Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngu dốt : Nguyên do tại sao mỗi ngày Hoa Kỳ có thêm 100.000 người nhiễm Covid-19

"Chúng ta không nên giả định rằng một cách nào đó một nhóm chuyên gia mới biết được điều gì là tốt nhất".

Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul (thuộc đảng Cộng hòa) đã than phiền như thế vào hôm mùng Hai tháng Bảy 2020. Covid-19 hiện đang ở ngoài tầm kiểm soát của Hoa Kỳ. Và một sự khinh thường sâu xa như thế đối với sự hiểu biết có thể là lý do tại sao.

ngudot1

Thượng nghị sĩ Rand Paul, đảng Cộng hòa bang Kentucky, điều trần trước ủy ban y tế Thượng viện về đại dịch và cho rằng các chuyên gia luôn luôn biết rõ nhất. Ảnh : Al Drago / POOL / AFP. Nguồn : AFP

Thượng nghị sĩ Paul không phải là người duy nhất bác bỏ lời khuyên của các chuyên gia về dịch tể học. Một cựu bác sĩ nhãn khoa (như ông) mà không tin ở kinh nghiệm, giáo dục và hiểu biết chuyên môn là một thứ dịch bệnh cho Hoa Kỳ.

Đây là một thái độ vốn gia tăng nhanh chóng trên khắp thế giới. Thái độ này cũng tồn tại ngay cả khi đứng trước sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận được.

Các chính trị gia kỳ cựu như ông Paul tại Hoa Thịnh Đốn lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế của đất nước. Họ lập luận như thế mặc dù hết tiểu bang này đến tiểu bang khác đều báo cáo rẳng các bệnh viện của họ đã quá tải, rằng ngày càng có nhiều người bị nhiễm Covid-19, rằng việc truy tìm điểm xuất phát đã thất bại, rằng dân chúng không màng tới lời khuyên phải đeo khẩu trang và rửa tay. Và dân chúng, cách riêng những người có tuổi và những người có tiền sử bệnh lý, đang chết.

Tại sao lại xảy ra như thế ? Chúng ta đang sống trong một thế giới với lượng thông tin quá tải. Và như Giáo sư Tom Nichols chuyên giảng dạy về An ninh Quốc gia tại Học viện Hải quân Hoa kỳ giải thích, tình trạng này hiện đang bị những kẻ hoạt đầu thương mại và chính trị triệt để khai thác. Giáo sư Nichols viết : "Vì không hiểu được tất cả mọi vấn đề phức tạp xung quanh mình, họ (dân chúng và các chính trị gia) chọn lựa thà đừng hiểu gần như mọi điều và giận dữ đổ tội cho những thành phần ưu tú vì kiểm soát cuộc sống của họ".

Những kẻ phủ nhận siêu vi

Các chuyên gia là những người đưa ra các đề nghị. Còn quyết định là việc của các vị dân cử. Nhưng rất hiếm khi các chính trị gia được dân bầu lên là chuyên gia, nhất là theo cơ chế đảng phái chính trị hiện nay. Ông Paul là thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên nhiễm Covid-19. Nay ông lại bảo rằng các chuyên gia y tế phải "tỏ ra dè dặt trong việc chẩn đoán của họ", ngay cả miền Nam và miền Tây Hoa kỳ đang phải vất vả chiến đấu trước đợt tấn công thứ hai của dịch bệnh.

ngudot2

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm. Ảnh / AP

Thượng nghị sĩ Paul đã tuyên bố rằng người Mỹ "chỉ cần có thêm lạc quan" mỗi khi nghe khuyến cáo của một ủy ban (phòng chống) đại dịch, kể cả giám đốc của Viện Quốc gia về Dị ứng và Dịch bệnh là Tiến sĩ Anthony Fauci. Tiến sĩ Fauci vừa mới cảnh cáo rằng Hoa Kỳ đang trên đà mỗi ngày có thêm 100.000 người nhiễm Covid-19.

Thượng nghị sĩ Paul muốn các trường học phải mở cửa lại. Ông muốn các câu lạc bộ và tiệm ăn mở cửa lại. Ông muốn các cuộc thi đấu thể thao cũng phải được cho tổ chức lại. Thượng nghị sĩ Paul nói : "Tất cả những gì mà tôi nghe được là "Tiến sĩ Fauci nói : "Chúng ta không thể làm điều này. Chúng ta không thể làm điều kia. Chúng ta không thể chơi bóng chày".

Vị thượng nghị sĩ của Tiểu bang Kentucky này cho rằng các công dân Mỹ sẽ trở thành một thứ "bày đàn được một vài người ở Hoa Thịnh Đốn bảo phải làm gì và chúng ta chẳng khác nào những con cừu phải mù quáng đi theo họ".

Ông đã không đá động đến kịch bản được những mục tử không chuyên môn đưa ra. Và theo Giáo sư Nichols, đây là một dấu hiệu cho thấy nguy hiểm biết chừng nào khi các chuyên gia đề nghị một đàng và các vị dân cử quyết định một nẻo.

Một bác sĩ nhãn khoa không phải là một nhà siêu vi học. Một nhân viên địa ốc không phải là một nhà ngoại giao. Một giám đốc tiếp thị không phải là một chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, chỉ cần một chút cố gắng, những người như thế cũng có thể hiểu và cân nhắc những lập luận của mình. Giáo sư Nichols viết : "Những người không có hiểu biết chuyên môn không thể làm mà không cần các chuyên gia và họ cần phải chấp nhận thực tế đó chứ không phải ngậm đắng nuốt cay. Các chuyên gia cũng vậy, cũng phải chấp nhận lắng nghe, chứ không phải phủ nhận và lời khuyên của họ không phải lúc nào cũng được đón nhận".

Vui mừng trong ngu dốt

Đối với nhiều người, ngu dốt là một đức tính. Đặc biệt trong chính trị. Thà mù quáng và hùng hổ tuyên bố ủng hộ "tín điều" đã được thiết lập, dù có lỗi thời, của phe nhóm mình hơn là phải thay đổi. Người ta không bao giờ cho rằng mình có thể sai lầm.

ngudot3

Người biểu tình trương biểu ngữ và cờ Mỹ để phản đối các biện pháp cách ly và đeo khẩu trang ở Huntington Beach. Ảnh / AP

Giáo sư Nichols nói : "Lập luận có nguyên tắc và dựa trên sự hiểu biết là một dấu hiệu của trí tuệ lành mạnh và sức sinh động của một nền dân chủ. Tôi cảm thấy lo là bởi vì chúng ta không còn có những lập luận như thế nữa, mà chỉ là những đấu đá hò hét và giân dữ".

Thái độ này là một siêu vi đang lây lan trên các trang mạng xã hội truyền thống, trong các cuộc tranh luận chính trị và trong các tiệm ăn trên khắp thế giới. "Khước từ lời khuyên của các chuyên gia để khẳng định sự tự trị của mình, đây là cách người Mỹ muốn chứng minh sự độc lập của họ đối với những thành phần ưu tú (có hiểu biết) và cô lập cái tôi mong manh của họ để khỏi nghe nói rằng họ sai lầm".

Vấn đề không phải là bày tỏ ý kiến của mình mà là suy nghĩ với óc phê phán. Và sẽ không có suy nghĩ với óc phê phán nếu không thể chấp mình rằng mình có thể sai lầm.

Giáo sư Nichols giải thích : "Ngờ vực là một điều tự nhiên, nhưng tôi sợ rằng chúng ta đang vượt qua làn ranh của thái độ ngờ vực tự nhiên ấy khi từ ý kiến của các chuyên gia chúng ta tuyên án tử cho chính lý tưởng của sự chuyên môn. Được Google nuôi dưỡng, dựa trên Wikipedia và no say vì các Blog, người ta không còn phân biệt giữa các chuyên gia và những người không có hiểu biết chuyên môn, giữa giáo viên và học sinh, giữa những người có kiến thức và người không có kiến thức, nói cách khác, giữa những người đã thành đạt trong một lãnh vực và những người không có bất cứ thành đạt nào".

Hiểu biết chuyên môn đã bị "loạt khỏi quày hàng" của những tiện nghi. Giáo sư Nichols giải thích : chẳng hạn người ta thích tìm đến một bác sĩ để xin toa thuốc chữa trị bệnh tiểu đường, nhưng lại không muốn nghe dẫn giải về dinh dưỡng và nếp sống vốn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật.

"Người ta muốn ý kiến của mình phải được tôn trọng và những chọn lựa ưu tiên của mình được nhìn nhận không phải dựa trên sức mạnh của những lập luận của mình hay trên bằng chứng hiển nhiên mình đưa ra mà dựa trên cảm xúc và bất cứ thông tin sai lạc nào mình nhặt được nơi này nơi nọ".

Những sự thật gây khó chịu

Thượng nghị sĩ Paul xem ra không nghe chính lời khuyên của ông. Tại một phiên điều trần ở Thượng Viện, ông thách thức Tiến sĩ Fauci khi nói rằng : "Chúng tôi có thể lắng nghe lời khuyên của ông, nhưng phía bên kia cũng có những người nói rằng sẽ không hề có sự gia tăng (số người bị nhiễm Covid-19) và như vậy chúng ta có thể mở cửa kinh tế một cách an toàn. Và các sự kiện sẽ chứng minh điều đó".

ngudot4

Một nhân viên pha rót bia trong khi đeo mặt nạ và che chắn mặt giữa đại dịch coronavirus tại Slater's 50/50 ở Santa Clarita. Ảnh / AP

Và đây là các sự kiện. Một quán rượu ở Tiểu bang Michigan đã được nhận diện là trung tâm điểm phát xuất của 110 ca nhiễm mới. Một phòng tập thể dục ở Tiểu bang West Virginia đã gây thêm 100 ca nhiễm mới. Trên 230 người đã nhiễm siêu vi khi tham dự một buổi thờ phượng tại Tiểu bang Oregon. Và đây chỉ là một vài thí dụ điển hình.

Nhưng một cuộc thăm dò được cho phổ biến hồi cuối tuần đã cho thấy sức mạnh của làn sóng phủ nhận đại dịch. Theo cuộc thăm dò, hiện có khoảng 40 phần trăm người Mỹ tin rằng tình trạng (đại dịch) đang được kiểm soát, rằng điều tệ hại nhất đã qua rồi, rằng đại dịch đã chấm dứt rồi.

ngudot6

Những người biểu tình diễu hành gần Trung tâm BOK nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức một buổi mít-tinh những người ủng hộ mình tại Tulsa, Oklahoma ngày 2006/2020. Ảnh : Ảnh của SETH HITHD / AFP.

Họ sai lầm. Covid-19 đang tăng tốc hành hoành trên khắp thế giới. Hoa Kỳ hiện đang là trọng tâm của đại dịch : tính từ lúc đại dịch bùng phát tới nay Hoa Kỳ đã có trên 2.7 triệu người bị nhiễm, trong số này có 130.000 người thiệt mạng. Nay, dịch bệnh đang bùng phát dữ dội trên cả nước. Chỉ mới hôm qua (02/07/2020) thôi, theo ghi nhận đã có thêm 44.000 người bị nhiễm.

Hệ thống y tế của Tiểu bang Arizona đã bó tay. Các bệnh viện của tiểu bang đang phải cho áp dụng các biện pháp "tuyển chọn" : chọn ai cần được chữa trị và ai phải bị loại bỏ. Tiểu bang Texas cũng đang cảnh cáo rằng các phòng cấp cứu trong các bệnh viện của tiểu bang hiện đang gần như đầy ứ vì mỗi ngày có đến 8.000 ca mới. Tiểu bang California hiện đang ghi nhận mỗi ngày có thêm 5000 ca mới. Hôm qua thống đốc của tiểu bang đã ra lệnh đóng cửa các tiệm ăn, rạp chiếu bóng và các quán rượu.

Trong một tình trạng như thế, Thượng nghị sĩ Paul vẫn tỏ ra thù nghịch với lời khuyên của các chuyên gia, cho dẫu đó là một lời khuyên chính xác. Hôm qua, ông đã tuyên bố : "Cần phải biết rằng nếu xã hội chiều theo lời khuyên của một chuyên gia và nếu chuyên gia ấy sai lầm, thì nhiều thiệt hại có thể xảy ra. Chúng ta không nên giả định rằng một cách nào đó một nhóm chuyên gia biết điều gì là tốt nhất cho mọi người".

Khiên thuẩn của sự thật

Các chuyên gia y tế thừa nhận rằng họ chưa biết chính xác siêu vi hoạt động như thế nào hay sức mạnh và những yếu nhược của nó như thế nào. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa. Đây là lý do tại sao trước khi tìm ra được một thuốc chủng hữu hiệu, thế giới chỉ mới có 4 vũ khí để chống lại đại dịch. Dĩ nhiên nhờ các chuyên gia. Đã có bằng chứng cho thấy các biện pháp này hữu hiệu.

ngudot5

Nhân viên y tế điều chỉnh thiết bị bảo vệ cá nhân của họ khi làm việc tại khoa cấp cứu tại NYC Health + bệnh viện Metropolitan ở New York. Ảnh / AP

Trước tiên là việc xét nghiệm. Điều này có nghĩa là nhận diện được nguy cơ. Điều này cũng cho thấy siêu vi đã xâm nhập sâu xa vào một cộng đồng như thế nào. Nó cũng cho phép nhận diện được những cá nhân bị nhiễm nhưng không có triệu chứng và nhờ đó cách ly tức khắc cũng như chữa trị người mắc bệnh.

Biện pháp thứ hai là truy tìm tông tích của việc lây lan. Đây là một công việc khó khăn đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng nó cho phép giảm bớt tốn kém mà vẫn có được hiệu quả tốt. Những người bị nhiễm được phỏng vấn và điều tra. Từng bước di chuyển của họ khi họ có thể lây cho người khác được kiểm tra chặt chẽ. Biện pháp này dẫn đến những người, những nhóm và nơi chốn có tiếp xúc với người bị nhiễm. Việc xét nghiệm sau đó lại hướng đến việc lây lan của siêu vị.

Biện pháp thứ ba là cách ly. Đây là điều tự nhiên phải làm và tốn kém. Nhưng đây là khí cụ duy nhất hữu hiệu mà các cơ quan y tế đang có để chống lại sự bùng phát của Covid-19. Và nếu như một cộng đồng bị cách ly đủ lâu thì siêu vi sẽ bị tiêu diệt. Nó sẽ "chết đói" vì không có những người khách mới !

Biện pháp thứ tư là vệ sinh cá nhân. Một cái ho trong một câu lạc bộ, một quán rượu, một tiệm ăn, một tiệm cà phê hay một cửa tiệm cũng có thể lây cho cả một vùng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Chỉ cần vô tình tiếp xúc với một mặt bằng bị nhiễm rồi sờ lên mặt mình cũng đủ để bị nhiễm. Đây là lý do tại sao rửa tay và đeo khẩu trang là biện pháp phòng thủ cuối cùng.

Nếu cả bốn biện pháp trên đây không được áp dụng một cách đúng đắn, việc phòng chống dịch bệnh sẽ thất bại. Và đây là chính kinh nghiệm của Hoa Kỳ sau khi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem thường lời khuyên của các chuyên gia y tế. Và điều này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Giáo sư Nichols viết : "Bao lâu sự tin tưởng và tương kính không được tái lập thì công luận sẽ bị tiêm nhiễm bởi niềm tin mù quáng đối với những ý kiến không có nền tảng. Và trong một bầu khí như thế thì bất cứ điều gì và mọi thứ cũng đều có thể xảy ra, kể cả cái chết của nền dân chủ".

Jamie Seidel

Nguyên tác : Ignorance is why US faces 100.000 new infections every day, New Zealand Herald, 02/07/2020

Chu Văn chuyển ngữ

(03/07/2020)

Jamie Seidel là một ký giả tự do chuyên viết bình luận cho News Corporations, Australia.

 

Additional Info

  • Author Jamie Seidel, Chu Văn
Published in Diễn đàn

Mùa bầu cử 2020 đang sôi động. Chỉ còn hơn bốn tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Joe Biden sẽ là ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Dân chủ. Do đó trong những ngày gần đây những người ủng h Tổng thống Trump dựng lên mẩu tin rằng ông Biden là người chống tị nạn Việt Nam vào giữa thập niên 1970 để lấy phiếu của người Việt cho ông Trump. Vì ông Biden là một thượng nghị sĩ rất trẻ từ khi mới 30, vừa đủ tuổi tối thiểu để nhậm chức, cho nên kiểm lại hồ sơ của Quốc hội có thể sẽ biết thực hư như thế nào.  Đây cũng sẽ là cơ hội để xem lại những dự luật về việc cứu trợ người Việt tị nạn và tin tức thời sự liên quan vào khoảng thập niên 1970. 

joe1

Đạo luật di tản và cứu trợ người tị nạn cộng sản

Trong hồ sơ pháp luật của Quốc hội Hoa Kỳ, tôi tìm thấy ba tài liệu chính liên quan đến việc di tản và cứu trợ người Việt tị nạn vào 1975. Thứ nhất là dự luật S. 1484 (Vietnam Contigency Act) được Thượng viện chấp thuận với số phiếu 75-17 vào ngày 24/4/1975.  Trong số 17 phiếu chống có phiếu của ông Joe Biden. Ngay từ khi tranh cử vào thượng viện khi vừa 30 tuổi vào 1972 ông đã ủng hộ việc rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. 

