Trước khi tổ chức khủng bố Daesh, ngày 04/01/2024, đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công tự sát gần mộ của tướng Qassem Soleimani, chính quyền Iran đã cáo buộc Hoa Kỳ và Israel là thủ phạm. Cáo buộc ngay lập tức này cho thấy đối đầu giữa Tehran và Washington ngày càng căng thẳng, đặc biệt là từ khi xảy ra chiến tranh Israel-Hamas, lần lượt được mỗi bên ủng hộ. Iran tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng trong vùng và thoát khỏi những biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 07/12/2023 via Reuters - Sputnik
"Thành công quan trọng" gần đây nhất, theo nhận định của chính quyền Tehran, là Iran chính thức trở thành thành viên nhóm BRICS+ từ ngày 01/01/2024 cùng với các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ai Cập, Ethiopia. Được thành lập năm 2009 với bốn thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc để làm đối trọng với phương Tây, BRIC kết nạp thêm Nam Phi năm 2010, trở thành BRICS và hiện là BRICS+ sau khi có thêm năm thành viên mới.
Cả năm nước này đều nằm ở Châu Phi và Trung Đông, dường như thể theo "ý đồ" của Nga trong việc tìm thêm đồng minh và tăng cường quan hệ với "các nước phương Nam". Ngoài ra, ba trong năm thành viên mới là những nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Iran. Nhóm BRICS+ hiện chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và 27% GDP thế giới (so với 44% của nhóm G7).
Gia nhập BRICS để thoát "kìm kẹp" của Mỹ
Gia nhập BRICS được chính quyền Tehran khẳng định với người dân là cơ hội làm giảm khủng hoảng kinh tế từ năm 2018 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bác bỏ sự thống trị của đô la Mỹ và là tiềm năng kinh tế vô cùng lớn. Nhiều nhà phân tích, được trang Iran International trích dẫn ngày 02/01, cho rằng gia nhập BRICS còn phục vụ chính sách đối nội của Iran nhằm trấn an những lo ngại trong dân. Cho nên, BRICS được quảng bá là một cơ chế thách thức Hoa Kỳ và kích thích thương mại.
Lĩnh vực đầu tiên được Tehran kỳ vọng có lợi khi gia nhập BRICS là năng lượng vì Iran là nhà sản xuất dầu khí lớn. Iran có thể sẽ tăng được khối lượng xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và giảm bớt các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhờ sử dụng nội tệ của mỗi nước trong việc mua bán năng lượng.
Trong lúc chờ nhóm BRICS tìm ra được đồng tiền chung, các nước thành viên, đặc biệt là Nga (bị loại khỏi hệ thống SWIFT) và Iran (bị Mỹ trừng phạt), có thể thanh toán bằng nội tệ của mỗi nước trong trao đổi thương mại song phương. Theo trang Investing ngày 28/12/2023, Iran và Nga đã ký nhiều thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại và tài chính song phương, trong đó có việc cung cấp một khoản tín dụng quan trọng và sử dụng nội tệ mỗi nước để trao đổi thương mại.
Ví dụ ngân hàng Sberbank của Nga đã cung cấp một tín dụng trị giá 6,5 tỉ rúp cho Bank Melli, một trong những ngân hàng chính của Iran. Biện pháp này tạo thuận lợi cho Iran nhập khẩu hàng hóa Nga. Về phía Iran, sau khi một số biện pháp trừng phạt được nới lỏng, Bank Sepah, một ngân hàng lớn của Iran, đã phát hành thư tín dụng trị giá 17 tỉ euro tại Nga. Ngoài ra, quan chức ngân hàng hai nước còn đề xuất cải thiện các giao dịch tài chính song phương trong thời gian Nga điều hành nhóm BRICS.
Do không được truy cập vào hệ thống thông tin quốc tế SWIFT, Nga và Iran sử dụng hai chương trình riêng : SPFS (System for Transfer of Financial Messages) do Nga quản lý và ACU (Asian Clearing Union) do Iran quản lý. Nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Maldives, Sri Lanka, Pakistan, Miến Điện tham gia hệ thống SPFS của Nga. Nhật báo Pháp Les Echos nhận định chính các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cũng như sự khẳng định của nhóm BRICS càng làm gia tăng sự phản đối đối với đô la Mỹ. Xu hướng dùng nội tệ mỗi nước ngày càng phát triển trong các thỏa thuận thương mại song phương, trong các hệ thống thanh toán liên ngân hàng và chi trả, theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ về khả năng Iran giảm bớt được tác động của các biện pháp trừng phạt Mỹ nhờ gia nhập BRICS, trong bối cảnh hai nước chủ chốt là Nga và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng trong nước và bất đồng với phương Tây. Ngoài ra, căn cứ vào khối lượng trao đổi thương mại với Hoa Kỳ, một số nước thành viên BRICS có lẽ sẽ ngại chịu rủi ro về kinh tế khi tăng cường quan hệ với Iran.
Khẳng định vị trí ở Hồng Hải và trong vùng
Song song với những nỗ lực cải thiện kinh tế, Iran không ngừng khẳng định sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ở trong vùng. Ngày 01/01/2024, hãng thông tấn Iran Tasnim cho biết tầu khu trục Alborz của Iran đã vượt eo biển Bab el-Mandeb để vào Hồng Hải ngay sau khi quân đội Mỹ bắn chìm ba tầu của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen. Từ tháng 12/2023, Houthi đã tấn công khoảng 20 tầu vận tải đi qua vùng biển, được ông John Stawpert, một trong các giám đốc của Phòng Vận tải Quốc tế (International Chamber of Shipping, ICS), đánh giá trên đài RFI ngày 03/01 là "huyết mạch" đối với thương mại toàn cầu :
"Tuyến đường giữa Hồng Hải và kênh đạo Suez chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Điều mà Houthi đang làm là gây rối loạn an toàn của trục trung chuyển này. Chúng tôi kêu gọi đạt được một nỗ lực ngoại giao để chấm dứt ngay lập tức những vụ tấn công này. Các nước có ảnh hưởng trong vùng, đặc biệt là những nước có thể nói chuyện được với Houthi, cần phải gây sức ép để ngừng các vụ tấn công mang tính phân biệt trên. Không thể chấp nhận được là những bên vô tội lại bị nhắm như vậy ở ngoài khơi".
Nhiều nhà phân tích, được trang The Guardian trích dẫn ngày 02/01, khẳng định hoạt động gây hấn của Houthi ở Hồng Hải là nhằm gia tăng sự ủng hộ đối với lực lượng này. Houthi cũng cho rằng các vụ tấn công ở Hồng Hải có thể biến họ thành một tác nhân tầm cỡ quốc tế lớn hơn, cũng như tại Yemen trong bối cảnh khủng hoảng từ nhiều năm nay.
Iran bác mọi cáo buộc rằng Houthi hành động theo lệnh của Tehran nhưng từng cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Theo trang Politico ngày 02/01, quyết định đưa tầu chiến đến Hồng Hải đẩy quân đội Iran vào cuộc khủng hoảng ngày càng biến động. Ngoài ra, Iran và Saudi Arabia, hai nước bảo trợ cho hai lực lượng đối lập tại Yemen, đang tìm cách bình thường hóa quan hệ và đúc kết một thỏa thuận hòa bình, theo đó Houthi có thể sẽ được quyền kiểm soát ở miền bắc Yemen. Do đó, Riyad lo lắng mọi sự đáp trả của Hoa Kỳ, có thể sẽ làm phức tạp thêm quá trình rút quân khỏi Yemen của Saudi Arabia.
Để tránh nguy cơ leo thang căng thẳng được Washington cho rằng sẽ chỉ giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở trong vùng, chính quyền của tổng thống Biden đã quyết định rút hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford khỏi đông Địa Trung Hải. Được đưa đến khu vực ngay sau vụ thảm sát do Hamas tiến hành ngày 07/10/2023, tầu sân bay Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Israel và ngăn Iran, lực lượng hẫu thuẫn Hamas, mở rộng cuộc khủng hoảng ra khu vực.
Vậy quyết định rút tầu sân bay USS Gerald Ford có ý nghĩa như thế nào ? Trả lời đài RFI, giáo sư Karim Bitar, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beyrouth (Lebanon), phân tích :
"Đúng là có sự thay đổi trong chính sách Mỹ. Hiện giờ, sau gần hai tháng ủng hộ Israel không mệt mỏi, vô điều điện, và vào đúng năm bầu cử, Hoa Kỳ hiểu ra là có rất nhiều ý kiến phản đối, không chỉ từ các đồng minh Ả rập, mà cả thế hệ trẻ Mỹ, kể cả những người ủng hộ đảng Dân chủ của ông Joe Biden. Họ thấy rằng Hoa Kỳ đã đi quá xa khi để Israel tự quyết và giờ đã đến lúc phải tỏ ra kiềm chế và nhất là không được viện vào sự hiện diện của "chiếc ô" Mỹ ở Địa Trung Hải để mở rộng cuộc xung đột và tấn công Lebanon, cũng như nhiều đối tác khác của Iran ở trong vùng".
Thu Hằng
****************************
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm thực hiện tấn công khủng bố ở Iran
Anh Vũ, RFI, 05/01/2024
Một ngày sau vụ tấn công khủng bố kép làm 85 người chết tại Iran, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh), hôm qua, 04/01/2024, qua kênh Telegram đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện hai vụ đánh bom tự sát gần mộ của tướng Qassem Soleimani ở Kerman, miền nam Iran. Tehran chưa có phản ứng chính thức về tuyên bố của Daesh, trong khi truyền thông Iran vẫn tỏ ra nghi ngờ và cho rằng Israel là thủ phạm.
Poster trụ sở của lực lượng Al Qods, Baghdad, Iraq, ngày 02/01/2024, tưởng nhớ tướng Qasem Soleimani (trái), đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Iran Al Qods và Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, chết trong một trận oanh kích bằng drone của Mỹ ở Iraq năm 2020. AP - Hadi Mizban
Thông tín viên RFI Siavoh Ghazi tại Tehran cho biết thêm chi tiết :
"Sau lễ cầu nguyện tập thể ngày thứ Sáu này, nhiều cuộc biểu tình dự kiến được tổ chức để lên án vụ tấn công khủng bố kép. Trong số 85 người chết, có 44 phụ nữ và trẻ em và 12 người Afghanistan khi họ đang tham dự buổi lễ tưởng niệm vị tướng Iran bị một vụ tập kích của Hoa Kỳ vào Bagdad giết chết cách đây 4 năm.
Chính quyền Iran vẫn chưa phản ứng về tuyên bố nhận trách nhiệm khủng bố của Daesh. Nhưng một số hãng truyền thông tỏ hoài nghi về tuyên bố nhận trách nhiệm của Daesh. Họ khẳng định rằng khác với các lần nhận trách nhiệm khủng bố trong quá khứ, trên một tấm ảnh công bố, khuôn mặt hai kẻ khủng bố tham gia vào vụ tấn công liều chết lần này bị làm mờ. Trong khi mà cả hai đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công.
Các hãng truyền thông thân cận với chính quyền vẫn ủng hộ cáo buộc Israel là thủ phạm cuối cùng. Vài giờ sau cuộc tấn công kép, tổng thống Raissi chỉ thẳng Nhà nước Do Thái là thủ phạm và sẽ phải trả giá đắt cho tội ác của mình.
