Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong bài viết "Nợ công cao do đâu ?", tôi đã nêu ra một số nguyên nhân của tình trạng nợ công cao, bao gồm : 1) bội chi ngân sách kéo dài, 2) đầu tư công không hiệu quả, 3) kỷ luật ngân sách yếu kém 4) phân cấp ngân sách không hiệu quả, và 5) chi phí lãi vay cao. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác, như thông tin thiếu minh bạch và nghĩa vụ nợ phát sinh. Sau đây là một số giải pháp cho vấn đề.

no1 - Copie

Hình minh họa. Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ bên kia sông Sài Gòn. AFP

Tăng hiệu quả chi ngân sách

Nhiều năm qua, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, trong khi chi đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi ngân sách. Không những thế, chi thường xuyên có xu hướng tăng và chi đầu tư có xu hướng giảm. Tỷ lệ giữa chi thường xuyên và chi đầu tư là khoảng 70:30 giai đoạn 2011 – 2015, so với khoảng 63:37 giai đoạn 2006 – 2010 [1]. Chi thường xuyên tăng, cao hơn mức tăng thu, chủ yếu là để phục vụ các chính sách về an sinh xã hội, chi lương, phụ cấp và trả lãi vay, trong đó, chi lương tăng nhanh chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số công chức, viên chức, đặc biệt ở địa phương, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số [2].

Cơ cấu chi tiêu có phần bất hợp lý nêu trên đòi hỏi các cơ quan quản lý rà soát các nhiệm vụ chi, đặc biệt là các nhiệm vụ chi thường xuyên. Đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên không cấp thiết, có thể cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện. Một giải pháp để giảm chi thường xuyên là tinh giản biên chế, hướng tới việc sử dụng nhân lực khu vực công một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần thúc đẩy chi đầu tư (với điều kiện là đầu tư có hiệu quả), đồng thời áp dụng nguyên tắc tài khóa vàng, là vay chỉ để đầu tư mà không để chi tiêu. Ngoài ra, chi tiêu tổng thể nên được giới hạn trong mức tối ưu cho các nước đang phát triển là 15 – 20% GDP [3].

Tăng hiệu quả đầu tư công

Đa phần các dự án đầu tư công không hiệu quả chủ yếu do các nguyên nhân : 1) quy trình đầu tư không chặt chẽ, 2) lạm dụng ngân sách mềm, 3) đầu tư dàn trải, không chọn lọc và không nhắm đến hiệu quả. Do đó, để tăng hiệu quả đầu tư công, điều cần thiết là điều chỉnh quy trình đầu tư, hạn chế hoặc ngăn ngừa lạm dụng ngân sách mềm và đầu tư có chọn lọc.

Về quy trình đầu tư, hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư công chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, trong khi các cơ quan phê duyệt, giám sát các dự án lại là các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp này. Hơn nữa, không ít dự án được chỉ định thầu, mà BOT Cai Lậy là một ví dụ, thay vì được tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Các trường hợp như vậy cần được chấm dứt hoặc ràng buộc bằng các quy định sửa đổi về quy trình đầu tư.

no2 - Copie

Hình minh họa. Trạm thu phí BOT Bến Lức, Đức Hòa Photo : RFA

Để tránh ngân sách mềm bị lạm dụng, nguyên tắc ngân sách cứng cần được áp dụng (ngoại lệ, nếu có, chỉ được chấp nhận với các ràng buộc nghiêm ngặt). Theo đó, nhà nước cần hạn chế tối đa các ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước trong các dự án đầu tư mà các doanh nghiệp này thực hiện, bởi làm vậy dẫn tới tâm lý ỷ lại của các doanh nghiệp này. Liên quan tới giải pháp này là hai giải pháp bên dưới về kỷ luật ngân sách và nghĩa vụ nợ phát sinh.

Để tránh đầu tư dàn trải, không chọn lọc, chính phủ cần tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm. Đối với các địa phương, cần điều chỉnh tỷ trọng chi đầu tư, sao cho không quá lớn như giai đoạn 2011 – 2015, với 70% tổng chi đầu tư công, cao nhất trong các quốc gia đang phát triển với mức trung bình khoảng gần 40% [4]. (Chi đầu tư địa phương quá lớn đi kèm với rủi ro đầu tư dàn trải và hiệu suất thấp). Cùng với đó, việc thẩm định dự án đầu tư cần có sự tham gia của các tổ chức thẩm định độc lập với nhà nước.

Thắt chặt kỷ luật ngân sách

Quốc hội cần thực hiện đúng và đủ thẩm quyền của mình trong việc quyết định kế hoạch ngân sách cũng như chức năng giảm sát việc thực hiện kế hoạch. Việc điều chỉnh hay thay đổi các giới hạn cho các chỉ tiêu an toàn nợ công phải được cân nhắc kỹ lưỡng thay vì được dễ dàng thông qua. Các chỉ tiêu về an toàn nợ công cần được bảo đảm tuân thủ, tránh tình trạng nới rộng phạm vi an toàn.

