Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Malaysia "sẵn sàng đàm phán" với Trung Quốc về khai thác dầu khí tại nơi tranh chấp

Trọng Thành, RFI, 03/04/2023

Chính quyền Malaysia hôm 03/04/2023, cho biết kiên quyết tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đông, tại một số nơi mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền nhưng sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh, để "bảo đảm an toàn" cho các hoạt động khai thác dầu khí quốc gia, theo hãng tin Pháp AFP.

malaysia1

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong cuộc họp báo tại phủ thủ tướng ở Putrajaya, Malaysia ngày 25/11/2022. AP

Thủ tướng Anwar Ibrahim - người vừa có chuyến công du Bắc Kinh tuần trước - cho biết vấn đề "nhạy cảm" này đã được trực tiếp nêu ra trong cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo hãng tin Nhà nước Malaysia Bernema, thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, khẳng định : "Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này. Tôi đã nói, là một quốc gia nhỏ, chúng tôi cần tài nguyên, (như) dầu khí, chúng tôi phải tiếp tục (các dự án thăm dò)", "nhưng nếu điều kiện là cần phải có đàm phán, thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán".

Thủ tướng Malaysia không cung cấp thêm chi tiết về cuộc nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bài phát biểu hàng tháng trước toàn thể cán bộ, viên chức Văn phòng Thủ tướng.

Công ty năng lượng Nhà nước Malaysia Petronas có giàn khoan dầu lớn nhất và một số dự án thăm dò khác tại khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Năm 2021, Malaysia đã phải triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc tàu thuyền và không quân Trung Quốc áp sát khu vực khai thác dầu khí.

Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác để tăng tốc đàm phán COC"

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm qua, 02/04/2023, dẫn lại tin từ Tân Hoa Xã, cho hay Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác để tăng tốc đàm phán" về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát biểu được thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra trong cuộc gặp người đồng cấp Malaysia tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy, 01/04.

Sau một thời gian tạm ngưng do đại dịch Covid, đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, giữa Trung Quốc và khối ASEAN, đã được nối lại kể từ ngày 08/03 vừa qua. Indonesia, quốc gia chủ tịch luân phiên khối ASEAN năm nay và Trung Quốc đã cam kết đẩy nhanh đàm phán để sớm đúc kết Bộ Quy tắc COC. Tuy nhiên, đông đảo giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về một bước đột phá. Trên trang mạng The Diplomat, nhà nghiên cứu Collin Koh nhận định "các trường hợp gần đây về hành động dùng vũ lực trên biển của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á tranh chấp, như Indonesia, Malaysia và Philippines, sẽ không góp phần xây dựng được lòng tin".

Trọng Thành

************************

Malaysia mở rộng cửa về đàm phán với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông

RFA, 03/04/2023

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào ngày 3/4 cho biết ông sẵn sàng đàm phán với phía Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông giữa đôi bên.

malaysia2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - AP

Phát biểu của Thủ tướng Malaysia như vừa nêu được đưa ra chỉ ít ngày sau khi có báo cáo nói tàu hải cảnh CCG 5901 của Trung Quốc áp sát một dự án khí đốt của Malaysia tại Biển Đông.

Reuters loan tin ngày 3/4 dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đưa ra hồi tuần rồi nêu rõ tàu hải cảnh CCG 5901 suốt tháng qua hoạt động gần khu mỏ khí Kasawari ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Khu mỏ khí này do Tập đoàn Petronas vận hành khai thác. Báo cáo nói có lúc tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ cách mỏ khí chừng 1,5 dặm. Khu mỏ này được dự kiến đi vào sản xuất trong năm nay.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Malaysia Petronas từng có những vụ đối đầu với tàu Trung Quốc.

Reuters có yêu cầu Hải quân Malaysia bình luận về thông tin vừa nêu nhưng chưa được trả lời ; trong khi đó Tập đoàn Petronas từ chối bình luận với Reuters.

AMTI cũng cho biết tàu hải cảnh 5901, một tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, cũng từng hoạt động tại lô mỏ khí Tuna của Indonesia và mỏ Chim Sáo của Việt Nam.

Vào sáng ngày 26/3 vừa qua, dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Marine Traffic dựa trên tín hiệu cả Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) cho cho thấy, tàu hải cảnh CCG 5205 và tàu kiểm ngư 278 của Việt Nam có cuộc chạm trán căng thẳng. Hai tàu áp sát nhau ở cự ly gần nhất là 10 mét.

Vụ việc xảy ra ở vùng biển cách Bãi Tư Chính 50 hải lý (92,6 km) về phía nam – nơi được biết đến như một điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn : RFA, 03/04/2023

Published in Châu Á

Chính sách của Malaysia đối với tranh chấp trên Biển Đông

Ian Storey, Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia này, duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

malaysia0

Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách là duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Tóm tắt

- Nhìn chung, trong 3 thập kỷ qua, chính sách của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông chỉ có những điều chỉnh nhỏ.

- Chính sách này được thiết kế nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của Malaysia, duy trì luật pháp quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

  • Để đạt được các mục tiêu chính sách, các chính phủ kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính : bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ; bớt chú trọng vào tranh chấp nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc ; và thúc đẩy tiến trình xử lý xung đột do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lãnh đạo.
  • Chính quyền Liên minh Hy vọng (PH - Pakatan Harapan - Malay for 'Alliance of Hope') do Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo đã theo đuổi chính sách và các chiến lược tương tự, nhưng với thái độ chỉ trích hành xử của Trung Quốc hơn một chút so với chính phủ tiền nhiệm của Najib Razak.
  • Có khả năng các chính quyền hậu PH giữ vững chính sách Biển Đông hiện nay của Malaysia.

Giới thiệu

Sau một tuần chính trường trở nên hỗn loạn khi chứng kiến sự sụp đổ của Chính quyền PH và Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức, ngày 1/3/2020, ông Muhyiddin Yassin đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng Malaysia thứ 8. Ít nhất là trong ngắn hạn, Thủ tướng Muhyiddin không thể tuyên bố bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của nước này vì hai lý do. Thứ nhất, ông sẽ bận rộn với việc củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo liên minh mong manh của mình có thể tồn tại. Thứ hai, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc trưng chính sách đối ngoại của Malaysia là sự liên tục.

Có thể thấy sự liên tục về chính sách trong cách tiếp cận của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông. Trong 3 thập kỷ qua, các đời thủ tướng – người nắm toàn quyền quyết định chính sách đối ngoại của Malaysia – đã tìm cách bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ - Exclusive Economic Zone) của họ, ngăn không để tranh chấp này làm tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc (đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia), duy trì luật pháp quốc tế và xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bài viết này xem xét các tuyên bố về lãnh thổ và quyền tài phán của Malaysia cùng với chính sách và các chiến lược của họ ở Biển Đông, tập trung vào thời gian Chính quyền PH cầm quyền từ tháng 5/2018 cho đến tháng 2/2020.

Các tuyên bố của Malaysia ở Biển Đông

Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với 10 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia dường như đã từ bỏ chủ quyền đối với cấu trúc địa hình thứ 11, đá Louisa, trong một thỏa thuận song phương nhằm phân định ranh giới trên biển với Brunei vào năm 2009. Dựa trên nguyên tắc phân định thềm lục địa, Kuala Lumpur cũng tuyên bố quyền tài phán đối với bãi ngầm James (cách Sarawak 45 hải lý) và một nhóm các cấu trúc địa hình ngầm và nửa ngầm được biết đến với tên gọi cụm bãi cạn Luconia (cách Sarawak 54 hải lý).

Malaysia chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa : đá Swallow (đá Hoa Lau), chiếm giữ năm 1983 ; đá Mariveles (đá Kỳ Vân) và đá Ardasier (đá Kiệu Ngựa) năm 1986 ; bãi Investigator (bãi Thám hiểm) và đá Erica (đá Én ca) năm 1999. Họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với hai cấu trúc địa hình chưa bị chiếm giữ là đá Dallas (đá Suối cát, gần đá Ardasier) và đá Royal Charlotte (Đá Sắc Lôt, gần đá Swallow).

Tuyên bố chủ quyền của Malaysia chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền vì cho rằng chúng nằm trong phạm vi "đường 9 đoạn" bành trướng tới hơn 80% Biển Đông. Ngay cả bãi ngầm James nằm dưới mặt nước Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc lãnh thổ nằm ở phía cực Nam của họ. Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với đảo An Bang và đá Alison (đá Tốc Tan) do Việt Nam chiếm giữ và đá Commodore (đá Công Đo) do Philippines chiếm giữ. Tranh chấp chính của Malaysia là với Trung Quốc, dù một báo cáo gần đây chỉ ra một số bất đồng với Việt Nam.

Chính sách của Malaysia ở Biển Đông

Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ. Chính sách đó bao gồm 3 yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền chủ quyền trong EEZ của nước này. Các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền nằm gần bang Sarawak và Sabah, và vùng biển ngoài khơi hai bang này có các ngư trường và trầm tích dầu quan trọng. Trầm tích dầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì đây là một nguồn thu nhập sinh lời. Năm 2019, Malaysia là nhà sản xuất khí tự nhiên đứng thứ ba thế giới (29 triệu tấn) và là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ 26 thế giới (661.240 thùng/ngày).

Yếu tố thứ hai là duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không. Là một nước nhỏ, Malaysia nhiệt liệt ủng hộ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Kuala Lumpur ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán mâu thuẫn, tham gia 3 vụ kiện lớn với Indonesia và Singapore và tuân thủ các phán quyết của tòa. Malaysia phân định ranh giới trên biển của họ với Brunei vào năm 2009 và với Indonesia ở đảo Sulawesi vào năm 2018. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS - Commission on the Limits of the Continental Shelf) của Liên hợp quốc các tuyên bố về thềm lục địa của hai nước này ở khu vực phía Nam Biển Đông. Khi Tòa trọng tài ra phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7/2016, Malaysia đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng nên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua việc "hoàn toàn tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao" trong đó có UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea). Chính phủ Malaysia hoàn toàn nhất trí với phán quyết của Tòa trọng tài rằng "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS. Tháng 3/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khi đó Anifah Aman đã nói với Quốc hội rằng Malaysia không công nhận "đường 9 đoạn" và do đó không có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước.

Yếu tố thứ ba là thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông. Là một nước phụ thuộc vào thương mại, sự thịnh vượng về kinh tế của Malaysia dựa vào dòng chảy thương mại tự do trên biển thông qua eo biển Malacca và Biển Đông. Điều mang tính then chốt là các tuyến liên lạc trên biển đi qua Biển Đông kết nối Malaysia bán đảo với khu vực miền Đông Malaysia.

Các chiến lược của Malaysia

Để đạt được các mục tiêu chính sách của mình ở Biển Đông, các chính phủ Malaysia kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính.

