Ai cũng biết Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng rất bận rộn nên hỏi công việc của ông là gì có vẻ thừa thãi. Rõ ràng ông là người bận rộn nhất trong bộ tam, bởi ông đảm nhiệm hai vai thì trách nhiệm gánh vác cũng phải nặng nề hơn gấp đôi so với bà Ngân hay ông Phúc.
Chủ tịch nước, Tổng bí thư công việc của ông là gì ? Ảnh minh họa (Zing)
Với vai trò Tổng bí thư ông đang vật lộn với cái khẩu hiệu Chủ nghĩa Xã hội thôi cũng không còn thời giờ đâu mà lo việc khác, đặc biệt nhất là lúc này khi mà người anh em Venezuela đang bị bao vây và cái hố Chủ nghĩa Xã hội rõ to trước mắt không phương tránh né.
Với vai trò Chủ tịch nước ông đang cật lực lo lắng cho chị em hốt rác trên đường phố mà báo chí ưu ái đặt cho cái tên hết sức trong lành là "bảo vệ môi trường". Ông bận cách nào thì bận đầu năm mới cũng lì xì cho các chị các mợ đang thực hành cái nghề nhỏ bé và hèn mọn nhất của xã hội, và trong cách hành xử này ông Chủ tịch nước xứng đáng được khen ngợi hơn những vị khác như ông Thủ tướng hay bà Chủ tịch Quốc hội, bởi hai người này không nhận thức được giới công nhân là cội rễ của giai cấp bị bóc lột trong xã hội tư bản nhưng trong xã hội chủ nghĩa thì họ được thăm viếng, vinh danh bởi một Chủ tịch nước muôn phần kính mến.
Chỉ có điều…
Thiên hạ phát hiện ông đang lừa họ vì người chụp hình toe toét cười bên ông khi nhận phong bì không phải công nhân hốt rác mà là một cô gái từng đóng vai người mất bóp được công an đội Cảnh sát giao thông số 14 trả lại. Cô gái tên Ngô Nhã Phương trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Ông có thể bị bọn cố vấn PR đánh lừa nhưng ông giả vờ không biết. Với độ tuổi vượt qua cổ lai hy vô lẽ ông không phân biệt được một chiếc thùng rác mới toanh cùng với hai cô bé chụp hình chung đậm mùi nước hoa Channel lại là công nhân vệ sinh ?
Ông cũng không quên viết thư thăm hỏi cô giáo hồi còn dạy tiểu học của ông và bức thư này tuy là thư cá nhân, chưa kịp dán tem gửi đi thì đã bị báo chí lề phải loan tải. Mạng xã hội theo đuôi báo quốc doanh đăng lại nguyên văn bức thư cùng những nhận xét rất ư chính xác tuy không kém hài hước : Người viết thư không giữ được sự kính trọng đối với cô giáo của mình khi đặt tên Nguyễn Phú Trọng một cách lấc cấc trên góc trái bức thư, nơi dành cho tên đơn vị của một công văn nhà nước. Ông Chủ tịch nước lâu quá không viết thư tay nên có quên chi tiết này cũng không đến nỗi bị bầm dập bởi các facebooker quá khích, chắc bực bội quá ông làm thơ cho mọi người thấy khả năng của ông dù gì thì cũng tốt nghiệp bộ môn văn trong ngôi trường nổi tiếng nhất Việt Nam chứ nào phải tay mơ…
Trong vai trò Tổng bí thư ông có những vần thơ đầy tính đảng và người đảng viên nào cũng hãnh diện khi ông đại diện cho họ làm những câu thơ tuyệt tác để ca tụng đảng. Tuy nhiên có lẽ do lớn tuổi nên ông hơi bị…quên khi bài thơ mới nhất của ông vô tình…đạo ý tưởng của bài thơ khác cũng của….ông trước đây, khi tới thăm một tập đoàn nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng.
Bài thơ thứ nhất viết rằng :
Lần này lại đến "Phương Đông"
Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng "Mường Thanh"
Cố lên các chị các anh
Quê hương vẫy gọi sử xanh lưu truyền.
Còn bài thứ hai có nguyên cụm từ đạp lên bài thơ thứ nhất như sau :
Chúng ta đã nói là làm
Đã đi là đến đã bàn là thông
Đã quyết là phải một lòng
Quê hương vẫy gọi đảng mong dân chờ
Hay thật, nhưng ai nói ngã nói nghiêng gì thì kẻ viết bài này vẫn trân trọng cụm từ "Quê hương vẫy gọi" vì nó làm ta liên tưởng đến rất nhiều hình ảnh. Chẳng hạn như trước đây nhà nước đại diện quê hương vẫy gọi các anh bộ đội lên đường ra mặt trận phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Chẳng hạn như đảng từng nhân danh quê hương vẫy gọi người dân miền Bắc đóng vàng cho cách mạng nổi lên tiêu diệt quân thù. Chẳng hạn như đảng và nhà nước đang nhân danh quê hương tiếp tục vẫy gọi Việt kiều gửi tiền về để xây dựng đất nước…cùng hàng trăm chuyện vẫy gọi "danh giá" khác.
Nhưng khi bài thơ của ông Tổng bí thư xuất hiện người dân nhận ra sự "vẫy gọi" nào cũng đều dối trá và lừa lọng. Nhà nước đại diện cho quê hương vẫy gọi bộ đội ra chiến trường biên giới phía Bắc, hy sinh thân xác mình bởi mũi súng của quân thù nhưng bù lại là chạy trốn trách nhiệm đối với những liệt sĩ ấy bằng sự từ chối chấp nhận một giai đoạn lịch sử đau thương với Trung Quốc.
Nhà nước cũng đại diện quê hương vẫy gọi người dân đóng vàng giúp cho kháng chiến và kết quả là bà Cát Hanh Long cùng nhiều người khác nữa đã bị giết chết sau khi đóng hết tài sản của mình cho nhà nước.
Nhà nước cũng đại diện quê hương vẫy gọi đồng bào hải ngoại gửi tiền về giúp nước trong khi số tiền 18 tỷ đô la hàng năm nhận được như muối bỏ biển trước lòng tham không đáy của đảng cầm quyền. Họ cũng vẫy gọi trí thức nước ngoài về giúp nước nhưng sau một thời gian, đa số trong những trí thức ngây thơ này nhận được sự vẫy tay rất ê chề và họ bị tống cổ ra khỏi cái quê hương mà nhà nước lợi dụng để… vẫy gọi.
Ông Trọng nói ngay ra rất thành thật khi sử dụng cụm từ vẫy gọi bởi ông là người tích cực nhất đang vẫy gọi cả nước theo ông tiến tới Xã hội Chủ nghĩa một cách triệt để mặc dù không biết hình dạng của cái Chủ nghĩa Xã hội ấy nó như thế nào.
Lạ chưa, cái hình dạng ấy đang lộ rõ mồn một tại đất nước Venezuela sao ông không lấy ra làm "bằng chứng" cho sự vẫy gọi của mình ? Nó là sự sụp đổ không phương cứu vãn của cả một hệ thống kinh tế chỉ huy theo Chủ nghĩa Xã hội. Nó là hình ảnh chết đói hàng loạt của người dân khi đất nước được lãnh đạo bằng những cái đầu chứa đầy ảo tưởng về Chủ nghia Xã hội. Nó là sự phản ứng tất yếu của người dân Venezuela trước sự "vẫy gọi" của tên độc tài Chavez cũng như Maduro nhằm đưa Venezuela tiến lên Chủ nghĩa Xã hội như chính bản thân ông và đảng Cộng sản Việt Nam đang…vẫy gọi chúng tôi hôm nay.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 11/02/2019 (canhco's blog)
Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam, viết tắt EVFTA, đã bị đông lạnh sau khi Nghị sĩ Jude Kirton-Darling và Nghị sĩ Ramon Tremosa, cả hai là thành viên Nghị viện Châu Âu đăng lên mạng đoạn video trong đó họ nói có "những lý do kỹ thuật" để hoãn thông qua EVFTA.
Chính sách đất đai đã tạo ra nhóm người yếu thế (nông dân) bị bỏ rơi.
Vấn đề nhân quyền đã được hai nghị sĩ nhắc tới như những điểm mấu chốt khiến cho EVFTA chưa thể thông qua : Hàng trăm tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ không xét xử.
Nghị sĩ Kirton-Darling cho biết nếu Việt Nam không cải thiện những vấn đề nói trên, Hội đồng tiếp theo phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam sẽ rất khó thông qua.
Trước đó, bà Malmstrom, một viên chức cấp cao về thương mại của EU, đã gửi một lá thư đến Hà Nội bày tỏ mong muốn Việt Nam cam kết cải cách các vấn đề lao động và nêu lên những quan ngại về nhân quyền, nhưng Chính phủ Hà Nội đã không có phản hồi gì về lá thư này.
