Sau những vỡ òa trên đường phố Việt Nam người dân chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Hàng ngàn thanh niên như lên đồng, mặt mũi đỏ rừng rực chạy xe lòng vòng với nhau chỉ cốt khoe sự ủng hộ của họ với đội bóng nhà vừa chiến thắng. Hai mươi lăm cái chết được báo trước cùng hằng trăm người vào bệnh viện vì thương tật không làm đám đông giãn ra, nó chỉ thúc đẩy thêm sự hưng phấn đã lên tới đỉnh điểm chỉ xảy ra ở những đám đông cuồng nhiệt.
Hàng ngàn thanh niên như lên đồng, mặt mũi đỏ rừng rực chạy xe lòng vòng với nhau chỉ cốt khoe sự ủng hộ của họ với đội bóng nhà vừa chiến thắng.
Đám đông ấy được nhìn với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng nói chung vẫn cùng mẫu số : giải tỏa áp lực từ cuộc sống hàng ngày, tự khẳng định mình và trong một cách nhìn nào đó tận dụng cơ hội này để khoe khoang giữa đám đông mà hàng ngày không thể.
Nam khoe cơ thể, nữ khoe sự trần truồng, khoe khu vực hàng ngày được che kín. Những cô gái ung dung cởi quần áo giữa phố trên các video clip không còn lạ mắt người xem nữa, nó đã trở thành trào lưu của người trẻ hôm nay và xã hội nhìn hình ảnh này một cách nguội lạnh. Tiếng gầm rống của thanh niên những lần tụ tập như thế được báo chí gọi là "bão" là "vỡ òa" cũng đúng với hiện tượng của nó, hiện tượng đú đởn và tục hóa cả một thế hệ thanh niên, thế hệ lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Những cô gái ung dung cởi quần áo giữa phố trên các video clip không còn lạ mắt người xem nữa, nó đã trở thành trào lưu của người trẻ hôm nay
Khỏa thân ăn mừng đội tuyển U23, những cô gái khiến tất cả phản ứng vui
Dù sao thì cũng có thể hiểu được tính cách nổi loạn của họ, nó xảy ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam khi nơi nào mà các nhân tố xã hội không thỏa mãn được nhu cầu sống của đám đông thì nơi ấy có sự phản ứng.
Chỉ có điều, Việt Nam không những vỡ òa vì những tác động dưới đất mà còn sẵn lòng gây bất bình vì một cục đá trên trời. Cục đá được biết rơi từ hành tinh khác xuống trái đất hàng ngàn năm trước được bán đấu giá tại Mỹ và người chiến thắng là một doanh nghiệp Việt Nam. Cục đá được gọi là thiên thạch ấy có giá trị 14 tỷ đồng và hiện đang trị vì tại một ngôi chùa hoành tráng của miền Bắc : Chùa Tam Chúc.
Cục thiên thạch được long trọng và thành kính do Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Ninh Bình làm lễ cung nghinh.
Cục thiên thạch có ý nghĩa gì mà được một tôn giáo lớn như đạo Phật chào đón và thờ lạy long trọng như vậy ?
Đây là câu hỏi đang gây bất bình trong tập thể phật tử Việt Nam. Đạo Phật không như các đạo giáo khác với triết lý tôn sùng thượng đế từ vũ trụ, từ nơi không ai có thể đoán định về sự xuất hiện của các đấng. Đạo Phật thờ lạy một vị bồ tát duy nhất là Thích Ca, là một hoàng tử từ bỏ hoàng cung, gia đình là những thứ gây ra bể khố để tu hành cứu khổ chúng sinh. Phật Thích Ca không đến từ vũ trụ mà ngài hiện hữu giữa cuộc đời như một chân lý, chỉ có ta mới có thể giải thoát cho ta bằng sự tu hạnh.
Thiên thạch dù từ nơi đâu xuất hiện trên trái đất cũng không mang bất cứ một hình ảnh nào của Phật giáo. Thiên thạch chỉ có ích cho các nhà thiên văn học nghiên cứu sự phát triển và hình thành của một hành tinh giữa vô vàn hành tinh trong vũ trụ. Nếu cho rằng cục đá vô tri kia có giá trị thì giá trị ấy chỉ gói gọn trong con số 14 tỉ đồng không hơn không kém.
Nhưng đem giá trị được đo đếm bằng tiền để Phật tử quỳ lạy là hành vi của bọn ác tăng.
Những cô gái cởi truồng dù bị lên án cũng có lý do giải thích vì họ khoe khoang của tự có. Chùa Tam Chúc muốn tránh thị phi vì khoe khoang cục đá vô tri không dễ dàng gì vì làm sao trả lời cho phật tử biết cái cục đá ấy, cái số tiền 14 tỷ ấy có thể thay thế đức Thích Ca để phổ độ chúng sinh ?
Trào lưu khoe khoang sự giàu có trong các chùa chiền đã lên tới đỉnh điểm. Đạo Phật biến dạng và không ít người công khai lên án. Những tu sĩ không hề biết thuyết pháp nhưng được khoác lên những danh xưng Thượng tọa, Hòa thượng xuất hiện đầy rẫy. Những chiếc áo đã làm nên thầy tu ấy không dệt bằng chất liệu sợi thông thường, chúng được dệt bằng nghị quyết, bằng chính sách, bằng sự khuyến khích đi lệch đường tu của chiếc xe Phật pháp.