Tướng Soleimani đã từng đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống Daesh tại Syria cũng như tại Iraq. Tehran đã điều hàng ngàn chiến binh Iran, Afghanistan, Pakistan, tới hai nước này. Giờ đây, các đồng minh của Tehran trong vùng đang lao vào cuộc chiến chống Israel".
Anh Vũ
Khi xúc tiến hiệp ước nguyên tử Vienna, Obama đã nhận định sai về một yếu tố quan trọng là chủ trương chống Mỹ của Khamenei. Biden cho rằng Hoa Kỳ có thể quay lại nếu việc này mở ra những cuộc đối thoại khác. Nhưng giáo chủ Khamenei không muốn nói về kho vũ khí đạn đạo hay sự bành trướng của Iran ở Lebanon, Syria, Iraq ; vì đó là trung tâm lợi ích của nhóm bảo thủ đang nắm quyền ở Tehran.
Tựa chính các báo Paris hôm nay 05/02/2021 tập trung vào nội tình nước Pháp trong bối cảnh phải đối phó với con virus đến từ Vũ Hán. Le Figaro chạy tít trang nhất "Học sinh, phụ huynh và giáo chức mất phương hướng vì đại dịch". Libérationđả kích các "lang băm" về Covid, với tựa "Quy trình của những người tập sự làm phù thủy". Les Echoslạc quan cho rằng "Kinh tế Pháp chống chọi được" trước đại dịch, tỉ lệ tăng trưởng 6% trong năm 2021 là có thể thực hiện được.
La Croixđăng ảnh chủ tịch Ủy ban Châu Âu với tựa "Sự thú nhận của Ursula von der Leyen" : bà biện hộ cho chiến lược vac-xin của Liên Hiệp Châu Âu nhưng cũng nhìn nhận đã thiếu dự báo. RiêngLe Mondequan tâm đến các vụ án loạn luân thường được xử kín. Về thời sự quốc tế, các chủ đề chính vẫn là Miến Điện, Navalny, chính sách của Biden.
Bài phân tích "Joe Biden và quả bom Iran", cây bút Alain Frachon của Le Monde mở đầu bằng hình ảnh : tic, tac, quả lắc đồng hồ nguyên tử Iran lại bắt đầu điểm, vùng nguy hiểm đã đến gần. Từ đầu tháng Hai, Iran sản xuất uranium làm giàu đến 20%, mức độ có thể nhanh chóng tiến đến mục đích quân sự. Trữ lượng uranium làm giàu 3,7% theo chuẩn Vienna đã tăng gấp 12 lần so với giới hạn được ấn định trong hiệp ước 2015. Cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử lại bắt đầu, làm thế nào ngăn được ?
Khi rút khỏi hiệp ước, ông Donald Trump đã giải tỏa những cam kết của Hoa Kỳ. Joe Biden cho biết nếu Iran nghiêm túc tuân thủ, thì Mỹ sẽ quay lại với thỏa thuận Vienna ; còn Khamenei đặt điều kiện phải dỡ bỏ trừng phạt của Trump trước đã. Thông qua ngoại trưởng Javad Zarif, Tehran mong muốn Châu Âu đứng ra làm trung gian. Tại Washington, hồ sơ được giao phó cho Robert Malley, một cựu quan chức thời Obama. Nhưng tác giả không cho rằng Biden và Khamenei đề cập đến cùng một chủ đề.
Ông Biden dường như có một cách nhìn rộng hơn thỏa thuận Vienna. Washington có thể trở lại nếu việc này mở ra những cuộc đối thoại khác, về sự bành trướng của nước Cộng hòa Hồi giáo trong thế giới Ả Rập, và về kho vũ khí đạn đạo của Iran. Còn giáo chủ Khamenei chỉ muốn giới hạn trong hiệp ước Vienna đã ký với năm thành viên Hội đồng Bảo an và Đức, chấm hết ! Không có gì để nói thêm về số hỏa tiễn hay ảnh hưởng chính trị lẫn quân sự lớn lao ở Lebanon, Syria, Iraq ; vì đó là trung tâm lợi ích vật chất và tinh thần của nhóm đang nắm quyền ở Iran.
Là người xúc tiến hiệp ước Vienna, Barack Obama đã nhầm lẫn về tầm vóc. Ông hy vọng một sự mở cửa kinh tế, coi đây là khởi đầu cho đối thoại - đã bế tắc từ 40 năm qua giữa Washington và Tehran - để nói về cuộc chiến Syria và về lâu về dài, đưa khu vực ra khỏi cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia. Có thể tổng thống Hassani và ngoại trưởng Zarif cũng mong như vậy, nhưng giáo chủ Khamenei mới là nhân vật số 1 ở Iran.
Vị giáo chủ quyền lực này muốn mở cửa với Châu Âu, nhưng ngăn cấm mọi tiếp xúc với "Đại Satan" Hoa Kỳ. Những doanh nhân song tịch Mỹ-Lebanon hay Mỹ-Iran kém may mắn, sau hôm hiệp ước Vienna được ký đã đến Iran, ngay lập tức bị kết tội "gián điệp" và bị tống giam. Tại Iran, "bắt con tin" vốn là truyền thống "ngoại giao". Obama đã đánh giá thấp một yếu tố quan trọng là tinh thần chống Mỹ - một sự pha trộn giữa dân tộc chủ nghĩa và Hồi giáo Shia, làm nên cơ sở cho ý thức hệ của nước Cộng hòa Hồi giáo. Chống Mỹ là giáo điều của Khamenei.
Nhà báo Alain Frachon cho rằng việc tái lập hiệp ước là một con đường đầy mìn bẫy. Tehran mong muốn vì lý do kinh tế, nhưng Israel và các đồng minh Hồi giáo Sunni phản đối. Thủ tướng Benyamin Netanyahou muốn duy trì chính sách gây áp lực tối đa của Donald Trump. Không thiếu những khiêu khích, từ vụ ám sát thủ lãnh quân sự Ghassem Soleimani cho đến cha đẻ chương trình nguyên tử Iran Mohsen Fakhrizadeh, tấn công tin học.
Nhưng Iran tránh ăn miếng trả miếng. Tehran đang gặp khó khăn ở "sân sau" Ả Rập : tại Syria, bị Nga phản đối và bị Israel tấn công ; tại Iraq, bị người dân ngày càng căm ghét. Còn trong nước, chế độ ra tay đàn áp trong bối cảnh kinh tế xuống dốc. Để mở lại đối thoại, Malley và Zarif chỉ có con đường mòn chứ không phải đại lộ, nhưng liệu có phương án nào thay thế ?
Trên La Croix, chuyên gia Ali Vaez của ICG cho rằng một động thái nhân đạo của chính quyền Biden như tạo điều kiện cho Iran có được vac-xin chống Covid có thể giúp tái lập lòng tin. Hoặc Mỹ ủng hộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Iran vay 5 tỉ đô la để chống dịch, và Tehran trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ.
Tuy nhiên các bên đều đang gặp khó khăn trong nước : chính quyền Biden có thể bị Quốc hội phản đối mạnh mẽ, các đồng minh Israel, Saudi Arabia cũng tương tự ; còn tổng thống Hassani bị phe bảo thủ Iran cho là quá nhân nhượng. Thời gian không còn nhiều nữa : sắp tới Tehran có thể hạn chế các chuyến thăm của các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA).
Về quan hệ Mỹ-Nga, Les Echosphân tích "Đối diện với Biden, Putin đang ngả về phía Trung Quốc".
Gần đây tổng thống Nga thường dành những lời khen ngợi cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kể từ sau vụ sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014, bị phương Tây trừng phạt, Moskva luôn trưng ra việc xích lại gần với Bắc Kinh để chứng tỏ Nga không bị cô lập trên trường quốc tế. Lợi dụng tâm lý này, Trung Quốc ép Nga phải trả giá khá đắt trong các hợp đồng được đàm phán từ lâu, chẳng hạn dự án nhà máy khí hóa lỏng ở Bắc Cực.
Trong khi đó hai nước xưa nay vẫn ngờ vực lẫn nhau từ thời cộng sản, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm ăn với Châu Âu thay vì Trung Quốc. Một nhà quản lý cao cấp mỉa mai : "Như thường lệ, tất cả còn tùy thuộc vào những gì được quyết định ở… Washington". Có nghĩa là, tùy vào Joe Biden. Tại Moskva, các nhà ngoại giao lo ngại giọng điệu chống đối Nga dưới thời Biden, giới làm ăn lo sợ lại bị phương Tây trừng phạt. Và như vậy, Nga phải nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn.
Nhìn sang Châu Á, hôm nay Libération đặc biệt có đến hai bài xã luận, trong đó có một bài dài hơn lệ thường, mang tựa đề "Hãm hiếp ở Tân Cương : Hãy lắng nghe các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ".
"Những nữ tù Duy Ngô Nhĩ xinh đẹp nhất bị đưa đến một căn phòng không có camera. Tôi phải cởi quần áo họ ra, còng tay ra sau đầu, rồi để cô ta một mình với một người đàn ông từ ngoài trại hoặc một công an. Khi họ ra đi, tôi đưa cô gái đi tắm và lau dọn căn phòng". Lời chứng trên BBC hôm thứ Ba 02/02 của Gulzira Auelkhan, người đã ở trong trại cải tạo Tân Cương 18 tháng, rất rõ ràng, cụ thể.
Tương tự, một nhân chứng khác là Tursunay Ziawudun, bị cải tạo 9 tháng, kể lại : "Sau nửa đêm, các phụ nữ trong xà lim tôi được chọn lựa đưa đến một ‘căn phòng đen’ không có camera". Ba lần cô bị tra tấn và hãm hiếp bởi nhiều người đàn ông che mặt, mặc thường phục, bị bọn chúng cắn xé khắp người. Những dấu răng này cô cũng nhận ra nơi các nữ tù khác, mà sau khi trở về từ "căn phòng đen", trở nên câm lặng, phát điên, hoặc không bao giờ trở về nữa.
Một số rất ít phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã thoát được khỏi địa ngục trần gian Tân Cương và can đảm lên tiếng thay cho hàng mấy chục ngàn nạn nhân của chế độ diệt chủng Bắc Kinh. Các cô kể lại cả những chi tiết riêng tư nhất, kinh khủng nhất, như bộ phận kín bị hủy hoại vì dùi cui điện, bào thai bị dứt ra khỏi bụng mẹ mà không gây tê, cưỡng bức triệt sản. Nhưng không mấy ai lắng nghe họ - Libération than phiền - trong khi chúng ta đang đứng trước một Nhà nước độc đảng, đã kế hoạch hóa đến từng chi tiết việc diệt chủng một dân tộc.
Cũng về Châu Á, giáo sư Renaud Egreteau của City University ở Hồng Kông khi trả lời phỏng vấn Libérationđã nhận định "Quân đội Miến Điện tự cho mình là đẳng cấp ưu việt".
Thế hệ tướng lãnh Miến Điện hiện nay lớn lên trong bối cảnh cuộc đảo chính 1988, được đào tạo tại các học viện quân sự đã tái cơ cấu trong thập niên 90. Hệ tư tưởng và tầm nhìn thế giới của các sĩ quan này vẫn dựa theo những dấu mốc tri thức và đạo đức tối thượng trong sắc tộc Bamar vốn chiếm đa số, dân tộc chủ nghĩa nhuốm màu tôn giáo – một xã hội mà Phật giáo được ưu tiên.
Trên lãnh vực kinh tế, nhà bình luận Jacques Attali nhận xét trên Les Echos "Sau tin giả, đến tài chính giả". Số hóa và dân chủ hóa thông tin đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng, trong đó có "fake news". Mới đây với vụ GameStop trên thị trường chứng khoán, có thể gây tác động tương tự, làm xáo trộn cả một hệ thống.
Nhà bình luận Jacques Attali đặt câu hỏi, phải chăng những gì diễn ra trong vụ đầu cơ kỳ lạ đã cho thấy một vấn đề sâu xa hơn nữa ? Chứng khoán luôn là nơi của những tin đồn, dối trá, tin giả, để thu hút đồng vốn cho doanh nghiệp hay các chính phủ đang xuống dốc, để lừa các đối thủ cạnh tranh và thu được nhiều lợi lộc. Nhiều phương tiện truyền thông nhất là ở Pháp từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cũng đã từng đưa tin thất thiệt, những quảng cáo giả dạng bài báo…
Ngày nay, từ báo viết thành báo mạng, trong thời đại mạng xã hội, tin giả lại càng lan tràn nhanh chóng. Những cá nhân nhỏ bé cũng có thể bày tỏ sự phẫn nộ trước những thế lực, những người giàu độc quyền thao túng… Các nhà đầu tư nhỏ tức giận trước những kẻ kiếm được rất nhiều tiền khi đặt cược vào cái chết của một doanh nghiệp như GameStop, BlackBerry, AMC Entertainment, đã liên minh với nhau đẩy giá cổ phiếu các công ty này lên. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Melvin Capital bị rơi vào thế kẹt. Mạng môi giới Robinhood phải cho ngưng giao dịch, và đến lượt mạng này nhận lãnh sấm sét từ người sử dụng.
Hiện tượng này sẽ còn đi xa đến đâu ? Tác giả muốn nhìn một cách lạc quan hơn : mọi cuộc khủng hoảng có thể mang lại cơ hội để giải quyết các vấn đề trước đó người ta không dám đề cập. Đó là chỉnh đốn thị trường chứng khoán thế giới, chấm dứt nạn đầu cơ tiêu cực, chống tin giả, và, hãy mơ mộng một chút : hướng nguồn tiền đầu tư vào các doanh nghiệp mang tính bền vững, tích cực, phục vụ những lãnh vực thiết yếu cho cuộc sống loài người.
Một hệ quả thú vị : Le Figaroghi nhận "Sau khi làm rung chuyển Wall Street, vụ GameStop gợi hứng cho Hollywood".
Những ngày gần đây, feuilleton tài chính xung quanh GameStop - chuỗi cửa hàng trò chơi video bị các nhà đầu cơ Wall Street tấn công và được cả một đội quân các nhà đầu tư nhỏ lẻ bảo vệ thông qua mạng xã hội Reddit - là quá tuyệt để có thể thoát khỏi tầm ngắm của kinh đô điện ảnh. Hiện đang có nhiều dự án làm phim dựa trên câu chuyện này. Netflix cũng đang thương lượng với nhà viết kịch bản từng đoạt Oscar Mark Boal để làm phim dài. Khó thể bỏ qua một câu chuyện David chống lại người khổng lồ Goliah phiên bản 2.0.
Thụy My
Iran nín thở chờ những loạt đạn cuối cùng của Donald Trump
Iran vừa nghiến răng vừa đếm : còn hơn 64 ngày nữa mới chuyển giao quyền lực. Những biện pháp trừng phạt của tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Iran bị suy sụp sau hai năm rưỡi chịu đựng "áp lực tối đa" của Washington. Theo trang Axios, chính quyền Trump còn muốn áp đặt các trừng phạt mới mỗi tuần một lần, từ nay cho đến ngày 20 tháng Giêng !
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo tái lập trừng phạt Iran ngày 21/09/2020. © AP Photo/Patrick Semansky
Tựa chính các báo Paris hôm nay 18/11/2020 tập trung vào thời sự nước Pháp. Libération chạy tít "Doanh nghiệp nhỏ và cuộc chiến Black Friday". Le Figaro quan tâm đến việc hai bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp giới thiệu dự luật nhằm "củng cố các nguyên tắc cộng hòa" chống Hồi giáo cực đoan. "Covid : Làm thế nào chống lại thuyết âm mưu" là tựa chính của Le Monde. Les Echos nói về "Kế hoạch mới của Bộ Tài chính cho những lãnh vực bị thiệt hại" vì đại dịch.
Riêng La Croix băn khoăn trước việc hai nước thành viên phủ quyết kế hoạch tái thúc đẩy và ngân sách Châu Âu, chạy tựa "Ba Lan, Hungary : Liên Hiệp Châu Âu bị kẹt vào bẫy". Ở các trang trong, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước khác trong thời gian sắp tới được đề cập nhiều nhất.
Tehran hồi hộp chờ loạt trừng phạt mới của ông Trump
Libération dành hai trang báo cho "Cuộc chạy đua phá hoại của Donald Trump ở Trung Đông". Israel đang tỏ ra hối hả, còn Iran chờ đợi "những loạt đạn cuối cùng" từ Washington.
Iran vừa nghiến răng vừa đếm : còn hơn 64 ngày nữa mới chuyển giao quyền lực. Phe cứng rắn nhất ở Tehran luôn ngờ vực, nhưng số còn lại và đa số người dân nghĩ rằng tương lai sẽ đỡ u ám hơn. Trong nửa cuối nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ luôn tỏ ra nghiệt ngã với Iran. Donald Trump rút khỏi JCPOA (hiệp định nguyên tử ký ở Vienna năm 2015), và những biện pháp trừng phạt khiến kinh tế Iran - vốn đã quản lý tệ hại – bị suy sụp : tăng trưởng bị âm đến 9,5%, đồng tiền lao dốc. Những cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi, nhưng chế độ đã dùng vũ lực đè bẹp.
Nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn còn đó, sau hai năm rưỡi chịu đựng "áp lực tối đa" từ ông Trump và chính khách trung thành Mike Pompeo. Theo trang Axios, chính quyền Trump muốn áp đặt các trừng phạt mới mỗi tuần một lần, từ nay cho đến ngày 20 tháng Giêng.
Nhà phân tích Naysan Rafati của International Crisis Group nhận xét, Washington có những trừng phạt bổ sung khá thường xuyên trong ba tháng qua, và mới nhất sau bầu cử là nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan và Iran đã trợ giúp Tehran mua được các thiết bị cho chương trình đạn đạo. Mục tiêu là dựng lên những trở ngại để ngăn Joe Biden quay lại với JCPOA.
Liệu chính quyền ông Trump có đi xa hơn hay không ? New York Times nói rằng hôm thứ Năm tuần trước tổng thống Trump đã rút lại ý định không kích vào các địa điểm nguyên tử Iran vì nguy cơ leo thang. Nhà nghiên cứu Sanam Vakil thuộc Chattam House nhận định Washington có thể tìm cách "khiêu khích" khiến chế độ phải đáp trả. Theo Naysan Rafati, "Iran chờ đợi chính quyền Trump bắn ra những tràng đạn cuối cùng".
Israel hy vọng có thêm ân huệ, các nước Ả Rập chờ thời
Về phía Israel, thủ tướng Benyamin Netanyahou tuy chúc mừng "Joe Biden, được cho rằng sẽ là tân tổng thống", nhưng vẫn giữ nguyên ảnh nền tài khoản Twitter chụp chung với ông Donald Trump.
Cây bút xã luận Anshel Pfeffer nhận định : "Người ta không có cùng trọng lượng khi là đồng minh thân cận nhất của Washington, so với lúc bị Nhà Trắng thờ ơ dưới thời Obama". Theo các thăm dò, thì ông Trump có thể được bầu với 70% số phiếu tại… Israel. Trong suốt nhiệm kỳ của ngôi sao truyền hình thực tế, không có quốc gia nào trên thế giới được Washington ưu ái đến như vậy : cho dời đại sứ quán đến Jerusalem, ngưng viện trợ cho Palestine…
Nhà phân tích David Khalfa cho rằng trong thời gian này càng phải tránh bị coi là vô ơn. Nếu ông Barack Obama từng lợi dụng khoảng thời gian trước khi rời Nhà Trắng để thúc đẩy Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án Israel, thì theo Politico, nhóm của Mike Pompeo có thể chính thức coi nhiều tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch, Amnesty International, Oxfam là "bài Do Thái".
Di sản quan trọng của Donald Trump trong khu vực là đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Sudan. Chuyên gia Khalfa dự đoán : "Ông Trump tuyên bố rằng có 9 nước Ả Rập nữa có thể ký thỏa thuận bình thường hóa, nhưng họ không có lợi gì khi thực hiện lúc này. Tốt nhất là chờ chính quyền mới lên để thương lượng món quà ra mắt".
NATO : Mỹ không còn như thời hậu chiến, Biden không phải là Truman
Về quan hệ với Châu Âu, Les Echos nhận định "Biden đối mặt với kỷ nguyên nghi kỵ giữa Châu Âu và Mỹ". Tuy ông Joe Biden khẳng định sẽ kết nối lại với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng việc này ngày càng phức tạp vì đôi bên đang xa cách dần, chủ yếu do thành phần dân số Mỹ thay đổi. Hoa Kỳ năm 2020 không giống như hồi năm 1949 khi thành lập NATO, và Joe Biden cũng không phải là Harry Truman.
Trước ông Donald Trump, Barack Obama và Hillary Clinton đã muốn xoay trục sang Châu Á, và chủ trương này không thể đảo ngược. Nước Mỹ quay sang phía Thái Bình Dương và Trung Quốc, đồng thời với việc xa dần Châu Âu. Bởi vì thế giới ngày nay không giống như thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến, khi Bắc Mỹ và Tây Âu thành lập liên minh để đối phó với Liên Xô.
Lúc lập nên NATO, dân Mỹ chủ yếu là gốc Châu Âu, từ Anh, Đức, Ý, Ba Lan hoặc Pháp di cư sang. Nhà dân số học Jean-Claude Chesnas ước tính thời kỳ 1840-1880 có khoảng 9 triệu người Châu Âu sang Hoa Kỳ sinh sống, và 1880-1914 là 21 triệu. Người Mỹ da trắng hầu hết gốc Châu Âu vào thời đó chiếm đến 135 triệu trên tổng số 150 triệu dân, còn người da đen chỉ có 15 triệu. Nhưng đến thập niên 70, di dân từ Châu Mỹ la-tinh và Châu Á ồ ạt sang : người Mexico (11 triệu), kế đến là Trung Quốc (2,9 triệu), theo số liệu 2018.
Châu Âu kẹt giữa GAFAM và Con đường tơ lụa
Châu Âu có thể làm gì trước Biden và Tập Cận Bình ? Les Echos đặt câu hỏi. Đứng trước xung đột Mỹ-Trung, Châu Âu thiếu vắng một chiến lược chung để đối phó.
