Dư luận đang tỏ ra bức xúc vì câu trả lời của một quan chức nhà nước có liên quan tới ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự hung hãn của Trung Quốc. Quan chức bị nêu tên là bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia khi duyệt bộ phim hoạt hình "Everest : Người tuyết bé nhỏ" do Trung Quốc sản xuất trong đó có 4 lần xuất hiện tấm bản đồ có hình lưỡi bò nhưng bộ phim vẫn được cho qua và công chiếu liên tục trong nhiều ngày tại các rạp hát thành phố. Khi được báo chí phỏng vấn bà Hồng Ngát cho rằng "'Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên'...
Bộ phim hoạt hình "Everest : Người tuyết bé nhỏ" do Trung Quốc sản xuất trong đó có 4 lần xuất hiện tấm bản đồ có hình lưỡi bò
Mấy giây mà bà Hồng Ngát nói cho thấy điều gì ?
Nó cho thấy đây là một sự thật đang diễn ra trong hệ thống chính quyền lẫn đảng viên các cấp bởi họ sống và làm việc quá lâu trong một môi trường bịt tai, nhắm mắt chỉ suy nghĩ những điều đảng nhối vào sọ về vấn đề Biển Đông nên lâu dần những lý do được gọi là "đại cục’ là 4 tốt hay 16 chữ ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận rất lớn đang ăn cơm đảng để tồn tại.
Có hàng triệu người như bà Hồng Ngát trong hệ thống không biết đường lưỡi bò là đường gì và tác hại của nó đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra sao. Trong thâm tâm của họ, đường lưỡi bò là một chủ đề lớn mà đảng và chính phủ đang cố gắng giải quyết. Cách giải quyết ấy nằm trong tinh thần hai nước anh em và truyền thống cách mạng của hai đảng không thể vì một vấn đề tranh chấp nhỏ bé mà làm hỏng đại cục.
Vậy đại cục là gì mà Việt Nam tỏ ra trân trọng đến mức đáng ngạc nhiên như vậy ?
Đại cục là tinh thần chủ nghĩa xã hội mà hai nước đang theo đuổi mặc dù ai cũng biết nó mơ hồ và không thể nào hiện hữu trong thế giới thực. Tuy nhiên đối với những người mang trên vai hai chữ đảng viên thì ý thức về Chủ nghĩa xã hội phải được nhân rộng và bảo vệ hết lòng vì nhờ có nó mà đảng sống sót, mà đảng sống thì đảng viên không thể chết, vì vậy hiện tượng nhắm mắt nhận một chủ thuyết vô lý làm kim chỉ nam đang làm cho hệ thống không những khó hiểu đối với quần chúng mà còn gây phẫn nộ trong những nhóm trí thức sớm biết sự giả dối và lừa lọc của đảng.
Đường lưỡi bò xuất hiện đã lâu trên hệ thống internet do ảo tưởng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc. Cứ mỗi lần chúng xuất hiện tại Việt Nam đều do người dân phát hiện và hô hoán lên để gỡ bỏ nó xuống. Tại Cam Ranh khi du khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò cũng do hành khách Việt Nam phát hiện. Tại Đà Nẵng, Nha Trang rải rác những vụ tương tự được bày ra trên mạng xã hội và nhà nước im lặng giải quyết một cách "ổn thỏa" bất kể sự nóng giận của người dân.
Chưa có một quan chức nào làm việc cho nhà nước phát hiện sự xuất hiện của đường lưỡi bò ngoại trừ một lần duy nhất Hải quan thành phố HCM từ chối đóng thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu có đường lưỡi bò của du khách Trung Quốc.
Trong tâm thế ấy bà Hồng Ngát không phát hiện ra đường lưỡi bò trong một bộ phim dành cho thiếu nhi là điều dễ hiểu. Có thể bà Ngát không bao giờ chú ý cái hình đường lưỡi bò nó như thế nào thì làm sao bà ta có phản ứng một cách tích cực cho được ?
Câu trả lời của bà cho VOV được nhiều tờ báo trích dẫn lại nói lên một điều duy nhất : Bà xem dân như một thành phần hèn mọn không đáng cho bà bận tâm, vì hèn mọn nên bà đánh đồng nhân dân như một đám đông ô hợp, như một tập họp bầy đàn, cố nói quá lên một vấn đề nhỏ bé và từ đó bà thản nhiên phán quyết "Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên".
"Làm quá lên" là trạng thái nông nổi, độc ác, có chủ đích gây chú ý vào một yếu tố nhỏ nào đó nhằm bôi xấu, hạ nhục hay chí ít là lên án một cách máy móc người vô tình có phát ngôn hay hành động ngoài chủ ý. Bà Hồng Ngát từng nổi tiếng là nhà thơ, đạo diễn nhưng lại không ý thức được sự xuất hiện của đường lưỡi bò trong một bộ phim được công chiếu cho khán giả Việt Nam có tác dụng xấu như thế nào đến nhận thức bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Bà có vẻ đã chai lì ý thức khi cho rằng "Có mấy giây thôi" sẽ không có gì mà ầm ỉ, bà quên sự hệ trọng của chính sách tuyên truyền của cộng sản mà Trung Quốc là bậc thầy của Việt Nam.
Người dân Việt Nam có vẻ không còn sống hồn nhiên trong vũng bùn ý thức hệ mà đảng cộng sản cố tình dìm cả dân tộc vào nó trong hơn một thế kỷ đã qua. Nhân dân phải "làm quá lên" để mang ra ánh sáng những con sâu đang gậm nhấm từng tấc đất của đất nước ngay cả bởi sự ngu muội và vô ý thức của những người trách nhiệm như bà Hồng Ngát.
Chĩ cần mấy giây cũng đủ làm cho thanh thiếu niên Việt Nam tê liệt ý thức chống ngoại xâm khi quen thuộc với hình ảnh đường lưỡi bò trong tư duy của chúng. Chỉ cần mấy giây cán bộ sẽ yên tâm đếm tiền vì không ai nói với họ rằng đường lưỡi bò đã nằm trên từng đồng nhân dân tệ mà họ đang đếm. Chỉ cần mấy giây thôi giới chức trách nhiệm cao nhất sẽ tự đánh lừa mình rằng đường lưỡi bò chỉ là một thứ hình ảnh tuyên truyển vô hại vì nó không làm cho ai tin rằng nó hợp pháp và nó hiện hữu. Chỉ cần mấy giây thôi ngư dân Việt Nam sẽ yên tâm neo thuyền tại bến chờ nhà nước tiếp tục phát cờ ra khơi chống giặc…
Bà Hồng Ngát chỉ có một cái lỗi duy nhất là nói lên sự thật đang diễn ra trong con người bà và đồng chí chung quanh bà : đường lưỡi bò là một hình ảnh bình thường như bao hình cảnh khác đang xuất hiện chung quanh bà, nó không có vẻ gì nguy hiểm hay "phản động" cả thì tại sao phải chống nó bằng cách làm quá lên ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 15/10/2019 (canhco's blog)
Nếu hỏi một cán bộ thì câu trả lời này chắc chắn sẽ là : "Của dân, do dân và vì dân", nhưng một người dân sống ở Hà Nội sẽ cay cú : "Của ông Chung con", nếu hỏi tiếp những người dân đang xếp hàng lấy nước sạch để sinh hoạt thì câu trả lời sẽ là "Của ai không biết nhưng chắc chắc không phải là của dân".
Họ làm gì khi bụi mịn xuất hiện đe dọa sức khỏe của người dân toàn Thủ đô với dự báo từ một cơ quan đa quốc gia là chỉ số ô nhiễm của Hà Nội đã lên mức top của thế giới ?
Câu trả lời thứ ba có lẽ chính xác nhất bởi người dân đã nhận ra sự thật về cái được gọi là chính quyền một cách nghiêm túc. Đối với dân chính quyền là người đại diện được bầu lên (mặc dù cái sự bầu ấy có rất nhiều khuất tất) và bổn phận duy nhất của họ là phục vụ nhân dân. Dĩ nhiên sự phục vụ ấy được trả công rất hậu hĩnh từ những đồng tiền thuế của dân và cả những bổng lộc không liệt kê ra nhưng ai cũng biết nó quan trọng và to lớn đến chừng nào. Những người có mặt trong cái chính quyền ấy mỗi người thực hiện một phần việc theo đúng chức năng mà một công chức phải làm. Người đứng đầu cái cơ quan công quyền ấy phải chịu trách nhiệm điều hành xã hội, tức là cộng đồng người dân đang chung sống. Trách nhiệm ấy bao gồm bảo vệ an ninh, tạo công ăn việc làm, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối phó thảm họa…tất cả những mục tiêu này được thực hiện qua các nhóm chuyên gia am hiểu từng lĩnh vực và người lãnh đạo cao nhất phải biết phối hợp sao cho hợp lý và hiệu quả.
Chính quyền Hà Nội không làm thế, họ làm khác với quy luật mà cả thế giới đang tuân thủ và vì vậy người dân có nghĩ rằng không biết chính quyền này của ai cũng là điều bình thường.
