Trước Thượng viện Mỹ, tổng thống Zelensky kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục chi viện cho Ukraine
Minh Anh, RFI, 05/12/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm nay, 05/12/2023, phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ qua vidéo, vào lúc chính quyền Biden hối thúc Quốc hội thông qua một quỹ trị giá gần 106 tỷ đô la để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước khi hai phái đoàn tiến hành hội đàm tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 21/09/2023 . Reuters – Kevin Lamarque
Theo Le Monde, hôm thứ Hai, 04/12, chính quyền Biden đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp rằng việc thông qua gói hỗ trợ quân sự và kinh tế này cho Ukraine là cần thiết. Nhà Trắng nêu rõ nỗ lực chiến đấu của Kiev nhằm chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga có nguy cơ bị dừng lại nếu không có khoản chi viện này.
Do vậy, theo lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số ở Thượng Viện, Chuck Shumer, chính phủ mời tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước các thượng nghị sĩ để họ "có thể nghe trực tiếp từ chính ông ấy chính xác những gì đang bị đe dọa". Trong cuộc họp này, Thượng Viện cũng sẽ nghe các trình bày của bộ trưởng Quốc Phòng, ngoại trưởng Mỹ và nhiều quan chức an ninh cao cấp khác.
Trong thư gởi đến các lãnh đạo Hạ Viện và Thượng Viện được công bố, giám đốc phụ trách ngân sách của Nhà Trắng, bà Shalanda Young, cảnh báo, từ nay đến cuối năm, xin trích : "Chúng ta không còn tiền, và gần như không còn thời gian nữa" và điều này sẽ "đánh quỵ" Ukraine ngay trên chiến trường. :
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng hôm qua báo động, việc chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraine "sẽ giúp Putin giành được chiến thắng".
Minh Anh
*************************
Bấn loạn chính trường Mỹ đe dọa nguồn viện trợ cho Ukraine
Minh Anh, RFI, 05/12/2023
Nguồn chi viện quân sự và kinh tế của Mỹ dành cho Ukraine giờ trong trạng thái "chỉ mành treo chuông". Những bất đồng về ngân sách ở Quốc hội Mỹ giữa hai đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Cộng hòa, cũng như là những xáo trộn trong nội bộ đảng Cộng hòa không những có nguy cơ "chặn đứng" hoàn toàn nguồn hậu thuẫn chính yếu cho Kiev mà còn đe dọa vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, D-N.Y., trả lời câu hỏi của các phóng viên bên ngoài phòng Thượng viện, tại Điện Capitol ở Washington, Thứ Ba, ngày 28/11/2023. Gói viện trợ gần 106 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine, Israel và các nhu cầu khác đang được cấp phép ngồi im trong Quốc hội khi đảng Cộng hòa nhất quyết đòi các điều khoản về chính sách biên giới Mỹ-Mexico để đổi lấy bất kỳ đô la Mỹ mới nào cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. AP - J. Scott Applewhite
Ngày 05/12/2023, tổng thống Ukraine được mời phát biểu qua vidéo ở Thượng Viện Mỹ để giải thích "về những gì đang bị đe dọa" tại Ukraine. Trước đó một ngày, lãnh đạo phụ trách ngân sách của Nhà Trắng báo động "chúng ta đang cạn tiền và cạn cả thời gian".
Trên thực tế, chính quyền Biden liên tục hối thúc các nghị sĩ Mỹ thông qua một gói hỗ trợ đầy tham vọng được đề xuất cách nay bảy tuần, trị giá khoảng 106 tỷ đô la dành cho cả Ukraine, Đài Loan, Israel lẫn an ninh biên giới.
Việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy bị phế truất theo yêu cầu của các dân biểu Cộng hòa cực đoan, rồi người kế nhiệm phải xử lý khẩn cấp việc thông qua ngân sách để tránh làm cho các cơ quan Liên bang tê liệt (shutdown) đã dẫn đến một sự chậm trễ đáng kể trong việc xem xét chu cấp viện trợ cho Ukraine
Sự việc còn thêm rắc rối khi đảng Cộng hòa những tuần gần đây đã gắn chặt viện trợ Ukraine và Israel với các vấn đề đối nội : Cắt giảm mạnh các biện pháp hỗ trợ cho các cơ quan thuế, soạn thảo lại và siết chặt hơn quyền tị nạn và luật di dân. Đây là điều không thể chấp nhận đối với phe Dân chủ.
