Sau một quãng thời gian "tuần trăng mật" ngắn ngủi, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines lại dấy lên xung quanh những đảo đá ngầm đang có tranh chấp ở Trường Sa, Biển Đông. Trung Quốc trong năm 2023 không ngừng có những hành động gây hấn, tấn công các tầu Philippines tại những nơi mà Manila cho là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Đáp lại, chính phủ tổng thống Marcos Jr. Ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc khi tuyên bố "bảo vệ từng milimet lãnh thổ".
Tuần duyên Philippines giám sát tàu Trung Quốc tại bãi đá Ba Đầu, tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Ảnh ngày 02/12/2023. AP
Làm thế nào giải thích cho những căng thẳng này giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông ? Chính sách cứng rắn này của Philippines liệu có hiệu quả ? Liệu Việt Nam và Philippines có thể thành lập một liên minh để đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông ? Giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI Tiếng Việt, nhận định rằng Philippines hiện nằm trong tâm ván cờ đọ sức giữa hai đại cường thế giới liên quan đến vấn đề Đài Loan.
**********
RFI : Trong hai ngày 09-10/12/2023, đã xảy ra vụ va chạm giữa tầu của Philippines và tuần duyên Trung Quốc, gần Bãi Cỏ Mây, ở Biển Đông. Nguyên nhân của sự cố này là gì ?
Laurent Gédéon : Vụ va chạm này, thực chất chỉ là sự cố mới trong một chuỗi dài. Hôm 03/12/2023, Philippines đã cho biết là hai trong số tầu tuần tra của họ đã đếm thấy có hơn 135 tầu Trung Quốc được triển khai xung quanh Đá Ba Đầu (hay còn được gọi là Julian Felipe) ; cách đảo Palawan 320 km về phía Tây.
Trong cùng khu vực này, tuần duyên Philippines ngày 13/11 đã phát hiện 111 tầu "dân quân biển Trung Quốc". Rồi vào ngày 22/10, tầu của Trung Quốc đã chặn đường tiếp tế cho lực lượng đồn trú Philippines hiện diện tại một trong các đảo nhỏ ở Trường Sa.
Vào tháng 9/2023, hành động ngăn chặn tương tự đã ảnh hưởng đến tầu tiếp tế cho lực lượng đồn trú của Philippines trên một con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây. Xin lưu ý thêm rằng vào năm 2021, khoảng 210 tầu Trung Quốc đã neo đậu gần Đá Ba Đầu trong nhiều tuần lễ. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây là những tầu đánh cá đang trú ẩn vì thời tiết xấu.
Chúng ta phải đặt những sự cố cuối năm này và lập trường của Trung Quốc trong những diễn tiến gần đây, một mặt trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Philippines và mặt khác, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng thường xuyên xung quanh đảo Đài Loan.
Chúng ta còn nhớ là tổng thống Marcos Jr đã chọn Bắc Kinh cho chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á, và dường như đó là một phần trong mong muốn xoa dịu Trung Quốc.
Nhưng hướng hành động này đã gặp khó khăn trong một bối cảnh nỗi lo về một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan và nguy cơ lây lan sang Biển Đông bao trùm. Đối phó với việc Bắc Kinh không nhượng bộ, Manila đã ưu tiên siết chặt hơn liên minh với Mỹ.
Tuy nhiên, Philippines vẫn mong muốn duy trì thế cân bằng giữa một bên là mối quan hệ an ninh với Mỹ và bên kia là mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, Philippines là một nhân tố - và là một tác nhân quan trọng – trong các nước cờ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan. Điều này không chỉ do mối quan hệ đồng minh của Manila với Mỹ, mà còn do vị trí địa lý gần gũi của quần đảo với Đài Loan. Thật vậy, những hòn đảo ở cực bắc của Philippines cách Đài Loan chưa đầy 400 km.
Trung Quốc cũng nhận thức được rằng Philippines là một yếu tố rất quan trọng cho Mỹ trong nỗ lực xây dựng một chuỗi liên minh quân sự trải dài từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến Úc với một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn đà tiến của Hải Quân Trung Quốc.
Đây là lý do vì sao Bắc Kinh thường xuyên gởi cảnh báo ngoại giao và an ninh đến Manila. Chính vì để cản trở càng nhiều càng tốt quá trình xích lại gần giữa Philippines và Mỹ mà Trung Quốc gây áp lực mạnh với Manila, bao gồm cả các biện pháp cưỡng ép kinh tế và các chiến dịch ở Biển Đông.
Trung Quốc còn tìm cách chứng minh cho các nước trong khu vực thấy rằng Hoa Kỳ không phải là một đồng minh đáng tin cậy. Để thực hiện điều đó, Bắc Kinh gia tăng các hành động khiêu khích, gây áp lực và tìm cách buộc Philippines phải chấp nhận lằn ranh đỏ do Trung Quốc vạch ra, còn nếu từ chối, thì có nhiều rủi ro phải trả giá đắt.
RFI : Philippines còn tố cáo mạnh mẽ hành động hung hăng của Trung Quốc, mà chiến dịch "Name and Shame" (tạm dịch là Nêu tên và Làm xấu hổ) là một ví dụ mới nhất. Liệu đây có là một chiến thuật "hiệu quả" ?
Laurent Gédéon : Khó có thể nhận xét về hiệu quả thực sự của chiến thuật này vì lập trường của mỗi bên dường như đã tương đối cố định :
Đối với một bộ phận các tác nhân, ít nhiều có dấn thân sâu cùng với Hoa Kỳ, thì sự phản đối Trung Quốc đã là mạnh mẽ và họ hoàn toàn ủng hộ cho quan điểm của Philippines. Nhưng số khác thì có lập trường nước đôi trong quan hệ với Bắc Kinh. Do vậy, chỉ khi có một sự thay đổi mạnh mẽ hay một sự kiện rất quan trọng thì mới có thể khiến những nước này có thái độ phản đối rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.
Trong hoàn cảnh này, Manila đang áp dụng một chiến lược răn đe đối với Trung Quốc. Nhưng chiến lược này phải cứng rắn và đáng tin cậy để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Chúng được bắt đầu từ những chính sách xích lại gần và thiết lập quan hệ đồng minh, đặc biệt là với Mỹ, Nhật Bản, Úc và Việt Nam.
Chiến lược này cũng liên quan đến việc gây áp lực ngoại giao thông qua ASEAN. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong đợi bởi vì các cuộc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ về một bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý ở Biển Đông chưa mang lại kết quả.
Cách tiếp cận này còn được thực hiện thông qua cách gây áp lực pháp lý như được chứng minh qua vụ kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2013. Phán quyết đưa ra năm 2016 là có lợi cho Philippines nhưng bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.
Hiện nay, Manila cũng đang xem xét nộp đơn khiếu nại lần thứ hai lên tòa án cáo buộc Bắc Kinh đang phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vì vậy, chúng ta có thể nhận thấy là hiệu quả của chiến thuật này là tương đối !
RFI : Vậy theo ông, việc tổng thống Marcos Jr. tái định hướng lại chính sách Biển Đông khi xích lại gần Mỹ hơn, mở nhiều quan hệ đối tác với nhiều nước khác như Nhật Bản, Úc… có thể được xem như là một sự trở về với chính sách của tổng thống Aquino III ?
Laurent Gédéon : Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Philippines dao động tùy theo tổng thống đương nhiệm. Trong suốt hai thập kỷ qua, hầu như tất cả các đời tổng thống Philippines đều cố gắng duy trì mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, hầu như tất cả các tổng thống Philippines đều cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo (2001-2010) ủng hộ "thời kỳ hoàng kim" cho quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Bắc Kinh.
Tổng thống Benigno Aquino III (2010 – 2016) ban đầu đi theo đường lối tương tự như người tiền nhiệm nhưng cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough năm 2012 đã đẩy ông vào thế đối đầu hơn ở Biển Đông và lại trở về chính sách xoay trục sang phương Tây.
Đến thời tổng thống Rodrigo Duterte (2016 – 2022), khi xem Trung Quốc là đối tác thiết yếu cho sự phát triển, ông ấy đã hạ thấp tầm mức các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và cản trở việc thắt chặt hợp tác an ninh với các đồng minh phương Tây truyền thống, nhất là Hoa Kỳ.
Khi lên cầm quyền vào tháng 6/2022, tổng thống Marcos Jr. đã cố gắng duy trì mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh. Ngay từ đầu, ông ấy đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ông quyết tâm đưa mối quan hệ song phương "sang một cấp cao hơn".
Nhưng vì Trung Quốc không đáp trả những mong mỏi từ Philippines, đặc biệt là về các tranh chấp ở Biển Đông, tổng thống Marcos đã quyết định chuyển hướng sang Mỹ một cách ngoạn mục nhằm gây áp lực với Trung Quốc và tìm cách đạt được một số lợi thế bất kể là về ngoại giao hay trên thực địa.
Dù vậy, ông Marcos Jr. đã nhiều lần cố gắng trấn an cường quốc Châu Á rằng việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ là không nhằm vào Trung Quốc. Ông ấy nhấn mạnh rằng Philippines chỉ thuần túy đi theo hướng phòng thủ.
Hơn nữa, ở trong nước, áp lực từ công luận và giới tinh hoa chính trị Philippines ngày càng lớn, đi theo hướng có một lập luận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh của Manila.
RFI : Chính sách ngoại giao này đang đặt Manila vào tâm điểm cuộc đối đầu giữa hai đại cường. Liệu Philippines có thể thực sự trông cậy vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc ?
Laurent Gédéon : Mỹ và Philippines có mối quan hệ an ninh rất chặt chẽ bởi vì hai bên đã có nhiều thỏa thuận an ninh từ lâu, và có thể nói, Philippines là quốc gia gần gũi nhất và là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực, bắt đầu từ năm 1951 với Hiệp ước Phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty – MDT).
Kể từ đó, luôn có những cuộc đàm phán và điều chỉnh lại. Ví dụ, năm 1991, Thượng Viện Philippines không muốn gia hạn thỏa thuận này, kết quả là năm 1992, Mỹ phải rút quân về nước. Nhưng vào năm 1998, Mỹ và Philippines đã đúc kết thỏa thuận về lực lượng nước ngoài, mà người ta gọi là Visiting Forces Agreement (VFA), nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Đến 2020, tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh chấm dứt thỏa thuận này nhưng sau đó ông buộc phải thay đổi quyết định do mối quan hệ chiến lược sâu rộng với Mỹ và do vậy, thỏa thuận này đã được khôi phục lại vào tháng 7/2021.
Tháng 4/2023, một thỏa thuận quan trọng đã được ký kết bởi vì chính phủ Philippines đã chỉ định thêm bốn căn cứ quân sự để quân đội Mỹ có thể cất trữ trang thiết bị phòng thủ và luân chuyển binh sĩ. Và người ta nhận thấy ba trong số các điểm mới này nằm ở phía bắc đảo Luzon, hòn đảo cực bắc của Philippines, tức là khu vực nhìn ra eo biển Luzon, nhìn ra Đài Loan. Còn căn cứ thứ tư nằm trên đảo Balabac, ở cực nam Philippines, nhìn ra Biển Đông và quần đảo Trường Sa.
Chúng ta thấy rằng những cơ sở quân sự này của Mỹ ở Philippines có một ý nghĩa chiến lược cao và Hoa Kỳ gần đây đã nêu rõ là các cuộc tấn công nhắm vào tầu tiếp liệu của Philippines rất có thể được đưa ra trong khuôn khổ thỏa thuận phòng thủ chung.
Do vậy, khi tính đến tất cả các yếu tố này, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự gần gũi về chiến lược giữa hai nước là rất lớn. Hơn nữa, Philippines dường như được xem là một nhân tố thiết yếu trong giả thuyết có khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan do việc nước này kiểm soát eo biển Luzon và sự gần gũi về địa lý với Đài Loan.
Theo quan điểm của tôi, với giá trị chiến lược gia tăng rất cao của Philippines, khả năng Mỹ không can dự trực tiếp bên cạnh đồng minh của trong trường hợp có đe dọa trực tiếp là cực kỳ thấp.
RFI : Philippines cũng tìm cách thiết lập nhiều mối quan hệ đối tác mới với nhiều nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Marcos đã tổ chức ít nhất ba cuộc họp với các lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Một liên minh Việt Nam – Philippines liệu có thể đi đến một kết quả thú vị cho cả hai bên ?
Laurent Gédéon : Việt Nam và Philippines phải xác định được các lợi ích chung cũng như các điểm đối lập để vạch ra một đường lối chung. Theo tôi, trước khi vạch ra một đường hướng chung, cả Hà Nội lẫn Manila phải tự hỏi xem họ có một ý chí chính trị để đi theo hướng này hay không, một mong muốn mà dường như hiện tại vẫn chưa có.
Dù gì đi chăng nữa, giữa Việt Nam và Philippines có nhiều điểm hội tụ : Đôi bên có cùng một cách hiểu về Trung Quốc, đó vừa là một đối tác kinh tế không thể thiếu, vừa là một mối đe dọa an ninh cho ngư dân của họ và là một đối thủ cạnh tranh địa chính trị tại quần đảo Trường Sa.
Cả Việt Nam và Philippines đều cùng tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Không giống như Trung Quốc, hai nước cho rằng phạm vi áp dụng cũng có hiệu lực cho vùng Biển Đông.
Trên bình diện địa chính trị, Việt Nam và Philippines có xu hướng ngả về phía Hoa Kỳ, và xu hướng được thấy rõ nét trong trường hợp của Philippines do bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quân sự với Mỹ, nhưng ít được khẳng định hơn đối với Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng những năm gần đây, sự hợp tác giữa Hà Nội và Washington đã tăng lên.
Việt Nam và Philippines cùng đối mặt với những hành động hăm dọa nhằm vào ngư dân của mình ở quần đảo Trường Sa. Cả hai nước cũng có hiện diện quân sự ở Trường Sa, và cùng chia sẻ mối ngờ vực về tính chất vô dụng của khối ASEAN.
Đổi lại, giữa hai nước tồn tại nhiều điểm bất đồng không thể bỏ qua. Trước hết hai nước có những yêu sách lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa. Mặt khác, Philippines có liên kết quân sự với Mỹ mang tính ràng buộc, bởi vì trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực, Manila có nguy cơ bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam thì không.
