Từ trung tuần tháng 11, Việt Nam xuất hiện trên sân khấu thế giới trong vai nước chủ nhà, niểm nở đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia tới Đà Nẵng dự hội nghị APEC- Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Ngay sau khi APEC bế mạc, Hà Nội lần lượt đón tiếp 2 vị khách qúy lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trước tiên là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chính thức đi thăm Việt Nam. Cùng ngày Tổng thống Mỹ lên máy bay về nước, Hà Nội lại trải thảm đỏ, bắn đại bác long trọng đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng đàng sau 21 phát đại bác và những lời phát biểu hòa hoãn nêu lên tinh thần đoàn kết giữa hai nước anh em cộng sản láng giềng, nhiều người Việt, kể cả trong chính quyền, vẫn lo ngại về ý đồ của nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông, vẫn quyết tâm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa". Một nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á phân tích mối đe dọa do Trung Quốc đặt ra đối với Việt Nam.
Là một nước nhỏ nằm sát cạnh một nước khổng lồ, việc Việt Nam bị Trung Quốc chi phối trong nhiều lĩnh vực là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cường quốc lớn nhất khu vực, dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, có tham vọng trở thành bá chủ thế giới và đang từng bước thực hiện ‘giấc mơ Trung Hoa’.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói mối đe dọa đến từ Trung Quốc không chỉ hiện diện trên Biển Đông, mà có phần còn nguy hiểm hơn trên đất liền. Ông nói thái độ e dè lo lắng của nhiều người dân và chủ trương của giới lãnh đạo Việt Nam phải mềm dẻo với Trung Quốc, cũng có cái lý riêng của nó.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long giải thích :
"Nếu mang ra so sánh, thì mối đe dọa của Trung Quốc ngay ở trên đất liền còn nguy hiểm hơn mối đe dọa trên Biển Đông rất là nhiều. Mình không muốn làm cho Trung Quốc quá phật lòng trong khi những nước có thể giúp Việt Nam hiện nay còn có vẻ hơi thờ ơ. Việt Nam chúng ta có câu "nước xa mà lửa gần". Nếu lửa bốc cháy nhà mình mà nước không gần thì rất là khó, thành ra tôi hiểu vì sao chính quyền Việt Nam trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên tận dụng cánh cửa cơ hội khi thế giới chú ý tới mình sau sự kiện APEC, để cải thiện hình ảnh của đất nước, và đẩy mạnh vai trò trong khu vực và trên trường quốc tế hầu có thể củng cố thế đứng của mình.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long :
"Việt Nam đang được chú ý đến thì nên đẩy mạnh vai trò tích cực của mình không những đối với các nước trong khu vực và thế giới, mà thường thường một nước muốn được kính trọng là mình phải đối đãi với dân của mình như thế nào, chính sách trong nước của mình như thế nào, thì lúc đó cái chiến lược của mình đối với nước ngoài nó mới được bảo vệ và đẩy mạnh hơn".
Làm cách nào tận dụng các mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc để phục vụ tốt nhất các lợi ích của Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long :
"Trải thảm đỏ là một hình thức, một cách khác là làm sao để cho sức mạnh nội bộ của Việt Nam càng ngày nó càng phát triển thêm để dân chúng Việt Nam cùng nhau bảo vệ đất nước, thì tôi nghĩ trong đó nhân quyền và dân quyền là rất quan trọng dù cho ông Trump hay các nước khác không đề cập đến ngay trong lúc này. Chính Việt Nam phải làm sao để cho dân chúng ở trong nước cảm thấy rằng họ cần đóng góp cho tương lai của đất nước".
Về đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ làm trung gian điều giải giữa Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhà nghiên cứu nhận định khi đưa ra đề xuất đó, ông Trump có lẽ không nắm vững vấn đề Biển Đông cho lắm.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :
"Ông Trump ông ấy nói câu này là hoàn toàn sai, là bởi vì đây không phải là một vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay giữa Việt Nam và một số nước khác trên thế giới. Vấn đề Biển Đông là vấn đề chung của thế giới, vấn đề chung của khu vực. Mỹ có bổn phận ở Biển Đông cũng như có bổn phận ở Tây-Thái Bình Dương. Bây giờ ông Trump nói Mỹ sẽ đứng giữa, tìm cách nối nước này với nước kia như vậy thì tất nhiên là Mỹ từ bỏ trách nhiệm của mình. Mà đây không phải là trách nhiệm mới, mà có cả trăm năm rồi. Mỹ đã tham dự 4 cuộc chiến ở Châu Á -Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh ở đó cũng như để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Bây giờ tự nhiên tách rời Mỹ ra rồi bảo tôi sẽ đứng ngoài, và giúp cho các ông nói chuyện với nhau thì thật là vô lý !"