Tuy nhiên, theo CNN, những thất bại trong việc đạt được một đồng thuận ở Quốc hội, và những xáo trộn trong nội bộ đảng Cộng hòa ở Hạ Viện minh chứng phần nào cho nỗi lo lắng chính đáng đến mức hoảng loạn ở phương Tây.
Hơn bao giờ hết sự sống còn của Ukraine đang bị đe dọa vào lúc Nga được cho là có kế hoạch tấn công thường dân Ukraine và các cơ sở năng lượng khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần. Quân Nga đang dần khôi phục cả về quân số lẫn thiết bị quân sự nhờ sự hỗ trợ từ các đồng minh như Iran và Bắc Triều Tiên. Và cuộc chiến Israel và Hamas đang dần chuyển hướng công luận, làm lu mờ tình hình tại Ukraine.
Liệu rằng Hoa Kỳ có bỏ rơi Ukraine hay không ? Nếu trong ngắn hạn Hoa Kỳ không bảo đảm được viện trợ cho Ukraine thì chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi Donald Trump đắc cử tổng thống vào năm 2024 ?
Chưa có lúc nào mối ngờ vực, lo ngại này lại cao đến như thế. CNN cảnh báo, một hành động như thế sẽ có một tác động tiêu cực lớn đến danh tiếng nước Mỹ, với tư cách là một quốc gia số một thế giới, lãnh đạo toàn cầu. Không những động thái này phá vỡ quyết tâm của phương Tây mà còn là một tín hiệu gởi đến các đối thủ Nga và Trung Quốc rằng những bảo đảm an ninh của Mỹ ở những nơi khác cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Việc trọng tâm quyền lực của đảng Cộng hòa Mỹ dần dịch chuyển sang phe cực hữu đang làm thay đổi thế giới quan của đảng Cộng hòa, và các giả định về sức mạnh của Mỹ cũng như khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ nếu như ông Trump – một người được cho có thái độ thân Nga – lại vào Nhà Trắng.
Minh Anh
Minh Anh, RFI, 15/08/2023
Cuộc phản công của Ukraine nhằm đẩy lui quân Nga khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng không đạt hiệu quả như mong muốn. Tổng thống Joe Biden có thể sẽ phải chuyển sang kế hoạch B cho cuộc chiến. Nhưng nguyên thủ Mỹ có thể làm được điều đó sau hơn một năm đưa ra những lập luận cường điệu khi luôn cho rằng tự do, trật tự toàn cầu đang bị đe dọa ?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo tại Kiev ngày 20/02/2023. AFP – Dimitar Dilkoff
Nhà báo Branko Marcetic, trên trang mạng Responsible Statecraft trước hết nhắc lại, trước mùa hè năm nay, Washington đã phác thảo cho việc kết thúc cuộc chiến tại Ukraine như thế nào : Quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện, rồi phát động cuộc tấn công mùa hè, giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt sao cho có thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trên thế thượng phong và kết thúc chiến tranh.
Mùa hè kết thúc, hơn hai tháng phản công đã trôi qua, và kịch bản này ngày càng khó xảy ra. Đà tiến quân Ukraine chậm lại do binh sĩ kiệt sức, thiếu kinh nghiệm và được huấn luyện vội vàng nhưng phải đương đầu với những tuyến phòng thủ kiên cố, bị rải mìn dày đặc của Nga.
Những lập luận cường điệu
Giới truyền thông Mỹ sau một năm hậu thuẫn hết mình giờ bắt đầu tỏ ra lo lắng và ngờ vực. Bởi vì, Ukraine sử dụng trang thiết bị do Mỹ cung cấp với một tốc độ chóng mặt, vượt quá khả năng sản xuất của Mỹ hiện nay và khoảng 20% số vũ khí do NATO viện trợ đã bị hư hỏng hay bị Nga phá hủy ngay trong hai tuần đầu tiên.
