Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chánh án Nguyễn Hòa Bình : Công tác dân vận là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ

Lê Kiên, Tuổi Trẻ Online, 13/07/2020

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định muốn hòa giải thành công phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.

danvan111

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh : Lê Kiên

Ngày 13/7, Hội nghị công tác dân vận trong hòa giải đã được Ban Dân vận trung ương phối hợp Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức.

Báo cáo của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về công tác dân vận trong hòa giải tại tòa án cho biết Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. 

Theo đó, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của đương sự.

Thống kê cho thấy tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm : năm 2016 hòa giải thành 157.916 vụ (chiếm 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết) ; năm 2017 173.958 vụ (đạt tỷ lệ 50,6%) ; năm 2018 184.143 vụ (đạt tỷ lệ 53,2%) ; năm 2019 201.995 vụ (đạt tỷ lệ 52,1%).

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có thể nói trong rất nhiều thành tựu của nhiệm kỳ như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng.

Chánh án nhấn mạnh mỗi một câu chuyện hòa giải đều là những kỷ niệm ấn tượng, xúc động và khó quên trong cuộc đời làm hòa giải viên.

Hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp, thậm chí các xung đột chính trị thì hòa giải cũng như là một thiết chế giải quyết mọi tranh chấp.

Với kết quả rất tính cực của thiết chế hòa giải, tòa án đã xây dựng Luật hòa giải và được Quốc hội ủng hộ thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao hơn 90%. Luật có hiệu lực từ 1/1/2021. Với sự ra đời của luật này, chúng ta có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến tòa án. Chỉ khi không hòa giải thì phải mở phiên tòa xét xử.

Đánh giá cao kết qủa đạt được trong quá trình thí điểm công tác hòa giải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng thời lưu ý số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn gần 20%. Để việc hòa giải được hiệu quả, kết quả tốt hơn, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.

"Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên" - ông Mẫn nói.

Lê Kiên

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 13/07/2020

******************

Dân vận có là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ?

RFA, 14/07/2020

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra tuyên bố vừa nêu tại Hội nghị công tác dân vận trong hòa giải đã được Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức hôm 13/7/2020.

danvan2

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, tại Hội nghị công tác dân vận hôm 13/7/2020. Courtesy ĐĐK

Cụ thể, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khi phát biểu tại hội nghị cho biết, trong rất nhiều thành tựu thuộc nhiệm kỳ của ông như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng.

Công tác dân vận là gì ?

Theo Ban Dân vận Trung ương, ‘Công tác dân vận’ là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... vào cuộc sống người dân. Công tác dân vận là từ tấm lòng, gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân...

Giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nói :

"Dân vận là cái công tác rất lớn của đảng này, từ khi đảng này lập cái dân vận đến nay, tôi là người ở ban dân vận Trung ương, tôi đánh giá nó thất bại toàn tập. Bởi vì dân vận là gì, là vận động dân... nhưng không phải vận động biến họ thành tay sai, thành cấp dưới, mà phải vận động dân thành người chủ, người lãnh đạo, có trí tuệ, người có biết phản biện, biết bảo ban dạy dỗ cán bộ đảng viên... đấy mới là dân vận. Lấy ví dụ là dân vận là muốn làm cho dân có quyền, thì có làm được không ? Hoàn toàn không làm được".

Vậy ‘Công tác dân vận’ đối với ngành Tư pháp là như thế nào ? Có thể hiểu cách nói của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về ‘Công tác dân vận’ như thế nào ?

Nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giải thích thêm :

"Cách nói của ông Nguyễn Hòa Bình là như thế nào ? Tức là dân vận là làm thế nào dân biết luật pháp. Nhưng ngay bản thân ông Nguyễn Hòa Bình lại là người không biết luật pháp, coi như là không biết. Dân vận của ngành tòa án là nâng trình độ luật pháp của toàn dân và toàn xã hội lên. Thế mà bản thân ngành tư pháp, ngay vụ án của Anh Hải, thì rõ ràng là một sự thóa mạ vào dân vận. Tức là anh bất chấp, không cần luật, không cần thủ tục... nhảm nhí tới mức là những cái thớt, cây dao, là vật chứng quan trọng thì lại thủ tiêu, thế thì dân vận cái quái gì ?"

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Maiông Nguyễn Hòa Bình nói như thế tức là ông ta chẳng hiểu dân vận là như thế nào, mà lại nói liều nhằm đánh bóng mình, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, nói như thế là nhảm nhí, là không thể tin được.

Vào tháng 1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc gây chấn động dư luận. Sau đó, anh Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Cho rằng mình bị oan và không hề giết người, anh Hồ Duy Hải cùng gia đình đã liên tục kêu oan cho anh hơn hàng chục năm qua. Vào ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, do Chánh án Nguyễn Hòa Minh đứng đầu, tuyên giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải tại phiên xử, theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Dư luận trong nước và các tổ chức quốc tế cùng liên tục lên tiếng cho tử tù Hồ Duy Hải. Quốc hội cũng có ý kiến xem xét lại vụ án này.

Án oan khiến dân mất niềm tin

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của ngành Tư pháp thời gian qua, Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020 liên lạc Luật sư Phạm Công Út ở Sài Gòn, và được ông nhận định :

"Bức tranh tư pháp thời gian gần đây có vẻ xấu xí hơn so với trước đây. Một phần có lẽ do mạng truyền thông ngày càng mạnh mẽ hơn, mở rộng hơn, còn trước đó người ta chỉ đưa tin những mặt sáng, còn mặt tối không đưa hoặc đưa ít. Do đó có nhiều hoạt động tư pháp gần đây làm dư luận không yên tâm vào ‘lẽ công bằng’ từ các cơ quan tòa án. Nhiều vụ việc bì hàm oan gần đây rộ lên, không chỉ ở địa phương trình độ non kém... mà nó xuất hiện tại nhiều địa phương trải dài cả ba miền Nam Trung Bắc. Đó là những vũ án oan mà phía tòa án đã kết án người khác, đặc biệt những nguyên tắc được luật định trong các tòa án tố tụng, thì người ta đã không xem trọng mà chỉ xem như khẩu hiệu. Ví dụ như nguyên tác ‘trọng chứng hơn trọng cung’ thì cái đó chỉ giống như một bức tranh cổ động, chứ không phải là một tính chất trong hoạt động tư pháp. Người ta đã ‘trọng cung hơn trọng chứng’, dựa vào lời khai, để từ đó rất nhiều vụ án oan hiện ra".

Ngoài ra theo Luật sư Phạm Công Út, cũng có những vụ án được xem là xử sao cũng được như ‘sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng’... Dẫn đến nhiều người khi tranh chấp, có thể chọn cái chết, do sự phẫn uất của họ. Còn những mảng khác, như giữa người dân đi kiện chính quyền trong những vụ án hành chánh, thì người dân toàn thua. Hầu như sơ thẩm và phúc thẩm đều bảo vệ cho chính quyền, chứ không bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng. Ông nói tiếp :

"Khi một phiên giám đốc thẩm đối với một sinh mạnh con người mà có nhiều nghi vấn được đưa ra xem xét một cách công khai trước báo giới, trước công luận, thì ở đây người ta đã ‘trọng cung hơn trọng chứng’ để rồi phủ nhận hết các chứng cứ ngoại phạm, chứng cứ để minh oan cho một tử tù... Tất nhiên ở đây tôi không nói thay cho dư luận xã hội... mà tôi nói ở đây là các cơ quan trung ương đã vào cuộc, ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đại biểu /2020Quốc hội... là những vị quyền cao chức trọng, dám nói lên sự thật, ngược lại ý của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Họ được cho là đại diện nhân dân... tôi nhìn vào đó và thấy dư luận phản ứng gay gắt. Do đó, nếu nói công tác dân vận thời gian qua trong hoạt động tư pháp, thì tôi thấy nó ngược lại lời ông Nguyễn Hòa Bình kết luận".

Tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 15/6/2020, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Thường vụ Quốc hội cho biết, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu nói rằng, chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.

Còn Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng, cũng cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… đã gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Trở lại với khẳng định của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác dân vận là thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ của ông. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/7/2020, cho biết ý kiến của mình :

"Đó là một kiểu mị dân rất trắng trợn. Bởi vì ông Bình ở Tòa án Nhân dân Tối cao, từ lúc làm tướng phụ trách điều tra của Bộ Công an, rồi đến làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao... rồi đến làm Chán án Tòa án Nhân dân Tối cao, nếu chỉ liên quan vụ Hồ Duy Hải, thì ổng đã chứng tỏ là một người phạm pháp, hoặc bao che cho tội phạm, cố tình làm lệch hồ sơ điều tra. Trong đợt giám đốc thẩm thì những hành động lời nói của ổng chứng tỏ ổng không biết gì về pháp luật, rất tham quyền cố vị".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, nếu nói công tác dân vận của ông Nguyễn Hòa Bình rất thành công... thì không ai có thể nghe những lời bị cho là ‘thối tha’ như vậy, từ miệng một quan chức, không hiểu biết về pháp luật.

Nguồn : RFA, 15/07/2020

Published in Diễn đàn

Án oan khiến dân mất niềm tin dù có cải cách tư pháp !

Diễm Thi, RFA, 15/06/2020

Dân mất niềm tin vào tư pháp Việt Nam !

Sáng 15/6/2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.

giet1

Chiếc cân biểu tượng cho công lý - AFP

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phản biện lại rằng, lĩnh vực tư pháp thời gian qua tuy rằng có một số sai sót nhưng nếu chỉ lấy vài vụ việc để đánh giá ngành tư pháp là không nên.

Trước đó hai ngày, ông Hoàng Đức Thắng, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Để khách quan, RFA tìm hiểu quan điểm của một vị trong ngành tư pháp nhưng không là đại biểu Quốc hội, là ông Trần Đức Long - Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, thì ông từ chối trả lời :

"Vâng, tôi là Trần Đức Long nhưng cô hỏi người khác nhé. Hỏi người khác chứ tôi không trả lời đâu !".

Nhận định về tranh luận của các đại biểu quốc hội sáng 15/6 về nền tư pháp Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Cuông, từng là Đại biểu quốc hội khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA rằng, góc nhìn của mỗi đại biểu quốc hội có khác nhau. Ông nêu ý kiến của mình :

"Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới. Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.

Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định. Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên".

Tháng 6/2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Vì đâu ?

Theo ghi nhận của RFA, rất nhiều người dân từ lâu đã không tin vào nền tư pháp Việt Nam do vô số những vụ án oan sai ngất trời. Sau vụ án Hồ Duy Hải, một vụ án được cho là thu hút sự chú ý của công luận trong và ngoài nước cao kỷ lục, người dân một lần nữa mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Tháng 11/2013, sau 10 năm ngồi tù oan, ông Chấn được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tạm tha về nhà và hai hôm sau, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người.

Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan. Ông Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là "Người tù xuyên thế kỷ". Gần 17 năm ngồi tù oan, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết người.

giet2

Tân chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Photo : Tuoitre.vn

Luật sư Phạm Công Út cho rằng, so với hàng chục năm trước thì tư pháp Việt Nam rõ ràng có sự thay đổi, có sự tiến bộ rõ rệt để hội nhập với nền tư pháp của thế giới mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng từ luật tới thực tế còn quá xa vời. Ông nói :

"Trong thời gian nhiều năm hoạt động trong lãnh vực tư pháp thì tôi thấy các đạo luật, bộ luật bao hàm về kinh doanh, thương mại, về dân sự, hình sự, về tố tụng, về hành chánh có sự hội nhập với quốc tế một cách khá rõ rệt. Tuy nhiên, do vẫn còn mang những nét đặc thù riêng của Việt Nam, một đảng lãnh đạo, nên nó vẫn còn những điểm khác biệt với thế giới.

Để hội nhập thì Việt Nam phải sửa luật, và rõ ràng Việt Nam đã và đang sửa luật về mặt câu chữ, về mặt luật pháp, nhưng về mặt thừa hành thì không giống như quy định của pháp luật".

Luật sư Phạm Công Út nêu ví dụ cụ thể là vụ Đồng Tâm : Theo luật quy định, những tôi danh có khung hình phạt từ 15 năm trở lên thì bắt buộc phải có luật sư ngay từ đầu. Hiện có tổng cộng 25 người bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội danh "Giết người" theo khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự, mức án có thể lên đến tử hình nhưng không ai được có luật sư trong suốt thời gian điều tra.

Song song với chiến lược cải cách tư pháp thì vai trò của luật sư cũng có thay đổi. Theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1/1/2018, Điều 74 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Tuy luật là vậy nhưng hầu như thực tế là khác. Trong một lần trao đổi với RFA về vai trò luật sư trong các vụ án ở Việt Nam, Luật sư Minh Thọ cho biết, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân "khi đi trai tráng, khi về bằng cáng", thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân tự tử ở trụ sở công an vẫn diễn ra.

Là một nhà báo độc lập, ông Nguyễn Ngọc Già nhận định về nền tư pháp Việt Nam hiện nay :

"Thứ nhất, nền tư pháp hiện nay là một bề tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do Việt Nam khộng có tam quyền phân lập. Do đó nó dẫn tới tình trạng là hầu hết tất cả các thẩm phán đều xuất thân là giới công an. Vì vậy nó gây mất niềm tin trong lòng dân từ rất lâu rồi nhưng trước đây chưa có mạng xã hội nên người dân không thấy.

Thứ hai, khi có đại biểu quốc hội nói rằng không thể lấy vài vụ án như Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước để đánh giá nền tư pháp Việt Nam thì tôi không đồng ý, bởi vì chuyện Hồ Duy Hải xảy ra hơn 12 năm và đã tới mức giám đốc thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Bình đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là tính đại diện cao nhất, và điều đó phủ định sự ngụy biện rằng không thể lấy vụ Hồ Duy Hải hay Lương Hữu Phươc để đánh giá thấp nền tư pháp Việt Nam. Đó là điều ngụy biện hoàn toàn".

Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an ; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa ; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 15/06/2020

********************

Giết Hồ Duy Hải tức là phản bội Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/06/2020

Ngày 13/5/2020, sau khi tuyên tử hình Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm [1] Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Trí Tuệ cho biết (trích) : "liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương. Bôi nhọ, quy kết cả nền tư pháp...

giet3

Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con (hình trái), và tử tù Hồ Duy Hải trên báo - Photo : RFA

"Nguy hiểm hơn, có một vài đại biểu Quốc hội, chính thức là có 3 đại biểu Quốc hội phát biểu không đúng với nội dung của vụ án, đưa ra nhận xét chủ quan, dựa vào thông tin trên mạng xã hội, vấn đề này làm phức tạp thêm tình hình"... (hết trích).

Ba vị đại biểu Quốc hội gồm : Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa.

Theo Luật Tổ Chức Quốc hội, tại khoản 1 điều 1 cho biết : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tại khoản 1 điều 26 : "Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước".

Trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao quy định tại khoản 7 điều 27 về việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, phát ngôn của Nguyễn Trí Tuệ là sự báng bổ vào cơ quan cao nhất của dân cũng như đe dọa sinh mạng và hạ nhục tư cách đại biểu Quốc hội của các ông : Nhưỡng, Vân, Nghĩa.