Mặc dù thái độ hòa hoãn hơn giữa các nước tranh giành chủ quyền trên Biển Đông sau hội nghị APEC cho phép lóe lên một tia hy vọng về triển vọng nối lại các cuộc đàm phán để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển vào đầu năm tới, có phần chắc vụ tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này thể nào cũng có ngày sẽ bùng lên trở lại, bởi vì không có nước nào trong cuộc có ý định nhượng lại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình, trong khi khó có thể thuyết phục Trung Quốc từ bỏ giấc mơ nước lớn của họ.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 22/11/2017
Tổng thống Trump vừa khép lại chuyến công du Châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ tính từ năm 1991, khi Tổng thống George H.W. Bush thực hiện chuyến Á du 12 ngày của ông. Một trọng tâm trong chuyến đi là hội nghị APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, năm nay do Việt Nam chủ trì. Đánh giá thành quả của hội nghị APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Mỹ, Toà Bạch Ốc và các nhà quan sát tình hình Việt Nam trong và ngoài nước, nói chung đều cho rằng APEC là một hội nghị thành công, và Việt Nam đã làm tốt vai trò nước chủ nhà.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A :
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị APEC. Mọi sự diễn ra suôn sẻ, mời được rất là nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có ông Trump, rồi ông Tập Cận Bình, tôi nghĩ đấy cũng là một kết quả tốt, tuy nhiên đây là một diễn đàn quốc tế nó đã có truyền thống, chứ không phải là thành tích gì của Việt Nam cả. Tôi nghĩ là sự hiện diện của các vị đấy nó chứng tỏ Diễn đàn Kinh tế APEC là một diễn đàn được người ta coi trọng".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine cũng phụ họa :
"Phải công nhận là kỳ này, không những Việt Nam tổ chức APEC rất là tốt mà Việt Nam còn làm việc với các nước khác để phục hồi và tổ chức lại hiệp định TPP cho nó phù hợp hơn (bây giờ gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP). Tổ chức lại như thế này thì có lợi rất là nhiều, không những trên vấn đề buôn bán, kinh tế mà tổ chức này còn quan trọng về mặt an ninh chung cho 11 nước còn lại cũng như cho khu vực Châu Á-Thái Bình Duong".
Tiến sĩ Nguyễn văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận định :
"Thành quả cụ thể mà Việt Nam đạt được khi tổ chức APEC là thế giới nhìn nhận Việt Nam ngày nay như một quốc gia bình thường. Gần như không ai đặt ra vấn đề cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam là độc tài, độc quyền cai trị của Đảng cộng sản nữa, đó là điều mà Đảng cộng sản Việt Nam mong muốn. Theo tôi nghĩ, cái mục đích đầu tiên đó họ đã đạt được. Thứ hai, tiếng nói của Việt Nam cũng được ngang hàng trên trường quốc tế".
Tiến sĩ Nguyễn văn Huy còn ví Việt Nam ngày nay như một cô gái đến tuổi xuân thì, đang được nhiều người ve vãn, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ…
"Việt Nam lúc này như một trung tâm của cuộc tranh giành quyền lực trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng Đảng cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ vị thế chiến lược của Việt Nam nên họ không đặt nặng vấn đề vai trò người đại diện Đảng cộng sản Việt Nam, tức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà đưa những người của chính quyền và hành pháp, tức là Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Việt Nam và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Philippines. Tôi nghĩ mục đích thứ ba của đảng cộng sản Việt Nam là ‘hiền hòa hóa’ chế độ độc tài cộng sản đang cai trị Việt Nam coi như thành đạt".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam đã tỏ ra khôn khéo để lấy lòng chủ nhân của Toà Bạch Ốc.
"Việt Nam biết tính của ông Trump cho nên đã tổ chức đón đãi ông rất nồng hậu. Các nước khác cũng vậy, không ai muốn làm cho ông bực mình, vì về lâu về dài, chính sách của Mỹ sẽ không có gì thay đổi, bởi vì nước Mỹ là nước lớn, cần duy trì sự hiện diện và sức mạnh của mình ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, thì dưới thời ông Trump, đừng làm gì cho nó xấu hơn là tốt rồi".
