Ngày 6/4/2019 Giám đốc Công an Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh công văn số 495/CAT-CSMT được nhiều tờ báo trong nước đăng lại với cái tựa : "Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa" có nội dung Formosa Hà Tĩnh đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn chất thải khác nhau tất cả đều rất độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên Formosa Hà Tĩnh không hợp tác với cơ quan chức năng để theo dõi xử lý mặc dù cảnh sát điều tra môi trường đã gửi văn bản yêu cầu Formosa nhiều lần phải báo cáo các chất thải gây nguy hại.
Cá chết ở Hà Tĩnh. Hình chụp tháng Tư, 2017. (Hình : Reuters)
Sau ba ngày bài báo này đã bị gỡ tuy nhiên trên nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại lẫn mạng xã hội đều lan truyền thông tin này như một bằng chứng cụ thể do công an xác định về hành vi xả chất thải công nghiệp gây tác hại trực tiếp cho môi trường mà người dân sống gần là những nạn nhân đầu tiên.
Hầu hết người Việt tuy vẫn bị mang tiếng là bàng quan trước mọi diễn biến chính trị nhưng khi nghe nói đến chữ "Formosa" thì phản ứng của mọi người đa số là giống nhau : Giận dữ và đau lòng. Giận dữ vì từng có một thời gian dài sau khi Formosa bị phát hiện là nguyên nhân gây cho cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh duyên hải miền Trung thì bàn ăn của đồng bào cả nước vắng bóng các loại cá như thường nhật. Họ đau lòng vì biết cả triệu người miền Trung bị ảnh hưởng tới công ăn việc làm và cái đói nghèo vốn đã đè nặng lên gia đình họ nay viễn ảnh rách rưới lại càng rõ rệt hơn sau khi nhà máy Formosa chính thức hoạt động.
Người dân cà nước còn nhớ vụ hàng ngàn người dân Thị xã Kỳ Anh tập trung đông chưa từng có trước cổng chính của tập đoàn Formosa vào sáng ngày 2 tháng10 năm 2016 yêu cầu trả lại biển sạch cho họ sau khi phát hiện Formosa đã thải hàng tấn hóa chất độc công nghiệp gây ra cái chết hàng loạt cho cá ven biển trải dài hơn ba cây số. Tiếp theo sau đó là hàng loạt vụ biểu tình đòi bồi thường thiệt hai cho dân chúng cũng như đòi chính quyền phải đóng cửa nhà máy này vì hóa chất cũng như khí thải của nó gây bệnh tật cho người dân địa phương và vùng phụ cận. Trước sức ép của dư luận và các cuộc biểu tình không ngưng nghỉ, Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận gây ra vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Mức bồi thường 500 triệu đô la dành cho 3 vấn đề : thiệt hại của người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường biển cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Số tiền nhỏ nhoi ấy cũng không được tới tay nạn nhân mà hầu như có khiếu kiện mới được lãnh tiền. Cách giải quyết quan liêu này một lần nữa gây bức xúc cho dân chúng khiến hàng chục cuộc biểu tình đòi công bằng lại nổ ra giữa lúc biển tiếp tục chết, bầu trời Kỳ Anh Hà Tĩnh tiếp tục nhận luồng khói của nhà máy thép Formosa gây không biết bao nhiêu di hại cho sức khỏe người dân.
Formosa có Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Không cần phải là một kỹ sư hay tiến sĩ, người dân cũng thấy rõ, mức giá này quá rẻ, gần như cho không.
Không phải chính phủ Việt Nam không biết thành tích của Formosa đối với gây nguy hại môi trường biển. Gần nhất là bài học của Campuchia, năm 1998, Formosa đã thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihaoukville và bị buộc phải bồi thường 13 triệu đô la. Năm 2009, tập đoàn này đã "vinh hạnh" nhận giải "Hành tinh đen" do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường "trao tặng. Tại Đài Loan nơi mà Formosa được sinh ra không ít lần nó bị đồng hương biểu tình đòi giải thể vì cách làm ăn thiếu lương thiện của nó. Tại Mỹ, nơi môi trường được giữ kín kẽ nhất thế giới đã cho Formosa rất nhiều bài học khi tập đoàn này có hành vi khuất tất trong việc gây nguy hiểm môi sinh.
Một năm sau khi sự cố Formosa xảy ra, ngày 25 tháng 07 năm 2017, Báo Tiền Phong có đăng bài viết : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Formosa : Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa". Cụ thể, Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng : "Tinh thần lớn là nếu không an toàn thì không sản xuất" và "Nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này".
Và hai năm sau, lời của Thủ tướng đương nhiệm có vẻ bị Formosa thách thức thông qua công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh "kêu cứu" chính phủ vì cung cách bất tuân pháp luật mà tập đoàn này đang hành xử.
Nếu công an Hà Tĩnh bức xúc một thì dân chúng tại khu vực bị ảnh hưởng có lẽ bức xúc đến mười. Sức khỏe gia đình họ bị đe dọa nghiêm trọng, công ăn việc làm của họ kể như trở về con số không và tương lai cuộc sống của gần hai triệu con người trực tiếp bị ảnh hưởng sẽ ra sao nếu hàng ngàn tấn hóa chất len lỏi vào nguồn nước biển ?
Ai là người trách nhiệm khi vận động chính phủ cung cấp giấy phép cho tập đoàn Formosa vào Việt Nam để lại di chứng khó xóa sạch trên bản đồ môi sinh của thế giới ?
Chính là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 người chính thức đặt bút ký đầu tiên khi đề nghị chính phủ Nguyễn Tấn Dũng duyệt xét. Người trách nhiệm thứ hai là Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, đáng ra phải cho khảo sát dự án lại nhanh chóng cho phép Formosa được sinh ra. Đứa con thiếu tháng ấy bây giờ đã trở thành một bứu độc ung thư gây lo sợ cho hàng triệu người Việt Nam không những chung quanh nó mà có lẽ sẽ di căn trên khắp nước.
Ông Võ Kim Cự thì bặt vô âm tín, nhưng ông Trần Hồng Hà vẫn còn đó trên chiếc ghế Bộ trường Bộ Tài nguyên Môi trường và sáng ngày 5 tháng 6 năm 2018, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Trần Hồng Hà khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa "đảm bảo an toàn về môi trường".
Là một Bộ trưởng phụ trách môi trường, tức là lá phổi của toàn dân Việt Nam nhưng cung cách mà ông Hà nói trước Quốc hội khiến người ta khó thể tin nổi vào lúc ấy cho đến gần một năm sau thì Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận những khẳng định của ông Bộ trường là hoàn toàn dối trá.
Trên lá phổi của Việt Nam đã đóng dấu ấn có hình dạng Formosa và di chứng của nó liệu kéo dài tới bao lâu sau khi ông Trần Hồng Hà lại hạ cánh an toàn như Võ Kim Cự ?
Mặc Lâm
Diễn biến vụ kiện Formosa ở Đài Loan (BBC, 07/09/2018)
Một nhóm cư dân Đài Loan sống gần nhà máy Naphtha Cracker số 6 của tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG), đang kêu gọi tòa án địa phương xem xét kỹ lưỡng đơn kiện công ty của họ.
Nhà máy Naphtha Cracker số 6 của tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG)
Vào tháng Tám 2015, 74 người sống ở thị trấn Đài Tây cạnh nhà máy ở thị trấn Mạch Liêu, cùng các thành viên gia đình, nộp đơn kiện năm công ty con của FPG.
Kể từ đó, tòa án đã có 10 buổi lắng nghe. Nhưng lần cuối cùng tòa mở là tháng 9/2017. Tòa cũng chưa mở điều tra và tìm kiếm ý kiến chuyên gia.
Cư dân Ngô Nhật Huy, có năm thành viên gia đình qua đời vì ung thư trong ba năm qua, nói : "Vụ này kéo dài lâu quá rồi".
"Một số người kiện đã qua đời, hoặc yếu quá không thể tới tòa. Liệu sẽ còn ai sống cho tới khi xử xong".
Trong đơn kiện họ cáo buộc rằng ô nhiễm từ nhóm nhà máy thường được gọi là Lục Khinh đã dẫn tới tỉ lệ ung thư cao trong người dân. Họ yêu cầu bồi thường 70 triệu Tân Đài Tệ, tương đương khoảng 2,28 triệu đôla Mỹ.
Theo điều tra của họ, trong năm 2012 và 2013, 75% cái chết ở ba làng thuộc thị trấn Taixi là do ung thư, cao hơn tỉ lệ trung bình 34,5% ở Đài Loan.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc lập Đài Loan vài năm trước thấy rằng có mức kim loại nặng cao hơn trong những người sống cách nhà máy 10, 20, 30 cây số, so với dân số chung, theo lời những người này.
Các nhóm môi trường và nhà nghiên cứu tin rằng sáu thị trấn ở huyện Vân Lâm trực tiếp tiếp xúc với khói từ nhà máy. Gió cũng có thể mang khói đến những nơi khác của Đài Loan.
Tổng cộng 23.000 người có đăng ký là cư dân ở thị trấn Taixi bị ảnh hưởng nặng nhất. Một số người đã chuyển đi nơi khác vì ô nhiễm, nhưng người già và một số trẻ em ở lại vì họ không còn nơi nào khác.
Đinh Khánh Phú, từng sống ở Taixi, nói ông tin rằng nhiều người trong gia đình ông đang bị ung thư hay chết vì ung thư do ô nhiễm từ nhà máy.
Ông Đinh nói : "Mẹ tôi qua đời vì ung thư phổi 5 năm trước, bố tôi bị ung thư gan, anh vợ tôi và hai hai em họ cũng ung thư, một người trong đó đã qua đời".
Tòa án quận Vân Lâm, nơi đang xử lý vụ kiện, rốt cuộc mở buổi tiền thẩm hôm 31/8. Vị thẩm phán quyết định yêu cầu cơ quan bảo vệ môi trường của Đài Loan xác định các loại chất gây ô nhiễm thải ra từ nhà máy và tác động của chúng cho sức khỏe.
