Hà Nội tính tu bổ phù điêu về McCain, người từng oanh tạc Việt Nam rồi giúp nối lại quan hệ Việt-Mỹ
Quận Tây Hồ thuộc Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam cộng sản, đang có bước đi nhằm tôn tạo bức phù điêu về ông John McCain, phi công Mỹ từng ném bom xuống Việt Nam, bị bắt làm tù binh rồi trở thành thượng nghị sĩ ủng hộ việc bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trước khi ông qua đời vào năm 2018.
Ông John McCain - khi còn là Thượng nghị sĩ - thăm phù điêu về ông cạnh hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, 7/4/2009.
Các báo Việt Nam trong đó có VnExpress và Dân Trí đưa tin hôm 16/7 rằng phù điêu sẽ được cải tạo để có kích thước to thêm và nhìn trang trọng hơn với chất liệu là đá nguyên khối. Dự kiến kinh phí dự án là gần 2 tỷ đồng từ ngân sách quận Tây Hồ, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2025.
Hiện ủy ban nhân dân quận đã nộp tờ trình đến hội đồng nhân dân quận để được chuẩn thuận, VnExpress, Dân Trí và một số trang tin cho hay.
Việc chỉnh trang, tu bổ phù điêu về cố thượng nghị sĩ Mỹ có mục đích "lưu giữ lâu dài những giá trị lịch sử, văn hóa của sự kiện diễn ra tại khu vực ; tạo không gian phù hợp để phát huy những giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân", UBND quận Tây Hồ nói trong tờ trình, được báo chí trong nước dẫn lại.
Theo VnExpress, Dân Trí và một số trang tin, hình thức bức phù điêu được giữ nguyên nhưng sẽ có kích cỡ lớn hơn và được dịch chuyển từ gần mặt đường về phía sát với hồ Trúc Bạch, nơi ông McCain nhảy dù xuống trong tình trạng bị thương nặng, sau khi máy bay chiến đấu của ông bị bắn rơi vào tháng 10/1967.
Bức phù điêu hiện tại làm bằng xi măng-cát vàng, thể hiện hình ảnh phi công không quân thuộc Hải quân Mỹ McCain quỳ gối giơ tay hàng, khói lửa bốc lên quanh người ; bên trái của phi công là hình ảnh tượng trưng về mảnh vỡ máy báy ; bên phải là những dòng chữ mô tả sự kiện.
"Ngày 26-10-1967, tại hồ Trúc Bạch, quân và dân Hà Nội bắt sống phi công John Sydney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã lái chiếc máy bay A4 bị bắn rơi tại Nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng ngày", là nội dung dòng chữ.
Ông McCain bị giam giữ trong nhà tù của Việt Nam trong 5 năm cho đến khi được trao trả theo Hiệp định Paris ký giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ hồi năm 1973.
Cuộc chiến được Mỹ gọi là Chiến tranh Việt Nam kéo dài từ tháng 11/1955 đến 30/4/1975. Mỹ nói họ tham chiến để ngăn chặn Cộng sản Bắc Việt, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm chiếm đồng minh của Mỹ là Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa.
Mỹ chính thức đưa quân vào Nam Việt Nam hồi tháng 3/1965. Nhiều diễn biến bất lợi về quân sự, chính trị, dư luận đã dẫn đến việc Mỹ rút quân năm 1973. Bắc Việt giành chiến thắng, thống nhất toàn bộ đất nước Việt Nam sau đó 2 năm.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ cấm vận Việt Nam trong nhiều năm. Ông McCain đã trở thành một thượng nghị sĩ vào năm 1987 và có nhiều hoạt động ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ vào năm 1995 và sau đó là thúc đẩy mối quan hệ này.
Trong những dịp khác nhau, một số vị lãnh đạo và nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam đã cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của ông cho mối quan hệ hai nước.
Bản thân ông đã nhiều lần quay lại thăm Việt Nam, bao gồm cả ghé thăm tấm phù điêu về chính ông.
Một số vị lãnh đạo Mỹ bao gồm tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao… từng đến thăm bức phù điêu trong các chuyến công cán tới Việt Nam, mà gần đây nhất là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm như vậy vào tháng 9/2023.
Nguồn : VOA, 16/07/2024
Phần 1:
Donald Trump : Phong trào birther đã góp phần vào sự phân cực trong các cuộc tranh luận xã hội
Trump, however, didn’t cause the chaos. The chaos caused Trump.
(Tuy vậy, Trump không phải là người đã tạo ra sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn đã tạo ra Trump).
Jonathan Rauch, "How American Politics went Insane"
Nguyên tác : Detamerikanskemarerittet (tác giả : Thor Stenhovden), Chương 3 : Donald Trump - Người dịch : Hoàng Thủy Ngữ
Cuộc họp cử tri của John McCain ở Lakeville
Tháng Mười năm 2008, ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain đến thăm thành phố nhỏ Lakeville, cách trường đại học cũ của tôi ở Minnesota khoảng 15’ lái xe. McCain, người hùng chiến tranh và là thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona, đến miền Trung Tây để gặp gỡ và vận động cử tri trong chiến dịch tranh cử của mình.
Giữa cuộc họp, một phụ nữ lớn tuổi, đầu đã bạc và mắt đeo kính, giơ tay lên. Bà ngập ngừng và bối rối khi đứng cách ứng cử viên tổng thống nửa mét. Cuối cùng bà cũng nói ra được điều mình thắc mắc : "Tôi cần hỏi ông một câu… Tôi không thể tin Obama. Tôi đã đọc về ông ta và ông ta là… ông ta là… người Ả Rập".
Thượng nghị sĩ John McCain đã chọn việc bênh vực sự thật về Obama hơn là tuyên bố sai lệch để gặt hái được những tràng pháo tay.
McCain ngạc nhiên thân mật lắc đầu và nói nhanh trong micro : "Không, thưa bà. Không phải đâu. Ông ấy là người đàn ông rất tốt trong gia đình, một công dân, người mà tôi không có cùng quan điểm chính trị trong một số lãnh vực. Đó là tất cả những gì mà chiến dịch tranh cử này nhắm tới".
Cử tri đã vỗ tay một cách dè dặt. Dường như họ không biết sẽ phải phản ứng như thế nào. Có phải thượng nghị sĩ đã bênh vực Obama trong cuộc họp của những người Cộng hòa ? John McCain là thế. Ông muốn có cuộc tranh luận chính trị nghiêm túc. Thượng nghị sĩ đã chọn việc bênh vực sự thật về Obama hơn là tuyên bố sai lệch để gặt hái được những tràng pháo tay.
Chuyện người phụ nữ nghi ngờ Obama là người Ả Rập không phải là trường hợp duy nhất. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín, nỗi sợ hãi người Hồi giáo đã gia tăng đáng kể ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sự hoài nghi của các cử tri Cộng hòa.
Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, lượng người nhập cư trái phép tăng lên dữ dội ở các cửa khẩu biên giới. Vì vậy cử tri của cả hai đảng càng lúc càng hoài nghi hơn về chuyện nhập cư. Đa số lưỡng đảng trong quốc hội đã cho phép tổng thống George W. Bush sử dụng tài lực để giảm thiểu số lượng người nhập cư đồng thời xây dựng hàng rào biên giới.
McCain rất cứng rắn trong vấn đề di dân nhưng cho rằng vấn đề này phải được giải quyết thông qua những cải cách lớn hơn liên quan đến an ninh biên giới và cấp giấy phép cư trúcho hàng triệu người đang sống không giấy tờ trong nước. Năm 2005 ông đã cộng tác với thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Kennedy. Nhưng đề xuất của họ không được các chính trị gia của cả hai đảng đánh giá cao. Hai năm sau, McCain cũng ủng hộ nỗ lực cải cách tiếp theo của Kennedy mặc dù các cố vấn của ông đã khuyến cáo là việc làm này sẽ làm thành phần nòng cốt của đảng Cộng hòa khó chịu, trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng sắp tới.
Như chúng ta đã thấy trong chương sách trước, rõ ràng McCain đã thua Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Một liên minh chủ yếu gồm giới trẻ, phái nữ và cử tri sắc dân thiểu số như Megha Agrawal đã đưa ứng cử viên Dân chủ bước vào Nhà Trắng. Bốn năm sau, trong lần tái tranh cứ, Obama lại giành chiến thắng trước đối thủ Cộng hòa Mitt Romney.
Sau thất bại lần hai vào năm 2012, trong hoảng loạn, đảng Cộng hòa đã thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu những sai lầm trong hai cuộc bầu cử vừa qua. Bản báo cáo ủy ban đưa ra quả thật tàn bạo. Đảng Cộng hòa chỉ giành được hai trong số sáu cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất. Theo ủy ban, chuyện này một phần vì đảng ngày càng bị coi là xa cách với quần chúng. Phụ nữ và nhóm sắc tộc thiểu số được bổ nhiệm quá ít vào vị trí lãnh đạo nên đã gây ra ấn tượng là đảng không quan tâm đến người dân bình thường. Lẽ ra ủy ban không cần phải đề xuất giải pháp cụ thể nhưng họ không thể im lặng :
"Chúng ta phải cải cách và quảng bá chính sách nhập cư. Nếu bỏ qua việc này, lời kêu gọi của đảng sẽ mất dần ảnh hưởng và chỉ còn những cử tri trung kiên nghe theo. Ngoài ra chúng tôi còn tin rằng việc cải cách chính sách nhập cư cũng phù hợp với các nguyên tắc kinh tế của đảng Cộng hòa, nhằm tạo ra công việc làm và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người".
Các chính trị gia ở Washinton D.C đã nghe theo khuyến nghị đó. Một nhóm gồm 4 người Dân chủ và 4 người Cộng hòa, được gọi là The Gang of Eight, đã thảo luận đưa ra một đề xuất cải cách chính sách nhập cư và nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Thượng Viện. Trong Nhà Trắng, tổng thống Obama đã sẵn sàng đặt bút ký nhưng rồi phải chờ vì dự luật chưa được Hạ Viện phê chuẩn. Mọi việc phải dừng lại.
"The Gang of Eight" và cải cách nhập cư : Biên giới trong cơn ác mộng an ninh quốc gia
Một năm trước cuộc bầu cử giữa kỳ, những người Cộng hòa ở Hạ Viện không chắc chắn là việc cải cách luật nhập cư có cần thiết cho cuộc bầu cử hay không nên đã bỏ qua và không phê chuẩn dự luật. Có lẽ họ cho rằng bản báo cáo năm 2012 đã đề ra những giải pháp sửa đổi mà nhiều cử tri cộng hòa không thích ?
Khác với các thượng nghị sĩ vốn chỉ chịu trách nhiệm với tiểu bang, các dân biểu ở Hạ Viện được bầu từ những địa hạt bầu cử nhỏ hơn tại địa phương. Họ thường tiếp xúc trực tiếp với cử tri nên có thể đã nhận thấy những dấu hiệu bất đồng của cử tri đối với chiều hướng ôn hòa. Vì vậy một chính sách di dân thân thiện hơn cũng chẳng giúp được gì nhiều nếu đa số cử tri của họ không bằng lòng. Donald Trump nhìn thấy rõ những thuận lợi rút ra được từ mâu thuẫn này nên đã lợi dụng và khai thác nó triệt để.
Phong trào Birther
Trở lại cuộc họp cử tri của McCain ở Lakeville, năm 2008. Nguyên do lời bình luận Obama là dân Ả Rập của người phụ nữ lớn tuổi xuất phát từ một thuyết âm mưu đã bắt đầu lan rộng từ trước cuộc bầu cử.
Lời nói dối phao lên rằng Obama thực sự không sinh ở Hawaii mà là ở Kenya. Nếu điều này đúng thì Obama không thể ra ứng cử tổng thống vì không phải là công dân Hoa Kỳ. Cáo buộc này có lẽ đầu tiên do những người ủng hộ Hillary Clinton đưa ra trong chiến dịch đề cử hồi đầu năm. Mặc dù cuối cùng Obama đã giành chiến thắng, tin đồn này vẫn không mất đi. Trái lại, thuyết âm mưu vẫn âm ỉ và dần có tên là birtherism.
Suốt 70 lần, các cơ quan tư pháp khác nhau đã phải bác bỏ những vụ kiện dân sự nhằm trục xuất tổng thống ra khỏi Nhà Trắng. Trong cuốn video thu hình buổi họp của các cử tri Cộng hòa bị rò rỉ, một chính trị gia trong quốc hội đã nhấn mạnh Obama thực sự là công dân Hoa Kỳ. Cũng giống như trường hợp McCain, ông đã phải đối mặt với sự bất mãn chống đối trong hội trường. Ngoài ra, một số tiểu bang đã đề ra dự luật buộc các ứng cử viên tổng thống phải xuất trình giấy khai sinh trước khi ra ứng cử.
Cuộc tranh cãi vẫn không chấm dứt và cuối cùng tình hình trở nên rất ngớ ngẩn. Mùa hè năm 2010, CNN đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận. Kết quả cho thấy 1 trong 4 người Mỹ vẫn nghi ngờ tổng thống của họ có sinh ở Hoa Kỳ hay không. Sự khác biệt rất rõ nét giữa 2 đảng : 40% người Cộng hòa hoàn toàn không biết chắc Obama thật sự có phải là công dân Hoa Kỳ. Người ta đã chọn lọc tập trung một nhóm người. Mục đích để tìm hiểu ý kiến của cử tri. Một nửa số người Cộng hòa tin rằng Obama theo đạo Hồi. Và rồi Trump nhảy vào cuộc chiến.
Mùa xuân năm 2011, nhà tỷ phú bất động sản đã tham gia một số các cuộc phỏng vấn trên nhiều kênh truyền hình trong nước, có lẽ để thử thăm dò mức độ đón nhận nếu ông ra ứng cử tổng thống vào năm 2012 như thế nào. Trong những lần có mặt trong cuộc phỏng vấn, ông liên tục quả quyết Obama không sinh ở Mỹ. Ông trở thành người lãnh đạo không chính thức của phong trào birther.
Trong postcast của Laura Ingraham, người phụ trách chương trình của Fox News, ông Trump nói rất rõ ràng về Obama như sau : "Ông ta không có giấy khai sinh và nếu ông ta có, tôi tin rằng trong đó cũng ghi điều rất có hại cho ông ta. Tôi không biết là điều đó có hại cho ông ta hay không, nhưng có người nói với tôi rằng có lẽ chữ 'Hồi giáo' được viết trong mục khai báo tôn giáo trên giấy khai sinh. Và bạn biết đấy, nếu bạn là người Hồi giáo, bạn không thể thay đổi tôn giáo của mình".
Trump không bỏ cuộc và cuối cùng được cựu ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin ủng hộ. Truyền thông bảo thủ yêu thích vở tuồng và châm thêm dầu vào lửa. Những người lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Washington D.C lắc đầu nhưng cứ để mặc cho cuộc tranh cãi tiếp tục sôi động.
Sự việc diễn ra ngoài sự chịu đựng của Obama. Ông công bố giấy khai sinh của mình năm 2008. Ngày 27 tháng Tư năm 2011, tiểu bang Hawaii phát hành một phiên bản giấy khai sinh chi tiết hơn.Trong buổi họp báo chí chật kín người, một Obama cay đắng nhấn mạnh với mọi người là mình sinh ở Mỹ. Obama gần như cầu xin các chính trị gia trong nước chuyển mọi quan tâm của họ sang cuộc khủng hoảng ngân sách sắp tới và mong mọi người đừng bị phân tâm bởi" một đám hề ánh xiếc chỉ toàn bịa chuyện". Mọi người đều biết ông ám chỉ ai : Donald Trump.
Ít lâu sau cả Trump và Obama tham dự buổi dạ tiệc (galla party) tổ chức hàng năm ở Washington dành cho báo chí và các chính trị gia. Nội dung chủ yếu của bữa tiệc là màn đùa cợt vui vẻ, nơi để tổng thống diễu cợt chính mình, các đối thủ chính trị và giới truyền thông. Điều không ai biết là ngay đêm hôm đó Obama vừa bật đèn xanh cho lực lượng đặc biệt Mỹ mở chiến dịch quân sự dẫn đến cái chết của Osama Bin Laden, thủ lãnh Al Queda vài ngày sau. Rõ ràng đây là một đòn trả thù. Obama không chỉ nhắm vào Bin Laden đêm hôm đó.
Trong bài phát biểu của mình, Obama đã tấn công Trump một cách tàn nhẫn. Ông diễn kịch chế giễu Trump là một ngôi sao truyền hình thực tế đầy âm mưu và nhẹ dạ vốn chẳng có gì với chính trị để làm. Các máy ghi hình cho thấy một Trump đùng đùng nổi giận và bỏ về rất sớm trước khi buổi tiệc tàn. Sau lần bị xúc phạm trong bữa tiệc, Trump tiếp tục chống phá Obama. Ngôi sao truyền hình thực tế quả quyết giấy khai sinh của Obama là giả, dựa vào một "nguồn tin tuyệt đối đáng tin cậy". Và Trump còn nghi ngờ đến cả kết quả học hành của tổng thống. 5 năm sau, lần đầu tiên, trong chiến dịch vận động bầu cử trước năm 2016, đảng Cộng hòa mới dứt khoát xác nhận Obama sinh ở Mỹ.
Phong trào birther của Trump đã góp phần vào sự phân cực trong các cuộc tranh luận xã hội. Sự kỳ thị chủng tộc được che đậy một cách vụng về đã tác động mạnh đến các cử tri Dân chủ và thậm chí còn mồi thêm lửa cho cánh cực hữu trong đảng Cộng hòa. Doanh nhân NewYork này không thể làm được nếu không có những cơ chế đã đề cập đến trong quyển sách này : truyền thông bảo thủ truyền bá thông điệp, các nhóm lợi ích chia sẻ nó, các chính khách Cộng hòa không lên tiếng phủ nhận đó là trò xiếc… Trump biết mình là bậc thầy trong việc khai thác triệt để các yếu tố trên, biết cách biến chúng thành độc hại hơn và sử dụng không ngừng nghỉ.
Thor Stenhovden
Nguyên tác : Det amerikanske marerittet, Chương 3 : Donald Trump, Res Publica, 08/10/2018
Hoàng Thủy Ngữ dịch
(07/02/2019)
Xem : Cơn ác mộng Mỹ - 2
Tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa sang Hoa Kỳ dự cuộc đối thoại quốc phòng Việt - Mỹ, với một số thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng bảo vệ vùng ven biển Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện, diễn tập chung, phía Mỹ giúp cho Việt Nam tẩy trừ chất Dioxin ở quanh sân bay Biên Hòa, tiếp theo việc hoàn thành việc tẩy trừ quanh sân bay Đà Nẵng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao lại một số kỷ vật của Thượng nghị sĩ John McCain trong thời gian ông bị giam tạiHora Ló, Hà Nội, Việt Nam cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 của thế kỷ trước.
Theo màn truyền hình VTV4 ngày 21/10, nhân dịp này thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã trao một món quà "rất quý" cho thượng nghị sĩ John McCain, hiện là Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đó là một tập tài liệu đã ngả màu vàng xám, gồm một số lá thư riêng của gia đình, bố mẹ, vợ con, bạn bè ông McCain gửi cho ông trong gần 5 năm rưỡi ông bị cầm tù trong trại giam Hỏa Lò, Hà Nội.
Ông McCain là nhân vật nổi tiếng. Ông nội và cha ông đều là Đô đốc hải quân 4 sao, ngang cấp Đại tướng. Ông bị bắt khi ném bom nhà máy điện Hà Nội, bị bắn, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị thương nặng, được cứu chữa và bị giam từ tháng 10 năm 1967 đến đầu năm 1973. Lúc ấy ông là Thiếu tá hải quân 31 tuổi.
Trở về Hoa Kỳ ông trở thành chính khách của đảng Cộng hòa rất có uy tín, 2 lần trúng cử ở Viện Dân biểu và 5 lần liền trúng cử Thượng nghị sĩ.
Tại sao ông Vịnh lại mang món quà "độc" trên đây sang Hoa Kỳ ? Chắc hẳn đã được sự tán thành của Bộ Ngoại giao và cả của Bộ Chính trị. Tôi dùng chữ "độc" với hàm cả 2 nghĩa, độc đáo với nghĩa tốt đẹp, khôn ngoan, hoặc với nghĩa độc hại, tệ hại.
Không biết ông McCain có vui mừng, hoan hỉ, biết ơn người trao tặng phẩm hay không. Bản tin không nói gì. Hay là theo phán đoán bình thường, ông McCain sẽ tỏ ra rất đau buồn và có thể rất phẫn nộ nữa. Hơn nữa lúc này ông lại đang bị bệnh hiểm nghèo ung thư trên não, mắt bị đau nặng.
Điều trên đây biểu lộ thái độ cực kỳ hà khắc đến độc ác, man rợ của chính quyền Việt Nam khi chủ trương tịch thu hết, còn lưu giữ mọi thư từ riêng tư của mấy trăm tù binh Mỹ do họ quản lý, không cho họ nhận tin tức của bố mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè mà họ mong ngóng ngày đêm, cũng giống như không mảy may quan tâm đến việc liên lạc thư từ của các quân nhân miền Bắc Việt Nam vào Nam chiến đấu.
Tại sao họ không trao trả những tập thư đó ngay từ đầu năm 1973, để ông McCain có thể đưa ra cho bố, mẹ, vợ con ông xem, sao họ lại ngâm tôm thêm 44 năm nữa, nay mới lấy ra làm mồi kết thân ! Thật không có gì tệ hại, vụng dại bằng !
Mấy năm trước, ông Phạm Quang Nghị trong Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội cũng sang Hoa Kỳ và tặng ông Mc Cain mấy bức ảnh chụp tấm bia lưu niệm cắm bên bờ hồ Trúc Bạch có ghi rõ tên tuổi, chức vụ, ngày tháng ông bị bắn rơi và bị bắt sống, điều không đẹp đẽ gì, gây nên phản cảm rất sâu nặng, cứ như cố tình khoét sâu thêm nỗi đau lòng về một số phận đen đủi mấy chục năm trước, điều mà đương sự chỉ muốn lãng quên, nay lại bị khơi dậy như trì triết nặng nề cố tình làm cho tủi nhục thêm. Cũng là một sự vụng dại độc hại về chính trị.
Đây có thể là do gốc gác của một chế độ rất thiếu văn hóa, không biết cách ứng xử văn minh, nhân ái và nhân đạo trong quan hệ quốc tế. Chủ quan và mù quáng, tự kiêu tự đại không đúng chỗ, không đúng lúc. Mà lại không xấu hổ.
Ắt hẳn trong đầu ông tướng Vịnh vốn lười học, - ăn chơi từ khi còn đi học ở trường kỹ thuật quân sự Vĩnh Phú như tướng Đặng Quốc Bảo hiệu trưởng từng kể lại - cũng như trong đầu các ủy viên Bộ Chính Trị chỉ có thể nghĩ rằng đưa lại bó thư quý cho đương sự ắt rằng đương sự sẽ chỉ biết ơn, coi đây là quà quý được ban phát cho không, vì họ chỉ quen suy nghĩ một chiều, lấy bụng ta suy ra bụng người khác.
Xin-cho, ban phát là nếp nghĩ độc nhất của họ. Ở trong nước chính sách này còn ít nhiều tác dụng, nhưng xuất khẩu nó thì thật là tệ hại.
Một điều dại dột, vụng về, ngớ ngẩn về ngọai giao mà cả Bộ Ngoại giao, cả Vụ Lễ tân, cả Ban đối ngọai trung ương đảng - hàng mấy trăm con người có học, không một ai lên tiếng ngăn cản, kể cả ông bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có vẻ như vẫn còn mê ngủ, chưa mở mắt nhìn được thế giới đã bước vào bình minh của thế kỷ XXI !
Nguồn : VOA, 23/10/2017
Thượng nghị sĩ John McCain tối thứ Hai 16/10 đã lên tiếng gay gắt chỉ trích những người mà ông không nêu tên, đã thúc đẩy khuynh hướng chính trị cô lập hóa, sau khi ông được trao phần thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ vì một đời phụng sự, cống hiến và hy sinh cho đất nước.
Thượng nghị sĩ John McCain nhận Huân chương Tự do tại Trung tâm Hiến Pháp Hoa Kỳ ở Philadelphia, ngày 16/10/2017. (Ảnh AP/Matt Rourke)
Cựu Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden là người trao giải cho ông McCain tại buổi lễ trao Huân Chương Tự Do tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia.
Tại buổi lễ, Thượng nghị sĩ John McCain nói, chối bỏ vai trò của Hoa Kỳ trong tư cách là một nước lãnh đạo thế giới là "không yêu nước".
Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu :
"Sợ hãi cái thế giới mà chính chúng ta đã sắp xếp và lãnh đạo trong ¾ thế kỷ, từ bỏ các lý tưởng mà chúng ta đã thăng tiến trên khắp thế giới, khước từ trách nhiệm lãnh đạo thế giới và nghĩa vụ của chúng ta, là niềm hy vọng cuối cùng, tốt nhất cho trái đất, để mà theo đuổi một thứ chủ nghĩa dân tộc nửa mùa, giả tạo, tạo ra bởi những kẻ chỉ muốn tìm người khác để đổ lỗi thay vì giải quyết vấn đề, là một hành động "không yêu nước" đi đôi với bất cứ chủ thuyết lỗi thời nào của quá khứ đã từng bị người Mỹ vứt bỏ vào sọt rác của lịch sử từ lâu".
Thượng nghị sĩ John McCain không nêu đích danh Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên khẩu hiệu "Nước Mỹ Trên Hết" mà ông Trump nhắc đi nhắc lại như một câu thần chú dường như đang phương hại tới uy tín và thanh danh của Hoa Kỳ, đã bị đả kích nặng nề, kể cả quyết định của Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Biến đổi Khí hậu ở Paris, cũng như những phát biểu của Tổng thống Trump, không ngớt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran được một số nước đồng minh của Mỹ hậu thuẫn.