So sánh cách cựu Tổng thống Obama được tiếp đón vào lúc gần hết nhiệm kỳ, với cách đón tiếp Tổng thống Trump trong chuyến đi Việt Nam lần này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói có lẽ vì thích nước Mỹ, nên dân chúng nhiều người cũng đổ ra đường đón tiếp Tổng thống Donald Trump.
"Tôi nghĩ là vì quý nước Mỹ nên nhiều người cũng đổ ra đường. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam cũng có rất nhiều người không ưa gì ông Trump. Người dân chào đón ông Obama nồng nhiệt hơn nhiều, đông hơn rất nhiều so với ông Trump có lẽ cũng vì tính khí của ông Trump và cách phát biểu của ông ấy lúc thế này, lúc thế kia, không nhất quán cho lắm, không coi trọng vấn đề nhân quyền, ông cũng không chú trọng lắm đến vấn đề Biển Đông ở Đà Nẵng thì theo tôi, chuyện ấy nó cũng ảnh hưởng đến sự quý mến chung của người dân Việt Nam".
Tiến sĩ Huy nói Việt Nam thời Tổng thống Obama, Hà nội còn phân vân chưa dứt khoát, không biết chọn lựa như thế nào, bởi vì áp lực đến từ Trung Quốc quá nặng nề. Việt Nam muốn sáp lại gần Hoa Kỳ nhưng không muốn theo hẳn Hoa Kỳ, thành ra chính quyền Obama lúc đó chỉ được tiếp đãi bình thường, không nồng hậu, ân cần cho lắm. Đối với Tổng thống Trump thì khác, Việt Nam có kế hoạch rõ ràng để đón tiếp trọng thể Tổng thống Trump, vì muốn thương lượng với Hoa Kỳ để xuất hàng hóa sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hà Nội đặc biệt có cảm tình với nhà lãnh đạo Mỹ vì lý do sau đây :
"Donald Trump không đặt vấn đề Việt Nam độc tài hay không độc tài, miễn làm sao buôn bán được, tức là Việt Nam muốn buôn bán với Hoa Kỳ thì hai bên phải cùng có lợi, tức là Việt Nam không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không mua gì của Hoa Kỳ. Mục đích của Tổng thống Trump kỳ này là muốn Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, thành ra tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc gặp gỡ có tính cách thương mại nhiều hơn là chính trị".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển tốt trong mười mấy năm qua cho nên theo ông, đà này sẽ vẫn tiếp tục, và mặc dù ông Trump tuyên bố không nghĩ tới các giải pháp đa phương nhưng vai trò của các tổ chức đa phương vẫn quan trọng cho Mỹ, trong khi Việt Nam, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, có một vai trò trong các tổ chức đa phương đó :
"Vai trò của Việt Nam trong các tổ chức đa phương nó sẽ giúp cho Mỹ có một thế lực ở Á Châu-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á, bởi vì Mỹ có mạnh cách mấy đi nữa, cũng vẫn cần có sự ủng hộ của các nước trong khu vực, nhất là những nước có địa thế quan trọng như Việt Nam. Nói về địa thế thì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong vùng Biển Đông, tuy nhiên vai trò của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông rất là quan trọng cho Hoa Kỳ về lâu về dài".
Sau khi rời Hà Nội hôm 12/11, Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn tới Việt Nam sau một chuyến thăm "tuyệt vời". Thông cáo của Toà Bạch Ốc ngày 12/11, trích lại một đoạn phát biểu trong bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump ở Đà Nẵng, ca tụng Việt Nam là một ‘phép lạ’ và nói rằng Hoa Kỳ mong muốn thắt chặt tình hữu nghị với Việt Nam.
"Hiện nay,Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên Trái Đất… Chúng tôi biết lợi ích của Hoa Kỳ sẽ được phục vụ khi xây dựng quan hệ đối tác ở một khu vực đang trở nên phát đạt, thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất cứ ai khác… Chúng tôi tìm kiếm láng giềng mạnh, chứ không tìm kiếm những hàng xóm yếu. Trên tất cả, chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị".
Theo giới quan sát, chính phủ Việt Nam trông đợi rất nhiều vào Tổng thống Donald Trump có thể giúp tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, hầu có thể thu hẹp mức thâm hụt ngân sách rất lớn hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Việt Nam và Giáo sư Huy ở Paris nói Hà nội sẽ thất vọng về điều này.
