Nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy được trả tự do vào ngày 01/6 vừa qua, sớm ba tháng so với bản án 33 tháng tù về tội danh "xúc phạm quốc kỳ" mà toà án đã tuyên.
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy và lá cờ bị bà xịt sơn năm 2018 - Fb Huỳnh Thục Vy/RFA editted
Bà Vy, 39 tuổi, một trong những sáng lập viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam chuyên bảo vệ cho những người phụ nữ bị vi phạm nhân quyền ở trong nước.
Năm 2018, Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) tuyên án bà Vy hai năm chín tháng tù vì hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng rồi đăng tải lên Facebook, tuy nhiên, khi đó bà được hoãn thi hành án do đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Đến ngày 30/11/2021, công an thị xã Buôn Hồ buộc bà phải thi hành án tù ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) dù con thứ hai vẫn chưa đủ ba tuổi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 04/6, bà cho biết cảm xúc của mình khi được trở về nhà với hai con và người thân :
"Tôi thực sự thấy trong cuộc đời mình không có gì vui sướng bằng cái giây phút gặp lại con sau hai năm rưỡi ở tù. Từ khi ra tù, tôi muốn dành trọn vẹn thời gian với con mà không đưa ra thông tin hay là trả lời phỏng vấn gì với các cơ quan truyền thông cả".
Bà cho biết do bản thân mang bệnh trầm cảm 10 năm qua và các con còn nhỏ nên đã thừa nhận việc vi phạm pháp luật để sớm được trở về nhà. Trong thời gian tới, bà muốn nghỉ ngơi và suy nghĩ về những việc đã làm và dự tính cho tương lai.
UBND tỉnh Quảng Nam từng phạt hành chính bà Vy số tiền 85 triệu đồng vì các bài viết về dân chủ đa nguyên và nhân quyền, tuy nhiên đến nay bà vẫn không đồng ý nộp phạt nên chỉ được giảm ba tháng tù.
Bà Vy cũng xác nhận vụ việc bị ba tù nhân thường phạm đánh và khủng bố tinh thần ở Trại giam Gia Trung vào tháng 10/2022 mà Đài Á Châu Tự Do từng phản ánh.
Huỳnh Thục Vy sinh năm 1985, có cha là nhà văn bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn - người từng bị án tù 10 năm về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Năm 2012, cả hai cha con được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị".
Nguồn : RFA, 04/06/2024
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị công an bắt giữ sau thông báo hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy vừa bị công an bắt giữ vào khoảng bốn giờ chiều ngày 1/12/2021 tại Đắk Lắk mà không rõ lý do. Ông Huỳnh Trọng Hiếu, em trai nhà hoạt động này cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin vào tối cùng ngày.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy (phải) và lá cờ bị xịt sơn - Facebook Huỳnh Thục Vy
Nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại viễn liên, ông Hiếu cho biết :
"Vào lúc khoảng 3g30 đến 4 giờ chiều chị Vy đang trên đường đi xe xuống Sài Gòn, ngay tại Quốc lộ 14 ở địa phận Đắk Lắk thì chị Vy bị công an chặn lại và đưa về nhà cậu mình gần đó. Sau đó công an đã áp giải chị về đồn công an nhưng giờ mình không biết chị Vy ở đồn công an nào. Mình vẫn đang xác minh chị Vy bắt vì lý do gì và ở đâu".
Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài chưa đầy một ngày sau khi bà Huỳnh Thục Vy đăng tải trênFacebook cá nhân quyết định đề ngày 30/11/2021 của Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, nơi gia đình bà Vy cư trú, cho biết huỷ quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với bà. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy đã bị tòa án tại Buôn Hồ vào ngày 30/11/2018 tuyên án hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc "Xúc phạm Quốc kỳ" theo Điều 276 Bộ Luật Hình sự.
Bản án được đưa ra khi bà Vy đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, bà Vy không phải thực hiện án tù cho đến khi con tròn ba tuổi. Lúc bị kết án, bà Vy có một con gái nhỏ dưới ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai.
Bà Vy đã thừa nhận hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam và nói rằng hành động này của bà là "để biểu đạt quan điểm của bản thân chống lại lá cờ của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống lại mọi biểu tượng, mọi ý nghĩa của biểu tượng đó, và chống lại việc những người cộng sản đã cai trị người dân một cách độc đoán".
Trên Facebook cá nhân hôm 30/11/2021, Huỳnh Thục Vy viết dòng trạng thái cùng với ảnh chụp quyết định của tòa rằng : "Con mình chưa đủ 3 tuổi mà họ bắt mình sớm đây. Lúc tối họ đã canh gác mình cả đêm. Giơ họ sẽ cho lực lượng xuống nhà bắt mình thi hành án sớm đây. Bà con lên tiếng ủng hộ mình nha. Mình đi đây, tạm biệt bà con".
Ông Huỳnh Trọng Hiếu cho biết, ngoài quyết định của toà, gia đình không nhận thêm được bất cứ giấy tờ thông báo nào khác nên việc bắt giữ bà Vy là hoàn toàn bất ngờ.
"Gia đình không nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Nếu họ bắt thì đáng lẽ ra họ phải thông báo, họ phải thông báo bắt vì lý do gì và phải có trát của toà. Hiện đã có trát của tòa nói là chị Vy phải thi hành án nhưng gia đình không nhận được giấy tờ gì khác về việc bắt, ký bàn giao người. Việc làm này là rất trái với luật pháp của cơ quan công an Việt Nam".
Bà Huỳnh Thục Vy, 36 tuổi, là một blogger nổi tiếng và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền.
Năm 2012, bà Vy cùng cha mình là cựu tù nhân lương tâm - nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị".
Human Rights Watch hôm 1/12/2021 đã ra thông cáo báo chí lên án vụ bắt giữ bà Huỳnh Thục Vy. Thông cáo trích lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức này nói rằng :
"Một bà mẹ với con trai hai tuổi và con gái năm tuổi xứng đáng được ở với các con của mình, không phải ở trong tù, vì vậy hành động (bắt giữ) của giới chức tỉnh Đắk Lắk là đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được. Trên thực tế, việc xịt sơn trắng lên cờ không nên coi là một tội, vì vậy Huỳnh Thục Vy không nên bị bỏ tù. Bản án tù của bà Vy đơn giản chỉ là sự trả thù của chính quyền đối với một người dân thực hiện các quyền của mình. Việt Nam nên ngay lập tức bỏ kết án đối với bà Huỳnh Thục Vy và chấm dứt việc đàn áp nhà hoạt động nhân quyền này".
Việt Nam phá đường dây đẻ thuê xuyên quốc gia của người Trung Quốc (VOA, 04/01/2019)
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá một đường dây mang thai hộ trái pháp luật và hoạt động xuyên quốc gia do một công dân Trung Quốc tổ chức.
Đường dây do một người Trung Quốc tổ chức đã đưa một số phụ nữ người Việt sang Campuchia cấy thai và bị phát hiện khi một trong những phụ nữ được thuê mang thai hộ trình báo công an.
Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/1 cho biết công an đã bắt tạm giam Cai Gou Lin, quốc tịch Trung Quốc, cùng ba phụ nữ Việt Nam để điều tra về tội "tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" theo điều 187 Bộ luật Hình sự 2015.
Đường dây này được cho là đã đưa một số phụ nữ người Việt sang Campuchia cấy thai và bị phát hiện khi một trong những phụ nữ được thuê mang thai hộ trình báo công an.
Theo điều tra ban đầu, Cai Guo Lin đến Việt Nam vào đầu tháng 9/2018. Người đàn ông 53 tuổi này đến phòng khám có tên Thiên Hòa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, gặp bác sĩ người Trung Quốc tên Apo và được bác sĩ này giới thiệu Hoàng Thị Thu Trang, 26 tuổi, y tá Phòng khám Thiên Hòa, làm người phiên dịch.
Vẫn theo trang điện tử của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Guo Lin nói cho Trang biết mục đích sang Việt Nam là để tìm người mang thai hộ bằng biện pháp cấy phôi thai. Người đàn ông Trung Quốc này sau đó thuê nữ y tá quê ở Đắc Lắk tìm người có nhu cầu mang thai hộ cũng như làm phiên dịch. Mỗi lần môi giới thành công, Trang sẽ được trả 5 triệu đồng.
Trang sau đó tiếp cận một phụ nữ bán báo dạo trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, có tên Triệu Thị Hằng, để giúp "tìm nguồn hàng". Vào tháng 9/2018, người phụ nữ 40 tuổi quê Thanh Hóa giới thiệu thành công một phụ nữ để Gou Lin đưa sang Campuchia. Hằng nhận được 100 triệu đồng tiền công và chia lại cho người phụ nữ mang thai hộ, có tên N.T.T, 50 triệu đồng, theo Sài Gòn Giải Phóng.
Đến tháng 11/2018, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Mai Anh (23 tuổi quê Nam Định), qua Trang và Hằng, giới thiệu cho Gou Lin sáu phụ nữ mang thai hộ.
Hằng, Trang và Mai Anh đưa sáu phụ nữ này tới Thành phố Hồ Chí Minh để gặp Gou Lin trước khi được đưa sang Campuchia để cấy thai.
Một trong số sáu phụ nữ đó, do lo sợ bị lừa bán sang Trung Quốc, đã gọi điện kêu cứu và yêu cấu gia đình báo cho Công an. Nhờ đó, lực lượng Công an đã lần ra đường dây và bắt giữ bốn đối tượng tại một khách sạn ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ba phụ nữ cùng bị bắt với Gou Lin là Trang, Hằng và Mai Anh.
Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực từ 1/1/2015. Sử dụng việc mang thai hộ nhằm mục đích thương mại được coi là hành vi phạm pháp và có thể nhận mức án lên tới 5 năm tù giam, theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
********************
Trung Quốc mua doanh nghiệp Việt để mượn danh bán hàng sang Mỹ (Người Việt, 03/01/2019)
Nhiều người môi giới và doanh nghiệp có liên quan đến Trung Quốc đang ráo riết lùng mua các doanh nghiệp xuất cảng nông sản, thủy hải sản nhỏ và vừa của Việt Nam để lấy "vỏ bọc" đưa hàng vào thị trường Mỹ.
Trung Quốc rất chuộng các doanh nghiệp sản xuất nông sản xuất cảng của Việt Nam. (Hình : Người Lao Động)
Một chuyên gia tài chính xin giấu tên cho biết, các nhà môi giới làm việc cho Trung Quốc đã đặt hàng ông "săn" các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang niêm yết trên sàn UpCom (trạm trung chuyển hay thử nghiệm cổ phiếu trước khi niêm yết) hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập cảng nông sản để tham gia góp vốn đầu tư, giành quyền chi phối.
Nói với báo Người Lao Động ngày 3 tháng Một, 2019, ông Trần Văn Sơn, tổng giám đốc công ty Cổ Phần Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), xác nhận nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang rải người đi tìm mua doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp thua lỗ hoặc thiếu vốn.
Ông Sơn kể, trong một chuyến xúc tiến xuất nhập cảng tại Hoa Kỳ, một nhóm 3 doanh nghiệp Trung Quốc gặp và đặt vấn đề góp vốn vào công ty Gia Bảo. Một tháng sau, 3 doanh nghiệp này sang Việt Nam thảo luận với ông Sơn về việc định giá và góp cổ phần nhưng ông đã từ chối.
"Họ vẽ ra bức tranh hợp tác bền vững phát triển ra thị trường quốc tế, đồng thời bơm một khoảng vốn hơn 50% giá trị mình định ra để doanh nghiệp thích thú và hợp tác. Điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành", ông Sơn cho biết
Tuy không thuyết phục được công ty Gia Bảo, nhưng bằng cách này nhóm doanh nghiệp trên đã mua được vài công ty ở tỉnh Bình Phước.
"Nhà đầu tư Trung Quốc trực tiếp điều hành hoạt động xuất nhập cảng của công ty, cho người tìm hiểu nghề rang xay của Việt Nam. Được 3-4 tháng sau, khi đã nắm rõ quy trình, họ đàm phán mua lại hết cổ phần hoặc đưa ra viễn cảnh khó khăn, làm cho doanh nghiệp thua lỗ và yêu cầu bỏ vốn đầu tư thêm theo tỉ lệ 50-50. Nếu mình không đủ tiền, họ sẽ ép thoái hết vốn hoặc làm cho công ty thua lỗ kéo dài… mục đích cuối cùng là thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp", ông Sơn cảnh báo.
Tương tự, giám đốc một công ty chuyên xuất cảng gạo nhỏ ở Vĩnh Long thường đưa gạo sang Trung Quốc cũng cho biết đã từ chối nhiều lời đề nghị mua lại công ty từ các nhóm đầu tư Trung Quốc.
