Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thuận theo chính quyền, nghịch lại chân kinh

Một giáo hội dễ dàng bị chính quyền sai khiến.

Năm 1981, trong bài phát biểu bế mạc  hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ nói : "Từ đây chúng ta có thêm cơ sở thuận lợi mới để bảo đảm tín ngưỡng và phương pháp tu hành đúng chánh pháp, phát huy tinh thần bi, trí, dũng và nền văn hóa nhân bản của Phật giáo trong thời kỳ nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội" [1].

Copy of AABB

Ảnh trái : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sáng ngày 13/5/2021(VOV). Ảnh phải : Các nhà sư khối Ấn Quang biểu tình yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, ngày 3/4/1975. (Bettmann/Corbis)

Tuy nhiên, vào thời điểm các nhà sư được nhà nước chọn lựa kỹ lưỡng để tham dự hội nghị được cho là nhằm "thống nhất Phật giáo" tại Hà Nội, hơn 10 nhà sư nổi tiếng khác vẫn còn đang bị giam giữ  trong các trại cải tạo [2].

Một nhà sư tại TP. Hồ Chí Minh nói với hãng tin UPI  khi đó rằng : "Chúng tôi từng có nghĩa vụ phản kháng với những điều sai trái của chính quyền. Nhưng bây giờ rất khó để lên tiếng, tốt hơn hết là giữ im lặng" [3].

Năm 2008, một bài viết trên tạp chí Phật giáo nổi tiếng Tricycle chỉ trích : "Ngày nay, chính quyền Việt Nam không cho phép Phật giáo được sinh hoạt độc lập ; chỉ có Phật giáo theo ý chính quyền mới được cho phép. Người dân chỉ được vào chùa lễ Phật, thực hiện các nghi lễ và thắp hương, còn việc thực hành trí tuệ và tình thương của Phật giáo đã bị chính quyền Việt Nam cắt bỏ" [4].

40 năm qua, trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ca ngợi về những thành tựu hào nhoáng của mình, trong đó có những ngôi chùa cao lớn đồ sộ, cộng đồng quốc tế không ngừng lên án sự đàn áp tinh vi của nhà nước đối với việc thực hành Phật giáo đúng nghĩa. Có phải từ khi có giáo hội mới, Phật giáo ở Việt Nam chỉ còn lại phần xác ?

Các "thành tựu" không được lòng người

Nếu có nhà sư Việt Nam nào được cộng đồng quốc tế biết đến thì trước hết đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để đòi quyền tự do tôn giáo.

Tiếp đến, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang sẽ được nhắc đến với các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước sự đàn áp của chính quyền.

Đến đây, các nhà sư của Giáo hội Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh của tăng đoàn Làng Mai do chính ông sáng lập là nhà sư Việt Nam nổi tiếng nhất hiện nay với các hoạt động giảng dạy, xuất bản sách về Phật giáo trên thế giới.

40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có gương mặt đại diện nào ở tầm cỡ quốc tế.

Còn trong nước, nhiều vụ bê bối của các nhà sư đã khiến công chúng không ngần ngại khái quát tình trạng của Phật giáo bằng các cụm từ "chùa quốc doanh", "sư quốc doanh", "chùa BOT", "chi bộ nhà chùa", "kinh doanh tâm linh", v.v.

Những thành tựu do chính giáo hội liệt kê thì lại đối nghịch với thực tế.

Ví dụ như trong một bài viết  kỷ niệm 40 năm thành lập giáo hội, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự viết rằng giáo hội đã tích cực tham gia tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc không phá rừng, mà "tăng cường trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc" [5]. Trong khi đó, nhiều ngôi chùa của giáo hội đang mọc lên bằng cách phá rừng, xẻ núi  [6].

Một số thành tựu khác mà Hòa thượng Gia Quang nêu ra cũng rất xa lạ với công chúng, như hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng về việc không dùng đồ nhựa một lần, hay vận động người dân thực hiện tốt văn hóa giao thông.

Năm 2014, một nhà nghiên cứu tôn giáo ẩn danh nói với BBC News tiếng Việt : "Tại Việt Nam hiện nay, phẩm chất Phật giáo trong một bộ phận nào đó đã đánh mất niềm tin của quần chúng" [7].

40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chạy rất nhanh trên con đường của mình với những cơ ngơi hoành tráng, nhưng con đường đó không dẫn các nhà sư tiến lên, mà thay vào đó là lao xuống dốc.

Một giáo hội dễ dàng bị sai khiến

Các lãnh đạo tôn giáo thường là đối tượng mà các chế độ độc tài nhắm đến để thực hiện mục tiêu kiểm soát dân chúng. Khi đó, họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc là dũng cảm chống lại, hoặc chấp nhận phục vụ cho chế độ độc tài.

Từ những năm 1980 đến cuối những năm 1990, chính quyền Việt Nam đã dàn xếp lại trật tự của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức từng bị cấm hoặc hạn chế sinh hoạt được tái hoạt động. Tuy nhiên, các tôn giáo phải thành lập một bộ máy quản trị mới chứ không phải là tổ chức trước năm 1975.

Sự dàn xếp thô thiển này đã kéo theo sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng các tôn giáo, giữa phe ủng hộ và phe chống lại gọng kìm kiểm soát tự do tôn giáo của chính quyền. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có lẽ là phép thử của chính quyền trong kế hoạch dàn xếp này.

Từ sau năm 1975, các nhà sư miền Nam đã trải qua giai đoạn xung đột nội bộ căng thẳng. Những thành viên muốn hoạt động độc lập với thanh thế đã gây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận những người muốn phục vụ cho chế độ mới và để chính trị thâm nhập vào giáo hội. Trong cuộc xung đột này, phe thân chính quyền đã thắng, nhưng cũng từ đó, Phật giáo bị đặt lên đầu chiếc vòng kim cô thắt chặt thứ mà họ đã từng đổ máu để tranh đấu : quyền tự do tôn giáo.

Tạp chí Phật giáo Tricycle từng chỉ trích  rằng nếu bạn thực hành các đạo đức cốt lõi của Phật giáo tại Việt Nam – chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải) – thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì "tội tuyên truyền chống nhà nước" [8].

Chưa nói đến việc lên tiếng cho các bất công trong xã hội, các nhà sư của giáo hội hiếm khi lên tiếng trước sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền về tôn giáo, trừ phi sự kiểm soát này đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của họ như việc quản lý tiền công đức  [9].

Các nhà sư của giáo hội thậm chí còn không giữ được vị thế trung lập trước một bên là nhà nước và bên kia là các đồng môn của mình đang đòi quyền tự do tôn giáo. Điển hình là vụ việc Tu viện Bát Nhã vào năm 2008.

Vào tháng 2/2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Lá thư Làng Mai số 31  đã chỉ trích việc kiểm soát kiểm soát tôn giáo quá khắc nghiệt, sự can thiệp quá đáng của Ban Tôn giáo Chính phủ và công an vào các hoạt động tôn giáo [10]. Ngay sau đó, Thượng tọa Thích Đức Nghi – Viện chủ tu viện Bát Nhã trở mặt. Ông từ chối tiếp tục bảo lãnh cho các môn sinh Làng Mai tu tập tại tu viện. Động thái này được xem là tạo ra lý do để công an  giải tán hoạt động của Làng Mai tại Việt Nam từ đó đến nay [11].

Trong bức thư vào năm 2010, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt vấn đề  về vị thế của các nhà sư của giáo hội qua vụ việc Bát Nhã : "Nhưng tại sao mình [những vị thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam] bất lực không che chở được cho họ ? Tại sao mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền ? […] Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta [chính quyền] rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức Giáo hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai sử được" [12].

Phật giáo Việt Nam có sự tương đồng lớn với Phật giáo Trung Quốc về việc mất đi thanh thế khi chấp nhận sự can thiệp của chính quyền vào giáo hội.

Trong năm 2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tặng  hàng nghìn lá cờ tổ quốc và khuyến khích các cơ sở tôn giáo treo cờ hàng ngày song song với đạo kỳ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiệt tình tham gia phong trào này [13].

Theo South China Morning Post (SCMP), việc ép các cơ sở tôn giáo treo cờ cũng đã được chính quyền Trung Quốc thực hiện  vào năm 2018 [14].

Các nhà quan sát nói với SCMP rằng sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào Phật giáo đã khiến tôn giáo cổ xưa này ngày càng mất đi quyền uy về mặt tâm linh đối với các tín đồ, cản trở việc truyền dạy giáo lý Phật giáo đích thực, và khiến nhiều nhà sư biến chất.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 30/10/2021

 

Chú thích

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (2021, May 4), Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

2. UPI, (1981, November 17), Communism versus Buddhism in Vietnam

3. Xem [2]

4. Tricycle, (2008, August 27), Buddhism, Under Vietnam’s Thumb

5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (2021a, April 8), Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc – đạo pháp – chủ nghĩa xã hội

6. Tâm, V. (2021, September 14), 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam : Hơn 20 năm xẻ núi xây chùa, Luật Khoa Tạp Chí, Retrieved 2021 

7. BBC News tiếng Việt. (2014, October 2), Chiếc iPhone 6 và Phật giáo Việt Nam

8. Xem [4]

9. Tâm, V. (2021a, July 17), "Tiền công đức" : Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa Luật Khoa Tạp Chí, Retrieved 2021 

10. Làng Mai, (2008, February 4), Lá Thư Làng Mai số 31

11. BBC News Tiếng Việt, (2009, July 4), Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã

12. Làng Mai. (2010), Bát Nhã là một công án thiền

13. Luật Khoa, (2021, March 2), Vì sao Ban Tôn giáo Chính phủ đi khắp nơi tặng hơn 7.000 lá cờ tổ quốc ? 

14. South China Morning Post, (2018, September 21), The decline and fall of Chinese Buddhism : how modern politics and fast money corrupted an ancient religion

Additional Info

  • Author Văn Tâm
Published in Diễn đàn
mercredi, 27 octobre 2021 22:09

Vẫn ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội đã nóng lên với một đám tang của một chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão hòa thượng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch sau 105 năm trụ thế. Ông đã viên tịch sáng 21/10/2021 ở chính ngôi chùa làng - chùa Giáng (Viên Minh tự).

ma0

Ảnh minh họa đám tang Đại lão hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch sau 105 năm trụ thế.

Ông là một trong những chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức được gọi là Phật giáo Quốc doanh tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với khẩu hiệu : "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội".

Sau khi viên tịch, lễ tang của ông đã được tiến hành trọng thể, có cả lãnh đạo nhà nước đến viếng với nhiều hoạt động rầm rộ, đông đúc được báo chí nhà nước và báo chí giáo hội quốc doanh đăng tải tràn ngập.

Lẽ ra, trước một đám tang, các Phật tử cũng như những người bình thường không phải Phật tử hoặc tôn giáo khác, đều phải có một thái độ thương tiếc, cung kính và nghiêm trang, thương tiếc trước sự mất mát của một người cả đời tu hành. Thế nhưng, đám tang đã để lại nhiều điều bàn tán, dị nghị và lắm thứ để cư dân mạng bàn bạc để rồi nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau.

Lời hay, ý đẹp và hình ảnh đơn sơ

Xem qua các bài báo mà hệ thống báo chí công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam viết về vị sư tu hành này, người ta có thể thấy nhiều những lời hay, ý đẹp, nhiều hình ảnh rất đơn sơ và dễ đi vào lòng những người mến mộ những người tu hành chân chính.