Họ làm gì khi bụi mịn xuất hiện đe dọa sức khỏe của người dân toàn Thủ đô với dự báo từ một cơ quan đa quốc gia là chỉ số ô nhiễm của Hà Nội đã lên mức top của thế giới ? Xin thưa họ báo cho dân biết chỉ số bụi mịn vẫn trong mức an toàn vì khi mưa xuống thì bụi mịn sẽ tự biến mất. Họ không đưa ra bất cứ biện pháp phòng tránh nào cho người dân để họ có thể tự bảo vệ lấy gia đình mình khi chính quyền vắng mặt.
Hết bụi mịn lại tới ô nhiễm nguồn nước sạch, chính quyền vẫn vô tư đối phó như một bà nhà quê chạy ra chợ mua bó rau về chữa bệnh cho người nhà khi bị cảm lạnh.
Chính quyền của ông Chung con cho xe chở nước sạch phân phối khẩn cấp cho dân chúng sinh hoạt nhưng những chiếc xe bồn ấy lại lấy nước từ chỗ không sạch kết quả là người dân chờ trắng mặt để được vài chục lít nước nhưng khi ngửi chúng thì nhận ra mùi nồng nàn không khác gì nước cống của sông Đà đã bị ô nhiễm. Cách làm này không thể có cách gọi nào khác ngoài hai chữ "khinh dân".
Báo chí loan tin : Hà Nội dùng xe tưới nước, rửa đường để... cấp nước sạch miễn phí cho dân. Vậy là người dân bị lừa một lần nữa vì không ai dám nói nước dùng để tưới và rửa đường là nước sạch, chỉ có chính quyền Hà Nội là đồng tình với việc này mà thôi. Họ bất kể người dân sẽ ra sao miễn là đối phó khủng hoảng được lúc nào hay lúc ấy.
Nguyên do nước đầu nguồn dẫn về Hà Nội bị ô nhiễm vì có kẻ gian đã lén đổ dầu cặn đã qua sử dụng xuống nước khiến nước cả một vùng rộng lớn của Hà Nội không thể uống hay tắm rửa được. Chiều 15/10, ngày thứ 6 liên tiếp nước sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... vẫn bốc mùi khó chịu do chất Styren có tỷ lệ cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 - 3,6 lần.
Thông tin từ báo chí cho biết như vậy nhưng người dân vẫn không hề biết chất Styren sẽ gây nguy hiểm gì cho người vô tình sử dụng nó, về lâu về dài hậu quả của nó ra sao và người bị nhiễm bệnh bời Styren phải làm gì để ngăn chặn hay loại bớt nguy hiểm mà nó gây ra ? Những câu hỏi này hình như không phải trách nhiệm trả lời của chính quyền nên cho tới hôm nay đã hơn một tuần vẫn không có bất cứ một thông báo nào cho dân biết cả.
Ngay cả việc xác nhận nước bị ô nhiễm thì chính quyền cũng làm rất khác hành động của một chính quyền thông thường. Bên cạnh sự im lặng rất "quen thuộc" của chính quyền Hà Nội là sự trí trá của những kẻ trong các ban bệ của các nơi có liên quan tới việc nguồn nước bị ô nhiễm. Trước tiên là ông Vũ Đức Toản đại diện nhà sản xuất, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khăng khăng nói rằng nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Nhưng chỉ vài ngày sau, sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nguyên nhân "mùi lạ" trong nước sinh hoạt của dân Hà Nội là một xe tải đổ dầu thải ra suối rồi dầu thải này đổ về khu vực kênh dẫn nước của Nhà máy nước Sông Đà (Viwasupco).
Tuy nhiên ông Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình vẫn khẳng định với báo chí rằng, không có việc ô nhiễm môi trường đầu nguồn, việc nước sinh hoạt Hà Nội có mùi lạ không liên quan gì tới nguồn nước trên này. "Nguồn nước đầu vào nhà máy nước sông Đà không vấn đề gì".
Bọn họ cứ nói, cứ tránh né trách nhiệm và người dân Hà Nội cứ tiếp tục xếp hàng xin nước sạch từ sự hảo tâm của chính quyền. Những giọt nước quý giá khiến người dân bừng tỉnh về số phận của mình, họ như những công dân hạng hai chỉ được im lặng và chờ đợi. Công dân hạng nhất là những cán bộ cao cấp, những đại gia, những công thần của chế độ không cần phải xếp hàng vì nước sạch vẫn chảy về tận nhà của họ bằng cách nào đó chỉ có họ mới biết. Styren hay bất cứ loại hóa chất độc hại nào không thể xâm nhập vào nhà của họ được bởi họ được bảo vệ bởi lý lịch, bởi đồng tiền và bởi sự vô cảm chính trị của người dân.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 16/10/2019 (canhco's blog)
Qua hai số báo ngày 23 và 25/9, báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có loạt bài phóng sự điều tra về hoạt động tàn phá môi trường tại Vườn quốc gia Bà Nà và Tam Đảo của tập đoàn Sun Group. Đó là các bài "Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo" và "Sun Group - "ông trời" không từ trên cao" đã gây dược tiếng vang lớn từ người đọc báo giấy lẫn mạng xã hội và quan trọng hơn cả cho đến nay đã gần một tuần lễ trôi qua những bài báo ấy vẫn còn hiện diện và không hề bị lấy xuống như thường thấy, kể cả sự nhắc nhở từ những người làm công tác kiểm duyệt báo chí.
Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo
Người đọc báo Việt đã quen với sự cam chịu nên sự việc một tờ báo "Phụ nữ" dám làm công việc khác thường là nêu đích danh một tập đoàn cỡ như Sun Group đã làm họ…thức tỉnh. Nhiều người trong đó có kẻ viết bài nay không tin rằng một tập đoàn như Sun Group lại có thể bị đánh một cách bài bản như câu chuyện mà báo Phụ Nữ nêu ra. Hầu như ai cũng biết các tập đoàn lớn đều được bảo vệ vòng trong vòng ngoài rất chặt chẽ thế nên một bài báo công phu và nhiều bất lợi cho tập đoàn như thế không phải là một việc thường thấy.
Đối với báo chí các nước phanh phui các bí ẩn bất hợp pháp của các tập đoàn kinh tế là công việc bình thường của một tờ báo miễn bài viết ấy căn cứ trên những bằng chứng mà tờ báo có thể chứng minh được và sự việc càng lớn thì thành công của tờ báo càng vang dội. Nó chính là sức mạnh thứ tư của tự do báo chí, sức mạnh ấy không những không tàn phá sự phát triển kinh tế của một quốc gia mà nó còn giúp cho quốc gia tôn trọng nó có thêm sức đề kháng trước những sâu mọt đục khoét tài sản cũng như môi trường mà nhiều nước xem là kẻ thù cần tiêu diệt.
Việt Nam thật ngoại lệ đối với sự phổ quát mà một nền báo chí độc lập cần có. Thật buồn lòng khi phóng viên nhiều tờ báo chưa bao giờ biết viết một bài phóng sự điều tra ra hồn, cái quen thuộc nhất của rất nhiều phóng viên là làm sao câu được độc giả bằng những mánh khóe hết sức thô thiển và vụn vặt. Tâm lý khó tin vào báo chí đã ăn sâu vào nhiều người và vì vậy khi báo Phụ Nữ đăng loạt bài Sun Group thì gần như ngay lập tức toàn mạng xã hội như bật dậy vì ngạc nhiên, vì thích thú và cũng rất nhiều người vì không tin được những gì mà tờ báo đang cố gắng mang đến cho họ.
Yếu tố làm nên điều bất ngờ này là mục tiêu mà báo Phụ Nữ nhắm tới. Nó là một tập đoàn lớn, đang làm mưa làm gió trên mảnh đất Việt Nam. Sun Group không những giàu có, đang bủa vây mọi ngóc ngách của nhiều địa chỉ đỏ của miền Trung nó còn là một vùng đất không thể đụng tới ngay cả nhắc tới với hàm ý chỉ trích cũng bị nhiều tờ báo tránh né. Sun Group đang chứng tỏ sự bất khả xâm phạm của nó bằng nhiều chỉ dấu trong đó có sức mạnh bịt miệng truyền thông như nó thường làm. Sun Group đang từng bước một làm thịt nguyên một vùng đất được xem là thảm thực vật nguyên sinh của quốc gia bằng đồng tiền bất chính thông qua những con người xem pháp luật chỉ là cuốn sổ tay của giám đốc. Sun Group đang bị buộc phải trả lời trước công luận về những hành vi mà nó âm thầm khuynh loát cả một hệ thống để mang tới vùng đất Tam Đảo những ma thuật mà không ai có thể nghĩ ra ngoại trừ những ma tăng, quỷ dữ như cái tên Thích Thanh Toàn của Địa Ngục tự.