Được Hoa Kỳ bảo vệ an ninh từ 75 năm qua, nay Châu Âu không chỉ phải tự vệ mà còn trở thành chiến trường, nơi hai người khổng lồ tung ra đội quân kỹ thuật số và con đường tơ lụa. Hy Lạp đã giao nộp hải cảng đầu tiên cho Trung Quốc, Trung Âu nở nụ cười với Bắc Kinh nhưng vẫn ngóng chờ Mỹ, còn Anh quốc dứt áo ra đi.
Lẽ ra sau Brexit, Châu Âu phải khởi động một giai đoạn mới với các chiến lược chính trị, khoa học và kinh tế tham vọng hơn, dựa trên khoảng 12 nước cốt lõi. Nhưng nay kể cả kế hoạch tái thúc đẩy cũng đang dậm chân tại chỗ. Tờ báo kết luận : Biden sẽ không cứu vãn Châu Âu, mà chỉ làm vui lòng với những lời lẽ êm tai mà Châu Âu muốn nghe.
Công nghệ vẫn là chủ đề xung đột
Nhà nghiên cứu Julien Nocetti của IFRI trên Le Monde cho rằng "Với Joe Biden, công nghệ vẫn là chủ đề xung đột địa chính trị".
Tổng thống thứ 46 tương lai sẽ không lật ngược lại quan hệ với Trung Quốc. Từ khi còn làm phó tướng của Obama, Biden đã chứng kiến nhiều vụ tin tặc Trung Quốc tấn công, đánh cắp sở hữu trí tuệ… Hoa Vi (Huawei) tiếp tục bị trừng phạt tuy các quy định có nới lỏng đôi chút. Châu Âu còn phải chờ xem thái độ của Washington về công nghệ 5G, truyền dữ liệu và GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft). Điều nghịch lý là ông Trump đã giúp Châu Âu có dịp nhìn ra những yếu kém của mình về công nghệ.
Các đại tập đoàn kỹ thuật số thở phào với Biden
Còn tại nước Mỹ, Le Monde nhận định "Việc Joe Biden đắc cử khiến thung lũng Silicon thở phào nhẹ nhõm", tuy những tên tuổi lớn vẫn cố giữ im lặng sau chiến thắng được loan báo của Biden.
Jack Dorsey (Twitter) và Mark Zuckerberg (Facebook) hôm qua đã bị Quốc hội triệu tập - lần thứ hai trong vòng ba tuần lễ - để trả lời về việc kiểm duyệt tùy tiện của hai mạng xã hội này. Tim Cook, ông chủ Apple không trực tiếp chúc mừng Biden ; còn Sundar Pichai (Google) cũng vậy. Chỉ có Jeff Bezos (Amazon), từ bốn năm qua phải chịu đựng những đòn sấm sét của ông Donald Trump, là đăng lên Instagram ảnh của Biden-Harris. Tuy ngoài mặt cố thản nhiên nhưng trong thâm tâm họ đều vui mừng, dù thời kỳ Google có đường điện thoại trực tiếp với chính quyền Obama sẽ không quay trở lại.
Các đại tập đoàn cảm thấy an tâm vì Joe Biden đã chọn Ron Klain làm chánh văn phòng. Ông này là đồng lãnh đạo của sáng kiến "Rise of the rest" do nhà sáng lập AOL đưa ra, sau khi các Big Tech phát hiện những bang bầu cho Donald Trump bị đứng ngoài sự phát triển của kỹ thuật số. Trong nhóm mới có khoảng hai chục cựu viên chức thời Obama nay chuyển sang kỹ thuật số, còn bà Kamala Harris thì có mối giao tình riêng với phó tổng giám đốc Facebook, Sheryl Shanberg.
Về chống độc quyền, đến nay Joe Biden vẫn đứng giữa hai phe - bên chủ trương giữ nguyên trạng và bên muốn chia nhỏ Google và Facebook, như Elizabeth Warren hay Bernie Sanders. Nhưng các ông lớn công nghệ không lo : vào thời kỳ đại dịch và khủng hoảng kinh tế, ưu tiên không phải là tấn công vào lãnh vực đã góp phần làm cho Wall Street trở nên sung mãn.
Pháp : Bài học từ bầu cử tổng thống Mỹ
Riêng về phía Pháp rút ra được gì sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ? Theo tác giả Dominique Villepin trên Les Echos, bài học quan trọng nhất là sự đối đầu giữa hai phe cấp tiến và dân túy từ năm 2016 nay đã được khẳng định.
Cuộc đối đầu này từ thập niên 80 đã dần dần xuất hiện : Ronald Reagan đưa đảng Cộng hòa nghiêng về hữu, và thu hút một phần cử tri bình dân xưa nay vẫn bầu cho Dân chủ. Khuynh hướng này tăng lên vào đầu những năm 2000 dưới ảnh hưởng Tea Party và nay là Donald Trump. Song song đó, đảng Dân chủ gom về phía cánh trung. Tình hình diễn ra tại Pháp cũng tương tự, khi Emmanuel Macron đối đầu với Marine Le Pen, hay tại Ý, Anh. Phải chăng sự ngăn cách tả-hữu đã được xóa nhòa ? Một bài học nữa là khi phe cấp tiến huy động được cử tri công nhân và bình dân như Joe Biden thì sẽ thắng được phe dân túy.
Còn Le Monde cho biết, sau khi Biden chiếm được lợi thế nhờ bầu qua thư tín, tại Pháp đã có những lời kêu gọi cho phép dùng phương thức này trong các cuộc bầu cử địa phương năm tới. Tuy nhiên chính quyền Pháp vẫn tỏ ra nghi ngại : việc bầu qua bưu điện đã bị hủy bỏ tại Pháp từ năm 1975 vì các vụ gian lận.
Tập Cận Bình được ca tụng thay cho Allah
Cũng trên Le Monde, nhà xã hội học Dilnur Reyhan bất bình "Phải chăng sinh mạng của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ không đáng kể so với vài bức biếm họa ?". Chuyên gia này tố cáo "sự phẫn nộ có chọn lọc" của các nước Hồi giáo đang kêu gọi tẩy chay hàng Pháp vì biếm họa Mahomet, nhưng lại im tiếng trước số phận các đồng đạo tại Trung Quốc.
Đừng quên rằng trong danh sách đáng xấu hổ gồm 50 nước ủng hộ chính sách diệt chủng của Bắc Kinh, có phân nửa là các nước Hồi giáo, trong khi 23 nước khác phần lớn là phương Tây lên án các trại tập trung ở Tân Cương. Hàng ngàn đền thờ Hồi giáo bị phá hủy tại Hoa lục, giờ đây phải ca ngợi Tập Cận Bình thay vì Allah, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức triệt sản… Từ bốn năm qua, không một nhà lãnh đạo nước Hồi giáo nào dám mở miệng, và tệ hơn nữa là một số còn hợp tác với quỷ dữ.
Thụy My
Vụ ám sát tướng Iran Soleimani : Tổng thống Trump lại có giải thích mới (RFI, 14/01/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/01/2020, lại phải giải thích một lần nữa vì sao ông bật đèn xanh cho việc tiêu diệt viên tướng Iran Soleimani.
Biểu tình phản đối việc triệt hạ tướng Iran Soleimani, trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Tehran, ngày 03/01/2020. WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via Reuters
Theo ông Trump, nhân vật này là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn không giải thích rõ là mối đe dọa cụ thể ra sao. Ngoài ra, dù khẳng định rằng đe dọa cận kề nhưng ông Trump cũng cho là điều đó không quan trọng.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
"Như thường lệ, khi phải trả lời thắc mắc về hành động của chính quyền của mình, tổng thống Trump đã tấn công ngược lại. Vào hôm qua, ông đã cáo buộc đảng Dân chủ thông đồng với chế độ Iran. Trên Twitter ông đã chia sẻ một tấm ảnh ghép cho thấy hai lãnh đạo đảng Dân chủ ở Quốc hội Mỹ, bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và ông Chuck Shumer, trưởng nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng Viện, một người đầu quấn khăn, một người choàng tchador, với cờ Iran ở phía sau.
Và ông viết : Giới truyền thông (đưa) tin giả và đối tác Dân chủ của họ làm việc căng thẳng để xem cuộc tấn công của kẻ khủng bố Soleimani có cận kề hay không, xem ê-kíp của tôi có đồng ý hay không. Điều này không quan trọng do quá khứ ghê gớm của hắn.
Thật vậy, báo chí Mỹ và đảng Dân chủ đã tự hỏi về tính xác thực của mối đe dọa mà chính quyền nêu lên để biện minh cho việc ám sát viên tướng Iran. Hơn nữa, cuối tuần qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nói ngược lại quan điểm của tổng thống liên quan đến âm mưu tấn công bốn đại sứ quán Mỹ. Ông Mark Esper đã tuyên bố thẳng thừng : Tôi không thấy thông tin về vụ này.
Theo đài truyền hình NBC, tổng thống Trump đã bật đèn xanh về nguyên tắc cho việc ám sát tướng Soleimani từ cách đây 7 tháng, nếu một cuộc tấn công của Iran gây tử vong cho một người Mỹ".
Ngoại trưởng Mỹ : Vụ ám sát tướng Soleimani nằm trong một chiến lược răn đe mới
Vào hôm qua, 13/01/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố là quyết định ám sát viên tướng Iran Soleimani được đưa ra trong khuôn khổ một chiến lược răn đe tổng thể. Lập luận này có phần trái ngược với giải thích trước đó của chính quyền Mỹ, theo đó phải tiêu diệt tướng Iran vì những đe dọa tấn công sắp xẩy ra.
Phát biểu tại viện Hoover, đại học Stanford, California, ông Pompeo đã nói đến một chiến lược nhằm "răn đe thật sự" nhắm vào Iran. Theo ông chiến lược các chính quyền Mỹ trước đây, Cộng Hòa cũng như Dân chủ, ngược lại đã khuyến khích các hành vi thù nghịch của Iran.
Mai Vân
****************
Tổng thống Trump lạnh nhạt về việc tái thương thuyết với Iran (VOA, 14/01/2020)
Tổng thống Donald Trump nói ông không màng đến triển vọng thương thuyết với Iran sau hai tuần tấn công qua lại và sau việc ông áp đặt những chế tài mới nhắm vào nền kinh tế Iran.
Tổng thống Donald Trump và cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien tại Phi trường Quốc tế Los Angeles, California, ngày 18/9/2019.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien nói với chương trình ‘Face the Nation" của đài CBS vào sáng thứ Bảy 11/1 rằng Iran đang "bị nghẹt thở" và các giới chức Mỹ xem đây là cơ hội để gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo nước này khiến họ không có sự chọn lựa nào khác là thương thuyết.
Trong một dòng tin trên Twitter ngày Chủ Nhật 12/1, ông Trump nói : "Thực ra tôi ít màng tới chuyện họ thương thuyết. Việc này hoàn toàn tùy thuộc vào họ, chớ có vũ khí hạt nhân và chớ sát hại những người biểu tình ".
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát trở lại tối ngày 12/1 tại Iran. Đây là những cuộc biểu tình bước sang ngày thứ nhì chống lại quân đội Iran. Quân đội nước này ban đầu phủ nhận nhưng sau đó thừa nhận là đã bắn nhầm một máy bay dân sự Ukraine vào tuần trước khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Một nhóm biểu tình la lớn bên ngoài một trường đại học tại Tehran "Họ nói dối rằng kẻ thù của chúng ta là Hoa Kỳ, kẻ thù của chúng ta ngay đây này".
