Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn 96 triệu người là dân số Việt Nam theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố vào ngày 11/7 vừa qua [1].

xephang1

Quốc gia đông dân thứ 15 thế giới của chúng ta đứng thứ bao nhiêu về đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới ?

Với dân số này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới.

Nói một cách hài hước thì Việt Nam là cường quốc về số dân. Điều này khiến tôi nảy ra câu hỏi rằng quốc gia đông dân thứ 15 thế giới của chúng ta đứng thứ bao nhiêu về đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới ?

Khi đưa câu hỏi này lên Facebook cá nhân, tôi nhận được hai câu trả lời gây cười, đó là : "Gần út" và "Áp chót" (!).

Hai câu trả lời của hai facebooker như đùa nhưng được viết ra theo suy nghĩ mà có lẽ là thật, dù cảm tính vì không đi kèm phân tích hay lập luận nào cả.

Nếu có chỉ số nào được đo về mức độ đóng góp của các quốc gia cho thế giới, câu hỏi trên sẽ dễ dàng được trả lời.

Tôi đã không chắc về sự tồn tại của một chỉ số nào như vậy cho đến khi tìm ra Good Country Index (GCI), hay Chỉ số Quốc gia Tốt [2].

GCI được lập ra bởi Simon Anholt, nhà tư vấn chính sách độc lập cho hơn 50 quốc gia khác nhau. 

Ý tưởng về GCI là để đo lường những gì mỗi quốc gia đóng góp cho và lấy đi từ nhân loại (không tính những gì mỗi quốc gia đóng góp cho chính nó), tương quan với quy mô của nền kinh tế của nó (thay vì quy mô dân số như tôi hình dung) [3]. 

GCI bao gồm 7 chỉ số thành phần :

1. Đóng góp cho khoa học và công nghệ

2. Đóng góp cho văn hóa

3. Đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế

4. Đóng góp cho trật tự thế giới

5. Đóng góp cho hành tinh và khí hậu

6. Đóng góp cho thịnh vượng và bình đẳng

7. Đóng góp cho sức khỏe và phúc lợi

Mối chỉ số thành phần này lại bao gồm 5 chỉ số thành phần nhỏ hơn, ví dụ, chỉ số thứ nhất – đóng góp cho khoa học và công nghệ – được cấu thành từ (1) số sinh viên quốc tế, (2) xuất khẩu báo chí, (3) số ấn phẩm quốc tế, (4) số giải Nobel, và (5) số bằng sáng chế.

Được công bố lần đầu vào năm 2014, đến nay, GCI đã có 4 bản v1.0, v1.1, v1.2 và v1.3 lần lượt cho 4 năm là 2014, 2016, 2017 và 2018 [4].

xephang2

Bảng : Thứ hạng của chỉ số tổng thể và 7 chỉ số thành phần của 9 quốc gia Đông Nam Á năm 2018 (Nguồn : goodcountry.org)

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 116/163. So với 9 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát (không có Myanmar và Đông Timor), Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia (130/163) và Lào (134/163), và cách đáng kể so với quốc gia đứng trên gần nhất là Indonesia (83/116).

Mười quốc gia đứng đầu bao gồm (1) Phần Lan, (2) Hà Lan, (3) Ireland, (4) Thụy Điển, (5) Đức, (6) Đan Mạch, (7) Thụy Sỹ, (8) Na Uy, (9) Pháp, (10) Tây Ban Nha.

Hai quốc gia đông nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có thứ hạng khá hơn Việt Nam nhiều, đó là 61/163 và 44/163, một cách tương ứng.

Các con rồng Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc có thứ hạng đáng ngưỡng mộ, lần lượt là 24/163 và 26/163 (còn lại, không có dữ liệu về Đài Loan và Hồng Kông).

Xét riêng các chỉ số thành phần, Việt Nam có thứ hạng khá tốt về đóng góp cho thịnh vượng và bình đẳng (58/163), song có thứ hạng rất thấp về đóng góp cho trật tự thế giới (149/163) và đóng góp cho hành tinh và khí hậu (147/163).

Khi xem GCI năm 2014, điều khiến tôi bật cười là chỉ số này của Việt Nam là 124/125, tức không thể khớp hơn với hai bình luận "Gần út" và "Áp chót" của hai facebooker kể trên.

Dẫu vậy thì thứ hạng của Việt Nam qua các năm về sau đã có chiều hướng cải thiện, đó là 98/163 năm 2016, 128/163 năm 2016, và vừa nêu là 116/163 năm 2018.

Tuy GCI là một chỉ số mang tính tham khảo, song có lẽ đáng để Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào ở thứ hạng thấp cần quan tâm để cải thiện sự đóng góp của mình. 

Nếu như không có nhiều đóng góp cho thế giới, sự tồn tại của mỗi quốc gia ở thứ hạng thấp sẽ không có nhiều ý nghĩa cho nhân loại. Xét cho cùng, quốc gia nào cũng là một phần của thế giới, và việc đóng góp – ngoài là một nghĩa vụ pháp lý theo luât quốc tế trong những trường hợp và về những phương diện nhất định – còn là một bổn phận tự nhiên.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 12/07/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Dân số Việt Nam hơn 96,2 triệu người, đông thứ 15 thế giới

[2] Website về Chỉ số Quốc gia Tốt

[3] Dữ liệu nguồn của Chỉ số Quốc gia Tốt

[4] Kết quả Chỉ số Quốc gia Tốt

Published in Diễn đàn

Bé 3 tuổi nhận dạng nghi can lần 3 : Sự cản trở công lý đến tàn nhẫn

Gia hạn thêm 2 tháng cho việc kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, và trước hết lấy lại lời khai của bé L và để bé nhận dạng lại nghi can. Đó là thông báo mới đây của Cơ quan điều tra huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đối với vụ án bé L 3 tuổi bị xâm hại tình dục [1].

be1

Hình : Thông báo gia hạn điều tra của cơ quan điều tra huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn : Gia đình cung cấp)

Khi nhận được tin này vào ngày 17/6 qua điện thoại từ luật sư bảo vệ cho bé L, bố mẹ của bé L đã phẫn nộ và không kìm được nước mắt. Họ cảm thấy thật bất công đối với con gái của mình, vì Cơ quan điều tra đã đòi hỏi bé nhận dạng nghi can 2 lần trước đây, và kết quả nhận dạng của bé cả 2 lần đều nhất quán.

Nếu nhận dạng lại, liệu bé L còn nhớ kẻ đã gây ra tổn thương cho mình vào 2 tháng trước ? Liệu việc đó sẽ khiến bé tổn thương thêm ra sao ? Tại sao Cơ quan điều tra đòi hỏi như vậy ? Hai lần nhận dạng trươc để làm gì ? Đó là những băn khoăn không tránh khỏi của bố mẹ bé L và cả những người quan tâm.

Dẫu vậy, gia đình vẫn đưa bé đến địa điểm làm việc theo kế hoạch của Cơ quan điều tra là phòng ghi âm, ghi hình của công an Thành phố Hồ Chí Minh tại trại giam Chí Hòa vào hôm sau. Buổi làm việc có mặt Lê Ngọc Lượng, Phó phòng điều tra huyện Nhà Bè, trưởng nhóm điều tra vụ án và 3 người khác ở phía các cơ quan chức năng, cùng bé L, bố mẹ bé L và 2 luật sư bảo vệ cho bé. 

Một cuộc tranh luận căng thẳng đã diễn ra giữa bố mẹ bé L, luật sư và Lượng. Bố mẹ bé L cũng như luật sư không đồng ý để bé nhận dạng lại vì như vậy có thể gây chấn động tâm lý cho bé, song Lượng đã thách thức họ : "Nếu không đồng ý thì lập biên bản không làm việc". Cuối cùng, gia đình đã nén cảm xúc và miễn cưỡng để bé nhận dạng lại.

Theo tường thuật của bố mẹ bé L, anh Phạm Quan Liêm và chị Hoàng Thị Phương Thảo, diễn biến của quá trình nhận dạng lại như sau [2] :

1. Đầu tiên, Lượng hỏi bé họ tên bé và người thân trong gia đình cùng tên của các luật sư bảo vệ, thậm chí cả tên của Lượng. Bé trả lời chính xác tất cả.

2. Tiếp theo, bé được Lượng đưa 3 hình ảnh 3 chiếc xe đạp có màu sắc và hình dáng na ná như nhau, trong đó có 1 chiếc của mình, và chỉ đúng chiếc của mình.

3. Kế đến, bé được Lượng đưa 2 tờ giấy, mỗi tờ giấy có 6 hình ảnh chân dung 6 người đàn ông, trong đó không có "ông già" (từ mà bé dùng để chỉ "ông Bảy", tức ông Huỳnh Thanh Tâm khoảng 70 tuổi ở gần nhà trọ cũ), bé 3 lần trả lời "Không có". 

