Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót
Nguyễn Tiến Hưng, BBC, 22/04/2024
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết về những bí ẩn do chính Đại sứ Graham Martin kể lại về khả năng quân đội Mỹ - Việt Nam Cộng Hòa suýt chạm súng và Sài Gòn đã tan nát khi Mỹ tìm đường tháo chạy.
Đám đông tìm cách leo vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trong thời khắc cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam
Bốn hàng không mẫu hạm : Hancock, Coral Sea, Midway và Enterprise đã tập hợp lại thành một hạm đội ở ngoài khơi Việt Nam để sẵn sàng ứng chiến nếu quân đội Việt Nam Cộng Hòa quay súng bắn vào những địa điểm di tản của người Mỹ.
Nghe như câu chuyện tiểu thuyết, ấy thế mà nó đã thực sự xảy ra vào lúc người Mỹ rục rịch tháo chạy khỏi Việt Nam.
Nội trong hai tuần cuối tháng 4/1975, đang khi đi công tác tại Washington, chúng tôi đã choáng váng khi đọc những tin tức về khả năng này trên các tạp chí Time, Newsweek.
Với tựa đề Kế hoạch cho việc Di tản Cuối cùng (Planning for the Last Exodus), tờ Time (21/4/1975) tiết lộ : "Có một khả năng ác liệt khác là quân đội miền Nam Việt Nam sẽ quay súng bắn vào phi trường Tân Sơn Nhứt, vào phía Tân Cảng (cảng Newport), hay bắn vào chính cả cái bãi đáp trực thăng trên nóc tòa Đại sứ Mỹ nữa, nếu những người Mỹ rục rịch di tản… Một đơn vị 2.200 lính Thủy quân Lục chiến đã được huy động tới bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác. Nếu cần, quân đội Mỹ có thể được không vận vào Sài Gòn, bắn phá mở đường đến một địa điểm an toàn, rồi chở đoàn người di tản bằng trực thăng tới các chiến hạm ngoài khơi".
Hóa ra, vào lúc cuốn lều trước khi bão tố ập tới, Washington đã hoảng loạn. Không phải lo bị quân đội Bắc Việt tấn công mà là lo vì có thể sẽ phải chạm súng với chính quân đội Việt Nam Cộng Hòa !
Ôi chao, sao lại có thể ê chề đến như vậy ? Mà cũng chưa thấy cuốn phim nào về Chiến tranh Việt Nam - kể cả The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của Ken Burns và Lynn Novick hay Last Days in Vietnam (Những ngày cuối ở Việt Nam) của Rory Kennedy nói tới biến cố này.
Kế hoạch Talon Vise
Mười năm sau sụp đổ, ông Graham Martin, đại sứ Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn, đã kể lại với chúng tôi chi tiết về những gì ông đã chứng kiến và hành động vào lúc bi kịch Miền Nam sắp hạ màn : "Lúc đó đã có biết bao nhiêu kế hoạch điên rồ được mang ra. Tôi phải cố gắng ngăn chặn lại. Suýt nữa thì hoàn toàn đổ vỡ, chẳng ai đi được mà còn có thể gây ra thảm họa lớn !"
Hành lang tháo chạy từ trung tâm Sài Gòn tới Vũng Tàu
Kế hoạch di tản có mật hiệu là Talon Vise được hai tạp chí Time và Newsweek dành nhiều trang để bình luận. Lựa chọn thứ nhất là di tản 6.000 người Mỹ và một số nhỏ người Việt bằng máy bay lớn cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, yểm trợ bằng quân lực Mỹ.
Đúc kết các tin tức liên hệ trong hai tuần cuối tháng 4/1975 thì ta thấy kế hoạch tháo chạy gồm bảy động thái :
Tập hợp một số chiến hạm gồm 4 hàng không mẫu hạm cỡ lớn và một mẫu hạm chở trực thăng ở sát hải phận Việt Nam.
Huy động từ 3 tới 6 sư đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ để thiết lập "một hành lang di tản".
Trực thăng chở 6.000 người Mỹ (và một số người Việt có "rủi ro cao độ") từ trung tâm Sài Gòn ra Tân Sơn Nhứt.
Thủy quân lục chiến bay vào bao vây phi trường Tân Sơn Nhứt để bảo đảm an toàn.
Máy bay phản lực của Mỹ bao phủ vòm trời từ Sài Gòn ra Vũng Tàu.
Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ Vũng Tàu.
Từ Vũng Tàu, máy bay chở người di tản tới phi cảng Clark ở Philippines.
Tờ Newsweek ngày 21/4/1975 còn trích dẫn tiết lộ của một một viên chức cấp cao ở Ngũ Giác Đài giải thích tại sao lại cần tới 6 sư đoàn : "Phải chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt để máy bay và trực thăng đáp, chỉ việc này không thôi cũng đã cần 3 sư đoàn. Rồi cần giữ an ninh ngoài cảng cho tàu cập bến, nên lại cần thêm ba sư đoàn nữa".
Mỹ lo sợ phải bắn nhau với quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Người Mỹ lên một chiếc trực thăng bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn để di tản
Mùa Hè 1985, chúng tôi và Jerrold Schecter (nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time) lái xe xuống North Carolina để thăm hỏi và nghe ông Martin tâm sự về thảm họa đã có thể xảy ra ở Sài Gòn. Khả năng 6.000 người Mỹ có thể bị kẹt do tình trạng hỗn loạn làm tắc nghẽn giao thông là một tình huống đã làm cho ông lo nghĩ nhiều nhất. Ông đã mất ngủ từ khi trông thấy cảnh rút lui thê thảm khỏi Pleiku, rồi tới tình trạng rối loạn ở phi trường Đà Nẵng, Nha Trang : dân chúng tràn ngập đường phố để tìm lối thoát, rồi tới tình trạng rối ren ở phi trường. Máy bay không đáp xuống được nữa khi các phi đạo bị tắc nghẽn.
Sau sụp đổ, ngày 27/1/1976, trong một buổi điều trần tại Hạ Viện Mỹ về cuộc di tản, ông Martin đã nói tới nỗi lo lắng của ông về sự phản bội trắng trợn của Mỹ và hậu quả của nó là số người Mỹ còn lại và một số nhỏ người Việt được chọn không thể rời Sài Gòn. Trong trường hợp đó, quân lực Mỹ sẽ phải bay vào can thiệp, dẫn tới khả năng đụng độ giữa hai quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Đó là một tình huống ê chề nhất, mà lại vào giờ chót :
"Tôi cho rằng mang quân đội Mỹ vào là một sai lầm lớn, vì, thưa quý vị, nếu quý vị đứng vào hoàn cảnh của người Việt Nam thì quý vị sẽ phản ứng như thế nào ?"
Khi bị chất vấn là tại sao ông không yêu cầu Tổng thống Gerald Ford cho di tản trước ngày 29/4/1975 (ngày Tân Sơn Nhứt bị pháo kích), ông Martin trả lời :
"Không, vì theo đánh giá kỹ nhất của tôi, nếu làm sớm hơn sẽ có nguy cơ là xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người Mỹ sẽ chết. Nó sẽ đưa tới một sự khủng khiếp nặng nề nhất, đó là nhu cầu phải đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và chúng ta sẽ phải chiến đấu với quân đội Miền Nam để mở đường tháo chạy".
Ngày nay ta mới hiểu hết được tâm tư của Đại sứ Martin. Ta thử tưởng tượng : Nếu Mỹ đem từ 3 tới 6 sư đoàn vào để chỉ di tản người Mỹ và bà con, trước hết là Thủy quân lục chiến chiếm đóng phi trường Tân Sơn Nhứt, rồi Tòa Đại sứ Mỹ ; sau đó, trực thăng và từng đoàn xe Mỹ chở người tới phi trường. Và cũng như vậy, di tản từ các địa điểm khác như Biên Hòa, Cần Thơ. Khi thấy sự phản bội quá lộ liễu như thế, liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân, dân chúng Việt Nam Cộng Hòa có để yên hay không ?
Trong cuốn phim Last days in Vietnam, ông Martin bị chỉ trích rất nặng nề là đã không cho phép nhân viên tòa đại sứ, CIA, v.v. tổ chức di tản người Mỹ sớm nhất có thể và cứ kéo dài thời gian di tản. Bây giờ thì ta mới hiểu được là tại sao như vậy. Nếu ông Martin cuốn gói ra đi theo lệnh ngày 17/4/1975 của Ngoại trưởng Henry Kissinger thì tình hình đã như thế nào ? Và bao nhiêu người Việt được di tản ?
Trong mật điện rất dài trả lời Kissinger ngay đêm hôm ấy (17/4/1975), ông Martin đã cố gắng thuyết phục :
"Lệnh di tản người Mỹ đột ngột có thể gây bạo động ở Sài Gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa Thủy quân Lục chiến vào đây thì có thể gây ra sự nổi giận không thể lường được…".
Rồi ông nhấn mạnh thêm :
"Tôi nhắc lại một lần nữa là sẽ có náo động lớn nếu điều quân đội Mỹ vào Sài Gòn, ngoại trừ một số ít và không quá lộ liễu".
"Tất cả những tin tức lặt vặt nhận được về phản ứng (của phía Miền Nam) đều xác định đây là điều ta không nên làm…".
Ông Martin đã nhận được những tin tức như thế nào ?
Đại sứ Mỹ Graham Martin trả lời báo chí trên tàu USS Blue Ridge ở Biển Đông sau khi rời khỏi Sài Gòn
Trong cùng một mật điện, ông báo động :
"Người Việt Nam sẽ cho rằng Hoa Kỳ mang Thủy quân lục chiến vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa Kỳ. Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn cần để ý tới những gì sẽ xảy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra, dù là nhỏ nhoi tới đâu, cũng có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn. Cứ để như tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ gây được cảm tình với người Việt Nam vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây để cùng chịu chung số phận với họ…".
Rồi như không còn chế ngự được mình nữa, ông Martin đã đi tới chỗ gần như chửi thề cả các sếp :
"Thế nhưng, tất cả những điều này đều có thể thay đổi đột ngột nếu như có một tên điên rồ khốn kiếp nào đó lại thuyết phục được một trong các quý ông ở địa vị lãnh đạo cấp cao mang Thủy quân lục chiến vào trước khi tôi yêu cầu".
Để cho tăng phần quan trọng, ông thêm :
"Đây là công điện tôi tự đánh máy lấy, không có bản sao, ngoại trừ hồ sơ tại Washington".
Chưa xong, trước khi chấm dứt bức công điện, ông đã bỏ hết mọi ràng buộc về ngoại giao và còn dứt khoát với cấp trên :
"Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối là nếu đưa quân đội Hoa Kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội Miền Nam để tìm đường tháo chạy".
"Nếu hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút khỏi một cách êm đẹp - tôi xin nhắc lại - và ta sẽ không gây ra một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã mắc phải ở Việt Nam và về vấn đề Việt Nam".
Những ai đã cảnh cáo Mỹ
Chờ di tản bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn
Sở dĩ phải trấn an như vậy một phần cũng bởi vì ông Martin đã nhận được nhiều lời cảnh cáo về thảm họa sẽ xảy ra nếu Mỹ bỏ rơi đồng minh một cách tàn nhẫn.
Những lời cảnh cáo đã được gửi đến cho Đại sứ Martin từ phía Việt Nam Cộng Hòa gồm Trung tướng Đặng Văn Quang, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Trung tướng Nguyễn Cao Kỳ - như đã được đề cập trong cuốn Tâm tư Tổng thống Thiệu.
Về lời nhắn của ông Kỳ thì ngày 16/4/1975, ông Martin báo cáo rất rõ về Tòa Bạch Ốc :
"Ông ta e ngại cho mạng sống của những người Mỹ. Ông nói rằng việc Tổng thống Ford tuyên bố là sẽ chỉ cho những gia đình người Việt làm việc cho Mỹ được di tản đã làm cho những sĩ quan tác chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa phẫn nộ ; những người này là những người đã trung thành phục vụ và đặc biệt là do họ mà ông Kỳ lo lắng cho sự an toàn của người Mỹ".
Tờ Newsweek (28/4/1975) còn thuật lại câu chuyện là một buổi sáng nọ, khi quan sát nhóm người Mỹ và thân nhân Việt của họ kéo đến trước tòa đại sứ, một viên chức cảnh sát Sài Gòn bỗng nhiên chặn lại và quát lên : "Các anh không thể bỏ nơi đây để ra đi, tôi sẽ nhốt hết các anh lại". Lính gác vội vàng đưa đoàn người này lọt vào qua cổng tòa đại sứ.
Rồi những tin tức khác còn làm dấy lên những lời đồn đoán về việc bắt giữ con tin.
Bắt Mỹ làm con tin ?
Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia kiêm Tổng Giám đốc Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng Hòa) – hiện cư ngụ tại San Jose, California - kể lại thì chính ông Thomas Polgar, trùm CIA ở Việt Nam, đã đến gặp ông và gạ hỏi :
"Thưa Thiếu tướng, chúng tôi nghe thông tin là có những nhóm người võ trang định bắt người Mỹ làm con tin ?"
"Tôi nghĩ rằng có, nhưng chưa có gì là cụ thể, hay tổ chức thành kế hoạch", ông Bình trả lời.
"Chúng tôi biết đã có một tiền lệ ở đây về việc bắt cóc".
"Tiền lệ nào ?"
"Chắc Thiếu tướng còn nhớ vụ Cité René Hérault ?"
"Tôi nhớ, nhưng ông đừng lo. Tuy nhiên, tôi cũng phải cho ông hay là cả thủ đô đang đặt vấn đề là tại sao Mỹ chỉ cho một số nhỏ người Việt được di tản".
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức về việc này (giúp di tản nhiều hơn)".
Khi tôi hỏi về biến cố "Cité René Hérault" thì ông Bình kể lại là nó xảy ra vào năm 1945. Cư xá này nằm ở Tân Định, phía tay phải trên đường từ Tân Sơn Nhứt vào Sài Gòn. Phần đông là nơi người Pháp và lai Pháp cư ngụ. Tình hình tại Sài Gòn vào mùa hè năm ấy hết sức sôi động. Bao nhiêu tranh chấp giữa các phe phái : Nhật, Pháp, Việt Minh, lực lượng Đồng Minh do Tướng D.D. Gracy (người Anh) chỉ huy. Ngoài Việt Minh, lại còn các phe phái Việt Nam khác. Mờ sáng ngày 25/9/1945, lực lượng Bình Xuyên tấn công cư xá René Hérault. Nhiều người Pháp và lai Pháp đã bị hạ sát, bị bắt bắt làm con tin.
Sẽ không một người Việt nào lên máy bay hay tàu Mỹ nếu…’
Sau ông Polgar thì đến lượt Đại sứ Martin cảnh cáo Tướng Bình : "Này Thiếu tướng, chúng ta là đồng minh đã mấy chục năm, chết sống với nhau trên chiến trường. Bây giờ đến lúc kết thúc, ta phải làm sao cho êm đẹp, terminer en beauté".
Rồi với một giọng nói nhỏ nhẹ và chân thành, ông nói tiếp :
"Tôi sẽ cố gắng tranh đấu hết sức của tôi để di tản một số người Việt đông nhất có thể, nhưng tôi cần ông giúp một việc quan trọng nhất lúc này".
"Việc gì, thưa Đại sứ ?"
"Ông phải làm sao giữ được an ninh tại Sài Gòn cho tới giờ phút chót. Và quan trọng nhất là chớ có để xảy ra vụ bắt cóc người Mỹ, dù quân sự hay dân sự".
"Thưa Đại sứ, an ninh thủ đô là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Và giờ phút này, theo lệnh của Tổng thống Thiệu, lực lượng Cảnh sát Dã chiến đóng ở Vườn Tao Đàn và ở một số các địa điểm chiến lược tại thủ đô dưới quyền điều khiển trực tiếp của tôi đang làm việc ngày đêm cho công tác này".
Đại sứ Martin nhìn thẳng mắt Tướng Bình, rồi dằn từng tiếng :
"Cám ơn Thiếu tướng, vì nếu có xảy ra dù chỉ một vụ bắt cóc hay lộn xộn, tôi bảo đảm với ông là sẽ không một người Việt Nam nào bước lên máy bay hay tàu Mỹ".
Sau một vài trao đổi, ông Martin tạm biệt ông Bình :
"Tôi cam kết với ông rằng nếu mọi chuyện tốt đẹp, tôi sẽ là người cuối cùng bước lên máy bay".
Đúc kết lại thì ngoài việc ngăn chặn Washington gửi Thủy quân lục chiến vào Sài Gòn, ông Martin còn có ba hành động để giữ cho tình hình yên ổn : một là sinh hoạt hết sức bình tĩnh để không đổ thêm dầu vào lửa, không làm xôn xao thêm dư luận là Mỹ đang bỏ chạy ; hai là cố kéo dài cuộc di tản người Mỹ để giúp một số người Việt ra đi ; và ba là cho di tản sớm một số phi công Việt Nam Cộng Hòa để tránh bắn rơi máy bay Mỹ.
Trấn an dư luận
Ông Martin giải thích cho Quốc hội Hoa Kỳ đầu năm 1976 :
"Điều lo ngại nhất của chúng tôi lúc đó là tránh khỏi cảnh hoảng hốt, hỗn loạn. Sự lo nghĩ này ảnh hưởng đến tất cả những hành động khác… Nếu chúng ta không cư xử cho đúng mức thì đồng minh của chúng ta (Việt Nam Cộng Hòa) sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và họ sẽ trở mặt với Mỹ trong những ngày cuối cùng !".
"Bởi vậy phải hết sức bình tĩnh nếu muốn di tản được người Mỹ, những người Việt có liên hệ gia đình với Mỹ và càng nhiều nếu có thể được, số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ".
Tại tư thất cũng như văn phòng làm việc, ông Martin nhất định không chịu đóng gói. Đồ đạc, sách vở, hồ sơ, hình ảnh trên tường vẫn được để nguyên vẹn, không xê dịch. Ngày 18/4/1975, ông còn cho Giám đốc Thông tin Hoa Kỳ, ông Alan Carter, lên truyền hình Sài Gòn để giảm nhẹ đồn đoán về những Mỹ đang rời bỏ Việt Nam : "Nếu quý vị ghé thăm tư thất của chính Đại sứ và bà Martin, quý vị sẽ thấy hoàn toàn không có đóng gói gì hết. Và ở nhà riêng của tôi cũng vậy".
Kéo dài cuộc di tản người Mỹ để cứu vớt người Việt
Từ khi nhận được chỉ thị ngày 17/4/1975 của Ngoại trưởng Henry Kissinger là "phải ra đi cho lẹ và ngay bây giờ, ông bị hối thúc liên tục về việc di tản người Mỹ, nhưng như ông đã tâm sự : "Nếu tôi ra đi thì sẽ chẳng có máy bay nào vào Sài Gòn để đưa người Việt Nam đi".
Chính Kissinger đã bình luận về việc ông Martin cứ chần chừ không chịu đi :
"Nhiệt tình gắn bó với những người mà ông sắp bị bắt buộc phải bỏ lại, ông Martin đã coi như bổn phận của mình là phải kéo dài cuộc rút lui của Mỹ ra trong một thời gian dài nhất để giữ lại sự có mặt của Mỹ (tại Việt Nam), làm sao cho còn đủ để biện hộ cho việc cứu người Việt Nam".