Từ bối cảnh chung này, theo tôi, Việt Nam và Philippines nên lường trước một cách hiệu quả chiến lược chung, nếu họ quyết định chọn một chiến lược, trước một cuộc xung đột có thể xảy ra, thay vì có nguy cơ bị bất ngờ để rồi bị rơi vào một cuộc xung đột không được lường trước.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng liên quan đến việc giải quyết tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Philippines. Chính quyền Hà Nội khó mà không xem xét lại các tham vọng theo chủ nghĩa tối đa đối với các đảo trong quần đảo nếu nước này muốn đạt được một thỏa thuận với Manila.
Khó có khả năng là Hà Nội sẽ không can dự bằng cách này hay cách khác vào một cuộc xung đột tiềm tàng xảy ra ở Đài Loan nếu Việt Nam không muốn bị lép vế trước Philippines, quốc gia chắc chắn sẽ là bên tham gia vào cuộc xung đột. Chí ít là một cách gián tiếp, và chắc chắn nhất là với tư cách là nguồn hậu cần chiến lược mang tính quyết định.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cả hai nước nên tiếp tục đàm phán về những điều trên, cố gắng xác định những điểm mà đôi bên có thể đạt đồng thuận về những vấn đề chiến lược quan trọng.
RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn ông Laurent Gédéon, giảng viên trường Đại học Sư phạm Lyon.
Minh Anh thực hiện
Nguồn : RFI, 21/12/2023
Chính sách Biển Đông của Philippines dưới thời Marcos sẽ tác động tới Việt Nam thế nào ?
Marcos thắng cử vang dội
Ngày 9/5, Ferdinand Marcos Jr. (Con) có biệt danh là Bongbong Marcos đã trở thành Tổng thống thứ 17 của đất nước Philippines, sau chiến thắng vang dội của kỳ bầu cử năm nay. Ông ta đã giành được hơn 30 triệu phiếu bầu, chiếm 59% tổng số phiếu bầu của hơn 60 triệu cử tri Philippines trong đợt bầu cử lần này.
Reuters
Ứng cử viên Phó Tổng thống cùng liên danh tranh cử với ông ta là Sara Duterte cũng đã giành chiến thắng vang dội khi giành được 61% phiếu bầu của các cử tri Philippines.
Sara chính là con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte. Sara sẽ là Phó Tổng thống ở Philippines đầu tiên kể từ năm 2004 có cùng lập trường với Tổng thống đắc cử.
Chính sách đối ngoại của Marcos sẽ ra sao ?
Về chính sách đối ngoại của Marcos, Derek Grossman - Chuyên gia phân tích tại RAND (Mỹ) cho rằng chưa chắc chính sách đối ngoại của Bongbong Marcos sẽ giống như thời Duterte [1] , Richard Heydarian - chuyên gia phân tích quốc tế của Philippines cũng cho rằng : "Về chính sách đối ngoại, ông cũng đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng hơn bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ mạnh mẽ hơn các lợi ích lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông, nơi Philippines đang có xích mích với Trung Quốc" [2] .
Tuy nhiên, có nhiều chỉ dấu cho thấy Ferdinand Marcos (Con) sẽ tái định hình mối quan hệ của quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc và Mỹ, và Bongbong Marcos sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.
Thứ nhất, khi ra tranh cử Tổng thống Philippines, ông Marcos đã tự giới thiệu mình như là người có thể tập hợp các lực lượng chính trị để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân. Để phát triển kinh tế, Marcos phải dựa vào Trung Quốc như cách Duterte đã làm trong nhiệm kỳ của ông ta.
Thứ hai, ảnh hưởng của Duterte cùng hai gia tộc Macapagal và Estrada cũng sẽ tác động tới chính sách đối ngoại của Marcos. Sara Duterte sẽ là Phó Tổng thống trong nội các của Marcos. Một giả thuyết cho rằng gia đình Duterte quyết tâm truất quyền tổng thống của Marcos, viện dẫn việc ông từng có một tiền án trốn thuế vào những năm 1990, khiến ông không đủ tư cách để nắm giữ chức vụ công.
Ủy ban Bầu cử đã bác bỏ các kiến nghị và kháng cáo nhưng những người khởi kiện đã cam kết sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Nếu Marcos bị tuyên bố không đủ tư cách sau khi nhậm chức ngày 30/6 tới, Sara sẽ trở thành tổng thống.
Ngoài ra, Macapagal Arroyro đã từng là cố vấn của chính quyền Duterte, và cũng là người tác động đến mối quan hệ giữa hai gia tộc Duterte và Marcos. Arroyro là người luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc [3] .
Không có gì lạ khi Trung Quốc đã tìm mọi cách để lấy lòng Bongbong Marcos. Ngày 20/10/2021, khi Bongbong Marcos đến dự lễ cắt băng khánh thành triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ Trung Quốc-Philippines tại đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên đã đăng một bài viết trên trang Facebook : "Thật vinh dự khi Bongbong Marcos cùng tôi tham dự buổi lễ này. Chúng tôi luôn trân trọng và đề cao những người bạn cũ, chúng tôi hy vọng rằng người dân hai nước ngày càng ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác, để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước và tiếp nối tình hữu nghị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác" [4] .
Bên cạnh đó, Sara Duterte - con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte được xem là "hiện thân" cho những cơ hội giúp Bắc Kinh quay trở lại đầu tư vào chính trường của tổng thống Philippines.
Trung Quốc dường như đã giành được tình cảm của Sara Duterte và gia đình Duterte, thành quả có khả năng đảm bảo lợi ích chính trị của Trung Quốc tại Philippines trong 6 năm tới dưới "triều đại Marcos" và có thể là 6 năm sau đó nếu Sara Duterte kế nhiệm Marcos làm tổng thống, điều mà nhiều người đang dự đoán.
Thứ ba, mối quan hệ của Marcos với Mỹ rất phức tạp do việc ông từ chối hợp tác với Tòa án Quận Hawaii. Năm 1995, tòa đã yêu cầu gia đình Marcos phải trả 2 tỷ USD cho các nạn nhân nằm dưới sự cai trị của Marcos Sr (Cha).
Trong 15 năm qua, Marcos chưa từng đặt chân tới Mỹ, lo sợ về những hậu quả mà ông và mẹ của ông đang phải đối mặt do phán quyết của tòa án và khoản tiền phạt 353 triệu USD. Theo luật sư Robert Swift, người khởi động vụ kiện, khoản tiền phạt này nằm trong 2 tỷ USD mà ông và mẹ của ông đã được lệnh phải trả cho 9.539 nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền, trong đó chỉ có 37 triệu USD đã được bồi thường.
Phó tổng thống mới của Philippines Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, phát biểu tại một cuộc tập trung ở Lipa, tỉnh Batangas, Philippines, hôm 20/4/2022. Reuters
Chính sách Biển Đông của Marcos
Gia đình Marcos đã có mối quan hệ với Trung Quốc từ lâu và bản thân ông ta cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận mới với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó được thể hiện khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử, Marcos nói rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 "không hiệu quả" bởi Trung Quốc không công nhận nó. Ông cho biết ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa họ. Phát biểu với Đài DZRH, ông nói : "Nếu bạn để Mỹ bước chân vào, bạn sẽ biến Trung Quốc trở thành kẻ thù của mình. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận (với Trung Quốc). Trên thực tế, các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc là những người bạn của tôi. Chúng tôi đã nói về điều đó" [5] .
Marcos có quan điểm chính trị cũng khá tương đồng với Duterte, người đã tìm cách xoay trục khỏi Mỹ sang Trung Quốc. Marcos cho rằng Duterte đối phó với Trung Quốc "đúng cách" và việc đạt được "đồng thuận song phương" với Bắc Kinh là cách tiếp cận "quan trọng nhất". Tháng 9/2021, tại một diễn đàn tin tức trực tuyến, Bongbong Marcos nói : "Dù chúng ta làm gì, chúng ta cũng không thể để chiến tranh xảy ra. Mọi người hỏi tại sao không mua thêm tàu tuần tra, máy bay phản lực, phòng khi xung đột xảy ra ? Tại sao chúng ta lại nghĩ đến chiến tranh, một cuộc chiến mà chúng ta sẽ thua chỉ trong chưa đầy 1 tuần ? Chúng ta đã từng thua trận. Hãy ngừng suy nghĩ theo cách đó" [6] .
Một học giả Philippines là Lucio Blanco Pitlo III có dự đoán rằng, chính sách Biển Đông của Marcos Jr có thể sẽ được hình thành nhờ 3 yếu tố quan trọng :
1) di sản của cha ông, cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr ;
2) sự hấp dẫn của chính sách của người tiền nhiệm (Duterte) ;
3) sự nổi lên của Biển Đông như một điểm nóng cho các cuộc tranh giành quyền lực nước lớn. Một ban lãnh đạo Marcos 2.0 có khả năng giảm bớt những dao động mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với nước láng giềng lớn Trung Quốc và sự bất hòa hàng hải khó giải quyết.
"Marcos Jr có khả năng sẽ duy trì chính sách của tổng thống tiền nhiệm đối với Trung Quốc và Biển Đông. Ông có khả năng sẽ hỗ trợ việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các thực thể do Philippines quản lý để cải thiện điều kiện sống của người dân và quân đội Philippines đóng tại Kalayaan và ngư dân hoạt động trong khu vực. Đề xuất biến Đảo Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần để giảm thời gian cung cấp hàng hóa cho các tiền đồn gần đó cũng có thể được ông ủng hộ. Marcos Jr sẽ bật đèn xanh cho việc tăng cường các cuộc tuần tra để bảo vệ các lợi ích tài nguyên và hàng hải của nước này trong khu vực. Thời kỳ hoàng kim cho chi tiêu quốc phòng của Duterte, vốn giúp hiện đại hóa hải quân, không quân và lực lượng tuần duyên của nước này, sẽ tiếp tục giành được đà. Về mặt lập pháp, Marcos Jr có khả năng thúc đẩy việc đẩy nhanh các dự luật liên quan, sẽ xác định các vùng biển và các tuyến đường biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia của Philippines" [7] .
Ảnh vệ tinh chụp đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017. AFP
Tác động đến Việt Nam
Chính sách Biển Đông dưới thời Marcos sẽ có sự nối tiếp thời Duterte, hướng về Trung Quốc. Chính trường Philippines sẽ có rất nhiều sự chia rẽ, trong đó một số giới tinh hoa chính trị Philippines cùng với Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sẽ có xu hướng thân Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Dưới áp lực của Trung Quốc, rất có khả năng Marcos sẽ tiếp tục chính sách "khai thác chung" tại một số lô đã ký kết từ thời Duterte.
Chính sách "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10 năm 1982 [8] . Đây là một phương án được Trung Quốc đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung tại khu vực biển Đông.
Chính sách này được phía Trung Quốc diễn giải : "Khái niệm "gác tranh chấp cùng khai thác" bao gồm 4 nội dung :
1. Chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung Quốc.
2. Khi điều kiện cần thiết không xuất hiện để giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ, việc thảo luận vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ tạm gác sang bên cạnh. Việc gác lại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là tạm gác tranh chấp trong một thời gian.
3. Lãnh thổ tranh chấp có thể được cùng khai thác.
4. Mục đích của cùng khai thác là duy trì sự hiểu biết lẫn nhau thông qua sự hợp tác và tạo ra các điều kiện cho việc giải quyết quyền sở hữu lãnh thổ" [9] .
Phân tích chính sách này của Trung Quốc, ta thấy, mặc dù Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách "đường lưỡi bò" chiếm khoảng 80 % biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hai khu vực khác là Pratas và Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa [10] .
Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa hiển nhiên thuộc quyền chủ quyền của nước khác.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã luôn gây sức ép để thực hiện "gác tranh chấp, cùng khai thác", đặc biệt là đối Philippines. Nếu Philippines chấp nhận "gác tranh chấp, cùng khai thác", tức là Trung Quốc sẽ đạt được thành công bước đầu. Dựa trên thành công bước đầu đó, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông còn lại phải thực hiện theo [11] . Và như vậy, nguy cơ các quốc gia tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực biển Đông sẽ phải "khai thác chung" với các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của chính mình, mà tại các khu vực đó, theo UNCLOS, các quốc gia đó sẽ có đặc quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên mà không phải chia sẻ cho bất cứ ai.
Hoàng Sa
Nguồn : RFA, 18/05/2022
Tham khảo :
[1] https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-philippines-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/
[2] https://www.aljazeera.com/amp/opinions/2022/5/12/the-marcos-counterrevolution
[3] https://www.rappler.com/business/228763-arroyo-keynote-speech-boao-forum-2019-philippines-china-economic-ties/
[4] https://globalnation.inquirer.net/199716/when-bongbong-met-xilian-strengthening-and-deepening-ties-with-china
[5] https://www.youtube.com/watch ?v=PmIw5Tdysws
[6] https://newsinfo.inquirer.net/1492366/bongbong-parrots-duterte-on-west-ph-sea-we-dont-stand-a-chance-vs-china
[7] http://www.scspi.org/en/dtfx/philippine-policy-south-china-sea-under-second-marcos-presidency
[8] ‘Set Aside Dispute and Pursue Joint Development’, 17 November 2000, online : Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China
[9] Ibid.
[10] Mặc dù Trung Quốc gọi Macclesfield Bank là quần đảo Trung Sa, nhưng bãi này luôn chìm dưới mực nước biển, nên theo luật biển quốc tế, nó không thể được coi là quần đảo.
[11] https://www.voanews.com/a/if-brunei-takes-china-energy-deal-neighbors-may-follow/4690627.html
Philippines tố cáo Trung Quốc có kế hoạch chiếm thêm nhiều "thực thể"
Trọng Nghĩa, RFI, 04/04/2021
Khẩu chiến giữa Manila và Bắc Kinh về đội tàu Trung Quốc đang tràn ngập Biển Đông vừa dữ dội thêm một mức. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines vào hôm nay 04/04/2021 đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh là đã có kế hoạch chiếm thêm nhiều "thực thể"" ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, "sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định muốn chiếm đóng thêm các địa điểm ở Biển Tây Philippines" - tên Philippines đặt cho Biển Đông. Ông Lorenzana nêu bật việc Trung Quốc trước đây đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và đây là những ví dụ về việc "vi phạm trắng trợn" chủ quyền của đất nước ông. Trong phát biểu hôm qua, ông Lorenzana cũng thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, theo đó tàu Trung Quốc đã đến neo đậu tại Đá Ba Đầu để tìm kiếm nơi trú ẩn khi thời tiết xấu.
Bộ trưởng Philippines tuyên bố : "Tôi không hề là người ngốc. Cho đến nay thời tiết vẫn tốt, vì vậy họ không có lý do gì khác để ở lại nơi đó. Hãy ra khỏi nơi đó ngay !". Theo hãng tin Pháp AFP, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phê phán tuyên bố của ông Lorenzana và kêu gọi các quan chức Philippines là nên tránh "những nhận xét thiếu chuyên nghiệp có thể kích động những cảm xúc thiếu lý trí".