Sau đó, bé được Lượng đưa thêm 1 tờ giấy cũng có 6 hình ảnh chân dung 6 người đàn ông, trong đó có "ông già", bé liên tục chỉ "ông già" đã làm bé "đau chim".

(Có một chi tiết đáng nói là các hình ảnh chân dung của 18 người đàn ông này đều đã bị làm cho biến dạng).

Khi Lượng hỏi ông già làm bé đau ở đâu thì bé nói "Ông già lấy tay móc ở chim, làm con đau chim.".. và chỉ tay xuống âm hộ của mình.

Lượng hỏi thêm ông già làm bé đau chim mấy lần, mặc dù biết bé chưa đi học và chưa biết đếm (vì đã lấy lời khai của bé trước đây), thì bé nói "Nhiều lần".

Chưa hết, Lượng còn hỏi về việc bé bị té xe và dường như cố ý liên hệ việc này với việc bé bị "đau chim". "Con lái xe đạp có té không ?". "Có". "Lái xe đạp té đau ở đâu ?". Bé trả lời đau ở đầu gối và khuỷu tay. "Đau ở đâu nữa ?". Bé trả lời như trước (đau ở đầu gối và khuỷu tay). 

Như chưa đạt được câu trả lời mong muốn, Lượng lặp lại câu hỏi lơ lửng "Đau ở đâu nữa ?" nhiều lần, mà không hỏi rõ đau ở đâu nữa do té xe. Theo phán đoán của cả luật sư và gia đình, Lượng có vẻ mong muốn bé sẽ trả lời đau ở chim, để từ đó có cơ sở kết luận bé đau chim do té xe thay vì do bị ông Tâm xâm hại vùng kín.

Trong suốt quá trình nhận dạng, các câu trả lời của bé L không khỏi khiến gia đình và luật sư nín thở. Rất may là bé có trí nhớ tốt và hiểu cả các câu hỏi thiếu rõ ràng. Nếu bé trả lời không chính xác hay thiếu nhất quán chỗ nào, đó sẽ là cái cớ để Lượng nói riêng và Cơ quan điều tra nói chung xem lời khai của bé là không đáng tin. 

be2

Lượng có vẻ mong muốn bé sẽ trả lời đau ở chim, để từ đó có cơ sở kết luận bé đau chim do té xe thay vì do bị ông Tâm xâm hại vùng kín.

Dẫu vậy, ngay cả khi tất cả lời khai của bé đều chính xác và nhất quán trong cả 3 lần nhận dạng, nếu Cơ quan điều tra muốn kéo dài việc điều tra, họ sẽ tìm cách. Tất cả các biểu hiện của họ từ trước đến nay đều cho thấy sự cản trở công lý đối với gia đình bé L, từ chuyện nhỏ nhất như Lượng từng chặn số điện thoại của anh Liêm và cả 2 luật sư khi anh và 2 luật sư gọi để hỏi về tiến độ điều tra. Và, đòi hỏi bé L nhận dạng lần 3 cùng quá trình nhận dạng thực tế với thái độ như muốn nạt nộ bé L (với giọng nói to quá mức trong một căn phòng nhỏ chỉ chừng 6 mét vuông) và thủ thuật lấy lời khai gây bất lợi cho bé L của Lượng là biểu hiện của sự cản trở công lý đến tàn nhẫn. 

Chưa biết các chiêu, trò tiếp theo của Cơ quan điều tra (nếu có) sẽ ra sao, song có lẽ trong thâm tâm, họ biết rằng mình đang làm điều sai trái, không chỉ về nghiệp vụ điều tra, mà còn về cả đạo lý.

Ngày 18/6 vừa qua cũng đã là 1 tháng kể từ khi anh Liêm gửi đơn kêu cứu đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, như giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam. Trừ Cục Trẻ em và Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, các nơi còn lại, rất tiếc, không có một hồi âm nào cho anh Liêm cả. Sự im lặng đến ngột ngạt của các nơi này là chỉ dấu cho thấy sự thờ ơ, vô cảm và vô nhân tính, cùng sự tắc trách đáng lên án của họ. 

Lại nói, sau khi sự việc xảy ra, bé L có nhiều biểu hiện bất thường, thể hiện sự không ổn định trong cảm xúc và hành xử. Nhờ được tư vấn bởi một bác sĩ tâm lý ở Canada, gần đây, bé đã bình ổn hơn trước, song sau khi nhận dạng lần 3 trở về, chiều hướng phục hồi này dường như biến mất. Bé lại gây hấn và hành xử bạo lực đối với em trai.

Cách đây hơn một tuần, vào ngày 11/6, bé đã được bố đưa đi khám và tỏ ra rất sợ hãi khi người khác đụng vào vùng kín. Bác sĩ cho biết bé bị rách màng trinh. Lần khám bệnh khác trước đó cho thấy bé có thể mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm.

Hi vọng rằng trong thời gian tới đây, bé sẽ được khám, chữa bệnh đầy đủ, đồng thời được điều trị tâm lý để trở lại vui vẻ và hồn nhiên như ngày trước. Điều này có lẽ cần nhiều thời gian. Trong khi đó, hành trình đòi công lý cho bé sẽ vẫn tiếp tục. Cùng nhau, gia đình, luật sư và cả những người quan tâm sẽ lại bước đi trên hành trình đó.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 19/06/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Bé 3 tuổi bị xâm hại tình dục và hành trình nhọc nhằn của công lý

[2] Các thông tin vè quá trình nhận dạng cùng các thông tin khác trong bài viết được gia đình bé L cung cấp cho tác giả

Published in Diễn đàn

Bé 3 tuổi bị xâm hại tình dục và hành trình nhọc nhằn của công lý

"Mẹ ơi ! Con đau chim". Bé gái L đã nói như vậy với mẹ trong cơn sốt cao kéo dài sau khi đi chơi quanh nhà về. Bằng mắt thường, mẹ bé L quan sát bé thấy bộ phận sinh dục sưng đỏ, lỗ âm đạo to giãn bất thường, nhưng chỉ nghĩ do thời tiết thay đổi nên đã dùng khăn và nước ấm để vệ sinh cho bé.

be1

Bé P.N.L. (bên trái) và bản tường trình của cha bé về vụ việc - Hình do gia đình cung cấp

Ngày 15/4, thời điểm xảy ra sự việc ấy đã đánh dấu khởi đầu của một chuỗi ngày nhọc nhằn trong hành trình đi tìm công lý chưa có hồi kết cho bé L của gia đình chị Hoàng Thị Phương Thảo (mẹ bé L) và anh Phạm Quan Liêm (bố bé L).

Bé L vẫn sốt như vậy đến hôm sau, khi anh Liêm đi công tác về. Thấy bé L liên tục nói "Con đau chim", anh Liêm nghĩ đến khả năng con mình bị xâm hại, bèn hỏi : "Có ai sờ chim con không ?". Bé đáp : "Ông Bảy"... "Ông già".

Hai vợ chồng anh Liêm lúc này bảo bé L chỉ nhà của "ông già" thì được bé dẫn đến nhà có địa chỉ 21/2H Nguyễn Bình, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), gần nhà bé L. Khi ấy là 1 giờ sáng ngày 17/4.

Ngay sau đó, gia đình trình báo sự việc đến công an xã Phú Xuân nhưng cán bộ trực không tiếp nhận nên phải trở lại vào 8 giờ sáng cùng ngày.

Công an xã Phú Xuân đã lấy lời khai của bé L, và được bé trả lời nhất quán nhiều lần rằng "ông già" làm "đau chim". Khi được hỏi "Đau ở chỗ nào ?", bé chỉ vào âm hộ. Công an xã lúc đó đã ghi nhận các vật chứng bao gồm quần áo và tã.

Công an điều tra huyện Nhà Bè cũng xuống làm việc và lấy lời khai của bé thì bé cũng trả lời như trên. Bên cạnh đó, họ còn cho bé nhận dạng thủ phạm bằng hình trên điện thoại và tiếp đến là nhận dạng thực tế trong số 20 người. Trong cả hai trường hợp, bé L đều chỉ ông Huỳnh Thanh Tâm (khoảng 70 tuổi). Quá trình nhận dạng này được thực hiện khoảng 10 lần.

Buổi làm việc ngày 17/4 của công an điều tra huyện Nhà Bè đã không được ghi biên bản, với lý do mà họ đưa ra là "Cháu còn nhỏ, chưa đủ ý thức". Không những thế, họ cũng không nhận quần áo, tã lót của bé làm chứng cứ cũng như các file ghi âm, ghi hình mà gia đình thực hiện vốn có tác dụng cung cấp thêm thông tin. Sau khi luật sư bảo vệ cho bé L vào cuộc và chỉ ra các sai phạm, họ đã thực hiện lại việc lấy lời khai và nhận dạng vào ngày 24/4.

