Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/04/2019

‘Tăng quyền cho thủ tướng’ : Từ Dũng đến Phúc

Thường Sơn

Không biết vô tình hay hữu ý, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa làm tờ trình cho Ủy ban Thường vụ quốc hội về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ trùng với thời gian xảy ra cú đổ bệnh thình lình như bị trời giáng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’.

tang1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc tại hành lang Quốc hội (04/04/2016). Ảnh Đấu Thấu

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tờ trình dự án luật của Chính phủ đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng là : Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến địa phương ; Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, nội dung ‘tăng quyền cho thủ tướng’ vào lần này do Thủ tướng Phúc đề nghị là khiêm tốn hơn hẳn những nội dung của Nguyễn Tấn Dũng cũng về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ - được đưa ra Quốc hội vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Đến đầu năm 2015, một tuần sau khi Hội Nghị Trung Ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ tướng Dũng, ông ta lại vấp phải một thách thức không nhỏ trên cung đường cần "thanh toán" nốt những gì còn ngáng trở trước khi Đại Hội 12 của đảng diễn ra vào đầu năm 2016.

Phiên họp đầu tiên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong tháng Giêng năm 2015 đã tiếp biến kết quả "Đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng chính phủ" - theo cách rút tít nhẹ nhàng nhất mà một số tờ báo trong nước đưa tin, hoặc có báo mô tả bộc trực hơn "không thêm quyền cho thủ tướng".

Người chủ trì đề nghị "cân nhắc" trên lại là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, một nhân vật được cho là "cánh tay phải" của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và đã có ít nhất mối "duyên nợ" với Thủ Tướng Dũng từ phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội lần trước.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) khi đó, ông Lý cho biết Ủy Ban Pháp Luật tán thành nhiều nội dung, nhưng "cần cân nhắc 4 quyền hạn của thủ tướng cho phù hợp quy định của Hiến Pháp" :

"Một là, trong thời gian Quốc Hội không họp, trình chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.

Hai là, giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc Hội phê chuẩn và chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.

Ba là, tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Khoản 6 Điều 24.

Bốn là, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân tại Khoản 6 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến Pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho thủ tướng chính phủ như quy định của dự thảo luật".

Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền "nắm" hoặc chỉ đạo trực tiếp Bộ Quốc Phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia, đặc biệt là "tình trạng khẩn cấp".

Trước đó, ông Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội dẫn ra Ðiều 17 trong dự thảo Luật Tổ Chức Chính Phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì hiến pháp không nói chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.

"Tôi cho là phải xác định rõ vai trò của chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng hiến pháp. Hiến pháp quy định nhà nước củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân, từng bước chính quy, hiện đại. Ghi thế này là chính phủ xây dựng quân đội nhân dân thì không phải".

Nội dung "tranh tụng" trên là rất đáng lưu tâm. Theo hiến pháp, "Thống lĩnh quân đội" vẫn là quyền của chủ tịch nước khi đó - tức ông Trương Tấn Sang. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu cả ông Sang và thủ tướng đương nhiệm cùng có quyền hành chỉ đạo quân đội ? Khi đó, quyền lực sẽ theo thế "song kiếm hợp bích" hay thực chất rơi vào tay ai ?

Bốn năm sau, kịch tính xuất hiện khi Nguyễn Phú Trọng bất thần phải ‘nằm xuống’. Khoảng trống quyền lực mà Trọng để lại là quá lớn, không chỉ hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước mà còn cả quyền lực của khối hành pháp mà Trọng chưa kịp với tay tới.

Nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu. Phúc, cũng bởi thế, sẽ tràn đầy cơ hội ‘tăng quyền cho thủ tướng’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 26/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 956 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)