Và vì vậy một cục đá vô tri nằm trên bàn thờ ngang với Phật không phải là chuyện ngẫu nhiên, nó được tính trước từ những cái đầu nguội lạnh giáo lý nhà Phật nhưng lại hừng hực bóng dáng đồng tiền và sự cám dỗ của danh tiếng đã làm cho câu kinh tiếng kệ của nhà chùa trở thành méo mó, tổn thương.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 09/12/2018 (canhco's blog)
Việt Nam có lẽ là nơi có nhiều khu lưu niệm không đáng lưu tâm nhất, vì những nhân vật trong ấy nếu không bị người dân chê điểm này thì lịch sử cũng phủ nhận điểm kia. Tệ hơn nữa, có nhân vật vừa nằm xuống thì người dân đua nhau tung hê như thoát được một cái xiềng trong tâm hồn, một nỗi khinh bỉ chen lẫn sợ hãi kéo dài trong đời sống của họ.
Nói đâu xa, Tố Hữu, một nhà thơ quấn quanh mình miếng vải cách mạng và châm loại xăng cảm hứng để tự thiêu nhân cách và phẩm giá bằng những bài thơ không ai dám làm, bởi nó vừa hèn vừa bỉ ổi đến mức một trăm năm sau khi đọc lại người ta vẫn còn thấy mùi vị hố xí của nó vẫn còn phảng phất vậy mà người ta đang quyết tâm xây dựng khu lưu niệm dành cho ông tại quê hương Thừa thiên, Huế.
Tố Hữu hôm nay được tôn vinh như một nhà cách mạng vĩ đại, xây tượng, lập khu lưu niệm đến 28 tỷ, số tiền có thể xây dựng hàng chục ngôi trường cho các em nghèo bất hạnh. Nhưng tiền mặc dù lớn và lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền, không phải là câu hỏi khi gắn nó với Tố Hữu, hai chữ "lưu niệm" mới là vấn đề với nhà thơ nổi tiếng này.
Câu hỏi đặt ra : Tố Hữu có xứng đáng được nhân dân thương mến đến nỗi cần một khu lưu niệm để họ tới chia sẻ những thương mến đối với một hiền tài của đất nước hay không ? Câu trả lời là một chữ "Không" chắc nịch, bởi nhiều lý do mà lý do nào cũng đạp đổ hình ảnh mà chính quyền này cố công xây dựng cho ông ta.
Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm... thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.
Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn Giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.
Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền khi phong trào Nhân văn Giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung… Ngày nay thành viên Nhân văn Giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.
Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định "Giá, lương, tiền" vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.
Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng, nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác.
Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca Stalin ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác.
Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng :
"Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin ! Stalin !
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin !
….
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười"
Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ "Giá, lương, tiền" năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 04/12/2018 (canhco's blog)
Nói về những phát biểu ngô nghê của Đại biểu quốc hội Việt Nam có lẽ phải viết riêng một cuốn sách phân tích về hiện tượng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Dưới mắt người dân bây giờ Đại biểu quốc hội chẳng qua là những người thích nói, nói không cần biết có đúng hay không và đúng tới mức nào. Trách nhiệm trong lời nói của họ gần như số không, bất cần phía sau những lời nói hoa hòe gượng ép ấy sẽ ảnh hưởng tới dư luận như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. (Ảnh : Quochoi.vn).
Khi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khóa trước vô tư tuyên bố rằng "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai ?" thì cả nước ngẩn cả mặt ra về cái tư duy vượt thời đại này. Không cần bàn chi sâu xa, tầm hiểu biết về Quốc hội của một ông Chủ tịch chính cái quốc hội ấy đã lộ rõ mười mươi, nó làm cho người dân ngao ngán cho cái bánh vẽ quốc hội mà mình đang có.
Rồi Chủ tịch quốc hội đời kế tiếp là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bắt chước câu nói nổi tiếng của Tổng thống Kennedy một cách máy móc và không hề ngượng miệng khi tuyên bố : "Tôi xin hỏi những người phản biện, các người đã làm được gì cho đất nước chưa ?".
Người dân lại lãnh thêm một hòn đá lớn ném vào quyền bày tỏ của mình.
Nếu thống kê cho hết những phát biểu trật lề của các Đại biểu quốc hội trong nhiều khóa gần đây có lẽ tốn thời gian cho người đọc mà không mấy khơi gợi thêm sự khinh bỉ của dân chúng đối với họ, bởi người dân đã hằn sâu định kiến về kiến thức, lòng tự trọng, kể cả sự ương bướng cố hữu của người Cộng sản đối với từng lời từng chữ của các Đại biểu quốc hội trước một diễn đàn lớn nhất nước.
Chẳng những ngô nghê mà họ còn ác độc nữa.
Vào chiều ngày 12 tháng 11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Đại biểu quốc hội Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Theo báo chí ghi nhận lại thì ông Hồ Đức Phớc cho rằng "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.
Ông Phớc còn đề nghị "để quản lý những phạm nhân được phép ở tù tại gia, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Buồng giam này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, chìa khóa giám thị cầm, gia đình chỉ chăm sóc, đến bữa cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm".
Bao nhiêu cũng đủ thấy sự độc ác trong lời đề nghị của một kẻ mang danh hiệu Đại biểu quốc hội. Độc ác và vi hiến một cách trầm trọng khi chủ trương làm cho người bị giam lẫn gia đình của họ xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm và gia đình. Đối với đề nghị này thì ông Phớc ngang nhiên vi hiến vì đã cổ vũ một biện pháp xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người dân vi phạm Khoản 1 Điều 20 của Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Phớc không hiểu rằng vi phạm pháp luật phải được xử lý nhưng quyền cơ bản con người được Hiến pháp bảo vệ thì không ai có quyền xúc phạm, kể cả ông, một Đại biểu quốc hội rất tồi khi không nhớ nỗi điều căn bản này.
Ông đem cả gia đình của tù nhân ra làm thế chấp cho cái gọi là "xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm". Ông không ý thức được hậu quả của sự "xấu hổ" ấy sẽ đẩy cả gia đình họ trôi dạt về đâu trong ánh mắt xa lạ khinh bỉ của láng giềng, vốn cũng rất ngô nghê với chính cái quyền căn bản của mình. Ông Phớc tỏ ra rất chuyên chính trong lời đề nghị rặt tính cộng sản khi một phạm nhân bị mang tấm bảng kê khai tội danh mình đi bêu rếu trên đường phố của thập niên 50 trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Ông trừng phạt thân nhân của họ vì phải nấu ăn, cung phụng cho tù nhân trong khi trách nhiệm này phải thuộc về nhà nước. Ông cưỡng chế không gian riêng tư của gia đình họ bằng hành vi đi ngược lại với quyền tự do cư trú của người dân.
Ông mang hình ảnh nhà giam tới từng hộ dân khi cho giám thị nhà giam tự do đi lại tới từng nhà, ám ảnh tự do của từng công dân, những người chưa bao giờ phạm tội. Ông mang chế độ công an trị tới từng ngóc ngách xã hội mà không tốn một xu nào cho ngân sách.
Chưa thấy đủ, ông Phớc còn đề nghị đem cả củi sắt về tận nhà để nhốt người, đủ hiểu mức ác độc trong tư duy của ông là không giới hạn.
Ông xem tù nhân là con vật, và củi sắt là nơi mà chúng phải thuộc về.
Ông Phớc với tư cách là một Tổng kiểm toán nhà nước, chắc không phải lả người xa lạ với những con số. Hãy thử tính xem trên toàn quốc nếu số củi sắt này cung ứng đầy đủ thì Việt Nam có phải là một nhà tù vĩ đại hay không ?
Ai cho phép ông có một đề nghị xảo quyệt như vậy khi bắt cả gia đình tù nhân ở tù chung với nhau trong một không gian tự do mà hiến pháp quy định ? Đặt cái củi sắt trong nhà của họ có khác gì mang một vết thương chia đều cho từng người khi phẩm giá, lòng tự trọng, danh dự của họ bị chà đạp ?
Vậy mà lạ thay, lời đề nghị này được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an hứa sẽ xem xét và nghiên cứu, bên cạnh những đại biểu "tầm cỡ" khác rất phấn khởi vì đề nghị khác thường này... mặc cho bên ngoài xã hội làn sóng phỉ nhổ nổi lên tiếp theo các làn sóng căm phẫn khác.
Ở những nước phát triển người ta không dùng hình ảnh "tù tại gia" để miêu tả biện pháp theo dõi phạm nhân có thời gian ngắn được phép rời nhà tù vì lý do đặc biệt nào đó. Cảnh sát gắn một vòng khóa có thiết bị điện tử dưới chân xác định vị trí mà tù nhân đang đứng để khi cần thì cảnh sát có thể không chế nếu tù nhân ấy có ý định bỏ trốn.
Biện pháp này chỉ được áp dụng cho tội tiểu hình trong một thời gian sau khi được tòa xem xét lý do hợp lý và chấp nhận. Cái vòng điện tử phải được lắp dưới cổ chân cho người khác không nhìn thấy chứng tỏ phẩm giá và danh dự của người vi phạm pháp luật vẫn được tôn trọng như bất cứ công dân bình thường nào khác.
Tứ chiếc vòng điện tử dưới cổ chân tiến tới cái củi sắt nhốt người ngay trong gia đình của tù nhân thật là một bước nhảy vọt vượt bậc đáng tự hào của Quốc hội Việt Nam.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 15/11/2018 (canhco's blog)
Một quân đội chỉ biết "tủi thân" thì chắc chắn đó là một quân đội yếu kém và nhu nhược.
Tất cả mọi quân đội trên thế giới, điều quan trọng nhất mà người lính học được đầu tiên từ quân trường, nơi bắt đầu cuộc đời quân nhân chuyên nghiệp, là phải thuộc nằm lòng tính chất hào hùng mà một đội quân tinh nhuệ phải có. Đạo binh ấy có mạnh mẽ hay không nằm trong ý chí của từng người lính. Bất kể họ có được trang bị vũ khí hiện đại đến đâu nhưng khi ra trận yếu tố hèn nhát vẫn là nguyên nhân đầu tiên của sự bại trận, có khi quân thù chưa đánh đã thua.
Đội ngũ tướng lãnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay là Câu lạc bộ những người chỉ biết "tủi thân" ?
Quân đội Nhân dân Việt Nam từng được xem là anh hùng và thiện chiến sau thời gian dài đánh Mỹ. Nhưng đó là dĩ vãng, là kỷ niệm đẹp đẽ dành cho những người từng tham gia cuộc chiến khốc liệt tấn công và giải phóng miền Nam. Cuộc chiến ấy đã lùi vào quá khứ từ khi Gạc Ma mất vào tay giặc cùng với nhiều cây số đất đai dọc biên giới phía Bắc.
Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng vắng bóng hơn trên chính trường thế giới. Các nước trong khu vực không còn lấy mô hình của một đạo binh từng lừng lẫy để học tập vì chính phủ của họ biết rằng hào quang đã tắt lịm trên từng chiến binh Việt Nam và thay vào đó là những đạo quân đi làm kinh tế thay vì được huấn luyện để quen thuộc với bom đạn và các thao tác chiến tranh.
Chiều ngày 6/11, khi Quốc hội thảo luận về Luật Công an nhân dân, bàn về số lượng tướng phân bổ trong đơn vị này, nhiều tướng tá trong quân đội cảm thấy bị bỏ rơi. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh đã lên tiếng : "Đề nghị Đảng, nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia. Làm thế này bên quân đội buồn, tủi thân lắm".
Hai chữ "tủi thân" được Thượng tướng Nguyễn Văn Được dùng trong ngữ cảnh này phản ánh một thực tế cần suy nghĩ. Tủi thân là một cảm giác bị hắt hủi, bỏ mặc một cách bất công. Tủi thân bao hàm tính chất tự ti mặc cảm, thường chỉ xảy ra ở trẻ con hay những phụ nữ hiền lành, cam chịu. Tủi thân không thể chấp nhận là một biểu cảm của đàn ông vì tính cách này thường bị xem là ủy mị và yếu đuối.
Một quân đội có được phép tủi thân hay không khi thuộc tính của nó là chảy nước mắt, ngậm đắng nuốt cay vì bị hắt hủi, thờ ơ và sự bất công nằm ngay trong sự việc xảy ra ?
Nếu một quân đội như thế thì thật vô phúc cho quốc gia nào chứa chấp nó. Việt Nam không có truyền thống tủi thân trong quân đội từ bao đời nay kể từ khi lập quốc. Dù thô sơ và yếu kém nhưng những đạo quân của dân tộc chưa bao giờ có khái niệm tủi thân, một khái niệm rất gần với nhu nhược và hèn nhát.
Xưa là vậy còn nay tại sao Quân đội lại thấy tủi thân trước một lực lượng vũ trang khác là Công an? Mặc dù một ông Thượng tướng phát biểu trong nghị trường một cách vô tư nhưng phía sau câu nói ấy phải có một động lực nào thúc đẩy bởi ông ta không thể nói những lời vô căn cứ. "Tủi thân" chỉ là sự lập lại của hai chữ "tâm tư" của ông Phùng Quang Thanh phát biểu trước đây, nhưng tâm tư nghe ra nhẹ nhàng và vô tội vạ hơn, trong khi "tủi thân" mở ra một hình ảnh thực sự của một đạo quân nhu nhược đang có mặt trên đất nước này.
Nếu không nhu nhược thì không lý gì biển đảo ngày một mất dần, ngư dân không còn dám hành nghể trên vùng đất của mình vì Trung Quốc ngày đêm canh giữ sẵn sàng bắt bớ thậm chí hành hung, trong khi quân đội mất cả tăm hơi giống như đang trốn chạy sự thật trên Biển Đông. Một tiếng còi hụ từ tàu tuần duyên cũng không được nghe thấy.
Trên bờ thì hết vùng đất này tới khu công nghiệp khác, quân đội trực tiếp đầu tư và điều hành những dự án không hề liên quan gì tới súng đạn. Vừa làm giàu vừa đòi hỏi chính phủ phải ưu tiên dành cho mình những vùng đất tốt. Quân đội không còn quan tâm tới những vi phạm chủ quyền, tuy âm thầm nhưng rất lộ liễu của Trung Quốc, để ít nhất cũng lên tiếng trước Quốc hội têu cầu tìm phương thức đối phó. Quân đội bị trói tay tứ bề và chính sách "quân đội được phép làm kinh tế" có vẻ như một cách ban bố cho tập thể này bớt "tủi thân" so với công an, thanh gươm và lá chắn, còn Đảng còn mình của chế độ.
Trong khi quân đội tiếp tục tủi thân vì những chuyện trẻ con nơi nghị trường thì ngoài kia các chiến sĩ đang bảo vệ Trường Sa một cách âm thầm không biết có tủi thân không khi sự cô đơn và nhỏ bé của họ không được trong bờ chú ý.
Một vài chuyến thăm hỏi, một vài bài báo khen lấy có, một vài câu chuyện về sự hy sinh của những người lính đảo có lẽ chỉ là cách xoa bóp cho một căn bệnh đã trở thành di căn : mị dân.
Người lính đảo sống trong thiếu thốn mọi bề xứng đáng được những đại biểu quân đội trong Quốc hội yêu cầu được đối xử công bằng chứ không phải sự công bằng biểu hiện từ những chiêc lon gắn vội trên ve áo. Tướng nhiều làm gì khi binh sĩ không còn là binh sĩ và khi có chuyện đao binh liệu những viên tướng chỉ biết "tủi thân" ấy sẽ làm được gì cho cơ đồ dân tộc ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/11/2018 (canhco's blog)
Ngày 2 tháng 11 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng trong vụ tai nạn trên cao tốc khiến 4 người chết.
Hai năm trước, ngày 19/11/2016, tài xế xe Innova Sơn chở 10 người chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Vì muốn đón người ở Thành phố Sông Công, nhưng do chạy quá lối rẽ vào thành phố nên Sơn cho xe lùi lại ngay trên đường cao tốc.
Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.
Cùng lúc ấy, bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe container chở thép đi tới, đâm vào xe của Sơn khiến 4 người chết, 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng. Đo nồng độ cồn xác định, bị cáo Sơn có uống rượu trước khi lái xe, bị cáo Hoàng thì không.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hà Xuân Đức - giám định viên Bộ Công an xác nhận đã xem xét thiết bị giám sát hành trình trên xe container. Tài xế xe container đã chạy 62km/h. Không vi phạm tốc độ giao thông trên đường cao tốc.
Tuy nhiên bản án được tuyên căn cứ vào Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi rồi mới đạp thắng. Việc này vi phạm thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe. Tòa phúc thẩm tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù ; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù.
Theo thông tư 91 thì khoảng cách an toàn giữa hai xe trên đường cao tốc khi chạy với tốc độ 60km/h đến dưới 80km/h là 35m. Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.
Tuy nhiên, tòa lại không thể xác định được tốc độ di chuyển ngược lại của xe Innova về hướng xe container là bao nhiêu và nếu xe Innova chạy cùng hướng với xe container thì khả năng gây tai nạn có xảy ra hay không ?
Tòa cũng không mời chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải để xác định xem tốc độ lùi của chiếc Innova đã kéo ngắn khoảng cách giữa hai xe bao nhiêu mét, và thời gian là bao lâu khiến tai nạn xảy ra.
Tòa cũng không tính tới yếu tố uống rượu lái xe của tài xế xe Innova và sự nhồi nhét đến 10 người trong một chiếc xe chỉ có 7 chỗ ngồi ảnh hưởng ra sao tới tầm nhìn của tài xế khi anh ta lùi lại trên đường cao tốc trong khi tiếng ồn ào, bàn cãi của những người ngồi trong xe chắc chắn sẽ gây cho anh ta sự mất chú ý khi đang lái xe nhất là chạy giật lùi.
Vụ án gây phẫn nộ khắp nước không riêng gì địa phương Thái Nguyên. Người dân phẫn nộ vì tính chất thiếu chuyên nghiệp của một tòa án cấp phúc thẩm, xét xử căn cứ trên những điều lệ thông tư cứng ngắt mà không xét đến những yếu tố quan trọng gây tai nạn giữa người điều khiển phương tiện. Tòa không căn cứ vào các yếu tố khoa học có thể chứng minh ai là người gây ra lỗi và trách nhiệm của tài xế chiếc container phải chịu căn cứ trên những yếu tố nào ?
Nếu giữ khoảng cách 30 mét thay vì 35 mét như lời cáo buộc thì tài xế xe Innova mới là người hoàn toàn chịu trách nhiệm vì anh ta đã lùi xe khiến khoảng cách bị rút ngắn mà tài xế xe container không thể làm gì khác hơn.
Ai cũng thấy chỉ có Hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm là không thấy. Tại sao vậy ?
Vì những người ngồi ghế tòa án không hiểu được thế nào là luật pháp. Luật pháp được lập ra nhằm giữ gìn trật tự xã hội và công bằng cho mọi con người. Sự công bằng cần được xem là tiêu chuẩn không thể thay đổi và bản án được phán xét sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố dù nhỏ nhất bằng mọi phương tiện mà trong thời đại kỹ thuật số việc gì cũng đều có thể chứng minh.
Pháp luật chỉ được thực thi một cách triệt để khi tòa án có những thẩm phán hội đủ kiến thức về luật pháp qua trường lớp và kinh nghiệm chứ không thể qua các lớp tại chức và kinh nghiệm được tính ngang với thời gian vào đảng. Pháp luật cần những luật sư hiểu chức năng và quyền hạn của mình và thân chủ cũng như Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán phải có những ý kiến trái chiều dành cho trường hợp người bị tòa sơ thẩm kết án. Ý kiến trái chiều là chìa khóa khiến một bản án tiến gần hơn với sự thật và vì vậy oan sai sẽ ít đi.
Không một nước nào trên thế giới lại hoàn toàn vắng bóng những trường hợp oan sai, tuy nhiên trong thể chế dân chủ, chính quyền cảm nhận được oan sai của một tòa án là bản án của người dân dành cho chính quyền, vì cử tri sẽ không chấp nhận những lời xin lỗi hay đền bù thiệt hại cho nạn nhân nếu vụ án sai sót một cách không thể chấp nhận.
Việt Nam có quá nhiều vụ án không thể chấp nhận, và có quá nhiều nạn nhân bị tòa án xét xử căn cứ vào những bằng chứng mơ hồ, những lời khai bị khống chế, những lời nhận tội được ghi âm sau những tháng ngày sống trong sợ hãi và đe dọa.
Huỳnh Văn Nén 17 năm oan ức và Nguyễn Thanh Chấn 10 năm ngồi tù mà không hề phạm tội.
Kẻ phạm tội là những thẩm phán trong Hội đồng xét xử hai bị can này, nhưng với hệ thống tư pháp hiện nay họ chỉ đáng bị khiển trách, kiểm điểm vì công trạng đối với cách mạng.
Kết quả của phiên tòa mất lý trí này là phản ứng mạnh mẽ của mạng xã hội. Người ta kéo Hội đồng xét xử xuống tận địa ngục, nguyền rủa sự bất minh và ngu dốt của họ. Người ta phẫn nộ lên án cả chế độ và báo chí cũng không còn đứng vòng ngoài quan sát. Nhiều bài báo mời chuyên gia phân tích vụ án và ai cũng chứng minh rằng Hội đồng xét xử thiếu kiến thức và đã cứng ngắt khi áp dụng một thông tư liên quan.
Về phía dân chúng, tài xế nhiều nơi nảy ra sáng kiến treo biểu ngữ trước đầu hoặc bên hông xe để phản đối bản án của tỉnh Thái Nguyên và yêu cầu trả tự do cho tài xế Hoàng. Tài xế cả nước theo dõi vì họ biết rằng trong tương lai những vụ án tương tự sẽ trùm kín cuộc đời của họ. Tài xế xe chuyên dụng là những người dễ bị va vấp nhất và vì vậy họ cần những tòa án có đầy đủ đức tính của một nơi cầm cân nảy mực.
Người dân thù ghét tòa án không phải là chuyện mới xảy ra, bởi các bản án bỏ túi, án tại hồ sơ, hay án không cần xét đã khiến hàng ngàn gia đình sống trong oan khuất. Oan khuất ấy nảy mầm từ lối sống sa đọa của những con người phục vụ trong lĩnh vực tòa án. Người dân biết nhưng không làm gì được và vũ khí cuối cùng của họ chỉ là hả hê, cười đùa trên mất mát của những gia đình quan chức tòa án,
Mới đây một chiếc xe hiệu Mercedes rơi xuống cầu Chương Dương khiến tài xế tử nạn. Cô tài xế được xác nhận là con của ông Nguyễn Hải Phong, nguyên Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa về hưu tháng trước. Người ta cho rằng chính chiếc xe này đã gây tai nạn chết người tại Ô Chợ Dừa rồi bỏ chạy và vụ án không một trang giấy điều tra, nay thì người gây tai nạn gặp tai nạn do chính mình gây ra âu cũng là gieo gió gặt bão.
Nhưng đối với người dân thì chính ông Nguyễn Hải Phong là người gieo gió và con gái của ông phải gặt bão trong khi ông còn sống để nhìn những gì mình đã làm cho người khác trong những năm qua.
Bao nhiêu tiền trà nước của phạm nhân lẫn những kẻ chức quyền đã đưa ông vào thế giới vinh hoa phú quý thì nay những đồng tiền ấy bỏ ông mà đi kéo theo ruột thịt của mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầy mùi tanh của máu và nước mắt của những tù nhân oan ức.
Ai đang hành xử như tòa Thái Nguyên chắc không nên tiếp tục nhắm mắt ăn tiền nữa. Nhân dân bây giờ sắt bén trong lời nguyền rủa lắm, khi họ đã nguyền rủa thì không ai thoát nỗi tai kiếp ở thế giới này đâu.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 07/11/2018 (canhco's blog)
Kỳ họp Quốc hội lần này các đại biểu tương đối nhanh nhạy trong những câu hỏi có tính cách thời sự. Một trong các câu hỏi ấy dành cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vấn đề mà dư luận xã hội đang dậy sóng, đó là dự thảo sinh viên bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị cho thôi học.
Dự thảo sinh viên bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị cho thôi học.
Chỉ cần nêu lên câu hỏi, đại biểu dư sức biết câu trả lời vòng vo của ông Nhạ. Hỏi cho có hỏi nhưng hình như xưa nay không có bất cứ câu hỏi nào giữa nghị trường từng nhận được câu trả lời rốt ráo và thuyết phục. Hỏi như một cách đưa ra cho dân chúng tiếp tục ném đá đối tượng được hỏi hơn là tìm câu trả lời hợp lý và thành thật.
Làn này cũng vậy. Ông Nhạ chấp nhận tiếp tục làm bia cho người dân ném đá chứ không chấp nhận có một động thái xoa dịu dư luận, như từ chức vì thiếu trách nhiệm chẳng hạn, bởi ông và hầu hết các đồng liêu của ông đã dính chặt với chiếc ghế đang ngồi vì số tiền bỏ ra mua ghế quá cao, không cho phép họ đủ can đảm nói lời chia tay với một vật thể tuy vô tri nhưng đầy quyền lực.
Ông Nhạ từng được tiếng là phát ngôn bừa bãi và tư cách không khác gì một cán bộ cấp xã trong khi lại nắm giữ một chức vụ quan trọng nhất của quốc gia : Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Trong vụ UBND xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên tiếp khách, rót rượu, ông Nhạ cho là mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã.
Có lẽ từ tư duy không "trầm trọng" đó ông tiếp tục áp dụng Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT đã có từ hai năm trước trong thời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát xuất từ lúc Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Giáo Dục. Ông Nhạ quen với cách nghĩ sinh viên rồi sẽ không khác mấy với các cô giáo bị "điều" đi rót rượu cho quan chức, hình ảnh thu nhỏ của các chị em bia ôm, nhưng ông Nhạ lại nhìn một cách lệch lạc đi và quy kết các cô giáo ấy do im lặng nên UBND Hồng Lĩnh mới dám làm những công việc tệ hại đến thế.
Lần này thì sinh viên sư phạm cũng sẽ im lặng trước cái thông tư "điếm đàng" do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng tác. Sinh viên sư phạm bị đánh đồng là những cô gái bán dâm dự khuyết. Vì là ngành sư phạm nên các cô phải bị quản lý chặt hơn, theo dõi sát xao hơn để khi ra trường các cô sẽ có một bản thành tích trong sáng hơn trong phạm vi làm gái. Các cô sẽ hãnh diện vì mình không có lần thứ tư bán dâm trong mái trường xã hội chủ nghĩa và đã cầm được mảnh bằng tốt nghiệp nên khi nhận nhiệm sở tại các trường làng các cô sẽ dạy cho các em bài học về sự chịu đựng khi bị làm nhục tập thể.
Các cô sẽ không bao giờ dạy cho các em phản ứng hay kiến nghị mỗi khi bị quan to dày xéo lên cơ thể hay tâm hồn, bởi hơn ai hết các cô biết giá trị của một người dân dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, từng cá thể chỉ đáng nhận một lời xin lỗi đểu cáng sau khi bị cướp bóc, hành hung hay thậm chí hiếp dâm nếu bị phát hiện. Bài học bán dâm đến lần thứ tư dạy cho các cô thế nào là nền pháp trị của nơi mà các cô đang sống. Quyền hành làm luật của mỗi cơ quan đã giúp cho người dân thấy thêm được sự tù ngục của chính mình trong cái trại tập trung treo đầy mỹ từ có liên quan đến "tính đảng" chung quanh.
Con số 4 đối với Bộ Giáo dục của ông Nhạ là một "ân huệ" cho sinh viên lầm lỡ. Con số 4 ấy đối với các sinh viên bất kể trường nào, nam hay nữ, đều cảm thấy sự sỉ nhục đè lên tâm hồn của họ. Con số 4 ấy đối với xã hội là vết chém vào lòng tự trọng, là chén muối sát vào vết thương văn hóa vốn đang làm mủ trong tâm hồn từng người. Con số 4 ấy là tận cùng của sự thoái hóa tư duy đã và đang lây lan như dịch bệnh trong tất cả mọi cơ quan nhà nước mà cộng đồng không có cách nào tiêu diệt nó.
Bản dự thảo được viết ra từ những cái đầu rỗng tuếch phẩm chất con người, vì chỉ có con người mới được Thượng đế ban cho lòng tự trọng và phẩm hạnh để sống. "Con người" không được áp dụng cho những kẻ nghĩ ra cái dự thảo phản đạo đức mang tên lần thứ 4, bởi ai cũng thấy dự thảo này chà đạp nhân phẩm con người một cách triệt để nhất.
Ông Phùng Xuân Nhạ bị kết án vì ông chính là kẻ chịu trách nhiệm sau cùng khi cho phép nhân viên dưới quyền mang chúng công khai trên trang nhà của Bộ Giáo dục. Ông xứng đáng được nhận huy chương cao quý của ngành vì sự cống hiến danh dự của mình để người dân chà đạp. Ông xứng đáng được ghi tên vào lịch sử giáo dục nước nhà vì có công xem nữ sinh viên là một tập thể có tiềm năng bán dâm cần phải được giúp đỡ cho các em vượt qua khó khăn nhất định bằng cách cho phép các em được ba lần bán dâm hợp pháp.
Những lần còn lại các em cố mà học cho bằng được "Nước vỏ lựu, máu mào gà" để chứng tỏ mình còn trong vòng kiểm soát.
Các em phải cám ơn ông Nhạ và cả cái Bộ Giáo dục của ông vì đã "giáo dục" các em những bài học đắt giá về lĩnh vực bán dâm, lĩnh vực mà các em chưa bao giờ nghĩ tới cho dù có nghèo nàn rách rưới. Bộ Giáo dục đã tặng cho các em cẩm nang vào đời để mai kia khi gặp khó khăn trong nghề giáo các em sẽ không cần ai chỉ dẫn để gia nhập vào cộng đồng "đèn đỏ" đầy rẫy khắp mọi miền đất nước. Các em cũng sẽ không bao giờ lấn cấn trong việc mình bán dâm có sai trái hay không bởi bài học "ba lần được phép" như một tấm giấy thông hành giúp các em yên tâm đặt chân lên vùng đất đầy cạm bẫy mà không cần phải suy tư về mỹ từ đạo đức, hay phẩm hạnh của một nữ nhân.
Thà như vậy đi các em còn có tương lai hơn, kể cả tương lai của một cô giáo bán dâm còn hơn nếu ngay bây giờ nghe lời ông Nhạ dâng kiến nghị hay phản ứng đối với bản dự thảo thì các em sẽ đối diện với bức tường đá lì lợm của sự im lặng. Các em sẽ bị ghi tên vào sổ đen của trường và chắc chắn ngày ra trường của các em sẽ xa ngai ngái…..
Nhưng nên nhớ, chỉ ba lần thôi nhé, các sinh viên sư phạm đáng thương của đất nước.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 01/11/2018 (canhco's blog)
Câu chuyện về Nhà hát Giao hưởng còn đang trên bàn mổ chưa ngã ngũ thì chính quyền thành phố lại tung ra con bài mới, thách thức người dân cả nước, đặc biệt những ai đang phản biện vụ Nhà hát Giao hưởng khi Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đặt tên quảng trường Hồ Chí Minh cho dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông.
Địa điểm xây dựng Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông, nay đổi thành Quảng trường Hồ Chí Minh, Thủ Thiêm - Ảnh minh họa
Nếu nhà hát tốn 1.500 tỷ thì Quảng trường Hồ Chí Minh tốn tới 2.000 tỷ. Quảng trường này rộng 27 héc ta có sức chứa hơn 4 trăm ngàn người và quần thể chung quanh nó là nhà sàn, ao cá, công viên… Nói chung, đó là nơi để nhắc nhở người dân về Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vĩ đại luôn "ám ảnh" những kẻ tai to mặt lớn, đến nỗi cứ có chuyện gì khó xử thì đem ông ấy ra như một cái bung xung nhằm che chắn cho những chính sách, hành động dối trên lừa dưới.
Theo báo chí phát hiện thì công ty Đại Quang Minh được thành phố chọn giao nhiều dự án với phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Công ty Đại Quang Minh đầu tư 4 trục đường chính của khu Đô thị mới Thủ Thiêm và thành phố giao cho công ty này một số lô đất mà không phải qua đấu thầu : 4 trục đường có chiều dài 12 cây số và giá thành mỗi cây số là 1.000 tỷ, 12 ngàn tỷ được Đại Quang Minh đổi lấy đất của dân Thủ Thiêm thì ra bao nhiêu héc ta ?
Dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông (nay đang được đề nghị đổi tên là Quảng trường Hồ Chí Minh) cũng do công ty này thực hiện trên phương thức đổi đất lấy hạ tầng, vì vậy nói rằng thành phố bỏ ra 2.000 tỷ là không chính xác, phải nói thẳng là thành phố đã cướp đất của dân Thủ Thiêm để xây dựng quảng trường này.
Trước cửa UBND thành phố đã hiện diện một pho tượng của bác nhiều chục năm nay, cũng công viên, ghế đá, chung quanh là khu vui chơi giải trí nhưng thú thật ngàn lần như một khi chạy xe ngang lúc nào tôi cũng tự hỏi tại sao lại vắng người như thế ? Mặc dù đây là địa điểm vàng của thành phố, người dân lúc nào cũng tấp nập qua lại nhưng không ai ghé vào những chiếc ghế đá trong công viên có tượng Bác để ngồi nghỉ hay ngắm nghía khung cảnh chung quanh.
Lý do thì có nhiều nhưng nói là người dân Sài Gòn không thích loại tượng đài như vậy cũng là một cách trả lời.
Khi Quảng trường Hồ Chí Minh thành hình, người dân thành phố chắc chắn sẽ đến vui chơi trong thời gian đầu tiên vì tò mò, vì muốn xem mức độ hoành tráng của nó như thế nào và nhất là họ sẽ ghé vào nhà sàn của Bác thăm ao cá, và sau đó rồi… thôi, không đến nữa vì quá xa và nhất là không có gì hấp dẫn để xem.
Sẽ có từng đoàn khách tham quan do các UBND các tỉnh (hay chính UBND Thành phố) vận động về thăm Quảng trường như một cách ghi nhớ công ơn của Bác, còn phía sau cái kết quả "ghi nhớ" ấy đố ai mà biết được có bao nhiêu phong bì sẽ tiêu tốn trong các lần "ghi nhớ" như vậy ?
Còn người dân Thủ Thiêm thì sao ?
Họ đâu còn ở Thủ Thiêm nữa mà đến những nơi sang trọng như Nhà hát Giao hưởng hay hoành tráng như Quảng trường Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ thời gian đầu họ sẽ lặn lội từ những nơi mà họ bị buộc di dời như Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc để đến mục kích những công trình mọc lên từ nước mắt lẫn máu của họ. Giống như thân nhân chết vừa mới chôn, sau ba ngày thì phải về mở cửa mả vậy.
Đó là những gia đình chấp nhận di dời vì không còn cách nào khác, còn hàng ngàn hộ đang vất vưởng người không ra người, ma không ra ma thì chắc chắc họ sẽ gọi nhau mà đến. Thay vì khiếu kiện tận Hà Nội thì sẵn có Bác đang ở đây họ thay nhau trình bày nỗi oan ức của mình cũng như sự tha hóa tận cùng của những cán bộ lãnh đạo của Thành phố. Đây là cơ hội vàng cho những con người khốn khổ lầm than mà không bút mực nào tả cho hết nỗi đau thấu trời của họ.
Rồi sẽ bắt bớ, sẽ xuống đường, sẽ đánh đập người dân như đã và đang xảy ra. Nhưng cùng khổ như dân Thủ Thiêm thì có gì làm họ khiếp sợ được nữa ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 12/10/2018 (canhco's blog)
******************
Thủ Thiêm, stop Hồ Chí Minh
Trương Duy Nhất, RFA, 13/10/2048
Thôi, không nói chuyện quốc tang, lăng mộ, với nhà giao hưởng nữa. Thiên hạ chửi thối trời rồi. Nhắc nữa, chỉ thấy thêm… căm thù !
Đất nước này, từ bắc chí nam, đã có biết bao những Hồ Chí Minh thế, nhiều vô kể, không đếm nổi. *Giờ nói chuyện quảng trường Thủ Thiêm, ngay từ cái tên gọi.
Hãy để Thủ Thiêm là chính Thủ Thiêm. Sao cứ phải gán chi cho ông Hồ ? Hoặc, cứ đặt là quảng trường Gà, Vịt, Cỏ, Nước, Đá, Cây gì đấy cũng được, há chẳng hay hơn, văn hóa hơn, sao cứ phải Hồ Chí Minh ?
Một quảng trường Ba Đình cho ông Hồ là đủ.
Đây là đề nghị nghiêm túc, thiết nghĩ chính phủ (thậm chí Bộ chính trị) cần có hẳn một nghị quyết, hay "đảng lệnh" nào đó, nhằm chặn ngăn, stop cái tư duy… Hồ Chí Minh này.
Đất nước này, từ bắc chí nam, đã có biết bao những Hồ Chí Minh thế, nhiều vô kể, không đếm nổi. Đến dựng cả tượng bố ông Hồ.
Hãy để Thủ Thiêm là chính nó. Hoặc cao hứng, dựng hẳn tượng thằng cu cởi truồng, chĩa con chim khổng lồ đái vồng qua sông thành một cây cầu nước huyền diệu. Thi vị quá đi chứ !
Văn hóa là thế. Đâu phải cứ cột cờ với lãnh tụ.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 13/10/2018 (truongduynhat's blog)
Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin… buồn ập tới, họ không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sức chứa quá nhỏ. Ảnh : TL
Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù 18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.
Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu. Ai đã từng xem phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) của Ấn Độ sẽ hiểu thế nào là khu ổ chuột, nhưng cái khác nhau là tại Ấn Độ người nghèo vì nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân bị chính quyền lấy đất và đẩy họ vào sống tại khu ổ chuột thì hoàn toàn không có.
Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.
Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa ra.
Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn "tâm sự" : "Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm".
5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.
Không khó để nhận ra "Quyết Tâm" tên của bà, từ nay đã trở thành "Nhẫn tâm" dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất "vô tội vạ" cốt đánh bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên khắp đất nước này.
Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay không ?
Người dân nào sẽ vào cái nhà hát "Giao hưởng" ấy khi nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu trong lòng người mua vé vào xem.
Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại :
"Bất nhân nào cũng vượt qua
Nhân dân nào cũng đánh thắng"
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/10/2048 (canhco's blog)