Cũng trong ngày 17/4, bé L được công an điều tra huyện Nhà Bè đưa đi giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y đề ngày 25/4, mà mãi đến ngày 13/5 mới được thông báo cho anh Liêm, ghi rằng "Màng trinh không rách ; Không thấy tinh trùng trong dịch phết vùng âm hộ và vùng hậu môn ; Có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn nhưng không đủ cơ sở để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam" [1].

Thật kỳ lạ ! Chỉ dựa vào kết quả này, cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát. Khi luật sư liên hệ với viện kiểm sát để hỏi lý do không khởi tố vụ án thì viện kiểm sát từ chối cung cấp.

Trước đề nghị của luật sư, viện kiểm sát và cơ quan điều tra cho biết sẽ xem lại hồ sơ vụ án để xác minh có hay không dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, từ khi được đề nghị xác minh đến nay, họ không có bất cứ thông tin gì cho gia đình anh Liêm.

Vụ án dường như bị bỏ lửng một cách cố ý bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát, mặc dù với chuyên môn và nghiệp vụ của mình, họ lẽ ra phải khởi tố vụ án với các dấu hiệu tội phạm rõ ràng mà lời khai cùng các hành vi xác định thủ phạm một cách nhất quán của bé L, vốn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, là chứng cứ không thể chối cãi.

Nghi vấn trên càng có cơ sở khi cơ quan điều tra đã mắc nhiều sai phạm như bỏ qua chứng cứ, chậm trễ thu thập chứng cứ dẫn đến mất dấu hoặc làm mờ chứng cứ, không ghi hoặc ghi không đầy đủ lời khai của bé L, ghi sai lời khai của anh Liêm, sai hẹn với anh Liêm nhiều lần, làm khó anh Liêm trong việc nhận thông báo kết quả giám định pháp y và nhiều thông tin khác, v.v. Đó là chưa kể công an xã từng đến nhà anh Liêm dọa dẫm và yêu cầu không tố cáo tội phạm.

Diễn biến đáng thất vọng còn bao gồm cả những ngày anh Liêm và chị Thảo đưa bé L đi khám ở 6 bệnh viện và 2 phòng khám tư để có kết quả xác đáng, nhằm làm rõ tình trạng của bé L và có phương hướng điều trị thích hợp, nhưng nhiều nơi đã từ chối khám, hoặc khám nhưng không ghi kết quả rõ ràng, vì... sợ. Ngoại lệ duy nhất là bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, khi một bác sĩ cho biết rằng màng trinh của bé "bị tưa ra".

Dồn thêm vào những khó khăn đó là những chuyện tệ hại xảy ra sau sự việc. Một nhóm côn đồ khoảng 20 người, được cho là có liên quan tới thủ phạm, đã đến nhà anh Liêm vào ngày 20/4 dọa giết khiến gia đình phải chuyển đi nơi khác [1], cách nơi cũ khoảng 30 km. Không những thế, trong thời gian gia đình còn ở nơi cũ, một người hàng xóm còn kiếm chuyện và chửi rủa gia đình anh, như thể anh vu khống, bịa đặt, hay như thể anh đã làm một việc không nên làm là tố cáo một ông già 70 tuổi (!).

Thời gian qua, tuy nhiều tờ báo đã đưa tin về sự việc nhưng chưa đủ mạnh mẽ để khiến các cơ quan điều tra và viện kiểm sát thấy hổ thẹn mà trở nên có trách nhiệm và khách quan hơn trong việc giải quyết vụ án.

Bé L đến nay vẫn đang chịu những tổn thương thể chất lẫn tâm lý đến mức nghiêm trọng, biểu hiện bằng việc bỏ ăn, sụt cân, khó ngủ, thường xuyên gây hấn như đánh, cắn em trai, ngoài ra là liếm khắp cơ thể mình và cơ thể em trai, thậm chí là gây bạo lực đối với vùng kín của em trai mình.

Liệu diễn biến tiếp theo sẽ ra sao ? Khả năng nào cho sự hiện diện của công lý ? Các câu trả lời hẳn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc dư luận và các cá nhân, tổ chức có thể làm gì cho gia đình bé L. Nếu nhiều người sẵn lòng góp tiếng nói và hành động của mình, dù nhỏ nhất, với sự đồng cảm, hiểu biết và sẻ chia, chúng ta có thể hi vọng rằng công lý cuối cùng sẽ xuất hiện…

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 05/06/2019

Chú thích :

[1] Công an Nhà Bè yếu kém trong vụ bé gái 3 tuổi nghi bị xâm hại ?

[2] Thành phố Hồ Chí Minh : Gia đình bé gái 3 tuổi nghi bị ông lão 70 tuổi dâm ô bị một nhóm người dọa giết, phải chuyển nhà gấp

(Nhiều thông tin trong bài viết được lấy từ các tài liệu mà gia đình bé L cung cấp cho tác giả.)

Published in Diễn đàn

Hai tuần trôi qua, các tranh cãi xung quanh phim 'Vợ ba' vẫn chưa chấm dứt.

Bên cạnh lý lẽ về sự hi sinh vì nghệ thuật, một lý lẽ khác thường được sử dụng bởi những người ủng hộ phim là cả Trà My và mẹ cô đã đồng ý về việc cô đóng phim có các cảnh nóng.

vo1

Một cảnh trong phim 'Vợ ba' (Nguồn : Internet)

Liệu lý lẽ này có ổn hay không ?

Sự đồng ý của Trà My và mẹ cô được thể hiện qua hợp đồng với nhà làm phim. Hợp đồng này, như mọi hợp đồng, về bản chất là một thỏa thuận. Một thỏa thuận đúng nghĩa phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, trong đó có 3 nguyên tắc : (1) dựa trên sự tự do, tự nguyện, (2) không vi phạm điều cấm của luật, (3) không trái đạo đức xã hội (khoản 2, Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015). 

Trong khuôn khổ của bài viết này, người viết đi vào phân tích 3 nguyên tắc cơ bản vừa nêu. Hai nguyên tắc sau là về pháp luật và đạo đức, mà hai khía cạnh này đã được bài viết "Phim 'Vợ ba' : Khi nghệ thuật thiếu dung hòa với pháp luật và đạo đức " đề cập. Dù vậy, hai khía cạnh này một lần nữa được đề cập tại đây ở góc độ của hai nguyên tắc của sự thỏa thuận, với một vài điểm nhìn bổ sung.

Về nguyên tắc 1, các thông tin trên báo chí hầu như cho thấy hai bên tự do và tự nguyện thỏa thuận. Song, sự tự do và tự nguyện này chỉ là thoạt nhìn. Để có thể xác định rõ hơn, người ta cần xem xét liệu hai bên có đủ thông tin để đi đến thỏa thuận, nhất là về những gì bất lợi mà hai bên không mong muốn. Chẳng hạn : Hai bên có đủ hiểu biết về pháp luật liên quan ? Hai bên có đủ hiểu biết về tâm lý trẻ em nói chung và khi đóng cảnh nóng nói riêng ? Hai bên có lường trước được các hệ lụy khi để trẻ em đóng cảnh nóng ? v.v. 

Thỏa thuận dựa trên sự hiểu biết đầy đủ tất nhiên có tính tự do và tự nguyện cao hơn so với thỏa thuận dựa trên sự hiểu biết hạn chế. Nếu có thể chứng minh sự hiểu biết hạn chế khiến ít nhất một trong hai bên có lựa chọn bất lợi cho mình, thì có thể kết luận rằng nguyên tắc tự do, tự nguyện không được bảo đảm. Trong trường hợp của phim 'Vợ ba', rất khó để nói rằng Trà My và mẹ cô đủ hiểu biết các vấn đề nêu trên. Còn nhà làm phim ? Có thể họ hiểu biết hơn song không cung cấp hết thông tin cần thiết mà mình biết cho bên còn lại.

Nói riêng về các hệ lụy, không khó để một người đủ hiểu biết lường trước các vấn đề của việc trẻ em đóng cảnh nóng như : (a) ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em (đặc biệt là tâm lý, về lâu dài), (b) ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của xã hội, vì nếu có tiền lệ thì về sau sẽ có thêm trẻ em đóng cảnh nóng ; (c) những hình ảnh và phim có trẻ em đóng cảnh nóng sẽ trở thành đối tượng của các website ấu dâm, khiêu dâm, cũng như của những kẻ biến thái, và trẻ em đóng cảnh nóng có thể trở thành đối tượng của sự chọc ghẹo, làm nhục, v.v.