Bên cạnh đó các tổ chức Xã hội dân sự và NGO trong và ngoài nước đã tỏ ra quan tâm tới EVFTA cho một Việt Nam khi chính quyền vẫn còn đối xử bất công với nhân quyền cho chính người dân của họ. Mười tám tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam hôm 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam vì những lo ngại về tình hình nhân quyền.
Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán EVFTA từ năm 2015 và hy vọng rằng bản hiệp định quan trọng ấy sẽ được ký kết vào tháng 5 này. Tuy nhiên hôm 13/11 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam.
Vậy là nguyên nhân làm bánh xe EVFTA bị nghẽn vẫn là vấn đề nhân quyền. Hà Nội biết rất rõ về hạt sạn này nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao không có một phản ứng nào cho dù là lấy lệ để thuyết phục những lời lẽ chống đối đến từ các cấp có thẩm quyền nhất trong việc phê chuẩn hiệp ước ?
Đây là một câu hỏi lớn dành cho chính phủ Việt Nam khi cả nước bây giờ đã biết sự thất bại ê chề sau một thời gian dài hy vọng.
Hy vọng vì khi EVFTA được thông qua nó sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mới. Quan trọng nhất là EU sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với gần 90% hàng hóa mà Việt Nam nhập vào EU.
Trong 3 quý đầu năm nay xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đã đạt 31,2 tỷ USD, tăng 2,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017, trong khi nhập khẩu từ thị trường EU chỉ 9,99 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với EU lên tới 21,24 tỷ USD chỉ trong 9 tháng. Với thuế nhập khẩu khoảng 14% được đưa về 0% cho khoảng 70% tổng số kim ngạch xuất khẩu người ta thấy ngay số tiền mà Việt Nam kiếm được chắc chắn là không nhỏ.
Bên cạnh các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản thì Liên minh Châu Âu là một đối trọng và nếu EVFTA được ký kết Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên khi lượng lớn hàng hóa xuất khẩu sẽ không bị đánh thuế đồng nào. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may và thủy sản sẽ ổn định gây tin tưởng cho người sản xuất và nhất là sẽ dần dần bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Sau hơn ba năm đàm phán Việt Nam chưa chứng tỏ được khả năng đáp ứng nhu cầu mà đối tác đưa ra. Đối với EU thì vấn đề minh bạch và công bằng là then chốt đã đành nhưng họ vẫn bảo vệ người công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm cũng như phẩm giá con người trong đất nước mà họ ký kết phải được tôn trọng như chính họ hành xử tại đất nước của mình. Việt Nam bị vấn đề "nhân quyền" làm mờ mắt khi ngày đêm lo sợ thế lực phản động có những hoạt động nhằm lật đổ mình, mặc dù các thế lực ấy chỉ là bóng ma, chỉ có khả năng dọa dẫm người yếu bóng vía như chính quyền Hà Nội từ xưa tới nay.
Luật An ninh mạng Việt Nam hoàn toàn diễn theo kịch bản của Trung Quốc và nghĩ rằng sẽ không một quốc gia nào có thể nhảy vào can thiệp. Tuy nhiên Việt Nam không phải là Trung Quốc nên chính luật lệ không giống ai này đã bị EU lên án và gián tiếp trừng phạt thông qua phê duyệt EVFTA.
Việt Nam cũng không thể ngờ là lòng tham vô độ của một nhúm cầm quyền tại Quận Tân Bình lại đưa vấn đề Vườn rau Lộc Hưng lên thành câu chuyện lớn trên truyền thông thế giới. Đối với các định chế dân chủ Tây phương quyền làm người là tất cả, không ai được dẫm lên hay diễn dịch khác với cách diễn dịch phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
Có lẽ Việt Nam còn ngủ mê trên những con số ảo đi lên của nền kinh tế, bất cần nhìn thấy hậu quả đang theo sát sau lưng nên bài học WTO vẫn không làm cho Bộ chính trị nhíu mày suy nghĩ.
Họ vẫn suy nghĩ làm cách nào để Đảng mạnh hơn qua cách mà ông TBT, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gắn lon cho Bộ trưởng Công an và Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị bất kể ông Tô Lâm đang chịu trách nhiệm gián tiếp của hai thứ trưởng công an dưới quyền đang trả lời các vi phạm của họ trước tòa án.
Đảng phải mạnh còn dân có giàu hay không thì tính sau.
Đảng lấy ngân sách nuôi đảng viên, tướng tá quân đội thì dĩ nhiên là mạnh rồi. Nhưng câu chuyện Venezuela cũng nuôi hệ thống quân đội và cảnh sát bao nhiêu năm nay có chống lại được nhân dân của họ đâu ?
Dân còm cõi thì sẽ bạo động, Đảng bòn rút thì sẽ bị vạch mặt đưa tới sự sụp đổ. EVFTA là cơ hội, là bậc thang để người dân leo lên một tầm cao mới của đời sống nhưng bị Đảng cản trở, phủ định bằng cách làm ngược lại những gì mà đối tác yêu cầu, vậy Đảng có xứng đáng tiếp tục dẫn dắt hơn 90 triệu con người tội nghiệp nữa hay không ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 29/01/2019 (canhco's blog)
Không còn nghi ngờ gì nữa Việt Nam là đất nước có con số tử vong về ung thư và tai nạn giao thông cao nhất nhì thế giới. Những con số không biết nói dối về hiện trạng này đang đánh thức sự lơ là của công chúng về những cái chết được báo trước mà chính người dân, do thiếu hiểu biết về cuộc sống đã tự chuốc lấy cho mình.
Việt Nam là đất nước có con số tử vong về ung thư và tai nạn giao thông cao nhất nhì thế giới
Người Việt rất thờ ơ với căn bệnh ung thư. Với nhiều người đây là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ" và không hề để ý tới những nguyên nhân xa hay gần để tránh nó. Gần là rượu và thuốc lá, xa là ô nhiễm môi trường hay an toàn thực phẩm, mọi thứ đều có thể lên tiếng để cộng đồng, nhà nước tiếp tay bảo vệ. Bộ y tế đã chạy tội khi con số ung thư cao vượt tầm kiểm soát. Thiếu giường, thiếu thuốc, thiếu năng lực đào tạo đang làm Bộ y tế khủng hoảng và do đó việc phòng chống ung thư xem ra không thiết thực với những đòi hỏi sát sườn.
Tai nạn giao thông là một vấn nạn khác đang giết người dân mỗi ngày ngoài đường. Con số người bị thương và chết ngày một tăng cao tỷ lệ thuận với việc mở đường hay xây những con đường cao tốc mới. Người dân cũng cho rằng tai nạn gia thông không ai muốn xảy ra và vì vậy cũng là dạng "trời kêu ai nấy dạ".
Nếu sống tại những nước có nền kinh tế phát triển cao hơn, một thể chế dân chủ thật sự hơn thì sự thể đã khác, nhất là lĩnh vực tai nạn giao thông, thứ có thể kiểm soát dễ dàng bằng những biện pháp giao thông hiện đại chắc chắn sẽ giúp bảo vệ sinh mạng người dân an toàn hơn do quy hoạch và các bản vẽ giao thông phù hợp.
Hai vụ tai nạn giao thông mới và đau lòng nhất đều do xe có tải trọng lớn gây ra có thể tránh được nếu Bộ Giao thông Vận tải nắm bắt tình trạng lưu thông của từng khu vực. Chiều ngày 2 tháng 1 năm 2019 xảy ra một vụ tai nạn do lái xe đầu kéo chở thùng container 40 feet trên Quốc lộ 1A, hướng từ miền Tây về Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đến ngã tư Bình Nhựt, đoạn gần cầu Bến Lức, tỉnh Long An, xe bất ngờ tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ phía trước gây cho 4 người chết tại chỗ hơn 20 người khác bị thương.
Cơ quan điều tra xác nhận tài xế vừa uống rượu trong một đám giỗ vừa dương tính trong khi thử nghiệm có sử dụng ma túy hay không.
Kết quả này cho thấy luật lệ giao thông áp dụng cho tài xế các loại xe vận tải hết sức lỏng lẻo. Ai cũng biết ma túy là chất gây ảo giác khiến con người có cảm tưởng mình sáng suốt và mạnh mẽ hơn sau khi sử dụng. Đây là lý do mà cánh tài xế xe tải đường dài thường tìm tới chúng như một phương thuốc khiến buồn ngủ, mỏi mệt bị đánh tan. Nhưng sự thật ngược lại hoàn toàn với niềm tin ngu muội này. Ma túy là chất giúp cho con người bay bổng trong ảo giác và sự bay bổng ấy làm cho một tài xế bình thường không thấy được hình ảnh phía trước anh ta một cách chính xác. Tai nạn xảy ra do ảo giác là điều có thể tránh nếu luật giao thông quy định chặt chẽ và biện pháp chế tài thật gắt gao may ra mới tránh được tình trạng sử dụng ma túy trong giới tài xế đường dài.