Trong tháng Ba vừa qua, một "hạm đội" gồm hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao, sau khi ồ ạt tiến vào neo đậu tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, một rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Manila đã đòi Bắc Kinh rút các tàu "dân quân biển" ra khỏi khu vực, cho rằng đó là một sự hiện diện phi pháp. Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu, khẳng định đó là tàu cá vốn được quyền hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc. Vào hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tố cáo rằng tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đó còn vì những lý do khác.
Đá Ba Đầu nằm ở phía đông cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Hà Nội hôm 25/03/2021 tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 30/03, báo chí chính thức tại Việt Nam ghi nhận việc "Mỹ, Nhật Bản và Indonesia, Úc đã tăng cường gây sức ép đối với Trung Quốc sau vụ việc hơn 200 tàu của nước này tập kết bất thường xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)".
Thanh Phương, RFI, 02/04/2021
Hôm 02/04/2021, ngoại trưởng Philippines Teodore Locsin đến Bắc Kinh gặp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị với nhiệm vụ rất khó khăn là thuyết phục Bắc Kinh rút hơn 200 tàu ra khỏi khu vực Đá Ba Đầu tại vùng Biển Đông. Nhưng vụ này đang đặt Manila vào một tình thế khó xử.
Hôm thứ Tư 31/3, Manila đã kêu gọi Trung Quốc "rút ngay lập tức" các tàu nói trên, vốn đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại khu vực Đá Ba Đầu, nằm cách tỉnh Palawan 320 km. Trong báo cáo được công bố vào thứ Sáu 26/3, công ty công nghệ địa không gian Simularity của Mỹ, chuyên giám sát vùng Biển Đông, cho biết là các tàu đó của Trung Quốc đã có mặt ở khu vực Đá Ba Đầu từ tháng 12/2020. Bắc Kinh vẫn khẳng định đây chỉ là những tàu cá vào tránh gió bão, trong khi Manila tố cáo những tàu này chính là những tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Luật Philippines, được tờ South China Morning Post trích dẫn hôm nay, 02/04/2021, nhận định là trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Philippines đều muốn nhận được những bảo đảm từ phía bên kia.
Giáo sư Batongbacal nhấn mạnh : "Đây là số lượng tàu Trung Quốc tập trung đông nhất từ trước đến nay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, neo đậu và dàn hàng ngang với nhau kế bên một bãi đá san hô không có người ở và chìm dưới nước. Các giới chức chính phủ Philippines sợ rằng đây sẽ là khởi đầu của việc xác lập một sự hiện diện liên tục của dân quân biển Trung Quốc, dẫn đến việc chiếm hữu lâu dài một thực thể ở Biển Đông".
Antonio Carpio, một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, cũng cho rằng đây là "bước dạo đầu cho việc chiếm đóng Đá Ba Đầu, giống như Trung Quốc đã làm với Đá Vành Khăn vào năm 1995".
Giáo sư Batongbacal phỏng đoán rằng Bắc Kinh muốn vụ này được giải quyết nhanh chóng để không tổn hại đến hình ảnh mà họ muốn chứng tỏ, đó là hình ảnh một đối tác đáng tin cậy và hữu ích trong khu vực. Cụ thể, theo giáo sư Batongbacal, trong cuộc gặp gỡ hôm nay, "ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể muốn được ngoại trưởng Philippines Locsin bảo đảm là vấn đề sẽ được giải quyết càng nhanh chóng và càng êm thắm càng tốt, để cho những vấn đề song phương thuận lợi hơn, chẳng hạn như hợp tác phòng chống dịch Covid-19, được nêu bật. Về phần ngoại trưởng Locsin, ông cần được bảo đảm là Trung Quốc thật sự có ý định rút các tàu đi".
Thế nhưng, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn khẳng định là các tàu Trung Quốc chỉ tập trung ở khu vực Đá Ba Đầu để tránh gió bão và một lần nữa tuyên bố thực thể này là thuộc chủ quyền của Trung Quốc và kêu gọi Philippines không nên để vụ này ảnh hưởng đến quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh.
Phía Philippines cũng đã tỏ ra kiên quyết không kém. Ngay từ hôm 21/03, ông Locsin đã gởi một công hàm phản đối đến đại sứ quán Trung Quốc ở Manila về vụ tàu hàng trăm Trung Quốc tập trung ở khu vực Đá Ba Đầu. Đến thứ Ba 30/3, quân đội Philippines tiết lộ là một trong những máy bay tuần tra của họ đã nhận được lời cảnh cáo từ các tàu của Trung Quốc, yêu cầu rời khỏi khu vực này, khi họ bay đến giám sát các tàu đó.
Trước khi lên đường đi Bắc Kinh, trên mạng Twitter, ngoại trưởng Locsin đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc bắn rơi một phi cơ của Philippines trong khu vực Đá Ba Đầu và, theo ông, trong trường hợp đó, "Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra hoặc là uy tín của Mỹ sẽ tiêu tan".
Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư 31/3 về diễn biến mới nhất ở Biển Đông, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và đồng nhiệm Philippines Hermogenes Esperon đã cam kết hai nước sẽ tiếp tục "phối hợp chặt chẽ". Nhân dịp này, Washington đã tái khẳng định hiệp ước phòng thủ chung giữa hai quốc gia "sẽ được áp dụng" trong trường hợp Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết sự hiện diện của các tàu đó sẽ củng cố sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông, nhưng lại đặt ra một tình thế khó xử đối với Philippines.
Ông nhận định : "Như đã được làm khá bài bản, việc triển khai các tàu cá ở Biển Đông là một cách để Bắc Kinh khẳng định yêu sách chủ quyền và quyền của họ ở vùng biển tranh chấp. Các ngư dân được xem là tai mắt của quân đội Trung Quốc với mục đích khẳng định chủ quyền và quyền của Trung Quốc. Điều này thật sự đặt Manila vào tình thế khó xử : hành động kiên quyết chống lại đoàn tàu Trung Quốc thì có nguy cơ làm bùng nổ xung đột, nhưng nếu không hành động thì có nguy cơ sẽ hứng chịu sự phẫn nộ của người dân trong nước".
Thanh Phương
**********************
Thanh Phương, RFI, 02/04/2021
Hôm 01/04/2021, quân đội Philippines cho biết đã có thêm những cấu trúc nhân tạo trái phép trên cụm Sinh Tồn (Union Banks), gần khu vực Đá Ba Đầu, nơi mà Trung Quốc tập trung hàng trăm tàu vào tháng trước, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Hãng tin Reuters trích lời trung tướng Cirilito Sobejana, tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho biết các cấu trúc nhân tạo đã được phát hiện ở cụm Sinh Tồn sau chuyến bay tuần tra ngày 30/03 để giám sát các tàu của Trung Quốc mà Manila khẳng định là tàu dân quân biển Trung Quốc. Tướng Sobejana không nói rõ là nước nào đã xây những cấu trúc này, nhưng tuyên bố đó là những cấu trúc xây dựng trái phép, "gây phương hại cho hòa bình, trật tự và an ninh trong vùng biển của chúng ta".
Cũng trong đợt tuần tra nói trên, Philippines đã phát hiện 4 tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại Đá Vành Khăn mà Bắc Kinh đã cải tạo thành đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa và chỉ cách Đá Ba Đầu khoảng 90km về phía đông nam. Theo nhật báo Philippines Inquirer, phân tích hình ảnh cho thấy 3 trong số 4 tàu này là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022.
Hãng tin Reuters đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để hỏi về các cấu trúc ở Cụm Sinh Tồn, nhưng không nhận được trả lời.
Thông báo của tham mưu trưởng Sobejana được đưa ra trong bối cảnh quân đội và các nhà ngoại giao của Philippines công khai tố cáo các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, sau nhiều năm không lên tiếng chỉ trích.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong một cuộc điện đàm hôm thứ Tư vừa qua, cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Manila và Mỹ đã thảo luận về mối quan ngại chung của hai nước trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hôm nay, ngoại trưởng Philippines Teodore Locsin gặp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về tình hình Biển Đông.
Thanh Phương
************************
Thụy My, RFI, 01/04/2021
Các quan chức an ninh Hoa Kỳ và Philippines đã điện đàm hôm 31/03/2021 bày tỏ mối quan ngại chung về các hoạt động đáng ngại của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là sự kiện hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu. Cũng trong hôm qua Canada thông báo một chiến hạm của nước này đã đi qua vùng biển Trường Sa.
Manila cho rằng trên 200 tàu tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) do lực lượng dân quân biển của Trung Quốc điều khiển. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và đồng nhiệm Philippines, Hermogenes Esperon cùng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đối phó với các hành động của Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời ông Sullivan nhấn mạnh rằng "Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp", và tái khẳng định thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Quân đội Philippines hôm qua cho biết, một phi cơ quân sự của nước này khi bay gần Đá Ba Đầu, nơi trên 200 chiếc tàu Trung Quốc đang neo đậu, đã bị liên tục cảnh báo vô tuyến là phải "lập tức tránh xa". Một giọng nói bằng tiếng quan thoại lặp đi lặp lại là họ đang ở gần "Xích Qua tiêu" (Chigua Jiao) của Trung Quốc, ra lệnh phải rời đi ngay. "Xích Qua tiêu" là tên mà Trung Quốc đặt cho Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) sau khi cưỡng chiếm và sát hại dã man 64 người lính Việt Nam tại đây trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988.
Thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra trên không và trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Một nhà báo của ABS-CBS có mặt trên chuyến bay nói rằng thật đáng sợ khi tận mắt chứng kiến những công trình mà Trung Quốc xây dựng trên hòn đảo tranh chấp.
South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington,lưu ý rằng Đá Gạc Ma nay là một trong bảy tiền đồn của Trung Quốc, là nơi đặt một trong hai căn cứ quân sự tại cụm Sinh Tồn - Đá Ba Đầu là rạn san hô lớn nhất của cụm này.
Cùng với Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản và một số nước khác bày tỏ lo lắng trước ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông. Hôm qua bộ Quốc Phòng Canada thông báo chiến hạm HMCS Calgary đã đến Trường Sa, đi từ Brunei đến Việt Nam vào thứ Hai và thứ Ba vừa qua. Một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết chiến hạm Canada đã bị một tàu chiến của Trung Quốc bám sát trong lúc di chuyển trong khu vực.
Thụy My
Tòa án Tối cao Kuala Lumpur, trong phiên xử đầu tiên vụ tai tiếng tham nhũng 1MDB gây chấn động, ngày 28/07/2020 đã kết án cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak 12 năm tù giam với 7 tội danh, trong đó có tội tham nhũng và rửa tiền. Tư pháp Malaysia còn buộc cựu lãnh đạo chính phủ phải nộp phạt một khoản tiền là 210 triệu ringgit (49 triệu đô la).
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Marechaux tường thuật :
"Chiếc cà-vạt hợp mầu với đám đông, mầu đỏ và mầu xanh dương, cả hai đều là mầu sắc chính trị của Najib Razak. Bước vào tòa án trong một cách bình thản trong tiếng cầu nguyện của những người ủng hộ, ông đã trở ra với bản cáo trạng về các tội lạm quyền, tham nhũng và rửa tiền.
Lời bào chữa ra vẻ ngây thơ của ông đã không thuyết phục được tòa, không còn tin vào vị cựu thủ tướng khi ông khẳng định thành thật nghĩ rằng khoảng 10 triệu đô la được đổ vào tài khoản cá nhân là quà biếu tặng từ vương quốc Ả Rập Xê Út và chữ ký của ông đã bị giả mạo. Công tố viên còn lưu ý rằng Najib Razak vẫn chưa nộp trả lại số tiền biển thủ công quỹ khi vụ này bị phanh phui.
Mười sáu tháng sau khi cuộc điều tra bắt đầu, đây là nỗi thất vọng đầu tiên đối với cựu thủ tướng, nhưng đó cũng chưa phải là sau cùng : cho dù Najib Razak vẫn có thể kháng án, nhiều phiên xử khác cũng đang đợi ông với 35 cáo buộc khác.
Nhân vật mà những người ủng hộ đặt biệt danh là ʺBossʺ hiện vẫn là nghị sĩ quốc hội Malaysia và vẫn rất được lòng dân : Tài khoản Facebook của ông có số người theo dõi nhiều hơn tài khoản của hai người kế nhiệm".
Minh Anh
******************
Trong phiên xử vụ tai tiếng tham nhũng 1MDB gây chấn động, tòa án Malaysia ngày 28/07/2020 ra phán quyết đầu tiên, kết tội cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak với 7 tội danh tham nhũng và rửa tiền.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Marechaux tường thuật :
"Chiếc cà-vạt hợp mầu với đám đông, mầu đỏ và mầu xanh dương, cả hai đều là mầu sắc chính trị của Najib Razak. Bước vào tòa án trong một cách bình thản trong tiếng cầu nguyện của những người ủng hộ, ông đã trở ra với bản cáo trạng về các tội lạm quyền, tham nhũng và rửa tiền.
Lời bào chữa ra vẻ ngây thơ của ông đã không thuyết phục được tòa, không còn tin vào vị cựu thủ tướng khi ông khẳng định thành thật nghĩ rằng khoảng 10 triệu đô la được đổ vào tài khoản cá nhân là quà biếu tặng từ vương quốc Ả Rập Xê Út và chữ ký của ông đã bị giả mạo. Công tố viên còn lưu ý rằng Najib Razak vẫn chưa nộp trả lại số tiền biển thủ công quỹ khi vụ này bị phanh phui.
Mười sáu tháng sau khi cuộc điều tra bắt đầu, đây là nỗi thất vọng đầu tiên đối với cựu thủ tướng, nhưng đó cũng chưa phải là sau cùng : cho dù Najib Razak vẫn có thể kháng án, nhiều phiên xử khác cũng đang đợi ông với 35 cáo buộc khác.
Nhân vật mà những người ủng hộ đặt biệt danh là ʺBossʺ hiện vẫn là nghị sĩ quốc hội Malaysia và vẫn rất được lòng dân : Tài khoản Facebook của ông có số người theo dõi nhiều hơn tài khoản của hai người kế nhiệm".
Minh Anh
***********************
Hàng trăm người hôm nay 07/07/2020 xuống đường tại Manila phản đối đạo luật mới về chống khủng bố và nhiều vấn đề khác, bất chấp đe dọa của cảnh sát, trước khi tổng thống Rodrigo Duterte đọc bài diễn văn thường niên trước quốc dân.