"Ông ta tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài Gòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà Nội, ông đã phấn đấu để cho cuộc di tản quá chậm…".
Đưa phi công Việt Nam Cộng Hòa tới Thái Lan
Ông Martin đã sắp xếp để đưa một số khá nhiều phi công Việt Nam Cộng Hòa và gia đình được ưu tiên ra đi. Tất cả khoảng 2.000 người di tản trước hết là tới phi cảng U-Tapao ở Thái Lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Cũng trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ về di tản, ông Martin cho rằng nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt Nam sẽ trút sự giận dữ trên đầu những người Mỹ còn lại :
"Tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông Thủy quân lục chiến vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy.
"Không quân Việt Nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của Mỹ, khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt".
Ông Martin cho rằng phi công là những phần tử trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị uất hận nhiều nhất nên có thể phản ứng :
"Tôi có một sự lo nghĩ trong lòng nhưng nó đã được giải quyết trước ngày cuối cùng của cuộc di tản, đó là một phần đông không quân Miền Nam đã được bay sang căn cứ U-Tapao ở Thái Lan. Như vậy là đã di chuyển được khả năng (chiến đấu) của một số phi công chống đối trên bầu trời, họ có lẽ là phần tử uất hận nhất trong các quân chủng. Và để trả thù, họ sẽ ngăn chặn cuộc di tản cuối cùng của chúng ta".
Nếu phi công Việt Nam Cộng Hòa bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ, chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6.000 người Mỹ phải chết. Thêm vào đó là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên. Dĩ nhiên là không lực từ Đệ thất Hạm đội sẽ vào uy hiếp, dẹp tan hết mọi cuộc tấn công. Nhưng Sài Gòn sẽ đổ vỡ tan nát và bao nhiêu người dân sẽ là nạn nhân ?
Hủy bỏ ‘kế hoạch điên rồ’
Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, sau cùng thì Tổng thống Ford đã được thuyết phục và hủy bỏ kế hoạch Talon Wise.
Vào lúc 4 giờ 05 sáng thứ Ba, ngày 29/4/1975 (4 giờ 05 chiều 28/4 giờ Washington), những hỏa tiễn đầu tiên của Bắc Việt rơi trúng phi trường Tân Sơn Nhất, Tổng thống Ford ra lệnh khỏi động kế hoạch Frequent Wind (Hành quân gió nhanh) - di tản bằng trực thăng.
Ông Martin miễn cưỡng đồng ý nhưng vẫn vẫn tiếp tục gửi điện văn từng giờ xin thêm trực thăng để di tản người Việt cho đến lúc 4 giờ 45 mờ sáng ngày 30/4/1975, khi có lệnh của Tổng thống là phải bước lên chiếc trực thăng cuối cùng mang bảng số Lady Ace 09. Nếu trái lệnh thì sẽ bị áp giải như chúng tôi đã ghi lại chi tiết về câu chuyện "Con hổ với trái tim đầy tình người" trong cuốn sách Bức tử Việt Nam Cộng Hòa – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm sẽ được xuất bản nay mai.
***
Xem như vậy, Trời vẫn còn ban phát một ân huệ cuối cùng cho nhân dân Miền Nam để tránh được một thảm họa khôn lường vào những giờ phút cuối cùng. Vì nếu không thì lịch sử đã phải ghi nhận về "Ngày cuối cùng" lại là "ngày đẫm máu nhất của Chiến tranh Việt Nam".
Sau hai mươi năm chung vai sát cánh trong một cuộc chiến tàn ác, tới lúc hạ màn hai bên Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa lại có thể bắn nhau tan nát ?
Nguyễn Tiến Hưng
Nguồn : BBC, 22/04/2024
***************************
Dinh Độc Lập tháng 3/1975 : Lệnh rời bỏ Cố đô Huế
Nguyễn Tiến Hưng, BBC, 29/03/2024
Ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa, về những quyết định quan trọng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào giai đoạn tối hậu của Chiến tranh Việt Nam. Đây là bản cập nhật một bài viết đã xuất bản trên BBC vào năm 2017.
Binh lính và người dân trên tàu sơ tán khỏi Huế, tháng 3/1975
Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, người anh hùng chiến thắng cả được quân Nguyên Mông, thế mà lại phải đầu hàng trước nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Huyền Trân Công chúa. Ông liền dâng cả miền đất của Châu Ô, Châu Rí cho Việt Nam để làm quà sính lễ xin cưới Huyền Trân về làm vợ.
Nàng hy sinh, giúp mở được con đường Nam Tiến. Vua Trần đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu, gọi tắt là Thuận Hóa. Chữ "Hóa" dần dần đọc trại đi thành "Huế".
Câu chuyện lãng mạn ấy đi đôi với cái phong cảnh nhẹ nhàng, quyến rũ của miền đất này. Lăng tẩm, Thành Nội, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Rồi những buổi chiều tím, những đêm trăng mờ, những con đò nho nhỏ.
Nếu ta dừng lại ở vài bậc chót khi lên Chùa Thiên Mụ mà ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên dòng Sông Hương thì sẽ thấy lòng mình lắng xuống, rồi như bị cuốn vào với tiếng chuông chùa, ngân vang vào không trung : "Ai đi xa Huế làm sao quên được Sông Hương ?"
Cái cảnh nửa đi nửa ở không phải chỉ ám ảnh người lữ khách khi phải lìa xa nơi Cố đô, nó còn làm cho các nhà quân sự trăn trở không ít khi phải vĩnh biệt chốn Kinh Kỳ vào cuối tháng Ba năm ấy. Lúc thì cố thủ, lúc thì rút quân, rút xong lại muốn quay về giữ Huế, cứ dùng dằng mãi.
Hoàng thành Huế ngày nay
Có nên hay không nên giữ Huế ?
Trong một báo cáo tối mật của Tướng Fred Weyand gửi Tổng thống Gerald Ford sau chuyến viếng thăm chiến trường Miền Nam vào cuối tháng 3/1975 để thẩm định tình hình, ông đề cập tới hậu quả bi đát của việc Mỹ cúp hết viện trợ làm tê liệt khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, như được ghi lại trong cuốn Bức tử Việt Nam Cộng Hòa – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm sẽ xuất bản nay mai. Tướng Weyand là người đã bí mật giúp tác giả chuyển được vài lá thư của Tổng thống Richard Nixon gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho Tổng thống Gerald Ford đọc - nói về những cam kết đối với Việt Nam Cộng Hòa mà chính ông Ford cũng chưa bao giờ được biết, nên ông đã bàng hoàng !
Về sự trăn trở tại Dinh Độc Lập trước khi bỏ Huế (13/3), Tướng Weyand bình luận :
"Trong mười hai ngày tiếp theo sau buổi họp này (từ 13 tới 25), có sự băn khoăn lớn lao từ phía Quân đoàn I và Sài Gòn về việc nên giữ lại những phần nào ở Quân đoàn I, nhất là về việc có nên hay không nên giữ Huế ?"
Tiến thoái lưỡng nan
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các thành viên nội các tại Sài Gòn
"Anh Trưởng hả ? Liệu có giữ được Huế không ?"
Tổng thống Thiệu nhấc điện thoại nóng hỏi Tướng Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng. Hôm đó là ngày 25/3/1975.
Một cuộc họp tại Dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu lúc 9 giờ 30 sáng. Những người hiện diện, ngoài Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, còn có :
Khi mọi người đã đến đông đủ, một bầu không khí im lặng ghê rợn bao phủ phòng họp. Những điểm màu đỏ đánh dấu vị trí đồn trú của quân đội Bắc Việt trên tấm bản đồ lớn trên tường đã mọc lên như nấm. Cuộc duyệt xét tình hình quân sự bắt đầu.
Sau khi Tướng Khuyên trình bày về tình hình Quân khu I và II, Tổng thống Thiệu nhấc máy điện thoại gọi Tướng Trưởng hỏi xem có giữ được Huế hay không. Rồi ông nhắc lại câu trả lời từ đầu giây bên kia cho mọi người nghe :
Trung tướng Trưởng : "Nếu có lệnh, thì giữ".
Tổng thống Thiệu : "Liệu giữ được bao lâu ?"
Trung tướng Trưởng : "Ngày một ngày hai".
Tổng thống Thiệu : "Vậy nếu không giữ được, thì phải quyết định ngay. Nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ".
Vì những biến cố về thảm họa mất Huế còn đặt ra nhiều nghi vấn nên chúng tôi đã ghi lại thật rõ ràng về những diễn tiến liên quan tới Quân đoàn I vào tháng 3/1975 ở Chương 3 trong cuốn sách "Tâm tư Tổng thống Thiệu", cùng với suy tư của Tổng thống Thiệu và Trung tướng Trưởng. Thêm vào đó là tường thuật của Đại tướng Cao Văn Viên và những tài liệu của Hoa Kỳ.
Cuộc họp giữa Tổng thống Thiệu và Trung tướng Trưởng ngày 19/3/1975
Vì Bắc Việt đã điều động toàn bộ bảy sư đoàn Tổng trừ bị vào Miền Nam, ba sư đoàn cơ hữu của Tướng Trưởng ở Quân Đoàn I phải đối mặt với sức mạnh áp đảo sau trận chiến Ban mê Thuột.
Sáng ngày 19/3/1975, Tướng Trưởng bay vào Sài Gòn để trình bày với Tổng thống Thiệu kế hoạch rút quân của ông. Lần này có sự hiện của cả Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Sự hiện diện của cụ Hương là việc bất thường, vì xưa nay khi bàn chuyện quân sự ông Thiệu thường chỉ mời có ba vị : Khiêm, Viên và Quang mà thôi. Chắc hôm ấy ông phải nhờ đến sự ủng hộ của Phó Tổng thống để thuyết phục Tướng Trưởng nên bỏ Huế.
Theo Đại tướng Viên thuật lại trong cuốn "Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa" (trang 162-163):
"Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp :
Vì lúc ấy "không thể rút quân theo kế hoạch thứ nhất được vì hai đoạn đường từ Huế đến Đà Nẵng và từ Chu Lai đến Đà Nẵng đã bị chốt hết rồi, và làn sóng người tỵ nạn lại đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất này để chạy về Đà Nẵng, nên Tướng Trưởng kết luận : "Chúng ta chỉ có một chọn lựa và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trễ".
Chọn lựa của Tướng Trưởng là phải rút quân về Huế, Đà Nẵng, Chu Lai và lợi dụng những công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành (Huế) để chống cự".
Trong cuộc họp ngày 19/3, Tổng thống Thiệu kể lại là ông đã miễn cưỡng chấp thuận kế hoạch thứ hai của ông Trưởng vì ông Trưởng nói không còn đường nào tháo lui khỏi Huế được nữa vì Quốc lộ 1 đã bị chặn : "Tôi nói với Tướng Trưởng là mặc dầu lịch sử có thể sẽ phán xét tôi như một thằng ngu (imbécile) nhưng vì lòng tôi đối với đất nước, tôi đồng ý". Sau đó ông Thiệu tiễn ông Trưởng ra khỏi Dinh Độc Lập và nói : "Tôi đợi đến khi anh về tới Đà Nẵng rồi sẽ tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh".
Tổng thống Thiệu kể thêm : Khi bay về tới Đà Nẵng thì "ông Trưởng lại gọi điện thoại để yêu cầu tôi hãy hoãn lại việc tuyên bố tử thủ Huế trên đài phát thanh, vì có thể ta không giữ nổi Huế". Tôi hỏi tại sao Tướng Trưởng lại thay đổi chiến lược ?
Tổng thống Thiệu trả lời : "Lý do là khi máy bay vừa đáp xuống Đà Nẵng thì Tướng Trưởng lại nghe Tướng (Lâm Quang) Thi, Tư lệnh phó Quân đoàn I báo cáo là quân đội Bắc Việt đã bắt đầu nã pháo vào Bộ Chỉ huy rồi".
Việc Tướng Thi báo cáo Bộ Tư lệnh của ông đã bị pháo thì Đại tướng Viên cũng xác nhận trong cuốn hồi ký của ông (sđd., trang 164-165). Nhưng việc Tướng Trưởng xin hoãn tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh thì chưa thấy ai nói tới.
Cũng theo lời Tổng thống Thiệu, vì ông đã miễn cưỡng đồng ý với Tướng Trưởng về việc giữ Huế mà bây giờ lại thấy ông Trưởng dè dặt, lung lạc nên nhân cơ hội này, ông Thiệu lại nói thêm về việc nên bỏ Huế. Ông cho ông Trưởng biết là cả Phó Tổng thống, cả Thủ tướng đều chống lại việc giữ cả hai nơi - Huế và Đà Nẵng - cùng một lúc vì không đủ sức.
Nhưng mặc dù Tổng thống Thiệu tỏ ý dè dặt, Tướng Trưởng vẫn tiến hành kế hoạch giữ ba cứ địa Huế, Chu Lai và Đà Nẵng, vì Quốc lộ 1 đã bị chặn rồi, không thể rút được nữa, vả lại ông cho rằng Tổng thống Thiệu tuy dè dặt nhưng chưa rút lại lệnh đó.
Tổng thống Thiệu trong chuyến thị sát Huế - Đà Nẵng tháng 2/1975
Nơi đây chúng tôi xin mở ngoặc để nói tới một nhược điểm của Việt Nam Cộng Hòa về sự thiếu điều hợp giữa các cơ quan, dẫn đến sự bất nhất : Trong buổi họp ngày 19/3/1975, sau khi do dự rồi đồng ý để Tướng Trưởng giữ Huế, Tổng thống Thiệu chỉ thị Văn phòng soạn một bài về "cố thủ Huế" để ông trấn an nhân dân trên đài phát thanh. Tới khi Tướng Trưởng về tới Đà Nẵng thì lại gọi điện thoại vào Sài Gòn yêu cầu tổng thống hoãn tuyên bố cố thủ Huế. Và ông Thiệu đã đồng ý nhưng - có thể là vì Dinh Độc Lập đã không có chỉ thị rõ ràng cho đài phát thanh là phải hủy lời tuyên bố "cố thủ Huế" cho nên ngày hôm sau (20/3), đài phát thanh vẫn cứ oang oang phát sóng lời hiệu triệu !
Lời hiệu triệu cố thủ Huế trên đài phát thanh đã làm cho Tướng Trưởng bàng hoàng, đồng thời làm cho Tổng thống Thiệu bất mãn vì bị coi là đã có hành vi bất nhất !
***
Vào thời điểm này thì Đài BBC luôn luôn loan báo đầy đủ chi tiết về cuộc triệt thoái Pleiku và tiên đoán là quân đội Bắc Việt sẽ tới vùng phụ cận Sài Gòn trong vòng vài ba tuần lễ vì Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đã mở rộng.
Đài VOA thì tường thuật về vụ nhóm Dân chủ ở Hạ viện đã bỏ phiếu chống viện trợ bổ túc cho Miền Nam (ngày 12/3/1975) với số phiếu 189-49 ; rồi nhóm ở Thượng viện theo sau với số phiếu 34-6 !
Binh sĩ nghe liên tục như vậy nên tinh thần sa sút rất nhanh. Từ Miền Trung, đơn xin tiếp liệu về thực phẩm, dược phẩm, nhà tạm trú cho gia đình binh sĩ và người di tản tới tấp bay về Sài Gòn, nhưng chính phủ trung ương đã hầu như cạn kiệt, không thể đáp ứng được nữa.
Năm ngày trăn trở về Huế
Ngày 23/3/1975, theo Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trong hồi ký "Đất nước tôi" :
"Tướng Trưởng họp bộ tham mưu tại Đà Nẵng, ra chỉ thị cho Tướng Thi tử thủ Huế nhưng đồng thời phải có kế hoạch để sẵn sàng di tản về Đà Nẵng nếu tình hình đòi hỏi. Đến đây ai cũng nhận thấy tình hình cố đô Huế rất nguy kịch, nếu không nói là tuyệt vọng. Sau đó, sáng ngày 24/3/1975, Tướng Thi và Bộ Tư lệnh tiền phương đáp tầu Hải quân đi Đà Nẵng…".
Ngày 25/3/1975, theo Đại tướng Viên :
"Tất cả các đơn vị của Quân đoàn I tụ lại tại ba phòng tuyến chánh : nam Chu Lai, Đà Nẵng (kể cả Hội An) và Bắc thành phố Huế… Tinh thần binh sĩ xuống thấp và chán nản. Từ lâu, chinh chiến hết trận này đến trận nọ, nhưng chưa bao giờ họ nằm trong cảnh tuyệt vọng như vầy… Trong tình thế thất vọng đó, Quân đoàn I nhận thêm một quân lệnh từ Dinh Độc Lập : Tổng thống Thiệu ra lệnh Tướng Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của quân đoàn để phòng thủ Đà Nẵng. Sư đoàn Thủy quân lục chiến được đóng vai trừ bị. Đêm đó Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng…".
"Kế hoạch di tản lực lượng khỏi Huế bắt đầu bằng cách cho sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị cơ hữu của sư đoàn rút ra Cửa Tư Hiền…".
Lệnh bỏ Huế ngày 25/3/1975
Quân Bắc Việt chặn Quốc lộ 1, những người di tản phải sơ tán bằng đường biển
Như viện dẫn ở đầu bài, trong buổi họp ngày 25/3/1975, sau khi Tổng thống Thiệu hỏi Tướng Trưởng "nếu ông quyết định giữ Huế thì được bao lâu", ông Trưởng trả lời là chỉ giữ được "ngày một ngày hai", ông Thiệu lặp lại cho mọi người nghe, rồi ra lệnh : "Vậy nếu không giữ được, phải quyết định ngay và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ".
Tới đây Tổng thống Thiệu không nhắc lại thêm các câu trả lời sau đó của Tướng Trưởng nữa. Ông đặt ống nói xuống và nói : "Ông Trưởng rất depressed" (chán nản).
Sau khi tham khảo với Đại tướng Viên, Tổng thống Thiệu ra chỉ thị cho ông gửi công điện cho Tướng Trưởng, đưa ra ba lệnh (và chúng tôi đã ghi rất rõ ràng xuống cuốn sổ tay còn giữ được) :
"Thứ nhất, bỏ Huế ;
"Thứ hai, phải làm cho lẹ ;
"Thứ ba, tử thủ Đà Nẵng".
Tổng thống Thiệu thở dài : "Mình trông cậy vào ba 'enclaves' (cứ điểm), mà bây giờ chỉ còn một ở Đà Nẵng". Nghe vậy, ông Bắc và tôi bàng hoàng nhìn nhau. Như vậy là đã có lệnh chính thức bỏ Huế.
Số phận người quân nhân
Nơi đây, chúng tôi xin mở ngoặc để nhắc lại về tình trạng kinh tế khó khăn của thân nhân người binh sĩ trước khi sụp đổ. Từ mùa hè 1974, sau khi giá xăng dầu tăng lên gấp ba lần, ngân sách không còn đủ khả năng tăng lương cho quân đội để đáp ứng với lạm phát vì viện trợ đã bị cắt gần hết.
Chính phủ chỉ định cho mỗi bộ nhận một sư đoàn để tìm cách giúp đỡ. Sư đoàn I được giao cho Bộ Kế hoạch.
Trong một chuyến đi Huế thăm sư đoàn này, chúng tôi được Tư lệnh Sư đoàn I là Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm đưa đi thăm hỏi gia đình binh sĩ.
Ông tâm sự rằng để cho thân nhân sống trong các lều, bạt ngay sát trại như thế này thì thật là nguy hiểm khi bị pháo kích và cũng thật khó khăn khi phải chuyển quân, nhưng phải chấp nhận vì với số lương quá ít ỏi, người lính phải chi tiêu chung với gia đình.
Thật vậy, với 20.000 đồng một tháng (mãi lực bằng khoảng 28 đô la), người quân nhân chỉ có thể mua gạo, nước mắm cho gia đình, còn lại rất ít cho những nhu cầu khác như thuốc men, may mặc, giáo dục con cái, giải trí.
Đúng như Tướng Điềm nói, để cho gia đình binh sĩ làm lều bạt để sinh sống ngay sát với doanh trại đã làm cho việc chuyển quân trở nên vô cùng nguy hiểm, vì ngoài việc chiến đấu, anh em binh sĩ còn phải quan tâm đến sự an toàn của vợ con.
Về tình trạng Sư Đoàn I tan rã, trong cuốn "Decent Interval", tác giả Frank Snepp có viết về việc Tướng Trưởng cho phép binh sĩ lo cho gia đình như sau :
"Đang khi Tướng Trưởng trình bày với Tổng thống Thiệu về kế hoạch của ông thì số quân đội mà ông cần để thi hành này lại đang tan rã (disintegrating). Và đó là lỗi của ông ta một phần (He was partly to blame). Mấy ngày trước đó, ông ta đã cho phép quân nhân của Sư đoàn 1 được phép lo cho an toàn của gia đình họ. Ông đã làm như vậy là vì lòng thương của một tư lệnh đối với binh sĩ, nhưng khi Quốc lộ 1 đã bị chặn rồi thì chỉ thị này đã dẫn tới hỗn loạn, vì sĩ quan cũng như quân nhân đã bỏ đồn từng loạt để lo cho thân nhân tìm lối thoát".
Hồn khí linh thiêng nơi Cố đô
Vừa rút khỏi Huế buổi sáng thì buổi chiều lại có một tin sét đánh, hy vọng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa để có chút tiền sống cầm hơi đã bị tan biến.
Vào cuối năm 1974, một tia sáng lóe lên. Có ông vua dầu lửa người xứ Saudi Arabia chiếu cố đến Miền Nam. Vua Saud al Faisal (Faisal bin Abdulaziz al Saud) cho biết ông có rất nhiều thiện cảm với nhân dân Miền Nam và đã bí mật đồng ý cho Miền Nam vay một số tiền để mua tiếp liệu (xem "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", trang 474).
Thật là một cơ hội quý báu. Đang lúc nguy kịch lại có nhà hảo tâm đến cứu. Vua Faisal bằng lòng cho vay dài hạn 300 triệu đô la (để bù đắp cho số tiền vừa bị Quốc hội Mỹ vét nạo hết). Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để đáp ứng nhu cầu về dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men và phân bón. Nếu quá khan hiếm những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn.
Nhưng đúng là "họa vô đơn chí". Những cái rủi ro hay theo nhau mà đến. Đang lúc chúng tôi sửa soạn để cùng với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc lên đường đi Riyadh đàm phán, mong sớm có giải ngân, thì đùng một cái, vua Faisal bị chính cháu ruột sát hại một cách thảm thương ngay trong hoàng cung.
Chính phủ Miền Nam bàng hoàng. Tổng thống Thiệu gửi điện văn chia buồn cùng Hoàng gia, nói tới nghĩa cử cao đẹp của ngài Faisal, cầu xin cho Allah sớm đưa Ngài về nơi cực lạc. Vì tình cảm cao đẹp ấy, Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Hoàng gia tiếp tục thực hiện công cuộc yểm trợ Miền Nam như Ngài đã vạch ra.
Thế nhưng, trong lúc tang gia bối rối, tình hình quốc nội xáo trộn, Hoàng gia Saudi đâu còn thời giờ hay tinh thần mà để ý đến chuyện của nước khác.
Đứng về khía cạnh tâm linh, chúng tôi tự hỏi làm sao lại có sự trùng hợp giữa cố đô Hoàng triều Huế và Hoàng triều của ông vua xứ Saudi cùng một ngày như vậy ?
Phải chăng đã đến lúc vận nước suy tàn ?
Nguyễn Tiến Hưng
Nguồn : BBC, 29/3/2024
Bài viết của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn Khi Đồng minh Tháo chạy và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.
Đã 48 năm trôi qua kể từ khi nền dân chủ non trẻ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và Việt Nam thống nhất trở thành một quốc gia độc tài toàn trị dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản. Trái ngược với nước Đức, Đông Đức cộng sản chấm dứt tồn tại, nước Đức thống nhất trong một thể chế dân chủ tự do năm 1990 và ngày nay có thể nói gần như không người dân Đức nào phải băn khoăn về quá khứ, hiện tại hay con đường đi đến tương lai của đất nước, thì người Việt sau gần nửa thế kỷ vẫn có quá nhiều nỗi dằn vặt, quá nhiều câu hỏi phải đặt ra, quá nhiều vấn đề cần phải cùng nhau tiếp tục giải quyết vì một hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.
Nhân dịp này, Diễn Đàn Thế Kỷ đã đặt ra một số câu hỏi cho các văn nghệ sĩ trí thức trong và ngoài nước là nhà văn Nguyễn Viện hiện đang sống ở Sài Gòn - Việt Nam, nhà văn, nhà báo Từ Thức ở Paris - Pháp và nhà văn Võ Thị Hảo ở Berlin - Đức.
Nhà văn Nguyễn Viện, nhà văn - nhà báo Từ Thức và nhà văn Võ Thị Hảo.
***
Song Chi : Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt với sự chiến thắng của Đảng cộng sản và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn lại, theo chị, bài học nào dân tộc Việt Nam có thể rút tỉa sau biến cố lịch sử này ? (khi nói những bài học cho dân tộc Việt Nam, có nghĩa là cho cả phe thua cuộc lẫn phe thắng cuộc-tất nhiên, nếu họ nhận ra và thành tâm muốn học !)
Nguyễn Viện :
Bài học không chỉ dành cho người thua cuộc, mà cả bên thắng cuộc cũng cần phải học bài học lịch sử đau thương này. Cho dẫu là chiến tranh hay hòa bình, dân tộc chúng ta, phe chúng ta, hay mỗi chúng ta đều cần phải chủ động nắm giữ nó. Không nắm giữ được nó, chỉ có nghĩa là chúng ta đánh thuê cho người khác. Và chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.
Từ Thức :
Bài hoc quý giá nhất là không bao giờ trao vận mệnh của dân tộc cho một thế lực ngoại bang, dù là đồng minh. Một nước nhỏ, không thể chiến đấu một mình, nhưng tìm đồng minh, liên kết các lực lượng thân hữu không có nghĩa là trao hoàn toàn vận mệnh quốc gia cho người nước ngoài. Khi thời cuộc thay đổi, họ chỉ nghĩ tới tính toán nhất thời, quyền lợi của chính họ.
Bắc Việt gây một cuộc chiến tang thương khủ khiếp để đóng vai tiền đồn của Cộng sản quốc tế, nhưng sau chiến tranh, Trung Cộng chỉ có một mục tiêu là thôn tính Việt Nam.
Hoa kỳ, muốn biến miền Nam thành thành trì của thế giới tự do, nhưng vì nhu cầu chính trị nội bộ, đã bỏ rơi miền Nam không thương tiếc.
Võ Thị Hảo :
Chế độ Cộng sản ngày nay tỏ ra rất có khả năng thích ứng với thời đại để tồn tại và nguy hiểm hơn những gì mà nhân loại có thể hình dung khi nó bắt đầu xuất hiện. Một nền dân chủ được Mỹ tạo dựng và hỗ trợ như Việt Nam Cộng Hòa thời đó dù có nhiều tính nhân văn nhưng nó lại quá mong manh và tan vỡ bởi chính những người đứng đầu nền dân chủ đó còn chưa đủ năng lực để tự tồn tại độc lập. Quan trọng là Mỹ chưa làm được điều đã làm với Nhật Bản và Tây Đức khi đặt một đường ray chắc chắn để cỗ xe thể chế ưu việt ấy có thể đi tới một cái đích tốt đẹp.
Song Chi : Chúng ta có thể nhận ra những giá trị nào của Việt Nam Cộng Hòa đã không bị mất đi cho dù gần nửa thế kỷ trôi qua ?
Nguyễn Viện :
- Trước hết, phải nói đến giá trị về thể chế : một chế độ xã hội dân chủ phù hợp với thời đại, văn minh nhân loại.
- Một nền giáo dục nhân bản và khai phóng.
- Một nếp văn hóa hài hòa và vị tha, vừa truyền thống vừa hiện đại.
Từ Thức :
Đó là những giá trị nhân bản. Mặc dầu là một nước có chiến tranh, chỉ trong 20 năm, Việt Nam Cộng Hòa đã đặt nền móng cho một xã hội có một nền văn hóa khai phóng, tự do, nhân phẩm con người được tôn trọng, các sinh hoạt văn hóa phá triển. Đó chưa phải là một chế độ dân chủ toàn hảo, nhưng tham vọng xây dựng một xã hội nhân bản là chuyện có thực
Lấy một thí dụ : giáo dục.
Giáo dục miền Nam hoàn toàn miễn phí, từ mẫu giáo tới đại học. Mục tiêu của giáo dục miền Nam không phải là nhồi sọ, nhưng được xác định là : phát tiển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia, phát triển tinh thần dân chủ, tinh thần khoa học.
Về tinh thần quốc gia, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi người Pháp ra đi, các đại học đã được Viêt Nam hóa, dạy bằng Việt ngữ, kể cả những đại học khoa học, kỹ thuật. Nhiều nước cựu thuộc địa khác của Pháp tới ngày nay, dù thanh bình, vẫn chưa bỏ được tiếng Pháp
Võ Thị Hảo :
Thể chế Việt Nam Cộng Hòa được thiết lập và vận hành theo mô hình thể chế tại Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được đặt nền tảng trên thị trường tự do và những công ty tư nhân.
Thể chế này đã có tam quyền phân lập, đã thực sự có tự do ngôn luận. Báo chí thường xuyên chỉ trích, vạch tội, giễu cợt đích danh Tổng thống và quan chức mà không bị đàn áp. Quyền lập hội, biểu tình của công dân được thực thi.
Đặc biệt, Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công việc cải cách điền địa bằng chương trình "người cày có ruộng". Tá điền được làm chủ ruộng đất. Nông dân miền Bắc được chia ruộng đất cướp của địa chủ nhưng không lâu sau đó họ lại trắng tay bởi nhà nước đã thu lại ruộng đất đã chia cho họ, cũng như thu lại ruộng đất của mọi người bằng chế độ hợp tác xã và "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" gây bao đau thương và "ám sát" nền kinh tế... Tá điền ở Việt Nam Cộng Hòa thì không bị lừa dối. Nông dân đã được tạo điều kiện để thành những nhà hoạt động thương mại tự do trên những sản phẩm nông nghiệp của mình...
Song Chi : Theo anh, chị tại sao Đảng cộng sản Việt Nam đến nay vẫn tồn tại ?
Nguyễn Viện :
Vì không ai có khả năng lật đổ nó. Đó là câu trả lời có thể chính xác và thực tế nhất.
Từ Thức :
Một phần vì người Việt đã quá mệt mỏi với chiến tranh, cả tinh thần lẫn thể xác, muốn nghỉ ngơi để làm ăn.
Một phần vì chế độ tiếp tục đàn áp dã man những người chống đối, suy nghĩ khác họ. Một phần, nhờ các công ty ngoại quốc đầu tư ồ ạt để khai thác nhân công rẻ, nhờ tiền của người Việt đổ về, tạo một nên kinh tế có bề ngoài phát triển, dù phát triển trong bất công, tham nhũng. Tóm lại, nhờ đàn áp, và nhồi sọ, chế độ đã tiêu diệt khả năng phẫn nộ của người dân, tạo một xã hội vô cảm, thờ ơ với những giá trị nhân bản, chấp nhận hy sinh tự do, hài lòng với những thú vui phù phiếm (Đọc thêm : "30/4. Tại sao, 47 năm sau, vẫn không có thay đổi ở Viêt Nam ?")
Võ Thị Hảo :
Về vấn đề này cần có những công trình nghiên cứu lớn, dài hơi với những chuyên gia giỏi. Bạn muốn tôi lập một công trình nghiên cứu ngay trong cuộc phỏng vấn này ư ? Không thể, vì thời lượng không cho phép.
Vậy tạm trả lời theo thiển ý của tôi thì :
Do họ có sự điều chỉnh, thích ứng mềm dẻo theo thời cuộc để giữ được quyền lợi của giai cấp thống trị trong khi biết tận dụng lợi thế toàn cầu hóa và thành tựu khoa học kỹ thuật dù chỉ ở mức giữ cho kinh tế Việt Nam chưa sụp đổ và đời sống người dân có cao hơn so với thời nạn đói năm 1945 và trước những năm 1995.
Do họ dựa vào sự "bảo kê" toàn diện của Trung Quốc bằng cách nhượng bộ, "bán" chủ quyền Việt Nam (xem chi tiết các hiệp ước, các văn bản hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc...).
Họ khôn khéo tận dụng vị thế địa chính trị của mình để "đu dây", nhiều khi "nói một đằng làm một nẻo" với những cường quốc dân chủ như Mỹ, Anh, Đức, Nhật... để đổi lấy bình an, thương mại và lợi nhuận.
Do họ tạo ra một giai tầng quan chức và "nhóm lợi ích" bám chặt lấy thể chế vì quyền lợi ngầm : được phép tham nhũng để giàu có vô độ khi họ là quan chức...
Vì thế, có cả triệu quan chức và người cùng quyền lợi với đám này hoàn toàn đồng thuận trong việc tàn nhẫn đàn áp bất đồng chính kiến và che giấu sự thật để nô lệ hóa người dân, phục vụ cho quyền lợi của giai tầng thống trị...
Chương trình Việt Nam và Thế Giới trong Thế kỷ 21, Diễn Đàn Thế Kỷ, do Song Chi phụ trách
Song Chi : Theo anh, chị, những sai lầm, tội ác và những di hại nào lớn nhất mà chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo đã và đang gây ra cho Việt Nam ?
Nguyễn Viện :
Sai lầm lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là chọn lầm thể chế. Và vì thể chế sai lầm nên hệ quả của sai lầm ấy sẽ còn di hại lâu dài. Đặc biệt là về sự tha hóa con người.
Từ Thức :
Những sai lầm của chế độ mang đến tai hoạ cho đất nước quá nhiều, kể không hết.
Khủng khiếp hơn nữa là những sai lầm đó không phải chỉ vì ngu dốt, nhưng nằm trong quốc sách, để bảo tồn chế độ, quyền lực Đảng, quyền lợi cá nhân của lãnh tụ, bất chấp tương lai của đất nước
Một vài thí dụ : mội trường bị tàn phá, sông biển bị đầu độc, tham nhũng và bất công khiến người dân chỉ nghĩ tới chuyện bỏ nước ra đi, dù để làm nô lệ ở nước ngoài.
Chích sách độc đoán, kiểm soát tư tưởng, không phải chỉ có hậu quả tai hại với những người chống đối, đã biến Việt Nam thành một quốc gia không có tín ngưỡng, chỉ có mê tín dị đoan, không có văn hóa, chỉ có tuyên truyền ; không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ. Tóm lại, một thực thể không xứng đáng là một quốc gia. Trong bất cứ một bảng xếp hạng nào về vi phạm nhân quyền, chà đạp tự do ngôn luận, tín ngưỡng, Việt Nam cũng đứng hàng đầu, bên cạnh Trung Cộng, Bắc Hàn hay những nước Phi Châu, Nam Mỹ lạc hậu, man rợ nhất (Đọc thêm : "Huxley, Orwell, Ionesco. Mô hình nào cho Việt Nam ?")
Võ Thị Hảo :
Về điều này, có những nhân vật tầm cỡ thế giới nói hay hơn tôi và tôi xin dẫn lời của họ, vì dù số liệu khác nhau nhưng bản chất là giống nhau :
Trong diễn văn đọc ngày 12/6/2007 tại lễ khánh thành Đài Tưởng niệm Nạn nhân cộng sản (Victims of Communism Memorial) tại Washington DC do Tổng thống Hoa Kỳ, ông George W. Bush làzm chủ tọa, có đoạn : "…Từ nay, oan hồn của khoảng 100 triệu nạn nhân cộng sản, được những thế hệ hôm qua, hôm nay, và những thế hệ mai sau tưởng nhớ, vì chế độ cộng sản đã lấy đi mạng sống của khoảng 100 triệu đàn ông đàn bà và trẻ con vô tội".
Tác giả Stéphane Courtois, trong quyển "Livre Noir du Communisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), có đoạn : "... Vượt trên mức độ tội ác cá nhân, các chế độ cộng sản củng cố quyền hành bằng cách nâng việc tàn sát quần chúng lên hàng chính sách cai trị... Sau đó, sự đàn áp thường ngày, sự kiểm duyệt mọi trao đổi tin tức, kiểm soát xuất nhập biên giới, trục xuất người ly khai... những ký ức về khủng bố tiếp tục đặt người dân trong tình trạng sợ hãi. Các quốc gia cộng sản đều trong qui luật này".
Ông Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của Đảng cộng sản Liên Xô, cũng là Chủ tịch cộng sản quốc tế : "Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo"… (Đọc thêm Tội ác của Đảng cộng sản Việt Nam từ 1945 đến 2019).
Song Chi : Tại sao người ta có thể nói Việt Nam Cộng Hòa không phải là quá khứ mà là tương lai của Việt Nam ?
Nguyễn Viện :
Bởi vì Việt Nam Cộng Hòa là một mô hình xã hội được coi là hoàn chỉnh nhất cho đến thời điểm này của lịch sử con người. Một xã hội dân chủ tam quyền phân lập.
Từ Thức :
Ngày nay nhìn lại, người ta phải nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa đã đạt nhiều thành quả đáng ngạc nhiên, trên nhiều phương diện, xã hội, kinh tế, canh nông, văn hóa, giáo dục, chỉ trong 20 năm, mặc dù phải đương đầu với chiến tranh. Nhưng tất cả các chế độ, kể cả các chế độ dân chủ Tây Phương đang gặp khó khăn, đang tìm cách thích ứng với thời đại mới.
Vì vậy, khó nói tương lai thể chế Việt Nam sẽ như thế nào. Đó là điều người Việt phải suy nghĩ để dựng lại đất nước. Một điều chắc chắn : muốn ra khỏi bóng tối, ra khỏi hiểm hoạ diệt vong, Việt Nam phải từ bỏ chế độ độc tài đảng trị. Phải coi tự do là mục đích, là phương tiện phát triển, quốc gia là tối thượng, nhân phẩm và quyền làm người là những giá trị không thể nhân nhượng. Không thể tưởng tượng ở thế kỷ 21, một đảng, một nhóm người, nhân danh một chủ nghĩa mà chính họ không tin tưởng nữa, có toàn quyền quyết định sinh mạng, vận mệnh của gần 100 triệu người.