Khi chuyển xuống Ha Viện, dự luật S. 1484 bị bác bỏ chung với dự luật cũa Hạ viện H.R. 6096 (Vietnam Humanitarian Assistance and Evacuation Act of 1975) với 162 phiếu thuận và 246 phiếu chống vào ngày 1/5/1975. 

Rất tiếc tôi chì tìm thấy một vài chi tiết giải thích những lý do những dự luật trên đây bị Quốc hội bác bỏ. Lý do đầu tiên là chính quyền Ford muốn Quốc hội cho ông quyền sử dụng quân đội Mỹ nếu cần thiết để bảo vệ việc di tản người Mỹ và người Việt ra khỏi Việt Nam. 

Nghị sĩ Robert C. Byrd (Dân chủ, West Virginia) chống việc dùng quân đội Mỹ để di tản người Việt vì biện pháp này "không thiết thực và nguy hiểm". Ông nói "Nếu chúng ta bắt đầu làm như vậy, chúng ta sẽ nhập vào cuộc chiến trở lại".

Dân Biểu Bob Carr (Dân chủ, Michigan) nói rằng Tổng thống Ford biết Quốc hội sẽ không bao giờ chấp thuận viện trợ quân sự, cho nên Tổng thống cho di tản ngay những người còn ở đó và chấm dứt chơi trò chính tri với họ". 

Ngoài ra, Thư ký Báo chí Ron Nessen của Nhà Trắng thừa nhận rằng đa số điện báo (1,125 – 443) và điện thoại (342 – 290) gọi vào chống lại kế hoạch của Tổng thống Ford. 

Chính quyền Ford chủ tâm liên kết việc di tản người Mỹ và người Việt với khoản xin viện trợ quân sự cho Việt Nam mà Tổng thống Ford cho là cần thiết để ổn định tình thế và nhờ vậy việc di tản sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Sau khi bị thất bại tại Hạ viện với dự luật H.R. 6096, Tổng thống Gerald Ford vào ngày 6/5/1975, qua Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã đệ trình Quốc hội dự luật mới có tên là Indochina Migration and Refugee Assistance Act (S. 1661). Dự luật này được đa số Thượng viện chấp thuận với 77 phiếu thuận và hai phiếu chống của hai nghị sĩ Cộng hòa là Jesse Helm (North Carolina) và William Scott (Virginia). Ngoài ra có 20 nghị sĩ không bỏ phiếu. 

Dự luật của Thượng viện S. 1661 được sát nhập vào một dự luật của Hạ viện có tên là Authorizing Funds for Assistance to Refugees from South Vietnam and Cambodia (H.R. 6755). Dự luật này được đệ trình Hạ viện vào ngày 7/5/1975 và đã được thông qua với 381 phiếu thuận và 31 phiếu chống.  Tổng thống Ford ký thành luật vào ngày 23/5/1975. Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận cho Tổng thống Ford dành một ngân khoản là 455 triệu USD để di tản và cứu trợ những người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia, không kể một ngân khoản $98 triệu để chi vào việc di tản và hỗ trợ người tị nạn.  Trong đạo luật này không có một ngân khoản nào dành cho viện trợ quân sự. Và nếu có cũng đã quá trễ vì Saigon đã thất thủ vào 30/4/1975. 

Ngoài ra, Thượng viện Hoa Kỳ có ra một nghị quyết (resolution) S. Res. 148 có tên là "Chào mừng những người tị nạn mới nhất đến đất nước chúng tôi" (Welcome the latest refugees to our shores) vào ngày 8/5/1975 với 92 phiếu thuận trong đó có Nghị sĩ Joe Biden, một phiếu chống của Nghị sĩ William Scott (Cộng hòa, Virginia) và bẩy nghị sĩ vắng mặt. 

Buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975 

joe2

Tôi cũng đã tìm thấy trong kho hồ sơ lịch sử đã được giải mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một tài liệu về buổi họp vào ngày 14/4/1975 tại Tòa Bạch Cung giữa Tổng thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger và Ủy ban Ngoại  giao Thượng viện trong đó có Nghị sĩ Joe Biden và một số viên chức cao cấp trong chính quyền.     

Trong tài liệu này, tất cả mọi người, đặc biệt là Tổng thống Ford, Ngoại trưởng Kissinger, xem ra đều đồng thuận về hai việc quan trọng : 1) Mang người Mỹ ra khỏi Việt Nam an toàn ; 2) Di tản khoảng 175.000 người Việt. Riêng việc viện trơ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa được đề cập tới nhưng không đưa đến một quyết định nào cả. 

Theo Ngoại trưởng Kissinger kế hoạch di tản người Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Di tản số người Việt lớn lao là một bổn phận của Hoa Kỳ (obligation) sẽ phức tạp hơn, cần sự hợp tác của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và và có thể của cả Bắc Việt. Cũng theo ông Kissinger, "Tổng cộng số người Việt bị nguy hiểm lên đến trên một triệu. Danh sách không thể giảm bớt là 174.000 người. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể di tản hết những người ở trong tình trạng cực kỳ nguy khốn này. Chúng ta phải tập trung họ lại ở nơi mà chúng ta có điều kiện để di chuyển họ". 

Nghị sĩ Frank Church (Dân chủ, Idaho) góp ý rằng về mặt pháp lý rõ ràng không có khó khăn gì để di tản người Việt cùng với người Mỹ, nhưng với 175.000 người cần có hàng ngàn quân Mỹ bảo vệ.

Nghị sĩ Stuart Symington (Dân chủ, Missouri) đặt câu hỏi về người Việt tị nạn sẽ định cư ở đâu, Nghị sĩ Clairborne Pell (Dân chủ, Rhode Island) góp ý rằng "Chúng ta có thể đưa họ đến Borneo, cùng một vĩ độ, cùng một khí hậu, và đón nhận những người chống cộng sản". 

joe3

Tổng thống Ford ngay lập tức đáp lại rằng "Chúng ta đã mở cửa đón người Hung. Tôi không muốn nói rằng tình trạng giống nhau nhưng truyền thống của chúng ta là tiếp nhận những người bị đàn áp. Tôi không nghĩ rằng những người này nên được đối sử khác biệt với những người khác - người Hung, người Cuba, người Do Thái từ Liên Xô". 

Ý kiến của Tổng thống Ford là quyết định sau cùng vì sau đó không ai đem vấn đề này ra bàn thêm. 

Trong buổi họp, Nghị sĩ Biden chỉ phát biểu ba lần ngắn gọn. Ông than phiền rằng Bộ Ngoại giao chưa cho xem kế hoạch [di tản]. Ông Biden muốn tách riêng ba vấn đề đã nêu trên là di tản người Mỹ, di tản người Việt và viện trợ quân sự. Ông muốn tập trung ngay vào việc di tản người Mỹ vì việc này dễ dàng và đã chuẩn bị đầy đủ. Cũng như đa số ở Quốc hội ông Biden không ủng hộ viện trợ quân sự cho Việt Nam. 

Ông Biden nói nguyên văn bằng tiếng Anh như sau "We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different". Vài phút sau ông nói tiếp "I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out". 

Tuy nhiên Jerry Dunleavy của báo The Washington Examiner đã bẻ quẹo lời ông Biden vừa phát biểu "Biden said U.S. allies should not be rescued". Tại buổi họp không ai nói câu nào như vậy. 

Cũng trong buổi họp tại White House, Tổng thống Ford tỏ ra bực tức với Nghị sĩ Clairborne Pell khi ông này đề nghị định cư người Việt ở đảo Borneo của Nam Dương. 

"Pell : We could put these people in Borneo. It has the same latitude, the same climate, and would welcome some anti-Communists". 

"President : Let me comment on where they would go: We opened our door to the Hungarians. I am not saying the situation is identical but our tradition is to welcome the oppressed. I don’t think these people should be treated any differently from any other people—the Hungarians, Cubans, Jews from the Soviet Union". 

Một cách tồi tệ, thiếu lương tâm nghề nghiệp, nhà báo Dunleavy đã thay thế câu nói của ông Pell bằng một phát biểu trước đó của ông Biden không liên quan gì đến nơi định cư của người tị nạn Việt : 

"I will vote for any amount for getting the Americans Out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out". 

Dunleavy muốn độc giả hiểu lầm rằng Biden không muốn di tản người Việt và Tổng thống Ford bực tức ông Biden chứ không phải ông Pell. 

Ngoại trưởng Kissinger trả lời Nghị sĩ Biden rằng đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Hoa Kỳ không thể di tản những người tị nạn trong điều kiện khủng hoảng. Không ai nghĩ cần có một thời gian dài để di tản những người này. Chỉ có 10 ngày hay hai tuần mà thôi. 

Tổng thống Ford nói "Chúng ta không muốn mang quân đội Hoa Kỳ vào nhưng chúng ta cần có đủ ngân khoản để làm như chúng ta dự định cầm cự một thời gian… Nếu đây là một buổi họp để chuẩn bị di tản, nó sẽ làm chính phủ Việt Nam hoảng sợ. Nghị sĩ Jacob Javits (Cộng Hòa, New York) đề nghị nói với báo chí 200 triệu USD. 

Toàn bộ buổi thảo luận tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975 có thể tìm đọc : 232. Memorandum of Conversation

Viện trợ quân sự

joe4

Cũng trong buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975, Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger nói rằng "Có những tiến bộ trong những ngày vừa qua. Họ [quân đội Việt Nam Cộng Hòa] đã chiến đấu tốt tại Xuân Lộc và vùng châu thổ [sông Cửu Long] nhưng tình trạng này là tạm bợ hay không tùy thuộc vào Bắc Việt và yêu cầu [viện trợ quân sự] của Tổng thống. Tại vùng quân sự, Bắc Việt có tám sư đoàn, chính phủ Việt Nam có bẩy sư đoàn. Họ chiến đấu tốt nhưng họ đang thiếu đạn dược. Nói một cách tổng quát, nếu Bắc Việt tung hết lực lượng ra họ sẽ có ưu thế, nhưng quân đội miền Nam biết địa thế và bị dồn vào chân tường".   

Bộ trưởng Schlesinger yêu cầu 722 triệu USD viện trợ quân sự. Trong đó 140 triệu USD để trang bị bốn sư đoàn bộ binh, 120 triệu USD để cải tổ bốn đơn vị biệt động quân và 190 triệu USD cho đạn dược.  Tổng thống Ford nhắc tới một ngân khoản thứ hai là 300 triệu USD đã được Quốc hội chấp thuận nhưng chưa có ngân khoản. 

Nghị sĩ Richard Clark (Dân chủ, Iowa) nêu một câu hỏi về mục đích của viện trợ quân sự mà Tổng thống Ford yêu cầu.  Một lần nữa Tổng thống Ford xác nhận rằng ông muốn dùng viện trợ quân sự để ổn định tình hình quân sự và tạo cơ hội thương thuyết và cho phép di tản người Mỹ và người Việt. 

Theo tường thuật của New York Times vào ngày 18/4/1975, Ngoại trưởng Kissinger, tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, tiên đoán rằng nếu không có viện trợ quân sự quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ cạn hết đạn dược vào cuối tháng 5.  Tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Bộ binh cũng có một nhận định tương tự trước Ủy ban Quân sự Hạ viện. 

Sau cùng Quốc hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận một ngân khoản viện trợ quân sự nào cho Việt Nam Cộng Hòa theo yêu cầu của Tổng thống Ford. Ông cũng chịu chung một số phận như Tổng thống Nixon. 

Cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ đều tiếp tay gây áp lực để ép Nixon chấm dứt chiến tranh qua luật ngân sách quốc phòng. Hai nghị sĩ John Sherman Cooper (Cộng hòa) và Frank Church (Dân chủ) đã đệ trình một số tu chính án cho luật ngân sách quốc phòng để cấm Nixon chi tiền không những vào chiến tranh Việt Nam mà còn cả ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Có đến 73 nghị sĩ trên tổng số 100 ủng hộ, không phải chỉ có nghị sĩ Dân chủ mà thôi. 

Một tu chánh án khác do hai nghị sĩ Mark Hatfield (Cộng hòa) George McGovern (Dân chủ) bảo trợ đòi chấm dứt hoạt động quân sự vào 31/12/1970 và rút quân ra khỏi Việt Nam vào 31/12/1971, nhưng tu chánh án này không đạt được đa số phiếu ủng hộ (39/55). 

Tổng thống Nixon xin viện trợ cho Việt Nam trong tài khóa 1/7/1974 đến 30/6/1975 một ngân khoản là 1,45 tỉ USD nhưng chỉ được Quốc hội chấp thuận 700 triệu USD. 

Tóm lại cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bỏ rơi Việt Nam.

Hiệp định Paris 1973 

Để trả lời một câu hỏi của Nghị sĩ John Sparkman (Dân chủ, Alabama) về trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Paris 1973, Tổng thống Ford nói rằng Hoa Kỳ đã ký và ủng hộ Hiệp định Paris 1973 thiết lập do sáng kiến của Hoa Kỳ. 

Ngoại trưởng Kissinger giải thích rằng với Hiệp định Paris Hoa Kỳ không có bổn phận gì cả nhưng có thẩm quyền đó là Điều 7. Hoa Kỳ có quyền cung cấp viện trợ và ép buộc thi hành những thỏa hiệp.

Ông Kissinger trình bầy tiếp rằng đối với chính quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đã nói nếu họ để quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có nhiều may mắn hơn để trợ giúp Việt Nam và buộc phải thi hành Hiệp định Paris. Một vài người gọi đó là trách nhiệm tinh thần. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không bao giờ tự cho rằng có bổn phận, không bao giờ nhận trách nhiệm theo Hiệp định Paris.

Điều 7 của Hiệp định Paris nói rằng cả hai phe của miền Nam Việt Nam không được phép tiếp nhận nhận binh sĩ, cố vấn và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên kỹ thuật quân sự, súng đạn và vật liệu chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên đôi bên có quyền thay thế những những vũ khi, đạn dược bị phá hủy, hư hại hay hao mòn. 

Câu nói của Ngoại trưởng Kissinger rất quan trọng. Do đó tôi chép lại nguyên văn bằng tiếng Anh như sau : 

"The Accords had not obligations but authorities, that is, Article 7.  President Nixon and others judged that permitting the United States to extricate itself would permit the United States to provide aid and enforce the agreements. Under the Paris Accords, we have no obligation. To the GVN we said that if they let us get our forces out it would enhance our chances of getting aid for them and enforcing the agreement. It was in this context, not that of a legal obligation. We never claimed an obligation ; we never pleaded an obligation. But some of us think there is a moral obligation". 

Không ít hội đoàn và một số nhân vật chính trị và tôn giáo Việt Nam ở hải ngoại trên 10 năm nay bám vào Hiệp định Paris 1973 để nuôi hi vọng lấy lại miền Nam Việt Nam, phục hồi chế độ Việt Nam Cộng Hòa để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa, không những nên nghiên cứu lại nội dung của Hiệp định mà quan trọng hơn cả là nên tìm hiểu kỹ về chính giới Hoa Kỳ trước đây và hiện nay quan niệm như thế nào về trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với Hiệp định này.  Nếu thấy đây đã là ngõ cụt, thời nên tính chuyện làm ăn khác. 

Kết luận

joe5

Trên thực tế, tình hình chiến sự biến chuyển rất nhanh tại Việt Nam. Chỉ hơn hai tuần sau buổi họp ở Nhà Trắng, Sài Gòn thất thủ. Cuộc di tản người Mỹ hoàn tất. Một số người Việt làm việc với các cơ quan của Mỹ tại Việt Nam được đưa đi cùng lúc với người Mỹ. Nhưng nói chung cuộc di tản người Việt đã diễn ra trong hỗn loạn hầu hết bằng cách vượt biên. Khoảng hơn 120.000 người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trong năm 1975. 

Những năm sau này Hoa Kỳ có những chương trình tị nạn cho người Việt là Humanitarian Operation (HO), Orderly Departure Program (ODP), Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR), Amerasian Homecoming (AH) và Humanitarian Resettlement (HR). Theo U.S. Census Bureau, dân số người Mỹ Việt là 2.104.217 vào năm 2017. 

Bình tĩnh và công bình mà nói, những tài liệu lịch sử đã được phổ biến Hoa Kỳ cho thấy một phần nào rằng chiến tranh Việt Nam không thể thắng được ngay từ 1964. Chính Tổng thống Johnson cũng rất do dự về việc đem quân vào Việt Nam vào 1965. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Johnson nhìn xa trông rộng, tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2. 

