Theo Tiêu chuẩn Việt Nam cũng như Code Codex nước uống đóng chai chỉ có hai loại : một là Nước khoáng thiên nhiên quy định khắt khe về tiêu chuẩn nguồn, cách xử lý, thành phần khoáng, hóa, sinh… loại thứ hai là Nước uống đóng chai nói chung với các tiêu chuẩn đơn giản, gọi tên thương mại là nước tinh lọc, tinh khiết… Nước tinh khiết TH cung cấp cho các nhà báo quốc tế chỉ là nước loại phổ thông này.
Nước uống tinh khiết TH true WATER được khai thác núi lửa đã tắt 2,6 triệu năm tại Núi Tiên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: T.H
"Nước uống cho phóng viên đưa tin thượng đỉnh Mỹ - Triều lấy dưới lòng núi lửa đã tắt" [1] là tựa đề hoành tráng trên mục Thời Sự báo Tuổi trẻ online ngày 28-2 như một phát hiện mới mẻ, một sự kiện đặc biệt, thu hút người đọc nhất là trong bối cảnh hội nghi bế tắc, kết thúc bất ngờ không đạt thỏa thuận nào.
Nước dưới lòng núi lửa là nước quý ?
Ngay đầu bài báo đã nhấn mạnh về sự đặc biệt là "Loại nước uống tinh khiết chính thức mang tên TH true WATER được Tập đoàn TH cung cấp cho Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 lấy từ mạch nước ngầm dưới lòng núi lửa đã tắt 2,6 triệu năm".
Nước Tinh Khiết Th True Water - Nguồn nước ngầm hoàn toàn từ thiên nhiên - Ảnh Th True Milk 05/01/2019
Toàn bộ bài viết đã dành những lời có cánh cho loại nước dưới lòng núi lửa này từ chất lượng nước đến thái độ của người sử dụng :
"Nhiều phóng viên quốc tế khá bất ngờ khi biết chai nước mình uống được sản xuất từ mạch nước ngầm nằm sâu trong các tầng đá bazan olinvin dưới lòng núi lửa đã tắt 2,6 triệu năm tại Núi Tiên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Các nhà địa chất học đã tìm thấy từ tầng nước sâu của lòng núi lửa Núi Tiên loại đá Bazan Olivin có màu xám, xám xanh, cấu tạo dạng bọt - được coi là bộ lọc tự nhiên tốt nhất.
Do đó, nguồn nước ngầm nơi đây được lưu trữ và bảo vệ sâu trong các lớp đá Bazan, tránh xa các yếu tố bên ngoài, bảo vệ khỏi các tác nhân gây ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng và tác động của con người, cho chất lượng nước tốt, sạch, tinh khiết đến mức có thể sử dụng trực tiếp".
Cách nhấn nhá long trọng của bài báo làm người đọc cảm nhận nước dưới chân núi lửa là loại nước quý hiếm có một không hai trên đời đến nổi nhiều phóng viên quốc tế phải bất ngờ.
Cùng một nội dung trên nhưng trên trang web của nhà sản xuất TH câu chữ vẫn có vẻ ngay tình và khiêm tốn hơn :
"Trên một ngọn núi lửa lâu đời vùng trung du miền núi Nghệ An, hình thành 2,6 triệu năm trước với tên gọi Núi Tiên, những đám mây trong lành mang cơn mưa nhiệt đới tưới mát thảm thực vật nguyên sơ, ngấm sâu qua tầng tầng lớp lớp đá núi lửa bazan olivin, lọc đi những bụi bẩn và tạp chất, hình thành nguồn nước ngầm tự nhiên, mát lành. Qua hàng ngàn năm, dòng nước ngầm được các lớp đá bazan bao bọc, cách li với môi trường bên ngoài nên rất sạch tinh khiết ngọt lành, có thể uống trực tiếp [2].
Chỉ có hai loại : nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai
Về mặt khoa học, "Nước dưới chân núi lửa" có giá đặc biệt nào không so với các loại nước uống khác ? Xin thưa rằng không ai biết được ! Các nhà khoa học và quản lý kỹ thuật nước uống không hề quan tâm đến điều này. Tiêu chuẩn chất lượng nước uống Việt Nam, Code Codex (Codex- Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế là một tổ chức liên chính phủ của Liên hiệp quốc do FAO và WHO đồng sáng lập) hay các khuyến cáo của WHO về nước uống đóng chai không hề ghi nhận về loại nước này.
Hơn thế nữa, các quy định về tiêu chuẩn nước uống đóng chai cũng không hề phân biệt về cấu tạo địa chất của nguồn nước khai thác mà xem xét ở các yếu tố khác. Cách đây hơn 20 năm, có Giáo sư Tiến sĩ T nhà địa đất hàng đầu của Miền Nam cũng từng hào hứng có nhiều bài báo khen nước nhãn hiệu D là nước khoáng tốt nhất vì được khai thác trong địa tầng mầm đá. Một nhà quản lý trẻ đã viết thư góp ý cho giáo sư, cung cấp thông tin khoa học về nước uống đóng chai và ông đã nghiêm túc tiếp thu, không nêu quan điểm này. Đến nay ông qua đời và nhản hiệu nước D cũng không còn tồn tại.
Khoa học và quy định về chất lượng nước uống đóng chai đã có hàng trăm năm ở Châu Âu và Việt Nam đã có từ thòi Pháp thuộc với nước khoáng Vichy, Vĩnh Hảo. Từ khi mở cửa hội nhập Việt Nam cũng đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn chất lượng nước uống đóng chai tương thích với các hệ tiêu chuẩn của thế giới mà cụ thể là Code Codex.
Quy định hiện hành là Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 62132004 nước khoáng thiên nhiên đóng chai Bottled/packaged natural mineral waters Hà Nội – 2004 [3] dành cho nước khoáng thiên nhiên đóng chai và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6096:2010 - Codex STAN 227-2001 là Tiêu chuẩn chung về nước uống đóng chai (không phải nước khoáng thiên nhiên đóng chai) [4].
TH chỉ là nước đóng chai
Không đi sâu vào chi tiết nhưng theo hai bộ tiêu chuẩn nói trên có thể khai quát rằng tiêu chuẩn nước Khoáng Thiên Nhiên khắt khe hơn nước đóng chai về các yếu tố cơ bản sau đây :
Về nguồn nước : phải được khai thác từ một nguồn nhất định, nguồn nước phải được khảo sát đánh giá và qua một hội đồng khoa học quốc gia phê duyệt bảo đảm ổn định về thành phần khoáng chất, không bị thay đổi bới bất ký tác động nào ở môi trường bên ngoài.
Việc khai thác, xử lý và đóng chai nước khoáng thiên nhiên phải theo quy trình khép kín ngay tại nguồn.
Quy trình xử lý nước khoáng thiên nhiên chỉ được áp dụng các biện pháp cơ học lắng, lọc, mà không được dùng hóa lý như sục khí ozon hoặc dùng tia cực tím…
Về các thành phần lý, hóa, sinh của nước phải đạt theo các tiêu chuẩn quy định.
Với nước uống đóng chai nói chung, có thể khai thác từ một nguồn nước bất kỳ là nước ngầm hay nước mặt, không phải sản xuất khép kín, vô chai tại nguồn. Có thể dùng các biện pháp hóa lý để xử lý nước thậm chí có thể bỏ thêm chất khoáng bên ngoài vào…. Đương nhiên theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì nước uống đóng chai cũng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn lý, hóa, sinh nhất định… Muốn đạt tiêu chuẩn nước Nước khoáng thiên nhiên thì phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đã nêu. Nếu chỉ thiếu dù chỉ một yếu tố nhỏ thì dù rằng nước trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hay Bắc Cực, dưới chân núi lửa... đều không được gọi là Nước khoáng thiên nhiên mà chỉ là "nước đóng chai" tương đương với nước ao hồ sông rạch.
Với sự khác biệt về tiêu chuẩn trên, nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai có sự khác biệt rất lớn về chi phí đầu tư, chi phí sản xuất và đương nhiên có sự khác biệt về chất lượng. Vì vậy, theo quy định chỉ những đơn vị đủ điều kiện theo tiêu chuẩn TCVN 6213 : 2004 mới được gọi tên là "nước khoáng thiên nhiên." Các loại nước uống đóng chai khác được nhà sản xuất đặt tên thương phẩm theo nhiêu dạng khác nhau như : Tinh lọc, Tinh khiết, nước Suối…. nhưng thực chất là cùng một loại nước uống đóng chai.
