Việt Nam chính thức cho phép khách Trung Quốc tự lái xe vào Lạng Sơn (VOA, 08/09/2018)
Việt Nam hôm 6/9 chính thức khai thông tuyến du lịch cho phép người Trung Quốc tự lái xe vào biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Giao thông di chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn
Theo truyền thông trong nước, đây là hoạt động nằm trong Đề án thí điểm cơ chế đặc thù trong việc tổ chức đưa đón các đoàn xe du lịch Trung Quốc tự lái trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa và quốc tế, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa các tỉnh biên giới Việt-Trung và tăng thu ngân sách.
Theo quy định, khách Trung Quốc tự lái vào tham quan qua ở Lạng Sơn chỉ được phép lưu lại tối đa 3 ngày, và với số lượng xe tối thiểu 3 xe/đoàn, tối đa 10 xe/đoàn. Tổng số lượng xe du lịch tự lái nhập cảnh vào khu vực này không được quá 50 xe/ngày.
Hồi tháng 3, Việt Nam đã cho phép người Trung Quốc tự lái xe vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, để du lịch thông qua cửa khẩu Móng Cái.
Với đề án thí điểm mở rộng hợp tác du lịch trên, người Việt Nam cũng được phép lái xe sang thành phố Sùng Tả và Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, và thành phố Đông Hưng của Trung Quốc.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh cho Văn phòng Chính phủ Việt Nam, sau một năm thực hiện hoạt động thí điểm ở Móng Cái, có 93 xe với 256 khách du lịch từ Trung Quốc đi vào cửa khẩu này. Các giới chức của tỉnh này cho rằng con số này còn thấp so với kỳ vọng vì lý do phạm vi đi lại của hai bên còn hẹp, không có nhiều địa điểm tham quan nên kém hấp dẫn đối với du khách.
Tuần trước, Việt Nam cũng chính thức cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán ở các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm thúc đẩy biên mậu.
***********************
Du khách Trung Quốc đến Việt Nam bị cáo buộc trốn thuế (BBC, 07/09/2018)
Nhiều khách du lịch người Trung Quốc tới Việt Nam luôn tìm cách trốn thuế, với sự hỗ trợ 'đắc lực' của các công ty du lịch, theo Viet Nam News.
Du khách Trung Quốc 'đổ bộ' vào Nha Trang, Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ thắt chặt thanh toán trên hệ thống máy tính tiền POS và ví điện tử để giải quyết các giao dịch bất hợp pháp và trốn thuế.
Động thái này được đưa ra sau khi có thông tin một số cửa hàng của người Trung Quốc tại Việt Nam sử dụng các máy thanh toán POS hoặc máy quét mã chưa được cấp phép để thanh toán cho khách Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thanh toán bằng ngoại tệ bất hợp pháp hoặc trốn thuế.
Tại Quảng Ninh, khách Trung Quốc hồi đầu năm 2018 tới ồ ạt nhưng địa phương không thu được đồng nào vì họ đi theo tua '0 đồng', và thanh toán không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo báo trong nước.
"Khách Trung Quốc mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền hàng mua ở Quảng Ninh đều sang Trung Quốc, gây thất thu kiểm tra thuế, ngân sách rất lớn. Việc phát hiện thất thu, kiểm soát gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua online. Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ", ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, được dẫn lời trên Vietnamnet.
Tại Nha Trang, Khánh Hòa - cũng là điểm du lịch hút khách Trung Quốc - nhiều cửa hàng thậm chí công khai dán quảng cáo 'chấp nhận thanh toán qua Wechat Pay với du khách Trung Quốc bất chấp khuyến cáo từ chính quyền', do lo ngại mất khách, theo Dân Trí.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản khẩn tới Văn phòng Chính, đề nghị có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, Alipay, Wechat Pay.
Ông Huệ đã ra chỉ thị cho Ngân hàng nhà nước tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở phục vụ khách du lịch nước ngoài. Đồng thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật trong thanh toán bằng ngoại tệ tại Việt Nam, theo Viet Nam News.
Ông Huệ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước nghiên cứu quy chế tài chính quốc tế và đưa ra các giải pháp để quản lý tốt hơn các thanh khoản qua hệ thống POS và ví điện tử như Alipay và Wechatpay, và giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để đánh thuế các loại thanh toán này.
Sở Công thương cũng được chỉ đạo tăng cường kiểm tra các trung tâm mua sắm và bán hàng cho khách du lịch nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đánh giá về ảnh hưởng của chính sách du lịch 'không đồng' của Trung Quốc đối với nền kinh tế và an ninh. Trong khi đó, chính quyền địa phương được hối thúc tiến hành kiểm tra đột xuất các tour du lịch 'không đồng' và thông báo công khai các hình phạt.