Cụ thể, nợ công trên GDP không quá 65%, nợ chính phủ trên GDP không quá 54%, nợ nước ngoài trên GDP không quá 50% (theo Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020)[5], thâm hụt ngân sách không quá 5%, cùng các ràng buộc khác. Hơn nữa, để giảm bớt thâm hụt ngân sách, chính phủ cần hạn chế sử dụng chính sách tài khóa thuận chu kỳ như từng sử dụng trong giai đoạn 2000 – 2008, vốn là một nguyên nhân làm tăng gánh nặng nợ công. Bên cạnh đó là ràng buộc ngân sách cứng, nhằm tăng hiệu quả đầu tư công nói riêng (như trên đã nêu), cũng như tăng hiệu quả chi ngân sách nói chung.

Điều chỉnh phân cấp ngân sách

Nhà nước cần thay đổi mô thức phân cấp ngân sách, theo đó, phân cấp ngân sách cần bảo đảm một số nguyên tắc sau đây : Một là phân cấp nhiệm vụ chi phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội. Hai là phân cấp quyền hạn thu phải bảo đảm quyền tự chủ tài chính của mỗi địa phương, nghĩa là mỗi địa phương có thể thu ngân sách tương ứng với nhu cầu chi tiêu cần thiết cho sự phát triển. Ba là các địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các khoản chi của mình [6]. Các khoản trợ cấp từ trung ương cho chi tiêu địa phương phải thỏa mãn các điều kiện nhất định về tính hiệu quả. Bốn là các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình với chính quyền cấp trên và người dân địa phương.

Kiểm soát rủi ro lãi suất, tỷ giá

Lãi suất và tỷ giá là hai yếu tố ảnh hưởng tới nợ công. Lãi suất thực tăng sẽ làm tăng chi phí vay của nợ trong nước và nợ nước ngoài, trong khi tỷ giá (ngoại tệ so với nội tệ) tăng sẽ làm tăng chi phí vay của nợ nước ngoài (bằng ngoại tệ đó). Vì vậy, quản lý nợ trong nước cần kiểm soát rủi ro lãi suất và quản lý nợ nước ngoài cần kiểm soát rủi ro lãi suất và tỷ giá. Các công cụ phái sinh về lãi suất và đồng tiền có thể được sử dụng cho mục đích này, được quy định trong Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, có hiệu lực kể từ 1/7/2018. Cùng với đó, để giảm rủi ro tỷ giá đối với nợ nước ngoài, tỷ trọng nợ nước ngoài cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm.

Các giải pháp khác

Minh bạch hóa thông tin

Các cơ quan nhà nước cần định kỳ, 6 tháng 1 lần theo Luật Quản lý Nợ công, công khai tình hình thu chi ngân sách nói chung và nợ công nói riêng trên các phương tiện truyền thông của mình, chẳng hạn, các cổng thông tin điện tử. Trong trường hợp người dân yêu cầu các cơ quan nhà nước giải trình khi có nghi ngờ về tình trạng sử dụng ngân sách không hiệu quả, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ đáp ứng, nhất là khi Luật Tiếp cận Thông tin có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2018. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xây dựng các báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế[7], theo quy định của Luật Kế toán 2015, giúp cho việc phân tích nợ công cũng như hoạch định các chính sách liên quan được thuận lợi.

Hạn chế nghĩa vụ nợ phát sinh

no3 - Copie

Hình minh họa. Hình chụp hôm 28/2/2013 cho thấy một tàu cũ của công ty Vinashin ở xưởng đóng tàu Nam Triệu, Hải Phòng. AFP

Để hạn chế nghĩa vụ nợ phát sinh, chính phủ cần giảm thiểu các cam kết bảo lãnh, tăng cường giám sát quy trình cấp bảo lãnh và các điều kiện bảo lãnh đối với các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, chính phủ có thể thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả quản trị, đi kèm với nâng cao trách nhiệm giải trình các hoạt động đối với các cơ quan bảo lãnh và các cơ quản lý. Quốc hội có thể xem xét việc đưa vào nợ công thành phần nghĩa vụ nợ phát sinh, trong đó đặt ra các điều kiện để đánh giá khả năng chính phủ can thiệp bằng cách bảo lãnh cho các doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Bằng cách này, nợ công sẽ phản ánh chân thực hơn an toàn nợ công cũng như tính bền vững nợ công.

Quản lý nợ theo chiến lược

Tuy Bộ Tài chính không công bố thông tin về các khoản nợ ngắn hạn trong báo cáo thường niên, thông tin truyền thông cho thấy Việt Nam có áp lực trả nợ ngắn hạn lớn. Đây là các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn nợ công, song chưa được quản lý chặt chẽ. Để quản lý các khoản nợ ngắn hạn một cách hiệu quả, Bộ Tài chính cần lập và thực hiện các chiến lược quản lý dựa theo mô thức của các quốc gia đã quản lý loại nợ này thành công. Một cách tương tự, các khoản nợ trung hạn và dài hạn cũng cần được quản lý một cách chiến lược với các công tác dự báo, phân tích, khuyến nghị của các cơ quan hữu quan.