Tiến sĩ Huy cho rằng những thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla ký kết với các doanh nhân Mỹ không thể nào so sánh được với những lợi ích của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thỏa thuận thương mại tự do mà Tổng thống Donald Trump đã rút ra không lâu sau khi lên nắm quyền.
"Hiện nay phải biết là ngân sách Việt Nam ngày nay thâm thủng rất là nặng. Cái mong ước của người Việt Nam hy vọng Tổng thống Trump sẽ là một cái phao cứu mình ra khỏi cái hố thâm hụt ngân sách, coi như là không có. Thành ra chỉ còn vấn đề uy tín quốc tế mà thôi. Họ chỉ được Tổng thống Trump không đặt vấn đề nhân quyền".
Ông nói trên thực tế, kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không cao lắm bởi vì các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều nằm trong tay của các chủ nhân Đông Nam Á :
"Thị trường Việt Nam này nói thẳng ra hiện giờ nằm trong tay những người Đông Nam Á như Nam Hàn, và người gốc Hoa như Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài Loan, họ nắm hết. Người Mỹ đến đây chỉ đầu tư vào những lĩnh vực như dịch vụ, nghiên cứu thị trường".
Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của chuyến đi, Tổng thống Trump có mang lại điều gì mới lạ cho Việt Nam ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A :
"Có lẽ nó cũng không mang lại điều gì mới lạ cho Việt Nam. Nó chỉ có thể khẳng định được một số điểm mà ông làm rõ ra đối với thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Ông ấy nhất quyết không đi theo chuyện đa phương, mọi cái đa phương ông ấy đều bác bỏ cả, ông ấy chỉ muốn song phương thôi về các hiệp định kinh tế".
Trong chuyến công du Á Châu, nhà lãnh đạo Mỹ thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó quan hệ đối tác toàn diện Việt–Mỹ là một yếu tố quan trọng. Rõ ràng đối với ông Trump, vấn đề nhân quyền không phải là một ưu tiên trong khu vực ‘tự do và cởi mở’ đó, bởi vì ông không hề nhắc đến nhân quyền trong chuyến đi thăm Việt Nam, khiến cho Thượng nghị sĩ John McCain phải lên tiếng. Báo The Hill chuyên tường trình các diễn tiến tại quốc hội và chính trường Mỹ tải lên một bài viết mang tựa đề : "McCain đả kích chuyến đi thăm Việt Nam của Trump : ‘Không nhắc gì đến nhân quyền- Thật là tệ !’".
Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long có ý kiến hơi khác so với Thượng nghị sĩ McCain. Giáo sư Long cho rằng ông Trump không nhắc tới vấn đề nhân quyền hóa ra lại là điều hay. Ông giải thích :
"Vấn đề nhân quyền và dân quyền là vấn đề của mỗi nước. Việt Nam muốn quốc tế coi trọng Việt Nam thì Việt Nam phải tự mình đối xử với dân của mình một cách đàng hoàng. Ông Trump ngay trong nước của ông, cũng không nói đến vấn đề nhân quyền hay dân quyền. Nhiều khi thái độ của ông đối với những thành phần thiệt thòi hơn như các nhóm thiểu số, người da màu, phụ nữ thì ông cũng – xin lỗi phải nói thẳng, là đôi khi thô lỗ thành ra nếu ông đã coi những người trong nước không ra gì, mà đi ra nước ngoài, đòi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền và dân quyền thì tôi nghĩ người ta không tin được. Thà không nói còn tốt hơn !"
Về mặt tích cực, hai nước dịp này tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, ăn mừng việc kết thúc dự án tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng và Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc sân bay Biên Hòa.