Báo Người Lao Động dẫn thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng 3,4 tỷ USD mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong đó, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, với 1,029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 đô la để góp vốn vào doanh nghiệp Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu đô la cho hơn 800 dự án trong năm 2017.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh Tế Và Quản Lý Sài Gòn, phân tích việc xé nhỏ các đồng vốn và chia đều vào các dự án, doanh nghiệp Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam để thâu tóm, tìm hiểu thị trường và sẵn sàng chuyển vốn sang Việt Nam khi cần.
Theo ông Thắng, doanh nghiệp Trung Quốc thích hợp tác, mua lại doanh nghiệp Việt Nam là do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách "đa dạng hóa ra bên ngoài" bằng cách chọn nước thứ 3 là Việt Nam, nơi có nhiều nông sản xuất cảng sang Trung Quốc.
Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới đây nhất là hiệp định "Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) nên các doanh nghiệp Trung Quốc có pháp nhân tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất cảng.
Ông Thắng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam "đừng kỳ vọng" mà cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội trong hoạt động xuất cảng nông sản ngay tại sân nhà. (Tr.N)
**************
Việt Nam : Công an không được ‘sa ngã vì phần tử xấu’ (BBC, 04/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi lực lượng công an "không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, 'lợi ích nhóm'", trong phát biểu ở Hội nghị Công an toàn quốc.
Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định phải "bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân"
Đây là một phần trong phát biểu khai mạc hội nghị hôm 3/1.
Ông Trọng nhấn mạnh công an cần nỗ lực để "không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân".
Ông cũng khẳng định phải "bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân".
Trong diễn văn, Tổng Bí thư nói : "Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân".
Hồi tháng 12, Việt Nam đã khởi tố nguyên thượng tướng công an Trần Việt Tân và trung tướng Bùi Văn Thành, đều từng là thứ trưởng.
Đánh giá cao thành tích ngành công an năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng nhận xét công an đã "quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ gắn với đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ huy ở tất cả các cấp".
Trung tướng Bùi Văn Thành mới đây bị khởi tố
Tinh gọn bộ máy
Nhân hội nghị, trang web Bộ Công an Việt Nam công bố 10 kết quả "nổi bật" của ngành này trong năm 2018.
Trong đó, Bộ này nói họ đã tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp trung gian.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn "ổn định chính trị", "không để hình thành tổ chức chính trị đối lập", mà trong đó có đóng góp "to lớn, quan trọng" của công an.
Năm 2018, công an Việt Nam đã điều tra, khám phá án "gần 45.000 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 82,32%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 12,32%, cao hơn 1,9% so với năm 2017) ; đã triệt phá gần 3.000 băng, nhóm tội phạm".
Sau khi hội nghị công an toàn quốc bế mạc ngày 4/1, Bộ Công an cũng tổ chức họp báo đầu năm vào chiều cùng ngày.
Tại đây, thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam có nói về việc tinh giản bộ máy của bộ.
Ông Nam được dẫn lời : "Đến nay Bộ Công an không còn 6 cấp tổng cục, giảm 55 cấp cục, giảm gần 300 cấp phòng, địa phương giảm 20 đơn vị phòng cháy chữa cháy, hơn 500 cấp phòng và gần 1.000 cấp đội".
******************
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nhận quyết định thi hành án (RFA, 04/01/2019)
Nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy, người bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ" vừa bị Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tống đạt quyết định thi hành án đối với người bị xử án phạt tù được tại ngoại.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy - RFA
Theo quyết định này, trong vòng 7 ngày bà Huỳnh Thục Vy phải có mặt ở trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã Buôn Hồ để chấp hành án, nếu quá thời hạn mà không có mặt, bà Vy sẽ bị áp giải thi hành án.
Tuy nhiên đáng lẽ là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc diện được hoãn thi hành án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho bà Huỳnh Thục Vy cho chúng tôi biết vào tối 4/1/2019 về quyết định này :
"Thật ra quyết định đó không sai vì vào thời điểm tòa án xét xử thì đúng là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai, nhưng đến thời điểm này thì theo quy định, trong khi bản án ra thì cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu thi hành án, họ không rõ tình trạng mang thai của cô Vy có còn giữ nguyên đến thời điểm này hay không. Vì vậy cơ quan thi hành án họ cứ ra văn bản như vậy đã, còn mình là công dân và văn bản đó không bảo đảm quyền lợi của mình thì nình phải báo cho cơ quan thi hành án biết. Nếu cô Vy vẫn vẫn đang có thai thì đương nhiên cô sẽ được hoãn hình phạt".
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm rằng ông nghĩ bà Vy sẽ đến và nên đến để chứng minh tình trạng của bản thân.
Xin nhắc lại, sáng 2/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ tống đạt bản Cáo trạng trong đó quyết định truy tố cô Huỳnh Thục Vy với cáo buộc "Xúc phạm Quốc kỳ" theo điều 276 Bộ luật hình sự cũ năm 1999. Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam quy định : "Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Đến ngày 30/11/2018, tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak tuyên Huỳnh Thục Vy bản án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ theo điều 276 Bộ luật Hình sự.
Trước phiên xử một ngày, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy mà tổ chức này cho là một cáo buộc lố bịch và tấn công vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Được biết vào thời điểm xử án, bà Huỳnh Thục Vy đang mang thai và có một con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
*****************
Ông Lê Văn Thương, một cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã tuyên bố bỏ Đảng, nói với VOA rằng ông "kiên định con đường tranh đấu" dù đang bị công an truy nã.
Trao đổi với VOA trong khi đang ẩn náu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vào cuối năm 2018, ông Lê Văn Thương chia sẻ :
"Hiện nay tôi đã trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy không an toàn vì có thể gặp nguy hiểm nếu như tôi bị cảnh sát khu vực ở đây bắt và trục xuất về Việt Nam vì Việt Nam đang phát lệnh truy nã tôi".
Nhà hoạt động Lê Văn Thương, 30 tuổi, đồng thời là một nhà kinh doanh nội thất mỹ nghệ ở Quảng Ngãi, hôm 26/11/2018, bị công an tỉnh Quảng Ngãi phát lệnh truy nã với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 Bộ luật Hình sự.
Ông Thương cho biết ông từng là thượng úy ngành pháo binh trong quân đội với chức vụ đại đội phó.
Trong một livestream vào tháng 10/2018 được cho là từ Thái Lan, nhà hoạt động Lê Văn Thương có trưng một quyết định phong quân hàm sĩ quan cấp thượng úy do Đại tướng, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký và bằng sĩ quan từ trường Sĩ quan Pháo binh Sơn Tây Hà Nội.
Blogger Lê Thương được cộng đồng mạng biết đến như là một đảng viên bỏ Đảng, một sĩ quan đã quyết định rời bỏ quân ngũ, vì cho rằng "chế độ mà họ phục vụ đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc".
"Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục tranh đấu như từ trước đến nay tôi vẫn làm. Tôi kiên quyết tranh đấu và hỗ trợ cho bà con trong nước".
Ông cho biết ông đã tự nguyện thoát ly khỏi quân đội vào năm 2016 và đồng thời ngưng sinh hoạt Đảng, bỏ Đảng từ đó để rộng đường tranh đấu cho phong trào dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Trong một livestream khác ông xác nhận ông sẽ chống Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng nếu Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị tuyên án 2 năm tù, quốc tế phản đối (RFA, 30/11/2018)
Nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy vào ngày 30 tháng 11 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy - Photo : RFA
Hiện cô này đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi ; tuy nhiên hiện nay cô không được phép rời khỏi nơi cư trú.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với cô Huỳnh Thục Vy sau phiên xử vào ngày 30 tháng 11 và được cô thuật lại một số thông tin liên quan :
"Tất cả mọi cáo buộc đều xoay quanh điều 276 của Bộ luật hình sự là "xúc phạm quốc kỳ" đó. Tòa án bình thường chỉ là một bản án bỏ túi đã được quyết định sẵn rồi là đập thôi. Nhưng cái quan trọng, cái nổi bật, hay nhất và tiêu biểu nhất đó là phần tranh biện của luật sư Đặng Đình Mạnh.
Luật sư nói có 3 điều. Điều thứ nhất là không có lá cờ nào màu đỏ có ngôi sao vàng nào cũng được gọi là quốc kỳ, bởi vì muốn gọi là quốc kỳ thì lá cờ đỏ có ngôi sao vàng ở giữa phải đúng với kích thước đã được quy định trong hiến pháp và hai lá cờ mà Thục Vy đã xịt sơn lên, một lá bị dôi lên 2 phân, một lá bị dôi lên 4 phân không đúng quy định của hiến pháp nên lá cờ đó không phải là của quốc kỳ. Điểm thứ hai mà luật sư Mạnh nói là cái điều mà Thục Vy nhắm vào thể chế chính trị chứ không nhằm vào danh dự quốc gia. Bởi vì theo luật quy định là xúc phạm quốc kỳ là xúc phạm danh dự quốc gia mà điều Thục Vy làm không phải là xúc phạm đất nước mà là bày tỏ sự phản khán chế độ độc tài và điều đó cho thấy Thục Vy là một người yêu nước, nhưng Thục Vy có một quan điểm khác với chế độ đang cai trị. Khoảng cách yêu nước của Thục Vy khác với những người thông thường. Điều thứ ba là điều 276 của Bộ luật hình sự Việt Nam nó không phù hợp với công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được quy định trong điều 19 là cho phép người dân có quyền xúc phạm quốc kỳ bởi vì quốc kỳ chỉ là biểu tượng của thể chế công thôi nên người dân có quyền đả kích nó.
Trong trường hợp luật pháp của một quốc gia đi ngược lại với công ước quốc tế thì lấy công ước quốc tế làm chuẩn. Nhưng tất cả mọi tranh biện của luật sư Mạnh đều bị tòa bác bỏ hết dù luật sư tranh biện rất có lý và hay. Ngoài những điều Thục Vy nói luật sư Mạnh còn nói hay nhiều vấn đề khác nữa nhưng chỉ tóm tắt như vậy thôi".
Ngay sau khi có bản án đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo nêu rõ quyết định bỏ tù cô Huỳnh Thục Vy chỉ vì hoạt động xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng cho thấy mức độ cực đoan của biện pháp tấn công vào các nhà hoạt động và giới bloggers.
Human Rights Watch nêu rõ Việt Nam thực sự đứng ở cuối bảng những quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề tôn trọng nhân quyền.
Vào ngày 29 tháng 11, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International vào ngày 29 tháng 11 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy mà tổ chức này cho là một cáo buộc lố bịch.
Cũng theo Ân Xá Quốc Tế thì cáo buộc như thế lên đến mức tấn công vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Ông Nicholas Bequelin, Giám Đốc Khu Vực Đông và Đông Nam Á-Thái Bình Dương của Amnesty International, nói rõ rằng cáo buộc như thế chỉ nhằm bịt miệng một nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa và nhiệt tâm. Đây là một biện pháp truy tố mang động cơ chính trị mà cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành nhằm đối lại hoạt động không ngưng nghỉ của cô Huỳnh Thục Vy trong nỗ lực phơi bày những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và buộc giới cầm quyền phải chịu trách nhiệm.
Biện pháp sử dụng cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ nhằm hạn chế chỉ trích ôn hòa cho thấy rõ tình trạng đàn áp quyền tự do biểu đạt ngày càng tồi tệ tại Việt Nam.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng sự xúc phạm thật sự ở đây là cơ quan chức năng thiếu tôn trọng đối với nhân quyền, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế.
**************
Huỳnh Thục Vy nhận án tù gần 3 năm vì "xúc phạm quốc kỳ" (VOA, 30/11/2018)
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy hôm 30/11 bị kết án 2 năm 9 tháng tù vì tội "xúc phạm quốc kỳ" theo điều 276 Bộ Luật hình sự, theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).
Huỳnh Thục Vy tại phiên tòa hôm 30/11 ở Đắk Lắk. (Ảnh chụp màn hình Thể Thao &Văn Hóa)
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, cho biết bị can 33 tuổi, do "coi thường pháp luật của Nhà nước" đã xịt sơn lên cờ tổ quốc vào ngày 1/9/2017.
Vẫn theo cáo trạng được TTXVN trích dẫn, nữ bị can "dùng bình sơn mini xịt sơn màu trắng lên chính giữa ngôi sao của hai lá cờ tổ quốc do Ủy ban Nhân dân phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cắm trước số nhà 1222 và 1224, đường Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước 2/9/2017".
"Sau khi xịt sơn, Vy lấy điện thoại di động chụp hình mình cùng lá cờ bị xịt sơn rồi điều khiển xe máy về nhà", theo cáo trạng đọc tại tòa. Cùng ngày, Vy đã đăng hình ảnh chụp với hai lá cờ tổ quốc bị xịt sơn lên mạng xã hội Facebook với nội dung "Phản đối lễ lạt bằng cờ đỏ sơn trắng".