Trước những hiệu quả hạn chế của chiến dịch phản công, tổng thống Biden gần đây yêu cầu Quốc Hội chi viện thêm 20,6 tỷ đô la cho Ukraine khi nhấn mạng rằng "Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ cuộc chiến bất hợp pháp của Nga".
Nhưng tất cả những điều này rồi sẽ đi đến đâu và sẽ được kết thúc như thế nào ? Đây sẽ là một bài toán khó cho chính quyền Washington. Bởi vì trong vòng một năm, Washington cùng với các đồng minh NATO đã "ru ngủ" công luận về tính chất cấp bách của việc tiếp tục viện trợ quân sự, kết quả cuộc chiến không chỉ quan trọng đối với Kiev, cho việc tái chiếm lãnh thổ mà còn chứa đựng nhiều rủi ro cho sự sinh tồn đối với an ninh Hoa Kỳ cũng như là toàn bộ trật tự toàn cầu, thậm chí cả nền dân chủ.
Giờ đây để đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc chiến, chính quyền Biden sẽ phải đột ngột từ bỏ luận điệu chủ trương "tối đa", rời xa ý tưởng cho rằng tương lai của chính nền hòa bình và nền dân chủ thế giới phụ thuộc vào sự bại trận của Nga, hay như những gì chính ông Biden tuyên bố trong chuyến thăm Ba Lan hồi tháng Hai, "không chỉ có Ukraine mà cả tự do cũng bị thách thức".
Nỗi sợ mất tín nhiệm
Theo tác giả, tất cả những điều đó cho thấy rõ một ám ảnh lớn của Mỹ và NATO : Nỗi sợ mất uy tín và lòng tin. Bài học lịch sử trong quá khứ đã cho thấy Mỹ đã mất uy tín khi bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam, và sau này là Irak, Afghanistan. Đối với Mỹ và NATO, một thắng lợi của Nga trên chiến trường Ukraine xem như là điều không thể chấp nhận trên bình diện chính trị thậm chí đó là một điều sỉ nhục.
Nếu như kết quả trên chiến trường được cho là có tầm quan trọng cho cuộc tái tranh cử tổng thống của ông Biden, thì theo một cuộc thăm dò gần đây được trang mạng Responsible Statecraft trích dẫn, đa số người dân Mỹ, gồm 71% những người ủng hộ đảng Cộng Hòa và 55% số người trung lập, cho biết không ủng hộ chi viện cho Ukraine, trong khi những người theo đảng Dân chủ ủng hộ nhiều nhất.
Điều này sẽ đặt Nhà Trắng trong thế lưỡng nan : Nếu quyết định chấm dứt chiến tranh với những điều kiện ít có lợi hơn cho Ukraine như đã hứa, chính quyền Biden có nguy cơ đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt như sau lần triệt thoái quân khỏi Afghanistan. Nhưng nếu vẫn tiếp tục cuộc chiến trong hy vọng có được một thành công sau đó, tâm trạng của công chúng có thể trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ làm tổn hại đến các cơ may tái đắc cử của ông Biden.
Hơn nữa, một cuộc chiến kéo dài có nhiều nguy cơ dẫn đến leo thang xung đột buộc các quốc gia thành viên khối NATO phải tuân thủ các cam kết theo điều khoản số 5.
Nhà báo Branko Marcetic kết luận : Càng đợi để đặt nền móng cho việc kết thúc chiến tranh bằng con đường ngoại giao, cả công khai lẫn trong hậu trường, Hoa Kỳ càng khó kết thúc chiến tranh với cái giá đắt nhất mà người dân Ukraine phải gánh chịu. Nếu có một kế hoạch B, hy vọng rằng Nhà Trắng sẽ giữ kín nó !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 15/08/2023
Chiến tranh chỉ dừng với sự đầu hàng của chế độ Putin ?