Võ Thị Hảo :
Đó là nói về mặt mô hình thể chế. Việt Nam hiện đang là thể chế độc tài toàn trị. Có một ngày nó phải tuân theo quy luật tiến hóa tự nhiên để tiến đến thể chế đa nguyên dân chủ căn bản vẫn theo mô hình Việt Nam Cộng Hòa – kiểu Mỹ- trước đây. Thể chế đó thực sự có tam quyền phân lập, tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, thể chế đó sẽ được cải tiến để phù hợp với thời đại, bài trừ nạn tham nhũng mà trước đây Việt Nam Cộng Hòa chưa làm được...
Song Chi : Anh/chị có nghĩ rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi nếu chế độ độc tài do Đảng cộng sản lãnh đạo vẫn tồn tại trong khi những người trực tiếp hoặc gián tiếp hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, hiểu về chế độ Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, lúc đó lịch sử cho tới văn hóa của miền Nam sẽ bị xóa trắng ?
Nguyễn Viện :
Không, tôi cho rằng Đảng cộng sản cho dù có muốn cũng không thể xóa trắng điều gì khi nó đã trở thành lịch sử hay văn hóa, nhất là trong thời đại internet thông tin toàn cầu như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến sự quật khởi văn hóa tinh hoa của người Việt mà người Miền Nam đã gìn giữ được, bất chấp sự chuyên chính cộng sản.
Từ Thức :
Viết lại lịch sử là nghĩa vụ quan trọng hàng đầu của người cộng sản, theo bài học của Lenin : những điều dối trá lập đi lập lại ngàn lần sẽ trở thành sự thực. Ngày nay, đọc sách báo trong nước, vào Internet chỉ thấy lịch sử, nhất là lịch sử cận đại, dưới ngòi bút của cán bộ, của dư luận viên.
Xóa bỏ lịch sử, xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ văn hóa cũ là phương pháp hữu hiệu nhất để đào tạo những thế hệ chỉ suy nghĩ như Đảng, chấp nhận để Đảng dẫn đường. Nếu những nhân chứng còn sống sót không viết lại sự thực, cả một thế hệ sẽ không biết gì về quá khứ của dân tộc. Một dân tộc không có quá khứ sẽ không có tương lai. Một thế hệ không biết gì về lịch sử dân tộc, kể cả lịch sử cận đại, sẽ không biết mình là ai, phải đi về đâu. Đó là mồi ngon của độc tài, đảng trị.
Võ Thị Hảo :
Khi những chứng nhân của lịch sử lần lượt qua đời, đương nhiên sự thực lịch sử sẽ phần nhiều bị quên lãng. Nỗ lực bóp méo lịch sử và nô lệ hóa cả trăm triệu dân của Việt Nam đương nhiên để lại những hậu quả rất lớn. Lịch sử luôn lặp đi lặp lại vòng xoáy ốc đó.
Mặc dù vậy, với năng lực và phương tiện ghi nhớ của thời đại này, không ai có thể xóa trắng. Sự thật đã và sẽ còn được lưu lại nhiều nơi, nhiều chiều trên thế giới, chẳng hạn như tại Mỹ, Đức, Pháp... Thế hệ sau sẽ tiếp tục tìm và nghiên cứu, ghi nhớ... Sau khi chiến tranh kết thúc 1975, chính mô thức thị trường và văn hóa đại chúng Sài gòn đã "đồng hóa" trở lại người miền Bắc, đặc biệt là những người Bắc di cư vào Nam.
Song Chi : Tại sao sau gần nửa thế kỷ, chính sách của nhà nước Cộng Sản đối với những gì thuộc về Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục bôi nhọ, miệt thị xã hội miền Nam trước 1975, vẫn hạn chế hoặc cấm đoán sách báo, tranh ảnh, âm nhạc miền Nam để lại, kể cả những tác phẩm phi chính trị ? Điều đó nói lên điều gì, thưa anh, chị ?
Nguyễn Viện :
Bởi vì, họ là người chiến thắng và cần phải duy trì sự chiến thắng ấy.
Điều tôi muốn nói thêm :
Những người tự nhận là Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là những người Việt tị nạn vì lý tưởng tự do phải làm gì khi Mỹ vẫn coi cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến của họ với người cộng sản phía Bắc mà họ gọi là "Cuộc chiến tranh Việt Nam". Cho đến nay mọi nỗ lực chữa lành lương tâm Mỹ trong mọi nghiên cứu, báo chí hay điện ảnh… của người Mỹ theo cách họ đang làm là một kiểu giẫm đạp một đồng minh đã ngã ngựa. Vai trò cũng như thân phận của người thua cuộc Việt Nam Cộng Hòa, một bên chính yếu của cuộc chiến tranh ấy bị Mỹ không coi là một thực thể pháp lý có chính nghĩa, đã tồn tại như một quốc gia, một dân tộc, một tiếng nói, một tư cách. Những người tị nạn Việt Nam trong điều kiện có thể đã làm gì để lấy lại danh dự của mình trong cái nhìn của đối phương cũng như của đồng minh và thế giới ?
Từ Thức :
Nhiều người đau buồn, đặt câu hỏi tại sao nửa thế kỷ sau bên thắc cuộc vẫn chưa thực sự "nối vòng tay lớn", là cách hay nhất, duy nhất, để xây dựng lại đất nước.
Câu trả lời rất đơn giản, có vẻ ngớ ngẩn, nhưng là sự thực : bởi vì họ là người Cộng Sản. Vận mệnh đất nước không quan trọng bằng quyền lợi Đảng. Tô vẽ chiến công của mình, bôi nhọ đối phương, dù phải viết lại lịch sử, bóp méo sự thực, là một cách để giữ Đảng, để giữ lửa trong lòng đảng viên.
Xã hội trước mắt đồi bại, tham nhũng tràn lan, bất công khủng khiếp, khiến guồng máy media khổng lồ của đảng, đội quân dư luận viên, dù thuộc lòng bài bản tới đâu, cũng khó ca tụng nhà nước. Hiện tại không đẹp, người ta lôi quá khứ ra, vẽ vời thêm, để có chất liệu cho dân có lý do để hãnh diện, hãnh diện với quá khứ để quên thực tế trước mắt.
Tại sao phải nuôi dưỡng oán thù ? Bởi vì oán thù là sinh tố của một chế độ độc tài. Mao Trạch Đông hiểu rằng một xã hội không oán thù, không bạo động sẽ khiến người dân thụ động, hết hăng say giữ đảng. Phải luôn luôn tạo những chiến dịch đẫm máu, hết Đại Nhẩy Vọt, tới Cải cách ruộng đất, hết chiến dịch thanh trừng tư bản tới Cách Mạng Văn Hóa. Phải luôn luôn có kẻ thù để những người trung kiên xả thân cứu đảng.
Tại sao phải cấm tất cả văn hóa miền Nam trước 75 ? Bởi vì đó là một văn hóa nhân bản, nếu tự do lưu hành, người dân có dịp so sánh, sẽ xa lánh văn hóa nhồi sọ. Không có gì nguy hiểm hơn cho một chế độ độc tài hơn là ảnh hưởng văn hóa. Không phải vô tình mà người ta đốt sách từ thời Tần Thủy Hoàng tới thời "bên thắng cuộc" chiếm miền Nam.
Nếu không viết lại, lịch sử sẽ trần truồng. Nếu không cấm đoán, dân sẽ bỏ rơi văn hóa nhà nước. Không tiếp tục miệt thị, nhục mạ con người và xã hội miền Nam trước 75, là một cách nhìn nhận đó là một xã hội tốt hơn xã hội Việt Nam hiện tại, nhìn nhận cuộc nội chiến là một lầm lẫn đẫm máu. Các chế độ độc tài không bao giờ nhìn nhận sai lầm. Lãnh tụ chỉ có thể có lý. Bằng bất cứ giá nào.
Phải xóa bỏ văn hóa miền Nam, ngôn ngữ miền Nam, nếp sống miền Nam, tóm lại, xóa bỏ quá khứ, bởi vì phải tạo một thế hệ mới, chỉ biết lịch sử Đảng, lịch sử quốc gia của Đảng, chỉ biết suy nghĩ, yêu thích, thù oán như Đảng
Võ Thị Hảo :
Bởi vì bản chất và hành vi của chế độ cộng sản xây dựng cơ bản trên sự sợ hãi, thù địch, triệt hạ những người không đồng thuận với họ. Lịch sử cho thấy, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Triều tiên, khi tranh giành quyền lợi, họ đã tiêu diệt, vu oan cho những "khai quốc công thần" vốn là đồng chí của họ.
Song Chi : Theo anh/chị chúng ta có hy vọng gì Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản và quỹ đạo Trung Cộng, dựa trên những yếu tố, dữ liệu chứ không phải bi quan hoặc lạc quan chung chung ?
Nguyễn Viện :
Chế độ cộng sản thì người Việt Nam có thể thoát được do tự nó chuyển biến, chuyển hóa hoặc một cuộc lật đổ từ trên thượng tầng. Nhưng ảnh hưởng của Trung Cộng do yếu tố địa lý và văn hóa với Việt Nam vẫn sẽ là một định mệnh. Vấn đề chỉ là dân tộc Việt Nam có thể tự cường đến đâu để giảm thiểu sự ảnh hưởng đó.
Từ Thức :
Nếu nhìn hiện trạng Việt Nam ngày nay, từ lệ thuộc kinh tế tới lệ thuộc ngoại giao đối với Trung Cộng, chúng ta không thể không bi quan.
Nhìn xa hơn, có thể lạc quan hơn.
Thứ nhất bởi vì sau hàng ngàn năm bị Tàu đô hộ, Việt Nam vẫn giữ được bờ cõi. Thứ hai, nếu có một điều mà người Việt, bất chấp chính kiến vẫn đồng thuận với nhau, là tinh thần chống Tàu. Nhà nước thân Tàu, trong khi cả nước chống, tình trạng quái gở đó không thể tồn tại vĩnh viễn. Thứ ba, mặc dù Trung Cộng đang trở thành một trong hai cường quốc lớn nhất thế giới, nhưng đó là một tên khổng lồ có hai chân bằng bùn. Nội bộ gặp khó khăn kinh tế, bên ngoài gặp khó khăn ngoại giao, bởi vì ngày nay từ Hoa kỳ tới Âu Châu, và các nước láng giềng như Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. đã ý thức và coi Trung Cộng là kẻ thù.
Trong bối cảnh đó, nếu dân Việt Nam từ chối để một nhóm người đặt vận mệnh đất nước trong tay Tàu, tình trạng có thể thay đổi, nhất là với những biến chuyển dồn đập trong vùng, đứng đầu là vấn đề Đài Loan.
Võ Thị Hảo :
Có hy vọng vì đó là quy luật tất yếu. Mặc dù vậy, xem thực tế, yếu tố và dữ liệu thì ngày đó còn xa. Cũng không loại trừ những yếu tố bất ngờ như sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa năm 1989-1991... trong khi ai cũng tưởng rằng đó là một phe đang rất hùng mạnh.
Song Chi : Và câu hỏi cuối cùng xin gửi đến các anh, chị, đó là trong bối cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta nên làm gì, và có thể làm gì cho đất nước ?
Nguyễn Viện :
Góp phần nhỏ bé của mình vào sự tự cường dân tộc không chỉ bằng sức mạnh vật chất, mà còn cần một tinh thần độc lập cá nhân từ trong tư duy đến hành động, hay cách hành xử của mình với cộng đồng, đặc biệt là với chế độ bằng một thái độ trung thực, thẳng thắn.
Từ Thức :
Việc đầu tiên là bớt chia rẽ, đánh phá lẫn nhau.
Thứ hai, không nên nghĩ chuyện quá lớn, cá nhân mình không làm được gì, đành khoanh tay, bỏ cuộc. Đóng góp cho việc chung không nhất thiết cần phải là anh hùng, vĩ nhân. Một triệu người làm một việc nhỏ sẽ trở thành một thành công lớn. Hãy làm những việc ai cũng làm được, thí dụ giải thích cho lớp trẻ hiểu lịch sử cận đại, lịch sử bi đát mà chính mình đã sống.
Cuộc chiến hiện tại là một cuộc chiến văn hóa. Cộng Sản đã dựng cả một hàng ngũ văn nô, dư luận viên để bóp méo lịch sử, nguỵ trang sự thực, mỗi người trong chúng ta có thể làm ngược lại, mỗi ngày.
Võ Thị Hảo :
Chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam hiện tại gắn liền với Trung Quốc và Việt Nam mất chủ quyền thực sự vì nhà cầm quyền Việt Nam dựa vào nhà cầm quyền Trung Quốc để tồn tại và cai trị. Việt Nam chỉ có thể thoát Trung khi người Việt Nam xây dựng được chế độ dân chủ, nhân quyền, phát triển kinh tế và văn hóa thực sự. Mỗi người cần ý thức rõ điều này và hành động cho mục đích đó trong khả năng của mình.
Song Chi : Xin chân thành cảm ơn các anh, chị.
Song Chi (thực hiện)
Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ, 30/04/2023
Từ mấy năm nay, cứ gần đến ngày 30 tháng Tư tôi đều phải rời căn hộ dịu mát, thoáng đãng, từ đó phóng tầm mắt ôm được cả một khoảng rộng Sài Gòn bừng sáng những tòa tháp cao tầng như những tòa ánh sáng. Từ mấy năm nay, cứ đến gần ngày 30 tháng Tư tôi lại phải rời bỏ nếp sinh hoạt ổn định hàng ngày rồi hấp tấp khăn gói lưu vong khỏi Sài Gòn. Từ nhiều năm nay cứ đến ngày 29, 30 tháng Tư cả đám an ninh cộng sản lại đến bủa vây quanh nơi tôi ở. Tôi phải lưu vong mấy ngày đó để thoát khỏi sự giam hãm.
Góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ, trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn - Ảnh chụp Sài Gòn trước năm 1975
Những ngày cả Sài Gòn giăng cờ, kết hoa, rực rỡ đèn đuốc chào mừng ngày 30 tháng Tư được những người cộng sản gọi là ngày giải phóng miền Nam thì an ninh cộng sản lại đến giam cầm tôi ngay giữa "Sài Gòn giải phóng".
Vậy thực sự ngày 30 tháng Tư, năm 1975 có phải là ngày nửa dải đất phía Nam của tổ quốc Việt Nam được giải phóng không ?
Giải phóng đích thực, giải phóng có giá trị lớn lao, thiết thực nhất phải là giải phóng con người, giải phóng tư duy, giải phóng sự sáng tạo của con người và giải phóng sức phát triển của xã hội.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả tổ tiên, bỏ nước ra đi trốn chạy những người nhân danh là người yêu nước nhưng chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, trốn chạy những người mang chuyên chính vô sản sắt máu vay mượn từ nước ngoài về nô dịch cả dân tộc. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là ngày giải phóng !
Với biến cố 30 tháng Tư năm 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam trở thành người tù trong những trại tập trung cải tạo, hàng triệu người thân của họ phải bỏ nhà cửa êm ấm, bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, lếch thếch đi lưu đày nơi đầu rừng cuối bãi hoang vu, khắc nghiệt với cái tên trá hình là đi xây dựng khu kinh tế mới.
Với biến cố 30 tháng Tư năm 1975, nền công nghiệp non trẻ nhưng hiện đại, đầy sức sống và đang phát triển mạnh mẽ của miền Nam bị đánh sập. Những người chủ tài năng đã dựng nên cơ nghiệp cho gia đình, tạo ra nền công nghiệp tươi sáng cho đất nước phải giao nhà máy cho nhà nước cộng sản, giao tài sản mồ hôi nước mắt cho những cán bộ vô sản không có kiến thức kinh tế, không biết quản lí, điều hành sản xuất. Từ đó nhà máy hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, sản xuất đình đốn, công nhân thất nghiệp. Sự dốt nát và vô trách nhiệm của những ông chủ vô sản đã tàn phá, xóa sổ cả một nền công nghiệp hiện đại đầy triển vọng rực rỡ của miền Nam.
Từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, người kinh doanh lớn không được hoạt động. Chỉ còn những người buôn bán cò con, mua đầu chợ bán cuối chợ. Không còn kinh tế thị trường, chỉ còn nền kinh tế tự cấp tự túc từ thời mông muội xa xưa. Nghề thủ công và nghề làm ruộng cần sự cần cù, chịu thương chịu khó và sự sáng tạo cùng kinh nghiệm cá nhân thì hai nghề này phải vào hợp tác xã, chịu sự quản lí của cán bộ cộng sản quan liêu, tham nhũng và thành quả lao động bị mang chia đều, bình quân, làm cho người sản xuất không còn gắn bó với công việc, không còn cần đến sự cần cù, sáng tạo nữa. Miền Nam từ vựa lúa xuất khẩu gạo nay chính người làm ra hạt gạo cũng không có đủ gạo ăn. Người làm ra hạt gạo còn đói thì cả nước đương nhiên phải đói.
Từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, con người miền Nam bị quản lí theo chế độ nô dịch, nền sản xuất miền Nam bị tàn phá và kìm hãm thì không thể coi ngày 30 tháng Tư là ngày giải phóng miền Nam.
Bùng binh Chợ Bến Thành Sài Gòn trước năm 1975
Ngày 30 tháng Tư hàng năm, tôi cùng hàng ngàn người Việt Nam nói tiếng nói trung thực đòi tự do dân chủ, đòi những giá trị làm người đã bị bộ máy công cụ bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam đến bủa vây, giam cầm tại nhà thì ngày 30 tháng Tư càng không thể là ngày giải phóng.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối ư ? Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong lòng người. Từ 30 tháng Tư năm 1975, người Việt Nam bị chia rẽ đau đớn và sâu sắc nhất chưa từng có trong lịch sử hiển hách bốn ngàn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay cả thời Pháp đô hộ Việt Nam với chính sách chia để trị, Pháp chia đất nước Việt Nam thành ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau thì người Việt Nam ở Bắc Kì và người Việt Nam ở Nam Kì vẫn thương yêu đùm bọc nhau trong tình cảm đồng bào ruột thịt. Câu ca dao thương yêu của ông bà từ ngàn xưa để lại vẫn được cả người Bắc Kì lẫn người Nam Kì mang ra dạy bảo con cháu :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Từ khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời, văn hóa yêu thương của ông bà để lại đã bị thay thế bằng văn hóa hận thù. Dân tộc Việt Nam yêu thương bị phân chia thành giai cấp đối kháng, phân chia thành trận tuyến ta – địch. Người dân bị đẩy vào cuộc đấu tranh giai cấp giả tạo mà đẫm máu và triền miên. Người dân nói tiếng nói yêu nước thương nòi mà động chạm đến tội của đảng cộng sản làm mất đất đai tổ tiên, động chạm đến tội của đảng cộng sản tước đoạt những giá trị làm người của người dân liền bị đảng cộng sản cầm quyền đẩy sang thế lực thù địch và bị trừng trị tàn bạo bằng những điều luật đã giăng sẵn trong bộ luật hình sự của nhà nước cộng sản.