Hệ lụy thứ nhất có thể sẽ xuất hiện theo thời gian, dù Trà My đã trả lời báo chí rằng mình không hối hận dù phim có nhiều ý kiến trái chiều [1]. Từ kinh nghiệm của nhiều diễn viên trẻ em của điện ảnh Mỹ (với các cảnh chưa đến nỗi nóng như của Trà My), như Jodie Foster 13 tuổi vào vai Iris trong 'Taxi Driver', Natalie Portman 11 tuổi vào vai Mathilda trong 'Léon : The Professional', Kirsten Dunst 11 tuổi vào vai Claudia trong 'Interview with the vampire' [2], v.v có thể nói rằng diễn viên trẻ em nói chung sẽ chịu tổn thương tâm lý, và Trà My không chắc sẽ là ngoại lệ.

Hệ lụy thứ hai là khá rõ ràng. Nếu phim 'Vợ ba' trở thành tiền lệ, đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm. Nó mở ra một xã hội Việt Nam tương lai mà ở đó việc trẻ em đóng cảnh nóng được xem là bình thường, nhưng vì thế xã hội khi ấy đáng tiếc không còn bình thường nữa. Hiện nay, ngay tại một nước tự do, phóng khoáng như Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục, kể cả mô phỏng [3], thì Việt Nam cần học hỏi để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cấm trẻ em đóng cảnh tình dục như trong phim 'Vợ ba'.

Hệ lụy thứ ba đã xảy ra và hẳn sẽ còn tiếp diễn, khi phim 'Vợ ba' đã có mặt trên một số website khiêu dâm. Người ta có thể thấy điều này bằng một vài thao tác tìm kiếm giản đơn. Không rõ Trà My, mẹ cô và nhà làm phim có biết điều này, và nếu biết thì điều đó có thành vấn đề đối với họ hay không ? Dù câu trả lời là gì thì điều này đã thành vấn đề đối với xã hội.

Ngay cả khi các hệ lụy trên đây không xảy ra trong trường hợp của Trà My, thì điều đó không có nghĩa là các cơ quan chức năng sẽ không can thiệp, bởi can thiệp hay không, với mức độ nào – từ góc nhìn của họ với tư cách những nhà quản lý, những nhà làm luật, làm chính sách – sẽ phụ thuộc vào đánh giá tác động tổng thể của việc trẻ em đóng cảnh nóng nói chung. Thực tiễn cho thấy, tác động tiêu cực của việc này là đáng kể, chí ít là ở hệ lụy thứ nhất như đã nêu trên, nên sự can thiệp của các cơ quan chức năng là cần thiết.

Về nguyên tắc 2, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành không có các quy định cụ thể về việc cấm trẻ em đóng cảnh nóng, song có các quy định mang tính nguyên tắc về các công việc được giới hạn cho trẻ em, theo đó, trẻ em chỉ được sử dụng vào các công việc bảo đảm sự phát triển nhân cách, cũng như không bị sử dụng vào các công việc không bảo đảm điều này.

Sự thiếu sót này của pháp luật Việt Nam nên được nhìn theo hướng khắc phục để hoàn thiện pháp luật, thay vì được nhìn theo hướng khai thác để đạt được mục đích nghệ thuật (hoặc mục đích khác) của người lớn nhờ sử dụng trẻ em đóng cảnh nóng – vốn khó tránh khỏi ảnh hướng xấu đến nhân cách. Thêm nữa, với tham chiếu pháp luật nước ngoài, nhà làm phim đủ hiểu biết phải tránh việc sử dụng trẻ em đóng cảnh nóng.

Về nguyên tắc 3, nguyên tắc này đặt các quan hệ dân sự vào sự ràng buộc của đạo đức xã hội. Không phải vô cớ mà đạo đức xã hội là một nguyên tắc cho các quan hệ dân sự. Pháp luật không bao giờ là đủ để điều chỉnh mọi quan hệ dân sự nói riêng và mọi quan hệ trong đời sống nói chung, và đạo đức xã hội là một hệ thống quy phạm song hành với pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đó.

Đạo đức xã hội tối thiểu ở đây là không ai, kể cả và đặc biệt là trẻ em, bị sử dụng như phương tiện cho mục đích của người khác. Nếu người lớn coi trọng trẻ em như một chủ thể cần được bảo vệ tốt nhất để phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần, và đặt điều này lên trên mục đích nghệ thuật (như cần phải thế), dựa trên sự hiểu biết tốt nhất có thể của mình, thì việc để trẻ em đóng cảnh nóng lấy lý do gì để biện minh ? 

Như vậy, qua xem xét 3 nguyên tắc của sự thỏa thuận trên đây, có thể thấy sự thỏa thuận giữa hai bên không bảo đảm tối thiểu các nguyên tắc 1 và 2, nếu không muốn nói là không bảo đảm cả 3 nguyên tắc, nên sự đồng ý của Trà My và mẹ cô với nhà làm phim là không đủ thuyết phục. Cùng với lý lẽ về sự hi sinh vì nghệ thuật, lý lẽ về sự đồng ý chỉ là một biện minh vụng về, và cả hai lý lẽ cộng lại chẳng bao giờ là đủ để phim 'Vợ ba' xứng đáng đến được với công chúng. 

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/05/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Trà My 'Vợ ba' : Không hối hận dù bị bàn tán bởi cảnh nóng

[2] Sao nhí đóng phim người lớn : Tổn thương tâm lý và những hệ lụy nhiều năm sau mới thấy

[3] Nhà sản xuất Mỹ : 'Tôi giận dữ khi ê-kíp Vợ ba để bé 13 tuổi đóng cảnh tình dục'

Published in Văn hóa

"Tởm quá, con không đóng đâu". Đó là tin nhắn mà Nguyễn Phương Trà My gửi cho mẹ khi đọc hết các phần kịch bản mà đoàn làm phim gửi cho cô vào những ngày thử vai, trong đó có nhiều cảnh nóng [1].

vo1

Hình : Một cảnh trong phim 'Vợ ba' (Nguồn : Internet)

Tuy nhiên, sau khi đoàn làm phim thuyết phục, Trà My đã nhận vai, và tất nhiên, mẹ cô cũng đồng ý, dù như cô kể, mẹ cô đã từng phân vân, thậm chí, trước đó còn yêu cầu cô ngừng đọc kịch bản [2].

Sự đồng thuận đã đạt được giữa hai bên. Phim được đóng máy vào năm 2016. Trà My đã vào vai một nhân vật 14 tuổi tên là Mây bị ép tảo hôn để trở thành người vợ ba của một điền chủ giàu có vào cuối thế kỷ 19.

Phim được gắn mác 18+ này dựa trên câu chuyện có thật về thân phận người phụ nữ Việt Nam trong thời đoạn ấy, cùng các vấn đề của xã hội như trọng nam khinh nữ, hôn nhân sắp đặt, tảo hôn và đa thê.

Trên trường quốc tế, phim đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada), Đạo diễn trẻ xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Chicago (Mỹ) [3].

Thành quả này cùng nhiều lời khen ngợi trong và ngoài nước về tính nghệ thuật của phim hẳn mang lại niềm vui cho Trà My, mẹ cô, đoàn làm phim, và có lẽ là cả một bộ phận những người quan tâm và theo dõi.

Nhưng, điều đáng nói hơn cả là phim gây tranh cãi trong dư luận Việt Nam suốt hơn 1 tuần qua. Trọng tâm của tranh cãi này là Trà My đóng phim với các cảnh nóng khi mới học hết lớp 6, tức chưa đầy 13 tuổi.

Các cảnh nóng đó là về quan hệ nam nữ trong đêm tân hôn, tự thỏa mãn nhục dục, hôn người đồng giới, sinh con, v.v. Trong các cảnh này, Trà My lộ gần hết phần trên của cơ thể, thậm chí có cảnh được cho là để ngực trần (mà mẹ cô phân bua là mặc áo da) [4].

Câu hỏi mà dư luận đặt ra là sử dụng trẻ em ở tuổi đó để đóng phim với nhiều cảnh nóng như vậy liệu có phù hợp hay không ?

Từ góc nhìn nghệ thuật, những người làm nghệ thuật và những người ủng hộ họ đưa ra một một biện minh quen thuộc có tên 'sự hi sinh vì nghệ thuật'. Và sự hi sinh, trong trường hợp này, là của một cô bé tuổi chưa đầy 13.

Liệu sự hi sinh này có thỏa đáng ? Theo đa số dư luận, câu trả lời là 'Không'. Một số lập luận chính cho câu trả lời này là : 

Thứ nhất, đoàn làm phim hoàn toàn có thể sử dụng diễn viên lớn tuổi hơn (hoặc đợi đến khi Trà My lớn tuổi hơn rồi mới để cô đóng phim, như nhiều phim khác trên thế giới, chẳng hạn như phim 'The reader' của Mỹ).