Duy trì tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cao làm tăng tính bền vững của nợ công và ngược lại. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% là cần thiết để bảo đảm an toàn nợ công.[8] Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhờ vốn và lao động, mà không nhờ năng suất, đó là chưa kể một số vấn đề khác, chẳng hạn, ngày càng phụ thuộc vào FDI, nên nếu tình trạng này tiếp diễn, mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế như vậy là khó khả thi. Do đó, để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần có các chính sách phù hợp để cải thiện năng suất lao động.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 06/09/2018

Chú thích :

[1] Đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam : Chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng

[2] Như [1]

[3] 7 giải pháp giảm nợ công

[4] Như [1]

[5] Quốc hội cho nâng trần nợ Chính phủ không quá 54%

[6] Nguyễn Thị Hải Hà (2013), Nhận diện một số bất cập trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước

[7] Như [1]

[8] Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn (2017), "Bắt mạch" nợ công Việt Nam

Published in Diễn đàn

Ngày 27/8, Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, đã phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp giao ban công tác Thành phố Hà Nội rằng công an thành phố cần "không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố" trong dịp 2/9 [1].

quyen1

Quyền biểu tình (một cách ôn hòa) là một trong các quyền công dân cơ bản

Tuy không nói tới biểu tình mà chỉ nói tới "tụ tập đông người", song phát biểu của ông Chung được cho là chỉ đạo ngăn chặn biểu tình, và xếp chung biểu tình với "hành vi quá khích". Nhân phát biểu này của ông Chung, chúng ta cùng tìm hiểu về quyền biểu tình.

Căn cứ pháp lý quốc gia

Đầu tiên, cần biết rằng quyền biểu tình (một cách ôn hòa) là một trong các quyền công dân cơ bản, là một dạng của quyền tự do biểu đạt, và cũng là một dạng của quyền tự do hội họp. Quyền này được quy định trong Hiến pháp Việt Nam 2013 [2], đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia, tại Điều 25 :

"Người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Vậy pháp luật quy định ra sao về quyền biểu tình ? Câu trả lời là 'Không ra sao cả vì chưa có luật biểu tình'. Điều đó có nghĩa là người dân không được đi biểu tình ? Câu trả lời là 'Không phải thế'. 

Khi chưa có luật biểu tình thì chưa có quy định nào về biểu tình để điều chỉnh các hành vi biểu tình của người dân. Khi đó, các hành vi của người dân trong biểu tình được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật hiện có, chẳng hạn quy định về an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Như vậy, dù chưa có luật biểu tình thì người dân vẫn được đi biểu tình. Việc chưa có luật biểu tình không phải là lý do để ngăn chặn người dân thực hiện quyền này. Nếu chính quyền ngăn chặn người dân biểu tình, chính quyền đã vi phạm hiến pháp, hay vi hiến.

Căn cứ pháp lý quốc tế

Không chỉ có căn cứ pháp lý là hiến pháp quốc gia, quyền biểu tình – một dạng của quyền tự do hội họp (như trên đã nêu) – còn có căn cứ pháp lý là luật quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) [3], và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) [4] mà Việt Nam tham gia năm 1982.

"Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình".

(Khoản 1, Điều 21, UDHR)

"Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác".

(Điều 21, ICCPR)

Trong khi ICCPR với tư cách là một công ước có tính chất ràng buộc đối với Việt Nam cũng như các bên tham gia khác, UDHR không phải là một công ước nhưng có ý nghĩa như "một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia" [5], làm cơ sở cho nhận thức của tất cả các quốc gia và dân tộc về các quyền con người và quyền công dân.

Ngoài ICCPR và UDHR, luật quốc tế còn có nhiều văn bản khác về quyền con người dành cho các cộng đồng khác, như Hiến chương Châu Phi về quyền con người và các dân tộc (the African Charter on Human and Peoples' Rights), Công ước Châu Mỹ về quyền con người (the American Convention on Human Rights), và Công ước Châu Âu về quyền con người (the European Convention on Human Rights), v.v.

Các giới hạn của quyền

Như hầu hết các quyền tự do, quyền biểu tình là có giới hạn. Các giới hạn đó là gì ? Điều 21, ICCPR nêu trên đã chỉ ra các giới hạn, đó là các hạn chế về :

1) an ninh quốc gia,

2) an toàn và trật tự công cộng,

3) sức khỏe và đạo đức xã hội,

4) quyền và tự do của những người khác.

quyen2

Người biểu tình phản đối Trung Quốc đứng trước hàng rào công an trên đường phố Sài Gòn hôm 11/5/2014- AFP

Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng chỉ ra các giới hạn tương tự tại Khoản 2, Điều 14 :

"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Một băn khoăn được đặt ra là có các nguyên tắc hay hướng dẫn nào cho các giới hạn, để các chính quyền tránh xâm phạm vào các quyền tự do nói chung và quyền biểu tình nói riêng hay không ? Câu trả lời là 'Có'. Năm 1985, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Council – ECOSOC) của Liên Hợp Quốc đã thông qua các nguyên tắc Siracusa về các quy định giới hạn và đình chỉ trong ICCPR [6]. Sau đây là một số nguyên tắc : 

"Sức khỏe của công chúng có thể được coi là căn cứ cho việc giới hạn một số quyền để cho phép một nhà nước có biện pháp đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân hoặc các cá nhân thành viên của cộng đồng. Những biện pháp này phải được nhắm cụ thể đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc cung cấp sự chăm sóc cho các bệnh nhân và người bị thương".