Các cuộc tụ họp trên 10 người bị cấm vì dịch virus corona, nhưng người biểu tình tố cáo chính quyền dùng cớ này để dập tắt mọi phản đối. Người dân bất bình trước việc ông Duterte ký ban hành đạo luật mới về chống khủng bố vào đầu tháng, bị nghi ngờ nhằm đàn áp đối lập và các nhà đấu tranh nhân quyền. Hơn một chục kiến nghị đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao yêu cầu tuyên bố luật này là vi hiến.
Người biểu tình cũng lên án việc đóng cửa kênh truyền hình lớn nhất Philippines là ABS-CBN, sau khi một ủy ban Hạ Viện do các đồng minh của ông Duterte kiểm soát bỏ phiếu không tiếp tục cấp phép hoạt động. Ông Duterte đã nhiều lần đe dọa đài này vì cho rằng ABS-CBN ủng hộ ứng cử viên đối lập.
Người dân đặc biệt chỉ trích việc quản lý kém cỏi của chính quyền trước đại dịch virus corona, trong khi bài diễn văn thường niên của tổng thống hôm nay dự kiến tập trung vào vấn đề này. Tổng thống Duterte muốn kêu gọi Quốc hội trao cho ông quyền hạn khẩn cấp và ngân sách khổng lồ để đối phó với đại dịch – vốn được chính quyền cho là xử lý tương đối thành công, nhưng các nhà quan sát đánh giá là hỗn loạn và đáng báo động.
Thụy My
Biển Đông : Philippines chi 26 triệu đô xây hạ tầng quân sự trên đảo Thị Tứ (RFI, 10/06/2020)
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines hôm qua 09/06/2020 cùng với một phái đoàn đã đổ bộ lên đảo Thị Tứ, chủ trì lễ khánh thành một bến tàu trị giá 5 triệu đô la. Đồng thời loan báo sẽ chi 26 triệu đô la xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo này, trong đó có việc hoàn chỉnh một phi đạo.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana (giữa), cắt băng khánh thành công trình bến tàu trên đảo Thị Tứ, ngày 09/06/2020. AFP - HANDOUT
Bộ trưởng Delfin Lorenzana tuyên bố, âu tàu mới này sẽ giúp hải quân Philippines có thể tiếp tế dễ dàng ngay trong mùa bão, thay vì phải chuyển hàng từ các tàu nhỏ. Ông loan báo chính quyền dành 26 triệu đô la cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ, trong đó có việc bê-tông hóa một phi đạo. Đây là phi đạo đầu tiên tại Trường Sa được xây vào cuối thập niên 70, dài khoảng 1,3 km.
Tuy dùng cho mục đích quân sự, nhưng ông Lorenzana khẳng định chỉ nhằm tạo điều kiện sinh hoạt trên đảo, và cho rằng các cơ sở hạ tầng mới sẽ không dẫn đến các xung đột.
Các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc hiện diện đông đảo ở gần đó, nhưng ông Lorenzana nhấn mạnh : "Trung Quốc nói rằng sẽ không tấn công chúng tôi".
South China Morning Post lưu ý, việc bộ trưởng Delfin Lorenzana đặt chân lên đảo Thị Tứ diễn ra cùng thời điểm với việc các quan chức ở Manila kỷ niệm 45 năm quan hệ với Trung Quốc, hành động này có thể làm cho Bắc Kinh bực tức.
Ông Lorenzana nói với các phóng viên đi cùng, tuy đảo Thị Tứ nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Philippines, nhưng Manila sẽ tìm cách nhấn mạnh yêu sách chủ quyền.
Đảo Thị Tứ là đảo san hô thuộc cụm đảo Thị Tứ, lớn thứ nhì về mặt diện tích tại quần đảo Trường Sa. Năm 1933, thống đốc Nam Kỳ thời Pháp thuộc ký nghị định sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa, nhưng đầu thập niên 70 lợi dụng Việt Nam đang trong tình trạng chiến tranh, Philippines đã cho quân bí mật chiếm đóng.
CNN cho biết thêm, một số nhà báo đi cùng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines khi vừa đặt chân lên đảo Thị Tứ đã nhận được tin nhắn "Chào mừng đến Trung Quốc". Riêng ông Lorenzana thì nhận được tin "Welcome to Vietnam". Ông nói rằng Manila cần phải thiết lập hệ thống viễn thông di động để người sử dụng điện thoại nhận được tin "Welcome to Philippines". Tuy nhiên phát ngôn viên cơ quan viễn thông Philippines nói với đài truyền hình Mỹ việc này rất khó khăn, và kể cả khi lập được, người dùng smartphone vẫn nhận được tin nhắn của Trung Quốc và Việt Nam vì sóng mạnh hơn.
Hoa Kỳ điều oanh tạc cơ và phi cơ dọ thám đến Biển Đông
Theo Fox News hôm nay 10/06/2020, các oanh tạc cơ B-1B và máy bay dọ thám không người lái Global Hawk đã thực hiện các phi vụ trên Biển Đông và các khu vực khác ở Thái Bình Dương, trong khuôn khổ chiến lược giám sát và răn đe.
Không quân Hoa Kỳ cho biết các oanh tạc cơ B-1B cất cánh từ đảo Guam đến Biển Đông để hỗ trợ cho Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đồng thời những chiếc Global Hawk được chuyển sang căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản nhằm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Thụy My
*********************
Biển Đông : Indonesia liên tiếp tỏ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc (RFI, 10/06/2020)
Không phải là môt bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng mới đây trong không đầy hai tuần, Indonesia đã hai lần công khai lên tiếng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Hành động của Jakarta ngày 05/06/2020, và đặc biệt là trước đó vào ngày 26/05, viện dẫn phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, lại càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh Indonesia còn chọn diễn đàn Liên Hiệp Quốc để bày tỏ thái độ, tạo thêm tiếng vang cho động thái của mình.
Indonesia ngày càng tỏ rõ lập trường cứng rắn với Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông. Ảnh tư liệu : Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) tới tham đảo Natura ngày 08/0/2020 sau khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền của Indonesia trên Biển Đông. © AFP
Đối với giới phân tích, việc một nước có trọng lượng như Indonesia ra mặt chống các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ là một hậu thuẫn quý giá cho các đồng minh ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc đang vất vả chống lại các hành vi chèn ép của Bắc Kinh.
Động thái cứng rắn gần đây nhất của Indonesia nhắm vào Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông là việc Jakarta đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh muốn hai bên đàm phán về điều mà Trung Quốc gọi là "đòi hỏi chồng chéo về các quyền trên biển" ở một phần Biển Đông.
Phát biểu với hãng tin Mỹ BenarNews ngày 05/06, ông Damos Dumoli Agusman, vụ trưởng Vụ Luật Pháp và Hiệp Ước Quốc Tế bộ Ngoại Giao Indonesia khẳng định : "Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, do đó việc tổ chức bất kỳ đối thoại nào về phân định ranh giới trên biển đều không thỏa đáng".
Quan chức Indonesia cũng nhắc lại tuyên bố tháng 1/2020 của bộ Ngoại Giao nước này, khẳng định Jakarta "từ chối" mọi thương lượng với Bắc Kinh về Biển Đông vì trên cơ sở UNCLOS, hai bên không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào.
Theo BenarNews, tuyên bố của ông Agusman là câu trả lời của Jakarta đối với một bức thư mà Bắc Kinh đã gửi cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 02/06. Trong bức thư, Trung Quốc nói không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia, nhưng do việc Trung Quốc có những quyền lợi ở Biển Đông được "xác lập từ lâu đời trong lịch sử và phù hợp với luật quốc tế", cho nên hai bên lại có tuyên bố chồng chéo về quyền trên biển ở một phần vùng biển.
Khu vực có liên quan là vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, nhưng bị Trung Quốc cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, đối với Indonesia, đòi hỏi của Trung Quốc mang tính đơn phương và hoàn toàn không có cơ sở về mặt luật pháp quốc tế.
Phản ứng bác bỏ đề nghị đàm phán của Trung Quốc đã được Indonesia đưa ra không đầy 2 tuần sau một động thái mạnh của Jakarta đánh vào lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông : Một công hàm ngày 26/05 gởi lên Liên Hiệp Quốc, viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye để bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc về Biển Đông.
Nội dung công hàm của Indonesia không liên quan gì đến quan hệ song phương với Trung Quốc mà nhằm nêu bật quan điểm của Jakarta về sự kiện Kuala Lumpur vào tháng 12/2019 đã gửi lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Ranh Giới Thềm Lục Địa bản đệ trình tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng của Malaysia ở vùng Biển Đông, kéo theo những công hàm thể hiện lập trường của Việt Nam, Philippines và nhất là Trung Quốc.
Trong bài phân tích ngày 03/06, chuyên gia Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã đặc biệt ghi nhận việc Indonesia nhấn mạnh trở lại phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực để bác bỏ giá trị của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Indonesia thể hiện vai trò nước lớn nhất Đông Nam Á
Theo ông Panda, qua công hàm mới nhất, Indonesia chấp nhận một trong những điểm quan trọng nhất của phán quyết. Đó là không một thực thể nào đang bị tranh chấp ở Biển Đông có thể được xem là "đảo" theo định nghĩa pháp lý của từ này hiểu theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, và như vậy "không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của riêng mình".
Không những thế, Indonesia còn xác định rõ thêm : "Indonesia nhắc lại rằng bản đồ Đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc vi phạm Công Ước về Luật Biển UNCLOS 1982.
Quan điểm này cũng đã được phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài xác nhận, theo đó toàn bộ những quyền lịch sử mà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa ra để chiếm hữu các nguồn tài nguyên khoáng sản hay hải sản đều bị bãi bỏ do những giới hạn về vùng biển ghi trong UNCLOS 1982.
Theo The Diplomat, đối với những ai ủng hộ luật quốc tế, việc Jakarta nêu bật trở lại phán quyết năm 2016 về Biển Đông rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh tổng thống Duterte của nước đệ đơn kiện Trung Quốc là Philippines, đã chạy theo Bắc Kinh mà bỏ lơ văn kiện này.
Không có Manila thúc đẩy việc thực hiện, phán quyết cũng không còn được coi trọng trong chính sách của khu vực Đông Nam Á, vào lúc mà khối ASEAN rất chia rẽ, với vấn đề Biển Đông chỉ được chú ý một cách giới hạn, chủ yếu trong các cuộc gặp đa phương lớn.
Chính vì vậy việc Indonesia thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông rất đáng chú ý trên hai cấp độ.
Thứ nhất là vì dẫu sao Indonesia vẫn nắm giữ một vị thế hàng đầu trong khối ASEAN. Việc đưa phán quyết 2016 vào trong chính sách của riêng mình về Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy là Indonesia sẵn sàng có một cách tiếp cận cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc trong khuôn khổ hiệp hội 10 nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc Indonesia sẵn sàng viện dẫn phán quyết có thể làm cho Việt Nam kiên quyết hơn trong việc kiện Trung Quốc, điều từng được chuyên gia Mỹ Derek Grossman đã nêu lên trên The Diplomat gần đây, theo đó Việt Nam đang "nghiêm túc xem xét" một hành động pháp lý quốc tế.
Cho dù vậy, The Diplomat cũng nhắc lại quan điểm thận trọng của nhà nghiên cứu Evan Laksmana, chuyên gia về chính sách đối ngoại Indonesia. Trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post chuyên gia này nhắc nhở rằng các động thái mới đây của Indonesia không phải là một sự thay đổi lập trường, mà chỉ là một sự phát triển thêm chính sách hiện hành dưới thời tổng thống Joko Widodo.
Mai Vân
*********************
Người Trung Quốc dùng xuồng cao tốc vận chuyển hàng hóa trái phép trên vùng biển Vạn Gia (RFA, 10/06/2020)
Tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường việc kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh của người Trung Quốc bằng xuồng cao tốc trên vùng biển Vạn Gia.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia, Quảng Ninh tổ chức tuần tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý – Ảnh : Thái Cảnh
Đó là nội dung trong văn bản của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát đi ngày 10 tháng 6 và được truyền thông trong nước loan tải.
Theo Ban chỉ đạo, trên vùng biển Vạn Gia thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua xuất hiện các xuồng máy được trang bị động cơ công suất 2/6 máy chạy với tốc độ cao. Đặc biệt các thuyền viên điều khiển đều mang quốc tịch Trung Quốc và một số xuồng hoạt động nhưng không có tên, số hiệu, biển kiểm soát hoặc mang biển kiểm soát giả, biển kiểm soát Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng hóa tái xuất, xuất khẩu (trong đó có thuốc lá, rượu ngoại).
Số xuồng này thường xuyên neo đậu trên các vùng biển thuộc khu vực Vạn Gia, sau đó di chuyển vào vùng chuyển tải của cảng Vạn Gia để lấy hàng, khi có điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển số hàng trên quay trở lại Việt Nam để tiêu thụ.
Trong văn bản có đoạn viết : "Hoạt động của các xuồng và thuyền viên người Trung Quốc trên vùng biển Vạn Gia, Quảng Ninh rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia trên biển, có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".
Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm soát chặt chẽ không để các hoạt động trên tiếp tục xảy ra trên vùng biển Vạn Gia đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, trả lời trên tờ Tuổi Trẻ điện tử vào ngày 10/6, ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho rằng hoạt động xuất nhập cảnh và vận chuyển hàng hóa như Ban Chỉ đạo nêu đã được kiểm soát và từ ngày 9 tháng 5 không còn tình trạng người Trung Quốc dùng xuồng cao tốc nhập cảnh vào Việt Nam chở hàng hóa.
Duterte đơn phương hủy bỏ VFA với Mỹ tác động thế nào đến tình hình Biển Đông
Tuyên bố gây shock
Tổng thống Duterte mới đây lại gây "shock" dư luận với việc yêu cầu các giới chức dưới quyền hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement - VFA) giữa Philippines và Hoa Kỳ.
Hình minh họa. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 - AFP
VFA là Thỏa thuận song phương giữa Philippines và Hoa Kỳ, với nội dung cho phép quân đội Hoa Kỳ và quân đội Philippines thực hiện các hoạt động huấn luyện chung trên lãnh thổ Philippines. VFA được Thượng viện Philippines phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1999. VFA là văn bản nối tiếp trên tinh thần của Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (Mutual Defense Treaty - MDT) ký kết 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines. MDT cho phép Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp Philippines bị xâm lược có vũ trang. Năm 2014, Hoa Kỳ và Philippines cũng ký kết thêm Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement - EDCA), EDCA có hiệu lực năm 2016.