Pháp đô hộ chia nước ta thành ba kì chỉ là vạch ranh giới trong không gian, chia địa lí hành chính trên giấy tờ. Đảng cộng sản chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp đối kháng là chia rẽ trong lòng dân tộc, chia rẽ, li tán trong lòng người. Đặc biệt từ 30 tháng Tư năm 1975 sự chia rẽ này càng độc ác, man rợ khi chuyên chính vô sản, hận thù giai cấp đã ào ạt, quyết liệt tước đoạt tự do, tước đoạt mạng sống của hàng triệu người dân miền Nam ở tầng lớp tinh hoa, những trí thức, những nhà chính trị, những quan chức nhà nước và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Từ 30 tháng Tư năm 1975, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp đã làm cho người Việt hận thù người Việt sâu sắc, hàng triệu người Việt yêu nước thương nòi bị đẩy sang thế lực thù địch và hàng triệu người Việt yêu nước phải bỏ nước ra đi đã coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày quốc hận thì làm sao có thể coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất lòng người.
Chia rẽ, li tán làm cho dân tộc Việt Nam suy yếu. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam là nhà cầm quyền bành trướng Đại Hán liền nhân cơ hội cướp hàng ngàn kilomet vuông đất biên cương của Việt Nam, cướp cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì không thể coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối như sự khoa trương, lấp liếm của bộ máy tuyên truyền nhà nước cổng sản Việt Nam.
Ngày 30 tháng Tư hàng năm những người cộng sản Việt Nam vui mừng vì ngày đó năm 1975 họ đã đánh thắng cả dân tộc Việt Nam, đã nô dịch được cả dân tộc Việt Nam, họ đã mang hận thù giai cấp đánh tan tác, li tán cả dân tộc Việt Nam. Còn những người Việt Nam chân chính phải nhận lấy nỗi buồn lịch sử, phải nhận lấy trách nhiệm lịch sử : Đấu tranh đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô dịch cộng sản và giành lại những mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên người Việt đã bị mất mát, sang nhượng cho bành trướng Đại Hán dưới thời cộng sản.
Phạm Đình Trọng
(30/04/2023)
Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng Tư
Trương Nhân Tuấn, 01/05/2021
Về nền dân chủ kiểu Mỹ
Đọc RFI thấy ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phê bình Mỹ "không nên áp đặt mô hình dân chủ Mỹ cho nước khác".
Theo tôi "mô hình dân chủ Mỹ" là "duy nhứt", không thể mô phỏng hay áp đặt cho bất kỳ nước nào. Bởi vì cách tổ chức quốc gia liên bang của Mỹ là độc nhứt vô nhị. Không có quốc gia nào trên thế giới này có "nền dân chủ" như Mỹ (trong đó "thượng viện" đại diện cho "tiểu bang-Etat" và "hạ viện" đại diện cho "nhân dân").
Dầu vậy tất cả các "nền dân chủ" do Mỹ áp đặt, như Nhật, Đức, Đài Loan, Nam Hàn… đều là các nền dân chủ thành công. Hiến pháp dân chủ của Nhật là do Mỹ áp đặt. Hiến pháp của Đức cũng vậy. Đài Loan dân chủ hóa thành công là nhờ trí thức Đài Loan cùng các học giả thuộc Harvard thúc đẩy… Các quốc gia này có nền dân chủ "phù hợp" với đất nước và dân tộc mình.
Ý kiến của Vương Nghị vì vậy là không đúng.
Nhưng từ ý kiến của Vương Nghị nhìn lại nền dân chủ mà Mỹ áp đặt cho Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ông Diệm lên nắm quyền. Rõ ràng sự "áp đặt" của Mỹ là một thất bại.
Đặt giả thuyết, nếu cuộc chiến "quốc-cộng" xảy ra bây giờ, vào năm 2021, phe "quốc gia" vẫn thua. Nền dân chủ do Mỹ áp đặt vẫn thất bại.
Ý kiến có vẻ "sốc", có vẻ như là lời nhục mạ "đau như thiến", nhưng sự thật rất có thể là như vậy. Dân Việt Nam không phải là dân Nhật. Dân Việt Nam cũng không phải là dân Đức, hay dân Đài Loan, Nam Hàn...
Dân Việt Nam có vẻ giống với dân Afghanistan, với tinh thần dốt nát "bộ lạc", "giáo phái", "phe đảng"... coi lợi ích của giáo phái, phe đảng cao hơn lợi ích quốc gia. Bởi vì họ không có khái niệm về "quốc gia" mà họ chỉ có khái niệm về bộ tộc, vùng miền, tôn giáo, đảng phái…
Việt Nam chia làm hai "phe", quốc và cộng
Phe gọi là "quốc gia" có ai định nghĩa được "quốc gia" là gì ? Có ai phân tích được vì sao phải "bảo vệ quốc gia" ? Có ai "định nghĩa" được "chủ nghĩa quốc gia" là gì và chủ nghĩa này khác với chủ nghĩa cộng sản ra sao ? Làm gì có, phải không ? Lại còn có vụ "bảo vệ chính nghĩa quốc gia". Cái gọi là "chính nghĩa quốc gia là gì" ? Vì sao phải bảo vệ ? Ngọng hết !
Không biết quốc gia là gì do đó mới đặt lợi ích của giáo phái, phe đảng lên trên.
Về "tuyên truyền", phe "quốc gia" xếp vào "hạng bét". Tuyên truyền cái kiểu gì mà "sự thật" nói ra cách nào cũng không ai tin. Tuyên truyền kiểu gì mà cái bánh vẽ do cộng sản Việt Nam vẽ ra từ 1945 đến nay 99% đồng bào Việt Nam vẫn tiếp tục khen ngon.
Phe "quốc gia" thua, bắt đầu từ lúc ông Diệm bị lật đổ.
Nền dân chủ Việt Nam đệ nhị cộng hòa là nền dân chủ "nhứt đĩ nhì sư tam cha tứ tướng". Những người yêu nước thực sự chỉ là những bóng mờ. Thành quả của họ, cũng là di sản của Việt Nam Cộng Hòa để lại hiện nay, tựu trung là văn hóa và giáo dục.
Đĩ, giai cấp cao nhứt trong chính trường miền Nam sau 1/11/1963 là thứ "đĩ chính trị". Tức lớp chính trị gia phục vụ cho chủ nhân, người nào có thể ban phát cho họ lợi ích nhiều nhứt. Lớp "đĩ chính trị" thời đó nhiều vô số. Lớp thì phục vụ cho cộng sản Việt Nam qua các lớp mặt nạ "thành phần thứ ba", "trí thức phản chiến", "phong trào tranh đấu" của sinh viên, học sinh… Lớp thì phục vụ cho "quan thầy" là Mỹ.
Đĩ chính trị, lợi dụng môi trường sinh hoạt dân chủ, lấy quốc gia, lợi ích của dân tộc làm vật buôn bán với cộng sản Việt Nam, với ngoại bang...
Sư và cha, thành phần tôn giáo làm chính trị.
Thành công, nhưng cũng là thất bại của ông Diệm là tách tôn giáo ra khỏi chính quyền, tức tách thần quyền ra khỏi thế quyền. Ông Diệm thành công loại bỏ các thế lực chính trị (do Pháp gài lại) đội lốt tôn giáo như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa hảo… ra khỏi chính trường miền Nam. Nhưng ông Diệm thất bại vì không loại được thế lực của Thiên chúa giáo, qua các nhân sự trong gia đình, ảnh hưởng lên các chính sách xã hội. Hận thù tôn giáo đã giết chết ông Diệm và chế độ.
Ông Diệm bị lật đổ, các thế lực Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo… tham chánh, đứng sau lưng các đảng phái chính trị, lợi dụng dân chủ để khuynh đảo xã hội.
Chính đảng, tức đảng phái chính trị, thay vì phục vụ quốc gia, phụng sự cho quốc gia, lại phục vụ cho phe phái, cho lợi ích giáo phái. Đất nước vốn đã "nát" do cộng sản Việt Nam, nay càng thêm "bét" do mấy ông cha, mấy ông sư…
Việt Nam Cộng Hòa không sụp đổ mới là "phép lạ".
Còn lớp tướng lãnh làm chính trị có từ sau 1963.
Lớp tướng lãnh làm chính trị, tất cả không ai có kiến thức cơ bản về quốc gia. Thời quân đội "lãnh đạo quốc gia", Mỹ vô Việt Nam như vô nhà không chủ. Mỹ vô Việt Nam không thông qua bất cứ một thỏa ước "quốc tế" nào. Thì dĩ nhiên, Mỹ "tháo chạy"’ cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ một điều ước nào với Việt Nam.
Không ai có "tầm nhìn" về thời cuộc. Khúc quanh định mạng của Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ cuộc chiến 6 ngày ở Trung Đông, năm 1967. Phe Ả rập, gồm các quốc gia sản xuất dầu, cùng các quốc gia Ai cập, Syria, Iraq… Phe này được Liên xô chống lưng. Phe ủng hộ Do Thái gồm Thổ và Iran. Dĩ nhiên phe Do Thái được Mỹ chống lưng. Giá dầu các năm 70, từ 1 đô/thùng lên đến 10 đô, sau đó tăng vọt chưa từng thấy.
Nếu có chút kiến thức thời cuộc các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa lúc đó phải thấy rằng chắc chắn Mỹ phải co cụm ở mặt trận Châu Á để củng cố Trung đông và Châu Âu. Khu vực dầu khí Trung đông thuộc về Liên Xô thì Mỹ và Châu Âu sẽ sụp đổ. Biến cố Mậu thân 1968, Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ kéo ngồi ngang hàng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thời đó chấp nhận được chuyện này tương tự như việc ký giấy khai tử nền tự do dân chủ ở miền Nam.
Trở lại vấn đề, nếu cuộc chiến "quốc-cộng" bắt đầu bây giờ, năm 2021. Phe "quốc gia" vẫn thua. Thua vì bọn họ vẫn giữ nguyên tinh thần bộ lạc, giáo phái, phe đảng… như trước 1963.
Không có ý thức về "quốc gia" thì công cuộc tranh đấu là tranh đấu cho "thập nhị sứ quân".
Trương Nhân Tuấn
(01/05/2021)
**********************
***********************
Người Mỹ thua cái gì ở chiến tranh Việt Nam ?
Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ sau 30 tháng tư 1975, bây giờ có nói cái gì thì sự việc cũng đã xảy ra mà ta không cách nào thay đổi được. "Mỹ đã cút" và "Ngụy đã nhào". Nhưng sự thật lịch sử vẫn cần phải được tôn trọng. Sự việc đó đã xảy ra như thế nào người viết sử cần viết lại trung thực y như vậy. Thiết lập lại "sự thật lịch sử" là "trách nhiệm đối với ký ức - devoir de mémoire". Đó cũng là thái độ biết tôn trọng quá khứ và dám nhận trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Nói một cách "hoa mỹ", đó là thái độ "hòa giải" của các bên liên quan đến cuộc chiến.
Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "ý thức hệ" giữa "tư bản tự do" và khối "xã hội chủ nghĩa".
Ta thấy rằng những gì "phe thắng cuộc" nói về cuộc chiến là không luôn luôn đúng. "Thành kiến" và "lập trường chính trị" đã khiến cho những "sự thật lịch sử" hoặc bị chôn vùi, hoặc bị xuyên tạc. Ngay cả "tên gọi" của cuộc chiến 1954-1975 vẫn chưa ngả ngũ. Đối với Mỹ đó là "chiến tranh Việt Nam". Cái tên không chính xác nói lên điều gì nhưng cũng nói lên hết tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến. Còn phía miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cuộc chiến được phân định rõ rệt mục tiêu : "giải phóng dân tộc và thống nhứt đất nước". Còn miền Nam đơn thuần là cuộc chiến "bảo vệ tự do". Nhưng các học giả quốc tế nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, tất cả cùng đồng ý một điểm : chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "ý thức hệ" giữa "tư bản tự do" và khối "xã hội chủ nghĩa". Bối cảnh là một "thí điểm nóng" trong cuộc "chiến tranh lạnh". Bom đạn súng ống thừa mứa của hai bên trong Thế chiến thứ II được "tuồng" vào tiêu thụ ở Việt Nam. Vào đây "đồ cũ" nhưng giá trị được tính bằng "đồ mới". Trung Quốc tính toán ra rằng họ đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hết 20 tỉ đô la. Vũ khí loại mới các phe cũng được đưa vào đây "thử lửa" để biết hiệu nghiệm và tác dụng.
Người Mỹ đã thua cái gì ở Việt Nam ?
Nếu ta theo dõi quan điểm của Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, từ lúc đổ bộ vào Việt Nam năm 1965 cho đến khi "ngồi vào bàn hội nghị" 1968. Mỹ thua Việt Nam trước hết thua về "luật", về "quyền được can thiệp vào chiến tranh - jus in bello" của "quốc tế công pháp". Sau đó là thua về "mưu trí".
Mặc dầu "công pháp quốc tế" phần lớn nội dung là do Mỹ và các đồng minh Tây phương đóng góp tạo dựng lên, từ sau Thế Chiến thứ II, (đồng thời với sự thành lập Liên Hiệp Quốc), mục đích ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình. Nhưng Việt Nam là phía tận dụng được mọi khía cạnh của Công pháp quốc tế, đảo chiều thuận lợi cuộc chiến về phía mình.
Người Mỹ lấy lý do gì, tư cách gì để can thiệp, sau đó là can dự vào "chiến tranh Việt Nam", để không vi phạm vào các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc (do họ và các đồng minh đặt ra) ?
Ta có thể tìm đọc tập tài liệu "Why Vietnam ?" của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965 (từ nay gọi là tài liệu Why Vietnam ?). Hồ sơ này có thể coi là tập "sách trắng" của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam (jus in bello - quyền được can dự vào chiến tranh).
Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi "South Vietnam". Tổng thống Eisenhower cảnh báo ông Diệm bằng thư riêng : "cộng sản miền Bắc đã và đang sử dụng vũ lực để khuynh đảo chính trị và phá hoại nền tự do của quốc gia South Vietnam".
Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu "Why Vietnam ?", dẫn lá thư ngày 14 tháng 12 năm 1961 của Tổng thống Kennedy đã gởi cho ông Diệm, nội dung cảnh báo : "các cuộc tấn công bằng vũ lực hay các cuộc khủng bố chống lại nhân dân và chính quyền trên đất nước của quí ngài trong thời gian qua được sự ủng hộ và lãnh đạo của ngoại bang là cộng sản Hà Nội".
Cũng trong tập tài liệu đã dẫn, tháng tư năm 1965, Tổng thống Johnson còn đi xa hơn trong lập luận Việt Nam Cộng Hòa là một "quốc gia độc lập có chủ quyền" : "Miền bắc Việt Nam đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam Việt Nam".
Diễn văn 28 tháng 7 năm 1965 của Tổng thống Johnson tố cáo : "cuộc xâm lược của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm mục đích bành trướng và thống trị của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Châu Á. Cuộc chiến xảy ra âm thầm, không hề có "tuyên bố chiến tranh", cũng không có việc xua quân ào ạt như ở Cao Ly (Đại Hàn), bởi vì các lãnh đạo cộng sản hiểu rõ rằng làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vì vậy họ tổ chức một cuộc xâm lược bán chính thức, qua các hình thức đưa các đạo quân đã được huấn luyện cùng vũ khí đạn dược, xâm nhập lén lút xuyên qua biên giới quốc gia".
Tài liệu nêu ra lý do sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam : "củng cố trật tự thế giới", từ "Berlin đến Thái Lan", để "bảo vệ hòa bình, tự do và quyền dân tộc tự quyết". Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ, theo đó Mỹ đổ bộ vào Việt Nam "không có một tham vọng nào về lãnh thổ" mà chỉ bảo vệ "quyền" của nhân dân miền Nam Việt Nam. "Quyền" này thể hiện qua sự "lựa chọn tương lai của dân tộc Việt Nam bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do". Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ : "Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố".
Tức là, lập luận của Mỹ về chiến tranh Việt Nam gồm hai mặt : chiến tranh "quốc tế", nước này xâm chiếm nước kia, và "chiến tranh ý thức hệ", tức chiến tranh be bờ "từ Berlin đến Thái Lan" chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
Sự can thiệp của Mỹ, biểu lộ trong Hồ sơ "Why Vietnam ?" đặt trên lý do gồm 3 điểm :
1. Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân của một cuộc xâm lược của một quốc gia khác (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).
2. Mỹ tham chiến nhằm bảo vệ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.
3. Mỹ chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến.
Việc tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam vì vậy phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ở các điều "quyền được can dự vào chiến tranh" (jus in bello), điều 51 về "quyền tự vệ chính đáng", và giải quyết các tranh chấp quóc tế bằng biện pháp hòa bình. Mỹ cũng có thể áp dụng biện pháp tương đồng trong trường hợp Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn, với nghị quyết ngày 25 tháng 6 năm 1950 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Lập luận của Mỹ về chiến tranh Việt Nam gồm hai mặt : chiến tranh "quốc tế" và "chiến tranh ý thức hệ"
Cùng "đổ bộ" vào Việt Nam, theo chân quân Mỹ là một đạo quân hùng hậu "phóng viên chiến trường" của các tạp chí Mỹ và Tây phương. Chưa bao giờ có trong lịch sử nhân loại chiến tranh được "công khai" trước mắt mọi người như chiến tranh Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đến Việt Nam. Không một nhà tù nào ở miền Nam lại không bị sự "kiểm soát" của các cơ quan này. Luật quốc tế về chiến tranh (jus ad bellum) đã "hạn chế", nếu không nói là "trói tay" những hành động của quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Vấn đề là luật về chiến tranh chỉ áp dụng (gắt gao) cho một phía : Nam Việt Nam.
Ta thấy các hình ảnh, những khúc phim… của các phóng viên nước ngoài công bố trong thời gian chiến tranh, không ngoại lệ, chỉ là máu me, thương tích, chết chóc… của lính Mỹ và những người mà Mỹ cho là "Việt Cộng", mà thực chất đó là những nông dân miền Nam.
Phe "trí thức thiên tả" thời chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng rất mạnh ở các nước Tây Âu. Những tấm hình của phóng viên chụp được ở chiến trường là bằng chứng để họ lên án "tội ác" và sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã vận động khéo léo lực lượng này để làm "áp lực quốc tế", hạn chế các quyết định "sắt máu" của chính phủ Mỹ.
Nếu ta có tham khảo các tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam, ta thấy phe miền Bắc xã hội chủ nghĩa có hai quan điểm đối nghịch : Trong nước họ tuyên truyền chiến tranh Việt Nam là một cuộc "chiến tranh giải phóng", thanh niên xâm chữ "sinh bắc tử nam", toàn dân miền Bắc nhịn đói, dành lương thực để giải phóng miền Nam. Mỹ là "thực dân kiểu mới" và Việt Nam Cộng Hòa là "chính quyền ngụy, tay sai".
Nhưng trên phương diện "quốc tế", họ vận động dư luận quốc tế để cho rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến" giữa hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn toàn đứng ngoài cuộc. (Vì vậy trong một thời gian rất dài bộ đội hy sinh ở Trường Sơn không được nhà cầm quyền nhắc tới).
Áp lực của "dư luận" qua các cuộc biểu tình, các phong trào "phản chiến" tại các nước Tây phương như Pháp, Anh… hay tại chính quốc ở Washington, New York… ngày một mạnh, chi phối các chính sách về chiến tranh Việt Nam của các tổng thống Mỹ. Khúc quanh định mệnh, cuộc "tổng nối dậy" Tết Mậu Thân 1968, Mỹ phải thừa nhận chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến".
Sau trận Mậu Thân 1968, Mỹ bắt đầu nhượng bộ trên phương diện ngoại giao, buộc Việt Nam Cộng Hòa phải "nhìn nhận" thực thể Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, buộc ngồi "ngang hàng" với thực thể này trong "bàn tròn bốn bên" ở Paris. Hiệp định Paris 1973 ra đời trong bối cảnh "nội chiến", để Mỹ "Việt nam hóa chiến tranh", chuẩn bị cho "đồng minh tháo chạy".
Phe cộng sản Việt Nam đã thành công, qua trận Mậu thân, vận động dư luận quốc tế để biến một cuộc chiến "quốc tế" và "ý thức hệ" thành một cuộc "nội chiến", trong nội bộ Việt Nam Cộng Hòa.
Và khi nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là "nội chiến", hai bên đối đầu là Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thì Mỹ không có lý do, hay danh nghĩa nào để can dự vào cuộc chiến.
Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền "tự vệ chính đáng" chỉ có hiệu lực khi các bên Việt Nam là những "quốc gia". Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Lâm Thời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (và ngay cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) không phải là những "quốc gia". Nguyên tắc "quốc gia duy nhứt" vẫn được các bên, ngay cả Mỹ và các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, tôn trọng cho đến ngày 30/4/1975.
Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Cao Ly chỉ có hiệu lực khi miền Bắc "xâm lược" miền Nam. Bây giờ ai cũng biết là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do lãnh đạo cộng sản Việt Nam dựng lên, từ Đại hội đảng toàn quốc năm 1960. Nhân sự lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều thuộc về một đảng. Tức là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một "bộ phận" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vấn đề là Mỹ (và cả thế giới) ở thời điểm đó không ai chứng minh được sự quan hệ này).
Tức là Mỹ (và Việt Nam Cộng Hòa) thua trên mặt trận truyền thông tại Paris, tại Washington, thua về "luật" do họ đặt ra, thua về "mưu trí" chớ không hề thua ở chiến trường.
Trương Nhân Tuấn
(30/04/2021)
Dù đã tròn 46 năm, tính từ 30 tháng Tư năm 1975 ; dù ký ức đã trở thành từng mảnh vỡ bị mài mòn, tôi vẫn cố mày mò để ghép lại "bức tranh kỳ quái" một thời, ám ảnh hàng triệu người Việt Nam. Chắc chắn đó không thể là bức tranh sắc nét (nhất là cho thế hệ trẻ) như mong muốn, bởi lẽ từng góc, từng cạnh của mảnh vỡ ký ức đã bị sứt mẻ theo thời gian, mòn cụt theo cuộc đời nổi trôi từng phận người ngay trên chính quê Cha đất Tổ.
Thế hệ được sinh trưởng trong những năm '60 của thế kỷ trước, chắc chắn không đủ trải nghiệm với tư cách "người nhập cuộc" để luận bàn về chiến tranh - chính trị nhưng chắc chắn đủ thấm thía những hậu quả tàn khốc thời hậu chiến, sau khi "Bên Thắng Cuộc" cưỡng chiếm thành công Sài Gòn.
Chắc hẳn, nhiều người thấy lòng mình chùng xuống, se sắt và nhói đau khi nghĩ về một thời quá vãng kinh hoàng sau 1975 !
Đường sách nằm ngay trung tâm thành phố.
Nếu ngồi kể cho nhau nghe những mảnh đời thương tâm làm cho thể xác biến dạng cùng tâm hồn tật nguyền - kể cả thù hận - bị gây ra bởi sự ngu xuẩn và hãnh tiến của người cộng sản Việt Nam, thì nói cả tháng cũng không hết. Vậy hãy nói cho nhau nghe những gì phổ quát nhất, bao hàm nhất và ấn tượng nhất để cùng ngẫm lại một giai đoạn lịch sử thảm thương, sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Không quá chủ quan, khi tôi cảm nhận về "dấu ấn của quỷ" từ những tháng ngày điêu linh trong quá khứ, đó là : BÓNG TỐI.
Dấu ấn đậm nét mà khi nhắc lại, dễ làm nhiều người rơi nước mắt !
Bóng tối tôi muốn nói đến ở đây mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu bóng tối hữu hình bao trùm cả Sài Gòn khi màn đêm buông xuống của những năm sau "giải phóng", thì bóng tối vô hình bao phủ tất cả các lãnh vực, mà từ đó nó tạo ra Con Người Nhân Bản và văn minh : kinh tế, pháp luật, giáo dục, y tế, tôn giáo, văn hóa – nghệ thuật.
Tất cả các lãnh vực nói trên tha hóa, bệ rạc và để lại di chứng nặng nề cho đến nay, đều xuất phát từ cái đói thể xác và của hàng chục năm trời dân Sài Gòn đối mặt với bóng tối triền miên !
Đói về thể xác và tập quen dần với màn đêm tinh thần u ám, từ đó hủy hoại tất cả những gì thánh thiện, thanh cao, tốt đẹp nhất của Con Người đặt trong bối cảnh những năm sau 1975. Không phải miếng ăn quyết định tất cả trong mọi thời đại, mọi xã hội, mọi hoàn cảnh, do đó xin nhấn mạnh : Cái đói và bóng tối theo quan điểm riêng tôi, cần đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào những năm, sau khi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa tan rã.
Chỉ nóc chuông Nhà thờ Đức Bà vẫn còn nguyên vẹn với thời gian
Quá khứ tồi tệ được tạo ra từ một thời u mê, nhiệt tình đến mức quá khích của cả một "hầm rượu chiến thắng" được cất từ cái thứ "men đặc quánh" gọi là : "tên đế quốc khét tiếng thế giới", mà chẳng quốc gia nào đánh bại nỗi, chỉ có người Cộng sản Việt Nam làm nên điều "kỳ diệu" đó" (!) Câu cửa miệng một thời của Bên Thắng Cuộc vẫn dai dẳng và âm ỉ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở thế đứng của bề trên. Vâng ! Chính nó ! Chính nó đã làm cho những người cộng sản Việt Nam ngất ngây trên chín tầng mây xanh để tự tán dương, tự ca tụng bất tận. "Tự sướng" chưa đủ, họ buộc toàn dân phải hòa vào cùng "sướng chung" bằng bài ca chiến thắng :
Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại bằng mười
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại đẹp hơn !
(Tình đất đỏ miền Đông – Trần Long Ẩn)
Lúc đó, đám thanh niên chúng tôi đổi lời mà rằng :
Tổ quốc ơi ! Ăn khoai mì ngán quá !
Từ giải phóng vô đây ta ăn độn dài dài !
Từ giải phóng vô đây ta ăn độn triền miên !
và còn hàng hà sa số bài hát dành cho những cơn say. Say khướt ! Say quắc cần câu trong nhiều năm liền. Người cộng sản càng say, càng sướng ; Càng sướng, càng say. Trong lúc người dân ngày càng héo queo, trở nên lầm lũi để... bằng mọi giá phải sống !
Họ – những người cộng sản Việt Nam – tự đưa vào trong não một thứ "hào quang lòe loẹt" về cái gọi là "chiến thắng" thì có gì mà họ không thể làm (và làm tốt nữa là khác !), bằng chứng [1] :
Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh" - Lê Duẩn hào hứng vào Tết 1976.
Mười năm sau, Lê Duẩn xuống mồ và ôm theo câu nói "nổi tiếng" một thời ! Người dân Sài Gòn còn phải bán tủ lạnh, tivi… nói gì người dân các vùng quê !
Nhiều người Sài Gòn cười khẩy và buông lửng : "Tưởng gì… !". Lúc này (1976) chưa… bị đói ! Miết sau này, nhiều người mới hiểu câu nói của Lê Duẩn, có lẽ dành riêng cho người dân miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, vốn bị nhồi sọ từ tấm bé, cùng với hành trình mù quáng "xẻ dọc Trường Sơn" để "chống Mỹ cứu nước" (!).
Một thời quá vãng mông muội với Trần Văn Trà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, nhằm trấn áp và tiêu diệt bất cứ biểu hiện nào bị cho là "chống đối". Tư tưởng "địch - ta" rõ mồn một như vậy, đã bác bỏ hoàn toàn thành ngữ "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Thời đó, nói cho ngay, thường dân Sài Gòn, ai cũng xanh mặt khi nghe hai chữ "cách mạng", nên tuyệt đại đa số lặng thầm làm quen với cuộc sống đói khổ nghèo nàn cùng văn hóa "xin xỏ - ban bố" tràn vô từ miền Bắc...
Từ một cô gái đoan chính và gia giáo, Sài Gòn nhanh chóng trở thành người đàn bà vô học và hung tợn, chỉ trong vòng 10 năm. Từ đó, lòng nhân ái của người Sài Gòn, dần dà bạc thếch theo thời gian, tựa như cơn lũ dữ trong ngày giông bão xuất hiện theo tốc độ nhanh dần - đều đặn, từ những hành vi hỗn xược, giọng nói trịch thượng, thái độ bề trên của Bên Thắng Cuộc - chúng nó là cội nguồn cuốn trôi tất cả phẩm giá làm Người Việt Nam. Tình đồng loại, nghĩa đồng bào mất dần và mất hút theo những dấu chân thị thành về vùng "kinh tế mới" hay những bàn tay mò mẫm trong từng đêm đen chôn dầu vượt biển...
Văn hóa là cội rễ, giáo dục là dưỡng chất cho bất kỳ dân tộc nào. Cội rễ Việt Nam bị bứng gốc từ lâu ; dưỡng chất bị thay thành độc dược. Cành lá héo khô, trái đắng ngập tràn...
Một xã hội của thế kỷ 21 với đồng tiền ngự trị rộng khắp. Tiền bạc chễm chệ trong từng ngôi chùa mà ở đó các ông sư cạo trọc đầu còn mải miết tính toán lời lỗ với Phật tử. Học trò dù ở ngay những ngôi trường mang tên "quốc tế" cùng học phí cao ngất, vẫn có thể chết thật... ngẫu nhiên (!).
Tư duy "địch - ta" với điều 117 trong Bộ Luật Hình Sự (vẫn) mang tên "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", trong khi "chính quyền nhân dân" hoàn toàn nằm gọn trong tay của người cộng sản Việt Nam suốt 46 năm qua, thoát thai từ cuộc xâm lược bạo tàn thấm đầy máu và nước mắt của người dân Việt Nam !
Bóng tối ngày 30 Tháng Tư vẫn ngập ngụa trên dải đất ngày càng còi cọc và lụi tàn mang hình chữ S...
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 06/04/2021 (nguyenngocgia's blog)
Dù đứng ở phía nào trong cuộc nội chiến Bắc-Nam, ngày 30/4/1975 vẫn là một ngày lịch sử.
Ngày này năm 1975, phe cộng sản Bắc Việt đã toàn thắng trong tiến trình ‘giải phóng miền Nam’ bằng bạo lực. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã toàn bại trong cố gắng tự vệ chống bị-giải-phóng. Chiếc xe tăng quân cộng sản Bắc Việt treo lá cờ Mặt trận Giải Phóng Miền Nam ủi sập cổng chính vào dinh Độc Lập của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa vốn đã được mở sẵn để chờ đón đoàn quân chiến thắng. Hình ảnh này đã được truyền thông thế giới phát ra khắp nơi và lấy đó làm biểu tượng cho chiến thắng toàn diện của phe cộng sản Bắc Việt trong ngày 30/4.
Chiếc xe tăng quân cộng sản Bắc Việt treo lá cờ Mặt trận Giải Phóng Miền Nam ủi sập cổng chính vào dinh Độc Lập của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa vốn đã được mở sẵn để chờ đón đoàn quân chiến thắng. Ảnh minh họa
Hình ảnh tạo ra những xúc động tức khắc. Những người đã quá chán ngán chiến tranh Việt Nam thở phào nhẹ nhõm. Hòa bình rồi, thôi hết chiến tranh. Những người đạo diễn ra chiến thắng này được đi nhận lãnh giải Nobel hòa bình. Lê Duẩn và Bộ chính trị cộng sản Bắc Việt cả cười mê sảng. Hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa vào tù cải tạo. Người miền Nam hiền lành gom góp những mảnh vụn vỡ của giấc mơ được sống theo ý nguyện đi về Vùng kinh tế mới.
Phải một thời gian sống với cộng sản sau đó, người ta mới hiểu tại sao quân đội cộng sản Bắc Việt lại ủi sập một cánh cửa đã mở ra ? Tại sao không đủng đỉnh đi vào ? Hình ảnh này, dù phe cộng sản Việt Nam không mong muốn, đã trở thành biểu tượng cho một chế độ hung bạo sắp tới trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Không ai có thể thay đổi lịch sử. Người ta phải sống, chết, dỡ sống dỡ chết với những kết quả/hệ quả của những người đã tạo ra lịch sử. Những người chạy trốn được ngày 30/4 đã đi rồi, hàng triệu người. Có nhiều người đã chạy trốn phe cộng sản Bắc Việt từ những năm 1954, cũng hàng triệu người, năm 1975 lại chạy trốn nữa. Những người bị ở lại, phải sống với lũ, hàng triệu triệu con người, như người ta nói, kể cả những cột đèn không chạy được, phải khóc cười theo chế độ.
Đất nước Việt Nam thật quá lạ kỳ. Chế độ cộng sản có thể dửng dưng tổ chức ngày chiến thắng 30/4 tiệc tùng liên hoan trên sự đau thương của đồng loại đã nói lên tất cả vì sao đất nước đến nông nổi này như ngày hôm nay :
Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn…
(Trần Thị Lam)
Vấn đề nhức nhối hiện tại là câu hỏi, chế độ cộng sản Việt Nam đã làm gì trên đất nước Việt Nam sau 44 năm thống nhất ? Xuất phát từ di sản ngày 30/4, chế độ cộng sản toàn trị hôm nay đã có thỏa đáp được ước mơ từ hàng ngàn thế hệ Việt Nam trước đó và hôm nay, là được tự do mưu cầu hạnh phúc trong xã hội văn minh, tiến bộ, không hận thù, được hòa mình vào dòng sống của nhân loại ? Câu trả lời là không.
Ngày ‘giải phóng’, nhìn lại, là phần mở đầu của cơn ác mộng.
Ông cựu thủ tướng cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt không phải nhân bản gì đâu khi nói "(Ngày 30/4) có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn". Nhân bản và cộng sản là hai khái niệm luôn luôn tương phản. Một xã hội nhân bản không thể có cộng sản và ngược lại. Ông Kiệt chỉ nói lên quan sát rất thông thường của một người cộng sản đã lấy được điềm tĩnh nhanh hơn đồng đảng sau chiến thắng. Ông là ngoại lệ trong đám ‘nhất tướng công thành’ vì ông có vẻ còn xót đến ‘vạn cốt khô’. Nhưng giải pháp ông đưa ra để hóa giải sự mâu thuẫn của hai trạng thái đối nghịch trong ngày 30/4 làm cho người ta nghi ngờ.
Ông Võ Văn Kiệt đã kêu gọi Việt kiều hãy quên đi quá khứ để hòa hợp với chế độ. Không ít nhân sĩ và học giả đã tán thưởng viễn kiến ‘nhân bản’ của ông Kiệt. Cũng như trước đây, một tầng lớp trí thức Việt Nam đã lầm tưởng đảng cộng sản có chính nghĩa và lòng yêu nước, đã quỳ xuống phục vụ đảng cộng sản Việt Nam xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa. Ngày hôm nay họ lại lầm tưởng ông Kiệt là người cộng sản có nhân bản. Có lẽ không nên gọi họ là tầng lớp trí thức nữa vì trên nguyên tắc vận hành của chế độ, xét qua chính sách ‘trí phú địa hào đào tận rễ’, trong nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay không còn tầng lớp trí thức. Tầng lớp này đã bị nhổ tận rễ rồi, chỉ còn lại tầng lớp ngụy trí thức phục vụ chế độ.
Như một người cộng sản tận tụy với đảng, ông Kiệt khước từ sự hòa giải vốn là lẽ thường tình giữa hai phe đối kháng sau một cuộc xung dột đẫm máu, nhưng bị lịch sử và huyết thống dân tộc trói buộc phải sống chung với nhau và phải chia sẻ một tương lai vinh nhục với nhau. Không nói đến hòa giải, ông Kiệt chỉ nói đến hòa hợp, và chỉ nói trong những dịp tập trung ‘Việt kiều yêu nước’ đã được các tòa đại sứ cộng sản Việt Nam ở hải ngoại tuyển chọn trước, cho thấy sự khuất tất. Muốn có sự hòa hợp mà không trải qua nỗ lực hòa giải thì cũng giống như một người muốn ăn trứng nhưng không chịu đập vỏ trứng. Hoàn toàn ở đây không có ý sỉ nhục hay vô lễ với ai, nhưng quan sát thông thường cho thấy ăn trứng không cần đập vỏ chỉ có ở loài ăn tạp.
Mục đích của sự hòa giải là chấm dứt những xung đột bằng phương cách điều đình, thương lượng, phân biệt phải quấy, thiện ý cộng tác và mong đợi thái độ hợp tác của đôi bên. Nó đòi hỏi sự tương kính và chân thành hướng đến Lẽ Phải và Công bằng. Sự hòa giải đòi hỏi mỗi bên nhìn nhận khiếm khuyết của mình, nhìn nhận sự thiệt hại đã gây cho nhau và lấy làm tiếc nó đã xảy ra, nếu có thể, bồi thường cho nạn nhân dù chỉ là tượng trưng. Nói cách khác, phải sòng phẳng với quá khứ. Phủ nhận quá khứ chỉ vô ích vì những vết thương trên thân thể còn đó và đang chảy máu. Mỗi năm tổ chức ăn mừng chiến thắng 30/4 sinh ra phản ứng phụ là cào cấu vết thương trên thân thể Việt Nam thêm nhiễm độc. Chỉ khi vượt qua được sự tự hủy hoại thân thể, nước Việt Nam mới mong được phục hồi.
Người ta nói, dân tộc như thế nào xứng đáng với chế độ như thế ấy. Câu nói tủi cực cho mọi người đang phải gánh chịu ách cộng sản. Nhưng câu nói ấy cũng là lời buộc tội đích đáng cho tầng lớp trí thức của một dân tộc. Mọi chế độ bất nhân tồn tại được chứng tỏ sự thiếu trí tuệ và năng lực của giới trí thức của dân tộc đó.
