Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/09/2018

Đàn áp nhân quyền ngày càng gia tăng ở Việt Nam

RFA tiếng Việt

Giáo phận Vinh lên tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền Việt Nam (RFA, 07/09/2018)

Ban Công lý & Hòa bình Giáo phận Vinh công bố Bản Lên Tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.

nq1

Hình minh họa. Giáo xứ Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy FB Nguyễn Đình Thục

Bản lên tiếng đề ngày 5 tháng 9 nêu rõ, mặc dù Việt Nam đã tham gia các Công ước Quốc tế về Nhân quyền, trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng bắt giữ và kết án nặng nề đối với những người đấu tranh một cách ôn hòa cho nhân quyền và tự do. Đặc biệt, gia tăng bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Song song đó, Bản Lên Tiếng cũng nêu ra sự lạm quyền của lực lượng an ninh Việt Nam, hành xử cách bất công đối với những người bất đồng chính kiến, những người dám lên tiếng đòi hỏi nhân quyền, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo một cách ôn hòa. Bản Lên Tiếng tố cáo những băng nhóm được gọi là "quần chúng nhân dân tự phát" và "đội cờ đỏ" được thường xuyên sử dụng để hành hung, đe dọa, hạn chế quyền đi lại hoặc cư trú của những người bất đồng chính kiến.

Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Vinh cho biết lý do lên tiếng là để thức tỉnh những người có trách nhiệm trong bộ máy cầm quyền, đặc biệt đề nghị lực lượng an ninh cần phải thượng tôn pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Giáo phận Vinh cũng kêu gọi các tổ chức hoạt động vì nhân quyền và người dân Việt Nam, cùng lên tiếng trong việc bảo vệ nhân quyền, vì đó là những giá trị phổ quát, bất khả xâm phạm của con người mà chính Tạo hóa đã ban tặng.

Giáo phận Vinh có hơn nửa triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã. Đây là vùng chịu tác động nặng nề của thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên kể từ tháng tư năm 2016. Nhiều giáo dân sống nhờ biển lên tiếng đòi hỏi tái tạo môi trường biển sạch và bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân ; tuy nhiên những cuộc tập trung lên tiếng bị đàn áp một cách nặng nề.

Ban Công Lý & Hòa Bình Giáo Phận Vinh từng có văn thư công khai lên tiếng về những vấn đề xã hội liên quan đến giáo dân trong giáo phận. Giáo phận Vinh được cho biết đứng thứ ba trong số những địa phận có số người theo Công giáo La Mã đông đảo ở Việt Nam, sau Xuân Lộc và Sài Gòn.

********************

Hàng loạt Facebooker Việt Nam bị mất tích trước và sau 2/9 (RFA, 07/09/2018)

Gia đình của các Facebooker ngày 7 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết, người thân của họ bị mất tích trước và sau ngày 2 tháng 9 đến giờ không liên lạc được, trong khi có nhiều thông tin là những người này bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ trong các ngày có lời kêu gọi Tổng biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng.

nq2

Facebooker Ngô Văn Dũng (bên trái), và facebooker Xuân Hồng - Courtesy FB Ngo Van Dung & Xuân Hòng

Bà Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, tức Facebooker Biển Mặn nói với chúng tôi vào trưa ngày 7-9 như sau :

"Đến giờ gia đình vẫn không biết ảnh ở đâu, đã 4 ngày trôi qua rồi. Trưa ngày 4-9 thì bạn bè ảnh ở Sài Gòn là ảnh bị bắt ở công an phường Bến Nghé, tối đó tôi có lặn lội 400 cây số để tìm chồng tối, tới công an phường Bến Nghé thì họ nói là bên Tao Đàn, bên đó thì chỉ qua Quận 1.

Qua đây không có thì họ chỉ qua phường Bến Thành. Công an phường Bến Thành xác nhận là có bắt, nhưng người nào địa chỉ ở đâu thì trả về địa phương đó.

Tôi tức tốc về lại Dak Lak đợi tin chồng tôi, mà nay đến ngày 7 rồi vẫn không biết chồng tôi ở đâu".

Ông Ngô Văn Dũng, thường trú ở xã EaTu, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Dak Lak. Vào sáng ngày 4 tháng 9, người ta thấy ông chia sẻ đoạn video trực tiếp về việc ông và một người bạn mặc đồng phục màu cam của công nhân chạy trên xe máy lòng vòng khu vực Quận 1.

Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho công an phường Bến Thành, Quận 1 nơi trước đó đã nói với vợ ông Dũng rằng ông bị bắt ở đây, tuy nhiên người công an trực ban tên Trung phủ nhận thông tin này.

"Anh ơi, từ ngày 4/9 đến giờ bên em không có bắt ai hết".

Người nhà của Facebooker Xuân Hồng, tên thật là Đoàn Thị Hồng và Facebooker Phạm Vũ Phong, tên thật là Phạm Minh Trí cũng cho hay người thân của mình được cho là bị công an phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 bắt giữ vào ngày 2-9, nhưng khi họ lên đến đây để hỏi thì công an chỉ qua quận, và quận 12 sau đó lại chỉ ngược về phường.

Đến chiều tối ngày 7 tháng 9 cả ba gia đình đều không nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc bắt giữ người thân của họ.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trước và sau ngày 2-9 có hàng loạt các Facebooker đột nhiên bị mất liên lạc. Một loạt các thông báo về các trường hợp mất tích của các facebooker xuất hiện trên mạng xã hội Facebook trong khoảng thời gian này. Nhiều người nghi ngờ những facebooker này đã bị bắt cóc. Trong dịp này, truyền thông cho nước cho biết có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.

Trước đó ngày 10/6 ở Sài Gòn và các thành phố lớn trên cả nước nổ ra một cuộc biểu tình lớn chống dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.

Thông tin từ công an Thành phố Hồ Chí Minh sau đó cho hay lực lượng chức năng thành phố này đã mời làm việc và xử lý tổng cộng 310 người bị cáo buộc quá khích, gây rối.

Trong đó, 7 người bị tạm giữ hình sự ; 175 người bị xử phạt hành chính ; nhắc nhở, cho gia đình bảo lãnh, cam kết không tái phạm đối với 38 người. Ngoài ra, cảnh sát đang xác minh, làm rõ hành vi của một số người khác.

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)