Hình minh họa. Tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở thị trấn San Antonio, Philippines hôm 11/4/2019 AFP
Việc yêu cầu đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận song phương này phản ánh mối quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa chính quyền của Tổng thống Duterte với Hoa Kỳ. Ông Duterte đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và nắm giữ chức vụ Tổng thống Philippines từ năm 2016. Người phát ngôn Chính phủ Manila cho biết Tổng thống có thẩm quyền đại diện nhà nước Philippines đơn phương hủy bỏ hiệu lực của VFA, và nước này đang trong quá trình hủy bỏ Thỏa thuận này [1].
Hướng về Trung Quốc
Trung Quốc đang là một cường quốc khu vực, trên đà phát triển thành "siêu cường", và đó cũng là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại về các tham vọng lãnh thổ của họ. Trung Quốc không giấu giếm ý đồ muốn độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông. Trung Quốc cũng phớt lờ việc tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước ASEAN lo ngại trước tham vọng và các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vẫn muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc bởi các hấp dẫn từ đầu tư của Trung Quốc là rất lớn. Chính phủ Duterte là một trường hợp như vậy.
Ngay từ lúc tranh cử, ông Duterte đã tỏ ý muốn "dựa" vào Trung Quốc để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Một trong những cố vấn thân cận của ông Duterte - người có nhiều ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của ông Duterte là Cựu Tổng thống Macapagal-Arroyo. Bà Arroyro đã từng bị phát hiện "đi đêm" với Trung Quốc trong vụ "dàn xếp" căng thẳng tại Scarborough [2]. Chính vì vậy, việc ông Duterte lựa chọn Trung Quốc như là "bệ đỡ chính trị" của ông ta trong suốt thời kỳ tại nhiệm cũng là điều dễ hiểu.
Khi vừa giữ chức Tổng thống, ông Duterte đã luôn "công kích" Hoa Kỳ và thực hiện chính sách "hướng về Trung Quốc" (Pivot to China). Một trong những lý do ông Duterte công kích Hoa Kỳ bởi vì nhiều quan chức nước này lên án các hành động vi phạm nhân quyền, gây ra các cuộc tàn sát tại Philippines khi thực hiện chiến dịch chống ma tuý ở quốc gia này.
Lý do hủy bỏ VFA
Tuyên bố hủy bỏ VFA của ông Duterte như là một hành động "trả đũa" lại Hoa Kỳ khi mới đây, ngày 22/1/2020, Thượng nghị sĩ Ronald "Bato" dela Rosa, một "đồng minh" thân cận của Tổng thống Duterte cho báo chí biết là ông ta bị phía Mỹ từ chối cấp visa sang quốc gia này [3]. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng người ta có thể biết rằng việc từ chối cấp visa của phía Mỹ nhằm thực thi Đạo luật Magnitsky bởi vì ông Rosa đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bài trừ ma tuý của Tổng thống Philippines, mà bị nhiều cáo buộc là "lạm quyền và vi phạm nhân quyền". Để đáp trả hành động này từ phía Hoa Kỳ, ông Duterte đã tuyên bố hủy bỏ VFA mà hai bên đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi về lập trường "hai mặt" của chính quyền ông Duterte vào hồi tháng 6 năm 2019, khi chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép Cựu Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nhập cảnh Hong Kong, người phát ngôn Chính phủ Philippines lại tuyên bố : "Chúng tôi không thể yêu cầu điều gì, quyền của một quốc gia về việc ngưng hay điều tra bất cứ một vị khách nào đến nước họ là thẩm quyền đặc biệt của quốc gia đó" [4].
Mặc dù phía Philippines tuyên bố "mạnh miệng" về việc đơn phương hủy bỏ VFA, nhiều khả năng đây chỉ là tuyên bố "mồm" của ông Duterte. Việc duy trì VFA không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ với sự hiện diện tiếp tục tại Philippines - một đồng minh của Hoa Kỳ mà còn có lợi cho chính Philippines khi phía Mỹ đã trợ giúp rất nhiều về mặt quân sự cho nước này chống lại các lực lượng phiến quân.
Hình minh họa. Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila hôm 13/7/2019 nhân kỷ niệm ngyaf Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc AFP
Ông Duterte mặc cho các quyền lợi của đất nước bị xâm hại, đã quyết tâm theo đuổi chính sách "ngủ với kẻ thù", chạy theo "ve vãn" Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không giấu giếm ý đồ độc chiếm biển Đông, đe doạ trực tiếp tới chủ quyền quốc gia và lợi ích của dân tộc Philippines trên biển Đông. Năm 1995, Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp đoạt Bãi Vành Khăn từ tay quân đội Philippines. Năm 2012, Trung Quốc đã dùng chiến thuật "cải bắp" để đẩy lui sự hiện diện của Hải quân Philippines, giành quyền kiểm soát thực tế Bãi cạn Scaborough. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Aquino III đã tìm mọi cách để khai thông các chiến dịch ngoại giao nhưng Trung Quốc đã chặn mọi cửa đàm phán. Cạn kiệt các giải pháp, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, Tòa đã phán quyết Philippines thắng kiện. Tuy nhiên, chính quyền Duterte đã từ chối nhắc lại Phán quyết 2016 để đổi lấy các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Mới đây, năm 2019, các tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây trong suốt 215 ngày, khu vực Scaborough 162 ngày [5].
Mặc dù Trung Quốc luôn hứa hẹn sẽ đầu tư hàng chục tỉ USD vào Philippines, nhưng đó chỉ là "bánh vẽ". Học giả Philippines cho biết, cho tới chuyến thăm Manila cuối 2018 của Tập Cận Bình, chỉ 1 trong 10 dự án xây dựng hạ tầng được triển khai tại Philippines với số tiền 60 triệu USD, mặc dù, từ 2016, Trung Quốc đã hứa hẹn đổ hơn 20 tỉ USD đầu tư vào đất nước này [6].
Chính sách đối ngoại thân Trung Quốc của ông Duterte cũng không phản ánh được thái độ thực sự của người dân Philippines. Trong một thăm dò hồi đầu năm nay của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, tỉ lệ người Philippines bi quan về Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất trong ASEAN, lên tới 78,9 % [7].
Biển Đông bị ảnh hưởng
Nếu thực sự Duterte đơn phương hủy bỏ VFA, sẽ có những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh khu vực biển Đông. Bởi vì Hoa Kỳ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét hủy bỏ các văn bản song phương với Philippines mà hai bên đã ký kết trước đó, bao gồm EDCA và MDT. MDT là Hiệp ước đặc biệt quan trọng với Philippines, vì nó cho phép Hoa Kỳ giúp bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công xâm lược.
Hình minh họa. Tàu cá Trung Quốc đậu cạnh các tàu cá Philippines ở bãi Scarborough. Hình chụp hôm 4/9/2017. Reuters
Sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong tình hình biển Đông hiện nay, bởi vì nhu cầu gìn giữ khu vực biển Đông thành một khu vực an ninh, ổn định và tự do cần có sự tham gia của Hoa Kỳ - một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ thì sự cân bằng quyền lực tại khu vực biển Đông sẽ bị phá vỡ. Bởi vì sự chênh lệch cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và ASEAN rất lớn. Trung Quốc, như lời Ngoại trưởng Trung Quốc nói tại Singapore năm 2010 "là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại". Chính vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách "đẩy" Hoa Kỳ ra khỏi khu vực biển Đông. Trước đây, hồi năm 1992, khi Hoa Kỳ rút quân khỏi hai căn cứ quân sự tại Philippines là Subic và Clark đã tạo ra một tình trạng "chân không quyền lực". Trung Quốc đã nhanh chân tạo ảnh hưởng thay thế Hoa Kỳ tại khu vực này. Chính vì lẽ đó, Việt Nam, trước đây vốn là "cựu thù" với Hoa Kỳ, nhưng nay, Việt Nam đã phát triển quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác quân sự, để nhằm cân bằng chiến lược trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Nếu VFA bị Duterte đơn phương hủy bỏ, đây sẽ là dấu hiệu Trung Quốc thấy được sự thắng thế của mình, và chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng tại khu vực biển Đông, đặc biệt trước bối cảnh cuộc "so găng" Mỹ - Trung, cộng với hậu quả của đại dịch virus Vũ Hán, khiến tình hình kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng xấu. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tìm cách hướng dư luận trong nước ra bên ngoài để xoa dịu những bất bình của dân chúng Trung Quốc.
Việt Nam chịu tác động ra sao ?
Nếu Duterte đơn phương hủy bỏ VFA, tình hình biển Đông sẽ căng thẳng hơn. Việt Nam là một quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông nên sẽ chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc. Kể từ 2007 tới nay, Việt Nam phải vất vả đối phó với các hành động hung hăng đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông. Trước khi Duterte trở thành Tổng thống, Philippines là một trong những quốc gia hăng hái nhất trong việc chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Duterte trở thành Tổng thống và thi hành chính sách "Hướng về Trung Quốc" của ông ta thì Việt Nam dường như phải "đơn độc" trong các cuộc chiến chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc. Chính vì vậy, nếu Duterte thực sự đơn phương rút khỏi VFA, đây sẽ là tín hiệu xấu cho Việt Nam trên khu vực biển Đông.
Tiền hậu bất nhất
Tuy nhiên, có nhiều khả năng đây chỉ là "tuyên bố nhất thời" của ông Duterte. Ông Duterte vốn nổi tiếng với nhiều phát biểu nhất thời, sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược. Sau khi tuyên bố "mạnh miệng" về việc hủy bỏ VFA, thông tin mới nhất từ báo Rappler cho biết là chính quyền Duterte đã có một bước lùi khi yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá các tác động nếu Philippines hủy bỏ VFA. Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarracho biết là : "Theo hiểu biết của tôi thì Tổng thống mới chỉ đe doạ, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức để hủy bỏ VFA. Đó là lý do vì sao văn phòng Tổng thống lại yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá về tác động của việc hủy bỏ này" [8].
Khi phóng viên hỏi vì sao Phủ Tổng thống lại đột nhiên yêu cầu báo cáo đánh giá tác động, trong khi tuần trước thì tuyên bố rằng tiến trình hủy bỏ VFA đang được tiến hành ? Bộ trưởng Bộ tư pháp trả lời : "Chỉ có Malacanang (Phủ Tổng thống) mới có thể trả lời được về vấn đề này" [9].
Kết luận
Tuyên bố đơn phương hủy bỏ VFA của Tổng thống Duterte đã gặp nhiều phản đối từ các nhân vật chính trị khác của Philippines. Thượng nghị sĩ Lacson - Người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Thượng viện cho rằng "việc cấp visa hay cho một người nước ngoài tới Mỹ là thẩm quyền của Mỹ. Họ có thể từ chối mà không cần nêu lý do. VFA là thỏa thuận song phương giữa Philippines và Mỹ nên cần xem xét cẩn thận và thông qua trao đổi ngoại giao" [10].
Có lẽ, sắp đến ngày kết thúc nhiệm kỳ, nên Duterte đang cố giành những lợi ích kinh tế cho riêng mình trong cảnh "chợ chiều", chứ cũng khó mà ngoảnh mặt trước Hoa Kỳ được ? Liệu người nắm giữ chức vụ tổng thống sắp tới của Philippines sẽ có chính sách đối ngoại điều chỉnh lại những gì ông Duterte đã "tàn phá" quan hệ đối ngoại của quốc gia này ?
Trần Hoàng Long
Nguồn : RFA, 29/01/2020
-----------
[1] https://globalnation.inquirer.net/184479/ph-to-start-process-of-vfa-termination-locsin
[3] https://www.philstar.com/headlines/2020/01/23/1987122/us-cancels-batos-visa
[4] https://globalnation.inquirer.net/176761/panelo-to-del-rosario-did-you-purposely-do-that
[5] https://amti.csis.org/signaling-sovereignty-chinese-patrols-at-contested-reefs/
[6] https://amti.csis.org/xi-historic-visit-exposes-faultlines-philippine-politics/
[7] https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/TheStateofSEASurveyReport_2019.pdf
[8] https://www.rappler.com/nation/250291-malacanang-asks-impact-assessment-vfa-termination#cxrecs_s
[9] https://www.rappler.com/nation/250291-malacanang-asks-impact-assessment-vfa-termination#cxrecs_s
Cuộc chiến chống ma túy Philippines : Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết điều tra giết người (BBC, 11/07/2019)
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu mở cuộc điều tra về tội ác được cho là xảy ra trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Philippines.
Các nhóm nhân quyền đã vận động để Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết.
Nghị quyết, được thông qua với số phiếu sát nút, yêu cầu có báo cáo bằng văn bản toàn diện về tình hình nhân quyền tại nước này.
Phúc trình này sẽ tập trung vào tin đưa về các vụ giết người phi pháp, bắt giữ tùy tiện và các vụ người mất tích sau khi bị bắt.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma túy vào năm 2016, để đối phó với vấn đề ma túy ở diện rộng.
Kể từ đó, ít nhất 6600 người buôn bán hoặc sử dụng mà túy bị giết, theo cảnh sát. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng con số thực cao hơn nhiều và ở mức hơn 27000.
Tuần trước, một bé gái ba tuổi là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của cuộc đàn áp sau khi bé bị bắn chết trong một cuộc đột kích ma túy. Cảnh sát cho biết cháu bé đã được cha mình dùng làm lá chắn sống nhưng gia đình không cho là vậy.
Ông Duterte và chiến dịch chống ma túy của ông được người dân Philippines ủng hộ nhiều. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu năm nay cho thấy ông đạt tỷ lệ tín nhiệm là 79%.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma túy vào năm 2016
Nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc được thông qua với sự ủng hộ của 18 quốc gia trong hội đồng 47 thành viên, trong khi 14 quốc gia phản đối và 15 quốc gia từ chối tham gia biểu quyết.
"Chúng tôi đã đưa ra một văn bản cân bằng với một yêu cầu rất khiêm tốn - chỉ cần yêu cầu Cao ủy chuẩn bị báo cáo nhằm để thảo luận vào tháng Sáu năm sau", đại sứ Iceland, người bảo trợ cho nghị quyết, cho biết hôm thứ Năm.
Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc đã phản ứng lại nghị quyết ngay sau khi bỏ phiếu.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận một nghị quyết thiên vị về chính trị và bị một chiều", ông đọc một tuyên bố thay mặt cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin Jr.
"Nghị quyết này không đại diện cho một chiến thắng về nhân quyền mà là một trò hề", ông nói thêm. "Rồi sẽ có hậu quả".