Hình ảnh video cho thấy những người biểu tình tại những địa điểm khác ở thủ đô và những thành phố khác của Iran.
Cảnh sát trong trang phục đen, mang nón bảo hộ chống bạo động, tràn ngập quảng trường nổi tiếng Azadi, phía nam trung tâm thành phố, và tại những địa điểm quan trọng khác. Cảnh sát vũ trang bằng vòi rồng, gậy gộc và súng bắn sơn dùng để đánh dấu những người biểu tình. Tuy nhiên chưa có báo cáo về việc bắt giữ người biểu tình.
Trong một bài diễn văn trước quốc hội, người đứng đầu Vệ binh Cách mạng Iran xin lỗi về vụ tấn công bằng phi đạn vào máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine và gọi đây là một sai lầm thảm họa.
"Tôi thề trước Thượng đế toàn năng là ước gì tôi có mặt trên chuyến bay đó cùng rớt và cùng bị chết cháy với họ để khỏi chứng khiến tai nạn bi thảm này", Tướng Hossein Salami nói. Ông nói thêm "Tôi chưa bao giờ xấu hổ như thế này. Chưa bao giờ".
Tổng thống Donald Trump cảnh báo Tehran chớ nên tấn công người biểu tình.
"Hỡi các nhà lãnh đạo Iran – CHỚ GIẾT NGƯỜI BIỂU TÌNH", ông Trump viết trên Twitter. "Hàng ngàn người đã bị giết hay bị các ông bỏ tù, và Thế giới đang theo dõi. Quan trọng hơn là Hoa Kỳ đang theo dõi. Mở lại Internet và cho phép ký giả đi lại tự do. Ngừng sát hại các công dân Iran vĩ đại của quý vị".
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trên Twitter bày tỏ "cực kỳ hối tiếc" và xin lỗi về việc bắn rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine. Tuy nhiên ông cho rằng đây là "Lỗi của con người trong lúc có khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ gây ra thảm họa này".
Ông O'Brien bác bỏ tuyên bố này của Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn của Fox News ngày Chủ Nhật 12/1. Ông nói lúc đầu Iran che đậy hành động rồi sau đó nói rằng chiếc máy bay dân sự quẹo về phía một căn cứ quân sự. Ông nói Iran cần điều tra vụ này, xin lỗi và bồi thường cho các gia đình nạn nhân và "đảm bảo là việc này không bao giờ xảy ra nữa".
Ngày thứ Bảy 11/1 tại Tehran, người biểu tình tụ tập gần những trường đại học và kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và hô to những khẩu hiệu "Đả đảo những tên nói dối !" và "Tên độc tài chết đi !"
Ban tiếng Ba Tư của Đài VOA loan tin là những cuộc biểu tình đã lan sang những khu vực khác của Iran, trong đó có Istafan, thành phố lớn thứ ba của Iran.
Những cuộc biểu tình ngày 11/1 diễn ra hai tháng sau khi Iran đàn áp những cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ, gây ra bởi giá xăng dầu được trợ cấp gia tăng vào/11 năm ngoái. Iran từ chối công bố con số tử vong vào lúc đó nhưng Ân xá Quốc tế nói có hơn 300 người bị giết.
Sáng ngày thứ Bảy 11/1, Lực lượng Vệ binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran công nhận đã nhầm lẫn bắn rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine trước đây trong tuần.
Việc bắn hạ chiếc Boeing 737 diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran tấn công bằng phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ trú đóng để đáp trả cuộc tấn công của máy bay không người lái do Tổng thống Trump chỉ thị giết chết chỉ huy trưởng Lực lượng Quds của Iran là Tướng Qasem Soleimani.
Một toán giới chức Canada ngày thứ Hai 13/1 đến Iran làm việc với gia đình các nạn nhân, kể cả việc nhận diện các thi thể và đưa về Canada. Họ cũng sẽ hỗ trợ trong việc điều tra.
Trong số 176 người thiệt mạng, có ít nhất 57 người là công dân Canada.
Ngày Chủ Nhật 12/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham gia một buổi lễ tưởng niệm tại Edmonton và bày tỏ tiếc thương những người đã thiệt mạng.
******************
Iran : Cảnh sát phủ nhận đàn áp biểu tình bằng đạn thật (RFI, 13/01/2020)
Sau ngày thứ Bảy 11/01/2020 xuống đường, những cuộc biểu tình phản đối chính quyền bưng bít sự thật về vụ máy bay của Ukraine bị bắn rớt, lại diễn ra trong đêm Chủ Nhật tại Tehran và nhiều thành phố khác.
Sinh viên biểu tình trước đại học Amirkabir, Tehran, ngày 11/01/2020. ATTA KENARE / AFP (Ảnh minh họa)
Cảnh sát chống bạo động bị tố cáo sử dụng hơi cay, thậm chí đạn thật để đàn áp. Sáng nay, chỉ huy trưởng cảnh sát Tehran khẳng định là không có chuyện dùng đạn thật. Cảnh sát được lệnh tự kềm chế. Tình thế căng thẳng, dân chúng bất bình.
Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường thuật :
"Thực tế là có từ hai ngàn đến ba ngàn người tập họp ở quảng trường Azadi (Tự Do) ở thủ đô Tehran với những biểu ngữ đả kích thượng tầng lãnh đạo Iran và yêu cầu họ từ chức.
Người biểu tình phản đối chính quyền không nói sự thật về nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay dân dụng của Ukraine, mà trong suốt 72 tiếng đồng hồ, cứ liên tục khẳng định là do tai nạn.
Nhiều người đã xé bích chương có chân dung của tướng Qasem Soleimani, cố tư lệnh lực lượng Al Qods của Vệ Binh Cách Mạng, bị giết trong vụ Mỹ oanh kích ở Baghdad ngày 02 tháng 01 năm 2020.
Cảnh sát chống bạo động được huy động đông đảo đã giải tán người biểu tình, nhất là bằng lựu đạn cay. Trên khắp nước, ở các thành phố, cũng có những cuộc xuống đường tương tự, với hàng trăm người tham gia.
Nhưng khác với những cuộc biểu tình hồi/11 xuất phát từ lý do kinh tế, chống lệnh tăng giá xăng, lần này cuộc phản kháng mang chính chất chính trị. Lòng dân âm ỉ bất mãn. Hãng thông tấn ISNA, tuy có quan điểm thân với phe cải cách, cũng lên tiếng về sự im lặng của tổng thống Hassan Rohani.
Trong khi nhiều cấp chỉ huy của Vệ Binh Cách Mạng nhìn nhận có "sai lầm ngoài ý muốn" và đã lên tiếng xin lỗi, cho đến hôm nay, chưa có một vị bộ trưởng nào tiếp xúc và nói chuyện với dân".
Xuống thang ?
Theo AFP, trong không khí căng thẳng này, một số tín hiệu cho phép suy đoán cả Hoa Kỳ và Iran đều muốn giảm nhiệt.
Hôm Chủ Nhật, một doanh trại của Mỹ tại Iraq bị pháo kích bằng tên lửa, nhưng cũng như vụ pháo kích bốn ngày trước đó (08/01) ở một căn cứ khác, lính Mỹ đã rút đi từ lâu. Cùng ngày, tướng Hossein Salami, tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng, khi ra điều trần tại Quốc hội, tuyên bố là "không có ý định sát hại lính Mỹ" trong vụ pháo kích ngày 08/01 mà chỉ nhằm biểu dương sức mạnh mà thôi.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Washington, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper cũng dịu giọng : Tình báo Mỹ không thấy bằng chứng cụ thể Iran có dự án tấn công vào bốn sứ quán Mỹ khi tổng thống Donald Trump ra lệnh giết tướng Iran. Thật ra, theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, cũng như cố vấn an ninh tổng thống Robert O’Brien, dường như muốn tập trung ủng hộ phong trào phản kháng của công dân Iran để có "một chế độ tốt hơn" tại Tehran, thay vì dùng quân sự.
*********************
Mỹ ra loạt trừng phạt mới với Iran để trả đũa vụ tấn công tên lửa (RFI, 11/01/2020)
Hôm 10/01/2020, chính quyền Mỹ công bố loạt trừng phạt kinh tế mới đối với Iran. Sau vụ quân đội Iran bắn hỏa tiễn vào nhiều căn cứ Mỹ tại Iraq, để đáp trả việc tướng Soleimani bị Mỹ hạ sát, rốt cục chính quyền Donald Trump chọn vũ khí kinh tế, hơn là biện pháp quân sự. Các đòn trừng phạt mới này nhắm vào các ngành công nghiệp và 8 quan chức Iran.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 10/01/2020 công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức và công ty của Iran. (Ảnh minh họa chụp ngày 11/10/2019) Reuters/Yuri Gripas
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :
"Tám quan chức Iran này can dự vào vụ bắn tên lửa nhắm vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq, theo Washington. Một số người trong danh sách này đã là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Lãnh đạo bộ Tài chính Mỹ bảo đảm là đợt trừng phạt mới này cũng nhắm vào 17 nhà sản xuất kim loại, các công ty khai thác mỏ, thép và nhôm, vốn là các thành phần quan trọng để chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự tác động của loạt biện pháp này đối với chế độ rất có thể sẽ là không đáng kể, bởi vì theo lời giải thích của một trong các chuyên gia với báo New York Times, thì "về mặt áp lực kinh tế đối với Iran, chính quyền Trump là nạn nhân của sự thành công của chính họ. Hoa Kỳ đã gần như làm hết khả năng trong mục tiêu đặt ra là gây áp lực tối đa đối với nền kinh tế Iran".
Loạt trừng phạt mới của Mỹ chống lại Iran gần nhất là vào hồi tháng 12/2019, nhắm vào tập đoàn vận tải chính của chế độ Hồi giáo, bị cáo buộc cung cấp thiết bị cho việc sản xuất hỏa tiễn và chương trình hạt nhân, và đồng thời cung cấp nguồn lực tài chính cho lực lượng Hezbollah và chế độ Assad tại Syria.
Tuy nhiên, ngành dầu mỏ của Nước Cộng Hòa Hồi giáo là đối tượng chính của các biện pháp trừng phạt. Hồi tháng 4/2019, Washington chấm dứt lệnh miễn trừ dành cho 8 quốc gia nhập khẩu dầu thô của Iran, trong đó có Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh : Chúng tôi tin tưởng 100% vào tác động của các lệnh trừng phạt này. Nếu không có chúng, chính quyền Tehran đã có thể có thêm hàng chục tỉ đô la".
Trọng Thành
******************
Căng thẳng hạ giảm, Iran ra tín hiệu lẫn lộn (VOA, 10/01/2020)
Iran ngày 9/1 đưa ra các tín hiệu lẫn lộn giữa lúc căng thẳng với Mỹ dường như giảm bớt với việc Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo về một "sự phản ứng rất nguy hiểm" nếu Hoa Kỳ phạm "sai lầm khác" và một chỉ huy cao cấp thề "trả thù khốc liệt" về vụ hạ sát một tướng lãnh hàng đầu của Iran.
Tổng thống Hassan Rouhani nói chuyện trong một cuộc họp ở Tehran, Iran, ngày 4/12/2019.