Thứ nhất là khẳng định và bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia. Từ cuối những năm 1980, chính sách quốc phòng của Malaysia đã trở nên hướng ngoại hơn do sự thất bại của các cuộc nổi dậy và tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông. Tranh chấp trên biển đã ảnh hưởng đến một số quyết định lớn về việc mua sắm thiết bị quốc phòng, đáng chú ý là việc mua hai tàu ngầm vào những năm 2000. Malaysia đã cho binh lính đóng quân tại 5 đảo san hô vòng mà họ chiếm giữ, và Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF - Royal Malaysian Air Force), Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN - Royal Malaysian Navy) và Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA – Malaysian Maritime Enforcement Agency hay Cảnh sát biển) thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trong EEZ của nước này để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG - China Coast Guard) đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở cụm bãi cạn Luconia, và vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, họ đã gia tăng hoạt động, tìm cách phá hoại hoạt động khoan thăm dò của Malaysia trong khu vực bằng cách quấy nhiễu các giàn khoan, tàu khảo sát và tàu tiếp tế của Malaysia. Điều này đã dẫn đến một loạt vụ đối đầu căng thẳng giữa các tàu của Chính phủ Malaysia và Trung Quốc trong khu vực này.

Chiến lược thứ hai là bảo vệ mối quan hệ kinh tế có giá trị của Malaysia với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp. Kể từ đầu những năm 1990, chính sách của Malaysia với Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn trong khi công khai loại bỏ ý niệm rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Malaysia, và để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của nước này và ngăn không cho tranh chấp biển phủ bóng lên mối quan hệ (như đã xảy ra theo thời kỳ trong cả quan hệ Trung-Việt lẫn Trung Quốc-Philippines), Kuala Lumpur đã nhất quán không nhấn mạnh vào vấn đề này và cố gắng kiềm chế tình cảm dân tộc chủ nghĩa đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Do đó, nhìn chung, truyền thông trong nước tránh đề cập, giảm mức độ nghiêm trọng hoặc phủ nhận các vụ việc trên biển giữa tàu của Malaysia và Trung Quốc. Điều này đặc biệt rõ ràng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) khi Malaysia tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm một vài dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI - Belt and Road Initiative). Chẳng hạn, tháng 3/2013, 4 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James. Ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia bác bỏ thông tin này dù sau đó RMN đã xác nhận. Vài tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Hishammuddin Hussein nói với truyền thông rằng Malaysia không quan ngại về sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc trong EEZ của nước này như các nước tuyên bố chủ quyền khác, tuyên bố rằng : "Chỉ vì các anh có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của các anh là kẻ thù của chúng tôi". Tháng 1/2014, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James, nhưng RMN khẳng định hoạt động này diễn ra ngoài EEZ của Malaysia. Tháng 3/2016, trước sự hiện diện của gần 100 tàu đánh cá Trung Quốc cùng các tàu hộ tống của CCG ở cụm bãi cạn Luconia, Chính phủ Malaysia đã đưa ra phản ứng yếu ớt đến mức gây chú ý.

Malaysia tránh đưa ra một phản ứng quân sự trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc không chỉ để bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước này mà còn vì Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF - Malaysian Armed Forces) không được cấp vốn và trang thiết bị đầy đủ và quá tải khi phải đối phó với các mối đe dọa về an ninh khác như cướp biển, di cư bất hợp pháp, khủng bố và các cuộc xâm nhập biên giới. Malaysia cũng từ chối đệ trình tranh chấp này lên Tòa trọng tài quốc tế vì Trung Quốc sẽ xem đây là một hành động thù địch (như họ đã làm khi Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về luật biển năm 2013). Malaysia và Trung Quốc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao hậu trường kín đáo.

Chiến lược thứ ba là ủng hộ tiến trình xử lý tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC - Declaration of Conuct) năm 2002 và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC - Code of Conuct). Như một biện pháp giải quyết vấn đề này, về mặt nguyên tắc, các đời chính phủ Malaysia liên tiếp đã ủng hộ cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Khi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, các thủ tướng của Malaysia luôn lấy Thỏa thuận phát triển chung Malaysia-Thái Lan ở Vịnh Thái Lan năm 1979 làm mẫu. Tuy nhiên, trên thực tế, Kuala Lumpur không nghiêm túc theo đuổi lựa chọn này vì theo UNCLOS, họ có các quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của mình và không công nhận tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.

PH và tranh chấp ở Biển Đông

Cách tiếp cận của Chính phủ PH đối với Biển Đông nhất quán với các đời chính phủ trước và chỉ có một số điều chỉnh nhỏ. Sự nhất quán này không gây bất ngờ do Mahathir chính là người đã xây dựng chính sách của Malaysia đối với Trung Quốc (bao gồm cả đối với Biển Đông) trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông từ năm 1981 đến năm 2003. Khi ông trở lại cầm quyền vào tháng 5/2018, mối quan ngại chính về chính sách đối ngoại của ông là đàm phán các dự án BRI – mà trước đây ông từng chỉ trích là có cái giá quá cao, lãng phí và có tiềm năng là bẫy nợ - mà không gây tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc. Ông đã đạt được điều này.

Những sự điều chỉnh này là kết quả của bối cảnh địa chính trị của tranh chấp thay đổi, đặc biệt là sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, cùng với tình trạng đối địch Mỹ-Trung căng thẳng. Bối cảnh thay đổi này được phản ánh trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019 của Malaysia. Sách Trắng lưu ý rằng môi trường bên ngoài biến đổi và cuộc cạnh tranh sức mạnh ngày càng quyết liệt đã tạo ra những thách thức an ninh chưa từng có cho Malaysia. Cụ thể trong tranh chấp ở Biển Đông, Sách Trắng tuyên bố rằng các hoạt động do Trung Quốc lẫn Mỹ thực hiện đã biến vấn đề về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trở thành một trò chơi giữa các nước lớn.

Chính quyền PH trung thành với 3 chiến lược chính từ thời các chính quyền trước đó. Chiến lược thứ nhất là bảo vệ và khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này. Vài tháng sau khi nhậm chức, Mahathir nói Malaysia sẽ tiếp tục chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Sách Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế của môi trường biển của nước này khi tuyên bố đây là một trong những nguồn tạo nên sự thịnh vượng của Malaysia. Các vùng biển, đáy biển, tầng đất dưới, kênh rạch, không phận và thềm lục địa có vai trò then chốt đối với hoạt động thương mại, nghề cá và các nguồn lợi thủy sản, phương tiện vận tải, kết nối giữa nhân dân và các mô hình tạo ra của cải khác cho đất nước. Tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, đặc biệt là dầu khí, là một trong những nguồn thu nhập chính của Malaysia.

RMN và MMEA tiếp tục giám sát sự hiện diện của Hải quân, CCG và lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Các tàu chiến của RMN âm thầm hộ tống các giàn khoan và tàu tiếp tế của Malaysia ở gần cụm bãi cạn Luconia. Tháng 10/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah yêu cầu nâng cấp phạm vi hoạt động của RMN để đơn vị này gia tăng các hoạt động giám sát trong EEZ. Sách Trắng chỉ ra rằng RMN cần các tàu tiếp tế đa nhiệm, tàu tuần tra nhanh và các trạm radar trên bờ biển để hoàn thành nhiệm vụ này nhưng không đưa ra kế hoạch mua sắm chi tiết.

Tháng 12/2019, Malaysia nộp một đệ trình khác lên CLCS, lần này liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa của nước này ở phía Bắc Biển Đông. Đệ trình này hoàn toàn công nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 rằng không cấu trúc địa hình nào ở quần đảo Trường Sa là các hòn đảo có khả năng tạo ra các EEZ hay thềm lục địa. Trung Quốc phản đối đệ trình của Malaysia, cho rằng nó xâm phạm chủ quyền của họ và đề nghị CLCS không xem xét đệ trình này. Đáp lại, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Trước đó, vào tháng 10/2019, bộ phim hoạt hình "Abominable" (Everest : Người tuyết bé nhỏ) do Trung Quốc và Mỹ phối hợp sản xuất đã bị cấm công chiếu tại các rạp phim của Malaysia vì nhà sản xuất không làm theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt phim Malaysia về việc cắt một cảnh quay có xuất hiện bản đồ "đường 9 đoạn".

Chiến lược thứ hai là duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Nhìn chung, Chính quyền PH tiếp tục bớt chú trọng vào tranh chấp trên biển của nước này với Trung Quốc. Trong một số bài phỏng vấn trên truyền thông, Mahathir tuyên bố rõ ràng rằng để bảo vệ quan hệ thương mại và đầu tư quý giá với đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia, chính quyền của ông sẽ tránh chỉ trích những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông (và Tân Cương). Chẳng hạn, vào tháng 6/2018, ông lập luận rằng : "Chúng ta cần các thị trường do đó chúng ta không thể tranh cãi với một thị trường lớn như vậy" và vào tháng 9/2019, ông nói thêm rằng "đừng thử làm điều gì mà dù thế nào đi nữa cũng sẽ thất bại, tốt hơn là nên tìm cách nào ít mang tính bạo lực hơn để không gây thù địch quá mức với Trung Quốc, vì Trung Quốc có lợi cho chúng ta. Dĩ nhiên, họ là một đối tác thương mại lớn và chúng ta không muốn làm điều gì mà rồi sẽ thất bại và trong quá trình đó chúng ta sẽ chịu tổn hại". Mahathir cũng thường xuyên nêu bật những sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự giữa hai nước và việc MAF không có khả năng đối đầu với Trung Quốc : "Nếu Trung Quốc hành động, chúng ta ở vào vị trí không thể kháng cự hay chống lại họ... Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc là một nước lớn". Chính phủ PH cũng bác bỏ việc đệ trình các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của mình với Trung Quốc lên Tòa trọng tài.

Tuy nhiên, Chính phủ PH chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn một chút so với chính phủ tiền nhiệm. Không giống Najib và các bộ trưởng thời đó, các nhà lãnh đạo PH lớn tiếng hơn khi bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Quả thật, Sách Trắng nhận định rằng những hành động xâm nhập như vậy gây ra thách thức rõ ràng đối với các quyền chủ quyền của Malaysia. Sách Trắng cũng đề cập đến hành động quân sự hóa và các chính sách được cho là hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Như đã được lưu ý phía trên, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Mặc dù vẫn ở mức nhẹ nhàng, nhưng đối với Malaysia, những lời phát biểu như vậy cho thấy giọng điệu của họ đã trở nên cứng rắn hơn một cách đáng chú ý.

Đồng thời, Chính quyền PH đã cân bằng việc chỉ trích Trung Quốc bằng cách cũng chất vấn các hoạt động của Mỹ. Khi cầm quyền, Mahathir đã nhiều lần nói rằng các tàu chiến nước ngoài – có lẽ là của cả Mỹ lẫn Trung Quốc - ở Biển Đông đang gây bất ổn và làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự. Các bộ trưởng thời ông đã nhắc lại quan điểm này. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu gọi sự hiện diện của các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc là rất đáng lo ngại, trong khi Saifuddin chỉ trích cả hai nước này vì hoạt động quá tích cực trong khu vực. Sách Trắng cho rằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP - Freedom of Navigation Operations) của Mỹ ở Biển Đông đã góp phần vào cuộc cạnh tranh nước lớn ở Đông Nam Á. Để giảm bớt căng thẳng, Mahathir kêu gọi các nước không quân sự hóa Biển Đông và để khu vực này trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và có lợi cho thương mại, phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại được ấp ủ từ lâu của Malaysia là biến Đông Nam Á trở thành "Khu vực hòa bình, hữu nghị và trung lập" (ZOPFAN - Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Ban đầu, Mahathir đề xuất thiết lập đội tuần tra ASEAN ở Biển Đông, dù sau đó ý tưởng này đã bị bác bỏ.

Chiến lược thứ ba của Chính quyền PH là xử lý tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao. ASEAN được đặt vào vị trí tiền tuyến trong việc thực hiện nỗ lực này vì theo quan điểm của Chính phủ Malaysia, ASEAN có thể hành động với vai trò một bên môi giới chân thành trong việc xử lý các thế lực và sự bất trắc trong khu vực, nhờ sức mạnh đàm phán tập thể và khả năng giúp Trung Quốc hòa nhập để trở thành một nước lớn có trách nhiệm và tử tế, và không khiến các nước láng giềng nhỏ lo ngại. Một trong những ưu tiên hàng đầu của PH là sớm ký kết COC. Mặc dù tháng 9/2019, Malaysia và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập Cơ chế tham vấn song phương (BCM - Bilateral Consultation Mechanism) để thảo luận về các vấn đề trên biển, nhưng không rõ BCM sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông đến mức độ nào, xét rằng Kuala Lumpur ưu tiên các cuộc đàm phán do ASEAN lãnh đạo hơn.

Kết luận

Cách tiếp cận của Malaysia với tranh chấp ở Biển Đông có sự khác biệt đáng kể so với Philippines và Việt Nam. Trong khi Manila thỏa hiệp với Trung Quốc (dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo và Rodrigo Duterte) rồi lại đối đầu với nước này (dưới thời Tổng thống Benigno Aquino), thì chính sách của Kuala Lumpur - và các chiến lược để đạt được chính sách đó - nhìn chung vẫn nhất quán, với một số điều chỉnh nhỏ khi xem xét đến những thay đổi về môi trường địa chính trị. Mặc dù Việt Nam nhất quán hơn Philippines, nhưng không giống nước này, Malaysia không công khai các vụ việc xảy ra trên biển, hay lên tiếng phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc và ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Thay vào đó, Malaysia ưu tiên ngoại giao kín đáo phía sau hậu trường, để ASEAN nắm vai trò lãnh đạo trong khi đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của họ và duy trì thái độ cảnh giác ở Biển Đông. Trong những năm 2020, nếu không có việc Trung Quốc công khai hành động hung hăng ở Biển Đông hay Malaysia bổ nhiệm một thủ tướng thân Trung Quốc quá mức, thì nước này sẽ không chệch hướng đáng kể khỏi chính sách đã qua thử nghiệm này.

Ian Storey

Nguyên tác : Malaysia and the South China Sea Dispute : Policy Continuity amid Domestic Political Change, ISEAS, 20/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Ian Storey là nghiên cứu viên cao cấp và biên tập viên của Đông Nam Á đương đại tại ISEAS - Viện Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

*****************

Biển Đông : Mỹ cảnh cáo Trung Quốc lợi dụng Covid-19 tranh đoạt chủ quyền bất chính

Tú Anh, RFI, 07/04/2020

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc không nên khai thác đại dịch Corona để lấn át láng giềng tại Biển Đông. Đây là lời cảnh cáo của Washington  sau vụ Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam trong vùng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, vào tuần trước, theo bản tin của AFP.

my1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/03/2020 via Reuters - POOL

Vài ngày sau khi Hà Nội tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc "ngăn chặn và đâm chìm" một tàu đánh cá Việt Nam, trên đó có 8 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang kéo lưới trong vùng biển gần Hoàng Sa, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng: thay vì uy hiếp láng giềng, Bắc kinh nên tham gia vào nỗ lực chống dịch xuất phát từ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus tuyên bố : "Vào lúc cả thế giới tập trung chống đại dịch Covid-19, thì Bắc Kinh lợi dụng thời cơ để thiết lập thêm cơ sở gọi là nghiên cứu tại Biển Đông và gia tăng các phi vụ quân sự ".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thủ đoạn lợi dụng lúc thế giới đang bận tâm chống đại dịch, cũng như khai thác thế yếu của các nước Đông Nam Á, để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông.

Bà Morgan Ortagus cho biết thêm là Washington "quan ngại sâu sắc" về vụ Trung Quốc ỷ mạnh uy hiếp, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, một vụ việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là "nằm trong loạt hành động của Bắc Kinh uy hiếp láng giềng để tranh đoạt chủ quyền bất chính ".

Tú Anh

Nguồn : RFI, 07/04/2020

Published in Diễn đàn
mercredi, 29 août 2018 21:23

Trường hợp Malaysia

Lên lãnh đạo xứ Malaysia lần thứ nhì ở tuổi 93, Thủ tướng Mohamad Mahathir vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và đã đưa ra nhiều quyết định mới trong quan hệ với Bắc Kinh. Chúng ta có thể rút tỉa những bài học gì từ trường hợp của Malasyia, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...

malaysia1

Cờ Malaysia - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, Thủ tướng Mohamad Mahathir của Malaysia vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và sau khi lên cầm quyền lần thứ nhì ở tuổi 93, ông đã lấy nhiều quyết định gây chú ý trong dư luận các nước Đông Nam Á. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về trường hợp của Malaysia và thính giả của chúng ta có thể tự hỏi xem Việt Nam có thể rút tỉa được những bài học gì... Nguyên Lam xin kính mời ông bắt đầu.

Đất nước Mã Lai và bác sĩ Mahathir

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Malaysia quả thật là trường hợp đặc biệt ta nên tìm hiểu. Trước hết, về địa dư thì xứ này có hình thể lạ kỳ là lãnh thổ bị chia hai trên vùng biển Đông Nam Á. Tại hướng Tây là khu vực bán đảo tiếp giáp với Thái Lan và tiếp cận với Singapore cùng Indonesia và eo biển Malacca dài gần 900 cây số. Tại hướng Đông là mạn Bắc của Hải đảo Bornéo, tiếp giáp với hai xứ Brunei và Indonesia và tiếp cận với Philippines. Với diện tích bằng Việt Nam mà dân số chỉ chừng một phần ba, người dân xứ này có lợi tức bình quân một đầu người cao hơn bốn lần lợi tức của dân Việt Nam.

Về lịch sử, Malaysia giành được độc tập từ Đế quốc Anh cách nay 71 năm, vào ngày 31 Tháng Tám năm 1957, sau đó cũng gặp hiểm họa cộng sản như nhiều nước Đông Nam Á khác mà lại thoát và khởi sự hiện đại hóa từ sau thập niên 60 của thế kỷ trước. Về chính trị, Malaysia là nước quân chủ lập hiến, là có một ông vua làm quốc trưởng, mà theo thể chế dân chủ đại nghị, với Thủ tướng là người lãnh đạo đảng đa số, kết hợp ba sắc tộc chính gồm hơn hai phần ba là người Mã Lai Đa Đảo, họ gọi là "bumiputera" theo Hồi giáo, một phần tư là người gốc Hoa và dân gốc Ấn thì có chừng 7%. Bài học đầu tiên ta nên chú ý là Malaysia vẫn cố gắng xây dựng nền dân chủ và thực tế thì đã tiến xa hơn Việt Nam.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thấy rằng lãnh đạo một quốc gia khá đa diện và phức tạp như vậy có lẽ không dễ, ông nghĩ thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta bước qua phần hai và nói đến nhân vật thời sự là Bác sĩ Mahathir. Là người thuộc sắc tộc Mã Lai, ông có ý thức quốc gia hơn ý thức giai cấp hay sắc tộc, và hoạt động chính trị từ năm 1964, ở tuổi 39, ông góp phần vào việc hiện đại hóa một quốc gia nông nghiệp đa chủng tộc thành một nước công nghiệp. Lãnh đạo một đảng chính trị chiếm đa số khá lâu, ông làm Thủ tướng gần 22 năm, từ năm 1981 đến 2003 và coi như về hưu khi gần 80 tuổi.

Mười năm sau khi làm Thủ tướng, vào năm 1991, ông phát động một kế hoạch gọi là Viễn ảnh 2020 để xây dựng một nền móng kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục cho một nước công nghiệp hóa hiện đại. Khi ấy, ông chủ trương hợp tác với kinh tế Trung Quốc để tìm lực đẩy cho quốc gia. Ngày nay, ông Mahathir xuất hiện trở lại và lập ra một đảng khác khi thấy quốc gia sa sút và chính trị bị tham nhũng đục khoét, đối ngoại thì bị Trung Quốc lũng đoạn.

Sau khi thắng cử, ông xin quốc vương ân xá một đối thủ chính trị năm xưa là ông Anwar Ibrahim, để ông này có thể kế nhiệm mình trong vài ba năm tới. Trong lần nhậm chức Thủ tướng trước đây, ông cũng rút tỉa được nhiều bài học về sai lầm và nhất là kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á vào năm 1997.

Nguyên Lam : Chuẩn bị cho chương trình tuần này, Nguyên Lam cũng nhớ rằng ngay từ năm 1997, ông đã phân tích những nguyên nhân khủng hoảng tại Đông Á và trường hợp của Malaysia vào thời đó. Ngày nay, ông cho rằng Thủ tướng Mahathir nghĩ sao và muốn làm gì ?

Thủ tướng Mahathir, suy nghĩ và hành động

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thời ấy, ông Mahathir đổ lỗi cho giới đầu tư Tây phương mà thật ra không thấy nhiều sai lầm của các quốc gia đang phát triển. Ngày nay, có lẽ ông đã hiểu rằng muốn phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, các nước kém mở mang cần một chiến lược kinh tế có thể cân bằng các lực đẩy như đầu tư của công quyền và tư doanh được tài trợ bằng nỗ lực tiết kiệm thay vì trông cậy vào bội chi ngân sách và vay mượn nước ngoài. Hai mối nguy của vay mượn là đô la Mỹ hay tiền tài trợ của Trung Quốc. Đô la Mỹ có thể lên giá làm kinh tế khủng hoảng và tiền bạc của Trung Quốc sẽ làm chính trị của quốc gia sụp đổ. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào một bối cảnh lâu dài thì mới phần nào hiểu ra chủ trương của ông Mahathir.

Nguyên Lam : Xin đề nghị ông nhắc lại về bối cảnh lâu dài đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vốn nghi ngờ các nước Tây phương vì chủ nghĩa thực dân, ông Mahathir hoạt động chính trị khi Trung Quốc lâm khủng hoảng vì cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại của Mao Trạch Đông và tính chất cực đoan hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng lên cầm quyền sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế và tạo ra thời kỳ tăng trưởng chưa từng thấy tại Trung Quốc nên có lẽ Mahathir cũng đã học hỏi nhiều, nhất là sau khi phát động kế hoạch năm năm lần thứ sáu gọi là "Viễn ảnh 2020" vào năm 1991 mà tôi nói ở trên. Ngày nay, Viễn ảnh 2020 đó đã thất bại vì năng suất sút giảm, ngân sách bị bội chi, và tham nhũng lây lan lại còn dẫn tới sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Bây giờ, khi Tập Cận Bình tập trung quyền lực tại Trung Quốc và có chính sách bành trướng cả an ninh lẫn kinh tế qua kế hoạch "Nhất Đới Nhất Lộ, Thủ tướng Malaysia đang ngẫm nghĩ về số phận của một nước Đông Nam Á nằm trên con đường bành trướng của Bắc Kinh. Từ trường hợp Malaysia, chúng ta đang chứng kiến một thay đổi lớn trong khu vực....

Nguyên Lam : Từ một người đã làm Thủ tướng trong hơn hai chục năm và ngày nay vẫn ra lãnh đạo xứ sở khi đã hơn chín mươi tuổi, chắc hẳn rằng ông Mahathir có nhiều kinh nhiệm xử trí như ông Nghĩa vừa tóm lược ở trên. Thưa ông, riêng với Trung Quốc thì ông Mahathir nghĩ sao ?

malaysia2

Ông Mohamad Mahathir,Thủ tướng của Malaysia. Ảnh AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, mới lên làm Thủ tướng, ông Mahathir đã lấy quyết định cải sửa những sai lầm và tai hại của hai Chính quyền trước, nhất là tình trạng tham nhũng và cấu kết khi cầm quyền quá lâu làm xứ sở bị thế lực tiền tài của Trung Quốc khuynh đảo. Phản ứng của nước Úc và New Zealand lẫn Philippines về sự lũng đoạn của Trung Quốc cũng có nét tương tự.

Sau khi nhậm chức, ông Mahathir chuẩn bị thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của Bắc Kinh qua nhiều quyết định liên hệ đến các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Ông đưa ra một phát biểu có tính chất cảnh báo cả Bắc Kinh lẫn các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên Lam : Theo dõi sự tình từ lâu, xin đề nghị ông nói tới lời phát biểu có tính chất cảnh báo đó của Thủ tướng Malaysia.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vào Tháng Sáu vừa qua, ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi phải ký kết các "hiệp ước thiếu cân đối", vì là một nước lạc hậu vì các cường quốc chèn ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các nước đang phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính là Trung Quốc.

Đấy là nguyên nhân ông hủy bỏ một số dự án trị giá tới 23 tỷ đô la do chính quyền tiền nhiệm ký kết với Bắc Kinh. Tuần qua, trong cuộc họp báo bên Tổng lý Quốc vụ viện của Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Malaysia còn từ chối tái xét các dự án đó và nói đến một hiện tượng "thực dân" mới trong khu vực. Tôi chưa thấy lãnh tụ nào tại Đông Nam Á nói thẳng như vậy !

Nhưng trong chuyến thăm viếng Trung Quốc vừa rồi, ông Mahathir vẫn xúc tiến một số hợp đồng kinh tế có lợi cho Malaysia chứ không đứng hẳn vào chủ trương chống Tầu. Nghĩa là dù có tiền và có súng, Bắc Kinh vẫn cần mua chuộc các nước đang phát triển chứ không dễ gì tự tung tự tác.

Chúng ta không quên xứ Malaysia nằm trên con đường hàng hải chiến lược vì chuyên chở tới 80% lượng dầu thô nhập vào Trung Quốc và khoảng 50% số hàng xuất khẩu của Bắc Kinh. Nay lãnh tụ của Malaysia không muốn xứ sở là chư hầu của Trung Quốc hay nằm trong sổ lương của Bắc Kinh. Nhờ có bầu cử dân chủ, ý nguyện của người dân đã được thể hiện : Thủ tướng trước thì vào tù vì tham nhũng, thủ tướng vừa lên cầm quyền thì có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Nếu nhìn như vậy thì Malaysia nằm trên bậc thềm của Con Đường Tơ Luạ trên biển và Việt Nam lại nằm ngay tại một cửa biển của Trung Quốc. Hai quốc gia này có hoàn cảnh địa dư gần như tương tự mà vì sao lại có hai lập trường hơi khác biệt thưa ông ?

Khác biệt giữa Việt Nam và Malaysia

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì lý do lịch sử hơn địa dư, thế thôi ! Nôm na là vì Malasyia thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản trên con đường giành lại độc lập. Kết hợp cả hai lý do thì trong khi lãnh đạo Malaysia xét lại toàn bộ bước tiến của Trung Quốc thì lãnh đạo Hà Nội lại muốn mở cửa Vân Đồn và mời chào Trung Quốc vào Phú Quốc !

Nói về Malaysia, Thủ tướng Mahathir cho hủy bỏ hai dự án thiết lộ nối liền Con Minh từ tỉnh Vân Nam qua Lào và Thái tới hai bờ biển Tây và Đông của Malaysia, dù đã mất năm tỷ đô la xây dựng được một đoạn khá dài. Ngoài ra còn các dự án khác cũng đã bị hủy, như hai ống dẫn khí, và nhất là dự án địa ốc vĩ đại là Forest City cũng vừa bị cấm không cho ngoại quốc bỏ tiền vào đầu tư. Kinh nghiệm của Thủ tướng cũ đang ngồi tù là ông Najib Razak cho thấy là càng tham nhũng thì xứ sở lại càng lệ thuộc vào đồng tiền của Bắc Kinh, là điều khởi sự từ năm 2015.

Nguyên Lam : Câu chuyện về Malaysia quả thật là hấp dẫn, nhưng thời lượng có hạn nên chúng ta vẫn phải tổng kết. Thưa ông, ông kết luận thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng ta mới chỉ có thể sơ kết thôi. Một số quốc gia trên con đường bành trướng của Bắc Kinh, như Pakistan, Sri Lanka, đều đang xét lại cái giá của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Malaysia thì có vẻ quyết liệt nhất.

Thứ hai, Thủ tướng Mahathir không muốn xứ sở trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc làm gì, nhưng đang tìm một con đường an toàn hơn cho xứ sở. Chẳng phải ngẫu nhiên, từ khi nhậm chức, ông đã hai lần gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có lẽ ông tìm sự cân bằng của các cường quốc để xứ sở khỏi bị một cường quốc bá quyền là Trung Quốc ngày nay thôn tính ngay từ bên trong. Vẫn còn quá sớm để nói về chủ thuyết Mahathir, có khi ta phải đợi ngày ông Anwat Ibrahim lên lãnh đạo, nhưng bài học quan trọng nhất vẫn là nền dân chủ cho phép người ta sửa sai.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 29/08/2018

Published in Diễn đàn

Malaysia đã từng tranh thủ đầu tư từ Trung Quốc. Bây giờ họ lo ngại trở nên mắc nợ trong các dự án lớn không khả thi và cũng không cần thiết cho dân địa phương, mà chỉ có lợi cho Trung Quốc và bọn bán nước làm lợi cho cá nhân và gia đình.

malaysia1

Vị trí diễn ra các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia. Đồ họa : NYT

Trong một địa điểm có tầm chiến lược hàng hải quan trọng nhất trên thế giới với khả năng quan sát các thương thuyền vận tải ở Châu Á, một công ty điện lực Trung Quốc đang đầu tư vào một cảng nước sâu đủ lớn cho hoạt động một tàu sân bay. Một công ty quốc doanh khác của Trung Quốc đang cải tạo một bến cảng khác ở Malaysia dọc theo Biển Đông.

Một ngân hàng của chính phủ Trung Quốc đang đầu tư để xây dựng một mạng lưới đường sắt gần các cảng nầy để tăng tốc độ vận tải hàng hóa của Trung Quốc dọc theo một con đường tơ lụa Silk mới. Một nhà thầu Trung Quốc đang xây cất bốn hòn đảo nhân tạo đủ rộng cho 700 ngàn người và chuẩn bị để bán rộng rãi cho các công dân Trung Quốc, mặc dầu đây là phần lảnh thổ của Malaysia.

Các dự án xây dựng trên là ở Malaysia, một nền dân chủ Đông Nam Á. Malaysia là nơi mà Trung Quốc đặt trọng tâm trong nổ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

malaysia2

Thủ tướng Maylaysia Mahathir Bin Mohamad. Ảnh : NYT

Trước đây, Malaysia đã nổ lực để khuyến khích đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng bây giờ, Malaysia đứng hàng đầu trong một hiện tượng mới : thách thức Bắc Kinh khi các quốc gia ở Châu Á lo sợ chính quyền các nước nầy trở nên mắc nợ quá nhiều khi dính líu vào các dự án với Trung Quốc mà không khả thi hoặc không cần thiết cho các nước nầy.

Nhưng những dự án lớn nầy lại có giá trị chiến lược cho Trung Quốc hay Trung Quốc đầu tư với mục đích dùng các dự án nầy để khuynh loát các chính phủ trong vùng và dàn dựng để duy trì các chế độ lãnh đạo thân Trung Quốc.

Khi kết thúc chuyến thăm kéo dài 5 ngày ở Bắc Kinh, lãnh đạo mới của Malaysia, ông Mahathir Mohamad, gần đây cho biết ông đã tạm dừng hai dự án lớn liên quan đến Trung Quốc, trị giá hơn 22 tỷ đô la, trong hiện tình là có các cáo buộc là chính phủ tiền nhiệm của ông đã ký hợp đồng với Trung Quốc có hại cho Malaysia. Chính phủ trước đã chuyển nhượng một phần tài khoản liên hệ để có tiền giải cứu sự thâm thủng trong một quỹ đầu tư nhà nước. Chính phủ trước cũng đã dùng một khoản tiền nầy để chỉnh đốn việc tiếp tục nắm quyền của ông tổng thống trước, Najib Razak.

Thông điệp của ông Mahathir trong suốt các cuộc họp của ông với các quan chức Trung Quốc, và trong ý kiến công bố trước công chúng, đã rõ ràng. "Chúng tôi không muốn trở lại một chủ nghỉa thực dân mới bởi vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu", ông nói hôm 20 tháng 8 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sau cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

malaysia3

Khu công viên Malaysia-China Kuantan Industrial Park. Ảnh Lauren DeCicca/The New York Times

Trong một thời gian, có vẻ như các bài bản của Trung Quốc để gây ảnh hưởng với lãnh đạo Malaysia đã có kết quả tốt cho Trung Quốc. Trung Quốc đã thành công với ông Najib, với các khoản vay dễ dàng và các dự án lớn có tiêu chí để trưng bày, và các giao dịch bảo đảm có giá trị chiến lược cho tham vọng của Trung Quốc.

Nhưng vào tháng 5, ông Najib đã bị thất cữ vì dân Malaysia mệt mỏi vì những vụ bê bối tham nhũng xoay quanh ông, một số trong đó liên quan đến các giao dịch đầu tư cao nhất của Trung Quốc tại Malaysia. Ông Mahathir, 93 tuổi, đã được bầu làm Tổng Thống với một nhiệm vụ bao gồm cả việc đưa đất nước ra khỏi nợ nần - khoảng 250 tỷ đô la, một phần nợ của các công ty Trung Quốc.

Từ Sri Lanka và Djibouti đến Myanmar và Montenegro, nhiều người nhận tiền từ chiến dịch tài chính cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, Belt and Road Initiative, đã phát hiện ra rằng đầu tư của Trung Quốc có kèm theo các điều kiện che dấu với nguy cơ tiềm ẩn cho chính quyền vay nợ từ Trung Quốc, và các đầu tư nầy tạo điều kiện cho Trung Quốc đem một số lớn công nhân từ lục địa sang các quốc gia nầy, cạnh tranh với người địa phương trong các công ăn việc làm và mạch sống của dân địa phương, vốn dĩ nghèo và thiếu cơ hội có việc làm.

Trên thế giới, nỗi lo sợ ngày càng tăng lên rằng Trung Quốc đang sử dụng chi tiêu ở nước ngoài để giành được chỗ đứng ở một số nơi chiến lược nhất trên thế giới, và thậm chí có thể cố tình thu hút các quốc gia vào bẫy nợ mà Trung Quốc dàn dựng để tăng cường sự thống trị của Trung Quốc, nhất là khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang mất dần trong thế giới đang phát triển.

malaysia4

Cựu Thủ tướng Najib Razak đến dự phiên tòa xử ông về tội tham nhũng tại Kuala Lumpur cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh Fazry Ismail/EPA, via Shutterstock

Khor Yu Leng, một nhà kinh tế chính trị của Malaysia, người đã nghiên cứu đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, cho biết : "Người Trung Quốc hẳn đã suy nghĩ", Chúng ta có thể chọn mọi thứ với giá rẻ ở đây ". "Họ đã có đủ vốn kiên nhẫn để chơi trò chơi dài, thu hút và chờ đợi các chính quyền địa phương vay quá khả năng trả nợ, khiến cho các chủ quyền, đất đai và tất cả vốn cổ phần đều thuộc về Trung Quốc".

Trong chuyến đi ở Bắc Kinh, ông Mahathir cho biết ông đã tạm dừng hợp đồng cho Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, xây dựng Liên kết Đường sắt phía Đông, được cho là có giá khoảng 20 tỷ đô la, cùng với một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la của một công ty năng lượng Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Trước đó ông đã đình chỉ các dự án, khiến nhiều người tin rằng ông muốn thương lượng lại các điều khoản trong chuyến đi Trung Quốc. Thay vào đó, ông đã thông báo chấm dứt các giao dịch nầy.

malaysia5

Công trình xây dựng cảng nước sâu ở Kuantan. Ảnh Lauren DeCicca / The New York Times

"Đó là tất cả về việc vay quá nhiều tiền, mà chúng tôi không có khả năng và không thể trả được vì chúng tôi không cần những dự án này ở Malaysia", ông Mahathir nói.

Một báo cáo Lầu Năm Góc của Hoa Kỳ được phát hành tuần trước cho biết "Sáng kiến Vành đai và Đường bộ - Belt and Road Initiatives - BRI" trong chủ định là nhằm phát triển mối quan hệ kinh tế lệ thuộc của các nước khác vào Trung Quốc, định hướng lợi ích của các nước nầy để phù hợp với Trung Quốc, và ngăn chặn sự đối đầu hoặc chỉ trích về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề nhạy cảm, như là vi phạm nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến".

"Các nước tham gia BRI có thể phát triển sự phụ thuộc kinh tế vào vốn của Trung Quốc, mà Trung Quốc có thể tận dụng cách cho vay để đạt lợi ích cho không bất cứ ai ngoài Trung Quốc", báo cáo cho biết.

Bộ trưởng tài chính mới của Malaysia, Lim Guan Eng, đã nêu lên ví dụ về Sri Lanka, nơi một cảng nước sâu được xây dựng bởi một công ty nhà nước Trung Quốc đã không thu hút được nhiều công việc kinh doanh. Nước Sri Lanka mắc nợ quá nhiều đã buộc phải giao cho Trung Quốc một hợp đồng thuê 99 năm trên cảng và nhiều vùng đất gần đó, khiến cho Bắc Kinh chiếm đoạt được một tiền đồn gần những đường vận chuyển hàng hải bận rộn nhất trong vùng.

"Chúng tôi không muốn một tình huống như Sri Lanka, nơi họ không thể trả tiền và người Trung Quốc đã kết thúc việc tiếp quản dự án", ông Lim nói

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ về những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc. "Họ biết rằng khi họ cho vay một khoản tiền lớn cho một đất nước nghèo, cuối cùng họ có thể phải thực hiện dự án cho chính họ", ông nói.

"Trung Quốc biết rất rõ rằng họ phải đối phó với các hiệp ước bất bình đẳng trong quá khứ thực dân phương Tây áp đặt lên Trung Quốc", ông Mahathir nói thêm, đề cập đến những nhượng bộ mà Trung Quốc phải đưa ra sau khi thất bại trong các cuộc chiến tranh thuốc phiện. "Vậy Trung Quốc nên thông cảm với chúng ta. Họ biết chúng ta không thể đủ khả năng để dính vào các món nợ và dự án lớn này".

Vị trí chiến lược

Malaysia từ lâu đã bị nhòm ngó bởi các cường quốc đi tìm thuộc đia, với tầm chiến lược, địa lý và chính trị quan trong hơn nhiều so với kích thước tương đối nhỏ của quốc gia nầy. Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh đã đổ xô đến đây, hăm hở kiểm soát một điểm tựa liên kết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc là sức mạnh mới nhất với tham vọng thuộc địa hóa Malaysia, qua các dự án "hợp tác" xuyên qua BRI.

Kuantan, một thành phố Malaysia nép mình trên bờ biển Nam Trung Hoa (biển Đông theo tên Việt), chưa bao giờ là một địa điểm đặt được nhiều chú ý. Nhưng sau đó Trung Quốc bắt đầu bổ sung thêm lực lượng quân sự vào các khát vọng lãnh thổ của mình trên biển Đông, nơi mà 5 chính phủ khác, có cả Malaysia, có những tuyên bố cạnh tranh và tranh dành các đảo trên biển nầy.

Tài chính Trung Quốc bắt đầu đổ vào Kuantan cách đây 5 năm trước. Tập đoàn cảng quốc tế Vịnh Quảng Tây, một công ty nhà nước từ khu tự trị tối cao của Trung Quốc, đã giành được hợp đồng được chính phủ Malaysia hỗ trợ xây dựng một nhà máy nước sâu và khu công nghiệp. Gần đó là một ga xe lửa trên tuyến đường sắt East Coast Rail Link mà chủ yếu được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, một tổ chức chính phủ.

malaysia6

Dự án cải tạo cảng và xây khu công nghiệp Melaka Gateway bao gồm những bãi đá nhân tạo xây lấn trên biển. Ảnh Lauren DeCicca / The New York Times

Chủ trì sự ra mắt chính thức của Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc năm 2013, ông Najib đã đánh giá rằng dự án nhập khẩu nầy có tính cách toàn cầu.

"Trung Quốc và Malaysia vẫn gắn bó chặt chẽ vào thời điểm mà cán cân thương mại toàn cầu đang nghiêng về phía Châu Á", ông nói. "Về hợp tác kinh tế - và ngoại giao - Tôi tự hào nói rằng Malaysia đang đi tiên phong trong việc nầy".

Cư dân Kuantan, mặc dù, từ lâu đã lo lắng rằng thành phố có thể bị mắc kẹt với các dự án quá lớn từ Trung Quốc mà không chắc sẽ đem lại lợi ích cho cư dân.

"Chúng tôi hoan nghênh đầu tư và phát triển nước ngoài, nhưng chúng tôi đặt câu hỏi về mức giá khổng lồ mà chúng tôi sẽ phải trả", Fuziah Salleh, một nhà lập pháp Kuantan cho liên minh mới của Malaysia cho biết. "Ai là người hưởng lợi thực sự của tất cả tài chính này ? Người Malaysia hay người Trung Quốc ?"

"Tôi lo lắng rằng chủ quyền của chúng tôi đã bán đi", bà Fuziah nói.

Tuy nhiên, ông Mahathir là người có khả năng và kinh nghiệm để đối phó với các siêu cường trong việc bảo vệ quyền lợi của Malaysia. Ông là thủ tướng trước đây, từ năm 1981 đến năm 2003, và ông đã chống lại Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác vì những gì ông nói là một âm mưu ngăn chặn các quốc gia đang phát triển như Malaysia.

"Mahathir nghĩ rằng Trung Quốc là một lực lượng bá chủ có thể kiểm soát các nền kinh tế như Malaysia", Edmund Terence Gomez, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Malaya cho biết. "Ông ấy luôn lo lắng về lực lượng mạnh mẽ từ các cường quốc. Trước đó là Hoa Kỳ, giờ là Trung Quốc".

Chính quyền của ông Mahathir chỉ mới nắm quyền lực ít hơn 100 ngày. Trong thời gian đó, các nhà chức trách Malaysia cho biết, họ đã phát hiện ra rằng hàng tỷ đô la trong các hợp đồng với Trung Quốc bị thổi phồng để lấy tiền giải quyết các khoản nợ liên quan đến một quỹ đầu tư của nhà nước Malaysia, bao gồm các vụ tham nhũng và thất thu dẫn đến sự sụp đổ của ông Najib.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc ông Najib và gia đình và bạn bè của ông cướp bóc hàng tỷ đô la từ quỹ đầu tư của nhà nước Malaysia, Malaysia Development Berhad (MDB). Khi quỹ bắt đầu bán tài sản, hai công ty lớn của Trung Quốc, Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc và Tổng công ty Cơ khí Đường sắt Trung Quốc, tiến vào giúp đỡ tài chính cho qủy nầy, làm cho dân Malaysia có ấn tượng rằng Bắc Kinh đang cố gắng để duy trì chính quyền "nợ nguốt đầu" của ông Najib khỏi sụp đổ.

Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bầu cử, ông Mahathir chỉ vào một tờ giấy tờ trước mặt ông. Đó là một đề xuất từ một công ty xây dựng Malaysia mà ông cho biết có bằng chứng cho thấy dự án East Coast Rail Link xây chung với Trung Quốc có thể xây với phân nữa giá đầu tư nếu xây bởi một công ty Malaysia. Thậm chí với ít hơn một nửa trong số hợp đồng trị giá 13,4 tỷ đô la của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, một công ty được coi như là vững chắc với các hoạt động rộng lớn ở nước ngoài.

Đáng chú ý, quá trình đấu thầu cho hợp đồng đường sắt nầy là theo quá trình đấu thầu không có cạnh tranh, đấu thầu kín.

malaysia7

Mô hình dự án khu đô thị Forest City ở Johor Bahru, Malaysia. Ảnh : NYT

Ông Lim, Bộ trưởng Tài chính, nói với Quốc hội rằng Malaysia sẽ không thể trang trải chi phí hoạt động cho đường sắt East Coast Rail Link, và không thể trả nổi chi phí vốn vay từ Trung Quốc, mà ông ước tính gần 20 tỷ USD thay vì 13,4 tỷ USD. Cả công ty Trung Quốc lẫn đối tác của các công ty nầy ở Malaysia không đáp lại yêu cầu bình luận từ báo chí.

"Có vẻ như không phải tất cả số tiền đang được sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt", ông Mahathir nói về thỏa thuận đường sắt East Coast Rail Link. "Khả năng là tiền đã bị đánh cắp".

Các nhà điều tra Malaysia đang xem xét liệu một cộng sự của con trai của ông Najib tên là Jho Low có thể đã môi giới thỏa thuận về đấu thầu của Trung Quốc trong dự án đường sắt để giảm bớt khoản nợ được tích lũy bởi công ty đầu tư chính phủ MDB, hoặc để tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Najib. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang xem xét việc Jho Low, bây giờ là một nhà tài chính lưu vong, người đang bị truy nã, là nhân viên chính trong vụ bê bối ở MDB. Vào đêm trước chuyến đi của ông Mahathir tới Trung Quốc, các quan chức Bộ Tài chính Malaysia cho biết họ tin rằng ông Low đã trốn sang Trung Quốc.

Chính quyền mới của Malaysia, cũng đang duyệt xét thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD cho một công ty con liên hệ đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn năng lượng ở Malaysia. Ông Lim cho biết ông đã phát hiện rằng chính phủ Malaysia đã chi hơn 2 tỷ đô la cho dự án. Đây là một điều bất ngờ. "Từ những gì chúng tôi hiểu", ông Lim nói, "0%, không một công việc xây dựng nào đã được bắt đầu".

Xây dựng cảng lớn

Trong khi vai trò của tiền Trung Quốc trong việc nâng bi chính quyền tham nhũng của ông Najib đã nhận được sự chú ý, một dự án lớn khác của Trung Quốc còn tạo ra nhiều câu hỏi về tham vọng trong trọng điểm địa hình và chính trị của Bắc Kinh.

Thành phố Malacca của Malaysia từng là trạm nối từ Châu Á đến Châu Âu trong việc giao thương và vận tải các loại gia vị và kho báu. Phần lớn thương mại trên biển của Châu Á - và hầu hết các nhập khẩu của Trung Quốc đều chảy qua đường eo biển Malacca.

Tuy nhiên, cảng Malacca đã bị bồi cạn bởi bùn cát nhiều thế kỷ trước và bây giờ là nơi nước đọng. Thay vào đó, Singapore gần đó, nằm ở cuối phía nam eo biển Malacca, được xếp hạng là trung tâm trung chuyển nhộn nhịp nhất thế giới.

Một dự án phát triển trị giá 10 tỷ USD - được hỗ trợ bởi PowerChina International, một công ty lớn của Trung Quốc, và hai nhà phát triển cảng Trung Quốc - được cho là sẽ thúc đẩy Malacca trở thành vị trí giá trị toàn cầu, như là một điểm dừng quan trọng trên tuyến thương mại hàng hải kéo dài từ Shanghai đến Rotterdam.

Kế hoạch cho dự án này, Melaka Gateway, bao gồm ba hòn đảo nhân tạo và một hòn đảo tự nhiên mở rộng, sẽ tổ chức một khu công nghiệp, bến du thuyền, công viên giải trí, trạm hải hành và trụ tàu, trung tâm tài chính và khách sạn bảy sao. Dự án sẽ bao gồm một cảng nước sâu mới, với cầu cảng đủ lớn để chứa một tàu sân bay. Nhà điều hành cảng đã được cho thuê đất với hợp đồng giá trị trong 99 năm, chứ không phải là khung thời gian 30 năm mà thường là thời gian trung bình của loại hợp đồng nầy.

Các đối tác địa phương của Trung Quốc Melaka Gateway là KAJ Development, một công ty Malaysia mà thành tích lớn là xây dựng một sở thú địa phương và một công viên cho chim ở.

Để giải thích cách một công ty ít được biết đến có thể làm việc với các công ty Trung Quốc để biến đổi một vị trí chiến lược như vậy, người dân địa phương đã nhận xét về mối quan hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu KAJ Development và guồng máy lãnh đạo đảng của ông Najib. Công ty nầy đã không trả lời yêu cầu bình luận.

"Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi về dự án nhưng không có câu trả lời", Sim Tong Him, cựu nhà lập pháp từ Malacca cho biết. "KAJ đã nhận được hợp đồng như thế nào ? Điều gì có thể xảy ra nếu phía Malaysia không thể trả tiền ? Người Trung Quốc rất bí mật về điều này. Việc giấu diếm và che đậy khiến chúng tôi cảm thấy rất nghi ngờ. "

Bộ trưởng mới của bang Malacca đã hứa hẹn một cuộc điều tra về tính khả thi của toàn bộ dự án, bao gồm việc bán đất trên một hòn đảo cho đa số là người Trung Quốc.

Sự cần thiết của dự án Melaka, ít nhất là cho người dân địa phương, chưa bao giờ được giả thích một cách rõ ràng. Làm sao để cảng Melaka cạnh tranh với cảng Singapore gần đó ? Chưa kể là Malaysia đã mở rộng các cảng khác, ngay cả khi nhiều cảng đang hoạt động.

"Chúng tôi rất quan tâm vì ngay từ đầu chúng tôi không cần thêm bất kỳ cảng nào", ông Mahathir nói về dự án Malacca.

"Chúng tôi không phải phụ thuộc vào người nước ngoài đến làm lao động trong các dự án ở Malaysia" ông nói thêm. "Khi họ xây dựng, họ sử dụng lao động nước ngoài, vật liệu nước ngoài. Chúng ta có được gì không ? Không".

Nhưng Bắc Kinh đã tài trợ cho việc xây dựng các cảng trên khắp Ấn Độ Dương, một chiến lược được gọi là chuỗi ngọc trai. Các chuyên gia quân sự đã nâng cao khả năng một ngày nào đó các cảng này có thể chào đón tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc.

malaysia8

A residential tower project under construction at Forest City.CreditLauren DeCicca for The New York Times

"Bạn nhìn vào một bản đồ và bạn có thể thấy những nơi Trung Quốc đang âm mưu các cảng và đầu tư, từ Myanmar đến Pakistan đến Sri Lanka, về phía Djibouti", Liew Chin Tong, phó bộ trưởng quốc phòng Malaysia cho biết. "Điều gì quan trọng cho Trung Quốc ? Eo biển chiến lược Malacca".

Dưới thời ông Najib, Malaysia tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc và cho phép tàu ngầm Trung Quốc thực hiện thăm viếng các cảng ở Malaysia. Ông Mahathir đã thay đổi các cách hợp tác quân sự với Bắc Kinh.

"Tôi nói công khai rằng chúng tôi không muốn thấy các tàu chiến ở eo biển Malacca hay Biển Đông", ông nói.

Thành phố của những giấc mơ

Ở thành phố Forest, một đô thị mới được xây dựng ở cuối bán đảo Malaysia, một hướng dẫn viên du lịch nói với các nhà đầu tư từ một thị trấn có nhiều mỏ than ở miền bắc Trung Quốc.

Thành phố Forest, ông nói bằng tiếng Quan Thoại, là một viên ngọc trên Biển Đông.

Hay nhất, ông nói, tất cả mọi thứ trong thành phố được thiết kế cho khách hàng Trung Quốc, từ cách bố trí của các căn hộ sang trọng cho đến các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Quan Thoại.

Sự phát triển - Bốn hòn đảo nhân tạo bao gồm khoảng tám dặm vuông, hoặc đủ không gian cho khoảng 700 ngànngười - được thiết kế bởi Vườn Quốc Gia, một trong những nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tư nhân lớn nhất, phối hợp với một tổ chức đầu tư có cổ đông lớn nhất là các ông vua lãnh đạo Hồi Giáo địa phương.

Trong bộ sưu tập bán hàng, một màn hình điện tử phát lên "vị trí chiến lược" của Forest City và đặt nó ở trung tâm của bản đồ của siêu dự án BRI của Bắc Kinh. "Chúng tôi đang thực hiện việc thay đổi bản đồ thế giới", bộ sưu tập phát biểu.

Hơn bất kỳ dự án nào khác, Forest City đã giúp thay đổi tình cảm địa phương đối với tiền mặt của Trung Quốc, trong bối cảnh nghi ngờ rằng Trung Quốc và cộng sự địa phương đã âm mưu định hình lại cân bằng dân tộc tinh tế của Malaysia.

"Đây không phải là đầu tư của Trung Quốc mà là một khu định cư", ông Mahathir nói trong chiến dịch tranh cử, sử dụng Forest City như một chiếc túi đấm thường xuyên.

Thành phố Forest không phải là một trò chơi chiến lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc để đóng các tàu chiến ở Malaysia. Nó cũng không được xem như một cách để Bắc Kinh tài trợ cho một nhà lãnh đạo tham nhũng. Thay vào đó, nó đại diện cho một cái gì đó thậm chí còn đáng báo động với người trung bình Malaysia - bốn hòn đảo nhân tạo mà người Trung Quốc có thể sống theo ý thích của họ và, trong quá trình này, giảm thiểu bản sắc dân tộc Malaysia.

Mặc dù phần lớn người Malaysia là người Hồi giáo, nhóm dân tộc lớn thứ hai của nước này là người Trung Quốc, tiếp theo là dân số Ấn Độ. Nhiều người Trung Quốc di cư đến Malaysia trong thời kỳ thuộc địa, và cảm giác rằng họ đã được ưu đãi bởi những người Anh.

Thủ tướng Mahathir khẳng định các chương trình hành động để tạo bình đẵng xã hội, bắt đầu ngay trong thời gian đầu của chính phủ ông, bao gồm đảm bảo rằng người Malaysia và người dân bản địa có được cơ hội cân bằng hoặc tốt hơn so với người Malaysia gốc Trung Hoa.

Trong bối cảnh đó, viễn cảnh của một làn sóng di cư mới của Trung Quốc, ngay cả khi chỉ có một số tạm cư để tránh lạnh từ Bắc Trung Hoa, là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở Malaysia.

Nhưng nếu làn sóng đó thậm chí không hiện thực được thì sao ? Việc kiểm soát vốn ở Trung Quốc đã làm cho người Trung Quốc khó kiếm tiền hơn để mua bất động sản ở nước ngoài. Việc nầy tạo nên lo lắng cho nhân viên bán hàng nói tiếng Quan Thoại tại Forest City. Ai sẽ mua tất cả những căn hộ chung cư này, có giá cao hơn nhiều so với thị trường bất động sản địa phương, nếu không phải là người Trung Quốc ?

"Tất cả chúng ta đều muốn thành phố Forest thành công, bởi vì chúng ta không thể đủ khả năng để nó thất bại và trở thành một thành phố ma trống", Wong Shu Qi, một thành viên của Quốc hội cho Đảng Hành động Dân chủ, là một phần của liên minh với chính phủ mới.

"Thực tế là chúng ta hy vọng và mong muốn một nhượng bộ của Trung Quốc tại Malaysia", cô nói thêm. "Thật buồn làm sao ?"

Hannah Beech

Nguyên tác : ‘We Cannot Afford This’ : Malaysia Pushes Back Against China’s Vision, The New York Times, 20/08/2018

Kiều Phong dịch

Nguồn : VNTB, 26/08/2018

Published in Diễn đàn

Năm ngày trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thủ tướng Malaysia cho thấy ông dám đương đầu với chiến thuật xâm lấn bằng tiền của cộng sản Trung Hoa trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ.

maha1

Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad. (Hình : Toshifumi Kitamura/AFP/Getty Images)

Ngày Thứ Ba vừa rồi, Bác sĩ Mahathir bin Mohamad đã chấm dứt hai vụ đầu tư lớn của các công ty Trung Hoa tại xứ ông, một dự án xây dựng đường xe lửa tốn 20 tỷ USD, và một dự án 2,5 tỷ USD làm đường ống dẫn dầu. Ông Mahathir nêu lý do thực tế : Chúng tôi không thể có tiền trả nợ, mà thật ra chúng tôi cũng không cần.

Trong ngày hôm trước, tại đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường, ông Mahathir tuyên bố thẳng thừng : "Chúng tôi không muốn một tình trạng ‘thuộc địa kiểu mới’ diễn ra !".

Ông thủ tướng Malaysia đã đánh trúng tim đen của ông Tập Cận Bình ! Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là một bộ mặt giả để che đậy thủ đoạn "Viễn Giao, Cận Công" của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.

Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, nước Tần đã dùng kế của Phạm Thư, "Giao thiệp với nước xa, tấn công nước ở gần" để thôn tính lục quốc, thống nhất thiên hạ. Thiên hạ là tất cả đất đai dưới bầu trời. Bây giờ đối với cộng sản Trung Quốc, thiên hạ là cả thế giới.

Ông Tập Cận Bình áp dụng kế của Phạm Thư : Giao hảo với các nước ở xa – Mỹ, Châu Âu, cho đến Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi ; trong khi xâm lấn các nước Đông Nam Á.

Ngày nay, hoàng đế Trung Hoa có thể tấn công mà không cần dùng quân lính. Họ chỉ dùng tiền cũng đủ rồi, coi hiền lành lại đỡ tốn kém ! Chỉ có ông Mahathir đã nói thẳng : Một hình thức chiếm thuộc địa kiểu mới.

Dân Việt Nam đã tỉnh thức đúng lúc khi nổi lên chống dự luật "Đặc khu Kinh tế", cái tên hiền lành chứa đựng âm mưu thâm hiểm.

Người Việt Nam có thể mường tượng cảnh nào sẽ xảy ra ở Bắc Vân Phong, Vân Đồn nếu Luật Đặc khu thành hình, bằng cách nhìn vào hành động "thực dân mới" Trung Quốc tính làm tại thị xã ven biển Kuantan, Malaysia.

Năm năm trước, ông thủ tướng cũ Najib Tun Razak đã thỏa thuận cho một công ty ở Quảng Tây lập một hải cảng nước sâu và một khu kỹ nghệ. Bên cạnh đó là một trạm ngừng cho con đường xe lửa do Ngân hàng Xuất nhập cảng của Trung Quốc cho vay tiền.

Trong thời gian đó, chính phủ Najib cũ đang bị khủng hoảng vì vụ tai tiếng thất thoát tiền bạc khổng lồ của ngân hàng 1MDB. Ông Najib đã chạy qua Tàu vay tiền và được thỏa mãn ngay. Một công ty Năng lượng nguyên tử và một công ty Đường xe lửa của Trung Quốc đã đổ tiền vào giúp. Dự án đường xe lửa được tính với giá 20 tỷ USD ; nhưng sau này thủ tướng Mahathir cho mọi người thấy một công ty của Malaysia đã tính chỉ tốn 13,4 tỷ USD cũng làm được !

Bộ trưởng Tài chánh tân nhiệm Lim Guan Eng, một người gốc Hoa trong chính phủ Mahathir, mới trình bày trước quốc hội, nói rằng nước Malaysia sẽ không đủ tiền để trả số tiền 20 tỷ USD.

Nhưng điều khiến nước Malaysia lo lắng nhất không phải chỉ là mang nợ các công ty quốc doanh Trung Quốc. Trong kế hoạch xây dựng, các công ty Trung Quốc còn tính sẽ làm bốn hòn đảo nhân tạo ngoài khơi hải cảng.

Bốn hòn đảo này diện tích tổng cộng hơn 10 triệu mét vuông, sẽ đủ cho hơn 700.000 người sinh sống. Trước khi thành hình, các đảo này đã được quảng cáo trong nước Tàu để mời mua các chung cư, làm nhà nghỉ mát. Người nào có tiền để mua các căn phòng trong những chúng cư đó ? Một viên chức địa phương cho biết giá các căn chung cư đó được định giá cao vượt trên khả năng tài chánh của dân Malaysia. Ông đã trả lời : Chỉ có người từ Trung Quốc sẽ tới mua !

Nhưng các công ty Trung Quốc còn đưa công nhân của họ qua làm việc trên các hòn đảo nhân tạo này. Những người đó sẽ trở thành dân cư sống tại đó khi hoàn thành ! Cộng thêm các người Tàu đến mua nhà, họ sẽ sống hoàn toàn theo lối Tàu, sẽ biến mấy hòn đảo nhân tạo giầu nhất nước Malaysia thành một phần của nước Tàu.

Thủ tướng Mahathir, trong lúc tranh cử, đã nói thẳng : "Đây không phải là một khu đầu tư của người Tàu mà là một khu định cư (của những người khai thác thuộc địa)". Đó là chưa kể một công ty điện lực Trung Quốc tính xây dựng hải cảng nước sâu có khả năng cho các hàng không mẫu hạm cập bến trong khi Malaysia không có ý mua hàng không mẫu hạm nào cả.

Nếu những dự án trên tiến hành, nước Malaysia sẽ thành một con nợ của các ngân hàng Trung Quốc. Bộ trưởng tài chánh Lim Guan Eng đã đem so sánh với tình trạng diễn ra ở Sri Lanka. Một công ty Trung Quốc xây nên một hải cảng nước sâu, cuối cùng không có đủ tàu bè quốc tế ghé bến, chính phủ Sri Lanka thua lỗ, trong khi các món nợ không trả được. Sau đó, chính phủ Sri Lanka ăn hối lộ của Trung Quốc bị dân đuổi về vườn, nhưng chính phủ mới vẫn gánh nợ. Chính phủ mới muốn khất nợ phải chịu cho Trung Quốc làm chủ khai thác hải cảng, mở khu công nghiệp và du lịch, với thời hạn 99 năm – đúng con số đã làm dân Việt Nam phẫn nộ.

Người Mã Lai lo rằng một dự án mở lại hải cảng ở thị xã Malacca, Malaysia, cũng có thể rơi vào dây thòng lọng của Trung Quốc như vậy, chỉ chờ ngày bị thắt cổ. Dự án này được tính tốn 10 tỷ USD, với một công ty điện lực và hai công ty xây cất của Trung Quốc tham dự. Nhưng sau khi khởi công có thể sẽ được các công ty trúng thầu và ngân hàng Trung Quốc tính lại, đưa tới những món nợ khổng lồ mới. Một dân biểu vùng Malacca nói : "Ai sẽ hưởng lợi nhờ các dự án này ? Người Mã Lai hay người Tàu ?", và ông nói đến mối lo chủ quyền quốc gia bị đem bán.

Thủ tướng Mahathir đã tranh cử bằng cách vạch ra mối nguy "bán nước" của ông thủ tướng cũ. Trước đây ông Mahathir đã từng làm thủ tướng từ 1981 đến 2003, với chính sách độc đoán, đàn áp báo chí, ngăn cản các người có ý kiến độc lập, ngay cả các cộng sự viên của mình. Năm ngoái, 92 tuổi, ông trở lại chính trường, ra tranh cử chống lại người kế vị cùng đảng với mình. Ông đắc thắng, ngày 9 tháng Năm, 2018, khi vạch ra nước Malaysia đang nghẹt thở vì nợ 250 tỷ USD các công ty và ngân hàng Trung Quốc. Ông tố cáo âm mưu xâm lăng bàng tiền bạc, gây ra nạn tham nhũng khắp chính quyền.

Ông Mahathir đã can đảm chống lại âm mưu nô lệ hóa bằng "tiền đầu tư" của cộng sản Trung Quốc. Điều có thể khiến ông hối hận là trong hơn 20 năm cai trị Malaysia, ông chỉ lo củng cố quyền lực của đảng mình mà không thiết lập các định chế kiểm soát lẫn nhau trong guồng máy quốc gia. Chính bộ máy đảng trị do ông xây dựng đã đẻ ra Thủ tướng Najib độc tài và tham nhũng. Nước Malaysia còn may mắn vì các cuộc bầu cử vẫn tự do, cho nên ông Mahathir có cơ hội trở lại quét những nhơ vẩn do chính ông để lại. Việc đầu tiên ông làm là ân xá cho một đối thủ chính trị cũ đã bị ông bỏ tù, mời tham gia nội các.

Trong tuần qua, Bắc Kinh đã cố gắng vuốt ve phỉnh phờ, trải thảm đỏ tiếp ông Mahathir. Chính ông Tập Cận Bình mở quốc yến đãi ông, trong khi theo thường lệ việc tiếp đón một thủ tướng nước ngoài là việc của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Người dân các nước khác trên con đường bành trướng Nhất Đới Nhất Lộ, từ Sri Lanka tới Djibouti, Myanmar và Montenegro, đã bắt đầu thức tỉnh và "tẩy chay tiền Trung Quốc !". Khi một công ty Trung Quốc nắm đầu dự án, họ sẽ chỉ cho các công ty Trung Quốc khác trúng thầu xây dựng, với giá cao hơn thực tế, rồi họ đem công nhân của họ đến tràn ngập các công trường. Khi cả công trình thất bại vì không sinh lợi, họ sẽ thúc giục trả nợ rồi tìm cách chiếm quyền làm chủ dài hạn, tới 99 năm !

Không chỉ có các nước nhỏ và yếu mới lo ngại trước các hành động xâm nhập của Trung Quốc. Tháng trước, chính phủ Đức cũng phủ quyết việc bán một công ty Đức cho công ty Trung Quốc. Quốc hội Mỹ cũng làm luật chặn bớt Trung Quốc mua các công ty kỹ thuật cao của Mỹ. Khắp thế giới đang lập thêm hàng rào ngăn cản Trung Quốc đầu tư trong đủ các lãnh vực, từ chất bán dẫn tới dịch vụ tài chánh.

Các công ty Trung Quốc sẽ là đạo quân xâm lược trong chiến thuật "Viễn Giao Cận Công" của ông Tập Cận Bình. Bây giờ Trung Quốc đang vuốt ve ông Mahathir nhưng họ sẽ còn tiếp tục chính sách xâm lăng bằng tiền, không bao giờ bỏ.

Malaysia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mua bán nhiều nhất với nước Tàu. Sau khi ông Mahathir đứng dậy đối đầu, Malaysia sẽ chấm dứt vai trò. Nước giao thương nhiều thứ nhì ở vùng Đông Nam Á sẽ lên thay trong địa vị đứng hàng đầu. Đó là nước Việt Nam ! Chín chục triệu dân Việt Nam phải lo lắng ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 24/08/2018

Published in Diễn đàn

Malaysia dừng các dự án với Trung Quốc để tránh bị vỡ nợ (RFI, 21/08/2018)

Trong cuộc họp báo hôm nay, 21/08/2018, tại Bắc Kinh, nhân kết thúc chuyến viếng thăm 5 ngày tại Trung Quốc, thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết đã thông báo với các lãnh đạo Bắc Kinh là Malaysia phải đình chỉ các dự án với Trung Quốc do lo ngại bị vỡ nợ.

malaysia1

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Li Keqiang chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác song phương, Bắc Kinh, ngày 20/08/2018 - Reuters

Cụ thể, theo tờ nhật báo Singapore The Straits Times, thủ tướng Mahathir tuyên bố hai dự án hợp tác với Trung Quốc là dự án đường sắt phía đông bán đảo Malaysia (East Coast Rail Link) và dự án hai đường ống dẫn khí, đã bị đình chỉ, vì khả năng tài chính của Malaysia không đủ để thực hiện.

Tuy nhiên, chi tiết về việc đình chỉ hai dự án, trong đó có vấn đề bồi thường, sẽ được thảo luận sau. Theo lời thủ tướng Mahathir, phía Trung Quốc "hiểu vấn đề và đồng ý". Nhật báo The Straits Times tuyên bố ưu tiên hiện nay của Malaysia giảm các khoản nợ và các khoản vay.

Trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua, thủ tướng Malaysia có giọng điệu hòa hoãn hơn so với những tuyên bố cứng rắn trước đó.

Thông tín viên RFI Angélique Forget từ Thượng Hải tường trình :

"Từ khi trở lại nắm quyền, ông Mahathir Mohamad vẫn liên tục chỉ trích những đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia, vì theo ông, những đầu tư này sẽ gây phương hại cho chủ quyền quốc gia. Thủ tướng Malaysia đặc biệt chống những thỏa thuận mà các công ty Nhà nước Trung Quốc đã ký với chính phủ của thủ tướng tiền nhiệm, nay đang bị cáo buộc tham nhũng.

Nhưng khi đến thăm Trung Quốc, ông Mahathir có giọng điệu bớt gay gắt hơn. Ông đã tuyên bố với báo chí : Chúng tôi có nhiều điều phải học từ Bắc Kinh. Tôi tin tưởng vào hợp tác với Trung Quốc, vì Trung Quốc mang lại cho chúng tôi rất nhiều thứ. Khi hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình, thậm chí ông còn kêu gọi Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Malaysia.

Báo chí chính thức của Trung Quốc tỏ vẻ vui mừng về sự thay đổi giọng điệu này. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Malaysia không có sự chọn lựa nào khác, vì nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Như vậy là Bắc Kinh lại có dịp mở rộng ảnh hưởng hơn nữa tại Đông Nam Á".

Thanh Phương

****************

Malaysia kêu gọi Trung Quốc thông cảm sau khi bỏ hai dự án vay vốn Trung Quốc (RFA, 20/08/2018)

Thủ tướng Malaysia kêu gọi Trung Quốc thông cảm sau khi quyết định ngưng hai dự án hạ tầng với vốn vay hàng tỷ đô la từ Trung Quốc.

malaysia1

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói chuyện tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 20/8/2018 - AFP

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20/8 rằng ông mong phía Trung Quốc hiểu được những vấn đề mà Malaysia đang phải đối mặt. Ông hy vọng là Trung Quốc sẽ thông cảm cho những vấn đề mà Malaysia đang phải giải quyết, và có thể sẽ giúp Malaysia giải quyết một số vấn đề về tài chính nội bộ của Malaysia.

Trước chuyến thăm đến Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir đã nói đến việc bỏ hai dự án do Trung Quốc cho vay vốn là dự án đường sắt bờ biển phía đông trị giá 20 tỷ đô la và dự án hai đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ đô la. Chính phủ mới của ông Mahathir cũng yêu cầu phải cắt giảm đáng kể chi phí trong hai dự án này mặc dù một phần tiền đã được trả cho Trung Quốc.

Đây là hai dự án quan trọng trong sáng kiến Vành Đai Con Đường của Trung Quốc. Trung Quốc nói hai dự án này giúp hai bên cùng có lợi và những bất đồng phát sinh phải được giải quyết giữa các bên thương mại liên quan.

********************

Bài học khi Malaysia muốn hủy các dự án Trung Quốc (RFA, 16/08/2018)

Thủ tướng đương nhiệm Malaysia, ông Mahathir Mohamad, sau khi nhậm chức, tuyên bố sẽ hủy bỏ hai dự án trị giá hàng tỷ đô la do Trung Quốc đầu tư. Lý do nêu ra là ông không muốn Kuala Lumpur mắc thêm nợ. Đây là dự án đường ống dẫn khí và tuyến đường sắt dọc bờ biển miền Đông ở Malaysia được ký kết dưới thời Thủ tướng Najib Razak. Người đứng đầu chính phủ Kuala Lumpur nói rõ ông sẵn sàng chào đón đầu tư từ Hoa Lục với điều kiện đầu tư đó phải có lợi cho Malaysia.

malay1

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng. AFP

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện đang sống ở Na-Uy cho rằng Việt Nam nên học hỏi đường lối cứng rắn với Trung Quốc của tân chính phủ Malaysia :

Tôi nghĩ Việt Nam nên có một chính sách kinh tế độc lập với chính mình. Một nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ổn định không chỉ là một tương lai phồn thịnh mà còn là một tương lai độc lập cho đất nước mình. Để có sự độc lập, tự do và phồn thịnh đó thì mình không thể phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế của Trung Quốc và không thể nợ họ quá nhiều. Khi mình phụ thuộc vào họ thì mình không độc lập được, và sự thiếu độc lập này sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc áp lực với đất nước mình. Họ sẽ gây ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Ông nhận định Việt Nam hiện đã đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, thể hiện qua nhiều dự án do Bắc Kinh bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, các số liệu cho thấy Việt Nam đang nợ bao nhiêu và nhận viện trợ bao nhiêu của Trung Quốc không được chính quyền công bố với dân.

Ông cũng cho rằng Việt Nam nên rà soát lại các dự án của Trung Quốc và đình chỉ các dự án không có hiệu quả về kinh tế và gây ảnh hưởng về an ninh quốc phòng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) phân tích cả hai mặt lợi-hại trong quan hệ kinh tế Việt – Trung :

Trung Quốc vẫn là một thị trường, một đối tác quan trọng trong thương mại, đầu tư với VN. Điều này có những ý nghĩa đóng góp đối với công cuộc xây dựng kinh tế ở VN. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như câu chuyện thương mại, đầu tư với các đối tác khác cũng có những vấn đề. Thứ nhất, về thương mại, Việt Nam thâm hụt khá lớn với Trung Quốc. Điều này liên quan đến cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam,…

Về đầu tư, bên cạnh các dự án phát huy các hiệu quả tốt, cũng có những dự án về mặt công nghệ chưa tốt và về mặt môi trường cũng chưa thân thiện.

Năm 2017, Việt Nam đánh dấu mốc vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất trong 10 năm, đạt hơn 35 tỷ đô la. Trong tổng số 115 quốc gia rót vốn vào Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 4.

Tuy nhiên, nhiều dự án của chủ đầu tư Trung Quốc cho thấy rõ tính không hiệu quả như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hàng loạt các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường trong đó có chuỗi nhà máy Vĩnh Tân khét tiếng. Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của bộ Công thương, có đến 5 dự án liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Truyền thông trong nước cũng thừa nhận nhiều dự án lớn hợp tác với Trung Quốc ban đầu thương yên ả nhưng càng về sau càng sóng gió sau mỗi lần bắt tay với Bắc Kinh.

Chuyên gia Nguyễn Huy Vũ nhận định :

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dự án của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam kém hiệu quả về kinh tế và yếu kém cả về kỹ thuật là do tham nhũng. Nhưng chúng ta phải để ý tại sao lại là Trung Quốc mà không phải các nước Âu Mỹ, bởi vì ở các nước này chịu sự giám sát của chính quyền nước sở tại nên họ không thể dùng cách đút lót để giành dự án ở Việt Nam được. Trong khi các công ty Trung Quốc dễ dàng chia phần trăm cho các quan chức để được nhận dự án.

malay2

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông do Trung Quốc đầu tư. Courtesy of FB Le Dung Vova

Một bài học khác cho Việt Nam được các chuyên gia nêu lên, đó là việc Sri Lanka buộc phải cho Bắc Kinh thuê cảng biển Hambantota trong 99 năm như một điều kiện để Trung Quốc giảm nợ cho Sri Lanka. Đây được cho là "bẫy nợ" trong nước cờ sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh.

Trước đây một số quốc gia khác như Úc, Djibouti, Argentina, Namibia hay Lào đều rơi vào tình trạng tương tự đó là nợ Trung Quốc quá nhiều, phải cho thuê đất trả nợ. Tại quốc gia châu phi Djibouti, vào năm ngoái Bắc Kinh đã cho thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên, trên mảnh đất mà Djibouti phải cho thuê để chuộc nợ.

Hiện Myanmar cũng bị cảnh báo có thể trở thành "con nợ" của Trung Quốc khi cho xây cảng biển và khu công nghiệp Kyaukpyu trị giá hàng chục tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ.

Đáp lại câu hỏi rằng Việt Nam có nên hạn chế nhận đầu tư từ Trung Quốc để tránh những hệ quả về sau không ? Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết :

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phát triển nên cần dựa nhiều vào công nghệ tốt hơn, kỹ năng quản lý tốt hơn, hiệu quả và sáng tạo hơn. Vì vậy Việt Nam muốn và đang thiết lập quan hệ đối tác với các nước phát triển nhất, xét về khía cạnh công nghệ, kỹ năng quản lý để học hỏi vươn lên.

Thứ hai, trong thế giới hiện nay còn nhiều rủi ro bất định, việc đa dạng hóa thị trường cả về đầu tư và thương mại cũng là một cách để giảm thiểu sự cố khi bất định xảy ra.

Ông cũng nói thêm Việt Nam cần cứng rắn giải quyết các vấn đề đang tồn tại với Trung Quốc đó là dựa trên luật pháp quốc tế cho các vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Còn về kinh tế, ông cho rằng Việt Nam cần nhấn mạnh với Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn là một đất nước mở cửa, tuy nhiên Việt Nam quan tâm đến việc đầu tư của Trung Quốc phải đảm bảo gắn với công nghệ tốt, thân thiện với môi trường.

Chuyên gia Nguyễn Huy Vũ cho rằng cách duy nhất để minh bạch mọi dự án nhằm ngăn chặn tham nhũng và thất thoát không chỉ riêng với Trung Quốc là phải có dân chủ và có các phe đối lập để giám sát, chất vấn các dự án của chính quyền.

Published in Châu Á