Hội đồng đã không đi tới việc thiết lập một ủy ban điều tra đầy đủ, nhưng cam kết của họ tiến tới việc đưa ra một báo cáo chi tiết đã được các nhóm nhân quyền hoan nghênh.
"Lá phiếu này mang lại hy vọng cho hàng ngàn gia đình mất người thân ở Philippines", Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố. "Đó là một bước quan trọng đi tới công lý và trách nhiệm".
Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền văn phòng Geneva (HRW), Leila Matar, cho biết đây là một bước "khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng".
******************
Philippines : Ân Xá Quốc Tế vạch trần mặt trái cuộc chiến chống ma túy (RFI, 08/07/2019)
Sáu ngàn sáu trăm (6.600). Đây là con số chính thức về số người bị giết chết trong chiến dịch được tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi là "cuộc chiến chống ma túy" trong vòng ba năm gần đây. Tuy nhiên số liệu đó thấp hơn nhiều so với thực tế.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại lễ bàn giao súng trường bắn tỉa Galil bên cạnh Cảnh sát trưởng Quốc gia Ronald Bato Dela Rosa, thành phố Quezon, ngày 19/04/2018. Reuters/Dondi Tawatao
Trong một bản báo cáo được công bố hôm 08/07/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã tố cáo cách thức tiến hành "cuộc chiến" đó và lên án tình trạng tùy tiện giết người, chủ yếu là dân nghèo.
Theo bà Rachel Chhoa-Howard, đồng tác giả bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, cuộc chiến mà ông Duterte khởi động chủ yếu nhắm vào các thành phần nghèo nhất trong xã hội Philippines. Theo nhà nghiên cứu này :
"Họ bị nhắm tới chỉ vì họ không đủ khả năng tự vệ, là những mục tiêu dễ dàng. Cảnh sát thường xuyên công bố số liệu thống kê về người thiệt mạng trong các chiến dịch. Mục tiêu là để chứng minh rằng cái gọi là "cuộc chiến chống ma túy" là một thành công".
Dù là những người nghèo, nhưng các đối tượng này, theo cảnh sát Philippines, lại có đủ tiền để mua vũ khí. Theo Ân Xá Quốc Tế, sau mỗi vụ hành quyết, cảnh sát đều đưa ra cùng một giải thích : Họ đến để bắt giữ và bị buộc phải nổ súng, vì nghi phạm có vũ khí. Nói cách khác, họ chỉ sử dụng quyền tự vệ chính đáng mà thôi.
Ân Xá Quốc Tế đã bác bỏ hoàn toàn lập luận kể trên. Bà Rachel Chhoa-Howard cho biết :
"Bản điều tra nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng cách giải thích của cảnh sát không đáng tin cậy… Lập luận đó luôn luôn bị gia đình các nạn nhân phản bác, họ luôn kể lại một kịch bản giống nhau : Cảnh sát phá cửa xông vào nhà vào giữa đêm, rồi nổ súng hạ sát những người vừa bị lôi ra khỏi giấc ngủ, bất chấp việc họ cầu xin tha mạng".
Theo Ân Xá Quốc Tế, cảnh sát không chỉ khủng bố dân chúng, mà còn hù dọa cả các chính quyền địa phương, bị buộc phải cung cấp cho cảnh sát họ tên của những người có khả năng sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Người từ chối cung cấp thông tin lập tức bị nghi ngờ là có liên quan đến buôn bán ma túy.
Biệt đội tử thần
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng nhắc lại sự tồn tại của các đội quân tử thần đang hoành hành tại Philippines, được cho là đã xử tử tới 23.000 người. Các nhóm võ trang đó thực sự là ai ?
Theo bà Chhoa-Howard :
"Bản báo cáo và những điều tra nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017 đã xác định mối liên hệ giữa cảnh sát và các đội vũ trang này. Những người mà chúng tôi hỏi thường giải thích rằng đó là những cảnh sát mặc thường phục, và đó là một cách để miễn mọi trách nhiệm cho cảnh sát về những vụ giết người đó.
Chúng tôi tin rằng những tay súng đó hiện vẫn tiếp tục giết người, và chính phủ vẫn chưa chính thức công nhận sự tồn tại của các đội quân tử thần đó. Trong nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, chúng tôi cũng đã cho thấy rõ là cảnh sát đã chỉ đạo và trả tiền cho những kẻ sát nhân đó".
Theo nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, tất cả những điều đó đã làm tăng tình trạng phạm tội mà không bị trừng phạt tại Philippines, nơi mà bất kỳ sĩ quan cảnh sát hoặc cá nhân nào khác đều có thể giết người mà không sợ bị hậu quả.
Trọng Nghĩa
**********************
Tổ chức nhân quyền kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra cuộc chiến chống ma túy ở Philippines -(VOA, 08/07/2019)
Hôm 8/7, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ trừng phạt và hành quyết bất hợp pháp liên quan tới cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra không có hồi kết ở Philippines, theo Reuters.
Người dân Philippines biểu tình phản đối cuộc chiến chống ma túy.
Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London nói rằng sau ba năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến bài trừ ma túy, chính quyền Phillipines đã xử tử hàng loạt tội phạm dưới vỏ bọc các chiến dịch truy quét của cảnh sát trong khi Manila không hề điều tra.
Tổ chức này hôm 8/7 kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi điều tra việc chính quyền Philippines thực hiện các vụ hành quyết bất hợp pháp và lạm dụng quyền lực của cảnh sát.
Một cuộc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết của hội đồng có 47 thành viên dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, theo Reuters.
Tổ chức này cho biết, số người chết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte không thể xác minh độc lập, nhưng nói rằng nhiều ngàn người đã thiệt mạng, trong số đó có khoảng 6.600 người mà cảnh sát nói là đã được vũ trang và chống trả lại cảnh sát.
Trong một phúc trình có nhan đề "Họ chỉ giết người" (They Just Kill), Ân xá Quốc tế cho biết, chính quyền đã sử dụng "hành vi cố ý che giấu và thông tin sai lệch" khiến chúng ta không thể theo dõi quy mô của các vụ giết người, phần đông nhắm vào các cộng đồng nghèo khó và bị đặt ra ngoài lề, thiếu điều kiện khiếu kiện cảnh sát.
Phúc trình của Ân xá Quốc tế, được biên soạn vào tháng 4, tập trung vào tỉnh Bulacan, trung tâm mới của cuộc đàn áp, trong đó nêu rõ 27 vụ giết người qua 20 vụ việc, và có đến 18 vụ là các chiến dịch chính thức của cảnh sát.
Tối Cao Pháp Viện Philippines : Bắc Kinh là "đe dọa nghiêm trọng nhất" kể từ Thế Chiến II (RFI, 25/11/2018)
Quyền chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines Antonio Carpio ngày 24/11/2018, khẳng định những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, là "mối đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất đối với Philippines kể từ sau Thế Chiến II".
Người biểu tình Việt Nam và Philippines trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông, 06/08/2016. Reuters/Romeo Ranoco
Theo trang Philstar, tại diễn đàn "Bảo vệ chủ quyền của Philippines ở biển Tây Philippines (tên Phililippines dùng để gọi Biển Đông)", được tổ chức ở thành phố Taguig, ngoại ô Manila, chánh án Antonio Carpio cảnh báo rằng Philippines "phải chuẩn bị cho ngày mà Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ ra lệnh cho lực lượng hải quân hùng hậu đến kiểm soát vùng 9 đoạn" mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc tự nhận sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm nay, theo cáo buộc của chánh án Tòa Án Tối Cao được trang Japan Times trích lại. Và điều này được giảng dạy cho "tất cả tướng lĩnh, giáo sư, công chức, các nhà ngoại giao hay doanh nhân Trung Quốc ngay từ năm thứ nhất đại học. Điều này nằm trong máu của họ. Họ thật sự tin điều đó, nhưng chuyện này hoàn toàn sai",
Chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines nêu lên trường hợp các bản đồ lịch sử được xuất bản tại Trung Quốc, theo đó đến năm 1932, lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam và chỉ từ năm 1947, chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Ông Antonio Carpio cáo buộc Trung Quốc là "nước xâm chiếm trái phép" trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 376.350 km2 của Philippines, khai thác trái phép "nguồn cá, dầu khí, vì theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và theo phán quyết của Tòa Trọng Tài, Philippines có đặc quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên trong khu vực này".
Chánh án Carpio cảnh báo chính phủ tránh mọi dự án "khai thác, phát triển chung" với Trung Quốc ở Biển Đông, vì Nhà nước Philippines sẽ không có quyền kiểm soát tất cả. Ông nhấn mạnh là khi "nhượng chủ quyền trên một văn bản, chúng ta sẽ nhượng mãi mãi".
Thu Hằng
*******************
Philippines tiết lộ lý do không đưa hải quân đương đầu với Trung Quốc (RFI, 24/11/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Philippines vừa bất ngờ tiết lộ lý do khiến ông từ bỏ ý định đưa hải quân ra bãi cạn Scarboborough, Biển Đông, để đương đầu với Trung Quốc, hồi tháng 06/2016, sau phán quyết lịch sử về vụ Manila kiện Bắc Kinh, với phần thắng thuộc về Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 09/03/2017. NOEL CELIS / AFP
Theo báo chí Philippines, tại diễn đàn về tranh chấp hàng hải ở Makati City hôm 23/11/2018, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết đã hủy bỏ kế hoạch triển khai một đơn vị hải quân Philippines đến vùng bãi cạn Scarborough nói trên, trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết ngày 12/07/2016, bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Phán quyết của tòa cũng khẳng định Bắc Kinh không có quyền độc chiếm bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines và các láng giềng khác như Việt Nam, đang bị hải quân Trung Quốc phong tỏa từ năm 2012.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực được coi là một thắng lợi vang dội của Philippines. Tuy nhiên, ông Rodrigo Duterte, khi ấy vừa nhậm chức tổng thống (ngày 30/06/2016), trong một cuộc họp nội các trước khi tòa ra phán quyết, yêu cầu không nên triển khai quân đội như dự kiến, để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Tiết lộ của Bộ trưởng quốc phòng Philippines được đưa ra đúng một ngày sau khi hãng tin GMA News cho biết tuần duyên Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough cản trở một nhóm phóng viên của hãng này phỏng vấn các ngư dân Philippines. Sáu tháng trước, phóng viên của GMA News đã quay phim được cảnh ngư dân Philippines bị Trung Quốc tịch thu hải sản đánh bắt được tại Scarborough.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khuyên Philippines kiềm chế
Cũng tại diễn đàn về hàng hải ở Makati nói trên, bộ trưởng Philippines cho biết, một tuần trước khi tòa ra phán quyết, trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ Ashton Carter, ông cũng được khuyên là nên "kiềm chế", sau khi được thông báo là phán quyết "sắp được công bố", và phần thắng được cho là sẽ thuộc về Manila. Theo Bộ trưởng quốc phòng Philippines, thông điệp của đồng nhiệm Mỹ là "rất quan trọng", bởi lúc đó phía Philippines đã dự định triển khai hải quân.
Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana thuật lại phản ứng của ông Perfecto Yasay, ngoại trưởng Philippines vào thời điểm đó, được coi là có công lớn trong chiến thắng tại La Haye. Trong tuyên bố chính thức với báo giới, sau khi tòa ra phán quyết, ngoại trưởng Yasay đã ca ngợi đây là "một quyết định lịch sử", nhưng kêu gọi mọi người phản ứng "điềm tĩnh".
Trọng Thành
**********************
Nghị sĩ Philippines đòi chính phủ phản đối Trung Quốc cấm quay phim ở Scarborough (RFI, 24/11/2018)
Ít nhất ba thượng nghị sĩ Philippines muốn chính phủ Manila phản đối Bắc Kinh về vụ một đoàn phóng viên truyền hình Philippines bị tuần duyên Trung Quốc cấm quay phim ở bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Bãi cạn Scarborough.Wikipedia
Kênh truyền hình CNN Philippines ngày 23/11/2018, cho biết là ba thượng nghị sĩ Kiko Pangilinan, Antonio Trillanes IV và Joel Villanueva đã yêu cầu chính phủ Philippines gởi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi lực lượng tuần duyên Trung Quốc cấm một đoàn phóng viên của kênh truyền hình Philippines GMA News thực hiện phỏng vấn tại khu vực bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.
Trong một đoạn video được công bố trên mạng ngày 22/11, người ta thấy một lính tuần duyên Trung Quốc cầm loa nói với đoàn phóng viên Philippines rằng "không được phép của Trung Quốc, các ông không được thực hiện phỏng vấn ở đây. Nếu các ông không rời ngay khỏi nơi đây, chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh".
Trả lời kênh CNN Philippines hôm 22/11, ngoại trưởng Philippines Teddyboy Locsin nói là những công hàm ngoại giao phản đối gởi đến Trung Quốc đều vấp phải "một bức tường". Bộ Ngoại Giao Philippines nhắc lại là Manila đã gởi hàng trăm công hàm phản đối những vụ Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Theo CNN Philippines, đa số người dân nước này phản đối việc chính quyền tổng thống Duterte không có phản ứng gì trước những hành động của Trung Quốc ở vùng Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), trong đó có việc cướp tài sản của ngư dân Philippines, và xây các trạm khí tượng ở đây.
Thanh Phương
Sau hai năm "xoay trục" sang Bắc Kinh, Duterte vẫn chưa được đền đáp (RFI, 20/11/2018)
Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố "chia tay" với Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Manila, vì theo ông, Philippines đã không hưởng được gì nhiều từ liên minh với cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.
Philippines-Trung Quốc : Rodrigo Duterte tiếp Tập Cận Bình tại Manila ngày 20/11/2018. Reuters/Erik De Castro
Duterte đã "xoay trục", quay sang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, với hy vọng sẽ được trợ giúp để phát triển quốc gia 105 triệu dân của ông. Ngược lại với người tiền nhiệm Benino Aquino, tổng thống Duterte đã không hề đề cập với Bắc Kinh phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên 90% diện tích Biển Đông trong phạm vi đường "lưỡi bò" do Bắc Kinh tự vạch ra. Trong khi đó, tổng thống Philippines lại cố đạt một thỏa thuận với Trung Quốc về việc cùng khai thác khí đốt ở Biển Đông.
Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Duterte đã đề ra một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, dự trù tổng cộng 75 dự án lớn, trong đó phân nữa là với vốn đầu tư và tín dụng của Trung Quốc. Khi ông sang thăm Bắc Kinh cách đây 2 năm, Trung Quốc đã hứa sẽ bơm tổng cộng 24 tỷ đôla vốn đầu tư và tín dụng vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng cho tới nay, chỉ một phần rất nhỏ, tức là tổng cộng khoảng 167 triệu đôla là đến Philippines.