Những người nộp đơn kiện
Luật sư cho những người đi kiện xem đây là dấu hiệu tích cực. Luật sư Quốc Ngạn, chủ tịch Hội nhân quyền Đài Loan, nói : "Tôi tin rằng sau khi có kết quả đánh giá, vụ việc sẽ sớm có kết cục".
Đa số nguyên liệu thô do nhà máy sản xuất được xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á, dùng cho các sản phẩm nhựa, theo lời nguyên đơn. Họ cho rằng nhà máy này không cần có ở Đài Loan.
Trong phiên xử ở tòa ngày 31/8, các luật sư của Formosa nói rằng không có bằng chứng cho thấy tỉ lệ ung thư ở của cư dân lân cận là do hoạt động của nhà máy. Họ biện luận rằng bằng chứng của luật sư bên nguyên không cho thấy nguyên nhân và hậu quả. Họ nói công ty đã đầu tư cho thiết bị kiểm soát ô nhiễm.
Nhưng Hội quyền môi trường (ERF), đang giúp đỡ các nguyên đơn, chỉ ra rằng trong nhiều năm, giới khoa bảng đã điều tra liệu có phải các chất gây ô nhiễm cũng gây ra tỉ lệ ung thư cao và đã kết luận có quan hệ nhân quả.
Mặc dù luật sư của Formosa nói việc thải khí của nhà máy không vượt quá hạn chế của chính phủ, các nhóm môi trường nói trong quá khứ, chính phủ không công bố tài liệu theo dõi nên không thể biết có vượt quá giới hạn hay chưa.
Theo họ, một khó khăn khác của nguyên đơn là thống kê của Bộ y tế về người chết do ung thư lại thấp hơn con số của nguyên đơn, mà lý do là vì nhiều người ráng sống để về đến nhà rồi mới chết, và bệnh viện không ghi rõ nguyên nhân tử vong.
Ông Ngô, chủ tịch hội hỗ trợ ô nhiễm Lục Khinh, nói quá trình xác minh và kiểm tra khó khăn nên tòa án cần thêm thời gian. Nhưng ông cũng nói các nạn nhân không thể chờ đợi quá lâu.
"Liệu chúng tôi có thể chiến thắng hay không ?" ông Ngô nói, bày tỏ cảm giác bất lực của người dân.
Công ty mẹ Formosa Plastics Group từ chối bình luận, nói rằng vụ việc đang trong quá trình xử án và họ sẽ chờ đến khi xử xong.
Cindy Sui
*******************
Bánh Trung Thu là mặt hàng đặc trưng vào dịp Hội Trăng Rằm hằng năm. Lâu nay đối với các gia đình nghèo khó có thể cho con nhỏ thưởng thức một miếng bánh Trung Thu vì túi tiền của họ không thể kham nổi.
Thị trường buôn bán bánh Trung Thu. (Ảnh minh họa) - AFP
Năm nay bên cạnh các loại bánh truyền thống có giá từ mấy chục đến mấy trăm ngàn và cả bạc triệu hay hơn thế nữa cho mỗi cái, lại xuất hiện nhiều loại bánh ‘siêu rẻ’ được nói là nhập từ Trung Quốc sang. Những mặt hàng này được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Người tiêu dùng, nhất là giới chỉ thu nhập ‘ba đồng, ba cọc’, có vui không khi trên thị trường có loại sản phẩm vừa túi tiền của họ như thế ?
Trên mạng xã hội hiện có quảng cáo một loại bánh Trung Thu mini được cho là xuất xứ từ Trung Quốc và được bán với mức giá siêu rẻ từ 2.000 – 3.000/ cái với rất nhiều hương vị khác nhau như cam , dâu, xoài….
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bánh Trung Thu này được nhập về với giá sỉ khoảng 300.000 đồng/ thùng và mỗi thùng khoảng 120 đến 130 cái bánh nếu chia nhỏ ra thì mỗi chiếc bánh được bán với giá rất rẻ. Với mức giá siêu rẻ này nên nó trở thành món được nhiều người lao động thu nhập thấp và sinh viên lựa chọn.
Chúng tôi có liên lạc với một chủ trang cá nhân rao bán loại bánh Trung Thu này và được cho biết qua tin nhắn, loại bánh được nhập từ Đài Loan với trọng lượng khoảng 38g/cái và được bán theo kilogram với giá 90.000/kg cho 25 cái và nhiều hương vị khác nhau tùy lựa chọn. Còn nếu mua số lượng lớn thì sẽ giảm giá còn 80.000 – 85.000 đồng/kg. Số lượng bao nhiêu cũng có chỉ cần báo trước một ngày thì hôm sau sẽ có hàng và giao hàng miễn phí.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với chị Phương Ngọc, người chuyên làm bánh Trung Thu tại nhà và được chị cho biết giá thấp nhất đối với loại bánh Trung Thu nặng 50g thì đã bán 20.000/cái và 200g thì 80.000/cái nhưng khi nghe về loại bánh giá 2.000 – 3.000/cái từ Trung Quốc thì chị có trình bày :
"Với người làm thủ công như em thì với mức giá 2.000-3.000 thì không bao giờ bán được vì nó không đủ tiền điện để mình làm chứ đừng nói đến tiền mua nguyên liệu. Nên với việc bánh trung thu mini từ trung quốc nhập vào Việt Nam tràn lan như hiện nay, nó giống như là một cách để tuồng hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng nhưng người ta dán lại một tag khác".
