Việt Nam phá đường dây đẻ thuê xuyên quốc gia của người Trung Quốc (VOA, 04/01/2019)
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá một đường dây mang thai hộ trái pháp luật và hoạt động xuyên quốc gia do một công dân Trung Quốc tổ chức.
Đường dây do một người Trung Quốc tổ chức đã đưa một số phụ nữ người Việt sang Campuchia cấy thai và bị phát hiện khi một trong những phụ nữ được thuê mang thai hộ trình báo công an.
Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/1 cho biết công an đã bắt tạm giam Cai Gou Lin, quốc tịch Trung Quốc, cùng ba phụ nữ Việt Nam để điều tra về tội "tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" theo điều 187 Bộ luật Hình sự 2015.
Đường dây này được cho là đã đưa một số phụ nữ người Việt sang Campuchia cấy thai và bị phát hiện khi một trong những phụ nữ được thuê mang thai hộ trình báo công an.
Theo điều tra ban đầu, Cai Guo Lin đến Việt Nam vào đầu tháng 9/2018. Người đàn ông 53 tuổi này đến phòng khám có tên Thiên Hòa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, gặp bác sĩ người Trung Quốc tên Apo và được bác sĩ này giới thiệu Hoàng Thị Thu Trang, 26 tuổi, y tá Phòng khám Thiên Hòa, làm người phiên dịch.
Vẫn theo trang điện tử của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Guo Lin nói cho Trang biết mục đích sang Việt Nam là để tìm người mang thai hộ bằng biện pháp cấy phôi thai. Người đàn ông Trung Quốc này sau đó thuê nữ y tá quê ở Đắc Lắk tìm người có nhu cầu mang thai hộ cũng như làm phiên dịch. Mỗi lần môi giới thành công, Trang sẽ được trả 5 triệu đồng.
Trang sau đó tiếp cận một phụ nữ bán báo dạo trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, có tên Triệu Thị Hằng, để giúp "tìm nguồn hàng". Vào tháng 9/2018, người phụ nữ 40 tuổi quê Thanh Hóa giới thiệu thành công một phụ nữ để Gou Lin đưa sang Campuchia. Hằng nhận được 100 triệu đồng tiền công và chia lại cho người phụ nữ mang thai hộ, có tên N.T.T, 50 triệu đồng, theo Sài Gòn Giải Phóng.
Đến tháng 11/2018, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Mai Anh (23 tuổi quê Nam Định), qua Trang và Hằng, giới thiệu cho Gou Lin sáu phụ nữ mang thai hộ.
Hằng, Trang và Mai Anh đưa sáu phụ nữ này tới Thành phố Hồ Chí Minh để gặp Gou Lin trước khi được đưa sang Campuchia để cấy thai.
Một trong số sáu phụ nữ đó, do lo sợ bị lừa bán sang Trung Quốc, đã gọi điện kêu cứu và yêu cấu gia đình báo cho Công an. Nhờ đó, lực lượng Công an đã lần ra đường dây và bắt giữ bốn đối tượng tại một khách sạn ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ba phụ nữ cùng bị bắt với Gou Lin là Trang, Hằng và Mai Anh.
Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực từ 1/1/2015. Sử dụng việc mang thai hộ nhằm mục đích thương mại được coi là hành vi phạm pháp và có thể nhận mức án lên tới 5 năm tù giam, theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
********************
Trung Quốc mua doanh nghiệp Việt để mượn danh bán hàng sang Mỹ (Người Việt, 03/01/2019)
Nhiều người môi giới và doanh nghiệp có liên quan đến Trung Quốc đang ráo riết lùng mua các doanh nghiệp xuất cảng nông sản, thủy hải sản nhỏ và vừa của Việt Nam để lấy "vỏ bọc" đưa hàng vào thị trường Mỹ.
Trung Quốc rất chuộng các doanh nghiệp sản xuất nông sản xuất cảng của Việt Nam. (Hình : Người Lao Động)
Một chuyên gia tài chính xin giấu tên cho biết, các nhà môi giới làm việc cho Trung Quốc đã đặt hàng ông "săn" các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang niêm yết trên sàn UpCom (trạm trung chuyển hay thử nghiệm cổ phiếu trước khi niêm yết) hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập cảng nông sản để tham gia góp vốn đầu tư, giành quyền chi phối.
Nói với báo Người Lao Động ngày 3 tháng Một, 2019, ông Trần Văn Sơn, tổng giám đốc công ty Cổ Phần Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), xác nhận nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang rải người đi tìm mua doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp thua lỗ hoặc thiếu vốn.