Theo nhà phân tích Philippines Richard Heydarian, những lời hứa của Bắc Kinh đã thuyết phục được Manila dịu giọng trên vấn đề Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã không vội thực hiện những lời hứa đó. Ông nói với hãng tin AFP : " Chúng ta biết là Bắc Kinh vẫn có những tính toán địa chính trị. Việc gì mà Trung Quốc phải vội khi mà Duterte đã trao cho họ tất cả những gì mà họ yêu cầu".
Theo AFP, bộ trưởng Ngân Sách Philippines Benjamin Diokno giải thích rằng những chậm trễ trong việc triển khai các dự án một phần là do phía Trung Quốc không nắm rành những thủ tục gọi thầu của Philippines, nhưng ông hy vọng là mọi việc sẽ tiến nhanh hơn.
Vào tháng trước, tại Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo là đầu tư ngoại quốc trực tiếp của Trung Quốc ở Philippines đã tăng hơn gấp năm lần trong sáu tháng đầu năm nay, sau khi đã tăng 67% năm 2017. Nhưng theo một nhà phân tích của công ty PSA Philippines Consultancy, Gregory Wyatt, những đầu tư đó thường là tập trung vào các lĩnh vực địa ốc, cờ bạc trên mạng và vào các công ty hiện có, trong khi tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng lại chưa đến.
Nhưng đối với một bộ phận công luận Philippines, Bắc Kinh trên thực tế đang giương ra một "bẫy nợ" với Manila, giống như họ đang làm với nhiều nước khác. Nhiều người cũng chỉ trích tổng thống Duterte đồng lõa trong việc để Trung Quốc đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Philippines.
Theo dự đoán của nhà phân tích Heydarian, nếu sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình mà đầu tư của Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt đổ đến, nếu Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa và bồi đắp các đảo tranh chấp ở Biển Đông, áp lực lên tổng thống Duterte sẽ còn gia tăng. Phe đối lập Philippines sẽ càng có cớ để gọi Duterte và các đồng minh của ông là "đầy tớ" của Bắc Kinh. Vị thế của Duterte sẽ bị suy yếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, được xem là một cuộc trắc nghiệm về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Thanh Phương
*******************
Bỏ đồng minh Mỹ xoay sang TQ, 2 năm sau Duterte được gì ? (VOA, 20/11/2018)
Hai năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ruồng bỏ đồng minh Mỹ và xoay sang Trung Quốc để đổi lấy các lợi lộc kinh tế, ông Duterte vẫn chưa mang về cho nước ông những lợi lộc đáng kể, theo Reuters.
Tư liệu- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải, bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước cuộc gặp song phương tại Diễn đàn Vành đai Con Đường ở Bắc Kinh, ngày 15/5/2017.
Sau chuyến đi Bắc Kinh năm 2016, ông Duterte về nước với những cam kết của Bắc Kinh sẽ cho vay cũng như đầu tư khoảng 24 tỷ USD, kể cả cho các dự án quy mô đầy tham vọng của ông Duterte để canh tân cơ sở hạ tầng Philippines. Lúc đó, ông Duterte không tiếc lời chỉ trích Mỹ, thậm chí nói Washington đối xử tệ với Philippines ‘như một con chó’, và vì vậy xoay sang Trung Quốc sẽ tốt hơn cho nước ông.
Nhưng cho tới giờ, chỉ có một phần nhỏ các cam kết của Trung Quốc cho Philippines trở thành hiện thực, khiến ông Duterte bị chỉ trích là đã đồng lõa để cho phép Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, và rằng ông đã bị Bắc Kinh ‘sỏ mũi’.
Richard Heydarian, một nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila, nói khi Chủ tịch TQ đi thăm Philippines tuần này, ông Duterte sẽ cần ông Tập chi tiền ra thực hiện những cam kết để ông có thể biện minh cho những nhượng bộ có tính cách địa chính trị của ông.
Ông Heydarian nói :
"Nếu không, chắc chắn chúng ta có thể kết luận rằng những hứa hẹn và cam kết đó chỉ là những lời nói rỗng, và Philippines đã bị Bắc Kinh lừa đảo. Sự ngây ngô của ông Duterte với Trung Quốc là một vố chiến lược cho Bắc Kinh, không còn nghi ngờ gì nữa. "
Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno nói kỳ vọng rằng tất cả các cam kết của Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực chỉ sau hai năm, là không hợp lý, nhưng các giới chức ở Manila hy vọng sự can thiệp của ông Tập sau chuyến công du Philippines có thể giúp đẩy mạnh các dự án đó.
Kế hoạch quy mô của ông Duterte để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng "Build, Build, Build", là trọng tâm của chiến lược kinh tế của Tổng thống Philippines, bao gồm 75 dự án ưu tiên, trong đó khoảng phân nửa dành riêng cho các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các tài liệu của chính phủ Philippines có thể được truy cập mà Reuters đã xem qua, chỉ có 3 dự án, hai chiếc cầu và một cơ sở thủy lợi, trị giá chung là 167 triệu đồng, là đã bắt đầu được xúc tiến.
Phần còn lại, gồm ba dự án đường sắt, ba đường cao tốc và chín cây cầu, vẫn nằm trong giai đoạn quy hoạch và phân bố ngân sách, hoặc đang chờ Bắc Kinh phê duyệt tài chính, hoặc là đang trong giai đoạn chọn nhà thầu Trung Quốc.
Cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ lên tới 33 triệu USD, khoảng 40% của Hoa Kỳ và khoảng 1/7 các cam kết của Nhật Bản, theo Sở Thống kê Philippines, theo xu hướng tương tự như năm trước đó.
Giao thương giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể, nhưng dữ liệu cho thấy phần lớn chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Áp lực tăng
Ông Duterte không tiếc lời ca tụng Trung Quốc, ngay cả nói ông "yêu" ông Tập, thậm chí có lúc còn đùa rằng Philippines là "một tỉnh của Trung Quốc".
Nhiều người dân thường Philippines cũng như các luật sư quốc tế và các nhà ngoại giao đều bày tỏ phẫn nộ về việc ông Duterte từ khước ngay cả nêu lên với Trung Quốc việc Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016, khi tòa án quốc tế tại La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines, và khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông là "vô căn cứ".
Ngoài ra, ông Duterte còn chống lại việc các nước Đông Nam Á đưa ra một lập trường thống nhất chống hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực tuần trước, ông Duterte cảnh báo chớ nên gây hiềm khích, bởi vì, theo lời ông, Biển Đông "bây giờ đã nằm trong tay của Trung Quốc".
Nhà phân tích Heydarian nói nếu ông Duterte không chứng minh được là chiến lược xoay sang Trung Quốc của ông đã mang về lợi ích kinh tế cho Philippines, thì vị thế của ông sẽ bị suy yếu trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, mà kết quả có thể định đoạt sự thành công hay thất bại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
***************
Trung Quốc và Brunei tuyên bố thúc đẩy việc đồng khai thác Biển Đông (RFI, 20/11/2018)
Thăm Brunei ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ngày 19/11/2018 cho biết là hai nước đồng ý đẩy mạnh việc đồng khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và 4 nước Đông Nam Á trong đó có Brunei.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại cung điện Nurul Iman. Ảnh ngày 19/11/2018. Reuters
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Brunei, nước nhỏ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, để thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng, nhấn mạnh rằng công cuộc hợp tác đó "không ảnh hưởng gì trên các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên".
Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm qua giữa lãnh đạo hai bên, cả Trung Quốc lẫn Brunei đều cho biết họ hài lòng với tiến trình hợp tác về năng lượng và sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trong lãnh vực đó.
Vào năm 2013, nhân dịp quốc vương Brunei thăm Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thành lập một liên doanh giữa tổng công ty dầu khí hải ngoại Trung Quốc CNOOC và tập đoàn dầu hỏa quốc gia Brunei BNPC.
Một năm sau, liên doanh mang tên PBS-COSL đã được đăng ký tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, và bắt đầu xây dựng sáu cơ sở khai thác bao gồm giàn khoan và nhà máy nén khí. Tuy nhiên, công cuộc hợp tác Brunei Trung Quốc rất chậm chạp.
Gần đây, sau khi ASEAN và Trung Quốc quyết định thúc đẩy việc hình thành bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, hy vọng đẩy mạnh được việc đồng khai thác đã gia tăng.
Theo hãng tin Pháp AFP, là một nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu hỏa, trong những năm gần đây, Brunei đã quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để đối phó với các khó khăn xuất phát từ việc giá dầu thế giới sụt giảm, còn mỏ dầu Brunei bắt đầu cạn đi. Dù là một trong 4 nước Đông Nam Á (cùng với Việt Nam, Philippines, Malaysia) mà tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp, Brunei hầu như tránh lên tiếng trên vấn đề này.
***************************
Thủ tướng Hun Sen : Cam Bốt không cho lập căn cứ quân sự nước ngoài (RFI, 19/11/2018)
Phản ứng về một bức thư của phó tổng thống Mỹ Mike Pence tỏ ý lo ngại khả năng Trung Quốc được phép lập căn cứ hải quân tại Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen hôm nay, 19/11/2018, tuyên bố Phnom Penh sẽ không cho lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Cam Bốt 2016. Reuters/Samrang Pring/File Photo
Trong một cuộc họp nội các, mà nội dung được phổ biến trên facebook, ông Hun Sen nói rằng : "Hiến Pháp Cam Bốt cấm sự hiện diện của quân đội nước ngoài hay căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình" và "Cam Bốt không cần bất kỳ nước nào gây chiến tranh trên đất của mình như trong quá khứ".
Theo các nguồn tin báo chí, Bắc Kinh đã gây áp lực với Phnom Penh để được lập một cảng tại Koh Kong ở phía tây nam đất nước. Cảng này được sử dụng như một căn cứ hải quân nằm bên bờ vịnh Thái Lan, cho phép tàu bè dễ dàng vào khu vực Biển Đông. Trước các thông tin như vậy, phó tổng thống Mỹ đã gửi thư cho thủ tướng Hun Sen đề cập đến chủ đề trên.
Thủ tướng Cam Bốt khẳng định đó là những thông tin không đúng sự thật. Ông tố cáo có nhiều người đang "sử dụng sự có mặt đông đảo của các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc như là một cái cớ nhằm vu khống Cam Bốt".
Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bơm vào Vương Quốc Cam Bốt hàng tỷ đô la đầu tư, cũng như tín dụng và nhanh chóng trở thành một đồng minh của chính quyền Hun Sen.
Anh Vũ
Philippines đặt giới hạn mới trong hợp tác trên biển với Trung Quốc (VOA, 22/02/2018)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt ra một ranh giới trong quan hệ hữu nghị đang phát triển nhanh chóng với Trung Quốc bằng việc yêu cầu Trung Quốc không có thêm các hoạt động tại bãi đá ngầm ngoài khơi Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên có thêm các công trình xây dựng trong vùng biển tranh chấp.
Người Philippines tuần hành trước Lãnh sứ quán Trung Quốc ở Makati, Metro Manila, ngày 10/2/2018.
Tổng thống Philippines hôm 6/2 nói ông sẽ không để cho các tàu nước ngoài vào thăm dò bãi đá ngầm Philippine Rise, một khu vực ngoài khơi đảo Luzon phía đông thủ đô Manila. Trước đó, hồi tháng 1 và một lần vào cuối năm 2016, ông đã để cho Trung Quốc khám phá khu vực này. Năm 2016, Tổng thống Duterte đã thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines bằng cách theo đuổi mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc-để đổi lấy các khoản vay, trợ cấp và đầu tư của Bắc Kinh.
Một tuần sau, phát ngôn viên của ông Duterte cho biết trên trang mạng của tổng thống rằng các viên chức chính phủ "phản đối và không công nhận các tên Trung Quốc" đặt cho 5 bãi đá ngầm trong khu vực này.
Hôm thứ Sáu 16/2, Ngoại trưởng Philippines nói rằng hai bên đang thảo luận về việc thăm dò chung ở các phần của Biển Đông mà cả hai bên đều có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao Philippines hôm 14/2 cho hay trong cuộc thảo luận này, Trung Quốc đã cam kết không "xây dựng trên các bãi đá không có người ở" như đã được ghi nhận trong một thỏa thuận đa quốc gia vào năm 2002.
Theo nhà khoa học chính trị Antonio Contreras, thuộc Đại học De La Salle, Philippines, những động thái này đánh dấu sự đảo ngược với sự đồng thuận trước đây của ông Duterte trước việc Trung Quốc sử dụng các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Một số học giả cho biết Philippines có thể đang phản kháng Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi từ bãi đá ngầm này, vốn được cho là giàu trữ lượng khí đốt.
Bãi đá ngầm rộng 13 triệu héc-ta, còn được gọi là Benham Rise, nằm ở độ sâu 35 mét dưới mặt biển tại thềm lục địa bên ngoài khu vực Biển Đông. Vào năm 2012, Ủy ban LHQ về Giới hạn của Thềm lục địa đã chấp thuận tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với bãi đá ngầm này.
*******************
Trung Quốc dùng chính sách "ngoại giao chủ nợ" để tăng cường sức mạnh trên biển (RFI, 20/02/2018)
Hãng tin Reuters ngày 20/02/2018 dẫn nguồn tin từ báo chí Hoa lục cho biết chỉ riêng trong tháng này, đã có đến 11 chiến hạm Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, vào lúc cuộc khủng hoảng ở quần đảo Maldives đang gay gắt.
Một góc cảng Hambantota, Sri Lanka. ©LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP
Theo trang web sina.com.cn, một đội khu trục hạm, một tàu đổ bộ 30.000 tấn và ba tàu dầu đã đi xuyên qua Ấn Độ Dương. Trang tin này khoe khoang : "Nếu nhìn vào các chiến hạm và những trang thiết bị khác, khoảng cách giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc chẳng là bao".
Trang Nikkei ngày 20/02 cho biết thêm, tại Maldives, Bắc Kinh đã biến một đảo hoang thành căn cứ hải quân, bằng cách cắt ngang các rạn san hô xung quanh, tạo thành đường cho các tàu chiến đi qua. Trung Quốc cũng có thể xây các đảo nhân tạo tại đây và quân sự hóa, như đã làm tại Biển Đông.