Đập vào mắt nhiều người, là hình ảnh Đại đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một người gầy gò trong bộ áo tu hành khác với hình ảnh những người mang áo tu hành với bộ mặt nung núc đầy mỡ, tròn vành vạnh bóng loáng như Thích Nhật Từ, Thích Thanh Cường…

ma1

Cũng kèm theo đó là hình ảnh bữa cơm rất đơn giản gồm bát cơm, canh… rất đạm bạc. Những hình ảnh này khác hẳn với những bữa cơm của những nhà sư quốc doanh khác thịnh soạn với những món "Cỗ Chay" hoặc cả cỗ mặn, hay những bữa cơm sang trọng của Đại Đức Thích Thanh Cường là giám viện tổ đình, trưởng hạ Đống Cao, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương hoặc nhiều người tu hành khác.

ma2

Chúng ta cũng có thể đọc được những lời hay ý đẹp của một người tu hành. Qua đó người nghe, người đọc rất dễ hiểu rằng, đó là một bậc chân tu, hiến thân cho sự nghiệp tu hành của bản thân, dâng hiến cả đời mình cho đời, cho Phật giáo.

Nói về cuộc sống của mình sau hơn 100 năm trụ thế, ông nói : "Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì.

Tôi trụ thế đến nay đã hơn trăm năm, ở chùa cũng đã gần trăm năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương, bao giờ chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi".

Hay là : "Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta, mà xuất gia để làm những điều Phật tổ dạy chúng ta, làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê. Cho nên đi học phải nhớ thực hành".

Ngược lại với hình ảnh những ngôi chùa to khổng lồ như Bái Đính, Đại Nam, Tam Chúc, Ba Vàng… chiếm cả trăm, cả chục ha đất đai bờ xôi ruộng mật với những "Kỷ lục" về quy mô to lớn, rộng lớn, về chất liệu xây dựng, về ý tưởng, với hàng đoàn sư sãi to béo bệ vệ thì đó là hình ảnh một vị sư ẩn mình trong chùa Giáng (Viên Minh tự) với những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ lâu đời.

Người ta cũng đọc thấy ý kiến của ông khi bàn về cơ sở vật chất, ông chỉ nói ngắn gọn : "Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì".

Điều này có vẻ như ngược lại quan niệm, tiêu chí của những đồng nghiệp, những sư sãi ở những chùa chiền khác tại Việt Nam. Ở đó, điều quan trọng là quy mô chùa to lớn, bằng vật liệu quý giá, hoành tráng… nhằm thu hút khách "du lịch tâm linh" nhằm kinh doanh, kiếm tiền. Còn cái mà ông gọi là "linh hồn" ở đó, người ta có thể bắt gặp những người vẫn hành nghề sư sãi với thân hình béo tốt, với những vụ "lộ sáng" như sư chơi ma túy, sư đưa gái vào chùa, sư ăn thịt chó… và nhất là sự hư hỏng bê bối của hệ thống sư được bổ nhiệm với nhiệm vụ chính là làm công cụ, làm cái loa cho chế độ như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ và hàng hà sa số các sư sãi khác như Thích Tâm Vượng chùa Cổ Lễ, Thích Minh Hiền ở Chùa Hương, Thích Thái Minh chùa Ba Vàng…

Một đám tang gây nổi sóng dư luận

Sau khi những hình ảnh, những lời nói được dư luận quan tâm, đồng cảm và đồng tình về một vị "Chân tu" với những lời ca tụng chưa dứt trong dư luận cũng như trên mạng xã hội, thì đám tang của Đại lão hòa thượng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ được hệ thống báo chí của Giáo hội Quốc doanh cũng như báo chí Quốc doanh được đưa lên bằng hình ảnh, video… đã làm choáng váng dư luận xã hội.

Một đám tang đông đúc giữa mùa dịch bệnh, với khung cảnh tràn ngập hoa và trang trí lộng lẫy đã gây ra không biết bao lời bàn tán. Người ta cho rằng với một vị sư tự nhận là "làm ruộng" và "chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương" thì hàng trăm triệu tiền hoa, nến, trang trí trong lễ tang là điều ngược lại.

Đặc biệt, điều mà hầu hết cộng đồng mạng choáng thật sự là cỗ quan tài được đục từ một cây gỗ quý nguyên khối để bỏ xác ông Thích Phổ Tuệ. Cỗ quan tài được cộng đồng mạng đánh giá tiền tỷ, được chế tạo kỹ lưỡng, chạm khắc công phu.

ma3

Biết bao nhiêu lời đồn đoán và những câu hỏi đặt ra về việc tổ chức đám tang, về hoa hòe, đèn nến, về cỗ quan tài và lăng mộ của ông ta được làm theo lệnh của ai, số tiền của để làm những việc đó từ đâu ra.

Bởi, ông là người đi tu với nghề "làm ruộng" thì chắc chắn không thể có bạc tiền để tổ chức cho mình đám tang hoành tráng như vậy.

Bởi trước đó, trên báo chí của Giáo hội Quốc doanh, còn nguyên đoạn viết về ông như sau : "Trước lúc thuận thế vô thường trở về cõi Phật, đức Đại lão HT. Thích Phổ Tuệ đã căn dặn : "Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc".

Người ta đặt câu hỏi : Vậy thì với một người được ca ngợi là cả đời tu hành chân chính, không màng đến của cải, vật chất trần thế, sống đạm bạc không đam mê ăn uống và trưng diện như các đồng nghiệp của mình, ông ta có biết đám tang sẽ được các đồng nghiệp của ông tổ chức quy mô và tốn kém như vậy không ?

ma5

Liệu chiếc quan tài bằng gỗ quý, nguyên khối tiền tỷ kia, có phải là biểu tượng của sự phá rừng, phá hoại môi trường sống hay không và liệu ông có biết hay không khi nó được chế tạo chuẩn bị sẵn từ khi ông còn sống ?

Và nếu ông ta không biết những điều sẽ xảy ra ở đám tang của ông, thì với lời dặn của ông, đám tay chân, đệ tử của ông tổ chức đám tang linh đình tốn kém vậy có phải là đã đi ngược ý nguyện và lời trăn trối của ông ta ?

Và nếu vậy, với tư cách Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông ta có chịu trách nhiệm về những suy đồi của Phật giáo hiện nay ?

Vẫn thò ra cái đuôi quốc doanh

Tìm hiểu về việc Giáo hội Quốc doanh tổ chức đám tang của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi ngược lại với những lời dạy của chính kẻ quá cố, người ta thấy váng vất đâu đây hiện tượng Hồ Chí Minh với di chúc và đám tang của ông ta.

Ở đó, Hồ Chí Minh cũng chi chúc lại "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân" và ông ta dặn đốt xác mình chia ra chứ không được xây lăng mộ. Thế nhưng không chỉ là lăng mộ khổng lồ tại Hà Nội mỗi năm ngốn hàng trăm, ngàn tỷ đồng tiền thuế người dân, mà còn khắp nơi nơi là tượng đài, là nhà lưu niệm, là bảo tàng… tốn kém vô hạn.

Thì ra, với người cộng sản, việc dặn dò chỉ là dặn dò và chỉ để làm phép. Còn hành động ngược lại là do đám con nhang, đệ tử thực hiện bất chấp mọi thứ chỉ nhằm xây dựng một tấm bình phong để ẩn nấp đằng sau đó mà làm loạn.

Vậy giữa một Đại lão Hòa thượng Pháp chủ và ông trùm cộng sản Hồ Chí Minh có liên hệ gì mà vẫn diễn ra sự giống nhau đến vậy trong sự ngược ngạo giữa lời nói và hành động thực tế, giữa ý nguyện của mình và cách thực hiện của đám đàn em, con nhang đệ tử ?

Đọc lại tiểu sử của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người ta thấy như sau : "Với nhiều công lao đóng góp cho đạo và đời, Đại lão Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì ; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các phần thưởng cao quý khác".

Vâng, với chừng đó thành tích và phần thưởng, đã là lời giải thích rất cụ thể, rất rõ ràng cho những mâu thuẫn mà dư luận xã hội đã đặt ra mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Có lẽ, cũng vì thế mà mặc dù ông đã nói : "Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì". Thì dù ở đời đến 105 tuổi, hơn gấp đôi tuổi vua Trần Nhân Tông, nhưng chưa ai nghe ông nói một câu nào về sự hà hiếp, cưỡng ép dân lành của thế lực cai trị đất nước là Đảng cộng sản Việt Nam. Ông cũng chưa có một lời nào về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

Bởi vì, dù ở nơi nào, chức vụ hoặc vị trí công tác nào, dưới sự lãnh đạo của đảng, thì vẫn là :

"Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi"

(Kiều)

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/10/2021 (nguyenhuuvinh's blog)

Additional Info

  • Author JB Nguyễn Hữu Vinh
Published in Diễn đàn

40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam : 4 vấn đề giáo hội không muốn nhắc đến

Thái Thanh, Luật Khoa, 29/08/2021

Những phần lịch sử bị lãng quên của Phật giáo Việt Nam

Sau ngày 30/4/1975, tương lai mà các nhà sư miền Nam mong đợi đã không đến. Sự tự do ở miền Nam trở thành một trong những vấn đề của Bắc Việt. Các tổ chức, hiệp hội, phong trào, giáo hội, v.v. đều là mối đe dọa đối với miền Bắc vì mối nghi ngờ họ có thể dính líu với CIA – Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

phatgiao1

Đoàn Phật giáo diễu hành trong lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5 năm 1985 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Tim Page/ Corbis

Trong số những người bị nghi ngờ đó có cả các nhà sư của khối Ấn Quang, những người đã góp phần lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 rồi tái lập một giáo hội có thanh thế lớn ở miền Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm 1977, ba nhà sư của khối Ấn Quang bị đưa đi thẩm tra , nhưng chỉ có hai người bước ra khỏi nhà giam. Đó là Thượng tọa Thích Quảng Độ và Thượng tọa Thích Huyền Quang. Người còn lại, Thượng tọa Thích Thiện Minh, đã chết trong trại giam vào tháng 10/1978 [1].

Theo Hòa thượng Thích Đôn Hậu, trước khi thành viên của Viện Hóa Đạo của giáo hội đến chứng kiến, thi thể của Thượng tọa Thiện Minh đã được đưa vào quan tài chỉ để lộ mỗi gương mặt . Các nhà sư cũng không được phép mang thi thể ông về an táng [2].

Tháng 11 tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập. Sau đây là bốn vấn đề có thể bạn chưa biết và có lẽ giáo hội cũng không muốn nhắc đến.

1. Quan điểm thật sự của Hòa thượng Thích Đôn Hậu về việc thống nhất Phật giáo năm 1981 không được nói rõ

Nếu đọc các bài viết về kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bạn sẽ cảm giác như tất cả các nhà sư đều đồng lòng thống nhất Phật giáo vào năm 1981. Bài viết Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam  đăng vào tháng 5/2021 là một ví dụ [3].

Bài viết ghi : "Hòa thượng Thích Đôn Hậu phát biểu : ‘Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo’". Tiếp theo : "Toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp". Kết quả là Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 13/2/1980.

Với thông tin như vậy, bạn sẽ nghĩ rằng Hòa thượng Đôn Hậu hết lòng ủng hộ việc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 để lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam như ngày nay. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa sự thật.

Theo ông Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh), người từng là cán bộ Ban Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh và có vai trò quan trọng trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Đôn Hậu đã rời khỏi cuộc họp đó trong buổi sáng và không tham gia nữa do bất đồng quan điểm về việc thống nhất Phật giáo. Chi tiết này được ông kể lại trong cuốn sách "Thống nhất Phật giáo Việt Nam ", do nhà xuất bản Quê Mẹ phát hành năm 1995 [4].

Theo tài liệu này, "quan điểm trước sau như một" của Hòa thượng Đôn Hậu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất) ở miền Nam và Hội Phật giáo thống nhất ở miền Bắc hợp lại thành một, hàng giáo phẩm, tăng ni, Phật tử tự quyết định mọi việc [5].

Quan điểm này không được chính quyền và các nhà sư ủng hộ nhà nước đồng ý, do lo ngại giáo hội nếu được thống nhất theo cách này sẽ tuột khỏi sự kiểm soát của đảng.

Trong lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ , Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa nhậm chức khi ấy, Hòa thượng Đôn Hậu viết : "…khi Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quý vị có ghi tên tôi vào Ban vận động… nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật" [6].

phatgiao2

Ảnh : Phật học Đời sống.

