Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng Cộng Sản Việt Nam–Trung Quốc : Qua rồi thời đồng hội đồng thuyền

Như thông lệ, các tuần báo cuối năm đều ra số kép, với những hồ sơ đặc biệt không có thời gian tính, gắn với lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, với những nội dung không thể thiếu là tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đáng chú ý nhất chính là kết quả bình chọn của tuần báo Anh Quốc uy tín The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017. Tuy nhiên cũng trong số cuối năm đó, tờ báo Anh đã dành một bài để nhận định về hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, trước đây từng coi nhau là môi hở răng lạnh, nhưng ngày nay thì "không còn đồng hội đồng thuyền" nữa, tựa bài phân tích chuyên trang Châu Á.

qua1

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Qung (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 13/11/2017. LUONG THAI LINH / POOL / AFP

Nhận xét đầu tiên của The Economist rất hóm hỉnh : "Ngày xưa có hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là những đồng chí kiên định trong cuộc đấu tranh vô sản. Mao Trạch Đông đã tăng cường quan hệ bằng cách giúp đỡ Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, cung cấp cả thiết bị quân sự lẫn tư vấn về kỷ luật và ý thức hệ cộng sản.

Chủ nghĩa tư bản đã biến đổi cả hai nước theo một chiều hướng có thể khiến chế độ lung lay, tuy nhiên cả hai đều đã vượt qua, vừa tiếp tục chế độ độc tài kiểu Lê nin, vừa giám sát đà tăng trưởng kinh tế nhanh.

Trung Quốc và Việt Nam là những nước thành công nhất trong số các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới, che khuất Cuba đang rệu rã, nước Lào tí hon và Bắc Triều Tiên hung hãn".

The Economist sau đó đã liệt kê một loạt những chủ trương mà tờ báo cho là Việt Nam đã "bắt chước" Trung Quốc để thực hiện, từ việc tiếp nhận kinh tế thị trường tự do, cho đến việc tập trung quyền lực trong tay đảng và đàn áp giới bất đồng chính kiến theo kiểu Tập Cận Bình.

Một đường lối cứng rắn hơn được dự báo từ đại hội đảng đầu năm 2016, với việc ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh của ông đã buộc được đối thủ Nguyễn Tấn Dũng phải về hưu. Theo tuần báo Anh, kể từ đó đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam càng lúc càng cứng rắn hơn, vừa thi hành kỷ luật trong đảng, vừa trấn áp giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ.

Và với những sắc thái giống như ông Tập Cận Bình, ông Trọng đã thúc đẩy một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ chưa từng thấy, đánh vào cả các lãnh đạo quyền thế ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như tại PetroVietnam, tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ. The Economist còn cho biết rằng "một số người nói ông Dũng sẽ bị truy tố".

Tuy nhiên, đối với The Economist, bất chấp tất cả những điểm tương đồng nói trên, những ngày quan hệ ấm áp giữa hai bên đã qua rồi. Ông Tập Cận Bình đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 vừa qua và ca ngợi tình đoàn kết anh em.

Thế nhưng lời kêu gọi đó chỉ là sáo ngữ đối với người Việt Nam vì vấn đề các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội.

Tuần báo Anh nhắc lại rằng rạn nứt giữa hai đảng đã lộ rõ lần đầu tiên vào năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình tung ra một cuộc chiến tranh để trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ đàn em của Trung Quốc ở Cam Bốt là lực lượng Khmer Đỏ khát máu.

Đối với The Economist, năm đó, Việt Nam đã đánh cho Trung Quốc "sặc máu mũi", nhưng thái độ nghi kỵ Trung Quốc của Việt Nam đã có từ hàng thế kỷ trước đây. Việt Nam rất ghét bị xem là chư hầu của đế quốc phương Bắc, và tình huynh đệ giữa hai đảng không thể dễ dàng được khôi phục trong một thời đại mà chủ nghĩa dân tộc đã dâng cao.

Ba điểm khác biệt chia cách hai đảng cộng sản

Theo The Economist, một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp tất cả những gì mà ông Trọng đang mô phỏng ông Tập Cận Bình, hai đảng đang đi theo hai triết lý khác nhau

Trước hết, từ vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đến nay, cải cách chính trị ở Trung Quốc đã bị dẹp bỏ, Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong thực tế chỉ là một.

Ngược lại, bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ 20, Đảng cộng sản Việt Nam đã có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa đảng và Nhà Nước, các vị trí hàng đầu như tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và thành viên Bộ chính trị ngày càng được bổ sung thông qua những cuộc bầu cử có cạnh tranh, mặc dù vẫn thu hẹp trong thành phần "ưu tú" của đảng...

Một số người Việt Nam, trong đó có cả các quan chức hay tướng lãnh đã về hưu, đã lập luận rằng cuối cùng thì Việt Nam cũng phải đi theo con đường dân chủ đa đảng. Theo The Economist, ở Trung Quốc, những phát biểu như vậy không thể tồn tại.

Một khác biệt thứ hai được tuần báo Anh ghi nhận là tại Việt Nam, ông Trọng vẫn chỉ là một trong số những người đứng đầu trong một nhóm lãnh đạo tập thể. Ông lãnh đạo đảng nhưng không đứng đầu Nhà Nước. Các giới hạn về nhiệm kỳ sẽ buộc ông phải rút lui vào năm 2021, thậm chí ông có thể ra đi sớm hơn.

Còn tại Trung Quốc, Tập Cận Bình lãnh đạo cả Đảng lẫn Nhà Nước. Tại đại hội đảng tháng 10 vừa qua, ông cho thấy rõ là ông là ông chủ không thể tranh cãi của Trung Quốc, thậm chí có thể xóa bỏ thông lệ cũ để lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ khác vào năm 2022 sau một thập kỷ cầm quyền.

Đối với The Economist, sự phân cách giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có thể mở rộng. Cho dù các tiếng nói bất đồng tiếp tục bị trấn áp, tranh luận tại Việt Nam vẫn còn tự do hơn là ở Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng sôi động hơn, trong lúc ở bên ngoài, giới bất đồng chính kiến và các nhóm tôn giáo vẫn giành được một phần diễn đàn công cộng.

Sức ép của nước ngoài lên chính quyền Việt Nam, nếu không quá cứng rắn, có thể có tác dụng, và Đức đang cố làm việc này. Công dân Việt Nam cũng được tự do hơn trong việc truy cập internet.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ trích được chấp nhận tương đối, và thậm chí có thể được xem là hữu ích - miễn là không bị coi là một thách thức đối với chế độ.

Ở Trung Quốc, ngược lại, internet bị kiểm soát nghiêm ngặt, và không ai được phép công khai chỉ trích đảng, chứ không riêng gì các nhà bất đồng chính kiến.

Và điểm sau cùng khiến hai đảng phân cách nhau là chủ nghĩa dân tộc sâu sắc của người Việt Nam. Không một lãnh đạo Việt Nam nào, kể cả những người có thiện cảm với Đảng cộng sản Trung Quốc như ông Trọng, dám coi nhẹ tâm lý của người dân và lao vào một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh.

Tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh ở Việt Nam, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có một sự đối đầu mới, có thể liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, làm cho quan hệ bạn hữu lâu năm giữa hai đảng cộng sản căng thẳng hơn nữa.

Pháp được báo giới phương tây tôn vinh

Trong phần tổng kết cuối năm, The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017, được tờ báo khen ngợi là Formidable Nation – Đất nước tuyệt vời – dùng một tính từ tiếng Pháp đã được Anh hóa là formidable để bày tỏ thái độ khâm phục.

Trong bài xã luận, The Economist đã giải thích rõ cách bình chọn quốc gia nổi bật của mình, được áp dụng từ năm 2013 đến nay. Đó không thể là một Nhà Nước bất hảo, cho dù có nổi bật lên thành cực kỳ đáng sợ như Bắc Triều Tiên, hay một quốc gia có ảnh hưởng nhất chỉ vì quy mô hay sức mạnh kinh tế, như Mỹ hay Trung Quốc. Đó là bất kỳ một nước nào đó, mà trong vòng năm sắp kết thúc, đã thể hiện được một sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực, hay giúp cho thế giới tươi sáng hơn.

Dưới tiểu tựa nguyên văn tiếng Pháp "Le jour de gloire est arrivé - Ngày vinh quang đã tới", trích lời bài quốc ca Pháp, tuần báo Anh đã nêu cụ thể những lý do đã khiến nước Pháp được chọn làm quốc gia nổi bật trong năm 2017.

Theo The Economist, trong năm 2017, Pháp đã vượt quá mọi kỳ vọng. Ông Emmanuel Macron, một cựu viên chức ngân hàng, không được bất kỳ một đảng phái truyền thống nào ủng hộ, đã đắc cử tổng thống. Sau đó, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche) – đảng mới toanh của ông Macron, với hầu như toàn là những người mới làm chính trị, đã đánh bại các chính khách kỳ cựu để chiếm hầu hết các ghế trong Quốc hội.

Đối với tuần báo Anh, đấy không chỉ đơn thuần là một thay đổi ngoạn mục, mà còn là một niềm hy vọng cho những ai nghĩ rằng đối lập tả hữu không quan trọng bằng sự phân biệt giữa cởi mở và co cụm.

Tờ báo giải thích thêm : "Ông Macron đã vận động cho một nước Pháp mở cửa đón nhận con người, hàng hóa và ý tưởng từ nước ngoài, và thay đổi xã hội trong nước. Trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ, ông Macron và đảng của ông đã thông qua một loạt cải cách nhạy cảm, trong đó có một bộ luật chống tham nhũng và các quy định nới lỏng luật lao động cứng ngắc của Pháp".

Đối với giới chỉ trích ông Macron, thì các cải cách của ông còn yếu, có thể đi xa hơn nữa. Đối với The Economist, điều đó đúng, nhưng có lẽ là các thành phần chỉ trích đó đã quên rằng trước lúc ông Macron lên nắm quyền, nước Pháp có vẻ như "không tài nào thay đổi được", và những người đi bầu chỉ có thể lựa chọn giữa tình trạng xơ cứng và chứng bài ngoại.

Phong trào của ông Macron đã gạt bỏ chế độ cũ, và đánh bại phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan của bà Marine Le Pen (người mà nếu thắng cử, sẽ phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu).

The Economist kết luận : "Cuộc chiến giữa quan điểm cởi mở hay khép kín về xã hội có thể là cuộc đấu tranh chính trị quan trọng nhất trên thế giới ngay vào lúc này. Nước Pháp đã trực diện giao đấu với những kẻ muốn co cụm, đóng cửa với bên ngoài, và đã chiến thắng. Vì vậy, đó là quốc gia nổi trội trong năm của chúng tôi".

Từ "Quả bom nổ chậm giữa Châu Âu" đến "Đất nước của năm 2017"

Tuần báo Anh cũng cho biết là nước Pháp được chọn trong một danh sách bao gồm Bangladesh, Argentina và Hàn Quốc.

The Economist không ngần ngại thú nhận rằng mình không phải lúc nào cũng chọn đúng, và vào năm 2015 đã từng vinh danh Miến Điện, được cho là đáng khen ngợi nhờ quá trình chuyển đổi từ một chế độ độc tài sang một "cái gì đó giống với dân chủ".

Vào khi ấy, The Economist cũng đã ghi nhận rằng cách Miến Điện đối xử với thiểu số Rohingya đáng hổ thẹn, nhưng không thể ngờ rằng cách đó tệ hại đến mức nào.

Vì lý do đó, năm nay, sau khi hơn 600.000 người Rohingya phải chạy trốn khỏi những ngôi làng bị phá hủy để tránh bị quân đội Miến Điện hãm hiếp và giết hại, The Economist đã tính chọn nước láng giềng Bangladesh kế bên là quốc gia nổi bật trong năm vì đã cưu mang người Rohingya tị nạn, đồng thời cũng có một đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giảm bớt được đói nghèo.

Vấn đề là chính quyền nước này vẫn bóp nghẹt quyền tự do dân sự và để cho những thành phần Hồi giáo cực đoan tự do hoành hành.

Một ứng viên khác là Argentina, nơi tổng thống Mauricio Macri đang cố tiến hành những cải cách khắc nghiệt để lành mạnh hóa nền tài chính sau nhiều năm tiêu xài thả giàn dưới thời Kirchner.

Tháng 10, đảng của ông Macri đã giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chứng tỏ rằng hầu hết người Argentina không còn bị các số liệu thống kê giả tạo hay những lời hứa hẹn kiếm tiền dễ dàng lừa phỉnh.

Một ứng viên nặng ký khác cho danh hiệu Đất Nước Nổi Bật trong năm của tuần báo The Economist là Hàn Quốc, một quốc gia vẫn thực hiện được những cải cách quan trọng, đặc biệt là trong lãnh vực lành mạnh hóa đời sống chính trị trong nước, cho dù bị mối đe dọa hạt nhân tên lửa từ người anh em phương Bắc, cộng thêm với đòn tẩy chay kinh tế của Trung Quốc, và sức ép về thương mại của Donald Trump.

Những lời khen tặng nước Pháp năm nay của The Economist cho thấy là tờ tuần báo có uy tín và theo xu hướng tự do này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn về nước Pháp. Cách nay hơn 5 năm một chút, trong một số báo đề ngày 17/11/2012, The Economist đã không ngần ngại gọi nước Pháp là "Quả bom nổ chậm giữa lòng Châu Âu - The time-bomb at the heart of Europe" !

Quyền lực mềm của Pháp được tôn vinh

Không hẹn mà gặp, giống như The Economist, các tạp chí tuần lễ cuối năm khác cũng dành nhiều trang bài tán thưởng nước Pháp. Courrier International chẳng hạn, dưới tựa đề "Quyền lực mềm, mùa thu đẹp đẽ của Pháp" đã trích nhận định các báo Âu Mỹ không tiếc lời khen những thành tựu của Pháp trong năm 2017.

Trước tiên là tờ báo Ý, Il Foglio, Milano, nhìn thấy trong bối cảnh Châu Âu có vẻ ảm đạm, Pháp là một điểm sáng, đã có thu hoạch tốt, thành công về ngoại giao cũng như kinh tế. Và đây là nhờ phương thức điều hành mạnh và tập trung.

Tờ báo tinh tế phân biệt nếu nhìn trên các chỉ số tăng trưởng, thất nghiệp, sản xuất công nghiêp…như các thống kê cho thấy hàng ngày thì Châu Âu lao mạnh về phía trước, kinh tế tốt đẹp. Nhưng nếu rời khỏi khía cạnh chung, khỏi cái khung kinh tế, nhìn từng nước và trên bình diện chính trị, thì hình ảnh Châu Âu thay đổi hằn, không còn đẹp như thế.