Ngày 8/1, cả hai bên Mỹ và Iran có vẻ lùi bước sau khi Iran phóng một loạt phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ trú đóng tại Iraq nhưng không gây bất cứ thương vong nào. Iran nói cuộc tấn công là để trả đũa vụ tấn công của Hoa Kỳ tại Iraq hôm 3/1 giết chết tướng Qasem Soleimani, kiến trúc sư của chiến lược an ninh khu vực.
Tướng Mỹ Milley nói vụ này không có tử vong ‘là do những kỹ thuật phòng vệ của các lực lượng chúng ta chứ không phải là ý định của Iran’.
Tổng thống Rouhani nói vụ tấn công bằng phi đạn là một hành động chính đáng để tự vệ theo Hiến chương Liên hiệp quốc, nhưng ông cảnh báo là "nếu Hoa Kỳ phạm sai lầm khác, Hoa Kỳ sẽ nhận những đáp trả rất nguy hiểm".
Thêm vào việc tấn công bằng phi đạn, Iran cũng bỏ những cam kết còn lại trong thỏa thuận hạt nhân 2015, mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào tháng 5 năm 2018. Tuy nhiên ngày 9/1 ông Rouhani nói Iran sẽ tiếp tục hợp tác với các thanh sát viên Liên hiệp quốc.
Các chỉ huy cao cấp của quân đội Iran có những lời lẽ mạnh bạo hơn.
Tướng Abdollah Araghi, một thành viên của Ban Tham mưu Hỗn hợp, nói Vệ binh Cách mạng Iran "sẽ trả thù khốc liệt hơn trong tương lai", theo thông tấn xã bán chính thức Tasnim.
Tasnim cũng trích lời tướng Ali Fadavi, quyền tư lệnh Vệ binh, nói rằng cuộc tấn công phi đạn "chỉ là một trong biểu tượng của khả năng chúng ta".
Ông được trích lời nói "Chúng ta bắn hàng chục phi đạn vào trung tâm những căn cứ của Mỹ tại Iraq và họ chẳng làm gì được cả".
Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra chỉ dấu là ông sẽ không đáp trả bằng quân sự đối với việc các căn cứ bị tấn công. Điều này nêu lên hy vọng là việc đối đầu hiện nay, làm cho hai nước bên bờ chiến tranh toàn diện, có thể hạ giảm.
Tổng thống Iran, Rouhani, cùng ngày điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, thúc đẩy Anh lên án vụ hạ sát Soleimani.
Là người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ, tướng Soleimani đã huy động các lực lượng ủy nhiệm vũ trang trong vùng và bị quy trách nhiệm những cuộc tấn công chết người chống lại quân đội Mỹ từ năm 2003 khi Hoa Kỳ dẫn đạo cuộc tấn công vào Iraq. Tại Iran, ông được xem như là anh hùng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo và chống lại bá quyền phương Tây.
Không có những nỗ lực của Soleimani lãnh đạo các lực lượng tại Syria và Iraq chống lại Nhà nước Hồi giáo, "các ông sẽ không có hòa bình và an ninh tại London ngày hôm nay", ông Rouhani được Phó Tổng thống Alirez Moezi trích lời trong cuộc điện đàm với ông Johnson để đăng trên Twitter.
Phủ Thủ tướng Anh xác nhận cuộc gọi này và nói rằng ông Johnson kêu gọi "chấm dứt thù nghịch" tại Vùng Vịnh và rằng Anh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và thúc đẩy Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận.
Theo AP
*******************
Mật báo viên từ Iraq, Syria giúp Mỹ hạ sát tướng Iran (VOA, 10/01/2020)
Tướng Iran Qasem Soleimani đến phi trường Damascus trên một chiếc xe có cửa kính phủ màu đen. Bốn binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Iran đi với ông. Chiếc xe đậu tại cầu thang dẫn tới máy bay Cham Wings Airbus A320 được lên lịch bay đến Baghdad.
Ảnh tướng Qasem Soleimani, được treo tại Tòa Đại sứ cũ của Mỹ ở Tehran, Iran, ngày 7/1/2020 sau khi ông bị máy bay không người lái Mỹ bắn chết ngày 3/1 tại phi trường Baghdad.
Ông Soleimani cũng như bốn binh sĩ đều không có tên trong danh sách hành khách, theo một nhân viên hãng hàng không Cham Wings mô tả với Reuters cảnh những người này rời khỏi thủ đô Syria. Ông Qasem Soleimani tránh dùng máy bay riêng vì những quan ngại về an ninh của ông ngày càng tăng, một nguồn tin an ninh Iraq biết về sự sắp xếp an ninh của ông Soleimani nói.
Đây là chuyến bay cuối cùng của ông Soleimani. Rocket bắn từ máy bay không người lái của Mỹ giết chết ông Soleimani khi ông rời phi trường Baghdad trong đoàn xe bọc thép. Cũng thiệt mạng là một người đàn ông đón ông tại phi trường : ông Abu Mahdi Muhandis, chỉ huy phó Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), một tổ chức ô dù của chính phủ Iraq dành cho lực lượng dân quân của nước này.
Cuộc điều tra của Iraq về vụ tấn công giết hai người này hôm 3/1 bắt đầu vài phút sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ, hai giới chức an ninh Iraq nói với Reuters. Các nhân viên An ninh Quốc gia phong tỏa phi trường ngăn hơn một chục nhân viên an ninh không được rời phi trường kể cả cảnh sát, nhân viên hộ chiếu và tình báo.
Các nhà điều tra chú trọng đến việc làm thế nào những mật báo viên bên trong phi trường Damascus và Baghdad hợp tác với quân đội Mỹ theo dõi và xác định vị trí của ông Soleimani, theo cuộc phỏng vấn của Reuters với 2 nhân viên an ninh hiểu biết trực tiếp về cuộc điều tra của Baghdad, hai nhân viên phi trường Baghdad, hai cảnh sát và 2 nhân viên của hãng hàng không Cham Wings Syria, là một hãng hàng không thương mại tư nhân có trụ sở tại Damascus.
Cuộc điều tra do ông Falih al-Fayadh, Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq và người đứng đầu PMF, tổ chức điều phối với dân quân Iraq hầu hết là người Shia, nhiều người trong số này được Iran hỗ trợ và có liên hệ chặt chẽ với ông Soleimani.
Những nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia có "những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy một mạng lưới gián điệp làm việc bên trong phi trường Baghdad liên hệ đến việc rò rỉ những chi tiết an ninh nhạy cảm" về chuyến đi của ông Soleimani cho Mỹ, một trong những giới chức an ninh Iraq nói với Reuters.
Các nghi can bao gồm hai nhân viên an ninh tại phi trường Baghdad và hai nhân viên của Cham Wings-"một gián điệp tại phi trường Damascus và một gián điệp khác làm việc trên máy bay", nguồn tin nói. Các nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia tin rằng 4 nghi can, chưa bị bắt, làm việc cho một tổ chức lớn hơn cung cấp tin tức cho quân đội Mỹ, giới chức này nói.
Hai nhân viên của Cham Wings đang bị tình báo Syria điều tra, theo nguồn tin từ hai giới chức an ninh Iraq. Tổng nha tình báo Syria không đáp ứng yêu cầu bình luận. Tại Baghdad, nhân viên An ninh Quốc gia đang điều tra những nhân viên an ninh của hai phi trường, những người thuộc Dịch vụ Bảo vệ Cơ sở, theo một giới chức Iraq cho biết.
"Những phát hiện đầu tiên của toán điều tra Baghdad nói tin đầu tiên về chuyến đi của ông Soleimani đến từ phi trường Damascus", giới chức này cho hay. "Nhiệm vụ của tổ bí mật tại phi trường Baghdad là xác nhận lúc đến của mục tiêu và chi tiết đoàn xe của ông".
Văn phòng truyền thông của cơ quan An ninh Quốc gia Iraq không trả lời yêu cầu bình luận. Phái bộ Iraq tại Liên hiệp quốc ở New York cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận là liệu tin tức tại Iraq và Syria đóng một vai trò trong cuộc tấn công hay không. Các giới chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh cho Reuters biết là Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ hành tung của ông Soleimani trong nhiều ngày trước cuộc tấn công, nhưng không cho biết làm thế nào quân đội xác định được vị trí của ông này vào đêm tấn công.
Một quản lý của Cham Wings tại Damascus nói các nhân viên của hãng bị cấm không được bình luận về cuộc tấn công hay cuộc điều tra. Một phát ngôn viên của Thẩm quyền Hàng Không dân dụng Iraq, đơn vị vận hành các phi trường của quốc gia, từ chối bình luận về cuộc điều tra nhưng gọi đây là chuyện bình thường sau "các sự cố như vậy liên hệ đến các giới chức cao cấp".
Máy bay của ông Soleimani đáp xuống phi trường Baghdad vào khoảng 12g30 rạng sáng ngày 3/1, theo hai giới chức phi trường, căn cứ vào camera an ninh. tướng Soleimani và cận vệ rời khỏi máy may bằng cầu thang trực tiếp đến phòng đợi của phi trường, không qua hải quan. Ông Muhandis gặp ông Soleimani bên ngoài phi cơ, và hai người bước vào một chiếc xe bọc thép đang đợi. Các binh sĩ bảo vệ ông tướng bước vào một xe SUV bọc thép khác, các giới chức phi trường nói.
Giữa lúc các giới chức an ninh trông theo, hai chiếc xe trực chỉ về phía con đường chính ra khỏi phi trường, các giới chức cho hay. Hai chiếc rocket đầu tiên của Mỹ bắn trúng chiếc xe chở ông Soleimani và Muhandis vào lúc 12g55 rạng sáng. Chiếc SUV chở nhân viên an ninh bị bắn trúng vài giây sau đó.
Vài giờ sau cuộc tấn công, các nhà điều tra duyệt xét lại các cú điện thoại gọi đến và những tin nhắn của nhân viên ca đêm của phi trường để tìm xem ai là người đưa cho Mỹ về hành tung của ông Soleimani, các giới chức an ninh Iraq cho hay. Nhân viên An ninh Quốc gia thẩm vấn hàng giờ các nhân viên an ninh phi trường và Cham Wing, các nguồn tin nói. Một nhân viên an ninh nói ông bị thẩm vấn 24 giờ trước khi được trả tự do. Trong nhiều giờ họ hỏi ông đã nói chuyện với ai hay nhắn tin cho ai trước khi máy bay ông Soleimani đáp xuống-trong đó có những "yêu cầu kỳ quặc" liên hệ đến chuyến bay Damascus-và tịch thu điện thoại di động của ông.
"Họ hỏi tôi một triệu câu hỏi", ông nói.
Iran : Cuộc chiến tàu dầu sẽ đi về đâu ?
Căng thẳng tại eo biển Ormuz, cải cách các định chế quốc tế, hạn hán tại Pháp, đó là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay.