Thu Hằng, RFI, 21/02/2023
Chuyến công du Kiev của tổng thống Mỹ chỉ kéo dài 6 tiếng nhưng truyền tải nhiều thông điệp. Ông Joe Biden tái khẳng định "sự ủng hộ không lay chuyển" của Washington đối với Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Nhìn rộng hơn, ông nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc bảo vệ nền dân chủ trước một nhóm người trong chế độ độc tài ở Nga muốn dùng vũ lực để khuất phục một dân tộc, đất nước có chủ quyền. Theo ông, "Kiev trụ vững, Ukraine trụ vững, nền dân chủ trụ vững".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước Tu viện Mái vòm vàng Thánh Michael, Kiev, Ukraine, ngày 20/02/2023 via Reuters - Pool
Việc chọn ngày công du Kiev của nguyên thủ Mỹ được nhật báo Le Monde đánh giá mang đầy ý nghĩa biểu tượng. Ông Biden cùng với đồng nhiệm Ukraine đến đặt hoa tại "bức tường tưởng niệm" (gần Tu viện Mái vòm vàng của Thánh Michael - The Saint Michael’s Golden-Domed Monastery) vào đúng vào ngày "thiên niên kỷ anh hùng" 20/02/2023 tưởng nhớ hàng trăm người chết trong "cuộc Cách mạng Nhân phẩm" trong phong trào Maidan thân Châu Âu diễn ra mùa đông năm 2013-2014. Kiev coi những người ngã xuống dưới làn đạn của chính quyền tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych là những anh hùng đầu tiên của cuộc đấu tranh cho một Ukraine được giải phóng và tự do.
Nguyên thủ Mỹ khâm phục "tinh thần anh hùng" của người dân Ukraine để bảo vệ mô hình dân chủ mà họ muốn được hưởng. Và Hoa Kỳ, cũng như các đồng minh, muốn trấn an Kiev về "sự ủng hộ không lay chuyển", "kéo dài chừng nào còn cần" trong cuộc đấu tranh này vào lúc xuất hiện sự chán nản trong xã hội Mỹ. Nhiều người dân Mỹ, cũng như một số chính trị gia cực hữu đối lập, bắt đầu chỉ trích những khoản viện trợ khổng lồ của chính quyền Biden cho Kiev thay vì đầu tư trong nước.
Chuyến công du chớp nhoáng của tổng thống Mỹ còn là thông điệp khẳng định vai trò chủ đạo của Washington. Mỹ là nước đầu tiên kêu gọi hỗ trợ Ukraine ngay khi quân Nga tràn sang tấn công Ukraine, và sau đó, không ngừng viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev. Ông Joe Biden muốn nghe trực tiếp đồng nhiệm Zelensky trình bày về những mục tiêu quân sự được Kiev đặt ra trong những tháng tới, vì viễn cảnh đàm phán với Moskva dường như vẫn còn xa vời.
Đích thân tổng thống Mỹ đề cập đến những nguyện vọng của Ukraine tại Ba Lan, với lãnh đạo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, cũng như với nhóm "Bucharest Nine", tức 9 quốc gia thành viên sườn đông NATO - trong cuộc họp ngày 21/02. Sự kiện này còn nhằm mục đích khẳng định vai trò đầu tầu của Mỹ trong khối NATO vào thời điểm mang tính bước ngoặt.
Chuyến công du Kiev của ông Biden, cũng như những phát biểu trước đó của ngoại trưởng Antony Blinken về khả năng Trung Quốc cung cấp "vũ khí sát thương" cho Nga cũng được chuyên gia về Trung Quốc Marc Lanteigne, Đại học Na Uy, nhận định với trang France 24 là thông điệp gửi đến Liên Hiệp Châu Âu nhằm ngăn chặn khả năng Châu Âu muốn chìa bàn tay với Bắc Kinh để gây sức ép với Nga tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Laurent Malvezin, đồng sáng lập trung tâm Sinopole, "làm như vậy sẽ để Trung Quốc thực hiện chiến lược gây ảnh hưởng ở Châu Âu".
Cuối cùng, chuyến thăm chớp nhoáng Kiev của ông Biden, được thông báo cho phía Moskva vài giờ trước khi diễn ra, còn là thông điệp gửi đến Moskva. Trả lời đài RFI ngày 20/02, giáo sư Marie Mendras, trường Khoa học Chính trị Sciences Po, kiêm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) nhấn mạnh đến quyết tâm của Mỹ và các đồng minh hỗ trợ Ukraine "chừng nào còn cần", có thể được hiểu là cho đến khi "quân đội Nga bại trận", cho đến khi "chế độ Putin đầu hàng".