Không phải tình cờ mà tờ báo mang câu chuyện Thích Thanh Toàn ở bài đầu tiên. Bởi vì gã ma tăng này là mắc xích mà người phóng viên có được trong lúc vừa đặt chân tới vùng đất mà Sun Group hết lòng phù phép cho mục đích của nó : dùng câu chuyện đơm đặt về tính chất linh thiêng của Địa Ngục tự để chiêu dụ con nhang, chuẩn bị cho hàng triệu người mê muội khác sẽ bị dẫn dắt trong tương lai vào con đường làm giàu cho Sun Group. Những chi tiết dâm dục trơ trẽn mạt hạng của dâm tăng Thích Thanh Toàn đã được nêu lên với những câu chữ không trau chuốt lại như thường thấy trong một bài phóng sự nhằm đánh động sự phẫn nộ của dư luận và cũng cảnh báo trước cho những ai còn nghi ngờ sự phóng đãng của một người tu hành qua ngòi bút của một nữ phóng viên. Những gì được miêu tả vượt lên sự tả chân, lột tả hết tính chất phi nhân không những của riêng Thích Thanh Toàn mà có lẽ nó nói lên được sự thật cả một quần thể người trong khuôn viên mà chúng cùng ký sinh trên vùng đất có tên Sun Group.
Tác giả bài báo đã từng chút một vạch ra những gì mà Sun Group từng làm để nhắm tới Tam Đảo II nơi nó đã thao túng những kẻ có trách nhiệm giữ gìn tài sản quốc gia để làm sạch hàng trăm héc ta rừng chuẩn bị những khu du lịch gọi là khu nghĩ dưỡng cao cấp cho giới giàu có. Rừng là của toàn dân nhưng Sun Group ngang nhiên giật chúng ra khỏi tay nhân dân để giao lại cho những kẻ lắm tiền nhiều của, mà đa phần những đại gia này là ai nếu không phải là những ông chủ của các tập đoàn tương tự như Sun Group. Chúng tạo sân chơi riêng mà trong đó nhân dân chỉ có quyền làm nô công phục vụ cho những ông chủ biết luồn lách, móc nối và thậm chí mua chuộc chính quyền để trở thành CEO, giám đốc, hay phụ tá…
Nhân dân chỉ được đến để đóng góp vào quỹ mê tín để được nghe Thích Thanh Toàn cầu kinh và nếu không may bị hắn nhắm vào thì có thể gia đình tan nát, thân thế tiêu vong.
Cái giá mà tờ báo lẫn phóng viên viết bài sẽ trả là rất lớn. Cái giá ấy có thể là kinh tế, là tiền đồ chính trị của Tổng biên tập hay thậm chí nồi cơm của cả tòa soạn nếu sức mạnh của Sun Group đủ để bứng cả tòa soạn ra đi bằng một lý do nào đó.
Cái giá ấy có thể tràn ngập lên gia đình bé nhỏ của người nữ phóng viên đầy can đảm dám hy sinh cả gia đình mình đề làm một việc mà ít ai dám làm trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chị là Nguyễn Thu Trang, có thể bị côn đồ hành hung, thậm chí mất mạng khi ra đường. Chồng chị cũng không ngoại lệ nếu Sun Group dám xem pháp luật là của họ. Kinh tế gia đình sẽ bị bao vây và đời sống riêng của gia đình bé nhỏ này sẽ thật sự thay đổi nếu Sun Group bị bài báo đưa vào đường cùng.
Một ngày trước đây vài kẻ dấu mặt đã có hành vi cụ thể đối với gia đình của người nữ ký giả gai góc này. Theo người chủ đất hiện cho gia đình chị thuê tại Xã Tiến Xuân huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội thì kẻ đến nói chuyện với họ có ý hăm dọa và đề nghị chủ đất không cho gia đình chị thuê nữa. Trên miếng đất nhỏ bé ấy nhà báo mở một quán nhỏ lấy tên là Hồng Cô Quán, bán café và ăn uống cũng như trồng hoa hồng để sinh nhai.
Riêng tờ báo thì hậu quả rõ ràng hơn đó là chấp nhận bị phạt 8% vì chấm dứt hợp đồng đăng quảng cáo của Sun Group.
Tuy Sun Group chưa chính thức lên tiếng nhưng người ta tin rằng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công bằng truyền thông bẩn lẫn nhưng bài viết nháp nhúa của đám phóng viên vô lương tâm, tuy nhiên có một điều Sun Group cần hiểu rằng lúc này không phải như thời gian vài năm trước, cư dân mạng rất nhạy bén trước các thông tin mà báo chí đưa ra nhằm tâng bốc hay chê bai Sun Group.
Việc duy nhất mà Sun Group có thể làm là dẹp bỏ ngôi chùa có cái tên rất phản cảm "đia ngục tự" và thay vào đó là những động thái sửa sai, chấp nhận buông bỏ những khu nguyên sinh quý giá của quốc gia và chấp nhận thất bại trong dự án Tam Đảo II để mua lại sự cảm thông của quần chúng.
Càng chứng tỏ sức mạnh vô địch của đồng tiền thì càng sa lầy trước sức mạnh của lòng dân.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 27/09/2019 (canhco's blog)
Khi người dân Hong Kong ồ ạt xuống đường mạng xã hội Việt Nam ban đầu ngơ ngác, dần dần vui mừng rồi quay trở lại trạng thái tự trách để rồi buồn bã lẫn thất vọng. Chúng ta khâm phục tuổi trẻ Hong Kong với những ý thức chính trị chín muồi tạo nên những chàng trai cô gái vừa can đảm lại vừa thông minh dày dạn, những đức tính cần có cho những người chọn sự đấu tranh làm mục tiêu và lý tưởng một nền tự do dân chủ là động lực thúc đẩy họ nối kết với nhau làm thành một Hong Kong rực lửa như hôm nay.
Agnes Chow (Chu Đình) và Joshua Wong (Hoàng Chi Phong)
Những khuôn mặt như Agnes Chow (Chu Đình), Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), Nathan Law (La Quan Thông) đang làm cho những người Việt Nam chúng ta ngưỡng mộ và tận sâu thẳm trong tâm hồn không ít người đã nhìn lại đất nước và chỉ thấy một hình ảnh ảm đạm che khuất cả bầu trời mơ ước. Chúng ta tự trách mình chưa đủ quay sang trách đồng bào, những người cùng khổ và chịu đựng vì họ không có một chút gì quan tâm tới sự bất hạnh của chính họ. Chúng ta thở dài và không ít người bỏ cuộc vì cảm thấy đơn độc thật sự trước vầng hào quang tỏa sáng từ 7 triệu con người Hong Kong. Chúng ta cùng quẫn và tuyệt vọng. Không một chút ánh sáng nào từ cuối con đường hầm tăm tối.
Nhưng chúng ta quên một điều rất hiển nhiên đang xảy ra trên chính đất nước này. Đã bao nhiêu năm qua biết bao con người đã vì cụm từ dân chủ tự do mà vướng vào vòng lao lý. Không ít người vẫn còn lưu lạc tại đất khách quê người trong thân phận người tỵ nạn nhưng không quốc gia nào dung chứa. Nhà tù khắp nước vẫn giam cầm những người mà trước khi mất tự do chúng ta đã phấn khích khi nghe thấy họ lên tiếng nhưng lại nhanh chóng quên đi sau vài tháng họ vắng mặt vì bị bắt. Những con người ấy trên bình diện ý thức chính trị, sự can đảm quên mình, dám làm những điều to tát không hề thua kém những chàng trai cô gái Hong Kong, nhưng họ bị bắt, bị hành hạ vì lý tưởng cao đẹp mà ai trong chúng ta cũng muốn gìn giữ. Họ còn cô đơn hơn chúng ta lúc này vì sự thức tỉnh của quần chúng quá chậm chạp và đơn lẻ. Họ không trách chúng ta thì thôi cớ gì chúng ta quay lại trách cứ đồng bào mình ?
Nhưng hình như một đốm sáng vừa lóe lên, một âm thanh chừng như mừng rỡ vừa xuất hiện, và hình như có một cái gì đó rất khó giải thích khi chúng ta nghe được tin vui đến từ Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) đã chính thức trao tặng giải Tự do Báo chí 2019, hạng mục "Tầm ảnh hưởng" cho cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo tự do từng từ chối sống ờ nước ngoài về lại Việt Nam để tranh đấu cho dân chủ nhân quyền.
Nhà văn Phạm Thị Hoài thuật lại cảm nghĩ của bà khi được tham dự buổi lễ phát giải, bà viết :
"Ba mươi năm trước, hàng trăm ngàn dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân ồ ạt chạy qua ngả Đông Âu sang Tây Đức tị nạn. Biểu tình diễn ra ở mọi nơi. Đảng cộng sản cầm quyền tê liệt. Ngày 15/10/1989, 800 nhà hoạt động sân khấu tại Cộng hòa Dân chủ Đức tập trung tại Nhà hát Kịch Đức ở trung tâm Đông Berlin, ra một quyết nghị tập thể đòi xóa bỏ kiểm duyệt và lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại Berlin ngày 4/11. Đó là cuộc biểu tình lớn nhất, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc Cách mạng Hòa bình chấm dứt nền độc tài thứ hai trên lãnh thổ Đức. Nửa triệu người đã tụ tập tại Quảng trường Alexanderplatz. Trong số các diễn giả có những đại diện nổi tiếng của Nhà hát Kịch Đức như kịch tác gia Heiner Müller, các diễn viên Ulrich Mühe, Tobias Langhoff, Johanna Schall. 5 ngày sau, Bức tường Berlin sụp đổ.