Vì sao sự hiện diện của Hòa thượng Đôn Hậu lại quan trọng đến mức giáo hội không muốn tiết lộ quan điểm bất đồng của ông và phải đưa bằng được tên ông vào Hội đồng chứng minh ?

Theo hiến chương năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất có hai viện : Viện Tăng thống và dưới viện này là Viện Hóa Đạo.

Từ năm 1979, Hòa thượng Thích Đôn Hậu là tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Với chức vụ này, ông trở thành người lãnh đạo giáo hội [7].

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam, không thể thống nhất Phật giáo sau năm 1975 mà không có sự đồng thuận của họ. Trong khi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã đồng ý tham gia theo chủ trương, việc còn lại là dàn xếp sự hiện diện của Hòa thượng Thích Đôn Hậu sao cho có vẻ như hai viện của giáo hội đều tán đồng thống nhất Phật giáo vào năm 1981, dù thực tế không đúng như vậy.

Có thể thấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay được thành lập không dựa trên sự tán thành của tất cả thành viên cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đặc biệt là Hòa thượng Đôn Hậu, Tăng thống của giáo hội.

2. Quần chúng Phật tử không còn là trung tâm của giáo hội trong Hiến chương 1981

Quần chúng Phật tử là thành phần quan trọng của Phật giáo miền Nam. Nếu các nhà sư là gốc rễ của một cái cây thì Phật tử là những cành, lá của cây. Các cuộc tranh đấu trước năm 1975 của Phật giáo sẽ không thể thành công mà không có quần chúng Phật tử dũng cảm đứng bên cạnh các nhà sư.

Tổ chức quần chúng Phật tử là hoạt động được coi trọng trước năm 1975.

Hiến chương 1964 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất  thừa nhận tín đồ Phật tử là một thành phần của giáo hội trong một chương riêng [8].

Theo hiến chương, Viện Hóa Đạo được tổ chức thành sáu tổng vụ, trong đó có Tổng vụ Thanh niên. Tổng vụ này bao gồm các vụ : Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử. Ở mỗi tỉnh có một đặc ủy thanh niên. Tổng vụ Thanh niên do Hòa thượng Thiện Minh – người chết trong trại giam được nhắc đến ở đầu bài viết này – coi sóc.

Đơn vị cơ sở của giáo hội là xã hoặc phường, với ban đại diện được quy định cụ thể.

phatgiao3

Thượng tọa Thích Quảng Độ (góc trái) cùng các tăng ni, Phật tử xô xát với cảnh sát ở Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Các lãnh đạo Phật giáo đã yêu cầu chính quyền tôn trọng giáo kỳ Phật giáo, đối xử công bằng, tôn trọng tự do truyền đạo và hành đạo, ngừng đàn áp Phật tử và bồi thường cho những người thiệt mạng. Ảnh : Horst Faas/AP.

Đến năm 1981, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam  không có một chương riêng về tín đồ. [9] Về tổ chức quần chúng, giáo hội chỉ còn lại một chức danh là trưởng ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Hội đồng trị sự, không còn các chức danh phụ trách cụ thể về gia đình, sinh viên, học sinh, và thanh niên.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ tổ chức các ban trị sự cấp tỉnh. Ở cấp huyện và xã có thể không có ban đại diện. Đáng chú ý nhất là đơn vị cơ sở của giáo hội đã thu hẹp hết mức, chuyển từ xã, phường thành các "Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường".

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, việc thay đổi đơn vị cơ sở của giáo hội cho thấy giáo hội đã lấy chùa làm trung tâm, thay vì quần chúng Phật tử như trước đó [10].

Sau 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số tín đồ Phật giáo theo Tổng Điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019  chỉ còn 4,6 triệu người, giảm hơn 30% so với năm 2009, trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ hai tại Việt Nam, sau Công giáo [11].

3. Cờ Phật giáo bị loại bỏ trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 26 năm

Có một điều vô cùng bất thường trong Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo năm 1981 là không một lá cờ Phật giáo nào được treo, thay vào đó là cờ đỏ sao vàng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

44phatgiao4

Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981. Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cờ Phật giáo được Hòa thượng Thích Tố Liên treo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ vào năm 1951, và rồi trong ba mươi năm sau đó, cũng tại ngôi chùa này, các nhà sư tham gia hội nghị thống nhất Phật giáo lại để lá cờ tuột khỏi hiến chương của giáo hội.

Trong 40 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đến 26 năm (1981 – 2007)  không đưa được giáo kỳ – một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế – vào trong hiến chương của mình [12].

Cờ Phật giáo không đơn giản là một mảnh vải năm màu. Dưới lá cờ này, các nhà sư và Phật tử đã tranh đấu quyết liệt, đánh đổi bằng nhiều tánh mạng để bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo, gầy dựng thanh thế của Phật giáo ở miền Nam và trên trường quốc tế.

Cũng chính vì để giữ lấy giáo kỳ mà nhiều tăng, ni đã tự thiêu để phản đối chế độ mới cấm treo cờ Phật giáo sau năm 1975, điển hình như vụ tự thiêu của 12 tăng, ni chùa Dược Sư, tỉnh Cần Thơ  vào tháng 11/1975 [13].

phatgiao5

Cờ Phật giáo được treo cùng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 1/5/1975 tại khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Sau đó, chính quyền đã cấm treo cờ Phật giáo. Ảnh : Herve Gloaguen/ Gamma-Rapho via Getty Images.

4. Phủ nhận sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Lời nói đầu trong Hiến chương năm 1981 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam  tuyên bố "Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước" [14].

Trong khi đó, Hòa thượng Đôn Hậu đã tuyên bố ông vẫn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Từ đây, các nhà sư đã chia ra thành hai phe. Nhà sư hợp pháp theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoác lên mình chiếc áo mới hợp thời hơn, đồng thời đẩy những nhà sư từng tranh đấu với họ trước năm 1975 trở thành các nhà sư bất hợp pháp.

Hơn ba tháng sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh trục xuất Thượng tọa Quảng Độ và Thượng tọa Huyền Quang ra khỏi thành phố vào ngày 25/2/1982. [15] Năm tháng sau, Ấn Quang Tự, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bị cưỡng chiếm. Trong năm ngày, toàn bộ tài liệu của giáo hội đã bị đốt bỏ [16].

Năm 1997, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi hiến chương với lời nói đầu  ghi : "Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam" [17].

Sau khi Hòa thượng Đôn Hậu qua đời vào tháng 4/1992, Hòa thượng Huyền Quang nhậm chức tăng thống, tiếp tục lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho đến năm 2008. Chức tăng thống sau đó được Hòa thượng Thích Quảng Độ đảm nhận cho đến năm 2020. Hiện nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đảm trách  Xử lý Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất [18].

Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được phép xây dựng những ngôi chùa cao lớn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất chật vật với việc duy trì các hoạt động và chịu đựng các hành động đe dọa của chính quyền.

Hòa thượng Thích Huyền Việt, người điều hành Văn phòng 2 Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại Texas, Mỹ (đề phòng văn phòng trong nước không hoạt động được), nói với VOA  rằng dù hàng giáo phẩm của giáo hội trong nước còn ít người nhưng "từ tăng, ni cho đến Phật tử vẫn còn hàng hàng lớp lớp" [19].

Thái Thanh

Nguồn : Luật Khoa, 29/08/2021

Chú thích :

1. Trần Phương. (2021, March 1). Hòa thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu. Luật Khoa. 

2.  RFA. (2015, April 27). Cuộc đàn áp quy mô Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 30/4

3.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2021, May 15). Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

4.  Đỗ Trung Hiếu. (1995). Thống nhất Phật giáo Việt Nam, trang 29. Quê Mẹ. 

5.  Xem [4], trang 13, 14.

6.  Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. (1981, November 28). Thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam. Tu Viện Quảng Đức. 

7.  Tu viện Quảng Đức. (2010). Tiểu sử Hòa thượng Thích Đôn Hậu

8.  Nam Thanh. (1964). Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

9.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đại hội I)

10.  Xem [4], trang 44.

11.  Luật Khoa. (2021, February 18). Thống kê số tín đồ Phật giáo : Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng

12.  Ban Dân vận, Tỉnh ủy Tuyên Quang. (2021). Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Web Archive. 

13.  Luật Khoa. (2020, March 8). Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng

14.  Xem [9]

15.  Luật Khoa. (2020, March 1). Hòa thượng Thích Quảng Độ : Một đời tranh đấu

16.  Xem [2]

17.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012b). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu chỉnh năm 1997. 

18.  SBS. (2020, April 29). Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ phụng thừa di huấn của Đức cố Đệ ngũ Tăng thống lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

19.  VOA. (2020, July 21). Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tìm cách duy trì hoạt động

*******************

Ban Tôn giáo Chính phủ nói "sẵn sàng đón các đạo lạ". Bạn nên hiểu chuyện này thế nào ?

Văn Tâm, Luật Khoa, 28/08/2021

Chính quyền sẽ cần phải giải quyết những vấn đề mà chính họ đã tạo ra.

image-75

Người gốc Việt theo Pháp Luân Công diễu hành tại Manhattan, thành phố New York, Mỹ vào tháng 5/2019. Ảnh : Falun Dafa Informationszentrum.

Vào đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã có phát biểu đáng chú ý về "đạo lạ" trong một hội thảo về đất đai tôn giáo.

"Dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ…", ông Thắng, người cũng đang đứng đầu Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết [1].

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết chỉ hai tháng trước phát ngôn trên, vào tháng 4/2021, chính ông Thắng đã kêu gọi  chính quyền, công an các địa phương "ngăn chặn các ‘tà giáo’ hoạt động trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội" [2].

"Đạo lạ" và "tà giáo" trong phát ngôn của ông Thắng khác nhau như thế nào ? Phong trào tôn giáo mới là gì ? Bạn cần biết những gì về phong trào này ?

"Đạo lạ" là sáng chế của Việt Nam

Nếu bạn cố tìm kiếm trên Google thuật ngữ tương tự với "đạo lạ"trong tiếng Anh, khả năng cao bạn sẽ tìm thấy một bài hát.

"Đạo lạ" là từ do các nhà nghiên cứu Việt Nam sáng chế  với ý chỉ một tôn giáo, tín ngưỡng chưa thể khẳng định là tốt hay xấu, nhưng trước hết là có các sinh hoạt khác với các tôn giáo chính thống [3].

Trên thế giới, khi đề cập đến các tôn giáo xuất hiện từ sau thế kỷ XIX, người ta thường sử dụng cụm từ tôn giáo mới (new religion), phong trào tôn giáo mới (new religious movement), nhưng phổ biến hơn cả là giáo phái (cult).

Theo giáo sư ngôn ngữ học Robin Clark, thuộc trường Đại học Pennsylvania, vào nửa đầu thế kỷ XX, từ "cult" được ngành xã hội học dùng để chỉ những nhóm xã hội  có niềm tin và thực hành lệch lạc với chuẩn mực xã hội. Trước đó, người ta dùng từ này để chỉ các hoạt động mang tính sùng bái tôn giáo thông thường [4].

Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng về việc sử dụng từ "tà đạo" (evil cult) để đàn áp các giáo phái mới thu hút đông đảo người tham gia như Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng, Môn đồ hội (Mentuhui), v.v.

Chữ "tà đạo" cũng được chính quyền và báo chí Việt Nam sử dụng thường xuyên khi muốn tấn công một giáo phái nào đó.

"Đạo lạ" có khác với "tà đạo" ?

Có lẽ bạn đã quen nghe về các cụm từ "tà đạo, đạo lạ, giáo phái" từ hệ thống tuyên truyền thông qua báo chí, chính quyền địa phương. Trong ba cụm từ này, "tà đạo" được sử dụng phổ biến nhất.

Trong các bài viết nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, chính quyền địa phương gọi các giáo phái được cho là có các hoạt động chống chính quyền, lợi dụng niềm tin của người dân là "tà đạo". Ví dụ như "tà đạo Hà Mòn "[5], "tà đạo Hội thánh Đức Chúa trời "[6], "tà đạo Dương Văn Mình " [7] , v.v.