Một tàu của Vệ binh Cách mạng Iran áp sát tàu dầu Stena Impero của Anh đang bị giữ tại cảng Bandar Abbar, ngày 21/07/2019. Mizan News Agency/WANA Handout via Reuters
Các bài viết có tựa đề gần giống nhau : Nếu Le Figaro cho biết "Áp lực tăng lên giữa Luân Đôn và Tehran tại eo biển Ormuz" thì Libération cũng dành hai trang báo cho chủ đề "Eo biển Ormuz, Tehran bắt tàu, Luân Đôn sôi sục". La Croix than thở "Lại căng thẳng tại eo biển Ormuz", còn Les Echos nhận định "Luân Đôn sẵn sàng đáp trả Tehran sau vụ bắt tàu dầu".
Bắt tàu Anh trong tiếng hô "Allah Akbar !"
Le Figaro cho rằng vẫn chưa phải là "cuộc chiến tàu dầu" đẫm máu như trong cuộc xung đột Iran-Iraq thập niên 80, khi Saddam Hussein tấn công 280 tàu dầu Iran tại vùng vịnh Ba Tư, còn Tehran đánh vào 170 tàu của Iraq. Nhưng những sự cố liên tục xảy ra tại khu vực chiến lược này khiến tình hình trở nên nguy hiểm.
Thứ Bảy 20/7, tờ báo bảo thủ Keyan của Iran chạy tựa lớn "Một tàu dầu đổi một tàu dầu !". Hôm trước đó, một biệt đội Vệ binh Cộng hòa được trực thăng vận, hô vang "Allah Akbar",chiếm lấy tàu dầu Anh Stena Impero tại vịnh Oman, không xa eo biển Ormuz – tâm chấn từ hai tháng qua. Trước khi bắt tàu Anh, Vệ binh Cách mạng cũng đã bắt tàu dầu Mesdar mang cờ Liberia, nhưng thả ra sau khi biết chủ tàu này là một công ty Algeria.
Việc "tịch biên" chiếc Stena Impero xảy ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Gibraltar (lãnh thổ thuộc Anh ở nam Tây Ban Nha) quyết định giữ thêm 30 ngày chiếc tàu dầu Grace 1 của Iran – bị Anh bắt hôm 4/7 khi chở dầu sang Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu. Và 24 giờ sau khi Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái Iran ở vịnh Ba Tư, tuy Iran bác bỏ. Tóm lại, các bên đều lập tức ăn miếng trả miếng.
Rồi sẽ đi đến đâu ? Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh cáo nếu có người Mỹ nào chết, Hoa Kỳ sẽ trả đũa bằng biện pháp quân sự.
Chiến lược ba giai đoạn của Iran tại eo biển Ormuz
Tin rằng Mỹ không muốn thương lượng và Châu Âu bất lực không thể thuyết phục Donald Trump, phe diều hâu Iran gia tăng áp lực. Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận chế độ Tehran cho biết Vệ binh Cách mạng đã có chiến lược gồm ba giai đoạn. Hiện nay họ kiểm soát sở hữu chủ các tàu đi vào eo biển Ormuz, giai đoạn tiếp theo là đóng cửa eo biển với các địch thủ, chỉ cho các tàu nước bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vào. Cuối cùng nếu bị tấn công Iran sẽ đóng hẳn Ormuz, và phản công từ vùng duyên hải.
Tính sổ các tàu dầu bị bắt : Iran giữ hai (một chiếc khác là Riah đã được thả hôm thứ Năm 18/7), Anh giữ một. Nhưng Tehran còn bốn chiếc khác bị tịch thu ở Brazil. Ngược lại, kẻ thù bất cộng đáy thiên của Iran là Saudi Arabia hôm qua đã thả tàu dầu Happyness 1 của Iran, bị bắt tại Hồng Hải từ hai tháng qua. Iran sẽ phải chi 20 triệu đô la để sửa chữa, nhưng Saudi Arabia đòi trả "chi phí giữ tàu" 200.000 đô la một ngày, mà phía Tehran gọi là trấn lột.
Một chuyên gia nhận định : "Iran tìm cách duy trì không khí bất ổn, nhưng không vượt qua ngưỡng có thể làm cộng đồng quốc tế phải hành động". Nhưng điều tệ hại nhất có thể tránh được đến bao giờ ?
Những que diêm Iran đang nhóm lửa
Trong bài xã luận mang tựa đề "Những que diêm Iran", La Croix nhận định, có vẻ như không ai muốn chiến tranh. Nhưng tại eo biển Ormuz, Mỹ và Iran đang đùa với lửa.
Thời sự mùa hè này toàn về những sự kiện trên biển. Tháng nào cũng xảy ra vụ bắt tàu, tuần nào cũng có những đe dọa qua lại giữa Mỹ và Iran, và không ngày nào mà không có tranh cãi về máy bay không người lái bị bắn rơi. Chưa kể từ thứ Bảy 20/7, và lần này thì trên đất liền, quốc vương Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng cho quân Mỹ đồn trú, lần đầu tiên kể từ 16 năm qua. Với những vụ tấn công và phá hoại liên tục, eo biển Ormuz, nơi một phần ba lượng dầu lửa thế giới đi qua, rất dễ "bốc cháy".
Libération chú ý đến khía cạnh "chiến tranh hình ảnh". Video dài hai phút về vụ bắt tàu dầu Anh với các hình ảnh những chiến binh bịt mặt chiếm lĩnh chiếc tàu dầu, trên nền những tiếng hô "Thượng Đế vĩ đại", được quay từ trực thăng lẫn trên tàu, nhằm chứng tỏ sức mạnh của Nhà nước để trấn an nhân dân Iran, đã có phần nào tác dụng.
Về phía Anh, tờ báo cho rằng đang trong vị thế rất nhạy cảm. Vừa cố gắng cứu vãn hiệp ước nguyên tử Iran, mặt khác lại phải tỏ ra cứng rắn trước Tehran, vào lúc Mỹ và Iran đều đang căng thẳng. Bên cạnh đó, giới quân sự chỉ trích phản ứng yếu ớt của chính quyền, do đang bận rộn với Brexit và thay đổi thủ tướng.
Bà Theresa May chỉ còn tại vị đến thứ Tư tuần này, không tham dự hai cuộc họp khẩn tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy. Với một thủ tướng sắp ra đi, ít tập trung cho hồ sơ Iran, và thiếu sự phối hợp với các đồng minh Châu Âu, Luân Đôn có vẻ lẻ loi. Tân thủ tướng sẽ phải nhanh chóng tái khẳng định vị thế.
Quân đội Miến Điện không dễ buông quyền lực
Liên quan đến Châu Á, Le Monde nói về quyền lực của quân đội Miến Điện đang bị tranh cãi. Đảng của bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi Hiến pháp để giảm bớt quyền hành của giới quân nhân, nhưng khó thể thành công.
Quân đội đang ở thế thủ : thứ Ba 16/7, Hoa Kỳ loan báo trừng phạt tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing cùng với ba quan chức khác do tội ác đối với người Rohingya. Hôm sau, hàng chục ngàn người biểu tình tại Rangoon và nhiều thành phố khác, giương biểu ngữ "Sửa đổi Hiến pháp 2008".
Đảng Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi muốn giảm từ ngưỡng 75% số phiếu để tu chính Hiến pháp xuống còn 66%, và hủy bỏ điều khoản khiến bà không thể giữ chức tổng thống hoặc phó tổng thống. Nhưng quân đội đang chiếm 1/4 số ghế trong Quốc hội, không dễ chịu thua, và tổng tư lệnh quân đội có toàn quyền đưa ra những biện pháp đặc biệt "vì lý do an ninh".
Nhật-Hàn đấu nhau, ngư ông Trung Quốc đắc lợi ?
Tại Bắc Á, "Căng thẳng lại nổi lên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về thương mại và ngoại giao". Vụ một người Hàn Quốc tự thiêu trước đại sứ quán Nhật tại Seoul hôm thứ Sáu tuần trước, theo Le Monde là cái mốc đáng buồn cho xung đột giữa hai nền dân chủ lớn nhất Châu Á, đều là đồng minh của Mỹ. Tổng thống Donald Trump, đang trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đã phải cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải.
Những hiềm khích lịch sử được khơi lại, những nhân vật nổi tiếng của Hàn Quốc hủy các chuyến đi sang Nhật Bản, và các nhà buôn tẩy chay những sản phẩm Nhật bị cho là "made by war criminals" (do các tội phạm chiến tranh sản xuất).
Đang bị sa sút trong các cuộc thăm dò, uy tín của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bỗng tăng lên từ khi đối đầu với Tokyo, còn thủ tướng Nhật Shinzo Abe, với sự ủng hộ của cánh hữu, không có ý định nhượng bộ.
Les Echos nhận định "Ông Shinzo Abe sắp phá kỷ lục người lãnh đạo nước Nhật lâu nhất". Liên minh cầm quyền của ông hôm qua đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng Viện.
Những biện pháp để thu phục cử tri, nhất là giới trẻ, của ông Abe đã đạt kết quả : cho đến tối thứ Bảy, thủ tướng vẫn rất tích cực hoạt động trên Instagram, với những hình ảnh gần gũi như cùng ăn trưa với sinh viên, nấu nướng thức ăn… Với chiến thắng lần này ông Shinzo Abe qua mặt Taro Katsura, người đã lãnh đạo nước Nhật suốt ba nhiệm kỳ vào đầu thế kỷ 20.
Thủ tướng Nhật tin rằng phải cải tổ sâu sắc quân đội để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò dư luận hôm qua, có 54% người Nhật ủng hộ ông Shinzo Abe tiếp tục nắm quyền, nhưng chỉ có 36% muốn ông sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.
Hạn hán, nỗi lo của nước Pháp mùa hè này
Về khí hậu, trang nhất của Libération đăng ảnh một vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chạy tựa "Hạn hán, người người đổ xô tìm nước". Những đợt nóng liên tục xảy ra dẫn đến việc khan hiếm nước, khiến chính quyền Pháp phải hạn chế dùng nước tại 73 khu vực. Nông nghiệp, kỹ nghệ, năng lượng, du lịch và các thành thị đều chật vật để có được lượng nước cần dùng.
Les Echos mô tả những hậu quả đầu tiên : Những cây thông héo úa, những cánh đồng bắp xác xơ vì thiếu nước, những ngôi nhà bị lún nứt vì xây trên nền đất sét… Bài xã luận của Libération nhấn mạnh nước là "Tài sản chung", mỗi người cần có ý thức tiết kiệm nước, phủ xanh mặt đất…và cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn.
Không phải chỉ có nước Pháp bị hạn hán, mà đây là hiện tượng toàn cầu. Tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ, nhiều vòi nước bị khóa để tránh việc các hộ dân xài lố định lượng, người ta phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để lấy nước. Người nghèo mua nước với giá cắt cổ, người giàu mua máy bơm khai thác lượng nước ngầm hiếm hoi. Những bữa ăn được dọn ra trên lá chuối để khỏi rửa chén, và đã có những vụ xe bồn chở nước bị tấn công.
Cuba : "Chủ nghĩa xã hội hay là chết" ?
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Monde có bài phóng sự thú vị mang tựa đề "Cuba, những tiếng nói tự do". Đối với người dân đảo quốc, "botella" tức vẫy xe đi nhờ là cách hầu như duy nhất để đối phó với sự thiếu thốn phương tiện giao thông công cộng, và trong hoàn cảnh ấy họ thoải mái thổ lộ về những bất cập của chế độ.