Sau những phát ngôn của ông Tuệ, ba vị đại biểu của dân nói trên cũng trình bày thêm trên mạng xã hội.

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 15/6/2020 đưa tin kỳ họp Quốc hội diễn ra với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng [2] : "... vụ Hồ Duy Hải. Những sai lầm của tư pháp, đừng đổ cho đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) làm rối, Đại biểu quốc hội không làm những thứ này...".

Cùng ngày, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội vụ án Hồ Duy Hải. Theo báo Tuổi Trẻ cho hay [3] tất cả những tình tiết giết người, vật gây án v.v... đều là những tình tiết cũ dư luận đã biết rõ chúng đầy mờ ám - thông qua những phản biện của giới luật sư - đủ để kết luận Hồ Duy Hải hoàn toàn không có mặt tại hiện trường vụ án.

Ông Nguyễn Hòa Bình đưa ra hoàn toàn là những tình tiết cũ vào thời điểm hiện tại (tức là ngày 15/6/2020), điều này có nghĩa ông ta đã vi phạm vào Bộ luật Tố tụng hình sự tại điều 8 "Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân" đã quy định : "thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết".

Chính vì không "thường xuyên kiểm tra" (tức là phải luôn luôn cập nhật tình hình và tình tiết của vụ án), nên ông Nguyễn Hòa Bình cùng 16 ông (bà) thẩm phán chỉ căn cứ vào những tình tiết cũ đã bị bóp méo, phi lý, phi pháp và đầy ngờ vực có căn cứ, từ đông đảo dân trong nghề cho đến thường dân.

Việc ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu trước Quốc hội chẳng qua chỉ là tường thuật những bằng chứng giả trá. Điều đó cho thấy Nguyễn Hòa Bình coi thường ngay chính những người đã bổ nhiệm ông ta trong vai trò Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bằng chứng mới từ Luật sư Trần Hồng Phong

Bảy tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án mà chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đó là [4] :

1. Dấu hiệu hung thủ thuận tay trái. Trong khi đó tại các bản giám định pháp y, nạn nhân Hồng có vết thương ở cổ theo hướng từ TRÁI QUA PHẢI. Trong khi đó nạn nhân Vân có vết thương cũng trên cổ nhưng theo hướng ngược lại.

Thực nghiệm điều tra thì Hải cầm dao gây án bằng TAY PHẢI.

2. Nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải như kết luận điều tra của công an và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Cơ quan điều tra đã bỏ qua chi tiết nạn nhân Vân vẫn còn ở tiệm bán trái cây lúc 21g 01 phút.

4. Một thanh niên khác ở bưu điện Cầu Voi và 04 bút lục quan trọng bị rút khỏi vụ án. Đó là biên bản lấy lời khai của anh Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí. Các bút lục này được đánh số 139, 140, 141, 142.

5. Dấu hiệu đèn sáng, cửa mở ở lầu 1, điện cúp, cổng khép và Nguyễn Văn Nghị là ai.

6. Hồ Duy Hải liên tục kêu oan nhưng chưa bao giờ được xem xét.

7. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Lê Quang Hùng có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường không thể đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Bảy tình tiết mới này cũng được làm đơn cung cấp tình tiết mới và đề nghị kháng nghị tái thẩm gởi tới Tòa, Viện Kiểm sát, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ tịch nước.

Lỗ hổng pháp lý

Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại khoản 1 :

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, chiếu theo khoản 1 điều 400 thượng dẫn, trường hợp Hồ Duy Hải không thể được tiến hành Tái thẩm bởi vì [5] Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 05/2020/HS-GĐT ngày 08 tháng 5 năm 2020 và quyết định này đã nói rõ "Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC- V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tức là Hồ Duy Hải phải chết !

Như vậy, gia đình Hồ Duy Hải cũng như dư luận chỉ còn trông vào điều 404 tại khoản 2 và khoản 3, đã quy định vai trò của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp . Tiếc rằng, hai nơi đó chỉ có quyền yêu cầu xem xét lại một vụ án đã giám đốc thẩm, còn chuyện xem xét lại như thế nào vẫn do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Vô hình chung, quyền sinh sát vẫn ở trong tay Chánh án Trương Hòa Bình (!).

Giết chết Hồ Duy Hải tức là phản bội Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam

Với những phát ngôn mới nhất, ông Nguyễn Hòa Bình đã bất chấp sự thật, bất chấp pháp luật để bảo vệ một quyết định thật nhẫn tâm !

Hiến pháp 2013 đã quy định rõ tại lời nói đầu : "Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong khi đó, Cương Lĩnh [6] của Đảng cộng sản Việt Nam đã nói rõ :

(trích)

Thứ nhất, "Đảng lãnh đạo" là chỉ sự tác động, ảnh hưởng của Đảng bằng việc xác định đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân...

Thứ hai, "Đảng lãnh đạo" không phải dựa vào quyền lực (hiểu theo nghĩa cưỡng bức, ép buộc) tác động đến đối tượng lãnh đạo là quần chúng nhân dân ; mà vận động quần chúng nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là sự vận động mang tính thuyết phục để nhân dân đi theo, ủng hộ...

Thứ ba, "Đảng lãnh đạo" được hiểu như sự suy tôn của quần chúng nhân dân, thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo của mình.

Thứ tư, Đảng phải có năng lực thực tiễn tập hợp, tổ chức quần chúng bằng những hình thức thích hợp để tạo nên sức mạnh thực hiện đường lối của Đảng...

(hết trích)

Như vậy, Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ nhằm phục vụ nhân dân, thuyết phục nhân dân, tập hợp nhân dân để nhân dân thừa nhận Đảng cộng sản Việt Nam và đi theo Đảng cộng sản Việt Nam.

Vụ án Hồ Duy Hải bị oan khuất hơn 12 năm qua, được đông đảo nhân dân quan tâm, điều này có nghĩa Bộ Chính Trị cần phải ban hành nghị quyết hoặc chỉ thị về vụ án Hồ Duy Hải, buộc đảng viên Nguyễn Hòa Bình tuân thủ và thi hành theo đúng điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam tại khoản 1 điều 2 :

Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

Chỉ có Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mới có đủ căn cứ pháp lý (theo Cương lĩnh & Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam cũng như Hiến Pháp đã quy định) và đủ quyền lực (thuộc về nhân dân) mới có thể cứu Hồ Duy Hải.

Nếu Hồ Duy Hải phải chết, đó không thể gọi là tử hình mà phải gọi là giết người, bởi lẽ, cái chết của người thanh niên vô tội chịu oan ức suốt hơn 12 năm trời là hành vi phản bội lại Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình cầm đầu.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 15/06/2020

[1] https://www.baogiaothong.vn/ba-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-phat-ngon-...

[2] https://plo.vn/thoi-su/tranh-luan-ve-niem-tin-vao-tu-phap-qua-vu-ho-duy-...

[3] https://tuoitre.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-noi-gi-ve-vu-ho-duy-hai-truo...

[4] https://baotiengdan.com/2020/06/12/cung-cap-tinh-tiet-moi-va-de-nghi-kha...

[5] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu-cua-hoi-dong-tham-phan/toa-an-nha...

[6] http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua...

******************

Vụ Hồ Duy Hải : Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích trước Quốc hội

BBC, 15/06/2020

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình "đã phải lên tiếng" sáng 15/06, tại Quốc hội Việt Nam về vụ Hồ Duy Hải.

giet4

Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm họp Quốc hội hôm 20/5

Trong video được các báo Việt Nam đăng tải, ông Bình đã nhắc lại khá kỹ các chi tiết của vụ án mạng từ năm 2008 mà không cần nhìn giấy.

