Đâu cần nói chi xa, hiện tượng hoa hậu Đỗ Thị Hà trong "Cô gái vót chông" vào cuối năm ngoái, hay phản ứng của lãnh đạo Việt Nam qua cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine, cũng cho thấy được tư duy này đang ngự trị trong thành phần quyền lực cao nhất tại Việt Nam.
Sống và viết ở hải ngoại, hồi ký của Nguyễn Hưng Quốc
Đầu năm 2022, tôi tự hứa với mình là sẽ dành nhiều thời gian hơn để đọc. Nhất là đọc sách. Hai ba tháng đầu tôi đọc được một vài cuốn, nhưng khi đọc gần hết thì, vì lý do này hay lý do khác, tôi lại bỏ nửa chừng.
Những tạp chí tôi thường đọc nhưForeign Affairs , The Interpreter , Foreign Policy , The Economist v.v. tôi cũng ít đọc hơn so với những năm trước.
Có đọc, nhưng không đọc sâu. Mà chỉ đọc nhanh để bắt ý chính.
Nhưng có hai tác phẩm tôi đã hay từng đọc, và muốn viết về, là cuốn "Socialist Realism in Vietnamese Literature : An Analysis of the Relationship between Literature and Politics" và "Sống và viết ở hải ngoại" của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, tức tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn. Tôi hân hạnh được ông gửi tặng hai tác phẩm này.
Cuốn "Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa…" là dựa trên luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Hưng Quốc, mà tôi từng đọc hơn 15 năm trước. Tôi đã dựa vào tài liệu này là chính, cũng như nhiều nghiên cứu phụ khác, để viết một luận văn về chính sách văn hóa của Việt Nam lúc lấy bằng cao học về chính trị học.
Cuốn "Sống và viết…" thì tôi mới nhận được hai tuần nay. Nhưng mấy ngày qua tôi bận bịu quá nên vài ba đêm mới có được một hai tiếng để đọc.
Cầm cuốn sách lên là không muốn bỏ xuống. Nhưng phải bỏ xuống là vì, một, quá khuya, và, hai, muốn từ từ suy ngẫm về những điều đã đọc. Thay vì đọc một mạch cho xong.
Tôi thường bị cuốn hút bởi những tác phẩm của ông Nguyễn Hưng Quốc. Mỗi bài phê bình văn học (hay chính trị) của ông đọc thích như đọc những chuyên gia viết luận văn trên Foreign Affairs, Foreign Policy v.v… Nó chất lượng, bổ ích và soi sáng. Ngòi bút của ông không chỉ sắc bén, nhận định tinh tế, kiến thức sâu rộng, mà còn sự nhạy bén và nhạy cảm tiềm ẩn trong cách nhìn phóng thoáng và cấp tiến về văn học và những gì liên quan đến văn học. Cũng như trong chính trị. Riêng trong văn học, như ông phê bình, nó không thể tự mình nó tồn tại. Nó là sự liên đới, và là tiến trình không ngừng, của sự vận động, và được tác động, bởi lịch sử và văn hóa.
Ông Nguyễn Hưng Quốc nhận định rằng cái văn học tại Việt Nam dưới chế độ hiện nay nó thất bại. Đã đành. Vì bị chính trị hóa, bị sự lãnh đạo văn nghệ độc đoán, dốt nát của đảng Cộng sản (trang 85-86). Vì không có tự do sáng tác. Và vì cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tuy đã bị khai tử, nhưng chẳng có gì thay thế, trong khi chủ trương kiểm soát toàn diện của chế độ không hề thay đổi v.v…
Nhưng văn học Việt Nam tại hải ngoại cũng không khá hơn bao nhiêu, như ông nhận định. Khi nghiên cứu, ông nhìn ra được rằng những khuyết điểm về văn học trong và ngoài nước cũng khá giống nhau (trang 86). Ông viết :
Tập trung vào văn hóa văn chương, tôi phát hiện văn học Việt Nam năm đặc điểm nổi bật : (a) Tính chất truyền khẩu, (b) tính chất thực dụng, (c) tính chất phản trí thức, (d) tính chất nghiệp dư, (e) tính chất hậu thuộc địa. Những đặc điểm này vừa là sản phẩm của một lịch sử trong đó có một nửa thời gian là nô lệ vừa là yếu tố chủ đạo trong việc định hình diện mạo văn học Việt Nam, cho tới nay, vẫn tiếp tục chi phối cách nhìn và cách viết của đa số, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, người cầm bút Việt Nam, bởi vậy, đó không phải là chuyện quá khứ. Đó là chuyện của hiện tại (trang 87).
Nếu đem năm đặc điểm đó vào trong lĩnh vực chính trị Việt Nam, tôi cho rằng nó cũng có giá trị nguyên vẹn (ngoại lệ, tất nhiên, là thế hệ Việt thứ hai và ba tại hải ngoại). Một, tư duy nghe và tin những thông tin hành lang, tin truyền khẩu, vẫn rất phổ biến hơn là tin vào những gì xuất phát từ nguồn hay văn bản. Hai, phê bình chính trị Việt Nam trong lẫn ngoài nước thường phân tích những cái hiện tượng hơn là bản chất, những thứ bên ngoài và thực dụng hơn chính sách hay chiến lược. Ba, hồi xưa người Việt còn trọng nhân sĩ, trí thức, ở mức độ nào đó, cho đến khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào nước ta ; nhưng chưa bao giờ tính chất phản trí thức lại phổ biến như bây giờ. Mạng truyền thông xã hội thể hiện đầy tính chất này, điển hình là những bài viết nào đi xa hay đi sâu một chút thì càng ít độc giả, trong khi các tin giựt gân tin giả thì lại được hưởng ứng nồng nhiệt (nhưng phản trí thức là hiện tượng chung toàn cầu, không chỉ tại Việt Nam hay với người Việt thôi). Bốn, có lẽ tính chất nghiệp d ư không chỉ phổ biến trong giới cầm bút văn nghệ sĩ, mà còn trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Năm, về tính chấthậu thuộc địa , tuy Việt Nam đã chính thức độc lập kể từ năm 1954 đến nay, nghĩa là gần 70 năm, nhưng hệ quả của chủ nghĩa thuộc địa vẫn còn trong tư duy của lãnh đạo Việt Nam, và vẫn còn trong vô số người Việt tại hải ngoại thuộc thế hệ một. Đâu cần nói chi xa, hiện tượnghoa hậu Đỗ Thị Hà trong "Cô gái vót chông " vào cuối năm ngoái, hay phản ứng của lãnh đạo Việt Nam qua cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine, cũng cho thấy được tư duy này đang ngự trị trong thành phần quyền lực cao nhất tại Việt Nam. Vẫn là một tư duy bất an, thiếu tự tin, lắm nghi kỵ và phủi tay đổ hết lỗi vào Tây phương, vào thực dân, vào "đế quốc" Mỹ, vào chiến tranh hay quá khứ v.v.
