‘Bắt nhà báo ở nước ngoài, Việt Nam không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế’: RSF
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) hôm nay, 18/04/2019, công bố phúc trình về tự do báo chí năm 2019, trong đó đánh giá Việt Nam rớt một hạng, xuống vị trí 176/180 quốc gia, tức là ở cuối bảng. VOA-Việt ngữ phỏng vấn ông Daniel Bastard, đại diện RSF ở Paris.
Ảnh Tư liệu : Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hàng năm ra phúc trình đánh giá tình hình tự do báo chí trên thế giới. AFP PHOTO / BERTRAND GUAY
Trong phúc trình năm 2019, RSF nói tình hình tự do báo chí trên thế giới đã trở nên u ám, và tại nhiều nơi, "lòng hận thù đối với các nhà báo đã biến thành bạo lực". Tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, RSF đặc biệt nêu bật hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nói rằng hai nước này bấy lâu nay đã ở cuối bảng, nay lại rớt thêm một hạng. Xếp hạng 176, Việt Nam đứng ngay trên Trung Quốc, hạng 177.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ Paris, đại diện RSF đặc trách Châu Á Daniel Bastard nhận định về tầm quan trọng của đánh giá tụt hạng đối với Việt Nam trong phúc trình mới nhất.
"Thứ hạng của Việt Nam trong rất nhiều năm qua đã quá thấp rồi, tưởng như không thể nào tệ hơn được nữa, tụt một hạng khi đã ở đáy bảng rồi thì rõ rệt là một dấu hiệu cho thấy tình hình đã xấu đi rất nhiều".
RSF nói rằng tại Việt Nam, nơi mà tất cả truyền thông báo chí tất tất đều do nhà nước kiểm soát, các nhà báo đều phải làm theo chỉ thị của Đảng Cộng sản, thì các blogger và nhà báo công dân là những nguồn thông tin độc lập duy nhất. Và thành phần này đã trở thành mục tiêu thường xuyên bị trấn áp.
RSF lưu ý về những hành vi bạo lực của công an mặc thường phục xảy ra thường xuyên tại Việt Nam. Và chính quyền ngày càng dựa vào các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 79, 88 và 258 để kết án, bỏ tù dài hạn các blogger và nhà báo công dân về các tội "âm mưu lật đổ chính quyền", "tuyên truyền chống Nhà nước", hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…".
Một trong những trường hợp được RSF đặc biệt lưu tâm là trường hợp nhà báo độc lập Trương Duy Nhất, bị bắt cóc ở Bangkok, sau khi ông đã nộp hồ sơ xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc. Ông Daniel Bastard nói về trường hợp này:
"Việc ông Nhất bị bắt cóc ở Bangkok là điều rất đáng lo ngại, bởi vì điều đó có nghĩa là Việt Nam không thiết gì đến luật pháp quốc tế khi cả gan bắt cóc một nhà báo công dân bên ngoài nước Việt Nam".
Đáng lo ngại hơn nữa, theo ông Bastard, là vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ bắt ông Trương Duy Nhất.
"Một khía cạnh khác của trường hợp này là gần như rõ rệt nhà chức trách Thái Lan đã toa rập với gián điệp Việt Nam, hoặc ít nhất, là nhắm mắt làm ngơ để phía Việt Nam tự do thực hiện ý định của mình".
Courtesy photo: Nhà báo độc lập Trương Duy Nhất ở Bangkok, sau khi nộp đơn xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc, ngay trước khi bị bắt cóc đưa về Việt Nam.
Đại diện của RSF ở Paris nói vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất là không có tiền lệ bởi vì nạn nhân là một nhà báo độc lập, ông Bastard nhắc tới vụ Trinh Xuân Thanh bị bắt cóc ở bên Đức, nhưng theo ông trường hợp của ông Thanh khác bởi vì trong tư cách cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng PetroVietnam, ông Thanh là một quan chức nhà nước.
RSF nói rằng từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả hai chức vụ cao nhất nước, Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư DCS, thì mức độ đàn áp đã trở nên "kinh hoàng". Nhiều nhà báo công dân đã bị trục xuất, nhiều người khác lãnh các bản án tù lâu năm, thậm chí, có người bị tuyên án 20 năm tù, vì những bài viết của họ.
Theo RSF thì hiện có trên dưới 30 nhà báo, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, và bloggers bị giam cầm tại Việt Nam, nhiều người trong số này bị đối xử tệ hại.
RSF còn lưu ý về "Lực lượng 47" gồm 10.000 dư luận viên có nhiệm vụ bảo vệ đảng và lãnh đạo, tấn công những tiếng nói bất đồng hay chỉ trích trên mạng. RSF cũng nhắc đến Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, nói rằng cả "lực lượng 47" lẫn luật an ninh mạng đã giúp cho Việt Nam có thêm những công cụ để bóp nghẹt tự do báo chí.
Đại diện RSF Daniel Bastard kêu gọi Việt Nam hãy ngưng đàn áp các nhà báo, blogger, và ngưng ngăn chặn tự do thông tin.
"Đàn áp tự do báo chí, đàn áp những người chỉ muốn phổ biến thông tin có thể phương hại tới nền kinh tế Việt Nam. Luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày đầu năm nay, nếu thi hành đầy đủ, sẽ rất có hại cho kinh tế Việt Nam bởi vì ngày nay tất cả các hoạt động kinh doanh đều dựa trên Facebook và thông tin tự do trên mạng. Thế cho nên trấn áp tự do ngôn luận cũng dẫn tới trấn áp tự do thương mại".
Trên bảng xếp hạng về chỉ số tự do báo chí, Na Uy vẫn đứng đầu trong cương vị nước có nhiều tự do báo chí nhất, Phần Lan về nhì. Cuối bảng, nước được coi là đàn áp tự do báo chí khốc liệt nhất, là Turkmenistan, và áp chót là Bắc Triều Tiên, hạng 179/180.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 19/04/2019
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà nội đã bị cắt ngang một cách đột ngột giữa ngày thứ nhì của hội nghị, trong khi hai nhà lãnh đạo không ký tuyên bố chung như trông đợi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội, ngày 28/2/2019.
Hội nghị mở đầu trong niềm hy vọng của cả hai bên và nước chủ nhà cùng các nước liên quan như Hàn Quốc, Nhật Bản… Tất cả đều lạc quan về triển vọng đạt được kết quả hoặc ít nhất, tiến bộ, khả dĩ có thể dọn đường dẫn tới hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng trái với mong đợi, thượng đỉnh Trump-Kim kết thúc một cách hết sức bất ngờ : hai nhân vật chính họp báo riêng rẽ, rồi đường ai nấy đi, để lại những dấu hỏi lớn về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Triều.
Tổng thống Trump họp báo vội vã vào 2 giờ trưa ngày 28/2, rồi lên đường về nước. Nhà độc tài của Triều Tiên hôm sau bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, nhưng có lẽ trong trạng thái không mấy hào hứng cho nên rốt cuộc, ông cũng lên đường về nước sớm hơn dự định.
Khó có thể tưởng tượng kết cục này khi ông Kim xuất hiện tại nhà ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn, và được công chúng Việt Nam cũng như truyền thông quốc tế ‘háo hức’ chờ đón.
Vậy nhìn lại, thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công hay thất bại ?
Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào đối tượng được hỏi. Tại cuộc họp báo ở Hà nội trước khi lên chuyên cơ về nước, Tổng thống Trump nói lý do là vì hai bên bất đồng về chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp chế tài. Tại cuộc họp báo vào nửa đêm cùng ngày, phái đoàn Triều Tiên phản bác lập luận của phía Mỹ.
Toà Bạch Ốc sau đó tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của việc hai bên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị ở Hà nội. Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump, ông John Bolton, lý giải rằng thượng đỉnh Hà nội là một thành công, dù rằng ông Trump không thuyết phục được Bình Nhưỡng cam kết hủy bỏ khả năng hạt nhân. Theo lập luận của ông Bolton, Tổng thống Trump cắt ngang cuộc họp thượng đỉnh "để bảo vệ và cỗ vũ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ".
Theo lập luận này, cũng được nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump lặp lại, thì thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt một thỏa thuận bất lợi.
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Sue Mi Terry, Chuyên gia CSIS về các vấn đề Triều Tiên
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) vừa tổ chức một cuộc hội thảo để mổ xẻ thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong đó một số chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên hợp tác với think- tank này trả lời một số câu hỏi quan trọng về cuộc họp thượng đỉnh tại Hà nội.
Thượng đỉnh Hà nội có phải là một thất bại ?
Chuyên gia Sue Mi Terry của CSIS :
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Xét kỳ vọng rất cao là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt thỏa thuận tại Hà nội, thì sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Hơn nữa sau thượng đỉnh Hà nội, tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước bởi vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, quyết định bỏ ngang thượng đỉnh "tốt hơn là chấp thuận một thỏa thuận ‘xấu’".
Chuyên gia của CSIS giải thích rằng một thỏa thuận xấu là một thỏa thuận bất lợi, làm suy yếu các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như quan hệ với các đồng minh trong khu vực. Theo định nghĩa của Tổng thống Trump, nếu Triều Tiên đòi và được tháo gỡ mọi chế tài trước khi nhượng bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon và các địa điểm hạt nhân khác, thì đó là một thỏa thuận ‘xấu’.
Liệu thế giới có an toàn hơn sau thượng đỉnh ở Hà nội ?