Trước một tổng thống Putin và một nhóm lãnh đạo độc tài Nga, ông Biden muốn khẳng định sau một năm chiến tranh, "Ukraine không bị suy yếu" và "phương Tây không mất đoàn kết", trái với tính toán của chủ nhân điện Kremlin.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 21/02/2023
***************************
Tổng thống Mỹ tới Ba Lan, hậu phương của cuộc kháng chiến Ukraine chống Nga
Trọng Thành, RFI, 21/02/2023
Sau chuyến công du bất ngờ tới Kiev, Ukraine, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ba Lan bằng tàu hỏa tối hôm 20/02/2023. Lãnh đạo Mỹ có bài diễn văn cuối giờ chiều nay tại Warszawa, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với cuộc kháng chiến của người Ukraine.
Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại Warsaw. Nguồn: ABC News
Theo thông báo của Nhà Trắng, tại Ba Lan, tổng thống Mỹ hội đàm với đồng nhiệm Andrzej Duda, và gặp lãnh đạo của nhóm "Bucharest Nine", tức 9 quốc gia thành viên sườn đông NATO, để khẳng định "sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với an ninh" của nhóm. Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, Ba Lan là nơi trung chuyển gần như toàn bộ các viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.
Thông tín viên Martin Chabal tường trình từ Warszawa :
"Có thể nói Ba Lan là hậu phương của Ukraine. Đã từ gần một năm nay, quốc gia này tiếp nhận gần như toàn bộ các viện trợ quân sự cho Ukraine, trước khi hàng được chuyển sang bên kia biên giới. Tại Rzeszów, miền đông nam Ba Lan, có thể thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của Ba Lan với Ukraine.
Các vũ khí phương Tây và trợ giúp nhân đạo đổ về đây, rồi được chuyển đi từ một sân bay nhỏ của thành phố, cách Ukraine khoảng 100 km. Nhiều hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được bố trí tại các cánh đồng xung quanh, sẵn sàng đợi lệnh. Với những cam kết cung cấp vũ khí mới của tổng thống Biden trong chuyến công du Kiev, một lần nữa Ba Lan sẽ tiếp tục là điểm trung chuyển các viện trợ quân sự đến Ukraine.
Với tư cách là hậu phương, Ba Lan còn hỗ trợ đồng minh Ukraine qua việc lập các xưởng sửa chữa. Các kỹ sư và công nhân cơ khí Ba Lan sửa chữa, phục hồi các thiết bị quân sự bị hư hỏng trên chiến trường. Và không chỉ có như vậy. Hôm nay, tổng thống Joe Biden dự kiến thông báo việc các lực lượng Mỹ sẽ đồn trú lâu dài trên đất Ba Lan, nơi đã thực sự trở thành điểm trung chuyển chủ chốt các viện trợ cho Ukraine kể từ ngày 24/02/2022".
Mỹ thông báo với Nga ít giờ trước chuyến công du
Chuyến công du bất ngờ của tổng thống Mỹ đến Ukraine, qua đường xe lửa từ Ba Lan, là một dấu hiệu ủng hộ đặc biệt của chính quyền Biden với Kiev. Theo một cố vấn về an ninh của ông Joe Biden, đây là chuyến đi "chưa từng có" của một tổng thống Mỹ, đến một vùng có chiến sự và là nơi an ninh không được bảo đảm bởi các lực lượng Mỹ. Hoa Kỳ đã hoàn toàn giữ bí mật về chuyến đi của tổng thống Biden. Washington chỉ thông báo với Moskva ít giờ trước chuyến đi.
Phe Cộng hòa lên án chuyến đi Kiev
Nếu như chuyến đi của tổng thống Mỹ được hoan nghênh nhiệt liệt trong nội bộ đảng Dân chủ, thì đảng Cộng hòa đã đồng thanh lên tiếng phản đối, ngay khi nguyên thủ Mỹ vừa đặt chân đến Kiev. Trên Fox News, thống đốc Florida Ron DeSanti đã đả kích tổng thống "quá quan tâm" đến một vùng biên giới xa xôi, thay vì bảo đảm an ninh biên giới ở ngay đất nước mình, cụ thể là trước "nạn nhập cư lậu".
Trọng Thành
***************************
Ukraine : Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ viếng thăm Kiev
Thanh Phương, RFI, 20/02/2023
Theo hãng tin AFP hôm 20/02/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến viếng thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraine. Tại đây, ông Biden đã gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ đến thăm Ukraine. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày trước khi đánh dấu một năm Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky và phu nhân đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng 20/2. Ảnh ABCnews
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại Kiev, tổng thống Biden đã tuyên bố là Hoa Kỳ "sẽ sát cánh với Ukraine cho tới khi nào vẫn còn cần thiết" để chống trả quân Nga. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ thông báo cung cấp thêm cho Ukraine những thiết bị quân sự thiết yếu, như đạn đại bác, hệ thống chống xe thiết giáp và các radar giám sát không phận để bảo vệ người dân trước các cuộc oanh tạc của Nga. Ông còn thông báo là Washington sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva.
Về phần tổng thống Zelensky, trên mạng Twitter, ông khẳng định chuyến thăm Kiev của tổng thống Biden là một "dấu hiệu yểm trợ cực kỳ quan trọng".
Theo hãng tin AFP, giữa lúc tổng thống Biden đang thăm Kiev, những tiếng còi báo động phòng không đã vang lên ở thủ đô Ukraine, nhưng trước mắt không có vụ tấn công nào bằng tên lửa hay bằng drone.
Tổng thống Mỹ đến Kiev trước khi thực hiện chuyến thăm chính thức Ba Lan để gặp tổng thống Andrzej Duda và lãnh đạo các nước đồng minh ở Đông Âu.
Thanh Phương
Nếu Ukraine không bảo vệ được nền độc lập thì lịch sử sẽ ghi một tiền lệ : Một nước nhỏ bị một nước lớn chiếm gọn bằng sức mạnh quân sự, mà thế giới không làm gì được !
Tổng thống Zelensky tặng lá cờ từ chiến trường Bakhmut cho Quốc hội Hoa Kỳ.
Chuyến đi của ông Volodymyr Zelensky từ Bakhmut, tỉnh Donetsk, Ukraine qua Washington diễn ra trong bí mật như phim gián điệp. Buổi sáng ông đến thăm binh sĩ đang chiến đấu bảo vệ một thành phố đang bị quân Nga tấn công hàng ngày. Sau đó ông đi hơn 400 cây số đường bộ tới một phi trường Ba Lan gần biên giới, rồi bay 11 tiếng đến căn cứ Andrews, ở thủ đô Mỹ. Từ ngày Ukraine bị Nga xâm lăng ông chưa đi thăm thủ đô một nước nào trong khối NATO dù việc đi lại dễ dàng giản dị hơn nhiều.
Zelensky biết rằng Mỹ sẽ không viện trợ tất cả những thứ vũ khí mà Ukraine yêu cầu. Vì ông Joe Biden muốn tránh không để Vladimir Putin lấy cớ mở rộng cuộc chiến. "Khối NATO không muốn một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga", ông Zelensky nói, "Họ không muốn thấy Thế Chiến Thứ Ba bùng nổ !", Tổng thống Biden cũng nghĩ như vậy. Nhưng ông Zelensky vẫn thấy cần thuyết phục quốc hội Mỹ, là cơ quan nắm "quyền chi tiền" cho Tòa Bạch Ốc !
Sự kiện ông Zelensky đứng nói trước các đại biểu cả hai viện quốc hội ở Washington đã là một thông điệp mạnh mẽ. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã khuyến cáo ông rằng chắc chắn Putin sẽ đánh, và đề nghị kế hoạch giải cứu ông ra khỏi thủ đô Kyiv. Các nước Châu Âu cũng nghĩ rằng quân Nga sẽ chiếm được Kyiv trong vài ngày, và biết rằng gián điệp Nga đang thi hành kế hoạch ám sát Zelensky cùng toàn bộ các nhà lãnh đạo Ukraine. Nhưng Zelensky can đảm ở lại, thề sống chết với thủ đô Kyiv, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng cự. Quân đội và nhân dân Ukraine đã chứng tỏ họ sẽ chiến thắng, họ chỉ cần thêm vũ khí và rất đáng được giúp ! Trước khi ông Zelensky đến, quốc hội Mỹ đã biểu quyết các ngân sách 1,85 tỷ USD và 45 tỷ USD viện trợ Ukraine.