Theo bài báo cũng như trên website của TH, nước cung cấp cho các nhà báo trong hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ là loại nước đóng chai. Dù cho được lấy dưới chân núi lửa hàng triệu năm nhưng vì lý do nào đó chưa hội đủ điều kiện để được gọi là nước Khoáng Thiên Nhiên thì về tiêu chẩn chất lượng nó cũng là loại nước bình thường như nước ao hồ đóng chai.
Rất tiếc, với cái lý nước dưới chân núi lửa đã tắt trên 2,6 triệu năm, trở thành bài báo trên mục Thời Sự trong một chuỗi sự kiện quốc tế lại liên quan trực tiếp đến các nhà báo quốc tế, nước TH có vẻ trở thành ‘báu vật" và tạo ra sự ngộ nhận đáng tiếc cho người tiêu dùng về chất lượng của nước uống này.
Trump thua, Kim chẳng được gì, chỉ… TH thắng to
Hơn nữa, không chỉ trong phần nguồn nước dưới chân núi lửa, phần còn lại bài viết cũng chỉ là quảng bá về thiết bị, công nghệ của nước TH với những lời khen có cánh. Bài báo này nếu đặt ở trang quảng cáo hay ở dạng bán trang cho nhà sản xuất thì hoàn toàn không có vấn đề, ngược lại có thể xem là bài quảng cáo hay, PR khéo. Nhưng hào hứng đưa bài viết vào mục Thời Sự nó lại thành thông tin trớ trêu.
Nếu trong hơn 3000 nhà báo nước ngoài có người sành điệu hiểu về nước uống và đọc bài báo này thì họ nghĩ gì về báo chí Việt Nam ?
Vốn là một đồng nghiệp quý trọng, yêu mến báo Tuổi Trẻ, cùng đau đớn với các bạn khi bị tai nạn nghề nghiệp, từng kỳ vọng các bạn sẽ trở lại với sự trong sáng, nhiệt huyết xưa nay. Viết những dòng này chúng tôi vẫn nhủ với mình rằng đây là sơ sót vô tình. Tuổi Trẻ sẽ khách quan nhìn ra sự thật và công bằng với bạn đọc, có thông tin khắc phục kịp thời. Nếu không thì e rằng, trong hội nghị thượng đỉnh này, Trump thua, Kim chẳng được gì, chỉ có nhà sản xuất TH thắng to với nước uống dưới chân núi lửa triệu năm.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 01/03/2019 (Gió Bấc's blog)
2. http://www.thmilk.vn/nuoc-tinh-khiet-th-true-water-500-ml.html
3. https://tailieu.vn/doc/tieu-chuan-viet-nam-6213-2004-206372.html
4. https://tailieu.vn/doc/tieu-chuan-quoc-gia-tcvn-6096-2010-codex-stan-227...
Thứ Bảy, ngày 23/2, mạng xã hội Facebook lan truyền một thông báo được cho là của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về việc Quỹ này chấm dứt hoạt động.
Trang mạng Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh
Thông báo được đề ngày 20/2 với chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch của Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Trong số các trang lan truyền thông báo này có trang cá nhân của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên [1] và fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy [2].
Điều lạ thường là một thông báo như vậy lại chưa được công bố trên website của Quỹ (quyphanchautrinh.org), tính đến 6 giờ tối ngày 23/2.
Truy nguyên nguồn gốc của thông báo, người viết thấy rằng nơi đăng tải thông báo sớm nhất có lẽ là trang viet-studies.net của Tiến sĩ Trần Hữu Dũng (ngày 22/2) [3].
Dù thông báo chưa được công bố trên website của Quỹ, song theo một số nguồn đáng tin cậy, thông báo cũng như việc Quỹ chấm dứt hoạt động là có thật. Điều này càng được khẳng định khi Tuổi Trẻ và sau đó là nhiều báo khác đưa tin, tuy muộn hơn mạng xã hội [4].
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức phi chính phủ và vô vị lợi ra đời vào năm 2008, mà tiền thân là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, ra đời vào năm 2006 [5].
Sứ mệnh của Quỹ là "góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21" [5], xuất phát từ con đường "Khai Dân trí – Chấn Dân khí – Hậu Dân sinh" mà nhà yêu nước, nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã đưa ra cách đây hơn một thế kỷ.
Thông báo ghi rằng qua 11 năm hoạt động, Quỹ đã luôn trung thành với sứ mệnh trên đây, đã giới thiệu nhiều tác phẩm tinh hoa của văn hóa thế giới, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, và đáng kể nhất là giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa qua Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm, v.v.
Lý do chấm dứt hoạt động, như thông báo cho biết, là "một số điều kiện khách quan".
Không rõ một số điều kiện khách quan ở đây là gì, song khi thông báo không nêu ra, nó khiến người đọc đặt câu hỏi về một số điều kiện khách quan đó.
Có thể đó là những khó khăn về các phương diện như nhân lực, tài chính (Quỹ có ít người trẻ và hạn chế về tài chính), như Giáo sư Chu Hảo, Phó Chủ tịch của Quỹ, đã có lần chia sẻ trong một chương trình truyền hình của VTV1 về văn hóa và giáo dục Việt Nam,[6] song liệu ngoài các điều kiện khách quan, có hay không các điều kiện chủ quan ?
Trong bối cảnh mà tự do học thuật ngày càng bị thắt chặt, nhất là sau sự kiện Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì NXB Tri Thức – nơi ông làm giám đốc kiêm tổng biên tập – đã xuất bản một số cuốn sách "có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản" [7], liệu sự chấm dứt hoạt động của Quỹ còn vì áp lực của hệ thống chính trị ?
Nếu câu trả lời là 'Đúng', rõ ràng thông báo này còn là kết quả của sự lùi bước của Quỹ trước áp lực nêu trên. Nói cách khác, nó là kết quả của sự thoái trào của quyết tâm của những người đứng đầu, nhất là bà Nguyễn Thị Bình, trong việc thực hiện sứ mệnh mà bà và những người sáng lập đã đặt ra cho Quỹ vào 11 năm trước.
Nếu câu trả lời là 'Đúng', nó cho thấy cam kết của họ đã không đủ mạnh, bản lĩnh của họ đã không đủ vững, hay ý chí của họ đã không đủ cao, và do vậy mà họ không thể duy trì hoạt động của Quỹ lâu dài, như lẽ ra phải thế.
(Cần nói thêm rằng bà Nguyễn Thị Bình đã không hề lên tiếng trước sự kiện Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì hoạt động nêu trên, vốn có liên quan đến Quỹ.)
Sự chấm dứt hoạt động của Quỹ gây nên nỗi buồn chán cho một số người, và mang lại tiếng thở dài cho một số người khác, nhất là những người trong giới sách vở và học thuật. Các hoạt động về sách vở và học thuật từ nay sẽ thêm phần khó khăn.
Dẫu vậy, có lẽ những người quan sát, kể cả những người đang buồn chán và thở dài, cần có một thái độ tích cực hơn rằng, nếu những người sáng lập Quỹ đã không thể đi tiếp con đường, dù vì lý do gì, thì những người khác – đặc biệt là những người trẻ – sẽ đi những con đường tương tự, song sẽ phải bền chí và kiên gan hơn, bới đó là những con đường phải đi, và việc đi trên chúng là đòi hỏi khách quan của công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 23/02/2019
Chú thích :
[1] Thông báo trên facebook của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
[2] Thông báo trên fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy
[3] Thông báo trên trang viet-studies.net của Tiến sĩ Trần Hữu Dũng
[4] Tin về sự kiện trên báo Tuổi Trẻ
[5] Thông báo ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2007, nhưng website của Quỹ ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2008 theo Quyết định số 1063 ngày 3 tháng 10 năm 2008 của UBND Thành phố Hà Nội.
[6] Giới thiệu tổng quan về Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh
[7] Giáo sư Chu Hảo nói về thực trạng văn hóa và giáo dục Việt Nam trên VTV1
[8] Xem xét thi hành kỷ luật nguyên thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Hảo
(Bài viết nhân ngày mất của Tưởng Kinh Quốc, 13/1/1988 – 13/1/2019)
Tháng 3 năm 1978, Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo), con trai của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) và lúc đó là thủ tướng của Trung Hoa Dân Quốc được Quốc hội bầu làm tổng thống. Ông tại vị cho đến năm 1988, với 2 nhiệm kỳ kéo dài 10 năm.