Nhận xét trên nói lên điều gì ? Về văn học, ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng các yếu tố lịch sử và văn hóa đã tác động mạnh mẽ lên giới cầm bút Việt Nam : từ viết, đọc đến phê bình (trang 86-87).
Cho nên không có gì ngạc nhiên với chủ trương kiểm soát lịch sử, và điều khiển chính sách văn hóa, như Nga Trung Quốc và Việt Nam đã làm một cách xuyên suốt và nhất quán, từ trước khi nắm quyền cho đến khi đã nắm toàn bộ quyền lực trong tay. Họ có nhu cầu để định hình tư tưởng và tư duy của mọi công dân. Nó luôn là ưu tiên hàng đầu của họ.
Trong tác phẩm "Sống và viết tại hải ngoại", ông Nguyễn Hưng Quốc cũng chia sẻ nhiều về cuộc đời viết văn của mình, nhất là những cái "lộc" vô tình mà ông được hưởng ; và những nguyên nhân và hoàn cảnh hình thành nên hơn 20 tác phẩm của ông. Ông cũng kể lại nhiều kỷ niệm với những văn nghệ sĩ và những nhà phê bình văn học khác mà ông đã gặp tại Mỹ, Pháp, Úc và Việt Nam ; vắn tắc nói về đặc tính của từng người ông có cơ hội phê bình hay làm việc chung ; hay những cuộc bút chiến làm vang động một thời. Hai lần bị cấm nhập cảnh, năm 2005 và 2009, cũng được ông trình bày chi tiết hơn.
Điều lý thú mà ông có chia sẻ là ngoài phê bình văn học, là lĩnh vực sở trường chuyên môn của mình, ông cũng viết phê bình chính trị. Ban đầu, là do hoàn cảnh sinh sống lúc mới đến Pháp ; sau này, do hoàn cảnh "lý lịch", khi ông đã bị Việt Nam từ chối cho nhập cảnh.
Khi viết càng nhiều về phê bình chính trị, ông Nguyễn Hưng Quốc cảm nhận sâu sắc rằng thật ra không có sự khác biệt giữa việc phê bình chính trị và phê bình văn học. Bởi vì, theo ông, văn hóa là văn bản (text). Ông nói rằng nhiều lý thuyết phê bình cũng đi đến kết luận như thế. Và riêng với ông, chính trị cũng là văn bản (politics as a text). Khi phân tích văn bản, ông xem nó như một công việc mang tính khoa học và nghệ thuật (trang 34-35).
Riêng về vấn đề này, tuy đồng ý với ông về mặt lý thuyết, tôi cho rằng trường hợp Việt Nam là một trong những ngoại lệ. Những gì gọi là văn bản, nhất là văn bản chính trị, thì không đáng tin cậy hay có giá trị đáng kể nào. Không nơi đâu văn bản quan trọng bằng hiến pháp hay pháp luật, nhưng các văn bản này có giá trị gì đâu. Còn những văn bản xưa và nay, nếu được tiết lộ, toàn là những thứ có lợi cho chế độ, nhất là về mặt tuyên truyền, nên mới được phổ biến. Những điều "bí mật quốc gia" thì chẳng ai biết nó mặt mũi ra sao. Cái gọi là văn bản tại Việt Nam cũng chỉ là một nửa vấn đề ; một nửa văn bản ; một nửa sự thật. Trong khi đó, văn bản trong nền chính trị dân chủ, cũng như trong mọi lĩnh vực, có thể được kiểm chứng, xác định. Ngoài ra, nó có giá trị định hình chuẩn mực (standard setting). Nền tảng nằm ở ngay đó.
Qua tác phẩm mới nhất mà ông chia sẻ nhiều chi tiết cá nhân nên rất dễ đọc và dễ cảm thấy gần gũi, có thể nói đọc Nguyễn Hưng Quốc lúc nào cũng học hỏi được nhiều điều. Tác phẩm nào tôi cũng bị cuốn hút vào từng câu văn. Ngoài những cảm nhận này, tôi còn có sự đồng cảm rất lớn với những tác phẩm của ông vì ba nguyên do. Một, khi tôi trở lại học chính trị học tại Úc, tôi đã tiếp cận những lý thuyết và phê bình chính trị và quan hệ quốc tế, mà với tôi, nó không chỉ giúp mình nhìn về thế giới bằng nhãn quan khác, mà còn hiểu sâu hơn vì sao văn hóa chính trị của những nước dân chủ được như thế. Tức không phải nhìn vào cấu trúc, cơ chế thôi, mà còn là tư duy và tư tưởng góp phần định hình và chuyển hóa xã hội ở đây. Những lý thuyết phê bình này phần lớn cũng không khác nhiều với những lý thuyết phê bình văn học mà ông Nguyễn Hưng Quốc đã đọc và viết rất nhi ều. Hai, trong khi ông muốn khuyến khích tất cả những người cầm bút Việt Nam làm nên những cái mới, không sợ hãi thử nghiệm những chân trời mới, tiếp cận với những lý thuyết phê bình văn học để có ý tưởng mới, thì tôi cũng thấy rằng con đường như thế cũng vô cùng cần thiết cho giới làm chính trị, viết về chính trị, lẫn những người đọc về chính trị, dù là chính trị về Việt Nam hay thế giới. Chỉ khi nào giới cầm bút phê bình chính trị có tri thức và tầm nhìn thì họ mới đóng vai trò chuyển tải thông tin và kiến thức đúng đắn đến độc giả. Ba, ông xác nhận chỉ đau đớn với chuyện Việt Nam, nhưng không hận thù. Ông phê phán với tính cách, và lương tâm của một người trí thức, vì tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản, chỉ phá hoại hơn xây dựng. Còn tôi, gần 30 năm qua chưa về lại Việt Nam, nhưng không hiểu sao mỗi khi nghe chuyện Việt Nam vẫn thấy quan tâm ; vẫn thấy buồn. Mới đây nghe chuyện bốn thi thể người Việt được phát hi ện tại Anh trong vụ cháy hồi tháng 5, nhớ lại 39 người Việt trong đó có nhiều người trẻ bị chết ngạt vào cuối năm 2019.