Vào đầu năm 1969, Hoa Kỳ có gần 550.000 quân ở Việt Nam. Không đợi đến 1973, Tổng thống Nixon đã bắt đầu rút quân và thực hiện chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Số phận của miền Nam Việt Nam đã an bài từ khi Nixon ép Việt Nam Cộng Hòa ký vào Hiệp định Paris vào tháng Giêng 1973, không phải vì Quốc hội không chấp thuận 722 triệu USD hay 300 triệu USD viện trợ quân sự vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. 

Chỉ có người Việt mới chậm hiểu và tiếp tục bản chất đó cho đến bây giờ, nên đã, đang và sẽ bị thiệt thòi. Cái giá phải trả đôi khi rất cao như vài triệu người chết trên chiến trường, vài trăm ngàn người chết chìm dưới biển cả.

joe6

Mặc dù ông bà nội là người Đức, mẹ ông là người Scottish, hai người trong ba người vợ là người gốc Tiệp và Slovenia, Tổng thống Trump đối xử tàn nhẫn đối với người tị nạn và cực kỳ khắt khe đối với di dân. Ông ra lệnh tách riêng và tập trung 15.000 con cái của những người di dân bất hợp pháp trong vài năm gần đây vào 9 trại giam lỏng, thiếu vệ sinh và chăm sóc cần thiết và bị lam dụng. Ngày 26/6/2020 Tòa án liên bang tại District of Columbia đã ra lệnh cho chính quyền Trump phải thả tất cả những trẻ em đang bị giam giữ một phần vì đại dịch Covid-19.

Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa chủ trương trục xuất khoảng 650.000 di dân được cha mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp từ khi còn là trẻ con. Tuy nhiên Tối cao Pháp viện Liên bang vừa bác bỏ yêu cầu của chính quyền Trump đòi chấm dứt chương trình Defered Action for Childhood Arrivals (DACA) do chính quyền Obama thiết lập để tạm thời cho phép họ lưu trú tại Hoa Kỳ và được phép đi làm.

Ông Trump còn ra những quyết định hành pháp để hạn chế số di dân vào nước Mỹ trái với luật định, đặt thêm những điều kiện khắt khe về lợi tức, trình độ Anh ngữ, kỹ năng chuyên môn, tuổi tác, sức khỏe và tình trạng gia đình để giới hạn số người vào Mỹ và cơ hội trở thành người thường trú và công dân Mỹ. Những sắc dân da mầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 49% người theo Đảng Cộng hòa xem di dân là một gánh nặng xã hội so với 38% xem di dân là một lợi ích cho quốc gia.

Trái lại, ông Joe Biden và Đảng Dân chủ xem Hoa Kỳ là một nước của di dân, nên đón nhận, đối xử nhân đạo và công bằng hơn với người tị nạn và tôn trọng những di dân hợp pháp. Khoảng 83% số người theo Đảng Dân chủ nghĩ rằng di dân làm cho dất nước mạnh hơn, không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia hay trở nên gánh nặng cho xã hội về việc làm, nhà ở và dịch vụ y tế. Những công đoàn lao động Hoa Kỳ ngày nay cũng không còn xem di dân là một mối đe dọa về việc làm và lương bổng mà là vấn đề quyền dân sự.

Nếu là người Việt tị nạn hay là di dân, tôn trọng chính sách di dân công bằng và nhân đạo, chống kỳ thị sắc tộc, ông Joe Biden là người đáng được ủng hộ trong cuộc bầu cử vào ngày 3, tháng 11 năm nay.

Nguyễn Quốc Khải

(26/06/2020)

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Nước Mỹ và những vấn đề không mới

Nước Mỹ đang nóng vì những cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc, sự bất công trong xã hội đối với người da màu, nạn sử dụng bạo quá tay trong một số nhân viên cảnh sát sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin tại Thành phố Minneapolis ngày 25.5 vừa qua. Một số cuộc biểu tình đã bị một số người lợi dụng biến thành bạo loạn, cướp bóc. Trong khi đó, phong trào biểu tình với những tấm biểu ngữ "I can’t breath" lập lại lời van xin của George Floyd hay "Black Lives Matters" cũng đang lan ra một số quốc gia Châu Âu khác.

usa1

Mâu thuẫn-xung đột chủng tộc nặng nề đã tồn tại từ lâu giữa người da trắng và người da đen, da màu trong xã hội Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên những cuộc biểu tình và cả bạo loạn với cùng mục đích xảy ra trên đất Mỹ. Vụ George Floyd chỉ là thêm một lần nữa phản ánh mâu thuẫn-xung đột chủng tộc nặng nề đã tồn tại từ lâu giữa người da trắng và người da đen, da màu trong xã hội Mỹ, bắt nguồn từ lịch sử nước Mỹ khi vào thế kỷ 16, hàng trăm ngàn, hàng triệu người da đen ở Châu Phi bị bắt cóc, bị bán và đưa sang Mỹ làm nô lệ. Công cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng của người Mỹ da đen chưa bao giờ ngưng nghỉ, bắt đầu từ đó. Mặc dù sau khi cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865, luật pháp Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng sự kỳ thị, bất bình đẳng giữa người da trắng với người da đen trên đất Mỹ chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Không phải vô cớ mà cho đến tận ngày hôm nay, mâu thuẫn-xung đột da đen, da trắng vẫn tiếp tục là đề tài nóng trong những cuốn sách, bộ phim của Mỹ. Chỉ nói sơ sơ trong lĩnh vực phim ảnh và chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, có nhiều phim được đề cử hoặc đoạt giải Phim hay nhất của Oscars là về chủ đề này. Ví dụ "12 years a slave"- đoạt giải phim hay nhất tại Oscar 2013, "Django Unchained" đã thắng 2 Oscar và được đề cử hạng mục Phim hay nhất năm 2013", Selma" làm về Martin Luther King Jr. đề cử Phim hay nhất 2014, "Moonlight"- Phim hay nhất Oscar 2017, "Get Out"- đề cử Oscar phim hay nhất 2017, "Green Book"- Phim hay nhất 2019...

Nói như thế không có nghĩa là sự phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da đen, da màu không có ở những quốc gia khác, nhưng ở Mỹ nó dai dẳng, âm ỹ là do vấn đề lịch sử như vừa nói trên.

Thứ hai, nạn sử dụng bạo lực quá đà của một số nhân viên cảnh sát nhưng lại không bị trừng phạt thỏa đáng cũng là một thực tế. Từ năm 1991 đến 2020, có ít nhất gần 20 vụ cảnh sát dử dụng bạo lực quá đà hoặc bắn chết người da đen với những lý do trời ơi đất hỡi, tại các thành phố khác nhau khắp nước Mỹ, kể từ vụ của Rodney King, Los Angeles, 1991 cho tới vụ mới nhất, George Floyd, Minneapolis, 2020. Những vụ nào có người chứng kiến hoặc quay video và dư luận làm ầm ỹ thì các cảnh sát mới bị truy tố, còn không thì chỉ bị kỷ luật, cùng lắm cho nghỉ việc.

Thêm vào đó đại dịch Covid-19 với con số người bị nhiễm và chết cao nhất thế giới của nước Mỹ (gần 2 triệu người nhiễm và gần 110.000 người chết, tính đến ngày 4/6), hàng chục triệu người bị thất nghiệp, đã khiến sự bức bối trong nhiều người dâng lên và chỉ chờ dịp để xả ra.

Nước Mỹ và người Việt

Là một người dân của một quốc gia nghèo và đang sống trong một chế độ độc tài đảng trị, tôi cũng như rất nhiều người Việt khác thường hướng về nước Mỹ không chỉ như một biểu tượng của sức mạnh quân sự, khoa học, kỹ thuật, của các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng quan trọng nhất là vai trò lãnh đạo thế giới tự do, khi nước Mỹ thường xuyên lên tiếng và can thiệp để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan v.v…

Nhưng từ hơn ba năm qua thì niềm tin vào nước Mỹ đã trở nên mong manh nhiều khi nhìn thấy uy tín, sức mạnh mềm, ảnh hưởng cũng như vai trò lãnh đạo đó của nước Mỹ đang giảm sút hẳn trên thế giới ; sự kiện George Floyd cùng với những lời kêu gọi mang tính chia rẽ, kích động bạo lực của người đứng đầu Nhà Trắng khiến hình ảnh nước Mỹ mất đẹp đi nhiều. Tuy nhiên, khi đọc những phản ứng, những bài viết mạnh mẽ của Cha James Martin-một linh mục Dòng Tên người Mỹ, chủ bút tờ "Jesuit Magazine America" ("The Bible is not a prop" : Religious leaders, lawmakers outraged over Trump church visit", NBC News), của tướng bốn sao Mike Mullen ("I Cannot Remain Silent", The Atlantic), tướng James Mattis cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ("James Mattis Denounces President Trump, Describes Him as a Threat to the Constitution", The Atlantic)… niềm tin đó lại phần nào trở lại trong tôi.

Không có một quốc gia nào, xã hội nào là hoàn hảo trên trái đất này. Quốc gia nào, xã hội nào cũng có những khuyết điểm, những vấn đề nội tại của nó cũng như những thời điểm khó khăn, những chọn lựa/quyết định sai lầm. Nhưng nước Mỹ sẽ vượt qua như đã từng vượt qua những thời điểm khó khăn, đi xuống, chính vì luôn luôn có những con người chính trực dám lên tiếng, dám hành động để bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại, có hàng ngàn hàng vạn con người dám xuống đường biểu tình phản đối v.v…

Nước Mỹ sẽ vượt qua nhưng để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, có lẽ cũng là lúc người Mỹ nên nhìn lại hệ thống chính trị, hệ thống bầu cử, ứng cử, quyền hạn quá lớn của Tổng thống cho tới vấn đề phân biệt chủng tộc và sự bất bình đẳng tạo nên những cuộc đời thất bại và những nỗi tức giận bị dồn nén…

Và như chúng ta từng chứng kiến trong lịch sử nước Mỹ, cứ mỗi lần khủng hoảng, thay đổi là nước Mỹ sẽ lại trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, có biết bao nhiêu cái chết tức tưởi do bị cảnh sát bạo hành trong thời gian xét hỏi hoặc bị tạm giam ở Việt Nam, bao nhiêu cuộc biểu tình ôn hòa của dân oan bị cảnh sát, thậm chí quân đội đàn áp, và có những người dân bị giết một cách dã man, bao nhiêu cuộc đời bị mất đi oan uổng do những bản án oan sai, bao nhiêu việc làm, chính sách sai lầm phản dân hại nước của nhà cầm quyền… nhưng người dân không thể lên tiếng vì nếu lên tiếng sẽ bị đàn áp, bắt bớ, tù đày, và nhà nước Việt Nam thì cứ tiếp tục coi đất nước này, dân tộc này như thuộc quyền sở hữu riêng của đảng, muốn làm gì thì làm, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Điều đáng nói nhất là từ những cá nhân cho tới toàn bộ cái bộ máy vận hành cơ chế ấy không muốn, không dám và cũng không có khả năng thay đổi !

Đó là điểm khác biệt cơ bản giữa một quốc gia tự do dân chủ tam quyền pháp trị với một quốc gia độc tài độc đảng !

Song Chi

Nguồn : RFA, 04/06/2020 ( songchi's blog)

Published in Diễn đàn

Tôi chuyển đến Baltimore vào tháng Tám năm 2013. Trước thời điểm đó, tôi khá thờ ơ với trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi Châu. Tôi đã đọc Túp Lều của Chú Tom hồi ở trường và tôi còn nhớ là nó đã tạo ra một ấn tượng mạnh với tôi. Tôi cũng là một chú mọt sách về lịch sử nên tôi đã đọc một ít về buôn bán nô lệ, về thời Tái thiết (chú thích người dịch : Reconstruction Age thuộc giai đoạn nội chiến Hoa Kỳ) và Jim Crow (chú thích : thuật ngữ chỉ các luật phân biệt chủng tộc, áp chế lên người da đen tại các tiểu bang miền Nam, dựa theo tên một nhân vật hư cấu Jim Crow).

black1

Một siêu thị ở Baltimore bị bốc cháy - Ảnh minh họa

Nhưng tôi không nghĩ tôi đã từng có một cuộc trò chuyện thật sự nào về chủng tộc với một người da đen trước đây. Vài tháng sau khi chuyển đến Baltimore, vốn là một thành phố có đa số người da đen, tôi kết bạn với một anh chàng tên là Mani. Mani là một người Mỹ gốc Phi sinh ra và lớn lên tại Baltimore. Chúng tôi gặp nhau, nói chuyện về đức tin và âm nhạc. Lần đầu tiên tôi đến chỗ anh ta ở, tôi nhớ đã thấy ba thứ. 

Thứ nhất là tấm ảnh của Martin Luther King, Jr. Thứ nhì là tấm ảnh của Malcolm X. Và thứ ba là túi kẹo Skittles cùng một lon nước ngọt trên bàn. Mỗi lần tôi ghé đến, tôi luôn thấy ba điều đó. Có lẽ cũng ghé lần thứ ba hay thứ tư gì đó, tôi mới hỏi Mani rằng tại sao luôn có gói kẹo trên bàn. Anh ta lập tức trả lời với giọng đầy xác quyết rằng, "đó là thứ mà Trayvon Martin đang cầm khi bị bắn". 

Thoáng qua trong tôi khi nghe điều đó là, "Trayvon Martin, cái tên nghe quen quen". Về đến nhà, tôi tìm ngay cái tên đó. Tất nhiên là tôi đã rất xấu hổ nếu nói mình không biết cái tên đó. Tôi đã không muốn để Mani biết rằng tôi rất dốt. Nhưng ngay lúc đó và ở đó, tôi nhận ra rằng có một sự khác biệt lớn giữa trải nghiệm của tôi trong tư cách một người Mỹ gốc Á và Mani, một người Mỹ gốc Phi.

Vì vậy trong vài năm theo sau, khi tôi càng biết nhiều hơn về Mani, tôi đã quyết định đọc thêm về người Mỹ đen tại Mỹ hôm nay. Tôi tìm hiểu về hệ thống tư pháp hình sự, hệ thống nhà tù, bạo lực cảnh sát, sự tử vong nơi trẻ sơ sinh, khả năng vận động xã hội, phân bố của cải, tuyển sinh đại học... và dần nhận thức được những bất lợi mang tính cấu trúc đã liên tục đặt lên người Mỹ gốc Phi tại nước Mỹ. Thêm nữa, càng học thì tôi càng sốc khi biết rằng mình chẳng biết gì trước đây. Đồng thời, tôi cũng theo dõi như cả thế giới khi mạng sống của Eric Garner, Tamir Rice, Walter Scott, Freddie Gray, Philando Castile, Botham Jean, Atatiana Jefferson và Ahmaud Arbery bị tước đoạt. 

Tuần này, một mạng sống khác đã bị lấy đi : George Floyd. Tôi đã xem video về vụ việc vào thứ ba, và một lần nữa tôi kinh hoàng khi chứng kiến cái chết khác của một người da đen. Nhưng với đoạn phim này, có một điều khác đã làm tôi xáo động. 

Đó là trong khi viên cảnh sát da trắng đang dùng gối đè chặt cổ Floyd, thì một cảnh sát Châu Á đã đứng im lặng và thậm chí nhiều lúc còn ngăn cản người phản đối can thiệp. Đối với tôi, đó là sự đại diện hoàn hảo cho sự đồng lõa của người Mỹ gốc Á trong phân biệt chủng tộc. 

Tôi thừa nhận rằng có những người Mỹ gốc Á đã đấu tranh cùng những người láng giềng Mỹ gốc Phi chống lại sự phân biệt chủng tộc trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, họ chẳng bao nhiêu so với những người Mỹ gốc Á đã chọn cách thờ ơ tối đa hoặc đồng lõa một cách tồi tệ nhất trong nạn phân biệt chủng tộc. 

Có nhiều lý do lịch sử và văn hóa phức tạp cho hiện trạng này của người Mỹ gốc Á mà nói hoài không dứt. Chúng ta có thể nói về thực tế rằng nhiều người Châu Á coi trọng sự hòa hoãn và thua thiệt, thậm chí phải trả giá bằng sự chính trực và công bằng. Chúng ta có thể nói về một thực tế là nhiều người di dân Châu Á đã đến từ các quốc gia cai trị bởi các kẻ độc tài, nơi mà những ai sinh hoạt chính trị ngoài luồng có thể bị bắt và dẫn đến tù đày hoặc cái chết. 

Nhưng có một sự thật là, thường thường thì người Mỹ gốc Á đã chọn đứng về phía người da trắng phân biệt chủng tộc đối với nạn nhân da đen. Phần lớn cuộc đàm luận quốc gia về chủng tộc là tập trung vào mối quan hệ giữa người da trắng và người da đen. Kết quả là người Châu Á thường được thấy là nằm giữa sự xáo trộn đó. Tuy nhiên, phần lớn người Châu Á đều không muốn ở giữa. 