Ông Sơn kể, trong một chuyến xúc tiến xuất nhập cảng tại Hoa Kỳ, một nhóm 3 doanh nghiệp Trung Quốc gặp và đặt vấn đề góp vốn vào công ty Gia Bảo. Một tháng sau, 3 doanh nghiệp này sang Việt Nam thảo luận với ông Sơn về việc định giá và góp cổ phần nhưng ông đã từ chối.
"Họ vẽ ra bức tranh hợp tác bền vững phát triển ra thị trường quốc tế, đồng thời bơm một khoảng vốn hơn 50% giá trị mình định ra để doanh nghiệp thích thú và hợp tác. Điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành", ông Sơn cho biết
Tuy không thuyết phục được công ty Gia Bảo, nhưng bằng cách này nhóm doanh nghiệp trên đã mua được vài công ty ở tỉnh Bình Phước.
"Nhà đầu tư Trung Quốc trực tiếp điều hành hoạt động xuất nhập cảng của công ty, cho người tìm hiểu nghề rang xay của Việt Nam. Được 3-4 tháng sau, khi đã nắm rõ quy trình, họ đàm phán mua lại hết cổ phần hoặc đưa ra viễn cảnh khó khăn, làm cho doanh nghiệp thua lỗ và yêu cầu bỏ vốn đầu tư thêm theo tỉ lệ 50-50. Nếu mình không đủ tiền, họ sẽ ép thoái hết vốn hoặc làm cho công ty thua lỗ kéo dài… mục đích cuối cùng là thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp", ông Sơn cảnh báo.
Tương tự, giám đốc một công ty chuyên xuất cảng gạo nhỏ ở Vĩnh Long thường đưa gạo sang Trung Quốc cũng cho biết đã từ chối nhiều lời đề nghị mua lại công ty từ các nhóm đầu tư Trung Quốc.
Báo Người Lao Động dẫn thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng 3,4 tỷ USD mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong đó, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, với 1,029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 đô la để góp vốn vào doanh nghiệp Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu đô la cho hơn 800 dự án trong năm 2017.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh Tế Và Quản Lý Sài Gòn, phân tích việc xé nhỏ các đồng vốn và chia đều vào các dự án, doanh nghiệp Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam để thâu tóm, tìm hiểu thị trường và sẵn sàng chuyển vốn sang Việt Nam khi cần.
Theo ông Thắng, doanh nghiệp Trung Quốc thích hợp tác, mua lại doanh nghiệp Việt Nam là do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách "đa dạng hóa ra bên ngoài" bằng cách chọn nước thứ 3 là Việt Nam, nơi có nhiều nông sản xuất cảng sang Trung Quốc.
Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới đây nhất là hiệp định "Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) nên các doanh nghiệp Trung Quốc có pháp nhân tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất cảng.
Ông Thắng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam "đừng kỳ vọng" mà cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội trong hoạt động xuất cảng nông sản ngay tại sân nhà. (Tr.N)
**************
Việt Nam : Công an không được ‘sa ngã vì phần tử xấu’ (BBC, 04/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi lực lượng công an "không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, 'lợi ích nhóm'", trong phát biểu ở Hội nghị Công an toàn quốc.
Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định phải "bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân"
Đây là một phần trong phát biểu khai mạc hội nghị hôm 3/1.
Ông Trọng nhấn mạnh công an cần nỗ lực để "không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân".
Ông cũng khẳng định phải "bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân".
Trong diễn văn, Tổng Bí thư nói : "Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân".
Hồi tháng 12, Việt Nam đã khởi tố nguyên thượng tướng công an Trần Việt Tân và trung tướng Bùi Văn Thành, đều từng là thứ trưởng.
Đánh giá cao thành tích ngành công an năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng nhận xét công an đã "quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ gắn với đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ huy ở tất cả các cấp".
Trung tướng Bùi Văn Thành mới đây bị khởi tố
Tinh gọn bộ máy
Nhân hội nghị, trang web Bộ Công an Việt Nam công bố 10 kết quả "nổi bật" của ngành này trong năm 2018.
Trong đó, Bộ này nói họ đã tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp trung gian.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn "ổn định chính trị", "không để hình thành tổ chức chính trị đối lập", mà trong đó có đóng góp "to lớn, quan trọng" của công an.
Năm 2018, công an Việt Nam đã điều tra, khám phá án "gần 45.000 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 82,32%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 12,32%, cao hơn 1,9% so với năm 2017) ; đã triệt phá gần 3.000 băng, nhóm tội phạm".
Sau khi hội nghị công an toàn quốc bế mạc ngày 4/1, Bộ Công an cũng tổ chức họp báo đầu năm vào chiều cùng ngày.