Volodymyr Zelensky đã nói với các đại biểu quốc hội bằng ngôn ngữ kinh doanh của người Mỹ, như nhật báoThe Wall Street Journal viết ngày 22 tháng 12 : Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư với lợi suất rất cao ! Một đạo quân thù nghịch quan trọng bậc nhất của nước Mỹ đang bị đánh tơi tả, mà không một người lính Mỹ nào phải hy sinh !
"Nước Mỹ giúp Ukraine không phải là một việc làm phước thiện !" Zelensky không đến Mỹ để xin bố thí ! Tờ báoWall Street vốn là tiếng nói của giới tư bản và khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ dẫn lời kinh tế gia Timothy Ash mới phân tích lợi hại (costs and benefits) : Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư ít tốn kém đáng kinh ngạc (incredibly cost-effective investment) : "Thiêu rụi sức mạnh quân sự của nước Nga mà chỉ tốn mấy phần trăm ngân sách Ngũ Giác Đài", tức bộ quốc phòng Mỹ.
Volodymyr Zelensky đã được Biden hứa sẽ gửi ngay các tên lửa phòng không Patriot, nhưng biết trước rằng mình sẽ không được tặng những thứ mà ông tha thiết nhất : xe thiết giáp, chiến đấu cơ phản lực, và hỏa tiễn tầm xa.
Món thứ nhất bị từ chối là các hệ thống hỏa tiễn mang tên ATACMS, bắn tầm xa 300 cây số. Thứ nhì là các thiết giáp Abrams và chiến đấu cơ F-16. Muốn biết sử dụng các món này quân Ukraine cần được huấn luyện trong nhiều tháng. Nhưng trở ngại lớn nhất là việc bảo trì các xe tăng và máy bay này rất phức tạp, ở Mỹ vẫn phải thuê các nhà thầu tư nhân, mà không thể nào đưa các công nhân đó qua chiến trường Ukraine.
Món thứ ba bị từ chối là các máy bay nhỏ không người lái (drones) loại dùng để tấn công như MQ-1C Gray Eagle và MQ-9 Reaper, có khả năng đánh các mục tiêu ở xa, hoặc lấy tọa độ để thông tin cho pháo binh. Bộ quốc phòng Mỹ không muốn gửi cho Ukraine các thứ drones này vì sợ nếu bị bắn rớt, lọt vào tay Nga, sẽ bị khám phá nhiều bí mật về kỹ thuật rất quý mà Nga chưa hề biết.
Năm 1999, một chiếc máy bay "tàng hình" của Mỹ bị bắn rớt tại chiến trường Kosovo trong lúc giúp quân xứ này bảo vệ độc lập, chống chính quyền Nam Tư. Máy bay F-117 Nighthawk do công ty Lockheed sản xuất có khả năng tàng hình vì bên ngoài được sơn bằng một chất đặc biệt khiến máy radar không nhận ra được. Trung Quốc đã gửi người sang mua một mảnh của chiếc F-117, đem về tìm hiểu chất liệu bí mật trên. Tháng Giêng năm 2011, bản tinAssociated Press tiết lộ rằng Trung Quốc đã chế tạo được những chiến đấu cơ tàng hình J-20 nhờ nghiên cứu các mảnh máy bay F-117 bị hạ này.
Dù Tổng thống Zelensky khẩn khoản yêu cầu nhưng chính quyền Biden vẫn không cung cấp cho Ukraine ba loại khí giới tối tân trên. Ông Zelensky có thể hy vọng trong tương lai Mỹ thay đổi ý kiến nếu quân Nga thay đổi chiến thuật hoặc bắt đầu sử dụng các vũ khí nguy hiểm hơn trong chiến trường Ukraine.