Mặc dù chúng ta cũng đã bị trải qua một lịch sử lâu dài bị kỳ thị chủng tộc dưới tay của những người hàng xóm da trắng, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn xem chuyện đồng hóa vào văn hóa da trắng là con đường để thực hiện giấc mơ Mỹ. Và vì vậy chúng ta làm việc, học hành chăm chỉ, chúng ta không dám đụng chạm ai. Chúng ta tiếp tục sống theo tình trạng của khuôn mẫu thiểu số, mà phần lớn có được là nhờ sự trả giá của người Mỹ gốc Phi. 

Người Mỹ gốc Á chúng ta có thể không nói ra nhưng nhiều người đã nhập tâm sự kỳ thị. Chúng ta tin rằng cách để thành công là làm việc chăm chỉ và chúng ta hãnh diện vì đã làm được điều đó. Chúng ta đến đất nước này tay trắng, nói tiếng nước mình, làm việc chăm chỉ, dành dụm tiền của rồi đạt được giấc mơ Mỹ. Và vì thế, khi nhìn tình trạng của người Mỹ gốc Phi thì chúng ta cho rằng họ không siêng năng như chúng ta để kết luận rằng, chỉ có họ mới đáng trách. 

Đáng tiếc là, cách nghĩ này đã khiến người Mỹ gốc Á rơi vào tình trạng bất hòa về chính trị xã hội với người Mỹ gốc Phi. Sự phân chia này là rõ ràng nhất trong các cuộc tranh luận về chính sách ưu đãi người thiểu số (affirmation action), điều đã trở thành vấn đề chính trị xác quyết với nhiều người Mỹ gốc Á. Trong nhiều trường đại học, sinh viên gốc Á chiếm quá đông trong khi người Mỹ gốc Phi lại quá ít, vì vậy chính sách ưu đãi người thiểu số này lại chống người Mỹ gốc Á nhưng có lợi cho người Mỹ gốc Phi. 

Sự chia rẽ chính trị này được thấy rõ qua các sự kiện như vụ bạo động tại Los Angeles, mà phần lớn những kẻ bạo loạn là người Mỹ gốc Phi đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các cửa tiệm của người Mỹ gốc Á, và vụ bắn chết Akai Gurley do một cảnh sát người Mỹ gốc Á đã vô tình nổ súng và giết chết một người Mỹ gốc Phi. 

Tuy nhiên, cách nghĩ vậy là một bức tranh rất không đầy đủ. Điều mà nhiều người Mỹ gốc Á không nhận ra được là sự thành công của chúng ta chủ yếu được xây dựng trên lưng của chính người Mỹ gốc Phi. Xét cho cùng, nếu chế độ nô lệ của người Mỹ gốc Phi không tồn tại, Hoa Kỳ có thể không phải là một quốc gia được mong muốn để di dân đến như vậy. Chính nhờ sự nô lệ của người Mỹ gốc Phi mà người Mỹ đã xây dựng được sự thịnh vượng ngay từ đầu. Thêm vào đó, nếu không phải nhiều thế hệ người Mỹ gốc Phi đã tranh đấu cho quyền lợi của họ trước khi hầu hết chúng ta đến đây, thì có thể người Mỹ gốc Á cũng sẽ không dễ dàng được chấp nhận tại xứ này. Cho dù có thế nào thì cộng đồng người Mỹ gốc Phi cũng đã lót đường cho các sắc dân thiểu số khác đến Mỹ.

Sự thực là người Mỹ gốc Á của chúng ta đã vô tình gặt hái thành công từ những đau khổ của những người Mỹ gốc Phi. Điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm là sát cánh cùng họ khi họ vẫn còn tiếp tục chịu đựng. 

Có lẽ một số người trong chúng ta, giống như tôi trước kia, sẵn sàng thú nhận rằng chúng ta không hiểu biết hoặc không được học về trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi, nhưng điều đó không biến chúng ta thành đồng lõa với nạn phân biệt chủng tộc. Suy cho cùng, chúng ta chẳng thực sự sát hại ai, nhưng đôi khi chính sự thụ động của những người ngoài cuộc như chúng ta đã kéo dài nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. 

Martin Luther King, Jr. đã từng viết trong Tâm thư từ Ngục tù Birmingham rằng, "Tôi phải thú nhận rằng, tôi đã thất vọng nặng nề với những người da trắng ôn hòa trong vài năm qua. Tôi hầu như đạt đến kết luận đáng tiếc rằng, sự ngăn chặn to lớn trong cuộc tranh đấu tự do của người da đen không phải là ủy viên công dân da trắng hay một kẻ Ku Klux Klan, mà là người da trắng ôn hòa, những người hết lòng với "trật tự" hơn là công lý, những người thích một nền hòa bình tiêu cực không có bóng dáng sự căng thẳng để đạt đến một nền hòa bình tích cực hiện diện trong công lý, những người liên tục nói "tôi đồng ý với bạn trong mục tiêu nhưng tôi không thể đồng ý với những phương pháp hành động trực tiếp của bạn", người ta tin rằng anh ta có thể đặt thời gian biểu cho sự tự do của người khác một cách gia trưởng ; những người sống trong một khái niệm thời gian huyền hoặc và không ngừng khuyên người da đen chờ đợi đến dịp thuận tiện hơn. Sự hiểu biết nông cạn từ những người có thiện chí sẽ khó chịu hơn là sự hiểu lầm tuyệt đối của những kẻ có tâm địa xấu. Chấp nhận sự thờ ơ gây nhiều bối rối hơn nhiều so với sự chối bỏ thẳng thừng". 

Ở đây, Mục sư King đang mô tả về người đàn ông da trắng ôn hòa trong thời của mình, những người hiểu biết nông cạn, rất tận tâm với trật tự hơn là công lý và thích sự hòa bình tiêu cực hơn so với sự hiện diện của công lý. Một mô tả thật thích hợp với rất nhiều người Mỹ gốc Á ngày nay. 

Một tình cảm tương tự được thể hiện trong Phúc âm Gia-cơ 2 : 1-7 rằng, "Hỡi anh chị em yêu dấu là tín hữu của Chúa Cứu Thế Giê-su vinh hiển, đừng thiên vị người nào. Giả sử có một người mặc áo quần sang trọng, đeo nhẫn vàng bước vào lúc đang thờ phụng, đồng thời cũng có một người nghèo mặc áo quần rách rưới, dơ bẩn cũng bước vào. Anh chị em niềm nở nói với người mặc áo quần sang trọng, "Mời ông ngồi chỗ tốt nầy". Rồi bảo người nghèo, "Đứng sang đàng kia", hoặc "Ngồi dưới đất nơi chân ta". Vậy nghĩa là sao ? Anh chị em đã thiên vị, do ác tưởng trong lòng, trọng người nầy khinh người kia. Anh chị em yêu dấu, hãy nghe đây ! Thượng Đế đã chọn những người nghèo trên thế gian để họ giàu có trong đức tin và nhận được Nước Trời mà Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài. Nhưng anh chị em xem thường người nghèo. Chính kẻ giàu là những người muốn cai quản cuộc đời anh chị em, lôi anh chị em ra tòa. Họ cũng là những người báng bổ đến danh Chúa Giê-su là Đấng chủ tể của anh chị em".

Chúng ta có thể nói, "Chúng tôi đâu tham gia làm hại người nghèo nào", nhưng há không phải sự thiên vị của chúng ta với người giàu đã duy trì sự bất bình đẳng giữa người giàu kẻ nghèo ? Tôi tin rằng nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng cho vấn đề chủng tộc. Nhiều người Mỹ gốc Á đã thể hiện phần nào đó bằng cách tôn vinh những người da trắng trong khi coi khinh những người da đen. Không phải sự thiên vị của chúng ta dành cho những người da trắng đã duy trì sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da đen hay sao ? 

Thú thật rằng, tôi, giống viên cảnh sát gốc Á tại hiện trường cái chết của George Floyd, là một phần của vấn đề. Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi đã đồng lõa với nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi và tôi hoàn toàn không biết gì về sự phân biệt chủng tộc đó. Tôi hướng về trật tự hơn là công lý. Tôi tìm cách tôn vinh quyền lực, không nhận ra rằng làm như vậy là coi khinh của những người yếu thế. 

Nhưng đó không phải cách trong kinh thánh. Thánh Gia-cơ nói, "không phải đó là những kẻ giàu có áp bức và lôi anh chị em ra tòa sao ?" mà tôi cũng xin thêm rằng, "không phải những kẻ kỳ thị với người Mỹ gốc Phi cũng kỳ thị cả với người Mỹ gốc Á sao ?".

Tôi không muốn u mê nữa. Tôi không muốn im lặng nữa. Tôi không muốn đồng lõa nữa. Các bạn người Mỹ gốc Á, hãy dừng chuyện bảo vệ nạn kỳ thị trong văn hóa của chúng ta. Hãy cùng đứng lên đoàn kết với những người bạn Mỹ gốc Phi.

Larry Lin

Nguyên tác : Asian American Complicity in Racism - Reformed Margings, 28/05/2020

Nhã Duy chuyển dịch

(04/06/2020)

Additional Info

  • Author Larry Lin, Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Hoa Kỳ đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát

Hồ sơ được các nhật báo lớn tại Pháp ra ngày hôm nay, 03/06/2020 đề cập đến nhiều nhất là các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ, được Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất.

hoaky1

Chân dung George Floyd được trương lên trong cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng (Washington D.C.- Hoa Kỳ) ngày 02/06/2020. Reuters - Jonathan Ernst

Một chủ đề quan trọng khác chiếm lĩnh trang nhất hai tờ Libération và Le Figaro là vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã Pháp, được dự trù vào ngày 28/06 tới đây sau hai tháng bị hoãn vì dịch Covid-19. Riêng nhật báo công giáo La Croix như đã trở về nguồn, với một đề tài tôn giáo, cũng như tờ báo kinh tế Les Echos, nhấn mạnh một vấn đề thương mại.

Ở ngay trang nhất, bên trên một tấm ảnh sốc cho thấy hai nhân viên cảnh sát Mỹ, súng phóng lựu đạn cay trên tay, một người ra hiệu cho một người da đen ra khỏi xe, phía dưới là hai cô gái đang nằm mọp dưới đất, tay giơ lên khỏi đầu, Le Monde chạy hàng tựa lớn : "Trước những cuộc biểu tình phản đối, Trump chọn (biện pháp dùng) võ lực".

Tờ báo giải thích : Vào lúc làn sóng phẫn nộ có quy mô lịch sử đang lay động nước Mỹ, hôm thứ Hai vừa qua, Donald Trump đã đe dọa triển khai quân đội để dẹp tan "những vụ bạo loạn" bị ông đồng hóa với nạn "khủng bố trong nước".

Le Monde ghi nhận là các cuộc biểu tình phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát đã lan rộng ra toàn bộ các thành phố lớn của Mỹ, tập hợp cả người da trắng lẫn da đen, kèm theo nhiều vụ cướp phá hôi của ở một số nơi.

Tờ báo nhận định : "Một tuần lễ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Châu Phi, ngay trong lúc bị cảnh sát bang Minnesota (Hoa Kỳ) bắt giữ một cách thô bạo, tình trạng rạn nứt giữa các chủng tộc đã nổi cộm lên trong cuộc vận động tranh cử tại Mỹ.

Sử gia Pháp : Dư luận đã nhiều lần phẫn nộ, nhưng vô hiệu

Le Monde cũng giới thiệu trên trang nhất nội dung bài phỏng vấn sử gia Pháp Christian Delage, giám đốc Viện Nghiên cứu Lịch sử Thời hiện tại IHTP, giải thích làn sóng phẫn nộ hiện nay, theo đó, cho đến nay, các đoạn video về các hành vi bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Châu Phi đã nhiều lần khuấy động dư luận, nhưng không làm cho tác giả các hành vi đó bị kết án.

Riêng về các hình ảnh liên quan đến cái chết của George Floyd, sử gia Pháp cho rằng thái độ của thủ phạm là viên cảnh sát Derek Chauvin, lạnh lùng và kiên quyết, bất chấp tiếng kêu của nạn nhân, thể hiện một tâm lý "không xem người khác là con người" không thể chấp nhận được.

Trump "đặt cược" trên võ lực để chống biểu tình

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nêu bật tình hình nước Mỹ trên trang nhất, dù không dành tựa chính cho đề tài này.

Trên nền một bức ảnh cho thấy tổng thống Mỹ đi ngang qua một toán cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ, Le Figaro chạy hàng tựa : "Donald Trump đặt cược trên võ lực, phong trào phản đối đang cực đoan hóa".

Theo tờ báo Pháp, 8 ngày sau cái chết của George Floyd, một người da đen bị một sĩ quan cảnh sát da trắng sát hại, làn sóng giận dữ chống phân biệt chủng tộc và các hành vi bạo lực của cảnh sát tiếp tục gia tăng bất chấp giọng điệu đanh thép của tổng thống Donald Trump.

Le Figaro đã dành hai trang báo để phân tích sự kiện này, đặc biệt ghi nhận việc tổng thống Mỹ bị tố cáo là cố tình khiêu khích, kích động phong trào phản đối thay vì tìm cách xoa dịu tình hình.

Khủng hoảng niềm tin tại Mỹ

Tình hình bạo động ở Mỹ đã được nhật báo Les Echos phân tích dưới góc độ kinh tế, gợi lên một cuộc "khủng hoảng niềm tin" trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất.

Theo tờ báo kinh tế Pháp, vốn đã bị dịch Covid-19 làm tê liệt, hai ngành thương mại và du lịch Mỹ giờ đây lại lo ngại về hậu quả kinh tế của các vụ biểu tình, bạo động đang bùng lên sau cái chết của George Floyd tại Minneapolis.

Những thương hiệu lớn như Target, Adidas, Nike, Walmart, Starbucks thậm chí McDonald đã cho các cửa hiệu của mình tại nhiều thành phố đóng cửa vì "an toàn cho các nhân viên".

Trong địa hạt Chính trị, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vào hôm Thứ Ba, đã cố gắng kêu gọi đoàn kết, nhưng theo Les Echos, cuộc tranh luận về kỳ thị chủng tộc và bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp tục bùng lên gay gắt.

Nhật báo La Croix cũng đề cập đến làn sóng phẫn nộ tại Hoa Kỳ với một nhận định bi quan được nêu lên trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất : "Công cuộc cải cách bất khả thi của ngành cảnh sát Mỹ". 

Cánh tả Pháp đoàn kết tại vòng 2 cuộc bầu cử địa phương

Như nói ở trên, Libération đã dành tựa lớn trang nhất cho vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp mở ra tại Pháp.

Libération quan tâm trước tiên hết đến sự kiện các đảng cánh tả Pháp đã thành công được trong việc liên minh với nhau nhằm giành thắng lợi nhân vòng hai cuộc bầu cử sắp tới đây. Tờ báo thiên tả Pháp tương đối lạc quan khi ghi nhận : "Tại nhiều thành phố lớn, cánh tả hy vọng giành được chiến thắng vào ngày 28 tháng Sáu tới đây, một thắng lợi đánh dấu một bước khởi đầu mới".

Dựa trên danh sách các liên danh tranh cử đã được đăng ký vào hôm qua, 02/06, tờ báo nhận thấy là tại đại đa số các thành phố lớn, trung bình và nhỏ, các đảng xanh (Sinh thái) hồng (Xã hội) và đỏ (Cộng sản) đã đồng ý "tiến bước tay trong tay để giành thắng lợi, trước hết làm giữ lại cứ địa của mình (Paris, Nantes, Rennes, Clermont-Ferrand…), và tiếp đến là thực hiện được mơ ước giành được đất của cánh hữu".

Tuy nhiên Libération cũng nhìn thấy là mặt trời không chiếu sáng ở mọi nơi đối với cánh tả. Việc hòa chung danh sách ứng cử viên đã thất bại ở Strasbourg, thủ phủ miền Đông Pháp sau nhiều tiếng đồng hồ thương lượng, hay tại Lille, thủ phủ miền Bắc. Tại hai nơi này, những tranh chấp trong quá khứ cũng như tham vọng cá nhân đã khiến cho đàm phán liên minh thất bại, và hai đảng sinh thái và Xã Hội đã đổ lỗi cho nhau.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Bài học", Libération nhận thấy là người ta dự đoán trước, với một xác suất cao, là sẽ có một người thắng và một người thua trong vòng 2 này.

Bên thắng là đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), đã nắm được nhiều thành phố và thị xã, và lần này sẽ chiếm thêm được nhiều đơn vị khác, và bên thua là đảng Cộng hòa Tiến bước LREM, không có được cơ sở ở địa phương, lại mất đi thiện cảm của dân chúng do việc dư luận chung đang bất bình với tổng thống Macron của đảng Cộng hòa Tiến bước.