Chúng tôi trực tiếp đến một quầy hàng bán bánh Trung Thu trên đường Lê Văn Sĩ ở khu vực quận 3 tại Sài Gòn để tìm hiểu thêm thông tin thì được nhân viên bán hàng tại quầy Kinh Đô cho biết :
"Ở đây mình bán trực tiếp từ hàng công ty, vì đã có dấu kiểm định, mộc đỏ rõ ràng, hàng công ty rõ ràng chứ không phải mình bán hàng tùm lum. Những mặc hàng đó đa phần là nguyên liệu từ Trung Quốc mà anh cũng biết miễn nguyên liệu Trung Quốc thì đa phần rất rẻ nên ai ham rẻ thì ăn loại đó thôi, cho nên thật sự nếu là hàng đàng hoàng thì giá phải niêm yết công ty có bảng giá rõ ràng, còn bán 2k-3k thì đa phần là quầy hàng tự phát sinh".
Mặc dù được người bán hàng quảng cáo hàng chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng nhiều người tỏ ra e ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ như thế.
Một facebooker tên Tạ Hiền chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng dù được bạn bè trong công ty mua và mời ăn thử nhưng anh không dám động đến miếng bánh này vì anh cho rằng thực phẩm dơ, sạch hiện nay lẫn lộn, đẹp mắt nhưng chưa chắc an toàn vệ sinh.
Một người dân tại Sài Gòn cho chúng tôi biết có cho tiền cũng không mua loại bánh này : "Không bao giờ dám, công an vừa tịch thu hơn mười mấy ngàn chiếc bánh không bao bì không nguồn gốc cho nên bánh trung thu này cho tiền cũng không dám ăn".
Nhân đậu xanh bên trong bánh Trung Thu. AFP
Một trở ngại đối với người tiêu dùng hiện nay là khó có thể phân biệt được chất lượng của các loại bánh khác nhau dù là bánh có giá cao như trình bày của chị Phương Ngọc.
"Bánh chất lượng và không chất lượng thật sự rất khó nhận biết. Ở Việt Nam thì mình dựa vào thương hiệu như Đồng Khánh, Như Lan, BBK hay là Kinh Đô. Còn các loại bánh nhỏ nhỏ từ Trung Quốc về Việt Nam thì chẳng có thương hiệu mà nó còn ghi tiếng Tàu nên không biết bánh gì mà chỉ cần thấy tiếng Tàu là người ta không chọn mua nhưng mà để tháo ruột nó ra và bỏ vào một vỏ khác cho nên không thể nhận biết được bánh Trung Quốc hay Việt Nam rất khó".
Anh Hùng một chuyên viên y tế thuộc trường Đại Học Y thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, anh rất lo ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ vì mức giá quá rẻ thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn, anh nhấn mạnh rằng
"Những thành phần trong nhân bánh được xay nhuyễn, dù được giới thiệu nhân sầu riêng, nhân đậu xanh... nhưng người ăn hoàn toàn không biết được đó là gì".
Còn theo chuyên gia Vũ Thế Thành, thạc sĩ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm chia sẻ trong một bài viết của ông trên trang web của mình rằng :
"Thực phẩm Tàu không phải thứ nào cũng dơ, cũng kém an toàn, nhưng không thể phủ nhận, thực phẩm tràn vào Việt Nam từ Trung Quốc, chỉ nhìn về mặt an toàn, thì còn nhiều điều bí ẩn chưa giải mã hết. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chỉ mua hàng có xuất xứ rõ ràng, nếu là hàng nhập phải có nhãn phụ, công ty nhập…".
Vị chuyên gia này còn viết thêm rằng vì bánh Trung Thu ở Việt Nam chỉ được làm ra và bán vào một số ngày trong năm nên cơ quan an toàn thực phẩm ít khi đụng tới thời hạn bảo quản, trừ khi sử dụng chất cấm hoặc điều kiện sản xuất quá mất vệ sinh.
Chúng tôi có liên lạc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh để hỏi thêm về việc quản lý nhập và bán loại bánh Trung Thu siêu rẻ ; tuy nhiên mọi nổ lực đều bất thành.
Hội thảo tại Thượng viện Mỹ : Tìm công lý cho nạn nhân Formosa (RFA, 11/05/2017)
Hơn một năm sau sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực biển miền Trung, buổi hội thảo về pháp lý và ô nhiễm môi sinh đã diễn ra tại quốc hội Hoa Kỳ với sự tham dự của các chuyên gia luật và chuyên gia môi trường ở Hoa Kỳ và Canada.
Hội thảo về pháp lý và ô nhiễm môi sinh đã diễn ra tại quốc hội Hoa Kỳ hôm 10/5/2017. RFA photo
Gây ô nhiễm môi trường là phạm tội
Hôm thứ Tư 10 tháng Năm lần đầu tiên một buổi hội thảo về môi trường liên quan đến Việt Nam diễn ra tại tòa nhà Rusell của thượng viện Hoa Kỳ kể từ khi biển miền Trung Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải độc hại từ công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh hồi tháng Tư 2016 đến nay.
Cuộc hội thảo được coi như một hội nghị quốc tế vì có 7 diễn giả gồm các vị giáo sư luật và các chuyên môn về môi trường của Mỹ và Canada, chưa kể một số người Việt đến từ Canada, Australia và các tiểu bang khác của Hoa Kỳ.
Đứng ra kêu gọi buổi hội thảo là Việt Nam For Progress, tạm dịch là Việt Nam Vì Tiến Bộ, tổ chức NGO của người Việt ở Washington DC, Hoa Kỳ và Ontario Canada.
Bác sĩ Thể Bình, chủ tịch tổ chức Việt Nam Vì Tiến Bộ :
Chúng tôi rất mừng vì tổ chức mà qui tụ được những chuyên gia về các lãnh vực luật pháp cũng như môi trường. Sau phần phát biểu của họ thì chúng ta có lẽ học hỏi được rất là nhiều và từ đó chúng ta mong sẽ sử dụng những tin tức và kiến thức này để giúp đỡ cho những nạn nhân của Formosa cũng như giúp cho môi trường của đất nước Việt Nam.
Đến từ Toronto, Canada, luật sư Trịnh Quốc Toàn, thành viên của tổ chức Việt Nam Vì Tiến Bộ, nói rằng cuộc hội thảo này một lần nữa nhằm lôi kéo sự chú ý của thế giới :
Về thảm họa môi trường đang xảy ra tại Việt Nam và để giúp những người muốn đi tìm hiểu phương pháp hoặc biện pháp nào đó để khác phục hoàn cảnh. Hy vọng là trong khả năng chuyên môn thì chúng tôi có thể cung cấp cho cộng đồng những kiến thức đến từ những diễn giả chuyên gia về lãnh vực đó.
Đến từ Australia, ông Nguyễn Văn Bon, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Úc Châu :
Hơn một năm qua nhà cầm quyền Việt Nam chả làm cái gì cả, tức là họ có cơ sở pháp lý để kiện Formosa ra tòa, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao họ không đóng cửa Formosa. Việt Nam có cơ hội cao nhất để làm điều đó nhưng họ chọn họ không làm.
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do trước buổi hôi thảo, cựu công tố viên Liên Hiệp Quốc, nguyên đại sứ lưu động Mỹ của Global Justice Công Lý Toàn Cầu thuộc chính phủ Hoa Kỳ, ông Steven Rapp, nói rằng các tác nhân gây ô nhiễm môi trường đều là tội phạm hình sự :
Tôi được mời đến đây để trình bày vấn đề mà các tổ chức dân sự và nạn nhân có thể làm được những gì cho dù đôi khi hoàn cảnh không có mấy hy vọng. Thông điệp của hội thảo này là nếu biết tham khảo, biết thu thập tài liệu cũng như lôi kéo sự chú ý của dư luận về những hệ lụy những tác hại vô cùng to lớn của ô nhiễm môi trường thì người ta có thể đòi tác nhân gây hại trả lại công lý cho mình, đặc biệt khi vụ việc ra trước tòa hình sự quốc tế.
Cũng vậy, nói đến sự kiện cá chết hàng loạt bên Việt Nam, ngư dân mất việc vì không thể đánh bắt cá, giá cả thủy sản xuống dốc vì nguồn nước bị ô nhiễm..... thì tôi cũng sẽ trình bày luôn thể về nhũng hành động gọi là vô ý thức của tác nhân gây hại, làm sao buộc họ chịu trách nhiệm đã làm môi sinh bị ô nhiễm.
"Cần phải kiện Formosa"
Luật sư Warren Perrin tại buổi hội thảo. RFA photo
Đối với luật sư Warren Perrin, chuyên về các vụ án dân sự ở New Orleans, Hoa Kỳ, với kinh nghiệm phụ trách những hồ sơ pháp lý về môi trường thí dụ như sự cố tràn dầu ở Louisiana do công ty BP gây ra trước kia, đến với cuộc hội thảo hôm nay điều ông muốn trình bày là :
Những việc như thế có những sắc thái và những vấn đề khác nhau trong việc gặt hái kết quả thông qua hệ thống tố tụng dân sự. Dựa vào kinh nghiệm đã qua tôi muốn mọi người làm thế nào có thể vận dụng mọi chứng cứ mọi dữ kiện cụ thể về những tác hại lâu dài hầu đưa vào hồ sơ tố tụng.
Trong vụ Formosa thì yêu cầu của tôi là phải bàn bạc phải bằng mọi cách chứng minh là nạn nhân phải được bồi thường một cách xứng đáng, có nghĩa là đồng tiền bồi thường phải hợp lý phải ngang bằng với những hệ quả mà họ gánh chịu. Không chỉ tập trung vào việc bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, tôi còn muốn nói đến việc làm sao giảm thiểu càng nhiều càng tốt mức độ độc hại mà ô nhiễm môi trường gây ra cho nạn nhân, bởi vì được bảo vệ và được phòng tránh khỏi ô nhiễm môi sinh là quyền của con người.
Tác hại của ô nhiễm môi trường biển không chỉ là cá chết hay nguồn nước bị nhiễm độc mà còn là vấn đề lây lan thực phẩm độc hại, ảnh hưởng vô cùng đến sức khỏe các cộng đồng dân cư quanh đó về lâu về dài, là những lời mở đầu bài phát biểu của bà Malaika Bacon Dussault, giáo sư luật đại học Morton ở Canada. Nói với đài Á Châu Tự Do, bà khẳng định :
Tôi sẽ dựa trên luật quốc tế về môi trường để nhấn mạnh đến phương cách tiến hành một vụ kiện tội phạm gây ô nhiễm môi trường ra tòa án quốc tế. Trong tư cách một luật sư hôm nay tôi sẽ phân tích về những phương thức tiến hành hồ sơ tố tụng để có cái nhìn bao quát hơn và để xét xem có thể áp dụng vào trường hợp ô nhiễm môi trường từ chất thải hóa học ở Việt Nam như thế nào.
Từ Viện Hóa Học ở Toronto, Canada, sang Washington tham dự hội nghị quốc tế về tác hại Formosa hôm thứ Tư, chuyên gia John Purdy cho biết vì đã làm việc nhiều năm trong lãnh vực môi trường nên ông có mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề Formosa Việt Nam :
Tôi nghĩ đây không còn là vấn đề của riêng Việt Nam của riêng một nước mà đây là vấn đề chung của thế giới. Tôi cho rằng Việt Nam cần được sự hợp tác và trơ giúp quốc tế để khắc phục thảm họa ô nhiễm này. Ngoài trợ giúp quốc tế, Việt Nam cũng cần đặt mình dưới áp lực quốc tế hầu bảo đảm họ đã hành động đúng trước vấn đề. Với tôi 500 triệu Đô La tiền bồi thường từ Formosa thực sự không thấm vào đâu so với tác hại khôn lường từ chất thải hóa học mà họ xả thẳng ra biền Việt Nam như vậy.
Buổi hội thảo quốc tế về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam hôm thứ Tư cũng là ngày mà Hội Đồng giám sát liên ngành của Việt Nam cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng.
Báo chí trong nước loan tin đây là quyết định của Việt Nam sau khi xem xét, đánh giá quá trình khắc phục sự cố môi trường của Formosa và cho là công ty gang thép này đã kiểm soát được tình hình.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
********************
Kiện Formosa trước tòa trọng tài quốc tế ? (VOA, 12/05/2017)
Người dân biểu tình ở Hà Nội sau khi công ty thép Formosa của Đài Loan xả thải làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Một hội nghị quốc tế vừa được tổ chức ở Washington để bàn thảo những khía cạnh pháp lý nhằm đưa vụ việc này ra công lý.
Làm thế nào đưa thảm họa môi trường biển liên quan tới công ty thép Formosa của Đài Loan, ra trước tòa án trọng tài quốc tế để mang lại công lý cho người dân 4 tỉnh miền Trung Việt Nam ? Đó là nội dung được các diễn giả quốc tế mổ xẻ tại một hội nghị tổ chức tại trụ sở Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/5.
Hội nghị quốc tế đầu tiên để bàn thảo các khía cạnh pháp lý của thảm họa cá chết hàng loạt diễn ra hơn 1 năm sau khi hàng trăm tấn cá chết, trôi dạt trên biển miền Trung, tác động nặng nề tới các cộng đồng ngư dân địa phương. Múc đích của hội nghị là tìm phương thức tốt nhất để đưa một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra ở Việt Nam, ra giải quyết trên bình diện quốc tế.
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, một trong những diễn giả có mặt trong ban tổ chức, nói bà hy vọng hội nghị sẽ "trang bị kiến thức cho những người Việt ở nước ngoài và cả trong nước để đi những bước kế tiếp, để giúp những nạn nhân của Formosa cũng như giúp nền kinh tế và môi trường Việt Nam phục hồi lại sau thảm họa này, và để tránh, không để xảy ra tác hại đối với môi trường vì những vụ xả chất thải độc hại như vậy nữa".
Hình ảnh nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. Công ty này đã thừa nhận xả thải độc ra biển và đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân của thảm họa môi trường biển này.