Điều đáng nói ở đây là không một cụm từ nào trong ba cụm từ trên được định nghĩa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.

phatgiao6

Một bài báo của báo Công an Nhân dân đăng ngày 30/9/2020. Ảnh chụp màn hình.

Trong một bài viết tường thuật hội thảo về "tà đạo, đạo lạ"  do Ban Tôn giáo Chính phủ và học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 6/2021, "tà đạo" được cho là một phần của các "đạo lạ" [8].

"Trong số các đạo lạ, có những loại hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là tà đạo", bài viết trên trang của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết.

Lằn ranh mong manh

Khi nghe đến các giáo phái, phản ứng đầu tiên của bạn như thế nào ? Có phải bạn cảm thấy mình bỗng dưng dè chừng, bạn tự mặc định rằng "giáo phái" sẽ giảng dạy những điều không hợp lý, lợi dụng người tham gia để trục lợi, khiến họ trở nên cuồng tín ?

Tiến sĩ Ori Tavor, khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, trường Đại học Đại học Pennsylvania cho rằng  bản thân cụm từ "giáo phái" là dùng để chỉ một phong trào nào đó đang gây tranh cãi, bị xem là mối đe dọa đối với xã hội chính thống [9].

Ông cho biết, cần nhiều thời gian để một phong trào được chấp nhận trong bối cảnh tôn giáo hiện tại.

Vào thời gian đầu, khi đạo Mặc Môn được sáng lập tại Mỹ, tôn giáo này bị cho là mê tín dị đoan, với nhiều hủ tục trong đó cho phép đàn ông lấy nhiều vợ (bị bãi bỏ vào năm 1890 ). Đạo này bị thù ghét đến nỗi nhà sáng lập Joseph Smith bị đám đông sát hại vào năm 1844 trong lúc đang bị giam giữ [10]. Hiện nay, đạo này có hơn 14 triệu tín đồ và được công nhận trên khắp thế giới. Năm 2019, chính quyền Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận  đăng ký hoạt động tôn giáo cho đạo Mặc Môn [11].

Các thành viên của phong trào Cơ đốc Phục Lâm từng tuyên bố tận thế sẽ đến vào năm 1843, nhưng thế giới vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đây cũng là một tôn giáo được công nhận tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các câu chuyện khởi sinh của giáo phái mới tại Việt Nam thường bị chính quyền từ chối. Các tôn giáo mới bị chỉ trích, kết tội và loại ra khỏi xã hội. Ta có thể xem xét hai câu chuyện sau đây, dù cùng một nội dung nhưng lại có cái kết rất khác nhau.

Câu chuyện thứ nhất : Vào những ngày đó, nhiều giáo dân đang lánh nạn từ cuộc bách đạo của quan quân. Đến một hôm, trong lúc mọi người đang cầu nguyện thì một người phụ nữ hiện ra. Bà mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần đi theo. Giáo dân lập tức biết đó là Đức Mẹ. Bà ân cần an ủi các giáo dân, dặn họ hái lá cây quanh đó, nấu lá lấy nước uống sẽ trị dứt các chứng bệnh. Bà cũng dặn các giáo dân hễ có chuyện gì hãy đến chốn này để cầu nguyện và bà sẽ ban ơn theo ý nguyện. Vài trăm năm sau, nơi đây trở thành một thánh địa hành hương nổi tiếng có tên Thánh địa La Vang , dù không ai biết chính xác sự kiện Đức Mẹ hiện ra đó đã xảy ra vào thời gian nào [12].

Câu chuyện thứ nhì : Vào năm 1999, tại làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum, một người phụ nữ dân tộc Bahnar tên là Ygyin cho rằng chính bà đã thấy Đức Mẹ hiện hình [13]. Bà đã đem câu chuyện đó kể cho các giáo dân khác, rồi mọi người cùng lập một nhóm thờ Đức Mẹ gọi là "Công giáo Hà Mòn". Bà đi khắp nơi để kể câu chuyện của mình và mời gọi mọi người tham gia nhóm, "ai theo ‘Đức Mẹ’ sẽ được phù hộ , cứu rỗi linh hồn, sau này chết sẽ được lên thiên đàng" [14].

v

Bà Ygyin, người sáng lập đạo Hà Mòn bị tuyên án ba năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm được tổ chức lưu động vào tháng 5/2013. Ảnh : Quang Hồi/ Báo Biên phòng.

Cái kết của câu chuyện thứ nhì là bà Ygyin bị chính quyền kết tội tuyên truyền tà đạo và phải chịu án tù. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai cho rằng  việc bà nói "Đức Mẹ sẽ phù hộ, cứu rỗi linh hồn" là để lừa bịp người dân [15]. Tuy nhiên, phát ngôn đó của bà Ygyin hoàn toàn phù hợp với đức tin của đạo Công giáo. Năm 2013, bà cùng với các tín đồ khác bị tuyên án ba năm tù giam , trong một vụ án mà họ bị cáo buộc cấu kết với các thành viên FULRO nước ngoài chống đối chính quyền Việt Nam [16].

Hiện nay, chính quyền địa phương, báo chí, công an đang "buộc tội" một số giáo phái là "tà đạo" một cách hoàn toàn cảm tính. Cách buộc tội như vậy khiến các tín đồ của các giáo phái không tôn trọng cách quản lý của chính quyền, và người dân thì ngày càng sợ hãi, kỳ thị các giáo phái.

Đạo Hà Mòn chỉ là một trong 85 "đạo lạ" hiện nay  tại Việt Nam, theo Ban Tôn giáo Chính phủ [17]. Trong tương lai, việc sa đà vào định nghĩa "đạo lạ", "tà giáo" sẽ khiến Việt Nam ngày càng trở thành một xã hội kém dung nạp, kỳ thị tôn giáo.

"Chiếc áo" quá chật, làm sao nới ra ?

Việt Nam sẽ đón nhận các "đạo lạ" như phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng như thế nào vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. 

Tuy nhiên, việc đón nhận này ít nhiều sẽ khiến chính quyền phải tự tay nới lỏng "chiếc áo" kiểm soát tôn giáo hiện nay.

Bấy lâu nay, chiếc áo đó đã được đan bằng nhiều lớp chằng chịt, với bộ máy quản lý tôn giáo từ trung ương đến địa phương, lực lượng công an, báo chí – tuyên truyền, viện kiểm sát, tòa án, và Quốc hội với việc ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị  đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern – CPC) dành cho những nước dung túng các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo [18].

phatgiao8

Năm người Thượng (các ông Nay Y Blang, Nay Y Lới, Ksor Y Blang, Hwing Y Nuk và Rô Da) bị kiểm điểm trước công chúng tại xã Ia Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vì tham gia Hội thánh Tin Lành Đấng Christ. Ảnh : MSFJ News.

Trước khi tiến tới việc đón nhận các "đạo lạ", chính quyền Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề do chính mình đã tạo ra.

Thứ nhất, việc định nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 khiến các giáo phái mới không đạt tiêu chuẩn để được hoạt động tôn giáo công khai. Chính quyền đã dựa vào những định nghĩa này để trấn áp hoạt động của các giáo phái.

Thứ nhì, nỗ lực của ngành báo chí và tuyên giáo trong những năm qua đã làm cho người dân tin rằng các giáo phái mới có nhiều mặt xấu hơn là mặt tốt. Việc này có thể sẽ là một cản trở lớn khi chính quyền cho phép các giáo phái hoạt động.

Thứ ba, không chỉ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, còn rất nhiều quy định bất cập khác đối với tôn giáo liên quan đến việc cấp đất đai, quyên góp, từ thiện cũng cần sửa đổi nếu như Việt Nam muốn dung nạp các tôn giáo mới.

Thứ tư, lực lượng công an, cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ tôn giáo đã quen với cách can thiệp, trấn áp các hoạt động của các giáo phái. Việc phân biệt "đạo lạ", một thứ có thể chấp nhận, và "tà đạo", không được phép tồn tại chắc chắn sẽ đem lại khó khăn cho những lực lượng này.

Dù sao đi nữa, phát ngôn của ông Vũ Chiến Thắng ở cương vị hiện tại cũng là một tín hiệu hứa hẹn đối với các giáo phái mới và các tín đồ, dù chưa rõ chiếc áo đã quá chật sẽ được nới rộng như thế nào.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 28/08/2021

Chú thích :

1.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng

2.  Báo Tuổi Trẻ. (2021a, April 2). Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngăn chặn các hiện tượng "tà đạo". 

3.  Học viện Khoa học Xã hội. (2021, January 26). Tọa đàm khoa học số 03: Các hiện tượng tôn giáo mới và chính sách, pháp luật của Việt Nam

4.  Penn Today. (2019, August 29). Is it a cult, or a new religious movement ? 

5.  Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương. (2020, April 24). Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

6.  Báo Công an Nhân dân. (2018, May 1). Tà đạo Hội thánh Đức Chúa trời: Cần biện pháp xử lý mạnh

7.  An ninh Thủ đô. (2013, November 3). Đừng để thù nghịch lấp đầy lý trí

8.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 17). Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay

9.  Xem [4]

10.  History. (2020, December 14). The Mormon Church officially renounces polygamy

11.  Đại đoàn kết. (2019, December 7). Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô: Lan tỏa đức tin từ một đời sống lành mạnh

12.  Chuyên trang thông tin hành hương La Vang. (2017, July 17). Phần 1 : Sự tích Đức Mẹ La Vang

13.  RFA. (2020, December 22). Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động

14.  Tuyên giáo Gia Lai. (2016, August 22). "Hà Mòn" sự thật về một tà đạo

15.  Xem [14]

16.  BBC. (2013, May 28). 63 năm tù cho nhóm đạo Hà Mòn

17.  Xem [8]

18.  Luật Khoa. (2021, May 12). Tôn giáo tháng 4/2021 : Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần "quan tâm đặc biệt". 

Additional Info

  • Author Thái Thanh, Văn Tâm
Published in Diễn đàn

Nếu đã là tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì đừng giả vờ tự trọng, mà hãy tự trọng thật sự

Biết nơi chốn ấy gió tanh mưa máu, hà cớ vì sao, là người chân chính, hơn nữa là một tu sĩ, ta còn ngồi xuống cùng mâm, nhỡ dính máu thì sao, hay quyết dây máu ăn phần ? Mấy ngàn năm trước, một vị vua đã từ bỏ công danh, Ngài chọn đi tu, cứu nhân độ thế, chỉ có một mình Ngài, chứ không thấy sách vở nói đến việc Ngài phải đàn đúm mới thành chánh quả, kia mà !

phatgiao1

Cận cảnh bức tranh sơn mài "Đạo pháp và dân tộc", hình Hồ Chí Minh được xếp ngang hàng với chân dung Đức Phật gây tranh cãi

Những ngày qua, cộng đồng tăng ni quốc doanh (tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam), cũng như nhiều cây bút (hay) viết về Phật giáo, không tiếc lời chỉ trích (kể cả hằn học) bài trả lời phỏng vấn của ông Tiến sĩ do nhà báo Hoài Thanh thực hiện, đăng trên tờ Zing. Bên cạnh đó, nhiều kênh đấu tố ông Tiến sĩ được lập ra, kêu gọi chính quyền phải xử lý nghiêm ông ta, có cả việc yêu cầu cơ quan nơi ông Tiến sĩ công tác kỷ luật ông. Cụ thể mời đọc điển hình bài Thích Trung Hữu : Hoàn tục cầm theo 300 tỷ, từ khi nào thầy tu trở thành một nghề ‘hái ra tiền’ ? (1)

phatgiao2

Tôi lặng lẽ quan sát trung dung, vô cùng thận trọng, để đi đến quyết định, là phải viết về câu chuyện này, hầu mong có cái nhìn đa chiều góp phần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng. Mà nếu được như vậy, cũng có nghĩa là bảo vệ Phật pháp ở Việt Nam, đang từng ngày sa vào ma đạo, dưới sự thao túng của tổ chức được đảng dựng lên năm 1981, với danh xưng, mà mới nghe qua, tưởng chừng "Phật pháp vô biên" : Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bối cảnh ra đời của "Công ty cổ phần Phật giáo Việt Nam", hay gọi "Tập đoàn Phật giáo Quốc doanh Việt Nam" này, quý vị có thể tham khảo thêm trên xa lộ thông tin internet, vì khuôn khổ bài viết tôi không thể sơ lược được.