Chỉ sau một số đoạn nói ông nhìn xuống một mảnh giấy cầm tay chắc để xác định các điểm đã chuẩn bị.

Toàn bộ nội dung được trình bày theo cách giải thích của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, là nhằm đáp ứng "sự quan tâm của các đại biểu" và của dư luận nói chung.

Tờ Thanh Niên hôm 15/06 cho hay phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình diễn ra "sau rất nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài ngành tòa án về vụ án Hồ Duy Hải suốt hai ngày thảo luận".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói ông muốn trả lời câu hỏi là bị cáo Hồ Duy Hải "có phạm tội hay không", và vụ án "có oan sai hay không".

Điều tra 'sơ suất' nhưng 'Tòa còn rất nhiều chứng cứ khác' ?

Về bị cáo Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hòa Bình nêu ra các điều đã ghi trong hồ sơ, phần nhiều căn cứ vào chính "lời khai của Hồ Duy Hải".

giet5

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa - Ảnh minh họa

Phần giải thích thêm về hung khí, việc "mua dao, mua thớt ở chợ để làm chứng cứ", ông Nguyễn Hòa Bình giải thích :

"Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Chỉ khi bắt được Hải, Hải khai ra việc dùng thớt đập vào đầu nạn nhân, thì người ta mới biết. Khi đó, thớt đã bị dọn đi.

Về con dao, Hải khai ở bên tường bưu điện có cái bảng và dắt dao vào bảng đó. Không ai tìm thấy dao cả, chỉ có Hải mới biết vị trí cái dao. Sau khi khám nghiệm hiện trường, có ba anh dân phòng vào dọn phòng đó, phun nước, dỡ bảng ra thì có dao rơi xuống, nhưng người ta sơ suất vứt dao đi. Cơ quan điều tra đi tìm dao đó không được, nên cho ba anh dân phòng mô tả, đi mua dao về".

Theo ông, dư luận nói rằng mua dao ngoài chợ về để thay hung khí, nhưng trong hồ sơ vụ án, không có cái dao nào mua để thay hung khí cả.

"Mua dao, thớt, vật tương tự về để Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng là được sử dụng làm hung khí hay không. Khi để một loạt dao, Hải nhận diện đúng con dao dùng để gây án, dù khi khai thì lời khai không thống nhất".

Có vẻ như ông Nguyễn Hòa Bình nhắc lại rất nhiều những điều dư luận đã biết và đặt câu hỏi, nhất là về cách xử án và kết tội "trọng cung hơn trọng chứng" ở Việt Nam.

Tuy thế, ông hứa rằng cơ quan chức năng "biết còn rất nhiều chứng cứ khác mà nếu đại biểu quan tâm, Tòa án Tối cao sẵn sàng phục vụ trao đổi, thông tin".

Dư luận thấy 'chưa thuyết phục'

Một phần dư luận Việt Nam kiến nghị để Quốc hội giám sát vụ xử giám đốc thẩm mà ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa tháng 5 vừa qua về vụ án Hồ Duy Hải.

Ngay hôm kết thúc phiên xử giám đốc thẩm, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu chiều 8/5 nói Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam "chưa thuyết phục" được dư luận về phán quyết vụ án Hồ Duy Hải.

giet6

Kiến nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải - Ảnh minh họa

Ông Lê Thanh Vân đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Viết trên Facebook cá nhân, ông cho rằng :

"Phán quyết chiều nay của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này".

Một nhóm trí thức sau đó đã đăng kiến nghị trên mạng và gửi cho các cơ quan quốc tế yêu cầu Quốc hội Việt Nam lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm về mặt thủ tục tố tụng.

Họ cho BBC biết họ muốn nhìn vào "sai sót" trong thủ tục tố tụng hình sự chứ không đi vào chi tiết tranh cãi Hồ Duy Hải có phạm tội hay không.

Cho đến ngày 15/06/2020, trang "KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI - PETITION TO DEMAND JUSTICE FOR HO DUY HAI " có 7.639 người ký tên, từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Bản thân ông Nguyễn Hòa Bình từng là thiếu tướng công an tại Long An khi xảy ra vụ án và sau làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ủy viên Trung ương cộng sản Việt Nam, lực lượng lãnh đạo toàn bộ xã hội.

Chỉ riêng chuyện này đã khiến có luồng dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan khi mà một nhân vật đóng nhiều vai, và các chức vụ cao cấp trong bộ máy tư pháp ở Việt Nam do một đảng chính trị chỉ đạo, bổ nhiệm.

Điều chưa được rõ từ bản tin của các báo Việt Nam hôm 15/06 là hai ngày thảo luận trong Quốc hội có phải là thủ tục giám sát của một ủy ban, hay chỉ đơn thuần là "chất vấn" của đại biểu.

********************

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định Hồ Duy Hải phạm tội giết người

RFA, 15/06/2020

Trước thắc mắc của nhiều đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hôm 15/6 đã khẳng định trước Quốc hội tử tù Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp của trong vụ án xay ra ở Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.

giet7

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời trước Quốc hội hôm 15/6/2020 An Ninh Thủ Đô

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm và đã qua xét xử sở thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Tất cả các cấp xét xử đều kết án Hồ Duy Hải phạm tội dù Hồ Duy Hải và gia đình đã nhiều năm ròng kêu oan lên các cấp bao gồm Quốc hội và Chủ tịch nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là Chánh án trong phiên giám đốc thẩm diễn ra vào hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Giải thích trước Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình nói Hồ Duy Hải đã có 25 lời khai nhận tội. Ông cho biết ngay từ bản lời khai đầu tiên, Hải đã tự viết ra khá chi tiết nội dung vụ án chứ không qua hỏi cung.

Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Trong đơn gửi Chủ tịch nước sau phiên sở thẩm, Hải không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết việc cơ quan điều tra mua thớt và dao để Hải và những người liên quan nhận diện có đúng với hiện trường hay không chứ không phải là hung khí giả như nhiều người nhận định vì cơ quan điều tra không tìm thấy hung khí thật tại hiện trường.

Kết luận của phiên giám đốc thẩm xác định dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng xét xử cho rằng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai.

Ngay sau phiên giám đốc thẩm, dư luận và một số đại biểu quốc hội đã lên tiếng phản đối kết luận của phiên xử và đề nghị xem xét lại vụ án.

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã gửi đơn kêu oan lên Quốc hội và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguồn : RFA, 15/06/2020

Published in Diễn đàn

Những dự án nghìn tỷ của Nguyễn Tuấn Anh

Thu Thủy, Thoibao.de, 12/05/2020

Những dự án nghìn tỷ của Nguyễn Tuấn Anh, con ruột ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại quê nhà Quảng Ngãi

Sau khi tìm hiểu về những tài sản và lợi ích nghìn tỷ của ông Chánh án tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm, người đã quyết bác bỏ mọi căn cứ kháng nghị để quyết y án tử hình Hồ Duy Hải. Chúng tôi tiếp tục phanh phui một phần nhỏ những căn cứ về thế và lực của một gương mặt sáng giá trong cuộc vào Bộ chính trị ở kỳ Đại hội 13 này để quý độc giả tham khảo. Có lẽ một mạng người Hồ Duy Hải vẫn là quá nhỏ bé trong những lợi ích chằng chịt mà ông Nguyễn Hòa Bình nắm giữ trong con đường quan lộ của ông.

