Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/09/2018

Formosa bị kiện ngay tại Đài Loan, quan ngại bánh Trung Thu ở Việt Nam

Tổng hợp

Diễn biến vụ kiện Formosa ở Đài Loan (BBC, 07/09/2018)

Một nhóm cư dân Đài Loan sống gần nhà máy Naphtha Cracker số 6 của tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG), đang kêu gọi tòa án địa phương xem xét kỹ lưỡng đơn kiện công ty của họ.

formosa1

Nhà máy Naphtha Cracker số 6 của tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG)

Vào tháng Tám 2015, 74 người sống ở thị trấn Đài Tây cạnh nhà máy ở thị trấn Mạch Liêu, cùng các thành viên gia đình, nộp đơn kiện năm công ty con của FPG.

Kể từ đó, tòa án đã có 10 buổi lắng nghe. Nhưng lần cuối cùng tòa mở là tháng 9/2017. Tòa cũng chưa mở điều tra và tìm kiếm ý kiến chuyên gia.

Cư dân Ngô Nhật Huy, có năm thành viên gia đình qua đời vì ung thư trong ba năm qua, nói : "Vụ này kéo dài lâu quá rồi".

"Một số người kiện đã qua đời, hoặc yếu quá không thể tới tòa. Liệu sẽ còn ai sống cho tới khi xử xong".

Trong đơn kiện họ cáo buộc rằng ô nhiễm từ nhóm nhà máy thường được gọi là Lục Khinh đã dẫn tới tỉ lệ ung thư cao trong người dân. Họ yêu cầu bồi thường 70 triệu Tân Đài Tệ, tương đương khoảng 2,28 triệu đôla Mỹ.

Theo điều tra của họ, trong năm 2012 và 2013, 75% cái chết ở ba làng thuộc thị trấn Taixi là do ung thư, cao hơn tỉ lệ trung bình 34,5% ở Đài Loan.

Một nghiên cứu của Đại học Quốc lập Đài Loan vài năm trước thấy rằng có mức kim loại nặng cao hơn trong những người sống cách nhà máy 10, 20, 30 cây số, so với dân số chung, theo lời những người này.

Các nhóm môi trường và nhà nghiên cứu tin rằng sáu thị trấn ở huyện Vân Lâm trực tiếp tiếp xúc với khói từ nhà máy. Gió cũng có thể mang khói đến những nơi khác của Đài Loan.

Tổng cộng 23.000 người có đăng ký là cư dân ở thị trấn Taixi bị ảnh hưởng nặng nhất. Một số người đã chuyển đi nơi khác vì ô nhiễm, nhưng người già và một số trẻ em ở lại vì họ không còn nơi nào khác.

Đinh Khánh Phú, từng sống ở Taixi, nói ông tin rằng nhiều người trong gia đình ông đang bị ung thư hay chết vì ung thư do ô nhiễm từ nhà máy.

Ông Đinh nói : "Mẹ tôi qua đời vì ung thư phổi 5 năm trước, bố tôi bị ung thư gan, anh vợ tôi và hai hai em họ cũng ung thư, một người trong đó đã qua đời".

Tòa án quận Vân Lâm, nơi đang xử lý vụ kiện, rốt cuộc mở buổi tiền thẩm hôm 31/8. Vị thẩm phán quyết định yêu cầu cơ quan bảo vệ môi trường của Đài Loan xác định các loại chất gây ô nhiễm thải ra từ nhà máy và tác động của chúng cho sức khỏe.

formosa2

Những người nộp đơn kiện

Luật sư cho những người đi kiện xem đây là dấu hiệu tích cực. Luật sư Quốc Ngạn, chủ tịch Hội nhân quyền Đài Loan, nói : "Tôi tin rằng sau khi có kết quả đánh giá, vụ việc sẽ sớm có kết cục".

Đa số nguyên liệu thô do nhà máy sản xuất được xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á, dùng cho các sản phẩm nhựa, theo lời nguyên đơn. Họ cho rằng nhà máy này không cần có ở Đài Loan.

Trong phiên xử ở tòa ngày 31/8, các luật sư của Formosa nói rằng không có bằng chứng cho thấy tỉ lệ ung thư ở của cư dân lân cận là do hoạt động của nhà máy. Họ biện luận rằng bằng chứng của luật sư bên nguyên không cho thấy nguyên nhân và hậu quả. Họ nói công ty đã đầu tư cho thiết bị kiểm soát ô nhiễm.