Ngay trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử nhà hoạt động này, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) có trụ sở ở Mỹ nói đây là một cáo buộc "lố bịch" và cho rằng điều này làm tăng thêm sự đàn áp của nhà cầm quyền vào quyền tự do biểu đạt.
Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam hiếm khi bị kết án với cáo buộc mà Thục Vy vừa nhận, có mức án tối đa là 3 năm tù giam. Ân xá Quốc tế cho rằng đây là một dấu hiệu của việc chính quyền tăng cường đàn áp đối với sự chống đối ôn hòa ở Việt Nam.
"Đây là một sự truy tố có mục đích chính trị của nhà cầm quyền để đáp trả những nỗ lực không mệt mỏi của Huỳnh Thục Vy trong việc phanh phui những vi phạm nhân quyền của Việt Nam và việc cô có một tài khoản (mạng xã hội) có nhiều người theo dõi", Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức có trụ sở ở New York nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của tổ chức này hôm 29/11.
"Việc những giới chức cầm quyền sử dụng cáo buộc ‘xúc phạm cờ tổ quốc’ để đàn áp những chỉ trích ôn hòa đã cho thấy rõ việc đàn áp ngày càng tồi tệ hơn vào quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam", ông Bequelin nói. "Điều thực sự xúc phạm ở đây là nhà cầm quyền thiếu sự tôn trọng đối với các chuẩn mực về nhân quyền và luật quốc tế".
Thục Vy là người sáng lập của tổ chức Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu ủng hộ những nhà hoạt động nhân quyền là phụ nữ trên toàn quốc. Các bài viết trên blog của Thục Vy thường về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm cả việc truy tố những người thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh mức án tù gần 3 năm, Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ còn ra lệnh cấm Thục Vy đi khỏi nơi cư trú cũng như cấm cô xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.
**************
Việt Nam : Huỳnh Thục Vy bị tuyên 33 tháng tù nhưng hoãn thi hành (RFI, 30/11/2018)
Chiều ngày 30/11/2018, tòa án thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án 33 tháng tù giam đối với blogger Huỳnh Thục Vy vì tội danh "xúc phạm quốc kỳ"theo điều 276 Luật Hình sự. Do có con nhỏ và đang mang thai, bà được hoãn thi hành án, nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh.
Huỳnh Thục Vy (ảnh chụp ngày 12/09/2018) (@hrw.org)
Bà Huỳnh Thục Vy, 32 tuổi, đồng sáng lập tổ chức Phụ Nữ Nhân Quyền, đang mang thai 8 tuần, bị quản thúc tại gia từ tháng Tám, sau khi đăng lên Facebook một tấm ảnh trong đó lá quốc kỳ Việt Nam bị bôi xóa, vào ngày 01/09/2017, một ngày trước kỷ niệm quốc khánh Việt Nam.Theo AFP, nhà hoạt động muốn tố cáo "lá cờ đỏ đại diện chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam, đi ngược lại tiến bộ nhân loại và là biểu tượng cho các lạm dụng chống lại dân chủ, nhân quyền".
Bản án 2 năm 9 tháng tù so với khung hình phạt tối đa cho tội danh này là 3 năm, không làm nhà hoạt động này ngạc nhiên. Bà Huỳnh Thục Vy nói với hãng tin Pháp là đã chuẩn bị tinh thần từ trước, và cho rằng chính quyền muốn bà rời khỏi Việt Nam nhưng bà sẽ không chịu khuất phục. Huỳnh Thục Vy khẳng định : "Không gì thay đổi được tinh thần, mục tiêu hay những công việc mà tôi đã hoàn thành".
Tòa án cho biết việc thi hành án được hoãn cho đến khi đứa bé sẽ sinh ra của blogger này được ba tuổi, nhưng từ nay cho đến lúc đó Huỳnh Thục Vy bị hạn chế di chuyển.
Theo Amnesty International, trong năm nay có trên 50 nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bắt giam, và trong năm 2017 có khoảng 100 người bị giam giữ vì lý do chính trị.
Thụy My
**********************
Huỳnh Thục Vy bị 2 năm 9 tháng tù vì 'xúc phạm cờ đỏ sao vàng' (BBC, 30/11/2018)
Blogger bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy nhận án tù 2 năm 9 tháng với tội danh xúc phạm quốc kỳ.
- Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, là một nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh đòi nữ quyền. Bà thường xuyên viết về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và tăng tải trên mạng xã hội, trong đó có việc chính quyền đàn áp người thiểu số.
- Bà Vy là tác giả cuốn sách "Nhận định Sự thật Tự do và Nhân quyền", được cho là "góp phần làm rõ tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam".
- Bà Vy, hiện có một con gái nhỏ hơn 20 tháng tuổi và đang mang thai tám tuần, được hoãn thi hành án cho đến khi con tròn ba tuổi nhưng bị cấm rời khởi nơi cư trú cho đến khi có thể thi hành án.
Huỳnh Thục Vy và con gái 20 tháng tuổi - Ảnh minh họa
Phiên tòa xử bà Huỳnh Thục Vy diễn ra vào 1g30 chiều ngày 30/11 tại Tòa án Nhân dân Thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ngay lập tức lên tiếng sau phiên tòa.
Quyết định kết án tù đối với bà Huỳnh Thục Vy "cho thấy Việt Nam tấn công mạnh mẽ tới đâu đối với các nhà hoạt động và các bloggers đấu tranh cho nhân quyền", ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Á Châu của tổ chức này, nói.
"Bản án này cho thấy một người mẹ trẻ sẽ phải xa con nhiều năm chỉ vì người mẹ ấy đơn giản là biểu đạt những quan điểm mà chính phủ không thích".
"Cô ấy cũng yêu nước như mọi người chúng ta'
"Huỳnh Thục Vy vô tội, đây là một bản án bất công và là một vụ án có nhiều động cơ chính trị", luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho Huỳnh Thục Vy, nói với BBC từ Bangkok qua điện đàm hôm 30/11.
"Có nhiều yếu tố pháp lý bị tòa án bỏ qua hết. Thí dụ như yếu tố cấu thành tội phạm".
"Rồi về kích thước lá cờ [mà Huỳnh Thục Vy xịt sơn] không đủ tiêu chuẩn để là một lá quốc kỳ".
"Chúng tôi phân tích những điểm vô lý đó nhưng họ đều bỏ qua cả. Cho nên dường như tòa muốn xử cô ấy bằng được bằng một án tù".
"Tội danh xúc phạm quốc kỳ [mà Huỳnh Thục Vy bị cáo buộc] không có cơ sở về mặt pháp lý. Tội danh này được hiểu là bôi bẩn hoặc phá hủy lá quốc kỳ, kèm theo một ý thức muốn xúc phạm, làm mất thể diện, danh dự quốc gia".
"Trên thực tế, Huỳnh Thục Vy không có ý thức xúc phạm quốc kỳ. Mục đích của cô ấy là để phản kháng chính quyền, chế độ. Lá cờ chỉ là một phương tiện để cô ấy làm điều đó".
"Ngay trong bản cáo trạng cũng nhìn nhận cô ấy là một người bất đồng quan điểm với chính quyền. Có nghĩa là cô ấy là một công dân có ý thức về chính trị rất cao. Cô ấy cũng là người yêu nước như tất cả chúng ta. Mà người yêu nước thì không có động cơ làm mất thể diện quốc gia".
"Ngoài ra xét về lý, nói cô ấy xúc phạm quốc kỳ là không đúng vì nó không thỏa mãn được mặt chủ quan - là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm".
"Còn một số chi tiết vô lý khác như khi cơ quan điều tra khám nhà Vy, họ tịch thu ba chiếc áo khoác gió có màu vàng ở cổ tay, và có ba sọc đỏ".
"Ba chiếc áo này không hề liên quan đến vụ án. Nó không phải tang vật, tài vật, cũng không phải công cụ gây án. Mà nó là tài sản công dân và phải trả lại cho công dân. Và chủ chiếc áo mới có quyền đánh giá là áo còn giá trị sử dụng hay không".
"Nhưng trong bản cáo trạng họ cho là ba cái áo này "không có giá trị sử dụng và vì vậy yêu cầu tịch thu tiêu hủy". Vậy mà tòa án vẫn chấp nhận những chi tiết đó thì có thể thấy ngay rằng đây là một vụ án bất công", luật sư Mạnh nói với BBC.
"Không cam lòng"
Huỳnh Thục Vy (áo trắng) trong một lần bị bắt giữ năm 2012 khi bà tham gia biểu tình chống Trung Quốc
Trước phiên tòa, Huỳnh Thục Vy cho biết trên Facebook cá nhân rằng bà đang mang thai ở tuần thứ tám.
"Đáng lẽ mình sẽ không công khai chuyện cá nhân này ngay trước phiên tòa xử mình. Mình muốn xem bản án mà Tòa án Buôn Hồ dành cho mình sẽ nặng-nhẹ đến mức nào".
"Nhưng vì sức khỏe kém, mình không thể đứng suốt phiên tòa, nên mình xin thông báo cho công luận : mình đã mang thai tám tuần. Và vì đang ốm nghén nặng, mình cần ghế ngồi và được chăm sóc y tế trong phiên tòa sắp tới, 30/11/2018", Huỳnh Thục Vy viết.
Bà Huỳnh Thục Vy cũng cho hay sẽ không kháng án "dù bản án sắp tới có thế nào", mà dành thời gian dưỡng thai và "tiết kiệm công sức cho luật sư Đặng Đình Mạnh".
Con gái một tù nhân chính trị
Cha của bà Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn cũng từng là một tù nhân chính trị. Ông ngồi tù 10 năm, từ 1992 - 2002 với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Trong thời gian chờ hầu tòa, Huỳnh Thục Vy vẫn tiếp tục đăng tải các bài viết thể hiện chính kiến về các vấn đề xã hội trên trang cá nhân. Như kêu gọi trả tự do cho tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, kêu gọi giúp đỡ tù nhân - bác sỹ Nguyễn Đình Thành và tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa...
Báo Công an Nhân dân thời điểm đó cho hay "hình ảnh Vy bôi bẩn cờ Tổ quốc" "xuất hiện trên mạng xã hội" "gây bức xúc dư luận".
Tờ báo này cũng cho hay từ hồi cuối năm 2011, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã thu giữ nhiều tài liệu của Huỳnh Thục Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn (cha Vy), và Huỳnh Trọng Hiếu (em trai Vy) được phát tán trên Internet "với mục đích kích động biểu tình, đòi dân chủ dân quyền, chống phá đảng và nhà nước".
Huỳnh Thục Vy và lá cờ Việt Nam bị xịt sơn (ảnh chụp năm 2017)
Vì sao xịt sơn lên cờ ?
Trong buổi trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 8/2018, bà Huỳnh Thục Vy giải thích hành động xịt sơn lên cờ Việt Nam :
"Đối với người dân Việt Nam trong nước hiện nay, lá cờ đó như vật gì linh thiêng, bất khả xâm phạm, một bùa chú của Đảng Cộng sản Việt Nam".
"Hành động xịt sơn của tôi lên lá cờ đó không xuất phát từ những suy nghĩ bồng bột, non nớt của người chưa hiểu chuyện. Mà tôi mong ước qua hành động đó khiến người dân bớt sợ hãi về những biểu tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bớt cảm thấy nó nhạy cảm, linh thiêng".
"Tôi cũng muốn qua đó thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Vì hành vi của tôi đối với lá cờ là một phần của quyền tự do biểu đạt mà luật pháp quốc tế công nhận, bất chấp luật của Việt Nam có chấp nhận hay không".
Quan điểm chính thống coi Huỳnh Thục Vy là "phá hoại".
Trang web của Công an Đắk Lắc gần đây có bài coi blogger Huỳnh Thục Vy là "đối tượng có những chiêu trò mỵ dân", đáng bị lên án và trừng phạt.
"Trong những năm qua, ở Tổ dân phố Tân Hà 2- phường Thống Nhất - thị xã Buôn Hồ, có đối tượng Huỳnh Thục Vy (SN 1985), lại móc nối với các phần tử xấu bên ngoài, nhiều lần trao đổi, trả lời phỏng vấn, viết bài, làm các video clip phát tán trên blog và các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật ở Việt Nam, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước ta…" trang web viết.
Vẫn nguồn này đã trích dẫn nhiều người, gồm cả một nhà sư và một giáo dân, phê phán hành động của blogger Huỳnh Thục Vy.
Bài báo viết :
"Tại nơi cư trú, ở Tổ dân phố Tân Hà 2, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, ngày 1/9/2017, Huỳnh Thục Vy còn có hành vi xúc phạm quốc kỳ, xịt sơn lên lá cờ Tổ quốc đang treo dọc đường trước nhà người dân. Hành vi này của Vy đã khiến cho đồng bào giáo dân nơi đây rất bất bình, bức xúc và phản đối…".
