Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…"

Trần Hiếu Chân, RFA, 08/04/2024

Ngàn năm bia miệng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt : Đúc các tượng đài hoành tráng thực chất là để các "ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai".

lenin1

Công nhân đang dựng các tấm biển quanh tượng Lê Nin ở Hà Nội nhân kỷ niêm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917) hôm 3/11/2017 - AFP

----------------------------

Ngày 4/4, theo VnExpress, một trong những trang mạng có nhiều độc giả người Việt, nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I. Lê Nin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình tượng Lê Nin tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4/2024. Khuôn viên và bệ đặt tượng đã được hoàn thành từ tháng 6/2020, với diện tích 1.036,5 m2. Bệ đặt tượng giữa trung tâm Thành phố. cao ba mét, chất liệu bằng thép. Mặt trước khắc chữ bằng cả hai ngôn ngữ Nga lẫn Việt "V.I. LÊ-NIN, 1870 – 1924", mặt sau cũng dòng chữ bằng hai thứ tiếng ấy : "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga" (1). "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga" nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, suốt bốn lần đến thăm Việt Nam, cả bốn lần Tổng thống Putin, còn Phó của ông ta là Mevedev thì cả năm lần đều không đặt chân đến tượng đài Lê Nin ở Hà Nội (2). Từ đất nước Nga "vĩ đại", Tổ quốc của Vladimir Ilyich, chính đương kim Tổng thống Putin đã phê phán Lê Nin – người khai sinh Nhà nước Liên bang CHxã hội chủ nghĩa Xô viết – "không chỉ mắc sai lầm, mà còn tệ hại hơn cả một sai lầm" (3).

Thế mà "Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An"… Một "cơn bão mạng" nổi lên khắp cả nước liên quan đến cái chủ trương "phản chính trị’, "phi kinh tế" này của tập thể lãnh đạo "tỉnh nhà" (4). Dòng trạng thái (status) của Lý Hồng Bảo viết : Yêu Lê Nin đến thế, "sao giờ đây dân xứ Nghệ không qua Nga xuất khẩu lao động, mà toàn tràn tới Nhật, Hàn, Úc khiến họ phải "cấm cửa" ; Hộ chiếu ghi quê "Nghê An" thì dứt khoát không được cấp visa, đành trốn qua Mexico vượt biên vào Mỹ ? Status Nguyen Ngoc Dien khẳng định : "Đúng là sự u mê của con người là không thể đo đếm được. Hay là... bọn họ chỉ muốn kiếm ăn tý thôi, chứ giờ này còn "lý tưởng" cái gì nữa !!!" Võ Văn Dũng đặt câu hỏi : "Đúng là tư duy của những kẻ phản quốc ! Việt Nam có biết bao nhiêu vị anh hùng và nhân tài đã đóng góp rất nhiều công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vậy sao Ban bí thư Trung ương và lãnh đạo Nghệ An lại dựng tượng đài của một kẻ ngoại bang ?" Thành Ngô Văn mỉa mai : "Nhờ Lê Nin mới có các vua lớn, vua bé (và cả vua choai choai nữa). Tỉnh nào các vua cũng có cả những biệt phủ, rồi còn mua biệt thự ở Mỹ và cho con cháu sang du học tại các xứ "giãy chết". Cho nên đặt tượng cụ Lê Nin là đúng rồi !"… Có thể trích dẫn rất – rất nhiều Stt chia sẻ trong cay đắng và tủi nhục của dân chúng như vừa nêu. "Yêu Lê Nin" kiểu ấy thì đúng là "yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau" (5).

Nỗi đau của trí thức văn nghệ sĩ cũng không kém. Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết : "Dùng hình ảnh lãnh tụ một cách bừa bãi, bất chấp thực tại khách quan để chứng tỏ lập trường… hòng kiếm chác vị trí, chức vụ trong chính trị. Sinh thời, chính V.I. Lê Nin rất ghét điều này…" Lê Nin càng e ngại, khi thấy trí thức cũng cơ hội chính trị. Đọc Goorki viết bài ca ngợi mình, Lê Nin "bật" ngay : "Trí thức là cục phân", khiến Goorki cụt hứng, không dám mơ đến chính trị nữa, phải chuồn sang Ý sống. Đến khi Stalin lên nắm quyền thì Trotsky cũng chuồn sang Nam Mỹ. Song vẫn bị Stalin sai sát thủ truy tận nơi giết cho bằng được. "Lê Nin chết 100 năm, 2/3 Nhân loại đã xếp ông và những những Stalin… vào hạng đại đồ tể, khắp thế giới, người ta đang giật đổ tượng các ông… Ở "dưới ấy", chắc Lên Nin không thể ngờ rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị bẩn thỉu vẫn còn lấn lướt. "Từ một xứ Nghệ xa xôi, dân nghèo đói, người ta vẫn dựng tượng ông, nặng tới 4 tấn rưỡi. Để làm gì nhỉ ? Để tích trữ đồng, phòng khi thiếu đồng làm nõ điếu cày chăng ?" (6)

Nghệ An khánh thành tượng Lê Nin, trong khi đó, ở thủ đô Hà Nội người dân lại muốn đạp đổ nó. Đúng là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" và "ý Đảng lòng dân" rõ ràng đang bị decoupling (chia tách). Theo tin của Đài RFA, Tòa án Hà Nội vừa tuyên án năm năm tù cho một cựu quân nhân đặt quả nổ tại tượng đài Lê Nin. Ông Nguyễn Chí Dũng được cho biết từng có thời gian đi "nghĩa vụ quân sự" ở một đơn vị rà phá bom mìn, nên biết cách chế quả nổ và ông đã đặt quả nổ tại chân tượng đài Lê Nin hồi tháng 8 năm ngoái. Việc ông Nguyễn Chí Dũng cho phát nổ gây nên tiếng động lớn và làm nứt phần chân đế tượng đài Lê Nin. Hai ngày sau khi thực hiện vụ nổ như vừa nêu, ông Nguyễn Chí Dũng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giam (7). Khi nghe tin này, người dân Hà Nội lại hát "đồng giao" :

"Ông Lê Nin ở nước Nga

Cớ sao ông đến vườn hoa chốn này

Ông vỗ ngực, ông chỉ tay

Chủ nghĩa xã hội nước mày còn lâu"

(Hy vọng sẽ không bao giờ đến !)

Đúng là những đóa hoa nở rộ từ đêm đen của chế độ toàn trị ! (8)

Cách đây mấy năm, một trang mạng ở tỉnh Bình Thuận từng phản đối chuyện địa phương nào cũng đề nghị đúc tượng Hồ Chí Minh. Theo bài báo, trong khi các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mà các địa phương vẫn xin xây tượng đài lãnh tụ vài ba trăm tỷ đồng. Rất nhiều người không tán thành với chủ truơng ấy, nhưng ngại nói ra, vì chuyện này khá "nhạy cảm". "Nhạy cảm" ở chỗ mỗi khi địa phương xây các tượng đài, thì lập tức câu thành ngữ quen thuộc "lại về". Vì chỉ có đúc tượng đài hoành tráng, mới có chuyện các "ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai". Bài báo kết thúc, dư luận hoan nghênh chủ trương tôn kính tiền nhân không nhất thiết phải xây nhiều tượng đài. Cái chính là phải tiết kiệm và phải biết lo cho dân, biết nghĩ đến cơm no, áo ấm, học hành của dân (9). May mà báo tỉnh lẻ nên chưa bị gỡ !

Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng chẳng "kết" lắm với chuyện "quần thần" đề nghị đúc tượng ông. Tố Hữu "đọc được" ý ấy nên để ca ngợi lãnh tụ, thi sĩ viết nên câu thơ : "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" (10). Sỡ dĩ câu thơ sống bền, chủ yếu vì cái hàm ý đả kích tinh vi của nó. Thời ấy, Tuyên huấn giải thích, lãnh tụ ta hơn lãnh tụ Trung Quốc ở chỗ ta không có tệ sùng bái cá nhân. "Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" là hàm ý đả kích việc Trung Quốc dựng tượng Mao Trạch Đông nhan nhản khắp trên đất Tàu. Thậm chí cả ở "những lối mòn" cũng dựng ! Động từ "phơi" đã giết chết các bức tượng Mao. Tiếng Việt nói "phơi thây, phơi xác", chứ không ai viết "phơi tượng" giữa "những lối mòn". Chửi thế kể cũng ác thật ! Vậy mà Trung Quốc vẫn phải nín nhịn !

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 08/04/2024

Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

Tham khảo 

(1) https://vnexpress.net/dat-tuong-le-nin-tai-tp-vinh-4730627.html

(2) https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/nguyen-ngoc-chu-nhung-con-so-biet-noi.html

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60480436

(4 và 5)  https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0UvA18DF4NuD5j6yeaAjhZqXBxeN3ufYCwyETdQiz6seZ4NbTLJJCsEny6MaURzTql&id=100013518285955

(6) https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/pham-luu-vu-chu-nghia-co-hoi-chinh-tri.html

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-jailed-the-man-who-had-laid-explosive-at-the-lenin-statue-in-hanoi-04052024090023.html

(8) https://thntsaigon.forumvi.com/t1496-topic

(9) https://baobinhthuan.com.vn/mong-manh-ao-vai-hon-muon-truong-611.html

(10) https://dantri.com.vn/blog/hon-tuong-dong-phoi-nhung-loi-mon-20150816060827298.htm

**************************

Nghệ An vẫn "dựng" tượng Lenin dù dư luận phản ứng !

RFA, 08/04/2024

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An mới đây cho truyền thông hay, tỉnh này và tỉnh Ulyanovsk – Nga sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình tượng Lenin bằng đồng nguyên chất nặng 4,5 tấn, tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4 năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của Lenin.

lenin2

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. Reuters

Người dân nói gì ?

Một người dân Nghệ An không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 8/4/2024 cho RFA biết ý kiến về việc này :

"Việc tỉnh Nghệ An dựng bức tượng Lênin ở trung tâm thành phố đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Bởi vì chúng ta đều biết Lênin là một nhân vật chính trị gây tranh cãi, bản thân học thuyết của ông cũng như chế độ chính trị do ông dựng lên ở Liên Xô đã bị lịch sự đào thải… Việc dựng bức tượng của một nhân vật mà nhiều nơi trên thế giới đã lật đổ tượng, thì rõ ràng khiến dư luận bất bình.

Việc dựng tượng theo người dân này không chỉ đơn thuần là dựng một bức tượng cho mọi người ngắm nhìn… mà nó còn là việc tiêu tốn ngân sách, đồng thời còn tạo ra những "dấu ấn chuẩn mực không đúng đắn" về nhận thức chính trị trong dân chúng. Do đó ông cho rằng :

"Bản thân tôi phản đối việc chính quyền tỉnh Nghệ An dựng bức tượng Lenin ở ngay trung tâm thành phố".

Liên quan việc dựng tượng Lenin ở Nghệ An, trên mạng xã hội những ngày qua có nhiều người đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Trong đó có Nhà báo – Blogger Dương Quốc Chính trên trang cá nhân cũng đã dí dỏm cho rằng : "Về việc dựng tượng Lenin, thì nên tìm cách mua lại tượng cũ từ Ukraine, Đông Âu, kiểu như nhập khẩu hàng bãi của Nhật, quần áo Sida... chắc chắn rẻ hơn đúc mới nhiều, mà giá rổ tù mù cũng dễ abc này nọ… trong khi tổng giá vẫn rẻ. Thế là ích nước lợi nhà ! Ủng hộ dùng vật liệu đồng, vì dễ tái chế. Chứ vật liệu bê tông, đá...thì không tái chế được, sẽ ảnh hưởng môi trường".

Bệ đặt tượng Lenin cao ba mét, chất liệu bằng thép, mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "V.I.LÊ-NIN, 1870-1924", mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga".

Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 8/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Trong khi các quốc gia khởi thuỷ của cộng sản ở Đông Âu và ngay cả những nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine đều coi Lenin là một tội đồ và giật sập tượng của người lãnh đạo độc tài này. Thì chuyện Việt Nam xây tượng Lenin cũng giống như mang kẻ cướp nhà người ta về nhà mình thờ vậy. Làm kiểu đó thì thế giới nhìn vào người ta chỉ khinh bỉ thôi, nhưng nhà nước mình thì tự hào, chứng tỏ quan chức Nhà nước mình cũng dốt và không chịu tìm hiểu trước khi thờ cúng ai đó.

Ngoài ra, nếu dựng tượng mà dân giàu nước mạnh thì không nói. Nhưng với những tượng đài trăm tỷ ngàn tỷ như tượng đài Hồ Chí Minh, tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh, tượng đài Phan Đăng Lưu..., Nghệ An vẫn là tỉnh thường xuyên nằm trong những tỉnh phải xin gạo cứu đói".

lenin3

Chân dung Lê Nin chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Xây tượng đài có lợi cho ai ?

Theo anh Trần Anh Quân, có thể thấy việc xây tượng đài có lợi cho cán bộ nhưng có hại cho dân. Người dân đói khát nhưng vẫn phải góp cơm, góp gạo, góp tiền đóng thuế. Còn quan chức thì dùng chuyện này làm cái cớ xin kinh phí, moi tiền thuế của dân làm giàu cho mình.

Điều đáng nói là trong khi tỉnh này tiêu tốn tiền ngân sách cho công trình dựng tượng Lenin mà theo truyền thông loan vào năm 2020 thì Nghệ An chi khoảng tám tỷ chỉ để xây quảng trường và dựng tượng đài, thì năm ngoái, Nghệ An có mặt trong danh sách 15 tỉnh, thành phố đã đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt vào tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Trao đổi với RFA hôm 8/4/2024, PGS. Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa - ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định :

"Chuyện tiền tuy cũng là vấn đề, nhưng không phải là chuyện lớn lắm. Theo thông tin của tỉnh Nghệ An công bố, tượng Lenin là của bên Nga tặng Việt Nam, chỉ việc xây đài để tượng lên. Thông tin đó có nhiều người nghĩ không thật, giả sử nó không đúng đi nữa thì số tiền bỏ ra tuy lớn nhưng vấn đề quan trọng hơn tiền bạc là người ta không hiểu ông Lenin bị chính nước Nga từ chối, chính nước Nga phản ứng…"

Ngay ở nước Nga theo ông Dũng, nhiều sự thật về Lenin sau này được công bố làm cho người Nga hờ hững về Lenin. Ông Dũng nói tiếp :

"Không chỉ người dân Nga mà chính quyền Nga cũng vậy. Theo thống kê của ông Nguyễn Ngọc Chu, từ năm 1990 trở lại đây, những chức sắc người Nga từ Thủ tướng đến Tổng Thống, cho đến Chủ tịch đảng cầm quyền khi qua thăm Việt Nam chưa bao giờ tới thăm tượng Lenin ở Hà Nội. Trong điều kiện như vậy mà mình lại dựng tượng không Lenin thì thật là không hợp thời. Đó là chưa kể biết bao nhiêu anh hùng của Nghệ An ai cũng kính trọng như cụ Phan Bội Châu sao không dựng tượng, mà dựng tượng một ông nước ngoài ngay trung tâm Nghệ An như vậy thì thật là thất nhân tâm".

Ông Dũng cho rằng, việc dựng tượng Lenin dù là lỗi hay tính toán không kỹ lưỡng, hay chính quyền bất chấp dư luận lòng dân thì không phải chỉ lỗi của chính quyền… mà theo báo Tuổi Trẻ, việc dựng tượng Lenin là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, tức là cấp rất cao của đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý chuyện dựng tượng.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, người mà PGS. Tiến sĩ Hoàng Dũng vừa nhắc là một người gốc Nghệ An hiện sinh sống tại Hà Nội. Trên trang cá nhân ông Chu cho biết thông tin, Tổng thống Nga Putin đã bốn lần sang thăm Việt Nam (2001, 2006, 2013, 2017). Nhưng ông Putin chưa một lần đến thăm tượng đài Lenin ở vườn hoa Chi Lăng Hà Nội. Hay ông Medvedev cũng đã năm lần sang thăm Việt Nam. Một lần với tư cách tổng thống Nga vào năm 2010. Ba lần với tư cách thủ tướng Nga vào các năm 2012, 2015, 2018. Một lần với tư cách chủ tịch đảng nước Nga thống nhất vào năm 2023. Trong cả năm lần thăm Việt Nam, ông Medvedev không một lần đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.

Ngoài ra cũng theo ông Nguyễn Ngọc Chu, từ năm 1992 đến gần đây, chưa một lần đại sứ và đại sứ quán Nga ở Hà Nội đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.

Nguồn : RFA, 08/04/2024

***********************

Đọc chơi cho biết :

Lênin đó sống mãi trong tâm hồn người cộng sản Việt Nam

Với Lê-nin

Nhà Lê-nin, ở Goóc-ky
Khi tôi đến
Lê-nin như vừa đi
Người rất bận :
Ngày ngày
Vô tận
Nguời người nối bước trước Krem-lin
Mong gặp Lê-nin
Trong một phút giây im lặng.

Lê-nin đi vắng
Nhưng trong vườn sên đầy nắng
Chiếc ghế sơn xanh còn ấm hơi Người
Ba mươi bốn năm xưa
Ngồi dưới mặt trời
Viết những dòng
Ánh sáng.

 *
Bâng khuâng nghe năm tháng
Đẹp như người con gái nước Nga
Hôm nay đưa tôi qua những căn nhà
Kẻ lại từng chương sử đỏ.

Cách mạng tháng Mười
Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó
Với Lê-nin, làm lại loài người
Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi
Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực.

Mẹ ơi, đẻ con ra trong khổ cực
Mẹ chưa hay từ đó có Liên Xô
Có Lê-nin hằng che chở con thơ
Người nhắm mắt khi con vừa bốn tuổi.

Người đã sống đến giây phút cuối :
Chiếc gậy cầm tay còn gác cạnh bàn
Bậc thang nhà còn ấm những lan can
Và tấm lịch đứng lại ngày 21
Vẫn tươi sáng một con người : Sê-khốp

Ôi Lê-nin
Có thể nào tin
Thời đại ta đã mất
Một Con Người đẹp nhất ?
Vĩnh viễn Lê-nin sống giữa loài người
Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời
Như trái đất vui mùa xuân mới dậy.

 *
Tôi đã đi
Giữa mùa hè chín mẩy
Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi
Đâu đâu tôi cũng thấy
Lê-nin
Mỗi công trường xưởng máy
Lê-nin, ấy là lò thép chảy
Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng
Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng
Lê-nin, ấy là nguồn điện lực
Với xô-viết, làm thiên đường sáng rực !
Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi
Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ
Nhịp sống lớn trên dáng đi bay nhảy
Những ánh mắt của thiên tài thức dậy...
Rất tự do, nên rất tự hào
Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao !

 *
Lê-nin đó
Muôn triệu lần nảy nở
Giữa loài ta
Muôn triệu lần rạng rỡ
Như mặt trời chói giữa biển bao la
Lê-nin đó
Ngời ngời chân lý.

Như những ngày xưa
Người là đồng chí
Hồn nhiên giản dị
Giữa công nông ngồi chật quanh Người
Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười.
Như những ngày xưa
Người là chiến sĩ
Không sợ gian nguy, không giờ phút nghỉ
Ghét mọi quân thù, ghét mọi nước sơn
Suốt đời mang tấm áo dạ sờn
Đôi dày ống gót mòn sỏi đá.

 *

Đám tang ai
Đi trong tuyết giá
Mạc-tư-khoa trắng lạnh
Muôn nghìn kim
Đau buốt trái tim !

Tôi vẫn thấy Lê-nin
Bình thường khỏe mạnh
Giữa mùa đông nước Nga
Cùng công nhân đi vác gỗ xây nhà.

Và chiều nay trước phút vội đi xa
Người còn nghe
 thánh thót
 Krup-skai-a

Tố Hữu (1961)

*********************

Chân lý vẫn xanh tươi

Không nỗi đau nào riêng của ai
Xi-mô-nốp, nếu còn anh trên đời này nóng bỏng
Có lẽ anh sẽ ca một bài ca "Hy vọng"
Như ngày xưa, anh hát "Đợi anh về"

Giữa mùa đông băng giá tái tê
Tôi lại nhớ Lê-nin
Sắp ra đi, vẫn thanh thản niềm tin
Con Người thắng, vì "Tình yêu cuộc sống"

Thật vậy ư ? Như trong cơn ác mộng
Chuông nhà thơ rung cùng tiếng cầu kinh
Mấy kẻ đốt đền, quỳ gối cầu xin
Thiên đường máu, từ tay bầy quỷ dữ.

Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng
Ôi ! nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát ?

Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát
Và cả bay quân cướp nước, giết người
Chớ vội cười ! Chân lý vẫn xanh tươi
Cách mạng Tháng Mười vẫn mở đường đi tới.

Từ đổ nát, ta lại xây dựng mới
Rũ bùn dơ, mặt đất sẽ thanh tân
Không sức nào ngăn nổi sức nhân dân
Ngày mai sẽ là ngày mai cộng sản !

Tố Hữu (7/11/1991)

Published in Diễn đàn
mercredi, 16 mars 2022 15:48

Không có tương lai

Họ đứng đấy già nua, mặt trơ trán bóng, nhìn về hướng bên phải Lê-nin đứng, tay nắm ve áo. Hồi thập niên 1980, một nhà báo người Mỹ đến Hà Nội và nghe người dân ở đấy nói đùa rằng lãnh tụ vô sản toàn thế giới nắm chặt ve áo vì sợ bị móc túi.

tuonglai1

Nhìn hình ta thấy ngay Việt Nam, dưới thể chế Đảng - Nhà nước hiện nay, không có tương lai.

Hôm nay những người sợ bị cướp nhất cả tài sản phi nghĩa và đặc biệt quyền lực chính trị bất lương chính là giới lãnh đạo cộng sản cũ và hiện nay. Cho nên trong khi cả thế giới không ai vinh danh "cách mạng" tháng mười-thực chất một cuộc đảo chính cướp chính quyền hợp pháp- thì họ lại ca tụng, nghiêng mình và cả nghiêng đầu trước tượng Lê Nin, người mà nhân dân Nga vào chính năm 1917 gọi là Vua Vi Trùng.

"Cách mạng" Cướp tháng Mười không phải diễn ra vào năm 1917 và không phải ở Mạc Tư Khoa như ta tưởng. Thế kỷ cộng sản khởi đầu bằng vụ cướp xe chở tiền ở thành phố Tiflis vào tháng Sáu năm 1907. Chủ mưu vụ cướp chính là Lê Nin, Stalin cùng những đồng phạm Bolshevik khác. Bọn cướp cộng sản giết 40 người và lấy đi hơn 300 ngàn Rúp.

Mười năm sau, giữa cuộc đệ nhất thế chiến, Lê Nin được chính quyền Đức đưa về Nga trên chuyến tàu kín mít nhằm thực hiện những gì Lê Nin hứa khi nhận tiền của Đức. Ông thực hiện đúng lời hứa bằng cách đã góp phần đắc lực tiêu diệt tinh thần chiến đấu của quân đội Nga Hoàng và ông tách Nga ra khỏi các đồng minh qua việc ký hiệp ước hòa bình riêng với Đức. Nhờ thế Đức chuyển nhiều sư đoàn từ mặt trận Nga sang Pháp và chiến tranh càng kéo dài.

Trở lại vào mùa xuân năm 1917 khi tàu Đức chở Lê Nin về Nga. Thời đấy báo chí và dân Nga nói rất nhiều về chuyện này. Nhưng lời bàn hay nhất, ngắn nhất, và chính xác nhất mà dự báo trước cả đại dương đau khổ triền miên trong suốt thế kỷ hai mươi cho cả thế giới, đặc biệt cho Nga thuộc về một tờ báo ở Petrograd vào năm 1917 : "Trước đây người Đức đã cố gắng nhập vi trùng vào Nga trong những ống nghiệm bịt kín. Bây giờ họ nhập Lê Nin vào Nga trong toa tàu kín mít."

lenin1

Mùa xuân năm 1917, tàu Đức chở Lê Nin về lại Nga Ảnh minh họa

Từ đấy Vua Vi Trùng Lê Nin gieo biết bao nhiêu núi xương và biển xác rải rác trên khắp thế giới.

Gần 30 năm sau Liên Xô, đặc biệt là Trung Quốc, đã nhập Hồ Chí Minh vào hang Pác Bó kín mít âm u. Rồi từ đấy Vua Vi Trùng Hồ gây ra chiến tranh với hàng bao triệu người chết, đã và đang làm đảo lộn tận gốc rễ nền văn minh văn hóa, tinh thần, đạo đức truyền thống của người Việt. Sự tàn phá của Hồ Vi Trùng ấy đến nay vẫn còn hoành hoành ghê gớm.

Thử hỏi Việt Nam làm sao có tương lai khi tượng Vua Vi Trùng quốc tế Lê Nin vẫn đứng đấy và xác Vua Vi Trùng quốc nội Hồ Chí Minh vẫn nằm ở trong lăng. Kẻ đứng người nằm này đang ra sức bóp chết tương lai Việt Nam. Còn hiện tại vi trùng kép của họ đã sản sinh ra bốn triệu vi trùng đảng viên khác thay nhau ăn không từ thứ gì và sẵn sàng cướp không từ thứ gì nhân danh chủ nghĩa vi trùng Lê Hồ.

Trần Quốc Việt

(17/03/2022)

Published in Văn hóa
mardi, 11 janvier 2022 23:35

Nếu Lênin bị đem ra xét xử…

Lãnh tụ phải bị kết án về những tội đã gây ra trong thời gian cầm quyền, dù đã qua đời, như tội ác chống lại nhân loại, phản quốc, thi hành chủ nghĩa cực đoan và chính sách khủng bố.

lenin00

Chân dung Vladimir Lenin trong lễ đặt hoa tại lăng Lenin nhân kỷ niệm 151 năm ngày sinh của lãnh tụ cách mạng ở Moscow, Nga. Ảnh chụp ngày 22/4/2021.

Chủ nghĩa Lênin là ý thức hệ tán thành việc sử dụng những biện pháp quá khích để đạt đến kết quả mong muốn (nguyên tắc trái với đạo đức là cứu cánh biện minh phương tiện).

Tác phẩm của Lênin đã áp đặt lên nước Nga chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xã hội và diệt chủng xã hội, nghĩa là tiêu diệt không hạn chế giai cấp trung lưu, quý tộc, giới tu sĩ, trí thức Nga cũ, phú nông (kulak) và người Cossack. Nếu Đảng Công nhân Quốc xã Đức của Hitler chủ trương chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và diệt chủng mang tính dân tộc, thì Lênin chủ trương chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và diệt chủng mang tính xã hội ; nhưng do hoạt động chính trị của những nhà lãnh đạo ấy, cả hai -chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và diệt chủng- đều gây ra cái chết cho hàng triệu người, và gây ra tội ác chống lại nhân loại mà không lệ thuộc vào thời hiệu, tức trong thời gian cầm quyền.

Lênin thường xuyên kêu gọi dùng bạo lực để lật đổ thể chế chính thống, và cầm đầu cuộc đảo chính tháng Mười 1917 và giải tán Quốc hội Nga hợp pháp- Quốc hội Lập hiến. Cuộc đảo chính tháng Mười và việc giải tán Quốc hội đã gây ra cuộc nội chiến - cuộc chiến tranh trái với đạo đức nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh, qua đó người Nga chống lại người Nga, em chống anh, con chống cha… Lênin công khai hô hào và khởi màn cuộc nội chiến (xem tư liệu 3).

Lênin lập ra những trại tập trung khùng khiếp và thực hiện chính sách Khủng bố Đỏ, tức chủ nghĩa khủng bố do Nhà nước bảo trợ.

Lênin vi phạm dân quyền, các quyền tự do và quyền lợi chính đáng của cá nhân và công dân dựa trên khuynh hướng tôn giáo của họ ; khích động sự không khoan dung về tôn giáo qua việc chế giễu tín ngưỡng và tôn giáo, phân biệt ; chống lại những tín đồ tôn giáo trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và các lĩnh vực khác trong cuộc sống hàng ngày dưới chế độ vô thần và đấu tranh giai cấp của ông. Những chỉ thị ra lệnh giết càng nhiều giới tu sĩ càng tốt của Lênin biểu hiện sự căm ghét con người, đó là những hành vi phạm tội và khích động tội ác (xem các tư liệu).

Tất cả những điều trên phản ánh và thể hiện qua bộ sách đồ sộ, hơn năm mươi tập, trong Lênin Toàn Tập của ông, nhưng thực ra chúng vẫn chưa đầy đủ vì những người theo Lênin sợ công bố một số tài liệu mà rõ ràng là mang tính khủng bố.

Những bài viết của Lênin ngày nay vẫn tiếp tục nhồi sọ những thế hệ thiên tả và những thành phần cực đoan mới, chúng sẵn sàng và rất mong muốn gây ra cuộc tắm máu cho lý tưởng Lênin. Lạy Chúa xin đừng cho họ lên nắm quyền lực vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó ? Những lý luận được đưa ra và những sự kiện được biện minh trong tác phẩm của Lênin là tàn sát tất cả những người bất đồng chính kiến, gây ra những dòng sông máu.

Vào ngày 1 tháng Hai, 1918, giám mục Tikhon kêu gọi những người Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lênin : "Hỡi những kẻ điên, hãy tỉnh ngộ để chấm dứt ngay các cuộc thảm sát của các người. Vì những gì các người đang gây ra không chỉ là tội ác : đây thực sự chính là việc làm của Satan, vì thế các người sẽ bị thiêu đốt đời đời trong lửa địa ngục, còn con cháu các người trong đời này trên thế gian sẽ nguyền rủa các người khủng khiếp. Bằng quyền lực Chúa đã ban cho chúng tôi, chúng tôi cấm các người phạm đến sự Mầu nhiệm của Đức Ki-tô, chúng tôi rút phép thông công của các người…".

Nhưng những người điên này đã không tỉnh ngộ.

Chúng tôi dẫn chứng một số tư liệu sau đây như là những thí dụ về chủ nghĩa cực đoan của Lênin mà ngày nay bị liệt vào tội hình sự.

***

(Tư liệu 1)

Tôn giáo là thuốc phiện và là rượu rẻ tiền 

"Tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần… Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Tôn giáo là thứ rượu tinh thần rẻ tiền, làm cho những người nô lệ của tư bản mất nhân phẩm…".

Lênin

Ngày 3 tháng Mười hai, 1905

(Lênin Toàn Tập, tập 12, các trang 142, 143)

***

(Tư liệu 2)

Thần thánh là chứng ái tử thi

"…bất kỳ vị thần nào cũng đều là chứng ái tử thi cả… mọi ý niệm tôn giáo, mọi niềm tin về bất cứ vị thần nào, mọi sự ve vãn với thần thánh cũng đều là sự ti tiện khôn tả nhất, sự ti tiện nguy hiểm nhất, bệnh truyền nhiễm thối tha nhất".

Lênin

Ngày 13 hay 14 tháng Mười một, 1913

Thư của Lênin gởi M. Gorky. Sau khi đọc về hành động dấy loạn của nhà văn nổi tiếng về việc tạo thần, Lênin kết thúc thư như sau : "Tại sao anh làm như thế ? Thật quá bực mình"

(Lênin Toàn Tập, tập 48, các trang 226, 227, 228)

***

(Tư liệu 3)

Hãy để Đức đánh bại Nga ! Hoan hô Nội chiến !

"…Những người Đại Nga không thể có cách nào ‘bảo vệ tổ quốc’ khác hơn là mong cho chế độ Nga hoàng thua trong mọi cuộc chiến tranh" ; "kêu gọi 'hòa bình' là sai lầm, chúng ta phải kêu gọi cuộc chiến tranh dân tộc biến thành cuộc nội chiến" ; "điều ít tai hại nhất là sự thất bại của chế độ quân chủ Nga hoàng và quân đội của nó".

Lênin

Tháng chín-tháng Mười hai 1914

Phản quốc rõ ràng : những gì Lênin viết là có hại cho Nhà nước Nga. Hãy nhớ Đệ nhất Thế chiến đã giết khoảng 1 triệu người Nga ; Nội chiến Nga : từ 12 đến 14 triệu người chết ; số người chết đói vì Nội chiến, từ 3 đến 5 triệu chết (những con số công bố vào thời Stalin là 15 triệu người chết) ; tóm lại, hoạt động chính trị của Lênin gây ra cái chết của từ 15 đến 19 triệu công dân Nga.

(Lênin Toàn Tập, tập 26, các trang 108-109, 6 ; tập văn của Lênin, tập 2, trang 195)

***

(Tư liệu 4)

Chặt đầu Nikolai II ngu đần !

"…chúng ta phải chặt đầu ít nhất một trăm tên Romanov" (ngày 8 tháng Mười hai, 1911) ; "ở các nước khác… không có những kẻ đần độn như Nikolai" (ngày 15 tháng năm, 1917) ; "Nikolai Romanov ngu ngốc" (ngày 22 tháng năm, 1917) ; "Romanov ngu ngốc" (ngày 12 tháng ba, ngày 13 và 29 tháng tư, 1918) ; "quái vật Romanov ngu ngốc" (ngày 22 tháng năm, 1918), vân vân và vân vân.

Lênin

Các thành viên của Đảng cộng sản do Lênin lãnh đạo bắn chết một người Romanov đầu tiên vào đêm 12 tháng Sáu 1918 ; vào đêm 17 tháng Bảy 1918, họ bắn chết rồi phanh thây bảy người Romanov ; vào đêm 18 tháng Bảy cùng năm họ đẩy sáu người Romanov vào mỏ than rồi bắn chết họ ; vào đêm 24 tháng Giêng 1919, họ bắn chết năm người Romanov.

(Lênin Toàn Tập, tập 21, trang 17 ; tập 32, các trang 97, 186 ; tập 36, các trang 85, 215, 269, 362)

***

(Tư liệu 5)

Bắn trí thức !

"Quyết tử chiến một mất một còn chống lại bọn nhà giàu và bọn ăn bám chúng là bọn trí thức tư sản…phải thẳng tay trừng trị chúng vì bất kỳ lỗi lầm nhỏ nhặt nhất nào chúng phạm phải… Chỗ này thì ta bắt chúng bỏ tù… Chỗ kia thì ta bắt chúng dọn nhà xí. Chỗ nọ thì sau khi chúng ra tù ta sẽ cấp thẻ vàng cho chúng… Chỗ khác thì ta sẽ bắn chúng ngay tại chỗ… Kinh nghiệm công xã là càng đa dạng thì càng phong phú hơn và càng tốt hơn…".

Lênin

Ngày 24-27 tháng Mười hai, 1917

Trích bài viết "Tổ chức thi đua như thế nào"

(Lênin Toàn Tập, tập 35, các trang 200, 201, 204)

***

(Tư liệu 6)

Hãy đốt Baku thành bình địa !

"…Đồng chí cũng nói lại với Ter là hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đốt Baku thành bình địa trong trường hợp bị xâm chiếm, và cho đăng thông báo trên báo chí ở Baku".

Lênin

Ngày 3 tháng Sáu, 1918

Chỉ thị viết tay của Lênin gởi chủ tịch cơ quan an ninh Baku là Sahak Ter-Gabrielyan ; không biết người đưa chỉ thị là ai

(PGAGPI [Cơ quan lưu trữ quốc gia Nga về lịch sử xã hội và chính trị (RNAPSH)] F. 2. Op. 2. D. 109.

Trích từ tác phẩm ‘Lênin - Chân dung Chính trị của D.A Volkogonov, Bk. I.M., 1994, trang 357.

***

(Tư liệu 7)

Tiêu diệt phú nông !

"…Bọn hút máu này đã và đang nắm được đất đai của đại địa chủ ; chúng mãi mãi nô dịch nông dân nghèo. Phải thẳng tay đánh bọn phú nông ấy ! Phải tiêu diệt chúng !".

Lênin

Nửa đầu tháng Tám (sau ngày 6), 1918

(Lênin Toàn Tập, tập 37, trang 41)

***

(Tư liệu 8)

Khủng bố thẳng tay với linh mục 

"Penza

Ban chấp hành Xô-viết tỉnh

…tiến hành cuộc khủng bố thẳng tay đại quy mô chống lại bọn phú nông, cha cố và bạch vệ ; nhốt những kẻ khả nghi vào trại tập trung ở ngoài thành phố".

Lênin

Ngày 9 tháng Tám, 1918

(Lênin Toàn Tập, tập 50, các trang 143-144)

***

(Tư liệu 9)

Treo cổ và tịch thu tất cả thóc lúa để làm gương 

"Thư gởi Penza, ngày 11 tháng tám, 1918

Gởi : Các đồng chí Kurayev, Bosh, Minkin và những người cộng sản khác ở Penza

Các đồng chí phải đàn áp thẳng tay cuộc bạo loạn của bọn phú nông ở trong năm huyện. Quyền lợi của toàn bộ cuộc cách mạng đòi hỏi điều này, vì trước mắt chúng ta hiện nay là "trận chiến quyết định cuối cùng "chống bọn phú nông. Chúng ta phải xử họ để răn đe kẻ khác.

1) Các đồng chí phải treo cổ (lặp lại, phải treo cổ để quần chúng thấy) ít nhất 100 tên phú nông, bọn nhà giàu, bọn hút máu khét tiếng.

2) Công bố tên của tất cả bọn chúng.

3) Tịch thu toàn bộ thóc lúa của bọn chúng.

4) Bắt giữ các con tin - theo đúng nội dung điện tín ngày hôm qua.

Việc này cần được thực hiện để làm sao nhân dân dù ở xa đến mấy cũng đều sẽ nghe thấy, rùng mình, biết đến, và thét to : chúng ta đang bóp cổ và sẽ bóp cổ những tên phú nông hút máu đó.

Nhớ điện cho chúng tôi biết các đồng chí đã nhận và đã thực hiện xong việc này.

Lênin

Điện tín về việc treo cổ này được tiết lộ lần đầu vào tháng Mười một, 1991 (RNAPSH. F.2. Op. I. D. 6898)

(A.G. Latyshev, Giải mật Lênin, 1996, trang 57)

***

(Tư liệu 10)

Tử hình khỏi cần hỏi ý kiến ai !

"Saratov, gởi Paikes (nhân viên Bộ Dân ủy Nông nghiệp)

…Tôi đề nghị đồng chí chỉ định các chỉ huy của mình để xử bắn những kẻ âm mưu và dao động mà khỏi cần hỏi ý kiến ai và cũng khỏi cần thông qua tệ quan liêu giấy tờ ngu ngốc".

Lênin 

Ngày 22 tháng Tám, 1918

Chú thích : Khủng bố Đỏ được công bố vào ngày 2 tháng chín 1918, mà thực ra đã được phát động từ trước ngày công bố đó, trước vụ mưu sát Lênin vào ngày 30 tháng tám 1918, chứ không phải là đáp lại cuộc mưu sát ấy.

(Lênin Toàn Tập, tập 50, trang 165)

***

(Tư liệu 11)

Tiêu diệt Kazan thẳng tay không thương xót !

"Sviyazhsk, gởi Trotsky

Tôi ngạc nhiên và lo ngại vì chiến dịch chống Kazan bị trì hoãn, đặc biệt là nếu đúng như tôi được báo cáo thì các đồng chí hoàn toàn có khả năng tiêu diệt đối phương bằng hỏa lực pháo binh. Tôi tin chúng ta không được cảm thấy tiếc cho thành phố và không được trì hoãn nữa vì phải tiêu diệt thẳng tay…".

Lênin 

Ngày 10 tháng Chín, 1918

Lênin nhận thức tính chất trọng tội trong các yêu cầu của ông, cho nên ông che giấu dấu vết phạm tội bằng cách viết như sau trên điện tín : "Mật, bằng mật mã (gởi lại bản gốc cho tôi). (Gởi tôi bản sao mật mã)".

(Lênin Toàn Tập, tập 50, trang 178)

***

(Tư liệu 12)

Tiêu diệt nốt người Cossack !

"Kiev

Gởi : Rakovsky, Antonov, Podvoisky, Kamenev

Bằng mọi giá, bằng mọi cách phải tiêu diệt nốt bọn Cossack càng sớm càng tốt…".

Lênin 

Ngày 24 tháng Tư, 1919

(Lênin Toàn Tập, tập 50, trang 290)

***

(Tư liệu 13)

Đưa người nước ngoài vào các trại tập trung !

"Về những người nước ngoài, tôi khuyên không nên vội vàng trục xuất họ. Đưa vào trại tập trung có lẽ tốt hơn…".

Lênin 

Ngày 3 tháng Sáu, 1919

Lênin cũng ký một sắc lệnh của chính phủ do ông lãnh đạo, trong đó ghi : "Tất cả những ngoại kiều đang thường trú trong lãnh thổ RSFSR, mà thuộc về giai cấp trung lưu của những nước mà đang có những hoạt động thù địch và quân sự chống lại chúng tôi, và tuổi từ 17 đến 55 đều phải bị đưa vào các trại tập trung…" (xem A.G. Latyshev, sách đã dẫn, trang 56).

(Lênin Toàn Tập, tập 50, trang 335. Điện tín của Lênin gởi Stalin ở Petrograd)

***

(Tư liệu 14)

Nông dân là tội phạm chung

"…không phải nhiều nông dân đều hiểu rằng tự do mua bán lúa mì là phạm tội chống lại nhà nước. "Tôi sản xuất ra lúa mì ; đây là sản phẩm của tôi, cho nên tôi có quyền đem bán", nông dân thường quen nghĩ như vậy, như thời trước họ vẫn hay nghĩ như thế. Nhưng chúng ta nói rằng làm như thế là phạm tội chống lại nhà nước".