Tôi chọn viết về điều này, đích xác là chọn bảo vệ cho những điều mà ông Tiến sĩ Dũng chỉ trích, phê phán thẳng mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu sĩ nói chung trực thuộc Giáo hội này. Bởi vì lí do tiên quyết đầu tiên, ngày hôm nay, những điều ông Tiến sĩ Dũng chỉ trích là hoàn toàn đúng với thực trạng Phật giáo Quốc doanh, nhưng chúng ta quay lưng với ông ta, thì ngày sau, còn ai dám lên tiếng bảo vệ cái đúng, nói chung, cũng như phê phán những điều sai quấy mà không ít tu sĩ Phật giáo, có chức sắc từ tỉnh đến Trung ương đang lấp liếm bằng màu vàng của tà áo cà sa trân quý, cũng như giáo lý truyền thống Phật giáo ! Tất nhiên, những điều ông Tiến sĩ chỉ trích, có đúng hay sai, cá nhân tôi thiển cận, xin được đưa ra một vài luận chứng tiếp sau, hầu mong quý vị minh mẫn tỏ tường. Và, cá nhân cũng vô cùng cảm kích, lắng nghe ý kiến của tất cả, tuy nhiên, trước khi có phản biện, thì xin vui lòng trả lời minh định cho những câu hỏi, mà tôi đưa ra, trong bài viết này.

Trước tiên, phải xác tín bối cảnh không gian, thời gian, đối tượng chủ thể bị ông Tiến sĩ Dũng phê phán, chỉ trích. Đó là thực trạng của tu sĩ Phật giáo Quốc doanh ở Việt Nam, nói chung. Đó là Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam. Thời gian là từ sau năm 1981 đến nay, thời điểm Giáo hội Phật giáo Quốc doanh ra đời, như đã nói ở trên. Đồng thời, cần phải minh định những điều ông Tiến sĩ chỉ trích không nhắm vào giáo lý Phật giáo truyền thừa mấy nghìn năm qua. Bởi, đọc những bài viết kêu gọi trừng trị nghiêm ông Tiến sĩ vì những gì ông nói, tôi nhận thấy rằng, hầu hết, người ta cố tình nhập nhoạng, tròng tréo giữa hai phạm trù này, hòng đạt được dã tâm kết tội ông Tiến sĩ phỉ báng giáo lý Phật giáo truyền thừa. 

Bên cạnh đó, bằng ngòi bút tâm ma nhưng nhân danh bảo vệ Phật pháp, rồi từ đó, dùng câu chữ văn chương, nguy biện lung lạc người nghe, người đọc để kết tội ông Tiến sĩ. Mà đúng ra, đừng nói là tu sĩ, chỉ cần một người bình thường, một lương dân thôi, khi chúng ta bị chỉ trích, điều đầu tiên phải lắng lòng, bình tâm nhìn nhận thấu xét nhiều lần, soi rọi bản thể, là những điều mình bị phê phán đó, là mình sai hoàn toàn (hoặc có phần sai trong đó) hay người ta cố tình vu vạ cho mình. Tôi tin rằng, bất kì ai có lòng tự trọng, có liêm sỉ đều sẽ như thế. Đằng này, đọc qua không ít bài viết chỉ trích hay kêu gọi trừng trị nghiêm ông Tiến sĩ, đều cho tôi (và tôi chủ quan nghĩ rằng quý vị cũng thế) cảm giác, tuy là một tu sĩ Phật giáo, nhưng họ nhảy cẫng lên như đỉa phải vôi, nhảy cẫng lên, vung trôn đá đít, xói xỉa, ăn thua đủ với ông Tiến sĩ Dũng vậy. Xin cho hỏi, Phật Thích Ca nào dạy môn đồ của ông sân si hơn cả người thường như thế không ? Xin hãy trả lời tôi đi.

Hẳn nhiên, tôi đoán chừng, bản chất lấp liếm, hầu mong che đậy sự mục ruỗng của không ít những tâm hồn mượn đạo tạo nghiệp (chứ tôi không nói tạo đời), sẽ lại hét toáng lên, dù có là thánh nhân, nhưng trước sự việc ông Tiến sĩ lăng mạ, phỉ báng Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam, phỉ báng Phật giáo, thì cũng không thể ngồi im, huống hồ chúng tôi là tu sĩ (hoặc Phật tử, hoặc "những ngòi bút bảo vệ Phật pháp").

Xin thưa ! Hãy im đi đừng to tiếng lớn giọng nhân danh những điều cao quý mà nội hàm ẩn chứa sự bịp bợm thế nhân. Trong lễ hội Phật đản mà Việt Nam đăng cai tổ chức mới đây, đừng nói là phỉ báng Tăng, Ni khi có màn trình diễn múa thật ấn tượng của những nữ nhân múa được mặc đồ xuyên thấu, mà bất kì tu sĩ Phật giáo nào, còn liêm sỉ sẽ phải đỏ mặt, dù đã quay lưng lại không dám nhìn. Cho tôi hỏi, có bao nhiêu Tăng, Ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự trọng lên tiếng phản đối điều này, hay lại vỗ tay rần rật như những đại biểu quốc hội ngủ gật mà nhân dân ta thán bấy lâu ? 

Thôi hãy cho rằng với tấm lòng vị tha, cho nên dù bị phỉ báng trắng trợn như thế, nhưng Tăng, Ni đều bỏ qua. Tạm chấp nhận với suy luận này, cho dù nó mâu thuẫn tuyệt đối với sự sân hận trong trường hợp ăn thua đủ, đối với ông Tiến sĩ Dũng. Thế nhưng, cũng trong lễ hội Phật đản này, bức tranh "Đạo pháp và dân tộc" họa vẽ ông Hồ Chí Minh chẫm ghệ, ngông cuồng ngồi ngang hàng với Ngài Đức Phật Thích Ca. Đây là một sự phỉ báng Đức Phật Thích Ca, phỉ báng Đức Tin, phỉ báng Phật giáo có chủ đích. Cho tôi hỏi, là một tu sĩ Phật giáo, phải biết bảo vệ sự tôn nghiêm hình tượng Đức Phật, bảo vệ Tam bảo, nhưng đứng trước sự báng bổ như thế, có bao nhiêu tu sĩ Phật giáo lên tiếng ? Xin trả lời tôi đi. Đừng hỏi vì sao, trong phần chỉ trích của ông Tiến sĩ Dũng, có đề cập đến chuyện Phật pháp lung lay. Bởi sự im lặng của quý vị trước sự báng bổ này, thì tên gọi Phật giáo Việt Nam, e rằng thiếu sót, mà cần phải gọi đúng bản chất là Phật - Hồ giáo Việt Nam. Như vậy, Phật giáo ở Việt Nam không lung lay là gì ?

Xin đừng tự làm nhục thêm nữa, nếu lại vặn vẹo tôi rằng, hãy phân tích bức tranh ấy đã phỉ báng Đức Phật Thích Ca ra làm sao ! Tôi phải nhắc lại, đừng vặn vẹo điều này, vì như thế chỉ càng tự làm nhục người hỏi mà thôi. Đến đây, tiếp tục xin hãy trả lời giúp tôi, là tu sĩ, là tín đồ Phật giáo, phải bảo vệ Tam Bảo, thế nhưng biết bao ngôi chùa bị triệt hạ, Đức Phật (tượng) chẳng chốn dung thân, đồng đạo khổ nạn, mà hầu hết (tôi không muốn dùng từ tất cả) có vị nào tương trợ, lên tiếng phản đối không ? Đã đành không lên tiếng tương thân tương ái, một đạo lý làm Người cơ bản, đằng này, lại còn tranh tối, tranh sáng đấu tố, triệt hạ đồng đạo bằng cách này hay cách khác. 

Cụ thể, như tịnh thất Bồng Lai vừa gặp nạn, thì các vị ở đâu, hay là những tu sĩ có chức sắc sẽ thừa nước đục, nhấn luôn xuống bùn. Hay như 2 ngôi cổ tự có niên đại hơn 200 năm ở Huế, đặc biệt, trong đó có một ngôi cổ tự là ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Thiền Lâm Tế xây dựng, đang yên đang lành, sau một đêm, bị tháo dỡ tan tành, khiến cả Đức Phật cũng ngỡ ngàng, bàng hoàng đau buốt. Sự triệt phá này, là cả một dự mưu của một nhóm người khoác áo tu sĩ, thế các vị là tu sĩ không nằm trong nhóm người ấy, hà cớ vì sao im lặng ? Im lặng trong ngữ cảnh này, là liên đới tiếp tay. Trong khi đó, những nơi buôn bán tâm linh như Tam Chúc, Bái Đính, thì tu sĩ chức sắc ở Trung ương Giáo hội, lại trơ trẽn nhận bừa là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ? Điều này, càng tố cáo, theo cách nói của ông Tiến sĩ Dũng, đi tu như một cái nghề !

Giáo lý xuyên suốt của Phật giáo truyền thừa là cứu khổ cứu nạn chúng sanh. Nhưng giờ đây, các vị chỉ chăm chăm vào việc xây những chùa to vật vã, một bước lên xe hơi, hai bước lên phi cơ, đến mức có nhiều ngôi chùa, buổi tối đi ngang, sự trang trí lòe loẹt, tôi cứ ngỡ đấy là một quán bar, chưa lên nhạc. Phật nào dạy những điều như thế không ? Các vị nếu không thể đau trước với nỗi đau chúng sanh, vui sau niềm vui bá tánh, thì ít ra, cũng làm được cái việc, san sẻ bổng lộc thiên hạ cho cuộc đời có nhiều hơn những nụ cười. Có đâu, bá tánh đi xe bộ, cụ già đi xe đạp, đến cúng dường cho Tam Bảo. Hầu hết, đại diện cho Tam Bảo sẽ đi xe hơi, ngủ phòng lạnh, và tay nải thiếu gì thiếu, chứ không thiếu tiền. Tôi nhấn mạnh từ hầu hết. Có câu ngạn ngữ, đại khái, chỉ có con công mới chăm chút bộ lông của mình, mà quay lưng với nỗi đau đồng loại. Đấy là nói về con công. Tất nhiên, các vị là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ đâu phải con công. 

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, chỉ một vài con sâu làm rầu rau trong nồi canh. Đừng ngụy biện như thế, tôi sẽ chứng minh cho quý vị thấy, sâu nhiều hay rau nhiều, và tôi sẽ chọn những con sâu lớn cho luận chứng tăng phần trọng lượng. Trước hết, quý vị hãy thật lòng cho biết, có hay không những người vừa là tu sĩ có chức sắc cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa là đảng viên đảng cộng sản ? Là đảng viên đảng cộng sản thì không thể là tín đồ của bất kì tôn giáo nào, chứ đừng nói là tu sĩ, và ngược lại. Chẳng nhẽ, điều giản đơn này, các vị lại chẳng thể tỏ tường. 

Không cần kể lại cách trơ trẽn của vị chức sắc nhận bừa Tam Chúc, Bái Đính là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi sẽ dẫn chứng 2 trường hợp, là Hòa thượng, là trụ trì của 2 ngôi chùa lớn nhất, nhì tại Sài Gòn, đó là Việt Nam Quốc Tự, và Hoằng Pháp Tự. "Đức cao vọng trọng" mới thăng danh Hòa thượng, mới được làm trụ trì chùa lớn như thế, nhưng lại hết sức hàm hồ, lộng ngữ, phạm phải những điều cấm trong Giáo lý Phật giáo truyền thừa. Mùa Giáng sinh của tôn giáo Thiên Chúa giáo, năm 2017, trụ trì chùa Hoằng Pháp, trong buổi giảng của ông, tại chùa, ông đã lên tiếng đả kích tôn giáo bạn, khi ông cho rằng, tại sao Phật tử lại vui chơi, ăn uống, tiệc tùng trong ngày Lễ giáng sinh. Tệ hơn nữa, để chứng minh ông trong sạch, ông cho biết, một Phật tử ở hải ngoại gởi quà nhân dịp lễ này, ông cho quà vào sọt rác. Điều ông nói, trước bao nhiêu tín đồ hôm ấy, khiến nhiều người bất mãn ra về dù buổi giảng chưa kết thúc. 

Chuyện tương tự này, ông Hòa thượng Thích Nhật Từ cũng từng. Rồi hồi tháng 6 năm ngoái, khi nhân dân cả nước (bao gồm tín đồ Phật giáo) đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Thế nhưng, với trình độ kiến thức của một học vị Tiến sĩ, ông Hòa thượng trụ trì Việt Nam Quốc Tự, đã công khai ý kiến, ông chỉ trích hành động xuống đường của nhân dân, của tín đồ Phật giáo là hoàn toàn sai trái, khi ông trả lời phỏng vấn tờ SGGP. Thậm tệ hơn, ông ta còn nhân danh những tín đồ Phật giáo khác, hàm hồ cho rằng, có rất nhiều Phật tử phản đối người dân biểu tình. Tuy nhiên, ông không thể trả lời được câu hỏi nhiều Phật tử là bao nhiêu, và những ai ? 

Nhìn sang vấn đề tội phạm học, thì thử hỏi những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tu sĩ trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu như có đủ. Đâm chém có, trộm cắp có, lừa đảo có, nhất là vụ xin tí khí, không cho hiếp dâm luôn, nhan nhản ra. Sao các vị không thấy xấu hổ, chỉ cần nhìn sang tôn giáo bạn, Thiên Chúa Giáo, họ có bê bối kinh hoàng như cái Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam của các vị không ? Chắc chắn là không ! Vậy nguyên nhân từ đâu, có rất nhiều yếu tố, nhưng quan thiết là bên tôn giáo bạn không có chuyện sau một đêm thức dậy thành Linh mục, thành Thầy, Sơ trong các nhà Dòng. Nhưng Phật giáo vấn đề sau một đêm thức dậy, chỉ cần cạo trọc đầu, là "sư", không phải hiếm gặp, nếu không muốn nói là nhiều. Như vậy, lời của ông Tiến sĩ Dũng đâu phải hoàn toàn sai.

Đúng lý ra, chỉ với đạo làm Người thôi, khi chúng ta bị người đời chỉ trích, thì nếu không làm được cái việc cảm ơn họ, thì chí ít cũng nên lẳng lặng soi rọi lại chính mình. Người ta có thương, mới chỉ trích cho dù có hơi nặng lời (riêng sự chỉ trích của ông Tiến sĩ Dũng là còn nhẹ), chứ không, họ mặc kệ, xem chúng ta như hồn ma bóng quế, còn sống mà chết tự lâu rồi. Cho nên, thôi đừng giả vờ tự trọng nữa trước những lời chỉ trích, mà hãy là những tu sĩ, những tín đồ Phật giáo có tự trọng thật sự, để nhìn thẳng cho những lời nói thật, từ sự thật tồn tại bao năm qua. 

Điều cuối cùng, cũng cần phải nói ra, để không ngụy biện nhau thêm nữa, bởi tôi đã từng nghe không ít người có quan điểm, nếu đường lối của Giáo hội Phật giáo Quốc doanh có lạc vào ma đạo, dưới sự thao túng của tu sĩ chức sắc ở thượng tầng, còn cá nhân tu sĩ cụ thể nào đó là tu thật, một lòng hướng về Phật pháp. Nghe qua, tưởng chừng đúng lắm ! Muốn biết đúng sai, xin trả lời câu hỏi cuối này : Biết nơi chốn ấy gió tanh mưa máu, hà cớ vì sao, là người chân chính, hơn nữa là một tu sĩ, ta còn ngồi xuống cùng mâm, nhỡ dính máu thì sao, hay quyết dây máu ăn phần ? Mấy ngàn năm trước, một vị vua đã từ bỏ công danh, Ngài chọn đi tu, cứu nhân độ thế, chỉ có một mình Ngài, chứ không thấy sách vở nói đến việc Ngài phải đàn đúm mới thành chánh quả, kia mà !

Đàm Ngọc Tuyên

Nguồn : VNTB, 06/11/2019

**********************

(1) 'Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được'

Nghĩ về bài viết : đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được

Thích Trung Hữu, thuvienhoasen, 13/10/2019

Trong bài viết 'Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được' của nhà báo Hoài Thanh phỏng vấntiến sĩtôn giáo học Dương Ngọc Dũng. Tôi xin có một vài ý kiến như sau :

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng nói, "Tuy nhiên, theo Tứ Phần luậtTăng ni không được giữ tiền, vàng, đá quý... và không được tham gia kinh doanh, buôn bán. Luật rất nghiêm túc về chuyện này".

Luật quy địnhtăng ni không được giữ tiền, điều này đúng, nhưng ông nói "Luật rất nghiêm túc về chuyện này" thì ông biết một mà không biết hai.  Giới không được giữ tiền là giới thứ 10 trong 10 giới Sa diTuy nhiên, khi đức Phậtchế giới cũng có nói rằng tùy theoquốc độ và thời gian mà những giới nhỏ nhặt có thể lượt bỏ cho phù hợp. Thời Phật còn tại thếchư tăng sống bằng cách khấc thực nên không cần giữ tiền là đúng, nhưng ngày nay không có tiền thì làm sao đi chợ, trả tiền điện, tiền nước… Cho nên giới này thuộc giới nhỏ nhặt có thể uyển chuyển cho phù hợp với thời đại, chứ không phải "Luật rất nghiêm túc về chuyện này" như ông Dũng nói.

Tiến sĩ Dũng nói : "Nhìn sang Trung Quốc, các chùa ở đây có sổ sách ghi chép đàng hoàng. Chùa có hẳn một vị phụ trách về chuyện chi tiêu, mua tương, mua dầu, đậu phụ, nhang, đèn, cúng kiếng... đều ghi rõ và trình báo cho phương trượng (sư trụ trì). Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củhệ thống quản lý chùa rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có lẽ lỏng lẻo về chuyện này... Hệ thống chùa bên Trung Quốc rất tỉ mỉ, có bộ thanh quy (quy tắc sống ở trong chùa) quy địnhcụ thể ngày nào phải mua gì, cúng gì, cúng bao nhiêu, thắp bao nhiêu hương, người nào phụ trách cái gì, chức vụ ra sao... Quy tắc đó có từ xa xưa rồi chứ không phải đến bây giờ mới có. Hệ thống của họ rất quy củ chứ không phải như ở Việt Nam, hầu hết khá xuề xòa". Xin hỏi ông đã nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc tường tận chưa, hay ông có nhiều thời gian để sinh sống trong các chùa ở Trung Quốc chưa mà biết rõ như vậy ? Nếu "Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củhệ thốngquản lý chùa rất chặt chẽ" tốt như ông nói thì ắt hẳn Phật giáo Trung Quốc rất là hưng thịnh và phát triển lắm. Nhưng ông có biết rằng Phật giáo Trung Quốc hiện nay chỉ là cái xác không hồn, chí ít là so với Phật giáo Việt Nam ta thì kém xa rất nhiều. Những gì mà Phật giáo Việt Nam làm, cả trong ngàn năm quá khứ cũng như hiện nay, không phải chỉ có Phật giáo Trung Quốc mà ngay cả Phật giáo trên thế giới cũng phải cúi đầu cung kính. Bộ ông không thấy điều này sao mà đi so sánhPhật giáo Trung Quốc với Phật giáo Việt Nam như vậy ?

Ông Dũng nói : "Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống. Ví dụ, người ta đi làm bác sĩ còn tôi đi tu… Bản thân đi tu nhưng không phải vì có tâm nguyện hướng về Phật, muốn tu tâm dưỡng tánh hay theo đuổichân lý của Phật pháp mà đi tu là để tìm kiếm một cái nghề mưu sinh". Trước hết xin thưa với ông (và cả với nhà báo Hoài Thanh) rằng đi tu không phải là một nghề, mà đi tu là chuyện cả cuộc đời. Dạy học là cái nghề, làm báo là cái nghề… Nghề để kiếm tiền mưu sinh và làm giàu và người ta cũng có thể thay đổi từ nghề này sang nghề khác, nhưng đi tu thì chỉ có một, đó là lý tưởng, là chí hướngxuất trần thượng sĩ, nguyện bỏ cả cuộc đời để phụng sự cho Phật pháp, cho chúng sinh, cho sự giác ngộgiải thoát. Nó khác với cái Nghề rất xa đó ông à! Bản thân tôi là một người tu và tôi chưa bao giờ coi đây là cái nghề của mình cả, mà là cả cuộc đời của mình. Có lẽ ông chưa đi tu nên ông không thể nào hiểu được. Ông là tiến sĩtôn giáo học, nhưng những điều ông biết về tôn giáo chỉ là ở phương diệnkiến thức mà ông đã học được ở sách vỡ mà thôi (Đó là chưa kể kiến thứctôn giáo của ông cũng có nhiều điều đáng bàn, mà tôi sẽ đề cập ở phần sau) chứ ông có sống trong chùa ngày nào đâu mà ông "cảm" được cuộc sống, tâm tình của người tu như thế nào, mà ông cho đó là cái nghề.

phatgiao3

Kế đến ông nói rằng, "Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống". "Có rất nhiều người" là bao nhiêu, thưa ông ? So với cuộc sống thanh tịnhcống hiến cho xã hội của những tăng ni khác thì những người làm sai trái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy sao gọi là "rất nhiều người". Ông nên nói là "Có một số người, có một số ít" thì đúng hơn. Và tôi cũng muốn nhắc ông chuyện này, khi ông nói có rất nhiều người đi tu như một nghề kiếm sống thì ông cũng nên nhớ đến rằng, còn có rất rất rất nhiều người đi tu khác không phải như thế. Họ là vua, quan, thái tửbác sĩ, kỷ sư, triết gia… đi tu. Điển hình là Vua Trần Nhân Tông ở nước ta đó. Ông quên rồi sao ?

Ông Dương Ngọc Dũng nói : "Người không có công ăn việc làmmồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽchết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng "thằng", nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng "thầy", có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không ? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài. Dân Việt Nam có truyền thốngtốt đẹp là tôn trọngtăng ni, thấy sư là chắp tay, cúi đầu, bất kể sư gì, tu thiệt hay tu giả". Mới hôm qua người ta gọi mình bằng thằng, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng thầy. Ông nghĩ đi tu và làm thầy đơn giản vậy sao? Thì như ông nói đó, "Dân Việt Nam có truyền thốngtốt đẹp là tôn trọng tăng ni". Chẳng lẽ dân ta suốt mấy ngàn năm nay mù lòa đến nỗi tôn trọng những người mới hôm trước làm thằng mà hôm sao làm thầy vậy sao, thưa ông tiến sĩtôn giáo học ?

Nhà báo Hoài Thanh hỏi "Nhiều người tới chùa bỏ ra số tiền rất lớn để cúng dường. Vì sao họ cúng nhiều như vậy, thưa ông ?". Tiến sĩ Dũng trả lời : "Tôi gọi đó là sự đầu tư cho kiếp sống mai sau. Vì có những người họ quá giàu nên muốn đầu tư cho kiếp sống kế tiếp của họ. Các thầy hay giảng cúng dường cho Phật thì "phước báo vô lượng". Do đó, nhiều người nghĩ rằng bỏ số tiền lớn vào cúng cho Phật thì đời sau họ cũng sẽ sung sướng vô cùng. Không có gì bằng việc cúng dường cho chùa vì sẽ tạo ra phước báu nhanh nhất, tốt nhất. Những người lớn tuổi giàu có, cuộc sống ở dương gian cao lắm cũng chỉ còn 20-30 năm là đi về bên kia thế giới, nên họ quan niệm cứ đầu tư đi thăm chùa lớn càng tốt vì chùa lớn mới là chùa linh, chùa đẹp thì Phật mới ở". Ông nói cúng chùa "là sự đầu tư cho kiếp sống mai sau".  Cái này ông Dũng nói đúng. Cúng chùa là cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Phật là người giác ngộ, rất xứng đáng để cúng. Pháp là những lời Phật dạy để phân biệt chánh ta, giúp người sống tốt đẹp, cũng rất xứng đáng để cúng. Tăng là người nôi theo đức Phật để tu hành theo hạnh thanh tịnh, thay Phật truyền bá chánh pháp làm lợi lạc chúng sinh, cũng rất xứng đáng để cúng. Luật nhân quả là quy luật của vũ trụ, tạo nhân lành thì hưởng quả tốt. Tam Bảo tốt đẹp như vậy cúng dường sao không có phước được chứ ? Chẳng lẽ cúng dường cho những người có vợ con, ăn nhậu, chơi bời thì có phước hơn sao ? Nếu tôi là một người bình thường muốn đầu tư cho kiếp sau thì tôi cũng sẽ cúng chùa chứ không cúng cho những người không một ngày ăn chay niệm Phật (Còn việc tin có kiếp sau hay không là tùy mỗi người). Nhưng khi ông nói "nên họ quan niệm cứ đầu tư đi thăm chùa lớn càng tốt vì chùa lớn mới là chùa linh, chùa đẹp thì Phật mới ở" là sai rồi. Cái này ông Dũng nói chứ không có thầy cô nào nói chùa lớn mới linh, chùa đẹp Phật mới ở. Tôi cam đoan là không có thầy cô nào nói như vậy cả.

Ông Dũng nói : "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu. Vụ chùa Ba Vàng hay sư Toàn là những vụ lớn, nổi cộm, báo chí phát hiện đưa lên thông tin… Nhưng những lùm xùm không chỉ xuất hiện mới đây. Thời gian trước, ở ngôi chùa Phật Quang của tiểu bang Philadelphia (Mỹ), có sư cô tên Thích Tuệ Đức, trụ trì là thầy A Mi Giác Nghiên. Trong một buổi sáng nọ, mọi người tới chùa cúng thì không thấy ai trong chùa hết. Hóa ra vị sư cô đã dẫn trụ trì trốn đi đâu mất. Sau một hồi lục soát, người ta phát hiện trong tủ lạnh của chùa có mồi nhậu và bia còn dở dang. Kể điều này để thấy rằng nền tảng đã lung lay từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ, lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu". Ông nói "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu", nhưng không biết từ lâu là từ khi nào vậy, thưa ông? Những chuyện không hay trong Phật giáo (hay bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội) thời nào cũng có. Nếu không thì làm sao từ xa xưa trong dân gian ta có những câu ca dao châm biếm những người tu không chân chính như :

"Đi tu Phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không".

Vậy chẳng lẽ vì những chuyện như thế mà gọi là "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu" ? Nếu nền tảng của đạo Phật đã lung lai từ lâu như ông nói thì sao lâu rồi mà nó vẫn chưa ngã ? Và ông có hiểu chữ "Nền tảng" nghĩa là gì không ? Nó quá cơ bản nên ở đây tôi cũng không cần giải thích mất công. Rồi ông nói "lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu". Cái này tôi đã nói ở trước rồi, giờ xin nhắc lại, rằng không hề có nhiều bộ phận không phải là chân tu, mà là chỉ một số ít. Nếu trong Phật giáo mà có nhiều bộ phận không phải là chân tu hơn những người chân tu thì Phật giáo không thể nào tồn tại được. Nếu thật sự đa số tăng ni là những thành phần xấu xa chỉ biết ăn bám xã hội mà không tu hành, không làm việc, không cống hiến gì thì tự thân Phật giáo sẽ phải chết mà không cần phải "nhờ" đến thế lực nào bên ngoài rắp tâm tiêu diệt.

Ở cuối bài báo có đoạn giới thiệu về vắn tắc về tiến sĩ Dương Ngọc Dũng như sau : "Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Năm 2016, ông được chọn là người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông hiện là Trưởng Bộ môn Kinh tế quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh)". Nhắc đến việc Tiến sĩ Dũng hướng dẫn Tổng thống Mỹ Obama thăm chùa Ngọc Hoàng năm 2016 mà, với tư cách là một người Việt Nam, tôi thấy có lỗi với Tổng thống Mỹ hết sức. Trong một bài báo lúc đó [2]. Ông Dương Ngọc Dũng kể "Khi đó Tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói : Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày". Mô Phật, tôi không biết ông Dũng lấy ở trường đại học nào ra cái ý nghĩa "Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần". Đừng nói tiến sĩ tôn giáo học làm gì, ngay cả chú tiểu ở chùa cũng biết rằng ba cây nhang là tượng trưng cho Giới, Định, Huệ. Người tu dùng Giới, Định, và Huệ để dâng lên cúng dường mười phương chư Phật. Và xin thưa là không hề có chuyện "Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống" và do đó cũng không hề đốt nhang cả ngày mà là khi nào tụng kinh mới đốt.

Có lẽ đối với tiễn sĩ Dương Ngọc Dũng thì tôi chỉ là hàng hậu sinh. Tôi viết bài này không phải để "bút chiến" mà chỉ để đính chính những hiểu lầm mà thôi. Và tôi cũng muốn nói với mọi người rằng, nếu chuyện gì mình chưa thật sự "hiểu và cảm" thì mình có thể từ chối trả lời, chứ nói mà không đúng thì vừa tội cho người khác mà cũng vừa làm mất giá trị của mình. Sợ nhất là những người không có làm gì để giúp ích cho nhân sinh mà chỉ thích phê bình, bình luận nọ kia cho sướng cái miệng. Cụ Nguyễn Du nói "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài". Trong xã hội xô bồ này, người có tâm xây dựng cho xã hội tốt đẹp, cho mọi người biết yêu thương nhau, hỏi được mấy ai ? Nhưng tôi thích cái kết luận của Tiến sĩ Dũng : "Một con người lành mạnh thì mình hoàn toàn được quyền có niềm hoài nghi lành mạnh. Có bằng chứng như sư Toàn thì phê bình họ sai giới Luật Phật, còn nếu chưa có bằng chứng thì tôi nghĩ chúng ta cứ tạm thời gác để đó. Đừng tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư, cũng không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng. Từ chuyện sư Thích Thanh Toàn mà về sau nhìn ai cũng giống sư Toàn thì đó là thành kiến".

Thích Trung Hữu

Nguồn : thuvienhoasen, 13/10/2019

[1] https://news.zing.vn/di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao-khong-bien-luan-duoc-post1000413.html

Theo hối xuất ngày 13/10/2019 : 300 tỷ đồng Việt Nam đổi được 12.932.433,00 USD (gần 13 triệu USD)

[2] https://news.zing.vn/nguoi-huong-dan-ong-obama-o-chua-ngoc-hoang-ke-gi-post652496.html

Additional Info

  • Author Đàm Ngọc Tuyên
Published in Diễn đàn

Mạng xã hi vài hôm nay nóng lên vi hình nh ca mt tu sĩ đng chp hình chung vi hơn mt chc ph n phía sau là tm biu ng chc mng sinh nht ca sư thy.

chua1

Sư trụ trì chùa tổ chức sinh nhật hoành tráng chưa từng có, nhồm nhoàm uống bia giữa hàng chục phụ nữ

Không khó lắm đ biết đó là Đi đc Thích Thanh Cường, người trước đây được báo chí chú ý vì thích iPhone, đến ni Đi đc chu khó xếp hàng đ được là người th nht s hu chiếc iPhone đi mi nht ti Vit Nam. T chiếc iPhone đó Thích Thanh Cường tung lên mạng xã hi nhng hình nh ca chính mình mà tm nh mc đ trn đng trước chiếc xe Jeep quân đi đã vang vng danh tiếng ca Đi đc.

Người ta cũng ln ra rng Đi đc Thích Thanh Cường hin đang là y viên Nghi l Trung ương Giáo hi, Chánh văn phòng Phật giáo tnh Hi Dương, Trưởng ban tr s Pht giáo huyn T Kỳ.

Một tu sĩ khác ni tiếng còn hơn Thích Thanh Cường đó là Thượng ta Thích Chân Quang. Trong mt bài thuyết pháp được tung lên Youtube trước đây đã nói "Theo lch s không chi cãi được, Trung Quốc là anh, Vit Nam là em… mà Lý Thường Kit mang quân đánh là hn".

chua2

Thượng ta Thích Chân Quang nói : "Theo lch s không chi cãi được, Trung Quốc là anh, Vit Nam là em… mà Lý Thường Kit mang quân đánh là hn".

Thượng ta Thích Chân Quang tng tuyên b mình là cháu gi Ch tch H Chí Minh bng bác rut và tht ngc nhiên c h thng tuyên giáo cũng như công quyn chưa thy lên tiếng xác nhận hay ph nhn v khng đnh này.

Một v tu sĩ Pht giáo khác, có danh phn ln trong gung máy quyn lc là Thượng ta Thích Thanh Quyết, Đi biu Quc hi Vit Nam khóa XIII, thuc đoàn đi biu Qung Ninh, y viên Ủy ban Đi ngoi ca Quc hi, Phó chủ tch Hi đng Tr s Trung ương Giáo hi Pht giáo Vit Nam, quyn Trưởng ban Giáo dc Tăng ni Trung ương cùng các chc v khác đang gi trong Giáo hội Phật giáo Vit Nam. Ông đã và đang tr trì 3 ngôi chùa ni tiếng nht nhì min Bc đó là chùa Yên T, chùa Phúc Khánh và chùa Non Nước.

chua3

Thượng ta Thích Thanh Quyết kiến ngh Vit Nam phi xây dng quân đi mnh như quân đi Cng hòa Dân ch Nhân dân Triu Tiên

Trong phiên họp quc hi được truyn hình trc tiếp, Thích Thanh Quyết kiến ngh Vit Nam phi xây dng quân đi mnh như quân đi Cng hòa Dân ch Nhân dân Triu Tiên. Phát biu này b dư lun lên án gay gt vì đã là mt tu sĩ Pht giáo thì yếu t t bi phi đt lên hàng đu vì vy đ ngh phát trin gung máy chiến tranh làm cho Đo Pht vn tích đc, t bi nay tr thành bo lc, giết người không khác vi hi giáo cc đoan là my.

Cả ba v tu sĩ va nêu đu có liên quan mt thiết ti guồng máy nhà nước, vì vy người dân nhìn h dưới nhãn quan là tu sĩ quc doanh cũng là điu bình thường.

Nhưng câu hi đt ra ti sao nhà nước li dung túng cho nhng con sâu trong mt tôn giáo ln nht nước, ban cho h chiếc áo đng viên, mà hành đng, li nói đi ngược li vi nhng gì đp đ nht mà đo Pht ging dy cho chúng sinh, phi chăng đây là cách h b Pht giáo bng cách dung tc hóa tu sĩ đ t đó Pht t b đnh hướng có nhng cái nhìn sai trái v đo ca mình đang phng s hay th kính ?

Không những dung tc hóa, đng hóa tu sĩ, nhà nước còn có chính sách kinh doanh hóa đo Pht qua chiêu bài du lch tâm linh bng cách cho phép, khuyến khích đu tư vào vic xây chùa tht ln tht hoành tráng. Trong khuôn viên nhng ngôi chùa này là chn ăn chơi trá hình, nhng nhà ngh, sòng bài công khai thu hút khách du lch và h qu mà nó mang ti đang được báo chí m x, phn bin gay gt.