Tại đây, thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam có nói về việc tinh giản bộ máy của bộ.
Ông Nam được dẫn lời : "Đến nay Bộ Công an không còn 6 cấp tổng cục, giảm 55 cấp cục, giảm gần 300 cấp phòng, địa phương giảm 20 đơn vị phòng cháy chữa cháy, hơn 500 cấp phòng và gần 1.000 cấp đội".
******************
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nhận quyết định thi hành án (RFA, 04/01/2019)
Nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy, người bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ" vừa bị Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tống đạt quyết định thi hành án đối với người bị xử án phạt tù được tại ngoại.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy - RFA
Theo quyết định này, trong vòng 7 ngày bà Huỳnh Thục Vy phải có mặt ở trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã Buôn Hồ để chấp hành án, nếu quá thời hạn mà không có mặt, bà Vy sẽ bị áp giải thi hành án.
Tuy nhiên đáng lẽ là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc diện được hoãn thi hành án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho bà Huỳnh Thục Vy cho chúng tôi biết vào tối 4/1/2019 về quyết định này :
"Thật ra quyết định đó không sai vì vào thời điểm tòa án xét xử thì đúng là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai, nhưng đến thời điểm này thì theo quy định, trong khi bản án ra thì cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu thi hành án, họ không rõ tình trạng mang thai của cô Vy có còn giữ nguyên đến thời điểm này hay không. Vì vậy cơ quan thi hành án họ cứ ra văn bản như vậy đã, còn mình là công dân và văn bản đó không bảo đảm quyền lợi của mình thì nình phải báo cho cơ quan thi hành án biết. Nếu cô Vy vẫn vẫn đang có thai thì đương nhiên cô sẽ được hoãn hình phạt".
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm rằng ông nghĩ bà Vy sẽ đến và nên đến để chứng minh tình trạng của bản thân.
Xin nhắc lại, sáng 2/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ tống đạt bản Cáo trạng trong đó quyết định truy tố cô Huỳnh Thục Vy với cáo buộc "Xúc phạm Quốc kỳ" theo điều 276 Bộ luật hình sự cũ năm 1999. Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam quy định : "Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Đến ngày 30/11/2018, tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak tuyên Huỳnh Thục Vy bản án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ theo điều 276 Bộ luật Hình sự.
Trước phiên xử một ngày, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy mà tổ chức này cho là một cáo buộc lố bịch và tấn công vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Được biết vào thời điểm xử án, bà Huỳnh Thục Vy đang mang thai và có một con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
*****************
Cựu sĩ quan quân đội bị truy nã : ‘kiên định con đường tranh đấu’ (VOA, 03/01/2019)
Ông Lê Văn Thương, một cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã tuyên bố bỏ Đảng, nói với VOA rằng ông "kiên định con đường tranh đấu" dù đang bị công an truy nã.
Trao đổi với VOA trong khi đang ẩn náu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vào cuối năm 2018, ông Lê Văn Thương chia sẻ :
"Hiện nay tôi đã trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy không an toàn vì có thể gặp nguy hiểm nếu như tôi bị cảnh sát khu vực ở đây bắt và trục xuất về Việt Nam vì Việt Nam đang phát lệnh truy nã tôi".
Nhà hoạt động Lê Văn Thương, 30 tuổi, đồng thời là một nhà kinh doanh nội thất mỹ nghệ ở Quảng Ngãi, hôm 26/11/2018, bị công an tỉnh Quảng Ngãi phát lệnh truy nã với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 Bộ luật Hình sự.
Ông Thương cho biết ông từng là thượng úy ngành pháo binh trong quân đội với chức vụ đại đội phó.
Trong một livestream vào tháng 10/2018 được cho là từ Thái Lan, nhà hoạt động Lê Văn Thương có trưng một quyết định phong quân hàm sĩ quan cấp thượng úy do Đại tướng, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký và bằng sĩ quan từ trường Sĩ quan Pháo binh Sơn Tây Hà Nội.
Blogger Lê Thương được cộng đồng mạng biết đến như là một đảng viên bỏ Đảng, một sĩ quan đã quyết định rời bỏ quân ngũ, vì cho rằng "chế độ mà họ phục vụ đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc".
"Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục tranh đấu như từ trước đến nay tôi vẫn làm. Tôi kiên quyết tranh đấu và hỗ trợ cho bà con trong nước".
Ông cho biết ông đã tự nguyện thoát ly khỏi quân đội vào năm 2016 và đồng thời ngưng sinh hoạt Đảng, bỏ Đảng từ đó để rộng đường tranh đấu cho phong trào dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Trong một livestream khác ông xác nhận ông sẽ chống Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng nếu Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam.