Phải dọn sạch mọi thối nát tư sản ra khỏi các thành phố… Phải xóa sổ tất cả những gì đe dọa sự nghiệp cách mạng… Bài thánh ca của giai cấp công nhân là bài ca căm phẫn và trả thù.
(Bolshevik Pravda, 31/08/1918,
sau khi Lenin bị ám sát)
Là người cộng sản, Lenin mơ ước một thế giới không có sự bóc lột và đàn áp. Mục đích của Lenin là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi người lao động sẽ tiếp quản quyền lực. Mọi cơ cấu sản xuất và nguồn lực xã hội là tài sản chung và không ai có thể làm giàu bằng công sức của người khác. Cuộc sống của nhiều người, đặc biệt ở nông thôn, dưới thời Sa Hoàng rất khổ sở. Đây là sự thật không thể chối cãi.
Lenin mơ ước một thế giới không có sự bóc lột và đàn áp. Mục đích của Lenin là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi người lao động sẽ tiếp quản quyền lực
Nhưng dân Nga đã phải trả một cái giá quá đắt sau khi Lenin và những người bolshevik nắm được chính quyền năm 1917. Tựu chung, cuộc sống chẳng khá gì hơn dưới thời cộng sản. Bi kịch của nước Nga là một chế độ chuyên chế được tiếp nối bằng một chế độ chuyên chế khác, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Sau Thế chiến thứ Hai, Đức buộc phải giải quyết món nợ quá khứ gần đây nhất của mình. Những tội phạm chiến tranh phát xít, theo phán quyết của tòa án Nuremberg, bị kết án vì các tội lỗi đã gây ra. Trong nhiều thập niên, Đức phải tự kiểm tra toàn diện, kể cả việc cấm các tổ chức quốc xã. Nhưng Liên Xô trước kia và Nga hiện nay chưa bao giờ giải quyết những tội ác dưới thời cộng sản. Trái lại, rất nhiều chính khách Nga ngày nay có quá khứ từ đảng cộng sản. Chắc chắn họ cũng phạm tội và vi phạm nhân quyền dưới chế độ độc tài. Vladimir Putin, tổng thống Nga, xuất thân là một sĩ quan cao cấp của cơ quan mật vụ KGB thời Liên Xô
Sau khi chết năm 1924, Lenin được ướp xác như một pharaon, rửa ráy và trưng bày trong lăng tẩm riêng hoành tráng và lộng lẫy ngay tại Quảng trường Đỏ, Moscow. Cho đến nay ông vẫn nằm ở đó. Không biết dư luận phương Tây phản ứng ra sao nếu Hitler cũng có lăng tẩm riêng như vậy ở Berlin. Mỗi ngày, hàng ngàn khách thập phương đến chiêm ngưỡng cái xác chết. Bộ chính trị Liên Xô do Stalin cầm đầu, qua cách trưng bày xác chết của Lenin, đã tạo ra một mô hình thờ phụng cá nhân mà thế giới chưa từng thấy và trở thành nét đặc thù của thế giới cộng sản. Từ khi đó, vô số tượng Lenin được dựng lên và cái xác ướp được mô tả như một vị thánh. Người cộng sản phá hủy các nhà thờ và di tích tôn giáo trên khắp nước Nga trong thời gian dài. Tôn giáo truyền thống buộc phải im lặng nhường chỗ cho một tôn giáo chính trị mới.
Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924), tức Lenin, là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị cộng sản. Tất cả các chế độ độc tài cộng sản trong lịch sử nhân loại đều chịu ảnh hưởng của Lenin và làm theo cách của ông để có toàn quyền kiểm soát nhân dân. Gần như ngay lập tức, sau cái gọi là cách mạng tháng Mười, Lenin đã thành lập mạng lưới khủng bố như mật vụ, điềm chỉ và một nhà nước với quyền lực cực đoan nhằm chặn đứng mọi tư tưởng tự do. Công dân nào phản đối sẽ bị tống vào tù hay vào các trại tập trung. Hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là chủ nghĩa cộng sản của Lenin nhân đạo và dễ thở hơn dưới thời Stalin. Trong thực tế, Lenin đã đặt nền móng khủng bố cho Stalin và khác biệt chính trị giữa hai người này không quá lớn. Stalin cầm quyền lâu hơn nhiều và có thời gian dài để gieo rắc tai họa. Lenin chết tương đối sớm, lúc 54 tuổi, do mắc bệnh giang mai và biến chứng vết thương ở cổ sau vụ ám sát. Nếu Lenin sống thêm 20 năm nữa, khả năng khủng bố cũng sẽ giống như Stalin. Lenin không bị chứng lo cuồng sợ bị hãm hại (persecution mania) như Stalin. Đến cuối đời, Lenin gần như điên loạn, nhưng khác với Stalin, ông không còn khả năng giải thích mạch lạc về điều gì nữa.
Hoặc theo hoặc chống chúng tôi
Cách mạng tháng Mười không phải là cuộc cách mạng cổ điển như thường thấy, với hàng trăm ngàn người biểu tình trên đường phố và gào thét đòi hỏi sự thay đổi. Thực ra, đó là cuộc đảo chính do Lenin và những người cộng sản (bolshevik) dàn dựng để lật đổ chính phủ dân chủ của Alexander Kerensky, người theo chủ nghĩa xã hội.
Sa Hoàng đã thoái vị vài tháng trước, vào tháng Hai 1917. Alexander Kerensky thành lập một chính phủ liên hiệp với sự tham gia của các đảng cách mạng khác nhau. Do đó, chuyện Lenin lật đổ Sa Hoàng chỉ là huyền thoại. Trái lại, Lenin đã sống cuộc đời tỵ nạn ở Đức và không trở về trước khi biết chắc chắn Sa Hoàng đã biến mất tháng Tư 1917. Lenin về trên chuyến xe lửa bọc thép do nhà nước Đức mua và trả tiền.
Từ lâu, Lenin luôn phản đối việc nước Nga tham gia Thế chiến thứ Nhất chống Đức. Ông cho rằng cuộc chiến này là của giai cấp tư sản và tư bản nên sẵn sàng đi bước rất xa để kéo nước Nga ra khỏi chiến tranh. Do đó, Lenin đã tham gia một liên minh không chính thức với Đức : nếu nắm được chính quyền, Lenin sẽ rút Nga ra khỏi cuộc chiến. Đây cũng là lợi ích của Đức nên giới bảo thủ Đức hỗ trợ Lenin nắm được quyền lực và Lenin chụp lấy cơ hội này.
Nhiều người ủng hộ Lenin ở Nga và họ đã lật đổ được chính phủ liên hiệp của Kerensky bằng bạo lực. Trong quân đội cũng có nhiều người đứng về phía ông vì, khác với Kerensky, Lenin muốn rút nước Nga ra khỏi cuộc chiến. Tháng Mười Một 1917, sau cuộc bầu cử quốc hội, số phiếu người bolshevik có được không quá 25%. Cùng cực thất vọng, Lenin giải tán Quốc hội. Theo Lenin, khi người dân không hiểu cái gì tốt nhất thì không cần cho họ cơ hội để tạo ảnh hưởng. Và rồi, nước Nga trở thành nhà nước độc đảng kéo dài suốt 75 năm.
Trong thế giới quan của Lenin, nhà nước độc đảng ra đời gồm hai mặt : hoặc trung thành tuyệt đối hoặc là kẻ thù không đội trời chung. Vì vậy, không chỉ giới thượng lưu, tư sản, bảo thủ, ki tô giáo hay tự do bị hãm hại mà cả những người chia sẻ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cơ bản với Lenin cũng cùng chung số phận, bởi lẽ đồng ý thôi cũng chưa đủ. Lenin cho rằng những nhà dân chủ xã hội, vô chính phủ và xã hội chủ nghĩa đều là bọn tư bản và kẻ thù ngụy trang.
Lenin khét tiếng hung ác ngay cả với các đồng chí trong đảng cộng sản của mình và nhiều người bị xử tử. Tháng Mười Hai 1917, Lenin thành lập Cheka, tổ chức mật vụ cộng sản đầu tiên có quyền giết người bất đồng quan điểm, không cần luật pháp hay tòa án. Lực lượng cách mạng vũ trang có tên là hồng quân hay hồng vệ binh được thành lập riêng để "bảo vệ cách mạng". Lực lượng này theo dõi, bắt giữ và tiêu diệt tất cả những ai bị Lenin coi là kẻ thù của cách mạng, những người xã hội chủ nghĩa hay dân chủ đến các đồng minh cũ của Sa Hoàng. Cuộc cách mạng nhanh chóng đi vào vết xe có tên là khủng bố đỏ.
Khủng bố được sử dụng như một công cụ kìm kẹp không chỉ vì Lenin cảm thấy bị đe dọa mà còn là một phần nền tảng trong ý thức hệ của ông. Để cuộc cách mạng thành công, phải thanh toán mọi bất đồng và từ đó người ta sẽ vững mạnh hơn để đánh bại kẻ thù cách mạng. Knhững ai không đồng ý với lối suy luận này cuối cùng sẽ là phản cách mạng, kẻ thù của cách mạng. Về lâu dài, đó là điều tốt nhất cho người dân, Lenin nghĩ vậy.
Nhưng làm thế nào Lenin có thể nói thay cho toàn dân khi người dân không được nêu ý kiến hay tối thiểu họ cũng phải được thể hiện bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ ? Còn nữa, điều gì cho Lenin, theo cách suy nghĩ của ông, cái quyền giết đối thủ chính trị ? Mặc dù, ngay từ đầu, Liên Xô là một chế độ độc tài nhưng vẫn tự coi mình là một chế độ chính trị dân chủ nhân dân. Để hiểu cái lý luận khá kỳ quặc này, chúng ta phải trở lại một câu chuyện triết học hơi phức tạp.
Lenin lấy cảm hứng từ ý tưởng về một ông vua vô cùng thông thái có cách hành xử luôn thể hiện ý chí cộng đồng. Triết gia thuộc phong trào khai sáng Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã đề cập đến ý chí cộng đồng mà mọi người thực sự mong muốn nhưng lại không hiểu đó là gì. Người ta muốn cái tốt nhất nhưng không biết cái gì là tốt nhất, do đó, không hiểu cái gì là tốt nhất cho chính mình. Theo Rousseau, trong thực tế, rất khó có thể giúp mọi người hiểu được mọi thứ kết hợp với nhau như thế nào và đây là nhiệm vụ của nhà vua hay người lãnh đạo. Giống như khi phụ huynh dạy con trẻ nói rằng ăn bánh kẹo cả ngày không tốt. Ý tưởng về ý chí cộng đồng dựa trên những nguyên tắc như trong gia đình : nhà nước và quyền lực nhà nước là cha mẹ và thường dân là con cái. Theo cách đó, Lenin cho rằng, nhân danh nhân dân, ông hành xử như một người cha.
Trong quyển sách "Phải làm gì", Lenin đưa ra thuật ngữ dân chủ tập trung với ý nghĩa nhân dân thảo luận và đảng quyết định. Người dân có thể thảo luận và phê bình trước khi đảng cộng sản đưa ra quyết định cuối cùng. Một xã hội như vậy lý tưởng hơn kiểu dân chủ phương Tây vì người ta quan tâm đến ý kiến của tất cả mọi người trong từng trường hợp cụ thể. Ở phương Tây, người dân chỉ có cơ hội lên tiếng thông qua lá phiếu bốn năm một lần. Trong xã hội sô-viết, chính trị được thảo luận khắp mọi nơi và trong các cuộc họp. Nhưng Lenin không tin người dân có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nên loại bỏ việc thảo luận.
Tuy nhiên, những người bị Lenin áp đặt không phải là trẻ con. Đó là những người lớn. Họ có những ý kiến hoàn toàn khác biệt và có thể vẫn giữ vững lập trường của mình. Đây là điều Lenin không thể chấp nhận. Vì vậy, để người dân vâng lời, họ phải bị đánh đòn. Lenin bắt đầu giết những người nào không chịu hiểu cái gì tốt nhất dành cho họ. Tàn sát chính trị xảy ra như cơm bữa. Cuộc cách mạng tìm ra một loại tội phạm mới : kẻ thù giai cấp và phản cách mạng. Hai thuật ngữ này được sử dụng trong tất cả các chế độ độc tài cộng sản khi người ta truy nã và thanh toán các đối thủ chính trị của chế độ.
Khủng bố là mục tiêu chính và chế độ độc tài của giai cấp vô sản
Giống như thần tượng Robespierre của mình, Lenin tin rằng bạo lực có thể giải quyết hầu hết các vấn đề. Robespierre (1758-1794) cầm đầu giai đoạn phản dân chủ và tàn bạo nhất trong lịch sử cách mạng Pháp qua việc khủng bố và chặt đầu khoảng 17.000 người, kể cả vua Pháp. Robespierre muốn chôn vùi tất cả những gì xưa cũ và xây dựng một thế giới mới. Ông còn lập ra lịch cách mạng để bắt đầu một kỷ nguyên mới và cuộc cách mạng thuộc năm thứ nhất, tượng trưng cho sự đoạn tuyệt với quá khứ. Lenin cũng đưa ra một lịch mới nhưng không quá cực đoan như người Pháp.
Theo gương Robespierre, Lenin dẹp bỏ thế giới cũ và mọi chướng ngại cản trở việc thành lập thế giới mới. Trong những năm 1918 – 1920, hồng quân bolshevik tiến hành cuộc nội chiến tàn khốc chống các lực lượng chống cộng khác nhau có tên là "Bạch Nga". Ông tuyên bố cuộc cách mạng cộng sản đang trong giai đoạn chiến tranh, tuyên chiến chống lại xã hội Nga truyền thống và vẫn tiếp tục ngay cả sau khi các lực lượng Bạch Nga bị đánh bại. Dự án của Lenin trở thành cuộc tổng vệ sinh xã hội. Điều này có nghĩa Lenin tẩy sạch lớp "người Nga cũ" và "giai cấp xã hội xa lạ", theo cách ông gọi họ. Việc làm này không khác với giấc mơ về sự thuần khiết dưới thời Hitler và trong cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc. Mọi người sống dưới đế chế Nga trước kia giờ đây trở thành công dân xô viết. Công dân xô viết chia sẻ cùng chung ý tưởng dù bất cứ ở đâu. Từ những nước nhỏ như Armenia và Azerbaijan đến các quốc gia hùng mạnh như Georgia, Ukraine, Belarus và Moldova. Năm 1922, Liên Bang Xô Viết được chính thức thành lập. Người xô viết phải học tập chủ thuyết của Lenin và gọi nhau là đồng chí. Tôn giáo và văn hóa truyền thống bị dẹp bỏ. Rất nhiều tổ chức như công đoàn tự do, hướng đạo, Hội Tam Điểm và tất cả các đảng phái chính trị bị cấm – ngoại trừ đảng cộng sản. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989, Liên Xô tan rã tách thành nhiều quốc gia khác nhau.
Triết gia người Đức Immanuel Kant từng nói, một xã hội công bằng và đạo đức phải được xây dựng trên nguyên tắc con người mới chính là mục tiêu chứ không phải là phương tiện để đạt đến mục đích. Lenin không nghĩ như vậy. Theo ông, chết chóc, tra tấn và đói khát là cái giá cần thiết phải trả để đạt được mục tiêu. Một ví dụ minh họa cho việc khủng bố là phương tiện : trong một lệnh gửi cho hồng vệ binh trong cuộc nội chiến năm 1918, Lenin ra lệnh giết 100 nông dân nhằm gieo rắc sợ hãi và cảnh cáo những ai chống lại cách mạng :
1. Treo cổ (công khai cho mọi người nhìn thấy) ít nhất 100 tên địa chủ, phú hộ và bọn hút máu nhân dân.
2. Công bố tên tuổi của chúng.
3. Tịch thu toàn bộ ngũ cốc.
4. Phân loại con tin theo telegram ngày hôm qua. Theo cách mọi người dù ở xa hàng trăm km vẫn có thể thấy, run sợ, biết, hét lên : họ đập nát và bóp chết những tên địa chủ khát máu.
Nhân viên điện báo đã nhận và thi hành mệnh lệnh.
Lenin
P.S : Hãy tìm những kẻ ngoan cố
Trong cuộc cách mạng và thời gian nội chiến, nhiều nông dân gia nhập hồng quân vì Lenin hứa cho họ đất đai. Năm 1918, Lenin quyết định không cho họ quyền sở hữu những vùng đất đã hứa. Thay vào đó, đất đai bị tập thể hóa hay tịch thu. Nhà nước chiếm hữu đất đai và nông dân mất quyền kiểm soát những gì họ đã sản xuất. Họ chỉ được giữ lại một số hàng hóa tối thiểu để sinh sống. Cuộc nội chiến và cuộc chiến vì chủ nghĩa cộng sản cần có lương thực nhưng Lenin cũng nóng lòng thực hiện ngay ý tưởng cộng sản. Ông muốn thay đổi toàn bộ cơ cấu xã hội Nga trong chớp mắt. Lenin cũng muốn hủy bỏ nền kinh tế tiền tệ. "Chúng tôi đang tiến nhanh đến việc xóa bỏ đồng tiền", Grigory Zinoviev, một trong những cộng tác viên của Lenin nói như vậy năm 1918. Rốt cuộc, việc hủy bỏ nền kinh tế tiền tệ dẫn đến hỗn loạn và trì trệ.
Nông dân tỏ ngay thái độ bất hợp tác. Lenin nổi giận gửi vệ binh đỏ về làng quê để tịch thu nông phẩm. Nhưng chính bọn này cũng đói nên trộm thực phẩm thay vì chuyển đi.
Theo Lenin, nông dân có thể chia thành hai nhóm : địa chủ, hay kulak, bị coi là một phần của giai cấp tư sản nên cũng là kẻ thù của cách mạng và những nông dân nghèo được xem là một phần của giai cấp vô sản. Trong cuộc nội chiến, sự phân biệt này không rõ ràng nên một số lớn nông dân cũng đều bị xem là kulak.
Tháng Tư năm 1918, Lenin khai chiến với nông dân : "Bọn tiêu dùng vặt vãnh căm ghét tổ chức và kỷ luật. Đã đến lúc chúng ta phải thẳng tay tiêu diệt bọn chủ đất cỏn con này". Vệ binh đỏ bắt đầu truy lùng và bắn chết những nông dân nào không muốn cộng tác, trên khắp nước Nga. Ủy viên tiếp vụ cổ động chiến tranh : "Chỉ với khẩu súng trên tay, chúng ta sẽ có được ngũ cốc".
Cuối cùng Lenin nhận ra sai lầm và giảm dần tốc độ chiến tranh vì chủ nghĩa cộng sản. Năm 1921, ông đưa ra Chính sách kinh tế mới (New Economic Policy, NEP) cho phép nông dân sản xuất và thu lợi nhuận. Lenin dẫn nhập một phần chủ nghĩa tư bản vào nước Nga. Nhưng, khi đó vùng quê đã bị hủy hoại và thành phố thiếu thực phẩm trầm trọng. Bước ngoặt NEP đến quá muộn. Hàng triệu người đã chết đói hay đã bị đám vệ binh đỏ hành quyết. Điều mỉa mai là sau đó Lenin phải xin quốc gia tư bản Hoa Kỳ trợ giúp giải quyết thảm họa do đã cưỡng ép đất nước đi theo mô hình cộng sản. Và Hoa Kỳ đã giúp ông.
Cũng nên biết cho đến năm 1917, Nga là quốc gia xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Năm 1921, hàng triệu người chết vì đói. Thịt người được bày bán ở những vùng đói kém nhất. Khi tình trạng thực phẩm đang ở mức thiếu hụt trầm trọng thì nước Nga lại mất mùa. Thực phẩm dự trữ hoàn toàn không còn để khắc phục vấn đề.
Mặc dù NEP có tác động tích cực một thời gian, mọi thứ lại tuột dốc nhanh chóng một lần nữa. Thực phẩm tiếp tục khan hiếm và mùa màng thất bát vì thiếu hạt giống. Nông đân giữ lại thức ăn vì giá thị trường quá thấp không đủ để sống. Hàng ngàn nông dân buộc phải làm việc trong ngành kỹ nghệ sắt thép vốn vô ích và không hiệu quả. Nông thôn trở nên điêu tàn. Tại thành phố, thực phẩm thiếu đến mức hàng trăm ngàn người phải đi về thôn quê để tìm hay trộm cắp thức ăn.
Có lẽ chủ nghĩa cộng sản là lý do chính khiến Lenin không chịu nghe những tiếng nói đối lập. Ổn định cách mạng là kết quả cần thiết của độc tài của giai cấp công nhân vô sản. Lenin cho rằng cuộc cách mạng đang trong thời kỳ chiến tranh nên phải tàn nhẫn. Ông nói : "Đây là ý nghĩa thuần túy khoa học của nền độc tài vô sản. Chính quyền không có giới hạn, chỉ dựa trên sức mạnh, không quan tâm đến luật lệ và hoàn toàn không theo quy tắc nào cả".
Lenin tin rằng bạo lực là yếu tố tối cần để thay đổi lịch sử vì bọn quý tộc và giai cấp tư sản không tự nguyện từ bỏ quyền lực. Khi có điều kiện thích hợp, cuộc cách mạng sẽ cởi mở và dân chủ hơn. Mọi người sẽ có việc làm, nhà cửa, thực phẩm và công nhân sẽ tiếp quản mọi phương tiện sản xuất trong xã hội. Công dân sẽ nhận ra xã hội cộng sản là cái tốt nhất cho tất cả mọi người.
Lenin vốn là kẻ cứng đầu, ngay cả những năm trước cuộc cách mạng. Cuối những năm 1800, nạn đói xảy ra ở các tỉnh khu vực Volga. Văn hào Leo Tolstoy phát động chiến dịch gây quỹ cứu đói. Lenin cực lực phản đối và từ chối thẳng thừng mọi nỗ lực cứu đói. Ông cho rằng những thảm họa như vậy là hệ quả tất yếu do những bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đói là tín hiệu cho thấy một nước Nga đang xuống dốc. Cứu trợ khẩn cấp chỉ giúp Nga hoàng được tiếng tốt. Lenin cho rằng nạn đói là "yếu tố tiến bộ" thúc đẩy cuộc cách mạng thành hình. Ông gây sốc khi gọi cuộc cứu trợ khẩn cấp là "cảm tính". Lenin lãnh đạm hoàn toàn trước những khổ đau của con người.
Lenin có rất nhiều tham vọng và cho rằng thành quả lớn cần phải hy sinh lớn. Rất tiếc tham vọng chẳng qua chỉ trên lý thuyết trong khi những vụ tàn sát tập thể là hiện thực. Cơ hội khả thi thực sự của chủ nghĩa cộng sản, cái Lenin không xem xét nghiêm túc, là làm loài người trở nên cảnh giác trước một trải nghiệm xã hội lớn như vậy.
George Orwell trong Animal Farm đã rất đúng khi nói rằng mọi người đều giống nhau nhưng một số người giống nhau nhiều hơn những người khác. Orwell ngầm phản đối ý tưởng tuyệt đối bình đẳng trong suy nghĩ, tiền bạc, công việc. Đó là điều không tưởng vì trái ngược với khả năng thực sự của con người. Liệu sự bình đẳng như nguyên tắc cơ bản trong nhà nước và cư dân có thể thực hiện mà không cần đến sự ép buộc vĩnh viễn ? Còn đối với những người không muốn bình đẳng vì những lý do khác ? Làm cách nào để buộc những người đã tin vào một thượng đế suốt bao thế hệ giờ phải tin vào một ý thức hệ vốn chỉ một vài người nghe nói đến trước năm 1917 ?
Cứu cánh và phương tiện
Cuộc cách mạng Nga là khúc dạo đầu của cơn say bạo lực cộng sản trong thế kỷ 20, dẫn đến cái chết của cả trăm triệu người. Tuy nhiên, đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản là biểu tượng cho sự tốt đẹp : một xã hội tốt hơn và công bình hơn, nơi sự nghèo đói được xóa bỏ. Nhưng đây lại là mâu thuẫn lớn của chủ nghĩa cộng sản : đó là niềm hy vọng vào một xã hội cộng sản không nghèo đói và chủ nghĩa cộng sản trong thực tế.
Chính chế độ của Lenin đã cải biến lý thuyết trên sách vở và từ các cuộc thảo luận chính trị trong các quán cà phê thành hiện thực tàn khốc và áp bức. Mặc dù Lenin được nhiều người đồng tình, các nhà sử học từ lâu đã phê phán ông không thương tiếc và khẳng định Lenin là người sáng lập chủ nghĩa cộng sản toàn trị. Mật vụ, trại tù, cải tạo, tuyên truyền, sùng bá lãnh tụ và nhà nước toàn trị đã được thực hiện từ lâu ngay trước khi Stalin tiếp quản quyền lực năm 1924.
Sau khi phe bolshevik thắng cuộc nội chiến, kinh tế và cấu trúc xã hội Nga sụp đổ hoàn toàn, công nhân tại các nhà máy lớn đình công vì thiếu thực phẩm. Lenin đã đàn áp dã man các cuộc đình công và đày hàng chục ngàn người đi làm lao động khổ sai ở Siberia. Năm 1921, Lenin nói nước Nga không còn người vô sản nữa nên các cuộc đình công không cần thiết. Công nhân và nông dân xô viết, nền tảng của cuộc cách mạng, trở thành kẻ thù của nhân dân. Đình công là vũ khí và là cũng biểu tượng quan trọng nhất của giai cấp công nhân bị cấm trong suốt giai đoạn lịch sử cộng hòa nhân dân xô viết. Những người trước kia được Lenin cam kết sẽ phục vụ họ nay đều bị xem là kẻ thù lớn nhất của ông.
Lenin là bức minh họa cho thấy chủ nghĩa cộng sản khó có thể thực hiện trong thực tế. Tất cả các chế độ cộng sản đều trở thành độc tài và phạm tội chống lại loài người. Khoảng 100 triệu người đã bị giết trong hệ thống cộng sản. Tại sao lại như vậy ? Phải chăng chủ nghĩa cộng sản là ý tưởng tốt nhưng bị thực hiện sai hay ngay từ đầu đã là ý tưởng tồi ? Việc trộn lẫn khái niệm về công lý, phân phối và bình đẳng với ý tưởng cộng sản khiến lịch sử đẫm máu của chủ nghĩa này được xem như tai nạn lao động.
Nhưng ý thức hệ cộng sản còn đi xa hơn việc chỉ ước muốn một thế giới công bình. Theo George Orwell và Albert Camus, chủ thuyết cộng sản được thiết kế để việc sử dụng quyền lực vượt ngoài vòng kiểm soát, sức mạnh nằm trong tay một thiểu số rất ít người và cai trị độc tài. Hai ông cho rằng các ý tưởng về chuyên chính vô sản và dân chủ tập trung là công thức thuần túy của nhà nước toàn trị. Không gì dễ dàng bằng việc lạm dụng quyền lực. Lãnh tụ đảng cộng sản có tất cả quyền lực và luôn luôn đúng. Phần thưởng của chủ nghĩa cộng sản là một khi đã nắm được quyền lực, họ sẽ ngồi ở vị trí đó mãi mãi. Thực tế cho thấy hầu hết các nhà độc tài cộng sản chỉ rời bỏ quyền lực khi chết hay vì quá đau yếu. Và chuyện chuyển giao quyền lực cho người thân trong gia đình như Fidel Castro giao quyền cho em trai mình, Raul Castro, ở Cuba là trường hợp không hiếm.
Người cộng sản lật đổ giới quý tộc và tư sản rồi tự lên nắm quyền như giới quý tộc mới. Hầu hết những lãnh tụ các quốc gia cộng sản sống trong nhung lụa và có những đặc quyền đặc lợi mà người dân thường chỉ có thể mơ ước (Nicolae Ceaucescu của Romania xây lâu đài Primaverii riêng, bao bọc bằng đá cẩm thạch dát vàng và có một tài sản khổng lồ ; Kim Jong-iI của Triều Tiên sưu tập xe ô tô thể thao Mazda RX-7 và rượu vang quý).
Theo truyền thống, chủ nghĩa cộng sản chia nhân loại ra làm hai phần : những người theo chúng ta (tầng lớp lao động và đảng) và những kẻ chống chúng ta (bọn tư bản và tất cả những ai chạy theo chúng). Ý thức hệ cộng sản hoàn toàn đúng đắn và khoa học do đó nó cao hơn các ý thức hệ khác. Tự bản thân tư tưởng cộng sản là khoa học nên xã hội cộng sản phát triển như tất yếu lịch sử. Dù muốn hay không, nó vẫn xảy ra giống như tiếng sấm đến sau tia chớp. Các lãnh tụ độc tài cộng sản cho rằng việc tranh luận về những vấn đề trên thế giới và cố thuyết phục lẫn nhau là thừa thãi bởi lẽ ý thức hệ cộng sản không chỉ là quan điểm về thế giới mà còn là sự khách quan về sự thật.
Triết gia người Đức Karl Popper đã vạch ra các điểm tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít. Cả hai chủ thuyết này tự cho đã hoàn chỉnh và mọi hệ tư tưởng khác đều sai lầm. Cả hai hệ thống đều sử dụng bạo lực và biện minh việc đối xử vô nhân đạo với đối thủ là chính đáng. Thuyết đấu tranh giai cấp của cộng sản và thuyết phân biệt chủng tộc của Đức Quốc Xã sử dụng ngôn ngữ chiến tranh để kêu gọi nhân dân chống lại kẻ thù.
Di sản của Lenin (và giai đoạn bạo lực trong cuộc cách mạng Pháp) đã tạo ra kiểu tuyên truyền cộng sản với ngôn ngữ khích động bạo lực và tư tưởng chiến tranh. Bài hát nổi tiếng Quốc Tế Ca (The International) được cả người dân chủ xã hội và những người theo chủ nghĩa lenin sử dụng và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới . Bản nhạc này cũng là bài quốc ca của Liên Xô cho đến năm 1944. Bài Quốc Tế Ca lời Việt là một ví dụ :
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi, quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.
Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. "Lin-ter-na-ti-o-na-le" sẽ là xã hội tương lai…
Khó biết chính xác số người đã người chết dưới sự cai trị của Lenin. Hầu hết các nhà nghiên cứu ước tính con số này từ 17 triệu đến 20 triệu. Trong đó, khoảng 12 triệu người, một phần mười dân số Nga, chết trong cuộc nội chiến và những người bolshevik phải chịu trách nhiệm. Khoảng một triệu người bị giết do bạo lực và rất nhiều người trong số đó bị hành quyết hàng loạt sau khi đầu hàng. Năm triệu người chết đói do chính sách kinh tế sai lầm thảm hại. Hàng trăm ngàn người mất tích.
Theo thống kê Nga, từ mùa Thu năm 1917 đến đầu năm 1922, dân số Nga đã giảm 12,7 triệu người. Sau khi Lenin chết, Stalin tiếp tục tiến hành bạo lực cách mạng. 62 triệu người đã bị giết trong giai đoạn lịch sử nhà nước Liên Xô.
Hoàng Thủy Ngữ
(23/04/2019)
Tham khảo :
- History.com
- Bbc.co.uk
- Big brother kills. About totalitarianism. (Bård Larsen. Civita)