Biện pháp hay nhất là cấm tài xế xe đường dài lái xe liên tục trong 10 tiếng đồng hồ. Trạm cân xe có thể theo dõi tình trạng ngủ đủ giấc của tài xế và đôi khi kiểm tra ma túy đột xuất khiến tài xế lo sợ không dám sử dụng chúng nữa.
Tai nạn thứ hai vừa xảy ra vào khoảng 14 giờ 15 ngày 21/1, xe tải biển số 29C - 719.53 lưu thông trên Quốc lộ 5, đoạn qua xã Kim Lương (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã đâm vào đoàn người đang trên đường đi thắp hương tại một đài tưởng niệm liệt sĩ ở gần đó trở về. Theo thông tin tại hiện trường, vụ tại nạn làm 8 người tử vong, 7 người bị thương.
Nguyên nhân được cơ quan điều tra xác nhận là tài xế gây ra tai nạn cũng dương tính sau khi xét nghiệm ma túy trong máu của đương sự.
Vụ tai nạn này còn một điểm sai trái dẫn đến tai nạn là chiếc cầu vượt dành riêng cho người đi bộ. Hình ảnh báo chí đăng tải cho thấy chiếc cầu băng ngang quốc lộ 5 và người đi bộ được dẫn xuống trên lề đường của xa lộ trong phạm vi mà xe lưu thông có thể va chạm bất cứ lúc nào.
Nạn nhân của vụ tai nạn này băng qua đường bằng cầu vượt và họ dẫn nhau đi hàng một trên lề đường để đến điểm ra khỏi xa lộ. Chiếc xe mất lái đã cán những người này khi họ không hề hay biết gì. Còn sự thương tâm nào hơn do tắc trách của một bản vẽ ngu dốt ?
Chiếc cầu cho thấy tư duy làm cho có việc bất kể phương pháp và nhất là mức độ an toàn phải được tính tới đầu tiên trong bất cứ hoạt động nào của giao thông công cộng. Một bảng chỉ đường không phù họp, một lằn kẻ sai quy tắc lưu thông hay lề đường quá hẹp đều là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Sở giao thông vận tải của địa phương là nơi chịu trách nhiệm đầu tiên khi sự cố xảy ra. Bộ Giao thông và vận tải liên đới trách nhiệm và tất cả các tai nạn giao thông ra tại Việt Nam cần phải có chỉ đạo từ Bộ để từ đó các kỹ sư cầu đường có trách nhiệm hơn trong các bản vẽ của họ.
Quy hoạch đường bộ là trách nhiệm của Bộ giao thông Vận tải vậy chiếc cầu vượt gián tiếp gây ra chết người này là lỗi của Bộ hay của Sở ?
Hơn 6.000 người chết trong 9 tháng đầu năm 2018 có phải là con số bình thường như các quan to thường phán hay không ?
Ngày 19 tháng 1 năm nay là dịp kỷ niệm đúng 45 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa lúc ấy do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. 45 năm một chặng đường dài, báo chí năm nay làm cho nhân dân ngạc nhiên vì cả ba tờ báo lớn đều đi những loạt bài mạnh mẽ lên án người bạn phương Bắc đã có dã tâm khi cướp mất Hoàng Sa của Việt Nam.
Hoàng Sa là máu thịt của đất mẹ Việt Nam
Tờ Thanh Niên có bài viết dài, công phu : 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam : Mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Tờ VnExpress có bài viết nhẹ nhàng hơn nhưng không kém thuyết phục : 45 năm một nỗi buồn Hoàng Sa. Riêng tờ Tuổi trẻ với bài "Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam" nói lên sự thật mà nhân dân Việt Nam muôn đời ghi khắc.
Những bài báo ấy vuốt ve lòng thương nhớ một vùng đất của quê mẹ nay không còn nữa, dù sao thì nỗ lực này của báo chí trong suốt ngần ấy năm bị bịt miệng cũng nói lên được phần nào phản ứng của nhà nước trước những bức bách mà Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, cộng với thái độ cương quyết của chính phủ Hoa kỳ đã tạo niềm tin mà bấy lâu nay Hà Nội vẫn lúng túng trước ngã ba đường : cứng hay không cứng với Trung Quốc khi Biển Đông dần dà bị nước này cố tình nuốt trọn ?
Phản ứng COC của Việt Nam đối với thái độ của Trung Quốc là phản ứng quyết liệt nhất được ghi nhận trên trường quốc tế. Bài phát biểu của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được báo South China Morning Post ghi nhận cho thấy dù yếu ớt nhưng Việt Nam củng đã ra mặt chống đối hành vi leo thang của Trung Quốc khi nước này cảm thấy bị đe dọa từ sức mạnh quân sự ở miền Nam Trung Quốc (1).
Tàu cá Việt Nam trong quần đảo Trường Sa - Ảnh Reuters
Những động thái liên tiếp xảy ra cho thấy có một diễn tiến không bình thường phía sau tấm màn bí mật của Bộ Chính trị đối với Trung Quốc, mặc dù trên bình diện ngoại giao Việt Nam cố giữ tiếng nói "quan ngại" như từ trước tới nay.
Và có lẽ sự "quan ngại" ấy được chứng minh bằng những vụ canh giữ người yêu nước khi họ muốn tập trung tại các điểm hẹn lịch sử : Sài Gòn có tượng Trần Hưng Đạo, Hà Nội có tượng đài Lý Thái Tổ hai nơi thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay chỉ đơn giản là tưởng niệm Hoàng Sa-Gạc Ma hàng năm.
Năm nay hình ảnh của những người quen thuộc không còn thấy xuất hiện, phần lớn họ bị canh giữ tại nhà, một số khác đã tỏ ra chán nản vì sự dấn thân của họ không được người dân tiếp tay và quan trọng hơn hết, niềm tin của họ vào sự lên tiếng có thể thay đổi cuộc diện nay đã không còn.
Những khuôn mặt quen thuộc ở miền Bắc như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Hưng, Mạc Văn Trang tình cờ cùng nhau tưởng niệm Hoàng Sa tại Bến Bình Than một địa danh lịch sử của nhà Trần đã diễn ra Hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282. Ngay tại tưởng đài Lý Thái Tổ vỏn vẹn chỉ có 10 người tập trung đứng chụp hình chung với nỗi buồn không che giấu. Riêng tại miền Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng năm nay chỉ vỏn vẹn 4 người ra được nơi mà hàng năm vẫn có nhiều người tham dự tưởng niệm Hoàng Sa. Những con số dưới mức khiêm nhượng này làm người theo dõi xốn xang cho một sự thật bẽ bàng : Dân chúng không còn tha thiết gì tới công cuộc đòi hỏi Hoàng Sa là của Việt Nam nữa.
Người dân đã dần dà hưởng ứng ý đồ của nhà nước : Đòi hỏi Hoàng Sa tùy theo từng thời kỳ, nhất là theo trào lưu lên xuống của Trung Quốc đối với tình hình thế giới. Một thái độ hết sức lạc hậu và chỉ có một chính phủ bị trói tay, nhu nhược mới chấp nhận.
Báo chí dù có viết hay ho mạnh mẽ tới đâu đối với thế giới cũng không bằng một cuộc biểu tình chỉ vài trăm người dân, vì biểu tình là hình ảnh sống động nói lên nguyện vọng một nước. Biểu tình là hơi thở cuộc sống còn những bài báo sinh động cũng chỉ là chữ nghĩa không đánh động được sự chú ý của thế giới bên ngoài trong những vụ việc cụ thể như vấn đề Biển Đông hay Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Nhà nước lo ngại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng sẽ kéo theo hệ lụy chính trị do những bức xúc xã hội ảnh hưởng, tuy nhiên giải pháp dùng Đoàn viên Thanh niên cộng sản không được họ áp dụng cho những cuộc biểu tình "quốc doanh" mặc dù đối với thế giới số đông là tất cả. Sự lo ngại cho sự tồn vong của chế độ đã khiến chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam đặt sự tồn vong của đất nước xuống hàng thứ yếu, và do đó sự chống đối Trung Quốc trên trường quốc tế đã mất đi tính chính danh của một chính phủ hợp pháp là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau ngày 19 tháng 1 năm nay Hoàng Sa đã thật sự mất trong lòng dân chúng. Nó cứ phai nhạt dần bằng sự thiếu thốn các bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Nó phai nhạt bởi thái độ lệch lạc của nhà cầm quyền và nó đang phai nhạt vì sự mất phương hướng của những người có lòng tin vững chắc nhất vào cụm từ "đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam".
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/01/2019 (canhco's blog)
(1) Keegan Elmer, "Vietnam frustrated by slow pace of talks on South China Sea code of conduct", South China Morning Post, 17/01/2019
Trong chế độ cộng sản, Việt Nam có ba ông Thủ tướng được người dân đem ra làm đề tài trong quán xá nhiều nhất, đó là ông Phạm Văn Đồng, với công hàm bán đứng Hoàng Sa cho Tàu, ông Nguyễn Tấn Dũng với những món nợ do tham nhũng để lại cho đất nước vô địch và bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc. Đi đến tỉnh nào thì danh sách ấy lại mọc ra một cái tên khi ông phát biểu. Người dân ban đầu còn ngạc nhiên cho rằng ông "nổ" nhưng càng về sau người dân mới nhận ra cái cốt lõi gây cho ông phát biểu bất cần so sánh, bất cần sự thật và nhất là bất cần lòng tự trọng của một nguyên thủ quốc gia là tư duy mị dân đầy trong suy nghĩ của ông.
Bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc.
Khi ông gào thét rằng Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ ông không hề nghĩ rằng nói như thế là sỉ nhục đất nước vì nơi này ai cũng công nhận là nơi nghèo nhất nước luôn phải xin cứu trợ gạo của chính phủ hằng năm. "Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu" là câu phương ngôn nói về người dân vùng này do nghèo quá nên hái rau má mọc cạnh đường tàu hỏa về chống đói. Lâu ngày đường tàu bị sạt lở nên hư hỏng nhiều đoạn và từ đấy người dân Thanh Hóa mang lấy cái tiếng không mấy đẹp này. Vậy mà Thủ tướng Phúc đem Thanh Hóa ra cho rằng đây là một Việt Nam thu nhỏ có phải là ẩn ý rằng dân Việt Nam cuối cùng thì cũng chỉ như Thanh Hóa là cùng ?
"Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh" là một câu phát biểu khác của Thủ tướng Phúc. Ông hứng thú trước những gặt hái về nông nghiệp của vùng đất này nhưng quên một điều là đời sống người dân ở đây không theo kịp thu hoạch nông thủy sản mà họ làm ra. Những căn nhà ọp ẹp vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Những con đường làng trơn trợt, bùn lầy khiến người dân luôn thủ thân trước những cái té có thể đo ván cả cuộc đời họ. Những chiếc cầu khỉ xuất hiện hàng trăm năm trước vẫn ngự trị trên mọi tỉnh của miền Tây. Những chiếc tam bản lâu ngày không được tu bổ cằn cỗi theo số tuổi của người dân và con đường quốc lộ huyết mạch 1 A nối liền Sài Gòn với Cà Mau chỉ 330 km nhưng nó chưa bao giờ được đề nghị mở rộng hay làm mới hoàn toàn cho dân nhờ, vậy mà ông Thủ tướng đòi hỏi họ nên gia nhập vào "nền nông nghiệp thông minh" thì khá khôi hài và không khéo làm họ nhục thêm.
Khi ông nói "Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện" có lẽ do tấm lòng yêu nơi chôn nhau cắt rốn của ông hơi… mù quáng. Ông quên rằng người Quảng Nam trôi giạt khắp miền Nam để làm những nghề cực nhọc. Một số lớn lấy đất Sài gòn làm nơi kiếm sống bằng mọi thứ nghề không tên. Họ không chờ đợi sự giàu có toàn diện của tỉnh nhà cái mà họ chờ đợi là miếng ăn qua ngày không bị công an dân phòng đánh đuổi, nơi mà họ trú thân qua ngày không bị cưỡng chế và nhất là giấc mơ con em họ được đến trường được toại nguyện.
Có lẽ Thủ tướng nên suy nghĩ cạn kiệt những câu mà ban tư vấn của ông mớm lời mỗi khi đi các tỉnh. Khi họ "biểu" ông nói "Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới" thì ông nên hỏi họ hoặc tra Google xem "thủ phủ" là gì trước khi hiểu mập mờ rằng "thủ" là đầu, như đầu tàu. Chữ thủ phủ ở đây cũng chỉ phần đầu nhưng nó hoàn toàn không chỉ đầu tàu. Thủ phủ là trung tâm hành chính của một đơn vị hành chính cấp địa phương, như tiểu bang, vùng, tỉnh, huyện, xã, tổng...
Trong tiếng Việt, thủ phủ của một tỉnh được gọi là tỉnh lị, thủ phủ của một huyện được gọi là huyện lị. Chữ thủ phủ trong tiếng Anh là capital, đơn vị hành chánh đứng đầu của tiểu bang.
Con tôm đối với Việt Nam trở thành huyết mạch cho người nuôi nó để xuất khẩu trong nhiều năm qua nhưng nếu so với Ấn Độ hay Bangladesh con tôm Việt Nam còn lắm điều cần phải vượt qua mà vấn đề ăn gian là điều đáng xấu hỗ nhất của người dân Việt. Chích hóa chất vào cho con tôm nặng hơn gây viêm nhiễm và trở thành tầm nhắm của nhiều nước châu Âu từng là đề tài làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ê mặt trước đối tác nhiều lần. Họ chỉ biết lặng người trước những bằng chứng không thể chối cãi và chưa ai từng có giấc mơ "thủ phủ" như Thủ tướng nói.
Rồi khi hứng lên ông Thủ tướng không ngại ngùng gì khi nói "Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài" Ông không chứng minh được Nghệ An có gì hay ho khác lạ hay chí ít là giàu có tài nguyên để nhân tài bị nơi này thu hút. Nghệ An không kém Thanh Hóa tí nào có khi còn hơn một bậc về sự nghèo khổ. Ông Thủ tướng chỉ cần bước sang Lào là thấy hàng chục ngàn người làm thuê cho nước bạn bên ấy dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động. Một số không ít họ làm nhân công cho các công ty nước ngoài tại các đập thủy điện đang được xây dựng. Hay nếu muốn ông Thủ tướng cứ bay sang Thái Lan ông sẽ thấy những thanh niên Nghệ An đẩy xe bán kem, trái cây hay nước dừa dạo đề kiếm chứng ba trăm bath mỗi ngày. Những hình ảnh này có phải là nguồn cảm hứng của người tài hay chỉ là ám ảnh khôn nguôi của người trí thức?
Ông còn một câu nói rất…mâu thuẫn khi xác định "Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại". Câu nói này được báo chí phát đi vào ngày 1 tháng 3 năm 2017 trong khi trước đó vào ngày 10 tháng 10 năm 2016 một người hoạt động cho nhân quyền và môi trường là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Khánh Hòa bắt cô cớ với tội danh theo điều 88 khoản 1 - tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đây có phải là hình mẫu của một chính quyền đối thoại như ông Thủ tướng xác nhận?
Người dân Việt Nam lắm người đọc báo để chờ Thủ tướng Phúc phát biều về một tỉnh thành nào đó để những người rảnh rỗi có thể "sưu tập" những câu nói hồn nhiên của ông. Người Việt không còn thích thú khi nghe ông nói Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước / Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế / Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước hay Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng. Họ chán bỏi vì những chiếc đầu tàu ấy chắc gì có dầu để mà kéo những trì trệ do chính quyền này gây ra. Ban tư vấn của Thủ tướng vẫn chưa biết người dân phản ứng gì hay sao mà cứ biên soạn cho ông những câu bập bẹ như trẻ con tập nói như vậy?
Có ghét ông Thủ tướng thì cũng bớt làm cho ông mất mặt vì dù sao thì các ông cũng mang danh là thành viên ban tư vấn của một nguyên thủ quốc gia chứ ít gì?
Nếu các ông không "xúi" ông ta nói những điều kỳ dị như vậy thì ít ra các ông cũng nên can đảm đưa ra lời khuyên "cấm" ông ấy nói bậy mà phải cầm giấy đọc từng chữ may ra người dân còn thương tình mà xí xóa.
Thà là cầm giấy đọc để người ta biết mình dốt còn hơn là nói bừa để dân chúng biết mình đã dốt lại muốn lừa dân.
Cánh Cò
Nguồn : VNTB, 19/01/2019 (canhco's blog)
Thủ tướng có phải là… Thủ tướng ?
Câu hỏi "Tết này họ sẽ ra sao ?", tôi tự hỏi lấy mình từ ngày 4 tháng 1 này, bắt đầu một năm mới của vòng quay thời gian, ngày mà đồng bào tôi bắt đầu chạm tay vào nỗi đau mất nhà, mất cả đồ đạc tùy thân cũng như vật dụng quen thuộc mà 112 gia đình tại Vườn rau Lộc Hưng nhận chịu.
Tôi không thể tưởng tượng ra được từ đây tới Tết những nạn nhân này sẽ sống ra sao khi căn nhà của họ không còn nữa để mà đi về. Ảnh VTC News
Tôi đặt bản thân mình và gia đình vào hoàn cảnh của họ để chia sẻ nỗi đau này nhưng thú thật là tôi bất lực. Buồn nhiều hơn đau vì tài sản tôi chưa bị mất. Cám cảnh cho đồng bào tôi với cuộc sống đã tối tăm nay lại càng tăm tối. Vậy thôi, tôi không có sự uất ức trong tim, không có sự đau đớn nghiệt ngã khi nhìn đống gạch vụn nơi mà trước đây là căn nhà nhỏ bé của tôi. Tôi chỉ biết thở dài và tưởng tượng đến những điều khổ sở nhất sẽ đến với họ, vậy thôi.
Tôi không thể tưởng tượng ra được từ đây tới Tết những nạn nhân này sẽ sống ra sao khi căn nhà của họ không còn nữa để mà đi về. Các cháu sẽ bỏ học hay tiếp tục đến trường với tâm trạng rối bời vì không biết sau khi tan trường mình sẽ về đâu ? Những bếp lửa nhóm bằng cách nào khi chung quanh họ chỉ là đồng không mông quạnh, họ đơn độc giữa bầy sói vì tất cả mọi phương tiện kiếm sống đều đã tan nát dưới chiếc cạp của xe xúc, dưới xích sắt của xe ủi đất và dưới cây búa của "lực lượng" cưỡng chế. Họ chỉ biết nhìn và căm hờn nắm chặt bàn tay, nước mắt chảy dài trong tủi hận.
Nghĩ tới nạn nhân rồi lan man lần tới thủ phạm.
Thủ phạm chính khiến cho Vườn rau Lộc Hưng đi vào lịch sử của Sài gòn là luật đất đai được viết bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Luật đất đai là thủ phạm lớn nhất của bất công, tham nhũng, cướp bóc, và tiếp tay nuôi dưỡng tham quan ô lại. Chính luật này đã đẩy không biết bao nhiêu người trở thành tay trắng, và hơn thế nữa, bỏ hết cả tuổi thanh xuân của mình đi khiếu kiện để chỉ nhận được kết quả là con số không to tướng.
Luật đất đai cũng nuôi dưỡng, vỗ béo cho các nhóm lợi ích chuyên sống nhờ vào bất động sản. Nó gây cho bao gia đình tan nát bên cạnh những gã nay trở thành đại gia.
Kế đến là cán bộ của UBND Tân Bình, nơi cố tình tranh thủ sự khuất tất của luật này để đẩy người dân vào đường cùng của cuộc sống. Hai mươi năm qua chính UBND Tân Bình cố tình không chịu cấp giấy chứng nhận cho người dân mặc dù Luật đất đai 1993 qui định : Đất đai được sử dụng trước 15/10/1993 thì được công nhận quyền sử dụng . Như vậy chính quyền quận Tân Bình phải có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho người dân khu đất này vị họ đã sử dụng ổn định từ trước 1993. thậm chí trước 1975.
Cán bộ cấp cao của Quận Tân Bình có thể tự mãn với thành tích tàn phá nhà cửa của người dân Vườn rau nhưng e rằng không ai có thể ngủ yên trước lời rên xiết của nạn nhân ngày một lớn dần lên. Cán bộ thì cũng là người cho dù sắt đá đến đâu cũng phải động lòng vì nỗi đau của đồng loại… nhưng tiếc thay những điều xảy ra chứng minh suy nghĩ của nhiều người đã lạc hậu. Người cộng sản không thể động lòng trước sự rên xiết, khóc than, họ chỉ động lòng trước đồng tiền và quyền lực. Trong vụ cưỡng chế Vườn rau động cơ của họ là quyền lực, họ chuẩn bị leo cao trèo sâu vào hệ thống bằng những thủ đoạn lấy thành tích đàn áp người dân làm bàn đạp tiến thân.
Chỉ có điều chắc chắn là con cái, gia đình của họ sẽ không thể nào yên ổn.
Bạn bè của họ tuy vẫn bằng mặt nhưng không bằng lòng vì cái ác tiềm ẩn trong từng sợi tóc của gia đình họ không thể nào che giấu. Con cái họ đến trường sẽ bị bạn bè của chúng lấm lét nhìn như những hồn ma hiện về từ Vườn rau Lộc Hưng. Sự ngây thơ hồn nhiên của chúng đã bị cha mẹ chúng tước đoạt bằng những quyết định phi nhân. Chúng không còn là trẻ con nữa mà trở thành cô độc như một người lớn mang cảm giác phạm tội.
Và vì thế, Tết này cả gia đình họ tuy êm ấm trong nhà cao cửa rộng nhưng tâm hồn thì hoang sơ như nghĩa trang dành cho nơi chôn vùi đạo đức.
Chắc gì họ không gặp ác mộng trong dịp Tết này vì tiếng than dậy đất của 112 gia đình không nơi nương tựa ? Mặc dù ác mộng đối với người cộng sản rất xa xỉ vì chỉ có họ mới tạo ác mộng cho người khác, không ai, kể cả Thuợng đế có thể tạo những cơn ác mộng trong giấc mơ của họ, ngoại trừ khi họ bị đồng chí đem thẳng vào nhà tù để suy gẫm hành động tàn ác của mình và phe cánh.
Người cộng sản rất giỏi phá hoại, ngay cả cái tên của một địa danh cũng bị họ làm cho tan nát. Sài gòn hoa lệ nay không còn hoa nữa vì lệ đã tràn ngập lòng dân. Hoa, còn chăng là những vòng hoa cườm đặt trước khu Vườn rau Lộc Hưng như một lời ai điếu.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 14/01/2019 (canhco's blog)
Người Cộng sản quan niệm phải gần dân, sống hòa nhập với dân và dân làm gì thì mình phải làm đúng như vậy.
Các chuyên gia khẳng định, nước ta cần có nhiều đại gia, tỉ phú đôla nhờ làm ăn chân chính, nhưng không thể có quan chức siêu giàu bởi lẽ họ giàu có là nhờ tham nhũng.
Với "tầm nhìn" này người Cộng sản đã mua chuộc được cảm tình của người dân và khiến cho dân có thể chết thay cho họ qua chiêu bài sống gần dân này. Thời gian trôi qua sau nhiều đời Tổng Bí thư, người Cộng sản đã dần dà không còn sống gần dân nữa mà họ tự "đóng khuôn" mình trong những biệt phủ, dinh thự nguy nga tráng lệ. Thay vì những chiếc xe đạp cọc cạch ngày xưa bây giờ thời thế đã trang bị cho họ những chiếc xe tráng lệ đời mới nhất và giá mỗi chiếc có thể nuôi sống hàng trăm gia đình trong vòng vài tháng. Giàu có và quyền lực làm họ xa dân và nhìn người dân như một giai cấp bị trị, cách nhìn mà người Pháp nhìn dân Việt Nam từ thế kỷ trước.
Bây giờ họ không còn cơ hội được người dân bưng từng tô cơm vào hầm bí mật cho họ nữa. Họ không còn cảm nhận được mùi vị của kho quẹt, của muối mè hay thịt kho kẹo của người dân đồng bằng sông Cửu. Bây giờ mâm cơm của họ nhỏ lại, theo trào lưu ăn kiêng, nhỏ nhưng đồng tiền bỏ ra lại quá lớn, lớn đến nỗi không người dân nào hồi xưa từng nuôi họ nghĩ tới được. Những con cá hàng trăm triệu đặt mua từ Nhật, những chén bào ngư bạc tỷ nằm nhỏ bé giữa bàn ăn hay những chai rượu mạnh có giá vài trăm ngàn đô la không còn là chuyện lạ nữa. Họ ăn uống "đạm bạc" đến nỗi hình như không còn thích ăn cơm, mặc dù mỗi ngày vẫn ba bữa đều đặn trong những nhà hàng 5 sao kín tiếng.
Tuy ăn uống sang trọng nhưng cách ăn của họ vẫn rất trung thành với thời kháng chiến. Có nghĩa là vẫn rất gần dân, rất bình dân và rất. . . Cộng sản.
Nếu ai không tin cứ nhìn kỹ cách ăn…mít của bà Thân Thị Thư, trưởng Ban tuyên Giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh miệng nhồm nhoàm nhai mít khi ngồi ghế chủ tọa cùng ông Nguyễn Thiện Nhân trong buổi gặp mặt báo chí đầu năm diễn ra hôm 8 tháng 1 năm 2019.
Rõ ràng vì ăn quá nhiều miếng ngon vật lạ nên bà Thư thèm mít. Trái mít mà các má các chị thời kháng chiến mang vào hầm bí mật cho cán bộ trong lúc tránh càn. Thèm thì ăn, người cộng sản vô tư và hồn nhiên chỗ đó. Thấy video quay cách bà Thư ăn mít không ai dám nghĩ bà là một Trưởng ban Tuyên giáo của một đơn vị lớn nhất nước. Bà Thân Thị Thư nhai nhóp nhép trước mặt bá quan báo chí, tiếp nhóp nhép được nhân lên vì bà ngồi ghế chủ tọa với quan Nguyễn Thiện Nhân và khi quan lên tiếng cái loa phóng thanh lại có thêm phần …nhóp nhép của bà Thư.
Vừa ăn bà vừa mở phone lên …. làm việc. Có lẽ bà đang text cho một nhà hàng nào đó về thực đơn chiều hôm nay sau khi cuộc họp kết thúc bà và các quan muốn một thực đơn "đạm bạc" sau một ngày vất vả. Bà vừa text vừa cười trước bao nhiêu con người nghiêm trang chờ chỉ thị của bà sau khi bà nhắc khéo báo chí không nên loan tin vụ Vườn rau Lộc Hưng vì vấn đề tế nhị, nhạy cảm.
Báo chí đồng tình nhưng không thể thông cảm với sự thô bỉ của bà khi đối xử với họ. Vậy là cái video được tung lên mạng, trước là "bày tỏ" sự không đồng lòng về những nhóp nhép của bà, nhân thể xem Luật An ninh mạng có áp dụng được trong trường hợp này không nếu bị ép vào lĩnh vực nói xấu cán bộ ?
Lòng dạ người ta thật khó mà chiều theo. Ăn theo kiểu bình dân thì bị cho là thô kệch, nhai nhóp nhép một cách tự nhiên bị gọi là bất lịch sự, vậy chớ hồi ở trong rừng chống Mỹ cứu nước có ai nói nhai thì phải từ tốn, kẻo người ta nhìn vào rồi cười cho.
Thì ra sau khi từ trong rừng ra không ai mở lớp "tẩy trần" cho cái lớp rừng rú ăn sâu vào da thịt của những con người hy sinh tất cả chỉ để chiếm được miền Nam, vậy thì trách họ sao được bởi nào phải chỉ một mình bà Thân Thị Thư mới nhai theo kiểu đó ? Hầu hết người Cộng sản sau khi thành công ở bất cứ nước nào cũng đều nhai như vậy cả. Phân tích cái nhóp nhép của bà Thư sẽ nhận ra đấy là một sự thích thú không giới hạn của bà ấy. Nhai như vậy mới xứng đáng cho dù sau khi ăn xong sẽ bị ném đá hay bất kể thứ gì khác, miễn làm sao cảm nhận hết cái ngon ngọt của múi mít đang nằm trên lưỡi của mình sau khi thưởng thức quá nhiều món ngon vật lạ đắt tiền khác.
Người Cộng sản ăn cũng khác người thường là vậy.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 11/01/2019 (canhco's blog)
Hãy học cách "làm người" thay vì "làm bánh", hỡi các hiệu trưởng ơi !
Bản tin của tờ Tuổi Trẻ đăng ngày 27 tháng 12 năm 2018 tuy ngắn nhưng có khả năng kéo dài suy nghĩ của người đọc. Nó liên quan tới nền giáo dục nước nhà cũng như hé lộ mặt trái của cái được gọi là "phần thưởng" dành cho các chức sắc trong ngành :
"Nhằm đa dạng môn nghề phổ thông trong trường học cũng như học phần dinh dưỡng, ngày 27/12 hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhà máy bánh ở đường Đồng Minh, Thành phố Cao Hùng, Đài Loan tiếp xúc, học cách làm bánh dứa.
Các hiệu trưởng trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh học trải nghiệm làm bánh dứa để mang về cho học sinh, làm phong phú học phần dinh dưỡng. (Ảnh: Thảo Thương)
Mỗi thầy, cô được nhận nguyên liệu gồm nhân dứa, bột mì, trứng, bơ. Các hiệu trưởng thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật làm bánh và cho vào 3 khuôn.
Sau 20 phút khi bánh đã nướng chín, thầy cô thưởng thức, mang sản phẩm và công thức về cho trường, cho học trò".
Theo thông tin của Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thì hiện có 131 trường Trung học phổ thông và 6 trường chuyên trên toàn thành phố và nếu thông tin của báo Tuổi Trẻ chính xác thì gần 200 hiệu trưởng có mặt trong chuyến đi này. Với gần hai trăm hiệu trưởng sang Đài Loan chỉ để học làm một môn bánh dứa thì liệu có phải Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh xem thường phụ huynh học sinh của nó một cách quá lộ liễu hay không ?
Nhìn bản tin chi tiết người đọc không khỏi ngạc nhiên về tư duy của Sở Giáo dục khi xác định thành phần dinh dưỡng dứa, trứng, bơ và bột mì có trong chiếc bánh dứa tại thành phố Cao Hùng đáng phải mang hai trăm hiệu trưởng sang để học rồi về truyền lại cho thầy cô giáo khác dạy cho học sinh trong các trường. "Sau 20 phút khi bánh đã nướng chín, thầy cô thưởng thức, mang sản phẩm và công thức về cho trường, cho học trò". Quả thật chưa thấy quốc gia nào xài tiền dân một cách phung phí như vậy, tốn tiền vé máy bay, nơi ăn chốn ở cho hai trăm con người để mang về mấy cái bánh dứa mà bất cứ chợ quê nào của Việt Nam cũng đều có bán.
Bánh Việt Nam không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng chăng ? Vậy thì các vị Tiến sĩ ngành hóa sinh đâu không xăn tay áo lên làm một nghiên cứu về vấn đề này mà lại để nhọc công các vị hiệu trưởng đáng kính của chúng ta phải lặn lội sang tận xứ Đài mà học bài học làm bánh vậy ?
Ngành Giáo dục bộ chưa đủ xấu hổ về chuyện của Hiệu trưởng ấu dâm đồng tính Đinh Bằng My hay sao lại vẽ ra thêm chuyện đi Đài Loan học làm bánh, một thứ bánh mà bất cứ ai cũng có thể học tại Việt Nam trong vòng hai giờ đồng hồ. Các chức sắc của Sở Giáo dục muốn ban thưởng cho thuộc hạ thì hiếm gì cách sao lại mang cái cách mà ai cũng có thể thấy ngay là "kệch cỡm" tới mức chỉ cần nghĩ tới cũng đủ thấy tư duy của quý vị suy dinh dưỡng tới mức nào.
Nếu báo chí Đài Loan chia sẻ tin này thì thật là....nhục nhã cho ngành giáo dục Việt Nam không biết lấy gì mà chứa cho hết.
Thay vì gửi các hiệu trưởng sang Đài Loan học cách điều hành ngôi trường của mình, cách theo dõi kết quả giảng dạy, cách xét đoán năng lực học sinh, làm sao tăng hiệu quả của việc dạy và học.....thì lại học cách làm bánh. Hỡi các ngài hiệu trưởng quý vị có nhục không khi ngồi 6 giờ đồng hồ trên máy bay như những du khách hạng nhất chỉ để học môn học dành cho phụ nữ trong tiết mục nữ công gia chánh ?
Quý vị không xấu hổ chút nào hay sao khi nhận tấm vé máy bay sang Đài Loan như một tờ giấy thông hành đi về nơi mà quý vị không hề được dạy khi ngồi dưới mái trường từ tiểu học tới đại học rồi chuyên ngành sư phạm. Có bài học nào dạy quý vị nam nhi lại đi học làm bánh như phụ nữ ? Trong khi các kỹ năng khác quý vị mù tịt và nếu có gợi ý được đi học dài ngày thì ai trong quý vị cũng thoái thoát ?
Chính quý vị chứ không ai khác đã và đang tiếp tay cho sự rơi tự do của ngành giáo dục mà câu chuyện học làm bánh này chỉ là một thí dụ rất nhỏ. Nhỏ nhưng nó minh họa toàn diện tư cách, khả năng, tư duy và cả hành vi của quý vị khi mang trọng trách của một hiệu trưởng.
Khi ngồi trên máy bay trở về Việt Nam, có bao giờ quý vị nghĩ rằng những điều mà quý vị "học" được từ xứ Đài sẽ được truyền dạy lại cho học sinh trong ngôi trường của quý vị và chúng sẽ áp dụng kinh nghiệm này trong cuộc đời chúng hay không, nhất là những nam sinh không hề biết nấu một nồi cơm giúp mẹ ?
Có bao giờ quý vị cắn rứt về đồng tiền mà một bà bán hàng rong cắn răng đóng cho quý vị để đi học những thứ mà bà ấy dư sức dạy cho quý vị ?
Có bao giờ quý vị nghĩ rằng câu chuyện đi học của quý vị sẽ là trò cười cho mọi người và ngay cả gia đình quý vị nếu có ai còn chút liêm sĩ sẽ lắc đầu cho cái ghế mà quý vị đang ngồi ?
Nếu những cái "có bao giờ" ấy được quý vị nghĩ tới thì nền giáo dục nước nhà sẽ không tồi tệ như hiện nay. Không lẽ vì thấy nó tồi tệ quá không phương cứu vãn mà quý vị buông tay mặc cho Bộ giáo dục đưa đẩy ra sao thì ra vì quý vị nghĩ rằng mình chỉ là một con tốt thí trong cái hệ thống chằng chịt này ? Và quý vị chỉ im lặng ngửa tay nhận đồng lương cũng như những bổng lộc khác mà họ bố thí cho quý vị để đẩy con cái chúng tôi vào con đường phi giáo dục ?
Cái bánh dứa Đài Loan góp phần làm cho câu chuyện giáo dục thêm dày sau khi hàng trăm ngàn câu chuyện khác đầy ắp trong tâm trí người dân. Đầy nhưng chưa tràn, tới khi nó tràn thì quý vị còn nhiều cơ hội đi học những khóa "làm người" chứ không phải làm "hiệu trưởng" nữa.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 31/12/2018 (canhco's blog)
Trong khi Việt Nam lên cơn cuồng về giải vô địch bóng đá Suzuki 2018 thì ở một nơi khác, âm thầm hơn có một nhà vô địch vẫy ngọn cờ giáo dục lem luốc mồ hôi, nước mắt cũng như nhân phẩm bị chà đạp của hàng chục nam sinh bị một tên hiệu trưởng hủ hóa ngay trong văn phòng của y.
Cơ quan công an tỉnh Phú Thọ tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn.
Câu chuyện xảy ra tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ. Nhà vô địch là Đinh Bằng My, Hiệu trưởng của ngôi trường này, đã liên tục trong nhiều năm dùng nhiều cách để hăm dọa, ép buộc, mua chuộc các em nam sinh phải phục vụ tình dục một cách bệnh hoạn cho đương sự. Đinh Bằng My xứng đáng được gắn huy chương vô địch về hành vi đồi bại có một không hai trong môi trường giáo dục và hành vi ấy không những một mình y thực hiện mà còn được tiếp tay bởi ít nhất là một giáo viên nữ dạy môn công dân giáo dục trong trường.
Cô giáo này được biết dưới cái tên Ng. là con chim xanh dẫn dụ các nam sinh vào văn phòng tên hiệu trưởng để y giết thịt các em. Hết em này đến em khác mỗi lần tên Bằng My thèm khát thì cô giáo Ng. sẵn sàng mang một con mồi nào đó vào văn phòng cho y hành lạc còn cô thì âm thầm rút lui như không hề có mặt tại hiện trường.
Theo khai thác của báo chí, ít nhất 14 em đã bị tên hiệu trưởng này xâm hại trong nhiều năm trời. Tất cả nạn nhân đều ở lứa tuổi vị thành niên và cuộc sống của các em trong ngôi trường nội trú này không khác gì sống trong địa ngục.
Một giáo viên từng dạy trong ngôi trường này chia sẻ trên Facebook về hoàn cảnh đáng thương của các em đã làm nhiều người rơi lệ. Vốn nghèo nàn và sống tận trên các vùng núi cao, các em được vào ngôi trường nội trú dành cho học sinh thiểu số là một may mắn vì bên cạnh sự học hành, nơi chốn dung thân các em được ăn uống tương đối đầy đủ so với người dân trong cộng đồng các em do đó có những bất công, ép bức hay thậm chí xâm phạm cơ thể thì các em cũng im lặng chịu đựng miễn sao cuộc sống của các em không bị thay đổi.
Hành vi của hiệu trưởng Đinh Bằng My phát xuất từ thực tế này. Là hiệu trưởng của ngôi trường nội trú hiếm hoi dành cho học sinh vùng núi y tự phong cho mình là "trưởng bản", "thống lý" như ngày xưa. Y có toàn quyền sinh sát nam nữ sinh dưới tay và câu chuyện 14 nam sinh bị y hủ hóa tuy đã lộ ra ngoài dư luận nhưng vấn đề bên dưới nó vẫn còn là câu hỏi không lời giải đáp cho cả ngành giáo dục hôm nay.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My rõ ràng là một tội phạm nhưng bên cạnh của y còn bao nhiêu kẻ tòng phạm đưa đẩy các em nam sinh đáng thương kia vào vòng ô uế của tên đồ tể Bằng My ? Cô giáo Ng chỉ là một trong rất nhiều thầy cô có công trong việc dẫn dắt và vì vậy ngôi trường này một cách nhìn trực diện có thể xác định được rằng chính là hang ổ của một bọn ma cô đội danh giáo dục để trục lợi trên thân xác của các em học sinh đáng thương người dân tộc thiểu số.
Không cần tránh né, cứ nhìn thẳng sự thật về vấn nạn này sẽ thấy phía sau Đinh Bằng My là cả một hệ thống nhơ nhớp. Chúng chia phần nhau trên sự ngây thơ chất phác của các em. Chúng mang danh làm giáo dục để trục lợi ngay cả nguồn lợi về tính dâm ô vượt khỏi mọi ngưỡng luân lý và đạo đức. Sự thờ ơ hay vô trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục là nguyên nhân sâu xa của hình thái tha hóa này.
Hành động thương luân bại lý này có giây nhợ sâu xa tới những phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong những vụ có hình thái dâm ô xảy ra nhiều lần trước đây mà câu chuyện giáo viên nữ đi tiếp khách như những cô gái bia ôm đã làm dư luận phẫn nộ. Riêng ông Nhạ chỉ xem đó là một cuộc vui không hơn không kém và vì vậy dĩ nhiên ông không có hành động thiết thực nào để uốn nắn hay động viên những cô giáo trong câu chuyện này.
Xa hơn nữa là vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương đã đứng ra lập đường giây bán dâm nữ sinh trong trường của y cho quan chức chính quyền, trong đó có cả những tai to mặt lớn của Bộ Chính trị như Nguyễn Trường Tô cũng dính vào vụ án.
Rồi còn bao nhiêu vụ nữa không được giải quyết một cách ổn thỏa khiến cho con sâu dâm ô trong khuôn viên trường trung học ngày một lan tràn. Chẳng những không xem xét tới nơi tới chốn, Bộ Giáo dục đã nhiều lần bao che cho hành vi phạm tội của nhân viên trong ngành khiến người ta mất lòng tin một cách tuyệt đối và mọi nỗ lực tố giác bị ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.
Vụ án Đinh Bằng My và sự tiếp tay của cô giáo Ng làm người ta nhìn lại đạo đức dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nơi mà hệ thống tuyên truyền luôn rêu rao là sáng ngời đạo đức cách mạng. Hình ảnh nhớp nhúa khó thể tưởng tượng được của một hiệu trưởng đang thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây lòng tin của họ bị mất do quan chức chính quyền từ địa phương tới trung ương một lòng bóc lột họ thì ngày nay chút lương tri còn sót lại trong mái trường cũng cắp nón đi xa.
Cha mẹ của học sinh đầu tắt mặt tối mong nhà trường kiểm soát và hướng dẫn con em họ học được điều hay lẽ phải nay thấy ra rằng sự tin tưởng ấy hoàn toàn sai lầm vì không ai biết được con mình sẽ là nạn nhân vào lúc nào, khi mà hệ thống giáo dục đã suy đồi đến mức đạo đức không còn là thước đo con người mà trái lại, con người trong cái lò giáo dục này được nhuộm màu đen cho nhân phẩm từ tư duy cho tới hành động. Tất cả chỉ vì tiền, một chữ tiền lạnh lùng và bất chấp.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My dù có bị pháp luật trừng trị thì sẽ còn nhiều Bằng My khác đang thách thức lương tâm của cả nước khi chúng dựa vào cách mà Bộ Giáo dục đang theo đuổi. Chẳng những chạy theo thành tích ảo, chúng còn muốn thành tích ấy được nhân rộng ra bằng những cái lưỡi vô cảm, loan truyền giúp cho chúng trên mặt trận tuyên truyền. Đinh Bằng My là điển hình của nền giáo dục Phùng Xuân Nhạ, nền giáo dục lấy sự vui chơi giải trí làm quà cho các cấp cao hơn, trong đó không ngoại trừ thể xác của các giáo viên và nhân phẩm của học sinh.
Đổi chác thân thể lấy điểm thi hay một chỗ dạy không còn là chuyện xa lạ nữa mà nó đã thành thói quen khó bỏ của một tầng lớp trong Bộ giáo dục mà cụ thể là những hiệu trưởng như Đinh Bằng My.