Trong những thành quả khác của chuyến đi, Hoa Kỳ hoàn tất kế hoạch hành động về hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, chính thức chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho hải quân Việt Nam, đồng thời đạt thỏa thuận mua đất ở Hà Nội để xây đại sứ quán mới, một biểu tượng cho sự phát triển của các quan hệ song phương.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 15/11/2017
Buổi ra mắt và thảo luận về phim "The Vietnam War" đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử : Ken Burns và Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Trong bức ảnh chụp ngày 28/4/1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tiến vào một ngôi làng tình nghi do Việt Cộng kiểm soát gần tp Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam. Phim tài liệu10 tập của đạo diễn Ken Burns về cuộc chiến sẽ bắt đầu được công chiếu ngày 17/9/2017 trên đài PBS. (AP Photo/Eddie Adams)
Trong cử tọa ngồi hầu như chật kín cả hội trường, người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều giới chức trong quân đội và chính phủ, các cựu chiến binh, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội, cũng như truyền thông báo chí. Mở đầu sự kiện, đạo diễn Ken Burns đã gây hào hứng lập tức khi ông mời các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam có mặt trong cử tọa hãy đứng dậy. Nhiều người đàn ông tóc điểm sương đứng lên. Hội trường òa vỡ với những tiếng vỗ tay không dứt. Ngay sau đó nhà đạo diễn mời những người từng tham gia phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam đứng lên, một số người đã ôm chầm các cựu chiến binh, những người mà họ từng nguyền rủa và ruồng bỏ trong cao trào phản chiến. Cử tọa lại òa vỡ với nhiều tràng vỗ tay vang dội.
Đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng khi bắt đầu cuộc hành trình chông gai để thực hiện dự án này, những người đầu tiên mà hai đạo diễn tìm đến là Thượng nghị sĩ McCain, và ông Kerry, lúc đó cũng là một Thượng nghị sĩ.
"Chúng tôi nói chúng tôi cần sự giúp đỡ của hai ông, nhưng chúng tôi sẽ không phỏng vấn, mặc dù câu chuyện của hai người được kể lại trong phim, tự nó đã đầy kịch tính. Chúng tôi cho rằng vì hai ông còn là những nhân vật của công chúng, như ông Kissinger, như Jane Fonda, Daniel Ellesberg, chúng tôi tránh phỏng vấn họ mà chọn những người khác. Nhưng tôi tin rằng Lynn và tôi đã không thể hoàn thành bộ phim này mà không có sự giúp đỡ của hai ông".
Những clip mà đạo diễn Burns chọn cho công chiếu để giới thiệu bộ phim thực hiện cùng với đạo diễn Lynn Novick, nêu bật những sự chia rẽ sâu sắc và tình trạng hoang mang trong xã hội Mỹ trong và sau cuộc chiến. Những hình ảnh, đoạn phim tài liệu sống động của thời chiến chen lẫn với các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi gần đây hơn với tất cả những người thuộc mọi bên trong cuộc xung đột, gợi lại những kinh hoàng trên chiến trường Việt Nam, sự phẫn nộ tột độ thể hiện trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, về hậu quả bi thương của cuộc chiến, chiến tranh đầu tiên của người Mỹ không kết thúc trong chiến thắng. Kết thúc là đoạn clip khá dài về những sự xúc động mà Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam gợi lên cho mãi tới ngày hôm nay, phơi bày những vết thương sâu đậm vẫn chưa lành hẳn, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Nên rút ra bài học nào từ chiến tranh Việt Nam ? Thượng nghị sĩ John McCain :
"Tôi nghĩ đây là thời điểm đúng lúc để kể lại Chiến tranh Việt Nam, sau một cuộc xung đột, phải có một thời gian để những cảm xúc dịu bớt, nhường chỗ cho một cái nhìn khách quan hơn, và như thế chúng ta mới nắm được câu chuyện nó thực sự xảy ra như thế nào. Tôi tin nó đúng lúc đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang xáo trộn như bây giờ. Có thể chúng ta sẽ nhìn lại cuộc xung đột tại Việt Nam để bảo đảm chúng ta không lặp lại những sai lầm đã phạm trong cuộc chiến đó. Bài học rút ra là, chúng ta phải đảm bảo các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự phải thành thực với công chúng, và tránh thi hành lệnh nhập ngũ chỉ nhắm vào các thành phần có thu nhập thấp".
Ông McCain, cựu tù binh chiến tranh từng bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, tiết lộ ông thường xuyên tới thăm Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nơi ghi khắc tên tuổi của 58,000 binh sĩ Mỹ đã nằm xuống trên chiến trường Việt Nam. Ông cho biết là thường đến vào sáng sớm hoặc giấc chiều tối, chỉ để bắt tay và trò chuyện với những cựu chiến binh và tưởng nhớ các đồng đội đã ra đi.
"Những người trẻ tuổi này phải hy sinh mạng sống bởi vì lãnh đạo thiếu tài năng và bị hủ hóa - Chúng ta cần các nhà lãnh đạo có khả năng lãnh đạo, giúp vạch ra một lộ trình dẫn tới chiến thắng để chúng ta không bao giờ còn phải hy sinh tính mạng của các quân nhân vào một cuộc chiến không có lối thoát".