Còn cánh tả thì sao, Libération đã tự hỏi để trả lời ngay rằng : "Những ai nghĩ rằng cánh tả đang hấp hối lần này sẽ thất vọng. Đội ngũ đại biểu mãn nhiệm cũng có thể khoe thành tích như ở Rennes, Nantes, hay Grenoble. Xu hướng sinh thái cũng đang vươn lên như đã thấy trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gần đây, và thành tích của đảng Xanh có lẽ sẽ được lập lại nhân kỳ bầu cử này.

Bầu cử địa phương tại Pháp : Đảng cầm quyền bất lợi

Không hẹn mà gặp, Le Figaro cũng dành tựa chính trang nhất cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp : "Tại từng thành phố, các chìa khóa (để hiểu) các trận đấu nhân vòng 2".

Tờ báo cho biết là để dự đoán ai là người có triển vọng đắc cử sáp tới đây, họ đã nghiên cứu tương quan lực lượng tại 240 thành phố Pháp có trên 20.000 dân, phân tích các yếu tố thuận lợi hay bất lợi cho các đảng phái chính.

Cũng như Libération, tờ báo thiên hữu Pháp cho rằng đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron đã nhìn thấy trước thất bại nặng nề, trong lúc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa hy vọng vươn lên trở lại, làm bệ phóng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Riêng về cảnh tả, Le Figaro cho rằng phe sinh thái, môi trường có thể sẽ thấy hy vọng không thành.

Trong bài xã luận, Le Figaro tập trung phân tích về tình thế của tổng thống Pháp Macron đang nhìn thấy trước thất bại của đảng do ông thành lập.

Theo phân tích của tờ báo trong cuộc bầu cử này, cục diện chính trị Pháp sẽ trở lại như thời trước khi phong trào Cộng hòa Tiến bước vươn lên, với đảng cầm quyền bị kẹt giữa gọng kềm tả hữu, và phải tự bằng lòng với mức trung bình thường lệ của cánh trung tại Pháp : khoảng 15%, tùy theo ứng viên và tình huống tại các đơn vị bầu cử.

Amazon đại thắng nhờ Covid-19

Tựa trang nhất của nhật báo Les Echos hôm nay nêu bật tình hình tập đoàn bán hàng trên mạng Mỹ Amazon, được tờ báo cho là "Kẻ đại thắng trong cuộc khủng hoảng (Covid-19)".

Theo Les Echos, giá trị của tập đoàn của nhà tỷ phú Jeff Bezos đã tăng khoảng 30% kể từ tháng Giêng, và đã vượt quá 1.200 tỷ đô la. Một trong những hệ quả là Amazon đã được vay tiền với tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Vấn đề là đại dịch vừa qua đồng thời làm trầm trọng thêm các mối căng thẳng xã hội giữa nhân viên và giới lãnh đạo.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tư lớn cho công nghiệp y tế để không lệ thuộc Trung Quốc (RFI, 01/05/2020)

Theo AFP ngày 01/05/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hàng trăm triệu đô la cho chương trình phục hồi cơ sở ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ y tế, bị bỏ rơi trong nhiều năm qua, khiến Mỹ bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

my1

Nhân viên một nhà máy của General Motors lắp ráp máy trợ thở điều trị bệnh Covid-19, tại Kokomo, bang Indiana, Mỹ, ngày 30/04/2020. Reuters - CHRIS BERGIN

Nguồn ngân quỹ của Bộ Quốc phòng được huy động trong khuôn khổ cơ sở Đạo luật Sản xuất quốc phòng (Defense Production Act) lên tới 1 tỷ đô la, đã được phân bổ cho chính quyền các bang nhằm huy động khu vực công nghiệp tư nhân tham gia vào việc bảo đảm nhu cầu an ninh quốc gia.

Trong trận dịch Covid-19, từ nguồn quỹ này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hàng trăm triệu đô la để mua khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm và nhiều dược phẩm khác để chống dịch.

Trong một cuộc họp báo hôm 30/04/2020, điều phối viên các hoạt động chi tiêu của Lầu Năm Góc, bà Ellen Lord, cho biết nguồn đầu tư đó giúp Hoa Kỳ có đủ khả năng tự sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu chăm sóc y tế của quốc gia về lâu dài.

Bà cũng nhấn mạnh : "Giai đoạn này, chúng tôi đang có những vấn đề về an ninh quốc gia với Trung Quốc và tôi cho rằng chúng ta phải hiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc của chúng ta đã cao hơn mức cho phép".

Rất nhiều hợp đồng đã được ký trong tháng 4, trong đó đặc biệt có hợp đồng trị giá 133 triệu đô la trao cho các công ty 3M, Honeywell và Owens & Minor để sản xuất khẩu trang dùng trong phẫu thuật loại N95, để sản xuất 13 triệu chiếc một tháng.

Trước khi xảy ra khủng hoảng dịch virus corona, một nửa số khẩu trang nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc. Khi dịch bùng lên tại Mỹ, trang thiết bị bảo hộ và chăm sóc y tế của Mỹ, từ chiếc khẩu trang cho tới bộ xét nghiệm hay máy trợ thở, đã nhanh chóng rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng.

Ngoài ngân quỹ trong phạm vi Defense Production Act, Bộ Quốc phòng Mỹ còn huy động các nguồn tiền riêng để thúc đẩy nguồn cung ứng trang thiết bị y tế và nghiên cứu phục vụ chống dịch Covid-19. Theo bà Allen Lord, chương trình đầu tư của Bộ Quốc phòng có mục tiêu đáp ứng các nhu cầu trước mắt và sau đó khôi phục nguồn dự trữ chiến lược của đất nước, tiến tới sản xuất đủ trong nước các vật tư y tế để không bị lệ thuộc vào nhập khẩu.

Theo AFP, ngoài các dụng cụ xét nghiệm, Mỹ vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ về nguyên liệu cơ bản sản xuất thuốc. Một cuộc điều trần tại Quốc hội năm 2019 cho biết Mỹ vẫn phải nhập khẩu 80% thành phần để bào chế thuốc.

Anh Vũ

****************

Covid-19 : Mỹ thiệt hại nặng về nhân mạng và kinh tế (RFI, 01/05/2020)

Ngày 30/04/2020, tại Hoa Kỳ đã có thêm 2.053 bệnh nhân Covid-19 tử vong, và đây là ngày thứ ba liên tiếp dịch bệnh cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người trong 24 giờ, theo ghi nhận của đại học John Hopkins. Như vậy, đã có gần 63.000 trong số trên một triệu người Mỹ bị nhiễm virus corona đã qua đời.

my2

Dân nghèo xếp hàng chờ nhận đồ ăn miễn phí do Hiệp hội Tế bần Thiên Chúa giáo Brooklyn and Queens phân phát, Brooklyn, Thành phố New York, Mỹ, ngày 24/04/2020 Reuters - Mike Segar

Dịch Covid-19 không chỉ là một tai họa về y tế mà còn đang tiếp tục tàn phá kinh tế Hoa Kỳ : hơn 30 triệu người lao động bị mất việc.

Thông tín viên Anne Corpet từ Washington cho biết :

"Đây là một kỷ lục lịch sử : Trong sáu tuần lễ, 30,3 triệu người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương với một người đi làm trên sáu. Đội ngũ thất nghiệp này đông bằng dân số của hai thành phố Chicago và New York cộng lại.

Số người đăng ký thất nghiệp tăng chậm lại so với hồi tháng 3/2020, nhưng các chuyên gia dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng lên, và có thể đạt đến 20% trong tháng Tư. Đây là mức cao nhất được ghi nhận tại Mỹ kể từ cuộc Đại Suy thoái của những năm 1930.

Các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa từng bước tại khoảng 15 bang chưa đủ để khởi động lại kinh tế. Các ngành công nghiệp chật vật mở cửa trở lại. Phần lớn dân Mỹ không đi du lịch và giới hạn tối đa các khoản chi tiêu.

Theo thống kê công bố vào thứ Năm 30/04, chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình, vốn chiếm đến hơn 2/3 các sinh hoạt kinh tế, đã giảm 7,5% trong tháng 3 vừa qua".

Thanh Hà

********************

Tổng thống Trump : Virus corona xuất phát từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc (RFI, 01/05/2020)

Trả lời một phóng viên ngày 30/04/2020, tổng thống Mỹ khẳng định có bằng chứng cho thấy siêu vi corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc tại Vũ Hán. Chủ nhân Nhà Trắng đồng thời cho biết ý định áp dụng lại các biện pháp thuế quan để trừng phạt Bắc Kinh.

my3

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Washington, ngày 30/04/2020 Carlos Barria/Reuters

Thông tín viên đài RFI Eric de Salve từ San Francisco tường trình :

Khi một nhà báo hỏi ông có những bằng chứng cho phép tin tưởng một cách chắc chắn rằng virus corona xuất phát từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán hay không, Donald Trump không do dự trả lời : "Vâng, tôi có" và nói luôn là ông không thể đi sâu hơn vào chi tiết.

Cho đến nay, tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch, tố cáo Bắc Kinh che giấu thông tin liên quan đến virus corona. Nhưng lần này tổng thống Hoa Kỳ đã đi xa hơn khi nêu lên khả năng Trung Quốc cố tình phát tán virus. Ông nói : "Nhẽ ra Trung Quốc có thể ngăn chặn virus lây lan nhưng Bắc Kinh đã không làm điều đó. Có thể do không có khả năng ngăn chặn virus, nhưng cũng có thể là Trung Quốc đã để mặc cho siêu vi lây lan".

Tổng thống Mỹ phát biểu như trên chỉ vài giờ sau khi tình báo Mỹ ra thông cáo, sau khi đã điều tra, với kết luận "virus corona không phải do con người tạo ra và không bị biến đổi gen", trái với những tin đồn trước đó.

Điều đó không cấm cản tổng thống Trump ám chỉ rằng Covid-19 có thể là một đòn để Bắc Kinh trả đũa Washington đã tiến hành chiến tranh thương mại. Vẫn theo Donald Trump, Trung Quốc muốn tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ của ông là Joe Biden đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây, bởi như chính Trump tuyên bố "Trung Quốc không muốn tôi tái đắc cử".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Thiếu đầu ra, thừa nguồn cung, khả năng cất trữ bão hòa… thị trường dầu lửa từ nhiều tuần qua không ngừng biến động. Đỉnh điểm là vào ngày 20/04/2020, giá dầu thô WTI của Mỹ niêm yết trên sàn chứng khoán New York, lao dốc xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng dầu và dừng ở đỉnh giá gần -38 USD cho một thùng dầu 159 lít. Thế mạnh cường quốc dầu hỏa hàng đầu thế giới của Mỹ bị lung lay. Kế hoạch chấn hưng kinh tế sau đại dịch của nguyên thủ Mỹ cũng bị đe dọa.

oil1

Giá dầu thô WTI của Mỹ ngày 20/04/2020 là -37,63 USD/thùng Reuters - DADO RUVIC

"Đại phong tỏa" : Đại hạn của ngành dầu hỏa

Thị trường dầu lửa thế giới và nhất là tại Mỹ giờ chẳng khác gì trong trạng thái "trợ thở nhân tạo". Virus corona hoành hành khiến dầu thô trên thị trường thế giới liên tục rớt giá từ nhiều tháng nay : 63 đô la/thùng (tháng Giêng năm 2020), rồi 35 đô la/thùng (tháng Ba), 22 đô la/thùng (trung tuần tháng Tư).

Nhưng có lẽ thê thảm nhất là giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) của Mỹ. Khởi động đầu năm 2020 ở mức 60 USD/thùng, dầu thô WTI cũng lần lượt rớt giá như đối thủ cạnh tranh Brent để rồi đến cuối ngày thứ Hai 20/04, dừng lại ở mức -37,63 USD/thùng. Điều đó có nghĩa là người bán phải trả tiền cho người mua để tống khứ hàng.

Vì đâu nên nỗi ? Trước hết, giới chuyên gia đều có chung một nhận định : Virus corona chủng mới là "thủ phạm" đầu tiên. Dịch Covid-19, bùng lên từ Vũ Hán Trung Quốc, hoành hành trên khắp các Châu lục đẩy thế giới vào một trạng thái chưa từng có trong lịch sử nhân loại : Đại Phong Tỏa.

Hơn 4,4 tỷ người dân trên khắp thế giới được yêu cầu phải ở trong nhà, các hoạt động đi lại từ trên bộ, hàng không, hàng hải và sản xuất trên thế giới hầu như bị ngưng trệ nhất là tại các quốc gia phát triển, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Hệ quả là mức tiêu thụ nhiên liệu giảm, nhu cầu mua dầu lửa giảm.

Ông Vincent Collen, nhà báo chuyên trách mục Dầu hỏa của nhật báo kinh tế Les Echos đưa ra con số ước tính : "Ở quý hai, các nhà phân tích dự báo mức cầu thế giới giảm từ 20 – 30%, thậm chí một số nhà quan sát còn cho đến 35%, nghĩa là giảm từ 20 – 30 triệu thùng/ngày so với một mức tiêu thụ lúc bình thường là 100 triệu thùng/ngày. Đây tuyệt đối là điều chưa từng thấy !"

Moskva – Riyad đọ sức, Washington lãnh đạn ?

Tình hình càng thêm trầm trọng khi Nga và Saudi Arabia lao vào cuộc chiến giá cả hồi trung tuần tháng 3/2020. Tức giận trước việc Nga từ chối cùng giảm bớt sản lượng là 10 triệu thùng/ngày, mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử OPEC, Saudi Arabia thông báo mở thêm van dầu, tăng mức khai thác kể từ ngày 01/04, đẩy giá dầu lao dốc nhanh hơn nữa.

Vì sao Nga và Saudi Arabia lại đối đầu nhau vào lúc thị trường dầu lửa đang trong giai đoạn căng thẳng ? Theo các nhà quan sát, câu trả lời nằm ở phía Mỹ. Các hãng khai thác dầu khí Nga bất mãn vì phải giảm sản lượng. Họ cho rằng trong quá khứ đã giảm nhiều lần. Moskva chỉ trích Washington tiếp tục tăng mức sản xuất và như vậy đe dọa thị phần của Nga.

Về phía Saudi Arabia, giới phân tích lấy làm ngạc nhiên về phản ứng khó hiểu của thái tử Mohammed Ben Salman. Quyết định mở van dầu có thể làm tổn hại đến Mỹ, đồng minh chiến lược của Saudi Arabia tại vùng Vịnh. Nhà báo Vincent Collen nhận định như sau :

"Khi Nga sập cửa tại cuộc họp OPEC ngày 06/03, Saudi Arabia đã có một thái độ cứng rắn, không chỉ không giảm sản lượng, không duy trì mức khai thác hiện có, mà còn tăng sản lượng lên từ gần 10 triệu thùng/ngày lên hơn 12 triệu thùng/ngày và như vậy, còn làm gia tăng hơn nữa hiện tượng dư thừa nguồn cung so với mức cầu.

Đúng là người ta bắt đầu thắc mắc về chiến lược này của Saudi Arabia, bởi vì đồng minh chính của nước này là Hoa Kỳ. Vương quốc dầu hỏa này rất cần sự hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ trong vùng Vịnh để đối phó với Iran. Họ tăng mức sản xuất lên đến ngần ấy để rồi làm cho giá dầu bị giảm đến mức như vậy, và một trong những nạn nhân đầu tiên chính là ngành sản xuất dầu lửa của Mỹ. Thế nên, người ta không khỏi thắc mắc về động cơ của Saudi Arabia.

Có một điều chắc chắn, không có gì khác, đó là những quyết định chính trị. Một số chuyên gia khẳng định là Nga cũng như Saudi Arabia, bề ngoài có vẻ đang đọ sức với nhau, nhưng trên thực tế, cả hai đều có lợi về những gì đang diễn ra lúc này".

Cuộc chiến giá dầu lần này buộc Hoa Kỳ quay trở lại với bàn cờ địa chính trị dầu lửa. Thị trường rớt giá nhanh chóng khiến tổng thống Trump lo lắng. Theo quan sát của nhà báo Collen, thông thường ông Donald Trump chỉ can thiệp vào các cuộc họp của OPEC qua mạng xã hội quen thuộc Twitter nhằm hạn chế giá dầu tăng vọt gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Vậy thì lần này giá dầu thấp, tại sao tổng thống Mỹ lại can thiệp ? Nguyên thủ Mỹ cho rằng trong bối cảnh phong tỏa hiện nay, người dân Mỹ không được hưởng lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ tại những bang chiến lược, bị đe dọa và có nguy cơ phá sản.