Các nhà bình luận quốc tế chú ý đến một hiện tượng rằng chính quyền ở Việt Nam những năm qua tập trung vào hai hướng xử án : một là nhắm vào các nhà hoạt động bất đồng chính kiến, hai là xử các quan chức tham nhũng.
Mục tiêu của chính sách này là để duy trì quyền lãnh đạo không chia sẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì nạn tham nhũng và thách thức từ xu thế dân chủ hóa cùng bị coi là đe dọa cho độc tôn chính trị của đảng này.
HRW : Cuộc xét xử Huỳnh Thục Vy là một sự nhạo báng công lý (VOA, 21/11/2018)
Nhân vật bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy sẽ phải ra trước Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ để bị xét xử về cáo buộc "xúc phạm lá cờ quốc gia" về tội xịt sơn trắng lên lá cờ đỏ sao vàng, rồi đăng ảnh lên Facebook một ngày trước Ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Cô Huỳnh Thục Vy giải thích lý do cô làm điều đó trên trang mạng xã hội : "Đất nước đang bị nhấn chìm dưới núi nợ nần ! Không có gì để gọi là ăn mừng : nào là Formosa ; nạn ô nhiễm ; ung thư ; thuốc giả ; tù nhân lương tâm ; vi phạm nhân quyền…".
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy. Facebook Nguyen Van Dai
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại cô Huỳnh Thục Vy. Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, nói trong thời gian qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã "tìm mọi lý do để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì những hoạt động của cô, vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Nếu bị kết án, người sáng lập ra Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, cũng là mẹ của một em bé mới khoảng 1 tuổi, sẽ phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam. Phiên tòa đã được ấn định vào ngày 22/11, hôm qua đột nhiên bị hoãn lại cho tới ngày 30/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ sáng ngày 20/11 giờ Washington, ông Robertson nói :
"Chúng tôi rất quan tâm đến những trường hợp như thế. Cô Huỳnh Thục Vy lẽ ra không nên bị đưa ra tòa xét xử về những tội danh đó. Thật là "nực cười" khi chính quyền Việt Nam cố tình khép cô Vy vào tội ‘xúc phạm lá cờ quốc gia’. Rõ ràng nhà nước Việt Nam coi trọng các biểu tượng hơn là quyền làm người của nhân dân của chính họ. Phải hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Thục Vy, và nếu chính quyền cứ tiếp tục truy tố và bỏ tù cô, thì đó là điều mà các đối tác thương mại của Việt Nam, và các nước cấp viện cho Việt Nam, cần nêu lên với Việt Nam để đòi Hà nội trả tự do cho cô".
Tư liệu - Phil Robertson, trái, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Châu Á, tại một cuộc họp báo ở Phnom Penh, Cambodia vào tháng Ba 2015.
Ông Robertson nói rõ ràng Việt Nam chưa tuân thủ các cam kết về nhân quyền đã được ghi trong thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.
"Quan điểm của chúng tôi là còn quá sớm để chung kết thỏa thuận này. Việt Nam phải được cho biết là nước này phải cải thiện tình trạng nhân quyền trước khi EU tưởng thưởng cho Việt Nam với một thỏa thuận thương mại tự do như thế".
Được hỏi thế ông không cho hành động của Huỳnh Thục Vy, xịt sơn trắng lên lá cờ Việt Nam, là một hành động có tính cách xúc phạm ? Ông Robertson trả lời :
"Hành vi đó không nên được coi như một tội hình sự. Chắc chắn không phải một hành động đáng bị bỏ tù. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phản ứng quá mức. Họ lẽ ra phải thừa nhận rằng đây là một hành vi nhằm thể hiện quan điểm chính trị, rằng Thục Vy có quyền nói lên quan điểm của mình. Cô ấy đã làm điều đó một cách ôn hòa, không làm hại ai, và chính quyền Việt Nam không nên bỏ tù cô vì hành vi đó".
Ông Robertson nói trong thời gian qua, không những Thục Vy mà cả gia đình cô, cha và em cô… đã trở thành mục tiêu bị chính quyền sách nhiễu, phân biệt đối xử, trấn áp tinh thần, thậm chí, bị đàn áp có hệ thống. Cha của Huỳnh Thục Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một tù nhân chính trị đã từng bị giam cầm nhiều năm. Ông Robertson nói :
"Gia đình của Vy đều nói lên những gì họ suy nghĩ, họ đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và đứng lên đòi hỏi các quyền của họ, hậu quả là họ đã bị chính quyền nhắm tới và bị đối xử tàn tệ. Việt Nam cần ngưng ngay những hành động sách nhiễu đối với gia đình này".
Phó Giám Đốc HRW đặc trách Châu Á còn nói rằng lẽ ra chính quyền Việt Nam phải cảm ơn gia đình họ Huỳnh và các công dân khác đã chỉ ra các vấn đề mà đất nước đang đối mặt, chẳng hạn như nạn tham nhũng dưới nhiều hình thức, nạn ô nhiễm môi trường vv.. để có cách đối phó hay giải quyết :
"Chính quyền Việt Nam lại tìm cách che đậy những hành vi sai trái, và vi phạm các quyền của dân thay vì lắng nghe sự thật từ các bloggers và các công dân khác cũng quan tâm tới tình hình đất nước".
Ông Robertson bày tỏ quan tâm là phiên tòa diễn ra tại Dắk lắk, nhà cầm quyền khó có thể chấp thuận cho các nhà ngoại giao và các bên quan tâm khác tới theo dõi phiên tòa.
"Tôi tin rằng điều quan trọng là mọi người phải chú ý tới vụ xét xử để bảo đảm chính quyền không vi phạm các quyền căn bản của Thục Vy, tôi cho rằng cả vụ xét xử này là một trò nhạo báng công lý".
Huỳnh Thục Vy là kẻ phản động ?
Nhưng dưới con mắt của nhà cầm quyền Việt Nam thì Huỳnh Thục Vy hình như đã được xếp vào thành phần ‘phản động’.
Trong một bài báo tải lên trang mạng Việt Nam Thời Luận vào tháng Ba năm 2018, tác giả Tứ Hoàng gọi Huỳnh Thục Vy là một kẻ phản động. Tác giả bài báo giải thích rằng phản động là "thuật ngữ dành cho những kẻ có hành động chống đối đảng, Nhà nước, những kẻ bán nước, hại dân, phản bội dân tộc", viện những hoạt động của Thục Vy biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn, tham gia các khóa huấn luyện xuống đường đấu tranh bất bạo động "để lật đổ chính quyền Việt Nam". Bài báo còn chỉ trích "Hội Phụ nữ nhân quyền" do Huỳnh Thục Vy và Trần Thị Nga đồng sáng lập là một tổ chức được một số nhân viên sứ quán Mỹ, phương Tây hậu thuẫn để thúc đẩy phát triển "lực lượng đối lập" trong phái nữ.
Một số nhà hoạt động cũng dùng các phương tiện truyền thông xã hội để bênh vực Huỳnh Thục Vy và hỗ trợ bà Trần Thị Nga, đồng sáng lập Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, đang thi hành bản án tù 9 năm về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Về bà Trần Thị Nga, Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của HRW Phil Robertson nói :
"Bà Trần Thị Nga đang thọ án tù chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình một cách ôn hòa, vì đã dám phát biểu, dám đứng dậy trước cường quyền, và vì bà đã đòi các quyền cho chính mình và cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không thấy bà làm bất cứ điều gì để đáng bị trừng phạt với bản án tù như thế, và chúng tôi sẽ kêu gọi để bà được trả tự do".
***************
Xử phúc thẩm nhà báo độc lập Đỗ Công Đương : Y án 4 năm tù giam (RFA, 21/11/2018)
Phiên tòa phúc thẩm xử nhà báo độc lập Đỗ Công Đương với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" diễn ra vào sáng 21/11/2018 và kết thúc lúc 13h10 phút với kết quả bị tuyên y án 4 năm tù giam.
Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện phát trên FB cá nhân Ảnh chụp màn hình, courtesy FB
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đỗ Công Đương cho rằng ông Đương không vi phạm điều luật này vì nơi xảy ra vụ việc không phải là không gian công cộng. Ông Sơn nói qua điện thoại như sau :
"Bài bào chữa của tôi tại tòa ngày hôm nay, tóm lại là cái hiện trường nơi mà người ta cho rằng ông ấy gây rối trật tự công cộng là cái công trường chứ không phải công cộng như pháp luật. Họ quanh co nói rằng ông ấy gây ách tắc giao thông nhưng không có bằng chứng và họ cũng kết án như vậy thôi".
Trong bài bào chữa của mình được đăng tải trên Facebook cá nhân sau phiên tòa, luật sư Sơn nhận định đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ở cấp sơ thẩm :
Cụ thể là sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn không gửi bản án cho người bào chữa, Luật sư Hà Huy Sơn mặc dù ông này đã có văn bản đề nghị.
Điều này vi phạm vào khoản 1 điều 262 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Theo luận cứ bào chữa, ông Đương không phải là người tổ chức hay chủ mưu, cầm đầu, vụ việc.
"Sự việc khoảng 30 người dân xóm Chúc, thôn Dương Sơn, xã Tam Sơn chuẩn bị ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, băng rôn … phản đối thu hồi đất ngày 24/01/2018, không do bị cáo, tổ chức, chỉ huy, xúi giục, giúp sức", ông Sơn khẳng định.
******************
Tại sao khó xử lý tài sản bất minh ? (RFA, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 4. Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho việc xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Ảnh minh họa. AFP
Trước khi quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về việc "xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc", theo đó việc xử lý tài sản thu nhập này là vấn đề mới và lần đầu tiên Quốc hội đặt vấn đề xử lý đối với loại này nên rất khó đưa ra quy định xử lý tại kỳ họp lần này.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế. Những ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng chứng minh được là do phạm tội và vi phạm pháp luật mà có.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đây cũng là vấn đề khó để Quốc hội đưa ra quyết định bởi vì có hai quan điểm khác nhau :
"Bản thân cá nhân tôi cũng thông cảm cái việc xử lý các nguồn ý kiến khác nhau này của quốc hội. Theo thông lệ của Việt Nam nếu thường không giải quyết được thì đều cho là giải quyết vào đợt sau. Tôi cho rằng quy định xử lý tài sản này nếu cần phải chống tham nhũng thì cần có những quyết định thật chặt chẻ bởi vì mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc nếu không giải thích được thì nó có thể bắt nguồn từ việc hình thành tài sản không đúng với sức lao động của mình. Tôi thì tôi buồn khi mà quốc hội không đưa ra được quyết định cuối cùng trong luật phòng chống tham nhũng về các tài sản bất minh".
Đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam giải thích với chúng tôi rằng khi đưa ra điều luật mà không chứng minh và không thực hiện được thì thật sự rất khó. Phải chứng minh các tài sản đó là bất minh bằng cách xác định rõ mới xử lý được.
"Nếu mình đưa những tài sản là bất minh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mượn cớ để lạm quyền nên rất là khó. Theo tôi thấy riêng cái này thì cần phải có thời gian, bởi vì khi dự thảo vấn đề này thì nó phải mang tính thực tiễn, phải rõ ràng, khi mình định tội một người nào đó thì phải làm cho người đó tâm phục khẩu phục. Chứ giờ mình đưa ra một điều mà không thể thì không được".
Theo kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu tương đương 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 ý kiến đại biểu, khoảng 32,16% đại biểu đồng ý với phương án thu thuế. 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, kết quả ý kiến không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội và là một blogger tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, để trả lời vì sao quốc hội không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh tại kỳ họp này thì nên lật ngược lại quá trình bầu cử cách đây vài năm.
"Tất cả những người là ứng cử viên tự do là những người có đủ năng lực pháp lý để có thể tự ra ứng cử thì đều bị chính quyền Việt Nam đấu tố, làm khó và rất nhiều hành động để ngăn chặn các đại biểu tự do cho nên quyết định của quốc hội cũng không có gì là ngạc nhiên cả, bởi vì học đã dàn xếp hết rồi toàn là người của họ hết. Đương nhiên với một thể chế của Việt Nam hiện nay thì họ ăn cây nào rào cây đấy, bảo vệ lợi ích và quyền lợi mà họ đang có. Cho nên kết quả của quốc hội nó đúng như những gì chúng tôi đã từng chứng kiến trong các kỳ bầu cử quốc hội".
Sau cuộc họp Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ông Nguyễn Mạnh Cường cho báo chí biết, bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh nếu phát hiện và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xử lý vấn đề này. Ông giải thích rằng, từ thời bao cấp trước đây cũng có xử lý là kiểm tra hành chính và nếu không giải thích được tài sản hình thành như thế nào thì nhà nước sẽ tịch thu. Nhưng :
"Từ khi đổi mới cho đến nay đã hơn 30 năm, do hoàn cảnh khi đổi mới Việt Nam kêu gọi các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế và cũng không cần xem xét nguồn gốc tài chính đó như thế nào. Đến lúc này, Việt Nam cũng đã phát triển được quảng đường khá dài thì cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện tham nhũng vừa rồi được đánh giá là cái quốc nạn, nếu không xử lý thì nó lại kiềm hãm phát triển, tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý".