Trước đây, bộ quốc phòng Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine những dàn tên lửa Himars và Patriot. Nhưng khi Nga bắt đầu rút các bộ chỉ huy ra ngoài, ở rất xa mặt trận khiến các đại pháo không thể tấn công, thì Mỹ đã gửi qua các hệ thống Himars với khả năng pháo kích tới mục tiêu xa hàng trăm cây số. Tương tự, gần đây Nga bắn hỏa tiễn tầm xa liên tiếp tấn công hệ thống điện các thành phố Ukraine thì Mỹ quyết định sẽ gửi qua tên lửa Patriot có thể bắn chặn phá các hỏa tiễn Nga. Sự kiện này khiến Vladimir Putin phải chú ý. Trong cuộc họp báo ngày Thứ Năm 21 tháng 12, Putin tuyên bố quân đội Nga sẽ có vũ khí chống lại các mũi tên lửa Patriot.
Khi giúp khí giới cho dân Ukraine bảo vệ nền độc lập, nước Mỹ đang giúp tất cả các nước Châu Âu chặn đứng mối đe dọa của Nga. Nếu dân Ukraine mất nước, Putin sẽ có thể tạo áp lực trên các quốc gia khác trước đây từng nằm trong Liên bang Xô Viết. Những nước Moldova, Georgia hiện đang giúp Ukraine vì mối lo đó, mà các nước ở trong vùng Trung Á cũng vậy.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức phải giúp Ukraine là cuộc tranh hùng giữa hai hệ thống chính trị : Những nước dân chủ tự do phải đoàn kết chống cuộc bành trướng của các chế độ độc tài chuyên chế của Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Có những nhà chính trị nói rằng nước Mỹ phải bỏ Ukraine để lo ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng Putin và Tập Cận Bình đã tuyên bố họ là những đồng minh thân thiết nhất. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn không ngăn cản Putin trong cuộc phiêu lưu gây chiến, mặc dù bên ngoài vẫn nói tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Nếu để cho Putin nuốt trôi Ukraine thì cũng khuyến khích Tập Cận Bình nhòm ngó Đài Loan và các nước miền Đông Á.
Trước sau, Mỹ phải giúp Ukraine giữ gìn nền độc lập và thể chế tự do dân chủ. Viện trợ Ukraine còn khiến nước Mỹ được hưởng những lợi lộc khác trong tương lai. Nhà kinh tế Timothy Ash nói thẳng rằng : Cuộc chiến Ukraine là một cửa hàng trưng bày của các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, và Anh, Pháp, Đức, đối đầu với công nghiệp quân sự của Nga, Trung Quốc, cùng Bắc Hàn và Iran ! Những quốc gia đứng ngoài, nếu đang tính mua xe thiết giáp hay hệ thống phòng không của Nga sẽ phải suy nghĩ lại coi có nên mua hay không. Họ sẽ tìm coi "hàng hóa" của các công ty Mỹ và Châu Âu, trong đó Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất.
Chính phủ Biden vẫn dè dặt không giúp Ukraine những vũ khí tối tân nhất vì muốn tỏ ra không muốn khiêu khích Vladimir Putin khiến ông ta phản ứng mạnh, mở rộng cuộc chiến qua các nước NATO. Nhưng họ có thể đã lo ngại quá đáng. BáoNew York Times ngày 22 tháng 12 thuật lời Tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ ở Châu Âu, nói rằng, "Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục quá lo lắng về mối nguy chiến tranh sẽ lan rộng, và quá coi thường khả năng sáng tạo và ứng biến của quân đội Ukraine trong cuộc chiến".
Nếu Ukraine không bảo vệ được nền độc lập thì lịch sử sẽ ghi một tiền lệ : Một nước nhỏ bị một nước lớn chiếm gọn bằng sức mạnh quân sự, mà thế giới không làm gì được ! Các nước Châu Á sẽ phải kinh hoàng thấy Putin gợi ý cho Tập Cận Bình noi gương ! Cho nên người Việt Nam phải chọn thái độ trong cuộc chiến Ukraine : Không chấp nhận để tiền lệ đó xảy ra.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 26/12/2022