Đất nước đến nông nỗi hôm nay có một nguyên nhân chính : giới trí thức Việt Nam đã quỳ xuống vì sợ hãi bạo lực đã khiến Đảng cộng sản Việt Nam lầm tưởng họ vĩ đại. Sự khống chế hoàn toàn xã hội Việt Nam bằng bạo lực đã thành công khiến Đảng cộng sản Việt Nam càng thêm táo tợn trong những chính sách cai trị. Chế độ cộng sản Việt Nam có thể đưa ra những bản án vô nhân đạo lên người dân bởi vì họ có thể. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ra những chính sách kinh tế đạo tặc, tham nhũng, bán buôn sang nhượng tài sản của quốc gia, tước đoạt quyền tự quyết của dân, ăn của dân không chừa thứ gì chỉ vì họ có thể. Họ có thể vì họ đã đè bẹp được sự phản kháng của người dân bằng sự im lặng đớn hèn của giới trí thức
Sự ngạo nghễ của đảng cộng sản có lý cớ để kéo dài vì giới trí thức Việt Nam đã quỳ xuống. Trí thức Việt Nam đã quỳ xuống trong chính sách Cải cách ruộng đất năm 1956. Trí thức Việt Nam đã quỳ xuống sau vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm những năm 1956-1958. Quỳ xuống trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân. Quỳ xuống bên thi thể người thân trong cố đô Huế năm 1968. Các anh cũng đã quỳ xuống khi cộng sản pháo kích bừa bãi vào đoàn người dân chạy trốn cộng sản trên Đại lộ kinh hoàng năm 1972 tại Quảng trị… Thường khi sự sợ hãi tăng lực cho sự hung bạo. Bởi vì chúng ta quỳ nên cộng sản đã đứng lên bạo ngược ngang tàng.
Nhưng giới trí thức Việt Nam không thể quỳ xuống mãi và đi bằng đầu gối mãi cho hết kiếp nhân sinh. Thời gian 44 năm đã quá nửa một đời người mà chế độ bạo lực, bất nhân, liên minh thẻ đảng, tiền, quyền và ngu xuẩn vẫn ngạo nghễ khống chế mọi mặt của đời sống quốc gia. Trí thức Việt Nam chân chính phải đứng lên thôi. Các anh phải đứng thẳng lưng lên để lãnh đạo dân tộc Việt Nam, đứng thẳng lưng lên trước lực lượng cộng sản chiếm đóng đất nước.
‘Người ta lớn bởi vì các anh quỳ
Hỡi công dân, hãy đứng thẳng lưng lên’
Tiếng thét của Cách mạng Pháp 1789 phải thức tĩnh giới trí thức Việt Nam ngày hôm nay trước sự hoành hành càng ngày càng táo tợn của Đảng cộng sản Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Tầng lớp trí thức Việt Nam phải có trách nhiệm và đứng lên lãnh đạo người dân chấm dứt chế độ bất nhân ăn mừng chiến lợi phẩm là miền Nam Việt Nam trong ngày 30/4 hàng năm. Bằng cách thành lập hoặc tham gia tổ chức chính trị, vận động cho sự thành hình một lực lượng dân chủ trên toàn quốc làm đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam. Phải thành lập được một lực lượng dân tộc lấy Lẽ Phải và Công bằng làm sức mạnh bắt buộc Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện tiến trình Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc, bằng các phương pháp Bất bạo động, người Việt Nam mới hy vọng nhìn thấy ánh sáng của một xã hội văn minh, tiến bộ và hòa bình, tình tự dân tộc sau bóng tối của đêm dài dường như bị Đảng cộng sản Việt Nam kéo dài đến vô tận.
Sơn Dương
Chú thích :
Tựa đề bài viết lấy cảm hứng từ một lời hiệu triệu trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 :
"On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux
Citoyens ! Levez-vous droitement !"
(Révolution française 1789)
Một số tác giả ghi nhận hai câu trên là của nhà cách mạng Jean-Paul Marat thời Cách Mạng Pháp 1789. Nhưng qua bài khảo sát thận trọng của ông Trần Giao Thủy đăng trên Đàn Chim Việt Online tháng 10 năm 2012 thì có lẽ không phải Marat. Nhưng dù là ai thì hai câu này xuất hiện trong thời Cách mạng Pháp 1789 nên xin ghi nhận là (Cách mạng Pháp 1789) cho đỡ rắc rối. (SD)
Tôi viết bài báo ngắn này như thắp một nén hương lòng, đầy trĩu lo buồn vì từng là một nhân sống tại chỗ cho sự kiện lịch sử 30/4/1975, nhưng 43 năm qua tình hình đất nước xấu đi trông thấy về mọi mặt, chính trị lạc hậu, Nhà nước tham nhũng, đảng cộng sản thoái hóa suy thoái thê thảm, công an và quân đội mất phương hướng phục vụ nhân dân, xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi, nền giáo dục vỡ trận.
Thắp hương tưởng nhớ bạn trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua.
Cuộc hòa giải dân tộc tùng hứa hẹn đã bị cố tình lãng quên và phản bội. Các lời cam kết long trọng ghi trên giấy trắng mực đen "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam" và "không dùng vũ lực để thôn tính nhau" đã bị xâm phạm thô bạo vì đường lối đấu tranh giai cấp mác-xít coi bạo lực luôn đồng nghĩa với cách mạng.
Đã có lời kêu gọi tâm huyết của giáo sư đảng viên Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng trường Đại Học kinh tế phía Nam từ năm ngoái là nên tổ chức một cuộc đại cầu siêu, đại sám hối nhân dịp này, tổ chức thăm viếng thắp hương, dâng hoa… tất cả các nghĩa trang lớn nhỏ, phần mộ các liệt sĩ hy sinh và mất tích thuộc tất cả mọi bên trong chiến tranh, phía Quân đội nhân dân cũng như phía Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, các nghĩa trang của các đạo Phật giáo, Cao đài, Hòa hHảo, Tin lành… cũng như các nghĩa trang quân đội Hoa Kỳ, Canada, Tân Tây Lan, Úc, Thái Lan… nếu còn có trên đất nước ta.
Trong dịp tháng Tư này mà có nhiều văn phương Tây gọi là "tháng Tư đen", "tháng Tư độc ác" - "Le noir Avril", "Le cruel Avril", rất nên chính quyền trong nước cùng toàn dân cùng tổ chức khắp toàn quốc những cuộc tưởng niệm tại mọi nghĩa trang, tu bổ các nghĩa trang to nhỏ không phân biệt, tại bàn thờ các gia đình có con em là liệt sĩ hy sinh, bị mất tích (Bộ quốc phòng cho biết con số này lên đến 300.000).
Tinh thần bao trùm của cuộc Đại tưởng niệm là một cuộc Đại sám hối của toàn dân tộc nhận với Tổ tiên, Tiền nhân, là đã phạm tội lỗi chung để cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ác liệt kéo dài giữa hai miền Nam Bắc, tiếp theo cuộc chiến tranh giành độc lập.
Mục tiêu cuộc Đại tưởng niệm, Đại sám hối là Hòa giải hòa hợp dân tộc thật sự, từ nay Nam Bắc là anh em ruột thịt, không còn gọi nhau là "Việt gian", "quân ngụy", là "giặc Mỹ xâm lược", là "tay sai quốc tế cộng sản"…
Rất tiếc là sáng kiến quý báu mạnh dạn của giáo sư Đào Công Tiến chưa kịp phổ biến rộng rãi, thảo luận rộng khắp sôi nổi để hình thành một đồng thuận chung trong ngoài nước.
Tuy ngày 30/4/2018 sắp qua, chúng ta còn thời gian để trao đổi thực hiện ý đồ đẹp đẽ cao quý này với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bao dung, các bạn blogger tự do, các tổ chức dân sự tham gia hăng hái, đạt đến một đồng thuận dân tộc cao nhất, không đạt năm nay thì kéo dài thêm chút ít thời gian, miễn là đạt đến mục đích tốt đẹp chung cuộc mà mọi người mong đợi.
Đây sẽ là niềm hạnh phúc cao quý nhất của cả hơn 90 triệu dân Việt ta, nắm chặt tay nhau đi tới trước, mở đầu cho một thời kỳ lịch sừ, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt và thành quả sẽ được toàn dân chung hưởng một cách bình đẳng, công bằng.
Tôi tin rằng lẽ phải, sự công bằng, sự hòa hợp dân tộc thiêng liêng cuối cùng phải thắng vì hợp chân lý, hợp thời đại, hợp lòng dân luôn yêu hòa bình chuộng công lý, dân chủ và tự do, hướng tới tương lai phát triển mạnh mẽ và phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân cùng chung hưởng.
Đây sẽ là câu trả lời đanh thép đích đáng cho bọn bành trướng phương Bắc luôn có âm mưu khuất phục nước ta.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 30/04/2018
Thưa quý vị, như vậy chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 30/4, ngày kỷ niệm chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc. Sự kiện này được nhắc đến với rất nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên theo nhận định của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chính phủ Hà Nội thì đây là ngày triệu người vui nhưng cũng triệu người buồn.
Mời quý vị cùng theo dõi buổi trò chuyện giữa RFA và ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo của RFA với bút danh Nam Nguyên, đồng thời ông cũng là một trong những phóng viên thời chiến tranh Việt Nam.
Xin chào nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ?
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo RFA với bút danh Nam Nguyên, trò chuyện cùng RFA nhân sự kiện 30/4. RFA
Nam Nguyên : Trong tuần lễ cuối cùng, những sự kiện quan trọng gồm có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, rồi phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng cũng chỉ được 5 ngày thì trao nhiệm cho Đại tướng Dương Văn Minh với hy vọng Đại tướng Minh có thể hòa giải với phía bên kia để ngăn tình trạng sụp đổ của miền Nam và có thể là thành lập một chính phủ liên hiệp chẳng hạn.
Ngày 28/4/1975, tôi làm truyền thanh trực tiếp (live) từ dinh Độc Lập lễ trao nhiệm cho Đại tướng Dương Văn Minh để lãnh nhiệm vụ Tổng thống. Các bạn chắc cũng lấy làm lạ lùng vì sao có thể trao nhiệm tại vì thường nếu Tổng thống xuống thì Phó Tổng thống lên, Phó Tổng thống xuống nữa thì người Phó của ông này sẽ lên, không có người đó thì Chủ tịch Thượng viện phải lên. Nhưng đây lại là trao nhiệm, có nghĩa là Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa rất minh bạch, rành rọt nhưng nó đã không được thi hành kể từ ngày 28/4.
Khoảng 5 giờ chiều hôm đó diễn ra lễ trao nhiệm, có vẻ như chính phủ của Đại tướng Dương Văn Minh coi chuyện này là nghiêm túc, không phải nhận công việc này để đầu hàng. Có thể Đại tướng Dương Văn Minh là một nhà quân sự nên ông ấy biết tình hình như thế nào. Phòng tuyến Xuân Lịch mất rồi, sư đoàn 18 vỡ, ông tướng Lê Minh Đảo đã giữ được 10 ngày rồi mà ông ấy rất anh hùng, báo chí thế giới cũng ca tụng ông ấy.
Cái nghề báo là không được xúc động. Phải nói là tôi đã rất cố gắng để dặn mình không được xúc động nhưng cuối cùng trong khi tường thuật live tôi đã bình luận một câu. Nhưng câu đó thành ra lại được nhiều người biết đến. Họ nhắc lại câu tôi nói : "Vào lúc này trời âm u đổ mưa, cũng giống như tình hình của đất nước vậy !".
Khi tôi về đến đài sau buổi chiều hôm đó là đã thấy lộn xộn lắm rồi. Máy bay đã bay vô oanh kích ở Tân Sơn Nhất. Ngay ở đài tôi nhìn ra, có những máy bay đi ngang đó thì ở dưới người ta bắn lên. Có thể bắn cả những máy bay tôi thấy không phải của bên kia. Tình hình lúc đó rất khó khăn.
Đó là dấu ấn ngày 28/4. Ông Tổng thống Dương Văn Minh thực tế chỉ tại chức 36 tiếng đồng hồ.
Tới ngày 30/4, trong đài tôi được ông Tổng trưởng Thông tin mới gọi điện yêu cầu cử người qua để thu thanh một bản hiệu triệu của Tổng thống Dương Văn Minh. Thu xong phải phát vào lúc 10 giờ, nếu không phát đúng giờ thì Sài Gòn sẽ biến thành một biển máu. Hôm đó tôi không ở trong đài, nhưng sau này tôi hỏi thì họ nói là ông Lê Phú Bổn, phóng viên trẻ tốt nghiệp trường báo chí Vạn Hạnh là người được cử đi thu thanh. Và người kỹ thuật viên đi cùng là ông Hồ Ổn. Hai người đi qua Phủ Thủ tướng ở đầu đường Thống Nhất thu và mang về phát. Những ngôn từ rất chững chạc, cũng với nội dung đầu hàng thôi, Đại tướng Dương Văn Minh nói rằng mọi người buông súng, quân đội ở đâu thì giữ nguyên ở đó để chờ người đại diện phía bên kia đến và bàn giao trong trật tự. Tôi thấy cách ông ấy đầu hàng như vậy cũng rất hợp lý. Khi bản thu thanh loan ra được một thời gian ngắn thì quân đội Bắc Việt mới tiến vào dinh Độc Lập.
Câu chuyện đến đoạn này thì có nhiều điểm không rõ trong lịch sử, mỗi người nói một kiểu. Ông Bùi Tín thì nói rằng lúc đó vào trong dinh chỉ có cấp cao nhất là đại úy xe tăng, còn lại là nhỏ hơn, chưa có ông Chính ủy của đoàn đó. Bây giờ báo chí người ta cũng nói ông Chính ủy này có thể đến lúc kéo cờ lên rồi ông ấy mới tới.
Họ nói không chấp nhận lời đầu hàng ban đầu, đòi rằng bây giờ ông phải nói ông đầu hàng vô điều kiện bởi vì chính quyền của ông tan rã rồi, không có gì để bàn giao. Tôi thấy điều này cũng hơi cay đắng, bởi vì không nhất thiết phải như vậy vì người ta đã chấp nhận đầu hàng rồi, bây giờ làm mọi việc có thể để tránh đổ máu thôi. Những người cán binh cộng sản lúc đó đã rút súng và nói ông phải đọc lại bản mới và đi thu. Thế rồi họ chở ông ấy tới đài phát thanh để thu bản đầu hàng mới.
Trước khi ông Minh tới đài thì ông Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã tới rồi. Người hoàng viên (tên gọi người thu thanh lúc bây giờ) là một phụ nữ, đã quá sợ hãi, có lẽ vì lần đầu tiên trông thấy bộ đội nón cối, súng ống, trong khi ông Tổng thống gần như bị áp đảo. Cô ấy sợ hãi quá, chân tay run lẩy bẩy không thu được. Có một nhà báo ngoại quốc ở đó, đã dùng cát-sét để thu. Một lúc sau ở phòng thu phụ người ta trấn tĩnh lại và thu được bằng băng lớn.
Đó là lời đầu hàng vô điều kiện và có lời chấp nhận lời đầu hàng đó của phía bên kia. Sở dĩ tôi phải kể dài dòng như vậy là vì có hai bản tuyên bố đầu hàng. Lần thứ nhất do ông Dương Văn Minh soạn thảo và đi thu. Lần thứ hai ông ấy bị áp giải đi thu. Nhiều người thắc mắc tại sao phải kể những chi tiết đó làm gì, nhưng tôi nghĩ rằng đối với lịch sử, sự thật quan trọng hơn sự kiện. Trong cuốn sách "Đại Thắng Mùa Xuân" của ông Văn Tiến Dũng, ông ấy nói đài Sài Gòn bỏ trống không còn một ai nữa. Quân ta (tức là quân Bắc Việt) đã vô thoải mái. Nhưng điều đó không đúng ! Chính phủ không phải đã tan rã. Quân đội có thể mất phòng tuyến này hay phòng tuyến kia, nhưng đài tiếng nói quốc gia lúc đó vẫn còn.
Trong tháng 4 tôi còn có một kỷ niệm nữa không quên được. Khi Đà Nẵng mất, chắc khoảng 28/3, hôm đó tôi đang trực sở thời sự, thì ở dưới phòng kỹ thuật họ nói tôi xuống nói chuyện với đài Đà Nẵng. Ông quản đốc của đài Đà Nẵng, anh Huỳnh Quy, có vẻ mất bình tĩnh và giọng xúc động lắm. Anh ấy hỏi "Tiến ơi mày có thể cứu được tao và các nhân viên của tao không ?" Tôi cũng biết mình không thể giúp được gì, nên chỉ trấn an anh ấy thôi. Anh ấy bảo đang bị kẹt ở trong đài không thể ra được. Chúng tôi đang tìm cách giúp anh ấy, thì khoảng 15 phút sau anh ấy gọi lại bảo rằng "Tiến ơi không còn hi vọng gì nữa rồi, đã trông thấy họ ở ngoài hàng rồi". Anh ấy chào vĩnh biệt, rồi về sau tôi không biết anh ấy như thế nào nữa. Đó là câu chuyện ám ảnh tôi hoài.
RFA : Qua những cảnh tượng ông được chứng kiến khi làm những phóng sự chiến trường, ông suy nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh Việt Nam ?
Nam Nguyên : Đây là một câu hỏi lớn, tôi chỉ nêu ra suy nghĩ của một người phóng viên đã trải qua cuộc chiến thôi.
Tôi thấy rằng giá không có cuộc chiến này thì tốt hơn. Khi kết thúc cuộc chiến vào ngày 30/4, đã có tổng cộng khoảng 2 triệu người miền Bắc và miền Nam chết, hàng trăm ngàn người bị thương, không đếm xuể những người còn sống nhưng cụt tay, cụt chân của cả hai bên. Và cuộc chiến tranh đó mục đích là gì, giữa cùng là người Việt Nam với nhau ? Bản thân tôi cũng có một phần gia đình ở miền Bắc. Tôi cũng sinh ra ở Hà Nội.
Nói không có thì tốt hơn là vì giả dụ ngay cả khi chưa có Điện Biên Phủ, cứ để nguyên thì chậm nhất đến thập niên 60, tất cả những nước có thuộc địa đều phải trả lại cho người ta hết, bang giao tốt đẹp, buôn bán làm ăn với nhau mà không bị chết người.
Trận chiến Điện Biên Phủ giành độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi như đã thành công, đưa đến Hiệp định Geneva chia hai miền đất nước. Giá mà dừng ở đó thì vẫn còn tạm ổn. Nhưng đằng này, chỉ vài năm sau, miền Bắc bắt đầu mang quân gây chiến, rồi chuyển vũ khí vào trong miền Nam với lý do Tổng tuyển cử đã không diễn ra như Hiệp định Geneva nên phải đánh. Miền Bắc đã chuẩn bị chiến tranh ngay từ lúc đó rồi.