Cựu Ngoại trưởng John Kerry, một chiến binh từng được trao nhiều huân chương, kể cả Chiến Thương Bội Tinh, thì nêu bật tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao.
"Bài học mà chúng ta rút ra thật đáng giá. Chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì, phải thành thực với dân chúng, chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng sau khi đã khai thác triệt để giải pháp ngoại giao. Tất cả những điều đó đều đúng cho chiến tranh Việt Nam và đúng cho tất cả mọi sự lựa chọn mà bây giờ chúng ta đang đối mặt".
Ông Kerry nói nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người theo phong trào phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng chiến đấu tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns và Lynn Novick.
Một cựu chiến binh cũng từng được trao Chiến thương Bội tinh như ông Kerry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ca ngợi những nỗ lực của ông McCain và Kerry trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nói phim The Vietnam War sẽ có ảnh hưởng sâu rộng không những ở Hoa Kỳ mà còn ở cả Việt Nam.
"Tôi chưa xem hết phim, nhưng đã xem khá nhiều. Tôi tin rằng nó đại diện cho và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới xã hội của chúng ta và cả Việt Nam nữa. Bộ phim này là bộ phim hấp dẫn, có tính thuyết phục nhất, đầy đủ nhất, trung thực nhất khi kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam".
Ông Hagel nói tuy xem phim khơi lại những vết thương cũ, nhưng là điều có ích, nhất là cho các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ.
"Vâng, xem phim rất là đau lòng, nhưng rất quan trọng cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Mỹ phải hiểu được những hậu quả của chiến tranh và những hậu quả của các quyết định của chúng ta. Có thể chúng ta không bảo đảm được là tất cả các quyết định đều đúng nhưng bộ phim này sẽ mang lại cho chúng ta một kích thước khác".
Một chi tiết có lẽ sẽ gây rất nhiều chú ý đối với khán giả Việt Nam là biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều thường dân bị cộng sản Bắc Việt thảm sát, có người bị chôn sống, đã được nhắc đến trong phim. Đây có lẽ là phim tài liệu có tầm cỡ đầu tiên của Mỹ nhắc đến vụ thảm sát ở Huế.
Bà Duong Vân Mai Elliott, tác giả cuốn "The Sacred Willow" về 4 thế hệ của một gia đình Việt Nam, được các nhà làm phim yêu cầu cộng tác và xuất hiện nhiều lần trong phim. Bà có gia đình ở cả hai bên chiến tuyến, nói bà kinh ngạc khi thấy đạo diễn Ken Burns nhắc đến biến cố Tết Mậu Thân.
"Tôi xem tôi rất là sửng sốt, tôi cũng nói với ông (đạo diễn Burns) đây là lần đầu tiên mà một người ngoài Bắc đã tham chiến, công nhận vụ thảm sát ở Huế xảy ra năm Mậu Thân 1968. Tôi rất là ngạc nhiên. Nếu mà ông ấy phỏng vấn như thế này cách đây mười mấy năm thì chưa chắc họ đã dám nói như vậy, nhưng mà lúc ông phỏng vấn thì tôi thấy họ nói trung thực lắm".
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco nay đã về hưu, cũng xuất hiện trong phim. Ông nhận xét :
"Nhìn qua những bộ phim đã có, tôi thấy không có phim nào có thể trung thực hơn, và tôi không nghĩ là tương lai sẽ có một cuộn phim nào khác nữa vì cho tới khi phim này ra thì đã 42 năm sau cuộc chiến. Hai, ba thế hệ đã lớn lên, cuộn phim này ghi lại trung thực lịch sử, không phải của cuộc chiến mà qua cái lịch sử cuộc chiến đó, lịch sử Việt Nam, Nam cũng như Bắc. Tôi thấy điều cần làm là phải phổ biến rộng rãi phim này ở Việt Nam".
Chiến tranh Việt Nam, hơn 4 thập niên sau, vẫn là một chủ đề hóc búa cho một phim tài liệu, và chắc chắn trong những ngày tới, "The Vietnam War" sẽ còn gây rất nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ, tại Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi.
Phim tài liệu 10 tập "The Vietnam War" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sẽ lần lượt được công chiếu trên đài PBS, bắt đầu từ ngày Chủ nhật 17 tháng 9.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 16/09/2017