ảnh hưởng của Trung Quốc và truyền sự tự tin cho người dân Campuchia.
Những cuộc bầu cử gần đây ở Campuchia chỉ nhận được một khoảnh khắc ngắn ngủi sự quan tâm và lên án ở Washington. Nếu như đó là tất cả sự ràng buộc của Washington thì quả là một cơ hội bị bỏ lỡ. Trò chuyện với hàng trăm người Campuchia là sinh viên, lãnh đạo doanh nghiệp, sĩ quan quân đội, viên chức chính phủ và nhà báo trong các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy rằng đất nước còn rất trẻ này có xu hướng thân Hoa Kỳ. Cùng với nỗi khó chịu ngày càng tăng với Trung Quốc là khát vọng có thêm sự ràng buộc với Hoa Kỳ.
Campuchia không phải đang nằm trong túi áo của Trung Quốc, cho dù giới lãnh đạo hiện thời của nó làm như vậy. Hãy tận dụng thực tế đó để đấu tranh cho lợi ích của nhân dân Campuchia, làm suy yếu vòng kiềm tỏa của Trung Quốc lên Phnom Penh và làm cho chiến lược của Hoa Kỳ có thêm sức cạnh tranh trong khu vực.
Charles Edel
Nguyên tác : Cambodia's Troubling Tilt Toward China, Foreign Affairs, 17/08/2018
Huỳnh Hoa dịch
Nguồn : Viet-studies, 20/08/2018
(*) Charles Edel là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại trường đại học Sydney ; trước đây từng phục vụ trong bộ phận hoạch định chính sách của bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Ông cùng với Hal Brands là đồng tác giả cuốn sách sắp xuất bản The Lesson of Tragedy : Statecraft and World Order (Bài học của Bi kịch : Tài trị quốc và Trật tự Thế giới).
(**) Chỉ những công trình xây dựng có thật hoặc tưởng tượng nhằm mục đích đánh lừa mọi người rằng tình hình tốt đẹp hơn thực tế.
Tỉnh trưởng Campuchia than phiền về tỉ lệ tội phạm tăng do đầu tư của Trung Quốc (VOA, 27/01/2018)
Sự hiện diện và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc ở một hải cảng và tỉnh ở Campuchia đã khiến tỉ lệ tội phạm tăng mạnh và gây nên bất ổn, tỉnh trưởng của tỉnh này nói trong một bức thư gửi cho chính quyền.
Một sòng bạc do Trung Quốc xây dựng ở thành phố cảng Sihanoukville, Campuchia
Thủ tướng Hun Sen là một đồng minh thân thiết của Bắc Kinh và Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia tính đến nay.
Các công trình xây dựng đã nở rộ trong tỉnh Preah Sihanoukville ở tây nam trong những năm gần đây, với nguồn tiền của Trung Quốc đều đặn đổ vào để xây khách sạn, sòng bạc và hàng ngàn căn hộ.
Tỉnh trưởng Yun Min nói trong bức thư dài ba trang gửi tới bộ trưởng nội vụ rằng dòng người Trung Quốc đổ vào đã "tạo ra cơ hội cho mafia Trung Quốc xâm nhập và phạm nhiều tội ác và bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc, gây mất an ninh trong tỉnh".
Hãng tin Reuters cho biết họ có được bức thư vào ngày thứ Sáu và đã xác nhận tính xác thực của nó với ông Yun Min và bộ nội vụ.
Sihanoukville là một điển hình cho thấy tiền của Trung Quốc đã chuyển hóa một thành phố im lìm được dân du lịch balô ưa chuộng thành một trung tâm kinh tế ra sao, trói buộc nền kinh tế Campuchia càng chặt hơn vào Trung Quốc.
Sự ủng hộ của Trung Quốc đã cho phép ông Hun Sen thách thức những chỉ trích của phương Tây về việc ông trấn áp các đối thủ. Đảng Cứu quốc Campuchia thuộc phe đối lập đã bị Tòa án Tối cao Campuchia giải thể theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen.
Diễn biến này theo sau một cuộc trấn áp các nhân vật đối lập, truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội dân sự.
Trong bức thư gửi tới chính phủ, ông Yun Min cũng phàn nàn về việc những người Trung Quốc say rượu ẩu đả trong các nhà hàng và về giá phòng khách sạn gia tăng lên ở Sihanoukville.
Tuy nhiên không phải tất cả những phát biểu của ông đều tiêu cực. Ông cho biết đầu tư của Trung Quốc đã tạo nên công ăn việc làm và làm tăng giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Khieu Sopheak, phát ngôn viện bộ nội vụ, nói ông vẫn chưa thấy lá thư này nhưng nói thêm rằng Campuchia sẽ không bị Trung Quốc kiểm soát.
"Chúng tôi vẫn giữ chủ quyền của mình, Trung Quốc không thể kiểm soát chúng tôi", ông Khieu Sopheak nói với Reuters. "Nếu họ đến trong tư cách những nhà đầu tư đàng hoàng và tôn trọng luật pháp của chúng tôi thì không sao".
**********************
Campuchia bỏ tù 2 nhà hoạt động môi trường (RFA, 26/01/2018)
Cũng liên quan đến Campuchia, tòa án tỉnh Koh Kong ngày 26 tháng 1 đã tuyên án một năm tù giam và 7 tháng tù treo cho hai nhà hoạt động vì môi trường với cáo buộc quay phim về hoạt động xuất khẩu cát bị nghi ngờ vi phạm pháp luật.
Một khung cảnh khai thác cát tại Campuchia. AFP
Luật sư của hai bị cáo cho biết anh Dem Kundy 21 tuổi và anh Hun Vannak 35 tuổi là thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường có tên là Mẹ Thiên Nhiên (Mother Nature). Ngoài bản án tù ra, mỗi người còn bị phạt một khoản tiền 250 đô la Mỹ. Vị luật sư khẳng định với hãng Reuters rằng hai thân chủ của ông vô tội.
Hai nhà hoạt động bị bắt vào ngày 12 tháng 9 năm 2017 và bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và kích động vi phạm pháp luật khi họ ghi lại hình ảnh những chiếc tàu chở cát xuất khẩu mà họ nghi ngờ là bất hợp pháp.
Tổ chức nhân quyền Licadho tại Campuchia khẳng định rằng không có đủ bằng chứng để buộc tội hai nhà hoạt động này. Giám đốc của tổ chức này nói rằng thông tin họ bị kết án thực sự gây sốc bởi vì họ hành động chỉ vì muốn bảo vệ môi trường cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International gọi hai nhà hoạt động là tù nhân lương tâm.
Xin nhắc lại là năm 2015, chính phủ Phnom Penh đã trục xuất người đồng sáng lập tổ chức Mẹ Thiên Nhiên là ông Alejandro Gonzalez-Davidson, một công dân Tây Ban Nha.
********************
Du khách Trung Quốc làm tăng tỷ lệ tội phạm ở Campuchia (RFA, 26/01/2018)
Sự hiện diện và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia đang đẩy tỷ lệ tội phạm và bất ổn xã hội tại quốc gia này lên cao.
Một công trình đập thủy điện ở Campuchia do Trung Quốc đầu tư. AFP
Hãng tin Reuters vào ngày 26 tháng giêng có được bức thư xác định là của vị đứng đầu tỉnh Preah Sihanoukville, ông Yun Min, gửi cho Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, trong đó nêu rõ rằng dòng người Trung Quốc đổ vào tỉnh này đã tạo điều kiện cho bọn mafia người Hoa vào theo và thực hiện những hành vi phạm tội cũng như bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc, gây mất an ninh cho khu vực.
Ngoài ra, ông Yun Min còn đề cập đến việc một số người Trung Quốc uống rượu say rồi gây gổ đánh nhau trong nhà hàng, cũng như tăng giá thành khách sạn lên nhằm phục vụ lợi ích của họ.
Tuy nhiên bên cạnh đó người đứng đầu tỉnh Preah Sihanoukville cũng nói rằng người Trung Quốc đến đầu tư có tạo công ăn việc làm cho dân Campuchia và giúp nâng cao giá cả bất động sản tại địa phương này.
Ông Khieu Sopheak, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia nói rằng ông chưa được đọc lá thư nhưng khẳng định là Campuchia luôn gìn giữ chủ quyền của mình, và người Trung Quốc không thể kiểm soát nhân dân Campuchia. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu Bắc Kinh đến đầu tư và tôn trọng pháp luật Campuchia thì điều đó không có gì là sai trái.
Lá thư của ông tỉnh trưởng Yun Min là một trong những lời phê bình hiếm hoi dành cho Hoa Lục bởi vì bấy lâu nay Phnom Penh luôn hoan nghênh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen còn là một đồng minh thân cận của Bắc Kinh và Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất của Campuchia đến nay.
Tỉnh Preah Sihanoukville là địa phương chứng kiến sự bùng nổ trong các công trình xây dựng trong những năm gần đây chủ yếu do Trung Quốc đầu tư, chẳng hạn như khách sạn, sòng bạc hay hàng ngàn căn hộ.
Quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đang trở nên xấu đi trong những ngày gần đây sau một loạt những hành động trả đũa giữa hai nước. Việt Nam, nước láng giềng của Campuchia, sẽ phải đối mặt với những thách thức nào khi mối quan hệ Hoa Kỳ-Campuchia trở nên tồi tệ ?
Đại diện các nước ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila, Philippines chụp hôm 28/4/2017 - Photo : AFP
Bộ Ngoại Giao Campuchia vào ngày 14 tháng 9 vừa qua, cho biết rất đỗi ngạc nhiên trước lời cáo buộc của Hoa Kỳ là Phnom Penh không còn hợp tác trong việc nhận về những tội phạm mang quốc tịch Campuchia mà Mỹ trục xuất ; đồng thời nói rằng việc Washington ban hành lệnh cấm thị thực đối với giới chức cấp cao của Chính quyền Phnom Penh là "vô lý".
Trước đó, vào ngày 3 tháng 9, Chính phủ Campuchia tiến hành bắt giữ nhà lãnh đạo chính trị đối lập Kem Sokha với cáo cuộc tội "phản quốc" do cùng với Mỹ lập âm mưu "lật đổ chính quyền" của Thủ tướng Hun Sen, đe dọa giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP). Đại sứ Hoa Kỳ William Heidt tại Campuchia bác bỏ cáo buộc vừa nêu vào ngày 12 tháng 9.
Đáp trả về mặt ngoại giao với Hoa Kỳ, vào ngày 15 tháng 9, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh ngưng hợp tác trong một chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như yêu cầu các thiện nguyện viên của tổ chức Peace Corps đang làm việc tại xứ Chùa Tháp rời đất nước này về Mỹ.
Chính quyền do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo trong những tuần gần đây còn đóng cửa Nhật báo tiếng Anh Cambodia Daily, với cáo buộc cơ quan báo này trốn thuế và ít nhất 19 đài phát thanh, cùng lý do những đài này vi phạm hợp đồng với Nhà nước Campuchia khi cho phát nhiều chương trình của hai đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Á Châu Tự Do.
Viết trên trang blog Thayer Consultancy của mình về mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ thời gian gần đây, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định :
"Yếu tố di sản lịch sử là Mỹ và các nền dân chủ phương Tây ở Châu Âu, Australia và Nhật Bản luôn có nhìn nhận tiêu cực về Hun Sen, trước hết ông ấy là một sĩ quan trong quân đội Khmer Đỏ, rồi sau đó là tay sai cho Cộng Sản Việt Nam và sau năm 1993 thì là trở ngại chính cho dân chủ ở Campuchia. Những suy nghĩ này đã nổi lên tại mỗi kỳ bầu cử từ năm 1993 trở lại đây và dẫn đến sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với các đảng đối lập trong giai đoạn này. Hun Sen chỉ đáp trả lại cảm giác lịch sử là nạn nhân".
Giới quan sát tình hình Campuchia cho rằng Thủ tướng Hun Sen phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử năm 2018 vì dân chúng ủng hộ Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), do bất mãn đối với đảng cầm quyền của ông Hun Sen trước sự bất bình đẳng, tham nhũng và lạm quyền.
Tờ PhnomPenh Post, vào ngày 15 tháng 9, dẫn lời của Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu chính trường Campuchia duy trì quyền lực một đảng trị của Thủ tướng Hun Sen thì các chính sách của Chính phủ Phnom Penh cũng sẽ thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và là "một ống dẫn để Trung Quốc tiếp tục làm giảm uy thế của Hoa Kỳ trong khu vực".
Trả lời câu hỏi của RFA rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào khi quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Mỹ trở nên xấu đi, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề Phát triển của Việt Nam nhấn mạnh
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một buổi lễ tại một nhà máy ở Phnom Penh vào ngày 6 tháng 9 năm 2017. Photo : AFP
"Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông, từ trước đến giờ quan điểm của Campuchia đã bất lợi cho Việt Nam. Thế nhưng Việt Nam vẫn phải hướng tới gìn giữ mối quan hệ rộng lớn hơn, đó là mối quan hệ giữa 3 nước Đông Dương, nên mọi bất đồng trước nay, thậm chí vấn đề Biển Đông vẫn được ‘quét xuống dưới thảm’. Tuy nhiên về lâu dài, chắc chắn đây sẽ là thách thức lớn đối với ngoại giao Việt Nam. Cho dù trước mắt, Việt Nam phải "nhịn" Campuchia trong vấn đề Biển Đông để giữ lấy hòa khí và đoàn kết.
Tất nhiên, bây giờ mối quan hệ Campuchia và Hoa Kỳ mà trở nên xấu đi nữa thì chắc chắn sẽ không có gì là thuận lợi đối với mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Dương nói chung. Không phải riêng với Campuchia đâu. Quan hệ giữa Hoa Kỳ với bất cứ một nước nào ở Đông Nam Á xấu đi thì tất nhiên có thể được xem như một hiện tượng ‘bình thông nhau’, nghĩa là có bàn tay của nước lớn thứ ba nhúng vào, nó thấp chỗ này thì sẽ cao chỗ khác".
Hồi năm 2012, khi là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia đã ngăn cản đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN. Cũng tại thượng đỉnh này lãnh đạo các nước ASEAN đã không thể có được một tuyên bố chung vì Campuchia không muốn đề cập đến vấn đề Biển Đông và Trung Quốc trong tuyên bố này, trái với mong muốn của Việt Nam và Philippines.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh Việt Nam cần phải tiếp tục theo dõi những diễn tiến liên quan giữa Campuchia với Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng khẳng định chắc chắn không có sự lo ngại đối với quan hệ giềng mối mật thiết của 3 nước Đông Dương, dù cho bất kỳ tính huống nào xảy ra chăng nữa.
Trong bài viết với tựa đề tạm dịch "Sự kết thúc đối lập tại Campuchia có thể là một điều tốt hay không ?" của ký giả David Hutt, một cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á, đăng tải trên tờ The Diplomat vào ngày 8 tháng 9, tác giả dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Nghị viện ASEAN về Nhân quyền rằng nếu các thành viên của cộng đồng quốc tế không lên tiếng và có hành động ngay thì điều đó đồng nghĩa với việc góp phần thỏa hiệp cho chế độ độc tài ở Campuchia. Tuy nhiên, tác giả đưa ra lập luận nếu như Châu Âu áp đặt biện pháp chế tài đối với Campuchia vì tình hình chính trị tại nước này thì chắc chắn Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa Việt Nam và EU cũng không thể được thông qua.
Hòa Ái, phóng viên RFA
*********************
Quan chức Campuchia ngày càng lớn tiếng chống Mỹ (VOA, 20/09/2017)
Hôm 15/9, các giới chức quân đội cao cấp của Campuchia thề sẽ "tiêu diệt" tất cả nhữngngười nước ngoài nào có ý đồ gây hấn với nước này, theo các tuyên bố được tường thuật lại trên trang Fresh News (Tin nhanh), cơ quan ngôn luận của chính phủ Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây gia tăng các thông điệp chống Mỹ (ảnh tư liêu, 23/8/2017).
Phát biểu đó được đưa lên mạng cùng ngày Thủ tướng Hun Sen tuyên bố hai "gián điệp" Mỹ âm mưu lật đổ chính phủ của ông đã bị phát hiện, và ông ra lệnh điều tra tất cả các công dân Mỹ bị tình nghi làm gián điệp.
Trong bài diễn văn đó, ông Hunsen còn đề nghị Tổ chức Hòa bình Mỹ nên rút ra khỏi Campuchia, và tuần lễ trước đó, ông đình chỉ chương trình nhận dạng và hồi hương hài cốt của quân nhân Mỹ đã tử trận trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong các tuyên bố đăng trên trang Fresh News hôm 15/9, Trung tướng Prum Pheng, Tư lệnh Lữ đoàn Can thiệp số 1, và Trung tướng Bun Seng, Phó Tư lệnh Bộ binh và Tư lệnh Quân khu 5, đã thề sẽ thực hiện các cuộc điều tra do ông Hun Sen ra lệnh.
Fresh News, một trang mạng thân chính phủ, cho hay cả hai tướng lãnh vừa nêu tên đều là ủy viên trung ương đảng của đảng cầm quyền, họ đã cam kết "quyết tâm đập tan bất cứ kẻ nào có ý định làm cách mạng màu".
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Chhum Socheat bênh vực quyền của các tướng lãnhđược đưa ra những lời đe dọa vừa nêu, ông tuyên bố cá nhân ông cũng không đảm bảo an toàn vô điều kiện cho người nước ngoài chống các hành động như vậy.
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về những tuyên bố đó. Đại sứ quán đề nghị phóng viên thảm khảo phát biểu của Đại sứ William Heidt trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.
Khi đó, ông Heidt nói rằng những lời lẽ đao to búa lớn chống Mỹ ở Campuchia làm cho các du khách và các công ty Mỹ cũng như phương Tây khác cảm thấy "không còn được hoan nghênh", ông dự đoán "các nhà đầu tư sẽ giảm đi nhiều".
Lee Morgenbesser, một nghiên cứu sinh tại Đại học Griffith, Úc, chuyên về các chế độ toàn trị, cho rằng các công dân Mỹ sống ở Campuchia "chắc chắn nên có một chiến lược rút lui".
Ông viết trong một email gửi đến VOA : "Việc một số quan chức quân đội (cũng như ông Hun Sen) cùng đưa ra một luận điệu đó cho thấy có sự điều phối nội bộ về cách thông tin đối ngoại của chính phủ thuộc đảng Nhân dân Campuchia CPP".
Ông nói thêm : "Sự khác biệt với những gì đã được nói trong quá khứ, là những tuyên bố như vậy đang được đưa ra trong bối cảnh có một cuộc trấn áp, điều này gợi ý rằng chớ có xem thường những tuyên bố đó. Chiến dịch trấn áp ở Campuchia giờ đây khó đoán định hơn nhiều so với trước".