(Nguyên tắc 25)

"An ninh quốc gia có thể được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp giới hạn một số quyền chỉ khi chúng được thực hiện để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ của nó hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực".

(Nguyên tắc 29)

"An toàn công cộng nghĩa là bảo vệ chống lại sự nguy hiểm đối với sự an toàn của con người, đối với cuộc sống của họ hoặc toàn vẹn về thể chất, hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của họ".

(Nguyên tắc 33)

"Một giới hạn đối với một quyền con người dựa trên danh dự của người khác không được sử dụng để bảo vệ nhà nước và công chức của mình khỏi quan điểm hoặc chỉ trích của công chúng".

(Nguyên tắc 37)

Có thấy rằng các nguyên tắc trên đây, đặc biệt là các nguyên tắc về an ninh quốc gia và an toàn công cộng, đã không được chính quyền Việt Nam tôn trọng. Hệ quả là các giới hạn về an ninh quốc gia và an toàn công cộng được sử dụng một cách tùy tiện để cản trở người dân thực hành quyền biểu tình cũng như các quyền tự do khác.

Dẫu vậy, việc hiểu biết về quyền biểu tình bên cạnh các quyền tự do khác là rất cần thiết đối với chúng ta, với tư cách là chủ thể của các quyền, để có thể thực hiện các quyền với tất cả sự tự tin và xa hơn, là thúc đẩy các quyền này, để chúng thực sự được chính quyền tôn trọng, và để chúng ta thực sự được tự do.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/08/2018 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Chủ tịch Hà Nội : Không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người dịp 2/9

https://news.zing.vn/chu-tich-ha-noi-khong-de-xay-ra-tinh-trang-tu-tap-d...

[2] Hiến pháp Việt Nam 2013

http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=32801 

[3] Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy...

 [4] Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy...

[5] Dẫn từ lời nói đầu của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 

[6] ABC về các quyền dân sự và chính trị cơ bản (xem phụ lục từ trang 133)

http://isee.org.vn/Content/Home/Library/461/abc-ve-cac-quyen-dan-su-chin...

Published in Diễn đàn
jeudi, 30 août 2018 13:34

Nợ công cao do đâu ?

Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước đưa tin mỗi người Việt Nam gánh 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tương ứng với tổng nợ là 3,5 triệu tỉ đồng và tỷ lệ nợ công trên GDP là 63,92%, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư [1]. Các con số này đều tăng so với các con số tương ứng của năm 2017. Như vậy, tỷ lệ nợ công trên GDP đã tiến gần hơn tới mức trần là 65%. Dự báo cho thấy tổng nợ sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, cụ thể là hơn 3,9 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020.

debt1

Hình minh họa. Một người đếm đô la ở một nơi đổi ngoại tệ ở Hà Nội - AFP

Theo Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP tăng nhanh nhất thế giới [2]. Nhiều con số và thông tin liên quan khác, chẳng hạn lãi suất của các khoản vay vốn đã cao lại càng cao trong tương lai, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất an toàn nợ công.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công cao, trong đó bao gồm 5 nguyên nhân chủ yếu :

1) bội chi ngân sách kéo dài,

2) đầu tư công không hiệu quả,

3) kỷ luật ngân sách yếu kém

4) phân cấp ngân sách không hiệu quả, và

5) chi phí lãi vay cao. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác.

Bội chi ngân sách kéo dài

Năm 2017, nợ chính phủ chiếm 51,8% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 9% GDP, nợ chính quyền địa phương chiếm 0,6% GDP [3]. Các con số tương ứng của các năm cũ hơn cho thấy một cấu hình tương tự, theo đó nợ chính phủ là thành phần chủ yếu của nợ công. Nguồn gốc chủ yếu của nợ chính phủ, theo nhiều phân tích và nhận định, lại là bội chi ngân sách kéo dài. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài là nguồn gốc chủ yếu của nợ công. Cũng theo báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam, cán cân tài chính đang phải đối mặt với rủi ro lớn, do bội chi ngân sách đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 5,6% GDP [4].

debt2

Biểu đồ tỷ trọng nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam qua các năm Tác giả tổng hợp từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính và báo chí

Theo nhiều nghiên cứu, bội chi ngân sách ở mức thấp nhưng kéo dài vẫn nguy hiểm. Việt Nam không những có bội chi ngân sách kéo dài mà còn ở mức cao nên rủi ro đối với an toàn nợ công là không nhỏ. Điều này dẫn đến một câu hỏi là bội chi ngân sách ở mức nào là không cao (?). Không có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, một số chi tiêu chung được dùng bởi các quốc gia có nền tài khóa lành mạnh có thể làm rõ vấn đề. Theo Hiệp ước Maastricht 1992, các quốc gia thành viên phải duy trì thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP. Nếu dựa trên mức được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế này, Việt Nam đang duy trì mức mặc định cao, là 5%, cho bội chi ngân sách hàng năm.

Đầu tư công không hiệu quả

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình trạng không hiệu quả của việc đầu tư 42.000 tỷ đồng trong 72 dự án. Trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì đầu tư không hiệu quả gây ra tổn thất và gánh nặng cho ngân sách. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãng phí trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình xây dựng thấp [5]. Cũng theo ông, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư cũng là nguyên nhân gây nên lãng phí.

debt3

Đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông Courtesy of Bộ Giao thông Vận tải

Có thể kể đến nhiều dự án trong tình trạng nêu trên. Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm 10.738 tỷ đồng. Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỷ đồng lên 6.742 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long qua hai lần điều chỉnh đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi [6]. Gần đây nhất, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được báo chí đưa tin về tình trạng đội vốn từ 8.769 lên 18.000 tỷ đồng. Một số dự án đường sắt khác cũng trong tình trạng tương tự, như dự án đường sắt đô thị Thành phố HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành – Tham Lương, và dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo [7].

Một cách tổng quát, có thể nhận biết hiệu quả đầu tư của quốc gia qua hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR. Theo tính toán, hệ số này của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010 là 5,73, trong giai đoạn 2011 – 2015 là 5,9 [8], nghĩa là Việt Nam phải đầu tư gần 6 đồng mới được 1 đồng tăng trưởng, trong khi hệ số này của các nước trong khu vực là 3 – 4 [9].

Kỷ luật ngân sách yếu kém

Liên quan tới hai nguyên nhân kể trên, phải kể tới nguyên nhân chủ quan là kỷ luật ngân sách. Kỷ luật ngân sách là một tập hợp các nguyên tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt và thực hiện ngân sách nhà nước. Theo IMF, kỷ luật ngân sách bao gồm bốn nhóm :

1) kỷ luật về nợ công,

2) kỷ luật về cán cân ngân sách,

3) kỷ luật về chi ngân sách và

4) kỷ luật về thu ngân sách [10].

Tại Việt Nam, kỷ luật ngân sách cũng xác lập theo 4 nhóm này, trong đó 3 nhóm sau có ảnh hưởng trực tiếp tới thâm hụt ngân sách và nợ công.

Kỷ luật về cán cân ngân sách không nghiêm, thể hiện qua bội chi ngân sách ở mức cao và kéo dài (như đã nêu trên). Bên cạnh đó là sự dễ dãi trong việc điều chỉnh dự toán, quyết toán thâm hụt ngân sách. Trong năm tài khóa 2013, dự toán mức thâm hụt ngân sách là 162.000 tỉ đồng, sau đó được Quốc hội điều chỉnh lên 195.500 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 54/2013/QH13). Đến tháng 5/2015, khi có quyết toán ngân sách năm 2013, con số thâm hụt ngân sách được quyết toán là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế [11].

Theo Luật Ngân sách Nhà nước [12], mức thâm hụt ngân sách không được vượt quá mức chi đầu tư phát triển. Mặc dù quy định này không cho thấy một biện minh rõ ràng cho việc quản lý thâm hụt ngân sách, song cơ bản có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được tuân thủ.

Ngoài ra, việc nới rộng các chỉ tiêu tài khóa lẫn bỏ qua hoặc xem nhẹ các chỉ tiêu vượt mức khác cũng cho thấy kỷ luật ngân sách yếu kém, mà việc nơi rộng tỷ lệ nợ công trên GDP theo thời gian là một ví dụ điển hình.

Liên quan đến vấn đề này là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Theo Hiến pháp 2013 cũng như Hiến pháp 1992, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch ngân sách trong khi Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như quy định. Quốc hội không thực sự có thẩm quyền trong việc quyết định kế hoạch ngân sách, hay nói cách khác, thẩm quyền này chỉ mang tính hình thức.

Phân cấp ngân sách không hiệu quả

Phân cấp ngân sách tại Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập làm trầm trọng thêm tình hình nợ công tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 – 2016, 50 tỉnh vẫn nhận trợ cấp cân đối từ trung ương [13], trong khi sử dụng nguồn trợ cấp này cũng như nguồn thu ngân sách địa phương không hiệu quả. Sự thiếu vắng các cơ chế giám sát chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc càng làm cho ngân sách nhà nước thất thoát. Mặc dù trợ cấp không được tính như nợ chính quyền địa phương, nhưng việc trợ cấp cho các địa phương làm tăng gánh nặng ngân sách, cũng như làm tăng nợ công của quốc gia.

Chi phí lãi vay cao

Nợ nước ngoài trên GDP là một trong các chỉ tiêu an toàn nợ công. Trong số các khoản vay nước ngoài, bên cạnh các khoản vay ưu đãi ODA là các khoản vay có lãi suất cao. Riêng về các khoản vay ODA, đây không nhất thiết là các khoản vay ưu đãi như danh nghĩa của nó, khi các chi phí của các khoản vay này không hề rẻ như nhiều phân tích đã chỉ ra [14]. Các khoản vay với lãi suất cao làm tăng gánh nặng trả nợ của quốc gia. Lãi suất trái phiếu mà chính phủ phát hành để vay nước ngoài cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines [15].

Các nguyên nhân khác

Thông tin thiếu minh bạch

Minh bạch thông tin là một điều kiện thiết yếu cho quản lý nợ công. Sự thiếu công khai, minh bạch dẫn đến bất đối xứng thông tin và kéo theo rủi ro đạo đức và vấn đề ủy quyền – thừa hành. Luật Quản lý Nợ công [16] quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin về nợ công, theo đó 6 tháng một lần, Bộ Tài chính phải phát hành bản tin nợ công dưới dạng dữ liệu trên website của Bộ. Tuy nhiên, Bộ chỉ công bố thông tin nợ công 1 lần 1 năm, và nội dung báo cáo thì không đủ chi tiết để có thể khai thác, thường bao gồm các thông tin không có ý nghĩa, hoặc có ý nghĩa không đáng kể cho việc phân tích nợ công [17].

Nghĩa vụ nợ phát sinh

Nợ của các doanh nghiệp nhà nước không được tính vào nợ công. Các khoản nợ này trên danh nghĩa là các khoản nợ do doanh nghiệp nhà nước vay và doanh nghiệp nhà nước trả. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Khi các doanh nghiệp nhà nước đứng trước nguy cơ vỡ nợ, chính phủ sẽ can thiệp bằng cách thanh toán nợ của các doanh nghiệp này. Đây là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, thường xảy ra tại các nước đang phát triển, và đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn thường là nguyên nhân của nhiều trục trặc về rủi ro nợ công do chúng làm phát sinh nghĩa vụ nợ ngoài dự tính của các cơ quan quản lý [18].

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 29/08/2018

Chú thích :

[1] Mỗi người Việt ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công

[2] Đáng lo ngại : Nợ công Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới

[3] Nợ chính phủ bảo lãnh giảm mạnh

[4] như [2]

[5] Đầu tư công không là ‘chùm khế ngọt’

[6] như [5]

[7] "Choáng" với mức đội vốn đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt đô thị

[8] Đánh giá tác động của tái cơ cấu đầu tư công đến nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015

[9] Khắc phục điểm nghẽn về hiệu quả đầu tư công

[10] Nâng cao kỷ luật tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô

[11] như [10]

[12] Luật cũ năm 2002 (đã hết hiệu lực), và luật mới năm 2015 (hiện có hiệu lực)

[13] Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương : Thực trạng và một số đề xuất

[14] ODA không hoàn lại chưa hẳn là "ngon, bổ, rẻ"

[15] Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam : https://tuoitre.vn/tinh-ben-vung-cua-no-cong-o-viet-nam-378593.htm

[16] Luật cũ năm 2009 (đã hết hiệu lực) và luật mới năm 2017 (hiện có hiệu lực)

[17] Đỗ Thiên Anh Tuấn (2014), Các mô thức quản lý nợ công và vấn đề của Việt Nam

[18] như 17

Published in Diễn đàn
samedi, 18 août 2018 10:44

Nợ công cao do đâu ?

Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước đưa tin mỗi người Việt Nam gánh 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tương ứng với tổng nợ là 3,5 triệu tỉ đồng và tỷ lệ nợ công trên GDP là 63,92%, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư [1]. Các con số này đều tăng so với các con số tương ứng của năm 2017. Như vậy, tỷ lệ nợ công trên GDP đã tiến gần hơn tới mức trần là 65%. Dự báo cho thấy tổng nợ sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, cụ thể là hơn 3,9 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020.

no1

Nguồn : Tác giả tổng hợp từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính và báo chí

Theo Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP tăng nhanh nhất thế giới [2]. Nhiều con số và thông tin liên quan khác, chẳng hạn lãi suất của các khoản vay vốn đã cao lại càng cao trong tương lai, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất an toàn nợ công.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công cao, trong đó bao gồm 5 nguyên nhân chủ yếu : 1) bội chi ngân sách kéo dài, 2) đầu tư công không hiệu quả, 3) kỷ luật ngân sách yếu kém 4) phân cấp ngân sách không hiệu quả, và 5) chi phí lãi vay cao. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác.

Bội chi ngân sách kéo dài

Năm 2017, nợ chính phủ chiếm 51,8% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 9% GDP, nợ chính quyền địa phương chiếm 0,6% GDP [3]. Các con số tương ứng của các năm cũ hơn cho thấy một cấu hình tương tự, theo đó nợ chính phủ là thành phần chủ yếu của nợ công. Nguồn gốc chủ yếu của nợ chính phủ, theo nhiều phân tích và nhận định, lại là bội chi ngân sách kéo dài. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài là nguồn gốc chủ yếu của nợ công. Cũng theo báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam, cán cân tài chính đang phải đối mặt với rủi ro lớn, do bội chi ngân sách đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 5,6% GDP [4].

Theo nhiều nghiên cứu, bội chi ngân sách ở mức thấp nhưng kéo dài vẫn nguy hiểm. Việt Nam không những có bội chi ngân sách kéo dài mà còn ở mức cao nên rủi ro đối với an toàn nợ công là không nhỏ. Điều này dẫn đến một câu hỏi là bội chi ngân sách ở mức nào là không cao (?). Không có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, một số chi tiêu chung được dùng bởi các quốc gia có nền tài khóa lành mạnh có thể làm rõ vấn đề. Theo Hiệp ước Maastricht 1992, các quốc gia thành viên phải duy trì thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP. Nếu dựa trên mức được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế này, Việt Nam đang duy trì mức mặc định cao, là 5%, cho bội chi ngân sách hàng năm.

Đầu tư công không hiệu quả

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã công bố tình trạng không hiệu quả của việc đầu tư 42.000 tỷ đồng trong 72 dự án. Trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì đầu tư không hiệu quả gây ra tổn thất và gánh nặng cho ngân sách. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãng phí trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình xây dựng thấp [5]. Cũng theo ông, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư cũng là nguyên nhân gây nên lãng phí. 

Có thể kể đến nhiều dự án trong tình trạng nêu trên. Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm 10.738 tỷ đồng. Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỷ đồng lên 6.742 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long qua hai lần điều chỉnh đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi.[6] Gần đây nhất, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được báo chí đưa tin về tình trạng đội vốn từ 8.769 lên 18.000 tỷ đồng. Một số dự án đường sắt khác cũng trong tình trạng tương tự, như dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành – Tham Lương, và dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo [7].

Một cách tổng quát, có thể nhận biết hiệu quả đầu tư của quốc gia qua hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR. Theo tính toán, hệ số này của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010 là 5,73, trong giai đoạn 2011 – 2015 là 5,9 [8], nghĩa là Việt Nam phải đầu tư gần 6 đồng mới được 1 đồng tăng trưởng, trong khi hệ số này của các nước trong khu vực là 3 – 4 [9].

Kỷ luật ngân sách yếu kém

Liên quan tới hai nguyên nhân kể trên, phải kể tới nguyên nhân chủ quan là kỷ luật ngân sách. Kỷ luật ngân sách là một tập hợp các nguyên tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt và thực hiện ngân sách nhà nước. Theo IMF, kỷ luật ngân sách bao gồm bốn nhóm : 1) kỷ luật về nợ công, 2) kỷ luật về cán cân ngân sách, 3) kỷ luật về chi ngân sách và 4) kỷ luật về thu ngân sách [10]. Tại Việt Nam, kỷ luật ngân sách cũng xác lập theo 4 nhóm này, trong đó 3 nhóm sau có ảnh hưởng trực tiếp tới thâm hụt ngân sách và nợ công.

Kỷ luật về cán cân ngân sách không nghiêm, thể hiện qua bội chi ngân sách ở mức cao và kéo dài (như đã nêu trên). Bên cạnh đó là sự dễ dãi trong việc điều chỉnh dự toán, quyết toán thâm hụt ngân sách. Trong năm tài khóa 2013, dự toán mức thâm hụt ngân sách là 162.000 tỉ đồng, sau đó được Quốc hội điều chỉnh lên 195.500 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 54/2013/QH13). Đến tháng 5/2015, khi có quyết toán ngân sách năm 2013, con số thâm hụt ngân sách được quyết toán là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế [11].

Theo Luật Ngân sách nhà nước [12], mức thâm hụt ngân sách không được vượt quá mức chi đầu tư phát triển. Mặc dù quy định này không cho thấy một biện minh rõ ràng cho việc quản lý thâm hụt ngân sách, song cơ bản có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được tuân thủ. 

Ngoài ra, việc nới rộng các chỉ tiêu tài khóa lẫn bỏ qua hoặc xem nhẹ các chỉ tiêu vượt mức khác cũng cho thấy kỷ luật ngân sách yếu kém, mà việc nơi rộng tỷ lệ nợ công trên GDP theo thời gian là một ví dụ điển hình. 

Liên quan đến vấn đề này là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Theo Hiến pháp 2013 cũng như Hiến pháp 1992, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch ngân sách trong khi Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như quy định. Quốc hội không thực sự có thẩm quyền trong việc quyết định kế hoạch ngân sách, hay nói cách khác, thẩm quyền này chỉ mang tính hình thức.

Phân cấp ngân sách không hiệu quả

Phân cấp ngân sách tại Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập làm trầm trọng thêm tình hình nợ công tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 – 2016, 50 tỉnh vẫn nhận trợ cấp cân đối từ trung ương [13], trong khi sử dụng nguồn trợ cấp này cũng như nguồn thu ngân sách địa phương không hiệu quả. Sự thiếu vắng các cơ chế giám sát chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc càng làm cho ngân sách nhà nước thất thoát. Mặc dù trợ cấp không được tính như nợ chính quyền địa phương, nhưng việc trợ cấp cho các địa phương làm tăng gánh nặng ngân sách, cũng như làm tăng nợ công của quốc gia. 

Chi phí lãi vay cao

Nợ nước ngoài trên GDP là một trong các chỉ tiêu an toàn nợ công. Trong số các khoản vay nước ngoài, bên cạnh các khoản vay ưu đãi ODA là các khoản vay có lãi suất cao. Riêng về các khoản vay ODA, đây không nhất thiết là các khoản vay ưu đãi như danh nghĩa của nó, khi các chi phí của các khoản vay này không hề rẻ như nhiều phân tích đã chỉ ra [14]. Các khoản vay với lãi suất cao làm tăng gánh nặng trả nợ của quốc gia. Lãi suất trái phiếu mà chính phủ phát hành để vay nước ngoài cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines [15].

Các nguyên nhân khác

Thông tin thiếu minh bạch

Minh bạch thông tin là một điều kiện thiết yếu cho quản lý nợ công. Sự thiếu công khai, minh bạch dẫn đến bất đối xứng thông tin và kéo theo rủi ro đạo đức và vấn đề ủy quyền – thừa hành. Luật Quản lý Nợ công [16] quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin về nợ công, theo đó 6 tháng một lần, Bộ Tài chính phải phát hành bản tin nợ công dưới dạng dữ liệu trên website của Bộ. Tuy nhiên, Bộ chỉ công bố thông tin nợ công 1 lần 1 năm, và nội dung báo cáo thì không đủ chi tiết để có thể khai thác, thường bao gồm các thông tin không có ý nghĩa, hoặc có ý nghĩa không đáng kể cho việc phân tích nợ công [17].

Nghĩa vụ nợ phát sinh

Nợ của các doanh nghiệp nhà nước không được tính vào nợ công. Các khoản nợ này trên danh nghĩa là các khoản nợ do doanh nghiệp nhà nước vay và doanh nghiệp nhà nước trả. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Khi các doanh nghiệp nhà nước đứng trước nguy cơ vỡ nợ, chính phủ sẽ can thiệp bằng cách thanh toán nợ của các doanh nghiệp này. Đây là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, thường xảy ra tại các nước đang phát triển, và đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn thường là nguyên nhân của nhiều trục trặc về rủi ro nợ công do chúng làm phát sinh nghĩa vụ nợ ngoài dự tính của các cơ quan quản lý [18].

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 18/08/2018

Chú thích :

[1] Mỗi người Việt ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công
https://thanhnien.vn/thoi-su/moi-nguoi-viet-ganh-35-trieu-dong-no-cong-9...

[2] Đáng lo ngại : Nợ công Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dang-lo-ngai-no-cong-viet-nam-thuoc-nhom...

[3] Nợ chính phủ bảo lãnh giảm mạnh 
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-06-01/no...

[4] như [2]

[5] Đầu tư công không là ‘chùm khế ngọt’
http://cafef.vn/dau-tu-cong-khong-la-chum-khe-ngot-2017102114483916.chn

[6] như [5]

[7] "Choáng" với mức đội vốn đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt đô thị
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/choang-voi-muc-doi-von-dau-tu-cua-hang-l...

[8] Đánh giá tác động của tái cơ cấu đầu tư công đến nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/r/m/ncvtd/ncvtd_chitiet ?...

[9] Khắc phục điểm nghẽn về hiệu quả đầu tư công
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2017-09-22/kh...

[10] Nâng cao kỷ luật tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-ky-luat-tai-khoa-o...

[11] như [10]

[12] Luật cũ năm 2002 (đã hết hiệu lực), và luật mới năm 2015 (hiện có hiệu lực)

[13] Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương : Thực trạng và một số đề xuất
http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/quan-he-giua-...

[14] ODA không hoàn lại chưa hẳn là "ngon, bổ, rẻ"
http://www.thesaigontimes.vn/155671/ODA-khong-hoan-lai-chua-han-la-ngon-...

[15] Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam
https://tuoitre.vn/tinh-ben-vung-cua-no-cong-o-viet-nam-378593.htm

[16] Luật cũ năm 2009 (đã hết hiệu lực) và luật mới năm 2017 (hiện có hiệu lực)

[17] Đỗ Thiên Anh Tuấn (2014), Các mô thức quản lý nợ công và vấn đề của Việt Nam
http://www.fetp.edu.vn/vn/bao-cao-chinh-sach/nghien-cuu-chinh-sach/cac-m...

[18] như 17

Published in Diễn đàn
Trang 5 đến 5