Trong 10 năm trở li đây hàng lot các ngôi chùa to ln được hình thành, như chùa Bái Đính Ninh Bình, khu Đi Nam quốc t Bình Dương, chùa Ba Vàng thuc Thành phố Uông Bí, tnh Qung Ninh hay mi đây nht là ngôi chùa được cho là vĩ đi nht thế gii : Chùa Tam Chúc, Ba Sao, Hà Nam.

Ngôi chùa Bái Đính là một trong các chùa được cho là hoành tráng nht nước đang thu hút khách du lịch vi con s đáng n… vi s vn đu tư lên ti hơn 1.000 t đng do đi gia Nguyn Xuân Trường b tin ra xây dng. Ông Trường là tng giám đc Doanh nghip Xuân Trường, ch tch Hi đng Qun tr Công ty C phn Du lch Hoa Lư, Giám đc Khách sạn Hoa Lư. Thu nhp t khách du lch đến Bái Đính hàng ngày được cho là không dưới hai t t thu phí cho ti nhng hòm công đc mà báo chí phanh phui.

Chùa Tam Chúc ở Kim Bng, Hà Nam rng 5.100 héc ta, là khu du lch tâm linh ln nht Vit Nam sau khi hoàn thành. Tuy rộng hơn 5.000 héc ta nhưng mt bng xây dng chùa Tam Chúc ch chiếm 144 héc ta. Phn đt còn li s thành khu trung tâm m thc, khách sn 5 sao, bến xe đin, khu ngh dưỡng, bến du thuyn, khu vui chơi tng hp, casino, cùng hàng trăm bit thự cao cp...

Khi nói đến Chùa người ta nghĩ ngay đến chn thanh tnh có kh năng giúp Pht t tnh tâm tu hc, nhưng các ngôi chùa t chc du lch đi kèm làm lch lc tôn ch ca mt ngôi chùa truyn thng và nh hưởng xu ca nó tuy không được các tăng ni Phật t ra mt chng đi nhưng tim n bên trong là bt mãn, xu h ca nhng người tu hành chân chính.

Câu chuyện cúng sao gii hn m mt thi gian sau Tết cho thy s tin mà ngôi chùa Phúc Khánh do nhà sư Đi biu quc hi Thích Thanh Quyết tr trì đáng để người dân suy gm. Mi mt sao gii hn giá là 150 ngàn đng, vi người xin sao lên ti con s hàng trăm ngàn người thì ngun thu vô tn y được chi vào đâu cho hết ? Dĩ nhiên s tin "bán" sao gii hn không phi chu thuế và vì vy nhà chùa hưởng trọn còn nghĩa v đóng thuế thì k như quên bng.

Các ngôi chùa như Bái Đính hay Tam Chúc… có hình thc như BOT đó là nhà nước góp vn bng qu đt còn nhà đu tư thì góp tin xây dng và thu phí trong vòng bao nhiêu năm… vì vy báo cáo thu nhp khác vi số tin thu tht s là có kh năng xy ra. Nếu người dân vì bc xúc như BOT bn t đng ngi đếm xe, nhưng do nim tin tôn giáo không ai dám công khai ngi đếm s khách du lch thp phương đ báo cáo cho nhà nước do đó các khu du lch tâm linh còn sng mạnh sống khe và s không bao gi… l c.

Chùa là nơi hun d nhng bài thuyết pháp khiến con người tr v vi tính thin nhưng các ngôi chùa va k ch chuyên tâm ti chuyn ăn chơi, vn đi ngược li vi ý thc hành thin thì liu Pht t ti đó đ hành hương thu hoch được gì cho đo đc bn thân ?

Mặc Lâm

Nguồn : VOA, 08/03/2019

Published in Diễn đàn

Trong bài viết của tác giả Minh Châu "Quyền tự do lập hội và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng" đăng trên trang Việt Nam Thời Báo ngày 10/02 [*], có đặt vấn đề là nếu mai đây có luật về quyền tự do lập hội, thì liệu các tôn giáo có được quyền độc lập riêng mình, mà không buộc phải quy về một đầu mối, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay ?

Cần chấm dứt "Đảng hóa" tôn giáo

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, một học giả về Phật giáo, nguyên giáo sư trường Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, trong tham luận "Văn minh tiểu phẩm" trình bày tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp, Sài Gòn vào ngày 10/11/2003, ngài đã viết rằng :

"Sự gán ghép đạo pháp vào chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào buộc con chó nhà và chó sói vào một sợi dây, để khi có sự biến, một con tìm cách chui xuống gầm giường, một con cố gắng phóng mình trở lại rừng. Hai con thú dằng co nhau bởi một sợi dây oan nghiệt".

phat1

Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ (dấu x), Hòa thượng Thích Nguyên Lý (dấu xx) cùng một số đại đức ở chùa Từ Hiếu, mồng 1 Tết Kỷ Hợi. 

Từ cách hiểu đó, với Hòa thượng Tuệ Sỹ thì thành ngữ "phép vua thua lệ làng", không có nghĩa mỗi làng xã là một lãnh địa tự quản của dân xã. Ý nghĩa của nó là nêu lên sự điều hòa mâu thuẫn giữa lý tính phổ quát và tình cảm đặc thù, không vì quyền lợi của cộng đồng mà nhân phẩm của cá nhân bị tước đoạt ; cũng không vì quyền lợi của cá nhân mà sự an nguy của cộng đồng bị đe dọa. Do vậy việc cột chặt sợi dây 'đạo pháp' với 'chủ nghĩa xã hội' của đảng cộng sản Việt Nam chỉ mang ý nghĩa của đảng hòa tôn giáo.

Trong tham luận, Hòa thượng Tuệ Sỹ có đoạn viết :

"Pháp sư Thích Trí Độ lần đầu tiên tại miền Nam sau ngày Cộng sản chiến thắng. Trên lễ đài chiến thắng, gồm các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hàng cao nhất. Pháp sư thay mặt Phật giáo miền Bắc, mà trên cương vị người chiến thắng, là chính thức đại diện toàn thể Phật giáo Việt Nam. Đó là vị Pháp sư, mà miền Nam gọi là Đại lão Hòa thượng ; Ngài bận chiếc áo sơ-mi cụt tay như các cán bộ cao cấp khác của Đảng và Nhà Nước. Sự thực như vậy rất rõ : Phật giáo không tồn tại nữa ở Miền Bắc, mà chỉ tồn tại như một bộ phận của Đảng và lãnh đạo Phật giáo chỉ là cán bộ của Đảng và Nhà nước".

Chính điều này giải thích cho việc khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lập tức xác lập ngay phương châm mang đậm màu sắc chính trị của đảng cộng sản : "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội". Có người nói ý nghĩa của 8 từ này là đạo pháp phải theo xã hội chủ nghĩa, giáo lý nhà Phật phải do đảng soi sáng, lãnh đạo.

Trong tham luận kể trên, Hòa thượng Tuệ Sỹ kể, ngay sau 1975, nhiều tượng Phật lộ thiên bị giựt sập. Gây chấn động lớn nhất là giựt tượng Quan Âm tại Pleiku. Khi ấy Viện hòa đạo đã có những phản ứng quyết liệt, và đích thân Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mang tài liệu phản đối ấy ra gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Hòa thượng kể lại cho tôi nghe, sau khi chuyển hồ sơ vi phạm chính sách tôn giáo lên Thủ tướng ; hôm sau Hòa thượng được một Đại tá bên Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an hiện nay) gọi sang làm việc. Sau khi nghe Đại tá lên lớp chính trị, Hòa thượng nói :

"Bởi vì Thủ tướng có nhờ tôi sau khi vào Nam trở ra Bắc, báo cáo Thủ tướng biết tình hình Phật giáo trong đó. Vì vậy tôi báo cáo những vi phạm để Chính phủ có thể kịp thời sửa chữa, ngăn chận cán bộ cấp dưới không để vi phạm. Nếu Thủ tướng không muốn nghe thì thôi. Còn viêc lên lớp chính trị như thế này, đối với tôi (Hòa thượng) thì xưa quá rồi". 

Dù sao, phản ứng ấy cũng làm chùn tay những đảng viên cuồng tín Mác xít, và tự kiêu về chiến thắng với khẩu hiệu nhan nhãn các đường phố lúc bấy giờ : "Chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng muôn năm !". Nghĩa là, không thể tự do hoành hành như trong những năm sau 1954 trên đất Bắc". Tham luận của Hòa thượng Tuệ Sỹ viết.

Nếu đã chấp nhận hệ thống công đoàn ngoài nhà nước, thì tôn giáo cũng cần sự độc lập

Với việc thực hiện các điều ước quốc tế trong các hiệp định FTA, CPTPP về quyền tự do lập hội của người dân, thì cần thiết tôn trọng các hoạt động tôn giáo, chấm dứt việc buộc các chùa chiền, tu sĩ Phật giáo phải gia nhập duy nhất tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam - thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với nhiệm vụ mang tính bắt buộc là "tham gia xây dựng Đảng" (Điều 1, Luật Mặt Trận Tổ Quốc ; Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo).

Trên thực tế, thì ngay từ thời gian gần 2 năm chuẩn bị cho việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những tu sĩ đại diện cho các hệ phái đã không đạt sự đồng thuận. Trong một trao đổi thân tình với người viết, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phật giáo Bắc tông, trụ trì chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương xác nhận mãi đến nay, các hệ phái vẫn muốn được hoạt động độc lập, không chịu sự phụ thuộc vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một tài liệu liên quan cho biết, vào ngày 24/11/1981, Hòa thượng Thích Đôn Hậu có viết lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, khi ấy đang là Trưởng ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. 

Trong thư viết (trích) :

"Như Hòa thượng đã biết, từ mùa xuân năm 1980, khi Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban vận động, với danh nghĩa Cố vấn, nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật. 

Tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng và Đại hội đã dành cho tôi vinh dự đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong cương vị Chánh Thư ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống. 

Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa thượng rõ, và nhờ Hòa thượng hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quý vị trong Đoàn Chủ tịch cuộc Đại hội vừa qua. 

Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sanh di độ. Và mong Hòa thượng nhận nơi đây lòng chân thành của chúng tôi". 

Tạm kết bài viết này bằng câu chuyện của ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khòa học xã hội Việt Nam), người vừa từ trần hôm mồng 4 Tết Kỷ Hợi. Sinh tiền, khi ông trả lời với báo chí về vấn đề tôn giáo, ông nói [**] :

"Người ta tìm đến tôn giáo, tìm đến với tâm linh là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người đó là hướng tới điều linh thiêng là để noi theo. Không thể phủ nhận, những năm vừa qua chúng ta đã có những bước tiến hết sức to lớn về kinh tế, nhưng câu chuyện chúng ta đang bàn lúc này là thuộc về quyền tự nhiên của con người. Nói thẳng ra là, chúng ta vẫn làm chưa tốt cách thức để giúp người dân hướng đến điều linh thiêng. 

Nhưng nhận thức là một quá trình, tôi tin rằng, dần dần chúng ta sẽ nhận ra, đã có những cái đã được cải tiến, cải thiện. Bây giờ có thể nói việc người dân công khai thể hiện niềm tin tôn giáo không còn là điều gì đó xa lạ, cấm kỵ ở xã hội ta nữa. Đó là nhu cầu và các nhà quản lý phải có trách nhiệm làm sao thòa mãn, hướng dẫn hỗ trợ người dân tìm đến với tôn giáo như tâm nguyện của bản thân họ chứ không phải là tìm cách ngăn cản, cấm đoán".

Như vậy với tinh thần đó, cần trả lại cho tôn giáo quyền tự do thành lập hội đoàn tâm linh riêng phù hợp với từng hệ phái. Trước mắt, Nhà nước cần chính thức công nhận về mặt thủ tục hành chính đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Các tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cần được khôi phục với tính chính danh vốn có trong suốt quá trình lịch sử hình thành.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 11/02/2019

Chú thích :

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/02/vntb-quyen-tu-do-lap-hoi-va-quyen-tu-do_10.html

[**] http://bit.ly/2Do65A3

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2