Lênin 

Ngày 19 tháng Mười một, 1919

(Lênin Toàn Tập, tập 39, trang 315)

***

(Tư liệu 15)

Bắn những người tôn thờ Thánh Nicholas

"…chịu đựng với ‘Nikola’ là ngu ngốc ; chúng ta phải huy động toàn bộ Cheka để bắn ‘những kẻ vắng mặt của ‘Nikola’".

Lênin

Tháng Mười hai (không sớm hơn ngày 23) 1919

Chỉ thị viết tay của Lênin gởi A.V. Eiduk, nhân viên đặc biệt của Ủy ban Quốc phòng, về việc những tín hữu vắng mặt vào ngày lễ Chính thống giáo Phương Đông - Ngày lễ Thánh Nicholas, Người tạo các phép lạ, vào ngày 19 tháng Mười hai 1919.

(A.G. Latyshev, sách đã dẫn, trang 156 ; RNAPSH. F.2. Op.1. D.12176)

***

(Tư liệu 16)

Trừng phạt Latvia và Estonia !

"…Phải có hành động quân sự, nghĩa là dùng lực lượng vũ trang trừng phạt nặng Latvia và Estonia (chẳng hạn, "theo sát gót "Balakhovich vượt qua biên giới chừng 1 dặm và treo cổ tại chỗ từ 100 đến 1000 bọn công chức và nhà giàu của chúng)".

Lênin 

Tháng tám 1920

Chỉ thị viết tay của Lênin.

(A.G. Latyshev, sách đã dẫn, trang 31 ; RNAPSH. F.2. Op.2 D. trong 447 ; - D.A. Volkogonov, sách đã dẫn, trang 457)

***

(Tư liệu 17)

Chúng ta bác bỏ nhân phẩm phổ quát 

"Theo ý nghĩa nào thì chúng ta bác bỏ luân thường đạo lý ? Theo ý nghĩa nào mà được giai cấp tư sản tán thành, chúng cho rằng đạo đức là do giới luật của Chúa mà ra…

Chúng ta bác bỏ bất kỳ đạo đức nào mà xuất phát từ những quan điểm ở trên con người, ở trên giai cấp. Chúng ta nói rằng đạo đức như thế chỉ là lừa bịp, chỉ là gian dối và tẩy não…".

Lênin 

Ngày 2 tháng Mười, 1920

"Những nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên" : Hitler nói : "Tôi giải phóng con người ra khỏi ảo tưởng tên là lương tâm" (trích Diễn văn của Lênin ở đại hội Komsomol lần thứ ba).

(Lênin Toàn Tập, tập 41, các trang 309, 311, 313)

***

(Tư liệu 18)

100.000 rúp tiền thưởng cho mỗi người bị treo cổ

…Kế hoạch tuyệt vời. Hãy hoàn tất kế hoạch cùng với Dzerzhinsky. Chúng ta giả làm Quân Xanh (sau này chúng ta sẽ tố cáo chính bọn chúng làm chuyện đ), chúng ta sẽ thâm nhập từ 10 đến 20 dặm để treo cổ tất cả bọn phú nông và cha cố. 100.000 rúp tiền thưởng cho mỗi tên bị treo cổ".

Lênin 

Cuối tháng Mười & tháng Mười một 1920

(A.G. Latyshev, sách đã dẫn, trang 31 ; RNAPSH. F.2. Op. 2. D.380. Chỉ thị viết tay của Lênin)

Vladimir Lavrov

Trần Quốc Việt dịch 

(11/01/2022)

Vladimir Lavrov là tiến sĩ Khoa học Lịch sử và là nhà nghiên cứu chính của Viện Lịch sử Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Nguồn : Dịch từ báo Nga Novaya Gazeta, bản tiếng Anh, ra ngày 24 tháng 9, 2012. Tựa đề tiếng Anh "If Lenin were to stand trial…".

Published in Diễn đàn
vendredi, 08 octobre 2021 00:13

Tại nó chớ ai

Có lẽ không người ngoại quốc nào đã để lại ấn tượng sâu đậm nơi nước Việt, như bác Lê Nin. Chỉ riêng bức tượng của Người tại Hà Nội (thôi) cũng đủ khiến cho lắm người thắc mắc : 

Ông Lênin người ở nước Nga

Cớ sao ông đến vườn hoa nước này ?

ong1

Cớ sao ư ? Báo Nhân Dân, số ra ngày 23 tháng 04 năm 2010, nêu rõ : "Sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lê-nin là một cuộc gặp lịch sử… Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng : Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên".

Sau đó, sau khi "phát khóc" và lau nước mắt/nước mũi xong, bác Hồ liền thỉnh ngay bác Lê về thờ nên mới có Suối Lê Nin (với Núi Các Mác) cùng hình ảnh – cũng như tượng đài – của cả hai ông trưng bầy khắp mọi nơi, để lập ra một tôn giáo mới, thay thế cho Phật/Chúa/Thánh Thần/Ông Bà/Tiên Tổ... các thứ.

Ngoài Lenin và Karl Marx, bác Hồ còn "nhập khẩu" nhiều vĩ nhân khác nữa (Engels, Stalin, Mao Zedong…) và tất cả đều được "mạ đồng/mạ kền" sáng chói khiến không ít người dân Việt đã hết lòng sùng kính :

 "Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay…

Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang.

Tôi hồi hộp dán mắt vào : Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng : Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin… (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn : Hà Nội, 2007. Bản điện tử do talawas thực hiện).

ong2

Cái đám "cầm lái vĩ đại" này chỉ hết "thiêng liêng" sau khi bào huynh của tác giả – Võ Quang Hiền – tham gia vào Chiến dch cải cách ruộng đất (1953 – 1956) ngay tại làng quê của mình. Từ đó, ông "tự diễn biến/tự chuyển hóa" rất nhiều và cũng rất nhanh :

 "Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang : sĩ quan quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối cùng là phó thường dân ! Tưởng là ‘dứt bỏ đường công danh’, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm ‘việc xã hội’ là thế nào cũng bị va chạm, xô xát.

Anh hoàn toàn dành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng ủy để ý, cho là ‘phần tử bất mãn’, là ‘cố ý chống đối’… Thì ra cái ‘cọng rêu dưới đáy ao’ mà anh tưởng là ‘yên thân’ như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội...".

Chung cuộc, kẻ "bất mãn" và "cố ý chống đối" bị các đồng chí của mình… "hành" cho đến chết luôn :

"Tôi đặt lên ngôi mộ tấm ảnh của anh – không phải tấm ảnh gày gò của ông lão sáu mươi, mà là tấm ảnh người thanh niên cường tráng những năm tháng hào hùng ở Việt Bắc : mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới đính quân hiệu. Hàng trăm cặp mắt chăm chăm nhìn vào tấm ảnh, chợt thức dậy trong tiềm thức của họ những kỷ niệm về anh và về làng xóm thuở Cách mạng sơ khai".

Nhà văn Võ Văn Trực quả là khéo nói (hay khéo lách) chớ cách mạng thì bao giờ mà chả thế – bất kể "sơ khai" hoặc "thoái trào" – và lúc nào mà không "chuyên chính" với những kẻ đi trật đường ray cộng sản.

Vi Đức Hồi – nguyên trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn – là một nạn nhân tiêu biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vào giai đoạn "thoái trào" này. Tuy thuộc thế hệ đến sau nhưng ông vẫn trưởng thành với niềm tin (hừng hực) không khác chi lớp tiên phong.

Hồi ký (Đối Mặt) của ông ghi lại không ít những câu chữ "sung sướng" đến ngất ngây : "Khi tôi đọc cương lĩnh đầu tiên của đảng năm 1930, tôi thật sung sướng vì Đảng chỉ ra rằng : Khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công, Đảng đưa cả nước ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn xã hội tư bản chủ nghĩa. Xã hội mà đảng hướng tới là một xã hội đỉnh cao của sự văn minh nhân loại, ở đó sẽ không còn chế độ người bóc lột người, mọi người sống với nhau bình đẳng bác ái, nhà nước là của dân, do dân và vì dân…".

Nội dung Cương Lĩnh Đầu Tiên của Đảng (ta) e chỉ là bản copy Luận Cương Của Lenin thôi chớ không có chi khác cả, ngoài vài chỗ ngắt câu, và mấy dấu chấm phẩy. Bởi thế nên Vi Đức Hồi không "sung sướng" được luôn, và cũng chả được lâu. Những trang sau trong cuốn hồi ký Đối Mặt, không thiếu những cụm từ vô cùng cay đắng : "Đảng nói không biết ngượng, Đảng nói một đàng làm một nẻo, Đảng nói như hát hay…".

Mỗi lúc ông một thêm xa lánh Đảng, rồi trở nên "đối mặt" với nó, và bị khai trừ. Sau đó – cũng như ông Võ Quang Hiền, hồi giữa thế kỷ trước – Vi Đức Hồi cũng quyết định biến mình thành một "cọng rêu dưới đáy ao", nơi làng quê khốn khó của mình :

 "Quê tôi, một trong những xã nghèo nhất nước ta, là một trong 9 xã của tỉnh Lạng Sơn và là một trong hai xã duy nhất của huyện Hữu Lũng chưa có bóng dáng điện lưới quốc gia ; là xã vùng sâu vùng xa, xã đặc biệt khó khăn...

Tôi mua được một chục cặp lợn con, giúp cho 10 hộ nghèo nhất ở làng tôi để họ chăn nuôi, khi nào lợn xuất chuồng bán thì hoàn trả gốc cho tôi, để tôi chuyển cho hộ khác. Nhiều người phấn khởi, nhận lợn và cảm ơn.

Tin này Xã báo cáo Huyện... Thường trực Huyện ủy triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt ở xã Tân Lập (quê tôi) để nghe cơ sở báo cáo tình hình. Huyện ủy quán triệt : đây là một trong những âm mưu rất nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao cảnh giác cách mạng, chặn đứng mọi hành động nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị…".

ong3

Thế là thay vì trở thành một cọng rêu để có thể được nằm yên dưới đáy ao, Vi Đức Hồi phải nằm trong lòng nhà tù cách mạng. Câu chuyện của các bác Mác/Lê qua hai thế hệ người Việt thượng dẫn (tưởng) cũng đã đủ ê chề nhưng chưa hết. Cuối tháng 9 năm 2021, báo đài nhà nước đều đồng loạt và hớn hở loan tin :

- Về cậu bé 10 tuổi đọc Lênin toàn tập : Hứng thú với sách như với đồ chơi, bánh kẹo

- Cậu bé 10 tuổi quyết tâm đọc toàn bộ Lê Nin toàn tập

- Cậu bé 10 tuổi đọc Leenin toàn tập

- Cậu bé 10 tuổi đam mê khám phá lịch sử, từ nhỏ đã đọc bộ Lê Nin

Con cái nhà ai mà quá đã (và quá đáng) vậy, Trời ? Thiệt là vô phúc. Cũng tại NÓ hết trơn chớ còn ai vô đây nữa !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 08/10/2021 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa

Có mấy lý do cần phải nhận thức lại quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.

tongiao1

Marx và Phật : Hai hệ tư tưởng khó cùng chung quỹ đạo

Thứ nhất, quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là cơ sở lý luận và tư tưởng chỉ đạo công tác tôn giáo của chúng ta [tức Trung Quốc] hiện nay. Nếu có chỗ nào sai lệch với quan điểm đó thì công tác tôn giáo của chúng ta sẽ không lành mạnh. Bởi thế cần phải luôn luôn học tập và nhận thức quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.

Thứ hai, công tác tôn giáo của Trung Quốc thời gian qua tuy có thành tích lớn song đồng thời cũng đã xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng văn hóa chúng ta từng đòi tiêu diệt tôn giáo, từng mặc ý phá hoại văn hóa tôn giáo – sai lầm đó có liên quan tới nhận thức cực tả về quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx. Cái gì thực tiễn chứng tỏ là đúng thì ta cần tiếp tục ; cái gì thực tiễn chứng tỏ là sai thì cần chỉnh đốn.

Thứ ba, tình hình khách quan hiện nay đã thay đổi rất lớn, thời đại mới xuất hiện những vấn đề mới mà thời K. Marx và F. Engels chưa nghĩ tới, chúng ta không thể mời các vị ấy ra giải quyết giúp. Ví dụ vấn đề nhà nước xã hội chủ nghĩa [XHCN] nên xử lý như thế nào mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo và giới tôn giáo. Vấn đề này K. Marx và F. Engels chưa nghĩ đến, Lenin có đề cập vấn đề này, nhưng kết quả thực tế thì nhà nước Liên Xô lại giải quyết chưa tốt vấn đề tôn giáo ; chúng ta không thể noi theo họ.

Một ví dụ nữa : K. Marx từng cho rằng cùng với sự phát triển khoa học, tôn giáo sẽ dần dần mất địa bàn và đi tới suy tàn. Tình hình thực tế hiện nay là khoa học kỹ thuật phát triển cao nhưng số lượng tín đồ tôn giáo trên thế giới lại tăng lên không ngừng. Thống kê hồi thập niên 1960 cho thấy tín đồ tôn giáo chiếm hơn 60% dân số toàn thế giới ; hiện nay tỷ lệ này là hơn 80%. Những người theo chủ nghĩa Marx phải có giải đáp mới về vấn đề này. Ngoài ra, vấn đề tôn giáo dân tộc đang ảnh hưởng ngày càng lớn tới đời sống xã hội, chính trị quốc tế và sự ổn định xã hội – vấn đề này K. Marx cũng chưa từng quan tâm tới. Mặt khác, sự ra đời và phát triển ngày một mạnh mẽ các tôn giáo mới trở thành vấn đề chúng ta cần nghiên cứu.

Thứ tư, từ ngày nước CHND Trung Hoa thành lập, nhất là từ cải cách mở cửa trở đi, trên vấn đề tôn giáo, các nhà lãnh đạo và các học giả Trung Quốc đã có nhiều sáng tạo phát triển về lý luận và thực tiễn, nay cần tổng kết lại để làm phong phú quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.

Hạt nhân quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx

Lâu nay người ta luôn luôn có những quan điểm khác nhau về vấn đề hạt nhân trong quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là gì. Nhiều người cho rằng đó là "Thuyết Thuốc phiện" : Tôn giáo là thứ thuốc phiện để ru ngủ nhân dân.

Có nhiều người chưa nghiêm chỉnh đọc sách của K. Marx nhưng mỗi khi nói đến tôn giáo thì họ nghĩ ngay tôn giáo là thuốc phiện, và cho rằng đây là luận điểm quan trọng nhất của K. Marx về vấn đề tôn giáo. Cách nghĩ này khá phổ biến.

Thực ra, "Thuyết thuốc phiện" không phải là hạt nhân quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx, bởi lẽ nó không vạch ra được bản chất và nguồn gốc thực sự của tôn giáo.

Cơ sở lý luận quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là quan điểm duy vật lịch sử, tức coi tôn giáo là một loại kiến trúc tầng trên, một loại hình thái ý thức, là sự phản ánh nền tảng kinh tế xã hội và đời sống xã hội, nhưng là sự phản ánh lắt léo, đảo ngược.

Marx nói : "Nhà nước, xã hội sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan đảo ngược, bởi lẽ bản thân tôn giáo là thế giới đảo ngược".

Engels cũng có một định nghĩa tương tự về tôn giáo : "Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua đều là sự phản ảnh trong đầu óc con người các sức mạnh bên ngoài chi phối đời sống hàng ngày của người ta ; trong sự phản ánh đó, sức mạnh con người thì sử dụng hình thức sức mạnh siêu việt con người", cũng tức là nói các vị thánh thần của tôn giáo là sản phẩm của sự áp bức của thiên nhiên và của các lực lượng xã hội đối lập với con người. K. Marx và F. Engels nói như vậy đã vạch rõ bản chất và nguồn gốc của tôn giáo.

Thế thì những người theo chủ nghĩa Marx nên có thái độ như thế nào đối với tôn giáo ?

Bởi lẽ nguồn gốc tôn giáo tồn tại trong xã hội có tình trạng bất hợp lý, cho nên nếu muốn căn bản cải tạo xã hội, muốn thực hành cách mạng xã hội, thì phải dẫn dắt mọi người chuyển sự phê phán tôn giáo thành phê phán xã hội, phấn đấu xây dựng thiên đường trên trái đất. Có thiên đường ngay trên trái đất thì người ta sẽ không hướng tới thiên đường trên trời [Thiên quốc, Nước Trời] nữa.

Có thể khái quát quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx thành hai luận thuyết : Thuyết phản ánh duy vật và Thuyết cải tạo xã hội ; cả hai thuyết này đều xem xét tôn giáo từ góc độ xã hội.

Trước kia các nhà chủ trương thuyết vô thần đều khảo sát tôn giáo theo cách chỉ hạn chế xem xét trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, hoặc đơn giản hóa phê phán các sai lầm của tôn giáo, coi tôn giáo là cái vòng sai lầm trong nhận thức của loài người. Triết gia Feuerbach quy kết tính thần thánh [tính thiêng liêng của tôn giáo] thành tính người [nhân tính], cho rằng con người sáng tạo ra thần linh chứ không phải thần linh tạo ra con người ; nhưng ông coi con người là vật trừu tượng đơn lẻ, không hiểu tính xã hội của con người.

Ngược lại, K. Marx và F. Engels hướng ánh mắt khảo sát tôn giáo vào đời sống xã hội, nhất là đời sống kinh tế, phương thức sản xuất, cơ cấu xã hội ; vì thế hai ông đưa ra được lý luận tôn giáo rất sâu sắc, lý luận này được giới xã hội học tôn giáo thế giới đánh giá rất cao.

Tất nhiên lý luận ấy cũng có chỗ chưa hoàn mỹ. K. Marx, F. Engels là những nhà cách mạng, hai ông chủ yếu xem xét tôn giáo từ góc độ cách mạng mà thiếu tính đa dạng về góc nhìn. Tôn giáo là một hệ thống văn hóa xã hội đa tầng, lập thể hóa. Khi xem xét tôn giáo không thể chỉ dừng lại ở lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội mà còn cần có tầm mắt của văn hóa học, có sự phân tích của tâm lý học, thậm chí quan tâm cả tới sinh tử học [khoa học tìm hiểu vấn đề sống và chết]. Có điều, nếu yêu cầu các tác gia kinh điển đều giải quyết xong tất cả mọi vấn đề thì còn cần chúng ta làm gì nữa ?

Trong "Lời nói đầu Phê phán triết học Hegel" đúng là K. Marx có nói "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Nhưng nếu đọc toàn bộ sách này thì sẽ thấy K. Marx không hề có chút ý định nào nói bản thân tôn giáo là thứ xấu xa, như thuốc độc làm hại con người. Ông chỉ nói chế độ xã hội bất hợp lý làm cho nhân dân không được hạnh phúc, vì không thể chịu đựng nổi cảnh khổ đau nên nhân dân đành tìm đến sự an ủi ở tôn giáo. Trong tình trạng đó, "Nỗi khổ đau trong tôn giáo là biểu hiện nỗi khổ đau hiện thực, lại là sự phản kháng tình trạng khổ đau trong thực tế đời sống", "vì vậy sự phê phán Nước Trời biến ra thành sự phê phán trần thế".

Có thể thấy K. Marx luôn chĩa mũi dùi vào các chế độ áp bức bóc lột. Ông chưa bao giờ dùng câu nói "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" làm hạt nhân quan điểm tôn giáo của mình ; nhiều nhất chỉ ví von thuốc phiện là một thứ chức năng xã hội của tôn giáo.

"Thuyết thuốc phiện" và "Thuyết đấu tranh"

Vậy "Thuyết [tôn giáo là] thuốc phiện" xuất hiện vào khi nào ?

Nó xuất hiện vào thời kỳ Lenin ; những người theo chủ nghĩa xã hội kiểu Nga, kiểu Liên Xô đã có trục trặc trong việc giải thích quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.

Lenin có rất nhiều tư tưởng vô cùng đặc sắc. Ông nói : "Sự nhất trí ý kiến của giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng thiên đường trên trái đất còn quan trọng hơn sự nhất trí của giai cấp vô sản về vấn đề xây dựng thiên đường đó", cũng tức là nói sự khác biệt về tín ngưỡng không phải là quan trọng nhất mà lợi ích lâu dài chung của quần chúng nhân dân mới là quan trọng nhất.

Lenin phản đối sự tuyên chiến với tôn giáo, cho rằng đó là hành động ngu xuẩn. Ông còn nói về sự tách rời tôn giáo với chính quyền, tách rời tôn giáo với giáo dục, cố gắng làm cho tôn giáo trở thành việc riêng của từng công dân.

Thế nhưng trong bài "Bàn về thái độ của chính đảng công nhân đối với tôn giáo" ông lại nói một câu có tính khái quát : "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, danh ngôn này của K. Marx là hòn đá tảng của toàn bộ thế giới quan Marxist trên vấn đề tôn giáo."

Ta không thể tìm thấy từ các tác phẩm kinh điển của K. Marx và F. Engels những căn cứ cho sự khái quát ấy của Lenin. Sự khái quát này cũng không vạch ra nguồn gốc và bản chất xã hội của tôn giáo ; coi một chức năng xã hội của tôn giáo là hòn đá tảng quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx – làm như thế là [Lenin] đã xa rời quan điểm duy vật lịch sử, hạ thấp trình độ xuống độ cao của thuyết vô thần cũ – như vậy có hợp lý không ? Rõ ràng là đi ngược lại chủ nghĩa Marx.

Thế nhưng câu khái quát của Lenin rất ngắn gọn rõ ràng, hình ảnh ví von sinh động, dễ lưu truyền, cộng thêm uy tín và danh vọng của Lenin, câu nói đó dần dần trở thành kinh điển, có ảnh hưởng trên diện quá rộng.

Theo sau "Thuyết thuốc phiện" là đến "Thuyết đấu tranh". Lenin nói : "Chúng ta phải đấu tranh với tôn giáo, đây là nguyên tắc tối thiểu của chủ nghĩa duy vật, vì vậy nó cũng là nguyên tắc tối thiểu của chủ nghĩa Marx", "Người Marxist phải là người duy vật, là kẻ địch của tôn giáo". Như thế đã xác định lập trường chống tôn giáo của những người Bolshevik Nga.

Dĩ nhiên người duy vật không tán thành giáo lý tôn giáo, nhưng vì cớ gì mà họ không thể tôn trọng tôn giáo mà nhất thiết cứ phải đứng trên lập trường chống tôn giáo để đấu tranh với tôn giáo ? "Thuyết đấu tranh" của Lenin đi ngược lại chủ nghĩa Marx và ngược lại với chính lời Lenin nói không cần tuyên chiến với tôn giáo.

Vì vậy chủ nghĩa Lenin có mâu thuẫn sâu sắc trên vấn đề tôn giáo. Về sau Stalin lãnh đạo Liên Xô một thời gian dài, trên lý luận và thực tiễn ông đều đề cao lập trường đấu tranh với tôn giáo, hậu quả làm cho mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo ở vào tình trạng căng thẳng lâu dài, chỉ trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc mới có giảm nhẹ chút ít.

Tóm lại, giữa những người theo chủ nghĩa xã hội với tôn giáo, với giới tôn giáo, với văn hóa tôn giáo, rốt cuộc nên xây dựng một mối quan hệ như thế nào — vấn đề đó mãi vẫn chưa được giải quyết.

Mâu Chung Giám (Trung Quốc)

Nguyên tác : "Nhận thức lại quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx", trích từ "Mạng tôn giáo dân tộc Trung Quốc"

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/03/2020

Published in Diễn đàn

Phải dọn sạch mọi thối nát tư sản ra khỏi các thành phố… Phải xóa sổ tất cả những gì đe dọa sự nghiệp cách mạng… Bài thánh ca của giai cấp công nhân là bài ca căm phẫn và trả thù. 

(Bolshevik Pravda, 31/08/1918,

sau khi Lenin bị ám sát)

Là người cộng sản, Lenin mơ ước một thế giới không có sự bóc lột và đàn áp. Mục đích của Lenin là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi người lao động sẽ tiếp quản quyền lực. Mọi cơ cấu sản xuất và nguồn lực xã hội là tài sản chung và không ai có thể làm giàu bằng công sức của người khác. Cuộc sống của nhiều người, đặc biệt ở nông thôn, dưới thời Sa Hoàng rất khổ sở. Đây là sự thật không thể chối cãi.

lenin1

Lenin mơ ước một thế giới không có sự bóc lột và đàn áp. Mục đích của Lenin là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi người lao động sẽ tiếp quản quyền lực

Nhưng dân Nga đã phải trả một cái giá quá đắt sau khi Lenin và những người bolshevik nắm được chính quyền năm 1917. Tựu chung, cuộc sống chẳng khá gì hơn dưới thời cộng sản. Bi kịch của nước Nga là một chế độ chuyên chế được tiếp nối bằng một chế độ chuyên chế khác, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Sau Thế chiến thứ Hai, Đức buộc phải giải quyết món nợ quá khứ gần đây nhất của mình. Những tội phạm chiến tranh phát xít, theo phán quyết của tòa án Nuremberg, bị kết án vì các tội lỗi đã gây ra. Trong nhiều thập niên, Đức phải tự kiểm tra toàn diện, kể cả việc cấm các tổ chức quốc xã. Nhưng Liên Xô trước kia và Nga hiện nay chưa bao giờ giải quyết những tội ác dưới thời cộng sản. Trái lại, rất nhiều chính khách Nga ngày nay có quá khứ từ đảng cộng sản. Chắc chắn họ cũng phạm tội và vi phạm nhân quyền dưới chế độ độc tài. Vladimir Putin, tổng thống Nga, xuất thân là một sĩ quan cao cấp của cơ quan mật vụ KGB thời Liên Xô

Sau khi chết năm 1924, Lenin được ướp xác như một pharaon, rửa ráy và trưng bày trong lăng tẩm riêng hoành tráng và lộng lẫy ngay tại Quảng trường Đỏ, Moscow. Cho đến nay ông vẫn nằm ở đó. Không biết dư luận phương Tây phản ứng ra sao nếu Hitler cũng có lăng tẩm riêng như vậy ở Berlin. Mỗi ngày, hàng ngàn khách thập phương đến chiêm ngưỡng cái xác chết. Bộ chính trị Liên Xô do Stalin cầm đầu, qua cách trưng bày xác chết của Lenin, đã tạo ra một mô hình thờ phụng cá nhân mà thế giới chưa từng thấy và trở thành nét đặc thù của thế giới cộng sản. Từ khi đó, vô số tượng Lenin được dựng lên và cái xác ướp được mô tả như một vị thánh. Người cộng sản phá hủy các nhà thờ và di tích tôn giáo trên khắp nước Nga trong thời gian dài. Tôn giáo truyền thống buộc phải im lặng nhường chỗ cho một tôn giáo chính trị mới.

Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924), tức Lenin, là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị cộng sản. Tất cả các chế độ độc tài cộng sản trong lịch sử nhân loại đều chịu ảnh hưởng của Lenin và làm theo cách của ông để có toàn quyền kiểm soát nhân dân. Gần như ngay lập tức, sau cái gọi là cách mạng tháng Mười, Lenin đã thành lập mạng lưới khủng bố như mật vụ, điềm chỉ và một nhà nước với quyền lực cực đoan nhằm chặn đứng mọi tư tưởng tự do. Công dân nào phản đối sẽ bị tống vào tù hay vào các trại tập trung. Hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là chủ nghĩa cộng sản của Lenin nhân đạo và dễ thở hơn dưới thời Stalin. Trong thực tế, Lenin đã đặt nền móng khủng bố cho Stalin và khác biệt chính trị giữa hai người này không quá lớn. Stalin cầm quyền lâu hơn nhiều và có thời gian dài để gieo rắc tai họa. Lenin chết tương đối sớm, lúc 54 tuổi, do mắc bệnh giang mai và biến chứng vết thương ở cổ sau vụ ám sát. Nếu Lenin sống thêm 20 năm nữa, khả năng khủng bố cũng sẽ giống như Stalin. Lenin không bị chứng lo cuồng sợ bị hãm hại (persecution mania) như Stalin. Đến cuối đời, Lenin gần như điên loạn, nhưng khác với Stalin, ông không còn khả năng giải thích mạch lạc về điều gì nữa.

Hoặc theo hoặc chống chúng tôi

Cách mạng tháng Mười không phải là cuộc cách mạng cổ điển như thường thấy, với hàng trăm ngàn người biểu tình trên đường phố và gào thét đòi hỏi sự thay đổi. Thực ra, đó là cuộc đảo chính do Lenin và những người cộng sản (bolshevik) dàn dựng để lật đổ chính phủ dân chủ của Alexander Kerensky, người theo chủ nghĩa xã hội.

Sa Hoàng đã thoái vị vài tháng trước, vào tháng Hai 1917. Alexander Kerensky thành lập một chính phủ liên hiệp với sự tham gia của các đảng cách mạng khác nhau. Do đó, chuyện Lenin lật đổ Sa Hoàng chỉ là huyền thoại. Trái lại, Lenin đã sống cuộc đời tỵ nạn ở Đức và không trở về trước khi biết chắc chắn Sa Hoàng đã biến mất tháng Tư 1917. Lenin về trên chuyến xe lửa bọc thép do nhà nước Đức mua và trả tiền.

Từ lâu, Lenin luôn phản đối việc nước Nga tham gia Thế chiến thứ Nhất chống Đức. Ông cho rằng cuộc chiến này là của giai cấp tư sản và tư bản nên sẵn sàng đi bước rất xa để kéo nước Nga ra khỏi chiến tranh. Do đó, Lenin đã tham gia một liên minh không chính thức với Đức : nếu nắm được chính quyền, Lenin sẽ rút Nga ra khỏi cuộc chiến. Đây cũng là lợi ích của Đức nên giới bảo thủ Đức hỗ trợ Lenin nắm được quyền lực và Lenin chụp lấy cơ hội này.

Nhiều người ủng hộ Lenin ở Nga và họ đã lật đổ được chính phủ liên hiệp của Kerensky bằng bạo lực. Trong quân đội cũng có nhiều người đứng về phía ông vì, khác với Kerensky, Lenin muốn rút nước Nga ra khỏi cuộc chiến. Tháng Mười Một 1917, sau cuộc bầu cử quốc hội, số phiếu người bolshevik có được không quá 25%. Cùng cực thất vọng, Lenin giải tán Quốc hội. Theo Lenin, khi người dân không hiểu cái gì tốt nhất thì không cần cho họ cơ hội để tạo ảnh hưởng. Và rồi, nước Nga trở thành nhà nước độc đảng kéo dài suốt 75 năm.

Trong thế giới quan của Lenin, nhà nước độc đảng ra đời gồm hai mặt : hoặc trung thành tuyệt đối hoặc là kẻ thù không đội trời chung. Vì vậy, không chỉ giới thượng lưu, tư sản, bảo thủ, ki tô giáo hay tự do bị hãm hại mà cả những người chia sẻ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cơ bản với Lenin cũng cùng chung số phận, bởi lẽ đồng ý thôi cũng chưa đủ. Lenin cho rằng những nhà dân chủ xã hội, vô chính phủ và xã hội chủ nghĩa đều là bọn tư bản và kẻ thù ngụy trang.

Lenin khét tiếng hung ác ngay cả với các đồng chí trong đảng cộng sản của mình và nhiều người bị xử tử. Tháng Mười Hai 1917, Lenin thành lập Cheka, tổ chức mật vụ cộng sản đầu tiên có quyền giết người bất đồng quan điểm, không cần luật pháp hay tòa án. Lực lượng cách mạng vũ trang có tên là hồng quân hay hồng vệ binh được thành lập riêng để "bảo vệ cách mạng". Lực lượng này theo dõi, bắt giữ và tiêu diệt tất cả những ai bị Lenin coi là kẻ thù của cách mạng, những người xã hội chủ nghĩa hay dân chủ đến các đồng minh cũ của Sa Hoàng. Cuộc cách mạng nhanh chóng đi vào vết xe có tên là khủng bố đỏ.

Khủng bố được sử dụng như một công cụ kìm kẹp không chỉ vì Lenin cảm thấy bị đe dọa mà còn là một phần nền tảng trong ý thức hệ của ông. Để cuộc cách mạng thành công, phải thanh toán mọi bất đồng và từ đó người ta sẽ vững mạnh hơn để đánh bại kẻ thù cách mạng. Knhững ai không đồng ý với lối suy luận này cuối cùng sẽ là phản cách mạng, kẻ thù của cách mạng. Về lâu dài, đó là điều tốt nhất cho người dân, Lenin nghĩ vậy.

Nhưng làm thế nào Lenin có thể nói thay cho toàn dân khi người dân không được nêu ý kiến hay tối thiểu họ cũng phải được thể hiện bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ ? Còn nữa, điều gì cho Lenin, theo cách suy nghĩ của ông, cái quyền giết đối thủ chính trị ? Mặc dù, ngay từ đầu, Liên Xô là một chế độ độc tài nhưng vẫn tự coi mình là một chế độ chính trị dân chủ nhân dân. Để hiểu cái lý luận khá kỳ quặc này, chúng ta phải trở lại một câu chuyện triết học hơi phức tạp.

Lenin lấy cảm hứng từ ý tưởng về một ông vua vô cùng thông thái có cách hành xử luôn thể hiện  chí cộng đồng. Triết gia thuộc phong trào khai sáng Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã đề cập đến ý chí cộng đồng mà mọi người thực sự mong muốn nhưng lại không hiểu đó là gì. Người ta muốn cái tốt nhất nhưng không biết cái gì là tốt nhất, do đó, không hiểu cái gì là tốt nhất cho chính mình. Theo Rousseau, trong thực tế, rất khó có thể giúp mọi người hiểu được mọi thứ kết hợp với nhau như thế nào và đây là nhiệm vụ của nhà vua hay người lãnh đạo. Giống như khi phụ huynh dạy con trẻ nói rằng ăn bánh kẹo cả ngày không tốt. Ý tưởng về ý chí cộng đồng dựa trên những nguyên tắc như trong gia đình : nhà nước và quyền lực nhà nước là cha mẹ và thường dân là con cái. Theo cách đó, Lenin cho rằng, nhân danh nhân dân, ông hành xử như một người cha.

Trong quyển sách "Phải làm gì", Lenin đưa ra thuật ngữ dân chủ tập trung với ý nghĩa nhân dân thảo luận và đảng quyết định. Người dân có thể thảo luận và phê bình trước khi đảng cộng sản đưa ra quyết định cuối cùng. Một xã hội như vậy lý tưởng hơn kiểu dân chủ phương Tây vì người ta quan tâm đến ý kiến của tất cả mọi người trong từng trường hợp cụ thể. Ở phương Tây, người dân chỉ có cơ hội lên tiếng thông qua lá phiếu bốn năm một lần. Trong xã hội sô-viết, chính trị được thảo luận khắp mọi nơi và trong các cuộc họp. Nhưng Lenin không tin người dân có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nên loại bỏ việc thảo luận.

Tuy nhiên, những người bị Lenin áp đặt không phải là trẻ con. Đó là những người lớn. Họ có những ý kiến hoàn toàn khác biệt và có thể vẫn giữ vững lập trường của mình. Đây là điều Lenin không thể chấp nhận. Vì vậy, để người dân vâng lời, họ phải bị đánh đòn. Lenin bắt đầu giết những người nào không chịu hiểu cái gì tốt nhất dành cho họ. Tàn sát chính trị xảy ra như cơm bữa. Cuộc cách mạng tìm ra một loại tội phạm mới : kẻ thù giai cấp và phản cách mạng. Hai thuật ngữ này được sử dụng trong tất cả các chế độ độc tài cộng sản khi người ta truy nã và thanh toán các đối thủ chính trị của chế độ.

Khủng bố là mục tiêu chính và chế độ độc tài của giai cấp vô sản

Giống như thần tượng Robespierre của mình, Lenin tin rằng bạo lực có thể giải quyết hầu hết các vấn đề. Robespierre (1758-1794) cầm đầu giai đoạn phản dân chủ và tàn bạo nhất trong lịch sử cách mạng Pháp qua việc khủng bố và chặt đầu khoảng 17.000 người, kể cả vua Pháp. Robespierre muốn chôn vùi tất cả những gì xưa cũ và xây dựng một thế giới mới. Ông còn lập ra lịch cách mạng để bắt đầu một kỷ nguyên mới và cuộc cách mạng thuộc năm thứ nhất, tượng trưng cho sự đoạn tuyệt với quá khứ. Lenin cũng đưa ra một lịch mới nhưng không quá cực đoan như người Pháp.

Theo gương Robespierre, Lenin dẹp bỏ thế giới cũ và mọi chướng ngại cản trở việc thành lập thế giới mới. Trong những năm 1918 – 1920, hồng quân bolshevik tiến hành cuộc nội chiến tàn khốc chống các lực lượng chống cộng khác nhau có tên là "Bạch Nga". Ông tuyên bố cuộc cách mạng cộng sản đang trong giai đoạn chiến tranh, tuyên chiến chống lại xã hội Nga truyền thống và vẫn tiếp tục ngay cả sau khi các lực lượng Bạch Nga bị đánh bại. Dự án của Lenin trở thành cuộc tổng vệ sinh xã hội. Điều này có nghĩa Lenin tẩy sạch lớp "người Nga cũ" và "giai cấp xã hội xa lạ", theo cách ông gọi họ. Việc làm này không khác với giấc mơ về sự thuần khiết dưới thời Hitler và trong cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc. Mọi người sống dưới đế chế Nga trước kia giờ đây trở thành công dân xô viết. Công dân xô viết chia sẻ cùng chung ý tưởng dù bất cứ ở đâu. Từ những nước nhỏ như Armenia và Azerbaijan đến các quốc gia hùng mạnh như Georgia, Ukraine, Belarus và Moldova. Năm 1922, Liên Bang Xô Viết được chính thức thành lập. Người xô viết phải học tập chủ thuyết của Lenin và gọi nhau là đồng chí. Tôn giáo và văn hóa truyền thống bị dẹp bỏ. Rất nhiều tổ chức như công đoàn tự do, hướng đạo, Hội Tam Điểm và tất cả các đảng phái chính trị bị cấm – ngoại trừ đảng cộng sản. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989, Liên Xô tan rã tách thành nhiều quốc gia khác nhau.

Triết gia người Đức Immanuel Kant từng nói, một xã hội công bằng và đạo đức phải được xây dựng trên nguyên tắc con người mới chính là mục tiêu chứ không phải là phương tiện để đạt đến mục đích. Lenin không nghĩ như vậy. Theo ông, chết chóc, tra tấn và đói khát là cái giá cần thiết phải trả để đạt được mục tiêu. Một ví dụ minh họa cho việc khủng bố là phương tiện : trong một lệnh gửi cho hồng vệ binh trong cuộc nội chiến năm 1918, Lenin ra lệnh giết 100 nông dân nhằm gieo rắc sợ hãi và cảnh cáo những ai chống lại cách mạng :

1. Treo cổ (công khai cho mọi người nhìn thấy) ít nhất 100 tên địa chủ, phú hộ và bọn hút máu nhân dân.

2. Công bố tên tuổi của chúng.

3. Tịch thu toàn bộ ngũ cốc.

4. Phân loại con tin theo telegram ngày hôm qua. Theo cách mọi người dù ở xa hàng trăm km vẫn có thể thấy, run sợ, biết, hét lên : họ đập nát và bóp chết những tên địa chủ khát máu.

Nhân viên điện báo đã nhận và thi hành mệnh lệnh.

Lenin

P.S : Hãy tìm những kẻ ngoan cố

Trong cuộc cách mạng và thời gian nội chiến, nhiều nông dân gia nhập hồng quân vì Lenin hứa cho họ đất đai. Năm 1918, Lenin quyết định không cho họ quyền sở hữu những vùng đất đã hứa. Thay vào đó, đất đai bị tập thể hóa hay tịch thu. Nhà nước chiếm hữu đất đai và nông dân mất quyền kiểm soát những gì họ đã sản xuất. Họ chỉ được giữ lại một số hàng hóa tối thiểu để sinh sống. Cuộc nội chiến và cuộc chiến vì chủ nghĩa cộng sản cần có lương thực nhưng Lenin cũng nóng lòng thực hiện ngay ý tưởng cộng sản. Ông muốn thay đổi toàn bộ cơ cấu xã hội Nga trong chớp mắt. Lenin cũng muốn hủy bỏ nền kinh tế tiền tệ. "Chúng tôi đang tiến nhanh đến việc xóa bỏ đồng tiền", Grigory Zinoviev, một trong những cộng tác viên của Lenin nói như vậy năm 1918. Rốt cuộc, việc hủy bỏ nền kinh tế tiền tệ dẫn đến hỗn loạn và trì trệ.

Nông dân tỏ ngay thái độ bất hợp tác. Lenin nổi giận gửi vệ binh đỏ về làng quê để tịch thu nông phẩm. Nhưng chính bọn này cũng đói nên trộm thực phẩm thay vì chuyển đi.

Theo Lenin, nông dân có thể chia thành hai nhóm : địa chủ, hay kulak, bị coi là một phần của giai cấp tư sản nên cũng là kẻ thù của cách mạng và những nông dân nghèo được xem là một phần của giai cấp vô sản. Trong cuộc nội chiến, sự phân biệt này không rõ ràng nên một số lớn nông dân cũng đều bị xem là kulak.

Tháng Tư năm 1918, Lenin khai chiến với nông dân : "Bọn tiêu dùng vặt vãnh căm ghét tổ chức và kỷ luật. Đã đến lúc chúng ta phải thẳng tay tiêu diệt bọn chủ đất cỏn con này". Vệ binh đỏ bắt đầu truy lùng và bắn chết những nông dân nào không muốn cộng tác, trên khắp nước Nga. Ủy viên tiếp vụ cổ động chiến tranh : "Chỉ với khẩu súng trên tay, chúng ta sẽ có được ngũ cốc".

Cuối cùng Lenin nhận ra sai lầm và giảm dần tốc độ chiến tranh vì chủ nghĩa cộng sản. Năm 1921, ông đưa ra Chính sách kinh tế mới (New Economic Policy, NEP) cho phép nông dân sản xuất và thu lợi nhuận. Lenin dẫn nhập một phần chủ nghĩa tư bản vào nước Nga. Nhưng, khi đó vùng quê đã bị hủy hoại và thành phố thiếu thực phẩm trầm trọng. Bước ngoặt NEP đến quá muộn. Hàng triệu người đã chết đói hay đã bị đám vệ binh đỏ hành quyết. Điều mỉa mai là sau đó Lenin phải xin quốc gia tư bản Hoa Kỳ trợ giúp giải quyết thảm họa do đã cưỡng ép đất nước đi theo mô hình cộng sản. Và Hoa Kỳ đã giúp ông.

Cũng nên biết cho đến năm 1917, Nga là quốc gia xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Năm 1921, hàng triệu người chết đói. Thịt người được bày bán ở những vùng đói kém nhất. Khi tình trạng thực phẩm đang ở mức thiếu hụt trầm trọng thì nước Nga lại mất mùa. Thực phẩm dự trữ hoàn toàn không còn để khắc phục vấn đề.

Mặc dù NEP có tác động tích cực một thời gian, mọi thứ lại tuột dốc nhanh chóng một lần nữa. Thực phẩm tiếp tục khan hiếm và mùa màng thất bát vì thiếu hạt giống. Nông đân giữ lại thức ăn vì giá thị trường quá thấp không đủ để sống. Hàng ngàn nông dân buộc phải làm việc trong ngành kỹ nghệ sắt thép vốn vô ích và không hiệu quả. Nông thôn trở nên điêu tàn. Tại thành phố, thực phẩm thiếu đến mức hàng trăm ngàn người phải đi về thôn quê để tìm hay trộm cắp thức ăn.

Có lẽ chủ nghĩa cộng sản là lý do chính khiến Lenin không chịu nghe những tiếng nói đối lập. Ổn định cách mạng là kết quả cần thiết của độc tài của giai cấp công nhân vô sản. Lenin cho rằng cuộc cách mạng đang trong thời kỳ chiến tranh nên phải tàn nhẫn. Ông nói : "Đây là ý nghĩa thuần túy khoa học của nền độc tài vô sản. Chính quyền không có giới hạn, chỉ dựa trên sức mạnh, không quan tâm đến luật lệ và hoàn toàn không theo quy tắc nào cả". 

Lenin tin rằng bạo lực là yếu tố tối cần để thay đổi lịch sử vì bọn quý tộc và giai cấp tư sản không tự nguyện từ bỏ quyền lực. Khi có điều kiện thích hợp, cuộc cách mạng sẽ cởi mở và dân chủ hơn. Mọi người sẽ có việc làm, nhà cửa, thực phẩm và công nhân sẽ tiếp quản mọi phương tiện sản xuất trong xã hội. Công dân sẽ nhận ra xã hội cộng sản là cái tốt nhất cho tất cả mọi người.

Lenin vốn là kẻ cứng đầu, ngay cả những năm trước cuộc cách mạng. Cuối những năm 1800, nạn đói xảy ra ở các tỉnh khu vực Volga. Văn hào Leo Tolstoy phát động chiến dịch gây quỹ cứu đói. Lenin cực lực phản đối và từ chối thẳng thừng mọi nỗ lực cứu đói. Ông cho rằng những thảm họa như vậy là hệ quả tất yếu do những bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đói là tín hiệu cho thấy một nước Nga đang xuống dốc. Cứu trợ khẩn cấp chỉ giúp Nga hoàng được tiếng tốt. Lenin cho rằng nạn đói là "yếu tố tiến bộ" thúc đẩy cuộc cách mạng thành hình. Ông gây sốc khi gọi cuộc cứu trợ khẩn cấp là "cảm tính". Lenin lãnh đạm hoàn toàn trước những khổ đau của con người.

Lenin có rất nhiều tham vọng và cho rằng thành quả lớn cần phải hy sinh lớn. Rất tiếc tham vọng chẳng qua chỉ trên lý thuyết trong khi những vụ tàn sát tập thể là hiện thực. Cơ hội khả thi thực sự của chủ nghĩa cộng sản, cái Lenin không xem xét nghiêm túc, là làm loài người trở nên cảnh giác trước một trải nghiệm xã hội lớn như vậy.

George Orwell trong Animal Farm đã rất đúng khi nói rằng mọi người đều giống nhau nhưng một số người giống nhau nhiều hơn những người khác. Orwell ngầm phản đối ý tưởng tuyệt đối bình đẳng trong suy nghĩ, tiền bạc, công việc. Đó là điều không tưởng vì trái ngược với khả năng thực sự của con người. Liệu sự bình đẳng như nguyên tắc cơ bản trong nhà nước và cư dân có thể thực hiện mà không cần đến sự ép buộc vĩnh viễn ? Còn đối với những người không muốn bình đẳng vì những lý do khác ? Làm cách nào để buộc những người đã tin vào một thượng đế suốt bao thế hệ giờ phải tin vào một ý thức hệ vốn chỉ một vài người nghe nói đến trước năm 1917 ?

Cứu cánh và phương tiện

Cuộc cách mạng Nga là khúc dạo đầu của cơn say bạo lực cộng sản trong thế kỷ 20, dẫn đến cái chết của cả trăm triệu người. Tuy nhiên, đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản là biểu tượng cho sự tốt đẹp : một xã hội tốt hơn và công bình hơn, nơi sự nghèo đói được xóa bỏ. Nhưng đây lại là mâu thuẫn lớn của chủ nghĩa cộng sản : đó là niềm hy vọng vào một xã hội cộng sản không nghèo đói và chủ nghĩa cộng sản trong thực tế.

Chính chế độ của Lenin đã cải biến lý thuyết trên sách vở và từ các cuộc thảo luận chính trị trong các quán cà phê thành hiện thực tàn khốc và áp bức. Mặc dù Lenin được nhiều người đồng tình, các nhà sử học từ lâu đã phê phán ông không thương tiếc và khẳng định Lenin là người sáng lập chủ nghĩa cộng sản toàn trị. Mật vụ, trại tù, cải tạo, tuyên truyền, sùng bá lãnh tụ và nhà nước toàn trị đã được thực hiện từ lâu ngay trước khi Stalin tiếp quản quyền lực năm 1924.

Sau khi phe bolshevik thắng cuộc nội chiến, kinh tế và cấu trúc xã hội Nga sụp đổ hoàn toàn, công nhân tại các nhà máy lớn đình công vì thiếu thực phẩm. Lenin đã đàn áp dã man các cuộc đình công và đày hàng chục ngàn người đi làm lao động khổ sai ở Siberia. Năm 1921, Lenin nói nước Nga không còn người vô sản nữa nên các cuộc đình công không cần thiết. Công nhân và nông dân xô viết, nền tảng của cuộc cách mạng, trở thành kẻ thù của nhân dân. Đình công là vũ khí và là cũng biểu tượng quan trọng nhất của giai cấp công nhân bị cấm trong suốt giai đoạn lịch sử cộng hòa nhân dân xô viết. Những người trước kia được Lenin cam kết sẽ phục vụ họ nay đều bị xem là kẻ thù lớn nhất của ông.

Lenin là bức minh họa cho thấy chủ nghĩa cộng sản khó có thể thực hiện trong thực tế. Tất cả các chế độ cộng sản đều trở thành độc tài và phạm tội chống lại loài người. Khoảng 100 triệu người đã bị giết trong hệ thống cộng sản. Tại sao lại như vậy ? Phải chăng chủ nghĩa cộng sản là ý tưởng tốt nhưng bị thực hiện sai hay ngay từ đầu đã là ý tưởng tồi ? Việc trộn lẫn khái niệm về công lý, phân phối và bình đẳng với ý tưởng cộng sản khiến lịch sử đẫm máu của chủ nghĩa này được xem như tai nạn lao động.

Nhưng ý thức hệ cộng sản còn đi xa hơn việc chỉ ước muốn một thế giới công bình. Theo George Orwell và Albert Camus, chủ thuyết cộng sản được thiết kế để việc sử dụng quyền lực vượt ngoài vòng kiểm soát, sức mạnh nằm trong tay một thiểu số rất ít người và cai trị độc tài. Hai ông cho rằng các ý tưởng về chuyên chính vô sản và dân chủ tập trung là công thức thuần túy của nhà nước toàn trị. Không gì dễ dàng bằng việc lạm dụng quyền lực. Lãnh tụ đảng cộng sản có tất cả quyền lực và luôn luôn đúng. Phần thưởng của chủ nghĩa cộng sản là một khi đã nắm được quyền lực, họ sẽ ngồi ở vị trí đó mãi mãi. Thực tế cho thấy hầu hết các nhà độc tài cộng sản chỉ rời bỏ quyền lực khi chết hay vì quá đau yếu. Và chuyện chuyển giao quyền lực cho người thân trong gia đình như Fidel Castro giao quyền cho em trai mình, Raul Castro, ở Cuba là trường hợp không hiếm.

Người cộng sản lật đổ giới quý tộc và tư sản rồi tự lên nắm quyền như giới quý tộc mới. Hầu hết những lãnh tụ các quốc gia cộng sản sống trong nhung lụa và có những đặc quyền đặc lợi mà người dân thường chỉ có thể mơ ước (Nicolae Ceaucescu của Romania xây lâu đài Primaverii riêng, bao bọc bằng đá cẩm thạch dát vàng và có một tài sản khổng lồ ; Kim Jong-iI của Triều Tiên sưu tập xe ô tô thể thao Mazda RX-7 và rượu vang quý).

Theo truyền thống, chủ nghĩa cộng sản chia nhân loại ra làm hai phần : những người theo chúng ta (tầng lớp lao động và đảng) và những kẻ chống chúng ta (bọn tư bản và tất cả những ai chạy theo chúng). Ý thức hệ cộng sản hoàn toàn đúng đắn và khoa học do đó nó cao hơn các ý thức hệ khác. Tự bản thân tư tưởng cộng sản là khoa học nên xã hội cộng sản phát triển như tất yếu lịch sử. Dù muốn hay không, nó vẫn xảy ra giống như tiếng sấm đến sau tia chớp. Các lãnh tụ độc tài cộng sản cho rằng việc tranh luận về những vấn đề trên thế giới và cố thuyết phục lẫn nhau là thừa thãi bởi lẽ ý thức hệ cộng sản không chỉ là quan điểm về thế giới mà còn là sự khách quan về sự thật.

Triết gia người Đức Karl Popper đã vạch ra các điểm tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít. Cả hai chủ thuyết này tự cho đã hoàn chỉnh và mọi hệ tư tưởng khác đều sai lầm. Cả hai hệ thống đều sử dụng bạo lực và biện minh việc đối xử vô nhân đạo với đối thủ là chính đáng. Thuyết đấu tranh giai cấp của cộng sản và thuyết phân biệt chủng tộc của Đức Quốc Xã sử dụng ngôn ngữ chiến tranh để kêu gọi nhân dân chống lại kẻ thù.

Di sản của Lenin (và giai đoạn bạo lực trong cuộc cách mạng Pháp) đã tạo ra kiểu tuyên truyền cộng sản với ngôn ngữ khích động bạo lực và tư tưởng chiến tranh. Bài hát nổi tiếng Quốc Tế Ca (The International) được cả người dân chủ xã hội và những người theo chủ nghĩa lenin sử dụng và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới . Bản nhạc này cũng là bài quốc ca của Liên Xô cho đến năm 1944. Bài Quốc Tế Ca lời Việt là một ví dụ :

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi, quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.

Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. "Lin-ter-na-ti-o-na-le" sẽ là xã hội tương lai

Khó biết chính xác số người đã người chết dưới sự cai trị của Lenin. Hầu hết các nhà nghiên cứu ước tính con số này từ 17 triệu đến 20 triệu. Trong đó, khoảng 12 triệu người, một phần mười dân số Nga, chết trong cuộc nội chiến và những người bolshevik phải chịu trách nhiệm. Khoảng một triệu người bị giết do bạo lực và rất nhiều người trong số đó bị hành quyết hàng loạt sau khi đầu hàng. Năm triệu người chết đói do chính sách kinh tế sai lầm thảm hại. Hàng trăm ngàn người mất tích.

Theo thống kê Nga, từ mùa Thu năm 1917 đến đầu năm 1922, dân số Nga đã giảm 12,7 triệu người. Sau khi Lenin chết, Stalin tiếp tục tiến hành bạo lực cách mạng. 62 triệu người đã bị giết trong giai đoạn lịch sử nhà nước Liên Xô.

Hoàng Thủy Ngữ

(23/04/2019)

Tham khảo :

- History.com

- Bbc.co.uk

- Big brother kills. About totalitarianism. (Bård Larsen. Civita)

Published in Diễn đàn

Phần thứ nhất

Cách mạng Nga thành công vào tháng 10 năm 1917. Khi cuộc cách mạng này bùng phát, cả thế giới vào thời gian đó hoàn toàn bị bất ngờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng một đế chế kéo dài suốt 300 năm lại có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy.

Lenin, lãnh tụ đảng Bolshevik, tiền thân của đảng cộng sản Nga

Một nhân vật đã gắn liền tên tuổi với cuộc cách mạng, giành được quyền lực và là biểu tượng cách mạng hằn nét lịch sử thế kỷ 20 : đó là Lenin, lãnh tụ đảng Bolshevik, tiền thân của đảng cộng sản Nga.

nga1

Một nhân vật đã gắn liền tên tuổi với cuộc cách mạng, giành được quyền lực và là biểu tượng cách mạng hằn nét lịch sử thế kỷ 20 : đó là Lenin, lãnh tụ đảng Bolshevik, tiền thân của đảng cộng sản Nga - Ảnh được vẽ lại với nhiều thêm thắt để tôn vinh Lenin nhx một lãnh tụ vĩ đại

Lenin tên thật là Vladimir lljitsj Uljanov. Ông sinh năm 1870 tại Simbirsk, một thành phố nằm dọc theo sông Volga. Ông có 6 anh em. Cha ông làm thanh tra học đường, được Sa hoàng quý trọng và mẹ ông là người đàn bà luôn yêu thương con cái. Năm 1887 tại St.Petersburg, Alexander Uljanov, người anh của ông, bị án tử hình vì đã âm mưu giết Alexandr 3 bằng chất nổ. Uljanov nhận tội và bị treo cổ. Lúc ấy Lenin mới 16 tuổi. Từ đó ông căm thù Sa hoàng, giới quý tộc và tất cả những ai có liên quan đến cái chết của anh mình.

Nhưng tại sao lại là Lenin mà không phải là một người khác trong các tổ chức chính trị tại Nga thời đó ? Và Lenin có phải là nhà chiến lược có tầm nhìn toàn trí như nhiều người nghĩ sau này hay những sự tình cờ đã mở đường cho ông trở thành người lãnh đạo cách mạng ? Câu trả lời nằm trong chính nội tình của cuộc cách mạng : các biến động dồn dập xảy ra, xô đẩy nhau như lớp sóng thủy triều, tạo thành cơn hồng thủy lật ngược mọi thế cờ.

Năm 1895 Lenin bị bắt vì in tờ rơi tuyên truyền ủng hộ các cuộc đình công của công nhân. Từ khi đó ông đã cộng tác với nhóm trí thức mác xít. Trong chủ nghĩa mác xít, ông tìm thấy ý nghĩa cho sự phản kháng của mình. Marx nói rằng đấu tranh giai cấp sẽ chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Ông và người vợ sắp cưới, Nadezika Krupskaja, bị án lưu đày 3 năm tại Siberia. Sau khi được tha, họ đi lưu vong. Với sự tài trợ của gia đình, Lenin có cuộc sống thoải mái, lãnh đạo nhóm cách mạng Nga lưu vong, lập đảng chính trị dân chủ xã hội rồi sau này tách thành 2 nhóm : Bolshevik và menshevik. Lenin thuộc nhóm thứ nhất.

Sa hoàng Nicholas 2 vốn là người bất tài cả trong lãnh vực quân sự và các lãnh vực khác. Tuy vậy ông lại là một hoàng đế chuyên chế trong một quốc gia có diện tích rộng lớn nhất thế giới. Nước Nga đang lao vào cuộc chiến tranh chống Đức và Austria-Hungary trong thế chiến thứ nhất và các quốc gia này đã tiến sâu vào lãnh thổ Nga 1000 km. Nông dân là những người được đưa ra mặt trận để chống lại kẻ thù. Thiệt hại nhân mạng ở tiền tuyến vô cùng lớn. Hậu phương cũng chẳng khá gì hơn. Bộ máy quản lý nhà nước hầu như bất lực trong việc cung cấp tất cả những thứ cần thiết cho mặt trận. Tuy vậy vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy quyền lực của nhà nước bị lung lay hay suy giảm.

Cuộc chiến đã thúc đẩy mạnh tinh thần yêu nước của người Nga. Chỉ một thiểu số rất ít không đồng tình, trong đó có Lenin. Từ Zurich, trong cuộc sống lưu vong, ông lãnh đạo đảng Bolchevik. Ông viết bài cho tờ báo ngoài luồng Pravda (Sự Thật), tổ chức các buổi họp mặt thảo luận về chính trị. Ông không những "dị ứng" với chủ nghĩa yêu nước mà còn mong nước Nga sẽ thua trận, bằng cách nhân danh cuộc cách mạng xã hội suýt thành công vào năm 1905. Khởi đầu là sự thất bại quân sự của Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Sự thất trận đã làm người Nga sửng sốt và hủy hoại uy tín của nhà cầm quyền. Chủ Nhật ngày 09/01/1905, tại thành phố St. Petersburg, một cuộc biểu tình bùng nổ. Công nhân đứng lên đòi hỏi mức sống tốt hơn, sự công bình và sự che chở của luật pháp. Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp. Kết thúc là 200 xác người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Công nhân khắp thế giới đã phản ứng dữ dội trước việc đàn áp này. Họ đã cùng các nhà hoạt động chính trị thành lập các tổ chức khác nhau, tiếng Nga gọi là Sô Viết. Bắt đầu là tổ chức đình công và chẳng bao lâu trở thành các tổ chức cách mạng. Những nông dân nghèo khổ chờ cơ hội để vùng lên. Họ sử dụng bạo lực chiếm giữ đất đai và thiêu hủy hàng ngàn bất động sản. Nhà cầm quyền bị lung lay. Giới tư sản sô viết yêu cầu phải thành lập chế độ quân chủ nghị viện.

Dưới sức ép, Sa hoàng hứa sẽ cho bầu cử quốc hội (Duma). Nhưng đây chỉ là màn kịch giả vờ. Nhà cầm quyền bắt đầu đàn áp tàn bạo : 5.000 người bị kết án tử hình và 15.000 nông dân bị vệ binh Cossacks của Sa hoàng thảm sát. Cosscaks sống riêng biệt trong các khu nông nghiệp đã quân sự hóa, có vai trò cảnh sát và kỵ binh. Giới tư sản rồi cũng được thành lập Quốc hội (Duma) nhưng trong thực tế Duma chi có vai trò cố vấn. Nicholas 2 không từ bỏ quyền uy tối thượng của mình.

Lenin xem sự thất bại của cuộc cách mạng năm 1905 như thất bại riêng của cá nhân ông. Sợ bị giết, ông đi lưu vong. Ông hy vọng sự thất trận sẽ dẫn đến việc bùng phát một cuộc cách mạng mới. Nhưng ông cũng không dám tin là chuyện này có thể xảy ra. Tháng Giêng năm 1917 tại Zurich ông nói : "Không thể không nghi ngờ là một cuộc cách mạng không thể xảy ra trong cuộc đời này của chúng ta".

Petrograd là phần chính của câu chuyện này

Sau khi cuộc chiến bùng nổ, St. Petersburg được đặt tên mới. Cái tên cũ bị cho là "quá Đức". Vào thời gian đó, Petrograd là một thành phố lớn với 2 triệu dân. Thành phố này không chỉ có giới tư sản. Phía Bắc là quận thành Vyborgski, một vùng đất rộng lớn, được xem như một thành phố trong một thành phố. 400.000 người sinh sống và làm việc ở đó. Các nhà máy chiến lược quan trọng nhất đều tập trung tại đây. Và ở khu trung tâm là những nhà máy chế tạo vũ khí. Từ khi chiến tranh xảy ra, lạm phát đã ảnh hưởng đến mức sống của công nhân. Các đợt đình công tăng vọt.

Thứ Tư ngày 15 tháng Hai năm 1917, theo lịch Julian, tướng Khabalov, tư lệnh quân đội Petrograd, được báo cáo cho biết số lượng bột mì dự trữ chỉ còn đủ cho 10 ngày. Ông đưa ra biện pháp phân chia lương thực theo khẩu phần. Ngày hôm sau, trước các cửa hàng đã trống trơn thực phẩm là những đoàn người chen chúc nối đuôi nhau xếp hàng dài. Cướp bóc là chuyện thường xuyên xảy ra tại Nga trong giai đoạn này. Tình trạng hỗn loạn kéo dài 4 ngày.

Ngày 23 tháng Hai, tức là ngày 8 tháng Ba theo lịch Gregorian, cũng là ngày Quốc tế phụ nữ, trong bầu không khí buốt giá của mùa lạnh, các nữ công nhân kéo nhau xuống đường bày tỏ sự bất mãn đối với cách phân phối lương thực. Họ đòi hỏi các gia đình có người thân ra mặt trận phải được chia phần nhiều hơn. Lúc đó không ai lường được cuộc biểu tình sẽ gây ra thêm những vấn đề gì. Ngay cả các tổ chức chính trị cũng không tin nó sẽ trở thành cuộc cách mạng.

Petrograd được thành hình do việc kết hợp các hòn đảo lại với nhau đồng thời cũng bị chia cách bởi những con sông cùng đổ ra sông Neva. Các hòn đảo này nối kết với nhau bằng những chiếc cầu. Từ Vyborgski đến khu trung tâm người ta phải qua cầu Alexandrovski và đi bộ 6 km. Các nữ công nhân muốn tập trung biểu tình tại đường phố đi bộ Nevsky Prospekt. Họ hoàn toàn ngạc nhiên khi đi đến nơi mà không bị cảnh sát hay những người Cossacks ngăn cản. Từ chuyện chỉ đòi hỏi thực phẩm lúc ban đầu lần sang đòi quyền đầu phiếu của phụ nữ do sự tham gia của giới phụ nữ trung lưu. Giới phụ nữ này đã lên tiếng đòi quyền đầu phiếu từ 12 ngày trước. Nhà cầm quyền không làm gì khác ngoài việc đóng cửa các công sở và các cửa hàng vì theo họ việc này quan trọng hơn là ngăn cản vào thời điểm đó. Đây là động thái khích lệ những người biểu tình. Họ tụ họp tiếp vào ngày hôm sau. Tại Zurich, Lenin không hề hay biết biến động này.

Được gợi hứng bằng cuộc biểu tình của phái nữ ngày hôm trước, các nam công nhân liên kết với phụ nữ tiến hành biểu tình vào ngày hôm sau. Những người đàn ông cầm theo tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí. Một số người dự định đánh phá, cướp các cửa hàng trên đường đi. Nhưng lần này cảnh sát bố trí chận cầu Alexandrovski. Đoàn người đã đi bộ vượt sông Neva – mặt sông đã đóng băng đá cứng vì trời lạnh – sang bên kia bờ. 150.000 người tràn về khu trung tâm Petrograd, hát vang bài ca cách mạng Marseillaise, tập trung ở đường Nevsky Prospekt. Bây giờ không chỉ còn là chuyện đòi bánh mì mà lại tràn ngập vang dội những tiếng hò hét đòi dẹp bỏ chế độ quân chủ.

Các nhà hoạt động thuộc các tổ chức chính trị "ngầm", trong đó có cả thiểu số ít ỏi những người Bolshevik ở Petrograd, chỉ biết đứng nhìn, lạc loài bất lực, mất hút trong đám đông. Khác với thái độ lịch sự, hòa hoãn thụ động của những người Cossacks, cảnh sát quyết định can thiệp. Rồi đám đông tự giải tán và cảnh sát để họ thong thả ra về. Người ta hiểu rằng cảnh sát đã mất sự kiểm soát và công khai tuyên bố sẽ tiếp tục tụ tập biểu tình vào ngày mai. Ngoại trừ Alexander Kerensky, một đại biểu có khuynh hướng xã hội trong quốc hội Duma, các nhà hoạt động chính trị "ngầm" khác vẫn không tin một cuộc cách mạng đang bắt đầu.

Trong đêm hôm đó, tướng Khabalov, cho in thông báo dán khắp thành phố : "Tôi cấm mọi sự tụ tập trên đường phố… Lực lượng cảnh sát sẽ sử dụng vũ khí nếu an ninh và trật tự tại thủ đô không được tôn trọng". Hôm sau, một không khí đặc biệt căng thẳng phủ lên thành phố. Không ai làm việc. Và rồi từng đoàn người từ Viborgski và các quận thành đổ vào thành phố. Những dòng thác người ! Toán cảnh sát gác cầu Alexandrovski bỏ chạy trốn. Viên cảnh sát trưởng bị giết. Tướng Khabalov giờ đây chỉ còn cách điều động quân đội : 200.000 quân đang đóng tại Petrograd.

Tin tức giờ đã bay đến tận Thụy Sĩ nhưng Lenin vẫn không nhận ra thực tế những gì đã xảy ra.

Trở lại Petrograd. Đêm hôm đó, cảnh sát bố ráp bắt những phần tử phản động thuộc các nhóm chính trị "ngầm". Quân đội được huy động để dẹp loạn. Ngày 26, lúc 12 giờ, công nhân tiến về hướng trung tâm thành phố. Dân tư sản cũng đổ ra đường. Quân đội được lệnh khai hỏa bắn chết 150 người biểu tình. Nhưng không gì ngăn được lớp sóng người. Cuộc thảm sát thường dân bị giới quân sự lên án vì nhiều người cũng có thân nhân trong đám biểu tình. Rồi những người lính đã nổi loạn. Trong cơn giận dữ họ đã cướp bóc ở trung tâm thành phố, mở kho vũ khí phân phát 40.000 khẩu súng cho dân chúng. Hỗn loạn và giết chóc bắt đầu. Cảnh sát, sĩ quan, các giới chức làm việc cho sa hoàng bị truy đuổi sát hại. Tòa án bị đốt cháy. Nhà lao bị phá, gần 100 người hoạt động chính trị và 6.000 tội phạm khác được trả tự do. Trong căm thù, cả một trung đoàn tiến về Cung Điện Mùa Đông (Winter Palace), dinh thự của Sa hoàng. Cuối cùng… lá cờ hoàng gia bị hạ xuống và lá cờ đỏ được kéo lên.

Trong khi đó hỗn loạn cũng dồn dập xảy ra tại Điện Tauride (Tauride Palace), trụ sở của quốc hội. Sa hoàng đã ra lệnh giải thể quốc hội nhưng một số thành viên không chấp thuận. Đó là những người đại diện cho giới tư sản. Họ đã mong chờ ngày này từ năm 1905. Cầm đầu là Pavel Miljukov. Họ quyết định thành lập hội đồng Duma lâm thời. Đây là một tham vọng lớn vì đoàn biểu tình đang tiến về phía họ. Nỗi lo lắng sợ hãi hiện rõ trên mặt mọi người. 20.000 người lính và công nhân trang bị vũ khí đã tập trung trước tòa nhà. Alexander Kerensky là người đầu tiên chạy ra đón chào đoàn biểu tình. Ông hô hào bắt giữ các bộ trưởng, chiếm bưu điện, công ty điện thoại, điện tín, ga xe lửa. Hội đồng muốn lập một ủy ban sô viết như năm 1905. Họ chiếm giữ Điện Tauride. 250 người đại diện cho quân đội và công nhân mở cuộc họp và thành lập ban chấp hành gồm những người sau đây :                                                                                 

- Nicholai Tsjkheidze, lãnh đạo nhóm cách mạng xã hội                                                                                                              

- Nicholai Sukhanov, một người menshevik

- Một người theo chủ nghĩa vô chính phủ và 2 người bolchevik.

Tất cả các nhóm cách mạng đều được mời tham dự. Nhưng một sự kiện bất ngờ xảy ra. Không ai muốn nắm giữ quyền lực. Theo Marx, cần phải trải qua thời kỳ quá độ tư sản trước khi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người ta vẫn sợ Nga hoàng và muốn được một chính phủ tư sản bảo vệ.

Cách đó vài mét là hội đồng Duma lâm thời cùng sự có mặt của Mikhail Miljukov. Họ sẵn sàng nắm quyền lực. Nhưng quân đội và nhóm sô viết đang kiểm soát tình hình nên họ phải tìm cách giải quyết. Nicholai Sukhanov đi bước trước, đến gặp Miljukov để giải hòa. Sau cuộc thảo luận với Mikhai Rodzianko, chủ tịch Duma, Miljukov tuyên bố nắm quyền lực. Theo đó, một chính phủ lâm thời sẽ do giới tư sản thành lập. Một hội đồng quốc gia sẽ được bầu cử sớm và sẽ chọn một thể chế chính trị cho đất nước. Trái ngược với các đồng chí xã hội của mình, Kerensky quyết định tham gia chính phủ mới. Ông là cầu nối giữa những người sô viết và chính phủ tư sản.

Tsar Nicholas II of Russia (1868–1918)

Nga hoàng Nicolas II (Nikolaï Aleksandrovitch Romanov) lúc còn đương vị - Ảnh minh họa

Sa hoàng đã phong tướng Ivanov lên làm "nhà độc tài của Petrograd". Nhưng việc ổn định tình hình cũng chẳng dễ dàng gì. Hầu hết đội tiền quân của ông đã bỏ hàng ngũ gia nhập đoàn biểu tình. Chuyến xe lửa chở "nhà độc tài" và đoàn tùy tùng bị công nhân đường sắt cho chạy sai hướng đến 6 lần. Tại Siberia, một trong những toa xe lửa bị hư chờ sửa chữa. Mỗi giờ qua đi, cuộc cách mạng càng mạnh hơn. Lượng người khổng lồ tụ tập quanh Điện Tauride càng lúc càng đông. Họ cho người canh gác, kiểm soát lối ra vào. Bên trong là những giờ phút định mệnh. Người ta đang nỗ lực thuyết phục hội đồng tướng lãnh quay lưng chống lại Nicholas 2. Mọi hình thức ngoại giao bị loại bỏ khi họ gặp các tướng lãnh của Sa hoàng. Nhưng quân đội và tầng lớp công nhân chỉ công nhận một cấp lãnh đạo : đó là Petrograd sô viết. Từ nay người lính có quyền tham gia hoạt động chính trị. Điều này chôn vùi uy quyền của các tướng lãnh. Họ bị lâm vào tình trạng khó xử, không thể tự quyết định. Họ điện đàm liên tục với nhau.

Thân phận của tướng Ivanov, lúc đó đang ở Siberia, cho thấy việc trở về giải cứu Petrograd không thể thực hiện được nữa. Trong ngày hôm sau, binh lính ngoài tiền tuyến nhận được sắc lệnh đầu tiên (order n°1) do Petrograd sô viết soạn thảo với sự đồng lòng của các tướng lãnh.

Không còn sự hậu thuẫn của hội đồng tướng lãnh, ngày 02/03/1917, Nicholas 2 thoái vị nhường ngôi cho người em là đại công tước Mikhail. Nhưng rồi ông này cũng từ chức vì Duma không thể bảo đảm mạng sống của ông.

Sau 300 năm trị vì, đế chế Romanov sụp đổ chỉ trong vòng một tuần lễ. Nền quân chủ chấm dứt tại Nga.

****************

Phần thứ hai

Lần trước vào năm 1905, lần này vào năm 1917. Hai cuộc cách mạng. Lenin rất bực bội trước tình huống lần này. Ông đã không nhận thấy những gì đang xảy ra trước khi ông biết tin Sa hoàng đã thoái vị. Bây giờ ông không thể để cuộc cách mạng tuột khỏi tay.

nga3

Lenin phát biểu trước những người Bolschevik - Ảnh được vẽ lại với nhiều thêm thắt để tôn vinh Lenin như một mãnh tụ vĩ đại

Để có thể về Nga nhanh, ông phải điều đình với chính quyền Đức. Người Đức cũng muốn chấm dứt chiến tranh với Nga càng sớm càng tốt nên giúp những nhà hoạt động chính trị trở về Nga để tái lập hòa bình.

Điện tín Lenin gửi về Petrograd cho các người Bolshevik có nội dung như sau : "Chiến thuật của chúng ta là : không tin và không ủng hộ chính quyền mới. Phải đề phòng Kerensky. Bảo đảm duy nhất cho chúng ta là lực lượng vũ trang vô sản. Không hợp tác với các đảng phái khác". Như vậy, theo ông, cuộc cách mạng xã hội vẫn chưa xảy ra. Vì thế các người Bolshevik phải sẵn sàng lật đổ chính phủ lâm thời bằng vũ lực và tiến hành cuộc cách mạng vô sản.

Cuộc cách mạng mùa xuân 1917 đã tạo niềm hy vọng cho dân tộc Nga. Người Nga muốn có cuộc sống tươi đẹp hơn, không phải làm việc quần quật như kẻ nô lệ và mơ ước hòa bình. Sô viết là biểu tượng cách mạng, đầy chính danh trong lòng người dân. Nhưng cách mạng xã hội phải tiến từng bước. Rất nhiều việc cần giải quyết trước như chấm dứt chiến tranh, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân và nông dân, tạo dựng nước Nga thành một quốc gia dân chủ xã hội. Chính phủ lâm thời muốn hiện đại hóa đất nước bằng những cải cách xã hội theo khuôn mẫu Tây Phương - nhưng không quá Tây, tha các tù nhân chính trị, cho phép những người hoạt động chính trị lưu vong trở về nước. Cuộc cách mạng đã vang dội ra tận ngoài mật trận cùng với Sắc luật số 1 (Order n°1) của Petrograd sô viết. Các sĩ quan được giữ nguyên chức vụ sau khi tuyên thệ trung thành với một nước Nga mới. Những người lính mong muốn hòa bình nhưng không quên chuyện đất nước bị xâm lăng. Họ không chấp nhận những vùng đất quê hương bị mất vào tay người Đức. Sô viết yêu cầu chính phủ lâm thời thảo luận một hiệp ước đình chiến nhưng không mất đất. Đồng thời các thành phần còn lại trong xã hội vẫn tiếp tục "phá vòng xiềng xích". Ngày 19 tháng Ba, phụ nữ tập trung xuống đường đòi quyền đầu phiếu. Nguyện vọng của họ được đáp ứng ngay trong đêm hôm đó.

Những người Bolshevik như Stalin và Kamenev từ Siberia trở về Petrograd như về đến một hành tinh khác. Lenin ra lệnh cho những người Bolshevik nổi dậy như không hề biết sô viết và các đảng phái chính trị khác đã có mặt ở đó từ trước. Ông đòi có thêm một cuộc cách mạng nữa ! Kamenev chỉ trích Lenin trên Pravda. Tờ báo "bỏ quên" những đề tài trọng yếu trong các bài viết của Lenin.

Những người Bolshevik làm ngược lại những gì Lenin yêu cầu. Họ hợp tác với sô viết, mở rộng vòng tay đón chào ban chấp hành, hòa giải với những người menshevik. "Rồi khi trở về, Lenin sẽ hiểu", họ nói với nhau như vậy.

Lenin và 30 nhà hoạt động chính trị lưu vong khác được phép đi xuyên nước Đức. Người đàn ông này gấp rút trở về. Ông đã sống lưu vong phần lớn quãng đời tuổi trẻ. Ông lo về không kịp để tổ chức cuộc nổi loạn. Lenin tự xem mình là nhà cách mạng "ngầm", lo là sẽ bị bắt khi về đến Petrograd.

Đoàn xe về đến Nga ngày 3 tháng Tư 1917. Lenin giận điên người khi đọc tờ Pravda do Kamenev đưa trên chuyến xe lửa ở biên giới. Kamenev như bị tạt thùng nước lạnh vào mặt nhưng không chịu nhịn : "Vladimir llitsj, ông chẳng biết tình hình ở Petrograd như thế nào cả".

Chuyến tàu đến Petrograd khoảng nửa đêm. Lenin được trân trọng chào đón. Chủ tịch ủy ban sô viết chúc mừng và mời ông tham dự buổi họp mặt của tất cả các nhà cách mạng. Nhưng, tay cầm bó hoa lớn, Lenin quay về hướng hàng chào danh dự và nói to : "Hỡi các đồng chí ! Cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc bóc lột đã gây ra cuộc nội chiến ở Âu Châu. Chẳng bao lâu nữa vũ khí sẽ được sử dụng để chống chủ nghĩa tư bản. Cách mạng xã hội vạn tuế !". Mọi người đều chưng hửng. Nadezida Krupskaja ít năm sau thú nhận là lúc đó bà nghĩ Lenin bị bệnh tâm thần.

Hôm sau trong buổi họp chung với những người Bolshevik và menshevik, Lenin đã gây chấn động hội trường. Ông chỉ nói đến việc tổ chức vũ trang để nổi loạn mà không hề nhắc đến việc hội thảo hiến pháp. Ông bị tẩy chay với tỷ lệ 13 chống trên 2 thuận. 2 phiếu thuận là của chính ông và Aleksandra Kollontaj, một đồng chí cũng đã từng sống lưu vong như ông.

Sau khi đặt chân về Nga, ông đã mất quyền lực và ảnh hưởng của mình ngay trong đảng Bolshevik, một tổ chức không kỷ luật và kiên định như ông nghĩ. Điều làm cho kế hoạch của ông trở nên ngớ ngẩn là tinh thần hợp tác giữa những người cách mạng và linh hồn của cuộc cách mạng mùa xuân, được đánh dấu bằng cuộc biểu tình lớn vào ngày 18 tháng Tư.

Đối với sô viết và các người biểu tình ôn hòa, hy vọng đạt được hòa bình mà quốc gia không bị mất một tấc đất nào là điều khả thi. Họ tin chắc rằng cuộc cách mạng Nga sẽ vực dậy tinh thần cách mạng khắp Âu Châu. Những nhà cách mạng xã hội sẽ áp lực các chính phủ sở tại chấm dứt chiến tranh.

Trong khi đó, Miljukov, bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ lâm thời, phải trấn an 2 đồng minh Anh và Pháp. 2 quốc gia này dọa sẽ không tiếp viện vũ khí nữa. Ông buộc lòng phải xem như cuộc cách mạng chưa từng xảy ra, gửi một lá thư cho ủy ban sô viết giải thích lý do tại sao nước Nga không thể bỏ rơi đồng minh và cuộc chiến phải tiếp tục đến thắng lợi cuối cùng. Hôm sau, lá thư của ông được phổ biến rộng rãi khắp Petrograd. Đường phố chật kín người. 250.000 binh lính giận dữ tiến vào thành phố. Công nhân có vũ trang gia nhập với đoàn quân. Đả đảo Miljukov ! Đả đảo chính phủ lâm thời và các bộ trưởng tư sản !

Lenin không bỏ qua tình thế này. Ông kêu gọi người Bolshevik ủng hộ những gì có thể dẫn đến cuộc nổi loạn. Hôm sau chính phủ lâm thời nói chuyện với đồng bào : Cuộc chiến phải tiếp tục đến khi thắng lợi. Họ kết tội cuộc nổi loạn là phản quốc. Một số đông người biểu tình có vũ khí ra mặt bảo vệ Miljukov. Chạm trán xảy ra. Nhiều người mất mạng. Nhà cầm quyền đã đánh giá sai tình hình và Kornilov, tư lệnh quân đội mới của Petrograd, quyết định dùng sức mạnh để đàn áp biểu tình dù không được phép. Nhưng những người lính đòi phải có lệnh bằng văn bản của ủy ban sô viết. Đây là bằng chứng cho thấy việc đàn áp không dễ dàng gì. Ủy ban sô viết tìm cách xoa dịu đám đông. Ủy ban không đồng quan điểm với Miljukov và lập lại ý muốn có một hòa bình mà không nhượng bộ đất đai. Giờ đây, Lenin hiểu rằng ông không thể thách đố quyền lực của sô viết.

Trên tờ Pravda, Lenin kết án Petrograd sô viết đã ủng hộ những cuộc biểu tình có vũ khí. Nhưng bây giờ tất cả đang đối mặt với hoàn cảnh mới. Sự đồng thuận bị gẫy đổ vì không cùng quan điểm trong cách giải quyết cuộc chiến. Đột nhiên một lối thoát đã mở rộng cho những người bolchevik. Nhiều binh lính và công nhân căm tức chính quyền.

Lenin lợi dụng ngay tình hình bằng cách áp đặt chương trình hành động của mình vào chính sách của đảng. Ông đưa ra khẩu hiệu " Hòa bình ngay lập tức !". Điều này có nghĩa là nhượng đất cho người Đức. "Mọi quyền lực cho sô viết !", một khẩu hiệu đã được dùng trong các cuộc biểu tình tự phát vào tháng Tư ."Đất đai cho nông dân !", nhắm vào 85% dân số Nga và là khẩu hiệu ông mượn từ những nhà cách mạng xã hội.

Bây giờ Lenin và những người Bolshevik lao vào việc tranh giành quyền lực. Khoảng đầu tháng Năm, do sức ép của sô viết, Miljukov từ chức. Nhiều bộ trưởng cũng rời khỏi chức vụ. Giới lãnh đạo sô viết thành lập một chính phủ liên minh với những đại diện giới tư sản. Kerensky trở thành bộ trưởng bộ quốc phòng. Ông rất được ưa chuộng. Giờ đây ông có trách nhiệm điều hành cuộc chiến. Cánh hữu và quân đội thành lập lực lượng "liên minh ái quốc". Họ quyết định tiếp tục cuộc chiến cho đến ngày chiến thắng.

Qua tháng Năm, bạo động trong các cuộc biểu tình càng lúc càng dữ dội. Những phong trào sô viết mới bùng phát khắp nước Nga. Họ đông đến mức phải được mời tham gia vào hội nghị dân chủ. So với số lượng các nhà cách mạng xã hội và những người menshevik, người Bolshevik chỉ là thiểu số.

Nhưng thường dân Nga không quan tâm nhiều đến chuyện nghị trường. Họ cần kết quả cụ thể. Kết quả không có. Tình hình càng lúc càng tồi tệ. Nông dân nhận thấy đã quá đủ nên dùng vũ lực chiếm hữu đất đai. Tình trạng vô chính phủ bắt đầu. Thực phẩm cung cấp cho thành phố càng lúc càng hiếm. Quân đội bị khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng trốn lính ngày càng nhiều. Hàng chục ngàn người đào ngũ. Một số lập băng đảng cướp bóc ở các vùng quê.

Lev Trotsky

nga4

Trong giới hoạt động cách mạng, Lev Trotsky là một huyền thoại. Trong đêm 7 sáng 8 tháng 11 1917, Trotsky dẫn quân vào chiếm Cung Điện Mùa Đông - Ảnh minh họa

Giữa cơn biến động, một nhà cách mạng trở về từ Mỹ : đó là Lev Trotsky. Thời gian lưu vong ở New York, ông đã thật sự bất ngờ trước tin về cuộc cách mạng. Trên đường về Nga, ông bị người Anh giữ lại tại Canada nhiều tuần. Trong giới hoạt động cách mạng, ông là một huyền thoại. Năm 1905, lúc 26 tuổi, ông là lãnh đạo sô viết.

Lev Trotsky về đến Petrograd ngày 4 tháng Năm 1917. Ông không phải là Bolshevik nhưng hợp với Lenin. Ông được bầu vào ban chấp hành sô viết và dùng mọi cách để giúp người Bolshevik gia tăng ảnh hưởng. Bolshevik thu phục được tầng lớp công nhân. Ảnh hưởng của họ càng lúc càng lớn.

Lenin dần dần trở thành ngôi sao trong sinh hoạt chính trị. Chỉ với 3 nhà hoạt động tích cực, Bolshevik có thể làm chủ một nhà máy. Trong số 400.000 công nhân tại Vyborgski, nội trong tháng Sáu, đảng Bolshevik đã kết nạp được 5.000 thành viên. Những người này muốn lật đổ chính phủ lâm thời yếu kém. Quan điểm này được đa số công nhân thiếu kiên nhẫn chia sẻ. Số vũ khí nhận được vào tháng Hai, họ dùng để tự vệ. Mức ủng hộ Bolshevik tăng lên đáng kể. Lực lượng công nhân vũ trang của đảng gây ấn tượng mạnh mẽ và thu hút bạo lực.

Ngày 4 tháng Sáu, hội nghị sô viết toàn quốc nhóm họp tại Petrograd. Bolshevik có 15% đại biểu. Đây là diễn đàn quan trọng đối với Lenin. Một lãnh đạo menshevik nói rằng không một đảng phái nào đủ mạnh để có thể một mình giải quyết những vấn đề của đất nước. Lenin lên tiếng phản bác. Ông hét lớn : "Đảng chúng tôi sẵn sàng nắm quyền bất cứ lúc nào… Chúng ta phải bắt 100 tên triệu phú giầu nhất nước Nga ngay lập tức". Ông đã mất bình tĩnh. Một bài diễn văn lộn xộn, nội dung chỉ toàn những bắt bớ, giết chóc, đập phá và tranh giành quyền lực. Ông đòi nắm quyền mặc dù đảng Bolshevik chỉ có 105 trong tổng số 777 đại biểu. Bài diễn văn của Lenin không còn được nhắc tới.

Về phần mình, Kerensky phải giải quyết những bất mãn của người dân. Chỗ đứng chính trị của ông rất bấp bênh. Sô viết và cánh hữu theo dõi sát những gì ông làm. Các quốc gia đồng minh tiếp tục gây sức ép bằng cách đe dọa ngưng viện trợ vũ khí. Kerensky đưa ra một kế hoạch gần như vô vọng : ông muốn tái chiếm những vùng đất đã mất về tay người Đức, mặc dù quân đội Nga đã vô cùng mệt mỏi. Ông trổ hết tài hùng biện để thuyết phục sĩ quan và binh lính về những điều không thể. Người ta soạn thảo một kế hoạch quân sự có tên là "chiến dịch phản công Kerensky".

Nhưng những người lính ở Petrograd không muốn ra mặt trận. Họ biểu tình phản đối với súng cầm tay. Lực lượng công nhân vũ trang cũng gia nhập. Theo Lenin đây là cuộc tuyên chiến với chính quyền. Ông cũng không bỏ lỡ cơ hội đứng ủng hộ sau lưng.

Trong khi đó, một tin đồn gây hoảng sợ lan khắp Điện Tauride : người ta nói về kế hoạch bí mật của người Bolshevik, có thể là âm mưu phục hồi đế chế. Các đại diện Bolshevik rất bối rối. Hẳn là họ không biết chuyện này. Các lãnh đạo sô viết báo động quân đội và lên án Lenin. Lenin vội rút lại tuyên bố ủng hộ các cuộc biểu tình. Sô viết đòi giải giới đám công nhân vũ trang Bolshevik nhưng Petrograd sô viết không chấp thuận. Lenin thoát khỏi tai tiếng và cuối cùng được sô viết giúp đỡ.

Sô viết đã làm một việc khá lầm lẫn : họ tập họp dân chúng Petrograd trong buổi biểu dương lực lượng vào ngày 18 tháng Sáu. Quân đội và công nhân chụp lấy thời cơ, biến buổi biểu dương lực lượng thành cuộc biểu tình chống chính phủ. Khẩu hiệu Bolshevik tràn ngập đường phố dẫn đến những xung đột giữa 2 phe chống và ủng hộ chính phủ. Cuộc chiến giành quyền lực trở nên tàn bạo và diễn biến không thể dự đoán.

Việc nổi loạn vì thất vọng của quần chúng nằm ngoài sự kiểm soát của Lenin. Chiến thuật của ông là dựa vào biến động mà không tìm cách điều khiển nó. Ông không có chiến lược toàn diện, tính toán trước. Ông không tiên liệu được một thảm kịch đang chờ người Bolshevik vào ngày 3 tháng Bảy. Một sư đoàn 10.000 người quyết định lật đổ chính phủ khi có lệnh điều họ ra chiến trường. Đây là cuộc nổi loạn có phối hợp của hải và lục quân. Lenin và các lãnh đạo Bolshevik quyết định ủng hộ cuộc nổi loạn. Nhưng căng thẳng và sợ hãi trùm lên trụ sở chính của đảng khi có tin nhiều sư đoàn ủng hộ chính phủ đang tiến về Petrograd. Stalin đã hốt hoảng điện cho sô viết : "Chúng tôi không ủng hộ cuộc nổi loạn !".

nga5

Lenin đã không dám tự bước ra balcon vì lo sợ và thiếu quyết đoán. Các đồng chí phải đẩy ông ra. Cuối cùng, trước đám đông, ông nói : "Các đồng chí ! Tôi yêu cầu các đồng chí biểu tình trong ôn hòa"...

Một tấm ảnh thường được in trong các tài liệu về cuộc cách mạng Nga : Lenin, nhà cách mạng, hùng hổ diễn thuyết trước quần chúng nhân dân. Sự thật nằm sau tấm ảnh. Khi đám đông kéo đến tập trung trước trụ sở chính của đảng và bầu Lenin lên làm lãnh tụ, Lenin đã không dám tự bước ra balcon vì lo sợ và thiếu quyết đoán. Các đồng chí phải đẩy ông ra. Cuối cùng, trước đám đông, ông nói : "Các đồng chí ! Tôi yêu cầu các đồng chí biểu tình trong ôn hòa". Lời yêu cầu này cũng chẳng cải thiện được tình hình. Đoàn biểu tình đổ xô ra mọi nẻo đường, tìm giết những người Cossacks trung thành với chính phủ. Quân đội và lực lượng công nhân vũ trang tiến về Điện Tauride, miệng hét to khẩu hiệu "Mọi quyền lực cho sô viết !".

Trong lúc đó, một cuộc thảm sát diễn ra ở ngã tư giữa Nevski Prospekt và đường Sadovaja. Đội quân chính phủ tàn sát những người biểu tình tay không vũ khí. Đồng thời chinh phủ tung ra một tài liệu "nổ tung như một trái bom", theo cách diễn tả của Trotsky. Tài liệu cho thấy Lenin đã từng tiếp xúc với người Đức. Lenin là gián điệp của Đức ? Nghi ngờ dấy lên trong đầu những người nổi loạn. Ho tự nguyện giao trả khí giới, không hề chống cự. "Bây giờ chúng sẽ bắn chết hết bọn mình", Lenin nói với Trotsky như vậy sáng ngày 5 tháng Bảy.

Các lãnh đạo sinh viên chiếm trụ sở chính của đảng Bolshevik và nhà in tờ báo Pravda. Ngoài đường, những người Bolshevik bị truy đuổi, giết chết. Trong khu trung tâm, những ai có bộ dạng như một công nhân đều bị đánh đập, hành hình. Đây là bạo lực giai cấp. Giới tư sản và thương gia đánh phủ đầu giới vô sản. Chính phủ lâm thời bắt giữ 800 người Bolshevik. Công cụ của đảng dùng để nắm chính quyền bị đè bẹp. Trotsky bị tống vào tù vì tuyên bố ủng hộ Lenin. Lần này, ông quyết định gia nhập đảng Bolshevik.

Giới thợ thuyền kết tội đám công nhân nổi loạn và những người Bolshevik đã gây ra cuộc khủng hoảng. Hàng ngàn người lính rời bỏ đảng. Người sô viết cũng bị mất uy tín và thế lực. Nhiều ngày sau, trong buổi tang lễ những người Cossacks bị giết trong ngày 4 tháng Bảy, cánh hữu biểu dương lực lượng trên đường phố. Một cách phô trương răn đe của những người đã trả thù được đám công nhân và bọn cách mạng xã hội.

Stalin giúp Lenin cải trang đeo râu trốn thoát. Nhiều người cho rằng rất có thể Bolshevik được người Đức tài trợ. Người Đức luôn ủng hộ các tổ chức cách mạng Nga. Nhưng chuyện Lenin làm gián điệp cho Đức vẫn là vấn đề cần thảo luận. Tuy nhiên, dù thế nào, bây giờ ông cũng đã mất hết quyền lực, phải trốn trong căn nhà ọp ẹp cách Petrograd 3 dặm, đêm bị muỗi "làm thịt".

Lenin vẫn giữ vững lập trường bạo lực. Trong lá thư gửi cho đảng, ông viết : "Chúng ta phải dồn tất cả sức mạnh cho cuộc cách mạng vũ trang". Ông đã sai khi cho rằng người sô viết đã trở thành kẻ phản cách mạng. Sô viết đã làm mọi cách để bảo vệ Bolshevik nhưng họ đã suy yếu nhiều sau cuộc khủng hoảng tháng Bảy. Kerensky đã đuổi họ ra khỏi Điện Tauride. Trụ sở của họ hiện nay ở Smolnyj, một trường nội trú nữ sinh.

Quyền lực bắt đầu ám ảnh Kerensky. Giờ đây, với tư cách là thủ tướng, ông dọn vào ở trong Cung Điện Mùa Đông và ngủ trên giường của Sa hoàng. Ông tái lập bản án tử hình ngoài mặt trận và luôn muốn tiêu diệt những người sô viết. Ông cho rằng nước Nga cần một Napoleon để chấm dứt hỗn loạn và ông là người đang giữ vai trò đó.

Chiến dịch phản công của ông thất bại. Lực lượng quân sự Nga trên đà tan rã. Một tin đồn rộ lên là hội đồng tướng lãnh muốn người Đức chiếm Petrograd để dẹp các cuộc nổi loạn. Kerensky đề cử Kornilov vào chức vụ tổng tư lệnh quân đội. Kornilov là tướng lãnh muốn đàn áp các cuộc biểu tình trong tháng Tư. Ngày 12 tháng Tám, Kerensky mời tất cả các đảng phái đến tham dự hội nghị tổ chức tại nhà hát Bolsjoj. Ông muốn cứu vãn tinh thế và trở thành người hùng trong ngày hôm đó. Kornilov đột ngột xuất hiện và sáng chói dưới ánh đèn sân khấu. Toàn thể cánh hữu vỗ tay hoan hô chào đón. Cánh tả giữ thái độ im lặng. Kerensky đã mất sự hậu thuẫn của cánh hữu. "Thời của tôi đã hết" là lời tâm sự của ông với một cộng sự viên.

Ngày 27 tháng Tám, đảo chánh xảy ra. Kornilov đưa quân vào Petrograd để đập nát cuộc cách mạng. Kerensky lạnh lùng tước quyền chỉ huy của Kornilov. Tại Smolnyj, Petrograd sô viết phải đối phó với tình hình mới. Họ vùng dậy từ đống tro tàn, phối hợp với các nhóm cách mạng khác, hỗ trợ đám công nhân vốn là một bộ phận của Bolshevik. 40.000 khẩu súng được phân phát cho dân cư ở Vyborgski. Công nhân đường sắt phá trục lộ hỏa xa nhằm ngăn cản cuộc tiến công của quân đội. Các đại diện sô viết thành công trong việc thuyết phục nhiều người lính gia nhập vào cuộc cách mạng và sự thành công phần nhiều nhờ những người Bolshevik. Đa số các nhà hoạt động trong số 800 người bị bắt trong tháng Bảy được trả tự do. "Họ phải khùng mới thả chúng tôi vào lúc này", Kybenko, một lính hải quân và cũng là người Bolshevik nói như vậy. Ông đã nói đúng. Quân đội và cánh hữu bị loại khỏi cuộc chiến. Kerensky và chính phủ mất hết quyền lực.

Người Bolshevik thắng và đảo ngược thế cờ. Lenin rời khỏi nơi trú ẩn và đi tỵ nạn ở Helsinki. Ông nhắc lại yếu tố cần thiết cho cuộc nổi loạn : đó là sự cực đoan. "Đám đông cực đoan hơn chúng ta". Ông hoàn toàn có lý. Tình hình ngoài mặt trận rất thê thảm. Ở thôn quê cướp bóc hoành hành. Gia súc và con người bị tàn sát. "Hòa bình, đất đai, bánh mì. Phải có ngay !". Đề tài Lenin đặt ra trước kia trở nên nóng bỏng và khẩn cấp.

Bolshevik hứa sẽ bầu ra một hội đồng lập hiến nhưng bị phần lớn các cử tri tẩy chay. Họ cũng chẳng thiết tha đến việc bầu người đại diện tham gia vào sô viết. Quân đội và công nhân ào ạt bỏ phiếu. Bolshevik, với sự cầm đầu của Trotsky, chiếm đa số trong Petrograd sô viết. Trotsky tuyên bố không thay thế Nicholaj Tsjkheidze. Như vậy, vai trò lãnh đạo của Tsjkheidze được hợp thức hóa ngay từ đầu. Tự dưng, tính hợp pháp của chính phủ Kerensky không còn khi những người sô viết thực thi quyền lực của mình.

Khẩu hiệu "Mọi quyền lực cho người sô viết" vang vọng khắp nước. Mọi người trông chờ quốc hội sẽ hạ bệ chính phủ và nắm lấy chính quyền. Từ Helsinki, Lenin cũng có cùng yêu cầu trong lá thư ông gửi cho ban chấp hành trung ương : cuộc cách mạng sô viết phải tiến hành ngay. Ông từ giã cuộc sống lưu vong, trở về Petrograd vì sốt ruột. Ngày 10 tháng Mười, ông triệu tập cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng Bolschevik tại căn hộ số 32 đường Karpovka. Chủ nhân căn hộ là Sukhanov. Sukhanov là menshevik nhưng nhiệt tình giúp đỡ người Bolshevik. Trotsky, Stalin, Kamenev, Kollontaj lần lượt đến. Lenin đến rất muộn, đầu trùm bộ tóc giả. Ông trông giống như một cha xứ. Suốt đêm Lenin cố thuyết phục các đồng chí chấp thuận tiến hành một cuộc nổi loạn. Buổi họp kết thúc với tỷ lệ 10 thuận 2 chống. Chỉ Kamenev và Zinovjev bỏ phiếu chống. Cuối cùng Lenin cũng được toại nguyện.

Nhưng ngày tiến hành cuộc nổi loạn vẫn bỏ ngỏ vì các lãnh đạo Bolshevik còn lại trong buổi họp vẫn không đồng ý với Lenin ở một điểm : Lenin muốn đảng Bolshevik một mình lãnh đạo cuộc nổi loạn. Đối với họ, sô viết là tổ chức có chính danh duy nhất cho một cuộc nổi dậy. Đồng thời họ cũng muốn có sự tham gia của các đảng phái khác. Điều này có nghĩa là quyền lực sẽ được chia sẻ. Lenin không bằng lòng. 10 ngày nữa sẽ đến đợt bầu cử ở quốc hội sô viết. Câu hỏi được đặt ra là cuộc cách mạng sẽ tiến hành trước hay sau bầu cử. Số phận của nước Nga như mành treo chuông. Vài ngày sau, Smolnyj trở thành một căn cứ quân sự. Mục đích là để bảo vệ quốc hội sô viết trước mối đe dọa của Kerensky và bọn phản cách mạng. Có tin đồn bọn này sẽ ngăn cản đợt bầu cử. Bolshevik sẵn sàng với 20.000 người. Dẫn đầu là hải quân. Hội đồng quân nhân cách mạng kết hợp phòng vệ Petrograd. Trotsky, Antonov, Ovsejenko và Dybenko cầm đầu một tổ chức hoạt động bí mật.

Trong lúc hội đồng vũ trang cách mạng chuẩn bị, Lenin đòi tiến hành ngay cuộc nổi loạn. Nhưng ông không biết là các lãnh đạo Bolshevik không muốn làm việc này. Sự chuẩn bị chỉ nhằm bảo vệ quốc hội sô viết. Ý định của Lenin bị Kamenev và Zinovjev cho báo chí biết. Kerensky nghĩ là người Bolshevik muốn đảo chánh nên quyết định đập tan. Ông liên lạc với đội quân trung thành có mặt ở ngoại thành. Nhưng các tướng lãnh lại giao các kế hoạch của ông cho hội đồng vũ trang cách mạng.

3.000 người lính và một tiểu đoàn thiếu nữ trẻ tuổi, đầu cạo trọc, từ các gia đình tư sản được huy động đến bảo vệ Cung Điện Mùa Đông. Họ thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cho đến ngày 24 tháng Mười, Lenin vẫn chưa nắm được quyền lực. Ngày hôm sau, quốc hội mở cửa. Kerensky ra lệnh dở tất cả những chiếc cầu trên sông Neva lên để ngăn làn sóng người nổi loạn và bố ráp các tòa soạn báo chí của Bolshevik. Lực lượng sô viết phản ứng ngay. Họ chiếm bưu điện, nha viễn thông, ga xe lửa rất nhanh. Cuộc nổi loạn bùng nổ dù chưa có lệnh.

Tình hình ở Petrograd yên tĩnh trở lại. Cung Điện Mùa Đông không bị tấn công. Mọi người chờ lệnh của quốc hội sô viết. Lenin băng đầu, đóng vai một người bị thương. Ông chỉ còn vài giờ ngắn ngủi để thuyết phục đảng Bolshevik chụp lấy cơ hội bằng vàng này. Những người nổi loạn đã chiếm được thành Peter Paulus, một cứ điểm chiến lược quan trọng với các khẩu pháo chỉa thẳng về Cung Điện Mùa Đông.

Lenin đến Smolnyj cùng với toán hộ vệ. Không khí ở Petrograd giờ thật lạ lùng. Thợ thuyền nằm nhà. Cửa hàng ăn uống, nhà hát và rạp chiếu bóng mở cửa. Sau những cánh cửa đóng kín ở Smolnyj, Lenin tập họp ban chấp hành trung ương đảng Bolshevik. Đây là lần đầu tiên Lenin thông qua được quan điểm của mình. "Dẹp quốc hội sô viết đi. Chúng đã dâng cho ta cơ hội nắm quyền !". Ông thuyết phục các đồng chí tiến hành ngay cuộc bạo động, không cần chờ lệnh của quốc hội sô viết. Lenin thảo nháp một bản công bố cách chức chính phủ lâm thời.

Cuối cùng quyền lực trong tầm tay Lenin. Ông bảo đảm việc chiếm Cung Điện Mùa Đông sẽ hoàn tất trước 12 giờ ngày hôm sau. Ngày 25 tháng Mười, trước 10 giờ, Lenin đưa ra bản công bố : "Chính phủ lâm thời bị cách chức. Quyền lực thuộc về hội đồng vũ trang cách mạng. Giai cấp công nhân và quân đội muôn năm !".

Trước 12 giờ, các đại biểu nhóm họp tại quốc hội sô viết. Người ta bàn cãi về sự thay đổi quyền lực. Nhưng chính phủ lâm thời vẫn có mặt tại Cung Điện Mùa Đông. Mọi người cảm thấy thất bại cận kề vì đoàn quân tiền phong vẫn chưa đến. Toán lính hải quân của Dybenko đổ bộ lúc 12 giờ 30’ và việc mở cửa quốc hội phải hoãn lại. Trong khi đó chiến hạm Aurora bỏ neo trước Cung Điện Mùa Đông nhằm tạo áp lực với chính phủ. Trong cung điện giờ chỉ còn 300 lính. Những người khác đã bỏ vị trí vì suốt đêm hôm qua họ chẳng được ăn gì. Lúc 16 gio 30’, người nổi loạn cho đối phương 20 phút để đầu hàng. Tối hậu thư bị bác bỏ. Lenin đòi bắn những người có trách nhiệm nếu họ không ra lệnh tấn công ngay.

Theo kế hoạch, một cái đèn lồng đỏ sẽ kéo lên trên đỉnh pháo đài. Nhưng chẳng ai nhớ đem theo cái đèn. Người ta lục lọi khắp nội thành và cuối cùng tìm được một cái đèn lồng trắng. Nhưng không có cách nào treo nó vào cột cờ. Binh lính còn phát giác là các khẩu phảo đã quá cũ, không bắn được, chỉ dùng chưng bày làm kiểu. Họ phải tìm những khẩu pháo mới và tìm cách chuyển lên pháo đài. Đến 18 giờ, chiến hạm Aurora vẫn phải chờ tín hiệu.

Trong lúc đó, cơn giận dữ bùng lên ở Smolnyj. Người ta đòi quốc hội phải mở cửa. Đến 21 giờ, vẫn không có gì mới. Lenin điên tiết gọi điện cho Antonov Ovsvjenko, người cầm đầu cuộc nối loạn. Ông này yêu cầu Lenin câm mồm rồi gác máy. Đến 22 giờ 40’, căng thẳng ở Smolnyj đã đến mức nghẹt thở. Giờ thì người ta phải tiến hành bầu cử.

Cuối cùng Aurora tự quyết định khai hỏa và cuộc tấn công bắt đầu. Toàn cảnh cuộc tấn công diễn ra như một vụ bố ráp của cảnh sát, nhưng được thổi phồng thành cuộc chiến đấu dũng cảm của những người dân anh hùng trong cuộc cách mạng tháng Mười huyền thoại. Những kẻ tấn công đi lạc lung tung trong cung điện rộng lớn. Kerensky trốn thoát và sau đó đi lưu vong. Các bộ trưởng trong chính phủ lâm thời bị bắt giữ.

Ở Smolnyj, Trotsky nói với các đối thủ chính trị : "Nhân dân đã theo chúng tôi và chúng tôi đã thắng. Các ông đã thất bại"… "Các ông hãy cút về những nơi thuộc về các ông, nơi có những đống rác lịch sử". Các đại biểu sửng sốt và quyết định rời quốc hội. Sau đó, quốc hội biểu quyết trao tất cả quyền lực cho sô viết. Nhưng đây chỉ là mặt nổi. Thực ra lực lượng dân chủ sô viết đã bị một đảng phái khác chiếm đoạt. Lenin đã thành công. Một cuộc đảo chánh cướp chính quyền ngoạn mục. Sô viết đã dọn cỗ cho Lenin xơi.

Ngày 26 tháng Mười, nước Nga thức dậy với một chính phủ mới : chính phủ Bolshevik. Việc thanh toán những kẻ chống đối trên đường phố Moksva kéo dài thêm 3 tuần lễ. Không ai tin rằng Lenin có thể nắm vững quyền lực. Hội đồng lập hiến sẽ được bầu vào tháng Mười Hai 1917. Lenin muốn hủy bỏ cuộc bầu cử nhưng không được chấp thuận.

Sau cuộc bầu cử, Bolshevik vẫn là thiểu số. Hội đồng lập hiến nhóm họp ngày 18 tháng Giêng 1918. Hôm sau hội đồng bị giải thể. Một đảng độc tài được gấp rút thành lập. Các đảng phái cánh hữu bị giải tán. Vài tháng sau các đảng phái cánh tả cùng chung số phận. Nước Nga bị cầm tù trong vòng xoáy nghiệt ngã. Đất nước lâm vào cuộc nội chiến. Cảnh nồi da xáo thịt dẫn đến thảm họa chết đói ở thôn quê. Mặc dù gặp rất nhiều chống đối, Lenin vẫn duy trì được quyền lực.

Quốc tế cộng sản thành lập ở Moskva. Lenin tận hưởng hào quang chiến thắng qua sự thừa nhận của quốc tế. Sự có mặt của ông, ở bất cứ nơi nào, là niềm hy vọng cho công nhân và giới trí thức. Một ảo tưởng mà dân tộc Nga và nhiều dân tộc khác phải trả giá bằng máu và nước mắt sau này. Ông góp phần làm đảo lộn thế giới. Ngày 1 tháng Năm 1922, ông bị tai biến mạch máu não nên phải rút khỏi chính trường. Một con người suốt đời gây sóng gió bằng cách thao túng, chia rẽ, chi phối, chế ngự kẻ khác, giờ đây đang lo lắng vì những xung đột quyền lực giữa Trotsky và Stalin. Ông đã mất mọi ảnh hưởng.

Lenin chết năm 1924 nhưng huyền thoại về con người này được tô vẽ không ngừng. Xác ông được ướp ngoài ý muốn của bà quả phụ Nadezjda. Nhà hoạt động chính trị vũ trang Lenin được thần thoại hóa và được tôn thờ như một vị thánh. Lịch sử về những gì đã xảy ra năm 1917 bị kiểm duyệt, viết lại, biên tập sửa chữa với mục đích biến ông thành nhà cách mạng vĩ đại, độc nhất vô nhị trong lịch sử và là chỗ tựa vững chắc cho cái "chính danh" của chủ nghĩa cộng sản.

Hoàng Thủy Ngữ

(05/11/2018)

Tham khảo :

- History.com

- Nicholai Sukhanov : Russian revolution of 1917

- En.wikipedia.org

- ARTE France – AGAT film & Cie

- Britannica.com

- Bbc.co.uk

Published in Diễn đàn
mercredi, 21 février 2018 22:22

Câu hỏi đầu năm

Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời

Trần Đăng Khoa

cauhoi1

Những câu vè thượng dẫn xuất hiện vào cuối thập niên 60 (của thế kỷ trước) khi tác giả còn được vinh danh là thần đồng thơ, và là "người phát ngôn cho thế hệ trẻ em thời chiến". Thời chiến rồi qua. Thời gian, cũng như thời thế – tiếc thay – lại không đứng về phía ông Trần Đăng Khoa và ông Lê Nin nên (dần dà) từ vỉa hè Hà Nội lại phát sinh ra những câu đồng dao mới :

Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt, ông chỉ tay :
Tự do hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì !

Khi mà thành quả của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười chả "ra đếch gì" thì phần số cha đẻ của nó – tất nhiên – cũng phải rơi vào cảnh truân chuyên :

Ðang trên Quảng Trường Ðỏ ở Moscow, tôi chựng người lại khi bắt gặp một hình dáng người rất quen mà không thể nhớ liền được là ai ? Người đàn ông thấp người, mặc bộ đồ đại lễ, đầu đội chiếc mũ kếp pi – tất cả cùng màu đen, đút tay vào túi quần với khuôn mặt trầm tư…

Bắt gặp cái nhìn của du khách, ông liền nở nụ cười, giơ tay vẫy vẫy mời chào : Chụp hình kỷ niệm đi. Chỉ 100 rub thôi, hay 2 đô la Mỹ cũng được !"

Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người "quen quen" ấy : Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin... Trong thời gian lang thang xung quanh điện Kremlin, tôi còn gặp mấy "Lenin" nữa, cũng đang mời chào du khách chụp hình...

Tôi bỗng nhớ lại thời điểm đứng ở Quảng Trường Ðỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin : "Nếu không có Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng đáng nhiều lần hơn thế này. (Phương Đoàn – "Nước Nga ‘Gồng Mình’ Để Tồn Tại", Người Việt 12/23/2015).

Tác giả của đoạn văn thượng dẫn, xem chừng, không có mấy thiện cảm với Lê Nin (thật) và tôi e là ông hơi chủ quan khi đánh giá quá thấp về nhân vật này. Tuy Lê Nin phải lê la kiếm ăn ngay tại Moskova (và bị đập mẻ đầu, vỡ trán ở nhiều nơi khác) nhưng di sản của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười vẫn còn được giới lãnh đạo Việt Nam vô cùng tôn trọng và sùng kính – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày 05 tháng 11 năm 2017 :

Sáng 5/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917–7/11/2017)... Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : Cách mạng Tháng Mười Nga đã "làm rung chuyển thế giới" phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.… đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga...

Thế nước Nga của "kỷ nguyên mới" hiện nay ra sao ?

Xin xem tiếp tường trình của nhà báo Phương Đoàn, từ Moskova :

Một điểm đặc biệt của chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về "tàn tích, tàn dư" thời Xô Viết. Chân dung các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Karl Marx… nằm la liệt giữa những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lầm bụi… khiến người xem thoáng có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và thực tế trần trụi. Những lá cờ nhung màu đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin… giờ nằm lăn lóc trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng.

cauhoi2

Lê Nin giữa chợ trời cùng xoong chảo. Ảnh : Phương Ðoàn

Thảo nào mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hay bị mắng mỏ là cái đám chuyên... "ăn mày dĩ vãng !". Khi mà tương lai rất mịt mờ, và hiện tại đang vô cùng rất bấp bênh thì xoay ra đi ăn mày dĩ vãng – theo thiển kiến – cũng là một cách mưu sinh có thể thông hiểu và thông cảm được.

Chỉ có điều đáng nói là họ đã đi quá xa khi giong cờ, nổi trống, linh đình kỷ niệm chiến thắng 50 năm tổng tiến công xuân Mậu Thân, vào ngày 31 tháng 1 năm 2018 vừa qua. Cái thói quen "ăn mày" khiến họ có khả năng "ăn mừng" ngay giữa lúc quốc tang.

- Hoàng Phủ Ngọc Tường : Với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.

- Mạnh Kim : Mậu Thân là chiến trường khốn nạn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.

- Chế Lan Viên : Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng / Chỉ một đêm, còn sống có 30.

- Song Chi : Việc ăn mừng sự kiện Mậu Thân chứng tỏ đảng cộng sản hoàn toàn không thay đổi từ nhận thức đến thái độ, hành động và hoàn toàn "thất nhân tâm" đối với đại đa số người dân Việt ở cả hai miền, trong và ngoài nước.

Lê Công Định : Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả.

Phạm Trần : Ăn Tết bằng xương máu Mậu Thân thì hòa giải, hòa hợp với ai ?

Ngô Nhân Dụng : Tổ chức kỷ niệm Tết Mậu Thân là Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản đã thách thức người dân Việt khắp nước !

cauhoi3

Sau thách thức Mậu Thân lại đến thách thức xây nghĩa trang ngàn tỷ. Trang BBC nhận định là nhà đương cuộc Hà Nội đã khiến cho… dư luận dậy sóng :

Nguyễn Thị Hậu : Sao lo cho người sẽ chết "an nghỉ" mà lại làm người sống không thể "an cư" ?

Trương Huy San : Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng "thế giới đại đồng", không lẽ, từ tem phiếu đến "nơi an nghỉ" đều phân chia đẳng cấp.

Trương Duy NhấtKhốn nạn hơn vạn lần khốn nạn ở chỗ : Nó qui hoạch cho cả vợ/chồng, khi chết cũng được vào đây, bất kể vợ/chồng họ là ai làm gì. Nhiều người chưa chết, đã nghe thiên hạ đào mồ cuốc mả rồi.

Nhân Thế Hoàng : Tiền thuế của dân mà nó làm như của cha của mẹ nó để lại, muốn xài sao thì xài.

Dư luận, trong cũng như ngoài nước, cứ tha hồ mà dậy sóng. Sóng gió trong những tách nước trà nào có ảnh hưởng chi đâu. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam (chắc chắn) sẽ còn tạo ra nhiều thách thức ngang ngược, và bạo ngược khác nữa, trong những ngày tháng tới - như họ đã từng làm từ hơn hai phần ba thế kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là dân tộc này sẽ còn cam chịu để cứ bị tiếp tục "thách thức" thêm bao lâu nữa ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 21/02/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 07 novembre 2017 21:28

Lenin, trí thức hay đồ tể ?

Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam, áo quần bảnh bao, đứng xếp hàng tưởng niệm Lénine (Lenin) và công đức của cuộc cách mạng tháng Mười, người Việt nên tìm hiểu về Lénine để biết các cụ, các bác tính dẫn dân tộc vào con đường nào.

lenin1

"Lénine, l’inventeur du totalitarisme" (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị).

Rất nhiều sách báo về Lénine đã ra đời nhân dịp 100 năm Cách Mạng Tháng Mười. Nếu chỉ cần đọc một cuốn, cuốn đó là một tác phẩm mới in của Stéphane Courtois, "Lénine, l’inventeur du totalitarisme" (1) (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị).

Stéphane Courtois là một nhà nghiên cứu, một sử gia có thẩm quyền nhất về Công Sản, tác giả 30 cuốn sách về chế độ độc tài đỏ. Ông là người điều khiển ban biên soạn cuốn "Le Livre Noir du Communisme" (2) (Cuốn sổ đen của chủ nghĩa cộng sản) cách đây 20 đã gây tiếng vang lớn, đã được dịch ra 26 thứ tiếng, bán trên một triệu cuốn. Trong một hồ sơ trên 800 trang, các tác giả đã vạch trần, với sự chính xác của các nhà nghiên cứu khoa học và con mắt phân tích của sử gia, những tội ác đối với nhân loại của các chế độ cộng sản.

Trong "Lénine, l’inventeur du totalitarisme" do nhà xuất bản Perrin, Paris xuất bản, Stéphane Courtois thuật lại cuộc đời của Lénine, qua nhiều tài liệu chính tay Lénine viết, để chứng minh Lénine thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị, với những phương pháp tàn bạo sau này đã được những Mussolini, Hitler áp dụng, những đệ tử như Staline, Mao, Pol Pot thực thi.

Lénine, cha đẻ của bạo lực

Sau khi những tội ác kinh hoàng của chế độ cộng sản bị phát giác, guồng máy tuyên truyền của Nga Xô Viết, với sự đồng lõa của trí thức thiên tả Tây Phương, tìm cách đổ hết tội ác lên đầu đồ tể Staline, khoác cho Lénine cái áo một lý thuyết gia trí thức.

Sau khi Staline chết (1953), đổ hết tội ác lên đầu Staline là một cách bào chữa cho chế độ cộng sản. Những tội ác của Staline, và sau này, của Mao, Pol Pot… chỉ là những sai lầm cá nhân, chủ nghĩa cộng sản đích thực vẫn tốt đẹp với lý thuyết gia vĩ đại là Lénine. Rửa tay cho Lénine là rửa tay cho chế độ.

Trong "Lénine, l’inventeur du totalitarisme", Courtois, như nhan đề của cuốn sách, đã chứng minh Lénine mới chính là người đã sáng chế ra lý thuyết toàn trị và áp dụng những biên pháp tàn bạo nhất để cai trị.

Lénine là cha đẻ của lý thuyết dùng kinh hoàng để thống trị, của ý niệm chuyên chế vô sản, kinh tế chỉ huy, Đảng duy nhất, công an chính trị, Hồng quân, goulag, tẩy não, nông trường…

Lénine, trong nhiều năm trước khi cầm quyền, đã suy nghĩ và hệ thống hóa tất cả những ý niệm và phương pháp mới mẻ đó. Cũng chính Lénine đã sáng chế ra việc lập hồ sơ của mỗi người dân, coi chuyện dân tố giác, báo cáo lẫn nhau là một quốc sách...

Staline chỉ là một tên học trò, khát máu thiệt, nhưng chỉ là một tên học trò thi hành chính sách ông thầy Lénine đã vạch ra. Nắm quyền, bằng bất cứ giá nào. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Hàng triệu người chết chỉ là một chi tiết, những viên gạch cần thiết để xây dựng một xã hội mới.

Lénine là cha đẻ của hộ khẩu, cai trị dân bằng cai trị cái dạ dầy. Ghê rợn hơn nữa, Lénine dùng nạn đói như một lợi khí chính trị. Nhà nước nắm tất cả mọi phương tiện sản xuất, gây ra những nạn đói 1920-1922 ở Nga, 1932-1933 ở Ukraine không ngoài mục tiêu làm kiệt quệ những tiềm năng chống đối. Mỗi lần có hàng triệu người chết đói.

Lénine là người sẵn sàng gây nội chiến để chiếm chính quyền, sẵn sàng và đã thủ tiêu tất cả những đối thủ trên đường đi, bắt đầu là những đồng chí không tuyệt đối trung thành.

Đệ tử của Lénine, Dzierzynsky, người cầm đầu tổ chức công an chính trị, ra chỉ thị về nguyên tắc tuyển mộ : "hãy lựa những người dứt khoát lập trường, hiểu rằng không có gì hữu hiệu hơn để dân câm miệng, là một viên đạn vào đầu".

Hận thù

Thay vì dựa vào nhân dân theo lý thuyết cộng sản để làm cách mạng, Lénine chỉ tin một số tay chân thân tín, những tay cách mạnh nhà nghề. Lénine thù ghét tầng lớp lãnh đạo cũ, giới trí thức, trưởng giả, những kẻ lười biếng, ỷ lại (bọn nào không làm, sẽ không ăn), nhưng còn thù oán hơn nữa những người phe tả nhưng không cực đoan như mình.

Lénine khinh dân chúng. Cái gọi là cuộc cách mạng tháng Mười, thực sự chỉ là một cuộc đảo chánh của phe Lénine.

Sáu ngàn Hồng quân chiếm giữ những địa điểm huyết mạch, đã lật đổ chính quyền một cách êm thắm. Dân ngoài đường không hề hay biết, vẫn sinh hoạt như thường lệ. Sau đó, Lénine đã cho soạn kịch, dựng phim, tuyên truyền như một cuộc cách mạng được toàn dân Nga ủng hộ.

Lên cầm quyền, Lénine đóng cửa tất cả báo chí, hành quyết hay bỏ tù tất cả đối lập, hay những người bị nghi là đối lập. Lénine nói : "Nhân dân không cần tự do, vì tự do là sản phẩm của độc tài trưởng giả". Cũng Lénine : "Ở đâu có nhà nước, ở đó không có tự do. Khi có tự do, hết còn nhà nước".

Lénine lý thuyết hóa nghệ thuật lừa bịp chính trị : "Một sự dối trá nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực".

Cái ông Lenine khát máu đó, đã gây kinh hoàng hơn cả chủ nghĩa nazi, người ngày nay cả thế giới muốn quên lãng, là người mà toàn bộ lãnh đạo Việt Nam đứng xếp hàng kính cẩn tưởng niệm. Quên cả trận bão đang tàn phá, gây tang tóc trên một phần đất nước.

Sự thực, việc tập đoàn lãnh đạo Việt Nam dựng cái xác Lénine dậy để lễ bái cũng dễ hiểu. Họ có lý để tri ân một người đã dạy họ nắm quyền. Câu nói của Lénine được coi như một câu thần chú : "Muốn tồn tại vĩnh viễn, các đảng cộng sản phải biết đàn áp triệt để những kẻ chống đối".

Lenine là thần tượng, là mẫu hàng cuối cùng để bám víu cho một chế độ đã mệt mỏi, một thế giới đã sụp đổ.

Paris, 07 tháng 11/2017

Từ Thức

Chú thích :

 (1) Lénine, L'inventeur du totalitarisme, S.Courtois, Ed Perrin, Paris, 20/09/2017.

(2) Le Livre noir du communisme, Dirigé par S. Courtois, Ed Robert Laffont/Calman Lévy, Paris, 1997.

Published in Diễn đàn