Chủ nghĩa hiện thực không phải là tư tưởng chính trị chủ đạo của giới lãnh đạo Mỹ. Tuy vậy, nó cũng đã ít nhiều nằm trong tư tưởng và chính sách của họ trong Chiến tranh Lạnh, cũng như khi đối đầu với một số quốc gia không có cùng văn hóa chính trị, đặc biệt là các chính thể độc tài. Theo học giả Stephen Walt, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc, hay các vấn đề chính trị quốc tế khác trong thời gian qua, sẽ mang trở lại lý thuyết chủ nghĩa hiện thực vì nó giải thích được các khía cạnh phức tạp của bang giao quốc tế.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường quốc, đơn cực, và tất nhiên muốn tiếp tục giữ ngôi vị áp đảo như thế.
Suy nghĩ như người hiện thực
Trong bài "Thế giới muốn bạn suy nghĩ như người hiện thực" (The world wants you to think like a realist), giáo sư Stephen Walt trình bày những lý do vì sao chủ nghĩa hiện thực vẫn hữu lý để giải thích các vấn đề chính trị thế giới hôm nay [1].
Walt biện luận rằng, chủ nghĩa hiện thực có quá khứ lâu dài và có nhiều khác biệt trong cùng trường phái, nhưng nồng cốt của nó dựa vào tập hợp các ý tưởng đơn giản. Chủ nghĩa hiện thực cố gắng giải thích chính trị thế giới như những gì chúng là, chứ không phải những gì chúng nên là. Đối với người hiện thực, quyền lực nằm trung điểm của đời sống chính trị. Mặc dầu các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng, chìa khóa để hiểu chính trị nằm ở chỗ ai đang nắm giữ quyền lực và đang làm gì với nó. Đối với các nhà hiện thực, nhà nước là nhân vật chính trong hệ thống chính trị thế giới. Vì không thể trông chờ một trung tâm quyền lực giải quyết các tranh chấp, mọi nhà nước phải dựa vào tài nguyên và chiến lược của chính mình để tồn tại. Do đó, an ninh là quan tâm muôn đời của mọi nhà nước, mà tất cả đều lo lắng là ai sẽ trở nên mạnh hay yếu, và xu hướng thay đổi nấc thang quyền lực lên xuống ra sao. Hợp t ác không phải là điều bất khả, có lúc nó cần thiết để sống còn, nhưng nó rất mỏng manh. Các nhà hiện thực xác định rằng, nhà nước có xu hướng phản ứng với đe dọa bằng cách chuyển nhượng cho người khác đối phó với hiểm nguy. Trong trường hợp không thành công, thì họ tìm cách cân bằng mối đe doạ đó, bằng cách tìm đồng minh hoặc xây dựng khả năng của riêng mình.
Chủ nghĩa hiện thực không phải là cách duy nhất để giải thích, hay để thấu hiểu các vấn đề phức tạp của chính trị quốc tế. Lý do là vì luôn có nhiều xu hướng khác thích hợp hữu lý hơn, tùy theo từng vấn đề. Nhưng theo Walt, nếu suy nghĩ như một người hiện thực, trong khoảng thời gian nào đó, thì nhiều khía cạnh mập mờ, mơ hồ của chính trị quốc tế sẽ trở thành dễ hiểu hơn. Walt trình bày các trường hợp cụ thể như sau.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể là nguyên do đưa đến tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong một thế giới mà hai cường quốc thi đua nhau, dù để tự bảo vệ mình, một bên để duy trì ngôi vị số một, bên kia muốn thách thức và tranh giành địa vị này, thì cho dù chiến tranh không xảy ra đi nữa, sự cạnh tranh an ninh một cách khốc liệt là nguy cơ lớn. Suy nghĩ như người hiện thực cũng giúp cho chúng ta hiểu vì sao trước đây Trung Quốc nhấn mạnh đến sự trỗi dậy trong hòa bình. Nhưng khi Trung Quốc càng mạnh, họ càng muốn gây ảnh hưởng và muốn thay đổi những đặc tính nào trong hệ thống chính trị quốc tế mà không có lợi cho họ.
Nếu suy nghĩ như người hiện thực, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Mỹ thường xuyên sử dụng quân sự ở phương xa trong 25 năm qua, và nhất là sau 11 tháng 9. Tại sao ? Theo Walt, là vì không ai ngăn cản được Mỹ. Người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò toàn cầu của họ không thể thiếu được, và họ có quyền hạn, trách nhiệm và khôn ngoan để can thiệp trên thế giới.
Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì khủng hoảng tại Ukraine không có gì khó hiểu. Các cường quốc dễ nhạy cảm đến lãnh thổ và biên giới của họ, cho nên họ sẽ phản ứng mạnh mẽ khi các cường quốc khác có những hành động tiến gần đến vùng địa của họ. Thế mà Mỹ và đồng minh Âu Châu cứ tiếp tục bành trướng NATO theo hướng đông, bất chấp những lời cảnh báo của Nga. Năm 2013 Mỹ và Liên hiệp Âu Châu nỗ lực phối hợp để kéo Ukraine đến gần với Tây phương hơn, và công khai can thiệp vào tiến trình chính trị nội địa của Ukraine. Putin quyết định chiếm Crimea và làm hỏng các nỗ lực và kế hoạch của Mỹ và Liên hiệp Âu Châu. Hành động của Putin, tuy không hợp pháp hay chính nghĩa nhưng cũng không có gì ngạc nhiên cả, vì đó là cách hành xử mà người hiện thực đoán trước.
Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì sẽ hiểu được vì sao Liên hiệp Âu Châu đang gặp khó khăn, thử thách. Cả dự án này được thiết kế để chuyển hóa chủ nghĩa quốc gia và đặt quyền lợi quốc gia trong các định chế rộng mang tính liên quốc. Các kiến trúc sư của dự án mong muốn qua thời gian, căn cước và quyền lợi của các dân tộc, cái đã làm tan nát Âu Châu qua hai thế chiến, từ từ phai mờ và nhường chỗ còn lại cho căn cước rộng khắp Âu Châu. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, hiểm hoạ Liên Xô không còn để phải đoàn kết, chủ nghĩa quốc gia trở lại trả thù, và nhất là khi đồng Euro bị khủng hoảng. Bất thình lình người dân muốn viên chức chính quyền của họ cứu họ chứ không phải Âu Châu. Họ không muốn thấy những người đại diện cho quốc gia của họ bất lực trong Liên hiệp. Quyết định của Anh rút ra khỏi Liên hiệp, kết quả bầu cử tại Ý, hay chủ nghĩa quốc gia tại Poland và Hungary ngày càng gia tăng, làm cho những người trước đây từng tin rằng tiến trình hội nhập của cộng đồng Âu Châu là không thể đảo ngược, thì sẽ kh ó chấp nhận. Nhưng người hiện thực thì không ngạc nhiên.
Nếu suy nghĩ như người hiện thực, dù không thích đi nữa, chúng ta sẽ không ngạc nhiên hay phẫn nộ khi thấy Iran và Syria ủng hộ cho thành phần nổi dậy chống lại Mỹ tại Iraq năm 2003. Phản ứng của họ mang tính cân bằng quyền lực bởi vì Mỹ vừa mới lật đổ chế độ Saddam Hussein và chính quyền Bush nêu thẳng tên Iran và Syria nằm trong danh sách kế tiếp. Tất nhiên, Damascus và Tehran sẽ thực hiện mọi nỗ lực chiến lược cần thiết để Mỹ sa lầy ở đó, không còn ung dung nạp đạn để đuổi theo họ. Nếu thành phần lãnh đạo Mỹ nghĩ như người hiện thực thì họ có thể tiên đoán được tình thế như vậy ngay từ đầu.
Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì điều hiển nhiên là Bắc Hàn phải làm tất cả những gì có thể để chế tạo vũ khí nguyên tử, và Iran cũng muốn ngấm ngầm thực hiện cho được vũ khí nguyên tử. Cả hai quốc gia này mâu thuẫn trầm trọng với Mỹ, trong khi các viên chức hàng đầu Mỹ đều cho rằng, giải pháp duy nhất là thay đổi chế độ. Các chính quyền nào gặp phải những đe dọa như thế đều muốn bảo vệ mình. Vũ khí nguyên tử có thể không thích hợp để tống tiền hay chinh phục nước khác, nhưng nó là phương thức vô cùng hữu hiệu để ngăn cản các cường quốc đang hăm dọa sử dụng vũ lực để lật đổ mình. Nếu Mỹ, một cường quốc về mọi mặt, cần đến cả ngàn đầu đạn nguyên tử để bảo vệ mình, thì làm sao các quốc gia khác không nghĩ đến việc có vài đầu đạn nguyên tử sẽ bảo đảm an ninh cho họ hơn. Họ sẽ rất miễn cưỡng trong việc huỷ bỏ kế hoạch chế tạo để đổi l ấy các bảo đảm hay hứa hẹn mà nó có thể bị đảo ngược hay rút lại.
Suy nghĩ một cách hiện thực cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, vì sao Mỹ và Liên Xô, tuy hai hệ thống chính trị nội địa khác nhau, nhưng về mặt chính trị quốc tế thì cách hành xử cũng tương tự nhau. Mỗi bên đều xây dựng các mạng lưới liên minh rộng khắp. Họ lật đổ một số chính quyền họ không thích, ám sát một số lãnh đạo quốc gia ngoài nước, chế tạo hàng chục ngàn vũ khí nguyên tử, can thiệp vào những nơi xa lắc, cố gắng chuyển đổi các xã hội khác theo ý thức hệ mà họ thích hơn ; và làm tất cả những gì cần thiết để làm cho bên kia sụp đổ nhưng không nhất thiết nổ tung cả thế giới. Theo Walt, họ hành xử như thế vì thế giới này vô chính phủ. Họ không có sự chọn lựa nào ngoài việc trang bị để không bị thua thế, trở thành nạn nhân của phía bên kia [Lời bình thêm : Suy nghĩ này tuy thuyết phục nhưng rõ ràng sau khi Liên Xô sụp đổ, thì Mỹ đã không "làm thịt" Liên Sô, nhưng đó là suy nghĩ chung của các lãnh đạo qu ốc gia dựa trên các giả định của họ].
Bức tranh toàn cảnh
Qua các cuộc tranh luận sôi nổi từ nhiều thập niên qua, các học giả từ nhiều khuynh hướng khác nhau cũng phải ghi nhận rằng, tư tưởng chính trị quốc tế cũng thật đa chiều, và có vai trò bổ túc cho một bức tranh hoàn chỉnh hơn.
Giáo sư Walt cũng nhìn nhận rằng, những xu hướng và tranh luận như trên phản ánh tính chất vô cùng đa nguyên trong quan hệ quốc tế, qua đó đưa đến một số dấu hiệu đồng quy (convergence). Đa số các nhà hiện thực ghi nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt, sắc tộc và các yếu tố chính trị nội địa là quan trọng trong chính trị quốc tế. Các nhà cấp tiến công nhận quyền lực là trung tâm trong hành xử quốc tế. Các nhà kiến tạo chấp nhận rằng ý tưởng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nếu được yểm trợ bởi các cường quốc và được củng cố bằng các chất lực vật liệu lâu bền (enduring material forces). Gần hai thập niên trước, Walt nhận định rằng, sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh không chấm dứt xung đột chính trị quyền lực. Do đó, mặc dầu không giải thích được tất cả vấn đề, Walt vẫn tin rằng chủ nghĩa hiện thực vẫn là dụng cụ hữu hiệu nhất trong hộp dụng cụ trí tuệ hiện nay để giải thích chính trị quốc tế.
Walt cho rằng, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường quốc, đơn cực, và tất nhiên muốn tiếp tục giữ ngôi vị áp đảo như thế. Mỹ đã lợi dụng ưu thế đặc biệt này để áp đặt những gì họ muốn khi có thể, ngay cả khi có nguy cơ làm cho chính đồng minh bất bình. Mỹ liên tục kêu gọi các quốc gia tôn trọng xu hướng đa phương và vai trò lớn hơn cho các định chế quốc tế, nhưng có lúc tỏ ra coi thường các cơ quan như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới một khi hành động của các tổ chức này không phù hợp với quyền lợi của Mỹ. Mỹ đã từ chối tham gia như một thành viên vào các hiệp ước/luật pháp quốc tế, chẳng hạn như luật về biển hay môi trường. Mặc dầu Mỹ lão luyện biện minh cho các hành động này bằng các ngôn từ cao thượng về trật tự thế giới, quyền lợi quốc gia là động cơ chính đằng sau.
Trong khi đó, thuyết kiến tạo rất thích hợp để phân tích làm sao bản sắc và quyền lợi có thể thay đổi qua thời gian, tạo nên những xoay chuyển tế nhị trong cách hành xử của nhà nước, và thỉnh thoảng thúc đẩy những xoay chuyển rất xa nhưng bất ngờ trong các vấn đề quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực không có gì để nói nhiều về các khía cạnh này, nhưng các nhà hoạch định chính sách hay lãnh đạo quốc gia có thể bị tấn công nếu không nhìn thấy mà lại bác bỏ hoàn toàn khả năng ảnh hưởng của nó.
Đặc tính chính trị đa chiều
Giáo sư Ralph Pettman còn đi xa hơn Stephen Walt. Tổng hợp các nghiên cứu, lý thuyết và thực nghiệm của chính trị quốc tế từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, Pettman đã lập bản đồ về phần lớn các thuyết tác động lên nền chính trị quốc tế và loại phương ngữ phân tích (analytic dialect) mà họ sử dụng [3]. Về mặt kinh tế chính trị (political economy), thì có các cuộc tranh luận sôi nổi từ nhiều thập niên qua về "mậu dịch tự do" (free trade) và "mậu dịch công bằng" (fair trade). Không có mậu dịch nào tự do hoàn toàn, hay công bằng hoàn toàn. Đằng sau các chính sách mậu dịch luôn luôn có phần chủ trương bảo hộ từ các nhà nước để bảo vệ và yểm trợ ưu thế trong thị trường cạnh tranh quốc tế hầu phát triển sức mạnh của quốc gia. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (mercantilism, hay còn gọi là economic protectionism/nationalism) quy định thuế quan thương mại, trợ cấp công nghiệp, và tiền tệ cố định, hay thuế nhập cảng, ưu đãi thuế, hay các quy tắc/luật lệ loại trừ nhằm bảo vệ các công ty và lĩnh vực chiến lược của quốc gia. Nhưng điều n ày xảy ra vì các nhà nước nghĩ đối thủ của mình xấu, chỉ muốn gia tăng quyền lực, bất chấp hậu quả và luật chơi.
Trong khi đó, chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) thì giả định bản chất con người chủ yếu là có lý trí, biết tính toán, muốn lợi ích nhiều nhất cho mình ở cái giá phải trả ít nhất. Do đó, xét về mặt kinh tế chính trị, chủ nghĩa cấp tiến đề cao sự di chuyển tự do hàng hóa, lao động, vốn liếng và ý tưởng xuyên biên giới. Chủ nghĩa cấp tiến đề cao vai trò của cá nhân trong việc sản xuất và sử dụng trong thị trường toàn cầu, đề cao vai trò và khả năng của cá nhân trong việc xây dựng các doanh nghiệp xuyên quốc gia một cách hiệu năng và hiệu xuất, ngược với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Còn trường phái xã hội chủ nghĩa theo khuynh hướng dân chủ (social democracy, không phải cái xã hội chủ nghĩa của Mác, giai đoạn chuyển tiếp từ tư bản lên cộng sản chủ nghĩa), thì giả định bản chất con người chủ yếu là tốt. Cho nên khuynh hướng dân chủ xã hội suy xét đến việc cung cấp sự phân phối công bằng hơn của thị trường toàn cầu.
State(s) | Chiến lược chính trị/ Politico-strategic | Kinh tế chính trị/ Politico-economic | Xã hội chính trị/ Politico-social |
Trung Quốc (?) | Chủ nghĩa nhà nước/ Statism | Chủ nghĩa bảo hộ/ Mercantilism | Chủ nghĩa quốc gia/ Nationalism |
Mỹ ( ?) | Nhà nước và công dân/ Inter-statism | Chủ nghĩa (tân) cấp tiến/ (neo)Liberalism | Chủ nghĩa cá nhân/ Individualism |
Mỗi lý thuyết hay trường phái đều tìm cách giải thích chính trị quốc tế dựa trên một số giả định về bản chất con người (human nature) và giáo hóa con người (human nurture). Giáo sư Pettman cũng biện luận rằng, không có lời giải chắc chắn để hiểu mọi vấn đề chính trị quốc tế phức tạp. Mỗi thuyết, mỗi trường phái cung cấp một phần nhìn của vấn đề, một phần sự thật, nhưng không phải hoàn toàn sự thật. Sẽ không có lời giải đơn giản nào mà chỉ có những cắt nghĩa và lời giải phức tạp được rút ra từ những phân tích nói trên. Có những cách nhìn sẽ đúng đắn hay thích hợp hơn các cách nhìn khác vào thời điểm nào đó hay không gian nào đó, tùy theo từng vấn đề. Cho nên chúng ta cần biết tất cả nó.
Chủ nghĩa Mác
Cho đến cuối thập niên 1980, chủ nghĩa Mác được xem là trường phái duy nhất khác có thể thách thức và thay thế hai trường phái hiện thực và cấp tiến quốc tế. Trong bài "Một thế giới, nhiều lý thuyết", Walt biện luận rằng, các nhà Mác Xít chính thống nhìn chủ nghĩa tư bản như là nguyên do chính của các xung đột quốc tế. Các nhà nước tư bản đấu đá nhau là do hệ quả của các xung đột triền miên vì lợi nhuận, và tranh đấu với các nhà nước xã hội chủ nghĩa vì nhìn thấy mầm móng của sự huỷ diệt của chính họ. Tân Mác Xít thì đưa ra thuyết phụ thuộc, nhấn mạnh đến quan hệ giữa các cường quốc tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển, và biện luận rằng các cường quốc, được sự hỗ trợ qua quan hệ với giới cai trị của các nước chậm phát triển, đã trở nên giàu có nhờ khai thác mối quan hệ bất chính này. Giải pháp là phải lật đổ giới cai trị ăn bám này và xây dựng lên một chính quyền cách mạng cam kết ph át triển một cách độc lập.
Nhưng hai lý thuyết của chủ nghĩa Mác nói trên phần lớn đều bị bác bỏ trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Bởi vì lịch sử nghiên cứu sâu rộng về sự hợp tác kinh tế và chính trị giữa các cường quốc công nghệ hàng đầu cho thấy, chủ nghĩa tư bản rốt cuộc không dẫn đến xung đột. Sự ly khai cay đắng giữa các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản cho thấy, chủ nghĩa xã hội thật ra cũng chẳng hề đề cao sự hòa hợp giữa nhau. Thuyết phụ thuộc cũng mất dần giá trị về mặt thực nghiệm bởi vì trước hết, tham gia tích cực vào nền kinh tế thế giới, đã chứng minh là một con đường hiệu quả để đạt thịnh vượng hơn là tự phát triển độc lập theo mô hình xã hội chủ nghĩa ; thêm vào đó, nhiều quốc gia phát triển cũng đã chứng minh khả năng thương lượng thành công với các công ty đa quốc hay các định chế tư bản khác.
Vì chủ nghĩa Mác ngã quỵ trước các thất bại của chính nó, một số các lý thuyết gia mượn ý tưởng từ các thuyết hậu hiện đại trong phê bình văn học và các lý thuyết xã hội, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngôn ngữ và diễn ngôn trong việc định hình các kết quả xã hội. Nhưng nó nhằm phê bình hơn là đưa ra các phương thức tích cực thay thế, cho nên xu hướng này mang tính thiểu số phản kháng trong phần lớn của thập niên 1980.
Vài lời kết
Theo Walt thì ngoài các lý thuyết nói trên, nhiều học giả cũng góp phần vào việc phê bình chính trị quốc tế. Họ nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước, các tổ chức chính phủ, hay cá nhân các lãnh đạo quốc gia ; hay các lý thuyết về tổ chức và chính trị hành chánh để giải thích các chính sách ngoại giao, hay áp dụng tâm lý xã hội và tâm lý nhận thức để giải thích hành động con người. Nhưng phần lớn, không đưa ra một khung sườn tổng quát mà chỉ nhận diện ra được các nguyên do làm cho nhà nước hành xử khác với những gì các trường phái hiện thực và quốc tế cấp tiến giả định.
Chủ nghĩa lý tưởng (cấp tiến) - đề cao hợp tác để tất cả cùng có lợi, và sự tương thuộc trong quan hệ quốc tế - có tham vọng chấm dứt xung đột, bất công, bất bình đẳng, và những thứ xấu xa khác. Tuy thật là đáng kính, Walt biện luận rằng, nó luôn tạo ra những hệ quả không lường được và hiếm khi đem đến được kết quả mong muốn. Ngay cả khi đồng minh cũng e ngại thứ quyền lực không kiểm soát của cường quốc như Mỹ, và sẽ nghi ngờ bất cứ khi nào Mỹ có hành động muốn lãnh đạo thế giới. Vì vậy, nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì sẽ hành xử thận trọng hơn. Các nước sẽ bớt đi việc coi đối thủ của mình là hoàn toàn tà ác (hoặc xem chính mình là hoàn toàn đạo đức), bớt đi các cuộc viễn chinh đạo đức không giới hạn, và như thế, sự suy nghĩ của giới hiện thực sẽ làm cho viễn ảnh hòa bình cao hơn.
Walt kết luận rằng, mỗi cách nhìn vấn đề đầy tính cạnh tranh này chứa đựng các khía cạnh quan trọng của chính trị quốc tế. Cách hiểu và nhìn nhận vấn đề của chúng ta sẽ nghèo nàn nếu suy nghĩ của mình bị giam hãm trong một trường phái nào đó thôi. Các nhà ngoại giao hoàn hảo của tương lai nên ghi nhớ sự nhấn mạnh của chủ nghĩa hiện thực đối với vai trò không thể chối cãi được của quyền lực, duy trì ý thức của chủ nghĩa cấp tiến về thế lực nội địa, và thỉnh thoảng phản ảnh viễn kiến thay đổi của chủ nghĩa kiến tạo (constructivism).
Cách hiểu của chúng ta về chính trị quốc tế chắc chắn sẽ nghèo nàn hơn nếu chúng ta không biết, hay biết mà bác bỏ, các lý thuyết và tư tưởng chính trị nói trên nếu cho nó không thực tế. Khi tư tưởng nghèo nàn, nó sẽ định hình chính sách và chiến lược của mình, và viễn kiến của quốc gia mình. Chính quyền hiện nay vẫn còn đề cao chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn người Việt hải ngoại hiếm khi nào nhắc đến các chủ thuyết chính trị này trên các phương tiện truyền thông. Có, nhưng rất hiếm, đến độ hầu như nó cũng chỉ hiện hữu một cách khan hiếm trong nghiên cứu học thuật, huống chi đến phương tiện đại chúng.
Úc Châu 24/11/2020
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 24/11/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Stephen M. Walt, "The World Wants You to Think Like a Realist", Foreign Policy, 30 May 2018.
2. Stephen M. Walt, "International Relations : One world, many theories", Foreign Policy, Spring 1998.
3. Ralph Pettman, "World Politics : an overview", Course Reading for International Politics : Key Contexts at University of Melbourne, First Semester, 2007.
Khi bàn về các mối quan hệ trong chính trị quốc tế mà không nói đến yếu tố lịch sử thì là một thiếu sót lớn. Bức tranh đó sẽ không đầy đủ.
Bức tượng Tổng thống Franklin Delano Roosevelt tại Franklin Delano Roosevelt Memorial, Washington, D.C. - Ảnh minh họa
Thế Chiến I bắt đầu bằng một nguyên nhân, nếu nhìn lại, thì quả là hết sức vô duyên [1]. Hoàng tử Áo, tênFranz Ferdinand, bị nhóm quốc gia của Bosnia Serb ám sát vào ngày 28 tháng Sáu năm 1914. Trước đó đã có những căng thẳng giữa các quốc gia lân cận tại Đông Âu cũng như Tây Âu. Nhưng vụ ám sát này đã đưa đến sự trả thù giữa các bên. Nó leo thang và lan rộng. Bắt đầu vào tháng 8 năm 1914, để rồi ngay cả Mỹ, phía bên kia bờ Đại Tây Dương cũng không thể đứng ngoài cuộc xung đột này. Thế Chiến I kéo dài 4 năm, và làm chết 16 triệu người dân và binh lính của tất cả các bên.
Thế Chiến I được biết đến như là một cuộc chiến để chấm dứt mọi cuộc chiến (The war to end all wars), vì sự chết chóc và tàn phá kinh khủng của nó.
Sau Thế Chiến I, Tổng thống thứ 28 của Mỹ Woodrow Wilson (1913 – 1921), không muốn thấy một cuộc chiến tranh thế giới như thế nữa.
Nhưng chưa đầy 20 năm sau, Thế Chiến II bùng nổ trở lại (Đức bắt đầu xâm chiếm Áo/Austria vào tháng 3 năm 1938).
Mong ước hòa bình vĩnh cửu
Tổng thống Woodrow Wilson mong muốn xây dựng một trật tự thế giới mới khi nhìn thấy những gì xảy ra trong Thế Chiến I. Năm 1917, ông quyết định đưa Mỹ tham chiến với mục tiêu làm cho thế giới "an toàn cho dân chủ" [2]. Sau Thế Chiến I, Wilson muốn thành lậpLiên đoàn Quốc gia, The League of Nations, với mục tiêu chính là duy trì bảo vệ hòa bình [3].
Các chủ trương chính của Wilson là : phòng ngừa sự leo thang chiến tranh qua các biện pháp như an ninh và giải giới tập thể (collective security and disarmament). Tìm cách giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng thương thuyết và phân xử (arbitration). Arbitration ở đây là những người có chuyên môn được tín nhiệm, độc lập và khách quan để giải quyết các tranh chấp. Ngoài ra, những vấn đề khác như buôn bán người, thuốc phiện, trao đổi vũ khí, tù binh, sức khỏe toàn cầu v.v… cũng nằm trong các quy định của Liên đoàn Quốc gia. Liên đoàn Quốc gia được chính thức thành lập năm 1919, và các quy ước được thông qua ngày 10 tháng Giêng năm 1920. Cho đến ngày 23 tháng Hai năm 1935, Liên đoàn Quốc gia có 58 thành viên. Nhưng sau đó, nó trở thành bất lực, vô hiệu quả, vì không ngăn chặn được Thế Chiến II.
Một trong những nguyên do là vì Tổng thống Wilson, tuy là người đề xuất nó, nhưng quốc hội Mỹ không ủng hộ, và do đó Mỹ chưa bao giờ là một thành viên.
Cũng cần nói thêm rằng, phần lớn người dân Mỹ và quốc hội Mỹ, nơi đại diện tiếng nói người dân, không muốn Mỹ tham chiến. Chỉ khi nào lãnh thổ/hải hay quyền lợi quốc gia của họ bị đe dọa thì sự ủng hộ mới gia tăng. Còn không thì đa số người dân Mỹ đều chống lại chiến tranh. Chỉ sau Thế Chiến II, khi sức mạnh của Mỹ trở nên vô địch, vượt qua Anh, và với mục tiêu duy trì hòa bình, chống lại các thế lực từ độc tài đến cộng sản, mối đe dọa hàng đầu cho thế giới tự do, thì Mỹ mới tham chiến nhiều hơn, như chiến tranh với Bắc Hàn, với miền bắc Việt Nam, v.v…
Nhưng ngay cả khi như thế, thành phần phản chiến tại Mỹ vẫn nhiều và mạnh đến độ họ đã có những tác động rất lớn lên chính sách của chính quyền Mỹ.
Sự kết hợp giữa hiện thực và cấp tiến
Trong Thế Chiến II, Mỹ cũng không muốn tham chiến. Đa số người Mỹ, nhất là quốc hội, không ủng hộ chiến tranh. Nếu Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, thì không biết khi nào Mỹ mới chịu tham chiến. Và như thế thì hệ quả Thế Chiến II có thể khác một chút, dù kết quả có thể không khác. Lý do trên hết là vì nếu nước Anh thất trận, không chống cự lại được sức mạnh quân sự của Đức Quốc Xã, thì bên kia bờ Đại Tây Dương chỉ còn Canada và Mỹ thôi. Như thế, toàn cuộc chiến sẽ kéo dài hơn, chết chóc nhiều hơn, và việc đổ bộ tấn công ở mặt trận Châu Âu, cái mà ngày nay gọi là D-Day, bãi biển Normandy của Pháp (Operation Overlord), ngày 6 tháng 6 năm 1944, mặt trận thứ hai của phe Đồng Minh/Allied, sẽ khó khăn vô cùng.
Tổng thống thứ 32 của Mỹ, Franklin Delano Roosevelt (FDR), là người có tầm nhìn rất xa. Roosevelt cho rằng, nếu Mỹ không ủng hộ Anh, Liên Xô, và các nước đồng minh khác chống lại trục Đức, Nhật và Ý, thì khi toàn Châu Âu, và nhất là nước Anh sụp đổ, họng súng của Đức và Ý sẽ chỉa về Mỹ và Canada, và ông ví khoảng cách giữa hai bên chỉ còn là họng súng.
Ngược giòng thời gian, vào thời điểm Thế Chiến I, Roosevelt là Thứ trưởng, và có lúc đóng vai Bộ trưởng Hải quân, phục vụ cho Tổng thống Wilson. Vì ông từng trải nghiệm Thế Chiến I, nên ngay cả trước khi Mỹ tham chiến, và trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Roosevelt đã tính đến việc phải chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình thật sự cho thế giới. Lý tưởng và tư tưởng của FDR có thể nói khá tương đồng với Tổng thống Wilson.
Theo các dữ kiện/tài liệu lịch sử, thì khoảng một năm sau biến cố Pearl Harbor, tổng thống Mỹ Frank Roosevelt gặp Thủ tướng Canada Mackenzie King (người nắm giữ chức vụ này lâu đời nhất tại Canada, trên 21 năm) tại văn phòng bầu dục [4]. Lần gặp mặt này, tuy Mỹ chỉ mới chính thức tham chiến, và viễn ảnh chiến tranh chấm dứt vẫn còn khá xa vời, Roosevelt hoàn toàn tin tưởng vào thế tất thắng của phe đồng minh. Nhưng điều Roosevelt quan tâm hơn là viễn ảnh tương lai : làm thế nào để xây dựng một thế giới hợp tác và cạnh tranh chứ không phải đối đầu và chiến tranh nữa. Nên nhớ lịch sử thế giới, cho đến thời điểm đó, phần lớn mang đậm nét chiến tranh, xung đột, đế quốc thực dân, chủ nghĩa thương mại bảo hộ và chế độ bóc lột.
Roosevelt không thể tiếp tục ủng hộ một thế giới trật tự như thế nữa. Viễn kiến của Roosevelt là : một, phải làm cho Trục Quyền (Axis powers, gồm Đức Ý Nhật) đầu hàng hoàn toàn vô điều kiện ; hai, phải yêu cầu Anh quốc và Pháp quốc không tái xây dựng đế quốc của họ khắp nơi như trước đây. Theo Roosevelt, thì cần phải xây dựng một thế giới mà tự do và quyền tự quyết quốc gia có tác dụng bao quát hơn ; ba, Roosevelt mong muốn một thế giới có tự do mậu dịch, thương mại, nhưng cũng cần dựa trên luật lệ rõ ràng và cơ cấu hẳn hoi để qua đó, các bất đồng hay tranh chấp chính trị có thể được giải quyết một cách ôn hòa.
Những ý tưởng hình thành Liên Hiệp Quốc đã có từ năm 1939. Nội dung của "Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc" đã được soạn thảo tại Nhà Trắng vào ngày 29 tháng 12 năm 1941 bởi Roosevelt, Winston Churchill và người cố vấn của Roosevelt là Harry Hopkins. Roosevelt mất ngày 12 tháng Tư năm 1945. Hơn 2 tuần sau, Đức Quốc Xã sụp đổ, và Hitler tự tử ngày 30 tháng Tư năm 1945. Trước đó 5 ngày, 25 tháng Tư năm 1945, 50 chính phủ quốc gia gặp nhau ở hội nghị tại San Francisco để soạn Hiến chương Liên Hiệp Quốc. 25 tháng Sáu, nó được thông qua, và 24 tháng 10 năm 1945 nó bắt đầu có hiệu lực. Liên Hiệp Quốc bắt đầu hoạt động một cách chính thức. Ông Roosevelt không sống để nhìn thấy được thành quả và viễn kiến của mình.
Quả thật Roosevelt là người vừa lý tưởng vừa hiện thực. Ông mong muốn hòa bình, thay vì chiến tranh, và mong Liên Hiệp Quốc là nơi, là tổ chức, có thể giải quyết các xung đột. Cũng là người thực tiễn, ông từng nói rằng muốn duy trì trật tự, muốn bảo vệ hòa bình, mà không có thực lực, không có cảnh sát, không có đủ thế lực để duy trì và thực thi pháp luật, thì mọi mong ước cũng chỉ là ước mong.
Được thiết kế với triết lý cấp tiến nhưng ràng buộc bởi hiện thực, giới lãnh đạo chính trị Mỹ đầu thập niên 1940 đã cho ra đời các định chế quốc tế, ngay cả trước khi Thế Chiến II chấm dứt, bao gồm : Liên Hiệp Quốc năm 1945 (United Nations) ; Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại năm 1947 (General Agreement on Tariffs and Trade/GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organisation/WTO) ; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund/IMF) và Ngân hàng Tái Xây dựng và Phát triển Quốc tế (the International Bank for Reconstruction and Development/IBRD, sau này là Ngân hàng Thế giới/World Bank) thành lập năm 1944, hoạt động năm 1946. Thế giới đã thay đổi lớn lao và toàn diện nhờ sự hợp tác và tương thuộc qua các định chế quốc tế từ đó đến nay.
Cấu trúc của Liên Hiệp Quốc bao gồm nhiều thứ, nhưng hai cơ chế quan trọng nhất là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Security Council), và Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (General Assembly).
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, trên lý thuyết, là mọi quốc gia thành viên có tiếng nói như nhau. Đó là lý tưởng (Idealism), mang đặc tính của chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (Liberal international).
Còn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chủ yếu mang tính chủ nghĩa hiện thực (Political Realism).
Nói cách khác, cấu trúc của Liên Hiệp Quốc được thiết kế bởi hai luồng tư tưởng : vừa thực tế vừa lý tưởng (International Liberalism and Political Realism).
Vài lời kết
Hòa bình là mục tiêu cao cả cho nhân loại. Nhưng giới lãnh đạo chính trị của mọi quốc gia phần lớn, nếu không phải là tất cả, đều mang trong mình máu hiện thực. Vẫn có những lãnh đạo quốc gia (Stateman/statemanship) có lý tưởng thật, yêu chuộng hòa bình thật. Nhưng cũng như mọi người khác, khi bị đe dọa, nhất là các đe dọa sống còn, thì họ phải hành động thực tế để bảo vệ an ninh của công dân mình.
Lãnh đạo quốc gia nào cũng được người dân mong đợi là có tài lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, đe dọa v.v... An ninh của mọi thời đại, tuy khác nhau, nhưng đều có thử thách. Vì thế, tính thực tiễn thực dụng là những kỹ năng và khả năng phải có trong mọi lãnh đạo.
Theo học giả Fareed Zakaria, thì sau Thế Chiến II và bức điện thư của George Kennan vào năm 1946, vào tháng 2 năm 1947, Tổng thống Harry Truman đã gặp gỡ các cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao nhất của mình, George Marshall và Dean Acheson, và một số lãnh đạo quốc hội. Chủ đề thảo luận là kế hoạch của chính quyền Mỹ để hỗ trợ chính phủ Hy Lạp trong cuộc chiến chống lại cuộc nổi dậy của cộng sản. Sau khi nghe Marshall và Acheson trình bày kế hoạch, Arthur Vandenberg, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, đã lắng nghe một cách chăm chú và sau đó đưa ra lời cảnh báo ủng hộ. Vandenberg nói với Truman : "Cách duy nhất ông sẽ đạt được những gì ông muốn là thực hiện một bài phát biểu làm cho cả nước sợ hãi". Trong vài tháng tiếp theo, Truman đã làm điều đó. Ông đã biến cuộc nội chiến ở Hy Lạp thành một phép thử về khả năng của Mỹ trong việc đối đầu với chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Suy ngẫm về những lời hùng biện của Truman về việc hỗ trợ các nền dân chủ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, Acheson thú nhận trong hồi ký của mình rằng, chính quyền đã đưa ra lập luận "rõ ràng hơn sự thật".
Xét cho cùng, dù các lãnh đạo quốc gia có lý tưởng và cấp tiến đến mấy đi chăng nữa, họ vẫn phải rất thực tế để có sức thuyết phục và thực hiện thành công mục tiêu chính trị của mình.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 12/11/2020
Tài liệu tham khảo :
1. John Graham Royde-Smith, "World War I, 1914 - 1918", Encyclopædia Britannica ; Accessed 23 Ocober 2020.
2. "Woodrow Wilson", White House, Accessed 23 Ocober 2020.
3. John Milton Cooper, "Woodrow Wilson", Encyclopædia Britannica ; Accessed 23 Ocober 2020.
4. Phạm Phú Khải, "Việc lưu trữ và tập trung dữ liệu", VOA Tiếng Việt, 10 January 2019.
5. Fareed Zakaria, "The New China Scare", Foreign Affairs, January/February 2020.
Các chính sách ngoại giao của Mỹ, từ chính quyền Trump hiện nay, hay của Biden trong bốn năm tới nếu đắc cử kỳ này, đều có nguồn gốc sâu xa của vài trăm năm trước, nếu không phải hàng ngàn năm trước.
Các chính sách ngoại giao của Mỹ đều có nguồn gốc sâu xa của vài trăm năm trước - Hình minh họa.
Mỗi quốc gia đều có những yếu tố lịch sử và văn hóa, cũng như bao yếu tố khác, tiếp tục ảnh hưởng và định hình các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Quan hệ quốc tế, hay chính trị quốc tế, đã có từ thời xa xưa.
Chiến tranh giữa thành Sparta và Athens, chẳng hạn, là một trong các chiến sử lâu đời nhất được ghi chép bởi sử gia Thucydides (History of the Peloponnesian War), xảy ra vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Thucydides được xem là cha đẻ của môn sử học (scientific history) khi ông ghi chép lại một cách khách quan và khoa học cuộc chiến này, dựa trên dữ kiện, tiêu chuẩn không thiên vị (standards of impartiality), và khả năng phân tích nguyên nhân và hệ quả của cuộc chiến. Phải nói rằng sự đóng góp của Thucydides về mặt học thuật, cũng như cho học thuyết về hiện thực chính trị (political realism), là rất lớn lao. Nó định hình tư tưởng chính trị lâu nay, tạo ra một khung sườn để các học giả phân tích quan hệ/chính trị quốc tế, trước đây và hiện nay [1]. Tác phẩm "Chiến tranh sẽ đến, Mỹ và Trung Quốc có thoát khỏi bẫy Thucydides không" (Destined for War : Can America and China Escape Thucydides’s Trap ?) của học giả Graham Allison, gây sự chú ý và ảnh hưởng toàn cầu, là một ví dụ [2].
Có thể nói quan hệ/chính trị quốc tế vô cùng phức tạp, như cơ thể con người. Để hiểu sự vận hành của từng bộ phận con người, người ta chia cơ thể con người ra thành từng phần, như bộ não, tim, gan, thận, và phổi ; hoặc nếu chia ra thành từng hệ thống sinh học thì có hệ thống tuần hành, tiêu hóa, miễn nhiễm, nội tiết, bạch huyết, thần kinh, cơ bắp, sản sinh, xương, hô hấp, da/vảy v.v… [3]. Sự tương tác giữa các bộ phận và các hệ thống trong cơ thể con người, nhất là khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, quả thật rất phức tạp. Nguyên nhân và hệ quả có khi phải truy từ lúc còn trong bụng mẹ hay những năm đầu của tuổi thơ ấu.
Quan hệ/chính trị quốc tế còn phức tạp hơn, khi nó là sự tập hợp của hàng tỷ tương tác giữa con người với nhau trên bình diện cộng đồng, quốc gia, xuyên quốc gia và toàn cầu. Muốn hiểu quan hệ/chính trị quốc tế, người ta cần hiểu về khoa học chính trị, địa lý, lịch sử, kinh tế, luật pháp, xã hội học, tâm lý và triết học. Hơn nữa, ngày nay chúng ta cũng cần biết thêm về văn hóa, ý thức hệ/tư tưởng chính trị, khoa học kỹ thuật, truyền thông/xã hội, thay đổi khí hậu, an ninh mạng, dịch bệnh như Covid-19, v.v…
Ngược giòng thời gian, sau Thế Chiến I, và II, và giữa hai thế chiến, giới tinh hoa tại Bắc Mỹ và Âu châu càng nhận thấy có nhu cầu lớn để tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả đưa đến chiến tranh. Nhu cầu này đưa đến việc thúc đẩy nghiên cứu quan hệ quốc tế. Kể từ đó, các tổ chức tư nhân/phi chính phủ đã được thành lập, với các khoản tài trợ từ thiện đáng kể đã hình thành, nhằm hỗ trợ cho các tạp chí học thuật, viện đào tạo, hội nghị và hội thảo, và để kích thích nghiên cứu của trường đại học [4]. Bao nhiêu tài liệu từ các kho lưu trữ của các nước liên hệ, với các dữ kiện quan trọng lịch sử được khám phá, từ quan hệ đồng minh, ngoại giao, kế hoạch quân sự, cho đến các khía cạnh chính trị, xã hội, kinh tế và tâm lý, cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chủ nghĩa dân tộc, đế quốc và thực dân cũng được đào sâu để tìm hiểu tác động của nó lên quan hệ quốc tế.
Tuy có những nỗ lực đáng kể như thế, vậy mà vẫn chưa có một khung sườn lý thuyết nào có thể tạm thỏa mãn được.
Sau Thế Chiến II, một số học giả đã tìm cách lý giải chính trị, nhất là chính trị quốc tế, trước hết là bằng lý thuyết, một cách hệ thống và khoa học hơn.
Tác phẩm "Chính trị giữa các quốc gia" (Politics among nations) củaHans Morgenthau, ấn bản đầu tiên ra đời năm 1948, đã đáp ứng được nhu cầu đó [5]. Tác phẩm "gối đầu giường" kinh điển này đã có những ảnh hưởng lớn lao tại Hoa Kỳ và Anh quốc vào thời điểm đó. Những nước như Úc, Canada và New Zealand, trực thuộc Anh, cũng chịu ảnh hưởng lớn lao bởi tác phẩm này.
Nhưng tác phẩm của Morgenthau không tồn tài lâu dài, vì những giới hạn của nó. Morgenthau xoay quanh các lập luận của mình về quyền lực nhà nước và bản chất con người. Tuy giải thích được nhiều khía cạnh nhưng chính trị quốc tế phức tạp hơn thế nhiều.
Sau đó, nhiều học giả đưa ra bao lý thuyết khác nhau để cố gắng lý giải quan hệ/chính trị quốc tế như những gì đã và đang xảy ra. Nhưng mỗi lý thuyết đều có giới hạn của nó. Đầu thập niên 1970s, các học giả cảm thấy có nhu cầu cộng tác với nhau. Tác phẩm đầu tiên có ảnh hưởng rộng lớn hơn vì nội dung bao quát hơn có tên "Chính trị Quốc tế : Các khái niệm lâu dài và các vấn đề đương đại" (International Politics : Enduring Concepts and Contemporary Issues) [6]. Tác phẩm này được sự cộng tác rộng rãi bởi những chuyên gia hàng đầu trong chính trị quốc tế vào thời đó mãi cho đến ngày nay, trong đó có Hans Morgenthau, Kenneth Waltz, Joseph Nye Jr., Robert Gilpin, G. John Ikenberry, Stephen Walt v.v... Tác phẩm này ra mắt ấn bản đầu tiên vào năm 1973, do hai giáo sư Robert Art và Robert Jervis biên tập, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia. 43 năm sau, vào năm 2017, phiên bản thứ 13 được phát hành, với thêm nhiều chuyên gia hàng đầu ngành này. Những ai muốn tìm hiểu về chính trị quốc tế thì đây là một trong những tác phẩm phải đọc. Tất nhiên, muốn đi sâu hơn thì phải tìm đọc những tác phẩm riêng và chuyên sâu c ủa từng tác giả trong này và nhiều chuyên gia khác.
Đây là một tác phẩm kinh điển bởi nó bao gồm những ý tưởng, khái niệm chính yếu, với tham vọng lý giải được những vấn đề bao quát của chính trị quốc tế. Thêm vào đó, tác phẩm cũng trình bày các vấn đề lớn mang tính chiến lược và quyết định trong thời điểm hiện nay.
Phần Một, chẳng hạn, bao gồm các lý thuyết và các triết lý về chính trị thế giới. Đó là vì hệ thống chính trị quốc tế mang đặc tính Vô chính phủ, và vì vậy có những hệ quả của nó. Trong phần một có đề cập đến quyền lực, nguyên tắc, đạo đức, Lý thuyết Trò chơi/Game Theory, cách lý giải về chiến tranh, quốc phòng, hợp tác/liên minh giữa các quốc gia, cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, nền ngoại giao tương lai, về luật quốc tế và các giới hạn của nó, và các định chế quốc tế v.v…
Phần Hai là về Sử dụng Lực (the Uses of Force) : từ Lực quân sự, hay vũ lực, cho tới khủng bố, rồi đến đối kháng dân sự. Và quan trọng nhất, là vấn đề vũ khí hạt nhân.
Phần Ba nói về Nền Kinh tế Chính trị Quốc tế và Toàn Cầu hóa (International Political Economy and Globalisation). Robert Gilpin là một trong các chuyên gia hàng đầu về kinh tế chính trị, bởi theo ông, kinh tế không bao giờ thuần túy là kinh tế, mà luôn bị tác động bởi yếu tố chính trị trong đó. Chẳng hạn như Thương Chiến Mỹ Trung hiện nay. Ngoài ra còn các đề tài Sự Tương thuộc Kinh tế và Chiến tranh, cũng như vấn đề Thương mại Tự do hay Thương mại Công bằng, tức Free Trade vs Fair Trade.
Phần Ba cũng nói về sự toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay, vấn đề lao động, tư bản v.v… Trong phần này có đề cập đến vấn đề trí tuệ nhân tạo/Artificial Intelligence, tự động/Automation, người máy/Robotics, và các tác động/ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế và chính trị cũng như quan hệ quốc tế trong tương lai.
Phần Bốn phân tích các vấn đề chính trị quốc tế đương đại, bao gồm khủng bố, sự trỗi dậy của Trung Quốc, nội chiến, nhân quyền, thay đổi thể chế/chế độ, sự can thiệp mang tính nhân đạo ; về các tác nhân xuyên quốc gia, đến các thế lực mới đang trỗi lên. Về Hội đồng Bảo an LHQ. Về Tương lai của Trật tự Thế giới Cấp tiến (Liberal International/World Order).
Phần Bốn cũng đề cập đến các vấn đề nổi bật hôm nay như Các Hệ quả Chiến lược về Thay đổi Khí hậu ; về sự chuyển dịch quyền lực và xói mòn/xuống cấp của Tây phương ; về Tương lai của Liên hiệp Âu châu ; và khả năng của một thế giới đa cực trong tương lai.
Hy vọng một ngày nào đó, sẽ có người Việt Nam dịch ra tiếng Việt cuốn sách này để đến được độc giả Việt Nam nhiều hơn.
Chính trị quốc tế quả là phức tạp.Mỗi chuyên gia, học giả, nghiên cứu, bình luận, sẽ đều có những phân tích nhận định riêng. Những nhận định đó đều dựa trên tư duy , kinh nghiệm sống và trải nghiệm riêng, cũng như những giả định của chính họ. Điều đáng nhớ là trong mọi phân tích, lý luận, thì luôn luôn có những giả định nào đó. Lý do vì là con người cả, chúng ta không thể nào biết hết mọi vấn đề, và không thể nào nắm bắt được hết sự thật. Thêm vào đó, có những vấn đề mà nguyên nhân và hệ quả kéo dài cả hàng ngàn năm, như tư tưởng và văn hóa chính trị của một dân tộc, chẳng hạn. Nếu không tìm ra được nguồn gốc vấn đề thì không thể nào lý giải và giải quyết nó một cách rốt ráo.
Trong khi đó, các nguồn tiếng Việt về chính trị quốc tế phần lớn là một chiều, bênh hoặc chống, một cách cực đoan, thiếu tính khoa học, thiếu sự công bằng và tính khách quan vô tư.Nghiên Cứu Quốc Tế đang là một trong các nỗ lực hiếm hoi để đắp vào khoảng trống lớn lao đó.
Người Việt thường bác bỏ lý thuyết. Tôi từng có cơ hội trao đổi với một số bạn có trình độ, bằng tiến sĩ hay chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Khi nghe tôi nói sơ qua các lý thuyết chính trị, phần lớn, nếu không phải tất cả, đều cho rằng sao mà rắc rối phiền phức và rảnh rỗi thế. Đa số người Việt thực tế và thực dụng. Chúng ta không có triết gia là vì thế. Nhưng người ta quên rằng, tất cả chúng ta đều sử dụng lý thuyết và tư tưởng chính trị, ít hay nhiều, ngay trong ngôn ngữ hằng ngày của mình. Cộng sản, phát xít, độc tài, toàn trị, v.v… đều là các thuật ngữ chính trị chuyên sâu. Các lãnh đạo chính trị quốc gia, ngay cả khi bác bỏ lý thuyết cho nó không thực tiễn, nhưng khi gặp phải những vấn đề nan giải, khi phải đi tìm những ý tưởng mới và những giải pháp mới cho các vấn đề mới mà chưa từng gặp, họ luôn phải đi tìm hay vay mượn các tư tưởng hoặc lý thuyết đã có nhưng không biết.
Như học giả Francis Fukuyama viết (và nhiều học giả khác từng nói), "Khả năng lý thuyết hóa là một yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công tiến hóa của loài người. Nhiều cá nhân thực dụng coi thường lý thuyết và khả năng lý thuyết hóa, nhưng họ lại luôn hành động dựa trên các lý thuyết ngầm ẩn nào đó mà họ đơn giản không nhận ra. Kinh tế học hiện đại dựa trên một lý thuyết như vậy, cho rằng con người là những kẻ "tối đa hóa lợi ích duy lý" : họ là những cá nhân sử dụng khả năng nhận thức mạnh mẽ của mình để tìm kiếm tư lợi. Gắn liền với lý thuyết này là một số giả định". [7]
Các lý thuyết quan hệ/chính trị quốc tế này là gì, và các giả định của nó ra sao ? Xin mời quý độc giả theo dõi các bài viết tiếp theo.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 26/10/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Arnold Wycombe Gomme, "Thucydides ", Encyclopædia Britannica ; Accessed 23 Ocober 2020.
2. Graham Allison, "The Thucydides Trap ", Foreign Policy, 9 June 2017.
3. Rachel Rettner, "The Human Body : Anatomy, Facts & Functions ", Live Science, 10 March 2016.
4. Charles A. McClelland, "International Relations ", Encyclopædia Britannica ; Accessed 23 Ocober 2020.
5. Hans Morgenthau, Politics Among Nations : the struggle for power and peace, Alfred Knopf, 1st edition 1948 ; 5th edition, 1972.
6. Robert J. Art and Robert Jervis, International Politics, Enduring Concepts and Contemporary Issues, Pearson, 13rd edition, 2017.
7. Francis Fukuyama, "Phần thứ ba của tâm hồn và nguồn gốc của ‘chính trị bản sắc’ ", Nghiên Cứu Quốc Tế, 17 October 2020 ; Bài viết lấy từ chương 2 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ (Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.