Thứ hai, ngay cả khi đoàn làm phim vẫn sử dụng diễn viên Trà My khi cô ở tuổi chưa đầy 13, họ hoàn toàn có thể sử dụng diễn viên đóng thế trong các cảnh nhạy cảm, nhất là cảnh người chồng húp trứng trên bụng người vợ mới cưới là Mây. 

Thứ ba, nghệ thuật như thế nào đi nữa cùng cần phải bảo đảm tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức nhất định.

Chưa bàn tới điều thứ ba, đoàn làm phim có thể thỏa mãn hai điều đầu tiên mà vẫn đạt được tiêu chí nghệ thuật hay không ? Câu trả lởi rõ ràng là 'Có'. Cho nên, các biện minh về sự hi sinh vì nghệ thuật chỉ là ngụy biện.

Góc nhìn nghệ thuật không phải là tham chiếu duy nhất để đoàn làm phim dựa vào để chọn diễn viên nào cho vai nào, cũng như diễn viên nào cho cảnh nào. Ngoài góc nhìn này, các quy phạm pháp luật và đạo đức cần được coi trọng, thậm chí, cần được đặt lên trên.

Từ góc nhìn pháp luật, có quan điểm cho rằng đoàn làm phim vi phạm pháp luật về lao động và trẻ em, cụ thể là các quy định sau đây : 

"Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách" (Khoản 1, Điều 162, Bộ luật Lao động 2012).

"Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục" (Điều 25, Luật Trẻ em).

"Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị (...) bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em" (Điều 26, Luật Trẻ em).

Bên cạnh đó là một số quy định khác về lao động chưa thành niên và về bảo vệ quyền trẻ em. 

Các quy định trên mang tính nguyên tắc hơn là cụ thể nên có thể dẫn đến các quan điểm khác nhau giữa những người khác nhau, chẳng hạn về việc có hay không ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ em nói chung và trong trường hợp của phim 'Vợ ba' nói riêng.

Dẫu vậy, đứng trên quan điểm bảo vệ tốt nhất cho trẻ em, khó có thể nói rằng việc trẻ em đóng cảnh nóng không ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ em nói chung, nên quan điểm nêu trên rằng đoàn làm phim vi phạm pháp luật về lao động và trẻ em hợp lý hơn quan điểm ngược lại. 

Ngoài ra, khi xem xét vấn đề từ góc nhìn đạo đức, người ta có thể đặt câu hỏi rằng : Mẹ của Trà My có nên đồng ý cho con mình đóng cảnh nóng hay không ? 

Tôi đã thấy một chủ đề với câu hỏi này được khơi lên trên facebook và đa số câu trả lời là 'Không'. Một số quan sát khác từ các bình luận trên các diễn đàn về chủ đề này đưa tôi đến nhận định rằng đa số cha mẹ sẽ không đồng ý, như thể không đồng ý là một cảm thức đạo đức rất hiển nhiên. 

Từ đây, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, có hay không sự lợi dụng trẻ em để đạt được mục đích hay tham vọng nào đó của người lớn trong trường hợp này ? Nghi vấn này không phải là không có căn cứ, nhất là khi sự hi sinh vì nghệ thuật là một ngụy biện, như trên đã nêu.

Tóm lại, phim 'Vợ ba' có thể đạt được tiêu chí nghệ thuật nhất định, song không vì thế mà việc sử dụng diễn viên chưa đầy 13 tuổi để đóng cảnh nóng có thể được biện minh. Sự hi sinh vì nghệ thuật là một biện minh tồi, nhất là khi nghệ thuật thiếu dung hòa với pháp luật và đạo đức.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 22/05/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1][2] Diễn viên 13 tuổi của 'Vợ ba' : 'Tôi khóc nhiều sau cảnh hôn chị Maya'

[3] Bé 13 tuổi đóng cảnh nóng, phía 'Vợ ba' có vi phạm Luật bảo vệ trẻ em ?

[4] Sự thực diễn viên 13 tuổi hở ngực gây tranh cãi trong 'Vợ ba'

Published in Văn hóa

"Trừng trị ấu dâm – Bảo vệ trẻ em

Khi trẻ bị xâm hại, hãy gọi ngay 111"

Đó là 2 thông điệp lần lượt ở mặt trước và mặt sau của chiếc áo của phong trào "chung tay phòng chống nạn ấu dâm" tại Sài Gòn mới đây.

Điều đặc biệt là phong trào này được khởi xướng bởi một giảng viên luật và các cộng sự là những người hành nghề luật. 

Giảng viên đó là anh Lưu Đức Quang tại trường Đại học Kinh tế – Luật, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

audam1

Hình : Anh Lưu Đức Quang (giữa) và các sinh viên (Nguồn : FB Lưu Đức Quang)

Phong trào được nhen nhóm vào trung tuần tháng 4 năm nay, sau vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ một bé gái trong thang máy của một chung cư tại thành phố.

Như anh Quang cho biết, phong trào xuất phát từ mong muốn bảo vệ con em mình của những người làm cha, làm mẹ, và từ trách nhiệm xã hội của mỗi con người [1].

Vào thời điểm ý tưởng về việc in áo hình thành, anh Quang cùng các cộng sự đã lựa chọn một trong số nhiều thông điệp mà cả nhóm đưa ra sao cho đạt được tiêu chí thẳng thắn, ngắn gọn và kèm theo giải pháp.

Kết quả là, 2 thông điệp trên đây đã được lựa chọn, trong đó, thông điệp thứ nhất (bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh) thể hiện thái độ dứt khoát đối với vấn nạn ấu dâm, còn thông điệp thứ hai với số 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em thể hiện hành động cụ thể đối với tình huống thực tế. Đây là tổng đài do Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý, hoạt động 24/7, miễn phí, thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em [2]. 

100 chiếc áo đã được in cho đợt đầu và về sau là 140 chiếc áo cho đợt 2. Đến nay, toàn bộ 240 chiếc áo đã được phân phát miễn phí cho các giảng viên, sinh viên tại 2 trường đại học (ngoài trường của anh Quang là trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) và một số đối tượng khác.

Phong trào được hưởng ứng khá mạnh mẽ. Hình ảnh những người mặc chiếc áo phòng chống ấu dâm xuất hiện tràn ngập trên facebook của anh Quang và nhiều facebook khác đã cho thấy điều đó [3].

audam2

Hình : Anh Lưu Đức Quang cùng các đồng nghiệp và các sinh viên (Nguồn : FB Lưu Đức Quang)

Sự phát động và cả sự lan tỏa của phong trào ngay trong giảng viên và sinh viên, mà trước hết là giảng viên và sinh viên luật đã gây phấn khích cho những người trong giới luật học lẫn những người ngoài giới và làm phong trào ý nghĩa hơn.

Đó là bởi chính những người dạy và học luật là những người góp tiếng nói cho một xã hội có trật tự và kỷ cương, và vì thế, khiến xã hội có thêm niềm tin vào những người dạy và học luật.

Chưa có phong trào nào như vậy, hoặc nếu có nhưng hiếm hay không được biết đến (?), ngay cả tại các trường đại học lớn về luật học như Đại học Luật Hà Nội hay Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong bối cảnh mà đa số, nếu không muốn nói là hầu hết những người dạy và học luật chỉ dạy và học luật đơn thuần, thì những người dạy được, học được và cả làm được như những người trong phong trào này thực sự đáng quý !

Nhiều người đã bày tỏ lòng cảm kích đối với phong trào cũng như đối với anh Quang và các cộng sự. Trong số đó, một facebooker đã gửi tới anh Quang sự trân trọng và lời cảm ơn vì "anh đã tử tế". 

audam3

Hình : FB Quochuynh Do (được đăng để nguyên tên với sự đồng ý của facebooker này)

Phong trào, ngay từ đầu, đã để mở cho tất cả mọi người bằng cách cung cấp thông tin về nhà in tại Sài Gòn cùng các thông tin liên quan để những ai quan tâm có thể chủ động liên hệ nhà in để in áo với mẫu có sẵn [4].

Một tháng đã trôi qua và phong trào chưa dừng lại. Hi vọng phong trào sẽ đi xa hơn nữa, bởi, như một câu nói mang đầy âm hưởng luật học mà anh Quang viết trên facebook của mình, "phong trào này là của chúng ta, do chúng ta và vì chúng ta".