Do vậy, tổng thống Mỹ đã mời gọi Nga, Saudi Arabia và các đồng minh của hai nước này, cùng họp lại để thương thảo. Cuối cùng, OPEC và Nga đã quyết định giảm bớt 10 triệu thùng/ngày trong sản lượng hiện có ngay trong tháng 05 và 06/2020. Sau đó, sẽ giảm 8 triệu thùng/ngày đến cuối 2020, rồi 6 triệu thùng/ngày từ 01/2021 đến 04/2022.

Một thỏa thuận "lịch sử" như tuyên bố của ông Donald Trump. Hay đúng hơn là một thỏa hiệp ngầm giữa ba "ông" dầu hỏa lớn nhất hành tinh : Hoa Kỳ - quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, Nga và Saudi Arabia. Chỉ riêng ba nước này đã chiếm đến 40% sản lượng thế giới.

"Thánh" Trump không cứu được WTI

Chỉ có điều tỷ lệ giảm này lại quá ít không đủ để bù đắp cho mức giảm cầu đến 30% (30 triệu thùng/ngày). Trong khi chờ đợi đến ngày bắt đầu áp dụng chính thức giảm mức sản xuất (01/5), nhu cầu tiêu thụ và mua dầu tiếp tục đà giảm, nhưng các nhà sản xuất lại không mấy hào hứng với việc khóa bớt van dầu. Hệ quả là việc dư thừa sản xuất bắt đầu dẫn đến tình trạng thiếu kho bãi cất trữ như ghi nhận của nhà báo Collen :

"Vấn đề ở chỗ việc khóa van dầu đòi hỏi nhiều thời gian. Đóng một giếng dầu không đơn giản chút nào, rất là tốn kém. Trong một số trường hợp, họ có nguy cơ làm hỏng các trang thiết bị khi buộc phải ngưng sản xuất, bất kể nguyên nhân là gì điều này có nghĩa là giếng dầu đó phải bị đóng vĩnh viễn. Điều đó giải thích vì sao rất nhiều nước sản xuất do dự giảm sản lượng.

Nhưng dẫu sao thì, việc này rồi cũng sẽ phải đến vì một lý do chính đáng đó là người ta không còn chỗ để trữ dầu nữa. Chi phí để cất trữ tăng vọt khắp nơi trên thế giới. Họ bắt đầu phải cất trữ dầu trên các ʺsupertankerʺ, những loại tầu thường dùng để chở dầu. Giờ thì chúng được biến đổi thành những kho trữ dầu nổi. Tiền thuê những chiếc tầu dầu đó tăng vọt : Đầu tháng Ba, giá thuê một chiếc tầu có sức chứa 2 triệu thùng tầm khoảng 30.000 đô la/ngày nay đã lên thành 150.000 đô la/ngày".

Và chuyện gì đến phải đến. Cung vượt quá cầu. Hệ thống kho bãi thiếu thốn – một trong những điểm yếu của ngành dầu lửa Mỹ, không tìm được khách hàng, lượng "vàng đen" quá thừa thãi của Mỹ đành phải được bán tống bán tháo trong ngày thứ Hai 20/04, cho đợt giao hàng tháng Năm gây khủng hoảng trên thị trường dầu lửa.

Theo chuyên gia Francis Perrin, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược IRIS trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, cuộc khủng hoảng vừa qua tuy chỉ là nhất thời, nhưng sẽ ảnh hưởng phần nào kinh tế và việc làm người dân Mỹ, vốn là một trong những ưu tiên trong chương trình tái tranh cử của ông Donald Trump.

"Dầu gì đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng dầu lửa này đe dọa đến lĩnh vực dầu khí tại Mỹ. Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Đừng quên rằng Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới và là nước sản xuất khí ga tự nhiên hàng đầu. Do vậy, có rất nhiều việc làm tại Mỹ có liên quan đến các ngành khai thác, phát triển và sản xuất dầu và khí ga. Và những hoạt động và việc làm này đang bị cuộc khủng hoảng dầu lửa mà chúng ta đang chứng kiến giáng cho một đòn đau.

Bản thân cuộc khủng hoảng dầu lửa này là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn dĩ cũng do từ cuộc khủng hoảng dịch tễ virus corona mà ra. Thế nên, đối với một quốc gia như Mỹ, đây là một mối họa. Dĩ nhiên, mối họa này là không như nhau trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, Texas hay Bắc Dakota quan trọng hơn là New York, nhưng vụ việc ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm ở Mỹ.

Đương nhiên tổng thống Mỹ phải lo lắng cho nền kinh tế đất nước, cho việc tái tranh cử của ông, kỳ hạn là vào tháng 11 năm nay, do vậy hành động chính yếu của ông Trump là phải duy trì một nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, kể cả trong lĩnh vực dầu khí, hiện đang bị suy sụp, nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài bao lâu".

Trong trước mắt, nhu cầu thế giới chưa thể sớm trở lại ở mức tiêu thụ bình thường cho dù hoạt động kinh tế đang dần hồi phục tại một số nước. Các nhà kinh tế dự báo mức tiêu thụ dầu giảm 10 triệu thùng/ngày cho toàn năm 2020. Giá dầu vẫn sẽ tiếp tục dao động khó lường. Trước cuộc khủng hoảng này, bộ trưởng các nước thành viên khối OPEC đã có cuộc họp trực tuyến ngày thứ Ba 21/04. Saudi Arabia cho biết sẵn sàng giảm tiếp sản lượng để "bình ổn thị trường dầu lửa" khi phối hợp cùng với Nga và các nước đồng minh.

Về phần mình, tổng thống Donald Trump thông báo mua 75 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược quốc gia. Một hình thức hỗ trợ các ngành công nghiệp dầu khí, đồng thời bảo đảm lá phiếu cử tri theo phe Cộng Hòa, nhất là tại bang Texas, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng dầu lửa này.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Diễn đàn

Lá thư từ Mỹ

Dịch cúm Covid-19 [Cô Vi] đã làm đảo lộn các sinh hoạt đời sống từ văn hóa, thể thao, giải trí đến kinh tế, chính trị tại Hoa Kỳ và thế giới trong một tháng qua.

bvp1

Khuyến cáo cách phòng chống lây lan Cô Vi của chính phủ liên bang Hoa Kỳ gửi đến từng nhà dân (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Đúng ra lúc này tại Mỹ đang sôi nổi với các buổi vận động tranh cử của các ứng viên Đảng Dân chủ, nhưng hiện không còn cuộc vận động nào của đảng này.

Sau ngày Super Tuesday hôm đầu tháng Ba, với bầu cử sơ bộ ở hơn chục tiểu bang, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã vượt trội lên hơn hẳn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và gần như chắc chắn Joe Biden sẽ là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Giấc mơ xây dựng Hoa Kỳ xã hội chủ nghĩa của ông Sanders với các chính sách y tế và giáo dục bậc đại học miễn phí cho mọi người sẽ không có cơ hội thành hiện thực.

Thế rồi tình hình đối phó với Cô Vi lây lan làm rúng động nước Mỹ. Lần tranh luận sau cùng giữa Biden và Sanders hôm 15/3 diễn ra trong không khí lo sợ bệnh dịch nên không có cử tri tham gia, hai ứng viên đứng cách nhau có đến 3 mét, xa hơn khoảng cách 2 mét mà giới chức y tế liên bang trong ban tham mưu phòng chống Cô Vi của tổng thống khuyến cáo.

Không ai biết chắc sinh hoạt bình thường sẽ trở lại khi nào, một tháng hay hai, ba tháng nữa. Nhiều tiểu bang phải đình hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ vì người dân được lệnh ở nhà.

Đảng Dân chủ phải dời ngày đại hội đảng đã lên lịch từ trước vào tháng Bảy sang tháng Tám. Với Đảng Cộng hòa, đại hội đảng chỉ là hình thức vì Donald Trump sẽ tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong ba năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thống Trump ít gặp gỡ báo chí mà thường dùng tweet để đưa những quan điểm, bình luận hay phác thảo chính sách, có khi vào những giờ mà nhiều người còn đang ngủ say.

Sáng thức dậy, giới làm truyền thông cứ đọc rồi phê bình mà chẳng có cơ hội để hỏi trực tiếp lãnh đạo cho rõ.

Nhưng trong gần một tháng qua, mỗi ngày kể cả cuối tuần Bạch Ốc đều có họp báo với tổng thống cùng với ban tham mưu phòng chống Cô Vi, mỗi lần kéo dài ít nhất cũng một tiếng đồng hồ, có hôm hai tiếng.

Báo chí, truyền hình muốn trực tiếp hỏi Tổng thống Trump điều gì cũng được. Thích hợp thì ông trả lời hay chuyển qua cho Phó Tổng thống Mike Pence, Bác sĩ Anthony Fauci và những lãnh đạo y tế có mặt. Nhưng tổng thống vẫn thích nói nhiều. Khi có câu hỏi ông không thích, Trump cho đó là kiểu hỏi móc họng, soi mói tìm cách nói xấu ông hay làm cho dân lo sợ thì ông sỉ vả lại phóng viên.

Trump vẫn là Trump ăn nói bốp chát bất cứ lúc nào từ xưa đến nay, chẳng sợ bị phê bình, chê trách. Có ai phê bình, Trump chẳng quan tâm, lúc nào ông cũng cho mình đang làm đúng vì có nhiều người ủng hộ, và tự cho mình điểm A+ hay 10.

Giới báo chí truyền hình Mỹ như CNN, MSNBC, New York Times, Washington Post chỉ trích cách làm việc, chính sách của Trump trong suốt ba năm qua. Trong khi đó Fox News, National Review và New York Post có khuynh hướng bênh vực ông.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama thì ngược lại. Fox News tấn công Obama hàng ngày, chỉ trích những chính sách theo hướng xã hội chủ nghĩa, điển hình là bảo hiểm y tế cho toàn dân mà Tổng thống Obama đã phải vất vả vận động mới thông qua được.

Khi Trump lên làm tổng thống, ông muốn hủy Obamacare nhưng không được, vì một phiếu chống của cố Thượng nghị sĩ John McCain, người cùng đảng, nên Trump còn ấm ức mãi. Nhiều chính sách khác của Obama như TPP, về di dân, hay liên quan đến Iran, Cuba, biến đổi khí hậu, Trump đã đảo ngược lại.

Kiểu làm chính sách của Tổng thống Trump có người phê phán chẳng ra đầu đuôi thế nào, có người khen như thế mới cho đối phương ngạc nhiên, không biết đâu mà đối phó. Nhiều cử tri Mỹ đã bực mình, chán ngán với Trump lắm rồi và muốn một ai khác lên thay. Chính sách của Trump có được ủng hộ hay không thì phải chờ đến ngày bầu cử 3/11 sẽ rõ.

Bệnh dịch Cô Vi lây lan từ Trung Quốc ra toàn thế giới trong những tuần qua đã làm kinh tế Mỹ và toàn cầu suy sụp. Hiện có đến 4 tỉ người trên thế giới đang bị giới hạn đi lại và Cô Vi đang làm cho kinh tế toàn cầu đóng băng.

Từ hôm 13/3 khi Tổng thống Trump công bố tình trạng khẩn trương quốc gia để đối phó, vài hôm sau có chính sách cấm tụ họp và giữ khoảng cách giao tiếp xã hội. Nhiều tiểu bang cũng đã có chính sách shelter-in-place, nghĩa là cấm ra đường nếu không có việc cần thiết như đi chợ, đổ xăng, đến ngân hàng, các trung tâm y tế.

bvp2

Đường Bancroft ở thành phố đại học Berkeley trưa ngày thứ Năm 2/4 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hiện có 311 triệu dân Mỹ, tương đương với 96% dân số, đang sống trong cảnh cấm túc. Tuy nhiên một số tiểu bang vẫn chưa có lệnh cho toàn tiểu bang cấm dân ra đường, như Iowa, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Utah, Wyoming.

Trong các cuộc họp báo, nhiều lần phóng viên hỏi sao ông Trump không ra lệnh cấm túc cả nước. Bác sĩ Anthony Fauci cũng muốn có lệnh này cho toàn quốc, nhưng ông Trump nói chính quyền liên bang chỉ khuyến cáo dân không ra đường, việc có lệnh cấm ông để cho từng thống đốc quyết định theo tình hình địa phương.

Đúng là trên bảo dưới không nghe. Có những nét giống Việt Nam, cũng như những chữ xã hội chủ nghĩa mà ứng viên Bernie Sanders thường nhắc đến, nhưng với người Việt thì có nhiều diễn nghĩa khác nhau.

Ở đây tôi muốn nói đến nghĩa "xếp hàng cả ngày" mà người Mỹ trong những ngày qua đang trải nghiệm, nhưng mức độ chờ đợi không lâu hay căng thẳng như ở Việt Nam thời bao cấp.

Dân Mỹ xếp hàng dài ở nhiều nơi, đông nhất là ở những siêu thị để mua gạo, giấy vệ sinh, mua nước, thuốc rửa tay, không đến mức phải chờ cả ngày để mua được những thứ mình muốn, nhiều lắm cũng một hay hai giờ đồng hồ là nhiều.

bvp3

Xếp hàng trước cửa siêu thị Costco ở vùng Vịnh San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Về cảnh xếp hàng ở Mỹ, tôi chỉ nhớ xem được trên tivi trong những ngày Apple trình làng điện thoại cầm tay mới, hay trong ngày Black Friday sau lễ Thanksgiving, từ đêm trước đã có người mang túi ngủ hay lều ra dựng trước cửa tiệm để được mua trước nhất món hàng ưng ý.

Lúc này còn có những chỗ có xét nghiệm bệnh dịch Cô Vi với hàng xe nối đuôi xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhìn đoàn xe tôi nhớ lại những ngày khủng hoảng xăng dầu ở Mỹ năm 1979, khi đó xe nối đuôi nhau chờ tại trạm xăng vì người dân chỉ được đổ xăng theo bảng số xe, số lẻ đổ xăng ngày lẻ, số chẵn đổ ngày chẵn.

Còn đi siêu thị thì chưa bao giờ phải xếp hàng như lúc này. Thực ra những loại thực phẩm dân muốn mua không thiếu, nhưng vì phải giữ khoảng cách 2 mét nên các siêu thị kiểm soát số người được vào để tránh cảnh phải đi đứng san sát bên nhau.

Cô Vi xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào cuối tháng Một vừa qua. Ngay sau khi người Việt California tưng bừng đón Tết Canh Tí và xem xong trận đấu Super Bowl, vào chiều ngày 2/2 tôi đã có bài viết đầu tiên về Cô Vi. Lúc đó tình hình vẫn yên tĩnh, California mới có 6 ca nhiễm và chưa ai tử vong, không ai lo gì nên vẫn tụ họp vui xuân, đón tết, xem thể thao.

Ngày 17/2, ứng cử viên Bernie Sanders đến vùng San Francisco vận động tranh cử và đã có đến năm nghìn người tham dự, nghe ông hứa hẹn bảo hiểm y tế toàn dân, xóa nợ học phí, lương tối thiểu trên toàn quốc 15 đôla một giờ, ban hành chính sách xanh bảo vệ môi sinh.

Một tháng rưỡi sau, nước Mỹ đã khác. Hiện có hơn ba trăm nghìn người Mỹ nhiễm Cô Vi, gần 10 nghìn tử vong. Cả thế giới đã có 1 triệu 300 nghìn ca nhiễm, 70 nghìn tử vong.

Nhiều bệnh viện không có đủ máy trợ thở, trang thiết bị cho bác sĩ, y tá để chuẩn bị đương đầu với đại dịch đang bùng phát và tuần này sẽ lên đến cao điểm.

Không phải chỉ Mỹ thiếu các dụng cụ y tế cần thiết lúc này mà các nước Đức, Pháp cũng thiếu và đang tranh nhau mua hàng từ Trung Quốc.

Kinh tế tê liệt. Đường phố vắng tanh. Mười triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần qua. Chính phủ Mỹ đã chi ra trên 2 nghìn tỉ đôla để cứu nguy.

Tập Cận Bình đang nhắm đánh Donald Trump ? Hay đó là hệ quả của chính sách toàn cầu hóa trong ba thập niên qua, giúp cho Trung Quốc phát triển và bây giờ là lúc con rồng lớn nhất Châu Á vẫy vùng.

Hơn hai chục năm qua người Hoa đã bị tư bản bóc lột, làm gia công cho thiên hạ tiêu dùng hàng giá rẻ. Chế độ xã hội chủ nghĩa cũng phải đầu hàng, tạm thời không còn giương cao ngọn cờ kêu gọi công nhân vùng lên chống tư bản bóc lột.

Cô Vi làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc sụp thì sẽ kéo theo Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc và cả thế giới như đang diễn ra.

Sau cơn đại dịch Cô Vi, chắc chắn những nhà làm chính sách trên thế giới sẽ phải đặt lại vấn đề kinh tế toàn cầu hóa.