"Đây là một trong những bước đầu tiên để chính phủ Việt Nam có thể tham luận với các chuyên gia ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Họ cũng có thể mời chuyên gia, luật gia của quốc tế tới để tham khảo những trường hợp, những khía cạnh nào có thể tố tụng được về công ty Formosa. Những công ty đã xả thải độc tố sẽ là những người mang trách nhiệm nặng nề nhất và sau đó những phần tử đồng lõa cũng sẽ bị kết tội liên đới", theo bà Bình.
Giáo sư Malaika Bacon-Dusseault thuộc khoa luật, Đại học Moncton của Canada, trình bày khả năng khởi kiện vụ Formosa về khía cạnh liên quan tới tội ác chống nhân loại. Bà nói "vấn nạn xả chất thải độc hại ra môi trường vẫn tiếp diễn" và nếu chứng minh được là hoạt động này tác động trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người, thì đây có thể được coi như một "tội ác đối với nhân loại".
Tuy nhiên, giáo sư Dusseault nói muốn khởi kiện thì cần thu thập bằng chứng rõ ràng và "thuyết phục chính phủ Việt Nam công nhận quyền tài phán của tòa".
Việc thu thập bằng chứng là một thách thức đối với giới hoạt động vì môi trường ở Việt Nam bị đàn áp và giam cầm. Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa là trường hợp gần đây nhất bị khởi tố về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước" sau khi ghi nhận và đăng tải thông tin và hình ảnh về thảm họa môi trường Formosa.
Ông Stephen Rapp, quan chức đặc trách các vấn đề tội phạm chiến tranh của bộ Ngoại giao Mỹ, nói "bằng chứng phải là những tài liệu với các con số cụ thể chứ không đơn giản là những bức ảnh".
Theo bà Malaika, Việt Nam không phải là một thành viên ký kết công ước tội phạm quốc tế (ICC hay Rome Statute), Hoa Kỳ cũng không ký kết Rome Statute cho nên cộng đồng người Việt ở Mỹ muốn khởi kiện cũng không thể làm được.
Giáo sư Luke Wilson thuộc khoa luật trường Đại học George Washington đề xuất một giải pháp gọi là "cơ chế bêu xấu" (shaming mechanism), một cách để nêu tên và bêu xấu trước cộng đồng quốc tế "những hành vi đáng xấu hổ" của một chính quyền nào đó, với mục đích đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Giáo sư Wilson nói xã hội dân sự có thể giúp trong việc này.
Người dân biểu tình tại Đài Loan yêu cầu chính phủ nước này điều tra tập toàn công nghiệp lớn nhất của họ, Formosa Plastics Group, vì những cáo buộc liên quan tới ô nhiễm môi trường. Giáo sư Luke Wilson của đại học George Washington nói hợp tác với chính phủ Đài Loan là phương thức tốt nhất để giải quyết vấn nạn này.
"Xã hội dân sự ở Việt Nam đương nhiên đóng 1 vai trò trong việc giao tiếp với chính quyền bằng tiếng nói của những công dân và cho họ "biết đây là điều mà chúng tôi muốn". Tất nhiên là không dễ để có được tiếng nói nhưng có thể làm bằng cách gắn kết xã hội dân sự bên ngoài Việt Nam, từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng thêm thông điệp đó. Do đó ở Việt Nam, điều mà họ cần làm là trở thành một công dân tốt hơn để có thể sử dụng hiệu quả một trong những cơ chế đó (shaming machanism) nhằm yêu cầu chính phủ phải hành động và mặt khác, cần tham gia vào những việc lớn hơn trên toàn cầu để thực hiện được mục tiêu".
Tuy nhiên, giáo sư Wilson khuyến cáo "đây là một trường hợp khó đưa ra tòa. Chúng ta cần có nhà nước hành động và chúng ta cần có ý chí của tất cả mọi người để mang vụ này ra công lý".
Ông gợi ý về một giải pháp hợp tác quốc tế. "Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn nhân đang chịu đựng thảm họa".
Formosa đã đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung nhưng theo một nhà hoạt động nhân quyền trong cuộc trao đổi với VOA, người dân không hài lòng với mức đền bù này và vẫn tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa- Hà Tĩnh.
Đại diện cho Vietnam For Progess, bác sĩ Nguyễn Thể Bình nói hội nghị này được tổ chức ở Hoa Kỳ để những người Mỹ gốc Việt có thể làm gì để thay đổi bằng cách đưa vấn đề này lên tới tầm ảnh hưởng của quốc tế. Bà hy vọng hội nghị ở Washington, có thể được xem như một cái nôi chính trị của thế giới, sẽ thúc đẩy những nỗ lực tương tự để tổ chức các hội nghị ở Canada, Úc hay Châu Âu.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/05/7/77/77023e88-3a5f-49c0-b18f-d8480da3edb0.mp4
*******************
Hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể nhiễm độc sau thảm họa Formosa ? (VOA, 13/05/2017)
Cá chết ở một cơ sở đông lạnh ở Hà Tĩnh vào tháng 4/2016. Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo hải sản nhập từ Việt Nam có thể nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.
Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo về nguy cơ hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, và kêu gọi thắt chặt việc kiểm tra hải sản nhập vào Mỹ.
Giáo sư Lisa Heinzerling thuộc khoa luật, trường Đại học Georgetown ở Washington, nêu lên lo ngại này tại một hội nghị ở Thượng viện Mỹ hôm 10/5, thảo luận những khía cạnh pháp lý và môi trường về việc xả thải độc ra biển.
"Ở Mỹ, chúng tôi nhập khẩu đến 80% lượng hải sản mà chúng tôi tiêu thụ. Điều ngạc nhiên là Mỹ vẫn chưa điều tra về chất lượng môi trường ở Việt Nam. Môi trường ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Như vậy thực phẩm mà chúng ta nhập từ Việt Nam có thể bị nhiễm độc", theo bà Heinzerling.
Cá bày bán ở Nha Trang. Mỹ là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng của ngành công nghiệp xuất khẩu hải sản trị giá 7 tỷ đô la hàng năm.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hải sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Hải sản của Việt Nam được xuất tới hơn 140 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ngành công nghiệp này đạt mức thu 7 tỷ đô la mỗi năm. Hoa Kỳ, cùng với Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 70% tổng mức xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Bà Heinzerling, một trong những diễn giả tại buổi hội thảo, nói : "nếu con người theo cách nào đó đóng góp làm nhiễm độc thực phẩm mà không qua việc tiêm thuốc, trong trường hợp xả thải độc ra biển Đông, đó là một cách tiêm thuốc không trực tiếp vào hải sản".
"Mỹ có một cơ chế pháp lý và luật lệ lý tưởng và đầy quyền năng", theo giáo sư Heinzerling của trường Đại học Georgetown. "Về luật mà nói, chúng tôi có những điều lệ chặt chẽ để kiểm duyệt hải sản nhập vào Mỹ. Chúng tôi muốn đảm bảo các công ty nhập khẩu hải sản phải có sẵn kế hoạch để giải quyết bất cứ mối nguy nào liên quan đến tính an toàn của hải sản đề có thể giải quyết sớm bất kỳ sự nguy hại nào do hải sản nhiễm độc nhập vào thị trường Mỹ".
Nhưng bà Heinzerling cho rằng cơ chế này trong thực tiễn không có tác dụng nhiều và bà kêu gọi "hãy thu hẹp khoảng cách giữa luật trên mặt lý thuyết, và luật trong thực tiễn".
"Tôi lấy làm ngạc nhiên là hải quan Mỹ phần lớn bỏ việc thực thi luật an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Chỉ có 1% hải sản nhập khẩu vào Mỹ là qua kiểm tra, phần còn lại là được đưa vào Mỹ mà không có sự kiểm duyệt".
Ngay sau khi vấn nạn môi trường Formosa xảy ra hồi năm ngoái, một nhóm nhà hoạt động Mỹ gốc Việt đã gửi thỉnh nguyện thư tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thúc giục cơ quan này xét nghiệm và điều tra toàn bộ các sản phẩm hải sản nhập từ Việt Nam. Hồi năm ngoái, Mỹ đã từng ngưng nhập khẩu cá từ Việt Nam vì nghi ngờ có hóa chất độc hại.
Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Ngô Văn Ích được seafoodsource.com trích lời nói rằng một số công ty xuất khẩu hải sản Việt Nam, sẽ tiếp tục đối mặt với các loại thuế chống bán phá giá mà Mỹ và các thị trường khác áp đặt lên sản phẩm của Việt Nam. Cũng theo trang web này, trong những năm gần đây các công ty xuất khẩu Việt Nam đã chuyển hướng bỏ qua những thị trường khó tính để xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc – nước đang tiêu thụ khoảng 9% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu.
Các nhà hoạt động Việt Nam biểu tình ở Đài Bắc đòi công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh chịu trách nhiệm làm sạch những chất thải độc hại đổ ra biển miền Trung.
Ngay sau khi hàng trăm tấn cá chết trôi dạt trên 200km bờ biển 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 năm ngoái, hải sản từ khu vực này đã không được tiêu thụ, đẩy cộng đồng ngư dân địa phương vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, khách du lịch đã trở lại tắm biển và ăn hải sản ở đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.
Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù cho các nạn nhân 500 triệu đô la nhưng dân chúng ở Việt Nam vẫn tiếp tục biểu tình yêu cầu chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa. Tuy vậy, tập đoàn Nhựa Formosa đầu tháng này ra thông báo đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào liên doanh thép của họ ở Việt Nam. Hoạt động của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh liên tục bị trì hoãn vì các cuộc biểu tình phản đối, tuy nhiên dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối nửa đầu năm nay.
Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra một kết luận tương đối lạc quan về nỗ lực khắc phục lỗi và bảo vệ môi trường của nhà máy này, nhưng nhiều nhà hoạt động môi trường Việt Nam vẫn lo ngại về nguy cơ ô nhiễm sau thảm họa Formosa trong những năm tới.