Nhưng Hội quyền môi trường (ERF), đang giúp đỡ các nguyên đơn, chỉ ra rằng trong nhiều năm, giới khoa bảng đã điều tra liệu có phải các chất gây ô nhiễm cũng gây ra tỉ lệ ung thư cao và đã kết luận có quan hệ nhân quả.

Mặc dù luật sư của Formosa nói việc thải khí của nhà máy không vượt quá hạn chế của chính phủ, các nhóm môi trường nói trong quá khứ, chính phủ không công bố tài liệu theo dõi nên không thể biết có vượt quá giới hạn hay chưa.

Theo họ, một khó khăn khác của nguyên đơn là thống kê của Bộ y tế về người chết do ung thư lại thấp hơn con số của nguyên đơn, mà lý do là vì nhiều người ráng sống để về đến nhà rồi mới chết, và bệnh viện không ghi rõ nguyên nhân tử vong.

Ông Ngô, chủ tịch hội hỗ trợ ô nhiễm Lục Khinh, nói quá trình xác minh và kiểm tra khó khăn nên tòa án cần thêm thời gian. Nhưng ông cũng nói các nạn nhân không thể chờ đợi quá lâu.

"Liệu chúng tôi có thể chiến thắng hay không ?" ông Ngô nói, bày tỏ cảm giác bất lực của người dân.

Công ty mẹ Formosa Plastics Group từ chối bình luận, nói rằng vụ việc đang trong quá trình xử án và họ sẽ chờ đến khi xử xong.

Cindy Sui

*******************

Quan ngại về bánh Trung Thu "siêu rẻ" (RFA, 07/09/2018)

Bánh Trung Thu là mặt hàng đặc trưng vào dịp Hội Trăng Rằm hằng năm. Lâu nay đối với các gia đình nghèo khó có thể cho con nhỏ thưởng thức một miếng bánh Trung Thu vì túi tiền của họ không thể kham nổi.

formosa3

Thị trường buôn bán bánh Trung Thu. (Ảnh minh họa) - AFP

Năm nay bên cạnh các loại bánh truyền thống có giá từ mấy chục đến mấy trăm ngàn và cả bạc triệu hay hơn thế nữa cho mỗi cái, lại xuất hiện nhiều loại bánh ‘siêu rẻ’ được nói là nhập từ Trung Quốc sang. Những mặt hàng này được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Người tiêu dùng, nhất là giới chỉ thu nhập ‘ba đồng, ba cọc’, có vui không khi trên thị trường có loại sản phẩm vừa túi tiền của họ như thế ?

Nghi ngại hàng kém phẩm chất

Trên mạng xã hội hiện có quảng cáo một loại bánh Trung Thu mini được cho là xuất xứ từ Trung Quốc và được bán với mức giá siêu rẻ từ 2.000 – 3.000/ cái với rất nhiều hương vị khác nhau như cam , dâu, xoài….

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bánh Trung Thu này được nhập về với giá sỉ khoảng 300.000 đồng/ thùng và mỗi thùng khoảng 120 đến 130 cái bánh nếu chia nhỏ ra thì mỗi chiếc bánh được bán với giá rất rẻ. Với mức giá siêu rẻ này nên nó trở thành món được nhiều người lao động thu nhập thấp và sinh viên lựa chọn.

Chúng tôi có liên lạc với một chủ trang cá nhân rao bán loại bánh Trung Thu này và được cho biết qua tin nhắn, loại bánh được nhập từ Đài Loan với trọng lượng khoảng 38g/cái và được bán theo kilogram với giá 90.000/kg cho 25 cái và nhiều hương vị khác nhau tùy lựa chọn. Còn nếu mua số lượng lớn thì sẽ giảm giá còn 80.000 – 85.000 đồng/kg. Số lượng bao nhiêu cũng có chỉ cần báo trước một ngày thì hôm sau sẽ có hàng và giao hàng miễn phí.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với chị Phương Ngọc, người chuyên làm bánh Trung Thu tại nhà và được chị cho biết giá thấp nhất đối với loại bánh Trung Thu nặng 50g thì đã bán 20.000/cái và 200g thì 80.000/cái nhưng khi nghe về loại bánh giá 2.000 – 3.000/cái từ Trung Quốc thì chị có trình bày :

"Với người làm thủ công như em thì với mức giá 2.000-3.000 thì không bao giờ bán được vì nó không đủ tiền điện để mình làm chứ đừng nói đến tiền mua nguyên liệu. Nên với việc bánh trung thu mini từ trung quốc nhập vào Việt Nam tràn lan như hiện nay, nó giống như là một cách để tuồng hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng nhưng người ta dán lại một tag khác".