Vì hầu như ai trong chúng ta cũng có người thân là trẻ em, và mỗi trẻ em là một nạn nhân tiềm năng của vấn nạn ấu dâm, chúng ta càng có lý do để không thờ ơ trước vấn nạn này, và tích cực hơn, là góp phần đẩy lùi nó, bằng những hành động từ nhỏ nhất, như ý thức về các thông điệp phòng chống ấu dâm và tiếp sức truyền đi các thông điệp ấy.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 19/05/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Phòng, chống nạn ấu dâm : giảng viên làm áo tuyên truyền miễn phí

[2] 111 – tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em

[3] Facebook của anh Lưu Đức Quang

[4] Thông tin về nhà in trên facebook của anh Lưu Đức Quang

Published in Diễn đàn

Sáng ngày 2/4, tại khách sạn Melia Hà Nội, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI (*) 2018 đã được công bố.

papi0

Buổi công bố chỉ số PAPI 2018 tại khách sạn Melia Hà Nội

Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu 10 năm kể từ khi chương trình nghiên cứu xây dựng chỉ số này được khởi xướng.

Ba mục đích chính của báo cáo là :

1) trình bày kết quả khảo sát tổng hợp năm 2018 ở cấp quốc gia và cấp tỉnh,

2) xác định những điểm mạnh và điểm yếu trong thực thi chính sách,

3) gợi mở một số biện pháp khả thi nhằm duy trì và cải thiện trong thời gian tới [1].

Báo cáo PAPI 2018 bao gồm 8 chỉ số nội dung, trong đó có 6 chỉ số gốc và 2 chỉ số mới là quản trị môi trường và quản trị điện từ. Cả 8 chỉ số được đánh giá trên thang điểm 1-10.

Báo cáo là kết quả khảo sát ý kiến của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Kết quả cho thấy xu thế biến đổi theo chiều hướng cải thiện ở các chỉ số PAPI gốc.

Chỉ số 'Công khai minh bạch trong ra quyết định' có sự cải thiện nhỏ sau 8 năm, kể từ 2011. Một điều kém khả quan đáng lưu ý về nội dung này là tìm và hỏi cán bộ "quen" vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu (với hơn 38% số người trả lời). 

Chỉ số 'Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công' tiếp tục đà cải thiện của năm 2017, được giải thích là do người dân lạc quan hơn với tình hình kinh tế hộ gia đình và cảm thấy mức độ tham nhũng ở cấp cơ sở có xu hướng giảm. 

Hai chỉ số có điểm trung bình toàn quốc đạt mức trung bình cao là 'Thủ tục hành chính công' và 'Cung ứng dịch vụ công', trong đó, các tỉnh/thành trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố khá đều trên cả nước. Về dịch vụ công, có sự cải thiện qua các năm ở các dịch vụ y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh và trật tự khu dân cư song có sự yếu đi của dịch vụ giáo dục tiểu học công lập. 

Hai chỉ số gốc còn lại là 'Tham gia của người dân ở cấp cơ sở' và 'Trách nhiệm giải trình với người dân' ở mức thấp (dao động lần lượt từ 4,41 đến 6,16 và từ 4,31 đến 5,6) cho thấy 2 mảng quản trị này còn yếu và cần phải được cải thiện nhiều.

Hai chỉ số mới được thêm vào để đáp ứng nhu cầu quản trị đang thay đổi và phức tạp hơn : Môi trường ngày càng trở thành mối bận tâm của công chúng, trong khi quản trị điện tử là đòi hỏi tất yếu của nền quản trị và hành chính công mới.

Điểm chỉ số 'Quản trị môi trường' đạt mức dưới trung bình, dao động từ 3,54 đến 6,74. Trả lời khảo sát, đa số người dân lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường thay vì dự án có thể tạo ra nhiều việc làm hoặc đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Một điểm tích cực khác là đa số ủng hộ mạnh mẽ năng lượng sạch.

Điểm chỉ số 'Quản trị điện từ' đạt mức rất thấp, dao động từ 1,93 đến 4,24. Mặc dù số người tiếp cận tin tức qua Internet và số người có Internet tại nhà đã tăng tương ứng 10% và 15% so với năm 2017, song số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chinh quyền để làm thủ tục hành chính chỉ tăng nhẹ. Điều này có một phần nguyên nhân là dịch vụ chính quyền điện tử còn rất hạn chế.

Chỉ số tổng hợp PAPI cao nhất thuộc về Bến Tre, với 47,06/80 điểm. Nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất [2].

Từ kết quả khảo sát PAPI 2018, nhiều kết luận quan trọng đã được rút ra. Như Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trình bày trong buổi công bố, các cấp chính quyền còn rất nhiều việc phải làm để người dân hài lòng hơn với nền quản trị và hành chính công, đặc biệt là về quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Ở một mặt khác, theo người viết, các lực lượng thúc đẩy xã hội từ bên dưới như các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động cần có nhiều biện pháp và cách thức thiết thực và gần gũi hơn trong việc đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong việc quản lý nhà nước và xã hội. 

https://youtu.be/lK9gqbkm2TA

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 02/04/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

(*) PAPI (tiếng Anh : Provincial Governance and Public Administration Performance Index) là Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, nghĩa là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp trung ương và cấp tỉnh ở Việt Nam, và cũng là công cụ đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền qua thời gian. Nó phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tính tới 2017, Chỉ số PAPI đã được triển khai thực hiện qua 8 năm, trong đó có 6 năm liên tiếp (2011-2016) khảo sát PAPI được thực hiện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến nay, Chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 89.000 người dân (Nguồn : Wikipedia). 

[1] Báo cáo PAPI 2018

[2] Bài trình bày công bố PAPI 2018

Published in Diễn đàn

Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày 1/7/2018, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Luật Tiếp cận thông tin. Thời gian tuy ngắn song cũng đủ để đưa ra đánh giá ban đầu về việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin, nhằm có phương hướng cho việc thực thi luật này trong thời gian tới.

info1

Hội trường hội thảo tại khách sạn Hanoi Club, 76 Yên Phụ, Hà Nội

Vì vậy, vào ngày 27/3 vừa qua, Oxfam và một số đối tác đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Hà Nội [1]. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, đại diện các Sở Tư pháp tại một số tỉnh, và cùng với đó là các cá nhân và các tổ chức khác.

Qua các tham luận được trình bày tại hội thảo, có thể nhận thấy việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin còn nhiều thách thức. Tựu chung, việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin thiếu sự sẵn sàng từ cả hai phía: nhà nước và người dân.

Phía nhà nước tuy được đánh giá bởi đại diện Bộ Tư pháp là đã chủ động và tích cực trong việc triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin, song lại được đánh giá kém khả quan hơn nhiều trong nghiên cứu của Oxfam. 

Đại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Quỳnh Liên, cho hay ngay sau khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về triển khai Luật Tiếp cận thông tin và Chính phủ đã ban hành kế hoạch cho công tác này. Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt tinh thần của luật, cùng các buổi tập huấn chuyên sâu cho các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các bộ ngành, địa phương.

Tham luận của bà Liên, tuy nhiên, không chỉ ra được các con số cho thấy độ bao phủ của các buổi tập huấn, cũng như các thông tin cần thiết cho thấy hiệu quả của việc thực thi luật ở cấp trung ương.

Ở một chiều khác, đại diện Oxfam, bà Ngô Thị Thu Hà, cho thấy một bức tranh cụ thể hơn. Qua kiểm tra việc triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin (về quy trình, đầu mối cung cấp thông tin), nhóm nghiên cứu của Oxfam chỉ thấy 10 trong tổng số 26 cơ quan trung ương đã thực hiện công tác này qua các cổng thông tin điện tử [2], trong đó tích cực nhất là Văn phòng Quốc hội với thông tin đầy đủ về đầu mối cung cấp thông tin ngay trên website của cơ quan này.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn thực hiện khảo sát tại 3 tỉnh/thành bao gồm Đà Nẳng, Quảng Bình và Hà Giang, vốn là các địa bàn hoạt động của các đối tác của Oxfam. Kết quả cho thấy một số cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã đã phần nào thực thi Luật Tiếp cận thông tin qua việc công bố thông tin trên các cổng thông tin điện tử, song một số địa phương chưa có cổng thông tin điện tử, nên việc công bố thông tin còn nhiều hạn chế.

Điều đáng lưu ý là nhiều cơ quan nhà nước vẫn cung cấp thông tin theo luật chuyên ngành chứ chưa theo tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin, nên để có thông tin, người dân phải xin thay vì yêu cầu cung cấp.

Ngoài ra, với các cơ quan nhà nước mà nhóm nghiên cứu của Oxfam thử nghiệm yêu cầu cung cấp thông tin qua thư điện tử, nhóm nghiên cứu không nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

Bản thân người viết cũng có chút kinh nghiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể là thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại 3 cơ quan nhà nước (1 phường và 2 quận) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2018. Tại thời điểm đó, ngay các cán bộ, viên chức tiếp dân thậm chí chưa hề nghe nói đến luật này.

Phía cơ quan nhà nước đã vậy. Phía người dân có vẻ còn thụ động hơn. Tại các địa phương mà nhóm nghiên cứu của Oxfam thực hiện khảo sát, chưa nơi nào phát sinh yêu cầu cung cấp thông tin từ phía người dân.

Qua tham luận của các đại diện đến từ Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cùng chia sẻ của các đại diện của một số tổ chức khác, có thể thấy tâm lý chung của người dân là e ngại, sợ sệt. Tuy có nhu cầu được biết các thông tin nhất định, song họ bị cản trở bởi tâm lý này và đa số không hề biết rằng mình có quyền tiếp cận thông tin. 

Với sự thiếu sẵn sàng từ cả nhà nước và người dân, Luật Tiếp cận thông tin rất khó để đi vào cuộc sống. Vì vậy, các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động cần quan tâm và đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/03/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] https://www.facebook.com/quyentiepcanthongtin/posts/2487133971513830

[2] Bao gồm Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ (theo tham luận của bà Ngô Thị Thu Hà)

Published in Diễn đàn

1769 nơi tại 112 quốc gia đã có kế hoạch hưởng ứng phong trào bãi khóa chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào hôm nay, thứ Sáu, 15/3. Greta Thunberg, cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đã cho biết như vậy trên fanpage của mình, qua một status được đăng vào lúc 1 giờ 19 phút sáng 15/3 theo giờ Việt Nam. Các con số có thể sẽ còn cao hơn nữa [1]

greta1

Greta Thunberg tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu vào tháng 12 năm 2018 (Nguồn : Internet)

Trên bản đồ cho thấy 1769 nơi hưởng ứng ngày "Thứ Sáu vì tương lai" này, có nhiều nơi ở 5 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, và Philippines (không có nơi nào ở Việt Nam). Hai quốc gia đông dân nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc cũng hưởng ứng [2].

Phong trào bãi khóa được truyền cảm hứng từ chính Greta, nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, người mà kể từ tháng 8 năm ngoái đã kiên trì đến và ngồi lỳ ở tòa nhà Quốc hội Thụy Điển, giương biểu ngữ về biến đổi khí hậu, nhằm khiến Quốc hội và dư luận quan tâm hơn, và từ đó có các hành động thích hợp để cải thiện tình hình. Ban đầu cô đến hàng ngày, về sau, cô chỉ đến vào thứ Sáu.

Biến đổi khí hậu nói chung được xác định do hai nguyên nhân : tự nhiên và con người. Tuy nhiên, khi nói tới biến đổi khí hậu ngày nay, người ta xác định rằng con người là nguyên nhân (hay chí ít, là nguyên nhân chủ yếu) [3]. Điều này đã được thừa nhận bởi 97 đến 98% các nhà nghiên cứu tích cực nhất về biến đổi về khí hậu, theo một khảo sát của một số tác giả tại một số trường và viện uy tín trên thế giới [4].

Dù vậy, vì nhiều lý do, các chính phủ trên thế giới đã không quan tâm, hoặc quan tâm dưới mức cần thiết về biến đổi khí hậu, mà một biểu hiện của điều này là sự rút khỏi Thỏa thuận Paris của Hoa Kỳ vào năm 2017 và sự chậm lại của tiến trình thúc đẩy thỏa thuận này kể từ đó đến nay.

Greta, từ một cô bé không ai biết tới, đã trở thành nhà hoạt động về biến đổi khí hậu nổi tiếng toàn cầu.

"Nhiều người nói rằng Thụy Điển chỉ là một quốc gia nhỏ và những gì chúng ta làm không quan trọng. Nhưng tôi đã học được rằng các vị không bao giờ là quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt. Và nếu một vài đứa trẻ có thể gây sự chú ý trên toàn thế giới chỉ bằng cách không đến trường, thì hãy tưởng tượng những gì mà tất cả chúng ta có thể làm cùng nhau nếu chúng ta thực sự muốn".

Greta đã phát biểu như vậy trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu tại Katowice, Ba Lan vào tháng 12 năm 2018 vừa qua [5]. Bài phát biểu của cô đã được lan truyền rộng rãi trên báo chí lẫn mạng xã hội và gây xúc động cho rất nhiều người. Ngoài hội nghị này, cô còn diễn thuyết tại TEDxStockholm vào tháng 11 năm 2018 [6], và Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1 năm 201 [7], v.v.

Ảnh hưởng của Greta đã lan rộng khắp hành tinh. Đầu tiên, ngay tại quê hương mình, Thụy Điển, cô nhận được sự hưởng ứng của mọi người kể từ ngày bãi khóa thứ hai [8]. Tính đến tháng 12 năm 2018, hơn 20.000 học sinh, sinh viên đã hưởng ứng bằng các cuộc tuần hành tại ít nhất 270 thành phố tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Úc, Bỉ, Nhật [9], Đức [10], Pháp [11], Thụy Sỹ [12].

Mới đây, Greta đã được đề cử giải Nobel Hòa bình bởi 3 nhà lập pháp người Na Uy. Theo Freddy Andre Oevstegaard, một trong 3 người đề cử, "Phong trào rộng lớn mà Greta đã thiết lập là một đóng góp rất quan trọng cho hòa bình" [13]. Nếu đoạt giải Nobel vào năm nay, Greta sẽ trở thành người trẻ nhất đoạt giải này trong lịch sử, thay thế nhà hoạt động người Pakistan Malala Yousafzai.

Là nhà hoạt động, Greta không tránh khỏi những lời đồn bất lợi về động cơ của mình. Để giải thích, cô cho hay cô không hoạt động vì động cơ thương mại hay bất cứ động cơ vụ lợi nào [14] Cô hoạt động vì mối nguy mà cô thấy rõ, và muốn cảnh tỉnh mọi người khi họ còn thời gian để hành động, như cô đã nói trong bài phát biểu trước Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu kể trên, rằng : 

"Năm 2078, tôi sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình. Nếu tôi có con, có lẽ chúng sẽ ở bên tôi ngày đó. Có lẽ chúng sẽ hỏi tôi về các vị. Có lẽ chúng sẽ hỏi tại sao các vị không làm bất cứ điều gì trong khi vẫn còn thời gian để hành động. Các vị nói rằng các vị yêu con cái của các vị hơn tất cả, nhưng các vị đang đánh cắp tương lai của chúng ngay trước mắt chúng".

"Chúng tôi không đến đây để cầu xin các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm. Các vị đã bỏ qua chúng tôi trong quá khứ và các vị sẽ bỏ qua chúng tôi một lần nữa. Chúng tôi đã hết sự tha thứ và chúng tôi sắp hết thời gian. Chúng tôi đến đây để cho các vị biết rằng sự thay đổi đang đến, dù các vị có thích hay không. Sức mạnh thực sự thuộc về người dân".

Vâng, sự thay đổi đang đến, dù nhiều người, trong đó có các nhà lãnh đạo thế giới, có thích hay không.

Với một số người, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề nghiêm trọng. Có thể họ đúng cho đến khi họ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt của nó. Với các nhà lãnh đạo, biến đổi khí hậu không là vấn đề ưu tiên và luôn bị bỏ lại đằng sau nhiều vấn đề khác. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo không quan tâm thì còn những người khác quan tâm. Và khi người lớn không hành động, thì trẻ em cần làm gì đó. 

Và thiếu niên Greta đã quan tâm và hành động một cách bền bỉ và quả quyết. Trên hành trình của mình, cô đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, khiến họ nhận ra rằng họ có sức mạnh, cũng như nhận ra rằng khi tập hợp lại, họ có thể thay đổi thế giới. Nhờ cô, những người lớn tuổi có thêm hi vọng vào những người trẻ tuổi và những người trẻ tuổi có thêm hi vọng vào tương lai. 

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 16/03/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Status thông báo của Greta

[2] Danh sách các quốc gia và sự kiện hướng ứng ngày "Thứ Sáu vì tương lai"

[3] Biến đổi khí hậu do nguyên nhân tự nhiên diễn ra qua quá trình dài hàng trăm đến hàng nghìn năm, và do vậy không được xem là nguyên nhân (hoặc nếu được xem là nguyên nhân, thì chỉ là nguyên nhân rất thứ yếu) của biến đổi khí hậu ngày nay. Xem thêm phần 'Nguyên nhân của biến đổi khí hậu' trong cuốn sách 'Những thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu' của Nhà xuất bản Tài nguyên và mMôi trường và Bản đồ Việt Nam.

[4] Expert credibility in climate change

[5] Bài phát biểu của Greta trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu tháng 12 năm 2018

[6] Bài phát biểu của Greta tại TEDxStockholm tháng 11 năm 2018

[7] Bài phát biểu của Greta tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1 năm 2019

[8] Greta Thunberg, schoolgirl climate change warrior : ‘Some people can let things go. I can’t’

[9] 'Our leaders are like children,' school strike founder tells climate summit

[10] Climate activist Greta Thunberg marches with students in Hamburg

[11] Swedish teen climate activist Greta brings school strike protest to Paris

[12] More than 1,000 Swiss pupils strike over climate

[13] Swedish teen climate activist Greta Thunberg nominated for Nobel Peace Prize 

[14] Phản hồi của Greta trước những lời đồn

Published in Diễn đàn

Ngày 20/2 vừa qua, trong một bài phát biểu của mình, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống ma túy của ông sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai. Ông nói rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia, và khi được hỏi liệu cuộc chiến có đẫm máu hơn không, ông đã trả lời thản nhiên rằng "Tôi nghĩ vậy" [1]. 

duterte1

Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo rằng cuộc chiến chống ma túy của ông sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai.

Câu trả lời dường như cho thấy quyết tâm dấn sâu hơn nữa của Duterte vào cuộc chiến mà ông khơi mào cách đây gần ba năm. Điều này nhất quán với cách ông trả thù Maria Ressa, giám đốc điều hành của Rappler – một trong các trang tin hàng đầu của Philippines – qua vụ bắt giữ bà trước đó một tuần vì cáo buộc về tội phỉ báng trên mạng, nhưng thực chất vì Rappler đã đăng nhiều bài viết chỉ trích nhiều chính sách của ông, trong đó có chính sách chống ma túy. Điều này cũng nhất quán với việc ông vẫn đang thúc đẩy hạ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy từ 15 tuổi xuống 9 tuổi [2].

Vấn nạn ma túy từ lâu đã trở nên nghiêm trọng, gây nhức nhối và khó giải quyết tại Philippines. Theo một khảo sát của Dangerous Drugs Board, một cơ quan chính phủ, vào năm 2015, khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi 10-69 tương ứng với khoảng 1,8% dân số đang dùng ma túy, và khoảng 4,8 triệu người trong độ tuổi đó từng dùng ma túy ít nhất một lần trong đời [3].

Khi tranh cử tổng thống vào năm 2016, Duterte đã hứa hẹn tiêu diệt hàng vạn tội phạm ma túy và kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch cùng ông. Hứa hẹn của người từng là thị trưởng của thành phố Davao trong hơn 20 năm với các chính sách cứng rắn, quyết liệt là một trong các lý do mà dân chúng Philippines bỏ phiếu cho ứng viên này.

Quả thực, khi thắng cử, trên cương vị tổng thống, Duterte đã thực hiện lời hứa đó. Tuy nhiên, cách ông làm đã thách thức các nguyên tắc của pháp luật. Tòa án và các thủ tục tố tụng luật định được xếp sang một bên. Ông đã cho phép cảnh sát quyền bắn chết những người phạm tội, thậm chí, các nghi phạm ma túy, mà không cần điều tra và xét xử. 

Không chỉ có thế, người dân cũng được trao cho "thẩm quyền" xử lý những người phạm tội và các nghi phạm, đúng như Duterte khuyến khích, rằng "Hãy tự mình làm điều đó nếu bạn có súng, tôi ủng hộ" [4]. Với mỗi trường hợp người phạm tội bị bắn chết, người hành quyết sẽ nhận được tiền công. "Phần thưởng" này đã kích thích người dân lao vào cuộc chiến chống ma túy cùng tổng thống của họ. 

Chiến dịch đã có kết quả. Trong 24 ngày đầu tiên kể từ khi tổng thống tuyên chiến với ma túy, gần 300 nghi phạm bị giết, hơn 3.700 nghi phạm khác bị bắt giữ, và ấn tượng nhất là gần 130.000 người đã tự thú vì sợ bị giết [5]. Chưa hết. "Gõ cửa tận nơi" là một phần của chiến dịch. Theo đó, cảnh sát được quyền khám nơi ở của các nghi phạm mà không cần lệnh khám. Với quyền hành này, cảnh sát đã khám xét hơn 68.000 ngôi nhà trong khoảng thời gian trên [6].

Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, những hình ảnh xác người nằm trên hè phố đã không còn lạ lẫm. Nhiều gia đình đã mất người thân, nhiều người vợ đã mất chồng, nhiều đứa trẻ đã mất cha. Nhiều người bị giết được cho là vô tội. Bi kịch hơn, trong số những người thiệt mạng có cả trẻ em [7].

Cho đến nay, số người thiệt mạng là không rõ ràng. Con số chính thức được thừa nhận là khoảng 5.000 [8], trong khi một số tổ chức nhân quyền cho rằng con số lên tới 12.000 [9], còn các chính trị gia đối lập cho rằng con số là hơn 20.000 [10]. Số người bị bắt giữ cũng lên tới hàng vạn và số người tự thú, chỉ trong 6 tháng đầu tiên, lên tới hơn 1 triệu [11]. Riêng về số người thiệt mạng, những người chỉ trích cho rằng hầu hết là những con nghiện và những người buôn bán mà túy nhỏ lẻ, trong khi những kẻ cầm các đầu đường dây ma túy vẫn chưa bị phát hiện.

Chính sách chống ma túy của Duterte gây ra nhiều tranh cãi, với cả sự ủng hộ lẫn phản đối từ người dân. Chính sách còn vấp phải sự phản đối của các cá nhân, tổ chức tôn giáo và nhân quyền trong và ngoài nước, trong đó có Giáo hội Công giáo Philippines. Những người ủng hộ nhắm vào kết quả mà họ xem là thắng lợi của chính sách, và cho rằng nếu chính sách không như vậy thì tình hình an ninh trật tự còn tồi tệ hơn. Trong khi đó, những người phản đối nhìn thấy sự suy yếu của nhân quyền, sự xói mòn của tư pháp, sự vô dụng của lập pháp, và sự lạm quyền của hành pháp.

Hẳn nhiên, những chỉ trích không là vấn đề đối với Duterte. Với ông, quyền lực của tư pháp và lập pháp, cũng như nhân quyền, không thể là lực cản để ông làm cho Philippines trở nên an toàn hơn theo cách ông nghĩ. Duterte từng nói ông không quan tâm đến nhân quyền hay các thủ tục pháp lý [12]. Và sau cảnh báo vào ngày 20/2 kể trên, ông sẽ càng không quan tâm.

Khi xem xét chính sách chống ma túy của Duterte, người ta có thể đặt ra một số câu hỏi. Chẳng hạn : Chính sách liệu có đúng không khi nhắm tới mục tiêu an toàn (giảm thiểu vấn nạn ma túy) nhưng lờ đi mục tiêu công bằng (bỏ qua tòa án và các thủ tục tố tụng) ? Chính sách có thực sự cải thiện tính an toàn khi người dân sống trong sợ hãi với nỗi lo bị giết, kể cả giết nhầm ? Sự ủng hộ của phần lớn người dân đối với chính sách nói riêng và đối với Duterte nói chung liệu có cho thấy họ là những người chủ sáng suốt của Philippines – nền dân chủ một thời đã được kỳ vọng làm mẫu hình cho Châu Á ? 

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 28/02/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Philippines' Duterte warns of harsher drugs war ahead

https://www.euronews.com/2019/02/20/philippines-duterte-warns-of-harsher...

[2] In Philippines, Duterte’s drug war finds a new target : 9-year-olds

https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2183272/philippine...

[3] DDB : Philippines has 1.8 million current drug users
https://www.rappler.com/nation/146654-drug-use-survey-results-dangerous-...

[4] Góc tối trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/goc-toi-trong-chien-dich-...

[5][6] Philippines tiêu diệt gần 300 nghi phạm ma túy trong 3 tuần

https://news.zing.vn/philippines-tieu-diet-gan-300-nghi-pham-ma-tuy-tron...

[7] Diệt ma túy ở Philippines : Sốc với số trẻ em thiệt mạng
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/diet-ma-tuy-o-philippines-soc-voi...

[8] Duterte's war on drugs to become 'killing field' if goes on : CHR

https://www.aljazeera.com/news/2018/12/duterte-war-drugs-killing-field-c...

[9] CHR : Death toll in drug war higher than what gov't suggests
https://www.rappler.com/nation/179222-chr-number-drug-war-victims

[10] Như [8]

[11] More than 1 million drug addicts surrender to gov't
https://www.rappler.com/nation/157082-one-million-drug-addicts-surrender 

[12] Như [4]

Published in Diễn đàn