Thấy thương. Thấy giận. Thấy nhục.
Cho nên đọc Nguyễn Hưng Quốc, tôi lại tìm thấy mình thoang thoảng trong đó. Nỗi niềm của một người Việt Nam.
Úc Châu, 06/08/2022
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 07/08/2022
Nguyễn Hưng Quốc, tức tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, được biết đến qua nhiều tác phẩm giá trị mà chủ yếu là về phê bình văn học, đặc biệt là về thơ, trong hơn ba thập niên qua. Tác phẩm đầu tay của ông là "Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam" (Quê Mẹ, 1988). Từ năm 1988 đến 2015, ông đã cho ra đời 20 tác phẩm, và năm nay, 2021, ông vừa mới phát hành tập thơ đầu tiên của ông với tựa "909 Bài Thơ Ba Dòng".
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. (Hình : Trần Triết)
Ông được xem là một người có thẩm quyền về phê bình văn học, và một nhà phê bình thơ tinh tế, thông minh và xuất sắc. Nhưng điều mà ít người biết hơn là ông làm thơ khá nhiều, nhất là lúc còn trẻ, nhưng không phổ biến. Thật là một điều ngạc nhiên và thú vị nhận được tập thơ này.
Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện sau đây giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc.
***
Phạm Phú Khải : Sáng tác và phê bình là hai sở trường khác nhau. Xin được hỏi ông : một, nguyên do gì thúc đẩy thơ ông tràn trề để có thể in thành tập thơ này ? ; hai, ông có nghĩ ông đủ khách quan để phê bình tập thơ này của mình không ?
Nguyễn Hưng Quốc : Thú thực, tôi cũng không biết tại sao tôi lại nổi hứng làm nhiều thơ như vậy. Trước, thỉnh thoảng tôi có làm thơ. Nhưng chỉ hoạ hoằn. Còn lần này thì nó cứ ào ạt. Có ngày tôi làm đến cả 10 bài. Còn chuyện tự đánh giá mình à ? Không ai có thể "khách quan" trong trường hợp như thế. Có điều tôi biết chắc chắn, ở tôi, sáng tác không thể sánh được với phê bình và biên khảo. Sở trường của tôi chủ yếu vẫn là ở năng lực phân tích. Làm thơ chỉ là để cho vui thôi. Nhớ một câu nói Bùi Giáng hay dùng : "Vui thôi mà !"
Phạm Phú Khải : Tại sao ông lại chọn thơ ba dòng từ đầu đến cuối cho tập thơ này, mà không phổ biến các bài thơ khác thuộc thể loại khác trong đây ? Và tại sao con số 909 bài, không hơn, không kém ?
Nguyễn Hưng Quốc : Đầu năm 2020, một hôm, đang ngồi đọc vẩn vơ trên computer, trong đầu tôi tự dưng loé lên mấy câu :
Một chân ở Việt Nam, một chân ở Úc
Dưới háng là
Mây bay
Tôi thấy thích ngay tức khắc. Nhắc đến thân phận lưu vong, thường, hầu như mọi người, trong đó có tôi, trong nhiều bài viết khác nhau, có cái nhìn khá bi quan : Đó là những con người tha phương, lạc lõng, không nguôi ngoái nhìn quá khứ và cảm thấy khó hội nhập vào xã hội mới. Mấy câu ở trên đưa ra một cái nhìn khác, lạc quan hơn : Người lưu vong đứng trên hai đất nước, hai văn hoá và hai ngôn ngữ khác nhau nên có dáng cao lồng lộng. Nó như một tượng đài cao vút lên tận mây xanh. Không chừng chưa có một "tượng đài" lưu vong nào hùng vĩ đến vậy.
Hứng chí tôi làm thêm mấy câu khác :
Trăm đứa con Thị Nở
Mỗi đứa
Một màu cờ
Thị Nở là người yêu của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Thị Nở được miêu tả là một người vừa xấu xí vừa dở hơi. Với chữ "trăm đứa con" phía trước, Thị Nở biến thành… Âu Cơ. Sự liên tưởng ấy khắc hoạ một đặc điểm lớn trong tính cách dân tộc Việt Nam : Có vấn đề về tâm trí và tâm lý. Đặc điểm thứ hai thuộc về con cháu của Âu Cơ – Thị Nở : chia rẽ. Lúc nào cũng chia rẽ. Cũng có nạn sứ quân. Trong suốt lịch sử. Cả mấy ngàn năm.
Tôi phân vân : Mấy câu ấy có phải là "thơ" không ? Tôi chợt nhớ đến thể thơ ba dòng (three-line poetry) vốn khá phổ biến ở Tây phương. Về hình thức, nó hao hao giống thơ haiku ở Nhật. Nó nén câu chữ lại thật chặt để sau đó bùng nổ trong lòng người đọc.
Thấy thể thơ ba dòng cũng có lý, tôi làm tiếp thêm mấy bài nữa. Rồi làm tiếp. Cho đến lúc được 909 bài thì tôi thấy tạm đủ nên quyết định dừng lại. Con số 909 trình bày trên trang sách cũng đẹp đấy chứ ?
Phạm Phú Khải : Có phải đó là những bài ưng ý nhất của ông ?
Nguyễn Hưng Quốc : Tôi không chắc. Lúc tôi thích bài này, lúc tôi thích bài khác. Hiện nay, lúc viết mấy câu trả lời này, tôi thích một số bài nhẹ nhàng hơn, ví dụ :
Những chiếc lá rơi
Không để lại
Di chúc
Hoặc :
Mọi nụ hôn
Đều không cần
Lời bạt
Đại khái thế.
Phạm Phú Khải : Ngoài tập thơ trên, ông còn cho tái bản cuốn "Sống với Chữ" năm nay. Được biết tác phẩm phát hành năm 2004, được ông cho tái bản năm 2014, và 2021 là lần in thứ ba. Có phải đây là một trong những tác phẩm của ông được yêu thích nhất từ nhiều thành phần khác nhau, với điểm chung là yêu tiếng Việt ?
Nguyễn Hưng Quốc : Cầm bút hơn 30 năm, tôi có một lượng độc giả nhất định. Cuốn nào cũng được người này người kia khen. Tuy nhiên, anh nói đúng, cuốn "Sống với Chữ" có vẻ được nhiều người khen nhất. Năm 2007, trong lời giới thiệu tôi trong một buổi nói chuyện về thơ tại San Jose (Mỹ), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, theo anh, cuốn "Sống với Chữ" là "cuốn sách hay nhất của Nguyễn Hưng Quốc" !
Phạm Phú Khải : Qua tác phẩm này, ông đã trình bày nhiều khám phá về ngữ nghĩa, ngữ âm, và sự biến âm của nhiều ngôn từ tiếng Việt. "Bợ" và "Vợ" là một điển hình. Ông cho rằng nếu đọc tiếng Việt chậm và kỹ thì chúng ta nhận ra được một số quy luật bí ẩn lạ lùng. Nhưng nhận ra được không có nghĩa là có thể am tường, vì chính ông công nhận, ‘ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn’. Theo ông thì đây là đặc tính chung của mọi ngôn ngữ, hay là cảm nhận của ông đối với tiếng Việt ?
Nguyễn Hưng Quốc : Thật ra, ngôn ngữ nào cũng hay. Rất khó khẳng định ngôn ngữ nào hay hơn ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, với tiếng mẹ đẻ, bao giờ chúng ta cũng thấy gần gũi hơn, do đó, chúng ta dễ thấy nó tinh tế và giàu cảm xúc hơn. Tôi nhớ lúc tôi làm luận án tiến sĩ. Phải viết bằng tiếng Anh, dĩ nhiên. Tôi chán vô cùng. Tôi không thấy có sợi dây liên kết gì giữa mình và cái ngôn ngữ mình sử dụng. Thường, viết được một, hai trang, chán quá, tôi lại quay sang viết tiếng Việt. Với tôi, tiếng Việt không phải chỉ là phương tiện giao tiếp. Nó còn là một nhục thể : Tôi giao hoan với chữ, thở với chữ, say sưa với chữ, có cảm giác như chữ cũng biết múa may ca hát. Nó có sự sống. Và sự sống ấy đầy bí ẩn.
Phạm Phú Khải : Ông viết khá thường xuyên trên Facebook, mỗi ngày ít nhất một bài ngắn, có khi nhiều hơn. Phần lớn vẫn là các vấn đề chính trị tại Việt Nam. Nhưng dù là chính trị, xã hội hay văn hoá văn học, tiềm ẩn trong đó là nỗi nhớ quê hương, vẫn đau đáu ngóng trông về Việt Nam. Rõ ràng Úc là nơi ông sẽ sống đến cuối đời mình, nhưng tâm tư của ông thì lại đi về "quê" nhiều hơn trở về "nhà". Có phải vì ông nghĩ rằng ông không thể về lại Việt Nam nữa, trong quảng đời còn lại này ? Hay vì đó là thân phận chung của người lưu vong, nhất là người lưu vong đang cầm bút như ông ?
Nguyễn Hưng Quốc : Vâng, lúc nào tôi cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam. Hầu như hàng ngày. Đọc báo tiếng Anh, thấy bất cứ điều hay điều dở gì trên thế giới, tôi cũng đều so sánh với Việt Nam. Và lại ngậm ngùi. Có điều, tôi không nghĩ đó là một trường hợp cá biệt. Theo các nhà Lưu vong học (Diaspora Studies), tâm lý hoài hương và hoài niệm là đặc điểm phổ quát trong tất cả mọi cộng đồng tị nạn và di dân. Ở đâu cũng thế. Với ai cũng thế. Chỉ khác, chút chút, ở mức độ mà thôi.
Phạm Phú Khải : Ông có nghĩ rằng văn học nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách, diện mạo, của một quốc gia ?
Nguyễn Hưng Quốc : Chắc chắn. Bất cứ quốc gia nào cũng bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Ở nhiều địa phương khác nhau. Làm thế nào các nhóm người xa xôi và xa lạ ấy hợp thành một quốc gia duy nhất ? Theo một số nhà nghiên cứu, đó là những ký ức chung và những tưởng tượng chung. Benedict Anderson coi dân tộc là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community). Văn học là một trong những yếu tố chính tạo nên cái cộng đồng tưởng tượng ấy.
Phạm Phú Khải : Muốn thay đổi diện mạo của Việt Nam, ngoài kinh tế, khoa học kỹ thuật, và chính trị, v.v… thì văn học nghệ thuật cũng phải đóng vai trò tiên phong. Có phải vì thế mà ông đã dồn phần lớn nỗ lực cho lĩnh vực phê bình văn học của mình trong những thập niên qua, kể cả các hoạt động trong tạp chí Việt và Tiền Vệ. Quan niệm của ông hiện nay có khác gì không, và nếu có, đó là gì ?
Nguyễn Hưng Quốc : Ở đâu văn học nghệ thuật cũng đi trước hiện thực một chút. Gọi nó là "tiên phong" cũng được. Việt Nam hiện nay đầy những đổ vỡ. Văn học và nghệ thuật có thể hàn gắn lại một số các đổ vỡ ấy.
Phạm Phú Khải : Ông viết phần lớn là về văn học, về thơ, và sau này cũng viết bình luận chính trị, có thời cộng tác với đài VOA trước đây, và giờ trên Facebook. Có bao giờ ông nghĩ đến viết một thể loại khác hoàn toàn, như tiểu thuyết ?
Nguyễn Hưng Quốc : Chắc là không. Viết phê bình và biên khảo, lâu lâu ngoại tình với thơ là đã đủ rồi. Tôi không nghĩ là một lúc nào đó mình sẽ viết tiểu thuyết.
Phạm Phú Khải : Viết là một phần sống của ông. Có lẽ là phần ưu tiên hàng đầu không chừng. Có phải là còn thở thì ông còn viết ? Và điều đó cũng có nghĩa đọc giả có thể tiếp tục mong đợi các tác phẩm mới trong những năm trước mặt ?
Nguyễn Hưng Quốc : Vâng, cả ngày tôi chỉ ngồi đọc và viết. Từ hơn 30 năm qua, tôi viết khá liên tục. Lần này, mới in tập thơ "909 Bài Thơ Ba Dòng" xong, tôi đã có ý tưởng cho một cuốn sách khác. Tôi đang suy nghĩ. Chắc vài tháng nữa mới khởi sự.
Phạm Phú Khải : Được biết ông đã sáng tác toàn bộ tập thơ "909 Bài Thơ Ba Dòng" trong năm 2020 và đầu năm 2021. Vậy thì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng ra sao đối với đời sống cũng như công việc sáng tác và phê bình của ông ?
Nguyễn Hưng Quốc : Với các nhà văn, dịch Covid-19 không chừng lại hay : Nó bắt người ta phải ở nhà, phải ngồi trước computer. Và viết.
Phạm Phú Khải : Xin chân thành cảm tạ ông Nguyễn Hưng Quốc đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị và hữu ích này. Mong chúc ông và gia đình luôn vui khỏe và bình an, nhất là giữ gìn an toàn trong cơn đại dịch Covid-19 này.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 13/08/2021
Đảng Bảo thủ Anh vừa có chiến thắng vang dội nhất trong hơn 30 năm qua trong cuộc bầu cử mà có nằm mơ họ cũng không nghĩ rằng sẽ thắng lớn đến thế.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ, Boris Johnson, ôm chú chó cưng của mình rời phòng phiếu hôm 12/12/2019.
Sau khi kết quả cho 649/650 ghế dân biểu tại Anh được công bố, Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson chiếm 364 ghế, bỏ xa đảng Lao động đứng thứ hai với 203 ghế.
Với kết quả này, người dân Anh không chỉ nhắc lại rằng họ muốn rời Liên minh Châu Âu mà còn tỏ thái độ với khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của đảng đối lập chính, Đảng Lao động, cũng như với Đảng Dân chủ Tự do.
Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn đã có những chính sách thiên tả trong đó có việc quốc hữu hoá các doanh nghiệp trong một số ngành. Một trong các lời hứa được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử của ông Corbyn là quốc hữu hoá hãng viễn thông BT để sớm mang internet băng thông rộng tới người dân. Nhưng điều này bị một số chuyên gia cho rằng sẽ phản tác dụng.
Ông Corbyn cũng bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ Đảng Lao động. Một số đảng viên đã rời bỏ Lao động vì không phục vị lãnh đạo đảng. Một đảng viên như vậy đã vừa giành ghế dân biểu cho Đảng Bảo thủ sau khi đào tẩu khỏi Lao động hồi năm 2018.
Một trong những người trung thành với Đảng Lao động trong nhiều năm và vừa bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ lần đầu trong đời nói với đài BBC : "Cái chính là ông Jeremy Corbyn đã không tạo được cảm hứng trong tôi với cách lãnh đạo [của ông]…
"Cuối cùng tôi cảm thấy tôi phải tiến sang cánh hữu của thiên kiến chính trị ít hơn để bỏ phiếu cho ông Boris Johnson so với chặng đường tiến sang cánh tả để bầu ông Jeremy Corbyn".
Đảng Dân chủ Tự do của bà Jo Swinson thậm chí tuyên bố sẽ hủy bỏ Brexit, tiến trình rời Liên minh Châu Âu. Cử tri đáp lại bằng cách giảm bớt một ghế trong nghị viện của đảng này. Tiếc thay ghế đó lại chính là của bà đảng trưởng và Jo Swinson mất luôn chức.
Điều có thể thấy rõ qua cuộc bầu cử lần này ở Anh là người dân đã chán ngấy với tình trạng tê liệt trong chính trường khi mà chính phủ muốn rời Liên minh Châu Âu càng nhanh càng tốt nhưng hạviện lại chỉ thích ở lại cho thật lâu. Với cuộc bỏ phiếu mang lại chiến thắng áp đảo cho Đảng Bảo thủ, lần đầu tiên trong mấy năm qua ở nước Anh mới có sự thống nhất giữa đa số người dân, đa số dân biểu và đa số quan chức chính phủ về chuyện rời EU.
Đối với một số người dân, cuộc bầu cử này là sự lựa chọn một đảng đỡ tệ hơn thay vì chọn đảng nào tốt hơn. Đảng Bảo thủ thường bị chỉ trích vì không quan tâm tới người nghèo và làm cho họ càng nghèo khó hơn. Đảng Lao động có một lãnh đạo có thể nói là "chán đời" tới mức các đảng viên của đảng cũng chia rẽ về vai trò của người đứng đầu. Đảng Dân chủ Tự do chỉ muốn hủy Brexit.
Người ta cũng có thể coi đây là cuộc bầu cử Brexit khi mà đa số người dân chỉ muốn giải quyết xong cuộc ly dị với EU cho nhẹ nợ. Nhưng nó cũng đã khiến lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do lập tức mất ghế vì không đắc cử nghị viên. Trong khi đó lãnh đạo Đảng Lao động cũng tuyên bố sẽ từ chức trước cuộc bầu cử lần tới. Người Anh đã phải bỏ phiếu tới ba lần trong năm năm qua và giờ có thể thở phào vì sẽ không còn phải tới hòm phiếu ít nhất trong năm năm nữa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/12/2019
(trích VOA 26/04/2010)
Cách đây khoảng chín, mười năm, có một nghệ sĩ khá nổi tiếng từ Việt Nam sang tham dự một sinh hoạt văn nghệ tại Úc. Sinh ở Hà Nội sau năm 1975, anh là một nghệ sĩ tài hoa và có tinh thần cách tân khá triệt để. Và vì tinh thần cách tân ấy, dù tài hoa, anh vẫn bị cô lập ở Việt Nam.
Ký ức của cộng đồng người Việt ở hải ngoại chủ yếu là ký ức của nạn nhân. Ảnh minh họa (thương phế binh thăm bạn Nghĩa trang Biên Hòa - tháng 9/2011)
Sự cô lập ấy càng củng cố tư thế độc lập của anh ; và tư thế độc lập ấy, đến lượt nó, củng cố cái nhìn cởi mở về nhiều vấn đề liên quan đến chính trị và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc thân mật với nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Úc, anh vẫn bị sốc. Một lần, anh tâm sự : "Điều em ngạc nhiên nhất là bà con bên này bị ám ảnh về quá khứ nhiều quá. Lần nói chuyện nào cũng dẫn đến những chuyện trước 75, rồi những chuyện sau 75, từ chuyện chiến tranh đến chuyện kinh tế mới, chuyện cải tạo và chuyện vượt biển. Ở trong nước, hầu như bọn em chẳng bao giờ nhớ hay nghĩ đến những chuyện như vậy nữa".
Không phải chỉ có anh bạn nghệ sĩ ấy. Tôi đã nghe nhiều người nói thế. Có người viết hẳn trên báo chí. Là : những chuyện mà nhiều người ở hải ngoại còn trăn trở mãi, ở trong nước, người ta đã quên mất từ lâu rồi. Một số người còn lên giọng : Nên gạt bỏ quá khứ để hội nhập vào dòng chuyển động không ngừng của đất nước.
Những lời phát biểu ấy khiến tôi nghĩ ngợi về đề tài ký ức.
Trước hết, cần nói ngay, ký ức, đặc biệt ký ức tập thể (collective memory) hay ký ức văn hóa (culture memory) là một đề tài khá mới trong giới nghiên cứu. Trước, từ thời Khai Sáng, ở con người, giới nghiên cứu chỉ chú ý đến lý trí. Từ Descartes đến Pascal và Kant, người nào cũng đề cao lý trí, cũng đều xem lý trí là năng lực tối thượng phân biệt con người và các loài động vật khác. Từ đầu thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của Freud, và sau đó, của Jung, với nhiều trường phái khác nhau trong chủ nghĩa hiện đại, người ta lại đề cao vô thức, xem chính vô thức mới là động lực chính thúc đẩy và quyết định những sự lựa chọn trong đời sống cũng như trong các hoạt động sáng tạo. Chỉ khoảng vài thập niên gần đây, người ta mới hay đề cập đến vai trò của ký ức, thoạt đầu trong lãnh vực xã hội học, sau, trong văn hóa học.
Có một câu nói nổi tiếng tiêu biểu cho quan niệm này : Chúng ta là những gì chúng ta nhớ (We are what we remember). Những gì chúng ta nhớ tạo nên ý nghĩa cho những gì chúng ta làm hoặc chứng kiến ; và tất cả những gì chúng ta làm hoặc chứng kiến được ghi nhớ ấy sẽ tạo nên hình ảnh của chính chúng ta. Chính những hình ảnh ấy là những nguyên liệu đầu tiên và quan trọng nhất tạo nên bản sắc của từng người. Bởi vậy những người bị mất trí nhớ bao giờ cũng bị mất ý niệm về bản sắc : Họ không biết họ là ai.
Nhưng ký ức có hai đặc điểm quan trọng cần lưu ý :
Thứ nhất, nó không phải là cái gì thuần tuý có tính cá nhân. Bất cứ ký ức nào cũng có tính tương tác. Nhớ, dù là nhớ một kỷ niệm hoàn toàn riêng tư, cũng vẫn liên hệ với một cái gì khác : một thời gian, một không gian, một cảnh huống và những con người khác. Qua việc nhớ, do đó, chúng ta nối kết bản ngã và môi trường chung quanh, nối kết quá khứ và hiện tại, cá nhân và tập thể, cái riêng và cái chung. Bởi vậy ký ức nào, dù riêng tư đến mấy, vẫn lấp lánh hồi quang của cả một cộng đồng : ký ức, một mặt, kiến tạo và nuôi dưỡng bản sắc cá nhân, mặt khác, góp phần định hình bản sắc tập thể ; rồi chính bản sắc tập thể ấy, đến lượt nó, lại tác động ngược lại đến ký ức, biến ký ức thành một quá trình chọn lọc liên tục.
Từ đó, dẫn đến đặc điểm thứ hai : ký ức không phải là những gì cố định. Ký ức không phải là kho lưu trữ hình ảnh một cách máy móc và vô hồn. Ký ức, ngược lại, không ngừng được tái tạo và không ngừng được tái cấu trúc. Cùng một sự kiện, được nhớ trong những thời điểm khác nhau, với những quan điểm và những tâm trạng khác nhau, chúng ta có những hình ảnh khác nhau với những ý nghĩa khác nhau. Bởi vậy, ký ức nào cũng có tính hiện tại. Nó không phải chỉ là quá khứ. Nó là quá khứ được hiện tại hóa. Và vì được hiện tại hóa, quá khứ nào cũng có tính chính trị của nó. Nhớ, do đó, là một diễn ngôn (discourse), một loại hình tự sự, ẩn giấu đằng sau những nỗ lực diễn dịch và tái diễn dịch quá khứ để đáp ứng những thử thách của hiện tại.
Cũng cần lưu ý là ký ức hiện diện ở mọi nền văn hóa. Ai cũng có ký ức và cũng cần ký ức. Nhưng dường như với người Việt Nam, ký ức có tầm quan trọng hơn hẳn ở những nơi khác, nhất là ở các nước Tây phương. Ở Tây phương, nói chung, ký ức thường nhanh chóng được thu thập, lưu trữ, xác minh và phân tích, cuối cùng, thành lịch sử. Ở Việt Nam, ký ức thường ở nguyên dạng ký ức, khuất chìm trong vô thức, bàng bạc trong đời sống của quần chúng. Cái gọi là lịch sử ở Việt Nam, phần lớn chỉ là những mảnh ký ức rời, nhập nhòa giữa huyền thoại và sự thực, đậm đặc màu sắc truyền thuyết. Nếu lịch sử là những đại tự sự (grand narrative), ký ức chỉ là những tiểu tự sự. Nếu lịch sử mang tính chính quy, đặc tuyển và nhất là tuyến tính, ký ức thường đứng ngoài mọi thiết chế, gắn liền chủ yếu với văn hóa dân gian, thường xuyên chịu sự chi phối của nhiều yếu tố tương tác trong xã hội.
Người Việt thích sống với ký ức. Người Việt ở hải ngoại lại càng thích sống với ký ức. Rời khỏi quê hương, sống hẳn ở nước người, tuyệt đại đa số lưu dân, trong đó có người Việt Nam, không bao giờ có thể hội nhập hẳn vào cuộc sống mới. Họ sống lửng lơ ở giữa (in-between). Giữa gì ? Giữa quê gốc và quê mới. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và hoài bão. Sống ở giữa là sống trên những biên giới, là lấp lửng ở bên này và bên kia biên giới. Ở vùng biên giới ấy có gì ? Chủ yếu là ký ức. Ký ức trở thành quê hương chính của những người lưu dân, bất kể là lưu dân nào.
Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn, một nhà nghiên cứu trẻ và xuất sắc ở Úc, mới xuất bản một cuốn sách mang nhan đề rất thú vị : "Ký ức là một quê hương khác : Phụ nữ Việt Nam lưu vong" (1).
Sẵn, xin nhắc : Trước đó, một nhà nghiên cứu Việt học lỗi lạc khác, Huệ-Tâm Hồ-Tài, ở Mỹ, có một tác phẩm mang nhan đề tương tự, nhưng đối tượng khảo sát lại là ở Việt Nam thời hậu chiến : "Quê hương của ký ức : Việc tái tạo quá khứ ở Việt Nam thời hậu kỳ xã hội chủ nghĩa" (2).
Dĩ nhiên, hai cái "quê hương" được đề cập trong hai tác phẩm vừa kể rất khác nhau. Khác, không những ở cấp độ mà còn về bản chất : với người trong nước, ký ức là một quê hương của lựa chọn ; với những người lưu dân hay lưu vong, ký ức là quê hương của số phận. Là quê hương duy nhất. Ngoài nó, có khi không còn gì khác.
Người lưu dân hay lưu vong nào cũng gắn bó với ký ức. Những người lưu dân hay lưu vong ra đi từ một đất nước tan nát vì chiến tranh và ngập ngụa hận thù lại càng quay quắt với ký ức. Những người lưu dân và lưu vong đến sống ở các nền văn hóa khác, hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa gốc lại càng bị giam hãm trong ký ức. Nói như thế cũng là cách mặc nhiên phân biệt hai loại ký ức : ký ức của người thắng cuộc và ký ức của các nạn nhân.
Ký ức của cộng đồng người Việt ở hải ngoại chủ yếu là ký ức của nạn nhân. Một ký ức đầm đìa máu và nước mắt. Không phải chỉ có máu và nước mắt thời kỳ chiến tranh mà còn có máu và nước mắt lúc chiến tranh đã kết thúc. Ở các nhà tù và trại cải tạo. Ở các chiến dịch đánh tư sản mại bản. Ở chính sách ngăn sông cấm chợ. Ở sự kỳ thị vùng miền và lý lịch. Ở những cuộc di tản và vượt biên đầy hãi hùng.
Đòi hỏi những người mang trong đầu và trong tim loại ký ức đầy máu và nước mắt ấy là một đòi hỏi vô cảm. Xuất phát từ miệng của những người thắng cuộc, nó không những vô cảm mà còn lưu manh.
Nhớ, cách đây một hai năm gì đó, khi đọc một bài báo của một nhà văn miền Nam từng tham gia "Mặt trận" trước năm 1975, trong đó, ông phiền trách nhiều người ở hải ngoại sao cứ đau đáu mãi với quá khứ trong khi ông và bạn bè và đồng chí của ông thì đã gạt hẳn tất cả qua một bên từ lâu rồi, một người bạn tôi bình luận :
"Cứ tưởng tượng có một thằng lưu manh đến cướp nhà của người ta và đuổi người ta ra đường. Mấy năm sau, thấy nạn nhân nằm lê lết trên vỉa hè và nhớ tiếc ngôi nhà cũ, tên ăn cướp lên giọng : ‘Tại sao ông bà lại phải nhớ mãi những chuyện buồn như thế ? Tại sao không quên đi ? Tại sao không hướng tới tương lai để sống một cách thanh thản chứ’ ? Nói xong, hắn quay về nhà, cái căn nhà hắn cướp của người ta, ngồi trên ghế salon, gác chân lên bàn, vừa nốc bia vừa nghĩ đến chuyện quên lãng và tha thứ như một thứ đạo đức mới mà hắn mới phát hiện ra được".
Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).
Theo tôi, không phải chỉ có bản sắc mà cả ý niệm về đạo đức cũng được nuôi dưỡng từ ký ức, kể cả, nếu không muốn nói, nhất là, những loại ký ức đầy máu và nước mắt.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn : fb.hungquoc.nguyen, 27/04/2018
(1) Memory is Another Country : Women of the Vietnamese Diaspora, Praeger, 2009.
(2 The Country of Memory : Remaking the Past in Late Socialist Vietnam, University of California Press, 2001.
Nguyễn Hưng Quốc, 29/04/2018
(trích đăng lại, Người Việt, 07/07/2017)
Trong các môn tôi dạy tại trường Victoria University ở Melbourne, Úc, có một môn tập trung vào chiến tranh Việt Nam : "Nhiều Việt Nam : Văn hóa Chiến tranh và Ký ức" (Many Vietnams : War Culture and Memory).
Bộ đội cộng sản trong những ngày vừ chiếm đóng Sài Gòn - Ảnh minh họa
Như tên gọi, ở môn này, trọng tâm không phải là lịch sử mà là văn hóa ; không phải văn hóa chung chung mà là văn hóa chiến tranh ; cũng không phải là văn hóa chiến tranh chung chung mà là thứ văn hóa chiến tranh được nhìn thấy từ và qua ký ức. Đó chính là điểm mới của môn học. Nếu chỉ nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ lịch sử hay chính trị, người ta dễ dàng nắm bắt cái khung thời gian của nó : bắt đầu từ 1954 và kết thúc vào năm 1975. Nhưng nhìn từ góc độ văn hóa, chiến tranh Việt Nam, về phía chính phủ Mỹ, lại bắt đầu từ sau đệ nhị thế chiến, với thuyết domino vốn được xem là nền tảng của chiến lược đối đầu với chủ nghĩa cộng sản thời Chiến tranh lạnh của Mỹ. Nhìn từ góc độ văn hóa, với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam được gọi là cuộc chiến ở phòng khách (lounge room war), cuộc chiến tranh truyền thông (media war) hoặc cuộc chiến tranh truyền hình (television war), ở đó, chiến tranh ngoài chiến trường biến thành cuộc chiến tranh của con tim ; chiến tranh ở Việt Nam thành chiến tranh về Việt Nam. Nhìn từ góc độ ký ức chiến tranh, cũng với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến vô tận (endless war), một cuộc chiến chưa kết thúc (unfinished war). Cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, ở đây, tôi không nhằm giới thiệu nội dung môn học ấy. Tôi chỉ xin kể một câu chuyện mới xảy ra cách đây mấy tuần, trong buổi học cuối cùng của học kỳ 1 tại Úc.
Giống như mọi năm, trong bài giảng cuối, tôi cho sinh viên xem một cuốn phim ngắn nhan đề Ngày Giỗ (The Anniversary, 2004) của Hàm Trần, một đạo diễn trẻ gốc Việt tại Mỹ. Phim chỉ dài có 28 phút. Nội dung khá đơn giản, có thể tóm tắt như sau : Trong cuộc biến động năm 1963 ở Sài Gòn, có một thanh niên tham gia rất tích cực trong phong trào Phật giáo chống lại chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bị cảnh sát truy nã, anh định mang vợ và hai đứa con trai chạy trốn, nhưng một đứa đang bị bệnh, không thể đi được, anh bèn mang theo một đứa ra bưng, và sau đó, ra miền Bắc. Đứa còn lại sống với mẹ trong Nam. Mười năm sau, hai anh em ruột gặp nhau trên chiến trường, cuối cùng, người này giết người nọ. Rồi họ nhận ra nhau. Nhưng đã quá muộn. Kẻ còn sống, sau đó, đi tu. Cứ đến ngày giỗ lại tụng kinh, cầu cho hương hồn người anh em ruột thịt của mình.
Truyện phim khá đơn giản nhưng kỹ thuật khá già giặn, ở đó, quá khứ và hiện tại cứ xen kẽ nhau.
Như đã nói ở trên, năm nào tôi cũng cho chiếu cuốn phim này cho sinh viên xem. Năm nào cũng có một số sinh viên khóc. Khi phim hết, bật đèn sáng, tôi thấy trong lớp, mắt nhiều em đỏ hoe. Riêng tôi thì dù buồn, vẫn bình tĩnh : Một mặt vì tôi đã quen thuộc với cuốn phim ấy ; mặt khác, cũng quá quen thuộc với những bi kịch kéo dài trong chiến tranh Việt Nam. Cả quãng đời thơ ấu của tôi trôi qua trong chiến tranh. Chưa bao giờ đi lính, chưa bao giờ nhìn thấy chiến trường, nhưng trước năm 1975, tôi đã nhiều lần bị ba mẹ gọi giật dậy giữa khuya và lôi xuống hầm trú ẩn vì pháo kích ; tôi đã nhiều lần nhìn thấy quan tài của một số thanh niên trong làng đi lính bị tử trận…
Vậy mà, không hiểu sao, lần này, xem phim, tôi lại thấy xúc động lạ lùng.
Xem xong, quay lại bài giảng, giọng tôi cứ nghẹn lại. Bọn sinh viên, trước, vốn đã xúc động ; sau, thấy thầy như vậy, càng xúc động thêm, mắt đứa nào đứa nấy đều đỏ hoe. Cuối cùng, cả thầy và trò đều ngồi im lặng. Thật lâu. Thật lâu. Các sinh viên nữ lấy khăn chùi nước mắt, trong khi các sinh viên nam thì ngước nhìn lên trần hoặc ngó lảng đi chỗ khác.
Thật lâu sau, tôi mới cố gắng nói vài điều, để kết thúc môn học, trong đó, tôi nhấn mạnh ý này : Nhìn từ bên ngoài, như từ Úc và Mỹ, chẳng hạn, người ta chỉ biết, trong giai đoạn 1954-75, Việt Nam bị chia làm đôi, trước hết là về phương diện địa lý và sau đó, về chính trị ; nhưng từ cái nhìn bên trong, của người Việt Nam, sự chia cắt ấy đi sâu đến tận từng tế bào nhỏ nhất của xã hội : gia đình. Bi kịch của đất nước, do đó, biến thành bi kịch của gia đình. Ngay sau tháng 4 năm 1975, lúc nhiều gia đình được đoàn tụ, những xung đột gay gắt về quan điểm chính trị giữa cha con, vợ chồng, anh em… khá phổ biến. Nhiều sự xung đột kéo dài đến tận ngày nay. Chúng làm cho cái gọi là ký ức chiến tranh, với người Việt Nam, như những vết thương chưa kéo da non. Trong các vết thương ấy có cả sự thù hận lẫn sự đau xót : Không hiếm trường hợp ở những người mình chống đối quyết liệt có cả hình ảnh của người thân nhất của mình. Sự xung đột ở ngoài, do đó, trở thành một sự xung đột tận bên trong. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi, liên quan đến chiến tranh và hậu quả của chiến tranh, mỗi người Việt Nam là một khối mâu thuẫn khổng lồ. Không hiểu được sự mâu thuẫn ấy, không thể nào giải quyết được các xung đột hiện nay.
Khi buổi học kết thúc, theo thói quen, tôi đứng lại, chờ sinh viên ra trước. Khi đi ngang qua tôi, một sinh viên Úc, mắt còn đỏ hoe, ôm chầm lấy tôi. Vừa như một sự chia sẻ vừa như một sự từ biệt sau một học kỳ.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn : fb.hungquoc.nguyen, 29/04/2018
i các sinh viên nam thì ngước nhìn lên trần hoặc ngó lảng đi chỗ khác.
Thật lâu sau, tôi mới cố gắng nói vài điều, để kết thúc môn học, trong đó, tôi nhấn mạnh ý này : Nhìn từ bên ngoài, như từ Úc và Mỹ, chẳng hạn, người ta chỉ biết, trong giai đoạn 1954-75, Việt Nam bị chia làm đôi, trước hết là về phương diện địa lý và sau đó, về chính trị ; nhưng từ cái nhìn bên trong, của người Việt Nam, sự chia cắt ấy đi sâu đến tận từng tế bào nhỏ nhất của xã hội : gia đình. Bi kịch của đất nước, do đó, biến thành bi kịch của gia đình. Ngay sau tháng 4 năm 1975, lúc nhiều gia đình được đoàn tụ, những xung đột gay gắt về quan điểm chính trị giữa cha con, vợ chồng, anh em… khá phổ biến. Nhiều sự xung đột kéo dài đến tận ngày nay. Chúng làm cho cái gọi là ký ức chiến tranh, với người Việt Nam, như những vết thương chưa kéo da non. Trong các vết thương ấy có cả sự thù hận lẫn sự đau xót : Không hiếm trường hợp ở những người mình chống đối quyết liệt có cả hình ảnh của người thân nhất của mình. Sự xung đột ở ngoài, do đó, trở thành một sự xung đột tận bên trong. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi, liên quan đến chiến tranh và hậu quả của chiến tranh, mỗi người Việt Nam là một khối mâu thuẫn khổng lồ. Không hiểu được sự mâu thuẫn ấy, không thể nào giải quyết được các xung đột hiện nay.
Khi buổi học kết thúc, theo thói quen, tôi đứng lại, chờ sinh viên ra trước. Khi đi ngang qua tôi, một sinh viên Úc, mắt còn đỏ hoe, ôm chầm lấy tôi. Vừa như một sự chia sẻ vừa như một sự từ biệt sau một học kỳ.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn : fb.hungquoc.nguyen, 29/04/2018