Cũng nằm trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, ba tàu chiến Trung Quốc đã thăm Maldives cách đây sáu tháng, đậu ở cảng Male, Girifushi và huấn luyện cho quân đội nước này. Việc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Ấn Độ Dương có thể là một thông điệp cho New Delhi, nhằm ngăn chận một sự can thiệp quân sự vào Maldives.
Về kinh tế, sự tranh giành ảnh hưởng tại Maldives giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng thêm đậm nét, sau khi tổng thống Abdulla Yameen ký kết tham gia dự án "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh.
Tổng thống đương nhiệm Yameen đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mua lại các hòn đảo của nước mình qua việc sửa đổi Hiến Pháp năm 2015, nhằm hợp pháp hóa việc nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives. Hiến Pháp tu chính dường như chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc : các dự án xây dựng phải có giá trị tối thiểu 1 tỉ đô la. Khi trao cho Bắc Kinh các hợp đồng tài trợ cơ sở hạ tầng, ông Yameen đã buộc đất nước phải gánh thêm một núi nợ nần.
Trong khi đó ông Mohamed Nasheed, tổng thống đầu tiên và duy nhất được bầu lên một cách dân chủ, khẳng định Maldives không thể hoàn trả nổi số nợ 1,5 đến 2 tỉ đô la cho Trung Quốc, tương đương 80% tổng nợ quốc gia. Ông than thở : "Trung Quốc không cần bắn một phát súng nào mà vẫn chiếm được nhiều đất đai tại Maldives hơn người Anh trong thế kỷ 19".
Trong số những hòn đảo không người ở mà Trung Quốc thuê lâu dài tại Maldives có Feydhoo Finolhu, nằm gần thủ đô Male, trước đây dùng làm nơi huấn luyện lực lượng cảnh sát ; đảo Kalhufahalufushi có chiều dài 7 km có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Trung Quốc chỉ phải trả 4 triệu đô la cho đảo Feydhoo Finolhu, bằng cái giá một căn hộ sang trọng ở Hồng Kông, đảo Kalhufahalufushi thậm chí còn rẻ hơn.
Trung Quốc, nước duy nhất ủng hộ tổng thống độc tài Yameen của Maldives từ khi ông này lên nắm quyền năm 2013, khẳng định việc thuê mua dài hạn các hòn đảo của nước này chỉ nhằm mục đích thuần túy thương mại. Tuy nhiên các dự án cảng khác của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương, được cho là đơn thuần kinh tế, nay đã mang tầm vóc quân sự.
Chẳng hạn sau khi cho Djibouti vay nhiều tỉ đô la, năm 2017 Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Tại Pakistan, Bắc Kinh huy động tàu chiến để bảo vệ cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng, và chuẩn bị lập một căn cứ quân sự gần đó.
Nikkei nhận định, mỗi món vay đều nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà tờ báo gọi là "ngoại giao chủ nợ". Chính sách ngoại giao này đã gặt hái được thành công lớn vào tháng 12/2017, khi Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm với giá 1,12 tỉ đô la. Trước đó, sau khi mua lại phần lớn cảng container Colombo, các tàu ngầm Trung Quốc đã lặng lẽ vào trú đóng tại đây. Ở Miến Điện, cảng nước sâu Kyauk Pyu do Bắc Kinh tài trợ, cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự.
Nhìn chung, không chỉ có Maldives, mà nhiều nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc như Bangladesh, Miến Điện, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đều lọt bẫy nợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Ông John Adams (1797-1801), vị tổng thống thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ từng nói : "Có hai cách để chinh phục và nô dịch một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh gươm, và cách thứ nhì là nợ nần". Theo Nikkei, Trung Quốc đã chọn phương cách thứ hai. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có lần gọi Trung Quốc là "đế quốc mới", sử dụng các chính sách giống như thời kỳ Châu Âu đi chiếm thuộc địa.
Mao Trạch Đông từng khẳng định "chính quyền trên đầu nòng súng". Nhưng cũng theo Nikkei, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc đầu tiên trong lịch sử đương đại không hề có đồng minh thực sự, có thể thêm vào đó một nguyên tắc khác : mua tình hữu nghị bằng cách mở rộng hầu bao. Trung Quốc đang lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình, bằng cách nhấn chìm họ trong nợ nần.
Thụy My
*********************
Philippines lo ngại xung đột Mỹ - Trung ở Biển Đông (VOA, 20/02/2018)
Nguy cơ từ "các tính toán sai lầm" và xung đột đã gia tăng ở Biển Đông vì Trung Quốc nay mạnh hơn về quân sự có thể thách thức Hoa Kỳ, vốn từng thống trị ở vùng biển chiến lược này, theo nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines ở Bắc Kinh hôm 19/2.
Máy bay Mỹ bay trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 20/1.
AP dẫn lời Đại sứ Chito Sta. Romana nói rằng cán cân quyền lực đang dịch chuyển khi hai cường quốc tìm cách kiểm soát vùng lãnh hải, đồng thời nói thêm rằng Philippines không nên bị vướng vào cuộc cạnh tranh lãnh hải căng thẳng này.
Hoa Kỳ thời gian qua đã đưa tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông để thực thi "quyền tự do hàng hải" và vấp phải phản đối của Trung Quốc.
"Trước đây, Hạm đội 7 của Mỹ thống trị Biển Đông, giờ thì hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thách thức sự thống trị đó", Sto. Romana nói tại một diễn đàn ở Manila. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một sự dịch chuyển cán cân quyền lực".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này nói thêm, đề cập tới hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson mới tuần tra Biển Đông và hiện thăm Philippines : "Hoàn toàn không phải là Biển Đông giờ đã là ao hồ của Trung Quốc. Hãy nhìn hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn băng qua Biển Đông".
Ông Sto. Romana so sánh cuộc đối đầu của hai cường quốc như là hai con voi đánh nhau và dẫm đạp nát cỏ. "Điều chúng ta không muốn là làm cỏ", ông nói.
Đại sứ của Philippines nói rằng chính sách làm bạn với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte đã có kết quả, với việc Bắc Kinh quyết định gỡ bỏ việc phong tỏa bãi Second Thomas Shoal mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ mây.
Chính quyền của Trump đã vạch ra một chiến lược an ninh mới, trong đó nhấn mạnh tới việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh và Mỹ thường chỉ trích nhau gây ra cuộc chạy đua vũ trang và tìm cách gây ảnh hưởng rộng lớn, theo AP.
Các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào "luật pháp quốc tế cho phép" trên vùng biển chiến lược này, Thiếu tá Tim Hawkins, sĩ quan hải quân Mỹ, tuyên bố.
**********************
Trước các thông tin dồn dập về việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại khẳng định rằng các tiền đồn mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng ở Trường Sa chỉ nhằm chống Mỹ mà thôi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đón tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại phủ tổng thống ở Manila, ngày 15/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Philippines-Trung Quốc tổ chức ở Manila, ngày 19/02/2018, với sự tham dự của ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tổng thống Duterte đã giảm nhẹ hẳn mức độ nghiêm trọng của các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thậm chí, ông còn cho rằng các căn cứ quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Biển Đông chỉ có mục tiêu phòng thủ trước nước Mỹ, chứ không phải nhằm đối phó với Philippines và các láng giềng Đông Nam Á.
Ông Duterte đồng thời phản bác những lời chỉ trích ông là "hèn nhát" trước Trung Quốc khi cho rằng ông sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích, và "sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà Philippines không thể thắng".
Hãng tin Anh nhận định : Philippines và Trung Quốc từng căng thẳng với nhau trong nhiều năm trời vì các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Duterte, quan hệ hai bên đã cải thiện hẳn lên, với việc lãnh đạo Philippines ra sức chiêu dụ Bắc Kinh để tranh thủ các lợi ích thương mại và kinh tế.
Lập luận cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông chỉ để chống Mỹ cũng được đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, khai triển thêm cũng tại diễn đàn ở Manila, với nhận định cho rằng tương quan lực lượng Mỹ-Trung tại Châu Á đang dịch chuyển, và cụ thể là ở Biển Đông : "Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chống lại thế thống trị của hạm đội 7 Hoa Kỳ".
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho rằng "Biển Đông chưa phải là ao nhà của Trung Quốc" vì tàu sân bay Mỹ chẳng hạn vẫn đi ngang qua đó, ý muốn nói đến chiếc USS Carl Vinson vừa ghé cảng Manila. Thế nhưng theo ông, rủi ro xẩy ra xung đột võ trang trong vùng đang gia tăng do thế đối đầu Mỹ-Trung hiện nay.
Ông đã dùng đến hình tượng hai con voi đấu nhau làm cỏ dưới đất bị đạp nát để cho rằng "Có ai muốn làm bãi cỏ đâu".
Theo hãng tin Mỹ AP, đại sứ Romana đã ca ngợi lợi ích của chính sách xích lại gần Bắc Kinh của Manila, nêu lên ví dụ về việc Trung Quốc đã không còn phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thoomas Shoal) ở Trường Sa, bên trên có một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines thường trú, hay đã cho phép ngư dân Philippines đến đánh bắt tại bãi Scarborough Shoal mà Trung Quốc đã lấn chiếm vào năm 2012 sau khi xua đuổi tàu thuyền của Philippines.
Trọng Nghĩa
******************
Ông Duterte muốn Philippines thành tỉnh của Trung Quốc ? (VOA, 19/02/2018)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/2 tìm cách giảm bớt sự lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời bông đùa muốn trao Philippines cho Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Phát biểu trước các doanh nhân Trung Quốc và Philippines, theo Reuters, ông Duterte cho rằng Bắc Kinh làm vậy để chống Mỹ thay vì đương đầu với các quốc gia láng giềng.
Nhà lãnh đạo được coi là trực ngôn này cũng đổ lỗi cho các chính phủ tiền nhiệm đã không xây dựng tuyến phòng thủ của Philippines ở quần đảo Trường Sa lúc Bắc Kinh mới bắt đầu xây các đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân sự.
Trung Quốc và Philippines từng có thời đối đầu nhau về Biển Đông, nhưng quan hệ song phương cải thiện đáng kể dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Duterte.
Về những lời chỉ trích về việc không hành động đủ mạnh trước Trung Quốc ở Biển Đông, nhà lãnh đạo này từng nói rằng ông "sẽ không để người Philippines chết một cách không cần thiết".
"Tôi sẽ không tham gia cuộc chiến mà mình sẽ không bao giờ chiến thắng", ông Duterte nói.
Theo Reuters, trước khi kết thúc bài phát biểu hôm 19/2, ông Duterte bông đùa, đề nghị trao và biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc.
"Nếu quý vị muốn, quý vị có thể biến chúng tôi trở thành một tỉnh như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, nước Cộng hòa Trung Hoa", ông Duterte đùa.
**********************
Philippines và Trung Quốc thảo luận về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông (RFI, 19/02/2018)
Vào tuần trước, Philippines và Trung Quốc đã họp tại Manila để thảo luận về khả năng thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông. Đó là thông báo của ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano với các phóng viên vào ngày 16/02/2018 và được hãng tin Bloomberg loan tải hôm qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte nhân diễn đàn "Một vành đai, một con đường", Bắc Kinh ngày 15/05/2017. Reuters/Etienne Oliveau
Theo lời ngoại trưởng Philippines, trong vòng ba tháng tới, Manila sẽ cùng với Bắc Kinh đúc kết một hiệp định khung để hai nước có thể tiến hành thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, tại các khu vực mà Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Ông Cayetano cho rằng dự án này là rất quan trọng đối với Philippines, vì mỏ khí Malampaya theo dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Đây vẫn là nguồn cung cấp khí cho nhiều nhà máy điện của Philippines.
Theo ông Cayetano, các quan chức bộ Quốc Phòng, Năng Lượng và Ngoại Giao đang soạn thảo hiệp định khung cho phía Philippines, nhưng ông khẳng định ngay là văn bản này sẽ theo đúng tinh thần của Hiến Pháp Philippines và sẽ được Tòa Án Tối Cao xem xét kỹ lưỡng.
Ngoại trưởng Philippines nhắc lại là đã có tiền lệ về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, chẳng hạn như vào năm 2004, ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành khảo sát địa chấn chung ở vùng biển này. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, cho tới nay, Tòa Án Tối Cao Philippines vẫn còn đặt vấn đề về tính hợp pháp của dự án đó.
Ngày 15/02 vừa qua, đại sứ Philippines ở Bắc Kinh, Chito Sta. Romana cho biết, nhóm nghiên cứu về khả năng thăm dò dầu khí chung giữa Trung Quốc với Philippines sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong năm nay.
Thanh Phương
****************
Các chiến binh ISIS xâm nhập Philippines (RFA, 20/02/2018)
Các chiến binh khủng bố ISIS ở Trung Đông đang xâm nhập Philippines.
Ông Ebrahim Murad, Chủ tịch Mặt trận Hồi giáo giải phóng Moro, nói chuyện tại một diễn đàn tại Manila ngày 20/2/2018. AFP
Ông Ebrahim Murad, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo ly khai Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro tại miền Nam Philippines nói như thế với các phóng viên vào ngày thứ ba 20/2/2018.
Trước đó, Mặt trận giai phóng Hồi giáo Moro đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ để đổi lấy quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng Hồi giáo tại miền Nam Philippines.
Ông Ebrahimm Murad còn nói là nhóm ISIS này đã lên kế hoạch tấn công hai thành phố nhỏ trên đảo Mindanao miền Nam Philippines là Iligan và Cotabato, nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được.
Dựa trên những thông tin tình báo do nhóm ly khai Mặt trận Moro thu thập được, thì những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mindanao đang tuyển mộ tàn quân ISIS từ Trung Đông, tích cực tuyên truyền quan điểm cực đoan dưới vỏ bọc kinh thánh Koran tại các vùng làng mạc hẻo lánh.
Những thông tin được ông Ebrahim Murad đưa ra về mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố được đưa ra chỉ vài tháng sau khi quân đội Phi dẹp tan được cuộc tấn công của các lực lượng khủng bố có quan hệ với ISIS vào thành phố Marawi miền Nam nước này vào năm ngoái.
Trận đáng ở đây kéo dài đến 5 tháng với khoảng 1100 người thiệt mạng.
Đứng trước mối đe dọa hiện nay ông Ebrahim Murad nói rằng Quốc hội Phi cần sớm thông qua dự luật cho phép miền Nam có nhiều quyền tự trị hơn của cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số tại đây.
Bản thân Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, sau thời gian nổi dậy đòi ly khai với chính phủ trung ương tại Manila cũng đã ngồi vào bàn đàm phán, nhưng ông thận trọng nói rằng không thể chiến thắng được chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo nếu không kiến tạo được hòa bình ngay trong Quốc hội.