Chúng tôi trực tiếp đến một quầy hàng bán bánh Trung Thu trên đường Lê Văn Sĩ ở khu vực quận 3 tại Sài Gòn để tìm hiểu thêm thông tin thì được nhân viên bán hàng tại quầy Kinh Đô cho biết :

"Ở đây mình bán trực tiếp từ hàng công ty, vì đã có dấu kiểm định, mộc đỏ rõ ràng, hàng công ty rõ ràng chứ không phải mình bán hàng tùm lum. Những mặc hàng đó đa phần là nguyên liệu từ Trung Quốc mà anh cũng biết miễn nguyên liệu Trung Quốc thì đa phần rất rẻ nên ai ham rẻ thì ăn loại đó thôi, cho nên thật sự nếu là hàng đàng hoàng thì giá phải niêm yết công ty có bảng giá rõ ràng, còn bán 2k-3k thì đa phần là quầy hàng tự phát sinh".

Người tiêu dùng e ngại

Mặc dù được người bán hàng quảng cáo hàng chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng nhiều người tỏ ra e ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ như thế.

Một facebooker tên Tạ Hiền chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng dù được bạn bè trong công ty mua và mời ăn thử nhưng anh không dám động đến miếng bánh này vì anh cho rằng thực phẩm dơ, sạch hiện nay lẫn lộn, đẹp mắt nhưng chưa chắc an toàn vệ sinh.

Một người dân tại Sài Gòn cho chúng tôi biết có cho tiền cũng không mua loại bánh này : "Không bao giờ dám, công an vừa tịch thu hơn mười mấy ngàn chiếc bánh không bao bì không nguồn gốc cho nên bánh trung thu này cho tiền cũng không dám ăn".

formosa4

Nhân đậu xanh bên trong bánh Trung Thu. AFP

Một trở ngại đối với người tiêu dùng hiện nay là khó có thể phân biệt được chất lượng của các loại bánh khác nhau dù là bánh có giá cao như trình bày của chị Phương Ngọc.

"Bánh chất lượng và không chất lượng thật sự rất khó nhận biết. Ở Việt Nam thì mình dựa vào thương hiệu như Đồng Khánh, Như Lan, BBK hay là Kinh Đô. Còn các loại bánh nhỏ nhỏ từ Trung Quốc về Việt Nam thì chẳng có thương hiệu mà nó còn ghi tiếng Tàu nên không biết bánh gì mà chỉ cần thấy tiếng Tàu là người ta không chọn mua nhưng mà để tháo ruột nó ra và bỏ vào một vỏ khác cho nên không thể nhận biết được bánh Trung Quốc hay Việt Nam rất khó".

Anh Hùng một chuyên viên y tế thuộc trường Đại Học Y thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, anh rất lo ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ vì mức giá quá rẻ thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn, anh nhấn mạnh rằng

"Những thành phần trong nhân bánh được xay nhuyễn, dù được giới thiệu nhân sầu riêng, nhân đậu xanh... nhưng người ăn hoàn toàn không biết được đó là gì".

Vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm

Còn theo chuyên gia Vũ Thế Thành, thạc sĩ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm chia sẻ trong một bài viết của ông trên trang web của mình rằng :

"Thực phẩm Tàu không phải thứ nào cũng dơ, cũng kém an toàn, nhưng không thể phủ nhận, thực phẩm tràn vào Việt Nam từ Trung Quốc, chỉ nhìn về mặt an toàn, thì còn nhiều điều bí ẩn chưa giải mã hết. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chỉ mua hàng có xuất xứ rõ ràng, nếu là hàng nhập phải có nhãn phụ, công ty nhập…".

Vị chuyên gia này còn viết thêm rằng vì bánh Trung Thu ở Việt Nam chỉ được làm ra và bán vào một số ngày trong năm nên cơ quan an toàn thực phẩm ít khi đụng tới thời hạn bảo quản, trừ khi sử dụng chất cấm hoặc điều kiện sản xuất quá mất vệ sinh.

Chúng tôi có liên lạc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh để hỏi thêm về việc quản lý nhập và bán loại bánh Trung Thu siêu rẻ ; tuy nhiên mọi nổ lực đều bất thành.

Quay lại trang chủ
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)