Tại Cuba, một tài xế taxi ở La Havana chạy nửa ngày có thể kiếm được thu nhập bằng cả tháng lương của một bác sĩ hay giáo sư đại học. Trong cuốn sách có cái tựa đơn giản "Cuba", tác giả Sara Roumette nhận xét : "Đó là một chế độ bảo vệ rất nhiều và cũng áp đặt rất nhiều. Một đất nước mà tất cả mọi người đều biết đọc biết viết, với ưu tiên dành cho giáo dục, nhưng nếu đòi hỏi tự do ngôn luận bạn sẽ biết được địa ngục là như thế nào. Cuba là nơi mà người ta có thể đến bệnh viện không cần có đồng nào trong túi, nhưng sống cho ra sống với đồng lương nhà nước đã trở nên bất khả".
Le Monde ghi nhận trong khi những khẩu hiệu có từ sau khi nhà độc tài Batista sụp đổ năm 1959, vẫn khoe "Cuba, đất nước tự do đầu tiên tại Châu Mỹ la-tinh", thì từ đó đến nay, cứ 10 người dân đã có 1 người bỏ nước ra đi. Trên những bức tường, dòng chữ "Chủ nghĩa xã hội hay là chết !" đã phai nhạt đi với thời gian, phía dưới ai đó đã viết thêm câu "Có gì khác nhau đâu ?".
Thụy My
Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ? (VTV, 15/10/2017)
Mỹ có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từng được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử ? Diễn biến này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn ?
Những diễn biến bất ổn mới xuất hiện ở khu vực Trung Đông trước sự đối đầu đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện rõ ý định tăng cường sức ép lên Iran - đối thủ nặng ký của Washington tại Trung Đông. Và thỏa thuận hạt nhân mà Iran cùng Mỹ và các cường quốc thế giới ký năm 2015 hiện trở thành tâm điểm tranh cãi.
Ngày 15/10, Tổng thống Mỹ sẽ phải báo cáo với Quốc hội đánh giá về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không. Việc đánh giá này được tiến hành theo định kỳ 90 ngày. Bản báo cáo này của Nhà Trắng chưa được công bố, nhưng có thể thấy tinh thần của bản báo cáo qua những tuyên bố mà tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 12/10 vừa qua.
Như vậy, số phận bản thỏa thuận hạt nhân từng được coi là lịch sử đang như sợi chỉ mành treo trước gió. Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với Tehran hay không. Cách đây 2 năm, khi đặt bút ký vào thỏa thuận này, đại diện của các cường quốc đã từng hi vọng, nó sẽ giúp khép lại một hồ sơ hạt nhân phức tạp bậc nhất trên thế giới, tương tự như hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.
Sau 12 năm thương lượng và đàm phán nước rút căng thẳng, thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran đạt được tháng 7/2015. Thỏa thuận được kỳ vọng khép lại hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại.
Thỏa thuận hạt nhân còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức. Theo thỏa thuận, Iran cam kết giảm số máy ly tâm cũng như lượng urani làm giàu xuống dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Đổi lại, Tehran từng bước được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế được thông qua từ năm 2006 của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc ; đồng thời tổ chức lại nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm buôn bán vũ khí vẫn được gia hạn 5 năm, trừ khi được sự cho phép đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã từng được đanh giá là một thành công mang tính lịch sử
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Như vậy, thỏa thuận cuối cùng đạt được không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, mà chỉ để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của quốc gia này. 109 trang của thỏa thuận hạn chế các tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ dần dần và đảo ngược các biện pháp trừng phạt vốn đang bóp nghẹn nền kinh tế của Iran. Nhờ thành công của thỏa thuận hạt nhân, quan hệ giữa Iran và phương Tây ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ Donald Trump đòi xem xét lại bản thỏa thuận này hoặc thậm chí phá bỏ nó là một diễn biến quan ngại với các bên tham gia, làm nảy sinh những nguy cơ căng thẳng mới ở Trung Đông.
Nếu theo dõi những cuộc tranh cãi ở tầm quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể thấy rằng nước Mỹ đang đi ngược chiều các quốc gia khác trong đánh giá về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân này. Các nhà lãnh đạo Châu Âu không ngừng tuyên bố Iran đang tôn trọng thỏa thuận. Ngay cả cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), vốn được coi là nhà giám sát việc thực thi của Iran, mới đây cũng ra tuyên bố về việc Tehran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. IAEA hiểu rằng, việc làm suy yếu hay loại bỏ thỏa thuận này sẽ không chỉ đổ thêm dầu vào thùng thuốc súng trong khu vực, mà còn tác động tới một điểm nóng hạt nhân khác cũng đang tăng nhiệt rất nhanh là Triều Tiên.
Liên minh Châu Âu đang tận dụng mọi diễn đàn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Một mặt, Châu Âu kêu gọi Mỹ ngừng ý định rút khỏi thỏa thuận này, mặt khác cho Mỹ thấy Iran đang làm đúng với cam kết của mình.
Trước sự nghi ngại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nhà ngoại giao Châu Âu đang quay sang vận động các thành viên Quốc hội Mỹ giữ thỏa thuận này.
Ngoài ra, Châu Âu cũng lo ngại việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên càng khó giải quyết và tác động tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của trên thế giới.
Như một kịch bản đã được báo trước, chiến lược mới của Tổng thống Trump đã vang vọng tới Iran. Ngay sau những tuyên bố từ Washington, chính phủ Iran đã đưa ra phản ứng chính thức của mình. Nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một hiệp định quốc tế, được Hội đồng bảo an thông qua.
Người Iran sẽ có 60 ngày chờ xem, nghị viện Mỹ liệu có tiến hành bước đi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, trước sức ép của Tổng thống Trump. Với người dân Iran, Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ vào một kỷ nguyên đối địch mới với Iran. Những gì mà người ta nghe được từ phản ứng của tổng thống Iran Rouhani, là Tehran sẽ nâng cấp, thậm chí tăng cường gấp đôi sức mạnh hệ thống tên lửa của nước này.
Tóm lại, nhiều khả năng thời gian tới, khu vực Trung Đông sẽ chưa phải đối mặt với một Iran ồ ạt phát triển chương trình hạt nhân. Nhưng người ta sẽ chứng kiến những sự đối đầu, răn đe qua lại giữa Mỹ và Iran tại Trung Đông. Viễn cảnh này đáng lo ngại khi tình hình chiến trường tại Iraq, Syria đang đặt lực lượng của Mỹ và Iran vào những vị trí quá gần nhau để một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Tại trường quay chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 15/10, nhà báo Phạm Phú Phúc - chuyên gia nghiên cứu về tình hình Trung Đông cũng sẽ đưa ra những phân tích, bình luận chi tiết về vấn đề này.
******************
Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị Tổng thống Mỹ đe dọa (RFI, 14/10/2017)
Ngay sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran "bất cứ lúc nào", từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các cường quốc đã kết ước với Iran, tất cả đều lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử, sẽ được duy trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng (Washington D.C) ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Trong một phản ứng mang tính chất biểu tượng rất cao, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, ba nước Tây Âu đã trực tiếp đàm phán với Iran, đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên "thực thi đầy đủ" hiệp định này.
Tổng thống Pháp còn đi xa hơn khi gọi điện nói chuyện với đồng nhiệm Iran Rohani để đảm bảo với Iran về "sự gắn bó của Pháp" với thỏa thuận năm 2015 và loan báo khả năng ông sẽ công du Iran.
Liên Hiệp Châu Âu, qua lời bà Federica Mogherini, người đặc trách ngoại giao, đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại "một thỏa thuận đang vận hành tốt và hiệu quả đúng theo mong đợi".
Nga, một cường quốc khác đã đàm phán hiệp định hạt nhân với Iran thì không ngần ngại tố cáo chiến lược tự cô lập Hoa Kỳ của ông Trump trên hồ sơ này.
Dĩ nhiên là Iran đã phản ứng dữ dội. Ông Hassan Rohani, tổng thống nước này đã cho rằng Hoa Kỳ hơn bao giờ hết đã bị cô lập do thái độ chống Iran.
AIEA : Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tỏ ý "hết sức hy vọng" là hiệp định hạt nhân Iran được duy trì. Một cách cụ thể hơn, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Vienna (Áo) đã phản bác lập luận của tổng thống Mỹ theo đó chính quyền Tehran đã không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Trong bản thông cáo công bố hôm qua, AIEA khẳng định Tehran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. Thông tín viên Isaure Hiace, từ Vienna cho biết thêm chi tiết :
"Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, đã lập tức phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một thông cáo, ông Amano khẳng định, Tehran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan.
Từ tháng 1/2016, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA được giao trọng trách giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được từ tháng 7/2015. Hoa Kỳ đã nhiều lần nghi ngờ về khả năng của cơ quan quốc tế này.
Về điểm đó, ông Yukiya Amano trả lời với phía Mỹ rằng, hiện tại AIEA đang sử dụng phương pháp thanh tra đáng tin cậy nhất trên thế giới trong trường hợp của Iran. Số lượng thanh tra viên tại hiện trường ngày càng gia tăng, và số ngày công tác tại Iran cũng đã tăng lên.
Tóm lại, theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran có thái độ hợp tác. Quốc gia này thậm chí còn cam kết mở rộng quyền hạn cho các thanh tra viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của mình. Ông Yukiya Amano kết luận : Cho đến nay, AIEA có thể đến hoạt động tại bất kỳ địa điểm nào cần giám sát".
Hạt nhân Iran : Giọng điệu gay gắt của Donald Trump
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu khoảng 20 phút hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên ông Trump tránh nêu khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận mà quốc tế đã đạt được với Tehran vào tháng 7/2015.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
"Hôm nay, tôi thông báo là chúng ta không thể và chúng ta sẽ không chứng nhận cho Iran". Khi đọc hết bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt, tổng thống Trump giáng một đòn mạnh : ông từ chối xác nhận là Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng đó là một thỏa thuận "tệ hại nhất" mà Washington từng ký kết với một nước.
Thế nhưng khi cần đưa ra một quyết định, Donald Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc hội. Lập pháp Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.
Tổng thống Trump chủ trương Hoa Kỳ cần có những biện phát trừng phạt mạnh mẽ để bảo đảm rằng Tehran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và không có phương tiện phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Trước mắt nước Mỹ không chính thức nêu lên khả năng rút lui khỏi thỏa thuận đã đạt được cách nay hơn 2 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Có điều, tổng thống Trump lên giọng hù dọa khi tuyên bố "nếu như chúng ta không tìm ra được một giải pháp với bên Quốc hội và những đồng minh của Hoa Kỳ, thì thỏa thuận này sẽ bị khai tử. Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi có thể hủy bỏ thỏa thuận với Iran bất cứ lúc nào".
Phản ứng nhanh hơn bên lập pháp, Bộ tài chính Mỹ ngay hôm qua lập tức thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thuộc lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran.
Như thông tín viên RFI tại thủ đô Washington vừa nói, Quốc hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định về khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Đảng Dân Chủ đương nhiên chống lại giải pháp này, còn đảng Cộng Hòa thì đang bị chia rẽ : một phần lo ngại thái độ cực đoan của Mỹ là động lực thức đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một số khác thì quan tâm đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn Mỹ. Họ lo ngại Hoa Kỳ bị cô lập và nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị gạt khỏi thị trường Iran.
RFI tiếng Việt