Nếu trong bóng đá vừa có nhà vô địch hôm nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không hề thua kém. Đinh Bằng My xứng đáng nhận giải thưởng vô địch cấp quốc gia về nỗ lực biến nhà trường thành động điếm.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 16/12/2018 (canhco's blog)
Chưa khi nào trái bóng tròn lại khiến giới trẻ lăn lông lốc như những ngày vừa qua. Đi bão, vỡ òa là những cụm từ mới nhằm diễn tả phong trào "nâng trái bóng lên tầm thế kỷ" đã được người trẻ hưởng ứng một cách cuồng nhiệt chưa bao giờ xảy ra như thế. Người ta thức thâu đêm để chờ xem trận bóng trên sân bạn hay chen lấn nhau mua vé để vào Mỹ Đình la ó, hò reo… Trái bóng đã chứng minh sức cuốn hút và quyến rũ của nó vẫn dẫn đầu các bộ môn thể thao và chắc chắn nó sẽ chiếm ngự trên đỉnh cao thu hút người ngưỡng mộ trong vài… thế kỷ nữa
Một người hâm mộ Việt Nam xem trận lượt đi của trận đấu bóng đá chung kết AFF Suzuki Cup 2018 giữa Malaysia và Việt Nam tại sân vận động quốc gia Bukit Jalil ở Kuala Lumpur vào ngày 11 tháng 12 năm 2018. AFP
Đối với nền bóng đá Việt Nam từ xưa nay chưa hề xảy ra cuồng nhiệt đến độ gần như mất lý trí như lúc này, khi mà huấn luyện viên Park Hang Seo được bầu Đức khuyến dụ về lãnh đạo đội tuyển Việt Nam từ năm 2017 Chỉ trong hơn một năm, ông Park đã đưa đội tuyển U-23 giành Huy chương Bạc Châu Á, đội tuyển Olympic vào top 4 Asiad và đội tuyển Việt Nam vào đến trận chung kết AFF Suzuki Cup, đứng trước cơ hội giành chức vô địch.
Và một điều hiển nhiên ai cũng thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam chỉ biết tên ông Park Hang Seo chứ không ai để ý đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, viết tắt là VFF mặc dù nó là cơ quan chủ quản của mọi đội bóng đang hoạt động trong nước.
Người ta không biết đến VFF một phần vì sự mờ nhạt của nó trong vai trò cầm ngọn cờ đầu của nền bóng đá Việt Nam, một phần khác người ta chán đến nỗi không ngó ngàng gì đến nó vì VFF chỉ là một cơ quan ăn bẩn công khai và kéo dài cộng với sự đấu đá trong nội bộ ban chấp hành từ năm này sang năm khác mà báo chí củng chán ngấy không còn muốn nhắc tới.
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ trước trận bán kết lượt về của AFF Suzuki Cup 2018 giữa Việt Nam và Philippines tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 6 tháng 12 năm 2018. AFP
VFF mang tiếng phe cánh và tranh ăn từ nhiều năm trước và những Bầu Thắng, Bầu Kiên, Bầu Đức, rồi bầu Tú nằm trong vòng quay của tranh chấp, phe đảng đến nỗi người giàu có và đầy tâm huyết như Bầu Đức cũng bó giáp quy hàng.
Chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai bỏ tiền túi trả lương hợp đồng 2 năm cho huấn luyện viên Park Hang Seo. Đích thân lo hết cho tuyển quốc gia lẫn U23. Xây Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG... nhưng khi lên tiếng chỉ trích ông bầu Trần Anh Tú muốn ôm trọn một loạt chức vụ chủ chốt ở VFF như ứng cử phó chủ tịch tài chính và VPF, chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc và trưởng Ban Điều hành tổ chức V-League, thì Bầu Đức đã nhận được những lời trách cứ từ chính Thường trực VFF. Một điều dễ hiều là hầu như ban chấp hành VFF cùng một phe muốn tranh ngôi vị với Đoàn Nguyên Đức nên tìm mọi cách đẩy ông ra khỏi VFF cuối cùng thì chiêu trò ấu trĩ buộc các thành viên của liên đoàn phải có bằng đại học mới được làm việc trong Ban chấp hành đã làm cho Bầu Đức quyết định rũ áo ra đi.
Trước phong trào bóng đá được vực dậy từ khi huấn luyện viên Park Hang Seo về hướng dẫn cho đội tuyển Việt Nam thì người xem gần như nhân lên gấp đôi và tinh thần ủng hộ đội nhà lên cao chưa từng thấy, VFF đánh hơi được nguồn lợi bất tận từ vé bán tại các sân thi đấu nên đã tận lực khai thác nguồn thu này kể cả buôn bán vé chợ đen, phân phối vé cho người thân, quan chức cấp cao nhằm lấy lòng, một cách tham nhũng kín đáo của VFF.
Mới đây nhất một scandal xảy ra làm cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam càng thêm ngán ngầm khi nữ ca sỹ Đinh Hiền Anh, vợ mới cưới của Thứ trưởng Bộ Tài chánh Huỳnh Quang Hải khoe trên facebook của mình rằng vừa được tặng một lúc 6 vé xem trận đấu giữa Philippines và Việt Nam. Đây là vé xem trận bán kết giữa Việt Nam và Philippines diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình ngày 6 tháng 12 vừa qua, trận đấu này có sức hút rất lớn, nên vé rất đắt đỏ và khan hiếm với người hâm mộ. Đây cũng là lần đầu tiên VFF bán vé online.
Về chuyện bán vé online của VFF lại là một vấn đề khác to lớn và tai tiếng hơn nhiều. Sáng ngày 28 tháng 11, VFF tổ chức bán vé trận bán kết Việt Nam - Philippines trên 4 tên miền vebongdaonline.vn, vebongonline.com.vn, ticketonline.vff.org.vn, vebongda.vff.org.vn. Điều khó hiểu là chỉ sau khi mở cửa vài phút mặc dù rất khó truy cập các trang đều thông báo đã bán hết vé. Hàng ngàn người bỏ thời gian mua vé ngồi canh chừng giờ mở cửa đã thất vọng ê chề và không ít người cho rằng mình đã bị VFF lừa đảo.
Vé online không còn đáng tin cậy thì lại xuất hiện vé chợ đen tràn ngập thị trường. Dân mê bóng đá vẫn không ngại lùng mua cho bằng được trận đấu mà mình ham thích, từ những nhu cầu này xuất hiện một phong trào …cướp vé do các thương binh họp nhau lại thực hiện.
Chiều 10 tháng 12, bức xúc vì không mua được vé, nhóm thương binh yêu cầu cử đại diện nói chuyện bất thành, hàng trăm thương binh đẩy tung cửa Liên đoàn bóng đá Việt Nam, phóng xe 3 bánh vào thẳng trụ sở Liên đoàn tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có tại nơi này.
Lý do được biết là số thương bình này tập trung trước sân của Liên đoàn từ tờ mờ sáng chờ mua vé ưu tiên nhưng số vé ấy đã hết sạch từ lâu và đám đông trở nên hung hãn chưa từng thấy. Sau một ngày vây hãm trụ sở VFF nhóm thương bình này bình thản ăn nhậu ngay trong trụ sở khiến nhân viên không dám ra về vì sợ bị hành hung. Câu chuyện như đùa này một lần nữa cho thấy sự bất lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
VFF là tác nhân gây nên tình trạng này do cung cách hoạt động không minh bạch của nó. Nếu ông Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh không thông báo sẽ dành một lượng vé bán trực tiếp cho những người khó tiếp cận công nghệ mua vé online thì sẽ không có chuyện thương binh thật lẫn giả tràn vào trụ sở VFF tạo nên bức tranh xấu xí thêm cho hình ảnh VFF vốn đã nhem nhuốc.
Thương binh trong những năm gần đây đã trở thành xấu xí khi tập trung từng nhóm hành động theo đơn đặt hàng của những thành phần bất hảo. Những chiếc xe thô sơ do thương binh làm chủ kiếm ăn trên phố phường luôn làm hành khách sợ hãi vì cung cách phục vụ cũng như giá cả tự phát của từng người. Có cả thương binh nhận bao vây đòi nợ thuê hay lùng sục vào nhà của những người bất đồng chính kiến để đe dọa, thậm chí hành hung khổ chủ. Riêng việc chận cửa, bắt loa trước nhà người dân một cách ngang nhiên đủ nói lên sự tha hóa tới cùng cực của thành phần đáng lẽ phải được người dân quý mến này.
Nếu VFF là mạt cưa thì một bộ phận thương binh Hà Nội xứng đáng được gọi là mướp đắng vì hành vi kiếm tiền một cách nhơ bẩn của họ.
Người anh hùng năm xưa nay đã trở thành kiêu binh trong lòng thủ đô có lẽ là vết cắt đau đớn cho những bộ đội cụ Hồ chân chính.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 12/12/2018