Tưởng Kinh Quốc (trái) và Tưởng Giới Thạch (Nguồn : Internet)
Trong 10 năm làm tổng thống, Tưởng Kinh Quốc gần như duy trì các chính sách được thiết lập bởi Quốc Dân Đảng hết 8 năm đầu. Riêng trong 2 năm cuối, ông đã thực hiện các cải cách chính trị mang tính bước ngoặt, làm tiền đề cho tiến trình dân chủ Đài Loan.
Thời điểm đánh dấu các cải cách chính trị đáng kể đầu tiên là tháng 3 năm 1986. Tưởng Kinh Quốc khi ấy đã chỉ định một ủy ban gồm 12 người để xây dựng kế hoạch dỡ bỏ thiết quân luật, hợp pháp hóa các chính đảng mới và thực hiện các cải cách chính trị quan trọng khác [1].
Tháng 5 năm 1986, lần đầu tiên kể từ năm 1947, các cuộc đàm phán được tổ chức giữa Quốc Dân Đảng và một phe đối lập, đó là Hiệp hội nghiên cứu ngoài đảng về chính sách công (Tangwai Research Association for Public Policy, TRAFPP). Mặc dù TRAFPP là bất hợp pháp, song việc Quốc Dân Đảng công nhận sự tồn tại của nó về mặt chính trị trên thực tế là bước quan trọng hướng tới dân chủ [2].
Tháng 9 năm 1986, tiếp tục lấn tới để tăng cường vị thế chính trị trước sự nhượng bộ của Quốc Dân Đảng, các nhà lãnh đạo của TRAFPP đã thành lập Đảng Dân Tiến. Bất chấp các khuyến nghị của chính Quốc Dân Đảng rằng cần giải tán đảng này và bắt giữ các lãnh đạo của nó, Tưởng Kinh Quốc đã để nó hoạt động.
Ngày 06/12/1986, trong cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng Dân Tiến ra tranh cử, 11 người của nhóm Chu Thanh Ngọc trúng tuyển vào Quốc hội, 12 người của nhóm Khang Ninh Trường trúng tuyển vào Viện Lập pháp. Quốc Dân Đảng tuy không thất bại song thu được số phiếu thấp hơn dự kiến và thấp nhất từ trước cho đến bấy giờ (thực tế chỉ 69,87% so với dự kiến hơn 70%) [3].
Ngày 17/12/1986, Tưởng Kinh Quốc chỉ thị nhóm nghiên cứu Luật An ninh Quốc gia với nguyên tắc giảm sự khống chế đến mức thấp nhất đối với nhân dân [4].
Ngày 18/01/1987, Quốc Dân Đảng tiếp nhận yêu cầu của Đảng Dân Tiến, theo đó, đảng đoàn Ủy viên Lập pháp của Đảng Dân Tiến được lập một văn phòng tại Viện Lập pháp để có chỗ làm việc. Chế độ hai đảng bắt đầu xuất hiện trong Quốc hội của chính quyền Đài Loan [5].
Ngày 20/01/1987, các tù nhân chính trị trong sự kiện Cao Hùng – vốn là cuộc đối đầu bạo lực vào cuối năm 1979 giữa chính phủ và những người ngoài đảng, trong đó có các thành viên của các tổ chức phản đối độc đảng, đòi hỏi dân chủ – được tha trước thời hạn [6].
Ngày 05/02/1987, Viện trưởng Hành chính Du Quốc Hoa chỉ thị các cơ quan hữu quan nghiên cứu lại vấn đề đăng ký và tăng số trang đối với báo chí. Động thái này cho thấy chính quyền của Tưởng Kinh Quốc muốn chấm dứt chế độ cấm báo chí trong hơn 30 năm qua [7].
Ngày 21/02/1987, lệnh cấm đối với tổ chức tôn giáo Nhất Quán Đạo được thu hồi. Các tín đồ Tân Ước trước đây bị coi là "tà giáo" nay được phép đến nhà thờ của họ để lễ bái tự do [8].
Làn gió đổi mới của cải cách cũng thổi vào các trường trung học và đại học. Các báo của sinh viên trước đây bị kiểm duyệt bởi ban huấn đạo nay có thể được kiểm duyệt bởi các giáo sư do sinh viên lựa chọn. Một số cấm đoán trong trường đối với sinh viên nay cũng được thào dỡ [9].
Ngày 14/07/1987, Tưởng Kinh Quốc tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật sau 38 năm tồn tại của luật này. Ba tháng sau, Thường vụ Trung ương Quốc Dân Đảng thông qua nghị quyết cho phép người dân viếng thăm gia đình ở đại lục, kết thúc thời gian cách biệt với đại lục cũng ngần ấy năm [10].
Cũng trong năm 1987, Tưởng Kinh Quốc đã bổ nhiệm Phó Tổng thống Lý Đăng Huy, một người Đài Loan bản địa, làm chủ tịch Quốc Dân Đảng và chỉ định ông làm tổng thống kế nhiệm, chấm dứt chế độ gia đình trị và phe nhóm trị, cho dù điều này bị Quốc Dân Đảng phản đối [11].
Ngày 13/01/1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người và cả các đảng phái đối lập. Kế thừa các tiền đề được tạo dựng bởi Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy lên làm tổng thông và thực hiện các cải cách tiếp theo khiến tiến trình dân chủ đi xa hơn.
Bên cạnh các cải cách chính trị, các thành tựu kinh tế thời Tưởng Kinh Quốc có tác dụng bổ trợ cho tiến trình dân chủ Đài Loan. Trong những năm ông tại vị, kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ có khi lên tới hơn 14%. GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương năm 1980 đã là hơn 4.000 USD, và gấp đôi 8 năm sau đó [12].
Theo thời gian, Đài Loan đã chuyển đổi thành công và êm thắm từ độc tài sang dân chủ mà không có các cuộc cách mạng lật đổ và trở thành một trong các quốc gia dân chủ nhất thế giới ngày nay xét về nhiều phương diện, như bầu cử minh bạch, báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển.
Trong nhiều nhân tố thúc đẩy tiến trình dân chủ Đài Loan, vai trò của Tưởng Kinh Quốc, tuy chỉ thể hiện rõ nét trong hai năm cuối cầm quyền, song có ý nghĩa mở đường cho những đổi thay tích cực cho dân chủ về sau.
Khi đánh giá vai trò cá nhân của Tưởng Kinh Quốc, có quan điểm cho rằng chủ trương cải cách và dân chủ hóa của ông thể hiện mạnh mẽ ý chí và quyết tâm của ông, với tư cách là người đứng đầu, trước các xu hướng bất đồng và chống đối.
Dù còn những tranh cãi rằng Tưởng Kinh Quốc liệu thực hiện các cải cách là vì lợi ích của quốc gia hơn là lợi ích đảng phái, hay ngược lại, vì lợi ích đảng phái hơn là lợi ích quốc gia, thì có lẽ câu trả lời không quá quan trọng, vì điều quan trọng thực sự là kết quả có hậu của các cải cách đó đối với tiến trình dân chủ Đài Loan.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 13/01/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích:
[1][2] What Motivated the KMT in Taiwan’s Democratization?
[3][4][5][6][7][8][9][10] Hoàng Gia Thụ, Đài Loan : Tiến trình hóa rồng
[11] Về đạo đức người cầm quyền trường hợp Park Chung-hee và Tưởng Kinh Quốc
Dân chủ, như một thể chế, là cách thức tổ chức xã hội mà ở đó người dân làm chủ đất nước bằng cách ra quyết định, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua đại diện), về các vấn đề của đất nước. Trong trường hợp trực tiếp, ta có dân chủ trực tiếp. Trong trường hợp gián tiếp, ta có dân chủ gián tiếp hay dân chủ đại diện.
Hình : Democracy (Nguồn : Internet)
Phát biểu trên đây về dân chủ mới chỉ dừng lại ở mặt hình thức của nó. Dân chủ về mặt bản chất, tức người dân thực sự làm chủ, bao hàm làm chủ hiệu quả, đòi hỏi một số đặc điểm. Các đặc điểm này làm nên dân chủ như một (hay một hệ) giá trị.
Để dân chủ về mặt bản chất trở nên dễ hiểu, tôi sẽ phóng chiếu các đặc điểm của nó vào một nhân cách. Nhân cách đó như thế nào ? Dưới đây, tôi mô tả nhân cách đó với tên gọi Democracy.
Đây là Democracy.
Democracy không độc quyền chân lý.
Democracy hiểu rằng không có chân lý tuyệt đối trừ điều này.
Democracy sẵn sàng tranh luận để kiếm tìm hay tiệm cận chân lý thay vì cãi lộn và chửi bới.
Democracy chấp nhận mình có khả năng sai và người tranh luận với mình có khả năng đúng.
Democracy không dùng bạo lực, về thể chất hay tinh thần, để ép ai theo anh.
Democracy không dùng số đông để uy hiếp thiếu số.
Democracy chấp nhận sự đa dạng và sự khác biệt.
Democracy cởi mở và bao dung.
Democracy có tinh thần độc lập.
Democracy không bừa bãi mà kỷ luật, bởi anh biết rằng kỷ luật và sự tôn trọng kỷ luật là những yếu tố quan trọng cho sự sống còn của anh.
Hẳn nhiên, Democracy thượng tôn pháp luật, trừ thứ pháp luật làm suy yếu anh. Và, với thứ pháp luật làm suy yếu anh, anh tìm cách để thay đổi nó.
Democracy chịu khó học hỏi để nâng cao hiểu biết và nhận thức, bởi anh hiểu rằng hiệu quả của anh một phần không nhỏ nhờ vào hiểu biết và nhận thức của anh.
Trước một điều sai trái, Democracy lên tiếng hơn là im lặng, phản kháng hơn là chấp nhận, can đảm hơn là hèn nhát, bởi anh hiểu rằng anh mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào sự lên tiếng, sự phản kháng và sự can đảm của anh.
Democracy không thờ ơ, không đứng ngoài các hoạt động của các tổ chức hay cộng đồng mà anh là thành viên, bởi anh hiểu rằng anh khỏe hay ốm cốt ở sự tham gia của chính anh cũng như các thành viên khác của các tổ chức hay cộng đồng đó, chẳng hạn :
Là thành viên của một gia đình, Democracy thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo khế ước gia đình (ngầm định hoặc thành văn), đồng thời không quên tham gia vào các quyết định của gia đình để làm gia đình thêm phần hạnh phúc.
Là thành viên của một quốc gia, Democracy thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời không quên thực hiện các quyền con người và các quyền công dân của mình, như tự do ngôn luận & biểu đạt, tự do tín ngưỡng & tôn giáo, tự do hội họp & lập hội, tự do đi lại & cư trú, tự do ứng cử & bầu cử, v.v, để làm quốc gia thêm phần tự do.
Lưu ý là, mặc dù Democracy có thể không thực hiện các quyền ấy, nhưng Democracy chọn thực hiện chúng, bởi anh hiểu rằng khi anh không thực hiện chúng chính là khi anh làm cho chúng xói mòn. Ngược lại, khi anh thực hiện chúng chính là khi anh duy hộ chúng và làm cho chúng sống động, và vì vậy mà anh làm chủ các tổ chức hay cộng đồng của mình tốt hơn.
Democracy còn nhiều đặc điểm khác nữa.
Có một điều thú vị, Democracy có một bạn gái tên là Liberty.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 31/12/2018 (NguyenTrangNhung's blog)
H’Hen Niê, nhan sắc Việt Nam lọt vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 đã trở thành điểm nhấn của truyền thông trong nửa tháng qua. Cho đến hôm nay, dư âm về kỳ tích của cô vẫn còn đậm nét. Mới hôm 28/12, nhiều trang báo Việt Nam đã đăng tải những lời có cánh của một số trang báo nước ngoài dành cho cô. Trong những ngày trước đó, tin tức về cô càng được truyền thông khai thác triệt để. Chưa khi nào nhan sắc Việt Nam lại khiến truyền thông phấn khích đến thế.
Hoa hậu và hai Á hậu vừa đáp chuyến bay từ Nha Trang về Thành phố Hồ Chí Minh để giao lưu với độc giả Zing.vn.
‘Báo Mỹ khen H’Hen Niê 'phá vỡ mọi chuẩn mực cái đẹp' (Thanh Niên, 28/12) [1], 'Báo quốc tế ca ngợi 'H'Hen Niê : Người phụ nữ hoàn hảo cuối cùng đã xuất hiện' (Vietnamnet, 28/12) [2], 'Khán giả quốc tế yêu mến H'Hen Niê hơn Hoa hậu Hoàn vũ 2018' (Zing, 22/12) [3], 'Philippines – quê hương Hoa hậu Hoàn vũ 2018 – "mải miết" tìm hiểu về... H’hen Niê' (Dân Trí, 21/12) [4] và nhiều tin tức khác về H’Hen Niê không khỏi khiến tôi chú ý, dù tôi vốn không quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu.
Tìm hiểu các tin tức về cô gái dân tộc người Ê-đê sinh năm 1992 này, tôi có thể hiểu được tại sao một số người bạn trên Facebook của tôi, nam lẫn nữ – bình thường chẳng mấy khi bày tỏ quan điểm hay cảm xúc về các cuộc thi hoa hậu cũng như về các hoa hậu – lại đăng những dòng trạng thái với những lời ngợi khen xen lẫn những cảm xúc tích cực đối với cô, và tôi thấy cô xứng đáng nhận được những lời ngợi khen lẫn những cảm xúc tích cực ấy.
Có thể nói, kỳ tích của H’Hen Niê đến một phần từ diện mạo, phong cách, và phần khác đến từ thái độ và tính cách mà cô thể hiện trước khán giả thế giới. Trong tất cả khía cạnh, cô đều có những nét độc đáo khiến mình thực sự ấn tượng so với các thí sinh khác. Nếu ở diện mạo, đó là mái tóc tém và làn da nâu,... ở phong cách, đó là chiếc áo crop top và chiếc quần ống rộng,… ở thái độ, đó là sự chân thật và tự nhiên... thì ở tính cách, đó là sự mạnh mẽ và nghị lực mà cô cho thấy thông qua câu chuyện về sự vượt thoát khỏi áp lực kết hôn ở tuổi 14 (theo tập quán kết hôn sớm của người Ê-đê), để theo đuổi học vấn và sự nghiệp cho một tương lai tốt đẹp.
Tất cả những nét ấy khiến H’Hen Niê trở nên độc đáo, và chính sự độc đáo đã làm nên vị trí của cô trong Top 5, vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trong các cuộc thi hoa hậu hoàn vũ.
Hoa hậu H'Hen Niê (Nguồn : Internet)
Nói riêng về diện mạo, theo E!News (Mỹ), H’Hen Niê đã phá vỡ chuẩn mực về vẻ đẹp của Việt Nam, và rộng hơn là toàn châu Á, nơi đề cao làn da trắng và mái tóc dài [5]. CNN Philippines cũng có bình luận tương tự khi cho rằng cô đã thay đổi chuẩn mực về cái đẹp và nổi bật giữa dàn thí sinh bởi mái tóc tém [6]. Một số trang báo trong nước như Vnexpress thì đặt câu hỏi rằng Việt Nam có nên thay đổi tiêu chí chọn lựa hoa hậu [7].
Nói riêng về tính cách, đây chính là nét độc đáo nhất. Nếu không có sự mạnh mẽ và nghị lực, cô hẳn vẫn ở buôn làng của mình, lấy chồng và sinh con, và vì thế không có mặt ở cuộc thi này. Câu chuyện về hành trình vươn lên của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên thế giới, đặc biệt là người Philippines. Như tiêu đề của một bài báo của Phil Star mà Tuổi Trẻ dẫn lại, ‘Hoa hậu Việt Nam chiếm được trái tim của người Philippines bằng câu chuyện Lọ Lem của cô’ [8].
Sự độc đáo làm nên kỳ tích của H’Hen Niê khiến chúng ta thấy cần nhận thức lại các chuẩn mực về diện mạo và tính cách ở hoa hậu. Xa hơn, chúng ta cũng cần nhận thức lại các chuẩn mực ấy ở phụ nữ.
Ngày nay, những người phụ nữ tóc tém không phải là hiếm, song không ít người tỏ ra thiếu thiện cảm với tóc tém của phụ nữ, bởi phụ nữ được cho là nên để tóc dài. Một cách tương tự, những người phụ nữ mạnh mẽ không phải là hiếm, song không ít người tỏ ra thiếu thiện cảm với sự mạnh mẽ của phụ nữ, bởi phụ nữ được cho là nên yếu đuối. Và cái sự "nên" có phần áp đặt đến mức nhiều phụ nữ đã không thể hiện sự độc đáo của mình.
Thông thường, chúng ta đánh giá thấp sự độc đáo cho đến khi sự độc đáo được tôn vinh. Nếu H’Hen Niê không tham gia cuộc thi hoa hậu hoàn vũ, và do đó không có kỳ tích vừa qua, chúng ta không dễ nhận thấy sự độc đáo của cô là đáng giá. Trừ một số ít người, sẽ chẳng ai thấy tóc tém ở phụ nữ cũng đẹp, sẽ chẳng ai nhận thấy sự mạnh mẽ ở phụ nữ cũng đáng khuyến khích cho đến khi chính tóc tém hay sự mạnh mẽ ở họ làm nên công trạng.
Và để hạn chế sai lầm do đánh giá thấp sự độc đáo, chúng ta cần thay đổi thái độ đối với sự độc đáo, không chỉ ở diện mạo mà còn ở tính cách, không chỉ ở phụ nữ mà mở rộng ra là ở tất cả mọi người : đó là thay vì thiếu thiện cảm đối với sự độc đáo, hãy thoải mái hơn với sự độc đáo và hãy xem sự độc đáo là tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, chính sự độc đáo, mà không phải sự giống nhau, tạo ra các giá trị và thậm chí là tạo ra những kỳ tích khiến chúng ta bất ngờ.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 29/12/2018b (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1] Báo Mỹ khen H’Hen Niê 'phá vỡ mọi chuẩn mực cái đẹp
https://thanhnien.vn/van-hoa/bao-my-khen-hhen-nie-pha-vo-moi-chuan-muc-c...
[2] Báo quốc tế ca ngợi 'H'Hen Niê : Người phụ nữ hoàn hảo cuối cùng đã xuất hiện
http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/the-gioi-sao/h-hen-nie-duoc-bao-chi-ca-...
[3] Khán giả quốc tế yêu mến H'Hen Niê hơn Hoa hậu Hoàn vũ 2018
https://news.zing.vn/khan-gia-quoc-te-yeu-men-h-hen-nie-hon-hoa-hau-hoan...
[4] 'Philippines – quê hương Hoa hậu Hoàn vũ 2018 – "mải miết" tìm hiểu về... H’hen Niê
https://dantri.com.vn/van-hoa/bao-chi-philippines-mai-miet-tim-hieu-ve-h...
[5][6] Như [1]
[7] H'Hen Niê Top 5 Miss Universe – Việt Nam nên đổi tiêu chí hoa hậu ?
https://vnexpress.net/cong-dong/h-hen-nie-top-5-miss-universe-viet-nam-n...
[8] Hoa hậu Việt Nam chiếm được trái tim của người Philippines bằng câu chuyện Lọ Lem của cô
https://tuoitre.vn/lo-lem-hhen-nie-da-chiem-duoc-trai-tim-cua-dan-philip...
Theo dõi các cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề phá thai và luật cấm phá thai được châm ngòi từ chiến dịch "Mẹ ơi. Đừng giết con !" [1], tôi thấy rằng hầu hết những người ủng hộ luật cấm phá thai sở dĩ ủng hộ luật này đơn thuần vì cho rằng thai nhi có quyền sống và phá thai là tội ác.
Khó có thể phủ nhận rằng thai nhi có quyền sống, dù nhiều hay ít, và phá thai là tội ác, hay nhẹ hơn (theo quan điểm của một số người) là sai trái về mặt đạo đức. Song liệu lý do này có đủ để ban hành luật cấm phá thai hay không, và ngoài cơ sở đạo đức, việc ban hành luật cấm phá thai cần dựa trên các cơ sở nào ?
Từ góc nhìn lập pháp, lý do này là không đủ. Để ban hành luật nói chung và luật cấm phá thai nói riêng, các nhà lập pháp phải dựa trên tối thiểu một cơ sở khác, đó là tác động dự báo của luật. Việc ban hành luật chỉ có thể biện minh được nếu luật đó được dự báo là cải thiện được tình hình, và ngược lại.
Cụ thể hơn, việc ban hành luật cấm phá thai chỉ có thể biện minh được nếu luật cấm phá thai được dự báo là làm giảm vấn nạn phá thai (giảm ở đây là theo một số tiêu chí có thể đo lường được, chẳng hạn tỷ lệ phá thai và tỷ lệ tử vong ở mẹ). Bằng không, luật cấm phá thai là không thể biện minh được.
Tất nhiên, dự báo ở đây phải dựa trên nghiên cứu khoa học. Để dự báo tác động của luật, các chủ thể có trách nhiệm sẽ thực hiện nghiên cứu khoa học trực tiếp hoặc gián tiếp. Báo cáo đánh giá tác động đúng nghĩa không phải là kết quả của các suy luận sơ sài và cảm tính như cấm phá thai thì vấn nạn phá thai sẽ giảm.
Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015 quy định rằng các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật thực hiện đánh giá tác động của chính sách thông qua báo cáo đánh giá tác động [2]. Nội dung đánh giá tác động chính sách phải nêu rõ "vấn đề cần giải quyết ; mục tiêu của chính sách ; giải pháp để thực hiện chính sách ; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách ; chi phí, lợi ích của các giải pháp ; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp", v.v. [3]3. Luật này cũng quy định các chủ thể đó phải có trách nhiệm "tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật" [4].
Cho nên, đối với luật cấm phá thai, đánh giá tác động phải có nội dung vừa nêu và phải dựa trên các nghiên cứu tín cậy về phá thai trên thế giới, đặc biệt là các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế khả tín. Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Guttmacher là hai tổ chức như vậy. Các nghiên cứu với quy mô toàn cầu của họ cho thấy rằng luật cấm hoặc hạn chế ngặt nghèo phá thai không làm giảm tỷ lệ phá thai, thậm chí có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực hơn do phá thai không an toàn [5].
Dựa trên các nghiên cứu của hai tổ chức đó cũng như nhiều nghiên cứu khác (với một số kết quả tương tự), có thể dự báo rằng luật cấm phá thai tại Việt Nam, nếu có, rất có thể sẽ không cải thiện được tình hình, thậm chí rất có thể sẽ làm vấn nạn phá thai trầm trọng hơn.
Đáng tiếc là, ngay cả khi được chỉ ra rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy luật cấm phá thai không hiệu quả, và rất có thể phản tác dụng, nhiều người ủng hộ luật cấm phá thai vẫn nhất quyết rằng cần có luật cấm phá thai tại Việt Nam. Điều này có thể là vì :
1) họ chỉ cần biết cơ sở đạo đức mà không cần biết tác động dự báo của luật cấm phá thai, hoặc
2) họ đặt cơ sở đạo đức cao hơn tác động dự báo của luật cấm phá thai, hoặc
3) họ mơ hồ cho rằng luật cấm phá thai sẽ có hiệu quả nếu được thực hiện nghiêm chỉnh và/hoặc được kết hợp với một số giải pháp nào đó, v.v. Có ý kiến thậm chí cho rằng nên áp dụng hình phạt tử hình cho người phá thai.
Luật cấm phá thai nếu được ban hành dựa trên thái độ và suy nghĩ như trên sẽ chủ yếu là kết quả của sự duy ý chí.
Có lẽ không khó để nhận ra rằng không phải mọi tội ác đều ngăn chặn được hoặc giảm thiểu được bởi luật cấm. Với các tội ác nào mà luật cấm không (hoặc rất có thể không) cải thiện được tình hình, việc ban hành luật cấm là không nên, hoặc thậm chí phải bị phản đối, nếu luật cấm đó làm (hoặc rất có thể làm) tình hình tồi tệ hơn.
Vậy có các giải pháp nào cho vấn nạn phá thai hay không nếu không phải là luật cấm phá thai ? Như nhiều người đã chỉ ra, các giải pháp đó là giáo dục giới tính, nâng cao hiểu biết, nhận thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản, và nâng cao hiểu biết, nhận thức về quyền thai nhi đồng thời với quyền sinh sản của phụ nữ (thay vì chỉ nhắm tới quyền sinh sản của phụ nữ), và xử lý các cơ sở phá thai không an toàn một cách nghiêm chỉnh với các chế tài cứng rắn hơn, v.v.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 23/12/2018 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1] Website của chiến dịch (https://meoidunggietcon.com)
[2] Điểm c, Khoản 1, Điều 34 và Khoản 3, Điều 35 Luật BHVBQPPL 2015
[3] Khoản 2, Điều 35 Luật BHVBQPPL 2015
[4] Điểm b, Khoản 1, Điều 34 Luật BHVBQPPL 2015
[5] Xem thêm bài ‘Phá thai : Nên hay không nên cấm’, RFA (17/12/2018)
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/abortion-forbidden-or-no-121720...
Sáng ngày 19/12, hội thảo "Vai trò của các tổ chức xã hội, nhà nước và các bên liên quan trong cung cấp và giám sát dịch vụ công" đã diễn ra tại khách sạn Hanoi Club, 76 Yên Phụ, Hà Nội. Đây là hội thảo thường niên lần 3 của các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm nhiều tổ chức xã hội dân sự có đăng ký, tại Việt Nam.
Sân khấu Hội thảo xã hội dân sự thường niên lần 3 Courtesy Blog Nguyễn Trang Nhung
Đồng tổ chức hội thảo là 8 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), Liên minh hành động vì công bằng và sức khỏe (PAHE), Nhóm quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Không gian nhân quyền (HRS), Mạng giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET), v.v. [1].
Hội thảo có sự góp mặt của khoảng 100 người tham dự, trong đó các diễn giả là các tên tuổi trong giới chính sách và xã hội dân sự như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Thạc sĩ Lê Quang Bình – chủ tịch PPWG, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng, Thạc sĩ Nghiêm Hoa – điều phối viên HRS, v.v. [2].
Các tham luận của các diễn giả xoay quanh chủ đề của hội thảo, chẳng hạn "Vai trò của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công : từ mô hình chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa tư bản tân tự do" (Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành), "Quá trình tư nhân tham gia vào dịch vụ công và vai trò của nhà nước : trường hợp Bridge International Academy" (Thạc sĩ Nghiêm Hoa) [3].
Theo lịch trình, hội thảo diễn ra trong một ngày rưỡi, từ ngày 19/12 (cả buổi sáng lẫn buổi chiều) đến ngày 20/12 (riêng buổi sáng). Tuy nhiên, hội thảo phải dừng lại "vì lý một lý do ngoài ý muốn" và "các hoạt động chiều ngày 19 và sáng ngày 20 không thể tiếp tục triển khai", như thông báo trên fanpage của PPWG [4].
Hội thảo trong khi đang diễn ra Video Livestream do GTV thực hiện
Một người tham dự hội thảo cho biết khi Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đang trình bày tham luận về vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tham gia vào đảm bảo chất lượng và tiếp cận dịch vụ công thì một số đèn bị tắt làm hội trường tối hẳn. Tầm 12h, Ban Tổ chức thông báo cho người tham dự rằng chính quyền sở tại yêu cầu hội thảo phải dừng lại kèm theo lý do.
Lý do đó là Ban Tổ chức hội thảo đã vi phạm Nghị định 257-TTg năm 1957. Như Thạc sĩ Nghiêm Hoa viết trên facebook cá nhân của mình thì đó là "một văn bản từ thời chiến được khai quật để áp dụng cho BTC Hội thảo thường niên : tụ tập hơn 5 người ở nơi công cộng phải báo trước 24h cho chính quyền sở tại !" [5].
Sự can thiệp của chính quyền vào các sự kiện của xã hội dân sự bằng cách ngắt điện không phải là hiếm. Nhiều sự kiện của xã hội dân sự từ trước tới nay đã bị can thiệp theo cách này, như hội thảo về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa của các cá nhân, nhóm độc lập vào năm 2011 tại Hà Nội, [6] workshop về bảo mật cho máy tính của giới hoạt động vào năm 2017 tại Sài Gòn, v.v.
Việc làm của chính quyền trong hội thảo xã hội dân sự thường niên lần này cho thấy ý muốn và nỗ lực kiểm soát của họ ngay cả đối với các tổ chức xã hội dân sự lành mạnh, không có hoặc có ít tính chính trị, và phần nhiêu là có đăng ký.
Trong khi hai hội thảo trước đã diễn ra trọn vẹn, hội thảo lần này bị buộc dừng lại một phần vì tính nhạy cảm của chủ đề, một phần có thể vì chính quyền chủ trương gia tăng sự kiểm soát đối với xã hội dân sự. Như vậy, việc tổ chức các hội thảo xã hội dân sự thường niên tiếp theo có thể sẽ khó khăn hơn.
Xã hội dân sự cùng nhà nước và thị trường vốn là 3 trụ cột của sự phát triển của một quốc gia. Khi xã hội dân sự bị ngăn cản, không chỉ người dân mà cả nhà nước cũng chịu tổn thất, vì khi ấy, nhìn chung, nhà nước khó có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề của quốc gia.
Bởi thế, nếu thực tâm muốn quốc gia phát triển, chính quyền cần tôn trọng không gian sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự. Xa hơn, chính quyền cần đối thoại và phối hợp với họ trong việc tìm kiếm các biện pháp đưa Việt Nam đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 19/12/2018
Chú thích :
[1] Thông tin hội thảo -
https://www.facebook.com/events/216330102494580
[2][3] Lịch trình hội thảo -
https://docs.google.com/document/d/1T40EAeIvWSgSKCelpGsQ87RpHqGuWrLuOLOo...
[4] https://www.facebook.com/ppwgvietnam/posts/1058119101037050
[5] Thạc sĩ Nghiêm Hoa viết về việc hội thảo bị buộc dừng lại
https://www.facebook.com/florainutopia/posts/10156895710732463
[6] TS Nguyễn Nhã thuyết trình về chủ quyền Việt Nam tại HS - TS
https://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/tuong-thuat-truc-tiep-thuyet...
Đầu tháng 12 vừa qua, chiến dịch "Mẹ ơi ! Đừng giết con !" được công bố bởi 2 người sáng lập là Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà [1]. Chiến dịch nhằm thu thập 100 ngàn chữ ký cho kiến nghị ban hành luật cấm phá thai tại Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ mạng sống của các thai nhi.
Hình quảng bá của chiến dịch Mẹ Ơi Đừng Giết Con trên Facebook - Courtesy FB Mẹ Ơi Đừng Giết Con
Theo 2 người sáng lập, tình trạng phá thai tại Việt Nam là "một thảm họa nhân đạo vô cùng tồi tệ và cần được chấm dứt ngay lập tức". Các bạn chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về phá thai với hơn 300 ngàn ca mỗi năm và con số trẻ em tương ứng bị cướp đi mạng sống mỗi ngày [2].
Hai trong số bốn tác động dự kiến của chiến dịch là :
1. cứu được hàng trăm ngàn sinh mạng của trẻ nhỏ mỗi năm, góp phần giảm thiểu tỷ lệ phá thai rất cao tại Việt Nam, và
2. mang lại cơ hội bảo vệ phụ nữ, bảo đảm các quyền cho họ cùng con của họ, và hạn chế các hậu quả do phá thai gây ra [3].
Bài viết này bàn về 2 tác động dự kiến nêu trên của chiến dịch. Câu hỏi được đặt ra là liệu chiến dịch, mà trọng tâm là luật cấm phá thai, sẽ làm giảm tỷ lệ phá thai và hạn chế các hậu quả về thể chất (không nói tới hậu quả về tinh thần) do phá thai gây ra (?). Câu trả lời có thể được tìm thấy qua các nghiên cứu về tình trạng phá thai trên thế giới.
Hình minh họa. Một áp phích quảng cáo bảo hiểm nhân thọ trên đường phố Hà Nội hôm 27/6/2005.AFP
Trong một nghiên cứu của mình mang tên "Phá thai an toàn : hướng dẫn kỹ thuật và chính sách cho các hệ thống y tế" [4], Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) chỉ ra rằng :
1. Dù phá thai có bị hạn chế về mặt pháp lý hay không, khả năng một phụ nữ sẽ phá thai do mang thai ngoài ý muốn hầu như không đổi. Các hạn chế pháp lý khiến nhiều phụ nữ tìm đến các dịch vụ phá thai không an toàn, thiếu kỹ năng, mất vệ sinh, nên có nguy cơ cao về tử vong hoặc dị tật. Tỷ lệ tử vong ở mẹ do phá thai không an toàn trên 100 ngàn ca sinh sống ở các quốc gia có nhiều hạn chế về phá thai cao hơn ở các quốc gia có ít hoặc không có hạn chế về phá thai.
2. Ở hầu hết các quốc gia đã phát triển, phá thai an toàn là được phép dựa trên yêu cầu hoặc cơ sở kinh tế xã hội của thai phụ, và các dịch vụ phá thai là sẵn có và dễ dàng tiếp cận. Còn ở các quốc gia cấm hoặc hạn chế phá thai cao độ, phá thai an toàn trở thành đặc quyền của người giàu, trong khi người nghèo có ít lựa chọn ngoài các cơ sở phá thai không an toàn, dẫn đến tử vong và dị tật nhiều hơn.
3. Bằng chứng cho thấy việc dỡ bỏ các hạn chế đối với phá thai dẫn đến giảm tử vong ở mẹ do phá thai không an toàn, và do đó, giảm tử vong ở mẹ nói chung.
Viện Guttmacher (Guttmacher Institute), một tổ chức phi chính phủ về sức khỏe sinh sản, cũng có các nghiên cứu đáng tin cậy về phá thai. Sau đây là một số kết quả nghiên cứu của viện này và WHO trong báo cáo "Thực tiễn về phá thai trên thế giới" [5] :
1. Luật hạn chế phá thai không làm giảm tỷ lệ phá thai. Ví dụ, tỷ lệ phá thai tính trên 1000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 29 ở Châu Phi, 32 ở Châu Mỹ La-tinh, là các vùng mà cấm phá thai trong hầu hết trường hợp. Tỷ lệ này là 12 ở Tây Âu, nơi phá thai nhìn chung được cho phép rộng rãi.
2. Khi phá thai được cho phép rộng rãi, phá thai nhìn chung là an toàn, và ở nơi nào phá thai bị hạn chế cao độ, phá thai đặc biệt là không an toàn. Riêng tại các quốc gia đang phát triển, các quốc gia nào có luật cho phép phá thai tương đối tự do có ít hậu quả tiêu cực về sức khỏe do phá thai không an toàn hơn các quốc gia có luật hạn chế phá thai cao độ.
3. Ở Nam Phi, nơi tự do hóa phá thai vào năm 1997, số ca tử vong liên quan đến phá thai giảm 91% giữa 1994 và 1998 – 2001. Ở Nepal, nơi phá thai được cho phép rộng rãi vào năm 2002, các biến chứng liên quan đến phá thai có vẻ giảm. Một nghiên cứu cho thấy các biến chứng liên quan đến phá thai chiếm 54% các ca bệnh về thai sản được điều trị vào năm 1998, trong khi tỷ lệ này là 28% trong các năm 2008 – 2009.
Hình minh họa. Môt bác sĩ kiểm tra một em bé mới sinh ở một trung tâm sinh sản tại Caracas hôm 15/12/2011AFP
Hai nghiên cứu trên đây cho câu trả lời rõ ràng rằng các hạn chế pháp lý về phá thai không dẫn đến giảm tỷ lệ phá thai cũng như các hậu quả về thể chất do phá thai gây ra. Điều này đúng ít nhất trên bình diện chung của thế giới. Nhiều nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức khác cũng cho kết quả tương tự.
Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các kết quả trên rất có thể đúng. Do đó, việc ban hành luật cấm phá thai tại Việt Nam rất có thể không giúp ích gì cho các mục tiêu cao đẹp của 2 người sáng lập chiến dịch, mà có thể gây tác động trái ngược với các mục tiêu đó.
Thiết nghĩ, các bạn Thạch và Hà có thể tạm ngưng chiến dịch để thực hiện nghiên cứu đầy đủ dựa trên bằng chứng, tự mình hoặc với sự giúp sức của các cá nhân và tổ chức nghiên cứu khác, nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp và toàn diện cho vấn nạn phá thai tại Việt Nam.
Cuối cùng, chia sẻ quan điểm với 2 người sáng lập chiến dịch, người viết không ủng hộ phá thai tự do. Song, để giảm thiểu tỷ lệ phá thai và hạn chế các hậu quả về thể chất do phá thai gây ra, luật cấm phá thai tại Việt Nam dường như không phải là giải pháp. Thay vào đó, giải pháp có thể là giáo dục giới tính, dẹp bỏ các cơ sở phá thai không an toàn hoặc chuyển đổi chúng thành các cơ sở phá thai an toàn, và cùng với đó là nâng cao nhận thức về quyền thai nhi trong tương quan với quyền sinh sản của phụ nữ.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 16/12/2018 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1] Website của chiến dịch
https://meoidunggietcon.com
[2][3] Như [1]
[4] WTO (2012), Safe abortion : technical and policy guidance for health systems
https://www.who.int/reproductivehealth/publications/unsafe_abortion/9789...
[5] Guttmacher Institute và WHO (2012), Facts on induced abortion worldwide
https://www.who.int/reproductivehealth/publications/unsafe_abortion/indu...
Trở thành một quốc gia độc lập vào tháng 8 năm 1965, Singapore khi ấy đối mặt với nhiều vấn đề chính sách, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Trên vùng đất nhỏ bé này, người Malay, người Hoa, người Ấn và một số sắc tộc khác cùng sinh sống và có tiếng nói riêng.
Dưới thời thuộc địa, các sắc tộc được tự do sử dụng ngôn ngữ theo lựa chọn của họ, mà theo lẽ thường là sắc tộc nào sử dụng tiếng mẹ đẻ của sắc tộc ấy (chủ yếu là tiếng Malay của người Malay, tiếng Hoa của người Hoa và tiếng Tamil của người Ấn). Sự đa dạng này, tuy nhiên, lại là trở ngại đối với một cộng đồng vốn xa cách vì thiếu những đặc điểm chung.
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Liên minh Báo chí vào ngày 15 tháng 10 năm 1990 tại Hồng Kông. AFP
Khi thành lập chính quyền vào năm 1959 để chuẩn bị sáp nhập Singapore vào Malaysia, Lý Quang Diệu đã quyết định chọn tiếng Malay làm quốc ngữ, song ông nhận ra rằng tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ nơi làm việc và ngôn ngữ chung, bởi theo ông, với tư cách là một cộng đồng giao thương quốc tế, người dân Singapore sẽ không kiếm sống được nếu dùng tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil. Đó là chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ gây khó khăn trong hoạt động của lực lượng vũ trang và trong cả bộ máy chính quyền [1].
Nhu cầu phải có một ngôn ngữ chung là rất rõ ràng. Song vấn đề là làm thế nào để tiếng Anh được đón nhận trong khi các sắc tộc đều nhiệt tình bảo vệ tiếng nói riêng của họ. Lý Quang Diệu đã đề xuất việc học tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil trong các trường tiếng Anh, và đảo lại là việc học tiếng Anh trong các trường tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil [2]. Phạm vi của đề xuất là các trường trung học của chính phủ hay do chính phủ tài trợ, dọn đường cho việc dạy và học bằng tiếng Anh trong các trường đại học. Chính sách được công bố vào tháng 11 năm 1965, và có hiệu lực vào năm 1966 [3].
Phản ứng trước chính sách, các phụ huynh người Malay và người Ấn đón nhận còn các phụ huynh người Hoa thì không [4]. Thậm chí, những người Hoa sốt sắng nhất đã hành động trước khi chính sách được công bố. Phòng Thương mại người Hoa, 8 tuần sau khi Singapore độc lập, đã công khai yêu cầu chính phủ bảo đảm vị thế của tiếng Hoa như ngôn ngữ chính thức, với sự nhấn mạnh rằng người Hoa chiếm đến 80% dân số Singapore. Lý Quang Diệu đã từ chối thẳng thừng yêu cầu đó và khiến họ hiểu rằng ông không cho phép bất cứ ai khai thác tiếng Hoa trở thành vấn đề chính trị và đặt dấu chấm hết cho những âm mưu nâng cao vị thế tiếng Hoa [5]
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói chuyện với Tổng thống Mỹ George Bush tại dinh thự chính của đại sứ Mỹ tại Tokyo ngày 24 tháng 2 năm 1989 sau khi tham dự đám tang của Hoàng đế HIrohito. AFP
Trong số những người phản đối dữ dội nhất có các giảng viên và các sinh viên tiếng Hoa từ Đại học Nanyang và Cao đẳng Ngee Ann. Các sinh viên đã thể hiện sự phản đối bằng cách biểu tình trong khuôn viên của trường hoặc trước văn phòng của Lý Quang Diệu. Cùng phía với họ là các chủ báo, chủ bút và phóng viên báo tiếng Hoa. Các nhóm này đã vận động các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Hoa, và phê phán các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Anh là những kẻ thực dụng và thiển cận [6]. Sự vận động dường như hiệu quả, khi vào năm 1966, số lượng học sinh, sinh viên vào các trường tiếng Hoa tăng lên đến hơn 55% [7].
Đáp lại sự phản đối này trong khi cần lá phiếu của người Hoa, Lý Quang Diệu đã để các phụ huynh tự do lựa chọn cũng như để thị trường lao động quyết định lựa chọn của họ trong tương lai. Kết quả là, vào thập niên 70, các sinh viên các trường tiếng Hoa khi ra trường khó xin việc, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vào các trường tiếng Anh. Cuộc chạy đua nhanh đến mức ông phải đề nghị họ chậm lại bởi số lượng giáo viên tiếng Anh không đủ để đáp ứng nhu cầu [8]. Sự chuyển dịch của các sinh viên sang các trường tiếng Anh diễn ra cho đến khi dường như không ai còn băn khoăn khi lựa chọn các trường tiếng Anh nữa.
Một chủ trương có liên quan đến chính sách là khuyến khích người Hoa dùng tiếng Hoa phổ thông, tức tiếng Quan thoại, thay vì dùng phương ngữ. Cho đến cuối thập niên 70, khoảng 60% người dân vẫn dùng chủ yếu phương ngữ tại nhà [9]. Trước thực trạng đó, vào năm 1979, Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch nói tiếng Quan thoại và dùng uy tín của mình để thuyết phục mọi người dùng tiếng này. Bên cạnh đó, ông đã hạn chế các chương trình bằng phương ngữ trên tivi và radio. Chiến dịch đã có tác dụng. Từ năm 1980 đến năm 1990, tỷ lệ người dân dùng chủ yếu tiếng Quan thoại tại nhà đã tăng từ hơn 10% lên đến gần 24% [10].
Là một người Hoa, bản thân Lý Quang Diệu không phải không lo lắng về hệ quả của chính sách song ngữ đối với văn hóa Trung Hoa. Chính ông cảm thấy mất kết nối với nền văn hóa này vì được giáo dục từ nhỏ bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, ông nhận thấy chính sách đã làm cho các sinh viên trở nên ngoại lai, thiếu năng động và quan tâm về mặt chính trị – xã hội như trong quá khứ. Giải pháp của ông cho vấn đề này là giữ lại 9 trường tiếng Hoa tốt nhất dưới sự bảo trợ của một chương trình trợ giúp đặc biệt. Các trường này, theo ông, đã thành công trong việc giữ gìn kỷ luật và nghi thức xã hội của các trường tiếng Hoa truyền thống [11].
Bảng : Tỷ lệ người dân dùng ngôn ngữ chính tại nhà ở Singapore (%) (Nguồn : Tổng hợp)
Nhờ chính sách song ngữ, tiếng Anh đã sớm trở thành ngôn ngữ thống trị nơi làm việc. Ngày nay, tiếng Anh thậm chí trở thành ngôn ngữ thống trị trong các gia đình, thay thế vị trí của tiếng Hoa phổ thông trong mấy thập niên trước.
Theo một khảo sát của chính phủ Singapore vào năm 2015, 36,9% người dân dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính tại nhà. Đối với tiếng Hoa phổ thông, tỷ lệ này là 34,9%. Ngoài ra, chỉ còn 12,2% người dân dùng phương ngữ, và 73,2% người dân biết ít nhất 2 ngôn ngữ [12].
Hơn 5 thập niên trôi qua, cho dù còn những tranh cãi về chính sách song ngữ, nhất là tác động làm mai một các phương ngữ cũng như sự thiếu thành thạo đồng thời cả tiếng Anh lẫn tiếng mẹ đẻ trong trong một tỷ lệ không nhỏ người Singapore, song ít ai có thể phủ nhận rằng tiếng Anh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của Singapore. Đảo quốc này từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều công ty nước ngoài và là một trung tâm tài chính một phần là nhờ ngôn ngữ nơi đây là ngôn ngữ toàn cầu.
Xét về phương diện văn hóa, Lý Quang Diệu đã làm những gì có thể để bảo tồn văn hóa Trung Hoa, để người Hoa còn tìm thấy những nét độc đáo của mình trong một đất nước trên đà Tây hóa với ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Bên cạnh đó, ông đã làm tiếng Anh trở thành phương tiện kết nối các sắc tộc khác nhau, ngăn ngừa xung đột và mâu thuẫn giữa họ, làm tăng tính đồng nhất của người dân trong một quốc gia.
Và, đúng như ông chia sẻ, "Để tồn tại như một quốc gia thống nhất, bạn cần phải có chung một vài đặc điểm nhất định" [13].
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 06/12/2018
Chú thích :
[1][2] Lý Quang Diệu (2000), Bí quyết hóa rồng : Lịch sử Singapore 1965 – 2000
[3] Breaking down barriers with bilingualism (Đối với bậc tiểu học, việc học ngôn ngữ thứ hai được thực hiện kể từ năm 1960)
[4][5][6] như [1]
[7][8] In his own words : English for trade ; mother tongue to preserve identity
[9][10] Bolton và Ng (2014), The dynamics of multilingualism in contemporary Singapore
[11] như [1]
[12] Department of Statistics Singapore (2016), General household survey 2015
[13] Fareed Zakaria (1994), Culture is destiny : A conversation with Lee Kuan Yew
(Bài viết được đưa ra nhân khi đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam được báo chí nêu ra và thảo luận trong những ngày gần đây. Người viết hi vọng rằng việc tìm hiểu về chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu sẽ giúp ích cho cuộc thảo luận này).
Thấy gì từ hội thảo quốc tế về chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế ?
Sáng ngày 29/11, hội thảo quốc tế "Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế : Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Ramana, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình : Hội thảo "Chính sách tài chính đối với đặc khu kinh tế" (tên rút gọn)
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia từ các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc cùng các cá nhân, tổ chức khác.
Nội dung chính của hội thảo bao gồm 4 tham luận của 2 diễn giả từ Việt Nam và 2 diễn giả từ Trung Quốc :
1. "Thực trạng phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam và hàm ý chính sách", Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến, Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương
2. "Mô hình phát triển và các chính sách tài chính cho phát triển các đặc khu kinh tế của Trung Quốc", Tiến sĩ Trương Ngọc Đán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc
3. "Chính sách tín dụng đối với đặc khu kinh tế", Tiến sĩ Phạm Ngọc Đỉnh, Nghiên cứu viên cao cấp (hạng 1) Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
4. "Cơ chế thuế ưu đãi của Trung Quốc nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đối với các đặc khu kinh tế", Tiến sĩ Liu Zuo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Luật Tài chính và Thuế, Hiệp hội Luật Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thuế, Tổng cục Thuế Trung Quốc
Nhìn chung, hội thảo với các tham luận kể trên thiếu các yếu tố cần thiết để thực sự đạt được mục tiêu như nó tuyên bố là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và rút ra bài học cho Việt Nam. Cụ thể là :
Nó không đủ tính bao quát như tên gọi của nó (về "kinh nghiệm quốc tế") khi chủ yếu đưa ra kinh nghiệm từ các đặc khu kinh tế của Trung Quốc và các khu kinh tế hiện có của Việt Nam.
Nó không đủ tính khách quan như nên có khi chủ yếu xem xét kinh nghiệm thành công mặc dù các nghiên cứu về các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy tỷ lệ thành công không hơn tỷ lệ thất bại.
Nó cho thấy tính hồ đồ khi một trong các diễn giả của nó, ông Tiến, đã mạnh miệng phát biểu rằng "Chúng ta ở đây không ai băn khoăn chuyện có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không. Chắc chắn là có. Tôi nghĩ rằng 100% chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta ngồi đây không đặt ra câu hỏi là có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không, bởi vì điều đấy là cần thiết, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong bối cảnh của Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Câu hỏi chỉ là làm thế nào, chứ không phải là có làm hay không".
Nó cho thấy tính mơ hồ khi ngay một chuyên gia như ông Tiến không chỉ ra được một bộ tiêu chí cụ thể để xác định sự thành công hay thất bại của các đặc khu kinh tế trong tương lai (nếu có). Trả lời câu hỏi của người viết về một bộ tiêu chí như vậy, sau khi kể đến mục tiêu tăng trưởng và mối liên kết của các đặc khu kinh tế với các vùng lân cận, ông Tiến nói thêm rằng để có một bộ tiêu chí thì "có lẽ chúng ta còn phải có một vài hội thảo tiếp theo, còn bây giờ không thể trả lời được câu hỏi là đánh giá sự thành công bằng những tiêu chí nào".
Và, cho dù hội thảo có mục tiêu thực sự là gì, nó đã tái khẳng định ý chí thực hiện dự án đặc khu kinh tế của chính phủ, khi thể hiện rằng công tác chuẩn bị cho dự án vẫn đang được xúc tiến.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 29/11/2018 (NguyenTrangNhung's blog)