Chuyên gia của CSIS Sue Mi Terry :
"Không, mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn còn nguyên. Trong khi tình hình hiện nay khả quan hơn nhiều so với năm 2017, căng thẳng chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên giảm thiểu trong khi hai bên xúc tiến các nỗ lực ngoại giao, nhưng không ai có thể chối cãi là Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân của họ".
Các phúc trình của CSIS cho thấy là trên thực tế, Triều Tiên vẫn duy trì các căn cứ quân sự phi đạn đạn đạo và các địa điểm liên quan tới vũ khí hạt nhân trong tình trạng hoạt động tốt giữa lúc thương thuyết đang diễn ra. Và cho tới khi nào Hoa Kỳ thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng chấp thuận cho các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế giám sát việc đình chỉ các hoạt động hạt nhân, phong tỏa các tòa nhà liên quan, và thiết đặt các máy thu hình để giám sát những địa điểm này, thì mối đe dọa do các chương trình phát triển vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên vẫn còn đó.
Vẫn theo chuyên gia CSIS, thì các cuộc đàm phán đã giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng, nhưng không làm cho thế giới an toàn hơn.
Tư liệu- Thủy Quân Lục Chiến Hàn Quốc chuẩn bị tập trận thường xuyên tại đảo Yeonpyeong , Hàn quốc ngày 1/11/2018.
Ngược lại, nhiều người còn lo ngại là thế giới có thể trở nên kém an toàn hơn vì nhượng bộ đơn phương của Mỹ, đình chỉ các cuộc diễn tập với đồng minh Hàn Quốc, sẽ phương hại tới tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng liên minh, nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục đình chỉ các cuộc diễn tập hàng năm tới sau mùa Xuân năm nay.
Theo CSIS thì đây là một câu hỏi quan trọng cần được giải đáp sau thượng đỉnh tại Hà nội.
Một khi Washington đã nhượng bộ, thì Hàn Quốc và Trung Quốc có thể chống đối việc tái tục các cuộc diễn tập với lập luận làm như vậy sẽ tăng căng thẳng vào một thời điểm ‘nhạy cảm’.
Chuyện gì sẽ xảy ra ?
Vẫn theo chuyên gia Sue Mi Terry :
"Hiện chưa rõ. Đáng tiếc là sự thất bại trong cuộc thương thuyết ở cấp cao nhất không tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao để hai bên tiến tới phía trước. Hàn Quốc sẽ tìm cách hàn gắn những đổ vỡ sau thượng đỉnh tại Hà nội, và sẽ làm môi giới để khởi động lại các cuộc thương thuyết Mỹ-Triều. Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in có thể mở một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong cố gắng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên".
Vẫn theo chuyên gia của CSIS, Triều Tiên sẽ hội ý với Bắc Kinh và Moscow để đi đến một chiến lược thương thuyết mới. Bà Terry nói điều quan trọng nhất cần theo dõi là chờ xem truyền thông nhà nước Triều Tiên nhận định ra sao về hội nghị thượng đỉnh ở Hà nội, xem liệu Triều Tiên có quy lỗi cho Hoa Kỳ về sự thất bại của hội nghị, và quay trở lại với những chiến thuật đã áp dụng trước đây.
Trong khi chờ đợi, Washington sẽ phải quyết định liệu có nên tái tục các cuộc diễn tập quân sự quy mô với Hàn Quốc hay không. Nếu có, ông Kim Jong-un có thể phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc thử nghiệm phi đạn. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ không lên án Triều Tiên bởi vì Bắc Kinh có thể lập luận rằng Bình Nhưỡng chỉ phản ứng sau hành động của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS kết luận rằng Triều Tiên là một vấn đề hóc búa. Cho tới nay, ngược với trông đợi Tổng thống Trump không thành công hơn so với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong nỗ lực giải quyết vấn đề hóc búa này, nhưng ít ra tình hình hiện nay cũng khả quan hơn nhiều so với năm 2017, khi mà hai bên đều đề cập tới khả năng tiến hành "chiến tranh phủ đầu".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 05/03/2019
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa cho đăng hai bài báo liên tiếp trong hai ngày 21 và 22/10/2018, mạnh mẽ đả kích các động thái mới nhất của Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông và tìm cách thành lập một liên minh chống Trung Quốc. Tác giả bài báo, Li Jiangang, ngày 22/10 còn nói "trước ‘thái độ gây hấn của Mỹ, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, và có thể sẽ phải có biện pháp mạnh chống lại". Về nước láng giềng Việt Nam, một nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, dưới quyền Tổng bí thư và sắp tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ tỏ ra 'khôn ngoan hơn và không ‘sẵn sàng làm một con cờ của Mỹ’.
Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố về biển Đông trên Twitter (@PressDept_MoFA)
Trong bài báo đăng lên trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo đêm 21/10 dưới tiêu đề ‘Liệu Việt Nam có sẽ rập khuôn theo Mỹ ở Biển Đông ?’ (Will Vietnam toe US line on South China Sea ?), tác giả cho rằng trong mấy năm qua, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đạt được đồng thuận về cơ bản để duy trì tình trạng ổn định trong Biển Đông.
Tác giả Li Jiangang, một nhà nghiên cứu của Viện Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện nghiên cứu các Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, nói vì không sẵn sàng chấp nhận các vùng biển này đang biến chuyển từ một điểm nóng sang thành một khu vực tương đối yên bình, nên Hoa Kỳ quay sang ve vãn Việt Nam và các nước láng giềng để các nước này hậu thuẫn các nỗ lực của Washington ‘thiết lập một vùng Biển Đông do Mỹ thống trị’.
Đội Huấn luyện Lưu động Tuần duyên Hoa Kỳ tổ chức khóa huấn luyện cho các binh sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam. (Ảnh : Facebook Đại sứ Ted Osius)
Nhà nghiên cứu Trung Quốc viện dẫn việc Mỹ điều chiến hạm vào vùng biển thuọc phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Trường Sa – mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là một hành động khiêu khích, và nhấn mạnh chuyến đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nằm trong chiến lược rộng lớn của Mỹ để kiềm hãm Trung Quốc.
Trên đường tới Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo rằng Washington quan tâm sâu xa tới việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo trong Biển Đông, ông cảnh giác về "sự hiện diện quân sự đang tăng" và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Ông Mattis còn khuyến cáo các nước nhỏ về ý đồ của Trung Quốc, sử dụng sức mạnh kinh tế áp đảo để làm lợi cho mình trong khi phương hại tới các lợi ích các nước nhỏ. Tái khẳng định quan điểm không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hoặc có hành vi cưỡng ép tại khu vực này, ông Mattis kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác chống lại hành vi này.
Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016
Tác giả bài báo miêu tả Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người sắp kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Trung Quốc, một người thực tiễn và mong muốn duy trì ổn định, cho nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại "các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa" sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.
Theo tác giả thì "Việt Nam "không sẵn sàng trở thành một con cờ của Mỹ".
Nêu lên việc Việt Nam vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại "đa dạng và đa phương, tác giả nói Hà nội sẽ duy trì tính độc lập của mình bằng cách kết thân với nhiều nước. Theo bài báo Việt Nam trong thời gian qua đã tìm cách cân bằng giữa các cường quốc và từ chối ngả về bất cứ bên nào. Và kể từ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII năm 2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã chọn một chính sách ngoại giao mềm dẻo và ôn hòa hơn cho nên ‘không xảy ra bất cứ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc’ trong giai đoạn này, và nhờ đó Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Tác giả lưu ý rằng truyền thông nhà nước Việt Nam đã không hết mình cổ vũ cho chuyến đi thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, mà còn tránh đề cập tới "Biển Đông" trong thời gian này.
Bài báo cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngại ý đồ của Hoa Kỳ, viện các lý do ủng hộ dân chủ, nhân quyền để gây rối, và cảnh giác Hoa Kỳ "chưa bao giờ từ bỏ ý định bảo trợ cho một cuộc cách mạng màu" tại Việt Nam.
Bài báo kết luận rằng hợp tác là giải pháp duy nhất. Tham gia Con Đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam, hơn là mua vũ khí và chọn giải pháp đối đầu quân sự.
Trong một bài báo khác đăng trên Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 22/10, một nhà nghiên cứu của Viện quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa nói rằng tại Hoa Kỳ dường như các chính khách, các học gỉả và giới truyền thông đều đồng thuận với nhau khi mô tả ‘bất cứ hành động nào của Trung Quốc tại đây cũng đều có tính cách "gây hấn, nhằm mục đích bành trướng, và đe dọa các quyền lợi của Hoa Kỳ".
Bài báo viết Mỹ coi Bắc Kinh là một đối thủ thách thức hiện trạng, và do đó đang tìm cách xây dựng và củng cố vây cánh chống lại Trung Quốc, bằng "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Tác giả bài báo, Chen Xiangmiao, nói trước những động thái hung hăng của Mỹ, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, mà trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nước, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác hơn là đề ra những giải pháp chống lại, kể cả biện pháp triển khai quân sự tới khu vực.
Tác giả nói Mỹ đã sai lầm khi cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các nỗ lực nhằm thách thức vị thế cường quốc duy nhất của Mỹ trên thế giới, chực leo thang xung đột để giành quyền thống trị hệ thống quốc tế, và nếu Mỹ tiếp tục có "quan điểm sai trái đó thì có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi" giữa hai nước tại điểm nóng trong khu vực này.
Trong trường hợp đó, Biển Đông có phần chắc sẽ trở thành tuyến đầu của "một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 22/10/2018
Chiến tranh Việt Nam đã có lúc có nguy cơ trở thành chiến tranh hạt nhân, nếu Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Đại Tướng William Westmoreland, được phép xúc tiến kế hoạch bí mật của ông.
Tư liệu : Ảnh chụp ngày 1/1/1966. Một quân nhân thuộc Lữ đoàn 173 Nhảy dù trú đạn cùng nhiều phụ nữ và trẻ em trong thời chiến tranh Việt Nam. (AP Photo/Horst Faas, File)
Theo các tài liệu vừa được giải mật thì trong thời Chiến tranh Việt Nam, Đại tướng Westmoreland đã đề ra một kế hoạch bí mật, chuẩn bị vũ khí hạt nhân sẵn sàng trong trường hợp phải dùng chống lại quân cộng sản Bắc Việt, tuy nhiên kế hoạch này đã bị Tổng thống Lyndon Baines Johnson phủ quyết. Vị Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ khi biết tin đã ra lệnh ngưng lập tức những chuẩn bị cho kế hoạch này.
William C. Westmoreland
Báo New York Times trích dẫn các tài liệu mới được giải mật, hôm 6/10 cho biết là vào năm 1968, Tướng Westmoreland đã kích hoạt kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân tới Việt Nam, trong trường hợp Hoa Kỳ và các đồng minh thất bại trong trận chiến Khe Sanh.
Theo nguồn tin này, Tổng thống Johnson chận đứng kế hoạch vì lo ngại chiến tranh Việt Nam có thể lan rộng, và có thể nổ ra với Trung Quốc nếu xung đột leo thang hơn nữa.
Báo Times tường thuật rằng Tổng thống Johnson đã lập tức hạ lệnh cho rút các vũ khí hạt nhân đã đưa sang Việt Nam về nước.
Bản tin đăng trên tờ New York Post hôm 7/10 còn cho hay là kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân sang Việt Nam đã được Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Đô Đốc Ulysses Grant Sharp Jr. phê chuẩn.
Báo The Times cho biết phụ tá đặc biệt Tom Johnson trình báo cho Tổng thống Lyndon Johnson kế hoạch này. Bản tin lưu ý rằng hai ông tuy có cùng tên họ, nhưng không có liên hệ họ hàng với nhau.
Loan tin này, báo Russia Today nói người thông báo cho Tòa Bạch Ốc là Cố vấn an ninh quốc gia Walt W. Rostow. Và ngay sau khi được báo cáo, Tổng thống Johnson đã lập tức ra lệnh hủy bỏ việc triển khai vũ khí bí mật này. Vẫn theo Russia Today thì trước đó, Tướng Westmoreland đã cho phép chuyển vũ khí hạt nhân sang Việt Nam từ năm 1964 đến 1968.
Sau khi kế hoạch bị lộ cho Tòa Bạch Ốc, Đô đốc Sharp đã lập tức ra lệnh "đình chỉ mọi kế hoạch bí mật có ký hiệu "Fracture Jaw", (tạm dịch Xương hàm gãy). Đô đốc Sharp còn yêu cầu phải tuyệt đối bảo mật mọi thông tin về kế hoạch này.
Tướng Westmoreland nắm quyền chỉ huy trong giai đoạn số quân trong các lực lượng Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên cao nhất.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 07/10/2018
Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông sắp sửa được đưa vào hoạt động trong năm nay sau 7 năm thi công. Dự án có kinh phí lên tới 868 triệu USD được xây dựng bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc. Tuyến tàu điện cao tốc trên cao được coi là một phương án phát triển giao thông hiện đại mà rất nhiều người kỳ vọng sẽ giúp Hà nội giải quyết được nạn ách tắc giao thông, tuy nhiên bão mạng bùng nổ khi tin loan truyền rằng các tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tuyến đường này, và thẻ lên tàu phát hành cho một chuyến chạy thử hôm 11/8/2018 được in bằng hai thứ tiếng : tiếng Trung và tiếng Việt. Mặc dù Ban Quản lý dự án, Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam, quy lỗi cho nhà thầu Trung Quốc về vụ việc này, và nhà thầu Trung Quốc nhận trách nhiệm, nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước cho rằng dù đây là ‘chuyện nhỏ’ đối với một số người, nhưng họ cảnh báo về những hệ quả rất nghiêm trọng nếu phía Việt Nam, người dân Việt Nam, không có phản ứng phù hợp. VOA-Việt ngữ liên lạc với nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà ở Hà nội, và blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, ở Đức, để hỏi ý kiến của họ về vấn đề này. VOA chưa nhận được phản hồi từ phía giới hữu trách Việt Nam.
Ảnh thẻ lên tàu dành riêng cho cán bộ công nhân viên thi công dự án tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Web Screenshot- Thanh Nien)
Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Tổng Thầu của dự án Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, hôm 11/8 tổ chức cho 200 người, trong đó có 40 người Trung Quốc tham quan chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông. Trang mạng VNN cho biết nhóm người gồm "cán bộ, công nhân và người nhà".
Người tham gia được phát thẻ lên tàu trên đó in dòng chữ tiếng Trung và tiếng Việt "Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử", "Thẻ lên tàu", "Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông". Chữ Trung Quốc, lớn hơn, được đặt bên trên dòng chữ tiếng Việt.
Cộng đồng mạng Việt Nam đã phản ứng dữ dội sau khi hình ảnh lan truyền trên các trang mạng xã hội và cả báo nhà nước, cho thấy biển chỉ dẫn những ga tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và thẻ lên tàu (cho chuyến chạy thử ngày 11/8/2018), được in bằng tiếng Trung và tiếng Việt. Vì sao họ phản đối ?
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói đây là một vấn đề về chủ quyền quốc gia : "Trong chính quốc gia mình thì ngôn ngữ chính thống của đất nước mình phải đặt lên hàng đầu, sau đấy mới đến tiếng ngoại quốc. Như theo thông lệ của các nước trên thế giới, kể cả các nước gần với Việt Nam, thì trong các công trình công cộng đều ghi tiếng bản địa đầu tiên và to nhất, rồi sau đó là tiếng Anh, chỗ nào nhiều người Hoa thì mới có tiếng Hoa, nó khác hẳn với những gì đang xảy ra ở tuyến tuyến Cát Linh-Hà Đông".
Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông và vận tải, ông Vũ Hồng Phương, nói rằng hiện nay toàn bộ khu vực đang do Tổng thầu Trung Quốc đảm nhận, và "chỉ những người có nhiệm vụ, có thẻ kiểm soát của Tổng thầu mới được vào khu vực và lên tàu". Về việc các nhà ga gắn biển tên với phần chữ tiếng Trung lớn hơn, đặt trên chữ tiếng Việt, ông Phương nói đó là "do Tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử".
Dự án tuyến tàu điện Cat Linh - Ha Dong
Theo ông Phương thì hầu hết các biển thông tin đó giờ đã bị gỡ bỏ, và theo thiết kế, biển tên chính thức tại các nhà ga chỉ có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.
Ông Nguyễn Đình Hà không chấp nhận cách lý giải đó : "Những lời giải thích đó là không có tính cách thuyết phục bởi vì ngay trên đất nước Việt Nam thì anh không thể làm thế được. Tất cả các công trình đầu tư xây dựng đều phải có sự giám sát và quản lý của Ban Quản lý dự án, chứ không thể phó mặc 100% cho nhà thầu được. Tại sao khi có sự giám sát như thế thì lại sao lại để cái chuyện đó xảy ra ? Chuyện này phải ‘tiên trách kỷ hậu trách nhân’. Trách nhiệm của những người quản lý, những người giám sát người Việt và cơ quan quản lý của Việt Nam trước khi trách nhà thầu Trung Quốc".
Từ Đức, blogger Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió, nói vấn đề này đang xảy ra tại ngay thủ đô của Việt Nam, và dù cho đây là một dự án làm bằng tiền vay từ Trung Quốc, dự án này vẫn phải do người Việt Nam làm chủ, và ông đặt câu hỏi thế thì tại sao lại phải ghi tiếng Trung Quốc ?
"Việt Nam vay tiền của Trung Quốc với điều kiện là phải thuê nhà thầu của Trung Quốc làm, thì trên danh nghĩa vẫn là của Việt Nam chứ làm gì có cái gì của Trung Quốc trong đó mà tại sao người Trung Quốc có quyền đưa vé tàu ấy vào và các nhà ga lại ghi tiếng Trung Quốc ? Rõ ràng đấy là một sự cố ý để Trung Quốc thăm dò phản ứng của người Việt Nam tiếp xúc với những ảnh hưởng của Trung Quốc thì phản ứng như thế nào".
Đối với người Việt, vấn đề chủ quyền quốc gia là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Liệu dân mạng có phản ứng quá trớn ?
Blogger Người Buôn Gió : "Tôi thấy rằng sự phản ứng như vừa rồi của người Việt Nam như thế là quá là nhẹ. Họ đưa những cái văn hóa của họ vào, đưa những hình ảnh của họ vào. Hôm nay thì họ xuất hiện ở trên vé tàu này, xuất hiện ở cái nhà ga này, mai kia người Trung Quốc họ có thể là chủ của một khu vực này – như một đặc khu chẳng hạn hoặc là ở một điểm trọng yếu, rồi dần dần nó luyện cho người dân Việt Nam cái phản xạ là quen với sự xuất hiện của người Trung Quốc, quen với sự làm chủ của người Trung Quốc. Đó là một đường lối rõ ràng chứ không phải là một sự nhầm lẫn hoặc là một sự cẩu thả vô ý nào cả".
Ông Nguyễn Đình Hà thì cho rằng vấn đề nhạy cảm cũng là do quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một vấn đề mang tính lịch sử. Ông Hà nói trong cả ngàn năm nay, đã xảy ra "quá nhiều đau thương và chiến tranh vì những hành động xâm lấn của Trung Quốc", không ngừng tìm cách lấn át nước láng giềng nhỏ bé hơn.
"Các vấn đề liên quan tới Trung Quốc thật sự là rất nhạy cảm bởi vì nó là một vấn đề dân tộc, mà chủ quyền dân tộc đang bị phía Trung Quốc xâm phạm. Về kinh tế thì người Việt đã từng bị người Trung Quốc chơi xấu rất nhiều. Nếu mà Trung Quốc làm tốt, mang những điều tốt đẹp như người Mỹ, người Đức, người Nhật… thì thái độ của người Việt Nam đã khác".
Blogger Người Buôn Gió nói theo quan điểm của ông thì trước phản ứng giận dữ của dân mạng, chính quyền Việt Nam chỉ lên tiếng lấy lệ, và cách lý giải của họ rất vô lý :
"Nếu mà khách đi thử tàu thì có thể lấy khách của Việt Nam, tại sao lại phải thử khách của Trung Quốc ? Tại sao người lái tàu phải là người Trung Quốc chứ không phải là người Việt Nam ? Chẳng nhẽ chúng ta đầu tư hàng 800, 900 triệu đôla ra mà cuối cùng người lái tàu, người vận hành vẫn là người của Trung Quốc ?".
Ông cho rằng đây không phải là một hành động vô tình hoặc vô ý mà là một chiến dịch có mục tiêu hán hóa rõ rệt : trút hết trách nhiệm lên vai "những người cầm đầu nhà nước Việt Nam", và bày tỏ sự phẫn nộ của ông :
"Đây là những hành động của những người cầm đầu nhà nước Việt Nam, những hành động tiếp tay bán nước, đồng lõa thôn tính văn hóa Việt Nam, đồng hóa để cho Trung Quốc nó đô hộ Việt Nam".
Có chiều dài hơn 13km, ga đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa ở Hà Đông, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2009. Là dự án đầu tiên loại này tại Việt Nam, tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc, và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Các chuyến tàu trên tuyến đường sắt này dự kiến sẽ vận hành với tần suất mỗi hai phút một chuyến, tốc độ tối đa 80 km/giờ.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 14/08/2018
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng sáng ngày 25/6 điểm qua những thành tích của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, và vạch ra hướng đi tương lai của công tác quan trọng này. Hội nghị lặp lại quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch ‘diệt giặc nội xâm’.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII 12/5/2018. Ảnh Tuổi Trẻ
Vietnamnet dẫn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, tại phiên khai mạc hội nghị :
"Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía".
Giới hoạt động tại Việt Nam đặt nghi vấn về phát biểu này. Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên nồng cốt của Câu lạc bộ Bóng đá No-U :
"Thực ra nếu mà nhìn vào cái cuộc chiến gọi là chống tham nhũng như ông ấy nói, trong khi ông ấy là người hầu như nắm quyền lực cao nhất của đảng, thì tôi chẳng hiểu nổi tại sao mà nó lại khó khăn gian khổ tới như vậy, bởi vì mọi thứ đều sờ sờ ra. Tiền và tài sản tham nhũng không thể dấu giếm đi được. Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò".
Theo đánh giá của Hà nội thì chiến dịch phòng chống tham nhũng kể từ Đại hội XII, đã đạt nhiều bước tiến. Một bài viết tải lên trang mạng Vietnamnet cho rằng "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, và có chiều hướng thuyên giảm". Trang mạng này liệt kê một loạt thành tích cụ thể của ‘chiến dịch đốt lò’ là "đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo ; 20 án chung thân cho 19 bị cáo ; nhiều bị cáo bị phạt tù với mức án từ 12 tháng đến dưới 30 năm" vv...
VTV cũng có bài báo nói rằng các nỗ lực "chống giặc nội xâm cần tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ", bài báo nói rằng chiến dịch này được người dân ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao. Vietnamnet dẫn lời Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, nói rằng : "Chưa bao giờ chuyện 'lò nóng' của Tổng bí thư được ủng hộ nhiều như vậy".
Liệu lời khẳng định chắc nịch đó có thể hiện trung thực ý kiến của người dân ở trong nước ?
Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nói nếu mục đích của chiến dịch đốt lò là thuần túy chống tham nhũng, thì lẽ đương nhiên rất nhiều người, kể cả cá nhân ông, đều ủng hộ. Nhưng theo nhà hoạt động này thì thực tế là vẫn có nhiều hoài nghi bởi vì chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào "củi phe kia", chứ không nhắm vào "củi phe ta".
"Ông Trọng nói nhiều cái không được nhất quán lắm, lúc thì ông hô hào chống tham nhũng, lúc thì ông bảo kê khai tài sản nó có liên quan tới bí mật cá nhân, tới đời tư. Những người quan sát thấy rằng ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy".
Anh Lã Việt Dũng thuộc Câu lạc bộ bóng đá No-U :
"Ông ấy nói dân ủng hộ thì cái điều đó nó không chính xác, bởi vì người dân ở đây, những người như chúng tôi hay là những người mà tôi tiếp xúc thì họ biết rằng đây chỉ là những cuộc thanh trừng nội bộ. Những việc của ông ấy không hề có quyết tâm chống tham nhũng một cách đến cùng, bởi vì ngay trước đấy khi mà một số nhân sĩ trí thức yêu cầu ông Trọng phải công khai tài sản cá nhân của ông thì ông ấy lại nói công khai tài sản cá nhân là vi phạm quyền riêng tư và rất là nhạy cảm, tôi nghĩ rằng những người dân và những người bạn xung quanh tôi, không ai tin vào những lời ông ấy nói nữa".
Ông Nguyễn Tường Thụy cũng nêu bật nhiều vụ tham nhũng mà theo ông không được thực hiện tới nơi tới chốn :
"Vụ Yên Bái cũng là ‘đánh trống bỏ dùi’, tưởng là làm tới đến nơi rồi tự nhiên dừng lại, kỷ luật vớ vẩn, nhắc nhở chung chung… Vụ Thủ Thiêm vừa rồi tự nhiên im bặt đi, báo chí không được động tới.. Tham nhũng nó không phải là bí mật quốc gia mà báo chí không được nói, thế mà có chỉ đạo một cái là tự nhiên im bặt, thế thì ai mà tin cậy được ? "
Có nhận xét cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng do lãnh tụ nước láng giềng Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Một số người còn nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam không những được sao chép, mà có khả năng được chỉ đạo từ Bắc Kinh :
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy : "Cách thức chống tham nhũng là học từ Trung Quốc sang. Không chỉ chống tham nhũng mà nhiều việc từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều lấy mô hình và cách làm của Trung Quốc cả".
Anh Lã Việt Dũng cũng chia sẻ nỗi lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều khía cạnh sinh hoạt tại Việt Nam, anh bày tỏ lo ngại là chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được "sự chỉ đạo, thỏa thuận và đồng ý của Bắc Kinh". Anh đơn cử các nỗ lực của nhà nước, muốn nhanh chóng thông qua các dự luật đặc khu và luật an ninh mạng mới đây, nói rằng các động thái đó đã làm dấy lên những lo sợ nơi người dân về ảnh hưởng quá sâu rộng của Bắc Kinh, và hệ quả của nó đối với vận mệnh dân tộc.
"Đấy là một trong những vấn đề lo ngại lớn nhất của chúng tôi đối với đất nước này. Chúng tôi không chống đảng cộng sản bằng mọi giá, tôi nghĩ rằng nếu mà không có Trung Quốc thì họ có thể sửa sai được, và họ cũng có thể chuyển hóa được để xã hội Việt Nam và chế độ chính trị Việt Nam sẽ thay đổi tốt hơn, nhưng có bàn tay của Trung Quốc đằng sau thì thực sự điều đó rất là khó. Đảng Cộng sản Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì chỉ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ diệt vong và đến chỗ mất nước. "
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Những nghi vấn về tương lai chính trị của Chủ tịch nước Việt Nam lại rộ lên trên các trang mạng xã hội sau lần vắng mặt kéo dài thứ nhì của ông trong trên dưới 9 tháng. Trong khi sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang không được giải thích đầy đủ và minh bạch, có tin ông đang ở Nhật Bản để chữa bệnh.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, phải, bắt tay với các giới chức Việt Nam, bên cạnh người đồng cấp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, Việt Nam ngày 21/11/2017. (Luong Thai Linh/Pool Photo via AP)
Nhiều bài báo trên các trang mạng xã hội thậm chí nói rằng sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Trần Đại Quang coi như đã được định đoạt, và việc ông sang Nhật chữa bệnh chỉ là một sự ‘dàn xếp’ trước những thay đổi nhân sự sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đcộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018. Lần này, một số nhà quan sát nhận định những đồn đoán rằng ông Quang có thể bị loại, hoặc rút lui khỏi chính trường là ‘có cơ sở’ và bình luận về một số nhân vật có tiềm năng thay thế ông, trong số đó có ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị và hiện là Bí thư Thành ủy thành phố HCM, ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một kịch bản khác là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Từ Paris, nhà báo độc lập Bùi Tín trao đổi với VOA-Việt ngữ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng từ ngày 4/4 năm nay, khiến các trang mạng xã hội nóng lên với những tin đồn về sự vắng mặt ‘bất thường’ của ông. Dư luận chú ý tới sự vắng mặt của ông tại các hoạt động và nghi lễ ngoại giao thường có mặt của Chủ tịch nước. Họ lưu ý rằng ngay cả hình ảnh của ông cũng không thấy xuất hiện trên báo chí hay các phương tiện truyền thông khác.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, trái, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, phải, tại lễ chào mừng bà Suu Kyi tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 19/4/2018. (AP Photo/Minh Hoang)
Nhiều dấu hỏi đã được nêu lên về tình trạng sức khỏe và thậm chí, tương lai chính trị của ông. Đây không phải là lần đầu ông Trần Đại Quang trở thành tâm điểm của sự chú ý vì đã vắng bóng trên chính trường một cách bất thường. Hồi năm ngoái, sự vắng mặt ‘bí ẩn’ của ông trong một tháng - từ tháng 7 năm 2017- dẫn đến những tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, gây sự chú ý của báo chí quốc tế. Một nguồn tin từ Nhật bản lúc đó cho biết ông Trần Đại Quang được điều trị y tế tại nước này. Lần này những thông tin tương tự cũng lan truyền trên các trang mạng xã hội khi người ta không thấy ông Quang tới dự một số sự kiện quan trọng, chẳng hạn như không gặp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Chính phủ và là nhà lãnh đạo ‘trên thực tế’ của Myanmar, tới thăm chính thức Hà nội trong 2 ngày 19-20/4, khi bà gặp tất cả các lãnh đạo cao cấp nhất, ngoại trừ Chủ tịch nước.
Nhà báo Bùi Tín từ Paris nói về những tin đồn liên quan tới Chủ tịch Trần Đại Quang :
"Người ta đồn đoán vì có thể là ông Nguyễn Phú Trọng muốn thay đổi người ở cái chức vụ Chủ tịch nước, hạ ông Quang xuống thay người khác".
Trong bài viết tải lên trang mạng nghiencuuquocte.org về khả năng thay đổi nhân sự đáng kể tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore, nói có nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế "do vấn đề sức khỏe".
Ông Bùi Tín nói ông cũng có được nghe tin đồn rằng ông Trần Đại Quang đang ốm nặng :
"Ba tháng nay ông ấy ốm, có tin nói ông ấy ốm nặng và phải sang Nhật Bản để điều trị, nghe nói là bị bệnh ung thư. Nhưng mà có thể đây là một cách sắp xếp bố trí của ông Nguyễn Phú Trọng để đưa dần, dưa dần ông Quang ra, và có thể còn thay 3, 4 ủy viên Bộ Chính trị nữa".
Ba ủy viên mới là để thay thế các ủy viên đang đối mặt với vấn đề sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm, trong đó ngoài Chủ tịch Trần Đại Quang, có ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 5 của chế độ bị ngừng công tác vì sức khỏe kém, và ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị loại khỏi Bộ Chính trị vào tháng 5/2017 do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế.
Tư liệu : Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình : Sài Gòn Giải Phóng)
Như Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhà báo Bùi Tín tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân là nhân vật có thể được chọn để thay thế ông Trần Đại Quang trong vai trò chủ tịch nước. Ông Bùi Tín nêu lý do vì sao dưới con mắt ông Nguyễn Phú Trọng, ông Thiện Nhân là ứng viên sáng giá cho chức vụ này :
"Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là vì ông Nhân nổi tiếng là con người rất là ‘hiền lành, có thể nói là mềm yếu, người ít có ý kiến độc lập, chuyên môn nghe theo lãnh đạo".
Hai ứng viên khác được nhắc đến như những ứng viên có tiềm năng là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng tin rằng sẽ có 3 thành viên mới được đưa vào Bộ Chính trị. Trong số 5 ứng viên mà ông cho là có triển vọng nhất, có ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính.
Nhà báo Bùi Tín nói ông không tin là cựu Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ được chọn bởi vì ông Bình có liên can trong một số vụ tai tiếng trong ngành ngân hàng, trong khi bà Ngọc Thịnh, theo ông, chưa có đủ mức tín nhiệm cần thiết.
"Người ta đồn về ông Nguyễn Văn Bình là vì ông Bình mới đây đã được cử sang Bắc Kinh, đây là một vị trí hiếm hoi, nhưng đây chỉ là giả thuyết thôi. Về bà Ngọc Thịnh thì tôi nghĩ là chưa đến đủ mức tín nhiệm về chuyên môn để có thể tham gia Bộ Chính trị".
Nhà báo Bùi Tín nói loại trừ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi song song với chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng, mà mục đích, theo nhà báo, là để trừ khử ‘một cách chọn lọc’ các đối thủ chính trị và phe cánh của họ.
đốt lò lên không phải là để trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình".
Nhà báo độc lập Bùi Tín về chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Vâng ý muốn của ông Trọng là đốt lò lên, không phải là để trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình".
Hầu như đã rõ ràng ông Trần Đại Quang là một đối thủ sắp bị loại. Lần gần đây nhất mà các báo nhà nước đưa tin về ông là ngày 2 tháng Tư, khi ông Quang tiếp đón Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Mông Cổ Amarjargal Gansukh tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội.
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch đốt lò "có chọn lọc" của ông Nguyễn Phú Trọng, hiện đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và thành phố HCM, đang gây nhiều hoang mang trong nội bộ và có nguy cơ tác động tới tinh thần đảng viên. Một loạt vụ bắt giữ và truy tố những nhân vật từng làm mưa làm gió trên chính trường và thương trường Việt Nam, chưa kể tới nhiều tướng công an từng được vinh danh "anh hùng lực lượng vũ trang", hé lộ một bức tranh u ám về cuộc đấu đá quyền lực vẫn đang tiếp diễn, kịch liệt, đàng sau chiến dịch đốt lò.
Theo nhà báo Bùi Tín và các tác giả của nhiều bài viết dồn dập tải lên các trang mạng xã hội trong vài ngày qua, thì chiến dịch đốt lò sẽ tiếp tục và sẽ còn nhiều màn ngoạn mục trong việc sắp xếp nhân sự trong thời gian dẫn tới Hội nghị Trung ương 7.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 27/04/2018
*******************
Việt Nam lại rộ tin Nguyễn Văn Bình ‘mới là người thay Trần Đại Quang’ (Người Việt, 27/04/2018)
Việc Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình liên tục xuất hiện trong các sự kiện gần đây khiến dấy lên suy đoán rằng ông này "có thể là người thay ông Trần Đại Quang làm chủ tịch nước", chứ không phải Bí Thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân.
Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Trước đó, hôm 26 tháng Tư, ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Singapore phán đoán rằng ông Quang "sắp bị thay thế tại Hội nghị Trung ương 7" và người thay thế được dự báo là Bí thư Nhân.
Ông Bình, hơn một năm trước, bị đánh giá là "người phải chịu trách nhiệm chính" vì dính bê bối nợ xấu và những bất ổn của ngành ngân hàng.
Tuy vậy, thời gian gần đây, người ta đột nhiên thấy ông Bình "phủ sóng" trên các bản tin thời sự.
Trong bản tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đăng trên báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 25 tháng Tư, người ta thấy ông Bình đứng cạnh ông Phúc, dẫn đầu đoàn đại biểu.
Trước đó, bản tin hôm 18 tháng Tư do Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi ghi : "Nhận lời mời của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đoàn đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ chính trị, bí thư trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương, dẫn đầu thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Tư".
Báo này mô tả ông Bình được ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước Trung Quốc, "tiếp thân mật" tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Ông Bình được ghi nhận "đề nghị hai bên tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và các thỏa thuận và văn kiện đã ký kết ; duy trì và tăng cường tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực".
Ông Nguyễn Văn Bình (thứ hai, trái) tại lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng hôm 25 tháng Tư, 2018, ở tỉnh Phú Thọ. (Hình : VOV)
Hôm 27 tháng Tư, Luật Gia Nguyễn Đình Hà ở Hà Nội nói với nhật báo Người Việt : "Có một số người quan sát cho rằng, để dự báo về tình hình nhân sự sắp tới, cần xét thêm một số động thái gần đây của các ủy viên Bộ chính trị. Ông Nguyễn Thiện Nhân không có hoạt động gì nổi bật, trong lúc ông Nguyễn Văn Bình lại được cử đi Trung Quốc, được ông Vương Kỳ Sơn tiếp (dù không cùng cấp bậc). Mặt khác, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, ông Bình đứng kế ngay bên tay phải của ông Nguyễn Xuân Phúc. Từ đó, một số người dự đoán rằng đây là chỉ dấu ông Bình có thể sẽ thay ông Trần Đại Quang làm chủ tịch nước".
Ban Kinh Tế Trung Ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp Hành Trung Ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ chính trị và Ban Bí Thư. Nếu ông Bình từ nơi này được cất nhắc thành chủ tịch nước thì quả là một bất ngờ, vì cơ quan này được cho là nơi "ngồi chơi xơi nước" của các quan chức đang thất thế hoặc chờ ngày "bị tổ chức kỷ luật".
Minh chứng cho trường hợp này là ông Đinh La Thăng, sau khi mất ghế bí thư Sài Gòn hồi tháng Năm, 2017, đã được phân công về làm phó Ban Kinh Tế Trung Ương khoảng nửa năm trước khi ông này bị bắt và phải nhận tổng cộng 31 năm tù trong hai phiên tòa đầu năm 2018. Ông Thăng sẽ tiếp tục phải ra tòa phúc thẩm hôm 7 tháng Năm tới đây tại Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao ở Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, đêm 27 tháng Tư, truyền thông trong nước đồng loạt đăng "Bài viết của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nhân ngày 30 tháng Tư". Động thái này được cho là cách làm dịu đi những suy đoán về nguyên do khiến ông Quang vắng mặt thời gian qua trong các bản tin thời sự, cũng như "đáp lại" việc các báo đài hải ngoại nói ông này "đang đi chữa bệnh tại Nhật và có thể sắp bị thay thế". (T.K.)
Giữa lúc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ neo ở ngoài khơi Đà Nẵng để bắt đầu chuyến thăm 4 ngày thì Chủ tịch nước Việt Nam vừa kết thúc chuyến đi thăm Ấn Độ để dự đàm phán cấp cao với Thủ tướng nước chủ nhà. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Thủ Tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, mà không sử dụng tới vũ lực. Giáo sư Tạ Văn Tài thuộc Đại học Harvard, tác giả của nhiều bài viết liên quan đến Việt Nam, trao đồi với VOA-Việt ngữ về sự hiện diện của ‘siêu tàu sân bay Mỹ’ tại Việt Nam, và tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.
Một tàu chở khách Việt Nam chạy gần Hàng không mẫu hạm Carl Vinson đang neo ở cảng Tien Sa, Đà Nẵng ngày 5/3/2018. (AP Photo/ Hau Dinh)
Trong một tuyên bố chung công bố hôm thứ Bảy vừa rồi, Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang "tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, một khu vực phát triển kinh tế bền vững với một hệ thống thương mại tự do, cởi mở, công bằng và thuận lợi cho đầu tư".
Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 3/9/2016.
Tại Ấn Độ, ngoài Thủ Tướng Narendra Modi, chủ tịch nước Việt Nam còn gặp vị tương nhiệm là Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, và Chủ tịch Hạ viện, bà Sumitra Mahajan.
Giữa lúc lãnh đạo hai nước mở các cuộc thảo luận cấp cao, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và các tàu hộ tống tiến gần hơn vào cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam kể từ sau năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt
Trang mạng Daily News and Analysis Online của Ấn Độ (dnaindia) hôm 5/8 tường thuật rằng Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ca ngợi ‘Chính sách Hướng Đông’ của Ấn Độ, và tuyên bố ủng hộ cuộc vận động của New Dehli muốn trở thành một Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Giáo sư Tạ Văn Tài, nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Harvard, nói sự xuất hiện của của tàu Carl Vinson tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, là "một biến cố rất đặc biệt", đánh đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, tuy nhiên sự hiện diện này không phải là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của một "liên minh quân sự" Mỹ-Việt. Ông giải thích :
"Chắc chắn không phải là một liên minh quân sự mà Mỹ nhắm tới, bởi vì nếu có xung đột với Trung Quốc, Mỹ không cần dùng tới một căn cứ trong đất liền Việt Nam bởi vì có những vòng đai bên ngoài, các đảo như Guam, Wake, hay là những căn cứ quân sự xa hơn, và các tàu chiến, hay tàu ngầm, cũng đủ để có thể chống lại Trung Quốc".
Trong thời gian qua, Việt Nam nhiều lần khẳng định vẫn theo đuổi ngoại giao đa phương và duy trì chính sách 3 không, "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; và không dựa vào nước này để chống nước kia".
Giáo sư Tạ Văn Tài nói Việt Nam vẫn tránh không muốn liên minh quân sự với nước nào kể cả Hoa Kỳ. Ông nói việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ghé cảng Việt Nam mang một ý nghĩa tâm lý, xây dựng thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, là chính sách có từ nhiều đời Tổng thống Mỹ cho đến nay, từ bỏ cấm vận và nối lại bang giao bình thường.
Giáo sư Tạ Văn Tài giải thích : "Tất cả các Tổng thống Mỹ đều muốn biến Việt Nam thành một nước thân thiện. Để làm gì ? Để giống như là có một lá chắn đối với Trung Quốc.Thay vì ngày xưa Trung Quốc hỗ trợ cho Việt Nam để xâm nhập xuống Đông Nam Á, Việt Nam là mũi dùi của thế giới cộng sản, thì bây giờ Việt Nam lại là lá chắn chống lại sự lấn dần của Trung Quốc xuống Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông. Không có nước nào chống Trung Quốc mạnh bằng Việt Nam tại Biển Đông".
Sĩ quan Việt Nam tại gian hàng bán đồ lưu niệm của Hải quân Hoa Kỳ trên tàu sân bay USS Carl Vinson đang neo đậu tại Vịnh Đà Nẵng hôm thứ Hai, 5/3/2018. (AP Photo/ Hau Dinh)
Giáo sư Tạ Văn Tài đồng ý với nhiều nhà phân tích rằng sự hiện diện của tàu sân bay USS Carl Vinson tại Việt Nam thể hiện quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về quốc phòng đã được nâng lên tầm mức mới, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ hỗ trợ các biện pháp quốc phòng của Việt Nam, như đồng ý cho Việt Nam mua vũ khí, nhờ máy bay do thám, trao đổi tin tình báo vv… Giáo sư Tạ Văn Tài nói tất cả những việc đó Việt Nam và Mỹ có thể làm mà không cần một liên minh quân sự :
"Trung Quốc lúc đầu phản đối, nhưng mà bây giờ ông ấy đấu dịu bởi vì ông ấy biết là, giống như câu tục ngữ Việt Nam "không bắt được thì tha làm phúc" tức là không cự Việt Nam với Mỹ thân thiện với nhau được, thì ông ấy nói đây là một cuộc thăm viếng bình thường, các quốc gia nên thân thiện với nhau để có hòa bình ở Đông Nam Á".
Giáo sư Tạ Văn Tài nói bài học rút ra là nhân cuộc thăm viếng này, Việt Nam nên mạnh mẽ lên tiếng, không nên sợ Trung Quốc.
"Mình cứ làm tới thì nó phải rụt lại, ông Trung Quốc là ‘mềm nắn rắn buông’, bây giờ mình rắn thì nó buông ra. Thì đó là cái ý nghĩa của chuyến thăm viếng, tăng gia tình hữu nghị, đồng thời đẩy mạnh những cộng tác, kể cả cộng tác quân sự, nhưng mà không đi tới liên minh".
Tại Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ Tướng Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, đồng thời đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng làm như vậy cũng không có nghĩa là hai nước muốn tiến tới một liên minh quân sự.
"Việt Nam có chính sách vừa cứng rắn bảo vệ chủ quyền chống Trung Quốc, nhưng mà ‘vừa đánh vừa đàm’ theo truyền thống Việt Nam từ xưa tới nay. Chống cự khi nó xâm lược, nhưng mà vẫn phải cố giao hảo".
Ấn Độ cũng tuyên bố không tính chuyện liên minh với nước khác, không muốn gây sự với Trung Quốc, nhưng New Dehli muốn cộng tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trên biển. Một trong những mục đích là để bảo vệ những giếng dầu mà Ấn Độ tính khai thác với giấy phép của Việt Nam, hoặc liên doanh với Việt Nam. Mặt khác, Ấn Độ muốn khuyến cáo Trung Quốc chớ có coi thường New Dehli, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc khác ở Châu Á.
Việt Nam và Ấn Độ xích lại gần nhau và hợp tác về quốc phòng, theo Giáo sư Tạ Văn Tài, nên được xét trong bối cảnh đang có sự hình thành của một khối ‘không hẳn là một liên minh’, mà đúng ra là một khối các nước thân hữu gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước khác… hợp tác để chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc xuống vùng Đông Nam Á, nhất là trong Biển Đông.
Trong một bài phát biểu với học giả và các sinh viên Ấn Độ, ông Trần Đại Quang đặt câu hỏi : Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương hay không ?
Và ông trả lời : "Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 07/03/2018
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) chiều ngày 27/2 vừa tổ chức một buổi hội thảo nhân dịp nhà nghiên cứu Max Boot giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông mang tựa đề "The Road Not Taken : Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam". Tựa đề quyển sách, tạm dịch là "Con Đường Không chọn : Ed Lansdale và Tấn Bi kịch Mỹ tại Việt Nam", tỏ ý hối tiếc về một cơ hội bị bỏ lỡ mà nếu theo đuổi, đã có thể dẫn tới một kết cuộc khác khả quan hơn, hoặc ít ra, ít đổ máu hơn, cho chiến tranh Việt Nam. Ông Max Boot là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, tác giả của nhiều đầu sách về an ninh quốc tế, và trong vài năm trở lại đây, đã viết nhiều biên khảo về chiến tranh du kích. Hoài Hương phỏng vấn tác giả Max Boot tại buổi hội thảo và tường trình như sau :
Ông Edward Lansdale (thứ ba bên phải) và Tổng thống Ngô Đình Diệm (phải)
Đối tượng của quyển sách "The Road not Taken" là Edward Lansdale, Cố vấn Mỹ và là một người bạn được Tổng thống Ngô Đình Diệm tin cậy. Có mặt tại miền Nam từ giữa thập niên 1950 trong giai đoạn đầu của nền Đệ nhất Cộng Hòa, ông Lansdale giữ một vai trò quan trọng, có tính cách quyết định đối với vận mệnh miền Nam Việt Nam. Với cấp bậc Đại tá Không quân, ông Lansdale là Trưởng Phái bộ Quân sự Đặc biệt của Mỹ (SMM) tại Saigon, người chủ trương tranh thủ "trái tim và khối óc" của người dân như một chiến lược để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
Edward Lansdale là ai ?
Được thăng quân hàm lên Trung Tướng vào năm 1961, ông Lansdale, theo lời tác giả Max Boot là "một tướng lãnh đã đóng một vai trò "khác thường, chưa từng thấy trong lịch sử không lực Mỹ hoặc bất cứ quân chủng nào khác".
Đại tá Lansdale được cho là nguồn cảm hứng cho nhân vật trong cả tiểu thuyết "The Quiet American- Người Mỹ Trầm lặng" của Graham Greene, lẫn nhân vật chính trong "The Ugly American- Người Mỹ Xấu Xí" của William Lederer và Eugene Burdick.
Hầu như quyển sách nào về chiến tranh Việt Nam cũng nhắc đến ông với nhiều lời khen, chê…
Có rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại xung quanh cuộc đời sóng gió của Edward Lansdale, người được mệnh danh là "T.E. Lawrence of Asia". Tác giả Max Boot dẫn lời một đối thủ của Tướng Lansdale tại Ngũ Giác Đài miêu tả về Lansdale : "hiếm có bất cứ ai mà tôi biết lại bị lên án nhiều hơn và cùng lúc, được ca tụng, nhiều hơn ông. Lịch sử sẽ phải ghi lại chân dung chân thực và vai trò của Lansdale".
Max Boot, tác giả "The Road Not Taken"
Tác giả Max Boot nói tiếp :
"Đó chính là lý do vì sao tôi bắt tay vào việc. Tôi là tiếng nói của Lịch sử và đã dành 5 năm vừa rồi của cuộc đời mình ra nghiên cứu cuộc đời của Edward Lansdale".
Không như đa số các đồng nghiệp và đối thủ của ông sau này có trách nhiệm đề ra chính sách đối ngoại Mỹ, là những người thuộc thành phần ưu tú, hoặc thuộc các gia đình tài phiệt Phố Wall và theo học các trường danh giá nhất nước Mỹ.
Edward Lansdale xuất thân từ một gia đình trung lưu, cha là một giám đốc điều hành trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi trong thời kỳ sơ khai của công nghiệp này.
Ra đời vào năm 1908 tại thành phố Detroit, Lansdale theo học báo chí tại UCLA nhưng bỏ ngang, và hoạt động trong ngành quảng cáo cho các thân chủ như công ty Levi-Strauss và Ngân hàng Wells Fargo. Ông gia nhập quân đội sau trận Trân Châu Cảng, và được Wild Bill Donovan, sáng lập viên của OSS, tiền thân của CIA, tuyển mộ vào tình báo quân sự.
Ông được điều sang Philippines để tìm cách phá vỡ một cuộc nổi dậy và chặn bước tiến của chủ nghĩa cộng sản. Để đạt mục tiêu, ông giật dây một cuộc phản cách mạng, hoàn toàn bứng gốc các thành phần nổi dậy qua một chiến lược quân sự vững chắc, một bộ máy cai trị tốt đẹp kết hợp với những chiến dịch "tâm lý chiến" hữu hiệu. Trong vỏn vẹn 3 năm, Lansdale thành công trong sứ mạng giúp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Ramon Magsaysay, bạn ông, trở thành một nhà lãnh đạo được lòng dân, xứng đáng với chức vụ Tổng thống Philippines. Quan trọng không kém, ông tìm cách ảnh hưởng tới các quyết định ở Washington bằng cách thuyết phục các ký giả Mỹ viết những bài báo đại loại như "Ramon Magsaysay : người bạn tốt nhất của chúng ta ở Châu Á".
Phái Lansdale sang Việt Nam vào năm 1954, Ngoại Trưởng John Foster Dulles yêu cầu : "Hãy làm điều mà ông đã làm ở Philippines".
Edward Lansdale là người có công trạng lớn trong các hoạt động chống nổi dậy của chính phủ Mỹ, ông đã thành công phần nào trong việc chặn làn sóng cộng sản chiếm trọn Việt Nam vào thập niên 1950 trong những ngày đầu Hoa Kỳ tham dự vào tình hình Việt Nam.
Ông đóng một vai trò thiết yếu trong việc tạo dựng và duy trì chế độ cai trị do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo tại miền Nam, và là người đề xuất học thuyết "tranh thủ con tim và khối óc" của người dân để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, đẩy mạnh phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, cách tiếp cận được người ủng hộ mô tả là một phương thức chiến tranh nhân bản, phù hợp với các lý tưởng tự do của người Mỹ.
Tác giả Max Boot :
"Ông cho rằng phải đối xử với người dân địa phương như anh em, chiếm cảm tình và sự tin tưởng của họ, thì tự động họ sẽ tiết lộ những thông tin về những kẻ nổi dậy trà trộn trong dân. Đó là cốt lõi của cái gọi là chủ thuyết chống nổi dậy ngày nay. Khái niệm đó thời năm 1950 là rất mới, Lansdale là một trong những người tiên phong phát triển lối suy nghĩ đó".
Được ông Diệm tín cẩn, Edward Lansdale gặp ông Diệm hầu như hàng ngày, luôn luôn kiên nhẫn lắng nghe ông Diệm độc thoại hàng giờ, mặc dù ông không nói được tiếng Việt hay tiếng Pháp.
Từng hoạt động trong ngành quảng cáo, Lansdale thích chiến tranh tâm lý, và tìm hiểu nền văn hóa nước sở tại để vận dụng tâm lý chiến một cách hữu hiệu. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào khái niệm dân chủ, tôn vinh hiến pháp Mỹ do các vị công thần lập quốc soạn ra, và nhiều lần tỏ ý mong muốn Tổng thống Ngô Đình Diệm trở thành "một cha già dân tộc" của Nam Việt Nam, khiến Tổng thống Diệm có lúc phải gắt lên "Đừng gọi tôi là Papa nữa !"
Tác giả Max Boot cho rằng cao điểm trong sự nghiệp của ông Lansdale là những thành công đạt được Philippines, nơi ông gặp ‘người đàn bà định mệnh’ của đời ông, một nhà báo Philippines, sau này trở thành vợ thứ nhì của ông.
"Thành quả lớn nhất của ông là cuộc bầu cử Tổng thống năm 1953, trong đó ông coi như nghiễm nhiên đóng vai trò quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Magsaysay, và thực hiện mục tiêu mà không cần những trò chính trị mờ ám, mà chỉ dựa vào chiến lược cơ bản như tung ra một khẩu hiệu tranh cử dễ nhớ như "Magsaysay is my guy", nhờ đó ông Magsaysay trở thành ứng cử viên được cử tri khắp nước biết đến. Nhờ những lời khuyên của cố vấn Lansdale uy tín cá nhân là một người thành thực và một nhà cải cách, ông Magsaysay đắc cử vẻ vang vào năm 1953 và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines".
Ông Edward Lansdale và ông Magsaysay, sau này đắc cử Tổng thống Philippines
Trả lời VOA-Việt ngữ, hỏi vì sao ông Lansdale kém thành công hơn ở Việt Nam, so với Philippines, có phải vì Việt Nam không có môt Magsaysay ?
Tác giả Max Boot trả lời :
"Có rất nhiều sự khác biệt giữa Việt Nam và Philippines. Đúng, Việt Nam không có một nhà lãnh đạo như Magsaysay, nhưng ngoài ra, Việt Nam không may có một nước láng giềng ở ngay bên kia biên giới, sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ khổng lồ cho cuộc nổi dậy của cộng sản miền Bắc, điều mà Philippines không phải đối mặt. Mặc dù vậy, Lansdale vẫn đạt được một số thành quả tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1954 tới 1956 mà ít ai trước đó tin ông có thể làm. Tại Philippines, thành công cũng không đến với ông dễ dàng, nước này lúc đó được coi là đang bên bờ vực trở thành con cờ kế tiếp rơi vào chủ nghĩa cộng sản… Những gì mà ông Lansdale đã làm được tại Philippines là một thành công rực rỡ, trước đó khó tin có thể xảy ra".
Sách "The Road Not Taken" của Max Boot
Trong quyển "The Road not Taken", có một bức ảnh của gia đình một tướng lãnh Việt Nam, Tướng Nguyễn Đức Thắng, mà ông Lansdale đánh giá là có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo tài ba của Việt Nam Cộng Hoà, tương tự như ông Magsaysay của Philippines. Tác giả cho biết chi tiết về vị tướng này.
"Ông là một vị tướng liêm khiết, thành thực, có khuynh hướng cải cách mà Lansdale muốn hỗ trợ trong những năm cuối của thập niên 1960, nhưng cuối cùng ông không được sự hậu thuẫn của Hội đồng Quân nhân và tướng Nguyễn Văn Thiệu, và cuối cùng ông bị thanh trừng, phải xuất ngũ. Khi Saigon sụp đổ vào năm 1975, Tướng Thắng và gia đình phải sang Mỹ tỵ nạn. Thế là giấc mơ của Lansdale không thành tựu".
Dựa trên những chi tiết được giải mật trong tài liệu "CIA và các tướng lãnh : Những Hỗ Trợ Ngầm Cho Chính Phủ Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa", tên của Tướng Nguyễn Đức Thắng cũng được nhắc đến như một trong các tướng lãnh được người Mỹ kính nể. Ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo tiềm năng, liêm chính. Trong một báo cáo, Giám Đốc CIA Richard Helms đề nghị Tướng Thắng cùng lúc giữ hai Bộ : Bộ Quốc Phòng và Bộ Xây Dựng Nông Thôn, với tất cả các cơ cấu và cố vấn Mỹ "dưới quyền của Tướng Thắng". Đây có lẽ là thêm một cơ hội bỏ lỡ, ảnh hưởng tới vận mệnh của miền Nam Việt Nam.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 01/03/2018
Việt Nam-Trung Quốc : "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu"
Bắc Kinh và Hà Nội đang thảo luận việc thành lập một hệ thống "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu". Dự kiến dự án này sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm nay. Kế hoạch thành lập một trạm kiểm soát biên giới chung giữa hai nước đã được thảo luận từ nhiều năm nay, và trong quá khứ từng được hoan nghênh như một bước tích cực trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc tranh giành chủ quyền trong khu vực, và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, khái niệm "Hai quốc gia, một trạm kiểm tra cửa khẩu" gây lo ngại, bởi vì theo một cách nào đó, nó gợi nhớ khái niệm "Một quốc gia, 2 thể chế" nối kết Trung Quốc với Hong Kong giữa lúc Bắc Kinh đang có những động thái đi ngược lại cam kết và đang siết dần gọng kềm tại đặc khu hành chánh lẽ ra còn được quyền tự trị. Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã ở Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà nội trao đổi ý kiến với VOA về đề tài này.
Hơn 100 người Việt tụ tập trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ tại trung tâm Hà Nội hôm 17/02/16 để tưởng niệm kỷ niệm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt-Trung. Những tấm biểu ngữ ghi hàng chữ "Ngày 17/2/1979, Nhân dân sẽ không quên". (AP Photo/ Tran Van Minh.)
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền dài tới 1.280 km và kế hoạch thành lập một trạm kiểm soát biên giới chung đã có từ lâu. Hôm 4/2, tờ South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời một giới chức Trung Quốc nói rằng dự án này có thể sớm đi vào hoạt động, có lẽ từ tháng Năm năm nay. Ông Jian Xingchao, phó thị trưởng thành phố Phòng Thành Cảng, nơi được chọn làm địa điểm đặt 1 trong hai trạm kiểm soát cửa khẩu chung, nói : "Rất nhiều chi tiết còn đang dược thảo luận, nhưng cả hai bên đều có chung ước muốn đó".
Trạm kiểm soát đầu tiên, ở Phòng Thành Cảng (Fanchenggang), sẽ được thiết lập trên cầu Dongxing-Móng Cái. Trạm thứ nhì có thể được đặt ở Cầu Hữu nghị, cửa khẩu ở Pingxiang.
Cả Phòng Thành Cảng lẫn Pingxiang đều thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở miền Nam Trung Quốc. Trạm đầu tiên sẽ kết nối với thành phố Móng Cái ở tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Quảng Ninh và trạm kiểm soát thứ hai kết nối với thị trấn Đông Đăng ở tỉnh Lạng Sơn.
Theo ông Jian, vấn đề chủ yếu xoay quanh vấn đề chủ quyền vì bên nào tiến hành kiểm tra ở biên giới thì trên thực tế bên đó có hiệu lực thực hiện chủ quyền đối với bên kia, do đó đây là một vấn đề "khó giải quyết bởi vì không bên nào muốn buông bỏ quyền lực đó".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Hungary, nhận định :
"Cái đó có thể gây nhiều lo ngại trong dân chúng Việt Nam. Thực sự nếu trong một bối cảnh chung của sự hội nhập quốc tế mà chúng ta thấy ở ASEAN hay ở các nước thuộc khu vực Schengen chẳng hạn, thì việc đó có thể là một việc bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh, nhưng với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và Trung Quốc, thì tôi nghĩ cái chuyện đấy gây rất nhiều phản cảm".
Ông nói thái độ hoài nghi và tinh thần phản kháng Trung Quốc nơi người dân Việt Nam còn rất cao, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm mọi cách để bành trướng và gây ảnh hưởng lớn tới Việt Nam "như đã gây ở Campuchia và Lào".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng dự án này có lợi cho Trung Quốc để thực hiện cái gọi là chiến lược "tằm ăn dâu" lấn chiếm đất, bởi vì nó tạo điều kiện dễ dàng cho người Trung Quốc vào Việt Nam hơn là người Việt Nam vào Trung Quốc, kể cả dưới chiêu bài du lịch. Ông đơn cử trường hợp thành phố Phủ Lý, cách đây mấy chục năm chỉ có vài chục người Trung Quốc đi du lịch đến rồi ở lại, bây giờ có khoảng 40.000 người Trung Quốc làm ăn trong một thành phố chỉ có khoảng 100.000 dân. Tiến sĩ Quang A cho rằng đó là một "sự bành trướng rất hữu hiệu của Trung Quốc".
"Trung Quốc là một nước đông dân nhất thế giới và có chủ trương nhất quán là như thế, thì đối với kinh nghiệm của Việt Nam lịch sử nhiều ngàn năm về việc giữ gìn độc lập thì chắc chắn là người dân và tôi tin rằng trong giới lãnh đạo cũng có người quan ngại về tiến triển đấy".
"Như vậy cái chủ quyền của hai nước nó không được xác định rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao mà lại phải nhập làm một. Tôi là một người nghiên cứu lịch sử từ xưa đến nay, tôi cũng không hiểu".
Nhà sử học Nguyễn Nhã, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhận định : "Tôi đã từng đến Lạng Sơn thì tôi thấy cửa ngõ của Lạng Sơn, ở bên này là của Việt Nam, bên kia là của Trung Quốc, thì bây giờ nhập lại một thì tôi không hiểu là ý đồ thế nào. Như vậy là phải thống nhất với nhau, mà có khi bên này bên kia không đồng ý với nhau thì sao, thì tôi cũng không rõ".
Báo South China Morning Post dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore, tỏ ra lạc quan là Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, ông coi dự án này như một cách để 2 nước có thể làm việc với nhau và phục vụ các lợi ích chung, vượt lên trên cuộc tranh chấp ở Biển Đông để hướng tới phía trước.
Nhưng nhà sử học Nguyễn Nhã tiên đoán sẽ có những phức tạp khó khăn khi kế hoạch "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu" đi vào hoạt động : "Như vậy cái chủ quyền của hai nước nó không được xác định rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao mà lại phải nhập làm một. Tôi là một người nghiên cứu lịch sử từ xưa đến nay, tôi cũng không hiểu".
Tuy các nhà nghiên cứu đều cho rằng dự án này cũng có mặt tích cực của nó khi tạo thuận lợi cho hợp tác giao thương, giao lưu văn hóa, tăng sự hiểu biết lẫn nhau trong khu vực, nhưng cùng lúc, họ cảnh báo về mối nguy tiềm tàng trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì tiến hành chiến dịch tằm ăn dâu để thực hiện tham vọng "Nam tiến".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : "Nếu người ta hiểu biết lẫn nhau hơn, giao thương làm ăn với nhau hơn thì các sự căng thẳng sẽ giảm bớt, nhưng tôi nghĩ phải lưu ý đến luôn cả mặt kia nữa vì không khéo thì lợi bất cập hại cho nên làm cái gì cũng phải có một mức độ tính toán thiệt hơn".
Liệu khái niệm "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu", có gợi lên cách hành xử của Trung Quốc khi thực hiện chính sách "Một quốc gia, hai thể chế" tại đặc khu Hong Kong ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng kế hoạch "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát" càng gây thêm nghi ngờ về hiệp định Thành Đô bí mật giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc như tin đồn bấy lâu nay.
"Tôi nghĩ rằng cái đó nó càng gây nghi ngờ trong dân chúng về những cái gọi là hiệp định bí mật như hiệp ước Thành Đô mà rất tiếc là chính quyền Việt nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không bác bỏ mà cũng không công nhận, và cái điều đấy nó càng làm cho sự lo ngại nó có cơ sở hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Nhã không nhắc tới hiệp định Thành Đô, nhưng cũng nêu lên quan ngại của nhiều người và của cá nhân ông : "Theo tôi, nếu không có chuyện Trung Quốc áp đặt bằng vũ lực ở Hoàng Sa đó thì có khi lại không đặt vấn đề ra, và các nước như Cộng đồng chung Châu Âu đó thì họ cũng có sự hợp tác rất là chặt chẽ, nhưng mà chủ quyền của nước nào, và văn hóa của nước nào họ vẫn tôn trọng. Hàng rào có thể bỏ đi nhưng tôi thấy là các nước từ nước Pháp qua nước Đức và các nước còn lại thì tôi thấy chủ quyền của mỗi nước vẫn được tôn trọng".
Nhà sử học nói nhiều người lấy làm lo ngại, và bản thân ông cũng lo ngại nhưng "sau này thì lịch sử viết ra thì mới biết được".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 06/02/2018