Lấy ví dụ nước Đức đầu tàu Châu Âu. Nhân vật chính trị hùng mạnh nhất Châu Âu (thủ tướng Merkel) vẫn chưa thành lập được chính phủ. Tại Tây Ban Nha thì chính quyền phải đối phó trầy trật với một vùng tuyên bố độc lập, còn Hà Lan thì mới thành lập được chính phủ sau 281 ngày thảo luận.

Đấy tình hình Châu Âu là thế đấy, nhưng tờ báo Ý thấy được là cũng có một ốc đảo hạnh phúc mang tên là Pháp. Các vì sao tốt đã hợp lại chiếu xuống đất nước này, một nước không bị vướng vấn đề ổn định, không bị vấn đề chính phủ, lãnh đạo, và đó là nhờ một thể chế biết tập hợp sức lực để hoàn thành một cái gì đấy chứ không phải để chống lại một ai và thể chế đó đã gặt hái thành công.

Tờ báo Ý điểm lại từ việc giành được trụ sở của ABE – Cơ Quan Ngân Hàng Châu Âu, chiếc ghế tổng giám đốc Unesco, cho đến thế Vận Hội 2024 ; và việc tổ chức Cúp bóng bầu dục thế giới Rugby… Nhưng đáng chú ý nhất là hệ thống chính trị với Emmanuel Macron, 39 tuổi, một người thừa kế đáng giá của Charles de Gaulle, biết tập hợp, biết xử lý sự phân mảnh chính trị.

Courrier International trích dẫn báo New York Times, rất khen ngợi ngành ngoại giao Pháp. Qua các cuộc khủng hoảng, từ Lebanon đến vấn đề người nhập cư, hay hồ sơ thời hậu chiến ở Syria, ngoại giao Pháp đã khéo lao vào lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở thế giới Ả Rập.

Tờ báo nhận thấy chỉ cách đây một năm thôi, không ai tưởng tượng là Emmanuel Macron có thể là gương mặt của ngoại giao phương Tây ở Trung Đông. Ngày nay thì khác. Quyết định của ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ; các tweet bài Hồi giáo của ông, việc giảm người ở bộ ngoại giao.

Đối với nhiều nhà quan sát, đó là là dấu hiệu cho thấy ngành ngoại giao Mỹ đang co cụm lại, và điều này đã mở rộng cửa cho những ai muốn gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên trường quốc tế.

Trong số người này có ông Macron. Tổng thống Pháp đã biết nắm lấy cơ hội, đóng vai trò ‘nổi’ hơn ở Trung Đông.

Tờ báo Mỹ nhắc lại là tổng thống Pháp đã nói chuyện với ông Trump hai ngày trước khi tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel để nói lên mối quan ngại của Pháp.

Tháng 11, trong cuộc khủng hoảng Lebanon khi thủ tướng quốc gia này tuyên bố từ nhiệm mà nhiều người cho là dưới sức ép của Saudi Arabia, thì tổng thống Macron đã đích thân đến Lebanon để giúp tái lập lại ổn định.

Tổng thống Pháp đã đưa ra một chương trình hành động ngăn ngừa người di dân bị bắt làm nô lệ ở Lybia. Hiện tại thì ông chuẩn bị để Pháp có thể tham gia vào lộ trình chính trị thời hậu chiến ở Syria.

Không chỉ năng nổ trên bình diện ngoại giao, báo New York Times còn thấy nước Pháp của ông Macron đã chuyển mình trên mặt kinh tế. Pháp trong một thời gian dài mang tiếng là không ưa thích các tập đoàn đa quốc gia, nghi kỵ đối với tài sản cá nhân, đánh thuế nặng, luật lệ kỳ lạ và có một câu trả lời cho mọi câu hỏi là ‘không thể được’.

Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ thì Paris của tổng thống Macron đã đổi ‘look’, biết cải thiện để đón các công ty, doanh nhân nước ngoài, đua tranh với các thành phố như Dublin, Frankfurt.

Emmanuel Macron : Nhân vật xuất sắc trong năm

Tại Đức, cũng giống như tờ The Economist, nhật báo kinh tế Handelsblatt đã trao tặng cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron danh hiệu "Nhân Vật Xuất Sắc Trong Năm".

Bài báo về tổng thống Pháp đã được cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức Sigmar Gabriel chấp bút, trong đó ông coi tổng thống Macron là "cơ may cho nước Đức và Châu Âu".

Riêng tờ báo Đức Die Welt, đã nhìn vai trò của ông Macron trên vấn đề mà cả hành tinh quan tâm : khí hậu. Theo tờ báo, Paris của ông Macron đã và đang đóng vai trò nổi trội. Tổng thống Pháp có vai trò chủ đạo trên vấn đề khí hậu hiện nay khi tổ chức thượng đỉnh về khí hậu.

Trang bìa các tạp chí

Có nhiều bài về Pháp, nhưng tuần báo Courrier International số cuối năm lại dành trang bìa cho vấn đề "Thông minh nhân tạo, cỗ máy tạo hoang tưởng - Intelligence artificielle, la machine à fantasmes".

Đây là một hồ sơ dài về robot (hay "người máy") mà những tiến bộ ngoạn mục trong ngành đã làm dấy lên lo ngại và tranh luận, với nhiều câu hỏi như : Liệu robot có sẽ giết chết công ăn việc làm của con người, gây ra thất nghiệp hay không ? Liệu robot có thể đọc được và chiếm hữu suy nghĩ của chúng ta hay không ?

Courrier International đã trích dẫn tạp chí MIT Technology Review của trường công nghệ Mỹ nổi tiếng để trấn an, cho rằng ngày nay robot có thể nhận dạng một bức họa của bậc thầy, dịch một văn bản hay soạn một giai điệu dương cầm, nhưng nhiều khi chính chúng ta suy diễn quá nhiều về khả năng thực thụ của nó vì thiếu hiểu biết và cũng thiếu óc tưởng tượng.

Gần đến Noël, tuần báo Pháp L’Express theo đúng truyền thống, dành hồ sơ chính cho lễ Giáng Sinh với ảnh chúa Giê-su chiếm trọn bìa, và dòng tựa "Giê-su qua cái nhìn của người Do Thái, Hồi giáo, vô thần…".

Tuần báo L’Obs thì gắn lễ Giáng Sinh với quyết định của tổng thống Mỹ về Jerusalem, dành một hồ sơ nhiều trang lược qua lịch sử dưới tựa đề : "Jerusalem từ vua David đến tổng thống Trump". Tuy nhiên trang bìa của tạp chí Pháp lại dành cho năm tới, giới thiệu "Những người sẽ ‘làm nên 2018’".

Danh sách gồm khoảng 20 người, từ nghệ sĩ cho đến chính khách trong đó có thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cựu thủ tướng Ý Berlusconi, và cả nhà đối lập Nga Alexei Navalny.

Mai Vân

Published in Quốc tế

Một thoáng phong thái Obama ở Emmanuel Macron

Trong dòng sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội tại lâu đài Versailles, nhật báo Le Figaro có bài viết về phong cách của tân tổng thống Pháp dưới hàng tựa : "Ở Emmanuel Macron, có một dáng vẻ Barack Obama".

obama1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi qua Galerie des Bustes (Hành Lang Tượng Bán Thân) để đến hội trường điện Versailles, phát biểu trước toàn thể Nghị Viện Pháp. Ảnh ngày 03/07/2017. REUTERS/Etienne Laurent/Pool

Le Figaro nhận xét rằng nhiều người Mỹ theo dõi chính trường Pháp lúc này có thể có cảm nhận một điều gì đó họ "đã thấy" trong những bước đi đầu tiên lãnh đạo đất nước của ông Macron.

Nhật báo Le Figaro khẳng định, điều mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở tân tổng thống Pháp Macron đó là : Tuổi trẻ, hứa hẹn đổi mới chính trị, phong cách trịnh trọng và hiện đại trong thực thi quyền lực, thông tin quảng bá hình ảnh được tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất… Theo tờ báo thì người ta thấy ở phong cách của tân tổng thống Pháp "có cái gì đó rất Obama, cho dù bản thân ông Macron vẫn ưa được liên hệ hình ảnh với những tổng thống Pháp từng để lại dấu ấn như Charles de Gaulle hay François Mitterand".

Le Figaro nhắc lại, ngay từ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Emmanuel Macron đã có cuộc nói chuyện điện thoại với ông Obama và đã được cựu tổng thống Mỹ ủng hộ tích cực. Sự việc này khi đó đã được báo chí nói đến nhiều.

Khi bước vào điện Elysée, cách thức ông Emmanuel Macron chọn bố trí phòng làm việc của tổng thống cũng gợi nhắc đến cách bài trí nơi làm việc của ông Obama trong căn phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng. Rồi đến ngay cả bức chân dung chính thức của tổng thống Emmanuel Macron cũng giống kỳ lạ với tấm hình của tổng thống Obama chọn cho nhiệm kỳ thứ 2, từ bố cục, khuôn hình cho đến các chi tiết bài trí trong ảnh.

Một điểm nữa mà giới quan sát cũng thấy được những nét tương đồng giữa Macron và Obama đó là cách kiểm soát thông tin nội bộ. Đó là việc, tổng thống Macron ra lệnh cho các thành viên chính phủ không được phát biểu một cách tùy tiện với báo chí.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, dường như ông Macron cũng đã rút ra được những bài học sai lầm của cựu chủ nhân Nhà Trắng. Đó là việc ông Obama xuất hiện và phát biểu quá nhiều dẫn đến lời ăn tiếng nói đôi khi bị mất giá trị. Tổng thống Pháp giờ đây đã hiểu được tiết kiệm lời ăn tiếng nói có lợi thế nào.

Một nét Mỹ khác mà ông Emmanuel Macron muốn áp dụng cho chính trị Pháp, đó là tổng thống mong muốn được phát biểu hàng năm trước diễn đàn lưỡng viện Quốc hội, theo mô hình bài thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ.

Cuối cùng bài viết bình luận, "sẽ là nói quá nếu gọi Macron là bản sao của Obama". Tổng thống Pháp vẫn có ý tưởng riêng của ông. Lấy ví dụ như việc ông Emmanuel Macron mời tổng thống Mỹ Donald Trump tới Paris dự lễ quốc khánh 14/07 là "một bước đi khôn khéo, cho thấy ông không hề bị ràng buộc vào bất kỳ định kiến nào". Le Figaro dẫn ra hai cuộc gặp điển hình của ông Macron với tổng thống Mỹ và Nga gần đây đã cho thấy tổng thống Pháp một người cứng rắn, kiên quyết. "Cái nét rắn rỏi này là thứ mà ông Obama thiếu và đó chính là điều khiến cho bảng tổng kết của ông bị mờ nhạt", tờ báo bình luận.

Tổng thống Pháp trình bày đường hướng nhiệm kỳ trước Nghị Viện

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được nhắc đến trên khắp các mặt báo Pháp hôm nay bởi sự kiện ông triệu tập lưỡng viện Quốc hội tại cung điện Versailles để trình bày đường lối, mục tiêu chính trị trong nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Việc ra trước lưỡng viện Quốc hội đọc diễn văn là một sự kiện trọng đại chỉ diễn ra khi tổng thống thấy cần phải trình bày trước các nhà lập pháp những vấn đề hệ trọng, cấp bách của đất nước. Việc làm này cũng mới chỉ xảy ra với 2 đời tổng thống trong nền đệ ngũ Cộng Hòa Pháp : Nicolas Sarkozy (2008 về khủng hoảng tài chính ) và François Hollande (2015 về vấn đề chống khủng bố).

Còn với tổng thống Emmanuel Macron vừa mới lên cầm quyền được chưa đầy 2 tháng thì việc triệu tập Nghị Viện để trình bày đường lối chính trị là việc làm chưa từng có. Bởi vậy mà sự kiện đã thu hút chú ý đặc biệt của dư luận Pháp.

Truyền thống cũng như chính giới Pháp có quan điểm khá khác nhau trên vấn đề này. Người thì cho rằng với động thái triệu tập lập pháp đến để nghe phát biểu như vậy tổng thống Pháp muốn chứng tỏ thâu tóm quyền lực hết cả trong tay, nhưng số khác thì lại cho rằng đó là việc làm bình thường nên có, để tổng thống minh bạch đường lối và mục tiêu hành động của chính phủ…

Chính trường Úc và các nhà tài trợ "hảo tâm" Trung Quốc

Về thời sự Châu Á, Le Figaro dành sự chú ý tới quan hệ giữa Trung Quốc và Úc qua bài nhận định : "Úc lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc".

Bài viết cho thấy, "Bắc Kinh đang tạo dựng các mối liên hệ mờ ám với giới chính trị Úc qua việc tài trợ tài chính cho các đảng phái, trong khi mà các cơ quan an ninh của Úc đang báo động tình trạng gián điệp Trung Quốc đang mở rộng hoạt động trên lục địa nổi này".

Theo Le Figaro, quan hệ giữa Úc và đế chế Trung Hoa, không chỉ có những hợp đồng thương mại lớn mà còn có cả những mối liên hệ mờ ám. Đó chính là những mối quan hệ giữa các nhà tài phiệt Trung Quốc với một số người trong giới tinh hoa chính trị của nước Úc. Từ đó, người ta có thể nhìn thấy được bàn tay của Bắc Kinh trong công việc nội bộ của Canberra.

Tờ báo viết : "Đảng cộng sản Trung Quốc có lẽ đã thành công trong việc mở rộng "quyền lực mềm" của họ lên các định chế của Úc, chủ yếu bằng các khoản quà tặng cá nhân cho các đảng phái chính trị ở nước Úc". Đó cũng chính là nội dung phát giác của một cuộc điều tra kéo dài 5 tháng do các cơ quan truyền thông có tiếng ở Úc tiến hành, mới được công bố trên đài truyền hình ABC. Từ các phát giác của báo chí như vậy, ông chưởng lý George Brandis đã cho mở điều tra sâu hơn về những vấn đề trên.

Đầu tháng 5 vừa qua, thủ tướng Malcom Turbull đã cam kết xem xét lại toàn bộ các điều luật chống gián điệp và về các hoạt động của những cường quốc nước ngoài tại Úc. Theo Le Figaro, trong tầm ngắm của chính phủ Úc hiện nay là các khoản tiền quà tặng, tài trợ cho các đảng chính trị Úc.

Theo Le Figaro, trong vòng 1 thập kỷ, đảng Lao Động và liên minh bảo thủ có thể đã nhận được khoảng 6,7 triệu đô la từ Trung Quốc. Cuộc điều tra của báo chí Úc còn cho biết, những khoản tài trợ hào phóng chủ yếu bắt nguồn từ một số nhà tài phiệt bất động sản Trung Quốc và những tỷ phú đó lại có những mối liên hệ chặt chẽ với Đảng cộng sản Trung Quốc.

Cuộc điều tra còn chỉ cho thấy, các nhà hảo tâm Trung Quốc không chỉ cho tiền các đảng mà còn cả những quan chức lớn của chính phủ, như bộ trưởng Thương Mại Úc, chẳng hạn.

Đâu là mục tiêu của Bắc Kinh ?

Theo bài báo, bằng cách "mua" những lãnh đạo chính trị Úc, Bắc Kinh hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của chính giới Úc về các đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan hay Biển Đông. Đồng thời, thông qua các tổ chức nhận tài trợ là xã hội dân sự Úc chẳng hạn, Bắc Kinh có thể ngăn chặn bớt ảnh hưởng của các tiếng nói ly khai của người Trung Quốc ở hải ngoại.

Le Figaro cho biết thêm : Năm ngoái, đầu tư Trung Quốc vào Úc đạt con số kỷ lục, Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên vật liệu cơ bản lớn nhất của Úc. Tiếng Trung giờ là ngôn ngữ thứ 2 được phổ biến ở Úc, sau tiếng Anh.

Philippines : Một năm đầy biến động với tổng thống Duterte

Vẫn liên quan đến đề tài Châu Á, trang quốc tế của Libération nhìn qua Philippines với bài phân tích : "Philippines, một năm nguy biến quốc gia".

Trở lại với sự kiện tròn một năm, tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền tại Philippines, Libération và nhận thấy, một năm qua đất nước Đông Nam Á đã chứng kiến nhiều biến động lớn cùng với vị tổng thống luôn gây bất ngờ, từ hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói cho đến những quyết định.

Tóm lại, Libération ghi nhận : "Tổng thống Rodrigo Duterte đang thử thách đất nước bằng cuộc chiến chống ma túy tàn khốc. Song song, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang đe dọa sự ổn định của quần đảo. Những tháng tới đây dự báo sẽ còn sóng gió đối với vị lãnh đạo đang được lòng dân này", một người có tính cách dữ dằn, khó lường và tình trạng sức khỏe đang có nhiều vấn đề lo ngại".

Theo nhật báo Pháp, sức khỏe của ông Duterte từng gây nhiều đồn đoán tại Philippines. Dư luận đồ rằng ông bị tiền ung thư, tai biến mạch máu não, rối loạn tâm lý…

Bản thân tổng thống Duterte đã có lần nửa đùa nửa thật nói với dân chúng rằng chưa chắc gì ông đã sống hết nhiệm kỳ tổng thống đến năm 2022.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Một người Mỹ tại Paris

Donald Trump sẽ đến Paris vào ngày 14/07/2017 theo lời mời của Emmanuel Macron nhân Quốc Khánh Pháp. Nhiều đơn vị Mỹ sẽ diễn hành cùng với quân nhân Pháp trên đại lộ Champs Elysées ghi dấu 100 năm ngày Hoa Kỳ tham dự Thế Chiến Thứ Nhất. Tổng thống Pháp tính toán gì khi mời chủ nhân Nhà Trắng,người không được cảm tình của công luận Châu Âu. Đề tài tốn nhiều giấy mực.

my1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Leonardo da Vinci-Fiumicino, Roma, Ý, 23/05/2017. REUTERS/Remo Casilli/File Photo

Libération đưa độc giả tới Mosul trong hoang tàn đổ nát do Daesh để lại trong khi Le Figaro khẳng định hoàng hôn phủ bóng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Mosul. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa hai tin báo động : thâm thủng trong ngân sách quốc gia do chính phủ trước để lại 8 tỷ đôla. Và cơn gió lạnh thổi qua thị trường chứng khoán Châu Âu mà bất trắc đang chờ trong sáu tháng cuối năm 2017.

Nhật báo công giáo La Croix đưa lên trang nhất thông tin gây chấn động tòa thánh Vatican : hồng y người Úc George Pell, bộ trưởng tài chính của Vatican bị tư pháp Úc truy tố về tội lạm dụng tình dục trẻ em trong thập niên 1970.

Trong số các chủ đề đa dạng của các nhật báo ghi ngày thứ Sáu 30/06/2017, Le Monde dành bài xã luận với tựa đề : Một Người Mỹ tại Paris, mượn tựa của một tác phẩm nổi tiếng của Ernest Hemingway.

Le Monde mô tả "người Mỹ Donald Trump" phải từ chối lời mời của nữ hoàng Anh và thủ tướng Theresa May vì thần dân Anh và đô trưởng Luân Đôn chống đối. Tại Đức, chính quyền chuẩn bị đối phó với những cuộc biểu tình lớn chống chủ nhân Nhà Trắng sang dự Thượng đỉnh G20 vào ngày 7 và 8/07/2017 ở Hambourg.

Một kết quả thăm dò ý kiến của Pew Research Center tuần qua cho thấy uy tín của tổng thống Donald Trump tuột dốc thê thảm trong công luận Châu Âu, kể cả ngưòi Pháp. Tổng thống Barack Obama được hâm mộ bao nhiêu thì tổng thống Donald Trump bị ghét bấy nhiêu. Chỉ có Ba Lan là mong chờ đón tổng thống Trump vào ngày 06/07.

Macron thực tiễn

Thế nhưng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải là người dễ bị thuyết phục. Chủ nhân điện Elysée đã từng chứng minh ông không ngại tiếp xúc với những lãnh đạo bị ghét bỏ. Đòn ngoại giao ngoạn mục là mời tổng thống Nga Vladimir Putin sang điện Versailles, chứng tỏ thái độ thực tiễn trên hồ sơ Bachar al-Assad, không buộc nhà độc tài phải ra đi làm điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc chiến.

Với Donald Trump, một người xem thường Liên Hiệp Châu Âu, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris COP21, Emmanuel Macron, áp dụng bí kíp của Machiavelli (quân sư của nhiều lãnh chúa ở nước Ý thời Phục Hưng thế kỷ 14 - 15) đã đoạt ngôi vô địch "tâm cơ khó lường"của lãnh đạo siêu cường số một.

Nếu chủ nhân điện Kremlin được khoản đãi trong cung son điện ngọc thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ được chào đón với lễ nghi quân cách trên đại lộ Champs-Elysées. Cũng như khi dùng xe quân sự mui trần cho ngày nhậm chức, Emmanuel Macron muốn nói là ông gắn bó với những hình ảnh biểu trưng sức mạnh của nước Pháp và nước Pháp là cường quốc hạt nhân, là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, ngang hàng với Hoa Kỳ. Donald Trump muốn phục hồi "uy thế vĩ đại cho nước Mỹ " thì Emmanuel Macron muốn "trả lại uy thế vĩ đại cho địa cầu".

Để đạt được mục tiêu này, theo tổng thống Pháp, cần phải vượt lên trên tâm lý tranh hơn tranh thua của trẻ con như cú bắt tay thử nội lực (tại Thựơng đỉnh G7) mà phải hợp tác chống khủng bố, giải quyết khủng hoảng Syria và chống biến đổi khí hậu. Làm những chuyện lớn này không thể thiếu nước Mỹ.

Bên cạnh đó, tổng thống Pháp còn muốn đặt mình trong vai trò lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu trên chính trường quốc tế. Liệu nhà lãnh đạo 39 tuổi này có thể làm được không. Kết luận, và cũng là câu trả lời của Le Monde : Được, nhưng phải đi tới chứ không chỉ dừng lại ở hình ảnh và biểu tượng.

Sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ngạc nhiên mà tổng thống Mỹ nhận lời lại càng bất ngờ hơn. Đây là một thành công mới của Emmanuel Macron, theo nhận định của một nhà ngoại giao. Trong bài "cử chỉ tính toán của Macron" thông tín viên Stéphane Le Bars từ Washington, cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp sẽ "tăng cường mối hợp tác đã chặt chẽ" từ chống khủng bố cho đến kinh tế.

Trong bối cảnh hai nước đã đe dọa trả đũa Damascus nếu một lần nữa, vũ khí hóa học được sử dụng tại chiến trường Syria, hồ sơ này sẽ được thảo luận trong dạ tiệc chiều 13/07. Theo Le Monde, sự kiện vị tổng thống Mỹ từng đưa những thông điệp thiếu lịch sự với Pháp như là "Paris không còn là Paris, thành phố ánh sáng" nay sắp đến Paris đã gây ngạc nhiên tại nước Mỹ nhưng ít được bình luận.

Tại Pháp, nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi có nên mời Donald Trump dự lễ diễn binh 14/07 hay không ? Phe ủng hộ cho rằng đây là biểu tượng của hai nước đồng minh lâu dài, nếu chỉ mời quân đội Mỹ mà không mời tổng tư lệnh tối cao thì chỉ gây bất đồng vô ích. Còn theo phe chống, đa số là cánh tả, thì tổng thống Pháp phải nhân cơ hội này để thảo luận sâu xa về thế cờ chiến lược chung và đặt thẳng vấn đề với Donald Trump về mối quan hệ với tổng thống Nga Putin.

Một người Trung Quốc tại Hồng Kông

Hồng Kông là chủ đề được quan tâm đặc biệt : 20 năm sau ngày Luân Đôn trao trả nhượng địa Hồng Kông cho Bắc Kinh (01/07/1997), vì sao chỉ có 20% người dân bán đảo mang tên Hương Cảng xem mình là người Trung Quốc ?

Bên cạnh bản tin "Nước Pháp kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba" là phóng sự của Le Figaro "Tập Cận Bình triệt hạ Hồng Kông". Theo tường thuật của đặc phái viên Sébastien Falletti thì Hồng Kông đã biến thành một đồn lũy đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân 20 năm Bắc Kinh lấy lại chủ quyền.

Các biện pháp an ninh đặc biệt, với 11.000 cảnh sát chìm nổi, được bố trí chặt chẽ đề phòng biểu tình và bảo vệ "tư lệnh khủng bố" như lời ta thán của một người đàn ông trung niên thuộc thế hệ thứ ba gốc Quảng Đông : 20 năm qua là 20 năm xấu. Người Hoa lục tràn sang xâm lấn làm vật giá leo thang. Chính nỗi bất bình này đã làm cho xu hướng đòi độc lập lên cao lấn át phong trào đấu tranh dân chủ, theo nhận định của nhật báo cánh hữu.

Nhật báo kinh tế Les Echos điểm qua những khó khăn của "Hồng Kông đang bị Trung Quốc nuốt chửng. Người nghèo khó ngày càng đông và càng nghèo hơn, phải lên nóc cao ốc mà ở. Tuổi trẻ không bao giờ bỏ cuộc".

Tuổi trẻ không bỏ cuộc là lời xác quyết của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), cậu học sinh trung học trong phong trào Dù Vàng năm 2014, nay là một sinh viên thủ lĩnh đảng dân chủ Demosito, tiếp tục thách thức người khổng lồ Trung Quốc : chúng tôi sẽ chứng minh cho Tập Cận Bình thấy thời điểm này không phải là lúc ăn mừng mà là biểu tình phản kháng.

Một khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, Hoàng Chí Phong chỉ ra những mưu toan của Trung Quốc như dùng tư pháp để trói tay các nhà tranh đấu, dùng "tư bản đỏ" để xâm chiếm Hồng Kông, đầu cơ địa ốc hay qua bàn tay tỷ phú Jack Mã Vân, chủ nhân Alibaba, kiểm soát nhật báo có uy tín South China Morning Post.

Gọng kềm

Chiến thuật ba mặt giáp công : kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung Quốc được nhật báo công giáo La Croix lược kể nhận xét của một vài thanh niên tuổi 20 trong bài "Định mệnh đắng cay của Hồng Kông".

Phần dẫn nhập nhắc lại khung cảnh trời mưa u ám trong buổi lễ bàn giao ngày 01/07/1997. Hai mươi năm sau, một thanh niên 27 tuổi nhớ lại : ba mẹ tôi không vui nhưng chấp nhận sự kiện một cách bình thường cho dù họ là những người tị nạn chế độ Mao Trạch Đông.

Một giáo viên Anh văn 28 tuổi tuyệt vọng vì giá nhà đất lên cao quá. Một sinh viên tên Anthus Leung than phiền ra đường nghe tiếng quan thoại ngày càng đông. Mỗi năm có 50.000 dân Hoa lục sang Hồng Kông định cư (theo thỏa thuận với Anh Quốc), nhân lên 20 năm, tổng cộng là 1 triệu trên tổng số 7 triệu dân Hồng Kông : một cuộc xâm lăng văn hóa của Bắc Kinh.

Libération cũng dành hai trang để tường thuật "nỗi niềm thất vọng" của dân Hồng Kông với bài cùng tựa. Nhưng trong gọng kềm của Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông vẫn tìm cách kháng cự.

Cũng như mỗi thứ sáu, Trung Quốc mua 8 trang của Le Figaro để tuyên truyền. Trong số này có bài "phóng sự" : Tập Cận Bình tuyên chiến với ba thế lực ma quỉ là khủng bố, ly khai và cực đoan hầu chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc có tinh thần trách nhiệm đối với láng giềng và hòa bình thế giới.

Lập luận của Trung Quốc có đáng tin hay không ? Trên trang kinh tế, Le Figaro đưa tin : Hàng giả vẫn phồn vinh tại Trung Quốc. Báo cáo của hải quan Liên Hiệp Châu Âu, phản ánh thực tế này, làm Bắc Kinh bất bình.

Bạo lực gia đình tại Pháp : ai vô tâm ?

Khác với các đồng nghiệp tập trung vào tình hình chính trị, kinh tế, nhật báo cánh tả độc lập chọn tệ nạn bạo lực trong gia đình làm chủ đề chính : 220 phụ nữ thiệt mạng trong ba năm qua trong sự vô tâm của tình nhân, của chồng hay chồng cũ. Án mạng gần nhất xảy ra hôm 11/06/2017 khi một ông chồng trói vợ trên đường rầy xe lửa cao tốc TGV.

Điều tra "vụ án giết người hàng loạt", Libération xem lại những trang báo cũ ở địa phương để báo động trung bình mỗi ba ngày có một vụ giết vợ. Trong số 220 nạn nhân chỉ có 20 người nước ngoài và chỉ có 15 thủ phạm nghiện rượu. Các biện pháp đề phòng có sẵn nhưng theo Libération, hồ sơ này không phải là mối quan tâm hàng đầu của tân chính phủ Pháp.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Xã luận

Nước Pháp bước vào một giai đoạn đầy ẩn số

 

Chế độ tổng thống tàn phá sinh hoạt chính trị ở những nước đã có dân chủ và ngăn cản sự thiết lập dân chủ ở những nước chưa có. Nó đã là nguyên nhân của hai thảm kịch thế giới mà hàng tỷ người trong nhiều thế hệ đã là nạn nhân : Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Người Pháp vừa bầu quốc hội vòng đầu, một tháng sau khi đã bầu một tổng thống mới. Cuộc bầu cử này là một hiện tượng hiếm có tại các nước dân chủ. Nó đã là một thắng lợi áp đảo cho tổng thống Emmanuel Macron, một người trẻ mới có 39 tuổi xuất hiện đột ngột trên chính trường Pháp từ một năm nay. Tuy vậy, trái với sự hân hoan của nhiều người, nó mở ra một giai đoạn đầy bất trắc.

phap1

Cuộc bầu cử này là một hiện tượng hiếm có tại các nước dân chủ. Nó đã là một thắng lợi áp đáp cho tổng thống Emmanuel Macron

Nhưng trước hết là một vài dòng về thể thức bầu quốc hội tại Pháp.

Cử tri Pháp bầu theo lối đơn danh hai vòng. Các dân biểu được bầu từng người một, trong 577 đơn vị bầu cử. Trong vòng đầu nếu tại một đơn vị có ứng cử viên nào được quá 50% số phiếu thì người đó đắc cử và cuộc bầu cử tại đơn vị đó đã xong. Nếu không phải tổ chức bầu cử vòng hai trong đó chỉ có hai người về đầu gặp nhau trong vòng chung kết, lần này người nào được nhiều phiếu hơn đắc cử. Trong một số đơn vị có thể có ba ứng cử viên ở vòng hai nếu người về hạng ba trong vòng đầu đạt số phiếu cao hơn 12,5% tổng số cử tri trong đơn vị - xin nhấn mạnh là 12,5% tổng số cử tri chứ không phải 12,5% số phiếu bầu.

Trong cuộc bầu cử ngày chủ nhật 11/06/2017 vừa qua chỉ có bốn người đắc cử ngay vòng đầu. Như vậy ngày 18/06 sắp tới sẽ có bầu vòng hai trong 573 đơn vị trong đó có một vài nơi có ba ứng cử viên.

Tinh thần của cách bầu cử này có thể tóm tắt như sau : ở vòng một cử tri chọn giữa các chính đảng hay các ứng cử viên, ở vòng hai họ chọn giữa các khuynh hướng, vì một lý do dễ hiểu là các cử tri đã bầu cho một người bị loại trong vòng đầu thường bầu cho người cùng khuynh hướng chính trị trong vòng sau. Chính thể thức bầu cử này đã khiến đảng cực hữu Front National họa hiếm lắm mới có được một vài người trong quốc hội dù vào được vòng hai ở khá nhiều nơi.

Trở lại với cuộc bầu cử quốc hội vòng đầu vừa qua. Đảng "Nước Cộng Hòa Đi Tới" (La République En Marche, hay LREM) của Emmanuel Macron và đồng minh Phong Trào Dân Chủ (MoDem) được 32,21% và về đầu trong đại đa số các đơn vị. Theo các dự đoán, ông Macron sẽ có hơn 400 ghế trong quốc hội, nghĩa là vượt rất xa đa số tuyệt đối 289 ghế, trừ khi cử tri đổi ý kiến và không muốn cho ông một đa số quá lớn. 

Đảng Cộng Hòa (Les Républicains), mới cách đây sáu tháng còn được coi là sẽ thắng lớn, được 21,56% và sẽ được khoảng 100 ghế. Đảng Xã Hội (Parti Socialiste), đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội, chỉ được 9% và sẽ có được khoảng 20 ghế. Đảng cực hữu Front National được 13,2% số phiếu nhưng sẽ chỉ được một vài ghế vì bị cô lập trong vòng hai. Đảng Nước Pháp Bất Khất (La France Insoumise) vừa mới thành lập từ vài năm nay do Jean-Luc Mélenchon, một nhân vật rất hùng biện, được 11% và sẽ được khoảng 20 ghế. Các đảng khác, trong đó có Đảng Cộng Sản Pháp, chỉ đạt những kết quả không đáng kể.

Dư luận và hầu hết các nhà bình luận Pháp chào mừng thắng lợi của Macron như một hy vọng lớn cho nước Pháp. Và họ lạc quan cho tương lai. Nhưng sự lạc quan này có thể là một sai lầm. Nhìn một cách khách quan tình hình chính trị của Pháp đang rất đáng lo ngai.

phap2

Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị

Trước hết là chính cái đa số áp đảo mà Macron có thể sẽ có sau cuộc bầu cử vòng hai, chủ nhật 18/06 sắp tới. Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị, chỉ mới gia nhập đảng từ vài tháng nay khi thấy Macron sắp thắng. Họ chỉ được bầu nhờ thương hiệu Macron. Trong đơn vị bầu cử của tôi một phụ nữ trẻ đẹp gốc Việt có triển vọng sẽ là dân biểu gốc Việt duy nhất trong quốc hội Pháp từ trước đến nay. Bà gần như chắc chắn sẽ đắc cử vì về nhất rất xa so với đối thủ trong vòng chung kết chủ nhật sắp tới. Bà này mới chỉ cách đây một tháng không ai biết tới và chính bà cũng nhìn nhận là chỉ mới quan tâm tới chính trị từ khi có hiện tượng Macron. Ở một đơn vị bầu cử khác mà tôi theo dõi trên tivi một cô gái nông dân 26 tuổi chưa biết gì về chính trị cũng về đầu. Đó là những chân dung điển hình của những dân biểu LREM tương lai. Họ nợ Macron tất cả và phải tuyệt đối phục tùng Macron bởi vì họ không có một tư cách nào để phản biện những quyết định của Macron. Họ sẽ chỉ là những nghị gật, những cỗ máy dơ tay. Dù vậy, nếu chiếm đa số 3/4, hay 2/3, họ cũng sẽ có quyền sử dụng 3/4  hay 2/3 thời giờ tranh cãi tại quốc hội. Các cuộc thảo luận tại quốc hội còn ý nghĩa gì ? Trên thực tế trong 5 năm tới Pháp sẽ là một nước độc tài. Quyền lập pháp sẽ gần như bị xóa bỏ. Trong mọi chế độ dân chủ đúng nghĩa lập pháp phải ở trên hành pháp, một bên qui định và một bên thi hành, nhưng trong 5 năm tới tại Pháp lập pháp sẽ chủ yếu vâng lời hành pháp. Macron sẽ có mọi quyền hành.

Không ai chối cãi tính hợp pháp của Macron, nhưng tính chính đáng dân chủ (légitimité démocratique, democratic legitimacy) của Macron không cao. Trong vòng đầu ông chỉ được 24% số phiếu, nghĩa là 18% số cử tri Pháp. Trong vòng hai ông được 66% nhưng đại đa số những người bầu cho ông là vì muốn chống ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Những người thực sự muốn Macron làm tổng thống chỉ là 18% cử tri Pháp. Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn tầm quan trọng của tính chính đáng dân chủ nếu nhìn vào cuộc bầu cử tại Anh tuần trước. Bà thủ tướng Theresa May đang có một đa số 17 ghế trên mức quá bán. Bà tổ chức bầu lại quốc hội để có một đa số lớn hơn. Bà hy vọng sẽ có được một sự chính đáng dân chủ lớn hơn, với từ 50 đến 80 ghế dân biểu trên mức quá bán để có thêm uy tín trong những quyết định quan trọng, như thương thuyết việc Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bà đã thất bại, thay vì được một đa số lớn hơn bà chỉ còn một đa số mỏng hơn. Mọi quan sát viên đều đồng ý rằng bà sẽ gặp khó khăn lớn. Thực tế chính trị của nước Pháp hiện nay là một tổng thống chỉ được 18% cử tri thực sự ủng hộ lại có toàn quyền quyết định tất cả. Nền dân chủ Pháp sẽ yếu đi.

Đáng lo ngại vì nền dân chủ Pháp vốn đã yếu rồi, như vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mới cách đây hơn một tháng, đã chứng tỏ. Bốn ứng cử viên về đầu chỉ cách nhau 4%. Chỉ cần một sai lệch 4%, nghĩa là rất nhỏ, người Pháp sẽ phải chọn trong vòng chung kết giữa Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, hai nhân vật cực hữu và cực tả, với hậu quả kinh khủng cho cả Pháp lẫn Châu Âu và thế giới.

Một lý do đáng lo ngại khác là sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng Pháp với chính trị. thể hiện qua tỷ lệ cử tri tham gia quá yếu : 48%, trong đó có 2% phiếu trắng. Khi nhiều người so sánh thắng lợi của đảng Macron trong vòng đầu cuộc bầu cử quốc hội này với một cơn sóng thần họ quên rằng ngọn sóng thần này thật ra không cao, 32% của 46% chỉ là 15% mà thôi. Thực tế là nước Pháp đang lâm bệnh.

Macron sẽ lãnh đạo nước Pháp như thế nào ?

Sự lạc quan của đa số các nhà bình luận, Pháp cũng như quốc tế, có thể thiếu cơ sở. Macron không có đồng đội. Những cộng sự viên thân cận nhất của ông - phần lớn là những người chưa có kinh nghiêm chính trị - cũng chỉ mới biết đến ông từ khoảng một năm nay, thậm chí vài tháng nay. Thủ tướng và hai bộ trưởng quan trọng -kinh tế và ngân sách - cách đây hai tháng còn là đối thủ. Họ không có quan hệ đồng đội và cũng chưa hiểu nhau. Không có gì bảo đảm là họ sẽ làm việc với nhau một cách hiệu quả.

Còn đảng LREM của ông thì đại đa số là những người mới bắt đầu tập sự làm chính trị và mới chỉ theo ông vài tháng nay khi ông có vẻ chắc thắng, thậm chí từ vài tuần nay sau khi ông đã đắc cử. Kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể hình thành qua tranh đấu cam go, không ai thành lập được một chính đảng đúng nghĩa một khi đã nắm được chính quyền, vì một lý do giản dị là lúc đó không thể phân biệt những người thực sự có thiện chí với những người cơ hội vụ lợi. Thường thường những kẻ cơ hội lại tỏ ra hăng say nhất. Tại Việt Nam trước đây Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Điệm và Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu đã tan biến ngay tức khắc sau khi thủ lãnh mất quyền lực, cũng như Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định của Ben Ali tại Tunisia hay Đảng Quốc Gia Dân Chủ của Hosni Mubarak tại Ai Câp dù trước đó có hàng trăm nghìn hay hàng triệu đảng viên. Chúng không phải là những chính đảng đúng nghĩa mà chỉ là những đám đông của những người đi theo một người cầm quyền.

Đảng LREM của Macron cũng không khác về bản chất. Các chính đảng đúng nghĩa phải được xây dựng qua một cố gắng bền bỉ trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Macron không có một tư tưởng chính trị nào cả mà chỉ có một chương trình chính trị khá mơ hồ ngoài một vài biện pháp hành chính và tài chính. Thắng lợi của Macron chủ yếu là ở chỗ ông là một khuôn mặt rất mới và kêu gọi điều mà phần lớn người Pháp cũng muốn là dẹp bỏ các chính đảng truyền thống đã cầm quyền từ lâu và đã thoái hóa. Trên điểm này Emmanuel Macron không khác Donald Trump. Cả hai được bầu trên lập trường chống hệ thống hiện hành, establishment. Họ là sản phẩm của sự chán nản và thất vọng chứ không phải của niềm tin và hy vọng. Đừng nên quên rằng dù có những phương tiện lớn và được sự ủng hộ của nhiều nhân vật rất uy tín, Macron chỉ hơn Mélenchon, một người chủ trương đập phá tất cả, có 4% trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống.

Điều nghiêm trọng nhất mà người Pháp hình như chưa ý thức được là sự suy sụp của các chính đảng lớn.

Đảng Xã Hội đang hấp hối. Nó đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội nhưng chưa chắc sẽ có đủ 15 dân biểu trong quốc hội sắp tới, với 9% số phiếu trong vòng đầu vừa qua. Điều này cũng có nghĩa là nó sắp phá sản về mặt tài chính bởi vì mất phiếu và mất ghế trong quốc hội cũng có nghĩa là mất tiền. Tại Pháp mỗi lá phiếu đem lại 1,4 Euro và mỗi ghế dân biểu 37.000 Euros mỗi năm tiền tài trợ từ ngân sách quốc gia. Đóng góp từ các đảng viên cũng sụp đổ vì phần lớn các đảng viên sẽ bỏ đảng. Số đảng viên năm 2012 là 173.000, hiện nay chỉ còn 112.000, sắp tới chưa chắc đã còn được 50.000. Đảng Xã Hội đang chuẩn bị khẩn cấp bán trụ sở và sa thải nhân viên điều hành.

Đảng Cộng Hòa không đến nỗi bi đát như vậy nhưng cũng cay đắng không kém. Mới cách đây vài tháng nó còn hầu như chắc chắn sẽ thắng lớn, nhưng rồi vì lãnh tụ Fillon bị tố giác là đã từng lạm dụng công quỹ  nên đã bị loại ngay vòng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống và chỉ hy vọng được khoảng 100 ghế dân biểu trong quốc hội sắp tới theo nhiều dự đoán. Không tan tành như Đảng Xã Hội nhưng cũng bại xụi.

Người Pháp, quần chúng cũng như các nhà bình luận và các cơ quan truyền thông, hình như chưa ý thức được sự nghiêm trọng của sự suy sụp của các chính đảng truyền thống. Có lẽ vì đây là một hiện tượng đã đến một cách chậm chạp và chắc chắn từ nhiều năm nay và không còn gây ngạc nhiên nữa. Và họ nhìn Macron như là giải đáp cho một tình trang bế tắc. Đây là sai lầm lớn. Đảng REM của Macron sẽ không hơn gì các đảng Cộng Hòa và Xã Hội, trái lại nó còn ô hợp hơn. Pháp sẽ không còn các chính đảng đúng nghĩa với những hậu quả rất tai hại. Các chính đảng là lò đào tạo nhân tài chính trị, đó cũng là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn. Không có các chính đảng lớn thì tư tưởng và kiến thức chính trị nếu có cũng chỉ lẩn quẩn trong một vài trường đại học hay một vài câu lạc bộ trí thức. Sẽ không có những chính trị gia tài giỏi, dân trí sẽ thấp và nền dân chủ, nếu có, cũng sẽ chỉ là một nền dân chủ bệnh hoạn.

Nhưng tại sao hai đảng truyền thống - Đảng Cộng Hòa và Đảng Xã Hội - lại suy thoái và mất uy tín đến thế?

Giải thích đầu tiên là các đảng này bị tham nhũng đục khoét. Cả hai cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vừa rồi đều bị chế ngự bởi những affaires, những tai tiếng về tiền bạc. Đa số các bạn Pháp của tôi khi nói về nhân sự chính trị đều có một kết luận chán ngấy : ils sont tous corrompus ! (bọn họ đều tham nhũng). Phải nói thẳng đây là một nhận định rất sai. Các chức sắc chính trị của Pháp có trên 100.000 người, nếu chỉ kể các chức vụ dân cử đương nhiệm trung ương và địa phương. Trong hai cuộc bầu cử vừa qua dù đã cố soi tìm bằng kính lúp người ta cũng chỉ thấy không tới mười vụ, nghĩa là một tỷ lệ không đáng kể, với tổng số tiền được coi là có ít hay nhiều lạm dụng khoảng một triệu Euros. Trong bất cứ một môi trường khác nào, dù là doanh nhân, nghệ nhân, văn hóa, giáo dục, thể thao tỷ lệ gian trá cũng cao gấp trăm lần. Môi trường chính trị là mội trường sạch sẽ nhất, hơn xa và hơn hẳn các môi trường khác.

Giải thích thứ hai là các chính đảng truyền thống đã lỗi thời vì không còn ý kiến mới và không thích nghi được với bối cảnh quốc gia và quốc tế mới. Hoàn toàn đúng. Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đều cố bám lấy những nhãn hiệu "hữu" và "tả" có từ thế kỷ 19 và đã trở thành quá nhàm chán. Nhưng tại sao ?

Các chính đảng này cũng không còn là các chính đảng thực sự. Trong cả hai đảng trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống vừa rồi các ứng cử viên đã đưa ra những chương trình ngược hẳn với nhau đến nỗi người ta phải tự hỏi tại sao họ vẫn còn ở trong cùng một đảng. Sự chia rẽ còn đạt tới mức độ gay gắt không tưởng tượng nổi khi trong nhiệm kỳ vừa qua 56 dân biểu thuộc Đảng Xã Hội đã vận động để quốc hội bãi nhiệm chính phủ của Đảng Xã Hội. Nhưng tại sao ?

Lý do thực sự cho sự suy thoái của các chính đảng là chế độ tổng thống.

Chế độ này đòi toàn dân bầu cho một người thay vì cho một chính đảng và sau đó dành cho người đó quá nhiều quyền trong một thời gian cố định. Các chính đảng vì không có quyền lực nên cũng không còn nhu cầu thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề nền tảng của đất nước. Thảo luận để làm gì khi mình không có quyền quyết định ? Mà đã không có thảo luận thì không thể có đồng thuận. Hậu quả tất nhiên là bản lĩnh chính trị, đoàn kết nội bộ và sức thu hút suy sụp dần. Sức mạnh ban đầu do hoàn cảnh lịch sử, nếu có, cũng mất dần. Tới một điểm nào đó, đảng sẽ quá suy yếu để có thể chọn lãnh tụ và phải tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống. Đó là giai đoạn cuối của tiến trình phân hóa, bởi vì các cuộc bầu cử sơ bộ là một sự vô lý cùng cực trong đó một đảng nhờ người ngoài chọn lãnh tụ cho mình. Trong hai cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội vừa qua trên 90% những người tham gia bầu cử và chọn lãnh tụ cho đảng không phải là đảng viên. (Chính xác là 96% trong trường hợp Đảng Cộng Hòa và 92% cho Đảng Xã Hội). Tại Mỹ những tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn.

Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã suy sụp nhanh chóng từ khi tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ. Đảng Cộng Hòa năm 2007 có 370.000 đảng viên, năm 2013 còn 315.000 đảng viên, năm 2017 chỉ còn 179.000. Đảng Xã Hội năm 2007 có 257.000 đảng viên,  2012 còn 173.000, năm 2017 chỉ còn 112.000 trong đó gần một nửa không đóng liễm. Người Pháp không tham gia các chính đảng nữa vì họ không thấy sự tham gia này có ích lợi gì khi hầu hết quyền lực tập trung trong tay một người không do đảng chỉ định và do đó không cần tôn trọng đảng. Tại Mỹ các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ còn là những hư cấu.

Sự suy sụp của các chính đảng đồng nghĩa với sự xuống cấp của ý thức chính trị và tinh thần dân tộc, bởi vì các chính đảng là phương tiện để động viên quần chúng đồng thời cũng là cỗ xe chuyên chở tư tưởng và kiến thức chính trị tới quần chúng. Sự xuống cấp này, cần nhắc lại một lần nữa, là hậu quả tất yếu của chế độ tổng thống.  Nó thể hiện qua sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng với sinh hoạt chính trị như người ta có thể nhận thấy tại Pháp từ khi chế độ tổng thống được thiết lập năm 1958. Năm 1958 số cử tri tham gia bầu cử quốc hội là trên 80%, năm 2007 còn 65%, năm 2012 còn 57%. Năm 2017 chỉ còn 48%. Tại Mỹ không ai ngạc nhiên khi tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở dưới mức 50%.

Chế độ tổng thống tàn phá sinh hoạt chính trị ở những nước đã có dân chủ và ngăn cản sự thiết lập dân chủ ở những nước chưa có. Nó đã là nguyên nhân của hai thảm kịch thế giới mà hàng tỷ người trong nhiều thế hệ đã là nạn nhân : Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Tất cả các quốc gia thuộc hai khối này sau khi giành được độc lập đều đã chọn chế độ tổng thống và đều chìm đắm trong nội chiến, bạo loạn và nghèo khổ, Châu Mỹ La Tinh từ hai thế kỷ, Châu Phi từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả đều vẫn chưa thoát ra được. Trong mọi nước khác các chế độ tổng thống đều đã chỉ đem lại bế tắc, trì trệ, độc tài và tham nhũng.

Hoa Kỳ được coi là trường hợp duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công nhờ lý tưởng công bằng bác ái của Thiên Chúa Giáo và ý chí rất mạnh lúc ban đầu của những con người ra đi tìm tự do và nhờ tổ chức tản quyền, nhưng với thời gian chế độ tổng thống cũng đã làm công việc tàn phá của nó. Chính trường dần dần trở thành kịch trường. Từ 25 năm qua, Hoa Kỳ đã chỉ có những tổng thống rất kém hoặc về khả năng hoặc về đạo đức, với cao điểm là Donald Trump. Trong một chế độ dân chủ đại nghị những người như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, chưa nói Donald Trump, không có hy vọng nào để trở thành thủ tướng.

Phải kết luận dứt khoát : dù không độc hại như các chế độ cộng sản, nhưng chế độ tổng thống cũng là một tai họa cho các dân tộc.  

Một lời sau cùng cho Việt Nam.

Một người bạn thân, giáo sư đại học, gần đây bảo tôi : "Mày bỏ hơi nhiều thời giờ để biện luận về các chế độ đại nghị và tổng thống, nhưng vấn đề hiện nay chỉ là làm sao thoát khỏi chế độ cộng sản". Tôi dành câu trả lời cho bài này.

Nếu trước năm 1945 chúng ta biết đặt câu hỏi thoát khỏi ách ngoại thuộc để xây dựng đất nước như thế nào và theo chế độ nào thì chắc chắn chúng ta đã không như ngày nay. Những vấn đề trọng đại nếu chỉ trả lời khi bị bắt buộc phải trả lời thì người ta sẽ trả lời sai. Và trả giá đắt.

Nguyễn Gia Kiểng

(16/06/2017)

Published in Quan điểm

Khả năng có đa số áp đảo tại Quốc hội Pháp : Macron sẽ "bá quyền" ?

Dư chấn kết quả vòng một bầu cử Quốc hội vẫn còn lan mạnh. Hiện đang dẫn đầu tại 451 đơn vị bầu cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp Emmanuel Macron có khả năng lớn chiếm đa số áp đảo ở Quốc hội. "Liệu có nên lo sợ ‘sự bá quyền’ của ông Macron hay không ?" đang là câu hỏi được báo chí Pháp ngày 13/06/2017 đề cập đến nhiều nhất.

daso1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước điện Elysée ngày 12/06/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Trên trang nhất, Le Monde ghi nhận : "Macron không đối lập, một tỷ lệ vắng mặt kỷ lục". Với 32,3% phiếu bầu, các ứng viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM-La République En Marche) rõ ràng đã thắng lớn trong vòng một bầu cử Quốc hội ngày Chủ Nhật 11/6. Theo dự phóng của các viện thăm dò, LREM sẽ có được một đa số áp đảo với từ 400-450 dân biểu.

Chiếc bẫy của đa số áp đảo

Nhiều chính đảng khác khai thác hiện tượng này làm chủ đề vận động tranh cử vòng hai và nhấn mạnh đến nguy cơ "bá quyền" của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc hội. Báo Le Monde có bài xã luận "Macron và những thách thức bá quyền".

Trước vòng một cuộc bầu cử Quốc hội, những người ủng hộ Emmanuel Macron đồng thanh kêu gọi hãy để cho tân tổng thống có cơ may, hàm ý có được đa số tại Quốc hội để thực hiện các cam kết đưa ra lúc tranh cử. Lời kêu gọi này đã được lắng nghe. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã được toại nguyện, vượt quá cả mong đợi và đang trở thành chính đảng lớn nhất tại Pháp, ít ra là ở Quốc hội.

Bởi vì, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa chỉ còn khoảng một nửa số ghế so với nhiệm kỳ trước, Đảng Xã Hội cánh tả đang hấp hối, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất có số cử tri ủng hộ giảm mạnh so với cuộc bầu cử tổng thống cách nay hơn một tháng.

Tuy nhiên, báo Le Monde lưu ý, không nên nhầm lẫn giữa thành công nhanh chóng (đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới được thành lập cách nay 16 tháng) và đà tiến bước năng động với sự ủng hộ của toàn dân. Lần đầu tiên trong Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu lên tới mức kỷ lục, 51,29%. Do vậy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước, tuy về đầu, nhưng chỉ đạt có 15,39% tính theo tổng số cử tri đăng ký.

Nếu như Emmanuel Macron đã thành công với một loạt các hoạt động mang tính biểu tượng cao, vốn thiếu vắng trong các nhiệm kỳ tổng thống trước, thì cuộc bầu cử Quốc hội lần này có nguy cơ đào sâu thêm sự thiếu hụt trong hệ thống chính trị Pháp : đó là tính đại diện.

Báo Le Monde thừa nhận là việc các chính đảng lớn truyền thống khác đã tỏ ra không hảo tâm, thiếu trung thực, khi nêu ra nguy cơ bá quyền của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc hội vì trong quá khứ, các đảng này cũng đã từng có đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là đảng của tổng thống Macron chỉ có số phiếu thuận khá thấp, hơn 15% một chút, nhưng lại có rất nhiều đại diện ở Quốc hội.

Trong bối cảnh đó, Le Monde nêu ra một loạt thách thức đối với đảng Cộng Hòa Tiến Bước : Làm thế nào để tôn trọng được các tranh luận thực sự tại Quốc hội khi mà với đa số áp đảo, đảng của tổng thống có nguy cơ không lắng nghe các tiếng nói đối lập ?

Liệu đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể áp đặt được một sự thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị Pháp, cụ thể là thay đổi các tập quán vốn có từ lâu đời, chứ không phải chỉ thay đổi con người ? Việc "quản lý" một đa số tại Quốc hội rất đa dạng, đến từ những môi trường, ngành nghề khác nhau, sẽ ra sao ?

Làm thế nào mà các dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, mà đa số là "tân binh" trong hoạt động chính trị và rất phụ thuộc tổng thống Macron, lại có thể thực hiện được chức năng "kiểm soát" hành pháp, tức chính phủ của tổng thống ? Làm thế nào để những tiếng nói đối lập được thể hiện tại Quốc hội chứ không phải ở nơi khác, tức là qua các cuộc biểu tình tuần hành ?…

Le Monde kết luận, chưa phải là quá muộn để các cử tri đặt những câu hỏi đó cho các ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, trước vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội, được tổ chức vào ngày 18/06 tới đây.

Siêu đa số : Một rủi ro lớn

Cùng về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài "Bầu cử Quốc hội : Macron trước những cạm bẫy của một thắng lợi áp đảo", bày tỏ sự lo lắng trước việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước có đa số áp đảo, làm át đi mọi tiếng nói đối lập.

Tờ báo cho rằng, do số ghế của các đảng đối lập khác quá ít, việc cải cách hệ thống bầu cử, áp dụng phương thức bầu dân biểu theo tỷ lệ phiếu, trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Ông Macron đã hứa xem xét khả năng này khi vận động tranh cử tổng thống, nhưng không nêu ra lịch trình cụ thể.

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix chạy trên trang nhất lời cảnh báo : "Những rủi ro của một siêu đa số" tại Quốc hội. Xã luận của tờ báo nói đến "Nghịch lý của một thắng lợi" : sự thống trị của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc hội càng trở nên áp đảo trong bối cảnh phe đối lập bị phân chia thành những cực nhỏ không thể đồng thuận được với nhau.

Do vậy, tổng thống Macron cũng như chính phủ của ông cần phải rất thông minh để lãnh đạo đất nước trong tình hình này. Nhất thiết phải chú ý tới sự thờ ơ của người dân (được thể hiện qua tỷ lệ không đi bầu rất cao), sự thất vọng, bất mãn, cũng như sự cay đắng của những cử tri không đi bầu. Tân chính quyền có thể rộng tay hành động nhưng không vững chắc. Do vậy, tuyệt đối tránh tư tưởng đắc thắng.

Đảng Xã Hội "chết lâm sàng" : Lỗi tại ai ?

Một hệ quả khác cũng không kém phần quan trọng trước làn sóng Tiến Bước, mà báo chí Pháp từ hai ngày qua không ngần ngại ví đấy như là một "trận sóng thần" : sự tan nát của các đảng chính trị truyền thống. Chưa có một cuộc bầu cử nào gây ra nhiều nạn nhân chính trị như lần này.

Trên trang nhất, Le Figaro chạy tít lớn : "Sau làn sóng Tiến Bước !, tả, hữu và cực hữu Mặt Trận Quốc Gia dưới cú sốc". Nhật báo thiên hữu dành đến 11 trang để đánh giá tác động kết quả vòng một vừa qua. Từ việc "Tiến Bước ! đối mặt với chiến thắng của mình" ra sao, cho đến "Sự chia rẽ trong cánh hữu", "Cánh tả chìm trong khủng hoảng" như thế nào và "thanh toán nội bộ trong đảng Mặt Trận Quốc Gia".

Đặc biệt, nhật báo thiên hữu này lại quan tâm cho số phận của Đảng Xã Hội (Parti Socialiste -PS). Trận sóng thần ngày 11/6 như đẩy đảng chính trị cánh tả này vào trạng thái "chết lâm sàng" sau đúng 46 năm tồn tại. Đến mức, tờ báo cảm thấy "bầu không khí tang tóc bao trùm lên phố Solferino thật là ấn tượng" (10 đường Solferino là trụ sở Đảng Xã Hội ở quận 7, Paris)

Ấn tượng là vì trong vòng 5 năm nhiệm kỳ tổng thống François Hollande thuộc Đảng Xã Hội, đảng chính trị lớn này đã lao xuống địa ngục với một tốc độ đến chóng mặt. Trong giai đoạn 2012-2017, PS lần lượt thua trên các mặt trận bầu cử : Từ địa phương, cho đến cấp tỉnh rồi qua cả vùng.

Ấn tượng là vì sự lao dốc đó đã được báo trước nhưng chẳng ai làm gì để tránh cả. Lỗi tại ai ? Đầu tiên là tổng thống mãn nhiệm François Hollande, vì đã không có đủ can đảm cũng như sức tưởng tượng để thực hiện các cải cách.

Lỗi tại một số các dân biểu trong đa số mãn nhiệm, mà tờ báo không ngần ngại nêu đích danh ông Benoit Hamon, ứng viên xấu số của PS trong bầu cử tổng thống. Những người này đã cản trở chính các bộ trưởng của phe mình, vốn dĩ muốn thực hiện những thay đổi trong kinh tế - xã hội.

Do đó, việc những người này hay người khác lần lượt bị đánh bại trong ngày 11/6 cũng là lẽ đương nhiên. Cuối cùng Le Figaro kết luận đây cũng là lời cảnh báo cho đa số sắp tới, rằng nếu không biết tránh những bất đồng, thì cái giá phải trả sẽ là rất đắt.

Cánh tả trên đà tuyệt chủng ?

Libération dành đến 10 trang báo để phân tích những tác động của đợt sóng thần "Tiến Bước" lên các đảng truyền thống. Tuy nhiên điều làm cho tờ báo thiên tả này lo lắng nhất là sự tan rã của cánh tả Pháp. Không chút ảo tưởng, cộng với chút vị cay đắng, trên nền ảnh sa mạc mênh mông, không bóng người chỉ là toàn cát, Libération chua chát chạy tựa : "Cánh tả : Chẳng còn gì hết".

Nếu theo dự phóng của các viện thăm dò, sau vòng hai bầu cử, cánh tả Pháp, bao gồm Đảng Xã hội, Nước Pháp Bất Khuất, Đảng Cộng Sản, đảng Môi Sinh… chỉ có chưa tới 50 ghế dân biểu tại Quốc hội. Trong khi đó, trong nhiệm kỳ 2012-2017 chỉ riêng Đảng Xã Hội của tổng thống mãn nhiệm Hollande đã chiếm đến hơn 300 ghế.

Cánh tả đã chết ? Libération đặt câu hỏi. Ngày 11/6 vừa qua đã cho thấy toàn quanh cảnh một cánh tả vỡ vụn, bị nghiền nát, bị thu nhỏ đến mức tờ báo gọi phe này là cánh tả "nano" và đang trên đà tuyệt chủng, tờ báo chua chát mỉa mai trong bài xã luận.

Tuy nhiên trong tình cảnh bi đát đó, nhật báo thiên tả này vẫn còn thấy chút tia hy vọng cho cánh tả. Chủ trương tự do toàn cầu hóa trong quá trình thực hiện sẽ luôn làm dấy lên một sự đối lập cơ bản. Chính trong sự gian khó này sẽ làm nảy sinh những tia hy vọng muốn xây dựng một xã hội "ít bất bình đẳng hơn, công bằng hơn".

Để có được điều này, Libération cho rằng "cánh tả phải có một dự án dài hạn, một chương trình hành động thực tế và thỏa hiệp. Một cánh tả đoàn kết vượt lên trên những tranh cãi nhất thời. Một cánh tả không quên đi lịch sử lâu dài của mình, cũng như những tuyên cáo của chủ nghĩa xã hội về tự do, để làm chủ hiện tại và vạch ra tương lai của chính mình".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách Châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề "Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở Châu Á ? (De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ?)".

macron1

Bộ ba định hình chính sách Châu Á của Pháp : Tổng thống Emmanuel Macron (trái), ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (giữa) và thủ tướng Edouard Philippe (phải). Ảnh chụp ngày 23/05/2017 tai Paris (Pháp). REUTERS/Etienne Laurent/Pool

Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến Châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với Châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.

Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc

Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về Châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại Châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.

Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).

Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách Châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.

Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, "PJO" người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở Châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.

Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước Châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.

Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012

Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng Châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc ; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.

Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được Châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng Quốc Phòng rất quan tâm đến Châu Á.

Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông

Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở Châu Á), ông đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải Quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng Quốc Phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.

Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước Châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông - một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : "Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển".

Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand - cường quốc hàng hải khu vực khác - thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.

Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác Châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.

Emmanuel Macron : Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc

Vấn đề lớn khác liên quan đến Châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.

Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ - nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào Châu Âu về mặt kinh tế.

Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước Châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.

Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết Châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.

Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.

Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.

Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 25/05/2017

Published in Quốc tế

Macron : Người làm "nổ tung" hệ thống chính trị Pháp

Các vận động chính trị mới sau chiến thắng của Macron là trọng tâm của các tuần báo Pháp. Trở thành tổng thống, cựu lãnh đạo Tiến Bước ! chuẩn bị cho cuộc chiến quyết định tại bầu cử Quốc Hội, vòng một sẽ diễn ra trong ba tuần tới.

macron1

Thủ tướng E. Philippe (T), một nhân vật được tổng thống Macron (P) lựa chọn để chuẩn bị một "Big Bang" chính trị. Ảnh chụp ngày 01/02/2016 tại Saint-Nazaire, khi bộ trưởng Kinh Tế Macron gặp thị trưởng Le Havre trong một lễ khánh thành du thuyền Meraviglia - LOIC VENANCE / AFP

Trang bìa L'Obs chạy tựa "Ông ấy mạo hiểm mọi thứ", với hình tân tổng thống hoạt bát, hồ sơ trong tay, bước chân khẩn trương. "Macron, người phá đổ tất cả" : tựa chính của L’Express. "Thế hệ Macron" : tựa của Le Point. Bài "Cuộc chơi mạo hiểm" trên L’Obs tìm cách giải mã hiện tượng "Big Bang chính trị", tức niềm hy vọng đặt vào một "vụ nổ lớn" khiến toàn bộ vũ trụ chính trị truyền thống bung ra, để từ đó một thế giới mới bắt đầu.

"Macron, người đặt mìn phá vỡ hệ thống chính trị hiện hành không phải là một đệ tử của nền Cộng Hòa thứ tư (1946-1958), với các cuộc thương thuyết hành lang, các liên minh hay chính phủ ra đời hay tan vỡ, tùy theo tâm trạng của thủ lĩnh các đảng phái". L’Obs nhấn mạnh đến quyết tâm tập hợp hết thảy mọi người, từ tả qua hữu, của tân tổng thống để có được "một đa số tuyệt đối" ngay từ đầu. Quyết tâm được so sánh với tham vọng của tướng De Gaulle, vào giai đoạn khởi đầu khó khăn của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp những năm 1950.

Để có được "một đa số" trung thành với tân tổng thống rộng rãi nhất cần phải "đánh nhanh và mạnh". Có nghĩa là tìm ra được một cơ chế kích phát những thay đổi mạnh mẽ và mang tính dây chuyền. Tân tổng thống Macron đã gạt sang một bên các ứng cử viên cánh trung, trước hết là lãnh đạo cánh trung kỳ cựu François Bayrou, đồng minh trụ cột từ nhiều tháng nay, để đưa một chính trị gia cánh hữu, không nổi tiếng trên bình diện quốc gia, vào chức vụ thủ tướng.

Cú "Big Bang chính trị" dự kiến không phải ở cánh trung, mà nằm phía đảng Những Người Cộng Hòa (LR), một đảng lớn của cánh hữu, do vậy người được chọn làm thủ tướng là ông Edouard Philippe, một chính trị gia trẻ tuổi thuộc phe thiểu số trong đảng LR. Phe này do thị trưởng Bordeaux Alain Juppé - ứng cử viên thất cử trong vòng bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng LR - lãnh đạo.

Theo L’Obs, sau thất bại của ứng cử viên tổng thống François Fillon, đảng LR đã phân thành hai phe "không thể hòa giải", một phe hữu "cứng rắn" hy vọng trở thành đối lập chính trị và một phe hữu của Alain Juppé, sẵn sàng liên minh với đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche !) của tổng thống, nếu đảng này không giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 6.

Sau việc đảng Xã Hội tan hàng, cánh hữu là nơi đang được chờ đợi sẽ có những đảo lộn. L’Obs đặt câu hỏi : "cú Big Bang chính trị" mà tổng thống Macron hy vọng phải chăng đi liền với sự trở lại của Alain Juppé, chính trị gia từng được người Pháp đặt nhiều kỳ vọng ?

Tân thủ tướng : Ẩn số của Big Bang

Bổ nhiệm chính trị gia cánh hữu Edouard Philippe làm thủ tướng là quyết định gây bất ngờ nhất của tổng thống Macron xuất thân cánh tả, trong tuần lễ cầm quyền đầu tiên. Trang bìa của Le Point, dưới hàng tựa "Thế hệ Macron" là hình ảnh tân thủ tướng.

Le Point có cuộc phỏng vấn thị trưởng Le Havre, đúng ba ngày trước khi quyết định bổ nhiệm được công bố chính thức. Bổ nhiệm làm thủ tướng một chính trị gia cánh hữu, chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo chính phủ ở cấp bộ trở lên, gây ngạc nhiên với chính đương sự. Giữa hai vòng bầu cử tổng thống, thị trưởng Le Havre cũng mới chỉ tỏ ý ủng hộ tổng thống tương lai, sẵn sàng chung tay với Macron.

Tuy nhiên, đằng sau sự khác biệt của màu cờ sắc áo, của phe phái chính trị, Le Point ghi nhận những tương đồng lớn giữa hai nhà lãnh đạo. Năm 2015, thị trưởng Le Havre từng tuyên bố ông chia sẻ đến 90% tư tưởng của Macron. Edouard Philippe thuộc về nhóm những người tin tưởng là "đoàn kết toàn dân" làm nên sức mạnh, chứ không phải là quan điểm bè phái, và văn hóa và giáo dục là chìa khóa giúp cho nước Pháp trỗi dậy.

Cũng Le Point có bài giới thiệu về các hoạt động chính trị của thủ tướng tương lai tại thành phố Le Havre, vốn là một trong những căn cứ địa của cánh tả. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014, ông đã giành được đa số tuyệt đối ngay trong vòng một. Đây ắt hẳn là một thành tích khiến chính trị gia này lọt vào mắt xanh của tổng thống Macron.

Bên cạnh sở thích quyền anh của tân thủ tướng có vóc người khá mảnh khảnh, được Le Point giới thiệu, L’Obs giới thiệu kỹ hơn về nghiệp viết văn của Edouard Philippe, một nghề tay trái. Ông là đồng tác giả của hai tiểu thuyết chính trị, "Giờ của sự thật" (2007) và "Dưới bóng" (2011).

Macron : "không tả, không hữu", nhưng cũng "vừa tả, vừa hữu"

Đời sống chính trị Pháp đang thay đổi mạnh, rất khó lường đoán. Một chính trị gia gần như không tên tuổi trở thành tổng thống, với một phong trào chính trị chỉ ra đời trước đó một năm, hiện đang nỗ lực để có được một đa số trong Quốc Hội.

L’Obs tìm cách lý giải chủ thuyết chính trị của Macron, chính trị gia được mệnh danh là "không tả, không hữu" qua nhận định của nhà chính trị học Roland Cayrol (tác giả cuốn "Các lý do của sự phẫn nộ" ra mắt hồi tháng 3/2017).

Theo Roland Cayrol, nước Pháp đã từng sáng chế ra khái niệm "cánh tả" và "cánh hữu" hồi Cách mạng 1789, để rồi khái niệm này được phổ biến ra toàn thế giới (về quan điểm chính trị, cứ 10 người, thì có đến 9 có thể được xếp vào một thang bậc từ tả đến hữu). Tuy nhiên, chính tại nước Pháp hiện nay, người dân ngày càng chán ngán sự đối lập triệt để tả hữu và chán ghét kể cả giới chính trị nói chung.

Theo nhà chính trị học, "sức mạnh lớn" của Macron là đã hiểu được tình cảm đó của người dân Pháp. Ông chủ trương "không tả, không hữu", tức vượt qua tả, vượt qua hữu, nhưng đồng thời lại "vừa tả, vừa hữu, vừa trung, bởi đông đảo người Pháp mong muốn tả, hữu phối hợp với nhau" để giải quyết các vấn đề của đời sống.

Theo tác giả, về cuộc bầu cử sắp tới, dù có dành được đa số tuyệt đối, nhưng nếu trong bối cảnh phe đa số có nhiều dòng phái, tổng thống Macron sẽ không có cách nào khác là đi theo con đường xây dựng các thỏa hiệp, như đa số các nền dân chủ nghị viện Châu Âu. Và điều này cũng chính là trở lại với các nền tảng của Hiến Pháp 1958 (của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa). Đó là một chế độ bán tổng thống, bán nghị viện được tổ chức hợp lý, một "Đệ Ngũ Cộng Hòa bis".

Ba mô hình Châu Âu : Điểm gần, điểm xa

Vẫn trong số báo này, L’Obs có bài tổng hợp rất đáng chú ý, để hiểu về hiện tượng Macro. Theo tuần báo Pháp, Emmanuel Macron không phải "từ trên trời rơi xuống". Có rất nhiều kinh nghiệm chính trị của các nước Châu Âu đã gây cảm hứng cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi. L’Obs dẫn ra ba ví dụ.

Thứ nhất là mô hình "tìm kiếm các thỏa hiệp một cách bền bỉ" của các nước Bắc Âu, thứ hai là mô hình của các liên minh chính trị lớn của Đức.

Theo một chuyên gia của trường EHESS (École des hautes études en sciences sociales-Trường Cao đẳng khoa học xã hội), Yohann Aucante, nếu như tổng thống Pháp có thể học hỏi nhiều từ mô hình Bắc Âu, điểm khác biệt là vấn đề phương pháp. Thụy Điển đã phải mất 10 năm để cải cách chế độ hưu trí, và đối thoại với nghiệp đoàn được tiến hành bất chấp các thay đổi chính trị. Trong khi đó, tổng thống Pháp chủ trương cải cách mau chóng, thông qua các sắc lệnh.

Cũng tương tự, mô hình thương thuyết lâu dài giữa các đảng phái Đức, để tạo lập các liên minh, đặc biệt thông qua các cuộc bầu cử địa phương, cũng rất khó áp dụng tại Pháp. Tuy nhiên, theo L’Obs, kết quả bầu cử Quốc Hội rất có thể sẽ buộc tổng thống Macron phải đi theo hướng này.

Bên cạnh hai mô hình thành công, L’Obs dẫn ra một mô hình thứ ba, mang tính phản biện, của thủ tướng Ý Matteo Renzi, một nhà cải cách trẻ tuổi. Thực dụng, táo bạo và quá tự tin, ông Matteo Renzi cũng 39 tuổi khi nhậm chức thủ tướng, rốt cục đã bị 60% cử tri Ý quay lưng, sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến Pháp.

Nhược điểm của cựu thủ tướng Ý là đã "áp đặt các cải cách không thông qua con đường hòa giải, không tính đến sự phẫn nộ của cánh tả trong đảng và của các nghiệp đoàn".

L’Obs cũng lưu ý đến một nguy cơ mới đối với các nền dân chủ Châu Âu, mà nước Pháp cũng đang phải đối mặt, đó là khi các đối lập tả-hữu truyền thống tan vỡ, các đảng phái chống hệ thống, đặc biệt là cực hữu nổi lên như thế lực đối lập chính trị duy nhất. Phong trào dân túy Năm Sao tại Ý, đang đứng đầu theo các thăm dò dư luận, là một cảnh báo.

Thiếu đồng minh : Thế khó của tổng thống Hàn

Nhìn sang Châu Á, nhật báo nổi tiếng Hàn Quốc Hankyoreh, tờ báo đối lập thực sự duy nhất tại Hàn Quốc dưới thời độc tài và suốt giai đoạn chuyển tiếp sang dân chủ sau này, có bài phân tích về tình thế muôn vàn khó khăn của tân tổng thống Moon Jae-in, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu.

Vừa đối phó với chính sách khó lường của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trở nên rất căng thẳng sau khi lá chắn tên lửa THAAD được triển khai. Vừa tìm cách hòa dịu với Nhật Bản, vốn nhiều mặc cảm lịch sử, vừa phải sẵn sàng chủ động xích lại gần chế độ toàn trị Bắc Triều Tiên.

Tân tổng thống Hàn Quốc tìm đâu ra hậu thuẫn để thành công trong chủ trương tạo lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên ?

Bên cạnh việc khôn khéo tìm ra giải pháp "không làm mất mặt Trung Quốc" trong vấn đề THAAD, đồng thời được Hoa Kỳ chấp thuận, và tái thương lượng lại thỏa thuận về hồ sơ "gái giải sầu" với Nhật Bản (tức phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục thời Thế Chiến Hai), vốn bị nhiều chỉ trích trong nước, khó khăn hàng đầu với tân chính phủ là sự chống đối của phe hữu bảo thủ trong nước.

Chủ tịch hiệp hội phi chính phủ Hàn Quốc Peace Korea, ông Chong Uk-shik, đề nghị chính phủ thi hành chính sách "hợp tác, vượt qua các phe phái chính trị".

Iran : Nổi loạn tình dục chống xã hội cấm kỵ

Iran bầu cử tổng thống. Trong cuộc bầu cử bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ chính trị Hồi giáo, nhiều hy vọng được đặt vào tổng thống mãn nhiệm Rohani, có tư tưởng mở cửa. Mục "360 độ" của Le Courrier International tuần này, trong phóng sự mang tựa đề "Bởi tất cả đều bị cấm, nhưng cũng chính vì thế mà tất cả đều có thể" (trích từ báo Bỉ De Morgen), chú ý đến xu thế giải phóng tình dục đang sôi sục tại quốc gia Hồi giáo này. Cuộc cách mạng xã hội và văn hóa diễn ra tại đất nước này, rất ít được thế giới Hồi giáo biết đến.

Le Courrier International giới thiệu nghiên cứu được thực hiện trong 7 năm liền, của một nhà nhân học người Mỹ gốc Iran, bà Pardis Mahdi. Nữ khoa học gia nhấn mạnh đến một cuộc nổi loạn tình dục tại một quốc gia mà mọi hình thức phản kháng chính trị đều dễ dàng bị đàn áp. Hai cảnh gây ấn tượng mạnh đối với nhà nhân học.

Thứ nhất là cảnh làm tình tập thể tại một bể bơi không có nước, nơi tất cả những người tham gia đều trong trang phục của Adam và Eva. Cảnh tượng thứ hai là một cuộc làm tình tập thể khác tại nhà riêng của một lãnh đạo tôn giáo cao cấp, trong thời gian nhân vật này đi xa. Người tổ chức là con gái của đương sự.

Theo nhà nhân học, tại Iran, phụ nữ là người chủ động nhiều hơn trong cuộc nổi loạn tình dục hiện nay, bởi chính họ là những người phải trả giá đắt nhất do các bộ luật hà khắc của chế độ chính trị Hồi giáo.

Chính quyền không nương tha những kẻ nổi loạn. Hồi đầu năm nay, tư pháp nước này tổ chức một đợt trấn áp toàn quốc chống lại những cuộc vui bí mật. Bản thân nữ khoa học gia gốc Iran đã phải bỏ trốn, vì sợ bị trả thù, do các nghiên cứu của bà.

Bài phóng sự lưu ý đến tình trạng giới trẻ Iran còn rất ít hiểu biết về vệ sinh tình dục. Gần một phần ba không sử dụng bao cao su, dù có nhiều bạn tình, trong khi nhiều người tin tưởng ngây thơ là những người bề ngoài khỏe mạnh chắc chắn không nhiễm virus HIV/AIDS.

Tuy nhiên, theo Le Courrier International, nhìn chung điều quan trọng là bất chấp uy quyền của lãnh đạo tối cao Khamenei, giới trẻ thủ đô Tehran, qua lối sống, sự năng động của mình, "đang đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống", "sáng tạo nên một đất nước Iran mới mẻ, hiện đại, cởi mở, và tự do".

Trong Thành

Published in Quốc tế

Không để lãng phí thời gian, tân tổng thống Pháp bắt tay ngay vào công việc chỉ một ngày sau khi nhậm chức : chỉ định thủ tướng để tìm đa số ở Quốc hội và bay sang Berlin, hội kiến thủ tướng Đức Merkel để bàn về tương lai Châu Âu.

macron1

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh ở Khải Hoàn Môn - Arc de Triomphe, Paris, ngày 14/05/2017. REUTERS/Alain Jocard/Pool

Về mặt đối nội, trận đấu kế tiếp chờ đợi tân chủ nhân điện Elysée là bầu cử Quốc hội với đa số rộng rãi để có thể thi hành những biện pháp cải tổ sâu rộng cho đất nước. Báo giới thường nói, bầu cử tổng thống Pháp là một cuộc tuyển chọn qua bốn vòng, tổng thống tân cử còn phải chuẩn bị cho trận chiến ở Quốc hội. Như tất cả những người tiền nhiệm, để giành được thắng lợi đó, Emmanuel Macron phải tìm được một vị "tướng tài".

Trên phương diện ngoại giao, xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh là ưu tiên của tân lãnh đạo Pháp. Để đạt được mục tiêu đó, Paris cần thuyết phục nước Đức của thủ tướng Merkel. Sau Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và tổng thống François Hollande, chiều nay thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Lập trường thân Châu Âu của tân lãnh đạo Pháp đã trấn an được Berlin.

Chỉ một ngày sau khi bước chân vào điện Elysée, tổng thống Macron dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Đức, để cùng thủ tướng Merkel mở ra một trang sử mới trong quan hệ Paris-Berlin, đem lại một làn gió mới cho Liên Hiệp Châu Âu. Emmanuel Macron lên cầm quyền trong bối cảnh cách nay chưa đầy một năm, người dân Anh bỏ phiếu đưa nước này ra khỏi Châu Âu-Brexit. Các phong trào bài Châu Âu tại nhiều nước thành viên, từ Hà Lan đến Áo và nhất là ở Pháp liên tục dâng cao. Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh đến vấn đề nhập cư.

Theo như phân tích của nhà chính trị học Olivier Ihl, chuyến công du Đức chiều nay không chỉ là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ Paris-Berlin mà còn mang tính định đoạt cho một Liên Hiệp Châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã.

Trục Paris-Berlin luôn được coi là động cơ của con tàu Châu Âu. Nhưng nói như thế không có nghĩa là đôi bên lúc nào cũng đồng thuận với nhau. Chưa gì mà báo chí Berlin đã sợ rằng, chính sách Châu Âu của tân tổng thống Macron sẽ gây tốn kém cho người Đức, cho nước Đức.

Cố vấn đặc biệt của viện nghiên cứu chiến lược Pháp, FRS, François Heisbourg còn đi xa hơn khi cho rằng, Đức và Châu Âu sẽ là "tâm điểm trong chính sách đối ngoại" của tổng thống Macron và tất cả nỗ lực của tân tổng thống Pháp sẽ xoay quanh Châu Âu.

Có điều theo phân tích của chuyên gia này quan hệ quốc tế thường đầy rẫy những bất ngờ. Những cuộc xung đột vũ trang trên thế giới chẳng mấy khi được báo trước. Khi lên cầm quyền, tổng thống François Hollande từng cam kết rút quân khỏi Afghanistan, để rồi khi rời khỏi điện Elysée ngày 14/05/2017, sau 5 năm cầm quyền, ông Hollande là vị tổng thống Pháp đã khởi động ba chiến dịch quân sự ở Mali, Trung Phi và Iraq-Syria. Ba mặt trận mới trong vỏn vẹn 5 năm cầm quyền, một kỷ lục trong lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Emmanuel Macron muốn Châu Âu là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng theo quan điểm của một nhà ngoại giao được AFP trích dẫn, về mặt đối ngoại, tổng thống, sẽ gặp nhiều bất ngờ. Trước mắt, tình hình Algéri, thuộc địa cũ của Pháp có thể là một thách thức lớn. Sức khỏe của tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã suy sụp nhiều năm qua, mở đường cho rất nhiều các cuộc đấu đá ở hậu trường, với những hệ lụy khó lường. Theo quan chức này, Algeria mới là "hồ sơ gai góc nhất".

Bên cạnh đó từ xung đột Syria đến khủng hoảng Ukraine, từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đến cuộc chiến chống khủng bố… tất cả những chủ đề đó đòi hỏi nhiều thời gian và nghị lực của tân lãnh đạo Pháp.

Chắc chắn là một loạt các thượng đỉnh quốc tế vào cuối tháng này, từ thượng đỉnh NATO ở Bruxelles đến G7 ở Ý sẽ là những đợt thử lửa với ông Emmanuel Macron : tổng thống Pháp lần đầu làm việc với tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Đến thượng đỉnh G20 vào tháng 7 tới đây, áp lực càng lớn khi tổng thống Pháp phải tìm ra một ngôn ngữ chung để nói chuyện với các nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình và Nga Vladimir Putin.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Thật vui mng, tht hng khi được sng gia th đô Paris khi chế đ chính tr ca nước Pháp, tng đi đu thế gii trong cuc Cách Mng Dân Ch hơn 200 năm trước, nay li quyết đnh t tr hóa mình qua mt cuc thay hn giòng máu mi.

phap1

Lễ duyt binh ngày nhm chc ca tân tng thng Emmanuel Macron, trên đi l Champs Elysees. (AP Photo/Michel Euler)

Cách đây 2 năm, trong nền chính tr Pháp không ai biết Emmanuel Macron là ai. Đến tháng 6/2009, khi 32 tui, E. Macron được tuyn làm công chc vi chc v Phó Văn phòng tng thng F.Hollande. Tháng 8/2014, E. Macron được c là B trưởng B kinh tế - công nghip và k thut s. Tháng 4/2016, E. Macron đng ra thành lp phong trào En Marche – EM – Tiến Bước. Tháng 8/2016, ông t nhim chc B trưởng đ tp trung xây dng phong trào, chun b cho cuc bu Tổng thống năm 2017.

Chỉ trong vài tháng phong trào EM lan rng khp Th Đô, ri lan rng ra khp nước. Ch trong 4 tháng đã có 70 nghìn người tham gia, phn ln là t các t chc dân s, trí thc, sinh viên hc sinh, ngh t do. Cuc bu c vòng đu, các cơ quan thăm dò dư lun lúc đu đu d đoán bà Le Pen ca Đng Mt Trn Quc Gia (FN-Front National) s dn đu. Mt s bt ng xy ra, kết qu bầu vòng 1 / ngày 23/4/2017, E. Macron vượt lên dn đu vi t l 24,01%, Le Pen ch đt 21,30%.

Sang vòng 2, ngày 7/5, thắng li ca EM càng thêm rng r : 66,10% so vi 33,90% ca FN.

Một Tổng thống mi hơn 39 tui, E. Macron là Tổng thống tr nht lch sử nước Pháp, là Tổng thống tr nht thế gii qua bu c dân ch, là mt nét son tươi ca thế gii văn minh hin đi. C nước Pháp tưng bng m hi chào đón v Tổng thống tr măng, thông minh, hot bát, gia lúc nước Pháp đng trước biết bao vn đ nan gii, từ nn tht nghip vn cao mt cách dai dng, nn khng b đe da ngày đêm, Liên Minh Châu Âu nghiêng ng khi nước Anh rút chân ra, khi gii nông dân ni gin, vn đ dân nhp cư và an ninh xã hi nhc nhi, tui tr bt an, xã hi thiếu nim tin.

Theo E. Macron, phong trào Tiến Bước là mt cuc cách mng, là phá cái cũ c l, là xây cái mi, tht mi.

Chế đ cũ hình thành hơn 200 năm đã b phá đ, vi gch ngói v nát ngn ngang. Xưa nay người ta hay gi chế đ chính tr Pháp là chế đ 2 đng thay thế nhau cầm quyn, khi thì là đng phái hu như đng Cng Hòa hoc tin thân ca nó, khi thì là đng phái t như Đng Xã Hi. Cũng có khi là chế đ chung sng, liên minh các đng t hu, nhưng vn là mt đng t hay hu cm chch.

Sắp ti các đng t và hu truyn thng đu sa sút, hàng ngũ phân tán, rã ri. Đng LR – Les Républicaíns – s không th giành li thế đa s trong Quốc hội, vì đã có mt s nòng ct b đng đ gia nhp REM – République En Marche, Nn Cng Hòa Tiến Bước, là tên mi ca phong trào En Marche. LR vỡ ra tng mnh, nhóm Juppé, nhóm Sarkozy, nhóm Fillon, nhóm tr F. Baroin đang c hàn gn tht bi.

Số phn Đng Xã Hi còn bi đát hơn, gn như nát vn, khi vòng đu ch đt 6% s phiếu. Nguyên Thủ tướng M. Valls h mình xin theo REM, b nhã nhn khước t. Ông b đng Xã Hi chê là phn bi khi sm đu quân cho E. Macron.

Sắp ti qua 2 vòng bu c Quốc hội sôi ni, quyết lit ngày 11 và 18/6 s quyết đnh b mt chính tr ca nước Pháp trong tương lai gn. So sánh lc lượng gia các phe phái s thay đi ln, và hin ra rõ ràng.

Trước hết cn chú ý cuc ra quân ca người chiến thng, ca REM, ca Tổng thống mới E. Macron va tuyên th nhn chc hôm nay Ch nht 14/5/2017.

Nước Pháp có 577 khu bu c ; 289 ghế là đa s trong Quốc hội.

Ban lãnh đạo REM đã xét duyt h sơ ca 19.000 thành viên ca mình, và sơ b la chn 428 người, 214 n, 214 nam ra tranh c tại 577 khu bu c. Trong s này có khong 40 người thuc MoDem – Mouvement Démocratique ca François Bayrou, tng liên minh vi Phong Trào EM trong vòng 2.

Theo thể l bu c Quốc hội, trong vòng mt, ai được đa s trên 50% phiếu bu s trúng c, vi điu kiện phi có ít nht trên 25% c tri đi bu.

Nếu phi sang vòng 2, ch được tham gia tiếp ai đt trên 12,5 % trong vòng 1, và ai có s phiếu cao hơn là trúng c.

Theo thăm dò dư lun ca các hãng thăm dò chuyên nghip, d phóng kết qu tranh c vào Quốc hội tháng 6 ti s có th là :

Đảng PS Xã Hi : t 40 đến 60 ghế ;

Đảng LR Những Người Cng Hòa : t 120 đến 150 ghế ;

Đảng FN Mặt trận quốc gia ca Le Pen : t 50 đến 70 ghế ;

Đảng France Insoumise ca Melenchon (cc t) : t 60 đến 80 ghế.

Phong trào REM (Républicain En Marche) Cộng Hòa Tiến Bước, liên minh cùng MoDem : từ 200 đến 240 ghế.

Chỉ còn gần mt tháng là bu Quốc hội vòng mt. Các đng chính trên đây s ráo riết thc hin các cuc tranh c rng ln cơ s khp c nước. S có nhng cuc thay đi la chn mi ca mi người. REM s n lc đ đt con s quá bán 289 ghế.

Đã có một s nhân vật ni tiếng tuyên b gia nhp REM như nhà lut hc, thm phán Eric Halphen, nhà toán hc Cédric Villani đot gii Fields, hay nhà ngoi giao Bernard Kouchner, nhà văn hóa Jack Lang cũng t tình thân vi Tổng thống tr Macron. Tng thng F. Hollande cũng tỏ ra ưu ái người kế v mình.

Rất đáng chú ý là có đến 52% - quá na s ng c ca REM – đng ca Tổng thống – là thuc xã hi dân s, chưa mt ai có vết hình s, chưa h làm viên chc nhà nước, xa cách vi nếp làm vic quan liêu bàn giy, tràn ngp giy tờ đã thành c tt ca nước Pháp. Tui t 22 đến 70.

Đó chính là giòng máu mới tr trung, tươi đ đang được truyn vào cơ th ca nước Pháp đang đng thng dy, khoát tay nhau bước ti trước, vi nim tin mi, sc cường tráng, sáng to mi. Vi đà này REM liên minh với MoDem nuôi hy vng có th đt đa s trong Quốc hội, to thun li cho vic cm quyn, khi Tổng thống cùng có đa s trong Quốc hội. Liên minh 2 đng s gn, thun li, không cn đến mt Chính Ph Liên Hip quá rng, nng n phc tp. Tuy là kết hợp liên minh 2 t chc nhưng v danh xưng vn ch là REM – Nn Cng Hòa Tiến Bước. Đường li chính tr ca REM là gn vi đường li Xã Hi – Dân Ch, tuy t nhn không t, không hu, kết hp t mi phía, tr 2 cánh cc hu và cc t.

Nhiều nhà bình lun tỏ ra lc quan tuy còn thn trng. Ngày bàn giao chc Tổng thống din ra sôi ni, nhân dân nô nc tp hp dc đi l Élysées, quanh Khi Hoàn Môn, trước Tòa Th Chính, vi s lượng vượt các cuc bàn giao trước đây.

Ngay sau ngày nhậm chc, Tổng thống E. Macron lên đường sang Berlin gp bà A. Merkel đ bàn v quan h Pháp – Đc và vn đ cng c khi Liên Âu.

Vấn đ mi người ch đi trưa nay là Tổng thống chn ai làm Thủ tướng và Chính Ph mi – chng 15 B Trưởng, là nhng ai. Chính ph mi s làm vic ngay cho đến sau bu Quốc hội tháng 6, s có Chính Ph mi na khi được Quốc hội mi phê chun. Hin mi ch biết c vn đc bit ca Tổng thống v chiến lược và truyn thông là Tiến sĩ khoa hc chính trị Ismail Émelien, 30 tui, Chánh Văn phòng tổng thống là Alexis Kohler, 44 tuổi.

Hôm nay Thủ tướng là Édouard Philippe 46 tui, hin là Th trưởng thành ph Cng Le Havre t năm 2010, thuc đng LR, cánh Juppé, cũng tt nghip 2 trường ln Sciences-Po - Khoa Hc Chính Tr, và ENA – Quốc Gia Hành Chánh. Mt s la chn mnh dn, qu đoán, vô tư, không thiên v, theo tiêu chun ‘’có kinh nghim cm quyn, có kh năng điu hành trng trách này." Trong l bàn giao, mi người thy Tổng thống mi choàng tay ôm ông E. Philippe đng cnh ông Bayrou, và ông E. Philippe xúc động đến rt nước mt.

Tháng 6 tới, sau cuc bu Quốc hội, s có mt Quốc hội mi, tr hơn, tư duy hin đi, tác phong hot bát, khn trương do đã thay giòng máu mi.

Hai trăm năm trước, năm 1814 quy đnh ra ng c Quốc hội phải đ 40 tui. Năm 1830, h xung thành 30 tui. Năm 2000 li h xung là 23 tui, năm 2011, h hn xung 18 tui.

Năm 2012 tuổi trung bình ca Quốc hội Pháp là 54.5 tui. Bt đu quy đnh là các đi biu đến 72 tui thì ngh hưu. Năm 2015 có 50 Nghvà 35 Dân biểu v hưu, chiếm 14% Thượng Vin và 6% H Vin. Quốc hội tr hn ra.

Trước đó tng có Ngh sĩ cao tui nht là c Marcel Dassault tham chính đến 94 tui. Hin tượng này s không còn.

Chắc chn vào tháng 6 ti, s xut hin hàng lot b mt mi trẻ hơn trong b máy cm quyn cao nht ca nước Pháp, hài hòa vi Tổng thống tr nht. B máy Nhà Nước s được thay giòng máu mi, vi tác phong tr khe, thông minh, sáng to, nhanh nhy lan rng ra khp nước Pháp thi hi sinh.

Thấy mà thèm ! Mong sao nước Vit hin theo mt chế đ kỳ quc c l không ging ai, s đến lúc thay mi giòng máu chính tr dân ch đ tiến kp thế gii đang thay máu mi. Các t chc xã hi dân ch trong nước đang đi tiên phong cho cuc thay giòng máu tt yếu này.

Bùi Tín

Nguồn : VOA, 15/05/2017

Published in Diễn đàn

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức nhậm chức (RFI, 14/05/2017)

Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, vào hôm nay, 14/05/2017, đã chính thức trở thành tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, sau lễ bàn giao quyền lực tại Điện Elysée với người tiền nhiệm François Hollande, thuộc đảng Xã Hội. Theo các nhà quan sát, nhiều thách thức lớn đang chờ đợi vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao, chia rẽ xã hội sâu sắc, đe dọa khủng bố đè nặng.

invest1

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron dùng xe Jeep quân đội để đi trên đại lộ Champs-Elysées đến Khải Hoàn Môn Pari ngày 14/05/2017. CHARLY TRIBALLEAU / AFP

Tổng thống tân cử Emmanuel Macron đến Điện Elysée vào lúc 10 giờ sáng. Cuộc bàn giao quyền lực với người tiền nhiệm, tại văn phòng tổng thống, kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Tổng thống mãn nhiệm đã chuyển lại cho người kế tục một số bí mật quốc gia, trong đó có các "mã số vũ khí hạt nhân".

Tổng thống mãn nhiệm François Hollande bày tỏ hy vọng là người kế nhiệm có trong tay "đầy đủ các phương tiện có ích cho ông ngay từ ngày đầu tiên, bao gồm tất cả hồ sơ về các thượng đỉnh quốc tế được chuẩn bị sẵn, các hồ sơ kinh tế và công nghiệp, và các ê kíp cộng sự hiện đang hoạt động nhịp nhàng".

Theo giới quan sát, đây là lần thứ hai trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, quyền lực được chuyển giao cho một người không phải là đối lập (lần trước là giữa Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy), cho dù tổng thống tân cử tuyên bố có lập trường "không tả, không hữu".

Trả lời báo giới, tổng thống mãn nhiệm François Hollande cho biết "việc bàn giao quyền lực cho một người không phải là đối lập chính trị dù sao cũng đơn giản hơn". Ông Emmanuel Macron, trước khi từ chức bộ trưởng Kinh Tế năm 2016, để khởi sự chiến dịch tranh cử tổng thống, đã từng là cố vấn kinh tế của tổng thống Hollande ngay từ năm 2012.

Tân tổng thống tiễn người tiền nhiệm ra tận xe hơi, trước khi trở về dự lễ nhậm chức, do chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến Laurent Fabius chủ trì.

Trong diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Emmanuel Macron long trọng cam kết sẽ nỗ lực để xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu "hiệu quả hơn, dân chủ hơn, mang nhiều tính chính trị hơn", bởi Liên Âu chính là phương tiện giúp cho nước Pháp trở nên hùng mạnh hơn.

Khoảng 530 phóng viên Pháp và nước ngoài trực tiếp có mặt để truyền tin về cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt hôm nay, sau chiến thắng của vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pháp.

Nghi thức vào Điện Elysée gây ấn tượng với bước đi chậm rãi và long trọng của tổng thống tân cử trên nền thảm đỏ, cũng với phong thái như khi ông tới đọc diễn văn mừng chiến thắng tại bảo tàng Louvre, hôm Chủ Nhật tuần trước 07/05.

Chiều nay, tân tổng thống chủ trì buổi lễ tưởng nhớ những người lính vô danh tại Khải Hoàn Môn. Khoảng 1.500 cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh.

Theo AFP, tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải sớm công bố danh tính của tân thủ tướng. Khác với những người tiền nhiệm, với chức vụ thủ tướng được công bố ngay trong ngày bàn giao quyền lực, giới thân cận của ông Macron cho biết tân tổng thống sẽ đưa ra quyết định chính thức vào ngày mai.

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên được dành cho Đức

Cũng ngày mai, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Macron sẽ tới Berlin, để hội kiến với thủ tướng Đức Angela Merkel. Siết chặt quan hệ với Đức, đồng minh số một, là chính sách của tân tổng thống Pháp. Theo giới thân cận, đại sứ Pháp tại Đức Philippe Etienne, 61 tuổi, được bổ nhiệm làm cố vấn ngoại giao của tổng thống.

Thách thức số một hiện nay của tân tổng thống Macron là giành được đa số ghế tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử ngày 11 và 18/06.

Hôm qua, tại bảo tàng Quai Branly, trước 428 ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Emmanuel Macron kêu gọi các ứng cử viên nỗ lực để "cải cách sâu rộng đời sống chính trị Pháp, để tại Pháp, không còn ai muốn đi theo những phe phái cực đoan", đây sẽ là một thay đổi mà ông khẳng định là "chưa từng có trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa".

Trọng Thành

*************************

'Bộ cánh' của tân Tổng thống Pháp nói lên điều gì ? (VOA, 14/05/2017)

Bộ complet tr giá 450 euro (dưới 500 đôla) mà tân Tng thng Pháp Emmanuel Macron mc trong l nhm chc 14/5 được cho là một n lc to hình nh "bình dân" ca nhà lãnh đo này.

invest2

Tân Tổng thng Pháp và phu nhân trong lễ nhậm chc hôm 14/5.

Theo Reuters, việc nhân viên ca ông Macron tiết l giá thành ca "b cánh" ông mc, cũng như chuyn b đ ca phu nhân ca ông, bà Brigitte, được hãng Louis Vuitton cho mượn, là điu đáng chú ý.

Từng là mt ng viên được ưa thích, trong chiến dch tranh c, đi th ca ông Macron, ông Francois Fillon, b cun vào v bê bi tài chính, trong đó có món quà t mt doanh nhân giàu có là hai b complet được may riêng cho ông tr giá ti 13 nghìn đôla.

invest3

Đối th ca ông Macron, ông Francois Fillon, b cun vào v bê bi tài chính.

Hãng tin Anh viết rng, vi các cuc thăm dò ý kiến cho thy rng trung thc là mt trong các phm cht mà c tri Pháp trông ch vào nhà lãnh đo, vic la chn "b cánh" khiêm tn ca tân tng thng phát đi mt thông đip rng ông s khác bit so vi nhng người tin nhim.

Cựu tng thng thuc phe bo th Nicolas Sarkozy, tng lãnh đo Pháp t năm 2007 ti 2012, được đt bit danh là "tng thng thích trưng din" vì phong cách ăn mc hào nhoáng.

Người tin nhim ngay trước ông Macron, ông Francois Hollande, vốn t coi là "tng thng bình dân" đã b ch trích vì tr gn 10 nghìn đôla mt tháng cho người to mu tóc.

Ông Macron nhậm chc hôm 14/5 trong mt bui l ti Dinh Tng thng Paris, tr thành nhà lãnh đo Pháp tr nht thi hu chiến.

Published in Quốc tế