Trong khi chờ đợi cơn dịch qua đi thì chỉ biết ở nhà, rửa tay thường xuyên với xà-phòng, không đưa tay chạm mắt, mũi, miệng và trong lòng thầm cầu nguyện ơn trên.

Bùi Văn Phú

Nguồn : ©2020 Buivanphu, 08/04/2020)

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Virus corona : Những điều Hoa Kỳ đã làm sai - và đúng

Anthony Zurcher, BBC, 02/04/2020

Đã hơn hai tháng kể từ khi trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được chẩn đoán ở Mỹ. Kể từ đó, dịch đã lan rộng trên toàn quốc, với hơn 200.000 người nhiễm và gần 4.000 tử vong.

my1

Nam Hàn đã đặt ra tiêu chuẩn trong việc xét nghiệm rộng rãi

Hoa Kỳ hiện là tâm điểm toàn cầu của đại dịch, vượt qua số ca nhiễm được báo cáo ở Trung Quốc, nơi virus bắt đầu, và Ý, quốc gia Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mặc dù các quan chức y tế công cộng báo cáo rằng đỉnh điểm của sự bùng phát ở Mỹ vẫn còn nhiều tuần nữa, có khi là nhiều tháng, mới đến những thiếu sót trong phản ứng của Mỹ - cũng như một số điểm mạnh - đã trở nên rõ ràng.

Hãy duyệt qua những điểm này.

NHỮNG SAI LẦM

Thiếu thiết bị y tế

Mặt nạ, găng tay, áo choàng và quạt thông gió. Các bác sĩ và bệnh viện trên cả nước, nhưng đặc biệt là ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đang tranh giành các vật dụng thiết yếu để giúp những người bị virus tấn công và bảo vệ các chuyên gia y tế.

Việc thiếu nguồn cung cấp đầy đủ buộc nhân viên y tế phải sử dụng lại thiết bị vệ sinh hiện có hoặc tự tạo ra thiết bị tạm thời. Việc thiếu máy thở khiến các quan chức nhà nước lo ngại rằng họ sẽ sớm bị buộc phải thực hiện các biện pháp y tế, quyết định tại chỗ bệnh nhân nào nhận được sự hỗ trợ duy trì sự sống - và bệnh nhân nào không.

Hôm thứ ba, Thống đốc New York Andrew Cuomo phàn nàn rằng các tiểu bang, cùng với chính phủ liên bang, đang cạnh tranh về thiết bị, đẩy giá lên cho tất cả mọi người.

"Nó giống như cuộc đấu giá mua máy thở trên eBay giữa 50 tiểu bang", ông nói.

Lẽ ra đã không phải đi đến tình trạng này, Jeffrey Levi, giáo sư chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington, nói. Chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong việc duy trì đầy đủ kho dự trữ vật tư cần thiết để đối phó với đại dịch như thế này - và sau đó lại chuyển động quá chậm khi bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên rõ ràng.

"Chúng ta đã mất nhiều tuần trong việc tăng cường năng lực sản xuất những thiết bị bảo vệ cá nhân và không bao giờ sử dụng đầy đủ thẩm quyền của chính phủ để đảm bảo rằng việc sản xuất đã diễn ra", ông nói.

Xét nghiệm trì trệ

Theo giáo sư Levi, việc cho xét nghiệm sớm - như được thực hiện ở các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore - là chìa khóa để kiểm soát sự bùng phát của loại virus như Covid-19. Sự bất lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc này là một thất bại nghiêm trọng từ đó các biến chứng tiếp theo đã xảy ra.

"Tất cả các phản ứng với đại dịch đều phụ thuộc vào nhận thức tình huống - biết những gì đang xảy ra và nơi nó đang xảy ra", ông nói.

Không có thông tin này, các quan chức y tế công cộng về cơ bản là bị mù, không biết điểm nóng virus tiếp theo sẽ bùng lên ở đâu. Xét nghiệm toàn diện có nghĩa là các bệnh nhân bị nhiễm bệnh có thể được xác định và cách ly, hạn chế nhu cầu về các lệnh phải ở nhà trên toàn tiểu bang khiến cho nền kinh tế Mỹ đóng băng và dẫn đến hàng triệu công nhân thất nghiệp.

Levi nói rằng trách nhiệm cho thất bại này thuộc về chính quyền Trump, vốn coi thường các kế hoạch ứng phó với đại dịch đã được thiết lập từ hơn một thập kỷ trước, trong nhiệm kỳ của tổng thống của George W Bush, mà cũng không mướn đủ người để vận hành bộ máy y tế công cộng.

"Lãnh đạo chính trị trong chính quyền này thực sự không tin vào chính phủ", Levi nói. "Điều đó đã thực sự cản trở sự sẵn lòng của họ trong việc khai thác các nguồn tài nguyên mà chính phủ liên bang đã phải đáp ứng vào thời điểm như thế này".

my2

Covid-19 : Nỗi sợ hãi trong phòng hồi sức cấp cứu

Các con số, đặc biệt là về xét nghiệm, chứng minh được điều này. Các xét nghiệm ban đầu được chính quyền gửi đi vào tháng Hai tới chỉ một số phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ thì lại bị lỗi.

Đến giữa tháng 3, chính quyền đã hứa hẹn ít nhất 5 triệu xét nghiệm tra vào cuối tháng. Tuy nhiên, một phân tích độc lập về tổng số vào ngày 30/3, cho thấy chỉ khoảng một triệu xét nghiệm đã được thực hiện. Con số này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, nhưng dân số Hoa Kỳ là khoảng 329 triệu người.

Hơn nữa, vì quá trình xét nghiệm xảy ra sau những thiếu sót ban đầu, các phòng thí nghiệm phân tích kết quả bị quá tải, dẫn đến việc người được xét nghiệm phải chờ một tuần hoặc lâu hơn trước khi biết kết quả là họ có dương tính hay không.

Thông điệp 'bất nhất' và gấu ó chính trị

Trong cuộc họp báo chiều thứ Ba, Donald Trump đã đưa ra một viễn cảnh nghiệt ngã cho quốc gia.

"Tôi muốn mọi người Mỹ chuẩn bị tinh thần cho những ngày khó khăn nằm ở phía trước", ông nói.

Các cố vấn y tế công cộng của ông theo sau tuyên bố đó với các biểu đồ dự đoán ít nhất 100.000 người Mỹ sẽ tử vong vì virus ngay cả dưới những biện pháp ngăn chặn hiện tại.

Thông điệp của tổng thống hoàn toàn trái ngược với những nhận xét thậm chí chỉ một tuần trước đó, khi ông bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể bắt đầu mở lại các doanh nghiệp vào kỳ nghỉ lễ giữa tháng Tư.

Trong tháng Giêng và tháng Hai, khi sự bùng phát virus đã tàn phá nền sản xuất của Trung Quốc và bắt tạo khủng hoảng lớn ở Ý, tổng thống liên tục gạt đi sự đe dọa đối với Mỹ. Sau vài trường hợp nhiễm đầu tiên ở Mỹ, Trump và các quan chức khác trong chính quyền ông nói tình hình đã được kiểm soát và dịch sẽ tan biến vào mùa hè "như một phép màu".

Thông điệp không nhất quán từ cấp lãnh đạo cao nhất thực sự là một vấn đề, Giáo sư Levi nói. "Sẵn sàng để ứng phó với đại dịch là một môi trường thay đổi liên tục và đôi khi thông điệp của bạn cũng thay đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đã có những tuyên bố bất nhất xung quanh những thông điệp không phản ánh sự thay đổi trong khoa học hoặc những gì đang diễn ra trên mặt đất, mà thay vào đó phản ánh mối quan tâm chính trị. "

Tổng thống cũng tranh cãi với các thống đốc bang Dân chủ, chỉ trích Thống Đốc Andrew Cuomo của New York và sỉ nhục Thống Đốc Gretchen Whitmer của Michigan trên Twitter. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo tiểu bang cần phải "đánh giá cao" chính phủ liên bang.

Cách giản xã hội thất bại

Sinh viên đại học trong kỳ nghỉ xuân tràn ngập bãi biển Florida. Cư dân thành phố New York chật đầy xe điện ngầm. Một nhà thờ ở Louisiana tiếp tục chào đón hàng ngàn tín đồ mặc dù mục sư Tony Spell bị buộc tội hình sự vì vi phạm một quy định giới hạn các cuộc tụ họp đông người.

"Virus, chúng tôi tin rằng, có động cơ chính trị", Spell nói với một đài truyền hình địa phương. "Chúng tôi giữ quyền tự do tôn giáo của mình, và chúng tôi sẽ tập hợp bất kể ai đó nói gì".

Trên khắp đất nước, có rất nhiều ví dụ về việc người Mỹ không thực hiện các cuộc kêu gọi tránh tiếp xúc gần gũi với xã hội của các chuyên gia y tế công cộng, đôi khi được trợ giúp bởi các quan chức chính quyền địa phương và tiểu bang miễn cưỡng ra lệnh cho các doanh nghiệp đóng cửa và công dân nên ở nhà.

"Nếu tôi nhiễm corona, tôi sẽ nhiễm corona", một người đi biển ở Florida nói với CBS News vào giữa tháng Ba. "Vấn đề là, tôi sẽ không để corona ngăn tôi tiệc tùng".

Ngay cả các quy định được thực hiện với ý định tốt nhất cũng có thể có hậu quả bất lợi. Cắt giảm các dịch vụ giao thông công cộng, chẳng hạn như tàu điện ngầm của New York, có thể đã dẫn đến các chuyến tàu và xe buýt đông đúc hơn. Các trường đại học gửi sinh viên về nhà với gia đình của họ có thể đã góp phần vào việc lây lan vi-rút bằng cách đưa các cá nhân bị nhiễm bệnh trở lại thành phố, khu phố và nhà chưa hoàn toàn giản cách xã hội.

Sự thiếu rõ ràng trong lệnh của tổng thống trong việc ngăn chặn việc nhập cảnh vào Mỹ từ Châu Âu - lúc đầu dường như áp dụng với công dân Mỹ cũng như công dân nước ngoài - dẫn đến tình trạng các đám đông lớn tại các sân bay nơi hành khách bị nhiễm bệnh không được sàng lọc có thể dễ dàng truyền bệnh cho người khác.

Những quyết định như thế có thể đã gây ra hậu quả thảm khốc, cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh trên toàn quốc - một việc tương đương với việc ném xăng vào đám cháy đang hoành hành.

NHỮNG ĐIỀU LÀM ĐÚNG

Gói kích thích khổng lồ

Tuần trước, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật cứu trợ virus coronavirus trị giá 2 ngàn tỷ đôla, bao gồm thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho nhiều người Mỹ, mở rộng hỗ trợ thất nghiệp, viện trợ cho các tiểu bang, cơ sở chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công cộng khác, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp gặp khó khăn nhất và cho các doanh nghiệp nhỏ và cỡ trung bình vay những khoản tiền có thể không phải trả lại nếu họ tránh được việc phải sa thải nhân viên.

Đó là một bộ luật khổng lồ, phá kỷ lục, là kết quả của các cuộc đàm phán liên quan đến các nhà lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội, cũng như Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và các đại biểu của ông.

"Điều này nên được mô tả như một dự luật sinh tồn, không phải là một dự luật kích thích kinh tế", Graetz của Columbia, tác giả cuốn "The Wolf at the Door : The Menace of Economic Insecurity and How to Fight It", nói.

"Mọi người đều có những thứ họ không thích hoặc họ mong muốn tốt hơn, không ai sẽ hoàn toàn hài lòng với dự luật này", ông nói, "nhưng tôi nghĩ rằng gói kích thích sẽ đạt điểm cao cho một khởi đầu".

my3

Một phần của thách thức đối với các nhà lập pháp, Graetz nói, là hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hiện nay dành cho người lao động Mỹ đã lỗi thời - một sự chắp vá của các chương trình do nhà nước điều chỉnh với các yêu cầu về lợi ích và trình độ khác nhau không phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Quốc hội đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong luật virus corona bằng cách đảm bảo rằng những người lao động tự do và thế giới của những người tự làm chủ cũng được bảo hiểm và tạm thời bổ sung các quyền lợi hiện có.

"Nó có thể sẽ là quá ít đối với nhiều người, nhưng đó là giải pháp duy nhất hiện có", ông nói. "Quốc hội đã bắt đầu quá trình này với một vị trí rất yếu trong việc có một hệ thống bảo vệ xã hội vững chắc hoặc mạng lưới an toàn để từ đó cải thiện".

Cả Trump và Chủ tịch Quốc hội đảng Dân chủ Nancy Pelosi đã nói về việc sẽ đưa ra với một dự luật viện trợ khác, có lẽ với đầu tư cơ sở hạ tầng và các lợi ích chăm sóc sức khỏe bổ sung, cho thấy sự hợp tác giữa hai đảng gần đây chỉ là một sự khởi đầu.

Hỏa lực nghiên cứu

Nếu virus corona phơi bày một số lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ - chi phí cao, thiếu bảo hiểm toàn cầu và chuỗi cung ứng không thể chịu được cú sốc - nó cũng có thể làm nổi bật sức mạnh của cơ sở hạ tầng của ngành nghiên cứu và phát triển thuốc của nước này.

Các nhà sản xuất dược phẩm và các nhà nghiên cứu y tế đang gấp rút tìm hiểu thêm về virus này trong nỗ lực đưa ra các chiến lược mới để đánh bại đại dịch.

Một công ty đã chế ra một xét nghiệm có kết quả nhanh mới có thể xác định được những người bị nhiễm virus gần như ngay lập tức, chấm dứt nạn xét nghiệm bị tồn đọng hiện tại và cho phép các quan chức y tế công cộng nhanh chóng xác định các điểm nóng mới bùng phát và đưa ra quyết định kiểm dịch.

my4

"Triển vọng dài hạn quanh việc chế vắc-xin và phát triển trị liệu đang khích lệ hơn", Levi nói. "Nghiên cứu khoa học đang được thực hiện".

Ông nói thêm rằng các công ty dược phẩm đang nghiên cứu các phương pháp điều trị và chữa bệnh đang nhận được sự đảm bảo từ chính phủ rằng sẽ có thị trường cho các sản phẩm của họ và họ sẽ được đền bù thỏa đáng cho các khoản đầu tư. Vấn đề, ông nói, là những nỗ lực được thực hiện ngày hôm nay sẽ phải mất vài tháng - hoặc lâu hơn - trước khi chúng cho thấy kết quả.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, dự đoán rằng sẽ mất ít nhất một năm trước khi có được vắc-xin phổ biến. Mục tiêu của chính sách y tế công cộng hiện nay là hạn chế số lượng vi rút gây ra cho dân chúng cho đến ngày đó.

Lãnh đạo tiểu bang

Hệ thống chính phủ liên bang Hoa Kỳ, vốn ủy thác nhiều quyền lực rộng lớn cho các tiểu bang, đã được chứng minh là cả một phước lành và một lời nguyền. Trong thời gian tốt, nó cho phép các nhà lãnh đạo cấp tiểu bang được thử nghiệm các giải pháp chính sách công khác nhau, thử nghiệm các phương pháp tốt nhất mà sau đó có thể được áp dụng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra đại dịch chết người, một phản ứng chắp vá có thể không thỏa đáng - và dẫn đến cái chết có thể tránh được và gián đoạn kinh tế.

"Mọi thống đốc đều tự mình đưa ra quyết định", Levi nói. "Một số đang đưa ra quyết định tốt ; một số thì không".

my5

Tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ USNS Comfort đi ngang qua Tượng Nữ thần Tự do

Ông đơn cử các thống đốc như Gavin Newsom ở California và Jay Inslee của Washington, những người đã sớm đóng cửa các trường học và ban hành các lệnh ở nhà dẫn đến kết quả virus lây lan chậm hơn trong dân số của họ.

Thống đốc Ohio Mike DeWine cũng đã nhận được lời khen ngợi từ nhiều phía về những bước đi quyết định đầu tiên của ông mà vào thời điểm đó được một số người coi là quá quyết liệt.

Giới chức y tế cho biết hầu hết các khu vực đô thị lớn của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thành phố New York. Điều đó, họ nói, có thể không phải là như vậy.

Một số tiểu bang đang nỗ lực để tránh số phận của New York, nhưng Levi cảnh báo rằng những nỗ lực của họ có thể bị cản trở bởi các địa điểm khác không làm đủ.

"Vấn đề chúng ta gặp phải ở Mỹ", ông nói, "là khả năng đáp ứng thay đổi đáng kể trên từng tiểu bang tùy theo sự sẵn sàng đầu tư vào y tế công cộng".

"Chúng ta chỉ được bảo vệ bằng với các tiểu bang yếu nhất".