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để phát hiện tham nhũng, xác định các tài sản bất minh, cần phải có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông và người dân.
"Bởi vì người dân tai mắt lắm nên không thể giấu được và với sự giám sát của người dân là chính xác. Thường thường các vụ tham nhũng xuất phát từ báo chí và dư luận nhiều hơn, bởi vì người nói không có lửa sao có khói, người dân là không thể qua mặt được họ, cho nên cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra là hay nhất".
Blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng dù có phát hiện tài sản bất minh đi nữa, nếu có ý kiến chỉ đạo từ trung ương thì mọi chuyện cũng bị chìm.
"Một cơ chế độc đảng mà đảng lại không có cơ chế pháp luật điểu chỉnh các hoạt động của đảng. Cho nên khi mọi người quan sát thấy các vụ trọng án thì người ta không xử theo pháp luật mà người ta xử lý theo nghị quyết xử lý theo chỉ đạo từ trung ương. Nếu như có phát hiện một tài sản bất minh thì ngay cả những người trong hệ thống nếu như thật sự người ta muốn làm cho nó đúng theo pháp luật thì cũng rất là khó. Cho dù đưa ra các bằng chứng thông tin như thế nào mà có ý kiến từ trung ương đảng thì nó cũng bị chìm".
Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2017 đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái đã kê khai tài sản thiếu trung thực hàng ngàn m2 đất, nhiều nhà cửa, biệt phủ và tiền bạc với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, ông Quý khai rằng có nhiều tiền như vậy là nhờ ông buôn bán chổi đót. Tuy nhiên, hình thức xử lý đối với ông Quý là chỉ gián chức từ giám đốc sở Tài nguyên Môi trường xuống cấp phó.
Ngoài ra, có nhiều vụ việc bị người dân phát hiện tố cáo tham nhũng nhưng hình xử lý đối với các trường hợp này thì chỉ giơ cao đánh khẽ giống như vụ ông Quý.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham Nhũng năm 2017 được công bố đầu năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, là quốc gia đứng thứ 133/176 trên bảng
Theo dõi nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc với Huỳnh Thục Vy (RFA, 20/11/2018)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 20/11 ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam "cần hủy bỏ mọi cáo buộc với nhà vận động dân chủ Huỳnh Thục Vy".
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy và lá cờ bị xịt sơn trắng - Courtesy FB Huỳnh Thục Vy
Tuyên bố được đưa ra ngay trước ngày phiên tòa xử blogger Huỳnh Thục Vy dự kiến diễn ra vào ngày 22/11.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức này cho hay, "Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã tìm mọi cớ để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì cô đã vận động không mệt mỏi cho nhân quyền và dân chủ, và trong cơn vùng vẫy tuyệt vọng, giờ đây họ bám lấy hành vi xịt sơn trắng lên một lá cờ".
Theo Human Rights Watch, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, đã đưa việc xúc phạm quốc kỳ vào một tội trong điều 276 Bộ Luật Hình sự. Người bị buộc tội phải đối mặt với bản án tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ông Phil Robertson khẳng định việc : "Đặt nhu cầu bảo vệ một biểu tượng quốc gia lên trên nhu cầu bảo vệ quyền của quốc dân là một việc sai trái".
*****************
HRW yêu cầu Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với Huỳnh Thục Vy (RFI, 20/11/2018)
Ngày 20/11/2018, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà vận động dân chủ Huỳnh Thục Vy. Cô sẽ bị đưa ra xử ngày 22/11/208 tại Tòa án Nhân dân Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, theo điều 276 của Bộ luật Hình sự năm 1999, vì bị cho là đã xúc phạm quốc kỳ, với mức án tù có thể lên đến ba năm.
Cô Huỳnh Thục Vy (ảnh chụp ngày 12/09/2018) @hrw.org
Trong thông cáo mang tựa đề : "Việt Nam : Hãy chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận", HRW cho biết, trước ngày Lễ Quốc Khánh Việt Nam tháng 09/2017, Huỳnh Thục Vy đã phản đối chính quyền bằng việc xịt sơn trắng lên lá quốc kỳ. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, coi hành vi phỉ báng quốc kỳ là một tội hình sự, cho nên cô sẽ bị xử với tội danh này. Nhưng theo HRW, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng cáo buộc Huỳnh Thục Vy "móc nối với các phần tử xấu bên ngoài, nhiều lần trao đổi, trả lời phỏng vấn, viết bài, làm các video clip phát tán trên blog và các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật ở Việt Nam, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước".
Huỳnh Thục Vy đã bắt đầu đăng tải các bài viết trên mạng từ cuối năm 2008, đề cập tới nhiều vấn đề chính trị xã hội và kêu gọi một hệ thống chính trị đa đảng, tự do và tôn trọng nhân quyền. Cô và gia đình đã nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu và xâm phạm. Năm 2012, Huỳnh Thục Vy đã được trao tặng giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett, dành cho các nhà văn bị đàn áp, cùng với cha cô là ông Huỳnh Ngọc Tuấn.
Trong thông cáo đưa ra hôm 20/11/2018, phó giám đốc Ban Á Châu của HRW Phil Robertson cho rằng với việc đưa Huỳnh Thục Vy ra tòa, chính quyền Việt Nam đang "cố tìm mọi cách để bịt miệng các nhà hoạt động nhằm hạn chế ảnh hưởng của họ tới xã hội và chính trị".Ông Robertson kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nhà tài trợ, đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam "thực hiện những lời hứa cải thiện hồ sơ nhân quyền, nếu muốn có các mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hơn".
Thanh Phương
**********************
Phiên xử Huỳnh Thục Vy bất ngờ dời ngày vì Kiểm sát viên bận (RFA, 20/11/2018)
Sáng ngày 20/11, một ngày trước phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ", TAND thị xã Buôn Hồ bất ngờ ra thông báo dời thời gian và địa điểm xét xử với lý do trụ sở đang sửa chữa và Kiểm sát viên bận đột xuất không thể thay thế.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy Courtesy Huỳnh Thục Vy, RFA edit
thông báo của tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ : "... Do trụ sở Tòa án đang được sửa chữa, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức việc xét xử, đồng thời Kiểm sát viên tham gia phiên tòa bận công tác đột xuất, không có Kiểm sát viên thay thế nên không thể mở phiên tòa vào thời gian và địa điểm ấn định",
Theo thông báo, phiên tòa sẽ được dời tới Hội trường trụ sở Ủy ban nhân dân phường An Bình, thị xã Buôn Hồ vào 13 giờ 30 phút ngày 30/11/2018.
Cô Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985 là một blogger và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền hiện đang sống ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lak.
Vào ngày 9/8 cô bị công an bắt giữ 1 ngày với quy kết tội xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng và cô cũng thừa nhận mình là người xịt sơn để biểu đạt quan điểm của bản thân phản đối chính quyền Việt Nam hiện nay.
******************
Đại đức Thích Ngộ Chánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cho Đài Á Châu Tự Do biết ông và Thượng tọa Thích Thiện Phúc bị khoảng 30 nhân viên an ninh thường phục ngăn cản "khủng bố" ở Huế khi cùng linh mục Nguyễn Văn Lý đi thăm Đan viện Thiên An và Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau đó.
Đại đức Thích Ngộ Chánh (trái), Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa), Thượng tọa Thích Thiện Phúc tại Tòa giám mục Huế hôm 13/11/2018 - Courtesy FB Nguyễn Đức Lão
Hôm 12/11/2018, Đại đức Thích Ngộ Chánh có chuyến đi từ Lâm Đồng đến Huế để thăm các thầy, linh mục và tu sĩ để tìm hiểu thực trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.
Chiều hôm sau, thầy Thích Thiện Phúc - trụ trì chùa An Cư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mới bị cưỡng chế ở Đà Nẵng, và thầy Thích Ngộ Chánh có gặp mặt và nói chuyện với linh mục Nguyễn Văn Lý đang an dưỡng và thi hành án quản chế tại tòa Tổng Giám mục Huế.
Sau đó, linh mục Lý lên xe hơi cùng với 2 sư thầy dự định sẽ đến Đan viện Thiên An để thăm các tu sĩ ở đây vốn đang kêu gọi chính quyền trả lại đất tôn giáo.
Theo thầy Thích Ngộ Chánh, khi vừa ra khỏi cổng tòa Tổng Giám mục Huế, khoảng 30 người mặc thường phục ngăn cản không cho xe đi và còn dọa sẽ chém các sư thầy.
"Mới vừa lên xe ra ngoài thì một lũ côn đồ chặn xe rồi, và 1 lũ côn đồ không dưới 30 thằng. Mà tôi không biết côn đồ này ở đâu mà đeo khẩu trang, được phép quay phim, chụp hình, đi xe mà có cả công an đậu xe ở đó. Họ chỉ yêu cầu tôi trả linh mục Lý về lại tòa Giám mục và tôi phải rời khỏi Huế, khi tôi hỏi lý do vì sao thì nó (chửi bậy). Nó nói là mày là Thích Ngộ Chánh đúng không, tao chém mày !"
Thượng tọa Thích Thiện Phúc cũng xác nhận điều này với phóng viên của RFA và cho biết thêm một nhân viên quen mặt đã gặp ông trước đó ở Huế đe dọa rằng :
"Tôi nói với ông rồi, đây là đất Huế không phải đất Đà Nẵng, ông về ngay Đà Nẵng gấp và nhanh không thì tôi chém".
Vì bị đe dọa nên hai sư thầy đều không thể đến thăm Đan viện Thiên An và Thiền sư Thích Nhất Hạnh như dự định.
Cả hai sau đó đều an toàn khi đi ra khỏi thành phố Huế. Thầy Thích Ngộ Chánh trở về Lâm Đồng và Thượng tọa Thích Thiện Phúc đi tá túc người quen ở Đà Nẵng.
Nhận xét về chuyến đi, Đại đức Thích Ngộ Chánh nhận xét :
"Khi tôi đến rồi thì tôi xin nói thẳng quý vị là tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam rất là khủng khiếp và họ dùng côn đồ để đàn áp tôn giáo. Xưa người ta nói công an trị là tôi thấy mệt mỏi rồi, bây giờ người ta nói xã hội là của côn đồ trị cho nên quý vị quan tâm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo và nhân quyền Việt Nam biết rằng hiện nay ở Việt Nam đang trong giai đoạn "côn đồ trị" chứ không phải là côn đồ trị nữa !"
Đại đức Thích Ngộ Chánh cho hay đây không phải là lần đầu tiên ông lên tiếng về vấn đề nhân quyền và đàn áp tôn giáo.
Năm 2013, khi ông đang tu tập tại tỉnh Bình Phước thì xảy ra sự việc "Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước đập phá tượng Phật tại núi Bà Rá", ông đã lên tiếng phản đối vụ việc và yêu cầu xử lý thủ phạm.
Tuy nhiên, đây là nguyên nhân việc ông bị ép phải ra khỏi tỉnh Bình Phước và trở về đồi thông Phương Bối, Lâm Đồng vốn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khai sơn.
Sự việc ở núi Bà Rá sau đó được Ban Tôn giáo chính phủ bác bỏ và giải thích là do những hộ dân tự ý xây dựng tượng phật và mê tín nên đã bị Ban Tôn giáo tỉnh cưỡng chế.
Năm 2016, ông trở về đồi thông Phương Bối để tu tập và lên tiếng về việc các cá nhân, tập thể xâm phạm đến đồi thông khiến nơi này không còn cảnh quan như xưa.
Ngày 22/11/2018 tới đây, tòa án thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đưa Huỳnh Thục Vy ra xét xử với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 BLHS 1999 (điều luật tương ứng là Điều 351 BLHS 2015).
Huỳnh Thục Vy và lá cờ bị bôi bẩn
Trước hết, xin hệ thống lại những diễn biến xung quanh sự kiện này :
- Ngày 1/9/2017, Huỳnh Thục Vy xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng, cô chụp hình và chủ động đưa lên mạng.
- Ngày 13/10/17, công an thị xã Buôn Hồ đưa giấy triệu tập thứ nhất về sự việc này và tới ngày 20/6/2018 triệu tập lần thứ 4. Thái độ của Huỳnh Thục Vy là không có việc gì phải đi gặp dù triệu tập bao nhiêu lần đi nữa. Theo cô thì không có việc gì cần đối thoại với công an. Cô cho biết chưa bao giờ có tham vọng đối thoại để tìm được sự đồng thuận nào với họ, cũng chẳng hy vọng khai mở đầu óc cho họ và cô chấp nhận đi tù nếu nhà cầm quyền muốn. Bốn lần khước từ lệnh triệu tập dẫn đến việc cưỡng bức cô vào ngày 9/8/2018.
- Ngày 9/8/2018, khoảng ba chục công an, danh nghĩa là công an thị xã Buôn Hồ nhưng có cả công an Bộ tham gia, khám xét nhà Huỳnh Thục Vy.
Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra Thị xã Buôn Hồ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đến 9/10 (1 tháng) đồng thời ra ra quyết định khởi tố bị can và được VKS phê chuẩn cùng ngày.
Sau 15 giờ bắt giữ, công an thả Huỳnh Thục Vy ra, sau khi đã giao các lệnh và quyết định nói trên.
- Ngày 2/11/2018 Tòa án Thị xã Buôn Hồ ký lệnh cấm Huỳnh Thục Vy đi khỏi nơi cư trú từ 6/11 đến 1/12/2018.
- Ngày 8/11 Tòa án Thị xã Buôn Hồ quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 7g30’ ngày 22/11/2018.
Kê ra chuỗi sự việc này để thể thấy Huỳnh Thục Vy là người chủ động tạo ra sự kiện và bình thản đối mặt với mọi hậu quả sẽ xảy ra.
Bày tỏ về quan điểm đối với lá cờ đỏ sao vàng, Huỳnh Thục Vy cho rằng nó là một biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức ngồi lên đầu 90 triệu người dân Việt Nam, là sự độc tài, độc đoán phi dân chủ, phản nhân dân.Cờ đỏ là biểu trưng cho sự đàn áp và độc tài. Chống độc tài thì tất nhiên chống lại mọi biểu tượng của nó.
Vì vậy, hành động xịt sơn lên lá cờ là để biểu đạt thái độ của cô chống lại biểu tượng đó, chống lại sự cai trị độc đoán của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam.
Ngược lại, với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, Huỳnh Thục Vy lại công khai ủng hộ và bày tỏ tình cảm đối với lá cờ này. Cô may áo dài, áo khoác, cà vạt với biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ, trực tiếp sử dụng và để bán với mục đích vượt ra khỏi việc kinh doanh thông thường.
Có người cho rằng, Huỳnh Thục Vy dại dột, sai lầm. Không thể nói cô dại dột, sai lầm khi việc cô làm có chủ ý, có tính toán và lường trước được việc xảy ra. Nói dại dột hay sai lầm thì phải có đại lượng so sánh, vì với mỗi người có quan điểm, bản lĩnh hoặc khôn dại khác nhau. Đánh giá một việc làm dại dột,sai lầm cần phải so sánh với mục đích của nó. Ví dụ, với người chỉ biết lo an toàn cho bản thân thì đó là sự dại dột, nhưng với người can đảm và có mục đích rõ ràng thì không thể nói là sai lầm hay dại dột.
Với Huỳnh Thục Vy, mỗi công việc cần nhắm đến không chỉ một, mà hai, ba mục tiêu. Ở đây, ngoài biểu thị thái độ đối với lá cờ, cô còn muốn thức tỉnh người dân không phải sợ hãi về những biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam. Huỳnh Thục Vy đã tự nhận lấy sứ mạng phải hạ bệ biểu tượng ấy. Cô cho rằng : "Nếu có anh chị em nào nghĩ rằng tôi dại dột vì chạm đến vụ cờ quạt để dẫn đến việc bị truy tố thì quả thật anh chị em đã coi thường mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do và nhân quyền của tôi trong 10 năm nay".
*
Sau khi Huỳnh Thục Vy bị khởi tố, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho cô. Bà Clare Algar, Giám đốc phụ trách điều phối toàn cầu của tổ chức này nói : "Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho nhân quyền ở Việt Nam".
Một số bài viết phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi biểu đạt của Huỳnh Thục Vy. Có ý kiến cho rằng, muốn xử Huỳnh Thục Vy theo điều 276 cần phải có chứng lý cụ thể chứ không thể phán xét một cách tùy tiện, mơ hồ. Có ý kiến cho rằng, hành vi của Huỳnh Thục Vy phù hợp với quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế. Trong một bài viết, sau khi phân tích, tác giả Phạm Lê Vương Các cho rằng "việc các quốc gia đặt ra các luật về tội "không tôn trọng cờ và các biểu tượng" là không phù hợp với điều 19 của Công ước về quyền tự do biểu đạt" và xác định "hành vi của Huỳnh Thục Vy là không có tội. Điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội "xúc phạm quốc kỳ" là không phù hợp với khoản 2, điều 19 của ICCPR (Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị về quyền tự do biểu đạt). Việc hình sự hóa hành vi xúc phạm quốc kỳ của Việt Nam đã vượt quá phạm vi cho phép của khoản 3, điều 19, ICCPR".
*
Huỳnh Thục Vy là một thành viên trong gia đình có tới 3 người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Cha cô, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn từng bị kết án 10 năm tù vào năm 1992 vì những bài viết kêu gọi tự do, dân chủ. Năm 2012, hai cha con cô được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett (sau đó, em trai cô là Huỳnh Trọng Hiếu trên đường đi Mỹ để nhận giải thay cho cha và chị thì bị chặn xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu). Năm 2011, gia đình cô bị phạt hành chính trên 260 triệu đồng với hành vi được cho là làm ra, tán phát, tàng trữ tài liệu có nội dung chống chính quyền.
Huỳnh Thục Vy tham gia sáng lập Hội Phụ nữ nhân quyền. Cô là tác giả cuốn sách "Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền" với nội dung tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Huỳnh Thục Vy được biết đến như một blogger có quan điểm đấu tranh hết sức thẳng thắn, rõ ràng và dứt khoát. Sự việc xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng cho ta thấy Huỳnh Thục Vy đã chủ động tạo ra sự kiện, chủ động đưa thông tin lên mạng còn công an, viện kiểm sát và tòa án thì chạy theo sự kiện ấy để... giải quyết. Sự kiện này làm ta liên tưởng đến việc Lê Anh Hùng cũng từng chủ động tạo ra sự kiện để công an bắt vào ngày 5/7/2018 và sau đó khởi tố anh về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ"... Đây là hành động của những con người dũng cảm và bản lĩnh, biết rõ những gì sẽ xảy ra đối với mình từ hành vi cụ thể ấy, chấp nhận nó để nhằm vào một chủ đích có tính toán.
Kết
Bài viết gọi là lá cờ đỏ sao vàng chứ không gọi là quốc kỳ vì người viết đồng ý với quan điểm của Huỳnh Thục Vy. Quan điểm về lá cờ này không phải chờ đến Huỳnh Thục Vy mới được đặt ra. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời kỳ 2011, 2012 cũng đỏ rực màu cờ và rất nhiều ảnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Cùng với lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng là biểu tượng của chế độ. Tuy nhiên, sau đó những hình ảnh này đã vắng hẳn, thay vào đấy là các biểu tượng phản ảnh của cuộc biểu tình với những khẩu hiệu với các gam màu khác như xanh, vàng...
Ngay cả những cuộc biểu tình của dân oan họ cũng không còn đem theo cờ quạt mà chỉ là những biểu ngữ đòi những gì bị cướp. Như vậy, vấn đề biểu tượng của chế độ, những người đấu tranh đã nhận thức được từ lâu. Còn hành động của Huỳnh Thục Vy là mang tính đột phá, tạo ra một bước ngoặt. Thay bằng thông điệp chúng tôi không sử dụng nó thì thông điệp của Huỳnh Thục Vy là không thừa nhận và phế bỏ nó.
Huỳnh Thục Vy đang bình thản đối mặt những gì xảy ra đối với cô trong phiên tòa ngày 22/11 tới. Sự bình thản đến lỳ lạ ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Nhưng tin chắc rằng, cái giá mà mình cô phải trả sẽ đổi lấy cái lớn hơn nhiều cho đất nước và dân tộc này, mà cụ thể ở đây là người dân sẽ bớt sợ hãi những gì là biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam mà họ áp đặt và bắt người khác tôn sùng.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 20/11/2018
Ngày 22/11/2018 tới đây, tòa án thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đưa Huỳnh Thục Vy ra xét xử với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 BLHS 1999 (điều luật tương ứng là Điều 351 BLHS 2015).
Nhận định sự thật - Tự do và nhân quyền, sách tiểu luận Huỳnh Thục Vy - Ảnh minh họa
Trước hết, xin hệ thống lại những diễn biến xung quanh sự kiện này :
- Ngày 1/9/2017, Huỳnh Thục Vy xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng, cô chụp hình và chủ động đưa lên mạng.
- Ngày 13/10/17, công an thị xã Buôn Hồ đưa giấy triệu tập thứ nhất về sự việc này và tới ngày 20/6/2018 triệu tập lần thứ 4. Thái độ của Huỳnh Thục Vy là không có việc gì phải đi gặp dù triệu tập bao nhiêu lần đi nữa. Theo cô thì không có việc gì cần đối thoại với công an. Cô cho biết chưa bao giờ có tham vọng đối thoại để tìm được sự đồng thuận nào với họ, cũng chẳng hy vọng khai mở đầu óc cho họ và cô chấp nhận đi tù nếu nhà cầm quyền muốn. Bốn lần khước từ lệnh triệu tập dẫn đến việc cưỡng bức cô vào ngày 9/8/2018.
- Ngày 9/8/2018, khoảng ba chục công an, danh nghĩa là công an thị xã Buôn Hồ nhưng có cả công an Bộ tham gia, khám xét nhà Huỳnh Thục Vy rồi bắt cô về đồn. Tại đây, Vy xác nhận chính cô là người xịt sơn lên lá cờ, công an khỏi phải mất công điều tra, xét hỏi.
Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra Tx Buôn Hồ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đến 9/10 (1 tháng) đồng thời ra ra quyết định khởi tố bị can và được Viện Kiểm sat nhân dân phê chuẩn cùng ngày.
Sau 15 giờ bắt giữ, công an thả Huỳnh Thục Vy ra, sau khi đã giao các lệnh và quyết định nói trên.
- Ngày 2/11/2018 Tòa án Thị xã Buôn Hồ ký lệnh cấm Huỳnh Thục Vy đi khỏi nơi cư trú từ 6/11 đến 1/12/2018.
- Ngày 8/11 Tòa án Tx Buôn Hồ quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 7g30’ ngày 22/11/2018.
Kê ra chuỗi sự việc này để thể thấy Huỳnh Thục Vy là người chủ động tạo ra sự kiện và bình thản đối mặt với mọi hậu quả sẽ xảy ra.
***
Bày tỏ về quan điểm đối với lá cờ đỏ sao vàng, Huỳnh Thục Vy cho rằng nó là một biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức ngồi lên đầu 90 triệu người dân Việt Nam, là sự độc tài, độc đoán phi dân chủ, phản nhân dân. Cờ đỏ là biểu trưng cho sự đàn áp và độc tài. Chống độc tài thì tất nhiên chống lại mọi biểu tượng của nó.
Vì vậy, hành động xịt sơn lên lá cờ là để biểu đạt thái độ của cô chống lại biểu tượng đó, chống lại sự cai trị độc đoán của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt nam.
Ngược lại, với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, Huỳnh Thục Vy lại công khai ủng hộ và bày tỏ tình cảm đối với lá cờ này. Cô may áo dài, áo khoác, cà vạt với biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ, trực tiếp sử dụng và để bán với mục đích vượt ra khỏi việc kinh doanh thông thường.
Có người cho rằng, Huỳnh Thục Vy dại dột, sai lầm. Không thể nói cô dại dột, sai lầm khi việc cô làm có chủ ý, có tính toán và lường trước được việc xảy ra. Nói dại dột hay sai lầm thì phải có đại lượng so sánh, vì với mỗi người có quan điểm, bản lĩnh hoặc khôn dại khác nhau. Đánh giá một việc làm dại dột, sai lầm cần phải so sánh với mục đích của nó. Ví dụ, với người chỉ biết lo an toàn cho bản thân thì đó là sự dại dột, nhưng với người can đảm và có mục đích rõ ràng thì không thể nói là sai lầm hay dại dột.
Với Huỳnh Thục Vy, mỗi công việc cần nhắm đến không chỉ một, mà hai, ba mục tiêu. Ở đây, ngoài biểu thị thái độ đối với lá cờ, cô còn muốn thức tỉnh người dân không phải sợ hãi về những biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam. Huỳnh Thục Vy đã tự nhận lấy sứ mạng phải hạ bệ biểu tượng ấy. Cô cho rằng : "Nếu có anh chị em nào nghĩ rằng tôi dại dột vì chạm đến vụ cờ quạt để dẫn đến việc bị truy tố thì quả thật anh chị em đã coi thường mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do và nhân quyền của tôi trong 10 năm nay".