Trên chiến trường khốc liệt quá ! Những gì tôi được chứng kiến, nhận xét về quân sự cả hai bên, binh sĩ binh lính của cả hai bên rất can trường, anh hùng và sẵn sàng chết để phục tùng lệnh từ trên. Khi tôi và đồng nghiệp vào mặt trận An Lộc bằng máy bay, chưa kịp nhảy xuống thì khói đã bốc lên trên máy bay rồi. Trông thấy bãi đáp Khánh Ly rồi mà bị đánh bom phải lượn ra luôn. Tôi thấy bay được có một khúc là may bay bị rớt rồi, và ngay lập tức họ bắn hủy máy bay đó. Thế là chúng tôi vẫn chưa vào được An Lộc. Nhưng cuối cùng kiên trì tôi và một người phóng viên tên Dương Phục cũng đã vào được.
Đi đến đó thì thấy thành phố An Lộc không còn một căn nhà nào nguyên vẹn hết. Toàn bộ là gạch vụ và một vài bức tường. Chúng tôi đến bộ chỉ huy của ông tướng Lê Văn Hưng, là vị tướng tử thủ ở đó để phỏng vấn, và coi như thành công.
Khi về lại không về được, cứ đi ra bãi đáp, máy bay cứ đáp xuống là phía bên kia họ pháo kích máy bay không xuống được. Chúng tôi không có cách gì để lên được, cứ đi ra đi vô mấy lần rồi lại phải quay lại. May mắn cuối cùng đài truyền hình họ đi trực thăng vào quay. Ông sĩ quan báo chí của ông Lê Văn Hưng, là ông đại úy Qúy, nói ông ấy sẽ đưa bọn tôi ra ngay khi máy bay truyền hình tới, chờ sẵn ở đó, máy bay hạ cánh là nhảy lên liền. Tôi cũng làm như vậy, và đội truyền hình đã cứu mạng tôi. Nếu không, tôi sẽ phải ở lại trong đó không biết đến bao giờ.
Đến ngày 6/7 tôi được lệnh chuẩn bị kỹ càng để đi công tác đặc biệt, nhưng không nói đi đâu. Đến ngày hôm sau họ chở tôi vào dinh Độc Lập, và chỉ tôi lên một chiếc máy bay. Trên đó chỉ có tôi, một người bên truyền hình, còn lại toàn các ông lớn. Tôi nghĩ chắc phải đi đâu ghê gớm lắm. Có một chiếc máy bay có ông Tổng thống và cả ông Hoàng Đức Nhã. Máy bay bên bọn tôi có ông đại tướng Cao Văn Viên là Tổng tham mưu trưởng. Tới nơi, tôi thấy rừng cao su và đất đỏ, tôi linh cảm là vào An Lộc. Tôi nghĩ ông Tổng thống này gan thiệt, vì An Lộc tới lúc này chưa có giải phóng. Đằng xa mình nhìn thấy bom đạn nổ dữ lắm, phi cơ oanh tạc các vùng cao điểm để hộ tống máy bay này. Câu chuyện này cũng để lại nhiều dấu ấn, và ông Tổng thống Thiệu cũng thành công trong việc thực hiện chuyến đi này.
RFA : Với nhiều người trẻ sinh sau năm 1975, thậm chí sau đến 20 năm, đã được mái trường xã hội chủ nghĩa dạy là cuộc chiến tranh Việt Nam này là để chống Mỹ cứu nước. Không biết nhà báo suy nghĩ như thế nào về quan điểm này của Chính phủ Việt Nam ?
Nam Nguyên : Tôi nghĩ là trong lúc học các bạn tin vào những câu chuyện như vậy. Tôi không nghĩ là chống Mỹ cứu nước, Việt Nam Cộng Hòa khi đó được thành lập và được viện trợ từ Hoa Kỳ để xây dựng lại đất nước. Khi chưa có chiến tranh, miền Nam trù phú, sung túc lắm, xuất cảng rất là khá, đời sống rất cao, được ví là hòn ngọc Viễn Đông. Đến ông Lý Quang Diệu cũng từng nói thời đó chúng tôi cũng chỉ mong được như miền Nam Việt Nam thôi. Đời sống rất sung túc mà không hề có quân Mỹ ở đó. Sở dĩ người ta giúp Việt Nam Cộng Hòa là vì theo chủ thuyết Domino, nếu cứ để Cộng sản tràn dần thì sẽ mất hết, tất cả sẽ là Cộng sản hết nên họ muốn chặn lại theo ý nghĩa Việt Nam Cộng Hòa sẽ là tiền đồ của thế giới tự do. Chiến tranh bên kia quá lớn thì người Mỹ mới đem quân vào vì họ sợ mất.
Bên kia từ thời trước đã tuyên truyền nhiều, đặc biệt những năm xưa không phải giống như giới trẻ được biết về miền Bắc sau này, thời trước miền Bắc khép kín không khác gì Bắc Hàn bây giờ. Người trong Nam chúng tôi không bao giờ được biết ngoài Bắc có cái gì, cũng không có hình ảnh luôn vì họ không cho người ngoài vào thăm, chỉ số ít những người thân chế độ mới được vào. Hình ảnh mà tôi biết được là khi ông Phạm Huấn ra Hà Nội công tác một ngày với một số phóng viên, họ có chụp một số hình ảnh và viết bài Một ngày tại Hà Nội. Hình ảnh rất nhiều và tôi cũng được xem. Khi xem, cảm giác Hà Nội y nguyên như hồi gia đình tôi di cư năm 1954. Không có thay đổi, không cất nhà thêm, trông nghèo nàn lắm. Ngoài đường phố ô tô không có, toàn xe đạp không à, và rất nghèo khổ rách rưới. Tôi hiểu miền Bắc họ dồn hết viện trợ vào chiến tranh và đời sống của người dân với họ không quan trọng. Một bên quan trọng đời sống của người dân, một bên làm sao thắng chiến tranh và tất cả dồn cho chiến tranh. Giáo dục từ nhi đồng, đều là tinh thần yêu tổ quốc, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đối với những người miền Nam nghe rất sáo rỗng và buồn cười, nhưng tôi hiểu người miền Bắc lúc đó tinh thần họ như một và họ tin cái đó. Và nhờ những cái dối trá đó đã đưa đến chiến thắng. Mục đích của họ là muốn đánh chiếm miền Nam thì tiền vào súng đạn hết. Dân đói, ăn độn, dùng tem phiếu một tháng được mua mấy lạng thịt hay một năm được mua mấy mét vải. Trong khi miền Nam là một thế giới khác. Bây giờ lại nói đi giải phóng miền Nam, cả những gia đình không phải Cộng sản và Cộng sản, đều có lấn cấn trong đầu bởi vì trong Nam họ sống quá sung sướng, đời sống cao. Phương tiện có rất nhiều, tất cả những tân tiến đã có rất sớm ngay trong thập niên 60.
Nói chống Mỹ cứu nước thì họ phải nói vậy vì họ rất nhất quán. Nghe mới đầu có thể không tin còn ngờ vực nhưng nghe hoài rồi cũng tin. Ông Hồ Chí Minh còn nói đại khái là nếu đánh thắng sẽ giàu mạnh gấp 10 lần năm xưa nên họ càng muốn đi đánh. Nhưng tôi không thể tin được họ có thể nói ra những điều như đi giải phóng miền Nam vì 20 năm người dân miền Nam sống dưới ách nô lệ của thực dân mới Hoa Kỳ, rồi chế độ ngụy,…mà toàn dân vẫn tin. Nên tôi phải bái phục người Cộng sản họ có những lý thuyết như vậy, nhưng trình độ người dân lúc đó không thoát ra được vì họ phải sống khép kín.
Nói đánh Mỹ cứu nước, nhưng ông Hồ Chí Minh là Cộng sản quốc tế từ thời ông qua bên Nga, bên Pháp. Và ông Lê Duẩn thì nói chúng ta đánh Mỹ là đánh luôn cho cả Trung Quốc và Liên Xô. Tức là họ muốn mở rộng chủ nghĩa Cộng sản ra toàn thế giới, đâu phải đánh Mỹ để cứu nước hay giải phóng miền Nam.
RFA : Sau năm 1975, có một khoảng thời gian nhà báo vẫn sống ở Sài Gòn dưới sự điều hành của Chính phủ Hà Nội. Vậy ông nhận thấy điểm khác biệt gì nổi bật ở thời kỳ đó so với trước năm 1975 ?
Nam Nguyên : Chúng tôi thấy mình ở dưới địa ngục. Những người giàu, kha khá thì ở tầng đầu địa ngục, còn những người nghèo thì ở tầng giữa, hay tầng đáy. Tôi khổ lắm. Khi giải phóng là tôi mất hết nghề nghiệp, rồi bị bóc lột lấy luôn tiền bạc bằng các trận đổi tiền giới hạn số tiền đổi. Nhiều người mất nhà mất cửa, và nền kinh tế suy sụp hoàn toàn vì áp dụng chính sách xã hội chủ nghĩa. Lúc đó ông Đỗ Mười bảo rằng kinh tế quốc doanh theo đúng xã hội chủ nghĩa là tốt nhất, ngăn sông cấm chợ. Lý thuyết của ông ấy là quốc doanh hết, tỉnh này xài không hết thì trung ương sẽ lấy mang đi tỉnh khác chia. Đại khái là kinh tế không có sự lưu thông. Thành ra miền Nam trong 10 năm đầu tiên tan hoang luôn. Nếu họ áp dụng kinh tế thị trường của miền Nam có kiểm soát ngay từ đầu, và đừng có đánh tư sản hay cướp giật của người ta để giải phóng, thì có lẽ không đến nỗi tệ. Về sau ông Võ Văn Kiệt nói rằng có sự tự kiêu của Cộng sản và đã bỏ phí những cơ hội mà để cho mãi đến khi đổi mới 1986 nhưng thực tế phải đến 1990 thì đời sống mới khá lên. Nhưng nó sẽ đến một ngưỡng nào đó thôi, bởi vì vẫn còn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nó nửa nạc nửa mỡ giống như độc tài chuyên chế nhưng do tổ chức của Đảng cộng sản làm.
Những câu chuyện này xảy ra sau giải phóng thật đáng tiếc. Tôi muốn nêu thêm một ví dụ nữa, ở miền Nam năm 1965 dưới thời ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tức là Thủ tướng. Ông ấy có Chính phủ vì người nghèo, ông ấy đã làm một điều mà tôi thấy đến bây giờ Nhà nước Cộng sản vẫn chưa làm được. Ông ấy đã mở Tổng cục Tiếp tế và ở đó bán những thứ mà những người công chức quân đội có thể đến mua với giá rẻ, không có quota hay tem phiếu gì hết. Đặc biệt nữa là hữu sản hóa xe lam cho những người chạy xe lam, bán trả góp. Ông ấy đã thành công điều đó. Đối với cá nhân gia đình quân đội hay công chức, họ được mua trả góp hoặc trả hết. Chính phủ bây giờ còn chưa làm được điều đó cho quân đội hay công chức của mình. Và hữu sản hóa những cái như xe lam tôi thấy lại càng khó. Bây giờ thì họ đã thay đổi, nhưng lại nhiều vấn nạn sinh ra theo kiểu tư bản hoang dã, như lợi ích nhóm,…Cho nên tôi vẫn còn thương người Việt Nam mình lắm !
RFA : Xin chân thành cám ơn những chia sẻ của nhà báo !
Lan Hương & Phương Anh thực hiện
Nguồn : RFA, 26/04/2018
Cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước ra đi trốn chạy ý thức hệ cộng sản
Từ mấy năm nay, cứ gần đến ngày 30 tháng tư tôi đều phải rời căn hộ dịu mát, thoáng đãng, từ đó phóng tầm mắt ôm được cả một khoảng rộng Sài Gòn bừng sáng những tòa tháp cao tầng như những tòa ánh sáng. Từ mấy năm nay, cứ đến gần ngày 30 tháng tư tôi lại phải rời bỏ nếp sinh hoạt ổn định hàng ngày rồi hấp tấp khăn gói lưu vong khỏi Sài Gòn. Từ nhiều năm nay cứ đến ngày 29, 30 tháng tư cả đám an ninh cộng sản lại đến bủa vây quanh nơi tôi ở. Tôi phải lưu vong mấy ngày đó để thoát khỏi sự giam hãm.
Những ngày cả Sài Gòn giăng cờ, kết hoa, rực rỡ đèn đuốc chào mừng ngày 30 tháng tư được những người cộng sản gọi là ngày giải phóng miền Nam thì an ninh cộng sản lại đến giam cầm tôi ngay giữa "Sài Gòn giải phóng".
Vậy thực sự ngày 30 tháng tư, năm 1975 có phải là ngày nửa dải đất phía Nam của tổ quốc Việt Nam được giải phóng không ?
Giải phóng đích thực, giải phóng có giá trị lớn lao, thiết thực nhất phải là giải phóng con người, giải phóng tư duy, giải phóng sự sáng tạo của con người và giải phóng sức phát triển của xã hội.
Ngày 30 tháng tư năm 1975, cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước ra đi trốn chạy những người nhân danh là người yêu nước nhưng chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, trốn chạy những người mang chuyên chính vô sản sắt máu vay mượn từ nước ngoài về nô dịch cả dân tộc. Ngày 30 tháng tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là ngày giải phóng !
Với biến cố 30 tháng tư năm 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam trở thành người tù trong những trại tập trung cải tạo, hàng triệu người thân của họ phải bỏ nhà cửa êm ấm, bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, lếch thếch đi lưu đày nơi đầu rừng cuối bãi hoang vu, khắc nghiệt với cái tên trá hình là đi xây dựng khu kinh tế mới.
Với biến cố 30 tháng tư năm 1975, nền công nghiệp non trẻ nhưng hiện đại, đầy sức sống và đang phát triển mạnh mẽ của miền Nam bị đánh sập. Những người chủ tài năng đã dựng nên cơ nghiệp cho gia đình, tạo ra nền công nghiệp tươi sáng cho đất nước phải giao nhà máy cho nhà nước cộng sản, giao tài sản mồ hôi nước mắt cho những cán bộ vô sản không có kiến thức kinh tế, không biết quản lí, điều hành sản xuất. Từ đó nhà máy hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, sản xuất đình đốn, công nhân thất nghiệp. Sự dốt nát và vô trách nhiệm của những ông chủ vô sản đã tàn phá, xóa sổ cả một nền công nghiệp hiện đại đầy triển vọng rực rỡ của miền Nam.
Từ biến cố 30 tháng tư năm 1975, người kinh doanh lớn không được hoạt động. Chỉ còn những người buôn bán cò con, mua đầu chợ bán cuối chợ. Không còn kinh tế thị trường, chỉ còn nền kinh tế tự cấp tự túc từ thời mông muội xa xưa. Nghề thủ công và nghề làm ruộng cần sự cần cù, chịu thương chịu khó và sự sáng tạo cùng kinh nghiệm cá nhân thì hai nghề này phải vào hợp tác xã, chịu sự quản lí của cán bộ cộng sản quan liêu, tham nhũng và thành quả lao động bị mang chia đều, bình quân, làm cho người sản xuất không còn gắn bó với công việc, không còn cần đến sự cần cù, sáng tạo nữa. Miền Nam từ vựa lúa xuất khẩu gạo nay chính người làm ra hạt gạo cũng không có đủ gạo ăn. Người làm ra hạt gạo còn đói thì cả nước đương nhiên phải đói.
Từ biến cố 30 tháng tư năm 1975, con người miền Nam bị quản lí theo chế độ nô dịch, nền sản xuất miền Nam bị tàn phá và kìm hãm thì không thể coi ngày 30 tháng tư là ngày giải phóng miền Nam.
Ngày 30 tháng tư hàng năm, tôi cùng hàng ngàn người Việt Nam nói tiếng nói trung thực đòi tự do dân chủ, đòi những giá trị làm người đã bị bộ máy công cụ bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam đến bủa vây, giam cầm tại nhà thì ngày 30 tháng tư càng không thể là ngày giải phóng.
Ngày 30 tháng tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối ư ? Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong lòng người. Từ 30 tháng tư năm 1975, người Việt Nam bị chia rẽ đau đớn và sâu sắc nhất chưa từng có trong lịch sử hiển hách bốn ngàn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay cả thời Pháp đô hộ Việt Nam với chính sách chia để trị, Pháp chia đất nước Việt Nam thành ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau thì người Việt Nam ở Bắc Kì và người Việt Nam ở Nam kì vẫn thương yêu đùm bọc nhau trong tình cảm đồng bào ruột thịt. Câu ca dao thương yêu của ông bà từ ngàn xưa để lại vẫn được cả người Bắc Kì lẫn người Nam Kì mang ra dạy bảo con cháu : Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Từ khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời, văn hóa yêu thương của ông bà để lại đã bị thay thế bằng văn hóa hận thù. Dân tộc Việt Nam yêu thương bị phân chia thành giai cấp đối kháng, phân chia thành trận tuyến ta - địch. Người dân bị đẩy vào cuộc đấu tranh giai cấp giả tạo mà đẫm máu và triền miên. Người dân nói tiếng nói yêu nước thương nòi mà động chạm đến tội của đảng cộng sản làm mất đất đai tổ tiên, động chạm đến tội của đảng cộng sản tước đoạt những giá trị làm người của người dân liền bị đảng cộng sản cầm quyền đẩy sang thế lực thù địch.
Pháp đô hộ chia nước ta thành ba kì chỉ là vạch ranh giới trong không gian, chia địa lí hành chính trên giấy tờ. Đảng cộng sản chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp đối kháng là chia rẽ trong lòng dân tộc, chia rẽ, li tán trong lòng người. Đặc biệt từ 30 tháng tư năm 1975 sự chia rẽ này càng độc ác, man rợ khi chuyên chính vô sản, hận thù giai cấp đã ào ạt, quyết liệt tước đoạt tự do, tước đoạt mạng sống của hàng triệu người dân miền Nam ở tầng lớp tinh hoa, những trí thức, những nhà chính trị, những quan chức nhà nước và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Từ 30 tháng tư năm 1975, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp đã làm cho người Việt hận thù người Việt sâu sắc, hàng triệu người Việt yêu nước thương nòi bị đẩy sang thế lực thù địch và hàng triệu người Việt yêu nước phải bỏ nước ra đi đã coi ngày 30 tháng tư năm 1975 là ngày quốc hận thì làm sao có thể coi ngày 30 tháng tư năm 1975 là ngày thống nhất lòng người.
Chia rẽ, li tán làm cho dân tộc Việt Nam suy yếu. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam là nhà cầm quyền bành trướng Đại Hán liền nhân cơ hội cướp hàng ngàn kilomet vuông đất biên cương của Việt Nam, cướp cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì không thể coi ngày 30 tháng tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối như sự khoa trương, lấp liếm của bộ máy tuyên truyền nhà nước cổng sản Việt Nam.
Ngày 30 tháng tư hàng năm những người cộng sản Việt Nam vui mừng vì ngày đó năm 1975 họ đã đánh thắng cả dân tộc Việt Nam, đã nô dịch được cả dân tộc Việt Nam, họ đã mang hận thù giai cấp đánh tan tác, li tán cả dân tộc Việt Nam. Còn những người Việt Nam chân chính phải nhận lấy nỗi buồn lịch sử, phải nhận lấy trách nhiệm lịch sử : Đấu tranh đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô dịch cộng sản và giành lại những mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên người Việt đã bị mất mát, sang nhượng cho bành trướng Đại Hán dưới thời cộng sản.