quabao1

Ông Nguyễn Hòa Bình đã nắm cả ba (03) chức vụ điều tra truy tố và nay là xét xử trong suốt quá trình 13 năm giải quyết án oan Hồ Duy Hải. Khi vụ án đang điều tra thì ông là Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, ông làm ngơ việc cấp dưới đem dao thớt ở chợ về làm vật chứng. Khi làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ông bác bỏ kháng nghị vụ án. Nay làm Chánh án Chủ tọa của phiên tòa Giám đốc thẩm, ông tiếp tục bỏ qua mọi thứ căn cứ lủng củng thiếu thuyết phục để buộc Hồ Duy Hải phải chết

Đầu tiên phải nhắc độc giả về nội dung "chưa đến trăm tỷ" trong bài trước chỉ là số vốn đăng ký ban đầu để làm mồi. Bắt đầu từ đó, tiền nghìn tỷ mới ào ào đổ về túi của gia đình ông Nguyễn Hòa Bình mới là tiền thật. Trong số các dự án lớn của Nguyễn Tuấn Anh tại quê nhà Quảng Ngãi phải kể đến 2 dự án lớn có tổng vốn đầu tư từ vài trăm tỷ lên tới cả nghìn tỷ đồng với sự góp "vốn chính trị" là chủ yếu từ bố Nguyễn Hòa Bình hồi làm Phó Bí thư, đến khi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và giờ là Bí thư TW Đảng, Chánh Án Tòa án nhân dân tối cao. Đó là các dự án "Khu Liên hợp Bến xe Quảng Ngãi" và "Khu đô thị An Phú Sinh", hãy xem quá trình đầu tư và triển khai các dự án này.

1. Dự án "Khu liên hợp Bến xe Quảng Ngãi"

quabao2

Ảnh 2 : Dự án "Khu Liên hợp Bến xe Quảng Ngãi" có trị giá trị đầu tư tới 458 tỷ đồng (gần nửa nghìn tỷ đồng) được UBND Tỉnh Quảng Ngãi cấp cho một công ty "liên danh" có vốn chủ sở hữu chỉ có 6 tỉ đồng của gia đình ông Nguyễn Hòa Bình (trang 1 & 2 của Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp ngày 12-4-2010 – cho liên danh ba công ty nhưng đều do Nguyễn Tuấn Anh và gia đình ông Nguyễn Hòa Bình điều hành)

quabao3

Ảnh 3 : Giấy chứng nhận đầu tư trang 3 & 4

quabao4

Ảnh 4 : Giấy chứng nhận đầu tư trang 4 & 5

Tháng 04/2010, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Ấn (tên viết tắt là TAI) của Nguyễn Tuấn Anh mượn danh nghĩa 2 công ty khác là Công ty TNHH Bất động sản Tầm Nhìn Mới và Công ty TNHH Tre Việt để hợp thức hóa "liên danh đầu tư". Từ đó Nguyễn Tuấn Anh vẽ ra Công ty Cổ phần Thiên Ấn Holding (viết tắt là TAH) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng và được UBND Tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư số 341032000072 ngày 12/4/2010 để TAH thực hiện dự án xây dựng "Khu Liên hợp Bến xe Quảng Ngãi" tại phường Nghĩa Chánh, trung tâm thành phố Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 458 tỷ đồng trên tổng diện tích 89.728 m2 (gồm 79.128 m2 và 10.600 m2 trên nền của bến xe Quảng Ngãi). Điều "hỗn hào" với luật pháp nhà nước là dự án rất lớn lên tới gần nửa nghìn tỷ đồng (458 tỷ) tại trung tâm thành phố mà UBND Tỉnh Quảng Ngãi lại sẵn sàng cấp phép đầu tư cho "liên danh" với vốn chủ sở hữu chỉ có 6 tỷ đồng của gia đình ông Nguyễn Hòa Bình ( ? !), phần còn lại sẽ có từ vốn vay, vốn huy động đầu tư "thứ cấp" 389,75 tỷ và phát hành trái phiếu 62,25 tỷ.

quabao5

Ảnh 5 : Con trai lớn ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình – Nguyễn Tuấn Anh và bạn gái

Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1983) là con trai lớn của ông Nguyễn Hòa Bình, năm 2001 tốt nghiệp PTTH, Nguyễn Tuấn Anh học tiếp 1 năm ngành CNTT tại Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2002) sau đó được bố thu xếp cho 1 suất du học tại Anh Quốc. Năm 2006 tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Chính trị Luân Đôn, Anh Quốc, Nguyễn Tuấn Anh tiếp tục được đài thọ suất học thạc sĩ tại Đại học Nottingham rồi về nước lập gia đình cùng Hoàng Minh Thủy và bắt đầu cùng bố Nguyễn Hòa Bình xây dựng sự nghiệp kinh tế ở quê nhà Quảng Ngãi.

Năm 2018, Tuấn Anh lấy bằng tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng sau khi bảo vệ luận án ở Đại học kinh tế Hà nội.

quabao6

Ảnh 6 : Nguyễn Tuấn Anh trong thời gian du học tại Anh Quốc

Điểm rơi thuận lợi của Nguyễn Tuấn Anh là cùng thời gian bắt đầu khởi nghiệp, bố Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (tháng 5/2008), cũng như Vũ Chí Hùng con rể phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ với hai bàn tay trắng và "vốn" chính trị của bố Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Tuấn Anh lập tức mở hàng loạt các công ty đầu tư tại tỉnh nhà Quảng Ngãi, thế là "tự nhiên" hàng loạt các dự án lớn rơi vào tay gia đình ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình.Điểm lợi hại của cha con ông Nguyễn Hòa Bình là không trực tiếp đứng tên doanh nghiệp nào, mà tất cả được quản lý bởi những người thân tín bên gia đình sui gia – ông họa sĩ Hoàng Đăng Định (bố ruột Hoàng Minh Thủy – vợ Nguyễn Tuấn Anh).

quabao7

Ảnh 7 : Giấy đăng ký kết hôn của Nguyễn Tuấn Anh, con trai Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình và Hoàng Minh Thủy, con gái họa sĩ Hoàng Đăng Định

quabao8

Ảnh 8 : Họa sĩ Hoàng Đăng Định, sinh năm 1953 tại Đồ Sơn, Hải Phòng vốn là một họa sĩ tương đối nổi tiếng với nghệ danh Hoàng Định, suốt ngày chỉ viết vẽ nhưng bị Nguyễn Tuấn Anh cho đứng tên thay nhiều doanh nghiệp, sau bài mở đầu về ông sui gia Nguyễn Hòa Bình

2. Dự án "Khu đô thị An Phú Sinh"

Năm 2015, cả hai dự án Khu liên hợp bến xe Quảng Ngãi và Khu đô thị An Phú Sinh được tỉnh Quảng Ngãi đều bị Thanh tra Chính phủ vạch ra sai phạm vì giao đất không đúng quy hoạch. Nhưng công cuộc chống tham nhũng có lẽ chỉ làm cho có với vài bài báo kẻ tẻ rồi im luôn, bởi thế và lực của ông Nguyễn Hòa Bình vẫn đang lên như diều gặp gió.

quabao9

Ảnh 9 : Khu đô thị An Phú Sinh với diện tích đất hơn 50 Ha, vốn đầu tư hiện nay khoảng 1.700 tỷ

Về danh nghĩa, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bất động sản Thiên Bút có chủ sở hữu là Công ty cổ phần Đầu tư TAG, nhưng trụ sở đặt tại 97 khu dân cư Bà Triệu, Thành phố Quảng Ngãi. Cả hai công ty này đều có địa chỉ trụ sở trùng với địa chỉ của Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Ấn. Nhưng đó cũng chưa phải là điều kỳ lạ nhất.

"Điều kỳ lạ nhất, là Công ty cổ phần Đầu tư TAG – "mẹ" của Công ty Thiên Bút – cũng chỉ mới thành lập trước đó có… 4 ngày. Đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư TAG ghi ngày thành lập là 25/4/2011, trong khi Công ty Thiên Bút thành lập ngày 29/4/2011.

Chưa hết, Công ty cổ phần Đầu tư TAG có vốn điều lệ rất khiêm tốn, chỉ 7,2 tỷ đồng. Trong đó, công ty CP Đầu tư Thiên Ân góp 3 tỷ 528 triệu đồng, và cá nhân Hoàng Minh Thủy – người năm vị trí Tổng giám đốc – góp 2%.

Cần lưu ý, Tổng giám đốc Hoàng Minh Thủy có hộ khẩu thường trú tại 352 tổ 47 Láng Thượng (Thành phố Hà Nội), và là con của ông Hoàng Đăng Định, bà Nguyễn Thị Hằng – những chủ nhân của Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Ấn với dự án Khu liên hợp bến xe Quảng Ngãi. 

Như vậy, bằng cách tổ chức hệ thống doanh nghiệp tới cấp "bà và cháu", gia đình ông Hoàng Đăng Định, bà Nguyễn Thị Hằng đã thần tốc được giao 2 dự án nhất nhì thành phố Quảng Ngãi, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Phần vốn góp lớn nhất trong hệ thống doanh nghiệp của gia đình này, là một pháp nhân đến từ Singapore – một thiên đường thuế. Đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

quabao10

Ảnh 10 : Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty TNHH Một thành viên bất động sản Thiên Bút, của gia đình ông Chánh Án Nguyễn Hòa Bình, được cậu con trai Nguyễn Tuấn Anh thành lập ngày 29/4/2011 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng

Sau khi được vị trí Bí thư tỉnh ủy, một mặt ông Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo UBND Tỉnh Quảng Ngãi "tung" ra nhiều dự án bất động sản mời gọi đầu tư, mặt khác thì chỉ đạo con trai Nguyễn Tuấn Anh chuẩn bị "hứng" các dự án này. Cụ thể, ngày 29/3/2011, ông Nguyễn Hòa Bình đã ban hành thông báo số 108-TB/TU về việc triển khai dự án trên lô đất rộng 42,64ha thuộc phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Dõng – trung tâm thành phố Quảng Ngãi. Đúng 1 tháng sau, ngày 29/4/2011, con trai Nguyễn Tuấn Anh mở công ty Thiên Bút, và chỉ hơn 1 tháng sau nữa, ngày 09/6/2011 Thiên Bút đã được UBND Tỉnh Quảng Ngãi vội vàng cấp giấy CNĐT số 34121000097 để thực hiện dự án phát triển "Khu đô thị An Phú Sinh" tại lô đất trên với tổng vốn lên tới 972 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Thiên Bút cũng chỉ có 6 tỷ đồng, phần còn lại là vốn huy động ( ? !)

quabao11

Ảnh 11 : Giấy Chứng nhận đầu tư Dự án "Khu đô thị An Phú Sinh" có trị giá trị đầu tư tới 972 tỷ đồng (gần nghìn tỷ đồng) tiếp tục được UBND Tỉnh Quảng Ngãi cấp cho công ty Thiên Bút với vốn chủ sở hữu chỉ có 6 tỉ đồng của gia đình Bí thư Nguyễn Hòa Bình (trang 1 & 2)

Hiện nay, dân oan kéo về TW khiếu kiện vì mất đất, mất ruộng, một số báo chí lên tiếng nhưng rồi cũng dần bị lãng quên. Trong khi chính quyền tỉnh đe dọa sẽ thu hồi 23 dự án chậm tiến độ nhưng kỳ lạ là lại ưu ái kêu gọi đầu tư cho 2 dự án chậm tới 3-4 năm của gia đình nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình ?

Một sự thật khôi hài, vì tham lam muốn làm cả hai dự án quá lớn so với năng lực thực sự nên gia đình ông Nguyễn Hòa Bình đã bị "mắc nghẹn", nhưng vì "vốn chính trị" quá lớn nên được Quảng Ngãi đặc cách, song song với việc chủ động kêu gọi đầu tư cho gia đình ông Nguyễn Hòa Bình, thì chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xé lẻ cấp sổ đỏ cho từng khu đất thuộc 2 dự án trên để biến thành tài sản riêng của gia đình. Gần đây nhất, ngày 27/12/2014, UBND Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định số 6058/UBND-CNXD :

Từ các dự án đầu tư gần như không vốn, các lô đất tại trung tâm Tp. Quảng Ngãi được chính quyền xé lẻ, lần lượt cấp cho gia đình ông Nguyễn Hòa Bình một cách rất hợp pháp bằng quyết định số 6058/UBND-CNXD.

quabao12

Ảnh 12 : Trang cuối của Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định số 6058/UBND-CNXD ngày 27/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp cho công ty Thiên Bút, chấp thuận cấp sổ đỏ đất thổ cư cho 132 lô đất.

Như vậy, theo quyết định này :

– Nộp ngân sách 1,18 tỷ đồng, Thiên Ấn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho 3.346m2 thuộc dự án "Khu liên hợp Bến xe Quảng Ngãi".

– Nộp ngân sách 11,12 tỷ đồng, Thiên Bút cũng được cấp sổ đỏ cho phần đất rộng 22.416m2 thuộc dự án "Khu đô thị An Phú Sinh".

Cả 02 lô đất trên đã được Nguyễn Tuấn Anh phân lô, bán nền, cụ thể :

– Khu đất thuộc dự án "Khu liên hợp Bến xe Quảng Ngãi" : Nguyễn Tuấn Anh đã phân thành 173 lô, gồm các khu : N1.1 (26 lô), trị giá 19 tỷ ; N1.2 (70 lô), trị giá 51,4 tỷ ; N1.3 (35 lô), trị giá 36,9 tỷ ; N1.4 (32 lô), trị giá 29,6 tỷ và N1.5 (10 lô) trị giá 5,6 tỷ. Tổng giá trị các lô đang rao bán là : 142,6 tỷ đồng. Như vậy, riêng dự án này, gia đình ông Nguyễn Hòa Bình đang và sẽ thu về được ít nhất 141,82 tỷ đồng.

– Khu đất thuộc dự án "Khu Đô thị An Phú Sinh" : Nguyễn Tuấn Anh đã phân thành 254 lô, gồm các khu : N1.1 (33 lô), trị giá 34,7 tỷ ; N1.2 (40 lô), trị giá 52 tỷ ; N1.3 (16 lô), trị giá 8,9 tỷ ; N1.4 (8 lô), trị giá 5,4 tỷ ; N1.5 (5 lô), trị giá 3 tỷ ; N1.13 (36 lô), trị giá 21,2 tỷ ; N1.15 (34 lô), trị giá 22,7 tỷ ; N2.13 (4 lô), trị giá 6 tỷ ; N3.33 (12 lô), trị giá 8,3 tỷ ; N3.34 (5 lô), trị giá 5 tỷ ; N3.35 (12 lô), trị giá 8,7 tỷ ; N3.36 (5 lô), trị giá 5 tỷ ; N3.37 (12 lô), trị giá 3,7 tỷ ; N3.39 (16 lô), trị giá 11,4 tỷ và N3.40 (16 lô), trị giá 11,4 tỷ. Tổng giá trị các lô đang rao bán là : 207,39 tỷ đồng. Riêng dự án này, gia đình ông Nguyễn hòa Bình đang và sẽ thu về được ít nhất 196,27 tỷ đồng.

Như vậy, với riêng quyết định này của UBND Tỉnh Quảng Ngãi, gia đình ông nguyên Bí thư Nguyễn Hòa Bình xem như đã cướp không đất của tỉnh nhà (nói cho đúng là cướp không đất của người nghèo) để phân lô, rao bán ra ngoài với danh nghĩa các công ty đầu tư Thiên Ấn, Thiên Bút thu lợi bất chính tới 337.69 tỷ đồng. Cứ theo đà xé lẻ cấp sổ đỏ "hợp pháp" như thế thì sau khi "làm thịt" xong 2 dự án trên, gia đình ông Chánh Án Nguyễn Hòa Bình vơ vét được từ vùng đất quê nhà vốn được xem là tỉnh nghèo này lên tới con số nghìn tỷ âu cũng là chuyện đương nhiên.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 12/05/2020

*********************

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và cuộc đua giành "ghế" Phó Thủ tướng ?

Thu Thủy, Thoibao.de, 11/05/2020 

Bình luận về phán quyết ý án tử hình Hồ Duy Hải đang gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, nhà văn Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư, đưa ra nhận định khá sốc rằng dường như ông Chánh án Tòa tối cáo Nguyễn Hòa Bình đang dùng một mạng người như là một đòn phép trong cuộc đua vào Bộ Chính trị, để vượt lên trên một nhân vật sáng giá khác là ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ông Lê Minh Trí là người đã ký Quyết định kháng nghị giám đốc ngày 22/11/2019, tạo ra cơ hội cho Hồ Duy Hải, nhưng nay chính ông Nguyễn Hòa Bình lại là người bóp nghẹt hy vọng này.

quabao13

Ảnh : Nhà Văn Lưu Trọng Văn

Nhà Văn Lưu Trọng Văn viết trên trang Facebook cá nhân có 74 ngàn người theo dõi như sau : "Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đang vào cuộc đua quyết liệt. Các đối thủ đã tung đòn ?

Nhưng cái ghế uỷ viên Bộ Chính trị phó thủ tướng phụ trách nội chính thì chỉ có một".

Theo thông tấn vỉa hè của Dân chém gió thì có khả năng vào cái ghế quyền lực kia có vài ứng viên mà trong số ứng viên sáng giá có thể có :

Một là – Ngài chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1958 tại Quảng Ngãi, miền Trung.

Hai là – Ngài Lê Minh Trí viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TC sinh năm 1960 tại Sài Gòn, miền Nam

Nếu vị này được chọn thì nhiều khả năng vị kia phải về vườn.

Phiên tòa Hồ Duy Hải đầy tai tiếng đối với Nguyễn Hòa Bình khi năm 2008 xảy ra vụ án thì ngài là phó thủ trưởng cơ quan điều tra của bộ CA và năm 2011 ngài trên cương vị viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TC đã kiến nghị lên chủ tịch nước y án tử hình Hồ Duy Hải.

Nếu giám đốc thẩm này cho rằng vụ án Hồ Duy Hải phải điều tra lại theo yêu cầu của chính đối thủ Lê Minh Trí thì sự nghiệp của ngài coi như kết thúc, còn uy tín của đối thủ sẽ vù vù… sáng.

Phải chăng đó chính là nguyên nhân ngài quyết định trực tiếp làm chủ toạ phiên tòa để bảo đảm chiến thắng tuyệt đối : y án tử hình chàng trai Long An, bất chấp tiếng khóc gào của người mẹ để chứng minh mình đúng chứ không hề do cái gọi là "lương tâm thức tỉnh" mà gã và không ít người le lói hy vọng.

Và phải chăng đó cũng là lý do vì sao ngài cùng 16 thẩm phán thuộc phe ngài đã biểu quyết tán thành tuyệt đối khi khẳng định kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mà ngài Lê Minh Trí là viện trưởng xét xử lại vụ án Hồ Duy Hải là trái pháp luật – một việc chưa từng có ở các phiên tòa Việt Nam.

quabao14

Ảnh : 17/17 vị thẩm phán đã biểu quyết tán thành tuyệt đối tỷ lệ 100% cho việc y án tử hình Hồ Duy Hải, kể cả ý kiến cho rằng kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là không đúng pháp luật

Chắc giờ này sau phiên tòa… toàn thắng ngài đang hể hả

"Trí kém, Trí làm trái luật, Trí phải mất… trí.

Bình giỏi, Bình tuân thủ luật, Bình phải… bình".

Rốt cuộc ngài vì công lý, vì Dân, vì Luật hay vì cái gì đây ?

Một nhà lý luận có uy tín của đảng vừa gửi cho gã một số bài viết của ông về công tác nhân sự và clip phát biểu của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng về vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo". Nhà văn Lưu Trọng Văn quen các tự xưng mình là "gã". Ông viết tiếp :

"Gã trả lời :

Vấn đề mấu chốt nhất của nhân sự trong giai đoạn này chính là thượng tôn pháp luật. Vụ án Hồ Duy Hải với xét xử của 17/17 thẩm phán tối cao, trong đó có bí thư TW Nguyễn Hòa Bình là điển hình của một loại lãnh đạo bất chấp pháp luật. Luật mà chính các quan tòa tối cao không biết hoặc bất chấp là điển hình của lỗ hổng các nguyên tắc chọn lựa nhân sự hiện nay.

Rõ ràng bác cả Trọng không thể làm công tác nhân sự tốt cho đại hội đảng 13 nếu chính bác ấy không nhận ra cái thước đo cốt lõi của nhân sự là hiểu biết pháp luật và thượng tôn pháp luật.

Và, bác ấy nếu thật sự vì Dân, vì Nước sẽ cô độc không đủ sức loại ra những kẻ bất chấp pháp luật, đi lên nhờ chạy chức chạy quyền và lợi ích nhóm, hiện đang dày đặc trong guồng máy và không đủ tinh tường tìm ra những người lãnh đạo dám thanh thản thề thượng tôn pháp luật và hành động đúng pháp luật, nếu không lấy công luận và phản biện của Nhân Dân làm đồng minh lúc này.

"Chiều ngày 8/5, kết thúc phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (chủ tọa) cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm phán đã giơ tay biểu quyết, tuyên y án tử tù Hồ Duy Hải – đã khiến nhiều người cho rằng việc phán quyết này là không vô tư, thiếu tính độc lập trong xét xử,…. vì : Năm 2011, chính ông Nguyễn Hòa Bình (thời điểm này đang giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đã ra quyết định không kháng nghị vụ Hồ Duy Hải, sau khi có đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hải".

Các thành viên của Hội đồng thẩm phán đều chịu áp lực vì là cấp dưới của ông Nguyễn Hòa Bình,…

Ngoài ra, 17/17 thành viên của Hội đồng thẩm phán cùng biểu quyết cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là "không đúng pháp luật", cũng khiến nhiều người đặt nghi vấn,…

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến xung quanh về những vấn đề này.

Theo ông Nhưỡng, "khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa".

Trước phiên xử, người dân đã đặt câu hỏi "liệu Chánh án Nguyễn Hòa Bình có vượt qua được chính bản thân mình hay không ?" thì đến bây giờ, với tất cả các tình tiết, diễn biến của phiên xử, cả xã hội đều cho rằng "việc kết luận Hồ Duy Hải có tội là một sự khiên cưỡng".

Cũng theo ông Nhưỡng, quá trình điều tra vụ án đã "không đến nơi đến chốn, có sai sót", nhiều tình tiết vụ án chưa được làm rõ như : vết máu, dấu vân tay, công cụ phạm tội (thớt, dao toàn những thứ mua ở chợ mang về), hay chi tiết Nguyễn Văn Nghị – người tình nghi lớn nhất lại không được đưa vào vụ án.

Về việc, Hội đồng thẩm phán đưa ra biểu quyết khẳng định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là không đúng pháp luật, ông Nhưỡng cho rằng "điều này là không có cơ sở".

"Tôi đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích có điều luật nào cho phép đi biểu quyết một kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là "không đúng pháp luật không" ? Và hình thức xử lý đối với kháng nghị không đúng pháp luật này là gì" – ông Nhưỡng nói và yêu cầu Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội để xem xét.

Về việc 17 thẩm phán cùng biểu quyết y án tử tù Hồ Duy Hải liệu có công bằng, có đại diện cho công lý, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng "Tôi nhìn con số 17/17, tôi không dám võ đoán, nhưng mà nhiều người họ cũng nói với tôi là không phải hoàn toàn 17/17 đều biểu quyết, có những người biểu quyết là do bắt buộc. Có ai lại dám không biểu quyết trước mặt Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Thủ trưởng của mình không ?.

Người dân đang nghi ngờ về tính độc lập của Thẩm phán. Tôi đã phát biểu tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, và tôi cho rằng nếu Thẩm phán Việt Nam không đủ bản lĩnh, không độc lập, thì đó là một điều đáng buồn. Đó không còn là một nền Tư pháp nữa. Vì độc lập là cốt lõi của nền Tư pháp. Không độc lập thì rất khó. Như vậy, án oan sai về dân sự, hình sự sẽ tiếp tục tăng".

Nói về tính độc lập của Tư pháp, ông Nhưỡng cho hay "bản thân thẩm phán phải độc lập, không chịu bất cứ chỉ đạo nào, cho dù là cấp ủy, cho dù là thủ trưởng của mình" ; "tòa án cấp huyện không phải là cấp dưới của tòa cấp tỉnh, tòa cấp tỉnh không phải cấp dưới của tòa cấp cao, tòa cấp cao không phải cấp dưới của tòa tối cao" ; "Mỗi tòa án là thực thể độc lập, mỗi thẩm phán, mỗi hội thẩm nhân dân là một thực thể độc lập, mỗi hội đồng xét xử là một thực thể độc lập",… Do đó, theo ông Nhưỡng, cần phải bàn lại tính độc lập của nền Tư pháp, mà có muốn có tính độc lập thì phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng.

"Tôi có hỏi một số người, nếu trường hợp ông là thẩm phán tối cao ngồi ở đấy, thì ông có biểu quyết theo không. Họ bảo, họ không thể không biểu quyết, không thể làm trái được" – ông Nhưỡng nói.

Hà Nội Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội, kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải bởi cho rằng không đơn giản là xem xét tính mạng một con người.

quabao15

Ảnh : Đại biểu quốc hội, Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân

Ngày 8/5, sau quyết định giám đốc thẩm, ông Lê Thanh Vân đã có kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội đề xuất Ủy ban Thường vụ hoặc Quốc hội vào cuộc ngay để giám sát tối cao với vụ án.

– Ông đánh giá thế nào về quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải ? Phóng viên đặt câu hỏi.

– Tôi cho rằng quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong phiên giám đốc thẩm giải quyết không thoả đáng các căn cứ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra trong kháng nghị.

Khi theo dõi vụ án này, tôi chưa từng để cảm xúc lấn át lý trí. Thâm tâm tôi luôn cầu mong nỗi oan khuất của hai cô gái chết trẻ phải được làm rõ và thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng song phải đúng người, đúng tội.

– Quyết định giám đốc thẩm nhận định có sai sót trong quá trình tố tụng nhưng không huỷ án để điều tra lại, ông đánh giá thế nào ? Phóng viên đặt câu hỏi.

– Điều này tạo tiền lệ không tốt cho trình tự tố tụng với những vụ án sau này. Không tốt về mặt tiền lệ vì người ta cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng.

Tôi cho rằng Quốc hội cũng cần giám sát lập luận "sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không đề cập việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Tôi và nhiều người khác cũng yêu cầu vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục chứ chưa bình luận Hải có oan hay không. Quá nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại.

Hơn nữa, cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại điều 31 của Hiến pháp và điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội.

– Sau quyết định giám đốc thẩm, vụ án có thể được xem xét theo quy trình nào ? Phóng viên đặt câu hỏi.

– Tôi cho rằng vẫn có thể áp dụng trình tự tố tụng đặc biệt để xem xét bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán. Theo điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ, Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu xem xét lại.

Bằng phương pháp loại trừ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa đưa ra kháng nghị, Chánh án là chủ toạ hội đồng xét xử vừa diễn ra, vậy chỉ còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp. Trong đó, Ủy ban Tư pháp đã vào cuộc năm 2015, nên tôi đề nghị Thường vụ Quốc hội giám sát vụ án này để từ đó yêu cầu Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử lại.

quabao16

Ảnh : bà Nguyễn Thị Loan mẹ của Hồ Duy Hải bên ngoài tòa án, đang gào khóc trong tuyệt vọng sau khi biết phán quyết của Tòa giữ nguyên án tử hình con trai mình

Căn cứ để yêu cầu xét xử lại là đã có vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến việc xem xét thiếu khách quan, hoặc có tình tiết thay đổi bản chất vụ án.

Bên cạnh đó, tính khách quan của phiên tòa giám đốc thẩm cần được đảm bảo vì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình năm 2011 là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký bản không kháng nghị, tức là khẳng định vụ án đã đúng người đúng tội.

Ủy ban Thường vụ có thể là một chủ thể giúp Quốc hội giám sát tối cao với hoạt động xét xử nói chung của tòa án và riêng đối với vụ án này. Ngoài ra, theo thủ tục tố tụng đặc biệt, Ủy ban Thường vụ có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán xem xét lại bản án. Trước đây, Quốc hội khóa 11 cũng từng lật lại một vụ án oan sai.

– Ông thấy cần rút ra điều gì ? Phóng viên đặt câu hỏi.

– Đó là bài học về tuân thủ pháp luật, nghĩa là từ bước đầu tiên của quá trình điều tra đến khâu cuối cùng là xét xử. Pháp luật phải được thực thi, cẩn trọng từng li từng tí, nhất là vụ án hình sự.

Bài học thứ hai là sự giám sát của cơ quan chức năng với hoạt động tư pháp, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, phương tiện truyền thông. Quá trình tố tụng phải minh bạch, có sự tham gia của các thành phần theo luật định, phải bình đẳng, công khai, có mặt luật sư, người bào chữa ngay từ đầu để tránh bức cung nhục hình, thay đổi hiện trường, thay đổi vật chứng. Cán bộ điều tra phải có đầy đủ năng lực để thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường.

Vụ Hồ Duy Hải không đơn giản chỉ là xem xét tính mạng một con người. Nền tư pháp phải tuân theo pháp luật một cách độc lập.

– Ông đã thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội với vụ án này như thế nào ? Phóng viên đặt câu hỏi.

– Tôi đã thực hiện quyền giám sát, đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của tòa án thông qua vụ án. Tôi sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm đấy để xúc tiến sớm hoạt động giám sát, đáp ứng sự mong mỏi của người dân hiện nay.

Vụ việc này dù đúng sai thế nào thì trước hết các cơ quan tố tụng phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, sau đó mới đánh giá yếu tố chứng cứ vật chứng, đánh giá yếu tố cấu thành tội phạm.

Và nếu vụ việc một lần nữa được xem xét lại thấu đáo, dù có sở hữu nhiều tài sản và biệt thự trăm tỷ, thđây lại trở thành một phán quyết cuối cùng với sinh mạng chính trị của ông Nguyễn Hòa Bình.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 11/05/2020

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2