***
Sau khi Huỳnh Thục Vy bị khởi tố, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho cô. Bà Clare Algar, Giám đốc phụ trách điều phối toàn cầu của tổ chức này nói : "Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho nhân quyền ở Việt Nam"
Một số bài viết phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi biểu đạt của Huỳnh Thục Vy. Có ý kiến cho rằng, muốn xử Huỳnh Thục Vy theo điều 276 cần phải có chứng lý cụ thể chứ không thể phán xét một cách tùy tiện, mơ hồ. Có ý kiến cho rằng, hành vi của Huỳnh Thục Vy phù hợp với quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế.
Trong một bài viết, sau khi phân tích, tác giả Phạm Lê Vương Các cho rằng "việc các quốc gia đặt ra các luật về tội "không tôn trọng cờ và các biểu tượng" là không phù hợp với điều 19 của Công ước về quyền tự do biểu đạt" và xác định "hành vi của Huỳnh Thục Vy là không có tội. Điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội "xúc phạm quốc kỳ" là không phù hợp với khoản 2, điều 19 của ICCPR (Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị về quyền tự do biểu đạt). Việc hình sự hoá hành vi xúc phạm quốc kỳ của Việt Nam đã vượt quá phạm vi cho phép của khoản 3, điều 19, ICCPR".
Bạn đọc có thể đọc bài viết TẠI ĐÂY
***
Huỳnh Thục Vy là một thành viên trong gia đình có tới 3 người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Cha cô, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn từng bị kết án 10 năm tù vào năm 1992 vì những bài viết kêu gọi tự do, dân chủ. Năm 2012, hai cha con cô được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett (sau đó, em trai cô là Huỳnh Trọng Hiếu trên đường đi Mỹ để nhận giải thay cho cha và chị thì bị chặn xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu). Năm 2011, gia đình cô bị phạt hành chính trên 260 triệu đồng với hành vi được cho là làm ra, tán phát, tàng trữ tài liệu có nội dung chống chính quyền.
Huỳnh Thục Vy tham gia sáng lập Hội Phụ nữ nhân quyền. Cô là tác giả cuốn sách "Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền" với nội dung tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Huỳnh Thục Vy được biết đến như một blogger có quan điểm đấu tranh hết sức thẳng thắn, rõ ràng và dứt khoát. Sự việc xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng cho ta thấy Huỳnh Thục Vy đã chủ động tạo ra sự kiện, chủ động đưa thông tin lên mạng còn công an, viện kiểm sát và tòa án thì chạy theo sự kiện ấy để... giải quyết. Sự kiện này làm ta liên tưởng đến việc Lê Anh Hùng cũng từng chủ động tạo ra sự kiện để công an bắt vào ngày 5/7/2018 và sau đó khởi tố anh về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ"... Đây là hành động của những con người dũng cảm và bản lĩnh, biết rõ những gì sẽ xảy ra đối với mình từ hành vi cụ thể ấy, chấp nhận nó để nhằm vào một chủ đích có tính toán.
Kết
Bài viết gọi là lá cờ đỏ sao vàng chứ không gọi là quốc kỳ vì người viết đồng ý với quan điểm của Huỳnh Thục Vy. Quan điểm về lá cờ này không phải chờ đến Huỳnh Thục Vy mới được đặt ra. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời kỳ 2011, 2012 cũng đỏ rực màu cờ và rất nhiều ảnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Cùng với lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng là biểu tượng của chế độ. Tuy nhiên, sau đó những hình ảnh này đã vắng hẳn, thay vào đấy là các biểu tượng phản ảnh của cuộc biểu tình với những khẩu hiệu với các gam màu khác như xanh, vàng... Ngay cả những cuộc biểu tình của dân oan họ cũng không còn đem theo cờ quạt mà chỉ là những biểu ngữ đòi những gì bị cướp. Như vậy, vấn đề biểu tượng của chế độ, những người đấu tranh đã nhận thức được từ lâu. Còn hành động của Huỳnh Thục Vy là mang tính đột phá, tạo ra một bước ngoặt. Thay bằng thông điệp chúng tôi không sử dụng nó thì thông điệp của Huỳnh Thục Vy là không thừa nhận và phế bỏ nó.
Huỳnh Thục Vy đang bình thản đối mặt những gì xảy ra đối với cô trong phiên tòa ngày 22/11 tới. Sự bình thản đến kỳ lạ ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Nhưng tin chắc rằng, cái giá mà mình cô phải trả sẽ đổi lấy cái lớn hơn nhiều cho đất nước và dân tộc này, mà cụ thể ở đây là người dân sẽ bớt sợ hãi những gì là biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam mà họ áp đặt và bắt người khác tôn sùng.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 18/11/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Blogger, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy tâm tình với BBC về cuộc sống và công việc buôn bán cà phê ở Buôn Hồ trước ngày ra tòa hôm 22/11.
Nữ blogger cho biết bây giờ bà mưu sinh nhờ bán cà phê sạch qua mạng
Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk dự kiến xử sơ thẩm bà Thục Vy về cáo buộc tội "Xúc phạm quốc kỳ" theo Điều 276 Bộ luật Hình sự 1999.
Bà Thục Vy được biết đến như người sáng lập tổ chức Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, với mục tiêu cổ vũ các giá trị của nhân quyền và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là nữ giới.
Thông cáo do tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty) phát đi hồi tháng 8/2018 viết : "Thông qua hoạt động và viết blog ủng hộ quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số và nhân quyền nói chung, bà Huỳnh Thúc Vy đã làm việc không mệt mỏi để vạch trần các hành vi vi phạm. Vì điều này, bà và gia đình đã phải hứng chịu sự giám sát, đe dọa và quấy rối không ngừng".
Bà thường xuyên viết blog về các vụ đàn áp nhân quyền bao gồm cả những vụ đàn áp nhắm tới các sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Bà hiện đang sinh sống cùng chồng và con gái 25 tháng tuổi tại làng Hà Lan A ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Hôm 12/11, bà Thục Vy nói với BBC : "Từ khi có con nhỏ, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc con nên công việc chung có xao nhãng đôi phần, việc viết lách không còn đều đặn như trước".
"Tuy vậy, trong lòng tôi, khao khát được sống có ích càng cháy bỏng hơn. Vì giờ mình đã có con, những việc mình làm không chỉ cho chính bản thân mình, bạn bè và cộng đồng nữa, mà còn cho một con người bé bỏng mang huyết thống của mình".
"Tôi nhận thấy công việc và cuộc sống của mình không những mang lại lợi-hại cho con mà còn là tấm gương cho con trưởng thành".
"Có nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến khi hai, ba tuổi, tôi mới thấu hiểu rằng để một con người được sinh ra và lớn lên tốn rất nhiều tâm huyết và công lao của cha mẹ, bà con và xã hội".
"Bởi vậy, nếu một người lớn lên không làm được điều gì to lớn hơn bản thân mình thì thật bội ơn những gì mình được nhận hưởng".
"Lý tưởng về nhà nước pháp trị, xã hội tự do dân chủ của tôi cũng chỉ bắt nguồn từ nhận thức : Muốn sống có ích, muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng, thứ lợi ích thiết thực nhưng lâu bền và mang tính gốc rễ chứ không chỉ có lợi ích vật chất".
Blogger Huỳnh Thục Vy và con gái 25 tháng tuổi
BBC : Trải nghiệm đặc biệtcủa một người vốn quen với cuộc sống ở thành phố nay sống ở buôn làng là gì ?
Huỳnh Thục Vy : Làng Hà Lan A ở Buôn Hồ trong mắt những người chưa từng đặt chân đến là một làng quê vùng rừng núi. Nhưng không phải, theo hiểu biết của tôi, đây là một giáo xứ Công giáo do ông Ngô Đình Diệm khai mở từ 1954, một vùng đất đai trù phú.
Hiện tại, tôi có cảm nhận, mức sống và trình độ dân trí của người dân trong làng Hà Lan A này cao hơn hẳn mức trung bình trong cả nước. Theo tôi, đó là nhờ : Ông bà tổ tiên người Công giáo tỵ nạn Cộng sản ; cuộc sống của người dân chỉ phụ thuộc vào việc sản xuất cây công nghiệp (hồ tiêu, cà phê) nên họ khá độc lập về kinh tế, không quá sợ hãi chính quyền ; con cái họ sinh ra, lớn lên coi trọng việc buôn bán và nông nghiệp, không trông mong vào làm công chức trong hệ thống chính quyền.
Có lẽ nhờ những yếu tố đó nên nhận thức của họ độc lập hơn và phi Cộng sản. Đa phần người trong làng có smartphone để truy cập Internet.
BBC : Có phải một trong những thử thách đáng kể nhất với nhà hoạt động ở Việt Nam là việc mưu sinh khi mà công chuyện làm ăn, kiếm tiền của họ thường bị làm khó dễ ? Bà vượt qua thử thách này thế nào ?
Huỳnh Thục Vy : Đúng vậy, đó là thử thách khá lớn. Việc tôi mở kho chứa hàng và trưng bảng hiệu của công ty cà phê AmaRin Coffee của mình ở Sài Gòn từng bị công an gây khó dễ. Họ bắt tôi phải dỡ bảng hiệu công ty xuống. Việc thuê nhà ở của vợ chồng tôi và các em tôi ở Sài Gòn nhiều lần không ổn vì công an gây áp lực cho các chủ nhà trọ.
Họ canh giữ chặt chẽ vào các cuối tuần không cho em trai tôi đi giao hàng cho khách, thậm chí còn nhiều lần đến đập phá chỗ trọ của em tôi. Những sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày và thử thách trong việc mưu sinh đã buộc em trai tôi phải sang Thái Lan xin tỵ nạn. Còn vợ chồng tôi về quê chồng (Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống và thay vì bán hàng cà phê sạch có mặt bằng trưng bày thì tôi bán hàng qua mạng. Cuộc sống của vợ chồng tôi đến nay tạm ổn trong sự ủng hộ và bao bọc của bà con giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A. Nhưng dường như chính quyền lại muốn bứng tôi ra khỏi mảnh đất lành này, khỏi Tây nguyên, nơi có những người giáo dân ủng hộ tôi và có các anh chị em người Thượng cần Thục Vy làm tiếng nói cho họ.
BBC : Bà trù liệu khả năng phiên tòa ngày 22/11 sẽ kết thúc thế nào và nếu đó là một bản án tù giam thì sao ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi tin rằng mục đích của chính quyền và công an Đăk Lăk là dùng thủ tục tố tụng và phán quyết của vụ án này để : Đe dọa người dân nơi tôi đang sinh sống. Người dân ở đây yêu mến và ủng hộ tôi. Họ nhìn thấy người dân bảo vệ tôi trong buổi biểu tình chống luật Đặc khu ngày 10/6/2018 nên họ lo sợ đó sẽ là tiền lệ bất lợi cho họ trong thời gian tới ; kiềm chân tôi để ngắt các liên kết của tôi với bạn bè người sắc tộc Tây nguyên bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ; dùng bản án để áp lực tinh thần gia đình tôi nhằm thúc giục tôi đưa ra lựa chọn rời khỏi Việt Nam.
Chắc họ nghĩ rằng một bản án tù giam 3 năm là vừa đủ để các mục đích trên của họ được thành đạt. Bản án giam tối đa 3 năm đủ nhẹ để không gây tiếng tăm trong cộng đồng quốc tế, họ không thích có một trường hợp Mẹ Nấm thứ hai nữa. Và bản án giam cũng đủ nặng để áp lực tôi bỏ nước ra đi trong thời gian việc thi hành án bị tạm hoãn vì tôi có con nhỏ dưới 3 tuổi. Họ nghĩ rằng thời gian một năm sắp tới bị kiềm chân ở nhà bằng lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú, và chờ con nhỏ đủ 3 tuổi để bị tống giam, tôi sẽ tìm cách bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Người bào chữa cho tôi trong phiên tòa sắp tới, Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho tôi nhiều sự ủng hộ về tinh thần hơn là lời khuyên pháp lý cụ thể vì tôi đã có những chủ kiến riêng của mình trong vụ án này.
Huỳnh Thục Vy và luật sư Lê Công Định, người cùng bị đưa ra xét xử với ông Trần Huỳnh Duy Thức hồi năm 2010
BBC : Được biết bà từng viết trên trang cá nhân : "Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói : Anh ơi, đồng ý ra đi đi..". Bà có bình luận gì về lựa chọn đi hay ở lại của người tù là nhà hoạt động/giới bất đồng ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi tin rằng, một người tài giỏi như Trần Huỳnh Duy Thức nếu chọn ra khỏi Việt Nam thì ông sẽ vẫn có những vận động hữu ích cho đất nước. Nhưng tôi cũng vô cùng trân quý nhiệt huyết của ông muốn làm ngọn đuốc giữ ấm mãi tinh thần người đấu tranh trong nước và rọi sáng góc tối tăm Việt Nam cho cộng đồng quốc tế thấy rõ.
Bằng tình cảm chân thật bình thường, tôi ủng hộ ông ấy ra đi, bằng lý trí xét đoán lợi hại trong công cuộc chung, tôi muốn ông ở lại Việt Nam.
BBC : Theo bà dự đoán, tình hình của giới hoạt động tại Việt Nam sẽ thế nào sau ngày 1/1/2019, khi luật An ninh mạng có hiệu lực ?
Huỳnh Thục Vy : Theo tìm hiểu của tôi, từ nửa năm nay, dù luật An ninh chưa có hiệu lực, nhiều facebooker đã bị vô hiệu hóa tài khoản hoặc bị gỡ post Facebook.
Tuy không là người bi quan nhưng tôi tin rằng tình trạng bóp nghẹn tự do ngôn luật sẽ còn tồi tệ hơn trong vài tháng tới. Một loạt các nhà bất đồng chính kiến đã bị tống giam sau 2/9/2018 vì bị nghi ngờ tổ chức biểu tình chống Nhà nước. Đến giờ, thân nhân của họ và công luận vẫn chưa biết an nguy của họ giờ ra sao. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể sẽ ngày càng tệ hơn nên giới hoạt động buộc phải có những giai đoạn "nín thở qua sông" để bảo toàn lực lượng.
BBC : Trong hành trình vận động cho quyền con người tại Việt Nam 10 năm qua, bà tự hào mình đã làm được những gì và còn tiếc vì điều gì chưa làm được ?
Huỳnh Thục Vy : Tôi nghĩ rằng, so với nhiều nhân vật trong giới đấu tranh khác, những việc tôi làm được không bằng một nửa. Nhưng tôi có may mắn được nhiều anh chị em tiếp sức, trợ giúp nên công việc khá trôi chảy. Tôi tiếc là mình chưa có đủ sức khỏe và sự trưởng thành về tinh thần đủ để hoạt động năng nổ hơn và liên kết với những anh chị em trong nước nhiều hơn nữa trong các hoạt động chung.
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 12/11/2018
Câu chuyện về Huỳnh Thục Vy nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Huỳnh Thục Vy : "Tôi đã chuẩn bị tất cả" (CaliToday, 10/08/2018)
7 giờ sáng ngày 9/8, một lực lượng vũ trang gồm khoảng 30 người, gồm công an phường, xã, tỉnh và cả công an của bộ đã ập vào nhà áp giải cô Huỳnh Thục Vy (địa chỉ tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Những người này đã đọc lệnh khám xét khẩn cấp, tịch thu các thiết bị điện tử, như : điện thoại, laptop, máy ảnh, băng đĩa nhạc, sách…Điều đáng nói hơn, tất cả việc bắt bớ, trấn áp đó đều diễn ra trước mắt của bé Katie (mới 22 tháng tuổi), con gái của cô Huỳnh Thục Vy.
Huỳnh Thục Vy và con gái của mình. Ảnh : Facebook
Đến khoảng hơn 22 giờ tối cùng ngày, cô Vy đã được trả về nhà. Cùng với đó là lệnh khởi tố vì hành vi "Xúc phạm quốc kỳ". Cô bị cấm rời khỏi nơi cư trú và cấm xuất cảnh.
Việc bắt giữ người phụ nữ có con nhỏ này đã thực sự gây chấn động dư luận. Ngay sau đó, tin tức này ngay lập tức được rất nhiều người loan tin như một cách phản đối việc bắt giữ vô phép.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nga lập tức đã có phản ứng, họ yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho cô Huỳnh Thục Vy. Bà Clare Algar, Giám đốc phụ trách điều phối toàn cầu của tổ chức này nói :
"Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho nhân quyền ở Việt Nam.
Thông qua các hoạt động xã hội và viết blog nhằm ủng hộ quyền của phụ nữ, các sắc dân thiểu số và nhân quyền nói chung, Huỳnh Thục Vy đã làm việc không ngưng nghỉ để phát giác các vụ đàn áp nhân quyền và buộc những người quyền thế phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cô và gia đình của mình đã chịu sự giám sát, đe dọa và sách nhiễu liên tục của các cấp chính quyền.
Chúng tôi hối thúc chính quyền tỉnh Đắk Lắk trả tự do cho Huỳnh Thục Vy ngay lập tức và vô điều kiện, và kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt việc đàn áp có hệ thống nhắm tới các hoạt động xã hội ôn hòa".
Có thể do áp lực xã hội tăng cao nên 22 giờ tối cùng ngày, cô Huỳnh Thục Vy đã được trả tự do. Trong một đoạn trao đổi ngắn với báo Cali Today, Huỳnh Thục Vy cho biết cô đã chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất.
Vy cho biết, trong suốt quá trình làm việc phía công an liên tục tra hỏi cô về việc xịt sơn lên lá cờ, điều mà cô đã làm từ hồi tháng 11/2017. Cũng chính vì điều này mà Vy liên tục bị công an gởi giấy triệu tập đến 5 lần. Tuy nhiên, Vy khảng khái từ chối không chấp nhận lên làm việc, vì với cô, không có việc gì phải làm việc với công an cộng sản Việt Nam.
Tại nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới không có tội "xúc phạm quốc kỳ". Vì ở những quốc gia văn mình này, hành vi được cho là "xúc phạm hay phỉ báng" chỉ là quyền biểu đạt của người dân. Tuy nhiên, với chế độ độc tài cộng sản Việt Nam việc xúc phạm quốc kỳ có thể sẽ phải bị ngồi tù với thời gian lên đến 3 năm.
"Tôi luôn muốn khẳng định hành vi với lá cờ nó nằm trong quyền tự do biểu đạt mà luật quốc tế công nhận. Tôi xịt sơn lên cờ để nó không còn là thứ gì đó linh thiêng như bùa chú nữa, điều mà đảng cộng sản luôn muốn áp đặt", Huỳnh Thục Vy cho biết.
Cho đến nay vẫn chưa rõ ý đồ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc "khai quật" sự việc đã xảy ra từ hơn 9 tháng qua đối với Huỳnh Thục Vy để làm gì. Vì theo Vy cho biết, không chỉ công an thị xã Buôn Hồ, công an tỉnh Đắk Lắk, mà còn có cả công an của bộ đến bắt giải cô. Công an tỉnh chỉ làm theo chỉ thị từ bộ trong vụ bắt giữ này.
"Tạm thời tôi không biết họ chủ mưu gì, nhưng là mưu gì thì tôi cũng đối mặt được", Huỳnh Thục Vy khảng khái cho biết.
Từ lâu nay, Huỳnh Thục Vy vẫn thường xuyên tiếp xúc với những người Thượng ở Tây Nguyên, giúp đỡ họ cất lên tiếng nói đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dập tắt. Theo cô, việc cấm rời khỏi nơi cư trú là nhằm bắt buộc cô phải chôn chân ở nhà, không được tiếp tục tiếp xúc với người Thượng ở Tây Nguyên, theo đuổi công việc mà cô đang làm. Và, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Luật đặc khu đang được chính quyền cộng sản Việt Nam muốn Quốc hội thông qua, việc cấm rời khỏi nơi cư trú là nhằm không cho phép cô được đi biểu tình.
Trong khi đó, theo giới quan sát chính trị tại Việt Nam, một số người cho rằng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang muốn biến Huỳnh Thục Vy trở thành món hàng để trao đổi với Đức và Châu Âu, khi mà việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho mối bang giao giữa Đức và Âu Châu với Việt Nam trở nên vô cùng căng thẳng. Có thêm "món hàng" Huỳnh Thục Vy, phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ được thêm sức mạnh trên bàn đàm phán nhằm làm ấm lại mối bang giao.
Huỳnh Thục Vy (sinh năm 1985) là một blogger bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Cô rất kiên định trên con đường của mình. Ngoài việc viết blog, cô còn là người sáng lập Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam. Chính từ những hoạt động của cô đã khiến cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi như một cái gai trong mắt họ.
Blogger Huỳnh Thục Vy bị khởi tố với cáo buộc xịt sơn lên cờ đỏ (CaliToday, 10/08/2018)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 9/8/2018, đã ký quyết định khởi tố bị can, ra lệnh "cấm khỏi nơi cư trú" và quyết định "tạm hoãn xuất cảnh" đối với Blogger Huỳnh Thục Vy (SN 20/11/1985. Cư trú tại : Tổ dân phố Hợp Thành, Phường Thống Nhất, Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) vì lý do có hành vi xúc phạm cờ đỏ…
Blogger Huỳnh Thục Vy xác nhận xịt sơn trắng lên mặt cờ đỏ (ảnh ; Facebook Huỳnh Thục Vy)
Vào sáng ngày 9/8/2018, lực lượng Công an Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ ập vào nhà Blogger Huỳnh Thục Vy để thực hiện việc khám xét nhà, tịch thu tài sản và bắt giải bà Vy về trụ sở công an làm việc.
Tại trụ sở công an. Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thị xã Buôn Hồ đã ra Quyết định số : 52 về việc khởi tố bị can đối với bà Vy vì đã có hành vi xúc phạm cờ đỏ mà theo chế độ Việt Nam hiện tại đây là quốc kỳ, quy định tại Điều 276 Bộ luật hình sự 1999. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thị xã Buôn Hồ còn ra lệnh "cấm đi khỏi nơi cư trú" và Quyết định "Tạm hoãn xuất cảnh" đối với bà Vy kể từ ngày 9/8/2018 đến ngày 9/10/2018.
Đồng thời trong cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát Thị xã Buôn Hồ ký quyết định số : 52/QĐ-VKSBH về việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thị xã Buôn Hồ đối với bà Vy.
Sau gần một ngày làm việc với phía Cơ quan Công an, gần khuya ngày 9/8 bà Vy được thả về nhà. Bà Vy thuộc diện được tại ngoại hầu tra vì căn cứ vào Khoản 4 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp :
1.a. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã ;
2.b.Tiếp tục phạm tội ;
3.c. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật ; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án ; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này ;
4.d. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia".
Ngoài ra, trong quá trình xét xử, bị can, bị cáo để được tại ngoại, bị can bị cáo phải được "bảo lãnh" hoặc "đặt tiền để bảo đảm" khi đáp ứng các điều kiện cụ thể của pháp luật".
Huỳnh Thục Vy, tác giả của cuốn sách Huỳnh Thục Vy – Nhận định sự thật tự do và nhân quyền (ảnh : Facebook Huỳnh Thục Vy- các trang mạng)
Như vậy, Blogger Huỳnh Thục Vy vào thời điểm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thị xã Buôn Hồ khởi tố bị can thuộc diện đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (con của bà Vy hiện mới 22 tháng tuổi).
Ngoài ra theo Điều 276 bộ luật hình sự năm 1999 về tội "xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy" thì người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Blogger Huỳnh Thục Vy cho biết việc Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thị xã Buôn Hồ cáo buộc bà tội "xúc phạm quốc kỳ" vì họ căn cứ vào lời thừa nhận của bà là vào năm 2017 bà đã xịt sơn trắng lên mặt cờ đỏ. Trong một chia sẻ với đài RFA, bà Vy cho rằng việc bà xịt sơn trắng lên mặt cờ đỏ là nhằm biểu đạt quan điểm cho rằng đây là "cờ máu", nó biểu tường của sự độc tài, độc đoán, phi dân chủ, phản dân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên bà chống. Theo bà Vy, việc làm này của bà là một phần của quyền tự do biểu đạt của công dân theo luật quốc tế.
Cũng liên quan đến hành động xịt sơn lên cờ đỏ mà Blogger Hùynh Thục Vy nhiều lần bị cơ quan công an gửi giấy triệu tập lên trụ sở làm việc nhưng đều bị bà bất tuân dân sự.
Blogger Huỳnh Thục Vy là một người hoạt động dân chủ, nhân quyền rất tích cực ở Việt Nam. Bà Vy đồng thời là một trong những thành viên sáng lập ra tổ chức dân sự mang tên "Hội Phụ nữ nhân quyền" để bênh vực quyền lợi của người Phụ nữ ở Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bà Vy là con của nhà văn bất đồng chính kiến khá nổi tiếng là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và là chị ruột của nhà hoạt động Huỳnh Trọng Hiếu. Vợ của ông Tuấn hiện tại, trước đây là một giáo viên cũng khá tích cực đấu tranh chống tiêu cực học đường. Có thể nói đây là một gia đình có tinh thần đấu tranh quyết liệt, vì sự tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
Năm 2012, Blogger Huỳnh Thục Vy cùng với nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giảiHellman/Hammett để "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị".
Blogger Huỳnh Thục Vy là tác giả của cuốn sách "Huỳnh Thục Vy – Nhận định sự thật tự do và nhân quyền" tổng hợp những bài viết phê bình những chính sách của chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam do nhà xuất bản Việt Thức in tại Hoa Kỳ và xuất bản vào tháng 6/2015.
Quê Hương