Anthony Zurcher

Phóng viên Bắc Mỹ

Nguồn : BBC, 02/04/2020

***************

Virus corona : Sự thức tỉnh muộn màng của nước Mỹ

Thụy My, RFI, 01/04/2020

Tại Hoa Kỳ, chỉ trong ba ngày qua số người chết do virus corona đã tăng gấp ba, lên đến hơn 4.000 người, trong đó một phần tư là tại New York. Mỹ hiện nay đứng nhất thế giới về số ca nhiễm, với hơn 188.000 trường hợp (tính đến ngày 01/04/2020), và vượt qua Trung Quốc về con số tử vong mà Bắc Kinh đưa ra (4.059/3.312). Vì đâu nên nỗi ?

my6

Các xe động lạnh được sử dụng tạm làm nhà xác trong đại dịch Covid-19 tại bệnh viện Bellevue, New York. Ảnh chụp ngày 31/03/2020. © Reuters/Eduardo Munoz

Nguợc dòng thời gian, Le Figaro cho biết chỉ mới đây thôi, ngày 28/2, số ca dương tính với Covid-19 trên toàn nước Mỹ chỉ mới ở con số 15. Trong số những người bị nhiễm, có 12 người vừa mới ở ổ dịch Vũ Hán về. Người đầu tiên, một thanh niên khoảng 30 tuổi, được xác nhận dương tính hôm 21/1 tại bang Washington. Những người thân của anh này được đặt trong vòng giám sát, cũng như các bệnh nhân dương tính khác. Vào lúc đó, chỉ có ba trường hợp người tại chỗ bị lây nhiễm.

Nếu so với Ý, đã có đến 900 bệnh nhân và mười mấy thành phố bị cô lập, tình hình của Hoa Kỳ có vẻ không đáng lo ngại. Nhưng một nhà vi trùng học cảnh báo : con virus, lây từ người sang người và rất khó phát hiện nơi những người đã bị nhiễm nhưng không phát sinh triệu chứng, đang âm thầm tấn công. Diễn biến sau đó cho thấy họ có lý.

Chỉ một tháng sau, với 188.578 ca dương tính, nước Mỹ đã trở thành tâm dịch virus corona lớn nhất. Theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, đại dịch này có thể làm cho từ 100.000 đến 200.000 người chết.

Số lượng lớnhành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ

Nếu nói rằng nước Mỹ bị bất ngờ thì không đúng. Ngay từ ngày 7/1, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) đã lập ra một bộ phận để theo dõi sự tiến triển của con virus từ Vũ Hán. Mười ngày sau, các sân bay ở Los Angeles, New York và San Francisco được tăng cường kiểm soát. Mạng lưới này đóng góp vào việc phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên từ nước ngoài nhập vào.

Nhưng hàng ngày có đến 14.000 hành khách đến từ Trung Quốc, đây là một thử thách rất lớn. Thế nên vài ngày sau khi chế độ Bắc Kinh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm các hành khách từ Vũ Hán đặt chân vào lãnh thổ nước Mỹ. Các công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ từ tâm dịch về vẫn được nhập cảnh, nhưng phải bị cách ly nghiêm ngặt. Cứ như là có thể chận được con virus ở biên giới.

Trên đất Mỹ, các nỗ lực phát hiện Covid-19 gặp trắc trở. Nhờ con virus đã được giải Mỹ, CDC đã có thể xét nghiệm từ ngày 20/1, nhưng bộ kit giao cho các phòng thí nghiệm được chứng nhận bị lỗi. Về phía Cơ quan quản lý dược phẩm (FDA) phản đối việc thương mại hóa bộ xét nghiệm do các bệnh viện hay công ty tư nhân đưa ra.

Kết quả là hệ thống y tế bị quá tải, và cường quốc số một thế giới rốt cuộc cũng cùng số phận với Ý, Pháp, Tây Ban Nha, không thể theo dõi sát sự lan tràn của con virus độc hại. Bác sĩ Anthony Fauci sau đó nhìn nhận trước Quốc Hội : "Hệ thống y tế không thực sự được trang bị cho nhu cầu hiện nay, đây là một thất bại".

Tin xấu từ vùng ngoại ô Seattle

Cho đến giữa tháng Hai, chỉ có 460 người được xét nghiệm. Theo tính toán sau này của các nhà vi trùng học, lúc đó đã có khoảng mấy trăm người dương tính nhưng không có triệu chứng đang tự do di chuyển tại Hoa Kỳ. Nhưng phải đợi đến khi xảy ra những trường hợp tử vong đầu tiên, sự thật mới bắt đầu hiển hiện.

Benjamin Linas, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Boston University School of Medicine tóm lược : "Chúng ta đã mất đi một tháng, và lỡ mất dịp may quý giá để chận không cho dịch bệnh lan tràn. Khi nghiên cứu về dịch bệnh sau này, phản ứng của CDC và FDA chỉ có thể mô tả là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng".

Ngày 28/2, tại Kirkland, ngoại ô Seattle, tin xấu đã xảy ra. Con virus từ Vũ Hán lan đến bang Washington một tháng trước đó, đã tấn công một phụ nữ 73 tuổi. Bệnh nhân này không hề đi Trung Quốc và cũng không có tiếp xúc nào với những người dương tính. CDC gởi ngay một ê-kíp chuyên về bệnh nhiễm đến viện dưỡng lão nơi bà cụ đang trú ngụ.

Hai tuần sau, bản án đã được tuyên. Qua điều tra, đã phát hiện được 167 ca bị lây nhiễm, trong đó có 101 người là cư dân tại chỗ. Tổng cộng có 34 người trong số này qua đời vì con virus độc hại. Đối với chính quyền địa phương, đây là dấu hiệu tỉnh thức. Nhân viên các viện dưỡng lão từ nay phải khám bệnh toàn diện, và các cuộc thăm viếng tạm thời bị cấm. Những cuộc tụ họp bị hạn chế, trường học đóng cửa, số ca dương tính bị phát hiện giờ đây lên đến hàng ngàn.

Sau nhiều tuần lễ trên thực địa, CDC nay có thể thực hiện việc xét nghiệm ở quy mô lớn. Số lượng người bị phát hiện dương tính cứ mỗi hai ngày lại tăng gấp đôi, vòng ảnh hưởng của đại dịch nay hiện rõ. Trên bản đồ được cập nhật sát sao của trường đại học John-Hopkins giờ đây chi chít những điểm đỏ, người Mỹ nhận ra rằng không tiểu bang nào thoát được con virus từ Vũ Hán. Tổng thống Donald Trump ban đầu tỏ ra khinh suất, nay phải công nhận tình hình là nghiêm trọng. Nhưng ý thức được thì đã quá trễ.

Lễ hội Mardi gras ở Louisiana

Cuối tháng Hai, hàng trăm ngàn người vô tư tập trung tại trung tâm thành phố New Orleans để mừng lễ hội Mardi gras. Với trên 3.300 ca dương tính và 151 người chết trong vòng ba tuần, Louisiana có tiến độ lây nhiễm kỷ lục.

Tại Florida, thống đốc Cộng hòa không muốn cấm các cuộc tụ họp của "spring breaker" (sinh viên các bãi biển của tiểu bang này trong kỳ nghỉ mùa xuân), dù con virus đang lan tràn nhanh chóng, và tuổi trung bình của cư dân khá cao. Carl Bergstrom, giáo sư sinh học của trường đại học Washington tiếc nuối : "Sự thay đổi ý kiến của Nhà Trắng và thái độ trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nhiều cơ quan y tế đã khiến người dân nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp được đưa ra, làm ảnh hưởng đến các thống đốc. Họ do dự không muốn áp đặt các biện pháp hạn chế vì gây mất lòng dân".

Theo một cuộc thăm dò vào giữa tháng Ba của đài phát thanh công NPR, có 76% cử tri Dân chủ coi con virus từ Vũ Hán là "mối đe dọa thực sự", tỉ lệ này đối với cử tri Cộng hòa chỉ có 40%. Cũng theo giáo sư Bergstrom : "Đối với các chuyên gia từ nhiều năm qua đã chuẩn bị đối phó với một tình hình như thế, rất đáng tiếc là lời nói của các nhà khoa học không được tin tưởng, mà chỉ dựa vào niềm tin chính trị".

Do chậm trễ hành động, Washington đã để mặc cho các tiểu bang tranh nhau mua thiết bị y tế. Cho đến thứ Hai đầu tuần, khoảng 20 thống đốc vẫn từ chối áp đặt phong tỏa. Giáo sư Carl Bergstrom dự báo : "Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể hy vọng rằng việc phong tỏa ở nhiều nơi có thể làm phẳng lại đường cong của dịch bệnh. Nhưng tình hình hiện nay rất đáng lo ngại tại New York, Florida và nhiều tiểu bang nông nghiệp, nơi có cơ sở hạ tầng yếu kém hơn".

New York im lặng trước cơn bão

Tại New York, ổ dịch lớn nhất với 76.000 ca dương tính và 1.550 người tử vong, thị trưởng Dân chủ đã trễ tràng trong việc buộc đóng cửa trường học và nhà hàng. Ông giải thích đó là do sợ ảnh hưởng đến những người nghèo. Trong những ngày gần đây, các bệnh viện New York cật lực đối phó với đỉnh dịch. Rất nhiều giường bệnh đã được chuẩn bị tại các trung tâm hội nghị và địa điểm công cộng, nhưng cơ quan y tế lo ngại thiếu thuốc men, khẩu trang và máy thở.

AFP hôm 31/3 ghi nhận những chiếc lều y tế được dựng lên ở Central Park nổi tiếng. Công binh Mỹ sau tám ngày làm việc đã biến trung tâm hội nghị Javits Center ở Manhattan thành bệnh viện dã chiến 3.000 giường để giảm tải, giúp các bệnh viện khác tập trung chữa cho bệnh nhân Covid-19. Cách đó vài con đường, nổi lên giữa các tòa nhà chọc trời là chiếc bóng màu trắng của tàu bệnh viện đồ sộ Comfort, vừa đến hôm thứ Hai 30/3, có 1.000 giường bệnh. Một số địa điểm khác như trung tâm tennis Flushing Meadows ở khu Queens và các khách sạn dự trù tiếp nhận các bệnh nhân dương tính nhưng chưa đến nỗi trầm trọng.

Sau khi tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ trải qua "hai tuần lễ đau đớn", thống đốc New York kêu gọi người dân "không nên kỳ vọng quá nhiều để khỏi phải thất vọng mỗi buổi sáng khi thức dậy". Tại đô thị chưa bao giờ vắng vẻ và yên tĩnh đến thế, mỗi tối lại nổ ra những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế, như đang diễn ra tại nhiều thành phố Châu Âu. Khẩu trang hiện diện khắp nơi và các tòa nhà "chưa bao giờ được tẩy trùng kỹ như thế".

New York hồi hộp đón bão, trận bão lẽ ra sẽ không hoành hành được nếu nước Mỹ thức tỉnh sớm hơn.

Thụy My

Nguồn : RFI, 02/04/2020

Additional Info

  • Author Anthony Zurchern Thụy My
Published in Diễn đàn
vendredi, 03 avril 2020 21:26

Khi lính Mỹ đầy… đường !

Tuy Mỹ có hàng triu quân nhân thuc nhiu lc lượng khác nhau (Hin dch - Active Duty, D b - Reserve, Đa phương quân - Natiional Guard) nhưng trong sinh hot xã hi, chng my khi dân M nhìn thy lính M, tr khi h sng gn các căn c quân s.

linhmy2

Hải quân M ti căn c Norfolk, Virginia. Hình minh

Để bo v hình nh ca quân nhân trong mt thường dân, quân đi M đt đnh rt nhiu yêu cu nghiêm ngt khi mang quân phc, bt k trong hay ngoài các căn c quân s ti bt kỳ đâu. Chng hn không được dùng bt kỳ vt dng nào mà màu sc khác vi màu quân phục hoc màu đen, k c dù, túi xách. Không được va đi va hút thuc, va ăn ung, va dùng đin thoi, trò chuyn ln tiếng, cười đùa ng ngn…

Do khoác quân phục đng nghĩa vi vic phi "nhìn trước, ngó sau" đ bo v th din ca quân đi, thành ra khi có thể, quân nhân M luôn chn thường phc. M, khi dân M thy lính M đy đường đó chính là lúc dân M đi din vi thm ha…

***

Ông Max Rose, Dân biểu ca H vin tiu bang New York, va thông báo vi c tri ca ông, rng ông s tm ngưng làm việc k t th tư tun này (1 tháng 4) đ trình din quân đi. Ngoài vic là Dân biu tiu bang, Rose còn là mt Đi úy ca Đa phương quân New York và đã nhn được lnh trình din đ cùng đơn v ca ông tham gia vào cuc chiến chng Covid-19 ca Đa phương quân New York, tại thành ph New York. Lnh điu đng Đi úy Max Rose không xác đnh thi hn phc v s là bao lâu.

Trong thư gi c tri, Rose loan báo, tuy Đi úy Max Rose phi thi hành lnh điu đng ca quân đi nhưng nhân viên ca Văn phòng Dân biểu Max Rose vẫn tiếp tc tiếp nhn các ý kiến, yêu cu ca c tri đ phc v h.

Rose nói thêm, suốt tháng va qua, ông đã chng kiến s dũng cm và hi sinh phi thường ca c nhân viên y tế ln các lc lượng dân s chuyên ng phó vi tình hung khn cp đ chống chi Covid-19 New York. Gi đến lượt ông thc thi nghĩa v ca mình, góp thêm sc cho tuyến đu. Tính đến lúc này, riêng New York đã có khong 2.000 người thit mng vì Covid-19 nhưng Rose tin, người M nói chung và người New York nói riêng s vượt qua thảm ha.

Rose không phải là đi biu dân c duy nht va hot đng như mt chính khách, va tình nguyn phc v quân đi. Theo Military Times, Quc hi liên bang M hin có 15 chính khách đang phc v hoc trong lc lượng Đa phương quân ca các tiu bang hoặc đang thuc quân s ca lc lượng D b. Thnh thong vn có chính khách nào đó nhn được lnh trình din đ quay li quân đi, thi hành nhng nhim v mà quân đi cn đến h (1).

***

Tính cho đến chiu th tư (1 tháng 4) đã có 17.250 Đa phương quân của 10/50 tiu bang (California, Connecticut, Florida, Illinois, Louisiana, Maryland, Michigan, New Jersey, New York, Washington) và hai lãnh th y tr (Guam, Puerto Rico) được chuyn thành lc lượng Hin dch, đt dưới s ch huy ca c Thng đc tiu bang ln B Quc phòng trong cuc chiến chng Covid-19. Chưa k 22 tiu bang và hai lãnh th y tr khác đang chun b chuyn đi Đa phương quân ca h sang trng thái tương t (2).

Chuyển đi Đa phương quân thành lc lượng Hin dch (các thành viên Đa phương quân được hưởng các quyn li và phi thc hin nhng nghĩa v y như quân nhân Hin dch) vn ch áp dng khi các đơn v Đa phương quân được điu đng tham chiến ti nhng chiến trường hoc tham gia tp trn bên ngoài lãnh th M. Gi, c Lc quân lẫn Không quân cùng tiếp nhn nhng đơn v Đa phương quân tương ng đ cùng ng phó vi tình trng khn cp bên trong lãnh th M.

Người M đã và s thy càng ngày càng nhiu quân nhân M làm đ th vic bên cnh nhng nhân viên dân s đang tuyến đu : Dựng và vn hành các bnh vin dã chiến, các trung tâm duy trì mng lưới thông tin. Tham gia xét nghim nhanh - xác đnh nhng người đã b lây nhim. S dng c phi cơ, ln quân xa vn chuyn, vn hành, sa cha t nhng thiết b cng knh, nng n ((như máy phát điện, thiết b chiếu sáng chuyên dng,…) nhm gia tăng năng lc phòng chng Covid-19 đến nhng vt phm thiết yếu và phân phát chúng, k c phân phát thc phm ti nhng khu vc b cô lp do nguy cơ lây nhim cao (3)…

Trên lãnh thổ M, lính M đầy… đường là du hiu cho thy thm ha đã tr thành hết sc nghiêm trng. Tuy nhiên lính M đy… đường cũng là mt trong nhng biu hin ca hy vng : Có thêm s tiếp sc ca mt ngun va di dào nhân lc, va tho vic và quan trng hơn c, ngun đó cung cấp nhng cá nhân tn lc như đã tng và luôn luôn sn sàng tr giá cao nht đ bo v x s và đng bào ca h.

Trân Văn

Nguồn : VOA, 03/04/2020

Chú thích

(1) https://www.militarytimes.com/news/pentagon-congress/2020/03/31/new-york-congressman-activated-to-serve-in-guards-coronavirus-response/

(2) https://www.militarytimes.com/news/coronavirus/2020/04/01/latest-guard-update-17250-troops-mobilized-for-covid-19-response-10-states-2-territories-and-dc-on-title-32-status/

(3) https://www.militarytimes.com/news/coronavirus/2020/03/31/latest-guard-update-over-16310-troops-mobilized-for-covid-19-response-more-states-on-title-32-status/

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn