Thủ tướng Chính : ‘Không cho phép thế lực nào chia rẽ Việt-Trung’
VOA, 30/06/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được cho là đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chia rẽ Việt-Trung’, phát ngôn được các nhà quan sát cho là mang tính ‘xã giao’ mà Việt Nam phải nói để làm yên lòng Bắc Kinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 27/6
Ông Chính vừa có chuyến thăm chính thức kéo dài bốn ngày đến Trung Quốc kết hợp dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới kể từ ngày 25/6. Chuyến thăm này của ông Chính trùng hợp với chuyến cập cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cũng từ ngày 25, và đến 30/6.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân hôm 27/6, ông Chính được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Tập rằng Việt Nam ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chen ngang giữa hai nước’.
Tuy nhiên, câu nói này của ông Chính không xuất hiện trong các bản tường thuật của báo chí Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Chính nói với ông Tập rằng ‘Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam’.
Về phần mình, ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời ca ngợi mối quan hệ đồng chí giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa với mức độ tin cậy cao, là đối tác cùng có lợi và là bạn bè biết rõ về nhau và rằng ‘Trung Quốc hướng tới xây dựng cộng đồng có chung tương lai với Việt Nam’.
Tốt ngoài mặt’
Trao đổi với Việt Nam từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh ngoài miệng vẫn nói là ‘bạn bè tốt, đồng chí tốt’ nhưng bên trong Trung Quốc vẫn tìm cách chơi xấu Việt Nam.
"Nếu ông Chính nói thật lòng thì đấy là điều đáng lo vì nhiều công trình hợp tác với Trung Quốc không mang lại hiệu quả", ông Đào nói và dẫn chứng nhà máy gang thép Thái Nguyên có vốn vay Trung Quốc ‘giờ chỉ là đống sắt vụn’
Còn nếu ông Chính chỉ nói chuyện xã giao thì trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải thận trọng khi chơi với Trung Quốc, nhất là khi tiếp nhận các dự án hợp tác với Trung Quốc, cũng theo lời nhà văn này.
Ông cũng chỉ ra những lý do mà Hà Nội buộc phải gắn chặt với Trung Quốc chẳng hạn như ‘mô hình nhà nước và thể chế chính trị Việt Nam là copy theo Trung Quốc’
"Những tệ nạn về kinh tế xã hội, ở Trung Quốc diễn ra như thế nào thì ở Việt Nam y như thế", ông nói. "Trung Quốc phải đả hổ diệt ruồi thì Việt Nam có đốt lò".
Là một người dân, ông Đào cho biết ‘dân trong nước thấy ngột ngạt lắm rồi nếu không thoát khỏi cái vòng kim cô Trung Quốc’.
"Có điều Đảng và Nhà nước thì không chịu vì họ vương nợ với cộng sản Trung Quốc quá sâu nặng. Nếu họ dứt đi được sẽ nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của họ", ông phân tích.
Do đó, nếu các lãnh đạo Việt Nam ngả theo phương Tây thì ‘họ lại sợ Trung Quốc’ mặc dù họ muốn bắt tay với phương Tây để có thêm nguồn lực phát triển, theo lời ông Đào.
Khi được hỏi trên vấn đề Biển Đông, liệu Hà Nội có vì quá lo ngại Bắc Kinh mà không dám tiến đến gần gũi hơn với Mỹ hay không, ông Đào cho rằng các lãnh đạo Việt Nam ‘sợ mất mỏ dầu thì phải ra tay giữ’. "Nhưng khi Trung Quốc rút rồi, mơn trớn vài câu, hứa cho vài câu thì họ lại mê Trung Quốc trở lại", ông nói.
‘Cần nhún nhường Bắc Kinh’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng chuyến đi của ông Chính sang Trung Quốc là ‘quan trọng hơn nhiều so với việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm’.
Theo nhận định của ông thì ‘tất cả những gì mà ông Chính nói với ông Tập chỉ là xã giao’. "Giữa những người cộng sản thì họ vẫn tuôn ra lời hay ý đẹp nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau", ông lý giải.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp như hiện nay, ông Phúc cho rằng Việt Nam phải làm sao giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, còn việc theo ai ‘chỉ là đối sách tạm thời’.
"Việt Nam đang bị kẹt trong mối quan hệ chồng chéo giữa các siêu cường. Việt Nam phải tìm chỗ đứng để giữ hòa khí với các nước và quan trọng nhất là không để Biển Đông trở thành chiến trường cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn mà người thiệt hại đầu tiên là Việt Nam", ông nói.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu này thì các lãnh đạo Việt Nam biết rõ ‘Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông’. "Thực tế ngoài thực địa, lực lượng chấp pháp Việt Nam đấu tranh rất dữ dội với các tàu Trung Quốc. Hành động này nói lên quyết tâm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay", ông giải thích.
Cũng như ông Đào, ông Phúc chỉ ra những ràng buộc giữa Hà Nội với Bắc Kinh khiến họ khó thoát ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh : "Tương quan về ý thức hệ, chế độ chính trị cũng quyết định phần nào việc Việt Nam thân cận với Trung Quốc dù bị o ép. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, mà cái quan trọng hiện nay là Việt Nam đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc".
Cho nên ông cho rằng nếu Việt Nam cần tự lực tự cường về kinh tế, nếu không sẽ ‘rất khó’ để không bị gắn chặt vào Trung Quốc.
"Thù địch với Trung Quốc là không có lợi cho Việt Nam", ông nói và cho rằng trước mắt Việt Nam không thể làm căng với Trung Quốc, vẫn phải nhún nhường, vẫn phải xoa dịu và trấn an nỗi lo của Bắc Kinh rằng Hà Nội có thể hùa với Mỹ chống Trung Quốc.
"Trong lịch sử, các triều đại Việt Nam đã từng đánh thắng các triều đại Trung Quốc. Nhưng một khi xong thì cũng phải sang triều cống để giữ hòa hiếu", ông chỉ ra.
Khi được hỏi sự ủng hộ về kinh tế và chính trị của Mỹ có đủ để Việt Nam lánh xa Trung Quốc hay không, ông Đinh Kim Phúc cho rằng ‘Việt Nam vẫn cần phải giữ cân bằng giữa hai bên’ và ‘Việt Nam có nhiều vấn đề trong kinh nghiệm bang giao với Mỹ’.
Hội thảo Biển Đông ở Washington DC : Trung Quốc áp đảo khu vực, Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam và các nước ASEAN
RFA, 29/06/2023
Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington DC đã tổ chức Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 13 vào ngày 28 tháng 6 năm 2023.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink tại hội nghị Biển Đông ở DC hôm 28/6/2023 - RFA
Hội nghị đã thảo luận và phân tích về những diễn biến ở Biển Đông trong năm qua và những diễn tiến tiềm năng trong tương lai. Các diễn giả đã đề cập đến tình hình ở Biển Đông, các diễn biến pháp lý và tranh chấp, mạng lưới liên minh đang phát triển trong khu vực và vai trò của những quốc gia bên ngoài Biển Đông như nhóm Bộ Tứ Quad (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), nhóm phát triển dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS (Mỹ, Anh, ÚC) và Châu Âu.
Sự bất đối xứng lực lượng Mỹ - Trung ở Biển Đông
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Dân biểu Hạ viện Jennifer Kiggans, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ hiện có 300 chiến hạm, trong đó chỉ có một phần ba, tức khoảng 100 chiến hạm đang ở trạng thường trực sẵn sàng được điều động khắp thế giới.
Trong khi đó, nếu như đầu những năm 2000, Trung Quốc có khoảng 37 tàu chiến thì hiện nay đã có 350 tàu chiến.
Dân biểu Jennifer nhấn mạnh Trung Quốc đã phát triển hạ tầng kỹ thuật cho ngành công nghiệp sản xuất và sửa chữa tàu chiến và tàu thương mại. Cùng với sự phát triển năng lực về kinh tế và công nghệ, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, và mở rộng bành trướng, trước hết ở các vùng lân cận trong đó có Biển Đông và sau đó ở các vùng xa hơn như Nam Mỹ và Châu Phi.
Tại hội thảo, một thính giả đặt câu hỏi với Dân biểu Jennifer Kiggans về chiến lược của Hoa Kỳ để xử lý vấn đề bất đối xứng lực lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ có ít chiến hạm hơn, lại phải điều phối chiến hạm khắp thế giới, trong khi Trung Quốc vừa có nhiều chiến hạm hơn Hoa Kỳ lại có thể tập trung chủ yếu vào khu vực Biển Đông.
Dân biểu Jennifer cho biết Hoa Kỳ phải vừa phát triển năng lực hải quân mới vừa phải thực thi chiến lược liên kết với các đồng minh để có thể bảo đảm hòa bình ở Biển Đông và khu vực châu Á.
Quốc hội Hoa Kỳ đang thảo luận về vấn đề Hoa Kỳ có nhiều tàu chiến về hưu hơn là số tàu được đóng mới, và ngày càng có nhiều chiến hạm phải phục vụ lâu hơn thời gian tiêu chuẩn phục vụ của chúng. Mặt khác, nếu nhìn vào bản đồ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho ngành đóng tàu chiến của Trung Quốc thì rõ ràng cơ sở hạ tầng này của họ đã lớn hơn Hoa Kỳ. Cho nên Hoa Kỳ không thể chạy đua với Trung Quốc mà phải liên kết với các đồng minh và những quốc gia cùng chí hướng, giống như đã làm trong Thế chiến thứ hai. Hoa Kỳ sẽ đầu tư tài chính theo hướng đó, tìm ra các giải pháp để đóng được nhiều tàu hơn, giúp đỡ các đồng minh và tìm kiếm thêm các nguồn cung ứng cho ngành công nghiệp này.
Việt Nam mở rộng đảo và phối trí lực lượng các bên ở Biển Đông
Ông Harrison Prétat, nhà nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, CSIS, cho biết Philippines và Việt Nam đều đang cố gắng tăng cường sức mạnh ở Biển Đông. Philippines phát triển lực lượng cảnh sát biển và một số căn cứ quân sự ở vùng duyên hải, nhìn ra Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam có những bước đi quyết đoán về mở rộng đảo nhân tạo và lực lượng quân sự.
"Phía bên kia Biển Đông, khác với Philippines, Việt nam có những bước đi khác. Việt Nam đã cải tạo đảo nhân tạo mình đang kiểm soát ở quy mô lớn hơn những gì họ đã làm cả 10 năm nay cộng lại. Tổng diện tích Việt Nam bồi đắp mới trong năm nay khoảng 180 hectares. Đây là một con số rất đáng chú ý.
Nếu chúng ta đặt hoạt động này của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 1200 hectares đảo nhân tạo từ 2013 đến 2016, ta thấy diện tích phía Việt Nam bồi đắp nhỏ hơn, những vẫn rất ấn tượng.
Một số thực thể mà họ đang mở rộng nhìn dường như trở nên lớn hơn đảo Trường Sa Lớn, là thực thể lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát thực tế từ trước tới nay và là thực thể duy nhất Việt Nam xây dựng đường băng.
Rất thú vị nếu chúng ta quan sát xem trong tương lai, Việt Nam sẽ bố trí những cơ sở thiết bị gì trên những thực thể mới được bồi đắp này. Chúng ta có thể tiên đoán là tàu Việt Nam sẽ hiện diện nhiều hơn ở Trường Sa. Tàu Trung Quốc đã hiện diện nhiều hơn ở Trường Sa sau khi họ mở rộng các đảo nhân tạo ở đó".
Trả lời câu hỏi của RFA về tình hình phối trí lực lượng của các bên tại Biển Đông, ông Harrison cho biết :
"Những gì chúng ta thấy là Trung Quốc đã bố trí lực lượng quân sự khắp nơi trên Biển Đông. Xét về số lượng tàu trên biển thì Trung Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn. Trung Quốc tung tàu hải cảnh đến hầu hết các góc quan trọng bên trong đường lưỡi bò của họ gần như mỗi ngày".
Về Việt Nam thì theo ông Harrison, số lượng tàu và kích cỡ tàu thì Trung Quốc cũng chiếm ưu thế hơn Việt Nam. Còn về so sánh lực lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực thì Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Hoa Kỳ phối trí lực lượng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, so sánh về sức mạnh tổng hợp cuối cùng của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở xung quanh Biển Đông thì không phải vấn đề tôi năm rõ. Tôi không có dữ liệu chính xác. Hoa Kỳ có lực lượng ở Nhật Bản, Guam, khá gần với Biển Đông. Các căn cứ đang xây dựng của Hoa Kỳ ở Philippines sẽ giúp lực lượng Hoa Kỳ lại gần Biển Đông hơn và có thể phản ứng tốt hơn nếu có xảy ra khủng hoảng.
Việt Nam hưởng lợi từ chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trình bày về những thách thức mới nhất về an ninh trên Biển Đông và khu vực.
Theo ông Daniel Kritenbrink, Hoa Kỳ đặt vấn đề Biển Đông trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương Mở và Tự do nói chung, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông là vô cùng quan trọng cho toàn cầu, bao gồm cho nền kinh tế giới.
Ngoài lượng tàu thuyền lưu thông hằng năm qua Biển Đông, ông Daniel Kritenbrink cũng cho biết Biển Đông cung cấp 12% sản lượng cá hằng năm của thế giới và là nguồn sống của khoảng 3,7 triệu người.
Ông Trợ lý Ngoại trưởng nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ về việc thực hành quyền lưu thông tự do trên biển. Ông cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ không có lập trường nào đối với các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể địa lý nằm ở khu vực "biển cả" trên Biển Đông (RFA chú thích : tức là nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các nước xung quanh Biển Đông).
Để đạt được mục tiêu làm chủ toàn bộ Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò, Trung Quốc đã xác định rõ chiến lược và chiến thuật của mình. Chiến thuật tổng quát của Trung Quốc là chiến thuật vùng xám (không dùng chiến tranh nóng, chiến tranh tổng lực, mà chỉ kết hợp lực lượng quân sự và phi quân sự cũng như bán quân sự để từng bước kiểm soát khu vực). Họ cũng có những chiến thuật cụ thể để thực thi chiến lược vùng xám như chiến thuật cưỡng bách về kinh tế, chiến thuật gửi tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế các nước trong vùng. RFA đặt câu hỏi với ông Daniel Kritenbrink là liệu đúng hay sai nếu nói rằng Trung Quốc có mục tiêu, chiến lược, chiến thuật còn Hoa Kỳ chưa có chiến lược nào cả, ngoại trừ thực hành quyền tự do hàng hải ? Và nếu Hoa Kỳ còn chưa có chiến lược nào thì các nước xung quanh Biển Đông sẽ đối diện với tham vọng của Trung Quốc bằng cách nào ? Ông Daniel Kritenbrink trả lời :
"Tôi đã nghe những phàn nàn tương tự từ các đồng nghiệp ở Đông Nam Á. Họ cũng nói rằng Hoa Kỳ không đối diện những vấn đề của một Châu Á - Thái Bình Dương Mở và Tự do, rằng thực hành quyền tự do hàng hải là duy nhất những gì Hoa Kỳ làm và tại sao các bạn chưa làm tốt hơn nữa.
Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã thực hiện một loạt chiến lược ở Biển Đông chứ không chỉ thực hành quyền tự do hàng hải.
Chiến lược thứ nhất mà Hoa Kỳ thực hiện là các hoạt động ngoại giao của chúng tôi với các quốc gia ASEAN và bên ngoài như với EU để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, bảo vệ việc áp dụng trong thực tế những phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực về Biển Đông. Theo đó, các quốc gia trong khu vực để đòi hỏi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông dựa trên Luật biển Quốc tế. Và chúng tôi muốn bảo đảm tất cả chúng ta thực hiện những điều đó một cách hòa bình.
Thứ hai là Hoa Kỳ thực thi chiến lược xây dựng và phát triển năng lực biển cho các quốc gia trong khu vực. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã chi 1,6 tỷ USD để xây dựng và phát triển các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cho các quốc gia Đông Nam Á. Trong 5 năm 2012 - 2017, Hoa Kỳ đã cung cấp riêng cho Việt Nam 450 triệu USD trong chương trình phát triển năng lực chấp pháp trên biển.
Thứ ba, chúng tôi tin rằng cách thức tốt nhất để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của các nước Đông Nam Á để họ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Các nước Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông và các nước đối tác chưa đạt được mức đầu tư ấn tượng cho việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển nhưng nó chắc chắn giúp cho mục đích đó. Chúng tôi tin rằng thực hiện việc hiện diện thường xuyên trong khu vực với chiến lược thực hành quyền tự do hàng hải, cũng như nâng cao năng lực chấp pháp trên biển và thực hành việc chấp pháp đó cho các quốc gia này không phải là quân sự hóa vấn đề, không làm bất ổn hóa vấn đề, mà là giúp làm ổn định khu vực.
Chúng tôi không chỉ thực hành quyền tự do hàng hải trên Biển Đông mà đã làm nhiều hơn thế".
FDA rút giấy phép của hàng chục công ty xuất khẩu khẩu trang Trung Quốc (VOA, 09/05/2020)
Các giới chức liên bang Mỹ rút lại việc chấp thuận cho hơn 60 nhà sản xuất Trung Quốc xuất khẩu mặt nạ N95 sang Mỹ sau khi phát hiện điều họ gọi là một số lớn sản phẩm kém chất lượng của các công ty này.
Khẩu trang N95
Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) ngày 7/5 cho biết giảm bớt số các nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc được chấp thuận để làm khẩu trang N95 sử dụng tại Mỹ từ khoảng 80 công ty xuống còn 14. Việc này đảo ngược quyết định ngày 3/4 vốn cho phép nhập cảng khẩu trang từ các nhà sản xuất dù các sản phẩm này chưa được giới thẩm quyền Mỹ kiểm định chất lượng nếu như đáp ứng được tiêu chuẩn do một số nước khác ấn định hay được một phòng thí nghiệm độc lập duyệt xét.
Việc chuyển hướng này cho thấy những thách thức của các giới chức liên bang phải chịu trong nỗ lực giúp thỏa mãn mức cầu to lớn về khẩu trang cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống đại dịch virus corona, trong khi cũng phải đảm bảo là các trang bị y tế hoạt động hữu hiệu.
"Chúng tôi sử dụng tất cả quyền hạn của chúng tôi để gia tăng khả năng có được những trang bị này", một viên chức FDA nói trong một cuộc phỏng vấn. "Có một số lớn ngày càng tăng các máy thở không đáp ứng tiêu chuẩn".
Hành động này tiếp theo một tường trình của tờ Wall Street Journal loan tin các nhà ban hành qui định Mỹ và các giới chức tiểu bang đã xác nhận một số đáng kể các khẩu trang N95 nhập khẩu dưới mức tiêu chuẩn.
Những xét nghiệm mới đây của Viện Y tế và An toàn Nghề nghiệp Quốc gia, thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, cho thấy có khoảng 60% trong số 67 loại khẩu trang nhập khẩu khác nhau có thể để lọt những hạt nhỏ li ti vào khẩu trang hơn mức bình thường cho phép, tờ báo cho biết.
"Một số quá dưới tiêu chuẩn", một viên chức CDC nói.
Khẩu trang nhập từ một công ty Trung Quốc mà giấy phép bị thu hồi ngày 7/5 chỉ lọc được từ 24% đến 35% các hạt li ti, thấp hơn tiêu chuẩn 95% được dùng để đặt tên cho khẩu trang này, xét nghiệm của Niosh cho thấy.
Gói khẩu trang này quảng cáo chất lượng 5 sao và dùng biểu tượng của FDA trái phép, theo như kết quả xét nghiệm của Niosh.
Niosh cũng xét nghiệm những khẩu trang nhập khẩu khác của các nhà sản xuất chưa có tên trong danh sách được chấp thuận.
Một nhãn hiệu chỉ lọc được 1% các hạt li ti trong khi những nhãn hiệu khác dưới mức tiêu chuẩn 95%.
Một số bệnh viện nói họ đã kiểm tra những việc mua bán mới đây từ những nhà cung cấp mới không có tên trong danh sách FDA về các nhà sản xuất được cấp phép. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng quảng cáo các sản phẩm đã được chấp thuận trên trang mạng của họ.
Ngày 7/5, FDA nói hiện nay cơ quan này chỉ cho phép nhập khẩu từ các nhà sản xuất đã được chứng nhận tại Mỹ, hay tại một vài khu vực bên ngoài Trung Quốc, trong đó có những vùng tại Châu Âu.
Một số cơ quan khác của chính phủ Mỹ cũng đang làm việc để truy lùng một làn sóng các khẩu trang giả. Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ đang làm việc với nhau và những công ty lớn của Mỹ, trong đó có 3M và Amazon, để giảm bớt nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng.
(Nguồn The Wall Street Journal)
*****************
Tin tặc Iran tấn công hãng sản xuất thuốc trị virus corona (VOA, 09/05/2020)
Tin tặc liên hệ với Iran đã nhắm vào các nhân viên tại công ty dược Gilead Sciences trong những tuần lễ gần đây, theo dữ liệu lưu trữ trên mạng cho công chúng tiếp cận mà Reuters và ba nhà nghiên cứu an ninh mạng đã xem qua, giữa lúc hãng dược này chạy đua triển khai phương thuốc chữa trị Covid-19.
Nhân viên trong một phòng thí nghiệm của công ty dược Gilead Sciences.
Trong một trường hợp, một trang truy cập email giả dạng được thiết kế để đánh cắp mật khẩu được gởi vào tháng 4 đến các giám đốc điều hành Gilead liên hệ đến các vấn đề pháp lý và công ty, theo một phiên bản thư khố trên một trang mạng được dùng để rà soát những địa chỉ website độc hại. Reuters không thể xác định được cuộc tấn công có thành công hay không.
Ông Ohad Zaidenberg, nhà nghiên cứu tình báo hàng đầu tại công ty an ninh mạng Israel ClearSky, thường xuyên theo dõi chặt chẽ những hoạt động tin tặc của Iran và đã điều tra cuộc tấn công, nói nỗ lực này nằm trong khuôn khổ của một tố chức Iran nhằm xâm nhập email của nhân viên tại công ty sử dụng email giả danh là nhà báo.
Hai nhà nghiên cứu an ninh mạng khác, không được phép nói công khai về những phân tích của họ, xác nhận là miền web và máy chủ được sử dụng để tấn công có liên hệ đến Iran.
Phái bộ Iran tại Liên hiệp quốc phủ nhận có liên hệ đến các cuộc tấn công. "Chính phủ Iran không tiến hành chiến tranh trên mạng", phát ngôn viên Alireza Miryousefi nói. "Những hoạt động trên mạng của Iran thuần túy có tính cách phòng vệ và bảo vệ chống lại những cuộc tấn công thêm nữa vào hạ tầng cơ sở Iran".
Một phát ngôn viên của Gilead từ chối bình luận, nhắc đến chính sách của công ty là không thảo luận vấn đề an ninh mạng. Reuters không thể xác định là liệu có nỗ lực tấn công nào thành công hay không, và nhân danh ai mà những tin tặc Iran hành động hay động cơ của họ là gì.
Tuy nhiên những nỗ lực của tin tặc cho thấy cách những gián điệp mạng trên toàn thế giới đang chú trọng thu thập tin tức về Covid-19, căn bệnh do virus corona gây ra.
Trong những tuần lễ gần đây, Reuters đã loan tin là tin tặc có liên hệ với Iran và những tổ chức khác cũng nỗ lực xâm nhập Tổ chức Y tế Thế giới, và những tin tặc liên hệ đến Việt Nam nhắm vào Trung Quốc về cách thức nước này đối phó với virus corona bùng phát.
Anh và Mỹ trong tuần này cảnh báo là những tin tặc do nhà nước hỗ trợ đang tấn công các công ty dược và các định chế nghiên cứu các phương thuốc chữa trị dịch bệnh mới.
Tuyên bố chung không nêu tên bất cứ tổ chức tin tặc nào, nhưng hai người thông thạo vấn đề này nói một trong những mục tiêu là Gilead. Thuốc Remdesivir của công ty này là thuốc duy nhất cho tới nay chứng tỏ có thể giúp cho bệnh nhân Covid-19.
Hạ tầng cơ sở tin tặc trong nỗ lực xâm nhập tài khoản email của các giám đốc điều hành Gilead trước đây đã được sử dụng trong các cuộc tấn công mạng của một nhóm tin tặc Iran có tên là "Charming Kitten", theo bà Priscilla Moriuchi thuộc công ty an ninh mạng Mỹ Recorded Future, đơn vị đã xem qua thư khố các website mà Reuters chỉ ra.
Iran, bị ảnh hưởng cấp thời vì Covid-19, báo cáo số tử vong cao nhất Trung Đông. Bệnh này cho tới nay đã giết chết hơn 260.000 người trên thế giới, gây nên cuộc chạy đua toàn cầu giữa các chính phủ, các công ty dược tư và các nhà nghiên cứu để tìm thuốc chữa trị.
Gilead đang dẫn đầu cuộc đua này và được Tổng thống Donald Trump ca ngợi. Ông Trump đã gặp Tổng giám đốc công ty California Daniel O’Day tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 3 và tháng 5 để thảo luận về Covid-19.
Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tuần trước đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir của Gilead để chữa trị bệnh nhân Covid-19 nặng, mở đường cho việc sử dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện trên toàn nước Mỹ.
Một giới chức của một công ty công nghệ sinh học Châu Âu nói ngành này đã "báo động đỏ" và có những biện pháp cẩn thận tối đa nhằm chống lại những nỗ lực đánh cắp các cuộc nghiên cứu Covid-19, như là thực hiện tất cả công việc liên quan đến thử nghiệm vaccine trên máy vi tính không kết nối với internet.
(Reuters)
****************
Các nhà lập pháp Mỹ gửi thư kêu gọi ủng hộ Đài Loan tại WHO (VOA, 09/05/2020)
Các nhà lãnh đạo của các ủy ban đối ngoại Quốc hội Hoa Kỳ đã viết thư cho gần 60 quốc gia vào ngày thứ Sáu yêu cầu họ ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, dẫn ra lí do cần nỗ lực rộng lớn nhất có thể để chống lại đại dịch virus corona.
Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Hòn đảo này đã bị gạt khỏi WHO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, do những phản đối từ Trung Quốc.
"Trong khi thế giới nỗ lực chống lại sự lây lan của Covid-19, virus corona chủng mới được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, điều tối quan trọng là đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đặt ưu tiên y tế và sự an toàn của toàn cầu lên trên chính trị", các nhà lập pháp nói trong bức thư gửi vào ngày thứ Sáu.
Nó được kí bởi Dân biểu Đảng Dân chủ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Dân biểu Michael McCaul, thành viên cao cấp Đảng Cộng hòa của ủy ban, cũng như Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Bob Menendez, thành viên Dân chủ cao cấp của ủy ban.
Bức thư được gửi đến các quốc gia "cùng chí hướng", lớn và nhỏ, được coi là bạn bè và đồng minh của Đài Loan, bao gồm Canada, Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Anh, Ả-rập Saudi và Úc.
Bức thư được gửi đi vào lúc Tổng thống Donald Trump và các quan chức Mỹ khác lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về sự lây lan virus corona, gây nên bệnh hô hấp Covid-19. Chính quyền Trump đã cáo buộc Trung Quốc làm cho đại dịch trở nên trầm trọng hơn bằng cách che giấu thông tin.
Tháng trước, ông Trump tuyên bố ông sẽ đình chỉ viện trợ cho WHO, cáo buộc tổ chức này "thiên Trung Quốc" và truyền bá "thông tin xuyên tạc" của Trung Quốc về vụ bùng phát dịch bệnh, những tuyên bố mà WHO phủ nhận.
Đài Loan đã tìm cách gia nhập một cuộc họp cấp bộ trưởng trong tháng này của cơ quan ra quyết định của WHO, Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), với sự ủng hộ từ Washington và một số đồng minh của Mỹ.
Nhưng Trung Quốc, nước coi Đài Loan là một tỉnh li khai dưới chính sách "một Trung Hoa", nói rằng nỗ lực tham gia cuộc họp của Đài Loan sẽ thất bại, khẳng định rằng những nỗ lực này xuất phát từ ý đồ chính trị chứ không phải lo ngại về y tế.
Đài Loan lập luận rằng việc loại họ ra khỏi WHO đã tạo ra một khoảng trống nguy hiểm trong cuộc chiến toàn cầu chống lại virus corona.
Covid-19 là nguyên nhân mới nhất dẫn đến xích mích trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.Tuy nhiên, nếu để cho sự ganh đua làm mờ mắt trước những mối đe dọa rõ ràng lúc này, hai bên rốt cuộc sẽ tự hủy hoại chính mình.
Trong một nỗ lực rõ ràng có ý làm hòa, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ thôi gọi loại virus gây dịch Covid-19 là "virus Trung Quốc". Một ngày sau, trong cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, có tin là hai nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Sau cuộc trò chuyện được ông mô tả là "rất tốt đẹp", Trump viết trên trang Twitter của mình : "Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Tôi rất tôn trọng điều đó !".
Những nhận xét tích cực của Trump che đậy nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Sẽ là sai lầm nếu đưa ra kết luận rằng sức ép của đại dịch đã buộc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh va chạm với nhau.
Hãy xem xét những diễn biến khác. Theo Reuters, các quan chức cấp cao trong Chính quyền Trump đã nhất trí về các biện pháp mới nhằm hạn chế việc cung cấp vi mạch trên toàn cầu cho công ty Hoa Vi của Trung Quốc. Theo các biện pháp được đề xuất, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chế tạo vi mạch của Mỹ sẽ phải được Mỹ cấp phép trước khi cung cấp vi mạch cho Hoa Vi, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Nếu được Tổng thống Trump ký duyệt, thì đây sẽ là một động thái khác gây khó khăn hơn nữa cho Hoa Vi, vốn đã phải chịu sức ép nặng nề từ phía Mỹ liên quan tới việc xuất khẩu công nghệ 5G của công ty này.
Hơn nữa, ngay cả nếu Trump ngừng sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" - vốn làm dấy lên sự chỉ trích ở Trung Quốc - thì vẫn không ai có thể đoán chắc rằng các quan chức chính quyền khác và các chính trị gia Mỹ sẽ ngừng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về Covid-19, cũng như tiến hành các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch khác.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục những người đồng cấp thuộc nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh) đưa cụm từ "virus Vũ Hán" vào tuyên bố chung. Không chịu thua kém, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik bang New York đã đưa ra một nghị quyết lưỡng viện kêu gọi "điều tra quốc tế toàn diện", yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường vì đã gây ra đại dịch. Không cần phải có trí tuệ uyên thâm cũng có thể đi đến kết luận rằng Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình nếu Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết này.
Theo nhận định của Lữ Tường, chuyên gia về Mỹ thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ Trung Quốc : "Mỹ đang xoa dịu nhưng cũng đồng thời làm leo thang căng thẳng. Điều này không có lợi cho việc xây dựng lòng tin. Lợi ích của việc hợp tác vượt xa bất kỳ lợi ích nào của sự đối đầu".
Phản ứng của Tập Cận Bình
Khi dịch bệnh lây lan và các thị trường Mỹ kiềm chế phản ứng trong năm bầu cử, Trump đã chỉ trích nặng nề "truyền thông tin giả" và Trung Quốc để đánh lạc hướng những chỉ trích nhằm vào cách thức ông xử lý cuộc khủng hoảng.
Trái với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình không phản ứng một cách hiếu chiến. Chia sẻ với tờ Straits Times, một nguồn tin nội bộ yêu cầu giấu tên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết : "Tập Cận Bình không muốn gây chiến với Mỹ, nhưng ông cũng không sợ hãi và sẽ không chịu đựng hành vi bắt nạt không có điểm dừng".
Cái gọi là "thế kỷ ô nhục" khi Trung Quốc buộc phải quỳ gối và bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản chia cắt đã ăn sâu vào tâm lý quốc gia của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại, và Trung Quốc ngày nay khao khát được công nhận và tôn trọng, nhưng lại thường cảm thấy bị hiểu lầm và đối xử tệ bạc.
Những nguồn tin nội bộ đã biết Tập Cận Bình trong nhiều năm cho rằng câu nói của người Trung Quốc rằng "người không phạm ta, ta không phạm người ; người đã phạm ta, ta nhất định sẽ phản kháng" đã gói gọn thái độ và tư duy của Tập Cận Bình. Hiện giờ, dường như nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bỏ qua những lời lẽ khiêu khích của Trump, mà thay vào đó muốn nhấn mạnh sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Khả năng kiềm chế của Tập Cận Bình là có hạn, nhưng khi Covid-19 tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới, tàn phá những nền kinh tế lớn nhỏ trên đường đi của nó, thì việc khẩu chiến với Trump có khả năng không nằm trong danh sách ưu tiên của ông. Tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc quan trọng hơn. Mặc dù Trung Quốc dường như đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng đại dịch đã làm suy yếu nền kinh tế nước này. Sự phục hồi của Trung Quốc phụ thuộc vào môi trường toàn cầu thuận lợi. Ở giai đoạn này, Trung Quốc không có lý do gì để khơi dậy sự thù địch với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Như Tập Cận Bình đã nói với Donald Trump trong cuộc điện đàm giữa hai bên, "đấu đá sẽ chỉ khiến cả hai bên bị thương".
Cuộc chiến trên Twitter và những thuyết âm mưu
Mặc dù vậy, vẫn còn không gian để những người khác thể hiện lập trường và nói lên những điều mà các nhà lãnh đạo cao nhất không nói ra. Ở Washington, Ngoại trưởng Pompeo là người lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc, cùng với các Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Marco Rubio. Về phía Trung Quốc, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu theo chủ nghĩa dân tộc, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nổi tiếng là những người sẵn sàng giao chiến trên Twitter.
Gần đây, khi Mỹ thay thế Trung Quốc trở thành nước có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, Hồ Tích Tiến đã đăng trên trang Twitter của mình : "Mỹ không có cách hiệu quả nào để chống lại đại dịch và tất cả những gì họ có thể làm trong cơn hoảng loạn là tự cứu mình bằng cách lấy Trung Quốc ra làm vật tế thần". Về phần mình, Triệu Lập Kiên gần đây đã gây xôn xao dư luận khi lan truyền một thuyết âm mưu cho rằng các binh sĩ Mỹ bị bệnh có thể đã mang virus tới Vũ Hán trong thời gian diễn ra Thế vận hội quân sự thế giới vào tháng 10/2019. Mặc dù Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải không cổ súy nhận định của Triệu Lập Kiên, nhưng sự khác biệt giữa hai người mang tính hình thức hơn là thực chất. Trả lời phỏng vấn của Axios, ông Thôi Thiên Khải nói : "Rốt cuộc, chúng ta phải đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của virus. Nhưng đây là công việc của các nhà khoa học chứ không phải của các nhà ngoại giao". Giống như Triệu Lập Kiên, Thôi Thiên Khải giữ vững quan điểm rằng virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng cách làm của ông tinh tế và khéo léo hơn.
Trump tự hào là bậc thầy về phản đòn - bất kỳ ai tấn công ông sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả còn mạnh mẽ hơn từ phía ông. Theo cách nhìn này, Trung Quốc đang bận phản đòn khi lao vào cuộc chiến nhằm thay đổi câu chuyện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter vốn, trớ trêu thay, bị cấm ở Trung Quốc.
Nếu thuyết âm mưu là vũ đài dành cho tất cả mọi người, thì Triệu Lập Kiên không phải là người tung ra cú đánh đầu tiên. Người tấn công trước là Thượng nghị sĩ Cotton, người đã ủng hộ một thuyết âm mưu xuất hiện từ sớm, theo đó dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán là do một loại vũ khí sinh học nhân tạo bị rò rỉ từ một viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán.
Nhằm vào truyền thông phương Tây
Quan hệ song phương Mỹ-Trung được cho là đang trong tình trạng xấu nhất kể từ cuộc đàn áp quân sự năm 1989 nhằm vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Trước khi trò chơi đổ lỗi về dịch Covid-19 bắt đầu, hai nước đã mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại và công nghệ gây tổn hại cho cả hai bên. Và mối quan hệ giữa họ có thể xấu đi hơn nữa khi Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với điều mà nước này coi là nỗ lực phối hợp ngăn chặn sự trỗi dậy của họ, hạ thấp thành tích và làm xấu đi hình ảnh của họ bất cứ khi nào có cơ hội.
Tâm lý này mới đây đã được thể hiện công khai khi Bắc Kinh thu hồi giấy phép báo chí của 13 phóng viên người Mỹ thuộc các tờ báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đang hoạt động tại Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ giảm số lượng nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ từ 160 xuống còn 100.
Đó là động thái gay gắt nhất nhằm vào truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình hình đã có thể tồi tệ hơn. Trung Quốc đã không đả động gì tới hãng tin AP, Bloomberg, 4 mạng lưới truyền hình Mỹ, Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), Newsweek, tạp chí Forbes và một số tên tuổi khác. Trong một tuyên bố chung hiếm thấy, 3 tờ báo có phóng viên bị thu hồi giấy phép trên viết : "Giới truyền thông phải chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong tranh chấp ngoại giao giữa hai chính phủ Trung Quốc và Mỹ, đe dọa tước đi của thế giới những thông tin quan trọng vào thời điểm nguy hiểm này".
Chuyên gia Lữ Tường nhận định : "Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tương đối kiềm chế. Giờ đây, họ đã bớt kiềm chế hơn khi bị dồn ép vượt quá giới hạn của sự nhẫn nhịn".
Theo cách nào đó, sự phản kháng của Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên nếu tính đến những tình tiết khác nhau làm gia tăng mối nghi ngờ ngày càng lớn về động cơ của Mỹ. Chẳng hạn, Bắc Kinh tin rằng Mỹ đã cố ý ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 trong các chiến dịch của NATO thời Chiến tranh Nam Tư. Washington khẳng định đó là một tai nạn. Nhiều người Trung Quốc và Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong Đổng Kiến Hoa coi Mỹ là "bàn tay đen" đằng sau các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong trong năm 2019. Washington phủ nhận điều này.
Trong khi mối quan hệ song phương đang xấu đi, một nguồn tin thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mang lại cái nhìn tích cực hơn đôi chút - nguồn tin này so sánh những căng thẳng hiện tại với việc hai bên dùng kim đâm lẫn nhau. Nguồn tin nhận định : "Làm vậy sẽ gây đau đớn, nhưng sẽ không để lại những vết sẹo xấu xí. Sẽ đáng ngại hơn nếu hai bên viện tới dao và súng do tính toán sai hay hiểu lầm".
Câu chuyện cảnh tỉnh
Các nhà phân tích đã lưu ý rằng nếu Trung Quốc thực sự làm xấu đi quan hệ với Mỹ, thì nước này sẽ không để cho tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, người đồng sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, gửi 500.000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang cho "những người bạn Mỹ" như một cử chỉ thiện chí.
Không thể trốn tránh sự thật rằng cuộc tranh giành ưu thế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều, và nhiều khả năng sẽ còn leo thang trong tương lai. Tuy vậy, hai nước phải đối mặt với những thách thức chung như biến đổi khí hậu và dịch bệnh, vốn là những mối đe dọa lớn hơn so với những trận chiến tranh giành tầm ảnh hưởng địa chính trị. Nếu để cho sự ganh đua làm mờ mắt trước những mối đe dọa rõ ràng lúc này, thì hai bên rốt cuộc sẽ tự hủy hoại chính mình.
Nói cách khác, câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Trung Quốc "trai cò đánh nhau, ngư ông được lợi" sẽ là bài học quý giá đối với cả hai đối thủ. Bị mắc kẹt trong một cuộc giằng co quyết liệt - mỏ cò bị trai kẹp chặt, không bên nào chịu nhả ra trước – cả hai con rốt cuộc đều bị ngư ông bắt về làm bữa tối.
Benjamin Kang Lim
Benjamin Kang Lim là Giám đốc văn phòng tại Bắc Kinh và Đài Loan của Reuters, nhà báo của The Straits Times. Bài viết được đăng trên tạp chí The Straits Times
Mỹ - Trung : Người ồn ào, kẻ lặng lẽ
Báo Le Figaro trên mục Ý Kiến có câu hỏi : "Làm thế nào Trung Quốc từng bước một mở rộng tầm ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc ?". Câu hỏi được đặt ra vào lúc hôm Chủ Nhật 23/06/2019, ứng viên Trung Quốc, Khuất Đông Ngọc, bỏ xa đối thủ Pháp, bà Catherine Geslain-Lanéelle, để được bầu chọn làm chủ tịch tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.
Tân tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), người Trung Quốc. Vincenzo PINTO/AFP
Thắng lợi này của Trung Quốc cho thấy rõ một kế hoạch chiến đấu thật sự để chiếm giữ nhiều vị trí chiến lược trong bộ máy điều hành của Liên Hiệp Quốc : Các tổ chức phụ trách hàng không dân sự quốc tế, phát triển công nghiệp và viễn thông. Hiện cơ quan phụ trách Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc là do một người Trung Quốc lãnh đạo.
Thế nhưng, sự thèm muốn vô độ này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách "áp đặt các luật chơi của họ tại quỹ FAO để phục vụ lợi ích riêng của Trung Quốc", theo như nhận định của một nhà ngoại giao Châu Âu.
Là một nước nhập khẩu nông sản hàng đầu, nhiều nước e ngại Trung Quốc tìm cách thâu tóm đất nông nghiệp tại các nước Châu Phi. Hơn nữa, việc có vai trò ngày càng lớn tại Liên Hiệp Quốc quy tụ đến 193 nước thành viên đủ cho phép Trung Quốc bóp nghẹt mọi tiếng nói chỉ trích nhắm vào nước này.
Thách thức khác không kém phần quan trọng : Trung Quốc, ngày càng cạnh tranh dữ dội với Hoa Kỳ giành quyền bá chủ, cũng đang tìm cách vạch lại các nguyên tắc lãnh đạo thế giới. Sự hiện diện của Bắc Kinh trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép Trung Quốc xúc tiến các chuẩn riêng của mình, thay thế những chuẩn mực do Hoa Kỳ thiết lập ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
Theo đó, nhân quyền sẽ được dựa theo phát triển kinh tế và xã hội (chứ không dựa theo việc bảo đảm các quyền tự do). Một cách tổng quát hơn là từ bỏ "các giá trị phổ quát" (mà Trung Quốc xem đấy là những giá trị của phương Tây), để phát triển mô hình chính trị chuyên chế Trung Quốc.
Le Figaro lưu ý, cách tiếp cận này không chỉ được áp dụng ở Liên Hiệp Quốc. Dự án khổng lồ "Con đường Tơ lụa mới" nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp hành tinh còn giúp cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao.
Đế chế Trung Hoa đã thành lập những cơ chế cạnh tranh với những định chế hiện hữu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á để làm đối trọng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Hay như thành lập nhóm 16+1 với sự tham gia của Trung Quốc cùng nhiều nước Đông – Trung Âu, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Một dạng "con ngựa thành Troy" gây khó chịu cho nhiều nước Châu Âu lớn.
Là người Trung Quốc đầu tiên điều hành quỹ FAO, ông Khuất Đông Ngọc cam kết "không thiên vị và trung lập" và "minh bạch" hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Le Figaro lưu ý : "Lời nói phải đi đôi với việc làm" mới mong xóa tan được các ngờ vực.
RCEP : Công cụ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN
Trong khi đó tại Đông Nam Á, "Trung Quốc thúc đẩy nhanh dự án thỏa thuận tự do mậu dịch vùng Châu Á – Thái Bình Dương".
Theo Les Echos, bị Hoa Kỳ đẩy vào một cuộc chiến thương mại dai dẳng, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nhanh hơn nữa hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP, quy tụ 16 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Được hình thành năm 2012, hiệp định này giờ có tính thời sự hơn bao giờ hết sau khi tổng thống Trump thông báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trên nguyên tắc, RCEP tập hợp các nước thành viên khối ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhằm hình thành một vùng trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới.
Căng thẳng Mỹ - Iran : Macron và Abe, phao cứu hộ cho Mỹ ?
Căng thẳng Mỹ và Iran đến hồi cao trào. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro hối thúc "Macron và Abe phải hành động nhanh chóng !". Trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc tổng thống Pháp đến Tokyo gặp thủ tướng Nhật Bản, hai ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20 là một cơ hội để hình thành một liên minh "hòa giải" căng thẳng Mỹ và Iran.
Nhà báo Girard nhắc lại tổng thống Trump không hề muốn chiến tranh, nhưng hai cộng sự thân cận John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia và Mike Pompeo – ngoại trưởng lại là những kẻ hiếu chiến, không hề che giấu ý đồ lật đổ chế độ Tehran bằng vũ lực.
Thế nhưng, phe quân đội tỏ ý dè chừng trước những ý đồ này của hai nhân vật diều hâu, nhất là ông Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Hơn ai hết, giới quân nhân Mỹ hiểu rất rõ thế nào là một cuộc chiến, nếm mùi ra sao những khổ nhọc, hậu quả khó lường mà chiến tranh gây ra, rồi những khó khăn để thoái lui khi họ muốn…
Tướng Dunford cũng hiểu rõ rằng người Mỹ sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được các leo thang xung đột với các giáo chủ Iran, cũng như nghi ngại khả năng chiến đấu của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran trong khắp cả vùng Trung Đông. Họ có thể đẩy các lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Trung Đông vào một cuộc chiến bất cân xứng khó làm chủ. Mà bài học hiển nhiên hiện nay là cuộc chiến Afghanistan.
Tổng thống Trump cũng như nhiều nghị sĩ, bất kể là Dân Chủ hay như Cộng Hòa, dường như hiểu rõ cái giá phải trả nếu Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến với Iran. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tổng thống Mỹ lại không có một phương tiện nào để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei. Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và CIA cũng không giúp ích gì được cho ông. Chiến tranh có nguy cơ bất ngờ nổ ra. Bolton và Pompeo có thể đẩy Iran phạm phải sai lầm.
Do vậy, theo tác giả, để có thể đưa nhân loại ra khỏi cuộc chiến địa chính trị này, Macron và Abe phải nhanh chóng hành động. Nước Pháp và Nhật Bản phải làm giao liên giữa Tehran và Washington, cho đến khi nào Mỹ và Iran nghiêm túc chấp nhận ngồi lại đàm phán. Chính vào lúc này họ sẽ đạt được thỏa thuận. Bởi vì, bên này cũng như bên kia, về lâu dài, đều có lợi cả.
Iran và Mỹ : Donald Trump điều chỉnh hướng bắn
Liệu lời kêu gọi của ông Renaud Girard có bị chậm trễ rồi không ? Bởi vì, theo Les Echos, hôm qua, 24/06/2019, tổng thống "Trump đã trừng phạt giáo chủ Khamenei"
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm lãnh đạo tinh thần tối cao Iran và những người thân cận của ông tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, với hy vọng đủ gia tăng áp lực với Iran nhằm kéo nước này ngồi vào bàn đàm phán. Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể vận động các nước về việc bảo đảm an ninh hàng hải nhân thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Tóm lại, "để chống Iran, Trump điều chỉnh hướng bắn" như hàng tựa nhận xét của Libération.
Minh Anh
Khi Mỹ - Trung lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao
Báo Les Echos (02/04/2019) trên mục Ý Kiến có bài nhận định sâu sắc đề tựa "Khi Washington và Bắc Kinh lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao" để nói về cuộc cạnh tranh chiến lược và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay.
Hoa Vi nằm giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ và Trung Quốc.© Reuters/Dado Ruvic
Về bản chất giống như cuộc chiến giữa các vì sao mà tổng thống Mỹ Donald Reagan tiến hành chống lại Liên Xô vào đầu những năm 1980. Đương nhiên, chiến tranh giữa các vì sao thời Reagan tập trung vào vấn đề quân sự, còn giờ đây, Donald Trump chú trọng đến các hồ sơ kinh tế.
Theo báo Les Echos, cần nhìn nhận dưới góc độ này để phân tích về sự thay đổi cơ bản trong học thuyết của Washington khi tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện, kinh tế, tiền tệ, thương mại, công nghệ và quân sự.
Một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được mở ra, với đặc trưng là sự đối đầu giữa hai siêu cường để giành giật quyền lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21.
Thực ra, mục đích chủ chốt của chính quyền Trump là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến. Do vậy, chính sách này đôi khi được gọi là "cuộc chiến giữa các vì sao", có được sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ.
Và chính quyền Washington sử dụng mọi phương tiện để tiến hành "cuộc chiến" này, như không cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tham gia các dự án quan trọng sử dụng tài chính công tại Mỹ, vận động ngoại giao mạnh mẽ, thuyết phục các đồng minh gạt bỏ Hoa Vi ra khỏi các thị trường Tây Âu, yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính, con gái nhà sáng lập Hoa Vi để cho dẫn độ sang Mỹ, tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để cố gắng tạo thế cân bằng về quân sự tại Biển Đông, nâng mức thuế hải quan đối với nhiều hàng nhập khẩu, vượt ra ngoài các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)…
Rõ ràng, cuộc chiến thực sự của Donald Trump không phải là thương mại, mà là công nghệ. Theo xếp hạng gần đây của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới, năm 2018, nhìn trong tổng thể, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng bằng phát minh, sáng chế được đăng ký ngang nhau.
Thế nhưng, Hoa Vi của Trung Quốc là doanh nghiệp có số lượng bằng phát minh đăng ký đứng đầu thế giới, trước cả Mitsubishi, Intel, Qualcomm và ZTE. Điều này giải thích vì sao việc ngăn chặn Hoa Vi trở thành mối ám ảnh của chính quyền Trump.
Có thể nói, Hoa Kỳ đã chậm phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn và quyết tâm cao đến mức khác thường, trong cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo này. Do vậy, cho dù Donald Trump và Tập Cận Bình có ký được một thỏa thuận thương mại, cho phép làm giảm căng thẳng giữa hai nước nhưng không giải quyết được thực chất của vấn đề : đó là cuộc chạy đua công nghệ dài hơi giữa hai nước.
Trong phiên bản mới của "cuộc chiến tranh giữa các vì sao" này, Châu Âu đóng vai trò quyết định, bởi vì chính sách và các lựa chọn công nghệ của Châu Âu sẽ làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng, nghiêng về Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.
Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại Châu Âu
Báo Le Monde trở lại với chuyến công Châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua ngòi bút của nhà bình luận Jean-Michel Bezat cho rằng "Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại Châu Âu".
Theo nhà bình luận, trong chuyến công du Ý và Pháp vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm được hai việc thành công : Thứ nhất là dự án mua 300 máy bay Airbus, trị giá 30 tỷ, làm cho Châu Âu phấn khởi, và thứ hai là ký với Ý một thỏa thuận, tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập vào Châu Âu, thông qua dự án "Con đường tơ lụa".
Trước mặt tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nguyên thủ Trung Quốc đã có những phát biểu ca ngợi, đề cao vai trò của Châu Âu, như "một Châu Âu đoàn kết và thịnh vượng tương thích với tầm nhìn của chúng ta về một thế giới đa cực", và "Trung Quốc sẽ luôn luôn ủng hộ Châu Âu nhất thể hóa"… Đáp lại, bộ ba Pháp-Đức-Châu Âu kêu gọi Trung Quốc "tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu", thể hiện rõ sự e ngại, dè chừng đối với Bắc Kinh.
Theo tác giả, Mỹ và phương Tây đã phải trả giá về sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm 2001. Vào lúc đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định việc kết nạp Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tôn trọng các quy định thế giới.
Còn ông Pascal Lamy, lúc đó là ủy viên Châu Âu phụ trách thương mại (và sau này là tổng giám đốc WTO) thì hồ hởi trấn an : Trung Quốc chỉ sản xuất các mặt hàng tầm thường, còn chúng ta sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Và vừa qua, trước mặt tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập hãnh diện nêu ra một thực tế : Trong bốn mươi năm, chúng tôi đã làm được những việc mà quý vị phải mất đến 3 trăm năm.
Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Châu Âu đề ra các tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư ngoại quốc trong các lĩnh vực chiến lược. Trong lúc đó, Trung Quốc không cho báo chí chính thống nói đến dự án đầy tham vọng "Made in China 2025" nữa, để không làm cho các đối tác Châu Âu lo sợ, nhưng không hề từ bỏ tham vọng sẽ cường quốc lãnh đạo thế giới trong một thập niên tới, và vẫn tiếp tục dự án "Con đường tơ lụa" hướng vào Châu Âu và Châu Phi.
Đương nhiên, con đường thâm nhập Châu Âu của Trung Quốc gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng Bắc Kinh không lùi bước. Đầu tháng Tư này, nhân hội nghị thượng đỉnh với Châu Âu, Trung Quốc sẽ lại ra sức trấn an. Cũng trong tháng Tư này, sẽ có hội nghị thượng đỉnh 16+1 thường niên tại Dubrovnik, Croatia.
Đó là 16 nước trước kia thuộc khối Cộng sản và trong đó có 11 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tất cả các nước này đều ngóng trông vào túi tiền khổng lồ của Bắc Kinh trong lúc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cắm rễ ở phía đông và đông nam Châu Âu.
Điều trớ trêu cho Châu Âu là tại Dubrovnik, có dự án xây một cây cầu dài 2,4 km, với tổng đầu tư là 420 triệu euro, trong đó Châu Âu tài trợ tới 85%. Thế nhưng, một doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc đã được lựa chọn, trong khi đó, công ty Strabag của Áo, nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thì bị gạt ra bên lề và ngậm ngùi tố cáo tình trạng dumping thương mại.
Algeria : "Người rơm" Bouteflika chịu "về vườn"
Thời sự Algeria tiếp tục chiếm lĩnh các trang báo Pháp ngày hôm nay. Le Figaro và Les Echos lần lượt loan báo : "Bouteflika sẽ ra đi từ đây đến cuối nhiệm kỳ" và "Bouteflika sẽ từ nhiệm". Trang nhất Libération trên nền ảnh một Bouteflika yếu ớt, chạy tít lớn "Trời quang".
"Người rơm" Bouteflika cuối cùng cũng phải nhượng bộ làn sóng nổi dậy của người dân sau sáu tuần biểu tình rầm rộ chưa từng có. Abdelaziz Bouteflika thông báo sẽ rời quyền lực trước ngày 28/04/2019. Nhân dịp này tờ báo tóm lược chân dung gương mặt quan trọng trong cuộc chiến đấu tranh đòi độc lập và trở thành tổng thống Algeria từ năm 1999. Từ một nhà ngoại giao "mê hoặc" đến một nhà lãnh đạo bị phản đối. Sáu mươi năm cầm quyền của ông sẽ là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Algeria.
Như để trấn làn sóng phản đối, ngày Chủ Nhật 31/03 chính quyền Alger thông báo thành lập chính phủ mới. Nhật báo công giáo La Croix cho rằng "Tân chính phủ Algeria chạy đua với thời gian". Thế nhưng, việc thông báo tân nội các không xóa tan được nỗi ngờ vực của người dân.
Còn theo Le Monde, chính phủ mới được thành lập nhưng không che giấu được một cuộc đọ sức đang diễn ra giữa quân đội và phe thân cận tổng thống Bouteflika. Nhật báo đưa ra bằng chứng là lãnh đạo quân đội, tướng Admeh Gaid Salah đã lên tiếng cảnh cáo "một số đảng chính trị có mưu đồ xấu" là "chuẩn bị một kế hoạch nhằm làm giảm uy tín của Lực lượng Vũ trang Nhân dân – ALP và tìm cách tránh né những đòi hỏi chính đáng của người dân".
Trong khi đó, ngoài đường phố rộ lên thuyết âm mưu phe thân tổng thống đã cho triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu với sự "trợ giúp của Pháp". Mục đích là nhằm kích động "căng thẳng các vùng tại Kabylie và miền nam đất nước".
NATO : 70 tuổi nhưng vẫn chưa lớn
Ngày 04/04/2019 tới đây khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ thổi ngọn nến thứ 70. La Croix có bài nhận định "NATO trước thử thách Donald Trump".
Bảy mươi năm tồn tại, NATO đã nếm biết bao mùi khủng hoảng từ vụ kênh đào Suez năm 1956 cho đến sự rạn nứt về cuộc chiến Iraq 2003, rồi việc Pháp rút ra khỏi tổ chức quân sự năm 1966, để rồi sau đó, khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, NATO lần lượt dấn thân vào các chiến dịch tại Bosnia, Kosovo, Afghanistan và Libya.
Cú sốc bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014 như chất xúc tác đoàn kết cả khối trước mối họa Nga. NATO lần lượt tăng cường nhiều mặt trận và phải thích hợp với xu hướng thời đại đối phó với một cuộc chiến mới : Cuộc chiến tin học.
Giờ đây trong bối cảnh Hoa Kỳ không ngừng đe dọa rút ra khỏi Liên minh, khối quân sự này phải có những bước chuẩn bị cho tương lai, theo như phân tích của bà Claudia Major, chuyên gia Quỹ Khoa học và Chính trị :
"NATO phải đồng lòng chuẩn bị cho một tương lai mà Hoa Kỳ sẽ có một vai trò chính trị và quân sự khác đi. Sự chia rẽ tại Châu Âu và xu hướng hợp tác song phương phát triển mạnh sẽ là rủi ro lớn nhất cho khối. Phương cách tốt nhất cho Châu Âu là phải duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tức phải trở thành những đồng minh có hấp lực và đáng tin cậy hơn, cũng như là tự chủ hơn".
Minh Anh
Thông cáo báo chí về cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại G20 (Foreign Policy, 01/12/2018)
Tổng thống Trump ra lệnh đánh Trung Quốc và "giải phóng" Việt Nam ? Không ! Tổng thống Trump nói :
"Đây là một cuộc họp tuyệt vời và hiệu quả với khả năng không giới hạn cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tôi rất vinh dự được làm việc với Chủ tịch Tập".
Thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc
Thông báo của Tham Vụ báo chí Tòa Bạch Ốc về buổi làm việc trong lúc ăn tối của Tổng thống (Trump) với Trung Quốc
Tổng thống Hoa Kỳ, Donald J. Trump, và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, vừa kết thúc những việc làm mà cả hai đã kết luận là "cuộc họp thành công" giữa hai bên với các đại diện cao cấp nhất ở Buenos Aires, Argentina.
Điều rất quan trọng là Chủ tịch Tập, trong một cử chỉ nhân đạo đặc biệt, đã đồng ý ấn định Fentanyl là một dược chất được kiểm soát, có nghĩa là những ai bán thuốc Fentanyl cho Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức phạt tối đa theo luật của Trung Quốc.
Về Thương mại, Tổng thống Trump đã đồng ý vào ngày 1 tháng 1 năm 2019, ông sẽ vẫn giữ mức thuế 10% đối với các sản phẩm trị giá 200 tỷ đô la mà không tăng lên 25%. Trung Quốc sẽ đồng ý mua một số lượng chưa được thỏa thuận nhưng rất đáng kể về nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Hoa Kỳ để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia. Trung Quốc đồng ý bắt đầu ngay lập tức mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán về thay đổi cấu trúc liên quan đến việc bắt buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và trộm cắp trên mạng, dịch vụ và nông nghiệp. Cả hai bên đồng ý rằng họ sẽ cố gắng hoàn thành giao dịch này trong vòng 90 ngày sắp tới. Nếu vào cuối thời gian này các bên không thể đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ được tăng lên 25%.
Cũng có được sự đồng ý về sự tiến bộ lớn đã đạt được đối với Bắc Triều Tiên và Tổng thống Trump, cùng với Chủ tịch Tập, sẽ cố gắng cùng với Chủ tịch Kim Jong-un, có thể thấy được một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump bày tỏ tình bạn và sự tôn trọng của ông đối với Chủ tịch Kim.
Chủ tịch Tập cũng tuyên bố rằng ông đồng ý sẽ phê duyệt thỏa thuận về Qualcomm-NXP mà trước đây chưa được phê duyệt nếu một lần nữa được trình đến ông.
Tổng thống Trump nói: "Đây là một cuộc họp tuyệt vời và hiệu quả với khả năng không giới hạn cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tôi rất vinh dự được làm việc với Chủ tịch Tập".
******************
Statement from the Press Secretary Regarding the President’s Working Dinner with China (Foreign Policy, 01/12/2018)
The President of the United States, Donald J. Trump, and President Xi Jinping of China, have just concluded what both have said was a "highly successful meeting" between themselves and their most senior representatives in Buenos Aires, Argentina.
Very importantly, President Xi, in a wonderful humanitarian gesture, has agreed to designate Fentanyl as a Controlled Substance, meaning that people selling Fentanyl to the United States will be subject to China’s maximum penalty under the law.
On Trade, President Trump has agreed that on January 1, 2019, he will leave the tariffs on $200 billion worth of product at the 10% rate, and not raise it to 25% at this time. China will agree to purchase a not yet agreed upon, but very substantial, amount of agricultural, energy, industrial, and other product from the United States to reduce the trade imbalance between our two countries. China has agreed to start purchasing agricultural product from our farmers immediately.
President Trump and President Xi have agreed to immediately begin negotiations on structural changes with respect to forced technology transfer, intellectual property protection, non-tariff barriers, cyber intrusions and cyber theft, services and agriculture. Both parties agree that they will endeavor to have this transaction completed within the next 90 days. If at the end of this period of time, the parties are unable to reach an agreement, the 10% tariffs will be raised to 25%.
It was also agreed that great progress has been made with respect to North Korea and that President Trump, together with President Xi, will strive, along with Chairman Kim Jong-un, to see a nuclear free Korean Peninsula. President Trump expressed his friendship and respect for Chairman Kim.
President Xi also stated that he is open to approving the previously unapproved Qualcomm-NXP deal should it again be presented to him.
President Trump stated: "This was an amazing and produchive meeting with unlimited possibilities for both the United States and China. It is my great honor to be working with President Xi".
*******************
G20 : Mỹ và Trung Quốc nhất trí ngưng áp thuế quan mới (BBC, 02/12/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất tạm dừng áp thuế quan mới trong 90 ngày để tiến tới đàm phán, Mỹ cho biết.
Cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng Larry Kudlow nói với phóng viên rằng cuộc hội đàm Mỹ-Trump "rất ổn"
Hai nhà lãnh đạo hội đàm tại Buenos Aires sau hội nghị thượng đỉnh G20 và đây cuộc gặp đầu tiên của họ từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra trong năm nay.
Trung Quốc cho biết đã đồng ý không áp thêm bất kỳ thuế quan mới nào sau ngày 1/1/2019.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào hôm 1/12, các nhà lãnh đạo G20 đồng ý một tuyên bố chung ghi nhận sự chia rẽ về thương mại nhưng không chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ.
Hội đàm Mỹ-Trung kết thúc với chỉ dấu có tiến triển trong việc giải quyết chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Reuters.
Giữa lúc cả Hoa Kỳ và Trung Quốc mắc kẹt trong cuộc tranh chấp làm suy yếu thị trường tài chính toàn cầu, ông Trump và ông Tập ngồi xuống với trợ lý của họ cho một bữa tối bàn công việc.
Sau cuộc họp khoảng 2 giờ rưỡi, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng Larry Kudlow nói với phóng viên rằng cuộc hội đàm "rất ổn", nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể nào khi ông cùng tổng thống Trump lên chuyên cơ Air Force One về Washington.
Mục tiêu của Bắc Kinh là thuyết phục Trump từ bỏ kế hoạch áp thuế nhắm vào 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% hiện nay lên 25% trong tháng 1/2019. Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế và có thể thêm thuế đối với 267 tỷ đô la hàng nhập khẩu nếu các cuộc đàm phán không có tiến triển.
Ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump cùng phu nhân tại Bắc Kinh năm 2017
Ngay trước khi bay tới Argentina, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng trong khi Trung Quốc quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận, "Tôi không biết tôi có muốn làm điều đó hay không" và "Tôi thích thỏa thuận hiện tại của chúng tôi".
Bối cảnh này có thể tạo tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia.
Có thể đạt được gì sau hội nghị ?
Tổng thống Trump đã khởi đầu sự mâu thuẫn với Trung Quốc đầu năm nay, cáo buộc nước này thực hiện các hành vi thương mại "không công bằng" và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Hoa Kỳ đã đánh thuế tổng cộng 250 tỷ đô la lên hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng Bảy, và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế trên 110 tỷ đôla hàng hóa Mỹ.
Trung Quốc đã tấn công Hoa Kỳ với mức thuế 3 tỷ đô la trong tháng Tư, để trả đũa thuế quan của Mỹ trên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu toàn cầu.
Ông Trump đã đưa ra một tia hy vọng hồi đầu tháng này, khi nói ông nghĩ rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Nhưng chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh, ông Trump dội gáo nước lạnh vào sự lạc quan này.
Ông Tập Cận Bình có thể sẽ 'không nhượng bộ đủ đối với Trump', và do đó không có gì nhiều đạt được từ G20, theo nhận định của chuyên gia kinh tế
Tổng thống Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng ông dự kiến sẽ tiếp tục kế hoạch tăng thuế trên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc - được đưa ra lần đầu tiên vào tháng Chín - lên 25% (tăng từ 10%) bắt đầu từ tháng 1/2019.
Ông Trump cũng nói rằng nếu các cuộc đàm phán không thành công, ông sẽ thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên 267 tỷ đôla hàng hóa xuất khẩu còn lại hàng năm của Trung Quốc sang Hoa Kỳ với mức thuế 10-25%.
Chính quyền Trump gần đây cũng cáo buộc Trung Quốc không thay đổi hành vi thương mại "không lành mạnh".
"Tôi nghĩ rằng kịch bản có khả năng nhất là Tập Cận Bình không nhượng bộ đủ đối với Trump, và do đó không đạt được gì nhiều từ G20", Julian Evans-Pritchard từ Capital Economics nói.
Các hội nghị gần đây cũng không báo trước điều gì tốt đẹp cho một quyết định nào ở G20.
Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) gần đây kết thúc mà không có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo vì chia rẽ Mỹ-Trung Quốc do chiến tranh thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada vào tháng Sáu đã kết thúc trong tình trạng hỗn loạn khi Trump rút lại sự tán thành của ông về tuyên bố chung.
Valerie Mercer-Blackman, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết : "Tôi cho rằng rất không may là giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa trong các vấn đề đằng sau xung đột thương mại".
"Việc không đưa ra được thỏa thuận chung tại APEC cũng cho thấy có khoảng cách khá lớn giữa hai bên, và dường như không có đề xuất cụ thể nào được bàn thảo để chấm dứt sự bế tắc".
Ván bài lớn tới cỡ nào ?
Ông Evans-Pritchard nói : "Nếu cuộc họp không đưa ra một thỏa thuận đình chiến thì Mỹ sẽ tăng thuế xuất [đánh lên 200 tỷ đôla hàng hóa hiện tại của Trung Quốc] vào tháng Một và việc mở rộng thêm thuế quan là rất có thể".
Ông Michael Hirson, giám đốc khu vực Châu Á của Eurasia Group cho biết, việc tăng thuế suất sẽ khiến nhiều công ty đa quốc gia đẩy mạnh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, trong khi thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên hàng Trung Quốc sẽ đặt ra một "nguy cơ đáng kể về kinh tế và chính trị" cho Trump.
"Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Các gia đình Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hơn, sẽ cảm thấy tác động nhiều hơn lần này so với các gói thuế quan được áp dụng trước đó''.
******************
G20 : Vì sao Trump và Tập sẽ không đi tới thỏa thuận nào ? (BBC, 01/12/2018)
Khi hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới gặp nhau trong tuần này, cuộc chiến thương mại căng thẳng của họ là cơ sở để họ làm lành hoặc cách xa nhau hơn.
Chính quyền của ông Trump nói rằng Trung Quốc đã lợi dụng sự hào phóng của Hoa Kỳ và phải thay đổi điều đó.
Donald Trump và Tập Cận Bình đã có một mối quan hệ gập ghềnh. Năm ngoái, Tổng thống Trump dường như là người xuống thang và Bắc Kinh ở thế "cửa trên". Tổng thống Trump thậm chí không đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra thặng dư mậu dịch - nói rằng đó là lỗi của các chính quyền Mỹ trước đó.
Đổi lại, Trung Quốc cho biết sẽ làm giảm rào thâm nhập thị trường đối với một số ngành, và các nhà đầu tư trên khắp thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng trong suốt năm 2018, mối quan hệ của họ rạn nứt nhanh chóng. Thuế quan trả đũa được nói trên twitter làm gia tăng một cuộc chiến thương mại đe dọa khả năng làm cho tất cả chúng ta nghèo đi.
Cuộc chiến thương mại sẽ là tâm điểm khi họ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.
Trung Quốc muốn kiểm soát
Hoa Kỳ có mối quan ngại chính đáng về tiếp cận thị trường ở Trung Quốc, theo Viện Brookings. Nhưng thuế quan không phải lúc nào cũng là vấn đề.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã giảm thuế và trong một số lĩnh vực, thuế suất còn thấp hơn các thị trường mới nổi khác.
Cái mà Trung Quốc cần phải thay đổi là làm sao chính phủ có thể giảm hạn chế sự tiếp cận của các công ty nước ngoài đối với người tiêu dùng.
Có những hạn chế trực tiếp đầu tư vào các lĩnh vực từ xe hơi, dịch vụ tài chính và viễn thông. Điều đó khiến các công ty nước ngoài khó đầu tư vào Trung Quốc, và họ khó bán hàng hóa cho khách hàng Trung Quốc mà không phải tham gia một dạng công ty liên doanh nào đó.
Đó là lúc mà các chủ đề chuyển giao công nghệ và các vấn đề sở hữu trí tuệ được đưa ra. Trung Quốc sẽ cần phải từ bỏ các quy định liên doanh của mình để xoa dịu Hoa Kỳ, và thật khó để nhìn thấy họ sẽ làm điều đó bởi điều mà Bắc Kinh khao khát nhất chính là kiểm soát.
Nếu Bắc Kinh cho phép các công ty nước ngoài đưa ra các điều kiện để đầu tư, về cơ bản nó sẽ thay đổi cách hoạt động của Trung Quốc. Trong một thời đại mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã kiểm soát nhiều hơn đối với nền kinh tế, chứ không bớt kiểm soát, điều đó là rất khó xảy ra.
Mất mặt đến thế là cùng
Tổng thống Trump làm những việc mà Trung Quốc khó còn chỗ nào để giữ thể hiện. Ông đã liên tục nói rằng ông sẽ áp thêm thuế quan với Bắc Kinh nếu họ không có hành động thỏa đáng, ngay cả khi việc áp thuế này có nguy cơ làm tổn hại tới các lá phiếu cử tri của chính ông.
Tại tất cả cuộc họp quốc tế lớn, Washington đã và đang nhắc nhở cộng đồng toàn cầu rằng Bắc Kinh có lỗi trong mối quan hệ này.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Apec gần đây, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence xúc phạm Sáng kiến Vành đai và Con đường - một phần quan trọng của chính sách kinh tế và nước ngoài của Trung Quốc - nói rằng sáng kiến này sẽ dẫn đến thực trạng các quốc gia chết trong nợ nần.
Ông cũng nói Hoa Kỳ đã cho đi nhiều hơn cái gọi là "vành đai thắt chặt hoặc đường một chiều". Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết các dự án của Trung Quốc thường trông vậy mà không phải vậy.
Và ngay cả trước thềm của cuộc họp G20, Larry Kudlow, giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng sẽ không có thỏa thuận nào trừ khi "các vấn đề về đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và thuế quan và hàng rào phi thuế quan" được giải quyết.
Đó kể như là mọi thứ đã giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc đến được vị thế hôm nay. Trung Quốc sẽ không muốn có thỏa thuận nào mà lại không có gì bù lại.
Hơn cả một cuộc chiến thương mại
Quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ chiến lược, kinh tế và chính trị quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Trong nhiều thập niên, quan hệ đối tác này đã mang lại kết quả.
Nhưng trong những năm gần đây - và đặc biệt kể từ khi Chủ tịch Tập lên nắm quyền - Trung Quốc đã tự khẳng định mình trên trường quốc tế. Đôi khi điều này là do khoảng trống do Hoa Kỳ bỏ bễ tại Châu Á do Washington phải bận rộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vấn đề nội địa của họ.
Trung Quốc đã thế vào vai trò cứu tinh tài chính, và có một cảm giác oán giận chính đáng tại Bắc Kinh rằng họ không nhận được sự công nhận xứng đáng.
Nhưng sau đó Trung Quốc cũng đã khởi động Sáng kiến Vành đai Con đường - ban đầu được định ra như một cách để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nhưng ngày càng được xem là chủ nghĩa thực dân kinh tế của Trung Quốc.
Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng khiến nhiều người ở Washington lo ngại về mục đích thực sự của Trung Quốc trong khu vực là gì.
Vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ đơn giản là về thương mại. Đó là một cách để chính quyền Trump cố gắng giữ cho Trung Quốc ngồi một chỗ, một nỗi sợ hãi mà nhiều người ở Bắc Kinh có, và đó là lý do tại sao hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận.
Và ngay cả khi Tổng thống Trump nói rằng ông có quan hệ cá nhân tuyệt vời với Chủ tịch Tập, chính quyền của ông nói rằng Trung Quốc đã lợi dụng sự hào phóng của Hoa Kỳ và phải thay đổi điều đó.
Vì vậy, đó là một bước tiến hai bước lùi. Trong bất kỳ đàm phán nào cả hai bên đều cần phải rời bàn thương lượng với cảm giác như họ đã đạt được điều gì đó, nếu không một thỏa thuận sẽ không thể tồn tại.
Đó là lý do tại sao rất nhiều người đang trông đợi vào ngày quan trọng nhất của thế giới, và tại sao gần như thượng đỉnh G20 sẽ không thể kết thúc với bất cứ điều gì ngoài một nụ hôn khách sáo, và có lẽ có cả lời tạm biệt lạnh lẽo và đắng lòng.
Karishma Vaswani,
Phóng viên kinh doanh Châu Á BBC
Trung Quốc tăng thuế lên đậu nành, xe hơi điện, rượu whisky của Mỹ (VOA, 17/06/2018)
Trung Quốc phản pháo hôm thứ Bảy trong một cuộc tranh chấp thương mại ngày càng nghiêm trọng với Tổng thống Donald Trump bằng cách tăng thuế nhập khẩu lên một danh sách các mặt hàng của Mỹ trị giá 34 tỉ đôla bao gồm đậu nành, xe hơi điện và rượu whisky.
Trung Quốc "không muốn chiến tranh thương mại" nhưng phải "đáp trả mạnh mẽ", một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói.
Chính phủ nói họ đang đáp trả với "quy mô ngang bằng" việc ông Trump tăng thuế quan lên hàng hóa của Trung Quốc trong một cuộc xung đột liên quan tới thặng dư thương mại và chính sách công nghệ của Bắc Kinh mà các công ty lo ngại có thể nhanh chóng leo thang và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc "không muốn chiến tranh thương mại" nhưng phải "đáp trả mạnh mẽ", một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói. Thông cáo cho biết Bắc Kinh cũng sẽ hủy bỏ thỏa thuận thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ đôla của mình với Mỹ bằng việc mua thêm nông sản, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới nhưng quan hệ chính thức ngày càng căng thẳng do những khiếu nại về chiến lược phát triển công nghiệp của Bắc Kinh vi phạm các cam kết tự do thương mại và gây tổn hại cho các công ty của Mỹ. Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác đã nêu lên những than phiền tương tự, nhưng ông Trump đã đối đầu với Bắc Kinh thẳng thừng một cách bất thường và đe dọa gây gián đoạn một lượng lớn hàng xuất khẩu.
Bắc Kinh sẽ áp thêm mức thuế quan 25 phần trăm bắt đầu từ ngày 6 tháng 7 lên 545 sản phẩm từ Mỹ bao gồm đậu nành, xe điện, nước cam, rượu whisky, tôm hùm, cá hồi và xì gà, theo Bộ Tài chính Trung Quốc.
Hầu hết các mặt hàng bị tăng thuế là thực phẩm và các nông sản khác, đánh mạnh những người ủng hộ ông Trump ở vùng nông thôn.
Bắc Kinh dường như đang cố gắng giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế của chính mình bằng cách chọn các sản phẩm của Mỹ mà có thể thay thế bằng hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác như Brazil hoặc Úc.
Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng thuế quan đối với 114 sản phẩm bao gồm thiết bị y tế và các sản phẩm năng lượng, Bộ Tài chính cho biết. Họ nói một quyết định sẽ được công bố sau đó.
Chính quyền Trump hôm thứ Sáu loan báo tăng thuế quan lên 34 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc, cũng có hiệu lực từ ngày 6 tháng 7, và định cân nhắc mở rộng ra thêm 16 tỉ đôla các sản phẩm khác.
Ông Trump đang thúc ép Bắc Kinh thu hẹp thặng dư thương mại của mình với Mỹ và rút lại kế hoạch do nhà nước dẫn đầu nhằm vun đắp cho các công ty cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc phát triển trong lĩnh vực công nghệ bao gồm xe hơi điện, năng lượng tái tạo được, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
********************
Tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ là lãnh vực "ưu tiên" bị Trung Quốc nhắm đến trong thông báo giáng trả tức khắc mức thuế quan gia tăng đánh vào tổng trị giá các mặt hàng nhập từ Trung Quốc lên đến 50 tỉ đô la mà Tổng thống Trump loan báo hôm qua.
Một nông trại trong vùng trung tâm nước Mỹ - Ảnh minh họa : Bloomberg
Trung Quốc cho hay trong đợt giáng trả đầu tiên, mức thuế sẽ gia tăng lên tổng trị giá 34 tỉ đô la là các sản phẩm nông sản nhập từ Mỹ, cũng như xe hơi và sẽ bắt đầu từ ngày 6 tháng 7.
Biểu đồ nhập siêu hàng hgosa của Mỹ đối với các đối tác thương mại quốc tế - Ảnh : Bloomberg
Sau đó là tổng trị giá 16 tỉ đô la các mặt hàng như sản phẩm các loại, kể cả than đá và dầu hỏa cũng lần lượt bị nâng mức thuế. Rõ ràng cách trả đũa của Trung Quốc là chỉa mũi dùi vào các tiểu bang dã từng dồn phiếu cho Tổng thống Trump vào năm 2016.
Bắc Kinh tuyên bố trả đũa ngay tức khắc chưa đầy 12 giờ sau khi chính phủ Trump loan báo mức thuế mới hàng hóa nhập từ Trung Quốc và bảo chính phủ Hoa Kỳ đã phá hoại tiến trình đàm phán mậu dịch đang diễn ra giữa hai siêu cường.
Biểu đồ nhập than đá của Trung Quốc - Ảnh : Bloomberg
Biểu đồ xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ ra thế giới : Bloomberg
Từ đầu tháng 5 năm nay, Bắc Kinh cho hay sẽ sẵn sàng mua thêm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nhiên liệu của Hoa Kỳ nhằm làm giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch của Mỹ, trong các vòng đàm phán hai bên.
Nhưng khi TT trump loan báo sẽ tăng 25% mức thuế đánh vào kim loại nhập từ Trung Quốc thì Trung Quốc phản đòn lại bằng cách gia tăng thuế lên trái cây, các loại hạt, đậu nành, bắp, lúa mì, gạo, thịt bò, thịt heo, gà, cá, sản phẩm từ sữa và các loại rau cải nhập từ Hoa Kỳ.
Biểu đồ nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc - Ảnh : Bloomberg
Li Qiang, nhà phân tích chiến lược của Shanghai JC Intelligence Co.Ltd. cho hay : "Do mức thâm thủng mậu dịch quá lớn của Hoa Kỳ trong vần đề buôn bán với Trung Quốc, trong tương lai nếu chính phủ Mỹ cho gia tăng thêm thuế, vấn đề sẽ trở nên khó khăn và phức tạp cho chúng tôi"
Trần Vũ
(theo Bloomberg)
**********************
Hôm thứ Sáu 15/6, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc có giá trị tới 50 tỷ USD. Ông cáo buộc Bắc Kinh đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc trả đũa ngay và nói sẽ đánh thêm 25% thuế nữa lên 659 mặt hàng của Mỹ, có giá trị 50 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán sụt giảm sau khi có tin này vì lo ngại sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Trước đó, Mỹ đã cảnh báo rằng Washington sẽ tiếp tục đánh thuế nếu Trung Quốc trả đũa.
Ông Trump nói các mức thuế quan này là "chủ yếu để ngăn việc chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ Mỹ sang Trung Quốc một cách không công bằng, điều sẽ bảo vệ công ăn việc làm Mỹ".
Một loạt các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế mới, từ lốp máy bay đến tuốc bin cho đến máy rửa bát công nghiệp.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng thanh tấn công biện pháp thuế mới của Mỹ.
"Đi theo con đường mở rộng và mở cửa là phản ứng tốt nhất của Trung Quốc đối với tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, và cũng là trách nhiệm mà các nước lớn cần có với thế giới", một bài xã luận của Tân Hoa Xã viết.
"Người khôn xây cầu, kẻ khờ xây tường", bài viết bình luận.
Dân mạng nhanh chóng có phản ứng vui về câu này, và nhiều người nhắc tới Vạn Lý Trường Thành.
Người dùng Twitter có nick Lotus viết : "Nước có bức tường dài nhất thế giới đưa tin".
Trên những trang báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhật báo Nhân dân lên án cái mà họ tả là "nỗi ám ảnh được đóng vai trò nước gây gián đoạn kinh tế toàn cầu" của chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo viết ông Trump đang phá vỡ trật tự thế giới để làm vừa lòng cử tri, những người tưởng là ông đang đấu tranh cho họ.
Tuy nhiên, tờ báo bằng tiếng Anh China Daily nói họ hy vọng điều tồi tệ nhất vẫn có thể tránh được.
"Với chuyện chính quyền của ông Donald Trump thường xuyên nay nói thế này mai thế khác, vẫn còn quá sớm để kết luật rằng một cuộc chiến thương mại sẽ bắt đầu", bài báo viết.
Trung Quốc đã tuyên bố từ ngày 6/7 sẽ đánh thuế lên các mặt hàng nông sản, xe hơi và hải sản của Mỹ, có giá trị 34 tỷ USD hàng năm.
Mức thuế cho các mặt hàng khác của Mỹ sẽ được thông báo sau, Tân Hoa Xã đưa tin.
Cũng từ ngày 6/7, mức thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hơn 800 mặt hàng Trung Quốc, có giá trị 34 tỷ USD trong thương mại hàng năm. Nhà Trắng nói sẽ bàn thêm về thuế đánh vào các mặt hàng khác có giá trị 16 tỷ USD.
Mỹ muốn Trung Quốc ngưng tập quán được cho là khuyến khích chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ - các ý tưởng thiết kế và sản phẩm - cho các công ty Trung Quốc, chẳng hạn việc Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài phải cùng sở hữu doanh nghiệp với các công ty trong nước nếu họ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp ở Mỹ nói thuế quan mới nhiều khả năng sẽ làm ảnh hưởng một số ngành mà chính quyền Mỹ đang cố gắng bảo vệ. Đây là những ngành phụ thuộc vào Trung Quốc để có phụ tùng hay được lắp ráp.
*******************
Chính quyền Mỹ ngày 15/06/2018 đã công bố mức thuế 25% trên một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá 50 tỉ đô la. Đây là một bước leo thang tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hàng hóa đến cảng South Carolina, Hoa Kỳ ngày 10/05/2018. Reuters/Randall Hill
Theo hãng tin Mỹ AP, tổng thống Donald Trump đã thề là sẽ đánh thẳng vào những gì mà ông gọi là các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Trung Quốc đã đe dọa là cũng sẽ trả đũa trên 50 tỉ đô la hàng mua của Hoa Kỳ.
Quyết định áp thuế được đưa ra chỉ vài hôm sau khi ông Trump họp hội nghị thượng đỉnh hạt nhân với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tiếp tục duy trì áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng.
Cho đến nay, tổng thống Mỹ đã đánh thuế đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Canada, Mêhicô, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, tạo nên phản ứng bất bình từ các đồng minh.
Theo tờ báo Mỹ Wall Street Journal, tổng thống Donald Trump đã tán đồng danh sách vào tối qua, 14/05/2018, trong cuộc họp tại Nhà Trắng với các cố vấn thương mại của ông bao gồm cả lãnh đạo Thương Mại và tài chính.
Vào sáng nay, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ là sẽ có những biện pháp trả đũa ngay tức thời trong trường hợp Washington ban hành các biện pháp áp thuế trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo giới phân tích thì bối cảnh hiện nay khá tế nhị, Mỹ đang cần Trung Quốc hỗ trợ trong hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng lại khai chiến thương mại.
Theo AFP, vào hôm qua, ngoại trưởng Mỹ ở Bắc Kinh đã có trao đổi khá gay gắt với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị. Phía Trung Quốc khuyên Washington nên tránh một cách tiếp cận mà cả hai bên "sẽ thua thiệt".
Một danh sách sơ khởi khoảng 1.300 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đã được đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer công bố vào tháng Tư. Khoảng 70% hàng hóa thuộc các lãnh vực linh kiện cho lò phản ứng hạt nhân, máy điện và trang thiết bị quang học.
Vào tháng Ba, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 25% trên khoảng 50 tỉ đô la hàng nhập từ Trung Quốc. Sau đó thì ông Trump đe dọa tăng lượng sản phẩm bị nhắm lên đến 100 tỉ đô la, nhưng đến nay chưa có biện pháp cụ thể.
Mai Vân
*******************
Donald Trump chuẩn bị áp thuế lên 1.300 mặt hàng Trung Quốc (RFI, 14/06/2018)
Hôm 14/06/2018 tổng thống Mỹ tham khảo ý kiến các cố vấn về thương mại, sau đó ông có thể quyết định áp các loại thuế hải quan mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các container hàng, được xếp chồng lên nhau tại cảng container Paul W. Conley ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 09/05/2018. Reuters/Brian Snyder (Ảnh minh họa)
Từ giờ cho đến ngày mai 15/06, tổng thống Trump sẽ cung cấp một danh sách các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế. Reuters dẫn các nguồn tin thân cận hồ sơ này nói rằng danh sách đã được rút ngắn đôi chút và có thêm bớt, nhất là các sản phẩm công nghệ. Một quan chức khác cho biết Nhà Trắng nhắm đến 1.300 mặt hàng, có tổng trị giá 50 tỉ đô la.
Hiện chưa thể biết các sắc thuế mới này chừng nào sẽ có hiệu lực, nếu đe dọa của Donald Trump trở thành sự thực. Tuy nhiên, các nhà vận động hành lang trong lãnh vực công nghiệp cho rằng nghị định sẽ được đăng trên Công Báo từ ngày mai, hay trễ nhất là vào tuần tới.
Theo đạo luật năm 1974 mà ông Trump vận dụng để đánh thuế, tổng thống Mỹ vẫn có thể cho hoãn lại việc thi hành trong 30 ngày, thậm chí 180 ngày nếu cơ quan đại diện thương mại Mỹ nhận thấy việc thương lượng với Trung Quốc có tiến triển.
Một nguồn tin khác nói với Reuters là các cố vấn khuyến cáo tổng thống nên áp thuế. Những lời khuyên này được đưa ra trước khi ông Trump lên đường dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, và cuộc gặp Kim Jong-un ở Singapore. Trở về Washington, tổng thống Mỹ khi trả lời Fox News hôm qua 13/06 đã hứa hẹn sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" Bắc Kinh.
Hiện nay, việc đàm phán giữa đôi bên vẫn dậm chân tại chỗ. Hồi đầu tháng, khi đến Bắc Kinh, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross được Trung Quốc đề nghị sẽ mua thêm 70 tỉ đô la nguyên vật liệu và hàng công nghệ phẩm của Mỹ, nhưng Nhà Trắng bác bỏ.
Thụy My