Trong chính không gian lịch sử của Nhà hát Kịch này, trong những ngày kỷ niệm 30 năm Cách mạng Hòa bình ở Đức, nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang được vinh danh với Giải Tự do Báo chí hạng mục Impact (Lan tỏa) năm nay của Phóng viên Không Biên giới. Tôi vinh dự và xúc động được dự lễ trao giải."
Phạm Đoan Trang không phải là người xa lạ đối với khung cảnh tranh đấu chung tại Việt Nam. Chị từng là ký giả cho các tờ báo dòng chính như : Express, VietNamNet, VTC và Pháp luật. Nhưng sau một thời gian nhận thấy số phận của người dân cùng với những bất ổn của hệ thống chị đã từ chối làm một nhà báo có thẻ và lui về viết trên các trang mạng với tư cách một nhà báo tự do. Nhiều lần bị bắt, bị tra khảo, hăm dọa, canh chừng như phạm nhân Phạm Đoan Trang đã vượt qua một cách thông minh và đầy can đảm dể tập trung thời gian hoàn thành ba tác phẩm "Chính trị bình dân", "Phản kháng phi bạo lực", "Cẩm nang nuôi tù" những tác phẩm này tuy được in chui nhưng con số phát hành rất ấn tượng cho thấy vấn đề chính trị tại Việt Nam không hời hợt và nông nổi như nhiều người vẫn tưởng.
Giải thưởng của tổ chức RSF sở dĩ danh giá vì nó được hình thành trên căn bản chọn lựa gắt gao trên khắp thế giới để chọn ra ba người nhận, được điều tra kỹ lưỡng từ ngay trong đất nước họ đang sống cũng như những giá trị mà họ tạo ra cho cộng đồng. Giải thưởng xác tín thành tựu mà người nhận đã tạo ra và vì vậy chúng ta nhìn vào nó để thấy rằng chúng ta không còn cô độc.
Chúng ta cũng tin rằng Phạm Đoan Trang sẽ tiếp tục dấn thân vào con đường đầy bất trắc này và sau lưng cô không phải chỉ có chúng ta kết lại sợi giây người đễ giữ vững niềm tin cho cô mà còn rất nhiều bạn trẻ sẽ tỉnh ngộ để nhận ra rằng đấu tranh chống lại bất công không khó như các bạn ấy vẫn tưởng và ít ra các bạn cũng đã có chút ánh sáng soi rọi những nghi ngờ, những bất an hay dằn vặt giữa cuộc sống tiện nghi và tương lai đầy bất trắc.
Vì từ đây các bạn biết thêm rằng có những người âm thầm đốt nến soi đường cho các bạn bằng chính máu, mồ hôi, nước mắt của mình như nhà báo Phạm Đoan Trang từng làm để có kết quả hôm nay.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 13/029/2019 (canhco's blog)
Câu chuyện Nguyễn Văn Minh, một đại tá của Quân đội nhân dân Việt Nam, cây viết chủ lực về phương diện chửi bới của tờ Quân Đội Nhân Dân bị nguyền rủa không tiếc lời trên mạng xã hội tưởng đâu chỉ là chuyện bức xúc của người dân trước một kẻ bợ đỡ nhưng hóa ra câu chuyện càng kéo dài càng cho thấy người dân từ trước tới nay không nhắc tới những cái tên dư luận viên vì quan niệm bọn chúng như giẻ rách, cầm thì bẩn tay, lau nhà thì không thể sạch bỏ đi thì tốn công còn không bỏ thì bực mình vì sự lì lợm nguyên thủy của loại này.
Nguyễn Văn Minh, đại tá của Quân đội nhân dân Việt Nam, cây viết chủ lực về phương diện chửi bới của tờ Quân Đội Nhân Dân bị nguyền rủa không tiếc lời trên mạng xã hội
Vài người vui tính cho rằng bọn chúng quá ngu mà kẻ ngu thì xã hội vô số kể, vậy thì cứ "kính ngu viễn chi" cho đỡ phải tội.
Nhưng trường hợp của Nguyễn Văn Minh không phải là kẻ ngu, và nếu chịu khó để ý con đường trườn lên tới chức vụ đại tá thì chắc hẳn da bụng của anh ta chí ít phải dày và chai như da bò. Người ngu không đủ kiên nhẫn để đạt được mục tiêu chỉ có kẻ cơ hội, trí trá và xảo quyệt mới có hành vi nếm "phân" chờ thời. Nguyễn Văn Minh khôn nhiều năm nhưng dại chỉ vì một bài viết đụng chạm tới trái tim những người chống lại anh ta. Trái tim của những người yêu sự thật và khinh bỉ thái độ trở trái làm mặt, xu nịnh kẻ quyền lực và bợ đỡ thế lực đang cung cấp cho nồi cơm của gia đình anh ta.
Cái ngu duy nhất của Nguyễn Văn Minh là chọn Joshua Wong, tức Hoàng Chi Phong làm đề tài dâng cho quan thầy như một cách lập công, tuy bẩn thỉu.
Trong một bài viết trên facebook Minh đã mạt sát Hoàng Chi Phong là "mặt dơi mõm chuột". nào là "Không nên gọi tên nhãi ranh mặt dơi mõm chuột Hoàng Chi Phong là "nhà hoạt động" xã hội". Đồng thời, Nguyễn Văn Minh trách móc các báo như Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ sao lại đi bênh vực cậu bé Hong Kong này.
Lên giọng kẻ cả khi cho rằng "Hoàng Chi Phong không lo học tập, rèn luyện kiến tạo tương lai cuộc sống của mình mà đã bị bọn phản động nước ngoài bơm vá, giật dây, "xui trẻ con ăn cứt gà sáp" để huyễn hoặc mình là anh hùng, là nhà dân chủ. Truyền thông chính thống của Nhà nước Trung Quốc gọi Phong là "Hán gian"...
Bao nhiêu đó đã lấp đầy sự giận dữ của đám đông, không phải giận dữ vì một gã dư luận viên rẻ tiền mà giận vì cái lon đeo trên vai của người viết. Cấp bậc đại tá mà Minh "gian khổ" để kiếm được phải chăng từ những bài viết tương tự như bài viết này? Phải chăng Minh đang đại diện cho thế lực thân địch để sẵn lòng "chửi mướn" cho Bắc Kinh đối với một khuôn mặt đang được cả thế giới kính trọng như Hoàng Chi Phong?
Minh đại tá cho rằng Phong lêu lõng không lo học tập và bị giật giây bởi thế lực phản động nước ngoài nhưng cố tình phớt lờ việc cậu bé đã từng lãnh đạo phong trào dù vàng lúc vừa qua khỏi tuổi hai mươi. Cậu đã được bình chọn là một trong những người trẻ tuổi có hoạt động chính trị năng lực và sáng tạo nhất. Cậu đã làm cho thế giới ngạc nhiên và hết nước này tới nước khác mời cậu tới để nghe cậu trình bày quan điểm chính trị của mình.
Lêu lõng như thế có đến 10 Minh đại tá chỉ mà xách dép.
Mới đây nhất cậu đã làm cho người Hong Kong hãnh diện khi sang Đức tham gia sự kiện "Bild100-Party", nơi tụ họp 100 nhân vật xuất sắc nhất được lựa chọn ra từ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nghệ thuật, văn hoá và thể thao của Đức được mời tham dự. Theo BBC đưa tin, Joshua Wong đã có buổi tiếp xúc trò chuyện với ngoại trưởng Đức Heiko Maas và phát biểu trước báo giới Đức.
Bài viết ghi nhận hình ảnh nhà hoạt động trẻ Hoàng Chi Phong với chiếc điện thoại trong tay, thỉnh thoảng liếc mắt vào đó và hùng hồn phát biểu trước ống kính các nhà báo đã được truyền trên nhiều kênh truyền hình Đức quay lại, đặc biệt đài truyền hình ZDF chiếu trong các chương trình thời sự.
"Tôi cầu mong sự giúp đỡ của người Đức. Chúng tôi tôi có cảm tưởng Hong Kong như Đông Berlin trong thời chiến tranh lạnh và chính bởi người Đức, đặc biệt ở Berlin đã đấu tranh cho tự do nên tôi cầu xin người Đức sự giúp đỡ cho cuộc đấu tranh của chúng tôi".
"Tôi đã bị bắt tới 8 lần và phải ngồi tù một trăm ngày, cái giá tôi phải trả quá nhỏ".
Những tình tiết này có phải là kết quả của thế lực phản động mua chuộc cậu hay tấm lòng tha thiết yêu tự do dân chủ của cậu cũng như hơn 7 triệu dân Hong Kong đã tiếp sức cậu trên con đường gian nan chống lại Trung cộng, nơi có tham vọng biến Hong Kong thành một thể chế cộng sản dưới chiêu bài lừa đảo "một quốc gia hai chế độ"?
Minh đại tá vội vã tấn công người mà lẽ ra anh ta nên tránh xa vài trăm thước, bởi càng tiến sâu vào nghiên cứu con người của Hoàng Chi Phong Minh đại tá càng nhận ra rằng anh ta không xứng làm người nhất là về hành vi trở trái làm mặt của anh ta như từ trước tới nay vẫn thường làm. Anh ta từng chửi bới rất nhiều người từ già tới trẻ, cứ thấy họ có những phản biện về xã hội, về tự do dân chủ là anh ta chửi, chửi như Chí phèo chửi cả làng Vũ Đại, chửi để được lên chức, chửi dể được miếng ăn, chửi để được thông đường mau tới bến vinh quang đầy tanh tưởi.
Nguyễn Văn Minh xứng đáng là người "nổi tiếng" sau khi bài viết của anh ta được post lên thì hầu như phản ứng của cư dân mạng đối với bài này thật sự làm cho chính anh ta ngạc nhiên và tự thán phục lấy mình. Cư dân mạng phân tích ra có tổng cộng 1.300 like, cười, giận dữ, sửng sốt, khóc các loại. Một ngàn chín trăm lượt bình luận trong đó tuyệt đại đa số là những bình luận chửi rủa, khinh bỉ, mạt sát không tiếc lời.
Trong số 228 chia sẻ (đến giờ phút này) thì gần như tất cả đều là những chia sẻ để làm ví dụ cho những stt chửi bới, chê trách Minh. Một hiện tượng lạ nữa đó là nhiều comment xỉ vả, mạt sát Minh đã nhận được tới hàng trăm like như phản ứng dây chuyền, điều mà nhiều bài viết của những người nổi tiếng khác không hề có.
Nguyễn Văn Minh có nằm mơ cũng không thể nghĩ ra anh ta sẽ có ngày nổi tiếng như thế, bởi từ xưa tới nay có ai để ý gì tới tư cách viết lách của anh ta đâu mặc dù mang tới lon đại tá.
Mà cũng phải, đại tá chưa là cái đinh gì trong khi nhiều tên tướng vẫn khóc hu hu khi bị nắm gáy vì tham nhũng. Tướng của Việt Nam bây giờ mấy ai được tiếng anh hùng như xưa khi mà lòng tham quyền lực lẫn tiền bạc đã che mất lương tri khiến không ít người cam tâm làm chỉ điểm cho thế lực thân địch đang mỗi ngày một đông trong Bộ quốc phòng.
Có người đặt câu hỏi "Đại tá là cấp bậc rất cao trong quân đội, và công an. Những người đạt đến quân hàm này thường đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, thậm chí là Giám đốc công an tỉnh hay Tỉnh đội trưởng. Không nhiều người có được những vị trí như vậy, bởi đây là công việc đòi hỏi tư duy, khả năng lãnh đạo giỏi. Rõ ràng nếu chiếu theo các tiêu chí trên, Nguyễn Văn Minh không thể nào đáp ứng nổi. Nhưng tại sao anh ta vẫn lên lon Đại tá, mà là Đại tá khi còn rất trẻ nữa?"
Câu trả lời nhanh và chính xác nhất là anh ta giỏi đánh hơi lãnh đạo. Khi lãnh đạo sợ gì nhất thì anh ta cố đánh nỗi sợ đó bằng các bài viết chụp mũ, bôi bẩn hay thâm chí là vu khống để lãnh đạo yên lòng. Trong vụ Hoàng Chi Phong anh ta biết chắc lãnh đạo sợ một hiệu ứng dây chuyền như các cuộc cách mạng mùa xuân Ả rập trước đây nên anh ta ứng phó trước, bất kể cung cách đáng kính trọng của người mà anh ta tấn công, đánh phá.
Và anh ta quên một điều cơ bản nhất: Tuy Việt Nam còn khó khăn trong nhận thức tự do dân chủ nhưng thái độ đê hèn của anh ta không ai có thể chấp nhận, kể cả đó là những đảng viên đang suy nghĩ về con đường sắp tới của chính mình.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 12/09/2019 (canhco's blog)
Đã từ lâu hầu như dân chúng không còn tin vào những phát biểu hay hứa hẹn của bất cứ ông to bà lớn nào trong guồng máy nhà nước, bởi quá nhiều bài học chứng thực tính nói láo không biết thẹn của hầu như tất cả các cấp lãnh đạo cộng sản khi phải giải quyết một vụ việc gì đó của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung lại nói láo không hề biết nháy mắt
Nói láo không phải ai muốn là được, bởi khi phát biểu một lời nói láo lập tức có hai vấn đề buộc người nói phải suy nghĩ chín chắn. Thứ nhất khi đưa ra một lời hứa phải tự hỏi lấy mình rằng có thể thực hiện được bao nhiêu phần, nếu chỉ 80% thì tốt nhất đừng nên hứa. Thứ hai, khi phát biểu một hành động, một hiện tượng chốn đông người phải nhớ là cái số đông ấy sẽ có người làm chứng cho lời nói thật hay láo của một quan chức và vì vậy nói láo về hành động hay ý kiến của đám đông là hành vi ngu xuẩn nhất của người nói láo.
Vậy mà đương kim một chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung lại nói láo không hề biết nháy mắt khi xác định rằng ông ta đã mời người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy của nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông đến tham dự cuộc họp ở Ủy ban nhân dân TP vừa qua. Ở đó, ông đã nghe họ phát biểu, trực tiếp hỏi người dân nhưng người dân nói "Không có bức xúc gì".
Để biết ông Chung có nói láo hay không hãy xem VTV đưa tin : hàng trăm phụ huynh có con đang học ở các trường tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đã xin cho con nghỉ học tạm thời vì chưa biết trường có nằm trong khu vực an toàn không bởi trước đó đã có những kết luận trái ngược nhau về nguy cơ ô nhiễm.
Bên cạnh đó báo Thanh Niên cho biết gần 90% hộ dân tại chung cư 54 Hạ Đình, hơn 40% hộ dân tại chung cư 143 Hạ Đình và hàng loạt hộ dân, kinh doanh xung quanh Công ty Rạng Đông chuyển đi sau vụ cháy, khiến nơi đây xuất hiện nhiều "phố ma", "xóm chết".
Chưa hết, báo Dân Trí có bài phóng sự đăng vào ngày Chúa Nhật 8/9 có tựa rất ấn tượng : Hàng quán đóng cửa sang nhượng, dân quanh Công ty Rạng Đông thi nhau bán nhà.
Theo bài báo này thì các cửa hàng lớn nhỏ gần khu vực nhà máy Rạng Đông đã đóng cửa vì khách hàng sợ ô nhiễm chất thủy ngân nên ít có người dám ăn uống, bên cạnh đó nhiều gia đình đã tự ý dời đi hoặc về quê hay đến tạm trú với bà con ở một quận khác cách xa nơi xảy ra đám cháy. Có nhiều gia đình đã treo bảng bán nhà mặc dù trước đó chưa từng có ý định này.
Chừng ấy dữ kiện đủ nói lên tính chất dối trá của ông Nguyễn Đức Chung trước một việc hiển nhiên đang xảy ra tại nơi ông quản lý. Ông Chung rõ ràng là có đầy đủ thông tin hơn ai hết khi trực tiếp nói chuyện với nạn nhân nhưng ông không nói lời thành thật đúng như người dân bức xúc mà ông đã đánh lừa dư luận bằng thứ ngôn ngữ xảo quyệt của một kẻ đứng đầu một thủ đô của ngàn năm văn vật.
Câu hỏi đặt ra : tại sao ông Chung phải nói láo như vậy ?
Có nhiều cách trả lời nhưng cách chính xác nhất vẫn xoay chung quanh ý tưởng cũ rích : "bời vì ông là người cộng sản cao cấp".
Càng cao cấp người cộng sản càng phải nói láo nhuần nhuyễn hơn, hợp lý hơn và thậm chí trơ trẽn hơn. Họ như những sản phẩm được sản xuất đồng loạt nên hình thức nói láo giống nhau là chuyện có thể hiểu được. Nhưng tại sao họ phải nói láo trong khi sự dối trá ấy không giúp gì cho họ trong việc giải quyết một cuộc khủng hoảng ?
Câu trả lời đến từ cương lĩnh "ổn định chính trị" mà đảng chủ trương đã khiến họ không dám nói thật từ những câu chuyện đáng ra không thể nói láo. "Người dân không có bức xúc gì" như ông Chung tuyên bố là cách ổn định lòng dân thô thiển mà người cộng sản nghĩ ra. Họ tạo cho chính họ và những đồng chí chung quanh tin rằng lời nói láo của họ người dân không biết và có biết cũng không màng tới. Nói thật về những gì mà người dân bức xúc rất nguy hiểm cho "ổn định chính trị" và biết đâu từ đó khiến người dân hoang mang thêm. Vậy là cứ tiếp tục nói láo, tiếp tục xem dân như cỏ rác không đáng nghe lời nói thật từ quan chức cộng sản.
Lâu dần những lời thiếu tính chân thật ấy khiến họ tin vào như một sự thật hiển nhiên, một sự thật ai cũng phải thừa nhận. Chằng hạn như họ không ngại ngùng khi tuyên bố "càng ngày người dân càng tin tưởng vào đảng hơn" là một mẫu câu được cắt dán vào mọi nơi mọi lúc, khi đảng cần vận động niềm tin của người dân vào một việc gì đó. Mẫu câu này được các cấp cao nhất lập đi lập lại không mỏi miệng tuy rằng ai cũng biết chẳng có người dân nào tin vào đảng cả.
Nói tới Nguyễn Đức Chung người dân Hà Nội tự khắc nhớ tới những gì ông ta làm tại Đồng Tâm, nơi xảy ra vụ bắt giữ 38 nhân viên nhà nước trong đó đa số là công an, viên chức huyện, Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Mỹ Đức… vì đã xâm phạm vào vùng đất của người dân tại đây. Khi đó với tư cách Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ bắt giữ. Tuy nhiên đến ngày 13 tháng 6 năm 2017, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội lại ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Cách mà ông Chung nói láo với dân chỉ đem tới tai họa cho họ chứ chưa bao giờ mang lại lợi lộc hay chí ít là niềm tin cho nạn nhân.
Nói láo là cách mà ông Chung từng làm và từng thành công, ít nhất là tại Đồng Tâm, khi ông ta giữ khoảng cách im lặng cho người dân trước bức xúc mà họ chịu đựng khi bị cướp đất. Lần này cũng thế, ông Chung làm cho dân chúng tin rằng thàm họa thủy ngân không đáng là gì mặc dù các cơ quan thẩm quyền đã có văn bản chính thức yêu cầu nhà nước có chỉ đạo đối phó một cách nhanh chóng trước các kết quả tìm được.
Nói láo theo kiểu ông Chung không khác gì cách nói láo của quận Thanh Xuân vài ngày trước đây, và rồi ra từ những lời nói láo ấy, lãnh đạo các cấp lớn nhỏ trong hệ thống chính quyền cả nước sẽ áp dụng đại trà vào cung cách ứng xử của họ đối với những thảm họa môi trường tương tự xảy ra, từ đó không biết có bao nhiêu người sẽ chết từ những lời nói láo có tính "định hướng" này.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 10/09/2019 (canhco's blog)
Một bài báo trên VietnamNet đăng ngày 24 tháng 7 có tựa đề "Nhịn để được yên ổn" làm giảm sức mạnh của Việt Nam" đăng vài giờ thì bị giật xuống đặt tít lại với ý nghĩa hoàn toàn khác "Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc".
Người dân từng "bảo vệ chủ quyền" theo cách của họ trong nhiều lần, mỗi khi Trung Quốc xua tàu vào vùng biển Việt Nam.
Trong lần đăng thứ nhất lời giới thiệu của tòa soạn như sau : "Mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, "nhịn để được yên ổn" đều làm giảm sức mạnh lớn nhất của Việt Nam, sẽ gây tai hại cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".
Bài báo phỏng vấn ông Chủ tịch Viện Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Hoa Kỳ ông Michael Dukakis cho rằng, mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, "nhịn để được yên ổn" của chúng ta đều không phù hợp, không hiệu quả. Vậy thì cái tít không phải tờ báo đặt mà dùng lại nguyên văn của ông Michael Dukakis chắc không có gì phù hợp hơn với hoàn cảnh Việt Nam từ nhiều năm nay trước sự hăm dọa của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên do chưa "chín muồi" bài báo bị rút lại cái tựa cũng là điều đáng mừng so với trước đây cả bài sẽ lẳng lặng đi luôn vào sọt rác.
Nhưng cái tựa được đặt lại cho "bớt nhạy cảm" nếu suy nghĩ kỹ hơn sẽ không thiếu nhạy cảm như người ta mong muốn. Cái tựa có hai vế "huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền", "và phẩm giá dân tộc" làm cho người đọc nhớ lại không ít một giai đoạn đáng buồn hơn là vui mặc dù người dân từng "bảo vệ chủ quyền" theo cách của họ trong nhiều lần, mỗi khi Trung Quốc xua tàu vào vùng biển Việt Nam. Đó là những lần biểu tình đầy máu và nhà giam, đầy tiếng hô "đả đảo Trung Quốc" kèm với tiếng la thất thanh của người biểu tình bị đánh, bị bắt lên xe buýt chở về trại giam. Những hình ảnh của các cuộc biểu tình ấy vẫn đầy dẫy trên mạng, trong ký ức, trong mỗi status của người từng biểu tình trong các năm qua trên trang facebook của họ.
Những lúc ấy nhà nước chưa kịp huy động thì nhân dân đã tự động bảo vệ chủ quyền bằng cách của họ mà biểu tình có lẽ là cách duy nhất, không còn cách nào khác, khiến cho kẻ thù bị buộc phải nhìn lại thái độ của chúng mà dè chừng hay thậm chí rút lui vì phản ứng của dư luận quốc tế về hành vi xâm lược.
Vế thứ hai trong câu là "và phẩm giá dân tộc" xem ra có vẻ khiên cưỡng và thậm chí lạc đề. Phẩm giá dân tộc là một khái niệm trừu tượng rất khó định hình trong ngữ cảnh của câu này vì sự xâm lược của Trung Quốc không làm cho phẩm giá của người dân bị xâm lược ảnh hưởng chút nào thì tại sao phải bảo vệ ? Phẩm giá của nhân dân Việt Nam nếu rạch ròi trên chiếc bàn chữ nghĩa có lẽ nên bàn đến từ hai chủ thể "nhà nước" và "người dân". Nhà nước nắm trong tay mọi phương tiện xây dựng phẩm giá từng cá nhân trong cộng đồng một dân tộc. Cụ thể là bài học đầu tiên từ trường học cho học sinh biết thế nào là phẩm giá con người, rồi tiến dần tới lòng tự trọng trước người ngoài, tôn trọng di sản mà văn hóa Việt Nam xây dựng được hàng ngàn năm. Phẩm giá người dân được nhìn nhận khi ra nước ngoài công tác, du lịch. Phẩm giá ấy sang hay hèn, cao hay thấp tùy vào dân trí, vào cách mà một chính phủ muốn cho người dân của mình có được qua giáo dục, qua tư duy chính trị và nhất là lòng tự trọng cần có của một con người.
Phẩm giá không cần ai bảo vệ mà chính nó tỏa sáng trước cộng đồng, kể cả trước quân thù như Trần Bình Trọng khẳng định phẩm giá của một danh tướng "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là làm vương đất Bắc".
Bài báo đặt cái tựa rất bình thường nhằm đăng cho được nội dung mà nó chuyển tải, tuy nhiên cái tựa thứ hai làm cho người dân nhìn lại cộng đồng hiện tại so với trước đây rồi tha thẩn tự hỏi : tại sao người dân bỗng nhiên dửng dưng trước một sự việc nghiêm trọng mà trước đây vài năm họ sẵn sàng đổ máu đề chống đối ?
Cụ thể nhất là cuộc biểu tình vào tháng 5/2014 khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập lãnh hải Việt Nam, 22 tỉnh thành đã xuống đường phản đối. Người dân đã cuồng nộ chống lại bằng các cuộc biểu tình hầu như trên toàn quốc. Hàng chục ngàn công nhân Bình Dương, Hà Tỉnh đã tấn công các công ty Trung quốc như môt thái độ phản đối quyết liệt. Ban đầu nhà nước lặng im nhưng dần dần có dấu hiệu sợ hãi cuộc biểu tình sẽ chuyển hướng cho một mục tiêu khác và cuối cùng khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sang thăm Việt Nam thì sự thể đổi khác một cách khó hiểu.
Theo nhà báo Roger Mitton viết trên tờ Myanmar Times mà BBC trích lại cho biết : sau chuyến "viếng thăm" ấy về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm cuộc biểu tình nào cả, cũng chẳng có chuyện khiếu nại gì lên Liên Hiệp Quốc, không có diễn tập quân sự với Hoa Kỳ và cũng không đi đầu một khối ASEAN thống nhất chống lại Bắc Kinh.
Ngay lập tức người dân nhận ra ngay sự ngây thơ của mình khi biểu lộ lòng yêu nước. Sự ngây thơ ấy đã bị lợi dụng cho mục đích chính trị "không trong sáng" và người chịu thiệt cuối cùng chính là họ, những người thiết tha bảo vệ chú quyền lãnh thổ bằng cách duy nhất là biểu tình chống Trung Quốc. Người dân cũng nhận ra rằng họ bị phản bội từ chính quyền của mình và nỗi đau đớn ấy không hề thua cái nhục mất nước trước kẻ thù truyền kiếp.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 29/07/20149 (canhco's blog)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa chứng tỏ khả năng của một người từng đứng đầu Viettel, Tập đoàn viễn thông quân đội rất thành công trong việc dành thị phần trong nước lẫn chinh phục nhiều thị trường ở các nước thứ ba, qua ý kiến của ông nhằm khuyến khích doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng phần mềm mạng xã hội như Facebook cũng như tiến xa hơn vào lĩnh vực Internet bằng cách tạo một công cụ tìm kiếm như Google mang dấu ấn "made in Vietnam".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Trong phòng họp các doanh nghiệp công nghệ thông tin Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có bài nói chuyện được VTV 24 giờ quay lại và phổ biến cho thấy có rất nhiều điều cần bàn khi ông hướng doanh nghiệp vào ý tưởng này, một ý tưởng không mới vì trước đây nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng ký duyệt 200 triệu đô la cho việc xây dựng một mạng xã hội dành riêng cho thanh niên Việt Nam nhưng sau nhiều năm vẫn không đạt được chút kết quả gì.
Khác với lần trước lần này Bộ Chính trị dùng ông Hùng như một hình ảnh đang được giới trẻ chú ý rất thành công trong công nghệ thông tin qua sự điều hành của ông đối với Viettel. Từ dấu ấn này ông Hùng có thể mạnh dạn đăng đàn nói về giấc mơ Google, Youtube, Facebook của Việt Nam. Giấc mơ ấy ông giao lại cho doanh nghiệp nghiên cứu và thực hiện với gợi ý của ông "Vì triết học của Facebook bây giờ nó thay đổi rồi không phù hợp với thế giời nữa".
Nhiều người sợ mình dốt vội vã đi tra cứu "triết học facebook" là gì nhưng không tìm ra bởi làm gì có thứ triết lý ấy trong một tập đoàn như Facebook chỉ cốt ý kiếm tiền chứ không kiếm điều gì khác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng trong vai trò một Bộ trưởng tương đối có background về công nghệ thông tin nhưng ông tỏ ra chưa hiểu sâu về sự vận hành của Facebook nên mới có lời lẽ lòe doanh nghiệp hơn là đào sâu về mục tiêu mà ông đặt ra nhằm quyến rũ họ. Cái mà ông gọi là triết lý ấy nó không tồn tại trong mục đích chinh phục người sử dụng trên toàn thế giới của Facebook. Có lẽ ông lẫn lộn giữa chiến lược phát triển của doanh nghiệp khi Facebook muốn vào một nước nào đó như Việt Nam chẳng hạn nó sẽ có chiến thuật đối phó với chính phủ đề tồn tại và chiến thuật ấy có thể thay đổi tùy theo "khẩu vị" mà chính phủ ấy mong muốn.
Tuy nhiên, Facebook cũng như Google có thể vì lợi nhuận thỏa mãn một phần nào yêu cầu của nhà nước sở tại nhưng chúng vẫn bị chế tài từ chính quốc với luật pháp mà những tập đoàn này phải tôn trọng nếu không muốn những khoản tiền phạt khổng lồ vì đã vi phạm luật pháp, ở đây là Mỹ, một đất nước dân chủ hàng đầu thế giới.
Đây có lẽ là lý do mà những nước muốn một mình thống trị hệ thống thông tin luôn suy nghĩ tới việc tìm cách thay Facebook bằng một công cụ mà nhà nước kiểm soát nhằm bịt miệng, che mắt, không cho nghe những tiếng nói khác với nhà nước nhằm "ổn định chính trị" như Việt Nam đang thực hiện. Đó là lý do duy nhất ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhắm tới.
Còn có được hay không lại là việc khác.
Ông Hùng từng rất thành công khi nắm tập đoàn Viettel. Trong hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, dĩ nhiên ông được Bộ Quốc phòng hết lòng ủng hộ. Một doanh nghiệp muốn thành công ở Việt Nam cần phải có ưu thế từ chính phủ, nguồn vốn dồi dào và quyền lực đủ để tạo điều kiện thành công trong thương trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng có đủ cả ba yếu tố ấy nên không thể không thành công. Ưu thế từ chính phủ không ai mạnh hơn Bộ Quốc phòng, nguồn vốn sẽ được Ngân hàng Nhà nước bảo kê và quyền lực đã chứng minh trong việc dành thị phần tại Việt Nam rất nhanh chóng và hiệu quả vì có công ty nào dám chống lại một doanh nghiệp có sẵn hệ thống tình báo trong tay sẵn sàng thanh toán đối thủ trong vòng một note nhạc ?
Nhiều người ngộ nhận về khả năng của ông Hùng nên lạc quan tin rằng ông sẽ là người kiến tạo ngành công nghệ thông tin của đất nước, nhưng sau khi ông tuyên bố rằng "Chúng ta trước đây cứ nghĩ Google là vĩ đại. Nhưng khi một người bình thường có một câu hỏi, Google cho ra hàng triệu câu trả lời rất khác nhau và cũng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Google dựa vào tiền trả cho họ để đưa kết quả lên trước" thì niềm tin ấy sụp đổ một cách thê thảm. Ông Hùng đã để lộ ra sự thiếu hiểu biết về cách mà Google vận hành nên có kết luận rất "âm tính".
Rồi ông lại theo chân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người nổi tiếng là lạc quan tếu khi liên tục đưa ra những đề xuất không thể thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã rất tự tin khi nói rằng "Nước ta so với nước Mỹ thì khoảng cách tương đối lớn, nhưng giới tinh hoa Việt Nam so với Mỹ thì khoảng cách không lớn. Thành phố Hồ Chí Minh là tinh hoa của Việt Nam thì bắt buộc phải đặt mục tiêu tương đương với thành phố của các nước đã phát triển" Ông cũng tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh cần tương đương New York về hạ tầng viễn thông
Việt Nam có câu chuyện con ếch muốn to bằng con bò, thật thú vị nếu con bò ấy biết nói tiếng Mỹ.
Tinh hoa theo suy nghĩ của ông Hùng rất đáng nghi ngờ khi đất nước sở hữu những Giáo sư/Tiến sĩ cho rằng "Lon" rất mất thuần phong mỹ tục còn "Lu" thì nên áp dụng vào khoa học kỹ thuật cho xứng tầm văn hóa bản địa.
Dân tộc bị ăn bánh vẽ nhiều đến bội thực từ bao năm nay bởi những tinh hoa như ông Hùng ca ngợi, trong đó hẳn không thiếu ông, người tỏ ra rất "lãnh tụ" trước các doanh nghiệp IT bằng những lời lẽ, biểu cảm rất đáng được truy tặng "huân chương gây nổ hạng nhất".
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 18/07/2019 (canhco's blog)
Báo chí trong mấy ngày qua rất phấn khởi khi loan tin ông Triệu Tài Vinh chính thức được "triệu" về Ban Kinh tế Trung ương và mạng xã hội không kém sôi động khi trích dẫn những vụ lèm nhèm mà ông này dính tới trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Danh sách những người trong gia tộc họ Triệu có mặt tại các cơ quan thuộc tỉnh Hà Giang
Là một bí thư tỉnh ủy, chức vụ lớn nhất trong một tỉnh ông Vinh không ngại dến dư luận báo chí khi công khai bổ nhiệm hàng loạt người thân trong gia đình vào các chức vụ chung quanh ông. Mạng xã hội là nơi phát hiện ra việc này, báo Tuổi Trẻ nhanh chóng có cuộc phỏng vấn và ông công nhận việc làm này là không hề sai trái vì "Sau khi kiểm tra, đầu tháng 5 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình"
Báo Tuổi Trẻ đã liệt kê danh sách những người trong gia tộc họ Triệu có mặt tại các cơ quan thuộc tỉnh Hà Giang như :
- Vợ ông Vinh là bà Phạm Thị Hà - phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang,
- Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong - bí thư huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
- Người em trai thứ hai của ông Vinh là ông Triệu Sơn An - phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang
- Người em trai thứ ba của ông Vinh là Triệu Tài Tân - phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang,
- Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang - phó phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang
- Chồng bà Giang, em rể ông Vinh là Mạc Văn Cường - phó trưởng Công an thành phố Hà Giang
- Anh họ ông Vinh là Triệu Là Pham - phó ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang
- Em họ ông Vinh là bà Triệu Thị Tình - phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hà Giang.
Nếu tin theo lời ông Triệu Tài Vinh phân trần với báo chí thì cả 8 người này được bổ nhiệm đúng quy trình do năng lực của họ thì cả nước này đáng nhận lãnh hình phạt từ Thượng đế do thiếu năng lực làm việc. Ông Triệu Tài Vinh có vẻ là người cả tin vào điều đó khi đưa ra bằng chứng của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng đúng quy trình.
Nhưng lần này có lẽ cả gia tộc nhà ông đều lầm to về cái mà ông Vinh tự hào là "đúng quy trình". Nếu đúng thì ông đã không bị điều chuyển về ngồi chơi chờ…giam tại Ban Kinh tế Trung ương, nơi chẳng dính dáng gì tới khả năng... bổ nhiệm người trong gia đình của ông. Có chăng nó là trạm trung chuyển, một cái Ban chờ…giam, vì không thể bắt giam ông ngay sau khi điều tra và được xác nhận sự việc theo tố cáo của báo chí. Đó là "quy trình" dành cho lãnh đạo cao cấp cỡ tính ủy viên trở lên tới Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Đáng ra ông Triệu phải thuộc bài học của Nguyễn Bá Thanh vào năm 2013 thôi chức Bí thư Đà Nẵng về làm Phó ban chống tham nhũng được điều ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cho đến cái chết bi thảm và tai tiếng. Ông Thanh đang lo trung ương điều tra về nhiều hành vi tham nhũng đất đai, vụ án của Tướng Trần Văn Thanh, dưới thời kỳ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá Thanh Vũ Nhôm bắt đầu tiến vào Đà Nẵng làm mưa làm gió…
Rồi tới lượt Đinh La Thăng, năm 2017 mất chức Bí thư Thành ủy TP HCM, mặc dù sai phạm mười mươi nhưng vẫn được điều chuyển về làm Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, trước khi bị 2 lần kết án tù tính chung cuộc 30 năm tù. Đó là "quy trình" dành cho cán bộ cấp cao mà ông Triệu Tài Vình hôm nay đang lăn vào vết xe của hai năm về trước.
Có lẽ ông Triệu Tài Vinh chỉ lập lại bài học mà cha ông là Triệu Đức Thanh chỉ dạy. Ông Thanh sinh năm 1944, quê xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang ; nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang năm 1991 và chính ông vận động cho con trai ông là Triệu Tài Vinh vào chức vụ hôm nay cũng như ông Vinh theo gót cha mình "vận động" cho cả gia tộc họ Triệu.
Nhưng có lẽ chưa hết, ông Vinh còn vướng vào một tội danh khác không kém nghiêm trọng khiến ông nhanh chóng bị đưa về Ban kinh tế Trung ương nhằm cô lập cho một vụ án khác. Đó là vụ án gian lận điểm thi mà con của ông là Triệu Ngọc Mai nằm trong danh sách học sinh được điểm cao trong vụ việc nâng điểm kỳ thi THPT năm 2018.
Vụ gian lận kinh khủng này đang là đề tài chống lại ông một cách triệt để vì theo cơ quan điều tra đã xác định thì Hà Giang có tới 107 thí sinh được nâng điểm. Số thí sinh này liên quan trực tiếp đến 210 phụ huynh. Trong số phụ huynh này có người đang là cán bộ, công chức, viên chức của địa phương mà ông là lãnh đạo cao nhất tỉnh.
Dự kiến trong tháng 7 này, vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang sẽ được đưa ra xét xử với 5 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố.
Có lẽ Bộ Chính trị đã nhìn thấy tầm quan trọng của vụ án có ảnh hưởng nguyên cả hệ thống chính trị của tỉnh Hà Giang nên không thể giơ cao đánh khẽ được như những vụ chạy điểm các năm trước. Có dấu hiệu cho thấy sự can thiệp vào cơ quan điều tra của tỉnh khi trong số 210 phụ huynh đã được xác định tên tuổi nhưng cơ quan điều tra chỉ công bố một trường hợp duy nhất là ông Phạm Văn Khuông- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.
Phải chăng cấp cao ấy là ông Triệu Tài Vinh đương kim Bí thư Tỉnh ủy mới có thể can thiệp mạnh mẽ như vậy. Và đây có lẽ cũng là lý do ông Vinh bị cô lập hóa cho vụ án có vẻ công bằng.
Ngày 02/7, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương thì sáng ngày 06/7, ông Đặng Quốc Khánh- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh được phân công lên Hà Giang làm Bí thư tỉnh ủy.
Vậy là "đúng quy trình" như ông Triệu mong muốn rồi còn gì.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 09/07/2019 (canhco's blog)
Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa lên tiếng cho rằng phải dẹp cho được "tham nhũng vặt" đang hoành hành trong guồng máy hiện nay.
Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa lên tiếng phải dẹp cho được "tham nhũng vặt" đang hoành hành trong guồng máy hiện nay.
Trong 10 điều ông đưa ra để hướng dẫn cán bộ thực hành chống lại bọn tham nhũng vặt người dân thấy không có gì mới nhằm vô hiệu hóa lòng tham, tính bè phái hay liên minh của các phe nhóm mà chỉ thấy ông lập lại những luận đề quá cũ, quá lỗi thời người dân từng nghe hệ thống tuyên truyền hơn hai mươi năm qua từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng khi vừa nhậm chức Thủ tướng đã hồ hởi tuyên bố nếu không diệt được tham nhũng thì ông ta sẽ từ chức. Lạ thay, tham nhũng chẳng những không dẹp được mà còn bùng phát như một cơn dịch, tràn lan mọi ngõ ngách từ hạ tầng tới thượng tầng, từ một tay công an khu vực tép riu cho tới những Thứ trưởng công an, thậm chí Ủy viên Bộ chính trị cũng tra tay vào còng vì tham nhũng.
Lời hô hào của ông Trương Hòa Bình không mới nhưng có cái mới là ba chữ "tham nhũng vặt" rất ấn tượng. Ông Trương Hòa Bình tỏ ra có năng khiếu dụng chữ rất chính xác nhưng phạm trù của ba chữ này thì ông chưa định hình được khi nào thì được gọi là "vặt" khi nào thì không.
Nếu một công an giao thông đưa tay nhận 200 ngàn do người dân chung chi thì rõ ràng là vặt, thế nhưng khi bị đòi vài trăm triệu cho một cuốn sổ đỏ thì có còn là vặt hay không ? Rồi nữa, nếu một vụ án được chạy với số tiền bao nhiêu thì được xem là vặt và con số bao nhiêu mới vượt qua lằn ranh ấy để được xem là nghiêm trọng ?
Nếu 200 ngàn mà một công an viên lấy của người dân so với hai trăm triệu để may một chiêc áo dài từ nguồn tiền không rõ ràng của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có được xem là vặt hay không ?
Ông Trương Hòa Bình trong vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chắc cũng biết câu chuyện của cán bộ Tỉnh Hà Giang ăn chặn hơn 181 triệu đồng của nhà nước hỗ trợ cho trẻ tàn tật nhưng cuối cùng công an tỉnh lại xếp hồ sơ vì ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho rằng không nên khởi tố các cán bộ này để "góp phần ổn định chính trị địa phương". Xin hỏi ông 181 triệu là vặt hay không vặt ?
Mới đây nhất đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi "vòi tiền" trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường, vậy ông có chỉ đạo gì trong vụ lùm xùm này nhằm chống tham nhũng một cách hiệu quả như ông đang thuyết phục toàn dân về "tham nhũng vặt" mà ông đưa ra ?
Nếu nhìn cho kỹ, "tham nhũng vặt" chẳng qua để nuôi "tham nhũng cụ" mà thôi, nếu tham nhũng cụ không tác động, tổ chức, cầm đầu thì tham nhũng vặt làm gì còn đất sống ?
Tham nhũng cụ là thượng tầng tham nhũng, nơi ấy chân rết được bung ra nhằm giữ vững chiếc ghế bằng đồng tiền mà tham nhũng vặt thu được rồi "đóng hụi chết" cho tham nhũng cụ. Một công an giao thông phải chung chi cho cấp trên bao nhiêu một tháng cả nước đều biết. Quốc hội biết, Bộ Công an biết, Bộ Chính trị biết và dĩ nhiên cơ quan chống tham nhũng của ông phải biết. Biết nhưng đứng nhìn vì tất cả các cơ quan cao cấp ấy đều tham nhũng như nhau, thiếu tham nhũng làm sao các ông sống được với đồng lương ngang một bác xe ôm hàng tháng ?
Dĩ nhiên chức phận càng cao lợi ích càng lớn. Lợi ích ấy trích từ những tham nhũng vặt, từ những nhóm thân hữu sân sau, từ tham nhũng chính sách, từ nâng đỡ không trong sáng hay từ các hợp đồng, dự án bất minh….Chống tham nhũng vặt như ông Trương Hòa Bình thật ra là chặt vây cánh của các tay tổ tham nhũng trong guồng máy và việc làm này khả thi hay không chính ông Trương Hòa Bình biết rõ hơn ai hết. Biết rõ vì ông từng ngồi ghế Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ròng rã trong 9 năm ông đã xử được vụ đại án nào chưa mặc dù hàng trăm vụ có số tiền tham ô lên đến hàng tỷ đô la ?
Khi ông lên tiếng đòi xử lý các vụ tham nhũng vặt cũng là lúc tham nhũng cụ tại thành phố HCM đang có dấu hiệu cấu kết với thanh tra chính phủ nhằm nhẹ hóa mức độ tham nhũng trong đại án Thủ Thiêm. Là một người đứng đầu trong chính phủ về chống tham nhũng liệu sự lên tiếng này có làm dịu tình hình bất mãn của người dân Thủ Thiêm hay chỉ như lửa đổ thêm dầu vào lòng uất hận của họ ?
Tham nhũng vặt là những kẻ tay sai cho những tên tuổi như Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua….sá gì bọn chúng nếu cấp trên của chúng vẫn phủ phê trên đống hồ sơ mà người dân Thủ Thiêm gửi đi kêu oan gần hai mươi năm nay ? Tham nhũng vặt nói cho cùng chỉ làm dân bực mình, xót của nhưng tham nhũng cụ mới là thành tố làm cho đất nước kiệt quệ, lầm than. Cái đầu tham nhũng cụ bị chặt thì lấy đâu ra tham nhũng vặt vốn là tay sai, là chân rết mà tham nhũng cụ tạo ra để thu lợi ?
Vì vậy thay vì chặt bỏ bọn tham nhũng vặt cho tốn công sức vì chúng quá nhiều, quá khó ông Trương Hòa Bình nên tập trung chặt bọn tham nhũng cụ từ trung ương chặt xuống, lúc ấy may ra bọn ký sinh tham nhũng vặt sẽ bị triệt tiêu mà không cần học tập, thực thi nghị quyết như ông hướng dẫn.
Có điều chặt hết bọn tham nhũng trong guồng máy thì lấy ai làm việc như lời ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng thỏ thẻ ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 28/06/2019 (canhco's blog)